• Theo điều luật di trú Úc, những người sống bất hợp pháp muốn được cấp visa kết hôn thì ngoài những yêu cầu cơ bản, họ phải đưa ra được lý do bắt buộc – compelling reasons để xin miễn một điều khoản cấm, hay còn gọi là điều khoản 3.

    Thông thường, có con với người có quốc tịch Úc hoặc thường trú nhân Úc được coi là lý do bắt buộc để được miễn điều khoản 3, nhưng có thai vẫn chưa được tính vì đứa bé chưa chính thức chào đời. Vậy nếu có thai, chưa sinh con và hết hạn visa thì phải chấp nhận về nước?

    Bộ Di Trú sẽ nghiêm khắc và rất nhiều người phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để về Việt Nam để nộp visa kết hôn vì không đáp ứng được điều khoản này khi sống bất hợp pháp. Nhưng trường hợp của cô bé tên Hương (đã đổi tên) mà chúng tôi thực hiện thì điều khoản 3 được miễn thành công trước khi cô hạ sinh em bé. Mọi chuyện bắt đầu từ sự thiếu kiến thức và non nớt trong suy nghĩ của vợ chồng của Hương dù cả hai đến với tôi trước khi visa của cô hết hạn. Lúc tôi gặp Hương thì em chưa đủ 18 tuổi – quá trẻ để kết hôn theo luật, nhưng đợi đến khi đủ tuổi để kết hôn thì Hương đã ở quá hạn visa.

    Vì muốn ở lại Úc và sợ nếu về Việt Nam thì sẽ khó quay trở lại, nên Hương đánh liều ở Úc bất hợp pháp. Đến khi đã đủ tuổi kết hôn và đã có đủ kinh phí thì Hương tìm đến tôi để nộp hồ sơ. Nhưng “đời không như là mơ” khi Hương quên một điều quan trọng rằng: visa của em đã hết hạn, em phải có con thì mới có thể được miễn điều khoản 3. Lúc này Hương chưa có thai, và em cũng không muốn có con vì còn quá trẻ. Tuy nhiên luật rất nghiêm khắc nên tôi bảo rằng nếu không có con, thì hồ sơ sẽ hoàn toàn thất bại. Khả năng em phải rời Úc để nộp lại hồ sơ là rất cao.

    Mặc dù vậy, Hương vẫn khăng khăng muốn nộp hồ sơ, và tôi không nỡ đành lòng chối từ khi biết em đơn độc nơi xứ lạ quê người. Thêm nữa, tôi giúp Hương vì khát vọng muốn đổi đời và hy vọng vào cuộc sống mới ở Úc của em quá lớn. Tôi bảo Hương rằng em nên sinh con trong khoảng thời gian chờ đợi visa được xét thì khả năng chiến thắng cao khi ra tòa. Còn nếu Hương có con trước khi Di Trú xét hồ sơ thì có thể không cần ra tòa, và tôi sẽ tự tin làm visa hôn nhân thành công như em mong muốn. 

    Đứa con chưa chào đời vẫn có thể là bằng chứng thuyết phục

    Bẵng đi một thời gian sau khi nộp hồ sơ, tôi vui mừng khi Hương thông báo rằng em đã có thai. Nhưng rồi chuyện gì đến cũng đến, Bộ Di Trú yêu cầu đưa ra lý do thuyết phục để tin rằng Hương nên được miễn điều khoản 3. Ngặt nỗi lúc này Hương còn hơn 2 tháng nữa mới sinh em bé. Đối với Bộ Di Trú, mang thai thì vẫn chưa chắc chắn bởi em bé chưa sinh ra, chưa hiện hữu nên không được xem là có con chung với thường trú nhân hoặc công dân Úc.

