• Từ khi nào câu nói:”khách hàng là thượng đế “ đồng nghĩa với câu “khách hàng luôn đúng” đã không còn trong tự điển “business” của tôi?

    Tôi đã làm chủ 12 năm, nhưng đối với quan điểm của tôi, việc áp dụng quy tắc "khách hàng là thượng đế, khách hàng luôn đúng" có thể khiến khách có những đòi hỏi quá quắt bởi lối nghĩ hiển nhiên là quy tắc kia cho phép họ có quyền và đôi khi cũng tạo sự phẩn nộ đối với những người thợ của tôi.

    Nail là nghề làm dâu trăm họ, và vì sự cạnh tranh do tiệm nail mọc quá nhiều đã khiến những chủ nail & thợ nail biến mình thành những nàng dâu, cung phụng khách đôi khi dẫn đến phi lý. Đối với những khách hàng khó chìu, tôi luôn đứng về phía thợ mình. Thợ tôi phải đối mặt với nhiều khách hàng như vậy hết ngày này tới tháng khác. Khách trả tiền 1 dịch vụ từ 25-75 đồng, không có nghĩa là họ được hành hạ tôi hay thợ của tôi.

    khach hang kho chiu
    Ảnh: Nicole Bengiveno/The New York Times

    Anh chị nghĩ đi, 1 ngày trung bình thợ phục vụ từ 5-10 nguời khách, một tháng khoảng 100 đến 200 nguời khách, một vài người trông số đó có thể là những kẻ vô lý và thích đòi hỏi. Nếu phải lựa chọn giữa việc ủng hộ thợ, những người kề vai sát cánh cùng phát triển tiệm tôi, với việc nghe theo một nguời khách khó chìu, đòi làm free vì thợ không làm theo giống y trong hình, hay vì trả tiền ít nhưng đòi hỏi cao, thì bạn sẽ chọn ai?

    Tôi không thể đối xử với thợ của tôi như những người làm công, tôi luôn trân trọng họ. Không có họ thì không có 1 tiệm nail thành công. “Nếu họ nghĩ bạn không ủng hộ họ trong tình huống khách hàng vô lý, thì chỉ một vấn đề nhỏ thôi cũng sẽ dẫn đến phẫn nộ".

    Khi họ vui vẻ và cảm nhận được sự tôn trọng, quan tâm từ chủ & từ khách hàng, họ sẽ tràn đầy năng lượng hơn, họ hoà nhã và thú vị hơn, và bên cạnh đó họ cũng có động lực hơn để cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt hơn và quan tâm đến khách hàng hơn. Trái lại, nếu nguời chủ cứ chỉ chăm chăm bênh vực khách hàng, thì nguời thợ sẽ hiểu rằng họ không được coi trọng, không công bằng, thì việc gì họ phải yêu quí tôn trọng khách hàng và cái nghề của họ ?

    Thợ và khách luôn được đặt cân bằng nhau. Quan điểm "khách hàng luôn đúng", “khách hàng là thượng đế” là một ý tưởng sai. Đuơng nhiên cũng có rất nhiều ví dụ về những người thợ tồi tệ, làm không đúng lương tâm trách nhiệm, thợ như vậy sẽ không tồn tại trong tiệm tôi, thà tôi làm 1 mình chứ không mù quáng chấp nhận những người thợ như vậy. Tôi khó với bản thân và đòi hỏi cao với tay nghề của chính mình, nhưng đối với thợ thì khác, tôi không đòi hỏi họ phải giống tôi, thợ tay nghề tuyệt đỉnh hay trung bình, điều đó không quan trọng, miễn sao khách hàng vui, tay khách đẹp hơn khi mới vào, như vậy là đủ.

    Tất nhiên khi làm chủ 1 tiệm nail, ai cũng nghĩ rằng "càng nhiều khách hàng càng tốt". Đối với tôi thì còn tùy vào khách như thế nào vì một vài khách hàng không mang lại lợi ích cho tiệm tôi. Nếu phải dành thời gian cho những người khách ngang ngược, thô lỗ khó chìu vì trong đầu họ nghĩ “tôi là khách, là thượng đế, tôi luôn đúng”, lạm dụng quy tắc đó để tự cho mình cái quyền đòi hỏi mọi thứ, tôi thà dành thời gian đó cho những người khách dễ thương.

    Tại sao chúng ta phải khiến cho công việc của thợ mình và của mình càng trở nên khó khăn khi phải phục vụ những người khách phi lý đó? Tại sao cùng trả 1 khoản tiền giống nhau mà những khách hàng thích lạm dụng kia sẽ có được những đối xử và quyền lợi tốt hơn những người khách dễ chịu, dễ thương?

    Những khách hàng thân thiện được đối xử thân thiện, khách hàng cà chớn, tôi mời đi một cách lịch sự: “tôi nghĩ tiệm tôi không đủ trình độ, tay nghề để phục vụ bạn và làm bạn hài lòng, xin vui lòng đi tiệm khác”, hoặc: “tôi cảm thấy hối tiếc & thất vọng vì không bao giờ bạn vui khi đến tiệm tôi (vì chúng tôi không thể làm hài lòng bạn), tôi khuyên bạn nên thử tiệm khác”.

    Với cách đuổi khéo này, đã không ích nguời thay đổi cách cư xử và thái độ đối với thợ chúng tôi ngay lúc đó và khi trở lại lần sau. Bạn tin tôi đi, những dạng khách như vậy, nếu bạn cho phép họ, bạn sẽ mãi là nô lệ của họ. Và nếu tiệm nào cũng tẩy chay họ, thì họ sẽ phải làm gì?

    Tôi không ngại “sa thải” khách hàng “cà chớn”, và tiệm tôi luôn yên ắng, khách lịch sự dễ thương. Tôi chưa bao giờ mắng thợ trước mặt khách, và đương nhiên, muốn làm đuợc như vậy, tôi & thợ tôi luôn tôn trọng bản thân mình, và tôn trọng nghề Nails mình, bằng cách luôn giữ sự chuyên nghiệp, luôn trao dồi tay nghề, để khách không có lý do và cơ hội kiếm chuyện, làm vua, làm thượng đế, vì chúng tôi có bằng nails, chúng tôi là Nails Professional, họ cần chúng tôi làm đẹp cho họ, chứ không phải làm nô lệ cho họ.

    Nguồn: Trisha Tr Le / VietNails

  • Vài tháng trước độc giả tên Lily đặt một câu hỏi rất hấp dẫn “Làm Sao Để Khách Cho Thêm Tiền Tip?” Sau khi đọc câu hỏi này tôi hỏi “LÀM SAO?” Chưa có ai hỏi chúng tôi câu hỏi này. Trước giờ tôi vẫn nghĩ “Tip” là sự cảm kích của khách hàng trong lúc phục vụ để họ cho, nhưng tôi đã sai. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý, khi con người được kích thích lòng triều mến và từ tâm, họ sẽ rộng rãi hơn, nghĩa là họ sẽ cho nhiều tiền tip hơn.

    Đọc đến đây chắc hẳn các bạn đang làm nail nhảy lên “làm sao? làm sao?”. Nhẩn nha nào các bạn. Trước tiên chúng tôi xin cảm ơn Lily đã đưa ra đề tài hấp dẫn này và chúng tôi đã đi thử nghiệm dựa theo những nguyên tắc các chuyên gia tâm lý nói, kết quả chúng tôi đã tìm ra được một  số điều bạn có thể làm để khách cho thêm tiền tip. 

    tien tip nail
    Phải làm khách vui thì khách mới thích tip. Ảnh minh họa: Bùi Tommy

    1. Không buôn điện thoại

    Hãy tưởng tượng bạn vào tiệm cắt tóc mà thợ cắt nghiêng đầu sang 1 bên, nói chuyện với người khác qua điện thoại và cắt tóc cho bạn. 100% bạn sẽ không cảm thấy hài lòng và cho rằng người đó không tôn trọng mình, không chú ý đến công việc. Liệu bạn có muốn cho tiền tip không?

    2. Không nói chuyện tiếng Việt từ bàn 1 sang bàn...4

    Dù bạn có thảo luận về công việc, thì cũng xin đừng nói vắt sang nhau bằng Tiếng Việt. Nhiều khách hàng ở Anh sẽ nghĩ là bạn đang nói xấu họ, hoặc nói điều gì đó không muốn họ nghe thấy bằng tiếng Anh.  

    3. Trang phục (phái nữ)

    Phần lớn thợ nail khi đi làm ăn mặc hơi bình thường, quần jean, áo thun, một số tiệm có đồng phục như khoác thêm một cái áo choàng bên ngoài. Một người có trang phục khác thường chẳng hạn như đội thêm cái mũ, tóc bới lên với một cánh hoa thường sẽ nhận được tiền tip cao hơn so với người khác. Theo nghiên cứu cho thấy bạn chỉ cần mang thêm một tý trang phục chẳng hạn như: một cánh hoa trên tóc, một cái kẹp, cái nơ áo, pin cài trên áo đều có hiệu quả. 

    4. Giới thiệu tên (nam và nữ)

    Khi bạn chào hỏi khách và bạn giới thiệu tên mình, và hỏi tên khách bạn sẽ nhận được thêm tiền tip. Nếu bạn có thể phát âm tiếng Anh cho chuẩn, tiền tip của bạn sẽ tăng thêm 25%.

    5. Tươi cười với khách

    Những người thợ tươi cười chào hỏi khách nhận được thêm 140% tiền tip so với người mặt mày ù lỳ. Nụ cười càng tươi, càng rộng tiền tip.

    6. Bán thêm hàng

    Bạn biết rằng tiền tip thường được dựa trên số tiền khách tiêu. Bạn nên giới thiệu cho khách thêm những dịch vụ khác, hoặc dịch vụ lớn hơn đương nhiên bạn sẽ được tiền tip nhiều hơn.

    7. Chạm vào khách

    Nghiên cứu cho thấy những người thợ nắm tay khách xem xét móng tay trước khi bắt đầu, và những người chạm nhẹ vào người khách thường nhận được tiền tip cao hơn. Các anh nên cẩn thận khi làm những động tác này với phụ nữ, không khéo sẽ bị xem là hành động phạm pháp.

    8. Mời nước

    Những người khách trước khi ngồi xuống làm hoặc sau khi làm xong được tặng một chai nước nhỏ thường cho tip cao hơn so với những lần không được mời nước.

    9. Gọi tên khách

    Gọi tên là cách thân thiện nhất khi tiếp khách. Những người khách được gọi tên thường cho tip cao hơn với những người khách được gọi là “honey” “You”.

    10. Nhìn khách khi massage

    Khi massage cho khách làm Manicure/Pedicure, thỉnh thoảng nhìn lên mắt họ, và hỏi “Is it ok with you?” bạn có thể nhận được tiền tip nhiều hơn.

    Nhìn chung khách cho tip nhiều hay ít tuy thuộc vào phong cách phục vụ của thợ. Chào hỏi khách hàng bằng tên, giới thiệu tên mình cho khách, mời khách ly nước, vui vẻ với khách, thường xuyên để ý đến khách sẽ được nhiều tiền tip.

    Tuy là vậy nhưng mỗi người khách lại có những tâm trạng khác nhau và thợ nên học cách nắm bắt tâm lý khách. Có những người khách muốn được “nuông chiều” (take time), có những người khách chỉ muốn làm tối thiểu cho xong, và có những người khách không muốn bị làm phiền, thợ nào có thể nắm bắt tâm trạng này của khách sẽ được tip nhiều hơn.

    Một điều nữa chúng tôi nhận thấy những người thợ có diện mạo xinh được tiền tip cao hơn thợ diện mạo kém, thợ nữ có trang điểm nhẹ được nhiều tip hơn thợ không có trang điểm.

    Tiền tip tỷ lệ nghịch với cân nặng của cơ thể, người càng béo tip càng ít. (Xin bạn đừng hỏi tại sao, vì đời là thế!) Bạn còn biết cách nào để nhận được thêm nhiều tiền tip mà bạn muốn chia sẻ không? Mời bạn viết comment bên dưới.

    Viethome (Sưu Tầm)

  • “Không tưởng tượng nổi là người ta đòi bồi thường $200,000 chỉ vì $2 đồng bạc.”

    Chị Võ Thị Quang, chủ tiệm móng tay Nail First tại Oxon Hill, Maryland (Mỹ), tâm sự với phóng viên nhật báo Người Việt như thế. Chị nói rất vui khi thắng vụ kiện nêu trên, và cho biết gia đình chị đã quyết định đúng khi vay tiền, tìm luật sư đại diện.

    Luật sư Sandra Vũ Lê, thuộc công ty Fam Law, LLC, một trong những luật sư đại diện cho Nail First cũng vui mừng không kém. Cô nói: “Chúng tôi rất vui mừng đã thắng kiện. Một phần cũng nhờ chị Quang can đảm quyết định đứng lên đòi công lý, trong khi nhiều người khác ở hoàn cảnh tương tự thường chọn giải pháp dàn xếp ngoài tòa án.”

    pedicure cho nam
    (Ảnh minh họa)

    Cách đây không lâu, khi biết tin mình bị một khách hàng kiện đòi bồi thường $200,000 thiệt hại, chị Quang vô cùng sửng sốt. “Ai đòi bồi thường $200,000, mà tại sao?”, chị thốt lên.

    Chị Quang cho biết, khi được giải thích rằng chị bị người khách có tên Derrick Hunter kiện vì lý do kỳ thị giới tính, chị thật ngỡ ngàng.

    Kỳ thị

    Bản thân chị Quang là một nạn nhân của nạn buôn người, khó khăn lắm mới thoát khỏi cảnh lưu đày, di dân đến Hoa Kỳ được gần 10 năm nay, cắm cúi làm ăn, dành dụm hơn bảy năm trời rồi mua tiệm nail mới được vài tháng. Dù làm chủ, chị vẫn phải tối ngày cặm cụi, vậy thì có lý do gì để kỳ thị ai.

    Vả lại, lợi tức gia đình một phần nhờ vào tiệm Nail First. Chị Quang muốn đắt hàng, lo chiều khách hết mình còn chưa xong, tại sao lại phải kỳ thị?

    Thật khó tưởng tượng!

    “Thoạt đầu tôi thật buồn, tủi thân và lo lắng lắm.” Chị tâm sự. Ông Derrick Hunter, một khách lạ, ở xa, đến tiệm Nail First làm móng chân vào đầu Tháng Giêng năm nay.

    Khi làm xong, ông Hunter đến quầy trả tiền và thấy tiệm niêm yết hai bảng giá: Một bảng đề “$18.00 Regular Pedicure” và bảng kia “$20.00 Gentlemen’s Pedicure.”

    Ông Hunter trả $20 rồi bỏ đi.

    Chỉ ít lâu sau người khách lạ này nộp đơn lên Tòa án Prince George’s County Circuit Court kiện là đã bị tiệm Nail First kỳ thị, tính ông đắt hơn $2, vì ông là đàn ông.

    Ông cáo buộc dịch vụ làm móng chân mà ông phải trả giá $20 cũng giống y chang như dịch vụ móng chân dành cho phái nữ, và việc ông bị tiệm tính đắt hơn $2 là một hành vi kỳ thị giới tính.

