• Trong quá trình kinh doanh ngành nail, một trong những nỗi lo của chủ tiệm và thợ làm nail là đối phó với những đợt kiểm tra của đại diện State Board. Bên cạnh những nhân viên hoà nhã, làm việc đúng trách nhiệm, có rất nhiều thanh tra viên hành xử rất nghiêm khắc, cứng nhắc, thậm chí ghi phạt vô tội vạ.

    Sự lạm dụng quyền hành của đại diện State Board đã tạo ra nhiều căng thẳng cho các chủ tiệm và thợ nail, gây bất an và ảnh hưởng đến môi trường làm việc, thu nhập của người thợ và việc kinh doanh của chủ tiệm. Trên thực tế, nhiều thợ và chủ tiệm bị phạt do không hiểu rõ luật được viết bằng tiếng Anh.

    (Ảnh minh họa)

    Có rất nhiều câu chuyện từ các chủ tiệm nail và thợ nail gặp phải khi đối diện với việc kiểm tra của các thanh tra State Board. Một chủ tiệm nail cho biết bà đã làm chủ tiệm hơn 20 năm, gần đây tiệm bị State Board xuống kiểm tra, ghi phạt do bồn spa không sạch. Nhưng đây là ghế spa pedicure bà mới nhận về tối hôm trước, vẫn chưa dùng, sáng hôm sau đã bị họ đến kiểm tra và phạt vì cho rằng dơ, dù bà đưa giấy cho họ xem là mới nhận hàng.

    Một chị chủ tiệm khác chia sẻ mỗi lần State Board xuống kiểm tra, chủ tiệm mệt mõi vì luôn gánh nhiều trách nhiệm hơn thợ. Rất nhiều tiệm bị phạt những lỗi rất cơ bản hoặc lỗi nhỏ. Chị này cho biết, nhân viên State Board phạt nhiều nhất là tội move around, khi họ bước vào tiệm, sau khi trưng bằng của họ ra, họ bắt thợ và chủ tiệm đang ngồi ở đâu, thì ngồi yên chỗ đó, không được dời vị trí. Vì cho rằng chính những người thợ, người chủ không ngồi yên, mà chạy đi vứt những đồ dùng vi phạm, để không bị bắt được trực tiếp tội vi phạm vệ sinh, nên thanh tra sẽ phạt tội “move around”.

    Giả thanh tra State Board điện thoại và nhắn tin làm tiền, đe dọa tước giấy phép chủ tiệm nail (phóng sự của KOB4 TV)

    Những lỗi vi phạm phổ biến theo quy định của State Board mà chủ, thợ nail hay gặp phải:

    1. Không làm vệ sinh hoặc vệ sinh không kỹ các dụng cụ dễ gây bệnh như kiềm, dũa: Mức phạt $100 - $500.

    2. Để hóa chất, mỹ phẩm lộn xộn, chai lọ không nhãn mác rõ ràng: Mức phạt $50 - $150

    3. Không loại bỏ hẳn (tái sử dụng) những dụng cụ chỉ dùng một lần như bông gòn, khẩu trang...: Mức phạt $100 - $250

    4. Cất giữ dụng cụ, thiết bị mới không đúng với hướng dẫn: Mức phạt $50 - $150.

    5. Thợ nail không có bằng: Mức phạt $25 - $1000. Đây chỉ là mức phạt của tiểu bang, Bộ lao động Liên bang có thể có mức phạt cao hơn đối với chủ tiệm và thợ nail.

    6. Tiệm không có restroom cho khách hàng, hay là restroom dơ bẩn, thiếu tiện nghi như giấy, xà bông…: Mức phạt $50 - $150.

    7. Không đặt bằng hành nghề nail của thợ tại bàn làm việc, hay treo bằng nail không đúng chỗ, hoăc bằng nail đã hết hạn: Mức phạt $50 - $150

    8. Không giặt khăn, vải đã sử dụng trước đó, hoặc giặt không kỹ: Mức phạt $50 - $150.

    9. Để tiệm dơ bẩn, không làm vệ sinh sạch sẽ sau khi xong việc cho khách hàng: Mức phạt $50 - $150

    10. Thiếu thiết bị (hộp, thùng) chứa đựng các dụng cụ dễ truyền nhiễm bệnh như dao, kềm, kéo…: Mức phạt $100 - $200

    11. Không vệ sinh, làm sạch bụi bẩn bám trên tay chân, vai… của khách hàng sau khi hoàn tất dịch vụ: Mức phạt $50 - $150.

    12. Chủ tiệm thuê người không có bằng nail, hay có bằng không đúng. - - -- Phạt chủ tiệm $1000.

    Viethome (tổng hợp từ Facebook Amy Nguyen)

  • Theo tin từ đài CBS19, gia đình và người thân cho rằng bà Carla Reese, 49 tuổi, một người mẹ có hai con, bị thiệt mạng vì bị nhiễm trùng từ vết thương sau khi đến làm nails tại tiệm Glamour Nails, thành phố Tyler, tiểu bang Texas, Mỹ. Tyler là một thành phố nhỏ, cách thành phố Dallas khoảng 100 dặm về phía đông.

    Theo biên bản của cảnh sát, gia đình và bạn hữu khai rằng vào ngày 1/4/2019, bà Carla Reese đến tiệm Glamour Nails để làm nail. Nhưng khoảng một tuần sau đó, bà than bị đau ở ngón tay giữa của bàn tay trái nên quay lại tiệm này để dũa ngắn đi.

    Tiệm Glamour Nails rơi vào vòng lao lý.

    Rồi vào ngày 16/4/2019 bà Reese được đưa vào bệnh viện trong tình trạng sốt cao kèm theo nóng lạnh. Bà được bệnh viện chẩn đoán là bị nhiễm trùng từ vết thương ở ngón tay, sau đó, bà xuất viện với toa thuốc trị nhiễm trùng. Nhưng ba ngày sau, 19/4/2019, gia đình phát hiện bà tử vong ngay trong nhà.

    Câu chuyện bùng nổ tại địa phương khi một khách hàng quay được hình ảnh cảnh sát thành phố đến điều tra tiệm nails trên và đưa lên mạng xã hội. Tuy nhiên, kết quả giảo nghiệm tử thi kết luận bà Carla Reese chết do nguyên nhân tự nhiên vì căn bệnh tiểu đường loại 1.