    Tình thế đang ở trong tiến thoái lưỡng nan bởi một mặt thì Bộ Di Trú gắt gao cần giải trình, một mặt thì đứa trẻ chưa ra đời khó trở thành điều kiện thuyết phục. Với kinh nghiệm giải quyết các chuyện éo le, tôi phải cố gắng đưa ra lý do làm sao cho thuyết phục dù em bé chưa được sinh ra. Ngay lúc này, tôi lại phải làm thêm người động viên tinh thần cho Hương bởi em đã tính bỏ cuộc ở cấp Di Trú, em không muốn giải trình hay làm thêm bất kỳ điều gì và chấp nhận ra tòa vào “phút cuối”.

    Trực giác cho tôi biết rằng giải trình hồ sơ lần này sẽ thắng, tôi hứa với lòng rằng sẽ giúp hết sức cho Hương lấy được visa ngay ở cấp Di Trú mà không cần phải ra tòa.

    Thế là tôi soạn một bản tường trình pháp lý để xin miễn điều khoản 3. Khoảng thời gian chuẩn bị gấp rút với cả tuần cố sức thức trắng đêm, tôi đã tham khảo nhiều án lệ và các luận điểm quan trọng. Nội dung được cô đọng súc tích chỉ vỏn vẹn 5 trang giấy đầy thuyết phục. Trong đó, chúng tôi “xoáy” vào lý do Hương đang mang thai, và cái thai đã lớn không thể nào ép Hương về Việt Nam để sinh con được. Nếu Hương phải về thì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi và cả người mẹ. Tôi tin vào “tình người” và sự công bằng của luật Úc. Thông qua nhiều dẫn chứng, cộng thêm một số lý do nhỏ khác xoay quanh gia cảnh Hương ở Úc tôi đã có một bản giải trình hoàn hảo.

    Bên cạnh đó, tôi cũng đưa ra lý do rằng, nếu hồ sơ bị từ chối thì chúng tôi cũng khiếu nại. Đến lúc đó thì em bé cũng đã được sinh ra, và hồ sơ tòa cũng sẽ thắng. Nếu Di Trú cấp visa bây giờ thì sẽ là phương án giải quyết tốt hơn việc ra tòa, tiết kiệm chi phí – công sức – thời gian cho cả Di Trú, Tòa, và đương đơn.

    Hạnh phúc vỡ òa

    Thật vui mừng khôn xiết khi chỉ sau vài ngày đưa giải trình lên, Bộ Di Trú yêu cầu Hương đi khám sức khỏe và bổ sung lý lịch tư pháp mới để cấp visa. Điều này đồng nghĩa rằng Bộ Di Trú đã chấp thuận và những bước chân còn lại đến “giấc mơ Úc” đã không còn là chuyện xa vời.

    Hương rất bất ngờ vì em vẫn chưa hạ sinh em bé mà đã được miễn điều khoản 3. Điều này khiến Hương lên tinh thần rất nhiều nên nên việc khám sức khỏe không gặp khó khăn và còn có dấu hiệu thai nhi khỏe mạnh. Hương bày tỏ sự vui mừng vì không phải ra tòa, tiết kiệm được chi phí để nuôi con. Cuối cùng, Hương cũng đã an tâm với những dự định ở Úc được bảo đảm bằng tấm “vé visa”.

    Có một sự thật hiển nhiên rằng khi bạn không bỏ cuộc và quyết theo đến cùng, thì mọi cố gắng sẽ được đền đáp thỏa đáng. Và niềm vui vỡ òa của đương đơn cũng tỉ lệ thuận với sự sung sướng chúng tôi.

    Viethome (theo Di Tru Dao Nguyen)

  • Người Việt trả tới hơn 30.000 bảng Anh cho các đường dây buôn người để vào Anh, với hy vọng sẽ có một cuộc sống 'vương giả' ở nước này, một báo cáo mới cho hay.

    Theo báo cáo của Trưởng Cao ủy chống Nô lệ tại Anh Quốc, ông Kevin Hyland, có một hệ thống đưa lậu người Việt sang Anh với hai mức giá khác nhau, phóng viên chuyên về nội vụ của Press Association, Hayden Smith viết.