    Ông Hunter còn khai rằng vì bị kỳ thị như thế nên ông đã bị một cú sốc lớn, cảm thấy buồn khổ, mặc cảm và nhục nhã vì bị ép buộc phải trả $20 cho một dịch vụ mà người khác chỉ phải trả $18.

    Ông Hunter đòi Nail First bồi thường $200,000 cộng với lệ phí luật sư cho nỗi thống khổ mà ông phải chịu.

    Muốn kiếm được $200,000, chưa trừ phí tổn, chị Quang tính ra là mình phải làm 10,000 bộ pedicure. Nếu tính trung bình mỗi ngày có 15 người khách, tiệm Nail First phải làm việc ròng rã hai năm trời không nghỉ, không ăn lương, vẫn chưa có đủ tiền để trả.

    Càng nghĩ chị Quang càng chuyển từ buồn rầu qua uất ức. Nhưng chị cũng không có nhiều thì giờ để lo lắng, chị có khách hàng phải tiếp, tiền nhà tiền điện phải trả, hai con phải nuôi.

    Chị và chồng bàn bạc, rồi quyết định vay một số tiền, mướn luật sư đại diện, vì quan niệm “mình làm ăn thật thà, chẳng có gì phải sợ.”

    Tất cả những dịch vụ khác của Nail First có giá đồng hạng cho đàn ông và đàn bà, ngoại trừ dịch vụ làm chân. Làm chân cho đàn ông kèm thêm những dịch vụ khác như thêm nhiều kem dưỡng da, massage chân và bắp chân, mà làm chân thường không có.

    Tuy nói là chẳng sợ, nhưng chị vẫn cứ run. Chẳng ai muốn phải tốn tiền, tốn thời gian để ra hầu tòa. Nhưng chị và gia đình không còn chọn lựa nào khác.

    Ngoài Luật sư Sandra Vũ Lê, chị Quang còn được Luật sư Keith J. Rosa thuộc tổ hợp luật Abrams & West, đại diện nữa. Phiên xử vụ kiện của chị vừa qua đã kết thúc nhanh chóng.

    Một bồi thẩm đoàn 6 người ngồi chăm chú nghe lời khai của nguyên đơn Derrick Hunter và bị cáo Võ Thị Quang. Sau lời khai của hai bên, bồi thẩm đoàn chỉ thảo luận chưa đầy một giờ đồng hồ đã đi đến phán quyết là tiệm Nail First và chị Quang không kỳ thị ông Hunter khi bắt ông phải trả $20 cho dịch vụ làm chân đàn ông.

    Sau phiên xử, Luật sư Keith Rosa phát biểu là ông biết ơn bồi thẩm đoàn đã bình tâm lắng nghe trình bày của hai bên trước khi đi đến phán quyết, và “quyết định của bồi thẩm đoàn cho chị Quang, và tất cả chúng ta, thấy rằng công lý cuối cùng đã thắng.”

    Còn Luật sư Sandra Vũ Lê thì cho rằng vụ kiện này rất quan trọng, qua đó các chủ nhân tiệm Nail có thể rút được kinh nghiệm là để tránh những trường hợp tương tự xảy ra. Khi tính tiền phải rất cẩn thận.

    “Tùy theo luật tiểu bang, nhưng giá tiền phải rõ ràng, không thể tính tiền đàn ông và đàn bà khác nhau chỉ với lý luận chung chung như chân đàn ông to hơn, nặng nề hơn, nên tính đắt hơn.” Luật sư Sandra nói.

    Luật sư Sandra cũng cho biết người đại diện cho ông Hunter là Luật sư Jimmy Bell. Ông Bell trước đây tự đại diện mình kiện tiệm Richs Nail Salon, đòi bồi thường $200,000 trong một vụ kiện tương tự (Bell vs. Richs Nail Salon; Case No. 10-30503), đã được đăng trên báo Washington Post.

    Ông Bell cũng đại diện hai thân chủ khác trong hai vụ kiện” Sydnor vs. Rich Nails Inc; Case No. CAL11-05447” và “Wiggs v. TT and C Nails; Case No. CAL11-04382.”

    Trong cả ba trường hợp, chủ nhân của các tiệm nail này đều dàn xếp đền nguyên đơn một số tiền không rõ bao nhiêu, bên ngoài tòa án.

    Khi được hỏi nhờ đâu mà chị Quang thắng, Luật sư Sandra trả lời: “Sở dĩ tiệm Nail First thắng là vì chị Quang chứng minh được dịch vụ Gentlemen’s Pedicure có kèm thêm những dịch vụ mà Regular Pedicure không có.”

    Tuy đã thắng kiện, cả hai luật sư đại diện chị Quang đều cảnh báo các chủ tiệm Nail là thay vì để bảng giá theo giới tính (như Gentlemen’s hoặc Regular Pedicure hoặc Ladies’s Pedicure), nên để bảng theo dịch vụ như “Gold, Silver và Diamond Pedicure” để tránh những vụ kiện liên quan đến kỳ thị giới tính.

    Còn chị Quang thì bảo tiệm Nail First bây giờ “tính giá đồng hạng cho chắc ăn,” vì không muốn tiếp tục là nạn nhân của những loại “khách lạ, ở xa” như ông Derrick Hunter kia nữa.

    Theo Người Việt

  • Trước hết chúng ta đi tìm khái niệm thế nào là thợ giỏi? Ngắn gọn thì thợ giỏi là người có thể đáp ứng được tất cả mong muốn của khách, khiến khách vui vẻ chấp nhận móc hầu bao.

    Giỏi có hai loại: Thứ nhất là tự cho mình giỏi và thứ hai là được người khác đánh giá là giỏi. Trường hợp thứ nhất chính là người hay bị đuổi và hay phải đi tìm việc nhất.

    Vậy nguyên nhân do đâu?

    tho nail gioi van phai di tim viec

    I - Không có kỉ luật bản thân, nó gồm:

    - Hay đi muộn và đòi về sớm. Luôn thể hiện những lý do nào đó để có thể đến shop muộn hay để được về sớm. Lâu dần nó thành thói quen và khi đã thành thói quen thì rất dễ chấp nhận và khó tự phát hiện ra.

    - Không đủ năng lượng để làm việc trong một ngày. Luôn thức khuya dậy muộn. Ăn uống không điều độ, thu nạp chất kích thích quá nhiều...Nó dần làm cho bản thân thiếu năng lượng để chống chọi với cường độ làm việc. Nhưng lại luôn tự tin là không sao vì nghĩ mình là thợ giỏi.

    - Hay xin nghỉ vặt. Đây là một nguyên nhân rất nguy hiểm cho cả thợ lẫn chủ. Việc nghỉ làm nó rất dễ thành thói quen dẫn đến cứ chứng minh được nguyên nhân cho chủ thấy là có thể xin nghỉ. Gần như nó là yêu sách của thợ giỏi. Còn chủ thì khổ cực chấp nhận vì nó là thợ mà mình khó kiếm nên ậm ừ cho qua.

    - Không có sự trung thực trong công việc. Vấn đề trung thực nó không nằm ở phượng diện thấy được mà nó còn tiềm ẩn trong khoảng tối của bản thân. Ngay cả việc cố tình đánh rắm một cách im ỉm, hay việc làm đổ nước ra sàn nhà, giấy lau miệng sau khi ăn xong không dọn dẹp. Cứ nghĩ rằng việc đó chẳng ai có thể đổ tội cho mình. Nhưng đó là nguyên nhân để bản thân dẫn đến những thứ không trung thực lớn hơn. Làm ảnh hưởng công việc chung và mất dần niềm tin với chủ và thợ bạn lúc nào không hay.

    II - Thái độ làm việc.

    - Định vị sai bản thân. Người thợ tự cho mình giỏi luôn định vị bản thân mình ở một tầm cao. Không coi thợ bạn ra gì, không tôn trọng mong muốn của khách, Không chấp nhận sự đánh giá tiêu cực về mình từ bất kì ai...Lâu dần trở nên khó chịu trong mắt thợ bạn và chủ.

    - Quan niệm sai về công việc. Những người thợ tự cho mình giỏi thường có thói quen chỉ làm những việc họ cho là quan trọng (kiếm ra tiền) ở trong shop. Thường không quan tâm đến những việc vặt như lau chùi đèn, bàn, vệ sinh sàn nhà hay toilet, nấu ăn đổ rác... Nhưng lâu dần nó hình thành nên một tính cách luộm thuộm và nhớn nhác. Đến lúc về nhà ở vẫn thế. Làm cho bản thân được phép ở cửa trên so với thợ bạn và thậm chí là trên cả chủ lúc nào không hay. Sinh ra mâu thuẫn và tạo ánh nhìn không thiện cảm với chủ.

    - Hiểu biết không tới. Một người thợ tự cho mình giỏi thường thấy bản thân mình hiểu rất thấu mọi công việc. Những sắp xếp và tính toán của họ thường tự đánh giá là đúng và cao siêu hơn người. Nhưng họ chỉ phải lo phần việc của họ nên suy nghĩ cũng chỉ đến đó. Còn người chủ thì phải lo cả một khối việc trong đó bao gồm cả việc của người thợ tự cho mình giỏi. Nên suy nghĩ của người chủ đa phần là sâu và rộng hơn. Chính việc bất đồng chính kiến này khiến cho người thợ tự cho mình giỏi phải ra đi.

    III - Chuyên môn

    - Chính việc cho mình là người thợ giỏi là họ đã tự thể hiện chuyên môn cao. Những người này họ rất hay thể hiện thái độ với khách khi có bất kì sự khiếu nại nào từ người đối diện. Làm mất lòng khách khi họ muốn sửa cái gì đó. Lâu dần nó hình thành nên thói quen khẳng định mình luôn đúng.

    - Đánh giá thợ bạn. Việc người thợ tự cho mình giỏi luôn muốn đánh giá tay nghề và cách sống của người khác. Chính vì tự mãn cao nên những lời đánh giá luôn thiếu khách quan và gây phản cảm. Thậm chí đánh giá luôn cả chủ. Chính điều đó đã tạo nên sự khó chịu cho bất kì ai ở gần hay sống chung.

    - Không học hỏi. Chính việc tự cho mình giỏi đã làm cho bản thân ngại tiếp xúc với thợ bạn khác. Không muốn tìm tòi hay thấu hiểu những điều khác lạ để thay đổi. Trong khi Nails là một nghề luôn phải thay đổi và làm mới từng ngày. Làm cho bản thân mất khả năng thu nạp kiến thức. Lâu dần bị tụt lại phía sau.

    Tóm lại: Chỉ đến khi bị đuổi việc hay khi phải khó khăn đi tìm một công việc mới, thì lúc đó phần nào họ mới có thể nhận ra bản thận mình đang ở mức nào. Thường thì phải mất khá nhiều thời gian để tạo lại một thói quen sống phù hợp với những người xung quanh.

    Hãy hàng ngày tích luỹ kinh nghiệm, luôn vận động để tạo nên sự nhạy bén trong công việc, tôn trọng ý kiến người đối diện cùng với tay nghề tốt thì đó mới có thể là một người thợ giỏi.

    Cre: MC Duong Ngoc Nguyen

  • Dưới đây là tâm sự chân thành của chị Ngan Minh Ngo đăng trên group All About "Nghề" Nails : Bán tiệm - Cần thợ - License - Tax - Training:

    Ngân vừa thoát lưỡi hái tử thần nên muốn chia sẽ câu chuyện của mình trong nhóm ! Mong là các bạn chú ý đến sức khỏe của mình. 

    Gần 12 năm sang Mỹ Ngân sinh ba nhóc con gái gần 11 tuổi, con trai 8 tuổi và 5 tuổi. Lúc mới qua Ngân ở nhà hơn 1 năm, sau đó N làm thợ nails vừa full time vừa part time. Sau đó mình quyết định ra mở tiệm với số vốn 8000$ và vay tiền hưu của ông xã 11.000$ và credit

    N mua tiệm 14000$ mình build tiệm bằng cách nhờ khách hàng viết review thì Discount 10% và giới thiệu khách thì cả người giới thiệu và được giới thiệu sẽ được 10%Off. Chạy quàng cáo yelp, Google, FB. Sau một năm rưỡi N mở tiệm thứ 2.

    Vì muốn build khách, và tiệm nhỏ nên cũng khó tuyển thợ nên N làm việc cật lực có khi 7h sáng đã đến tiệm làm khách hẹn, 10h đêm mới đóng cửa. Lúc đó tiệm mình là một trong những tiệm nối mi và làm Microblading mở đầu tiên trong khu đó. Nhiều lúc mình làm không ăn, không đi tiểu cứ nghĩ ráng làm xong rồi đi. Có lúc làm xong đứng lên hoa cả mắt và không thấy đường, sau khi tiệm có khách ổn định và vốn mình bắt đầu trainning thợ làm lahes.

    uong nuoc thuong xuyen 2
    Ảnh minh họa

    Kế bên tiệm mình là tiệm tóc chủ tiệm là một cô người Ý. Mình vô được 3 tháng cô nói với mình: Jessica tao phải đóng cửa tiệm vì tao bị ung thư tử cung, tao định đi khám để sinh thêm baby nhưng bác sĩ khám tao bị ung thư giai đoạn cuối!

    Mình nhớ lần cuối cùng cô ấy cắt tóc mình tip cô ấy $100 cô ấy ôm mình khóc mình cũng rưng rưng. Mình hỏi mầy có thấy gì khác thường không ? Cô ấy nói tao hay mệt và buồn ngủ tao đi làm về là ngủ rất nhiều.

    Cả năm vừa rồi Ngân lấy hẹn bác sĩ đi khám định kỳ nhưng bị miss 3 lần vì mình bận quá và quên luôn. N đi làm về cũng mệt và ngủ nhiều, da tự nhiên nổi nhiều mụn N nghĩ chắc do mình thức khuya, nhưng mụn thì không hết. Bình thường da mình nổi mụn vài ngày là hết. Mà lúc đó nổi càng lúc càng nhiều dưới cằm, rồi đôi khi bị ù tai nhưng N vẫn cho là mình thiếu ngủ hay làm nhiều nên mệt. Thỉnh thoảng ngủ N cảm thấy đau ở ngực như lúc ăn bị nghẹn.

    Tự nhiên mình ngồi nhớ lại con nhỏ chủ tiệm tóc nói nó cũng ngủ nhiều và ngủ không thấy đủ sao hơi giống giống mình. Anh mình ngày xưa tự nhiên da cũng nổi mụn nhiều, rồi mất đột ngột bác sĩ VN nói do bệnh tim bẩm sinh.

    Mình có 3 con nhỏ nên N rất sợ, linh tính cảm thấy mình không được bình thường, vậy là N quyết định đi bác sĩ check up. Khám xong đo huyết áp nghe tim phổi bác sĩ hỏi N: "Bạn có câu hỏi nào không?" Thường vậy là xong nhưng lần này N kể hết cho bác sĩ tao hay mệt và buồn ngủ và N kể hết cho bác sĩ nghe cũng như cảm giác của N. Thường có nhiều bác sĩ khám xong không chịu nghe mình nói nhiều nhưng lần đó chắc N may mắn. Bác sĩ cho N thử máu và nước tiểu.