    Như vậy, tiệm Glamour Nail được minh oan về mặt hình sự nhưng Sở cấp Bằng Hành Nghề của tiểu bang Texas đã gửi giấy phạt lên tới $4,000 Mỹ kim vì những hệ lụy liên đới.

    Cũng theo đài CBS19, khi nội vụ đang trong vòng điều tra, cảnh sát thành phố Tyler yêu cầu Sở cấp Bằng Hành Nghề tiểu bang Texas đến kiểm tra tình hình và điều kiện hành nghề của tiệm.

    Theo biên bản của Sở gởi đến tiệm ngày 14/6 cho biết một thanh tra của sở có mặt tại tiệm Glamour Nails vào ngày 2/5 để kiểm tra và phỏng vấn chủ tiệm tên là Ngọc Lê Trần.

    Khách hàng tử vong do bị tiểu đường tuýp 1.

    Bà Ngọc Trần khai rằng vào ngày 1/4 bà Carla Reese, là một khách hàng thường xuyên, có đến tiệm làm manicure và chính bà Ngọc Trần là người phục vụ. Sau đó, vào ngày 8/4, bà Reese quay lại yêu cầu cắt ngắn và dũa định dạng lại (reshape) ngón tay giữa của bàn tay trái. Theo biên bản, lần này, một người thợ khác thực hiện dịch vụ trên.

    Sau đó, bà Ngọc kể: vào ngày 15/4, bà Reese trở lại tiệm cho biết cũng ngón tay trên bị đau. Bà Ngọc thấy chung quanh chiếc móng giả bị sưng lên. Bà Ngọc ngâm ngón tay bị thương bằng nước lạnh để bớt đau rồi sau đó dùng acetone để tháo gỡ chiếc móng giả. Bà dùng bông gòn với acetone để chùi móng.

    Theo biên bản phạt của Sở cấp Bằng Hành Nghề tiểu bang Texas, bà Ngọc Trần đã vi phạm luật định khi hành nghề. Thứ nhất, luật quy định không được làm nail khi cảm thấy khách hàng đang bị những thương tổn trên da cũng như vết thương mở miệng, lở loét hay sưng tấy. Vi phạm luật này, được xếp hạng G (G class), bị phạt $2,000.

    Thứ hai, luật định vì máu có thể chứa các vi khuẩn, vi trùng nên thợ nail không bao giờ được đụng trực tiếp vào vết thương đang mở miệng, chỉ có thể rắc những loại thuốc sát trùng lên vết thương và dùng tăm bông để tẩm thuốc lên vết thương mà thôi. Vi phạm luật này bị phạt $2,000.

    Biên bản phạt tiệm Glamour Nails.

    Trong lá thư gởi cho đài CSB19, cô Michelle Phạm, con gái bà Ngọc Lê Trần, mô tả rằng các qui định về an toàn vệ sinh được tuân thủ rất nghiêm túc tại tiệm Glamour Nails. Tuy nhiên, mẹ cô không cầm lòng được trước sự đau đớn và yêu cầu của bà Carla Reese nên có sơ sót tuy bà chỉ chăm sóc trên ngón tay bị đau mà thôi. Trong thư cô cũng mong muốn các đồng nghiệp đừng lập lại những thiếu sót của mẹ cô.

    Viethome (theo CBS19 - AT Soft Inc. biên dịch)

  • 1 khách Tây đã cảm thấy bị xúc phạm nặng nề khi lần đầu tiên hiểu được thợ nail Việt đang mắng nhiếc mình, còn gọi mình là ''bitch''.

    Khánh hàng nói tiếng Anh, đến từ Sydney, cho biết cô đã đưa người bạn trai biết tiếng Việt của mình đến cửa hàng để tìm hiểu xem các nhân viên đang bí mật nói với nhau những gì. Và những gì cô nghe được khiến cô rất sốc.

    “Tôi luôn cảm giác rằng họ đang nói xấu về khách hàng nhưng không có bằng chứng nên tôi đã thuyết phục bạn trai mình đi cùng”, cô viết trên Facebook.

    tiem nail hieu duoc
    Ảnh minh họa: freepik

    Người phụ nữ kể rằng cô nhân viên đã bỏ qua bước sơn lót. Khi cô lịch sự nhắc nhở, nhân viên đã quay sang đồng nghiệp của mình và bắt đầu nói điều gì đó bằng tiếng Việt.

    “Bạn trai của tôi phiên dịch rằng cô nhân viên không muốn làm móng cho tôi và gọi tôi là “bitch”. Tôi cảm thấy bị xúc phạm, trong khi tôi đã tỏ ra rất lịch sự. Bạn trai tôi sau đó hỏi nhân viên kia rằng có vấn đề gì không bằng tiếng Việt”. Và người nhân viên trông có vẻ hoảng loạn khi cô nhận ra người bạn trai có thể hiểu mọi lời họ nói.

    "Không ai đáng bị đối xử theo cách đó dù họ có hiểu tiếng hay không", cô nói. Người phụ nữ cũng cho biết không phải tất cả các tiệm làm móng nào cũng như vậy. Cô đã nhận được sự đón tiếp thân thiện và chuyên nghiệp tại các cửa hàng khác.

    Sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội nhiều người đã nhanh chóng chia sẻ câu chuyện tương tự về việc bị nhân viên nói xấu bằng tiếng nước ngoài.

    Bài liên quan: Khách hàng tát thợ nail vì nói chuyện tiếng Việt

    Cảnh sát thành phố Oklahoma bắt Candace Nicole Muzny, 43 tuổi, vì hành hung và dùng dao đe dọa hai thợ nail chỉ vì họ nói tiếng Việt. 

    Muzny bị bắt tối 12/1 với cáo buộc tấn công bằng hung khí trong sự việc xảy ra vào tại tiệm Creative Nail, thành phố Oklahoma, bang Oklahoma (Hoa Kỳ), cảnh sát địa phương cho biết hôm qua.

