Vì sao thợ nail giỏi vẫn phải đi tìm việc?

Trước hết chúng ta đi tìm khái niệm thế nào là thợ giỏi? Ngắn gọn thì thợ giỏi là người có thể đáp ứng được tất cả mong muốn của khách, khiến khách vui vẻ chấp nhận móc hầu bao.

Giỏi có hai loại: Thứ nhất là tự cho mình giỏi và thứ hai là được người khác đánh giá là giỏi. Trường hợp thứ nhất chính là người hay bị đuổi và hay phải đi tìm việc nhất.

Vậy nguyên nhân do đâu?

tho nail gioi van phai di tim viec

I - Không có kỉ luật bản thân, nó gồm:

- Hay đi muộn và đòi về sớm. Luôn thể hiện những lý do nào đó để có thể đến shop muộn hay để được về sớm. Lâu dần nó thành thói quen và khi đã thành thói quen thì rất dễ chấp nhận và khó tự phát hiện ra.

- Không đủ năng lượng để làm việc trong một ngày. Luôn thức khuya dậy muộn. Ăn uống không điều độ, thu nạp chất kích thích quá nhiều...Nó dần làm cho bản thân thiếu năng lượng để chống chọi với cường độ làm việc. Nhưng lại luôn tự tin là không sao vì nghĩ mình là thợ giỏi.

- Hay xin nghỉ vặt. Đây là một nguyên nhân rất nguy hiểm cho cả thợ lẫn chủ. Việc nghỉ làm nó rất dễ thành thói quen dẫn đến cứ chứng minh được nguyên nhân cho chủ thấy là có thể xin nghỉ. Gần như nó là yêu sách của thợ giỏi. Còn chủ thì khổ cực chấp nhận vì nó là thợ mà mình khó kiếm nên ậm ừ cho qua.

- Không có sự trung thực trong công việc. Vấn đề trung thực nó không nằm ở phượng diện thấy được mà nó còn tiềm ẩn trong khoảng tối của bản thân. Ngay cả việc cố tình đánh rắm một cách im ỉm, hay việc làm đổ nước ra sàn nhà, giấy lau miệng sau khi ăn xong không dọn dẹp. Cứ nghĩ rằng việc đó chẳng ai có thể đổ tội cho mình. Nhưng đó là nguyên nhân để bản thân dẫn đến những thứ không trung thực lớn hơn. Làm ảnh hưởng công việc chung và mất dần niềm tin với chủ và thợ bạn lúc nào không hay.

II - Thái độ làm việc.

- Định vị sai bản thân. Người thợ tự cho mình giỏi luôn định vị bản thân mình ở một tầm cao. Không coi thợ bạn ra gì, không tôn trọng mong muốn của khách, Không chấp nhận sự đánh giá tiêu cực về mình từ bất kì ai...Lâu dần trở nên khó chịu trong mắt thợ bạn và chủ.

- Quan niệm sai về công việc. Những người thợ tự cho mình giỏi thường có thói quen chỉ làm những việc họ cho là quan trọng (kiếm ra tiền) ở trong shop. Thường không quan tâm đến những việc vặt như lau chùi đèn, bàn, vệ sinh sàn nhà hay toilet, nấu ăn đổ rác... Nhưng lâu dần nó hình thành nên một tính cách luộm thuộm và nhớn nhác. Đến lúc về nhà ở vẫn thế. Làm cho bản thân được phép ở cửa trên so với thợ bạn và thậm chí là trên cả chủ lúc nào không hay. Sinh ra mâu thuẫn và tạo ánh nhìn không thiện cảm với chủ.

- Hiểu biết không tới. Một người thợ tự cho mình giỏi thường thấy bản thân mình hiểu rất thấu mọi công việc. Những sắp xếp và tính toán của họ thường tự đánh giá là đúng và cao siêu hơn người. Nhưng họ chỉ phải lo phần việc của họ nên suy nghĩ cũng chỉ đến đó. Còn người chủ thì phải lo cả một khối việc trong đó bao gồm cả việc của người thợ tự cho mình giỏi. Nên suy nghĩ của người chủ đa phần là sâu và rộng hơn. Chính việc bất đồng chính kiến này khiến cho người thợ tự cho mình giỏi phải ra đi.

III - Chuyên môn

- Chính việc cho mình là người thợ giỏi là họ đã tự thể hiện chuyên môn cao. Những người này họ rất hay thể hiện thái độ với khách khi có bất kì sự khiếu nại nào từ người đối diện. Làm mất lòng khách khi họ muốn sửa cái gì đó. Lâu dần nó hình thành nên thói quen khẳng định mình luôn đúng.

- Đánh giá thợ bạn. Việc người thợ tự cho mình giỏi luôn muốn đánh giá tay nghề và cách sống của người khác. Chính vì tự mãn cao nên những lời đánh giá luôn thiếu khách quan và gây phản cảm. Thậm chí đánh giá luôn cả chủ. Chính điều đó đã tạo nên sự khó chịu cho bất kì ai ở gần hay sống chung.

- Không học hỏi. Chính việc tự cho mình giỏi đã làm cho bản thân ngại tiếp xúc với thợ bạn khác. Không muốn tìm tòi hay thấu hiểu những điều khác lạ để thay đổi. Trong khi Nails là một nghề luôn phải thay đổi và làm mới từng ngày. Làm cho bản thân mất khả năng thu nạp kiến thức. Lâu dần bị tụt lại phía sau.

Tóm lại: Chỉ đến khi bị đuổi việc hay khi phải khó khăn đi tìm một công việc mới, thì lúc đó phần nào họ mới có thể nhận ra bản thận mình đang ở mức nào. Thường thì phải mất khá nhiều thời gian để tạo lại một thói quen sống phù hợp với những người xung quanh.

Hãy hàng ngày tích luỹ kinh nghiệm, luôn vận động để tạo nên sự nhạy bén trong công việc, tôn trọng ý kiến người đối diện cùng với tay nghề tốt thì đó mới có thể là một người thợ giỏi.

Cre: MC Duong Ngoc Nguyen