    N về nhà nghỉ mình bình thường như mấy lần trước nhưng ba ngày sau, bác sĩ gọi nói trong nước tiểu có máu , N nghỉ chắc mình bị nhiễm trùng đường tiểu. Bác sĩ yêu cầu N làm CT Scan. 3 ngày sau họ nói thấy trong bàng quang có một chấm nhỏ, cần phải nội soi.

    Lúc này N vẫn thấy chưa lo lắng lắm vì nghĩ mình còn trẻ dù cũng u40. Với thật ra cũng không có thấy gì khác lạ lắm cũng không có đau đớn gì. ( thật ra cứ nghĩ mình 25 forever )

    Bác sĩ hẹn 3 tuần mới có chỗ nội soi, nhìn ống tiêm thuốc tê mình muốn xỉu thật ra không có kim (N rất chết nhát). Lúc nội soi nhìn màn hình máy tính mình thấy một nhánh mọc ra như mụn cóc, lúc này cũng chưa biết đó là gì nhưng nội soi đau gần chết ).

    Bác sĩ nói cái này thường là ung thư (trời đất như sụp đổ) nhưng ổng nói thêm 1 câu cần phải cắt cái tumor xét nghiệm mới biết chắc chắn. Mày có hút thuốc uống rượu không? (cái này thì không). Ổng nói thường hút thuốc uống rượu thì mới bị ung thư bàng quang (Vậy là N có chút hy vọng ).

    Mầy có làm việc trong môi trường hoá chất không ? N nói tao làm nails hơn 10 năm. Ổng không nói gì thêm, chỉ nói N cần book ngày để mổ. Mình hiểu tiếng Anh nhưng sợ hiểu nhầm hay nghe nhầm, nói đúng hơn mình muốn mình nghe nhầm. Mình nói người phiên dịch dịch lại dùm.

    Mình loạng choạng bước ra xe, gọi điện cho con bạ , em ơi chị bị ung thư rồi. Mình về nhà không dám kể với ai, nằm bất động mấy ngày.

    Lúc đó mình mới có vài người quen cũng mới qua đời vì ung thư tg không đầy 2 năm. Lúc đó N chỉ nghĩ đến con, dù đàn ông tốt như thế nào con không có mẹ sẽ rất bơ vơ. Mình gọi bà bán bảo hiểm nhân thọ của mình ra để hỏi tình hình ! Chuẩn bị hậu sự.

    Rồi cuối cùng mình quyết định đứng lên vì N nghe nói nhiều người ung thư sống lạc quan sẽ khỏi, mình tạm thời không nghĩ đến công việc, đi chơi với bạn bè , gia đình , dẫn con đi chơi thư giãn , chờ ngày mổ hy vọng đó không phải ung thư.

    Bệnh viện bận N phải chờ 2 tháng mới có hẹn. Ngày đi mổ mình chờ kết quả như kết quả xổ số vì đó là kết quả cuối cùng. Mình linh cảm là ác tính, nhung mình nghĩ cái gì đến cũng sẽ đến, mình cứ sống và làm tốt nhất những gì mình có thể.

    Và kết quả mình bị ung thư thật, nhưng mình phát hiện sớm nên khối u 1cm bằng 1 trái nho khô. Bác sĩ nói 30% khối u sẽ mọc lại chỗ khác mình cần nội soi sau 3 tháng và khuyên mình không nên tiếp xúc với môi trường hoá chất vì sẽ tăng cao nguy cơ bị lại.

    Tuần trước N vừa tái khám 3 tháng kết quả bàng quang bình thường và cần quay lại sau 9 tháng !

    Như vậy mình đã vượt qua được 1 cửa, giờ mình thấy cuộc sống rất quý giá ! Chỉ muốn giành nhiều thời gian với gia đình ! Mình vẫn còn tiệm nails nhưng mình dự định đổi sang tiệm Lashes , dạy lashes. Nhưng thật lòng thợ làm nails với N đã gắn bó với mình như người nhà ! N Không nỡ bỏ nails nên N cũng suy nghĩ nhiều. Hiện tại mình hạn chế tới tiệm và không làm trực tiếp cho khách nữa.

    Không phải ai làm nails cũng bệnh giống N tùy sức khỏe và cơ địa mỗi người nhưng Ngân thật lòng khuyên mọi người nên thường xuyên uống nước (bác sĩ nói một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh này là uống thiếu nước), ăn uống lành mạnh và nên đi khám định kỳ thường xuyên. Nếu cơ thể khác thường nên để ý, vì nếu mình phát hiện sớm vẫn tốt hơn là quá muộn.

    Trên đây là tâm sự chân thành của chị Ngan Minh Ngo. Các bạn đừng nên nhịn đi vệ sinh, nhịn uống nước nhé. Chủ tiệm cũng nên khuyến khích thợ ăn uống hợp lý, đi vệ sinh khi có nhu cầu. Cùng với đó là việc sắp xếp khách hợp lý, để thợ không vì 1-2 phút đi vệ sinh mà bị mất khách.

  • Sau khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi lệnh phong toả nhằm kiềm chế dịch Covid-19, một số tiệm nail đã tái mở cửa và bắt đầu trở lại hoạt động kinh doanh. Chủ tiệm sẽ phải cố gắng tìm cách để tăng doanh thu mùa dịch, họ nên bắt đầu với những chiến thuật như thế nào? Dưới đây là 10 tip không thể bỏ qua.

    tiem nail mo cua tro lai

    1. Nhận đặt lịch trước

    Với bất kỳ hình thức kinh doanh nào kể cả nail salon, người dân vẫn nên tuân thủ giãn cách xã hội. Nhận đặt lịch trước sẽ giúp Salon bố trí được việc sắp xếp nhân viên phục vụ số lượng khách hàng trong cùng thời điểm để đảm bảo khoảng cách an toàn cho khách, cũng như giảm tải việc khách hàng phải ngồi chờ đợi thời gian dài.

    Nếu tiệm nail của bạn chấp nhận thanh toán qua thẻ (Visa, Mastercard) thì đây là một cách để nhận thanh toán ngay lập tức từ khách hàng nếu họ muốn đặt lịch hẹn trước. Một chủ tiệm nail ở Wahsington, cô Crystal Perrigoue chia sẻ rằng “Tôi sẽ giảm giá cho khách hàng nếu họ đặt trước 2 cuộc hẹn trở lên. Với những khách hàng chưa biết khi nào họ quay trở lại thì đây có thể là một biện pháp hữu hiệu”

    Bên cạnh đó, Salon nên tìm cách quảng bá việc mở cửa lại cho khách hàng biết đến và có thể nhờ khách hàng thân thiết giới thiệu. Salon có thể nhận đặt lịch trước qua điện thoại, email hay từ các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram.

    2. Giữ liên lạc với khách hàng

    Đây là thời điểm tuyệt vời để Salon thể hiện sự chăm sóc khách hàng và gửi những lời chúc tốt đẹp tới họ. Điều này rất hữu ích cho công việc kinh doanh tiệm nail sau mùa dịch. Hãy nhắn tin, gửi email hoặc gọi cho các khách hàng cũ của tiệm và thông báo rằng Salon sẽ tặng cho họ một sản phẩm bán lẻ miễn phí (có thể là sản phẩm mẫu hoặc kích cỡ du lịch) khi họ đặt cuộc hẹn lần tiếp theo.

    3. Thẻ quà tặng

    Khi Salon cửa trở lại, hãy tạo ra một số ưu đãi đặc biệt và việc bán thẻ quà tặng là một trong những phương pháp sẽ mang lại những khách hàng tiềm năng khác. Hiện nay, nhiều khách hàng có xu hướng mua thẻ quà tặng vì có nhiều nơi cung cấp giá trị tiền thưởng cho tất cả thẻ quà tặng trả trước. Điều này có thể kích thích dòng tiền ngay lập tức cho tiệm nail.

    Ngoài ra, Salon có thể cân nhắc để cung cấp phần thưởng thẻ quà tặng cho các khách hàng thân thiết hoặc VIP để giữ chân khách hàng.

    4. Kết hợp các dịch vụ

    Một số tiệm nail đã đưa ra đề xuất kết hợp 2 dịch vụ vào cùng nhau với một mức giá cố định nhằm giới thiệu cho khách hàng nhiều dịch vụ hơn và giúp họ cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn. Ví dụ, kết hợp “full set” và làm móng chân với một mức giá có lợi nhuận. Bằng cách này, các thợ nail chỉ mất thêm vài phút phục vụ nhưng vẫn có được khoản thu nhập lớn hơn.

    5. Chỉ tính tiền dịch vụ “full set”

    Chỉ nên tính tiền dịch vụ “full set” nếu khách hàng quay trở lại sau thời gian tiệm nail đóng cửa. Điều này thể hiện sự chia sẻ với khách hàng và bạn biết rằng họ đang ở trong tình trạng khó khăn tương tự vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

    6. Chương trình khuyến mãi

    Ngoài ra, hãy kèm theo các chương trình khuyến mãi trong mỗi bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội và thông báo ngày mà tiệm hoạt động trở lại. Các khách hàng sẽ thấy sự kiện này khi lướt qua bài viết của bạn và đây là một cách tuyệt vời để thu hút những khách hàng mới.

    7. Thông báo và cập nhật thông tin thường xuyên hơn với khách hàng

    Chẳng cần gì xa vời, việc giữ kết nối với khách hàng và cập nhật cho họ thông tin về tiệm một cách thường xuyên hơn là việc phải làm đầu tiên. Đây là điểm cộng trong mắt khách hàng. Nhiều khách hàng có nhu cầu làm nail nhưng lại không biết nail salon nào mở cửa và đang mở cửa ra sao.

    Thứ nhất, hãy dán giấy, in banner để trong và ngoài tiệm với các thông báo về ngày đóng mở cửa và bất kì chính sách mới nào khác đang áp dụng. 

    Tiếp theo là cập nhật những thông tin này lên mạng xã hội, website và có thể quảng cáo nội dung này xung quanh khu vực của tiệm nếu muốn. 

    Thứ ba, liên hệ bằng tin nhắn hoặc cuộc gọi cho các khách thân thiết để hỏi thăm và cho họ biết tiệm bạn đã hoạt động trở lại trong các tiêu chuẩn dãn cách xã hội và khử trùng như bang đã hướng dẫn.

    8. Nếu thay đổi giá, hãy cập nhật lại menu để khách không phật lòng

    Vấn đề quan trọng sau khi dịch bệnh qua đi là có nên nâng giá dịch vụ nail hay không? Nên nâng bao nhiêu? Nâng giá rồi thì nên làm gì nữa?

    Bạn phải quyết định càng sớm càng tốt để có sự chuẩn bị chu đáo nhất. Đa số các tiệm nail đều tăng giá thời Covid và họ đều có sự chuẩn bị trước khi mở cửa trở lại.

    Đừng để khách hàng bước vào làm nail xong phàn nàn về việc chênh lệch giá mà họ không được thông báo trước đó. Menu cầm tay cơ động giúp bạn và thợ trong tiệm có thể dễ dàng tư vấn cho khách về giá trước khi họ sử dụng dịch vụ. 

    Với cách này, khách hàng sẽ cảm thấy việc tăng giá đã được chuẩn bị một cách chu đáo và thông cảm cho bạn hơn. 

    9. Tuyển thợ mới và ổn định nhân sự

    Thiếu thợ thì nail salon làm sao hoạt động tốt? Trong hoàn cảnh này sẽ có nhiều thợ muốn thay đổi chỗ làm hoặc chưa muốn đi làm ngay. Hãy chủ động tuyển thêm thợ một cách nhanh chóng.

     10. Khó khăn và cơ hội thu hút khách hàng mới

    Bên cạnh khó khăn là những cơ hội mới, rất nhiều khách hàng đang có nhu cầu thay đổi tiệm nail cũ vì nhiều lý do như khoảng cách địa lý hay vệ sinh không đảm bảo mà trước Covid họ không nghĩ tới. Tâm lý chung là sau khi ở nhà một thời gian dài khi được ra ngoài khách hàng sẽ có xu hướng tìm tới một cái gì đó mới. 

    Nếu có nguồn lực nhân lực, bạn có thể “tương kế tựu kế” quảng cáo ngay lúc này chớp thời cơ khi đối thủ đang bị hạn chế bởi nhiều trở ngại do Covid. Nếu hoàn cảnh phù hợp, thực hiện việc này đúng cách có thể mang lại kết quả tốt. 

    Theo vnailnews

  • Sau một thời gian phát triển tiệm cũng như đã có vị thế ổn định trong lòng khách hàng, bạn biết đây là chính là thời điểm để nâng giá các dịch vụ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, hơn 60% khách hàng nhạy cảm với việc tăng giá. Bài viết dưới đây sẽ giúp tiệm nail tăng giá nhưng vẫn duy trì lượng khách.  

    1. Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh

    Trong vài năm gần đây, các tiệm khác cùng thị trường với salon của bạn có thay đổi giá cả không? Nếu mọi chủ tiệm khác đều tăng giá, và khách hàng của họ khá dễ tính thì chẳng có gì phải đắn đo. Tuy nhiên, nếu bạn là người duy nhất thay đổi giá dịch vụ thì cửa tiệm nên tạo ra những giá trị khác biệt mà đối thủ không có.

    2. Đừng cố giấu diếm

    Khá nhiều doanh nghiệp thường xuyên thay đổi giá cả nhưng không hề thông báo cho khách hàng. Nhưng đối với tiệm nail, việc này như một bước đi sai lầm. Tốt nhất đừng cố gắng tăng giá vào bill của khách một cách lén lút – vị khách đó sẽ không bao giờ quay lại, tệ hơn là review tiệm theo hướng tiêu cực với những người xung quanh.

    Thông báo cho khách hàng biết bạn sắp tăng giá khoảng 2 tuần đến 1 tháng trước khi chính thức. Nail salon có thể tạo ra các khuyến mãi cho khách hàng hiện tại với mức giá cũ như mua combo, giảm 10% khi sử dụng dịch vụ với giá mới,…

    tang gia tiem nail

    3. Giải thích lý do

    Không cần thiết phải giải thích quá chi tiết về mặt lợi nhuận của cửa hàng. Chia sẻ với khách hàng những lý do vì sao bạn tăng giá một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ đồng cảm. Tip nhỏ là hãy tập trung vào những lợi ích mà khách hàng nhận được. Ví dụ “Nhằm phục vụ quý khách tốt hơn, đường dây hỗ trợ khách hàng sẽ là đường dây 24/7, phí hàng tháng sẽ được tăng lên 20% kể từ tháng 8”.

    4. Không xin lỗi

    Nếu bạn đi đúng theo kế hoạch mà vẫn lo lắng về phản ứng tiêu cực của khách hàng với việc tăng giá, bạn hay nhân viên của bạn sẽ có xu hướng xin lỗi khách – điều này là hoàn toàn sai lầm. Bỏ qua những lợi ích tài chính được mang lại, tăng giá đồng nghĩa với việc khách hàng được trải nghiệm dịch vụ chất lượng hơn hay được sử dụng tiện ích mới.