    Candace Nicole Muzny tat tho nail
    Nghi phạm Candace Nicole Muzny. Ảnh: Oklahoma City Police

    Theo báo cáo của cảnh sát, Muzny đang làm móng tay tại cửa tiệm thì một nhân viên quay sang nói chuyện bằng tiếng Việt với đồng nghiệp. Người phụ nữ trở nên tức giận, quát tháo họ rồi tát vào mặt của một nhân viên. Khi một người khác định gọi cảnh sát, Muzny rút dao bấm từ trong túi ra và chĩa vào mặt anh ta đe dọa. 

    Khi một cảnh sát có mặt ở tiệm nail để bắt Muzny, con chó của người phụ nữ này cắn vào chân anh. Muzny còn lia dao tấn công cảnh sát, khiến người này bị một vết cắt nhỏ sau tai.

    Candace Nicole Muzny tat tho nail
    Khu vực nơi có tiệm làm móng xảy ra sự việc. Ảnh chụp màn hình LoopNet

    Nghi phạm đã được thả vào hôm 13/1 với số tiền bảo lãnh 20.000 USD. Người phụ nữ này chưa bị truy tố chính thức và hồ sơ tòa án cho thấy bà ta cũng không có luật sư. 

    Từ trước tới nay, không hiếm những trường hợp thợ nail nhận gạch đá vì nói xấu khách bằng tiếng Việt.

    Vào năm ngoái, một khánh hàng nói tiếng Anh đến từ Sydney (Úc), đã đưa người bạn trai biết tiếng Việt của mình đến cửa hàng để tìm hiểu xem các nhân viên đang bí mật nói với nhau những gì. Và những gì cô nghe được khiến cô rất sốc.

    “Tôi luôn cảm giác rằng họ đang nói xấu về khách hàng nhưng không có bằng chứng nên tôi đã thuyết phục bạn trai mình đi cùng”, cô viết trên Facebook.

    Người phụ nữ kể rằng cô nhân viên đã bỏ qua bước sơn lót. Khi cô lịch sự nhắc nhở, nhân viên đã quay sang đồng nghiệp của mình và bắt đầu nói điều gì đó bằng tiếng Việt.

    “Bạn trai của tôi phiên dịch rằng cô nhân viên không muốn làm móng cho tôi và gọi tôi là “bitch”. Tôi cảm thấy bị xúc phạm, trong khi tôi đã tỏ ra rất lịch sự. Bạn trai tôi sau đó hỏi nhân viên kia rằng có vấn đề gì không bằng tiếng Việt”. Và người nhân viên trông có vẻ hoảng loạn khi cô nhận ra người bạn trai có thể hiểu mọi lời họ nói.

    "Không ai đáng bị đối xử theo cách đó dù họ có hiểu tiếng hay không", cô nói. Người phụ nữ cũng cho biết không phải tất cả các tiệm làm móng nào cũng như vậy. Cô đã nhận được sự đón tiếp thân thiện và chuyên nghiệp tại các cửa hàng khác.

    Sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội nhiều người đã nhanh chóng chia sẻ câu chuyện tương tự về việc bị nhân viên nói xấu bằng tiếng nước ngoài.

    Theo VnExpress

  • Nhiều tiệm nails Việt nhỏ tự cảm thấy có áp lực buộc phải giảm giá cả list dịch vụ nails. Điều này luôn có thể xảy ra khi đối thủ cạnh tranh đồng loạt giảm giá hoặc khi sự khó khăn trong đời sống của người dân tác động đến ngành nghề kinh doanh nails.

    Tham gia kinh doanh nails là phải chấp nhận tham gia vào cuộc chiến giá cả của thị trường này. Thông thường, áp dụng chiến lược giảm giá ảnh hưởng đến lợi nhuận thu được. Vậy, giảm giá trong nails Việt là ưu thế cạnh tranh nhưng đồng thời cũng chất chứa nguy cơ tuột lợi nhuận, tức ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của tiệm. Vậy vấn đề cần đặt ra là áp dụng chiến lược cạnh tranh giá cả như thế nào mà vẫn thu hút khách hàng và duy trì được lợi nhuận cho tiệm?

    Dưới đây là một số hình thức kinh doanh mà bạn có thể nghiên cứu áp dụng để đạt được điều đó:

    1. Khuyến khích khách hàng sử dụng cùng 1 lúc các dịch vụ nails khác nhau để được tính giá rẻ hơn so với tổng số tiền khách phải trả cho từng dịch vụ riêng lẻ. Tức giúp chống giảm giá với từng dịch vụ nails đơn lẻ trong khi tăng tổng giá trị dịch vụ thực hiện.

    Ví dụ : Dịch vụ riêng lẻ: 
    Làm pink & white: $25
    Vẽ nails theo yêu cầu: $5 (chẳng hạn vẽ hai ngón cái hoặc 2 ngón đeo nhẫn tính $5)
    Vậy nếu làm riêng lẻ từng dịch vụ nails khác nhau, khách phải trả chung là: 25+$5 = $30

    Nếu khách sử dụng cùng lúc 2 dịch vụ này (ta khuyến khích họ sử dụng một cách khéo léo), thì tiệm chỉ tính giá là: $27. Như vậy, khách hưởng lợi $30-$27= $3 nhưng ta cũng tăng được tổng doanh số dịch vụ nails, tức vẫn tăng lợi nhuận một cách tích cực.

    Thường trong thói quen hành nghề nails, ta thường làm dịch vụ nào tính tiền dịch vụ đó, rồi cộng dồn chung mà tính với khách. Chúng ta cần lưu ý hơn vấn đề này để giảm giá khi khách sử dụng cùng lúc nhiều dịch vụ.

    2. Áp dụng các dịch vụ đặc biệt cho khách, nổi trội hơn hẳn các tiệm nail xung quanh, trong khi bạn chỉ giảm giá chút đỉnh, thậm chí tăng chút đỉnh mà đối thủ cạnh tranh vẫn không thể nhảy vào.

    Những dịch vụ đặc biệt có thể là bố trí làm cho khách nhanh không để khách chờ lâu, làm thẻ ưu tiên cho khách hàng thân thuộc, dùng gift cards, áp dụng các chương trình cho điểm cho khách (loyalty program) nhưng phải nhanh gọn và cho khách thấy ngay cái lợi mình được hưởng, vẽ nail free cho khách những mẫu vẽ thông thường, khuyến khích khách chọn những mẫu vẽ cao cấp hay theo yêu cầu với giá cao hơn, tặng những món quà nhỏ cho khách theo sinh nhật hay theo ngày lễ lớn hay theo khách hàng thứ 100, 200, 300.