    Bài viết mô tả rằng những ai chọn dịch vụ "cao cấp" sẽ phải trả khoảng 33.000 bảng Anh và được hứa hẹn sang Anh với con đường ngắn nhất và mức rủi ro thấp nhất.

    Báo cáo này mô tả việc đưa người lậu vào Anh như một ngành kinh doanh lớn, và đưa ra bằng chứng rằng các tổ chức buôn lậu người ở Việt Nam phóng đại về độ tin cậy với dịch vụ của họ và các nguồn lợi ích tài chính có thể kiếm được ở Anh.

    Văn bản này dẫn lời của một người được phỏng vấn cho biết cô đã trả 25.000 USD (khoảng 19.000 bảng) cho đường dây buôn người nhưng con đường sang Anh và kết quả "không được như lời quảng cáo".

    Người phụ nữ này nói:

    "Tôi được hứa hẹn là cuộc sống tương lai sẽ như một bà hoàng ở Anh (a queen in the UK), thức ăn ngon, quần áo đẹp, công việc nhẹ nhàng với mức lương cao."

    "Tôi kỳ vọng sẽ có một mức sống cao. Tôi lên máy bay, sau đó lên xe hơi rồi xe tải - nhưng tôi không biết họ đã đưa tôi đi qua những nước nào."

    "Tôi đi mất hai tháng. Không có chuyện bạo lực hay bóc lột trên đường nhưng chuyến đi đó rất vất vả. Chuyến đi tốn kém hơn thỏa thuận lúc đầu và tôi không có được công việc mà họ hứa hẹn với tôi."

    Báo cáo này cũng nói những kẻ buôn người đang tìm cách khai thác kẽ hở trong quy trình cấp thị thực vào Anh.

    "Những quyết định cấp thị thực được đưa ra dưới sức ép về thời gian. Chúng tôi cho rằng những nhóm buôn người biết điều này và sử dụng dịch vụ thị thực khẩn vì họ nghĩ những đơn xin thị thực loại này sẽ không bị xét kỹ," báo cáo viết.

    Bài của Hayden Smith cũng trích lời từ bản phúc trình nói các đường dây buôn người sử dụng các đại lý xin thị thực cho sinh viên sang Anh. Sau đó các sinh viên này biến mất và các nhóm buôn người sẽ lấy thị thực của họ dùng cho những người trông giống các sinh viên này.

    Báo cáo cho thấy người Việt được đưa lậu vào Anh thường làm các công việc lao động chân tay, như trong các tiệm móng chân móng tay và trại trồng cần sa, cũng như trong ngành mại dâm.

    Báo cáo khuyến nghị chính phủ Anh có các biện pháp quản lý các tiệm móng tay móng chân chặt chẽ hơn nhằm ngăn ngừa chuyện các cơ sở này trở thành các điểm lao động bất hợp pháp hay bóc lột lao động.

    Một trường hợp mà báo cáo này nêu là một thiếu niên Việt Nam bị bắt làm việc ở hai tiệm nail. Em phải nộp hết thu nhập cho những kẻ buôn người và bị chúng nhốt.

    Báo cáo nói những nỗ lực nhằm chống tình trạng bóc lột lao động và nô lệ hiện đại trong ngành làm nail rất "khó khăn".

    "Mặc dù các tiệm nail rất được chuộng và có nhiều người làm việc trong nghề này, nghề làm móng chân móng tay vẫn là ngành ít có quy định và những quy định hiện nay dường như chỉ mang tính tự nguyện," báo cáo nói. Báo cáo kêu gọi Bộ Nội vụ Anh xem xét phương án cấp giấy phép cho các tiệm nail.

    Báo cáo cũng nói những người trồng cần sa Việt Nam giờ đã trở nên "tinh vi hơn" và tránh bị phát hiện bằng các biện pháp cản nhiệt. Nhiều trẻ em và người lớn Việt Nam dễ bị tổn thương được thuê làm những công việc cấp thấp trong các trại trồng cần sa. "Hình thức nô lệ hiện đại này đang rất phổ biến trong cộng đồng Việt Nam," báo cáo viết.