    5. Vài khách cũ sẽ bỏ đi – Khách mới sẽ tới

    Một vài khách hàng khá nhạy cảm với giá cả, có thể sẽ không tới sử dụng dịch vụ nữa, nhưng đó có phải là vị khách mà bạn muốn? Các chủ tiệm phát hiện ra rằng việc tăng giá đồng thời thu hút các khách hàng mới, họ sẵn sàng trả nhiều hơn cho dịch vụ tốt hơn.

    6. Tăng giá bằng cách thêm phí

    Thay vì tăng trực tiếp lên dịch vụ kinh doanh của bạn, chủ tiệm có thể thêm phí vào bill để trang trải các chi phí. Điều này khá hữu ích khi nguyên liệu hay sản phẩm tăng giá, lưu ý rằng thời điểm chi phí của nguyên liệu đó giảm thì khách hàng cũng mong muốn khoản phí kia mất đi.

    7. Tăng giá theo từng giai đoạn

    Bạn quá lo lắng về việc khách hàng sẽ ngừng sử dụng dịch vụ nếu bạn tăng giá, bạn có thể làm test trên một nhóm nhất định và xem phản ứng của họ. Khi số đông họ cảm thấy ổn thì owners có thể cho tăng giá cục bộ.

    8. Giữ giá cũ với khách hàng thân thiết và tăng giá với khách mới

    Khách quen sẽ cảm thấy bản thân rất đặc biệt và quan trọng với salon nếu được nghe rằng: “Tháng 1 tới, chúng tôi sẽ tăng giá các dịch vụ. Tuy nhiên vì bạn là khách hàng thân thiết của Amia nail salon, dịch vụ vẫn sẽ giữ nguyên với giá cũ trong 12 tháng.”

    9. Thêm giá trị

    Tạo ra các gói sản phẩm hoặc dịch vụ bằng cách thêm các tính năng không gây ảnh hưởng đến doanh thu của bạn, nhưng lại làm cho khách hàng ấn tượng. Ví dụ siêu thị điện máy có thể mở rộng thời gian bảo hành mà không tính thêm phí. Đối với nail salon có thể tạo gói dịch vụ làm móng tặng free bộ dụng cụ để lại cửa hàng và đảm bảo chỉ dùng cho cô ấy.

    10. Tăng giá một vài sản phẩm không phải tất cả

    Chỉ tăng giá trên dịch vụ được ưa thích nhất của cửa hàng. Những dịch vụ đấy thường là cốt lõi trong doanh thu của bạn, tăng giá thành công sẽ giúp doanh thu của bạn đột phá.

    11. Giảm bớt lựa chọn với giá thấp

    Đối với những vị khách không thích việc phải trả thêm tiền, họ có thể lựa chọn gói dịch vụ hoặc sản phẩm ít tiền hơn tương đương với ít tiện ích đi kèm. Ví dụ gói làm mặt cơ bản chỉ 20$ với các bước làm sạch, massage, kem dưỡng – gói chăm sóc da cao cấp 30$ bao gồm làm sạch, massage, đẩy tinh chất, điện đi, đắp mặt nạ,…

    Cùng với bản kế hoạch chu đáo và sự khéo léo khi trao đổi thông tin với khách hàng, bạn sẽ nhận ra tăng giá không chỉ giúp tiệm nail tăng lợi nhuận mà còn giúp thay đổi việc kinh doanh theo hướng tích cực.

    Theo vnailnews

  • nail gay viem gan 1

    Gần đây có nhiều tin đồn trên mạng xã hội và các diễn đàn rằng một người có thể bị viêm gan hoặc một số bệnh đáng sợ khác khi làm nail. Do đó, một số khách đã bắt đầu tự dũa và sơn móng tay của chính mình, nhưng cũng có những người khác lại phớt lờ những lời đồn đại này và tiếp tục đến các tiệm nail quen thuộc.

    Với các tin đồn như vậy, chưa biết đúng/sai ra sao, nhưng thực tế có thể làm tiệm nail mất khách. Vì vậy, chủ lẫn thợ nail nên nhìn nhận lại và thay đổi cho chuyên nghiệp hơn, nhằm xóa tan nghi ngờ của khách về an toàn sức khỏe khi làm nail.

    Dưới đây là 8 mẹo hóa giải tin đồn ''làm nail có thể bị viêm gan và các bệnh nguy hiểm khác'':

    1. Túi đựng dụng cụ nên được mở ra trước mặt khách.

    Việc khử trùng đúng cách các dụng cụ luôn được thực hiện trong một gói giấy bồi (giấy cứng, carton) mà thợ nail phải mở ra trước mặt bạn. Trên túi phải có một chỉ báo hình vuông nhỏ – ban đầu, túi sẽ có màu xám và sau khi tiệt trùng, nó sẽ chuyển sang màu hồng đậm hoặc nâu nhạt (màu sắc sẽ tùy thuộc vào cách thức tiệt trùng được thực hiện – bằng hơi nước hoặc bằng không khí khô).

    nail gay viem gan 1

    2. Que gỗ và khăn chỉ dùng một lần

    Tất cả các vật tư tiêu hao cho việc làm nail nên dùng một lần. Đó là lý do tại sao nên chú ý đến cách sử dụng khăn ăn và thanh gỗ trong tiệm. Những chiếc que đã qua sử dụng nên được cất giữ trong những thùng đựng chất thải đặc biệt Thợ nên bẻ những chiếc que này trước mặt khách sau khi đã được sử dụng.

    nail gay viem gan 3

    3. Thời gian làm một bột nail không nên mất ít hơn một giờ

    Trước khi làm, có khách kỹ tính sẽ hỏi thợ cần bao nhiêu thời gian cho quy trình này. Nếu thợ nói với họ rằng sẽ mất khoảng 30 phút, có lẽ khách nên sẽ từ chối dịch vụ. Làm móng kiểu cổ điển mất khoảng 01 giờ, trong đó 40 phút được dùng để cắt da và tạo hình móng.

    Thêm 20 phút để phủ sơn móng (tẩy dầu mỡ, sơn lớp nền, sơn 2 lớp móng tay và sơn sửa móng tay). Tất nhiên, có thể làm nhanh hơn nhưng trong trường hợp này, nhiều rủi ro bộ móng sẽ không đẹp như ý sau một tuần. Làm nail đúng cách sẽ giữ nguyên trên móng của khách và trông đẹp ngay cả khi móng tay bắt đầu mọc mới.

    4. Thợ nail chuyên nghiệp sẽ không dùng nước sơn phủ rẻ tiền

    Sơn móng tay rẻ tiền có thể làm móng khách bị khô. Do hàm lượng axit cao, nó sẽ đi sâu vào móng và làm hỏng cấu trúc của nó. Do đó, móng tay của khách có thể bắt đầu phân tầng. Đó là lý do tại sao sơn móng tay và các vật liệu khác được sử dụng trong tiệm nên là loại tốt. 

    5. Khách và thợ phải được bảo vệ khỏi tiếp xúc hóa chất

    Nhiều vật liệu làm móng có mùi nồng và khó chịu, trong khi bụi acrylic hình thành khi dũa các lớp sơn cũ gây hại cho sức khỏe, cho nên bàn làm nail phải trang bị hệ thống thông gió. Ngoài ra, nên có một hệ thống hút mùi chung trong toàn bộ tiệm nail. Thợ nên sử dụng khẩu trang kín và giữ hóa chất ở khoảng cách an toàn với khách.

    6. Thợ chỉ nên nhận bàn tay và móng tay khỏe mạnh.

    Thật nguy hiểm nếu thợ bắt đầu làm mà không chú ý đến những vết xước nhỏ trên da tay và các bệnh về móng có thể nhìn thấy được. Người thợ khôn ngoan coi trọng uy tín sẽ không bao giờ mạo hiểm làm việc với đôi tay bị thương. Trong trường hợp này, hãy khuyên khách nên điều trị trước rồi hãy quay lại.

    7. Thợ nail nên trông gọn gàng và tiệm duy trì không gian làm việc có tổ chức

    Danh tiếng của tiệm một phần phản ánh sự ngăn nắp của nhân viên được thể hiện ngay trên bàn làm móng. Trước khi bắt với khách mới, thợ phải xử lý không gian làm việc và loại bỏ găng tay đã dùng. Sau đó, nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và đề nghị làm như vậy với khách mới của mình.

    8. Không nên có hàng đống tạp chí cũ để trong tiệm

    Nghe có vẻ lạ lẵm, vì các tạp chí mà khách lấy xem trong khi chờ cũng có thể là nguồn vi khuẩn. Chúng khó có thể được xử lý bằng dung dịch kháng khuẩn, nhưng những trang rách nát của những ấn phẩm này đã đến tay nhiều người. Vì vậy, hãy chỉ để những ấn phẩm mới nhất mà thôi!

    Dành cho thợ hành nghề tự do hoặc khách muốn làm nhanh

    Khách có thể dùng dụng cụ riêng cũng là cách hay vì thợ làm nghề tự do thường không đủ tiền mua thiết bị khử trùng đắt đỏ. Nồi hấp trong các tiệm đảm bảo tiêu diệt tất cả các vi sinh vật nguy hiểm, trong khi đèn UV được thợ tự do sử dụng thì không có tác dụng nhiều đối với một số vi khuẩn và virus.

    Thói quen làm móng trước những ngày lễ lớn có thể dẫn đến nhiều rủi ro nghiêm trọng. Vì vậy, chủ và thợ nên chuẩn bị lượng dụng cụ sạch hợp lý để vừa đảm bảo vệ sinh vừa không làm gián đoạn quá trình làm cho khách mới.

    Theo vnailnews

  • Chia sẻ từ Facebook Chuyện Đời Thường - Khánh Đặng, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo:

    Trong ngành nails, có nhiều chủ tiệm rất thành công, và biết cách cư xử rất tế nhị, công bằng, khéo léo với thợ. Nhưng cũng có rất nhiều người, may mắn có được chút tiền ra mở tiệm. Tưởng như vậy là cha mẹ thiên hạ. Muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Thế cho nên, tưng bừng khai trương, âm thầm bán tiệm.

    Sau đây, tôi xin chia sẻ vài điều, mà người chủ tiệm xin đừng mắc phải.

    chu va tho trong tiem nail
    Ảnh minh họa

    1/ Đừng thiên vị mà hãy công bằng. Người chủ có thể thích thợ này hơn thợ kia. Nhưng không thể vì vậy mà dành những phần ngon, phần nhiều tiền cho họ. Nếu thích họ, cứ móc tiền túi ra cho họ. Còn trong công việc, phải công bằng thì thợ mới nễ.

    2/ Đừng nghe lời mấy thợ nịnh hót.

    Những người hay nịnh chủ, thường họ không thật và rất mưu toan. Họ có thể dèm pha người này ghét bỏ người kia, mục đích để người chủ đuổi hết thợ giỏi để họ ở lại làm trùm. Nếu người chủ nghe lời và thích được nịnh, thì sau này kẻ thù của chính mình là những người đã từng nịnh hót mình.

    3/ Đừng nói xấu thợ.

    Nếu như người chủ cứ nói xấu thợ này cho thợ kia nghe. Nói xấu thợ kia cho thợ này nghe. Thì chính người chủ là nguyên nhân gây xào xáo trong tiệm. Đừng bao giờ biện hộ, chia để trị. Nếu thợ có lỗi gì, cứ nói riêng với họ. Họ sẽ thay đổi và trọng mình hơn.

    4/ Đừng sỉ nhục thợ.

    Đừng bao giờ hạ thấp giá trị của người thợ. Sỉ nhục thợ trước mặt khách hay đồng nghiệp. Cứ tưởng mình làm vậy là mình chứng tỏ là người chủ có uy quyền. Sai hoàn toàn. Khi những người thợ khác và những khách hàng thấy vậy, thì người đáng bị khinh là chủ chứ không phải thợ. Và dễ bị mang tiếng lấy mạnh hiếp yếu.

    5/ Đừng ăn thua đủ với thợ.

    Khi có sự tranh cải, người chủ luôn tỏ ra có quyền và cái gì mình nói cũng đúng. Khi biết thợ có ý định nghỉ việc, người chủ ''thà tao đuổi mày trước, chứ không cho mày xin nghỉ việc trước''. Người chủ đòi hỏi thợ phải báo trước khi nghỉ việc. Nhưng bản thân mình lại đuổi thợ ngay tức thì. Đó là thể hiện sự nhỏ mọn, ti tiện của người chủ.

    6/ Đừng nói gì đến thợ khi họ đã nghỉ việc.

    Khi có thợ đã nghỉ việc, cho dù chủ không thích người thợ đó, cũng không nên nói xấu họ trong tiệm. Cũng không nên gọi đến chỗ làm mới của người thợ đó, nói xấu họ và nói chủ mới đừng nhận họ. Những việc làm đó không được lợi gì, mà thợ trong tiệm và tiệm bên kia còn cười vào mặt mình thêm. 

    7/ Đừng nên bịa chuyện.

    Không nên bịa chuyện không nói có, để lôi kéo thợ khác phải nghe lời mình mà ghét bỏ thợ kia. Người thợ ai đi làm cũng muốn bình an và kiếm tiền. Chẳng ai muốn theo phe ai cả. Nếu người chủ nói sai câu chuyện, khi thợ phát hiện ra, thì đừng hỏi tại sao thợ kéo bầy nghỉ hết.

    8/ Đừng qua cầu rút ván.

    Khi tiệm làm ăn khá hơn, có khách và thợ nhiều hơn. Người chủ đừng nên thay đổi cách cư xử với những người thợ lúc ban đầu. Có thể có thêm thợ giỏi hơn, rồi coi trọng họ hơn thợ cũ. Nhưng chưa chắc gì những thợ giỏi đó, lại làm lâu dài với mình. Lúc đó, vừa mất thợ cũ lẫn thợ mới luôn.

    9/ Đừng bao giờ để thợ hận thù mình.

    Khi người thợ hận thù mình, họ có thể làm bất cứ điều gì để gây hại đến mình. Ngành nails luôn lách luật, và có nhiều vấn đề tế nhị. Khi ra pháp luật, thường là người chủ bị thiệt chứ không phải thợ.

    10/ Đừng bóc lột và ép thợ vào đường cùng.

    Có nhiều người thợ vì hoàn cảnh, họ muốn có việc làm. Chủ thấy vậy ép họ nhận lương rất thấp và ép họ phải theo yêu cầu của mình. Đó là sự tàn ác. Làm ăn mà lương lẹo, bắt chẹt thợ thầy, trước sau gì cũng không có kết quả tốt.

    Trên đây là 10 điều tôi muốn chia sẻ đến các bạn. Bạn chỉ có hai tay, muốn làm giàu thì phải nhờ vào tay của thợ. Người chủ hơn thua với thợ, không phải là hơn thua nhau từng câu nói cách hành xử, mà chính là, tạo điều kiện cho thợ vui vẻ làm lâu dài cho mình.

    Tiền vào túi mình càng nhiều thì mình mới là người chủ thành công.

