• Ngày 30/9, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Italy thông báo: Họ đã giải cứu thành công 177 người, trong một chiếc phà bốc cháy trên biển, bao gồm 27 thành viên thủy thủ đoàn và 83 người di cư. Đó là 83 người vô cùng may mắn.

    Trước họ, quanh những bờ biển nước Ý nói riêng và phía Nam của Liên minh châu Âu (EU) nói chung, đã có quá nhiều cái chết thương tâm, trên đường vượt biển tìm kiếm những cuộc đổi đời. Sau một thập kỷ, bóng đen của cuộc khủng hoảng di cư đã và đang trở lại, đè nặng và làm hằn lên những vết chia cắt, trong lòng cựu lục địa.

    Italy oằn mình

    83 người di cư may mắn được cứu thoát ấy đang trên đường từ đảo Lampedusa đến Porto Empedocle (cùng của Italy). Đảo Lampedusa nằm giữa Tunisia, Malta và đảo Sicily của Italy. Nhờ vị trí thuận tiện ấy, nó trở thành điểm đến “yêu thích” mà hầu như mọi dòng người vượt biển từ Bắc Phi đều lựa chọn, một thứ “đầu cầu tiền tiêu” bắt vào EU.

    oan minh di cu 1
    Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni (phải) thị sát đảo Lampedusa ngày 17/9/2023.

    Trong tháng 9/2023, mỗi tuần, có hàng nghìn người di cư đi qua tuyến hải trình ấy, với mong muốn tột bậc được đặt chân lên châu Âu bằng mọi giá, để chạy trốn chiến tranh và xung đột, hoặc chạy trốn cảnh đói nghèo ở quê hương đã bỏ lại sau lưng vĩnh viễn. Chỉ từ ngày 11 đến 13/9, đã có khoảng 8.500 người di cư - nhiều hơn toàn bộ dân số đảo Lampedusa - đến đảo này trên 199 tàu.

    Người đứng đầu chính quyền đảo Lampedusa, ông Filippo Mannino, nhấn mạnh mặc dù Lampedusa vẫn luôn sẵn lòng đón nhận người di cư, song hòn đảo này đã rơi vào tình trạng quá tải. Bởi, trung tâm tiếp nhận người di cư của hòn đảo chỉ có sức chứa khoảng 400 người. Những người di cư sau đó được chuyển đến thị trấn Porto Empedocle trên đảo Sicily.

    Vô hình trung, đảo Lampedusa trở thành mô hình thu nhỏ, nhưng biểu đạt sắc nét cho tình cảnh của Italy - quốc gia EU tiền tiêu trên Địa Trung Hải. Từ đầu năm 2023 đến nay, hơn 133.000 người di cư đã tìm đến các địa phương ven biển của Italy, gần gấp đôi số lượng người di cư ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Và điều thực sự đau đớn: Hơn 2.500 người di cư đã thiệt mạng trong khi tìm cách vượt biển từ Bắc Phi tới Italy (và Malta) trong năm 2023 này, theo những số liệu thống kê do Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 28/9, trong khi con số trong cùng thời gian của năm 2022 là 1.680 người.

    Đương nhiên, một cách ngắn gọn, dưới mệnh lệnh của lòng nhân đạo, Italy phải lo “nơi ăn chốn ở”, khi tiếp nhận (và sàng lọc) toàn bộ khối người di cư lựa chọn đến với họ.

    Tuy nhiên, trong động thái mới nhất ngày 27/9, Chính phủ Italy đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm tới, qua đó cho thấy những khó khăn ngày càng tăng mà họ đang phải gánh chịu (dù là tương đồng với cả bức tranh toàn cảnh của cộng đồng). Cụ thể, Chính phủ Italy ước tính tăng trưởng GDP năm nay ở mức 0,8%, thấp hơn mức dự báo 1% đưa ra trước đó. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 hạ từ mức 1,5% xuống còn 1,2%.

    oan minh di cu 1
    Người châu Phi liệu có liều mình tha hương, nếu được tiếp cận các cơ hội phát triển ở quê nhà?

    Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni cũng tăng mức dự báo thâm hụt tài chính của Italy năm nay và năm tới, theo đó thâm hụt năm nay dự kiến ở mức 5,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn mức mục tiêu 4,5% đề ra trước đó. Thâm hụt năm 2024 được dự báo ở mức 4,3%, so với mức mục tiêu 3,7%.

    Tình trạng này bắt nguồn từ các hệ lụy của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, cũng như việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ lãi suất ở mức cao. Và những dự báo u ám về triển vọng kinh tế kia đồng nghĩa với việc Chính phủ Italy sẽ phải cố gắng hỗ trợ các công dân của mình trong cơn khó khăn nhiều hơn. Mà cùng lúc, họ vẫn phải lo cho những người di cư vượt biển.

    Câu chuyện mới mà cũ

    Có một cuộc họp quan trọng đã diễn ra ngày 29/9, tại Malta, khi lãnh đạo 9 nước Địa Trung Hải và Nam Âu gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission/EC) - bà Ursula von der Leyen - để thảo luận về vấn đề người di cư.

    Những đoàn người dấn thân vào vô định.

    Hội nghị cấp cao này diễn ra một ngày sau khi bộ trưởng nội vụ các nước thành viên EU đạt được bước tiến, trong việc đề ra các quy định mới liên quan đến cách khối này đối phó với làn sóng nhập cư trái phép. Mặc dù vậy, Italy đã đề nghị cần có thêm thời gian để xem xét văn bản này, trước khi tiến tới đạt được một thỏa thuận chung.

    Khoảng 186.000 người di cư thông qua tuyến đường biển Nam châu Âu đã đặt chân đến Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Cyprus và Malta, tính từ đầu năm đến ngày 24/9. Số liệu này gợi lại những cảm giác nặng nề từ thập niên trước còn chưa kịp phai mờ, khi cũng có hàng đoàn người đánh cược với sinh mạng của mình như thế để tìm đến những bờ biển Nam Âu, sau khi “Mùa xuân Arab” quét qua cả một dải Bắc Phi - Trung Đông. Ngày ấy, EU cùng lúc hứng chịu cả bốn cuộc khủng hoảng: kinh tế, người nhập cư, cơ chế hoạt động (nhất là sau khi nước Anh chính thức xúc tiến tiến trình Brexit) và cân bằng chiến lược địa chính trị. Hiện tại, dường như câu chuyện cũng chẳng tươi sáng hơn là mấy.

    Suốt những năm tháng ấy, các quốc gia “đầu sóng” - vẫn là Italy, Tây Ban Nha, Cyprus, Malta và Hy Lạp - “vật vã” kêu gọi các nước thành viên EU khác chia sẻ gánh nặng. Bây giờ, cả Thủ tướng Italy - bà Georgia Melani - lẫn Chủ tịch EC Ursula von der Leyen vẫn đang phải kêu gọi phối hợp hành động, để đối phó với những thách thức chung từ làn sóng người di cư đang trở nên mất kiểm soát.

    Thủ tướng Meloni nhấn mạnh vấn đề này đang đe dọa tương lai mà EU hướng tới, một tương lai phụ thuộc vào năng lực toàn khối ứng phó với những thách thức lớn. Trong khi đó, Chủ tịch EC cho rằng làn sóng di cư bất hợp pháp là thách thức của toàn châu Âu, nên cần một cách ứng phó chung của toàn khối. Bà kêu gọi các thành viên khác của EU tiếp nhận người di cư để chia sẻ gánh nặng với Italy.

    Trước đó, bởi áp lực nặng nề do lượng người di cư từ châu Phi ngày càng tăng, Italy đã phải tìm kiếm sự can thiệp của Liên hợp quốc. Và vừa ngày 2/10, tân Tổng giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) - bà Amy Pope, cựu cố vấn Nhà Trắng - khẳng định: “Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là chuyện số người thiệt mạng ở Địa Trung Hải bị coi là vấn đề bình thường, khi có người cho rằng đây chỉ là cái giá phải trả cho việc di cư trái phép của họ. Nếu chúng ta thực sự muốn ngăn chặn dòng người vượt Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền ọp ẹp để đối diện với nguy cơ mất mạng, chúng ta cần phải tiếp cận tình hình theo cách toàn diện hơn”.

    Song, cách toàn diện hơn ấy là cách nào?

    Những giải pháp tạm thời

    Giải pháp mà Italy, cũng như các nước “tuyến đầu” hướng đến, là một cơ chế chia sẻ trách nhiệm chung đối với việc tiếp nhận người tị nạn, áp dụng cho toàn thể các thành viên EU. Đây cũng là hướng đi mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thống nhất với Thủ tướng Italy Melani vào ngày 26/9, sau cuộc thảo luận trực tiếp về “sự cần thiết phải tìm ra giải pháp của Liên minh châu Âu cho vấn đề di cư”, cũng như các vấn đề kinh tế. Theo Điện Elysee, khả năng để hải quân các nước tham gia các sứ mệnh kéo dài trên Địa Trung Hải cũng rất đáng xem xét.

    oan minh di cu 1
    Những vòng thép gai lạnh lùng trong lòng EU.

    Tuy nhiên, vào ngày 29/9, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này sẽ giữ nguyên quyền phủ quyết đối với “hiệp ước di cư” ấy, nếu nó trở thành hiện thực. Điều này cũng dễ hiểu. Ba Lan, cũng như không ít quốc gia khác, cũng đang cực kỳ khó khăn trong việc lo cho đời sống công dân của mình, dưới áp lực đa chiều từ cuộc xung đột Ukraine.

    Một ngày sau, 30/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: Số lượng người tị nạn hướng tới Đức hiện tại là quá lớn. Hơn 70% tổng số người nhập cư đến Đức chưa được đăng ký trước đó, mặc dù hầu như họ đều đã đến một quốc gia khác trong EU trước khi đến Đức (lý do là bởi sự giàu có của nước Đức). Và ông nhấn mạnh: Điều này sẽ không thể tiếp tục kéo dài.

    Thủ tướng Scholz khẳng định: Đức ủng hộ việc bảo vệ biên giới bên ngoài của EU. Trong liên minh, Đức đang tiếp tục phối hợp với Áo để triển khai các biện pháp an ninh biên giới bổ sung. Đức cũng đã thống nhất với Thụy Sĩ và Czech về các biện pháp kiểm soát biên giới chung và tăng cường kiểm soát biên giới với Ba Lan. Ở một diễn biến khác, ngày 24/9, Thụy Sĩ từ chối tiếp nhận người di cư từ nước Ý.

    Từ bối cảnh khác biệt về cách tiếp cận này, chúng ta có thể hiểu vì sao vào ngày 28/9, Quy định về khủng hoảng người di cư mà EU đề xuất đã không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, khi có 4 quốc gia phản đối (Áo, Czech, Hungary và Ba Lan) - trong khi 3 quốc gia khác được coi là bỏ phiếu trắng - Đức, Hà Lan và Slovakia, bất kể tất cả đều thống nhất là chỉ có thể giải quyết vấn đề trên tinh thần đoàn kết.

    Mặc dù vậy, dường như những câu hỏi mang tính gốc rễ từ 10 năm trước vẫn cứ bị bỏ lửng: Đâu là nguyên nhân thực thụ thôi thúc những đoàn người di cư quyết tâm vượt đại dương?

    Nếu ở quê hương của họ không có xung đột hay chiến tranh, nếu tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng được cải thiện và đẩy lùi, nếu những cơ hội phát triển được kiến tạo trên những vùng đất cằn cỗi ấy nhờ sự hỗ trợ từ các nước phát triển…, thì họ có nhất thiết phải liều mình bỏ lại tất cả sau lưng như thế? Để dấn thân vào mịt mờ và trở thành gánh nặng cho châu Âu, giữa sự hoang tàn của “Mùa xuân Arab” ngày trước với những vùng lửa cháy ở Tây Phi hiện tại, hay là sự công phẫn của châu Phi nói chung về những tác động kinh hoàng của tiến trình biến đổi khí hậu (mà tất cả, đều ít nhiều có những tác động từ phương Tây)…

    Theo cand

  • Trả lời BBC News bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, Thủ tướng Anh, ông Rishi Sunak nói ông "muốn xem xét các biện pháp khác nhau để giảm số người vào Anh hợp pháp".

    Khi được hỏi ông có muốn ngăn không cho sinh viên nước ngoài sang Anh học hưởng quyền đón thân nhân sang thăm, Rishi Sunak chỉ nói ông sẽ xem xét các cách để "giảm con số đó xuống".

    Đảng Bảo thủ của ông Sunak đang chịu sức ép về những lời hứa trước trưng cầu dân ý Brexit, khi họ hứa sẽ kiểm soát chặt hơn biên giới, giảm số người nhập cư, cả hợp pháp và bất hợp pháp.

    Năm 2019, đảng Bảo thủ nêu ra trong Cương lĩnh tranh cử của họ là sẽ bằng mọi cách giảm số người vào Anh (say khi trừ số ra khỏi Anh), xuống 226 nghìn/năm.

    di dan den anh
    Trả lời BBC ở Hiroshima bên lề hội nghị G7, ông Sunak thừa nhận "số người nhập cư vào Anh quá cao"

    Yêu sách và mục tiêu của Brexit

    Một trong những yêu sách của phe hữu tại Anh trước Brexit là không để công dân các nước EU khác tới Anh định cư. Họ nói việc đó chỉ làm được khi Anh không còn là thành viên EU. Mục tiêu này xem ra đã đạt được vì dân EU thôi không sang Anh nữa nhưng người tới Anh từ các vùng khác lại tăng. 

    Theo một bài trên BBC tháng 11/2022, trong sáu tháng đầu năm đó, có tới 504 nghìn người vào sống ở Anh hợp pháp, trên tổng số người đến 1,1 triệu.

    Trước luồng người vào, và ra rất lớn, Anh chỉ coi số nhập cư ròng để định cư ngắn hạn, và dài hạn là vấn đề cần bàn thảo, sau khi đã trừ đi số người rời đi.