    3. Tăng thêm dịch vụ phụ hỗ trợ cho dịch vụ chính

    Đây là hình thức nên áp dụng khi bạn muốn tránh giảm giá, tức thay vì giảm giá dịch vụ nails bạn đưa thêm dịch vụ phụ vào phục vụ khách. 

    Thí dụ, đối với khách làm pink & white, bạn có thể có thêm dịch vụ vẽ nails miễn phí cho những mẫu vẽ nails thông thường; hay khi một gia đình đến làm nails chung, bạn chỉ tính tiền làm móng, còn phần vẽ nails bạn chỉ tính tiền cho những mẫu khách lựa chọn, những mẫu bình thường bạn không tính tiền. Khách đến làm fill-in, bạn có thể tặng thêm tài liệu hay tạp chí có lời khuyên về cách bảo dưỡng móng tay v.v.

    Khách làm full-set, nếu làm kèm manicure (tay nước) thì phần manicure chỉ tính $5, thay vì làm riêng manicure tính tới $7. Hoặc khách sử dụng những dịch vụ nails giá cao, bạn tặng cho khách những bảng giới thiệu các mẫu vẽ nails xuất sắc dành cho các dịp lễ hội (để khách xem thử trước) kèm một món quà nhỏ , vừa để quảng cáo vừa để cho khách thấy mình được ưu đãi thân thiện.

    4. Đưa ra những dịch vụ nail đặc biệt giá cao mà chỉ có tiệm mình làm được tốt nhất , đẹp nhất, giống như một sản phẩm đặc biệt của tiệm mình:

    Những dịch vụ nails bình thường khác chúng ta có thể giảm giá như tiệm bạn nhưng bù lại tiệm có thể hấp dẫn khách bằng những dịch vụ khác cao cấp hơn, chất lượng hơn và đặc biệt, chỉ có tại tiệm của bạn. Như thế tiệm có thể bù vào số income bị mất do giảm giá ở những dịch vụ khác. Vẽ nail cao cấp như vẽ móng nổi 3D, kỹ thuật mambo thủy là một vài ví dụ trong nhiều phương thức lôi cuốn khách hàng bằng dịch vụ đặc biệt.

    5. Tìm hiểu mức độ hài lòng của khách hàng

    Bạn có 1 người khách complaint tức là bạn có 1 người khách đang không hài lòng với dịch vụ nails của bạn. Và thực tế bạn đang có khả năng bị mất thêm rất nhiều người khách khác chính vì người này. 

    Bạn có biết người khách đã bỏ đi đó sẽ chẳng bao giờ giới thiệu cho bất kỳ người nào đến tiệm nails của bạn, thậm chí họ còn bêu xấu tiệm nails của bạn cho người khác biết, vậy là bạn đã mất đi những khách nails mới cho tiệm của mình.

    Và làm sao để biết khách của bạn nghĩ gì? Rất đơn giản là hỏi và hỏi:

    * Hỏi khi khách làm xong

    * Hỏi qua email, qua text, qua điện thoại.

    * Hỏi về lần làm trước mỗi lần khách đến tiệm.

    Đừng để tiệm Nail của bạn đến khi mất khách rồi mới bắt đầu, hãy bắt đầu ngay hôm nay. Bằng 2 câu hỏi đơn giản nhất!

    “Are you satisfy with our services today?”

    “How could we serve you better?”

    Nói tóm lại, áp lực giảm giá trong nghề nails hiện nay là 1 thực tế mà bạn phải đối mặt khi kinh doanh trong ngành nghề này. Việc chọn lựa phương cách để đối ứng cho phù hợp là tùy vào từng điều kiện kinh doanh cụ thể. Hãy làm tốt điều này theo định hướng “Mục đích lớn nhất của kinh doanh nails chính là tạo ra khách hàng cho tiệm và giữ chân được họ”.

    Viethome sưu tầm

  • Một phụ nữ ở Lafayette, Louisiana (Mỹ) đã lên tiếng tố cáo sau khi bị 3 nam nhân viên ở một tiệm nail lôi kéo, tấn công vì nhìn nhầm cô là một khách hàng từng quỵt tiền tiệm của họ 2 tuần trước đó.

    Người phụ nữ cho biết nhóm đàn ông lôi cô xềnh xệch dưới đất và giữ cô trong tiệm, không cho về. 

    Vụ tấn công đã được camera ghi lại. 

    Cô Markesha Living 20 tuổi, kể lại hôm đó, cô bước vào tiệm Moss Nails để wax lông mày. Khi cô ngồi xuống, một nhân viên tới hỏi cô muốn làm gì. Đây là lúc tình hình bắt đầu chuyển biến xấu. 

    ''Tôi ngồi đó, người phụ nữ trong tiệm đứng dậy và thì thầm tiếng Việt với Kevin, và Kevin dịch lại cho tôi nghe. Kevin là thợ wax lông mày. Anh ta nói tôi đã từng tới làm ở tiệm mà không trả tiền'', cô Living thuật lại. 

    Living giải thích: ''Tôi cố rời khỏi nhưng họ nhốt tôi lại. Tôi vùng bỏ chạy nhưng 3 người đàn ông đuổi theo tôi. Tôi vừa chạy vừa ngoái ra sau nên vấp ngã''. 

    Living chẳng những không được wax lông mày mà còn bị lôi trở lại tiệm. 

    ''Khi bị lôi lại vào tiệm, tôi thấy mình không còn áo. Tôi bị trầy trụa khắp người. Họ lấy chìa khóa của tôi. Điện thoại của tôi vỡ nát''.  

    Mẹ chồng của Living, bà Barbara Lawrence, nói: ''Nhìn con dâu tôi mà xem. Tại sao 3 người đàn ông trưởng thành đó, tại sao họ lại tấn công hội đồng con gái tôi? Tại sao không thả con tôi ra, nó có phải là kẻ quỵt tiền đâu''.  