    Nguồn: Chuyện Đời Thường - Khánh Đặng

  • Nhiều chị em, do thường xuyên thay đổi màu móng thường xuyên, dễ bị tình trang móng tay bị mỏng đi, giòn và dễ gãy. Lúc này, chắc hẳn bạn muốn để móng tay tự nhiên, chẳng sơn phết gì, để móng tay có thể hồi phục. Nhưng, sao mà màu móng tay tự nhiên của mình trông vàng thế nhỉ?

    mong tay vang 2
    Móng tay vàng do hút thuốc lá

    Những nguyên nhân gây vàng móng tay

    Những ai thường xuyên sơn móng tay tối màu có thể bị tình trạng móng tay ố vàng. Ví dụ những màu sơn như đen, đỏ, tím, xanh đậm. Nếu đây là trường hợp của bạn, chờ một thời gian, móng tay mới mọc ra sẽ có màu trắng hồng tự nhiên, từ từ thay thế lớp móng tay cũ bị vàng.

    mong tay vang 2
    Sơn móng tay đậm màu dễ gây ố vàng móng. Ảnh: Instagram @ludochka_t

    Tuy nhiên, nếu móng tay mới mọc ra tiếp tục có màu vàng, lúc này, màu móng tay nói lên những vấn đề tế nhị hơn liên quan đến sức khỏe của bạn.

    Có thể là bạn bị nấm móng tay. Hoặc dị ứng một hoạt chất nào đó trong mỹ phẩm dưỡng da tay, thời tiết, ẩm thực v.v. Việc ăn uống thiếu điều độ, không đầy đủ các khoáng chất và vitamin thiết yếu cũng khiến móng tay yếu đi, trông vàng vọt thay vì hồng hào khỏe mạnh.

    Tệ hơn, móng tay vàng có thể là dấu hiệu cho một căn bệnh sâu xa, như chứng bệnh về phổi, viêm khớp dạng thấp hay tiểu đường. Những người hút thuốc hay uống rượu cũng có thể bị vàng móng tay.

    Nhìn chung, nếu bạn đã lâu không sơn móng tay tối màu, mà màu móng tay vẫn cứ vàng vọt, thì bạn nên đi kiểm tra tổng quát sức khỏe.

    Những cách làm trắng móng tay bị vàng tại nhà

    Đối với trường hợp móng tay bị vàng do bệnh tật, bạn chỉ có thể điều trị dứt điểm khi trị bệnh tận gốc. Nếu móng tay bị vàng do ăn uống thiếu điều độ, bác sỹ có thể đề nghị bạn dùng bổ sung các loại vitamin và khoáng chất hàng ngày. Ở hai tình huống này, không có cách nào giúp bạn làm trắng móng tay với các biện pháp như chà rửa.

    Còn nếu móng tay của bạn bị vàng do nấm, hoặc do sơn móng tay, bạn có thể thử các biện pháp làm trắng móng tay với tinh dầu, bột baking soda, ôxy già (hydrogen peroxide).

    Tẩy trắng móng tay bị vàng do nấm với tinh dầu tràm trà (tea tree oil)

    mong tay vang 2
    Tinh dầu tràm trà không chỉ tốt để trị mụn, mà còn phù hợp để kháng khuẩn, nấm mốc trên móng tay và móng chân

    Đối với những người bị vàng móng tay do nấm, bạn có thể sử dụng tinh dầu tràm trà điều trị. Tinh dầu tràm trà có tính năng kháng khuẩn cao, được chứng minh có hiệu quả ngăn ngừa nấm móng tay phát triển.

    Cách thực hiện:

    • Tẩy sạch móng tay. Đảm bảo móng tay không còn lớp sơn móng. Vì lớp sơn móng tay như một lớp màng ngăn ngừa tinh dầu tràm trà thẩm thấu vào, trị nấm móng tay.
    • Bạn pha 1-2 giọt tinh dầu tràm trà với 1 muỗng canh dầu nền. Có thể dùng dầu ôliu hoặc dầu dừa đều được. Lý do cần pha loãng vì tinh dầu tràm trà khá mạnh, có thể gây xót, bỏng rát nếu thoa trực tiếp lên da.
    • Dùng tăm bông thấm vào hỗn hợp dầu và thoa lên móng.
    • Thực hiện đều đặn mỗi sáng và tối.

    Cách làm trắng móng tay với bột baking soda

    Trong công cuộc làm trắng móng tay bị vàng, bột baking soda cực kỳ đa năng. Vừa tẩy trắng móng tay bị vàng do sơn móng tay đậm màu, vừa có khả năng ngăn ngừa vi khuẩn, nấm mọc trên móng tay và móng chân.

    Lý do vì nấm chỉ có thể mọc trên môi trường da có độ pH thấp (tính axít). Trong khi đó, baking soda lại là hoạt chất có tính kiềm, vì vậy sẽ giúp ngăn ngừa nấm và vi khuẩn bám lại trên móng tay, móng chân. Độ nhám của bột baking soda cũng phù hợp để chà đi lớp sừng bị vàng do màu sơn móng tay, móng chân tối màu. Quả là một công đôi việc, nhỉ.

    Cách thực hiện:

    • Tẩy sạch móng tay. Đảm bảo móng tay không còn lớp sơn móng.
    • Pha hai muỗng cà phê bột baking soda cùng ít nước ấm, tạo nên một hỗn hợp hơi đặc sệt giống kem đánh răng.
    • Thoa hỗn hợp baking soda lên bề mặt móng tay, móng chân, và dưới kẽ móng. Để hỗn hợp thấm trong vòng tối thiểu 5 phút.
    • Khi rửa hỗn hợp, bạn có thể dùng bàn chải, chà nhẹ nhàng để hỗn hợp baking soda có thể ma sát, tẩy đi lớp móng bị vàng.

    Tẩy trắng móng tay với ôxy già (hydrogen peroxide)

    mong tay vang 2
    Bạn có thể sử dụng hydrogen peroxide riêng, hoặc pha với baking soda để làm trắng móng tay tại nhà

    Hydrogen peroxide là một hoạt chất được sử dụng để tẩy trắng quần áo thay cho chlorine. Vì vậy, sử dụng hydrogen peroxide để làm trắng móng tay bị vàng cũng có thể mang lại hiệu ứng tương tự. Hoạt chất này khi ngấm vào móng tay, móng chân có thể làm nhạt những vệt vàng bị đọng lại sau khi sử dụng sơn móng tay đậm màu.

    Cách thực hiện:

    • Bạn có thể sử dụng ôxy già riêng. Chọn loại dung dịch 3%. Thoa trực tiếp lên móng tay, móng chân. Để ngấm trong 5 phút, rồi rửa sạch.
    • Hoặc sử dụng nó chung với bột baking soda. Nhỏ 2-3 giọt ôxy già vào hỗn hợp baking soda theo phương pháp trên để đắp móng. Ôxy già, khi kết hợp với bột baking soda, sẽ tạo ra muối percarbonate. Đây là một loại muối có tác dụng tẩy trắng.
    • Bật mí là hai hoạt chất này cũng có trong một số các loại kem đánh răng. Vì vậy, nếu không có sẵn ôxy già, bạn có thể thử kem đánh răng làm trắng răng chứa nguyên liệu peroxide thay thế. 

    mong tay vang 2
    Một số loại kem đánh răng chứa hydrogen peroxide, cộng hưởng với baking soda bạn có thể sử dụng để làm trắng móng tay bị ố vàng tại nhà.

    Sử dụng vitamin giúp mọc móng tay nhanh

    Một biện pháp khác giúp bạn khắc phục bộ móng tay bị ố vàng do sơn móng tay là kích thích, làm tăng cường móng tay mọc nhanh. Phần móng tay mới mọc ra sẽ hồng hào trở lại, không còn vết tích của móng tay bị ố vàng do sơn móng đậm màu.

    Bạn có thể sử dụng viên uống vitamin Biotin. Biotin là một hoạt chất giúp mọc tóc, móng, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng móng tay yếu ớt và dễ gãy.

    Bạn cũng có thể thử sử dụng viên uống hoặc serum dưỡng móng tay chứa vitamin E. Nghiên cứu cho thấy, vitamin E có khả năng đẩy nhanh quá trình mọc móng tay. Vì vậy, đây cũng là biện pháp chữa lành móng tay bị ố vàng, thương tổn sau nhiều lần thay đổi màu sơn móng tay thường xuyên.

    mong tay vang 2
    Ảnh: Instagram @sundays_studio

    Nguồn: Harper's Bazaar

  • Đặt trọn tâm huyết của mình theo đuổi bộ môn nghệ thuật Nail, Eve Tran gây ấn tượng với hình ảnh một đóa hoa thép kiên cường và nhiệt huyết. 

    eve tran 4 horz

    Eve Tran là người phụ nữ gốc Việt hiếm hoi gặt hái được thành công tại nước Đức. Bắt đầu định cư ở nước ngoài vào năm 2001, ít ai nghĩ rằng cô bé 14 tuổi này sẽ xây dựng nên một thương hiệu Nail nổi tiếng trong hai mươi năm sau. Câu chuyện của Eve Tran đã truyền cảm hứng cho những người phụ nữ dám ước mơ và sẵn sàng dốc lòng để theo đuổi con đường thành công.

    eve tran 2
    Eve Tran gây ấn tượng với vẻ đẹp sắc sảo và sự nhiệt huyết dành cho nghệ thuật Nail.

    Đối với Eve Tran, trở thành một nghệ nhân Nail là điều cô chưa bao giờ nghĩ đến. Hành động này đã mở ra cho cô một “thế giới mới” với nhiều cơ hội và khó khăn. “Trong những ngày đầu tiên bước vào nghề, chất lượng sản phẩm và kỹ thuật của tôi đều bị hạn chế. Tôi từng dũng cảm thể hiện mong muốn được học hỏi với chuyên gia người Đức. Thế nhưng, thứ nhận được lại là cái lắc đầu từ chối” - Eve chia sẻ. 

    eve tran 2
    Bén duyên tình cờ với nghệ thuật Nail, Eve Tran đã dũng cảm theo đuổi đam mê của mình.

    Vượt qua định kiến của xã hội, những khó khăn đã khai mở tầm mắt, rèn giũa Eve Tran trở thành một người phụ nữ chững chạc, bản lĩnh. Cô không lựa chọn từ bỏ để kết thúc con đường ước mơ của mình. Eve Tran tiếp tục nỗ lực nghiên cứu kỹ thuật làm móng, đồng thời cố gắng sáng tạo sự độc đáo trong từng tác phẩm. “Suy nghĩ và tinh thần có sức mạnh lớn hơn rất nhiều những gì chúng ta vẫn tưởng tượng. Nỗ lực là bàn đạp tiến gần hơn đến ước mơ” - Eve Tran chia sẻ về động lực giúp cô vượt qua giai đoạn khó khăn.

    eve tran 2
    Mỗi tác phẩm của Eve Tran đều chứa đựng tâm huyết và tài năng.

    Trước khi trở thành một nghệ nhân Nail, Eve Tran là một người phụ nữ khát khao vẻ đẹp hoàn mỹ. Cô tin rằng mỗi người phụ nữ đều hy vọng bản thân có thể tỏa sáng trong mọi khoảnh khắc. Nghệ thuật làm Nail là “công cụ hỗ trợ” giúp phái đẹp thực hiện ước mơ đó. Chính vì vậy, Eve Tran luôn cố gắng tạo nên những đường nét và thao tác hoàn hảo nhất trong mỗi tác phẩm.

    eve tran 2
    Bằng tài năng và sự nỗ lực, Eve Tran đã khẳng định được bản thân trong lĩnh vực Nail.

    Với khát vọng tôn vinh nghệ thuật làm Nail, Eve Tran đã thành công đưa các tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng khi tham gia nhiều cuộc thi uy tín trên thế giới. Cái tên Eve Tran được xướng lên tại các giải thưởng cao quý nhất. Trong năm 2020, cô xuất sắc nhận về huy chương bạc trong giải đấu Nail thế giới. Eve Tran trở thành người Việt đầu tiên nhận danh hiệu Doctor Professor of nail industry. Trong thời gian tới, cô sẽ tiếp tục tham gia cuộc thi Nail nghệ thuật thế giới được diễn ra đầu tháng 4/2021. 

    “Bộ môn Nail đang phát triển mạnh mẽ. Tôi hy vọng có thêm nhiều bạn yêu thích và đam mê tìm hiểu bộ môn này. Trong tương lai, tôi mong rằng những nghệ nhân người Việt sẽ tỏa sáng trên các đấu trường quốc tế”. Với niềm đam mê và trái tim nhiệt huyết dành cho nghệ thuật Nail, tin chắc Eve Tran còn tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên con đường của mình.

    Eve Tran là một nghệ nhân Nail nổi tiếng tại nước Đức sau 17 năm hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp. Vào năm 2001, cô theo mẹ sang nước Đức định cư. Biết đến nghề Nail một cách tình cờ thông qua sự giới thiệu của người thân, Eve Tran quyết định theo đuổi con đường tạo nên nghệ thuật trên móng tay.

    Vào những ngày đầu học tập, Eve Tran gặp không ít khó khăn trong việc tiếp xúc với các chuyên gia, nghệ nhân. Cái tên Eve Tran bắt đầu gây được tiếng vang khi cô tham gia các cuộc thi chuyên môn về ngành Nail và giành được giải thưởng uy tín như huy chương bạc trong giải đấu Nail thế giới, Doctor Professor of nail industry. Bên cạnh công việc kinh doanh, Eve Tran còn đang tham gia giảng dạy và truyền cảm hứng cho những ai đang theo đuổi nghệ thuật Nail.

    Instagram: https://www.instagram.com/eve_tran/?hl=vi

    Nguồn: TCTTT

  • Các tiệm nails Việt ở Anh đã được mở cửa trở lại hơn 2 tháng nay nhưng có 1 tình trạng chung đang diễn ra đó là lượng khách và thu nhập của các tiệm này đã giảm đáng kể. 

    Đây là điều không có gì là quá bất ngờ khi mà kinh tế của nước Anh và thế giới đang gặp phải khủng hoảng vì dịch bệnh. Người dân Anh bắt đầu bị mất việc, phải cắt giảm chi tiêu nhiều hơn thì sẽ hạn chế việc tiêu tiền vào những thứ xa xỉ như làm đẹp, mua đồ đắt tiền. 

    Tuy nhiên, sau khi đọc được 1 bài báo nói về cách các hãng máy bay trên thế giới đang tìm cách kiếm thêm tiền từ việc bán rau, bán quần áo (https://www.business-standard.com/article/international/vegetables-to-pajamas-airlines-invent-ways-to-make-money-amid-pandemic-120090500010_1.html)  thì VietHome nảy ra ý tưởng, tại sao shop nails không thử bán các sản phẩm cho những khách hàng có sẵn trong tiệm ? 

    Và dưới đây là những gì chúng tôi tìm hiểu được sau khi đi hỏi các anh chị chủ shop nails Việt ở Anh, hi vọng sẽ có thêm ý tưởng giúp ích cho mọi người. 

    tiem nail viet anh quoc ban le 1

    Bán khẩu trang thêm cho khách

    Anh Lê Nguyễn - một chủ tiệm ở Wales cho biết 1 tháng nay anh bắt đầu để khẩu trang ở ngoài tiệm để bán lẻ cho khách. Thợ làm trong shop anh đã cắt giảm nhưng để đảm bảo vẫn có đồng ra đồng vào, anh quyết định thử mua khẩu trang về bán lẻ thêm cho khách của mình. 