    ̀Theo Cục Thống kê Quốc gia (ONS), trong 1,1 triệu người tới Anh tháng 1-6/2022, số người tỵ nạn Ukraine là 170 nghìn, cộng với 76 nghìn từ Hong Kong. 

    Còn lại là 277 nghìn sinh viên tới Anh du học, và dân nhập cư hợp pháp từ các nước khác.

    Nhưng sau khi trừ đi tổng số người ra khỏi Anh (đi sống nơi khác, người Anh di cư, ngoại kiều hồi hương...) thì con số nhập cư ròng là 504 nghìn.

    Con số này được tính vào mục "dân số tại Anh tăng lên nửa triệu" chỉ trong nửa đầu năm 2022. Theo BBC News, đây là con số tăng vọt, so với 330 nghìn năm 2016, khi công dân tại Anh bỏ phiếu chọn Brexit.

    Từ đầu năm 2022 tới tháng 9/2022, có trên 76 nghìn đơn tỵ nạn do người vượt biên vào Anh bằng thuyền nhỏ từ châu Âu lục địa được nộp lên Bộ Nội vụ.

    Đa số người tới Anh hợp pháp là người Hong Kong và công dân Ukraine, vượt xa con số dân EU vào Anh.

    Thậm chí, có thể nói rằng người dân EU đã không sang Anh sinh sống, làm việc bao nhiêu nữa. Trong bảng số liệu của ONS, do BBC soạn thành đồ họa, con số này nằm dưới ngưỡng 10.000.

    Hiện nay tại Anh, sức ép của dân số lên thị trường nhà ở rất lớn. Số nhà xây thêm nhiều năm qua không đủ đáp ứng nhu cầu của người mua, thuê, khiến giá thuê tại nhiều vùng ở nước Anh lên cao chóng mặt.

    Theo trang Telegraph hồi tháng 1/2023, giá thuê căn hộ tại nội đô London lần đầu vượt ngưỡng 3.000 bảng/tháng.

    Tính trung bình trên cả nước, công ty địa ốc Rightmove cung cấp con số giá thuê nhà trung bình là 1.172 bảng/tháng.

    Vẫn trang báo này nói một số ước tính cho hay số người nhập cư vào Anh (net migration -số ròng, sau khi trừ số xuất cảnh) trong năm 2022 có thể đạt 650-675 nghìn.

    Theo họ, con số ước tính tương tự được nêu ra cho năm nay, 2023. Tuy nhiên, BBC News không đăng tải các thông tin này.

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • Nước Anh sẽ cho Pháp gần nửa tỉ bảng trong vòng 3 năm tới để nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn ngừa thuyền nhỏ băng qua eo biển Anh. 

    Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cam kết sẽ gửi cho Paris 478 triệu bảng - tương đương 541 triệu euro để thực hiện nhiệm vụ này. Số tiền này sẽ được dùng vào việc thuê hàng trăm nhân viên thực thi luật pháp và xây dựng một trung tâm tị nạn mới ở Pháp. 

    Ông Rishi Sunak đã thông báo khoản chi khổng lồ này sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong Hội nghị song phương Anh - Pháp tại điện Elysee vào ngày 10-3. 

    anh chi 500 trieu cho phap giai quyet di cu 99
    Ông Emmanuel Macron và Rishi Sunak chụp ảnh cùng các bộ trưởng trong Hội nghị song phương Anh - Pháp tại Paris. Ảnh:  Reuters

    Nhưng phía Pháp chưa có dấu hiệu đồng ý với thỏa thuận này. Đây mới là đề nghị đơn phương của ông Sunak, nằm trong top những ưu tiên hàng đầu hiện nay của ông. 

    Trước đó, dự luật Illegal Migration Bill đã bị nhiều tổ chức nhân quyền phản đối. Luật này sẽ chấm dứt quyền xin tị nạn của những người đến Anh bằng thuyền nhỏ, họ bị cấm quyền xin quốc tịch hay trở lại UK trong tương lai. 

    Dự luật này nhiều khả năng sẽ không được Thượng Viện thông qua mà sẽ yêu cầu sửa chữa. Tuy nhiên, nếu chính phủ của ông Sunak không đồng ý các sửa đổi này, thì dự luật này còn phải điều chỉnh tới lui trước khi nó chính thức được áp dụng. 

    Tại Hạ Viện, Bộ trưởng Nội vụ Braverman có nói: "Dự luật cải cách này rất rõ ràng và khẩn cấp. Họ vẫn sẽ tới đây trừ khi họ biết rằng mình sẽ bị giam giữ và trục xuất ngay lập tức". 

    Trong 10 năm qua, nước Anh đã chi hơn 300 triệu bảng cho Pháp để giải quyết vấn đề người di cư. Hơn 3,000 người đã đến Anh bằng đường biển trong năm nay. Năm ngoái đã có gần 46,000 người vượt biển đến Anh bất hợp pháp, bất chấp việc 4 tháng trước, ông Sunak và bà Braverman đã thông báo gói kinh phí 63 triệu bảng để tăng cường lực lượng tuần tra thêm 40%. 

    Năm 2021, chính phủ Anh cũng đã phải chi 55 triệu bảng để giải quyết vấn đề này.

    Viethome (theo Metro)

  • Một phụ nữ Venezuela bị thương, trong khi đứa con 9 tháng tuổi qua đời, sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển của Trinidad và Tobago nổ súng vào con thuyền chở người di cư hôm 5/2.

    Trong tuyên bố đăng tải trên Facebook mới đây, lực lượng bảo vệ bờ biển của Trinidad và Tobago cho biết các nhân viên đã nổ súng "để tự vệ" vào hôm 5/2 vừa qua để chặn một con thuyền chở những người di cư đi vào vùng biển Trinidadian.

    "Chiếc thuyền có hành động húc vào tàu khiến các thủy thủ đoàn lo sợ nguy hiểm đến tính mạng và để tự vệ, họ đã bắn vào động cơ của chiếc tàu tình nghi nhằm dừng nó lại”, Guardian trích dẫn tuyên bố.

    be 9 thang tuoi venezuela qua doi
    (Ảnh minh họa)

    Khi thủy thủ đoàn lên tàu, họ phát hiện nhóm người di cư Venezuela đang lẩn trốn, trong đó có “một phụ nữ trưởng thành đang ôm đứa trẻ sơ sinh. Thật không may, đứa trẻ sơ sinh không còn phản ứng”, tuyên bố cho biết. Người mẹ sau đó đã được đưa đến bệnh viện để điều trị do bị thương, theo thông cáo.

    Thủ tướng của Trinidad và Tobago Keith Rowley đã bày tỏ "sự cảm thông sâu sắc nhất, thay mặt cho chính tôi và tất cả người dân Trinidad và Tobago trước sự ra đi của đứa bé" trong một tuyên bố sau vụ việc. Các nhà hoạt động nhân quyền đã kêu gọi cuộc điều tra kỹ lưỡng.

    Mặc dù có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, Venezuela đang gặp phải các cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế với siêu lạm phát tràn lan và tình trạng thiếu lương thực, năng lượng và thuốc men.

    Trinidad và Tobago, cách bờ biển Venezuela khoảng 96 km, đã trở thành điểm đến của khoảng 25.000 người di cư. Họ thường vượt biên trên những chiếc thuyền đánh cá ọp ẹp và đông đúc. Đây chỉ là một phần nhỏ trong cuộc di cư của gần 6 triệu người Venezuela. Kể từ năm 2018, hơn 100 người Venezuela đã thiệt mạng khi cố gắng rời khỏi quê hương.

    Nhiều người đến Colombia và các nước Mỹ Latin bằng cách đi bộ. Mỹ cũng là điểm đến mà nhiều người Venezuela lựa chọn với số lượng kỷ lục 24.819 người trong tháng 12/2021.

    Dù người di cư Venezuela thường chứng kiến một số phản ứng dữ dội ở các nước sở tại, Trinidad và Tobago nhận chỉ trích đặc biệt vì các chính sách hà khắc của họ.

    Theo Zing

  • Bức ảnh người sống sót đơn độc ngồi trên con thuyền di cư bị lật giữa biển cả ở Florida, Mỹ được lan truyền khắp thế giới.

    Theo BBC, người đàn ông này được xác định là Juan Esteban Montoya, 22 tuổi, đến từ thành phố Guacarí, vùng Cauca Valley của Colombia.

    Montoya được giải cứu hôm 25/1 sau khi bị trôi dạt nhiều giờ trên biển. Con thuyền chở anh cùng 39 người di cư khác khởi hành từ Bahamas vào bình minh hôm 23/1. Người đàn ông Colombia đi cùng em gái María Camila nhưng người em này hiện vẫn mất tích.

    Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã trục vớt được 5 thi thể trên biển trước khi kết thúc cuộc tìm kiếm vào chiều 27/1. Cuộc tìm kiếm được thực hiện trên một vùng biển có diện tích tương đương bang New Jersey.

    nguoi song sot don doc
    Bức ảnh người sống sót đơn độc ngồi trên con thuyền di cư bị lật giữa biển cả ở Florida, Mỹ được lan truyền khắp thế giới. Ảnh: BBC.

    Giới chức trách nhận được cảnh báo hôm 25/1 khi một tàu thương mại phát hiện người đàn ông gặp nạn đang bám vào thân chiếc thuyền bị lật cách Fort Pierce, Florida khoảng 72 km. Thuyền trưởng của tàu lai dắt, Signet Intruder, sau đó đã tìm thấy Montoya và giải cứu nạn nhân.

    Các quan chức Mỹ cho biết con thuyền có thể là một phần của “phi vụ buôn lậu người”. Không ai trong số 40 người trên thuyền mặc áo phao cứu hộ, Montoya cho biết.

    Người quản lý hoạt động của công ty vận chuyển Signet ở Florida nói với BBC: “Lúc 8h5, chúng tôi đưa Montoya lên tàu và anh ấy được điều trị ngay lập tức vì bị mất nước. Chúng tôi đã cung cấp nước và một số thức ăn mềm cho nạn nhân. Anh ấy rất yếu ớt và đau buồn”.

    “Anh ấy nói với chúng tôi tổng cộng có 40 người trên thuyền và sau khi rời Bimini vào lúc nửa đêm 22 tới sáng 23/1, họ đã di chuyển khoảng 4 giờ cho đến khi thời tiết xấu khiến con tàu bị lật”. 

    Đảo Bimini là quận ở mũi phía tây Bahamas, và chỉ cách thành phố Miami của Mỹ khoảng 80 km. Montoya kể lại rằng khoảng 20 người còn trụ được trên thuyền lúc đó đã phải vật lộn nhiều giờ bám vào những gì còn lại trên thân con thuyền.

    Ông Jo-Ann Burdian, chỉ huy lực lượng Cảnh sát biển Miami, nói trong một cuộc họp báo rằng vụ việc xảy ra trên tuyến đường buôn lậu người thường thấy từ Bahamas vào miền Nam của Mỹ. Điều kiện thời tiết hôm 23/1 tại khu vực rất xấu với giá lạnh khắc nghiệt, sóng dâng cao và gió mạnh.

    Những sự cố liên quan đến tàu thuyền chở người đông đúc không phải điều xa lạ ở vùng biển ngoài khơi Florida. Nhiều trường hợp liên quan đến những người di cư từ Haiti cố gắng đến Mỹ.

    Hôm 25/1 - cùng ngày giới chức trách nhận tin về con tàu bị lật - Cảnh sát biển Mỹ đã chặn 191 công dân Haiti ở vùng biển gần Bahamas. Trong một sự cố khác chỉ vài ngày trước đó, 88 người Haiti đã được tìm thấy trong một con thuyền quá tải tại khu vực.

    Theo Zing

  • Cùng theo chân phóng viên Adam Parsons tìm hiểu về "vòng lặp" ở gần biên giới Anh - Pháp: Mới sáng sớm, nhưng góc phố Calais vẫn nhộn nhịp như mọi khi.

    Lúc đầu, bạn không nhận thấy nhiều người trong số họ. Sau đó, bạn nhìn thấy đèn nhấp nháy màu xanh lam, xe cảnh sát tăng tốc xung quanh và xe tải chở hàng đến rồi đi. Nhưng trong bóng tối, có hàng trăm người đang chạy xung quanh, tất cả đều đang chờ đợi để được “đi ké” đến Anh.

    Một chiếc xe tải chạy chậm lại khi đi vòng qua một bùng binh và đột nhiên có một người đàn ông chạy nhanh tới bên cạnh. Anh ta đưa tay ra nhưng không thể tự mình trèo lên xe.Xe tải lại tăng tốc; người đàn ông chậm lại và bỏ đi.

    Việc này xảy ra lặp đi lặp lại. Nam thanh niên nép mình trong bóng tối rồi chạy ra ngoài để cố gắng leo lên một chiếc xe. Hầu hết họ đều thất bại, và bỏ đi. Đôi khi họ leo được lên, nhưng bị những tài xế tức giận phát hiện và dừng xe đuổi xuống. Hiếm khi họ thành công.

    27migrantsMột "người đi trốn" cố gắng "đi ké" sang Anh

    Chúng tôi đã quan sát một người, với một chút táo bạo, nhanh nhẹn và dẻo dai, chạy dọc theo một chiếc xe tải, nhảy lên và sau đó trèo vào khoảng không giữa thùng hàng và đầu xe. Việc này cực kỳ nguy hiểm.

    Mới đây, một thiếu niên đã thiệt mạng sau khi ngã xuống dưới bánh xe tải. Đây là trường hợp tử vong mới nhất. Nhưng đối với những người tập trung xung quanh khu vực này, rủi ro là xứng đáng so với phần thưởng. Tất cả những người này đang cố gắng đến Anh.

    Vượt qua biển Manche trên một chiếc xuồng, sau khi trả tiền cho một kẻ buôn lậu người, có thể tốn hàng nghìn bảng Anh, cũng như khả năng lớn là xuồng sẽ bị quá tải, chìm, hỏng.