    Living đã nhận dạng 3 người đàn ông đó là Hoang Nguyen, Dat Quoc Tran và Khuong Hoang. 3 người này đã bị cảnh sát bắt giữ vì tội cố tình gây thương tích.

    ''Tôi gào lên với họ là tôi đang có thai nhưng họ vẫn không tha. Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi gọi điện thoại cho người thân và khóc trong điện thoại. Tôi rất lo lắng cho đứa con trong bụng''. 

    Khi cảnh sát tới hiện trường, họ nói với cô là nhân viên tiệm đã nhận lầm người, trong khi người quản lý tiệm không bình luận gì với báo chí.

    Viethome (brpround)

  • Đẹp và sáng tạo quá, các thợ nails cùng tham khảo để làm cho khách nè. Chắc hẳn khách của bạn sẽ rất thích ngồi xem phim với bộ móng này đấy.

    Mẫu móng lấy cảm hứng từ 'Chiến binh báo đen' có tone màu tối, tôn da. 

    Nếu là fan của Hawkeye, chắc chắn bộ móng của bạn không nên thiếu chi tiết cây cung. Sơn nền màu pastel, dạng lì có nhược điểm làm xỉn da tay, bạn có thể thay đổi sang chất sơn gel bóng. "

    Đừng quên chọn một viên đá vô cực có sức mạnh hoặc đơn giản là màu sắc bạn yêu thích nhất để gắn lên mẫu nails lấy cảm hứng từ Thanos.

    Tone màu đỏ - xanh cobalt cùng hình vẽ tơ nhện sẽ giúp đối phương nhanh chóng nhận ra bạn là fan của Spider Man. Không nhất thiết phải vẽ quá nhiều chi tiết mô phỏng nhân vật này lên móng vì có thể chúng sẽ khiến bộ nails của bạn trông 'trẻ con', kém thanh lịch khi đến công sở. 

    Mẫu móng lấy cảm hứng từ Captain America chắc chắn không thể thiếu hình tấm khiên Vibranium cùng ngôi sao bạc đã làm nên thương hiệu. 

    Màu xanh lá đại diện cho nhân vật khổng lồ - Hulk. Nếu không muốn quá nổi bật với màu 'chuẩn' của Hulk, bạn có thể đổi sang màu pastel nhẹ nhàng hơn và vẽ thêm các 'đặc điểm nhận dạng' của nhân vật này. 

    Bộ giáp vàng của Okoye hoàn toàn có thể giúp bộ móng của bạn ấn tượng hơn. Tuy nhiên, không nên ham trang trí nhiều chi tiết, gây rối mắt. 

    Mẫu móng đen với những đường kẻ bạc tượng trưng cho Black Widow có độ ứng dụng cao. 

    Vẽ thêm họa tiết tượng trưng cho ngọn giáo Gungnir sẽ giúp bộ móng của bạn 'chuẩn' Loki hơn. Ngoài ra kiểu vẽ móng họa tiết vân đá cũng phù hợp xu hướng.

    Sơn nền đỏ kết hợp với vài đường kẻ màu vàng chính là bộ nhận diện cho thương hiệu Iron Man. 

    Viethome (theo MANIQURE)

  • Bài chia sẻ của bạn Dang Hong Son đăng trên nhóm Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan vào năm 2017. Hai năm trôi qua thấy tình hình cũng không sáng sủa hơn là mấy mà còn có phần tối màu, nên Viethome xin chia sẻ cùng bạn đọc để chúng ta có thể thay đổi tốt hơn:

    ''Làm một vòng Châu Âu, thấy người Trung Quốc ở nước nào cũng rất mạnh, cũng có kinh tế và đường lối rất tốt, rất lâu dài...

    Khoảng 10 năm trước tới Paris lần đầu, ra quận 13 hồi đó còn gọi là ra quận người Việt, quán ăn, rồi kiốt của người Việt cũng tương đối, ra chợ gặp người miền Nam rất nhiều khi đó còn có tý kỳ thị không thích Bắc Kỳ, quán ăn của người Việt lúc đó khá nhiều và phát triển... Bây giờ thì chỉ còn 1 vài quán lớn, quán Phở nổi tiếng là còn giữ được, còn những quán khác, địa điểm đẹp vào hết tay người Tàu...

    Về kinh tế, buôn bán hay kinh doanh phải nhìn nhận người Tàu có truyền thống từ lâu đời. Nhớ hồi nhỏ xem phim Tàu thấy tửu điếm, khách sạn, tiêu cục... cứ nghĩ là phim thôi, bây giờ nhìn nhận mới thấy dân Tàu buôn bán trọng chữ Tín và xây dựng từ gốc...

    Vào một công ty hay cửa hàng của người Trung Quốc, cái nhìn nhận đầu tiên là phong thủy và sự trau chuốt, nhà ở có thể luộm thuộm (có nhà thấy có cả gián... ) nhưng cửa hàng thì hầu hết là long lanh. Cách đây mấy năm, quán ăn Xinh Long trong Wolka lúc mới mở ra địa điểm không tốt khách vắng, chủ quán rất Ok nhưng cả nửa năm đầu khách vắng... Bây giờ khách đông không xuể...

    Người Việt mình ở nước ngoài cũng cần cù, chăm ch , thức khuya dậy sớm không kém người Tàu vậy tại sao chúng ta không phát triển bằng họ? 

    Năm 2008 trở về trước, khi mà EU chưa thông thương, các chợ ở Ba Lan người Việt là chủ chốt, khi đó dịch vụ giấy tờ thôi người Tàu cũng nhờ người Việt. Chúng ta cứ kêu kinh doanh ngày càng kém sao người Tàu ngày càng đổ về Ba Lan nhiều vậy?

    Có 3 yếu tố phải nhìn nhận là mình kém họ rất nhiều: truyền thống kinh doanh của người Tàu có cả ngàn năm (mình thì hầu hết là thả cày, thả cuốc là sang đi buôn...), họ có sự hỗ trợ của chính phủ, của người đi trước kéo người đi sau, điểm quan trọng là có sự đầu tư lâu dài, có sự giúp đỡ và cạnh tranh lành mạnh để cùng nhau phát triển...

