Hãy cứu ngành nail Việt bằng cách đi biểu tình ngày 23/1

Vào 10h sáng ngày 23/1/2019 tới đây, tại tòa án tối cao Royal Courts of Justice sẽ diễn ra phiên kháng cáo về vụ "Nô lê thời hiện đại tại tiệm nail Việt'', trong đó gia đình Ken, Susan và Jenny bị kết án tổng cộng 11 năm tù. Đây là lần ra tòa tối cao, cũng là tòa cuối cùng để kháng án.

Đây là một vụ án oan và cộng đồng người Việt đang kêu gọi biểu tình vào sáng 23/1 tại tòa án, để minh oan cho những người bị oan, đồng thời ngăn chặn việc Pháp luật Anh đưa kết quả vụ án này thành một án lệ ''để hợp thức hoá luận điệu “Nô lệ thời hiện đại” áp đặt lên cộng đồng người Việt chúng ta tại Uk. Đây không đơn thuần là một bản án cá nhân, mà nó đánh thẳng vào chính xương sống của cả cộng đồng người Việt tại UK. Luận điệu ấy làm cho ngành nails chao đảo trong suốt hai năm qua. Khi mà khái niệm “Nô lệ thời hiện đại” được thực thi, thì tất cả ngành nails bị khám xét một cách oan uổng... làm cho lượng lao động ít đi, việc tìm kiếm thợ trở nên quá khó khăn....nhiêu đó kéo theo thu nhập ngành nails đi xuống quá sâu. Làm ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề khác của người Việt tại đất nước này'', trích lời MC Nguyen Duong ở Birmingham. 

Cô Jenny và anh Ken, hai nạn nhân trong vụ oan sai đang rất cần sự giúp đỡ của người Việt.

TÌNH TIẾT VỤ ÁN

Ngày 2/1/2018, tại toà án hình sự Stafford Crown Court: 

- Hai vợ chồng anh V Nguyen (Ken, 29 tuổi), chị G Tran (Susan, 23 tuổi) - đến từ Burton bị kết án vì tội âm mưu bắt, cưỡng ép người khác làm việc.

- Anh V Nguyen bị kết thêm tội âm mưu sắp xếp, vận chuyển người với mục đích làm nô lệ lao động.

- Cô H Nguyen (Jenny, 48 tuổi) đến từ Bath bị kết tội âm mưu cưỡng ép người khác làm việc và dàn xếp vận chuyển người để làm nô lệ lao động.

Kết luận: Anh V Nguyen nhận án 4 năm tù, chị G Tran 2 năm tù treo (được tại ngoại nhưng nếu phạm tội tiếp sẽ phải ngồi tù), và cô T Nguyen 5 năm tù.

Ghi nhận của cảnh sát: 

- Tại cơ sở kinh doanh Nail Bar Deluxe ở Bath, cảnh sát đã phát hiện 2 cô gái người Việt 16,17 tuổi đang làm nails cho khách. Các cô phải làm 60 giờ mỗi tuần. Một trong 2 người chỉ được trả khoảng £30/tháng, còn người thứ 2 thì không được nhận lương. Họ sống tại một căn nhà có 4 phòng ngủ thuộc sở hữu của Jenny ở Bath. Một người sống trong 1 căn phòng nhỏ xíu, trong khi người còn lại phải ngủ trên một tấm nệm ở tầng áp mái. Cả 2 nạn nhân đã được đưa vào Anh trên xe thùng.

- Khi đột kích nhà của Jenny, cảnh sát đã tìm thấy £60,000 được giấu trong một con gấu bông và một tủ đựng đầy những chiếc túi hàng hiệu trị giá hàng nghìn bảng Anh. Jenny cũng sở hữu một dãy phòng trọ tại Bath. 

- Các thiếu nữ này đã được đưa tới nhà Tây nhưng đã bỏ trốn. Và sau đó được cho là bị bán đến tiệm nail của vợ chồng anh Ken tại Abbey Arcade, ở Burton-on-Trent, Staffordshire. 

TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC 

Câu chuyện của chị G Tran (người bị tù treo 2 năm) được đăng trên một tờ báo người Việt ở Anh: 

“Tháng 2/2016 shop của chị Hương bị kiểm tra, 2 bạn Sen và Lily bị bắt. Sau đó các bạn được đưa đến nhà Tây và đều trốn ra chỉ sau vài tuần. (Thời điểm này mình vẫn chưa biết chị Hương là ai và bạn Sen mới trốn từ nhà Tây ra.)

Đầu tháng 3/2016, mình mở thêm shop nên có nhu cầu tuyển thợ. Khi đó có bạn Jimmy gọi điện thoại tới và nói rằng muốn tìm việc cho bạn gái. Hai bên đã liên lạc, trao đổi với nhau và bạn gái của Jimmy đồng ý tới tiệm thử việc. (Mọi liên lạc lúc này đều thông qua bạn Jimmy.)

Sau đó vài ngày, bạn gái của Jimmy đi tàu xuống. Bạn ấy nói tên là Sen và có nhờ chồng mình ra bến tàu đón. Ngày 16/3/2016, 8 ngày sau ngày đón bạn Sen tới thử việc, cảnh sát Somerset mặc thường phục đã vào kiểm tra tiệm. Họ đi tìm trẻ bị thất lạc và được báo là “trẻ” đó đang ở shop của mình.

Vì mới có 8 ngày nên mình cũng chưa biết gì nhiều về bạn Sen. Nhưng sau này, theo kết quả điều tra, mình mới biết rằng bạn ấy đã trốn khỏi nhà Tây và bị cảnh sát lần theo sóng điện thoại từ Somerset tới Burton-on-Trent. Mục đích kiểm tra shop hôm đó là để tìm bạn Sen vì chỉ có cảnh sát từ Somerset vào thôi, hoàn toàn không có người từ Bộ Nội vụ, kể cả cảnh sát khu vực của Burton cũng không có mặt.

Đó là “mối liên kết” duy nhất mà bên công tố sử dụng để kết luận vợ chồng mình có âm mưu cấu kết với chị Hương và Jimmy để vận chuyển trái phép và ép người làm nô lệ. Trong vụ này bằng chứng duy nhất mà bên công tố đưa ra là dựa trên sóng điện thoại của bạn Sen khi di chuyển về đây, cùng sóng điện thoại nhà mình khi đi đón bạn ấy ở bến tàu, và theo thời gian sóng điện thoại của bạn khi ở Burton 8 ngày.

Trong lúc shop của mình bị kiểm tra thì còn một bạn tên Bành là người mới tới shop thử việc 4 ngày. Bạn này lúc đầu ở Nottingham, sau khi liên lạc trên điện thoại, bạn ấy đã đồng ý xuống thử việc. Khi đó nhà mình có việc chạy lên Nott nên tiện đường rẽ qua đón bạn về cùng luôn. Và một lần nữa, theo sóng điện thoại, bên công tố kết luận mình vận chuyển bạn ấy xuống Burton để ép làm nô lệ.

Mọi việc chỉ có vậy, cũng như bao shop ngoại tỉnh khác thì đa số đều bao ăn ở. Bên công tố cho rằng mình bao ăn ở cho các bạn ấy để không phải trả tiền cho các bạn nữa. (Ý là dụ dỗ vì các bạn ấy là trẻ con, không có nơi nương tựa và vì các bạn không có sự lựa chọn nào nên bắt buộc phải làm để đổi lấy chỗ ăn ở). Mọi chuyện diễn ra chỉ vỏn vẹn tất cả trong 8 ngày đó.

Đến khi cả 2 vợ chồng bị bắt giam 30 tiếng rồi mà vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mọi thứ diễn tiến quá nhanh trong khi mình chưa hề lường trước được gì cả. Thời gian 8 tuần ra toà là một quãng thời gian rất dài. Lúc này đây mình mới biết chị Hương là ai và tại sao 2 gia đình cách nhau 150 dặm lại có thể liên quan tới nhau và được cho là có âm mưu cấu kết với nhau ạ.