    Ngược lại, cố gắng “đi ké” xe tải là miễn phí và số phương tiện vận chuyển nhiều hơn. Các bãi đậu xe tải của Calais đầy ắp xe cộ tới hầm eo biển Manche mỗi ngày.

    Thử thách trước hết là lên xe, và sau đó là tránh bị phát hiện. Cũng không dễ dàng, đó là lý do họ thường mất hàng tháng trời để cố gắng đến Anh theo cách này.

    Và đó là lý do trong đêm tối lạnh lẽo, cảnh sát đang chơi “trốn tìm” với tất cả những người di cư này. Khi một chiếc xe cảnh sát đến, những người đàn ông vội lẩn tới một nơi khác và đợi chiếc xe cảnh sát rời đi.

    Ngay khi các sĩ quan đi khỏi, những người đàn ông trở lại. Đó là cảnh tượng lặp đi lặp lại. Ngay cả khi họ bị bắt trên xe, quyền hạn của cảnh sát trong việc bắt giữ người vượt biên cũng bị hạn chế.

    Những người lái xe tải khó tính nhất cũng rất hiếm khi muốn kiện. Nói chung, các tài xế chỉ muốn tiếp tục cuộc hành trình của họ. Vì vậy, những người lái xe, những người di cư và cảnh sát đều tham gia vào một vòng lặp trong đêm. Đây là trận chiến của trí thông minh và kinh nghiệm.

    27migrantsMội đội cảnh sát với vai trò "người đi tìm"

    Những người chạy theo xe tải được cung cấp năng lượng bởi hy vọng, tham vọng và tuyệt vọng. Nhưng đối với nhiều cảnh sát, đó là công việc mệt mỏi.

    Hiếm khi họ nói chuyện với các nhà báo nhưng nhân dịp này, chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với một nhóm sĩ quan thuộc CRS - lực lượng của Pháp chuyên kiểm soát đám đông và xử lý tình trạng mất trật tự công cộng.

    Henri (tên nhân vật đã được thay đổi), đã hoạt động ở Calais trong nhiều năm, nói: “Ngày nào cũng thế này. Mọi ngày, tất cả mọi ngày. Tôi đã thấy mọi thứ. Trên thực tế, tôi đã nhìn thấy mọi thứ hai lần".

    27migrantsLực lượng cảnh sát Pháp tuần tra trong đêm

    Chúng tôi đang đứng bên vệ đường, cạnh một cái lỗ trên hàng rào an ninh. Anh nhẹ nhàng nắm lấy vai tôi và chỉ vào hình bóng một người đàn ông ở phía xa: "Nhìn kia kìa. Anh ta đây rồi. Anh ta đang đợi chúng ta đi. Và ngay sau khi chúng ta đi, anh ta sẽ trở lại đây. Không có lý do gì để bất kỳ ai trong số những người này ở đây ngoại trừ cố gắng lên xe tải. Đó là điều duy nhất họ muốn làm".

    Tôi hỏi liệu tình hình có thay đổi gì không và anh cảnh sát gật đầu: "Đúng vậy, trong bốn hoặc năm tháng, nó đã trở nên tồi tệ hơn". Điều làm phức tạp thêm công việc của Henri là không ai trong số những người này muốn ở lại Pháp.

    Henri nói: "Họ muốn đến Anh, để trở thành công dân hợp pháp và sau đó tôi nghĩ rằng rất nhiều người trong số này muốn đến Mỹ. Tôi nói chuyện với họ. Tôi thậm chí còn nói 'có chuyện gì không ổn ở Pháp vậy?' Họ nghĩ rằng họ không được chào đón ở Pháp. Tất cả họ đều muốn đến Anh - đến England - và Mỹ".

    27migrantsMột sỹ quan cho biết quá trình vượt biên sẽ không bao giờ dừng lại

    Chúng tôi dành một chút thời gian với Henri và nhóm của anh ấy. Họ đến thăm một bãi đậu xe tải, và phát hiện một hàng rào đã bị kéo xuống, mặc dù được phủ bằng dây có gai.

    Đơn vị truy lùng những người đột nhập, nhưng không thấy ai. Họ đã chạy trốn, hoặc nấp bên trong một chiếc xe. Xa hơn trên con đường, một hàng rào khác trông chắc chắn đã bị xé toạc. Henri tính toán việc sửa chữa sẽ tốn khoảng hai hoặc ba nghìn euro nhưng chỉ vài ngày sau, nó sẽ lại bị xé toạc.

    Họ bắn hơi cay để giải tán một nhóm nam giới đang tụ tập ven đường, chực chờ nhảy lên xe. Cuối buổi tối hôm đó, một nhóm khác ném cành cây lên đường cao tốc để làm chậm xe tải.

    Ba xe cảnh sát lao tới hiện trường: người đi tìm phản ứng với người đi trốn. Nhiều xe tải đã bị vỡ khóa, dấu hiệu của một vị khách không mời trong thùng xe.

    27migrantsDấu hiệu về một vị khách không mời bên trong xe tải

    Các tài xế sẽ kiểm tra kỹ lưỡng phương tiện khi biết họ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 2,000 bảng cho mỗi người họ có thể vô tình đưa vào Anh.

    Ngay cả khi một người đi lậu không bị tài xế xe tải phát hiện, họ cũng có thể bị lực lượng an ninh phát hiện tại cảng. Thành thật mà nói, bạn phải rất may mắn mới có thể trốn thoát, nhưng một số người đã thành công.

    Đó là những gì truyền cảm hứng cho những người bị bỏ lại phía sau; những người đang xếp hàng ở bùng binh để chạy lên xe tải tiếp theo đi qua.

    “Tôi không nghĩ việc này sẽ dừng lại”, Henri nói khi chuẩn bị tan ca. Anh ấy sẽ trở lại vào tối mai, sẵn sàng đối mặt với cùng những người từ hôm qua, đang cố làm điều tương tự ở cùng một nơi.

    Viethome (Theo Sky News)

  • Kéo dài suốt nhiều năm, cuộc khủng hoảng di cư năm nay vẫn chưa có hồi kết. Những số liệu biết nói tiếp tục phủ bóng đen lên bức tranh di cư 2021.

    Cuộc khủng hoảng di cư 2021 qua những con số

    Năm 2021 là một năm đầy bi kịch đối với những người di cư cố gắng đến châu Âu qua Đại Tây Dương hoặc Địa Trung Hải bằng đường biển. Trong năm 2021, chỉ riêng tại Địa Trung Hải, 1.600 người di cư đã thiệt mạng hoặc mất tích. Số liệu thống kê công bố ngày 22/12 tại Anh cho thấy trong năm 2021, số lượng người di cư vượt Eo biển Manche từ Pháp sang Anh đã tăng gấp ba lần, lên hơn 27.000 người, mức cao nhất từ trước đến nay.

    toan canh khung hoang di cu 2021 1
    Eo biển Manche là tuyến đường chứng kiến những hành trình vượt biên đầy nguy hiểm của người di cư. (Ảnh: Reuters)

    Năm nay cũng ghi nhận làn sóng người di cư chưa từng có tập trung tại biên giới Belarus - Ba Lan, đe dọa an ninh của cả Liên minh châu Âu (EU). Họ chủ yếu là người di cư từ Trung Đông hay châu Phi đến Belarus để sau đó tìm cách vào châu Âu trái phép qua Ba Lan hoặc Litva. Tính đến tháng 11, giới chức EU đã bắt giữ hơn 184.000 người di cư tìm cách vượt biên trái phép vào khối này, cao nhất trong nhiều năm.

    Trong khi đó, hệ thống tạm trú của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ năm nay đã tiếp nhận 122.000 trẻ em nhập cư mà không có cha mẹ đi cùng. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, phá vỡ và bỏ xa các kỷ lục trước đó. Theo dữ liệu do Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ cung cấp, 2021 là năm có số lượng người di cư bị bắt giữ tại biên giới Mỹ-Mexico cao nhất trong hơn 20 năm qua, với hơn 1,7 triệu người di cư bị bắt giữ, cao hơn con số kỷ lục trước đó là 1,6 triệu người trong năm 2000. Số lượng người di cư đã giảm mạnh vào tháng 4/2020 do sự bùng phát mạnh của đại dịch COVID-19, nhưng sau đó tăng đều đặn trở lại.

    toan canh khung hoang di cu 2021 1
    2021 là năm có số lượng người di cư bị bắt giữ tại biên giới Mỹ-Mexico cao nhất trong hơn 20 năm qua. (Ảnh: Reuters)

    Những số liệu này quả thực đã phủ bóng đen u ám lên bức tranh cuộc khủng hoảng di cư năm nay. Với hy vọng tìm đến miền đất hứa, những người di cư đã mạo hiểm mọi cung đường từ đường biển cho đến đường núi hay chỉ đơn giản là chạy qua biên giới sang nước láng giềng. Thế nhưng kết cục không phải lúc nào cũng như họ mong muốn.

    Lênh đênh trên biển

    Kể từ khi eo biển Manche trở thành một tuyến đường của người di cư tìm cách từ Pháp vào Anh, tuyến đường này đã ghi nhận thảm kịch tồi tệ tồi tệ nhất, xảy ra vào tháng 11 năm nay, khiến 27 người thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Trong số nạn nhân có một người Việt. Eo biển Manche là tuyến đường chứng kiến những hành trình vượt biên đầy nguy hiểm của những người di cư muốn chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ở quê nhà với hy vọng đến được Anh. Các băng nhóm buôn người đã sử dụng Bỉ, Hà Lan và Đức làm địa bàn để tổ chức đưa người di cư đến các khu vực miền Bắc nước Pháp, từ đó vượt biển sang Anh.

    toan canh khung hoang di cu 2021 1
    Eo biển Manche ghi nhận thảm kịch di cư tồi tệ tồi tệ nhất vào tháng 11 năm nay, khiến 27 người thiệt mạng. (Ảnh: Reuters)

    Khi bị kiểm soát chặt chẽ hơn, những kẻ buôn người lại tìm ra những mánh lới muôn hình vạn trạng để đưa người trái phép vào châu Âu. Một trong những cách thức mới gần đây là sử dụng thuyền hạng sang trên những tuyến đường ít bị chú ý, như từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Calabria, Italy. Để có mặt trên du thuyền này, mỗi người di cư phải trả trung bình 8.500 euro (khoảng 220 triệu đồng). Trẻ em thì giá rẻ hơn khoảng một nửa. Giá cao, nhưng chỗ của họ là bên dưới boong tàu trong cảnh bị nhồi nhét để trốn tránh các cuộc tuần tra trên không hoặc ở bờ biển.

    toan canh khung hoang di cu 2021 1
    Tội phạm buôn người dùng thuyền hạng sang để đưa người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Calabria, Italy. (Ảnh: AP)

    Anh Hamid, một người di cư Afghanistan, nói về trải nghiệm của mình: "4,5 ngày đầu chúng tôi có nước uống, ít thôi, nhưng 2 ngày cuối chúng tôi chỉ có cách lấy nước biển, cho ít đường vào để khử bớt mặn rồi uống. Đó là cách duy nhất để chúng tôi có thể sống sót".

    Ông Vittorio Zito, Thị trưởng thị trấn Roccella Jonica, Italy cho biết: "Những kẻ buôn người không có lương tâm. Chúng nhồi nhét người di cư để có thể vận chuyển nhiều người nhất có thể. Tuyến đường chúng sử dụng lại khó bị phát hiện, nên rất khó để lực lượng chức năng xử lý".

    Với những người di cư sử dụng dịch vụ này, họ là những người có học vấn và tài chính cao hơn những người di cư bình thường khác. Thế nhưng, họ cũng chỉ là những bánh răng nhỏ trong guồng quay của một hoạt động tội phạm lớn.

    Mạo hiểm vượt núi

    Khi tuyến đường di cư bất hợp pháp qua Địa Trung Hải luôn tiềm ẩn nguy cơ chết người, nơi hàng trăm người đã thiệt mạng hoặc mất tích chỉ trong năm nay, những người di cư chuyển hướng sang cung đường khác: đường núi. Giữa mùa đông trên dãy Alps, những người di cư này đang mạo hiểm tính mạng vượt qua biên giới Italy-Pháp.

    toan canh khung hoang di cu 2021 1
    Người di cư mạo hiểm tính mạng vượt qua biên giới Italy-Pháp bằng đường núi. (Ảnh: AP)

    Anh Sayed, người di cư Afganistan, chia sẻ với phóng viên của hãng thông tấn AP, rằng sau khi vượt qua biên giới Italy-Pháp, anh sẽ vòng sang Đức, hy vọng tìm được việc làm và bắt đầu cuộc sống mới tại đó.

    Miền đất hứa chưa chắc đã đặt được chân tới, nhưng tổn hại về sức khỏe là điều hoàn toàn được dự báo trước, như tình trạng hạ thân nhiệt nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Tháng 2/2019, một người di cư Togo đã tử vong vì giá lạnh trong một chuyến đi xuyên đêm qua biên giới Italy-Pháp. Anh Aymen Jarnane, 23 tuổi, người di cư Maroc cho biết: "Chúng tôi đã bị đóng băng, không cảm nhận được ngón tay, không cảm nhận được gì, trời rất lạnh, chỉ -15 độ C thôi".

    Trước tình hình này, nhiều nhóm hỗ trợ đã thiết lập những khu lều trại trên tuyến đường này, cung cấp cho người di cư nhu yếu phẩm để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên không phải lúc nào sự giúp đỡ cũng có thể đến kịp thời.

    Cuộc di cư của người Afghanistan

    Giữa những làn sóng di cư dập dồn trên thế giới, thời gian qua nổi lên một làn sóng di cư của người dân Afghanistan. Nhiều người trong số họ chỉ mong muốn đặt chân sang nước láng giềng Iran, chứ chưa dám nghĩ đến trời Âu. Kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan hồi giữa tháng 8 năm nay, hàng trăm nghìn người Afghanistan đã vượt biên trái phép vào Iran. Và con số này vẫn chưa dừng lại, với tỷ lệ khoảng 4000 - 5000 người di cư tìm đường vào Iran mỗi ngày. Nhưng trước đó, họ phải trải qua bài huấn luyện cơ bản của những kẻ buôn người, ví dụ như, phải di chuyển trong tư thế lom khom hay bò rạp ra đất để tránh bị phát hiện. Theo hướng dẫn của một kẻ buôn người, thì "nếu thấy lực lượng tuần tra, các anh phải chia ra thành các nhóm nhỏ từ 2-3 người. Các anh phải ngồi xuống và khai với họ rằng mình không buôn lậu gì cả. Các anh chỉ băng qua biên giới để tìm việc làm mà thôi".