    Anh Lee cho biết: “Khách chỗ mình là người trung và lớn tuổi, họ đặc biệt quan tâm tới khẩu trang và hầu như ai cũng có nhu cầu đi ra shop mua về cho gia đình. Giờ khách vào tới tay rồi, mà không tận dụng được thì hơi phí. Gạ họ làm thêm dịch vụ thì khó vì họ còn phải để tiền mua thứ khác, nên mình quyết định nhập thêm khẩu trang về thử. Vì cũng sợ mất uy tín nên mình chỉ bán khẩu trang y tế, có tiêu chuẩn chất lượng cao chứ không dám nhập từ các nơi linh tinh. Đợt này tình hình dịch đang bùng lại nên khách có nhu cầu hơn, mình đang tính nhập thêm 1 số sản phẩm nước rửa tay nữa đặt ở bàn reception xem có ai họ tiện, họ mua luôn.”

    Bán thuốc bổ bảo vệ sức khoẻ

    Shop chị Trang ở Essex thì lại tìm ra được sản phẩm khác để tăng thêm chút thu nhập cho mình. Chị nói, trước dịch chị đã nhập các sản phẩm trà, thuốc bố từ Mỹ sang để gia đình dùng. Sau khi thấy tốt chị mang ra shop bán luôn cho khách của mình. Cho tới nay, khách đã quá quen với sản phẩm này & họ tới shop để mua hàng thường xuyên hơn. Sau khi tiệm nails được mở trở lại, chị đẩy mạnh hơn việc bán lẻ ở tiệm nails của mình nên doanh số cũng tăng đôi chút.

    Cho thuê 1 phần shop

    Với các shop bé, tiền thuê ít thì có vẻ dễ thở hơn với các chi phí vận hành, còn với các shop lớn thì họ sẽ làm thế nào ? 

    Anh Tuấn hiện đang có shop ngay tại trung tâm London cho biết: “Khách văn phòng giảm hẳn vì mọi người làm việc ở nhà, shop mình trước đây để được 12 cái bàn, giờ phải giảm hơn 1 nửa. Diện tích của shop quá rộng, không dùng tới nên mình đã quyết định cho thuê 1 phần, để lấy chút tiền bù lại chi phí rent rate. Anh Tuấn cho biết thêm " Vợ chồng mình cũng đang nghiên cứu cách bán lẻ giống như tiệm tóc, nhưng việc tìm được sản phẩm vừa phù hợp, vừa cần ít vốn đầu tư cũng không phải dễ dàng. Có lẽ mình hỏi thử khách xem họ thích hoặc cần mua những gì, sau đó nhập về bán thử coi sao" 

    Theo VietHome tìm hiểu thì việc các tiệm nails chuyển sang bán lẻ không phải là mới ở bên Mỹ, vì họ đã biết cách tận dụng thêm nguồn khách hàng đang ở trong tiệm. Trong đợt dịch này, các tiệm nails Việt ở UK và Châu Âu cũng đã dần thử nghiệm mô hình mới này, liệu đây có phải là tương lai của ngành nails Việt hay không ?  

    VietHome

  • Theo VietHome tìm hiểu, 1 tiệm nails supply của người Việt ở xứ Wales đã cháy rụi trong đám cháy lớn ở Newport.

    Ngọn lửa bùng phát tại Langland Parc West vào khoảng giữa trưa ngày 25/9, tạo ra một đám khói dày đặc trên khắp thành phố .

    chaytiemnail2Đám cháy đã tạo ra làn khói dày đặc 

    Nhiều xe cứu hỏa đã được điều động đến hiện trường. Người dân tại khu vực xung quanh đã nhanh chóng được sơ tán. Đội Cứu hỏa và Cứu hộ Nam Wales (SWFRS) cũng cắt điện để chiến đấu với ngọn lửa.

    Ngọn lửa đã được khống chế. Tuy nhiên, một số hộ kinh doanh đã bị thiệt hại nặng nề.

    chaytiemnailMột số hộ kinh doanh đã bị thiệt hại nặng. Ảnh: Dương Nguyễn

    Một tiệm nails supply của người Việt đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

    chaytiemnail1Tiệm nail của người Việt sau đám cháy. Ảnh: Dương Nguyễn

    Ieuan Smith, 19 tuổi, nhân viên của Car Spa, một công ty sơn nước hoạt động gần nơi xảy ra vụ cháy, nói: “Tôi đang đeo tai nghe và làm việc thì thấy mọi người tán loạn chạy ra ngoài”.

    Ieuan cho biết anh đã kịp cầm theo tất cả các thiết bị. ''Khi khói bắt đầu tan vào khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi có thể thấy rõ mặt tiền của một số cửa hàng bị cháy đen'', ánh nói.

    Video về vụ cháy

    Kathryn Jefferson đang ở Khu vui chơi Little Oaks gần đó khi đám cháy bắt đầu.

    “Lúc đầu, chúng tôi thậm chí còn không nhận ra,” cô nói, “Chúng tôi đang dọn dẹp và tự nhiên mất điện.

    Cô Kathryun cho biết họ đã rất lo lắng sau khi những người hàng xóm đập cửa và thông báo về đám cháy.

    Viethome (Theo South Wales Argus)

  • Nếu không có gì thay đổi, các tiệm nail ở tiểu bang Illinois sẽ được phép mở cửa vào ngày 29 Tháng Năm. Sau 72 ngày đóng cửa vì đại dịch COVID-19, nghề nail được “trở lại với đời” nhưng với một vị thế hoàn toàn khác với nhiều dự báo… chẳng lành.

    Thời huy hoàng nay còn đâu

    Gần như đó là một câu nói cửa miệng của những người hành nghề làm đẹp cho cộng đồng ở Mỹ trong những ngày này. Anh Aaron Lê, chủ tiệm nail Five Star, một trong những tiệm thuộc loại có “số má” trong giới làm nail ở Illionois nói chung và vùng Glendale Heights nói riêng, chia sẻ về sự đảo lộn của nghề nail sau đại dịch với không ít những trăn trở.

    Còn khá trẻ nhưng có tay nghề khá giỏi nhờ nhiều năm “lăn lóc” trong nghề, anh và cộng sự của mình, chị Christine Nguyễn, chịu khó tiếp cận với những xu thế tiếp thị tiên tiến để thay đổi phong cách phục vụ, chú trọng chăm sóc khách hàng nên chỉ trong một thời gian ngắn, tiệm của anh chị có chỗ đứng trong vùng.

    Là một tiệm có diện tích trung bình (khoảng 1,600 sq ft) và 14 thợ, nhưng ngày Hè hoặc vào các dịp lễ, tiệm của anh chị không còn một chỗ trống và khách phải xếp hàng để chờ đến lượt mình được chăm sóc, thậm chí, vào mùa Đông, tuyết phủ trắng đường, tiệm vẫn có lượng khách rất ổn định…

    Đại dịch COVID-19 ập đến, nghề nail cũng như tất cả các ngành nghề dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp khác, là những nghề dễ bị thiệt hại nhất. Ngay lập tức, tiệm phải đóng cửa, thậm chí tiệm của họ còn đóng cửa trước khi có lệnh cách ly của thống đốc tiểu bang.

    Chị Christine cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi quyết định tạm đóng cửa hai tuần để bảo vệ thợ của mình và gia đình của họ. Thời điểm đó, dịch ở Châu Âu và thế giới đang lan nhanh trong khi khách của chúng tôi phần lớn đều có gốc da trắng. Ai dè hai ngày sau, tiểu bang có lệnh đóng cửa vậy là ‘cuộc chơi đang vui phải dừng lại giữa chừng.’ Cũng chỉ tưởng một vài tuần, ai dè đóng cửa hơn hai tháng.”

    Nghề nail là nghề khá nhạy cảm với sức khỏe của cả khách lẫn thợ nên yêu cầu vệ sinh sạch sẽ là điều tuyệt đối quan trọng. Dù đóng cửa tiệm nhưng mỗi tuần, hai anh chị phải thay phiên nhau ra tiệm trống để dọn dẹp, làm vệ sinh và cho tiệm có… hơi người. Có thể nói, với nghề nail, cả chủ và thợ đều coi tiệm như ngôi nhà hay gia đình thứ hai của mình bởi vì họ có thời gian làm việc, gần gũi bên nhau nhiều hơn thời gian bên chính gia đình họ.

    “Những ngày đóng cửa, khi đến tiệm tôi luôn có cảm giác cay cay nơi sống mũi. Căn phòng lạnh lẽo, bãi xe trống vắng, người đi đường thưa thớt… cứ đọng lại những cảm nhận về sự thay đổi theo chiều hướng mông lung, mơ hồ. Linh cảm về sự đảo lộn trong tương lai làm người ta se lại,” anh Aaron chia sẻ.

    au lo 1
    Một ngày như mọi ngày tại tiệm Five Star, nhưng là… trước dịch COVID-19. (Hình: Hoài Lê cung cấp)

    Âu lo trước “giờ G”

    Ở Mỹ, ai cũng biết nghề nail rất cần thiết cho cộng đồng như thế nào. Ở xứ lạnh vùng Trung Tây nước Mỹ như tiểu bang Ilinois cũng vậy. Việc chăm sóc sắc đẹp như nghề làm nail cũng “gây nghiện.” Những bộ “full set,” những ngón tay có màu sơn “No Chip” hay lóng lánh của “Dip Powder” đầy quyến rũ bởi vì… sau hai tuần chợt trở nên “tang thương” khi móng đã dài hơn nên rất cần “fill,” hay làm lại. Có lẽ vì vậy mà trong thời gian đóng cửa, khách liên tục gọi điện thoại chỉ hỏi duy nhất một câu: Khi nào mở cửa?

    Nhưng sau thời gian dài chờ đợi trong vô vọng, khi gần đến ngày mở cửa trở lại thì âu lo lại dồn dập.

    Vào ngày 20 Tháng Năm, tất cả chủ và thợ nail của tiểu bang Illinois bị yêu cầu phải có chứng nhận của “Barbicide,” công ty kiểm soát vệ sinh trong ngành sắc đẹp, về việc am hiểu những điều bắt buộc với COVID-19. Chưa hết, đọc bảng tiêu chuẩn căn bản về vệ sinh dành cho các tiệm nail theo hướng dẫn của chính quyền mới thật sự “rối não.” Đọc bốn trang với gần 100 điều khoản trong “Section 1175.115 Sanitary Standards…” nhiều ông chủ, bà chủ tiệm nail ở Ilinois phải kêu trời. Đại loại như: “Đọc xong cái danh sách muốn đóng cửa tiếp luôn,” “Đi làm mà như đi đánh giặc, trang bị nhiều thứ như vậy cũng mệt à nhe,” “Chán quá, thôi dẹp tiệm luôn cho rồi, ở nhà ăn tiền thất ngiệp có lý hơn.”

    Tuy vậy, mọi người cũng an ủi nhau: “Nghề là nghiệp mà, nếu không trang bị như vậy virus đánh trúng mình là tiêu,” hay “Lúc mới thấy mệt vậy thôi, từ từ cũng quen…”

    Tiểu bang Illinois hiện có khoảng gần 1,000 tiệm nail, đa phần do người Việt làm chủ. Ngày thường, các tiệm đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách tiểu bang. Các tiệm nail cũng là nơi giải quyết công ăn việc làm cho gần 100,000 ngàn lao động và đương nhiên là với cả trăm ngàn gia đình tiền ăn, tiền học, tiền nhà và hàng chục các khoản chi phí khác phụ thuộc vào người thợ làm nail.

    Tuy nhiên, phần lớn nghề nail ở Illinois là cả chủ và thợ đều khai thuế theo Form 1099, như là người làm việc theo khế ước. Điều này có nghĩa là họ không có bảo trợ thất nghiệp nên sau khi tiệm đóng cửa, nghỉ làm, thì tất cả mọi chi phí sinh hoạt chỉ còn trong cậy vào khoảng tiền $1,200 tiền kích thích kinh tế của chính phủ liên bang. Không thể trông cậy vào tiền thất nghiệp, cả chủ và thợ nail chỉ còn trông mong vào ngày mở cửa để được đi làm.

    Nhưng đi làm sau đại dịch sẽ không còn như trước.

    Theo anh Aaron, hàng loạt các trang thiết bị cần phải có để giữ an toàn cho thợ và khách mà chủ phải đầu tư. Đầu tiên là các tấm chắn giọt bắn (shield cover), kế đến là găng tay, khẩu trang. Nếu như các tấm chắn cho làm tay và chân giá khoảng $100/bộ thì khẩu trang không chỉ là yêu cầu bắt buộc với thợ mà cả với khách, trong khi hai mặt hàng thiết yếu này đều tăng gấp 8-10 lần so với trước đây. Đó là chưa kể những loại sản phẩm khác mà trước kia rất ít dùng, nay bắt buộc phải có đó là nước rửa tay khô (sanitizer), bình xịt khử khuẩn…. Hiện nay, các sản phẩm này đều thuộc loại hàng hiếm và giá… trên trời.

    Dân làm nghề nail thường nói đùa nghề của mình là nghề “nhậu” “alcohol” và “acetone,” bởi vì đây là hai thứ cần thiết. Nhưng hiện nay, các thứ này đều tăng giá gấp nhiều lần bởi vì chúng được sử dụng như là một dung dịch kháng khuẩn rộng rãi trong cộng đồng.

    Có nghĩa là chỉ tính sơ sơ, để bảo vệ cho thợ và cho khách đã có nhiều khoản phải chi ra, chưa kể các vật dụng làm móng đều tăng giá… Điều đó chắc chắn sẽ làm đảo lộn nhiều thứ. Đặc biệt, thông báo gần đây của chính quyền, trong giai đoạn đầu được mở cửa, các tiệm nail bắt buộc phải tuân thủ việc giữ khoảng cách. Căng à nhe, trong nghề nail, nếu phải giữ khoảng cách, có nghĩa không được nhận nhiều khách. Mà đón khách nhỏ giọt thì coi như… héo hàng.

    au lo 1
    Tiệm Five Star được lắp đặt “shield cover” trước ngày mở cửa trở lại. (Hình: Hoài Lê cung cấp)

    Những nghịch lý gây bất ổn

    Nhiều dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi rất mạnh sau đại dịch. Nhưng với nghề nail lại được dự báo với khá nhiều bất ổn. Trước hết là giá. Việc phải chi tiên để mua hàng loạt các trang thiết bị bảo vệ an toàn cho khách và thợ sẽ đội giá thành nên nghề nail sau đại dịch sẽ không còn như ba tháng trước nếu muốn tồn tại. Và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khách hàng, những người cũng bị thiệt hại trong mùa dịch.