Tuần nào cũng từ thứ 2 tới thứ 6, 10h sáng tới 5h chiều, trong vòng 8 tuần trời, mình phải ngồi nghe những câu chuyện bên công tố vẽ ra và lập luận một cách bài bản. Mà thực sự càng nghe mình càng thấy nực cười vì nó quá sức vô lý. Về phía ông Thẩm phán, ông ấy có phần thiên vị bên công tố nhiều hơn thấy rõ. Mỗi lần trạng sư của các bị cáo lên tiếng, ông thường tìm cách bác bỏ ý kiến và không muốn lắng nghe. Cách hướng dẫn luật cho 12 người thuộc bồi thẩm đoàn cũng không rõ ràng để khiến họ nghĩ theo chiều hướng tồi tệ hơn cho các bị cáo.

Stafford là thành phố với đa số là Tây trắng nên dù sao họ cũng hơi có hướng gọi là phân biệt đối xử với người nước ngoài. Trong thời gian toà diễn ra lại có rất nhiều bài báo đăng tin về các vụ buôn bán trẻ em, tỉ lệ các trẻ em Việt Nam trốn khỏi nhà Tây và mất tích. Cũng có thể một phần do báo chí đăng và thông tin trên mạng xã hội nhiều nên đã khiến cho các thành viên bồi thẩm đoàn càng có cái nhìn khác về người Việt Nam mình, đặc biệt đối với các bị cáo trên toà. Đó có thể là lí do mà cả 12 người thuộc bồi thẩm đoàn đều kết tội cho cả 3 bị cáo. Nếu lần tới mà chúng tôi không kháng cáo thành công thì đây sẽ là vụ án mẫu cho tất cả các bản án sau này, và dự là sẽ có rất nhiều gia đình có thể phải chịu án oan như gia đình mình và chị Hương.

Trong 2 năm qua gia đình mình đã phải chịu bao sóng gió. Tất cả tài sản, các tài khoản đều bị niêm phong. Chân thì bị đeo Tag, không được ra khỏi nhà sau 9h tối. Đặc biệt, HÀNG NGÀY đều phải đi kí tại đồn cảnh sát trong suốt 1 năm trời. Sau bao nhiêu năm làm lụng, vất vả tích góp để giờ phút này nhìn lại mình thực sự dường như đã mất tất cả. Tiền bạc là một phần, đến quyền con người còn mất huống chi là những thứ khác.

Con mình sinh ra thì chưa được nhìn thấy mặt cha, mình thì 1 nách nuôi 2 con nhỏ. Đối với một bà mẹ như mình thì mình biết làm gì để kêu oan được đây. Đã có thời điểm mình bị trầm cảm sau sinh vì phải lo nghĩ quá nhiều chuyện. Nhưng rồi sau tất cả, vì con mình cũng phải dũng cảm đứng dậy. Dù trái đất có sụp đổ mình cũng phải bảo vệ con mình để không bị Bộ Xã hội bắt đi. Trước đó Bộ Xã hội có nói, nếu mình có phải đi tù thì họ sẽ cố gắng tìm cho nhà tù nào mà mình có thể mang baby vào cùng. Nghe mà đau lắm, con mình nào có tội tình gì chứ. Nghĩ tới cảnh đó mình không thể cầm lòng, ắt hẳn bất cứ ông bố bà mẹ nào sau tất cả mọi chuyện cũng phải nghĩ cho con mình đầu tiên thôi à. Tại sao một đất nước văn minh thế này mà còn có án oan và giờ mình cũng không biết đặt niềm tin cuối cùng của mình vào đâu nữa''.

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT CÓ THỂ LÀM GÌ?

1. Tham gia hoạt động biểu tình vào sáng 23/1 tại tòa Royal Courts of Justice. Địa chỉ như hình trên, các bạn nên đến sớm một chút nhé. Thông tin chi tiết tại link: https://www.facebook.com/events/294211034785374/

2. Quyên góp cho quỹ “Justice for Kent, Susan and Jenny” trên trang Gofundme theo link: https://www.gofundme.com/justice-for-kent-susan-and-jenny . Hiện nay, quỹ đã kêu gọi được 4,410 bảng. Một số tiền rất đáng khích lệ.

3. Share thông tin về hoạt động biểu tình và chiến dịch quyên góp, dùng mạng xã hội hoặc truyền miệng để tin này được lan rộng hết mức có thể. Dán tấm poster bên dưới lên shop của bạn nhé.

Viethome tổng hợp