    Theo tiết lộ của một kẻ buôn người tại thành phố Herat, Afghanistan, trước đây người này đưa khoảng 50-60 người Afghanistan vượt biên trái phép mỗi tuần vào Iran. Nhưng kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan, con số này đã tăng chóng mặt. Mỗi một người di cư phải trả cho kẻ buôn người 400 đô la Mỹ (tức hơn 9 triệu đồng) để được đưa trót lọt vào Iran, nhưng chỉ trả trước khoảng 370.000 đồng, phần còn lại sẽ trả nốt sau khi tìm được việc làm. Hệ thống trả sau này hiện khá phổ biến tại Afghanistan, một dấu hiệu cho thấy có quá nhiều người di cư, nên những kẻ buôn người chấp nhận cả rủi ro là có những người không thể trả hết.

    Anh Naib, một người di cư trái phép, ngậm ngùi chia sẻ: "Từ đây tôi sẽ vượt biên vào Iran. Chúng tôi phải đi vì ở đây chẳng có việc làm. Tôi đã tìm cách vượt biên mấy lần rồi, nhưng đều bị trục xuất, giờ tôi vẫn muốn cố thêm lần nữa. Vì nhà tôi chẳng còn gì ăn".

    toan canh khung hoang di cu 2021 1
    v

    Mỗi ngày, có không biết bao nhiêu chuyến xe buýt chạy khỏi thành phố Herat, mang theo những người di cư tới biên giới. Đến nơi, họ móc nối với những kẻ buôn người, sau đó phải cuốc bộ nhiều ngày ròng, đôi khi bị nhồi nhét trong những chiếc xe tải, hay vượt núi hiểm trở. Sau khi đặt chân đến Iran, phần lớn người di cư Afghanistan sẽ ở lại tìm việc làm. Một số ít ôm hy vọng đi xa hơn tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.

    Bất chấp khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhiều người di cư vẫn tìm cách vượt biên đến "miền đất hứa". Tuy nhiên, điểm đến của họ thường lại là những khu tạm giữ, để chờ được xử lý hoặc bị yêu cầu hồi hương. Nhiều người trong số họ lại tìm cách khác vượt biên, tạo thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát.

    Theo VTV

  • Nữ hoàng Anh Elizabeth II được các bác sĩ riêng khuyên nên bỏ rượu khi bà được cho là có thói quen thưởng thức một ly rượu vào buổi tối.

    Theo các nguồn thạo tin hôm 15/10, lời khuyên được bác sĩ hoàng gia đưa ra gần đây do những lo ngại về sức khỏe của Nữ hoàng, khi bà sắp bước sang tuổi 96.

    "Đó không phải vấn đề quá lớn với bà. Bà không phải là người uống nhiều rượu nhưng thật không công bằng khi ở tuổi này bà vẫn phải từ bỏ một số thú vui", nguồn thạo tin hoàng gia nói thêm.

    Cựu đầu bếp hoàng gia Anh Darren McGrady, phục vụ các bữa ăn cho Nữ hoàng Elizabeth II năm 1982-1993, từng nói rằng bà thích uống rượu vang Đức trong bữa tối. Các nguồn tin khác cũng nói rằng Nữ hoàng thường thưởng thức một ly rượu trước bữa tối, có thể là một ly Martini hoặc sâm panh.

    nu hoang anh uong ruou

    Nữ hoàng Anh, 95 tuổi, được đánh giá có sức khỏe rất tốt và thường xuyên được nhìn thấy tự lái ôtô. Các nhà quan sát cho biết dù tuổi đã lớn, Nữ hoàng chưa có ý định thoái vị để nhường ngôi cho con trai là Thái tử Charles. Đợt ốm được biết đến gần đây nhất của Nữ hoàng là vào năm 2013, khi bà phải nhập viện vì bệnh dạ dày, nhưng cũng chỉ phải nằm viện trong thời gian ngắn.

    Trong buổi lễ hôm 12/10 ở Tu viện Westminster, Nữ hoàng Anh gây chú ý vì lần đầu chống gậy trước công chúng kể từ năm 2004. Điện Buckingham không đưa ra lý do cho việc bà phải sử dụng gậy hỗ trợ đi lại, song Nữ hoàng vẫn di chuyển dễ dàng.

    Theo VnExpress

  • Bộ trưởng Nội vụ Pháp tuyên bố chính phủ Anh chưa trả "một đồng euro nào" trong số 54 triệu bảng theo thỏa thuận nhằm giải quyết khủng hoảng di cư.

    Ông Gerald Darmanin đã đến thăm Calais để kiểm tra các nỗ lực giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp qua eo biển Manche. Bộ trưởng cũng đề xuất Anh nên "giảm sức hấp dẫn kinh tế" đối với những người thực hiện cuộc hành trình.

    Trong khi ông Gerald vẫn còn say mê phát biểu, hàng chục người di cư đã rời Pháp đến Anh dù bốn phương tám hướng luôn có cảnh sát có vũ trang túc trực và theo dõi.

    Khi được hỏi tại sao có quá nhiều thuyền đến Anh bất chấp thỏa thuận tài trợ giữa hai nước để ngăn dòng người di cư, ông Gerald nói: "Trước hết, đến giờ này chính phủ Anh vẫn chưa trả một đồng euro nào như những gì đã thương lượng với bà Priti Patel”.

    “Người Anh có tự trọng cao, vì vậy tôi chắc chắn đây là sự chậm trễ có chủ đích. Thứ hai, đã hơn 20 năm kể từ khi Pháp trông coi biên giới cho những người bạn Anh, chúng tôi đã thành công trong việc giảm phần lớn áp lực nhập cư. Những gì chúng ta thấy ở Calais và Dunkirk bây giờ chẳng khác gì xảy ra cách đây 5 hay 6 năm".

    Ông Gerald cho biết chính phủ Pháp đã dỡ bỏ các trại di cư cũng như tăng số lượng cảnh sát và xây dựng cơ sở vật chất để bảo vệ biên giới.

    Ông Gerald: "Chúng tôi cần Vương quốc Anh giảm bớt sức hấp dẫn kinh tế đối với những người di cư muốn làm việc tại quý quốc”.

    11geraldÔng Gerald Darmanin

    Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: "Các quan chức Pháp và Anh đang tiếp tục làm việc cùng nhau về các thỏa thuận tài trợ cuối cùng, vốn là một phần của thỏa thuận song phương. Chúng tôi duy trì liên lạc thường xuyên với Pháp ở cấp độ hoạt động và chính sách. Năm nay, số lượng người kỷ lục đặt mạng sống của mình vào tay những kẻ buôn lậu tàn nhẫn để liều lĩnh vượt biển đã tăng vọt. Hợp tác với Pháp đã giúp bắt giữ 300 người, 65 người bị kết án và ngăn chặn hơn 13,500 vụ vượt biên. Nhưng với hàng trăm người vẫn đang liều mạng tới Anh, tất cả các bên đều phải làm nhiều hơn nữa. "

    Bà Patel nói tại hội nghị Đảng Tory tuần trước rằng Pháp "là một quốc gia an toàn" và bà sẽ "xua thuyền di cư về nơi xuất phát".

    Tuy nhiên, điều này không ngăn được nhiều người di cư vượt biển Manche thành công vào cuối tuần. Lực lượng Biên phòng và các tàu RNLI đã đưa họ đến nơi an toàn ở Dover và Dungeness ở Kent.

    Phát biểu với Sky News, nhà kinh tế Jonathan Portes cho biết: "Tôi cho rằng quan hệ Anh-Pháp về vấn đề này đã xấu đi, cũng như trên nhiều mặt khác, bao gồm từ thỏa thuận tàu ngầm với Australia cho đến các vấn đề với ngư dân Pháp - họ phàn nàn về việc bị cấm hoạt động tại vùng biển đánh cá lâu đời gần quần đảo eo biển Anh. Rất khó để biết liệu đây chỉ là sự cố đơn lẻ hay là sự xấu đi trên diện rộng trong quan hệ Anh-Pháp. Bây giờ, và có thể về sau, điều này rõ ràng là rất tổn hại cho Vương quốc Anh lẫn Pháp”.

    Alp Mehmet - chủ tịch tổ chức Migration Watch UK, thì cho rằng cảnh sát Pháp đã không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để ngăn người vượt biên.

    Ông Alp nói: “Họ không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn những người đến Pháp tại thời điểm nhập cảnh. EU cũng hoàn toàn không làm gì để ngăn người di cư tới Anh. Họ đến từ một quốc gia an toàn [Pháp] và quốc gia đó không làm gì để giúp người di cư ở lại”.

    Cùng với những cuộc vượt biên của người di cư, quan hệ Anh-Pháp ngày càng căng thẳng do tranh chấp tàu ngầm AUKUS và tranh cãi về quyền đánh bắt cá hậu Brexit.

    Ngành thủy sản Pháp cho rằng họ đã bị chính phủ Anh "lừa dối" về đơn xin cấp phép đánh bắt và kêu gọi Ủy ban châu Âu thực hiện "các biện pháp trả đũa".

    Pháp cũng một lần nữa đe dọa cắt nguồn cung cấp năng lượng cho Vương quốc Anh nếu các điều khoản của thỏa thuận Brexit không được tuân thủ.

    Clement Beaune - Bộ trưởng Pháp, cho biết thỏa thuận này phải được "thực hiện đầy đủ" và nếu không, "Pháp sẽ thực hiện các biện pháp trên phạm vi châu Âu hoặc quốc gia để gây áp lực lên Anh".

    Viethome (Theo Sky News)

  • Điện Buckingham thông báo Hoàng thân Philip, chồng của Nữ hoàng Elizabeth II, đã qua đời khi chỉ còn hai tháng nữa là tròn 100 tuổi.

    100 nam philip 1

    Hoàng thân Philip là cháu của Vua Constantine I Hy Lạp. Ông sinh ngày 16/2/1921 ngay trên bàn ăn tại biệt thự Mon Repos, đảo Corfu. Sau khi chế độ quân chủ Hy Lạp bị giới quân sự lật đổ, gia đình ông phải sống nhiều năm lang thang ở châu Âu. Từ khi Philip lên 6, mẹ ông mắc bệnh tâm thần nặng. Lúc 9 tuổi, ông học nội trú trong trường học ở Anh và hầu như không gặp cha mẹ của mình. Trong ảnh, Hoàng thân Philip đứng thứ hai từ trái sang. Ảnh: Getty.

    100 nam philip 1

    Năm 1939, khi hoàng thân Philip còn là thiếu sinh quân tại trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia, chú của ông, Lord Mountbatten, Mountbatten đã gợi ý cho Philip làm quen và chơi đùa với các cô công chúa trong khi cha mẹ họ kiểm tra hạm đội. Công chúa Elizabeth khi đó mới 13 tuổi, còn Philip 18 tuổi. Ảnh: Getty.

    100 nam philip 1

    Theo bảo mẫu Crawfie, Công chúa Elizabeth ngay từ lần đầu gặp mặt đã tin rằng Philip chính là người mình cần trong cuộc đời. Cả hai sau đó thường xuyên gửi thư cho nhau. Tới năm 1946, Philip đã xin phép Quốc vương George VI được cưới con gái của ông. Ngày 20/11/1947, đám cưới giữa Công chúa Elizabeth và Công tước xứ Edinburgh đã diễn ra. Ảnh: Alamy.

    100 nam philip 1

    Cả hai đã có khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau. Trong ảnh, Hoàng thân Philip, Nữ hoàng Elizabeth II cùng con trai Charles và con gái nhỏ Camilla đang có phút giây thư giãn cùng nhau. Ảnh: James Valentine & Sons Ltd.

    100 nam philip 1

    Tuy nhiên, cả hai đã phải đối mặt với nhiều thách thức sau khi Vua George VI qua đời vào năm 1952. Trong khi Elizabeth lên ngôi nữ hoàng, ông Philip từ bỏ sự nghiệp hải quân của mình để trở thành người tháp tùng toàn thời gian cho nữ hoàng. Trong ảnh, Nữ hoàng Elizabeth II và Công tước xứ Edinburgh đang vẫy chào đám đông từ ban công Cung điện Buckingham sau lễ đăng quang năm 1953. Ảnh: Getty.

    100 nam philip 1

    Ngày 19/2/1960, Hoàng tử Andrew, người con thứ ba và cũng là con trai thứ hai của Nữ vương Elizabeth II ra đời. Trong ảnh, Hoàng thân Philip và Công chúa Anne nắm tay Hoàng tử Andrew còn ngồi trên xe đẩy vào tháng 9/1960. Ảnh: Getty.

    100 nam philip 1

    Sau khi kết thúc sự nghiệp Hải quân ở tuổi 30 để hỗ trợ vợ, trong 68 năm, lúc nào hoàng thân cũng đi sau nữ hoàng trong tất cả các cuộc họp, chuyến viếng thăm hay những buổi diễn thuyết... Ông rút khỏi các nghĩa vụ hoàng gia vào năm 2017. Con hổ trong ảnh là chiến tích của hoàng thân Philip bắn trong cuộc săn khi cặp vợ chồng hoàng gia công du Ấn Độ vào năm 1961. Ảnh: Getty.

    100 nam philip 1

    Cặp đôi hoàng gia uống trà tại Biệt thự Hoàng gia Katsura ở Kyoto, Nhật Bản, trong chuyến thăm cấp nhà nước năm 1975. Ảnh: Rex Features.