    Báo cáo này cũng nói thêm có nhiều trường hợp nạn nhân Việt Nam bị bắt ép trồng cần sa cũng chính là người người đang bị tội phạm hóa "vì những công việc mà họ bị bắt phải làm."

    Viethome (theo BBC)

  • Bất chấp việc Chính phủ Anh đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn nạn nhập cư lậu, hằng ngày vẫn có rất nhiều người Việt tìm mọi cách vào Anh bất hợp pháp với hi vọng đổi đời. viethome nguoi rom

    Hai đầu bếp ở một nhà hàng bán món ăn Việt tại London ăn tối, chuẩn bị bước vào ca làm việc. Họ là những người làm việc hợp pháp - Ảnh: D.B.

    Ngồi trước mặt chúng tôi là Lương, Lê và Cường - tuổi từ 25 đến 42, cùng quê Nghệ An và cùng đến Anh bằng con đường nhập cư lậu. Người bản xứ gọi họ là “người rơm”, tức người không có giấy tờ hợp lệ, sinh sống bất hợp pháp.

    Vay nợ đến Anh và... thất nghiệp

    Lớn tuổi nhất trong số này là Cường, 42 tuổi, đến Anh cách đây mới hơn ba tháng. Cường cho biết anh bay từ VN sang CH Czech, rồi băng rừng vượt biên qua Đức, sau đó đến Calais (Pháp) và từ Calais được xe thùng của đường dây buôn người chở tới Anh. Chuyến đi của Cường kéo dài hơn một tháng trời và anh phải trả cho đường dây gần 30.000 bảng (khoảng 900 triệu đồng).

    Điều đầu tiên khi Cường đặt chân đến Anh là tìm đến những người đồng hương Nghệ An ở TP Manchester. Nhưng công việc làm ở đây không thích hợp nên Cường đã chuyển đến London tìm việc mới. Tuy nhiên hơn một tháng nay, những người Việt mà Cường quen ở London đều lắc đầu nói chưa giúp anh tìm được việc.

    Cường tâm sự: “Trước khi quyết định đến Anh sinh sống bất hợp pháp, tôi đã học thêm nghề nấu ăn theo lời khuyên của bạn bè qua đây trước. Nhưng những người quen của tôi nói rằng các nhà hàng Việt ở London hiện rất ngại thuê những người lao động nhập cư bất hợp pháp vì họ sẽ phải đóng phạt rất nặng nếu bị phát hiện sử dụng người không có giấy tờ hợp pháp. Họ nói tôi nên kiên nhẫn chờ đợi...”.

    Hai người bạn cùng quê Nghệ An với Cường là Lương và Lê cũng rơi vào cảnh không việc làm vì không ai dám thuê. “Tôi đã vay ở quê nhà một khoản tiền lớn, hi vọng qua đây đi làm sẽ trả hết nợ. Nhưng như anh thấy đấy, tôi thật sự lâm vào cảnh bế tắc ở đây, còn ở nhà các chủ nợ cứ giục gia đình tôi trả tiền”.

    Chị Ngọc Trinh - chủ một tiệm làm móng tại London - cho biết Chính phủ Anh đang tỏ ra cứng rắn hơn bao giờ hết để dẹp nạn nhập cư lậu vào Anh, trong đó một trong những đích nhắm là người Việt làm chui. Theo chị Trinh, ở những nơi bị phát hiện sử dụng lao động bất hợp pháp, người chủ sẽ phải đóng phạt số tiền lên tới 20.000 bảng cho một “người rơm”.

    Chị Trinh cho biết cách đây không lâu, cảnh sát và lực lượng kiểm soát di trú Anh đã mở một đợt truy quét nhắm vào các tiệm làm móng, nhà hàng bán món ăn Việt Nam tại London. Đã có hàng trăm người Việt, Philippines, Trung Quốc... nhập cư bất hợp pháp bị bắt sau các đợt truy quét. Nhiều chủ tiệm làm móng và nhà hàng Việt phải nộp phạt những khoản tiền lớn. Có chủ tiệm làm móng phải đóng phạt số tiền lên tới 60.000 bảng. Nay những người chủ rất ngại sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp.