    Người Việt ra nước ngoài (châu Âu thôi, các châu khác chưa tới) tâm lý chung là không xác định lâu dài, đất lành chim đậu mà chỉ nghĩ mảnh đất mình đến là tạm bợ, kiếm được tiền là đóng gạch... Có khi nào bạn yêu một người, bạn không xác định lâu dài, liệu người đó có hết lòng yêu bạn không? Kinh doanh đơn giản cũng như tình yêu vậy, không yêu nghề sao nghề yêu mình được...

    Chúng ta thua về tầm nhìn xa... Người Tàu chủ và tớ phân biệt rõ ràng, có những người làm công của họ mình nhìn thấy làm việc cả chục năm nay. Người mình được một thời gian là làm công cũng muốn được như chủ, nhìn sự việc đơn giản nhưng không thấy khó khăn của người đi trước. Người Việt mình lúc khó khăn tinh thần chia sẻ, lá lành đùm lá rách rất tốt, nhưng lúc phát triển được một tý không dìm nhau thì cũng cạnh tranh không lành mạnh, số người vượt khỏi tầm cộng đồng liệu được bao nhiêu?

    Cũng có những điểm tốt nhất định (không nhiều thời gian nêu ra ở đây) nhưng ý thức hệ và tầm nhìn xa đấy là điều cần sửa đổi và học hỏi để cộng đồng người Việt tại châu Âu duy trì được bản sắc và phát triển không thua kém những cộng đồng khác về kinh doanh nói riêng và cuộc sống nói chung.

    5, 7 năm nay mình cắt tóc gần như duy nhất một nơi, hôm rồi đi với bạn vào tiệm của người TQ mới mở chừng 1 năm, phải nhìn nhận là họ chịu khó đầu tư thợ và dịch vụ chăm sóc tốt hơn người mình... Tại sao tiệm làm đẹp của người Việt cho chị em là có sửa sang , đổi mới... mà tiệm cắt tóc nam 10 năm vẫn vậy. Đàn ông ở Trung tâm Wolka thiệt thòi quá... Tất nhiên, mình là người Việt , kém 1 tý cũng ủng hộ người Việt... cái mấu chốt muốn tỏ ở đây là: doanh nghiệp có mặt mạnh của doanh nghiệp, dịch vụ có mặt mạnh của dịch vụ, giải trí có mặt của giải trí... chúng ta có chịu yêu, đầu tư và phát triển công việc và thế mạnh của chính mình không mà thôi...

    P/s : Cảm ơn những người bạn Việt, bạn Tàu luôn nồng nhiệt những nơi mình đến. Gạt bỏ những khúc mắc chính trị thì mình thấy người dân nước nào cũng như nha, mến khách và yêu sự bình an...''

    Tác giả: Dang Hong Son

    Viethome (sưu tầm)

  • Một tiệm làm móng của người gốc Việt ở New York, Mỹ lao đao sau khi nữ khách hàng da màu tố cáo người chủ phân biệt chủng tộc.

    Annetta Williams hôm 17/4 đến tiệm North Studio Nail Salon ở Buffalo, New York của ông Darius Huynh, một người gốc Việt, để cắt và sơn móng. Khi một nhân viên nữ đang nhận đặt chỗ cho bà này, ông Huynh xen ngang. Ông ta nói rằng: ''Không, chúng tôi hôm nay không thể cung cấp dịch vụ cho loại người như bà'", người phụ nữ da màu kể.

    Annetta Williams tố cáo chủ tiệm móng gốc Việt kỳ thị chủng tộc. Ảnh: Spectrum News.

    Bà Williams tiếp tục hỏi để hiểu rõ ý của người chủ tiệm. "Có phải ông đang muốn nói ông không tiếp những khách hàng da đen?". Darius Huỳnh lặp lại: "Tôi không chăm sóc loại người như bà".

    Nữ khách hàng sau đó đăng lên mạng xã hội một video, kể lại diễn biến sự việc và kêu gọi mọi người ngừng sử dụng dịch vụ tại tiệm làm móng North Studio Nail Salon.

    Nhưng Steve Long, luật sư của ông Huỳnh phản bác, cho rằng câu chuyện mà bà Williams kể không chính xác. Ông Huỳnh chỉ đơn giản nói rằng do ngày hôm đó khách đã đặt kín chỗ, tiệm của ông không có thời gian chăm sóc cho bà Williams.

    Theo luật sư, ông Huỳnh lúc đó đeo khẩu trang, cộng với ngữ điệu tiếng Anh không chuẩn, nên người đàn ông gốc Việt hay lặp lại các câu nói, gây hiểu lầm rằng có ý xua đuổi nữ khách hàng.

    Ông Huỳnh không biết sự cố này nghiêm trọng cho đến khi nhận được các cuộc điện thoại đe dọa. Có kẻ bảo: 'Tao sẽ đến tiệm của mày và khiến nó phải đóng cửa trong vòng ba phút'". Dù đã báo cảnh sát, ông Huỳnh và gia đình hiện vô cùng sợ hãi và lo lắng cho tính mạng của mình. 

    "Những cuộc điện thoại đe dọa có thể là giả mạo, có thể chỉ để hù dọa, nhưng thật sự không cần thiết. Nếu có điều gì cần khiếu nại, thì họ hãy nói thẳng, chứ đừng nên đe dọa người ta hoặc gia đình của họ", ông Long nói.

    Tiệm làm móng North Studio Nail Salon ở Buffalo, New York. Ảnh: Spectrum News

    Ông Huỳnh di cư từ Việt Nam đến Mỹ vào năm 1992 và bắt đầu kinh doanh làm móng từ năm 2008. Người đàn ông này chưa bao giờ nghe khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ và không ít khách hàng trung thành của ông là người da màu. Luật sư cho biết sự việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân thân chủ của mình và công việc làm ăn của ông. 

    Tuy nhiên, bà Williams nói không hiểu lầm ý của chủ tiệm làm móng và sẽ không dễ dàng tha thứ cho người đàn ông này. "Chỉ có Thượng đế mới có thể gỡ câu nói của ông ta ra khỏi tâm trí tôi. Thật khó ngồi đối điện để hiểu tại sao ông ấy đã nói như vậy".