    100 nam philip 1

    Trong đám cưới vàng của họ vào năm 1997, Nữ hoàng Elizabeth đã chia sẻ: "Ông ấy là chỗ dựa và sức mạnh của tôi". Ảnh: PA.

    100 nam philip 1

    Vài năm qua, sức khỏe Hoàng thân Philip ngày càng yếu đi do bệnh tật. Năm 2012, Hoàng thân bị nhiễm trùng bàng quang và buộc phải vắng mặt trong buổi hòa nhạc Diamond Jubilee của Nữ hoàng. Năm 2013, ông phải phẫu thuật ổ bụng và đến năm 2014 thì phẫu thuật tay phải. Ảnh: PA.

    100 nam philip 1

    Hoàng thân Philip hầu như không xuất hiện trước công chúng kể từ khi rút khỏi các hoạt động của hoàng gia Anh năm 2017. Một trong số lần hiện diện gần đây nhất là khi ông tham dự đám cưới của Hoàng tử Harry và Meghan Markle vào ngày 19/5/2018. Ảnh: Shutterstock.

    100 nam philip 1

    Hồi tháng 2, Hoàng thân Philip phải nhập viện sau khi thấy không khỏe và được điều trị triệu chứng nhiễm trùng và theo dõi tình trạng tim. Ngày 9/4, ông qua đời đúng 12 ngày trước sinh nhật lần thứ 95 của Nữ hoàng Elizabeth. Ảnh: Getty.

    Theo Zing

  • Đi cùng với mức lương hậu hĩnh là hàng loạt quy tắc nghiêm ngặt mà các bảo mẫu cao cấp đến từ trường Norland phải tuân theo.

    Telegraph đưa tin Maria Teresa Turrion Borrallo - bảo mẫu của 3 đứa con vợ chồng Hoàng tử Anh William - bị “cấm” sử dụng một từ có vẻ vô hại: “kids” (trẻ con).

    Lý do từ “kids” bị cấm trong Cung điện Kensington là bởi thuật ngữ này sẽ làm mất đi sự tự tin đang phát triển ở từng thành viên hoàng gia nhí. Họ muốn thể hiện sự tôn trọng cá nhân đối với các công chúa, hoàng tử nhỏ tuổi.

    bao mau hoang gia 1
    Bảo mẫu Borrallo bế Hoàng tử George. Ảnh: Getty.

    Những bảo mẫu cao cấp như Borrallo chăm sóc con cái của đa dạng tập khách hàng, từ ngôi sao nhạc rock Mick Jagger đến các nhà tài phiệt Nga và công chúa xứ York. Họ phải mặc đồng phục màu nâu đặc biệt và chỉ sử dụng xe đẩy truyền thống của Silver Cross.Borrallo là một bảo mẫu tốt nghiệp từ Cao đẳng Norland ở Bath (Anh) - nơi đào tạo nên các “vú em Norland” nổi tiếng thế giới với tiêu chuẩn cao nhất về chăm sóc trẻ con.

    Mức lương trung bình dành cho vú em Norland mới vào nghề tại London và các hạt nước Anh là 22.774 bảng Anh/năm (31.600 USD).

    Còn 40.000 bảng Anh/năm (khoảng 55.500 USD) là mức lương khởi điểm của nhóm bảo mẫu cao cấp này sau 12 tháng kể từ khi họ nhận bằng tốt nghiệp.

    Borrallo được thuê để chăm sóc Hoàng tử George - con trai cả của Công nương Kate Middleton và Hoàng tử Anh William - từ khi cậu bé mới chỉ vài tháng tuổi.

    Cô sống cùng gia đình hoàng gia tại Cung điện Kensington. Cô theo chân họ trong các chuyến công tác và kỳ nghỉ riêng tư. Mối quan hệ giữa công nương Anh và bảo mẫu cao cấp được cho là rất gần gũi, theo Telegraph.

    bao mau hoang gia 1
    Một lớp học đào tạo bảo mẫu ở Cao đẳng Norland. Ảnh: David Hedges/SWNS.

    Không quát mắng, đánh đập trẻ

    Julia Gaskell - một bảo mẫu Norland giàu kinh nghiệm, người đứng đầu trong việc đào tạo và tư vấn tại Cao đẳng Norland - cho biết có rất nhiều quy định mà những bảo mẫu cao cấp nên/không nên nói hoặc hành động trong lúc làm nhiệm vụ.

    “Các vú em Norland là tấm gương sáng cho những đứa trẻ. Vì vậy, họ luôn phải cư xử đúng mực. Thay vì yêu cầu trẻ em nói vẹt các từ như “cảm ơn” hay “làm ơn”, bảo mẫu nên ứng dụng thường xuyên trong đời sống để những đứa trẻ học theo họ”, bà Gaskell nói.

    Họ cũng cần chú ý từng lời nói, phải sử dụng các từ ngữ “thích hợp”, chẳng hạn như dùng từ “children” thay cho “kids” - một từ lóng chỉ đứa trẻ - để thể hiện sự tôn trọng đối với trẻ em.

    bao mau hoang gia 1
    Bảo mẫu Norland chăm sóc con cái của đa dạng tập khách hàng. Ảnh: Business Insider.

    “Chúng tôi khuyến khích sinh viên hạn chế sử dụng từ ‘không’, thay vào đó hãy diễn đạt sự từ chối theo hướng tích cực hơn, như gợi ý một đứa trẻ làm thứ gì khác”, bảo mẫu kỳ cựu cho biết.

    Bảo mẫu Norland không được quát mắng trẻ em. Emily Ward - nhà sáng lập Cao đẳng Norland vào những năm 1800 - cấm đánh đập trẻ em. Ở thế kỷ 19, nếu cha mẹ có những hành vi trừng phạt trên thân thể con cái, người vú em có quyền từ chối tiếp tục làm việc với họ.

    Họ cũng tránh chê bai một đứa trẻ là “hư đốn”. Cao đẳng Norland khuyến khích học viên chỉ đánh giá hành vi thay vì toàn bộ tính cách của trẻ em. Cụ thể, bảo mẫu nên nói rõ rằng hành vi nghịch ngợm không chấp nhận được, tránh chê trách tính cách của đứa trẻ.

    “Khi trẻ con nghe thấy từ ‘hư đốn’, mặc nhiên chúng sẽ luôn nghĩ rằng bản thân chính là vậy”, bà Gaskell chia sẻ.

    Ví dụ, khi John đánh Charlie, vú em Norland không nên tức giận nói: “Đó là một hành động hư đốn, John”. Thay vào đó, họ có thể từ tốn giải thích rằng “chúng ta không cho phép hành vi đánh nhau trong gia đình”, đồng thời hỏi Charlie cảm giác bị đánh như thế nào nhằm khuyến khích sự đồng cảm giữa hai bên.

    “Chúng ta cũng không nên khen ngợi tính cách đứa trẻ, mà hãy cụ thể hóa vào hành vi. Chẳng hạn, thay vì khen ‘cháu là một cô bé tốt bụng’, hãy nói rằng ‘việc cháu làm rất tốt bụng’”, bà Gaskell nói thêm.

    Không hút thuốc, uống rượu

    Bảo mẫu cao cấp Norland cũng không cằn nhằn liên tục hoặc nói lặp đi lặp lại một vấn đề, vì trẻ em chỉ lắng nghe đôi lần, rồi chúng sẽ chán và mặc kệ. Thay vào đó, hãy khen ngợi trẻ thật lòng.

    bao mau hoang gia 1
    Sinh viên Cao đẳng Norland được học kỹ năng từ các chuyên gia chống khủng bố và an ninh để bảo vệ con cái của khách hàng khỏi những cuộc tấn công tiềm ẩn. Ảnh: Telegraph.

    Bà Gaskell cho biết: “Đối với mỗi lời chê bai, bảo mẫu phải đưa ra 5 lời khen. Củng cố thêm những lời lẽ tích cực sẽ tạo ra nhiều tác động hữu ích cho bộ não. Tỷ lệ 5:1 kỳ diệu này cũng được cho là góp duy trì cuộc hôn nhân hạnh phúc, theo bác sĩ John Gottman”.

    “Tuy nhiên, những lời khen ngợi phải thật chân thành. Nó càng có hiệu quả hơn nếu được thực hiện trong lúc có nhiều người khác cùng phòng với bảo mẫu và đứa trẻ”, bà nói thêm.

    Các vú em Norland được khuyến khích cột tóc lại, không trang điểm quá đậm, không xịt nước hoa nồng nặc hoặc đậm mùi và để móng tay ngắn. Họ cũng không đeo khuyên tai lủng lẳng hoặc nhiều đồ trang sức để đảm bảo vệ sinh, cũng như tránh bị lũ trẻ kéo, giật, làm hỏng.

    “Ngoài ra, sinh viên của chúng tôi đều được đào tạo nghi thức xã hội Debrett bài bản, tức các phép lịch sự và cư xử phải phép trên bàn ăn”, bà Gaskell chia sẻ.

    Trong lúc đang khoác trên mình bộ đồng phục Norland, các bảo mẫu cao cấp không được đến các tiệm đồ ăn nhanh, đeo tai nghe, nhai kẹo cao su, hút thuốc hay uống rượu. Bởi mỗi cá nhân là một đại diện cho Cao đẳng Norland danh tiếng, họ cũng phải cẩn thận khi sử dụng mạng xã hội.

    Bà Gaskell cho biết: “Những người xung quanh có quyền báo cáo, khiếu nại với trường Norland nếu có bảo mẫu nào vi phạm quy định”.

    Theo Zing

  • Bắt đầu từ Nữ hoàng Victoria, gia tộc nước Anh bị ám ảnh bởi bệnh di truyền máu khó đông. Căn bệnh này còn lan sang một số quốc gia châu Âu thông qua các cuộc hôn phối chính trị.

    Haemophilia (chứng máu khó đông) còn được gọi là căn bệnh hoàng gia bởi khá nhiều người trong hoàng tộc Vương quốc Anh mắc. Chứng bệnh này khá hiếm gặp, trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh là 1/10.000.

    Gia tộc xấu số

    Người đầu tiên trong gia tộc nước Anh mắc Haemophillia là Nữ hoàng Victoria. Sau đó, căn bệnh bị di truyền sang ba người con của Nữ hoàng là công chúa Alice, công chúa Beatrice và hoàng tử thứ 8 Leopold.

    Khi y học chưa phát triển, các bác sĩ chẩn đoán rằng tình trạng của hậu duệ Nữ hoàng Victoria là do những khiếm khuyết trong tinh trùng của cha nữ hoàng, Công tước xứ Kent Edward Augustus.

    hoang gia mau kho dong 1
    Nữ hoàng Victoria, người đầu tiên mắc chứng bệnh khó đông trong hoàng tộc Anh thế kỷ XVII. Nguồn: Wiki.

    Hoàng tử Leopold ngoài bị chứng máu khó đông còn mắc thêm bệnh động kinh nhẹ. Lớn lên, ông thường xuyên bị đau khớp - một trong những triệu chứng thường thấy ở những bệnh nhân rối loạn đông máu. Năm 31 tuổi (1884), Hoàng tử Leopold qua đời vì xuất huyết não sau cú ngã cầu thang ở Cannes.

    Bệnh hiểm nghèo lan rộng châu Âu thế kỷ XVII- XVIII

    Công chúa Alice và Beatrice đều mang gene lặn. Khi cả hai liên hôn với các dòng dõi quý tộc khác, mầm bệnh hiểm nghèo theo đó lan truyền sang nhiều gia đình hoàng gia tại châu Âu thế kỷ XVII-XVIII.

    Cụ thể, công chúa Alice kết hôn với Hoàng tử Louis xứ Hesse-Darmstadt. Friedrich, con thứ năm của công chúa Alice qua đời vì chảy máu không ngừng khi có vết rách nhỏ ở tai. Chị gái của Friedrich, Irene kết hôn với hoàng tử Henry của nước Phổ.

    Căn bệnh này tiếp tục truyền sang hai con trai của họ là Hoàng tử Waldemar và Hoàng tử Henry. Hai người này cũng không thoát khỏi số phận đoản mệnh. Hoàng tử Waldemar chết vì thiếu máu năm 1945. Còn anh trai của ông bị xuất huyết não sau khi ngã từ ghế vào năm 1904.

    hoang gia mau kho dong 1
    Phả hệ nhiều đời hoàng gia Anh bị căn bệnh máu khó đông đeo bám (màu xám là người mang gene lặn). Nguồn: ESP.

    Haemophillia lan sang triều đại Romanov thông qua cuộc hôn phối giữa con gái thứ tư của công chúa Alice là Alix với Sa hoàng Nicholas II. Cặp vợ chồng sinh ra 4 cô con gái và 1 người con trai. Người thừa kế của đế chế Nga, Tsarevitch Alexis mang trong mình mầm bệnh di truyền hiểm nghèo. Sau đó, cả gia đình chết trong cuộc Cách mạng tư sản Nga năm 1918.

    Trong khi đó, Victoria Eugenie, con gái duy nhất của công chúa Beatrice, Ena kết hôn với vua Alfonso XIII. Từ đó, căn bệnh hiểm nghèo lan sang hoàng gia Tây Ban Nha. Trong số năm đứa con của họ, hai người con trai mắc bệnh và tử vong khi còn rất trẻ. Một con gái cũng mang gene đột biến nhưng con cháu của cô không bị bệnh.

    Chính điều này đã khiến công chúa Ena bị vua Alfonso trách móc nhiều năm, buộc tội bà mang mầm bệnh chết người đến cho hoàng tộc nước này. Các con của họ đều mang phải mặc quần áo dày, kín từ đầu đến chân để tránh chảy máu dù một vết nhỏ.

    Căn bệnh di truyền hiếm gặp chưa có cách điều trị

    Haemophillia là một chứng bệnh rối loạn làm chậm quá trình đông máu. Những người mắc bệnh này thường sẽ bị chảy máu không ngừng khi bị chấn thương, phẫu thuật hay nhổ răng. Thậm chí, ở một số ca hiếm gặp có thể bị chảy máu tự phát ngay cả khi không bị thương.