    Anh Trần Văn Sử - chủ hệ thống nhà hàng Miền Tây bán món ăn Việt Nam nổi tiếng ở London - cho biết anh từng sử dụng lao động Việt Nam nhập cư lậu vào Anh vì muốn tạo cho họ công ăn việc làm, nhưng giờ không dám nữa. “Thật lòng mà nói nếu không có công việc tử tế, những người không giấy tờ hợp lệ có thể làm chuyện bậy trên đất khách quê người, chẳng hạn như trồng cần sa vì khi qua đây họ đều vay mượn những khoản tiền lớn, họ buộc phải có việc làm để trả tiền vay nóng. Tôi muốn giúp họ, nhưng lúc này tôi buộc phải tuân thủ luật pháp của nước Anh” - anh Sử chia sẻ.

    Tủi nhục trên đất khách quê người

    Trong chuyến công tác tại Anh, chúng tôi đã có cơ hội gặp rất nhiều người Việt nhập cư bất hợp pháp sống gần cả chục năm, thậm chí có người sống gần 15 năm nhưng không được nhập quốc tịch. Có người nói được tiếng Anh, nhưng có người nửa chữ tiếng Anh cũng không biết nên gần như không thể hội nhập vào xã hội Anh. Những người như vậy thường sống chung cùng nhóm, thường là đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...

    Cuộc đời của họ chỉ đơn giản là đi “cày” từ sáng đến tối mịt, kiếm tiền gửi về quê cho cha mẹ hoặc vợ con, sống được ngày nào hay ngày đó. Chị Mai giới thiệu quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), đến Anh năm 2009 khi 27 tuổi bằng con đường bất hợp pháp. Chị hiện thuê nhà sống với một người đàn ông cùng quê đã có vợ con ở Việt Nam.

    Thân hình gầy guộc, gương mặt khắc khổ đã khắc họa phần nào phận đời gian nan mưu sinh trên đất khách quê người của chị. Chị nói khi mới đến Anh bước ra đường gặp ai cũng sợ, cứ thui thủi trong ngôi nhà chị được thuê giữ trẻ hộ cho một gia đình người Việt. “Ngày này qua ngày nọ đều giống nhau là đi làm quần quật, về nhà cố ngủ để lấy lại sức. Đau ốm tự mình phải chịu vì không có giấy tờ nên không dám đến bệnh viện. Có những lúc nghĩ đời bạc quá không muốn sống nữa, nhưng tôi lại nghĩ đến cha mẹ và những đứa em ở quê nhà...” - chị Mai tâm sự.

    Anh Minh, quê ở Quảng Bình đến Anh năm 2011, nói rằng anh đã quá mệt mỏi với cuộc đời “sống chui sống nhủi” và muốn trở về Việt Nam. Anh Minh tâm sự: “Cha mẹ, vợ con tôi ở Việt Nam, tôi muốn trở về với họ vì quá chán ngán với cuộc sống không giấy tờ ở Anh. Cuộc sống của tôi chắc chắn khó khăn hơn, nhưng dù sao ở Việt Nam tôi còn có mái ấm của chính mình”. Rồi Minh bật khóc. Thủ đô London hôm ấy mưa trắng trời, gió lùa qua khe cửa lạnh buốt... 

    Chương trình “Hồi hương tự nguyện”: Chính phủ Anh kêu gọi những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh - trong đó có người Việt - tham gia chương trình “Hồi hương tự nguyện”. Theo đó, chỉ cần gọi điện thoại đến số cố định thuộc Bộ Nội vụ Anh hoặc đăng ký trên mạng Internet, người muốn tham gia chương trình này sẽ được tạo điều kiện mua vé máy bay về nước. Ngoài ra, họ chỉ bị cấm vào Anh 1-2 năm, thay vì 10 năm như trước đây.

    Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về hồi hương qua bài viết Vấn đề trục xuất và xin hồi hương ở Anh Quốc

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Cách đây vài năm, tòa án tối cao đã nghe điều trần từ một người cải đạo Hồi, gọi tắt là B2. Người này đã kiện chính phủ Anh vì lý do chính phủ này đã khiến ông ta thành người vô quốc tịch. Nhưng thế nào thì là một người không có quốc tịch?

    B2 rời Việt Nam, tới Anh khi còn nhỏ. Ở tuổi 21, ông này đã cải đạo sang Hồi giáo. Vào tháng 12/2011, Anh Quốc tước bỏ quốc tịch Anh của ông này vì cho rằng ông ta có can hệ với khủng bố. Bộ Nội vụ cho biết ông này vẫn còn là công dân Việt Nam, nhưng chính phủ Việt Nam lại phủ nhận thông tin trên. Vậy là, giờ đây B2 cho rằng mình đã thành một kẻ không quốc tịch.

     79100722 tomhanks(Ảnh minh họa)

    Trường hợp của B2 là một trường hợp vô cùng phức tạp, nhưng đồng thời nó cũng khơi lên câu hỏi về thế nào thì được coi là một người không có quốc tịch.

    Nói một cách đơn giản, không quốc tịch tức là không phải công dân của một nước nào cả. Thông thường, mọi đứa trẻ sinh ra đều có quốc tịch ở đất nước chúng sinh ra hoặc một đất nước mà cha mẹ đăng ký cho. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc ước lượng được rằng hiện có ít nhất 10 triệu người đang trong cảnh không quốc tịch. Nhiều người trong số này thuộc các dân tộc thiểu số phải chịu tình trạng bị kì thị hoặc phải đối mặt với những thay đổi đột ngột trong luật pháp đất nước mình. Khoảng 800 nghìn người Rohingya đang sống bất hợp pháp không có quốc tịch tại Myanmar, hay hàng chục nghìn người Haiti đang sống tại Cộng hòa Dominica mà không được công nhận công dân do một chính sách mới ra hồi 2013 rằng con em của người nhập cư không có giấy tờ từ những năm 1929 thì không được công nhận quốc tịch Dominica.

    Vô quốc tịch không có nghĩa là không có một giấy tờ tùy thân nào, theo Ruma Mandal, chuyên gia về luật pháp quốc tế cho biết. Tuy nhiên với những người này, việc đăng ký khai sinh cho con, đi học và tới bệnh viện cũng như kiếm việc làm, nhận trợ cấp, thuê nhà - tất cả những điều này đều trở nên vô cùng khó khăn. Thêm nữa, việc đường đường chính chính hợp pháp vượt qua biên giới là không thể.

    Suốt những năm qua, Ủy ban Tị nạn của LHQ đã khởi động một chiến dịch nhằm chấm dứt trình trạng không quốc tịch trong 10 năm tới. Tại Anh và một số nước EU khác, một hệ thống được gọi "statelessness determination" đã được xây dựng để trao cho những người không quốc tịch này giấy tờ cư trú và cơ hội ra nước ngoài. LHQ hy vọng sắp tới sẽ có càng nhiều nước áp dụng chương trình này.

    Cần biết rằng, có nhiều trường hợp, một người rơi vào cảnh không có quốc tịch là do họ bị tước mất quốc tịch. Năm 2003, một người đạo Hồi là Sheikh Abu Hamza đã bị tước quốc tịch Anh sau một đạo luật cho phép loại bỏ những người đa quốc tịch có hành vi đe dọa tới an ninh đất nước được áp dụng tại Anh. Song 7 năm sau vào 2010, Sheikh Abu Hamza đã thắng kiện trước chính quyền Anh với luận biện rằng mình sẽ thành người "không quốc tịch" vì đã tước quyền công dân Ai Cập rồi.

    (Theo BBC)