    Có dịp trao đổi với những ông, bà chủ của loại doanh nghiệp vừa và nhỏ như tiệm nail trong những ngày gần mở cửa này, chúng tôi luôn được nghe những lời trăn trở về áp lực mà họ phải chịu. Đó là tiền thuê mặt bằng. Chia sẻ trong mùa đại dịch cũng có những chủ đất đồng ý giảm tiền thuê tiệm nhưng phần lớn đều trong tình trạng “No connection” (Không thể kết nối). Có nghĩa là cả trong những tháng hoàn toàn đóng cửa, chủ tiệm vẫn phải trả đủ tiền thuê nhà, khi mở cửa đi làm lại chẳng thể trông chờ vào việc giảm giá. Cũng không thể trách được họ bởi vì chính chủ đất cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19. Với lượng khách hạn chế, cộng với hàng loạt chi phí phát sinh, và như được dự báo trước, việc mở cửa trở lại đối với các chủ tiệm nail may ra chỉ đủ… trả tiền thuê nhà.

    Có một điều gần như là nghịch lý nhưng lại tạo áp lực không nhỏ, đó là nỗi lo thiếu hoặc thừa… thợ. Chưa có vaccine, chưa có thuốc đặc trị COVID-19, tạo tâm lý không an tâm cho những người thợ có cha mẹ già hay con nhỏ nên việc họ từ chối đi làm trong thời gian đầu, hay một thời gian dài sau đó, là điều có thể dự đoán được. Tuy nhiên, sự hạn chế lượng khách, vì yêu cầu giữ khoảng cách, lại tạo áp lực khác cho chủ tiệm. Đó là cần phân chia ca làm việc như thể nào để giữ được thợ, giữ được khách quen chờ qua cơn khủng hoảng… không phải là điều đơn giản.

    Nghề nail là nghề hết sức nhạy cảm, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thiếu thợ để khách phải chờ lâu đã khổ thì phân chia thợ không công bằng hay thiếu tinh tế rất có thể mất thợ và liền sau đó là mất khách thì còn khổ hơn.

    Nhưng theo anh Aaron Lê và chị Christine Nguyễn, áp lực lớn nhất đối với họ lại là việc bảo vệ an toàn và giữ uy tín cho tiệm trong giai đoạn này khi mức độ rủi ro quá cao mới là “gánh nặng trầm kha.” Không thể kiểm soát được sự giao tiếp trong các mối quan hệ xã hội của khách hàng nên gần như không có gì biết trước họ có bị nhiễm bệnh hay không trước khi đến tiệm. Dù đã trang bị đầy đủ các yêu cầu về khoảnh cách, vệ sinh, kháng khuẩn, hay đo thân nhiệt, chỉ cần một thông tin khách hay thợ nhiễm COVID-19 trong thời gian này sẽ để lại “tai tiếng,” ảnh hưởng thê thảm đến thương hiệu mà họ mất khá nhiều công sức để gầy dựng.

    Chưa biết đoạn tiếp theo sau ngày nước Mỹ mở cửa lại nền kinh tế như thế nào, nhưng với nghề nail, quả là những âu lo chập trùng và “mong manh như chỉ mành treo chuông.” (Hoài Lê) 

    Theo Người Việt

  • Charlie Tôn Quý, sở hữu thương hiệu với 825 tiệm nail ở Mỹ, áp dụng các biện pháp phòng dịch và tài chính để khôi phục kinh doanh trong Covid-19. 

    "Trong hệ thống Regal Nails của tôi, gần 280 tiệm đã mở cửa trở lại, sau thời gian nghỉ do dịch", ông Quý nói với VnExpress. Các tiệm nail của Regal Nails hoạt động theo hình thức nhượng quyền, đặt trong các siêu thị của Walmart trên khắp nước Mỹ. 

    Tất cả 50 bang của Mỹ hiện đã nới lỏng các biện pháp hạn chế kinh doanh, trong bối cảnh nước này vẫn là vùng dịch Covid-19 lớn nhất toàn cầu, đứng đầu thế giới về cả số ca nhiễm và chết. Từ giữa tháng 4, Tổng thống Mỹ Trump liên tục bày tỏ mong muốn tái khởi động nền kinh tế, nhưng cho biết thống đốc các bang sẽ quyết định dựa trên tình hình thực tế. 

    Từ đầu tháng 5, khi các tiệm nail được phép hoạt động, ông Quý yêu cầu quản lý thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn để chặn Covid-19. Theo đó, nhân viên được trang bị găng tay, tấm chắn ngăn cách với khách; khách hàng được đo thân nhiệt, cung cấp nước rửa tay, khẩu trang. Các tiệm cũng giới hạn số lượng 10 người, mỗi người cách nhau gần 2m. 

    ong charlie ton quy
    Ông Quý trong tiệm nail của mình tại bang Louisiana. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Ông Quý cho biết vấn đề lớn nhất của Regal Nails là thiếu thợ để duy trì hoạt động, khi người lao động ở nhà tránh dịch và được hưởng gói hỗ trợ của chính quyền bang và liên bang. Từ cuối tháng 3/2020, Tổng thống Mỹ Trump đã ký thông qua gói cứu trợ kinh tế 2.200 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động Mỹ gặp khó khăn vì Covid-19. Mức trợ cấp thất nghiệp dành cho một người lao động là khoảng 600 USD mỗi tuần trong vòng 4 tháng.

    "Lượng khách hàng rất đông, nhưng không có đủ thợ làm nên chúng tôi đang phải chấp nhận mất khách", ông Quý nói. 

    Bên cạnh nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu thợ, ông chủ của Regal Nails đang tính phương án giảm tiền thuê mặt bằng cho các tiệm muốn hoạt động trở lại. Trong tháng 4 và tháng 5, ông Quý đã giảm 75% tiền nhà hoặc cho quản lý các tiệm trả chậm, nhằm giúp duy trì hệ thống. 

    "Tôi đang bàn phương án cho tháng 6 này. Khoảng 10% trong số hơn 800 tiệm đang cần hỗ trợ để mở cửa", ông Quý nói.

    Sắp tới, ông Quý sẽ tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn trong hệ thống của mình, vì các dự báo cho thấy Covid-19 có thể còn kéo dài đến năm sau. Các tiệm thực hiện đúng quy định được hỗ trợ đến 30.000 - 40.000 USD. 

    Ông Quý cũng sẽ giảm dần đầu tư sản xuất các sản phẩm trong ngành nail ở Trung Quốc, trong đó có khẩu trang, tấm chắn, chuyển về Mỹ hoặc Việt Nam.

    "Tôi đang khởi động cơ sở sản xuất khẩu trang tại Việt Nam", ông Quý nói. 

    Theo VnExpress

  • Candace Muzny trên Facebook

    Vị khách này từng là một tay lái xe đua có triển vọng lớn, rất ủng hộ Tổng Thống Donald Trump, và có thái độ kỳ thị những ai không là người Mỹ chính gốc da trắng, và vụ hành hung mới đây cho thấy bà không ưa người gốc Á Châu.

    Đó là đôi điều trong nhiều chi tiết khác mà trang tin Heavy.com đã tìm thấy thêm về bà Candace Muzny, 43 tuổi, người đã bị cảnh sát bắt vì tội đánh một thợ nail gốc Việt trong một tiệm nail tại thành phố Oklahoma City.

    Lý do đưa đến việc một thợ nail bị tát vào mặt là vì các thợ nail đã nói tiếng Việt với nhau. Vụ tấn công đã xảy ra mặc dù từ bấy lâu nay bà Candace là khách quen tại tiệm Creative Nail nằm trên đường Britton Road.

    Lục tìm các báo cũ, trang Heavy.com cho biết bà Candace Muzny từng lái xe đua chuyên nghiệp NASCAR với một sự nghiệp đầy hứa hẹn. Gia đình bà làm chủ một công ty chuyên kéo xe bị tai nạn.

    Tuy đã đóng tiền tại ngoại hầu tra, bà Candace Muzny sẽ phải ra tòa vì cáo buộc tát vào mặt bà Tiffany Nguyễn trong lúc được làm móng chân vào đêm Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020 vừa qua. Lý do khiến bà Candace nổi nóng là các thợ nail đã nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt.

    Candace Muzny trên biên bản của cảnh sát Oklahoma City.

    Candace Muzy còn bị tố cáo là đã cầm dao rạch vào đằng sau tai của một cảnh sát viên khi ông ta đến tiệm nail để can thiệp. Bà ta cũng có một con chó, và nó đã cắn vào chân của ông cảnh sát.

    Trong biên bản của sở cảnh sát Oklahoma City, vụ tấn công tại tiệm nail đã được gọi là một vụ “kỳ thị người Á Châu” (anti-Asian bias).

    Bà Muzny rất hung hăng mặc dù chỉ cao có 5-foot 2-inch, tức là cao bằng hầu hết phụ nữ “Vietnamese” cỡ 1.57 mét.

    Khi được Heavy.com phỏng vấn, Muzny phủ nhận mọi cáo buộc của người thợ nail gốc Việt, của cảnh sát viên và của một nhân chứng. Bà nói rằng mấy người kia nói không đúng sự thật, mặc dù cảnh sát có đeo máy thâu hình trên người và có thể chứng minh lời khai của cảnh sát.

    Băng ghi âm của cảnh sát được công bố đã cho nghe mẩu đối thoại sau đây, giữa một nhân chứng trong tiệm nail với một tiếp viên của sở cảnh sát.

    Tiếp viên: “Oklahoma City 911, tôi nghe đây!”

    Người gọi: “Chúng tôi đang có một khách hàng rất hung hăng, đang khùng điên, chúng tôi muốn bà ta bước ra khỏi tiệm càng sớm càng tốt, bà ta mới tát vào mặt của tôi.”

    Theo lời kể của chủ tiệm, khi tiệm nail đang chuẩn bị đóng cửa thì Candace Muzny bỗng bước vào tiệm và muốn làm móng tay cũng như móng chân.

    Bà Tiffany Nguyễn, người đã làm móng cho bà Muzny, từng kể với đài KWTV, “Tôi cho bà ta ngồi vào ghế và chuẩn bị mọi thứ.”

    Bà Tiffany Nguyễn kể tiếp, “Chúng tôi [các thợ nail] đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt về thù lao của tôi, thì bà ta bỗng nói, [chữi tục] phải ngưng nói chuyện bằng thứ tiếng đó, bằng không tao sẽ tát vào mặt mày.”

    “Bà ta dí tôi vào tường và tôi bị té. Nhưng tôi đã đá lại bà ta, rồi bà ta nhào tới, tay cầm một con dao dí vào cổ họng tôi mấy lần.”

    Khi một cảnh sát viên từ Sở Oklahoma City xuất hiện, bà Muzny không những không hợp tác mà còn thủ thế để đánh ông cảnh sát này.

    Trên nhiều trang xã hội, bà Muzny từng đăng những hình ảnh cho thấy bà rất trẻ đẹp, khêu gợi, và hùng mạnh như một nam tài xế chơi xe đua. Không rõ bà có còn hoạt động trong lãnh vực đua xe nữa hay không.

    Trên trang chuyên nghiệp LinkedIn, Muzny tự mô tả mình là “Một người lái xe đua, Chủ đội kiêm thợ hàn, là người rất thích xe và làm việc với kim loại.”

    Vào năm 2005, nhật báo Orange County Register tại Quận Cam từng đăng một bài viết cho thấy sự nghiệp đua xe mà Muzny từng có rất hứa hẹn. Bài báo cho biết lúc đó tay đua nữ này đã được bảo trợ để đua xe NASCAR bởi nữ tài tử Sandra Bullock và ông chồng lúc đó là ngôi sao “Monster Garage” Jesse James. Bài báo ca ngợi bà Muzny là một trong “những phụ nữ đáng kinh ngạc nhất trong giới đua NASCAR.”

    Thế nhưng những gì xảy ra tại tiệm Creative Nail ở Oklahoma City hoàn toàn không đẹp chút nào.

    Trong biên bản của cảnh sát, Muzny được ghi nhận là nhân viên của Arrow Wrecker, một công ty kéo xe bị tai nạn do mẹ của Muzny làm chủ khi Muzny còn tham gia những cuộc đua ở nước Mỹ.

    Biên bản ghi rằng vào lúc 6 giờ 20 chiều 12 tháng 1, 2020, cảnh sát đã đến Creative Nail trên đường Britton Road vì “có chuyện xáo trộn xảy ra.”

    Biên bản viết, “Có người báo cảnh sát rằng một thân chủ đã tát vào mặt một nhân viên.” Nạn nhân là bà Tiffany Nguyễn.

    “Candace la lớn nhắm vào những người thợ và nói họ ngưng nói tiếng Việt Nam và... Candace tát vào mặt bà Tiffany Nguyễn.”

    Cũng theo biên bản của cảnh sát, khi một ông nhân chứng có mặt trong tiệm gọi số 911, bà Candace “liền giựt phone ra khỏi tay ông ta.” Ông này “giựt lại phone của mình.” Đến lúc đó thì bà Candace Muzny bị tố cáo đánh vào mặt bà Tiffany Nguyễn, miệng “la hét và chửi thề.”

    Biên bản cho biết Candace Muzny “quay người, rút một con dao nhỏ từ trong túi… Candace dí nạn nhân vào tường cạnh bàn làm móng. (Muzny) đã la vào mặt… bà Nguyễn, tay cầm dao quơ gần mặt và cổ của bà Nguyễn. (Muzny) nói… sẽ giết bà Nguyễn và gia đình bà…Candace đánh bà Nguyễn với tay nắm chặt... bà Nguyễn chạy thoát... Cảnh sát viên Barnhill xuất hiện.”

    Ông Barnhill đã tìm cách nắm bắt hai cổ tay của bà Muzny từ đằng sau bà, đúng lúc con chó của bà cắn vào giày của ông cảnh sát thì một tay của bà thoát khỏi tay của ông cảnh sát, và bà quay lại đối đầu với ông ta. Đó là lúc bà bị cáo buộc cắt vào tai bên phải của ông “với một con dao chó màu đen mà bà đã giấu trong người.” Ông cảnh sát đã lùi ra, trong khi Candace cầm dao và “tiếp tục la hét nhắm vào ông.”

    Đến lúc đó ông rút súng và ra lệnh cho Candace phải bỏ con dao xuống mặt đất. Bà tuân lệnh, nhưng sau khi thả dao thì tìm cách bỏ đi. Ông Barnhill chạy tới, đè bà ta xuống đất và còng hai tay từ đằng sau.

    Khi ấy mẹ của Muzny, bà Vanita, đã đến và nhận giữ con chó cùng một số đồ vật của con gái.

    Về phần nạn nhân Tiffany Nguyễn, bà bị sưng môi và có vết sướt trên mặt do vụ tấn công gây ra.

    Bà Tiffany Nguyễn có nói chuyện với báo Heavy.com và cho biết Candace từng nói về sự nghiệp lái xe đua. Bà Tiffany nói rằng hiện tại bà còn bàng hoàng, không thể kể lại từ đầu vụ đụng độ với Candace.

    Còn Candace thì nói bà tin ở Chúa và bà phủ nhận những cáo buộc của cảnh sát.

    Tiểu sử cho thấy Muzny từng làm việc tại tiệm bán xăng của cha tại Oklahoma và thích đua xe từ đó. Bà nói bà có bằng cử nhân tại University of Texas Dallas.

    Trên Facebook, ngoài những hình ảnh đẹp của mình, bà Muzny thường nói về lập trường chính trị ủng hộ Tổng Thống Donald Trump và rất ghét ông Barack Obama và bà Hillary Clinton. Bà có đăng hình ghép Obama và Hillary bị giam trong tù. Vào tháng 10, 2019, bà đăng một tấm hình của ông Trump kèm theo hàng chữ “ông là tổng thống của tôi. Tôi rất hãnh diện với ông ấy.”