    Người mắc chứng bệnh hoàng gia gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng như chảy máu vào khớp, cơ, não hoặc các cơ quan nội tạng khác. Trên thế giới tỷ lệ người mắc máu khó đông chỉ khoảng 1/10.000. Trong đó, ở nam giới, trung bình cứ 10.000 người thì có một trường hợp mắc chứng máu khó đông. Với phụ nữ, cứ 100.000 người mới có một ca mắc bệnh.

    Sự phát triển của y học đã lý giải Hemophilia là do lỗi gene xảy ra trên chuỗi chromosome X. Nam giới chỉ mang một nhiễm sắc thể X nên khi nó bị lỗi gene ngay lập tức sẽ biểu hiện bệnh.

    Trong khi nữ giới có hai nhiễm sắc thể X nên có thể mang gene lặn mà không phát bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ di truyền bệnh máu khó đông từ mẹ sang con là rất cao.

    Có hai thể máu khó đông là Hemophilia A do thiếu yếu tố VIII gây nên. Đây là thể bệnh hay gặp nhất, chiếm 80%. Thể thứ hai là Hemophilia B gây ra do thiếu yếu tố IX. Căn bệnh mà Nữ hoàng Victoria mắc phải là Hemophilia B, do gene đột biến tự phát.

    Hiện nay vẫn chưa có cách điều trị cho “chứng bệnh hoàng gia” bởi đây là bệnh di truyền. Do đó, người bệnh chỉ có cách sống chung với nó và tìm biện pháp giảm nhẹ ảnh hưởng của bệnh tới cơ thể.

    Các yếu tố đông máu có thể được thay thế bằng mẫu máu lấy từ người tiến khác hoặc sử dụng những sản phẩm tương tự không làm từ máu người. Ngoài ra, người bị bệnh máu khó đông có thể tiêm hormone DDAVP (desmopressin) để kích thích cơ thể giải phóng các yếu tố đông máu.

    Hoàng gia Anh hiện tại như Nữ hoàng Elizabeth II có quan hệ phả hệ với Nữ hoàng Victoria ở họ nội nhưng không có bằng chứng cho thấy con cháu của Nữ hoàng Elizabeth II mắc chứng bệnh hiểm nghèo này.

    Dù vậy, dư âm của ám ảnh mang tên “máu khó đông” vẫn là nỗi sợ hãi với nhiều hoàng tộc châu Âu thế kỷ XVII – XVIII.

    Zing (theo English Monarchs)

  • Những người tị nạn cố gắng vào Hy Lạp đã bị lột sạch quần áo, chỉ còn lại quần lót, khi họ bị buộc quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm, 5/3.

    Hình ảnh những con người đáng thương được chụp ngày 5/3 cho thấy họ vòng tay ôm lấy nhau để giữ ấm sau khi cố gắng lội qua sông Evros ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

    Một bức ảnh khác cho thấy một người tị nạn nam giới kéo áo khoác của mình để lộ những vết thương hãi hùng trên lưng.

    Hơn 10.000 người di cư chủ yếu đến từ Syria, các quốc gia Trung Đông khác và Afghanistan, đã tập trung tại biên giới Hy Lạp với hy vọng đến được Tây Âu. Tình hình trở nên nghiêm trọng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ không còn duy trì thỏa thuận năm 2016 với Liên minh châu Âu, trong đó họ từng cam kết giữ hàng trăm ngàn người di cư trên đất của mình để đổi lấy viện trợ từ EU.

    Thông tin xuất hiện sau khi quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc các lực lượng Hy Lạp đã giết chết một người di cư và làm bị thương năm người khác vào thứ Tư, 4/3, khi những người này cố gắng vượt qua biên giới giữa hai nước.

    Chính phủ Hy Lạp đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc, gọi chúng là ‘tin tức giả mạo.’

    Người nhập cư và người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos của Hy Lạp. Nơi đây có 20.000 người đang bị mắc kẹt. Ảnh: AFP

    Chính quyền Hy Lạp đã bị ghi hình lại cảnh sử dụng hơi cay và súng phun nước để ngăn chặn các nhóm vượt biên vào sáng thứ Sáu (6/3), trong khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn vô số vũ khí hóa học có thể gây khó thở, kích ứng da và đau ngực, về hướng lãnh thổ Hy Lạp.

    Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang triển khai 1.000 cảnh sát đặc biệt ở biên giới để ngăn chặn chính quyền Hy Lạp đẩy lùi người di cư.

    Trong chuyến thăm Edirne hôm thứ Năm, Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu đã cáo buộc Hy Lạp ngược đãi người di cư và người tị nạn, và tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép điều đó tiếp tục diễn ra.

    Trong một tuyên bố của mình, Hội đồng EU - đại diện cho 27 bộ trưởng ngoại giao - bày tỏ sự đoàn kết với Hy Lạp và ‘bác bỏ mạnh mẽ việc Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng áp lực di cư cho các mục đích chính trị.’

    Một đứa trẻ khóc khi cùng những người nhập cư khác tập trung tại một con sông ở Edirne, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP
    Hàng ngàn người đến đảo Lesbos, tại bến Mytilene, Hy Lạp. Ảnh: Getty
    Một phụ nữ Syria ngồi trong lều với con trai, trong khi những người khác xếp hàng lĩnh thức ăn tại biên giới Pazarkule. Ảnh: AFP
    Trên đảo Samos, hơn 7.000 người tị nạn bị mắc kẹt trong điều kiện vệ sinh tệ hại. Ảnh: Rob Timmerman

    Các nhóm hoạt động nhân quyền đang lo ngại nếu dịch Covid-19 xuất hiện ở trại nhập cư này, nó có thể gây ra những hậu quả khó lường. 

    Rất nhiều người phải ngủ ngoài trời. Hệ thống miễn dịch của họ vốn dĩ đã rất yếu với điều kiện sống khủng khiếp. Hầu hết mọi người trên đảo Samos không sống gần điểm cung cấp nước sạch. Tổ chức Help Refugees đã gửi đến đây chững chai gel rửa tay khô nhưng không thể có đủ cho 7.400 người, 30% trong số này là trẻ em.

    Các hòn đảo này đã trở thành nhà tù của hàng người đang chờ đợi đơn xin tị nạn được duyệt. Những đứa trẻ trốn chạy khỏi chiến tranh lại tiếp tục bị cướp mất tuổi thơ trên các bờ biển châu Âu.

    Một cảnh sát chống bạo động dùng gậy đánh một người nhập cư khi cảnh sát đang cố gắng giải tán một nhóm người tụ tập bên ngoài cảng Mytilene, Hy Lạp. Ảnh: Reuters
    Một phụ nữ rửa tay cùng 2 con gái bên ngoài lều của mình ở Moria, Lesbos. Ảnh: Getty
    Người nhập cư bị sỉ nhục và lột quần áo, bị đẩy lùi khi cố tình vượt biên giới. Ảnh: Belal Khaled/NurPhoto
    Người nhập cư cố gỡ hàng rào trong cuộc đụng độ với cảnh sát Hy Lạp. Ảnh: AFP
    Người nhập cư trên một chiếc xuồng hơi cập bờ tại thung lũng Skala Sikaminias, thuộc đảo Lesbos, sau khi vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP
    Người nhập cư đi bộ vào làng Skala Sikaminias. Ảnh: AP
    Cảnh sát Hy Lạp cố gắng ngăn cản người nhập cư cố tình vượt biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ ở Kastanies. Ảnh: EPA
    Các nhóm nhân quyền cảnh báo nếu dịch bệnh Covid-19 bùng nổ trong trại nhập cư, nó có thể gây ra thảm họa khó đo lường. Ảnh: Rob Timmerman
    Lực lượng an ninh Hy Lạp ném lựu đạn cay khi người nhập cư kiên trì chờ đợi để băng qua biên giới. Ảnh: Andalou

    Quyết định mở cửa biên giới của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Syria tấn công vào một tỉnh ở tây bắc nước này, Idlib, nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu.

    Một lệnh ngừng bắn ở Idlib do Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin làm trung gian đã có hiệu lực vào lúc nửa đêm thứ Năm, và sau đó, các nhà hoạt động đối lập hàng đầu và một giám sát viên chiến tranh đã báo cáo máy bay chiến đấu của chính phủ Nga và Syria hoàn toàn sạch bóng trên bầu trời.

    Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã hoan nghênh lệnh ngừng bắn, nói: 'Hãy xem nó hoạt động như thế nào, đó là điều kiện tiên quyết để tăng cường giúp đỡ nhân đạo cho người dân ở Idlib.'

    Ông nói thêm rằng EU cần cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và các bộ trưởng ngoại giao sẽ thảo luận cung cấp thêm trợ cấp cho đất nước này.

    Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Stef Blok nói rằng ông phản đối viện trợ nhiều hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ: 'Chúng ta không nên phản ứng lại áp lực mà Thổ Nhĩ Kỳ gây ra cho chúng ta bằng cách đồng ý chi thêm tiền vì áp lực.'

    VietHome (Theo Metro)

  • Sống trong môi trường giáo dưỡng mang đậm tính chất thân sĩ, ngay cả phong cách dùng trà của Thái tử Charles cũng thanh lịch khó ai bì kịp.

    Evan Samson, quản gia trong dinh thự Dumfries House, đã tiết lộ những quy tắc không thể bỏ qua khi chuẩn bị trà cho Thái tử. Theo đó, anh chỉ được thêm sữa vào tách sau khi trà đã ngấm, không có chuyện cho sữa vào trước trà. Để tăng độ ngọt, vị quản gia 27 tuổi có thể thêm đường hoặc mật ong, nhưng phải cho chúng vào tách trước khi rót sữa hòa cùng nước nóng.

    Thái tử Charles cũng có quy chuẩn khắt khe về nhiệt độ nước khi pha trà. Samson sẽ dùng nhiệt kế để xác định độ nóng chuẩn mực cho mỗi loại trà khác nhau, ví dụ, trà xanh cần nước nóng 70°C, còn trà Earl Grey hoặc English Breakfast phải được pha trong nước sôi 100°C. Đối với trà xanh, quản gia cần đợi 3 phút để trà đủ ngấm, trà đen phải mất 5 phút.

    Không chỉ quy trình pha chế, mà cách sắp xếp tách cùng thìa trên bàn cũng phải đúng quy chuẩn.

    Chưa dừng lại ở đó, đến cả cách bày biện tách trà chờ Thái tử nhấp môi cũng có quy tắc riêng. Tay cầm của tách trà phải nằm bên tay phải của ông, thìa khuấy đặt nghiêm chỉnh ngay phía dưới. Samson cũng chỉ có thể đứng bên phải Thái tử để thêm sữa vào tách, nếu như được yêu cầu. Trước đây, Thân vương xứ Wales từng bị đồn đãi là kỹ tính đến nỗi đi du lịch cũng mang theo… bệ ngồi toilet riêng, song ông đã phủ nhận ngay lập tức.

    Năm nay đã 71 tuổi. Thân vương xứ Wales luôn nổi danh là người cẩn trọng, kỹ tính đến mức hơi khắt khe.

    Grant Mitchold, cựu quản gia của gia đình hoàng tộc, cho biết Nữ hoàng cũng có thói quen thêm sữa vào sau trà – vốn là truyền thống từ thế kỷ 18 đến nay. Trong một buổi phỏng vấn năm 2017, quản lý khách sạn Goring tiết lộ Nữ hoàng rất thích dùng trà English Breakfast từ Twinings, pha trong tách kèm đĩa lót bằng sứ Trung Hoa, bên cạnh là đĩa bánh quy thơm nức.

    Đầu năm nay, người đứng đầu hoàng gia Anh cũng bổ sung một quy định nho nhỏ để tránh có kẻ rắp tâm hạ độc vào thực phẩm của bà. Phóng viên hoàng gia Emily Andrew tiết lộ: “Nữ hoàng cho nhân viên chuẩn bị hàng loạt tách trà cùng bánh, sau đó chọn ngẫu nhiên một trong số chúng để thưởng thức. Nếu có người muốn đầu độc bà, kẻ đó phải tìm cách khiến tất cả chỗ thức ăn được bày lên đều nhiễm độc”.

    Thế nhưng, khi trút bỏ công vụ trên người khi đêm xuống, Nữ hoàng lại trở về với bản chất giản dị vốn có. Với quyền lực của mình, bà thừa sức chọn dùng bữa trong một gian phòng xa hoa, nhìn thôi đã vui mắt. Trái lại, Nữ hoàng vẫn vui vẻ thưởng thức bữa tối trong phòng khách riêng tư, ấm cúng.

    Đặc biệt, người đứng đầu hoàng gia Anh có một thói quen rất đỗi đời thường: vừa ăn vừa xem TV. Lady Colin Campbell, nhà viết tiểu sử hoàng gia, cho biết: “Nữ hoàng thích vừa ăn vừa chăm chú nhìn TV trước mặt. Khung cảnh khi ấy thật ấm áp và thoải mái biết bao”.

    Theo Saostar

  • Không thể phủ nhận Cung điện Buckingham là một trong những tòa nhà nổi danh nhất London (thậm chí là thế giới).

    Tòa nhà được xếp hạng di tích loại I đã từng là nơi cư trú chính thức ở London của Hoàng gia Anh kể từ Thế kỷ 19 và là trụ sở hành chính của Nữ hoàng Elizabeth II.

    Tòa nhà có một lịch sử vô cùng lâu đời và thường là tâm điểm của các sự kiện lớn của Hoàng gia.

    Không có nhiều nơi làm việc có thể vượt qua Cung điện Buckingham về sự vĩ đại và uy tín - hãy tưởng tượng bạn có thể nói rằng đó là nơi bạn đang làm việc!

    Nếu bạn đang tìm kiếm một vai trò mới trong một môi trường làm việc tuyệt vời như vậy, bạn gặp may rồi đấy.

    Hiện tại có 9 vị trí đang tuyển dụng tại Cung điện Buckingham; bạn thậm chí còn được ở tại nơi làm việc (có nghĩa là bạn được ngủ dưới cùng một mái nhà với Nữ hoàng).