    Viethome (theo VnExpress)

  • Mới đây, bạn Thuan Le cầu cứu trên nhóm All About Nghề Nails về một vấn đề mà hầu như thợ nail nào cũng bị, cả thợ mới lẫn thợ lâu năm: ''Cứ làm nail lại là tay tan nát như vầy. Thoa thuốc cũng đỡ rồi bị lại. Lúc không làm thì tự động hết. Mà không làm lấy gì nuôi con đây. Anh chị biết thuốc nào tốt 1 chút ko ạ?''

    Đây là căn bệnh nghề nghiệp mà rất nhiều người thợ mắc phải, nhưng may mắn là bệnh này chữa được vì biểu hiện ngoài da của nó cũng rất rõ ràng. Còn những căn bệnh tiềm ẩn như ung thư thì chẳng ai mà nói trước được. Do đó đừng bán rẻ sức lao động, đừng phá giá nghề nails các bạn ạ. 

    Chia sẻ của bạn Thuan Le.

    Nỗi lòng của bạn Thuan Le nhận được vô số bình luận cảm thông và chia sẻ bí kíp. Nhiều bạn cũng không ngại share hình ảnh đôi tay nứt nẻ rướm máu của mình. Thật may là triệu chứng này hầu như sẽ hết hẳn nếu bạn dùng đúng thuốc hợp với cơ địa.

    Tay của bạn Henry Kenner.

    Tay của bạn Snow Tuyết Tây

    Tay của bạn Ngoc Nguyen

    Tay của bạn Hà Nguyễn

    Tay của bạn Hà Nguyễn

    Tay của bạn Candy Huyền

    Tay của bạn Candy Huyền.

    Tay bạn Mimi Vu.

    Tay bạn Mimi Vu

    Tay bạn Dung Vo

    Tay bạn Thanh Nguyen

    Làm cách nào để bảo vệ đôi tay thợ nails?

    Các thợ nails chính là chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc bàn tay, do đó kinh nghiệm truyền miệng đôi khi mang lại hiệu quả ngang ngửa với các toa thuốc từ bệnh viện. 

    Lời khuyên chung của các thợ nails dành cho bạn Thuan Le và những người cùng cảnh ngộ là:

    - Rửa tay sạch sẽ ngay sau khi làm xong cho khách. Bạn có thể sát khuẩn tay bằng cồn 90 độ, oxy già (Hydrogen Peroxide), thuốc tím Povidine hoặc nước muối loãng, giấm. 

    - Thoa vaseline dưỡng ẩm thường xuyên. 

    - Đeo găng tay (loại latex free để tránh tương tác với acetone) hoặc bao ngón tay như hình dưới.

    - Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các loại gel, bột, primer...

    Bạn Ivan Pham khuyên chủ thớt mua bao ngón tay đeo vào (finger cots).

    Có khá nhiều loại kem đặc trị giúp chữa lành đôi bàn tay nứt nẻ trong thời gian ngắn. Ở mỗi quốc gia lại có những dòng thuốc khác nhau, tuy nhiên thành phần tá dược trong thuốc có thể là tương tự nhau.

    Một số bạn đã cẩn thận mang thuốc rẻ tiền từ VN qua dùng rất hiệu quả, chẳng hạn kem Fucicort điều trị viêm da, thuốc 7 màu Silkron, thuốc mỡ Diprosalic, bên cạnh các hỗn hợp phèn chua tự chế, thuốc bắc...

    Một số bạn mua thuốc ở Walgreens, Walmarts Boots như kem E45, Bepanthen, Aquaphor, Hydroval, Cortizone, Neosporin, Cortibion, Triamcinolone Acetonide, Cerave, Kentax, Working Hands, Clobetasol Propionate, Dermovate, Cerave... cũng khá hiệu quả.

    Nếu đã dùng nhiều loại mà vẫn không hiệu quả, bạn nên đi khám bác sĩ để được kê toa kem bôi đặc trị và thuốc uống trị bệnh từ bên trong. Bạn nên nói rõ với bác sĩ mình đã sử dụng những loại gì, bởi vì nhiều kem bôi tuy rất hiệu quả với người khác nhưng lại không hiệu quả với cơ địa của bạn. Bác sĩ sẽ tránh dùng các thuốc này và kê cho bạn loại phù hợp hơn. 

    Bệnh viêm da thường tái đi tái lại, do đó bạn nên hạn chế tiếp xúc với hóa chất bằng cách sử dụng bao tay.

    Viethome

  • Nếu các bạn quan tâm tới những xu hướng mới cho salon, muốn có một sân chơi để học hỏi giao lưu thì đây chính là cơ hội. Nails Art Show được tổ chức tại London với giá vé chỉ £99! 

    Thời gian qua có rất nhiều người hỏi về lớp học design. Nhưng bên cạnh đó, không phải ai cũng ngồi tỉ mẩn từng mẫu design khó. Khi học design k chỉ cần thời gian học mà còn cần cả thời gian luyện tập. Rất nhiều ace muốn học những trào lưu móng mới nhưng lại chưa thật sự biết cách làm, cách sử dụng và không có nhiều thời gian để tỉ mẩn.

    Vì hiểu được tâm lý, công ty bên em mời giáo viên quốc tế cô Lananh Nguyen (International Grand Master, giảng dạy khắp mọi nơi trên cộng đồng ngành nails quốc tế) và Bryan Nguyen Thien Vu (từng là Master Educator của Gelish và cũng là giáo viên quốc tế đang giảng tại Mỹ) tổ chức một nail show chỉ riêng về nails art ứng dụng trong nails salon. 

    Giá của buổi show event là £99/1 ticket.