    Chưa rõ ngày nào bà Candace Muzny sẽ hầu tòa trong vụ đánh bà thợ nail gốc Việt sưng môi.

    Bài liên quan: Khách hàng tát thợ nail vì nói chuyện tiếng Việt

    Theo Viendongdaily

  • Cảnh sát thành phố Oklahoma bắt Candace Nicole Muzny, 43 tuổi, vì hành hung và dùng dao đe dọa hai thợ nail chỉ vì họ nói tiếng Việt. 

    Muzny bị bắt tối 12/1 với cáo buộc tấn công bằng hung khí trong sự việc xảy ra vào tại tiệm Creative Nail, thành phố Oklahoma, bang Oklahoma (Hoa Kỳ), cảnh sát địa phương cho biết hôm qua.

    Candace Nicole Muzny tat tho nail
    Nghi phạm Candace Nicole Muzny. Ảnh: Oklahoma City Police

    Theo báo cáo của cảnh sát, Muzny đang làm móng tay tại cửa tiệm thì một nhân viên quay sang nói chuyện bằng tiếng Việt với đồng nghiệp. Người phụ nữ trở nên tức giận, quát tháo họ rồi tát vào mặt của một nhân viên. Khi một người khác định gọi cảnh sát, Muzny rút dao bấm từ trong túi ra và chĩa vào mặt anh ta đe dọa. 

    Khi một cảnh sát có mặt ở tiệm nail để bắt Muzny, con chó của người phụ nữ này cắn vào chân anh. Muzny còn lia dao tấn công cảnh sát, khiến người này bị một vết cắt nhỏ sau tai.

    Candace Nicole Muzny tat tho nail
    Khu vực nơi có tiệm làm móng xảy ra sự việc. Ảnh chụp màn hình LoopNet

    Nghi phạm đã được thả vào hôm 13/1 với số tiền bảo lãnh 20.000 USD. Người phụ nữ này chưa bị truy tố chính thức và hồ sơ tòa án cho thấy bà ta cũng không có luật sư. 

    Từ trước tới nay, không hiếm những trường hợp thợ nail nhận gạch đá vì nói xấu khách bằng tiếng Việt.

    Vào năm ngoái, một khánh hàng nói tiếng Anh đến từ Sydney (Úc), đã đưa người bạn trai biết tiếng Việt của mình đến cửa hàng để tìm hiểu xem các nhân viên đang bí mật nói với nhau những gì. Và những gì cô nghe được khiến cô rất sốc.

    “Tôi luôn cảm giác rằng họ đang nói xấu về khách hàng nhưng không có bằng chứng nên tôi đã thuyết phục bạn trai mình đi cùng”, cô viết trên Facebook.

    Người phụ nữ kể rằng cô nhân viên đã bỏ qua bước sơn lót. Khi cô lịch sự nhắc nhở, nhân viên đã quay sang đồng nghiệp của mình và bắt đầu nói điều gì đó bằng tiếng Việt.

    “Bạn trai của tôi phiên dịch rằng cô nhân viên không muốn làm móng cho tôi và gọi tôi là “bitch”. Tôi cảm thấy bị xúc phạm, trong khi tôi đã tỏ ra rất lịch sự. Bạn trai tôi sau đó hỏi nhân viên kia rằng có vấn đề gì không bằng tiếng Việt”. Và người nhân viên trông có vẻ hoảng loạn khi cô nhận ra người bạn trai có thể hiểu mọi lời họ nói.

    "Không ai đáng bị đối xử theo cách đó dù họ có hiểu tiếng hay không", cô nói. Người phụ nữ cũng cho biết không phải tất cả các tiệm làm móng nào cũng như vậy. Cô đã nhận được sự đón tiếp thân thiện và chuyên nghiệp tại các cửa hàng khác.

    Sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội nhiều người đã nhanh chóng chia sẻ câu chuyện tương tự về việc bị nhân viên nói xấu bằng tiếng nước ngoài.

    Theo VnExpress

  • Sự việc xảy ra vào năm 2017, được bạn Đức Nguyễn đăng trên nhóm All About "Nghề" Nails : Bán tiệm - Cần thợ - License - Tax - Training. Nhưng mới cách đây 2 tuần, post này đã tình cờ được ''khai quật'' lại và nhận được sự quan tâm của rất nhiều thợ nail, đồng thời cũng giải thích được câu hỏi vì sao hãng SNS lại phải bán cả chai nhựa bên cạnh chai thủy tinh.

    son sns nguy hiem 1
    Hình ảnh đã được xử lý để bớt chân thật. (Ảnh: Đức Nguyễn)

    Vào ngày 4/6/2017, bạn Đức Nguyễn đăng hình ảnh bàn tay bị cắt sâu rất đau đớn của 1 thợ nail, kèm lời chia sẻ:

    son sns nguy hiem 1
    (Ảnh: Đức Nguyễn)

    son sns nguy hiem 1
    (Ảnh: Đức Nguyễn)

    ''Các anh chị em mới làm SNS nails nên lưu ý nhe:

    Các chai keo của SNS chất lượng không được tốt nên rất dễ vỡ và sẽ làm chảy máu tay.

    1- Nếu chai keo bị khô không mở được nên lật chai lên và đổ acetone vào.
    2- Để trong máy khăn nóng vài phút. Không được để lâu keo sẽ hư luôn nguyên chai.
    3- Dùng kềm mở, tay kia cầm lót cái khăn nếu không chai vỡ sẽ cắt tay chảy máu rất nguy hiểm.

    Tiệm mình đã bị cũng gần 10 chai nhưng có 2 vụ là nặng nhất. 1 người khâu 19 mũi và người khác khâu 3 mũi.

    Phần ác nhất là keo nó dính lên vết cắt xong bác sỹ phải ngâm acetone vô trong khi máu đang chảy để tan keo thì mới khâu lại được. Tổng cộng trong phòng cấp cứu là 5 tiếng''.

    son sns nguy hiem 1
    Một bàn tay bị khâu nhiều mũi. (Ảnh: Đức Nguyễn)

    Bài viết của anh nhận được vô số sự đồng tình lẫn giật mình của người dùng SNS. Không ít thợ nail cũng từng bị chai SNS vỡ văng vào tay. Theo như anh Đức Nguyễn thì sau khi vết thương lành, ''bàn tay không được như trước 100% nữa, mấy ngón tay tê tê khi cử động''.

    Bạn Kevin Tuấn cho biết: ''Cái này xảy ra như cơm bữa. 2 năm trước trong tiệm cũng có 1 người thợ đã bị và may 8 mũi''.

    Bạn Penny Pham kể: ''Chồng mình cũng bị, khâu hết 10 mũi, trước khi khâu phải ngâm vào thuốc để keo nó tan ra mới khâu được. Cái thân chai bị bể chứ không phải cổ chai''.

    son sns nguy hiem 1
    Bàn tay bị khâu nhiều mũi. (Ảnh: Hang Lê)

    son sns nguy hiem 1
    Ngón tay bị bay mất một mảng thịt. (Ảnh: Hang Lê)

    son sns nguy hiem 1
    Bàn tay bị khâu 8 mũi. (Ảnh: Lida Nguyen)

    son sns nguy hiem 1
    Thân chai bị bể. (Ảnh: Đức Nguyễn)

    Một số shop quyết định không dùng SNS nữa, nhưng khá nhiều shop vẫn trung thành với chai keo thủy tinh này. Vậy bạn cần lưu ý điều gì khi dùng chai thủy tinh SNS: 

    - Theo bạn Trang Nguyen: ''Ráng làm sao đừng để keo dính vào miệng chai, nếu không sẽ bị cứng, không vặn ra được, có khi còn gãy cọ, bể chai như vậy đó''.

    - Bạn Shally Nguyen thì ''bị 2 lần rồi nhưng mà chỉ nhẹ thôi. Nên giờ mang theo cái mỏ lếch sửa xe để dễ mở. Hoặc là bỏ chai này vào tủ khăn 10 phút là sẽ mở đượ dễ. Mỗi lần làm xong chịu cực chùi miệng chai (bằng acetone) trước khi đóng nắp.

    - Bạn Ngan Minh Ngo thì ''Ngâm nước nóng là mở được không cần dùng kềm''.

    - Bạn Tdeptrai Ho thì cho rằng: ''Đừng bao giờ vặn nắp chặt quá. Vặn vừa vừa, hơi hơi thôi sẽ đỡ cho mình lắm. Với lại ráng dùng giấy chấm acetone lau miệng chai là đỡ cho mình lắm''.

    - Bạn Kim Pollard chia sẻ kinh nghiệm: ''Khi mình xài vài lần, trên đầu cổ họng chai sẽ khô cứng, ace lấy kiềm lục cắt tỉa những mảnh keo khô đó ra hết. Sau đó nhớ đừng đóng chặt quá! vì chính những mảng keo khô dính trên đầu miệng chai nó bám vào trên bên trong nắp chai lâu ngày là nó dính chặt khỏi mở luôn''.

    son sns nguy hiem 1
    Một số người tẩy chay SNS. (Ảnh: NBS Supply)

    son sns nguy hiem 1
    Một số người chuyển qua chai plastic. (Ảnh: snsnails)

    Bàn tay thợ nail là bàn tay hái ra tiền, hãy bảo vệ ''cần câu cơm'' bằng cách lau miệng các chai keo sau mỗi lượt khách, đừng lười biếng mà để sơn chảy nhiễu, khô cứng khó sử dụng lần sau bạn nhé.

    Viethome tổng hợp

  • Vì bảo hiểm của tiệm nail thiếu điều khoản đền bù trong trường hợp thợ nail tắc trách, nên nữ khách hàng này đã không được bồi thường dù 2 phần cơ thể trên 2 bàn chân cô đã bị cắt bỏ. 

    bi cua chan khi lam nail

    Lisa Scarborough ở Melbourne (Florida, Mỹ) đang tập quen với việc đi bộ trở lại. Cô đã phải cưa một phần của một bàn chân, và vài ngón trên bàn chân còn lại, sau khi bị thợ nail dùng kéo cắt phải.

    Scarborough cho biết cô suýt chết và nghe thấy giọng người em trai đã qua đời của mình. 

    Tòa án kết luận tiệm nail là thủ phạm gây ra tổn thương này nhưng công ty bảo hiểm của tiệm nail không phải trả tiền bồi thường.

    Hầu hết các doanh nghiệp đều mua bảo hiểm cover các khoản như trượt ngã, ngã và các tai nạn khác. Tuy nhiên, tiệm nail này lại không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (professional liability insurance). 

    Luật sư Michael Kahn tại Melbourne, một người không tham gia vụ kiện, nhưng có xem qua trường hợp này và cho rằng: ''Loại bảo hiểm mà tiệm nail đã mua không chi trả cho những tắc trách hay sơ suất của nhân viên, chẳng hạn thợ manicure dùng kéo bất cẩn gây thương tổn cho khách''. 

    Scarboroough đã rơi vào trạng thái hôn mê sau cuộc phẫu thuật. Nguyên nhân dẫn đến việc cắt bỏ chân là do thiếu máu chảy xuống bàn tay và bàn chân của cô. 

    Các luật sư của cô khuyên rằng vì công ty bảo hiểm của tiệm nail không phải bồi thường, do đó cô cũng chẳng cần kiện buộc tiệm nail trả tiền làm gì. Bản thân cô nghĩ rằng tiệm nail không đủ khả năng đền bù thiệt hại nên đã quyết định không kiện.

    VIethome (theo Wesh)

  • Một phụ nữ suýt nữa đã bị mất ngón tay sau khi đến làm móng tại một tiệm nail. Theo Metro, người phụ nữ này đến một tiệm nail quen ở Tuggerah, Úc vào hôm 29/7. Cô đã làm ở đây nhiều lần và không có vấn đề gì.

    Người phụ nữ giấu tên suýt chút nữa đã bị hoại tử ngón tay nếu cô ấy không kịp phẫu thuật. (Ảnh: Facebook)

    Sau khi làm xong infill xong, cô phát hiện đầu ngón tay có dấu hiệu đau và sưng. Ngày hôm sau, cô đến phòng cấp cứu ở một bệnh viện và được cho thuốc kháng sinh kèm lời giới thiệu đến phòng chấn thương chỉnh hình.

    Người phụ nữ uống thuốc kháng sinh nhưng ngày hôm sau, cô phát hiện ngón tay càng đau và sưng to hơn. Hôm sau nữa, vết sưng đã lan rộng. 

    Khi đến bệnh viện, bác sĩ thông báo cô bị nhiễm trùng nghiêm trọng và phải phẫu thuật để loại bỏ nhiễm trùng ngay. Lúc này, ngón tay của cô đã chuyển sang đen. 

    Lúc đầu, vết nhiễm trùng chỉ ảnh hưởng khá nhỏ ở đầu móng. (Ảnh: Facebook)

    ''Đến sáng thứ Sáu, tình trạng đã nặng nề đến mức ngón tay tự vỡ và xì mũ'', cô viết trên Facebook. May mắn ca phẫu thuật thành công và vết nhiễm trùng được khử trùng sạch sẽ. Nhưng người phụ nữ vẫn muốn chia sẻ câu chuyện của mình để nâng cao nhận thức về những rủi ro khi đi làm móng ở các tiệm nail. 

    Vết nhiễm trùng nhanh chóng lan rộng và chuyển màu đen, dấu hiệu hoại tử nặng nề. (Ảnh: Facebook)

    Cô cho rằng nguyên nhân nhiễm trùng là do người thợ làm móng đã không khử trùng dụng cụ sau mỗi lượt khách. Cô cảnh báo khách hàng hãy tự kiểm tra dụng cụ dùng để cắt da xem nó đã được khử trùng trước khi dùng chưa. 

    ''Mục đích bài đăng của tôi là cảnh báo các bạn những hậu quả khôn lường có thể xảy ra sau khi làm móng. Nhớ lại, tôi thấy công tác vệ sinh ở cơ sở này không được tốt lắm. Các thợ nail cứ dùng bộ dụng cụ đó cho hết khách này đến khách khác, không thấy họ khử trùng gì cả. Tôi chưa từng nghĩ sơ sót này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến như vậy'', cô viết. 

    Người phụ nữ phải phẫu thuật ngón tay nhiễm trùng nghiêm trọng. (Ảnh: Facebook)

    Người phụ nữ này không phải là nạn nhân đầu tiên bị nhiễm trùng do các dụng cụ kém vệ sinh ở tiệm nail. Vào đầu năm nay, cô Brittany Guyatt ở Swindon (Anh) cũng bị một người thợ thô bạo cắt phải khi làm acrylic. Xem thêm trường hợp của cô này tại đây: Người mẹ suýt phải cắt ngón tay vì bị thợ nail bào phạm vào

    Hãy xem đây là những bài học không chỉ cho khách mà cho cả thợ ở tiệm nail. Hãy nâng cao quy trùng khử trùng dụng cụ ở tiệm nail của bạn, để tránh những trường hợp xấu nhất xảy ra. 

    Viethome (theo Metro)