    Các vị trí công việc, tất cả đều được liệt kê dưới đây, được đặt tại Cung điện Buckingham và khác nhau về thời hạn hợp đồng và mức lương.

    Trợ lý quản gia

    Loại hợp đồng: Dài hạn.

    Mức lương khởi điểm: Mức lương cạnh tranh cộng với nhiều lợi ích.

    Giờ làm việc: 40 giờ mỗi tuần, năm trên bảy ngày, Thứ Hai đến Chủ Nhật.

    Một đoạn trích từ quảng cáo tuyển dụng có nội dung: “Công việc yêu cầu làm việc theo nhóm để đạt được kết quả đặc biệt. Bạn được khuyến khích để học hỏi các kỹ năng mới.

    “Công việc yêu cầu bạn phải cung cấp dịch vụ hoàn hảo trong một môi trường tuyệt vời. Do đó việc xây dựng sự nghiệp và đồng hành cùng Hoàng gia là một vinh dự rất khác biệt.”

    Ngày kết thúc tuyển dụng: 11:55 tối ngày 19/1.

    Trưởng nhóm dịch vụ du khách mùa hè

    Loại hợp đồng: Vị trí mùa hè (tháng 6 đến tháng 9).

    Mức lương khởi điểm: £11,56/giờ.

    Được ăn trưa và đào tạo.

    Giờ làm việc: Tối thiểu 300 giờ trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Thông thường bạn sẽ được sắp xếp để làm việc hơn năm ngày mỗi tuần, từ thứ Hai đến Chủ nhật, kể cả những ngày cuối tuần thông thường.

    Một đoạn trích từ quảng cáo có nội dung: "Đội ngũ nhân viên được truyền cảm hứng để mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho quan khách. Công việc yêu cầu sự cộng tác và tinh thần cộng đồng.

    "Và nó giúp hàng triệu người được chiêm ngưỡng các tòa nhà tráng lệ và nghệ thuật tuyệt đẹp. Do đó được làm việc với Royal Collection Trust là một trải nghiệm khác biệt."

    Ngày kết thúc tuyển dụng: 11:55 tối ngày 22/1.

    Trưởng nhóm bán lẻ mùa hè

    Loại hợp đồng: Vị trí mùa hè (tháng 6 đến tháng 9).

    Mức lương khởi điểm: £11,56/giờ.

    Được ăn trưa và đào tạo.

    Giờ làm việc: Tối thiểu 300 giờ trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Thông thường bạn sẽ được sắp xếp để làm việc hơn năm ngày mỗi tuần, từ thứ Hai đến Chủ nhật, kể cả những ngày cuối tuần thông thường.

    Một đoạn trích từ quảng cáo có nội dung: "Đội ngũ nhân viên được truyền cảm hứng để mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho quan khách. Công việc yêu cầu sự cộng tác và tinh thần cộng đồng.

    "Và nó giúp hàng triệu người được thưởng thức các tòa nhà tráng lệ và nghệ thuật tuyệt đẹp. Do đó được làm việc với Royal Collection Trust là một trải nghiệm khác biệt."

    Ngày kết thúc tuyển dụng: 11:55 tối ngày 22/1.

    Nộp đơn tại đây: https://theroyalhousehold.tal.net/vx/lang-en-GB/mobile-0/appcentre-1/brand-3/candidate/jobboard/vacancy/4/adv/

    Trưởng nhóm bán vé và bán hàng mùa hè

    Loại hợp đồng: Vị trí mùa hè (tháng 6 đến tháng 9).

    Mức lương khởi điểm: £11,56/giờ.

    Được ăn trưa và đào tạo.

    Giờ làm việc: Tối thiểu 300 giờ trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Thông thường bạn sẽ được sắp xếp để làm việc hơn năm ngày mỗi tuần, từ thứ Hai đến Chủ nhật, kể cả những ngày cuối tuần thông thường.

    Một đoạn trích từ quảng cáo có nội dung: "Đội ngũ nhân viên được truyền cảm hứng để mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho quan khách. Công việc yêu cầu sự cộng tác và tinh thần cộng đồng.

    "Và nó giúp hàng triệu người được thưởng thức các tòa nhà tráng lệ và nghệ thuật tuyệt đẹp. Do đó được làm việc với Royal Collection Trust là một trải nghiệm khác biệt."

    Ngày kết thúc tuyển dụng: 11:55 tối ngày 22/1.

    Trợ lý dịch vụ du khách mùa hè

    Loại hợp đồng: Vị trí mùa hè (tháng 6 đến tháng 9).

    Mức lương khởi điểm: £10,75/giờ.

    Được ăn trưa và đào tạo.

    Giờ làm việc: Tối thiểu 300 giờ trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Thông thường bạn sẽ được sắp xếp để làm việc hơn năm ngày mỗi tuần, từ thứ Hai đến Chủ nhật, kể cả những ngày cuối tuần thông thường.

    Một đoạn trích từ quảng cáo có nội dung: "Bạn sẽ được trò chuyện hàng ngày với du khách trong khung cảnh tuyệt vời''.

    "Nó đòi hỏi sự hợp tác và tinh thần cộng đồng. Và nó giúp hàng triệu người được thưởng thức các tòa nhà tráng lệ và nghệ thuật tuyệt đẹp. Do đó được làm việc với Royal Collection Trust là một trải nghiệm khác biệt."

    Ngày kết thúc tuyển dụng: 11:55 tối ngày 26/1.

    Trợ lý thông tin và bán vé mùa hè

    Loại hợp đồng: Vị trí mùa hè (tháng 6 đến tháng 9).

    Mức lương khởi điểm: £10,75/giờ.

    Được ăn trưa và đào tạo.

    Giờ làm việc: Tối thiểu 300 giờ trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Thông thường bạn sẽ được sắp xếp để làm việc hơn năm ngày mỗi tuần, từ thứ Hai đến Chủ nhật, kể cả những ngày cuối tuần thông thường.

    Một đoạn trích từ quảng cáo có nội dung: "Công việc của bạn là bán vé cho du khách. Nó yêu cầu tính hợp tác và tinh thần cộng đồng.

    "Và nó giúp hàng triệu người được thưởng thức các tòa nhà tráng lệ và nghệ thuật tuyệt đẹp. Do đó được làm việc với Royal Collection Trust là một trải nghiệm khác biệt."

    Ngày kết thúc tuyển dụng: 11:55 tối ngày 26/1.

    Trợ lý bán lẻ mùa hè

    Loại hợp đồng: Vị trí mùa hè (tháng 6 đến tháng 9).

    Mức lương khởi điểm: £10,75/giờ.

    Được ăn trưa và đào tạo.

    Giờ làm việc: Tối thiểu 300 giờ trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Thông thường bạn sẽ được sắp xếp để làm việc hơn năm ngày mỗi tuần, từ thứ Hai đến Chủ nhật, kể cả những ngày cuối tuần thông thường.

    Một đoạn trích từ quảng cáo có đoạn: "Công việc yêu cầu bạn kích thích tăng trưởng hoạt động bán hàng. Đó là sự hợp tác và tinh thần cộng đồng.

    "Và nó giúp hàng triệu người được thưởng thức các tòa nhà tráng lệ và nghệ thuật tuyệt đẹp. Do đó được làm việc với Royal Collection Trust là một trải nghiệm khác biệt."

    Ngày kết thúc tuyển dụng: 11:55 tối ngày 26/1.

    Trợ lý phục vụ ăn uống (dọn dẹp)

    Loại hợp đồng: Dài hạn.

    Mức lương khởi điểm: £18.109,07/năm.

    Cộng thêm 15% vào lương hưu và phúc lợi.

    Đây là một vị trí yêu cầu sống tại nơi làm việc (vì vậy sẽ có điều chỉnh lương) với các bữa ăn được cung cấp.

    Giờ làm việc: Toàn thời gian, năm trên bảy ngày, Thứ Hai đến Chủ Nhật.

    Một đoạn trích từ quảng cáo có nội dung: "Đây là nơi hoàn hảo để bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ và khách sạn.

    "Công việc yêu cầu tinh thần cộng đồng. Bạn phải làm việc với một mục tiêu chung và duy nhất. Đây là điều làm cho công việc với gia đình Hoàng gia trở nên khác biệt."

    Ngày kết thúc tuyển dụng: 11:55 tối ngày 27/1.

    Người làm vườn

    Loại hợp đồng: Dài hạn.

    Mức lương khởi điểm: Từ £18.100/năm (phụ thuộc vào kinh nghiệm).

    Cộng thêm 15% vào lương hưu và phúc lợi.

    Đây là một vị trí yêu cầu sống tại nơi làm việc (vì vậy sẽ có điều chỉnh lương) với các bữa ăn được cung cấp.

    Giờ làm việc: Toàn thời gian, năm ngày một tuần.

    Một đoạn trích từ quảng cáo có nội dung: "Công việc của bạn là chăm sóc những khu vườn mà hàng ngàn người sẽ chiêm ngưỡng.

    "Hãy tận dụng mọi cơ hội để ghi dấu ấn của mình. Và thật tự hào khi được gia nhập đội ngũ ở trung tâm của một tổ chức nổi tiếng thế giới. Đây là điều biến công việc với Gia đình Hoàng gia trở nên đặc biệt."

    Ngày kết thúc tuyển dụng: 11:55 tối ngày 28/1.

    Nộp đơn tại đây: https://theroyalhousehold.tal.net/vx/lang-en-GB/mobile-0/appcentre-1/brand-3/candidate/jobboard/vacancy/4/adv/

    VietHome (Theo My London)

  • Với những trẻ em tị nạn ở châu Âu, Giáng sinh vẫn xa vời khi các em phải lo toan cuộc sống đơn độc ở một đất nước xa lạ.

    Mùa đông năm ngoái, các em nhỏ trong trung tâm chăm sóc trẻ tị nạn ở Rome cùng nhau trang trí cây thông Noel với những mảnh giấy ghi điều ước. Ký ức kinh hoàng về hành trình di cư là tất cả những gì các em có.

    "Cháu muốn gặp lại bố mẹ", một cậu bé viết nguệch ngoạc lên mẩu giấy màu tím, ghim nó lại bằng móc quần áo rồi treo lên cây thông ở trung tâm chăm sóc tại Rome.

    Với những bữa ăn nóng sốt cùng sự thân thiện của đội ngũ nhân viên, trung tâm này mở cửa vào ban ngày để các trẻ em tị nạn có thể tới tắm rửa, vui chơi và kết bạn. Đây là môi trường hòa nhập tốt nhất các em có thể tìm thấy.

    Một cậu bé khác trong trung tâm viết ra thông điệp dài hơn, như thể đại diện cho ước muốn của tất cả em nhỏ tị nạn. "Cháu ước mình được chấp nhận trong xã hội mới này và cháu có thể gặp lại gia đình của mình", cậu bé viết.

    Một năm sau, có thêm rất nhiều em nhỏ có cùng ước mơ như vậy. Khi cuộc khủng hoảng di cư trở nên tồi tệ hơn vào năm nay, đã có hơn 10.000 trẻ em tự tìm đường đến châu Âu. Các em thuộc nhiều tôn giáo, di cư để chạy trốn đàn áp cũng như chiến tranh và đôi khi hành trình vượt biển đầy nguy hiểm lại là điều ít thử thách nhất đối với các em.

    Gerges và Awet, hai trong số hàng chục nghìn trẻ em tự tìm đến châu Âu, đã chia sẻ về nỗi nhớ nhà, về cuộc sống đơn độc ở Italy và nói rằng ước nguyện Giáng sinh của các em vẫn chưa thành hiện thực.

    Cậu bé Gerges từng sống trong một gia đình nông dân nghèo nhưng luôn hạnh phúc với bố mẹ và 4 em gái trong một ngôi nhà trên sa mạc Ai Cập. Như bao đứa trẻ khác, buổi sáng Gerges đi học và buổi chiều về phụ giúp bố mẹ.

    Gia đình cậu bé tổ chức Giáng sinh một cách lặng lẽ, thận trọng, để tránh những căng thẳng tôn giáo. Cậu sẽ cùng các thành viên trong gia đình chơi trò chơi trong lúc đợi mẹ làm gà tây và bánh mừng Giáng sinh.

    Gia đình cậu không có tiền mua quà và cậu cùng các em cũng chưa từng yêu cầu bố mẹ làm điều đó, Gerges nói.

    Tuy nhiên sau sinh nhật 16 tuổi, cuộc sống của Gerges ngày càng khó khăn. Xung đột trong làng nổ ra và Gerges bị chỉ trích, đánh đập vì tôn giáo của cậu. Là đứa con lớn nhất và cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công, Gerges được cha mẹ khuyên bỏ trốn.

    "Cháu buộc phải rời đi. Cháu không còn lựa chọn nào khác", Gerges nói.  

    Trên chiếc thuyền gỗ nhỏ, chật chội, Gerges gặp hàng chục người khác đang tuyệt vọng tìm đường di cư. Họ không có gì để ăn và phải uống nước biển. Bất cứ ai làm ồn đều bị dọa ném xuống biển.

    Khi đến Italy, Gerges có chút nhẹ nhõm trước khi nghĩ cách đương đầu với một cuộc sống đơn độc ở đất nước xa lạ. Cậu bé còn phải trả 5.000 euro tiền "nhập cư lậu" cho anh họ của mình.

    Năm nay Gerges sẽ đón Giáng sinh trên đường phố như mọi ngày khác trong năm. Sau khi tròn 18 tuổi, cậu không còn đủ điều kiện ở trong trung tâm chăm sóc trẻ tị nạn, nơi cậu từng sinh sống.

    Gerges đã không gọi điện cho cha mẹ suốt hai tháng do cước phí quá đắt. Cậu hy vọng có thể kiếm đủ tiền cho một cuộc gọi ngắn trong ngày. Dù rất lạnh lẽo và cô đơn, Gerges vẫn nâng niu ngày lễ Giáng sinh có ý nghĩa tâm linh đặc biệt.