    Event sẽ cùng các thầy cô hướng dẫn:
    1: Ombre bằng gel polish và arcylic
    2: Cách làm Deep French bằng cọ cùng gel và Cách làm deep french arcylic bằng cọ đắp bột
    3: Cách làm design với chrome nails và chia sẻ bí quyết cách giữ chrome last long
    4: Bí quyết gắn đá chắc và Cách trình bày bố cục gắn đá
    5: Xu hướng thịnh hành design với Marble ink và gel loang
    6: Design nhanh đẹp với gel paint

    * Lưu ý: Buổi Nails Art Event sẽ cung cấp đồ ngay tại show cho mỗi người đăng ký để sử dụng
    * Adress: 81-103 Euston Street, London, NW1 2EZ, United Kingdom
    * (14/04/2019: From 10am to 5pm)
    * Contact: 07874348888 (Trinh Huyen)

    Viethome

  • Vài tháng trước độc giả tên Lily đặt một câu hỏi rất hấp dẫn “Làm Sao Để Khách Cho Thêm Tiền Tips?” Sau khi đọc câu hỏi này tôi hỏi “LÀM SAO?” Chưa có ai hỏi chúng tôi câu hỏi này. Trước giờ tôi vẫn nghĩ “Tips” là sự cảm kích của khách hàng trong lúc phục vụ để họ cho, nhưng tôi đã sai. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý, khi con người được kích thích lòng triều mến và từ tâm họ sẽ rộng rãi hơn, nghĩa là họ sẽ cho nhiều tiền tip hơn.

    Đọc đến đây chắc hẳn các bạn đang làm nails nhảy lên “làm sao? làm sao?”. Nhẩn nha nào các bạn. Trước tiên chúng tôi xin cảm ơn Lily đã đưa ra đề tài hấp dẫn này và chúng tôi đã đi thử nghiệm dựa theo những nguyên tắc các chuyên gia tâm lý nói, kết quả chúng tôi đã tìm ra được một  số điều bạn có thể làm để khách cho thêm tiền tips. 

    43185824 313361862794293 4699306387807666176 nPhải làm khách vui thì khách mới thích tip.

    1. Không buôn điện thoại

    Hãy tưởng tượng bạn vào tiệm cắt tóc mà thợ cắt nghiêng đầu sang 1 bên, nói chuyện với người khác qua điện thoại và cắt tóc cho bạn. 100% bạn sẽ không cảm thấy hài lòng và cho rằng người đó không tôn trọng mình, không chú ý đến công việc. Liệu bạn có muốn cho tiền tips không?

    2. Không nói chuyện tiếng Việt từ bàn 1 sang bàn...4

    Dù bạn có thảo luận về công việc, thì cũng xin đừng nói vắt sang nhau bằng Tiếng Việt. Nhiều khách hàng ở Anh sẽ nghĩ là bạn đang nói xấu họ, hoặc nói điều gì đó không muốn họ nghe thấy bằng tiếng Anh.  

    3. Trang phục (phái nữ)

    Phần lớn thợ nail khi đi làm ăn mặc hơi bình thường, quần jean, áo thun, một số tiệm có đồng phục như khoác thêm một cái áo choàng bên ngoài. Một người có trang phục khác thường chẳng hạn như đội thêm cái mũ, tóc bới lên với một cánh hoa thường sẽ nhận được tiền tips cao hơn so với người khác. Theo nghiên cứu cho thấy bạn chỉ cần mang thêm một tý trang phục chẳng hạn như: một cánh hoa trên tóc, một cái kẹp, cái nơ áo, pin cài trên áo đều có hiệu quả.

     

    4. Giới thiệu tên (nam và nữ)

    Khi bạn chào hỏi khách và bạn giới thiệu tên mình, và hỏi tên khách bạn sẽ nhận được thêm tiền tips. Nếu bạn có thể phát âm tiếng Anh cho chuẩn, tiền tips của bạn sẽ tăng thêm 25%.

    5. Tươi cười với khách

    Những người thợ tươi cười chào hỏi khách nhận được thêm 140% tiền  tips so với người mặt mày ù lỳ. Nụ cười càng tươi, càng rộng tiền tips.

    6. Bán thêm hàng

    Bạn biết rằng tiền tips thường được dựa trên số tiền khách tiêu. Bạn nên giới thiệu cho khách thêm những dịch vụ khác, hoặc dịch vụ lớn hơn đương nhiên bạn sẽ được tiền tips nhiều hơn.

    7. Chạm vào khách

    Nghiên cứu cho thấy những người thợ nắm tay khách xem xét móng tay trước khi bắt đầu, và những người chạm nhẹ vào người khách thường nhận được tiền tips cao hơn. Các anh nên cẩn thận khi làm những động tác này với phụ nữ, không khéo sẽ bị xem là hành động phạm pháp.

    8. Mời nước

    Những người khách trước khi ngồi xuống làm hoặc sau khi làm xong được tặng một chai nước nhỏ thường cho tips cao hơn so với những lần không được mời nước.

    9. Gọi tên khách

    Gọi tên là cách thân thiện nhất khi tiếp khách. Những người khách được gọi tên thường cho tips cao hơn với những người khách được gọi là “honey” “You”.

    10. Nhìn khách khi massage

    Khi massage cho khách làm Manicure/Pedicure, thỉnh thoảng nhìn lên mắt họ, và hỏi “Is it ok with you?” bạn có thể nhận được tiền tips nhiều hơn.

    Nhìn chung khách cho tips nhiều hay ít tuy thuộc vào phong cách phục vụ của thợ. Chào hỏi khách hàng bằng tên, giới thiệu tên mình cho khách, mời khách ly nước, vui vẻ với khách, thường xuyên để ý đến khách sẽ được nhiều tiền tips.

    Tuy là vậy nhưng mỗi người khách lại có những tâm trạng khác nhau và thợ nên học cách nắm bắt tâm lý khách. Có những người khách muốn được “nuông chiều” (take time), có những người khách chỉ muốn làm tối thiểu cho xong, và có những người khách không muốn bị làm phiền, thợ nào có thể nắm bắt tâm trạng này của khách sẽ được tips nhiều hơn.

    Một điều nữa chúng tôi nhận thấy những người thợ có diện mạo xinh được tiền tips cao hơn thợ diện mạo kém, thợ nữ có trang điểm nhẹ được nhiều tips hơn thợ không có trang điểm.

    Tiền tips tỷ lệ nghịch với cân nặng của cơ thể, người càng béo tips càng ít. (Xin bạn đừng hỏi tại sao, đời là thế!) Bạn còn biết cách nào để nhận được thêm nhiều tiền tips mà bạn muốn chia sẻ không? Mời bạn viết comment bên dưới.

    Viethome (Sưu Tầm)