    Sau hành trình từ Ai Cập, cậu không còn giữ được vật dụng cá nhân nào. Điều duy nhất có thể khơi gợi kỷ niệm thời thơ ấu trong Gerges là hai hình xăm: một là hình xăm cây thánh giá ở cổ tay, hai là hình Đức Mẹ Maria trên cánh tay.

    "Cháu sẽ nghĩ về những kỷ niệm đẹp, tôn vinh tôn giáo của cháu. Cháu đã nghe nói Giáng sinh sẽ khiến Rome đẹp hơn rất nhiều", Gerges chia sẻ.

    Năm ngoái, khi còn sống trong trung tâm chăm sóc trẻ tị nạn, vào ngày Giáng sinh, Gerges vẫn có thể chọn một món quà ngay khi thức dậy. Cậu biết chính xác hộp quà của mình có kích thước như nào vì trung tâm đã cho cậu chọn một vài món trước đó.

    Gerges đã lựa những món quà thiết thực nhất, gồm quần tây, áo sơ mi, một đôi giày thể thao Nike màu xanh. Sau khi nhận quà, cậu được phép gọi cho bố mẹ trong một giờ và được tới nhà hàng dùng bữa. Dù rất biết ơn về bữa ăn, Gerges vẫn không thể ngừng so sánh nó với những món mẹ nấu.

    "Chúng chẳng giống nhau chút nào", cậu nhớ lại.

    Tương lai với Gerges là điều quá khó nắm bắt. Những gì cậu chắc chắn hiện tại là phải tìm được một công việc, học ngoại ngữ và được cấp giấy phép làm việc. Sau đó cậu sẽ tích góp để trả khoản nợ 5.000 euro cho anh họ.

    Gerges chưa thể tưởng tượng ra một Giáng sinh trong tương lai sẽ như thế nào nhưng cho biết cậu muốn có gia đình và một cuộc sống bình thường.

    Hai em nhỏ trong trung tâm chăm sóc người tị nạn ở Italy. Ảnh: AFP

    Awet, 15 tuổi, đến từ Eritrea, cũng là một đứa trẻ đã tự tìm đường đến châu Âu. "Món quà tốt nhất mọi người có thể nhận được vào Giáng sinh là quây quần bên cả gia đình", Awet nói.

    Tuy nhiên, mong ước giản dị của cậu bé đã không thể thực hiện được trong hai năm nay, khi cậu tìm đường vào châu Âu. Sau khi đi bộ từ Ethiopia đến Sudan, Awet bị những kẻ buôn lậu nhồi nhét vào một chiếc xe tải nhỏ đến Libya cùng 30 người khác.

    Sau đó, cậu tiếp tục lênh đênh trên con thuyền di cư và được lực lượng cảnh sát biển Sicilia, Italy, cứu thoát. Awet được đưa đến trung tâm chăm sóc Civilico Zero, nơi cậu thốt lên rằng "tuyệt đẹp".

    Chuỗi hạt tràng trên cổ bây giờ là món quà Giáng sinh đầu tiên trong đời của Awet, bởi trước đây cậu chưa biết quà tặng là gì và cũng chưa bao giờ được nhận quà.

    Trong vô số những uất ức phải trải qua ở Libya, Awet đã bị những kẻ bắt cóc giật chuỗi tràng hạt trên cổ. Một ngày nọ, một nữ tu đến thăm trung tâm chăm sóc của Awet đã rất ngạc nhiên khi thấy cậu bé đeo bất cứ thứ gì quanh cổ.

    Khi được cậu bé kể lại câu chuyện, nữ tu đã tặng cậu chuỗi hạt tràng màu hồng và cậu đeo nó mọi lúc. "Nó làm cháu rất hạnh phúc", Awet nói.

    Giáng sinh hạnh phúc trong tưởng tượng của Awet là khi cậu có thể đến nơi mà cậu mong muốn. "Miền đất mơ ước" của Awet là Anh, nơi cậu được những người tị nạn khác rỉ tai rằng có hệ thống giáo dục tuyệt vời.

    "Cháu muốn tiếp tục việc học của mình. Tất cả mọi người đều nói rằng trường học và đại học ở Anh là tốt nhất", Awet nói.

    Cậu bé đã nói được một ít tiếng Anh khi học ở Eritrea và đặt mục tiêu học công nghệ thông tin sau khi được những người di cư khác dạy sử dụng máy tính trong một trại tị nạn ở Ethiopia. Một lý do nữa khiến Awet mong ước đến Anh là cậu đã xem rất nhiều trận đấu của giải bóng đá Ngoại hạng Anh trong trại tị nạn.

    "Nếu cháu được giúp đỡ, cháu có thể đến đó an toàn", Awet nhìn vào ánh mắt người đối diện và tha thiết nói.

    Theo VnExpress

  • Fatmata, cô gái 28 tuổi đến từ Sierra Leone, bật khóc khi nhớ lại 6 tháng làm "nô lệ tình dục" cho gã du mục ở Sahara.

    "Họ gọi ông ta là Ahmed. Ông ta rất to lớn và độc ác", Fatmata, cô gái 28 tuổi sống ở thủ đô Freetown của Sierra Leone, kể lại. "Ông ta nói 'Cô là nô lệ, cô là người da đen, những người như cô chỉ đến từ địa ngục'".

    Ahmed, một gã du mục ở sa mạc Sahara, đã bắt Fatmata làm nô lệ dưới danh nghĩa "vợ". Gã nói với Fatmata rằng gã có quyền làm bất cứ điều gì với một nô lệ như cô, thậm chí còn mời bạn bè tới nhà "thưởng thức" cô. "Chúng tra tấn tôi mỗi ngày", Fatmata nói.

    Fatmata đến từ thủ đô Freetown của Sierra Leone. Ảnh: BBC.

    Đó là những gì cô gái 28 tuổi phải trải qua khi tìm cách vượt biên khỏi Tây Phi để đến Địa Trung Hải. Cuối cùng, cô cũng trốn thoát khỏi Ahmed, nhưng lại lọt vào tay của những kẻ buôn người, chúng giam cô trong một "nhà tù" ở Algeria.

    Sau khi thoát khỏi khu nhà giam đó, Fatmata từ bỏ hoàn toàn giấc mơ đến châu Âu. Cô đã nộp đơn lên Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), nơi giúp đỡ những người di cư muốn trở về nhà.

    Tháng 12 năm ngoái, Fatmata trở lại Freetown bằng xe buýt từ Mali. Nhưng chào đón cô không phải là một cuộc đoàn tụ tình cảm, không một lời chào hỏi, cũng không có những cái ôm. Gần một năm trôi qua, Fatmata không được gặp mẹ đẻ hay con gái 8 tuổi của mình.

    "Tôi đã rất vui khi trở lại. Nhưng giờ tôi ước gì đã không làm vậy", Fatmata nói. Khi quay lại quê hương, Fatmata đã gọi cho anh trai, nhưng phản ứng của anh làm cô thất vọng.

    "Anh ấy nói với tôi, mày đừng nên quay về nhà nữa. Mày nên chết ở nơi mày đã đến ấy, bởi vì mày không đem bất cứ thứ gì về". Trái tim người phụ nữ 28 tuổi bỗng dưng tan nát, cô không còn đủ dũng khí để đi gặp mẹ.

    Nhưng không phải ngẫu nhiên mà gia đình Fatmata không chào đón cô. Cô đã ăn cắp 25 triệu leones (2.600 USD) của người dì để làm vốn liếng vượt biên sang châu Âu. Đây là số tiền mà dì, vốn tin tưởng Fatmata hết mực, giao cho cô để đi mua quần áo về bán lại.

    "Lúc ấy tôi chỉ nghĩ làm thế nào để lấy được tiền và đi", Fatmata nói, giải thích rằng cô không phải là một kẻ ích kỷ. "Nếu đến được châu Âu, tôi có thể kiếm lại được gấp ba số tiền đó, tôi sẽ chăm sóc tốt cho dì và mẹ tôi".

    Nhưng Fatmata không đến được châu Âu, còn việc kinh doanh của người dì đổ vỡ kể từ khi cô lấy số tiền vốn đó, chưa kể mối quan hệ giữa dì và mẹ cô cũng sứt mẻ. "Tôi đau lòng, rất đau", mẹ của Fatmata nói. "Ngày gặp lại nó, tôi sẽ đưa nó tới đồn cảnh sát, còn tôi sẽ chết".

    Đó không chỉ là câu chuyện của riêng nhà Fatmata, mà của nhiều gia đình trong số hơn 3.000 người Sierra Leone hơn hai năm qua, những người đã trở lại quê hương sau khi "giấc mơ châu Âu" tan vỡ.

    Người thân của họ từng góp tiền để giúp họ thực hiện giấc mơ đổi đời ở trời Âu, nhưng giờ họ không sẵn sàng làm điều đó nữa, khi những câu chuyện về tù đày hay cái chết dọc tuyến đường di cư tăng lên. Bây giờ, những người có ý định di cư sang châu Âu sẽ phải âm thầm thực hiện kế hoạch, thậm chí "giật gấu vá vai" bất cứ khoản tiền nào họ có thể, kể cả cầm cố sổ đỏ.

    Tại trụ sở của Mạng lưới vận động chống di cư bất thường, một nhóm tình nguyện viên giúp đỡ những người di cư trở về xây dựng lại cuộc sống của họ. Tất cả những người tới đây đều là "con nợ" của người thân trong gia đình.

    Jamilatu, một trong những người trở về Sierra Leone sau khi di cư sang châu Âu không thành công. Ảnh: BBC.

    Jamilatu, 21 tuổi, trốn thoát cùng với Fatmata khỏi nhà giam của những kẻ buôn người ở Algeria, đã cầm 3.500 USD của mẹ trước khi rời nhà, những mong hiện thực hóa giấc mơ châu Âu.

    Đây không phải là tiền của mẹ cô, mà là tiền "đóng họ" của hàng xóm. Sau khi Jamilatu ra đi, các chủ nợ giận dữ bao vây nhà mẹ cô, đe dọa sẽ giết bà nếu không trả lại tiền. Mẹ của Jamilatu phải trốn đến Bo, cách nhà khoảng 3 giờ ở miền nam, bỏ lại chồng và 3 đứa con.

    "Mẹ không muốn nói chuyện với tôi, vì tiền", Jamilatu nói. "Bởi vậy khi trở về, tôi không gặp bà ấy suốt hơn hai năm nay, dù rất muốn gặp mẹ".

    Nhưng Maryatu, mẹ của Jamilatu, cho hay bà rất muốn gặp lại con gái, bất chấp những đau khổ mà cô đã gây ra. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi của hai mẹ con diễn ra trong im lặng. Jamilatu quỳ trước mặt mẹ, cầu xin tha thứ, rồi cô trở về Freetown.

    Cô gái 21 tuổi nói rằng cô là người hạnh phúc nhất trên Trái đất hôm ấy vì đã được nhìn thấy mẹ, nhưng mẹ trông không vui. Mẹ cô nói rằng họ không thể sống cùng nhau cho đến khi Jamilatu góp đủ số tiền để trả cho các chủ nợ.

    Nhưng trả nợ không đơn giản, bởi Jamilatu và Fatmata đều không có việc làm. Cả hai hiện phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Mạng lưới vận động chống di cư bất thường, được sáng lập bởi Sheku Bangura, bản thân cũng là một người di cư trở về nước.

    Tổ chức này hiện nhận được rất ít sự hỗ trợ từ chính quyền, chủ yếu tìm chỗ ở cho những người vô gia cư và nhờ cảnh sát can thiệp khi có rắc rối về pháp lý, đồng thời tư vấn tâm lý cơ bản cho những người di cư thất bại.

    "Tôi đã gặp rất nhiều người di cư có vấn đề về tâm lý. Những người trẻ sống trên đường phố, họ không có chỗ để ngủ, chẳng dễ dàng gì", Bangura nói.

    Alimamy, 31 tuổi hiện là thành viên của Mạng lưới vận động chống di cư bất thường. Thanh niên này từng ăn cắp một chiếc máy chiết rót tự động của chú mình rồi lang thang khắp Sahara ba năm trước để tìm đường sang châu Âu.

    Một trong hai người bạn đồng hành của Alimamy đã chết đói trên sa mạc, người thứ hai chết đuối khi cố vượt Địa Trung Hải bằng xuồng nhỏ. Alimamy bị tống giam ở Libya và được giải cứu vào tháng 11/2017, khi IOM tổ chức các chuyến hồi hương từ Tripoli đến Tây Phi cho những người di cư muốn trở về.

    Vì quá kiệt sức, Alimamy chấp nhận trở về, nhưng anh lo sợ không được chào đón. "Tôi đã nghĩ rằng tôi không nên quay lại Sierra Leone vì chú tôi rất nghiêm khắc", Alimamy nói. Từ khi về nước, Alimamy sống cùng những người bạn. Anh trai của Alimamy, Sheik Umar, một cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, cho hay gia đình đã biết tin em trai đang ở Freetown, nhưng không dám đối diện với người thân.

    Umar còn nói anh từng thân thiết với em trai, nhưng nếu cậu xuất hiện bây giờ, anh ta đảm bảo em mình sẽ "bị bắt, bị truy tố và kết án". "Nếu nó chết trong tù, tôi sẽ không hối tiếc. Tôi chắc chắn không ai trong nhà tôi sẽ hối tiếc vì nỗi hổ thẹn mà nó đã gây ra cho tất cả chúng tôi".

    Umar, anh trai của Alimamy. Ảnh: BBC.

    Umar cho hay việc kinh doanh mà người chú đã giao cho Alimamy có thể nuôi sống cả nhà. "Nhưng nó đã phung phí cơ hội đó và giờ tất cả chúng tôi đang ở trong mớ hỗn độn này. Bây giờ tôi đi đâu cũng bị chế giễu. Mẹ tôi bị bệnh và phải chuyển về quê. Đó là nguồn kiếm cơm của chúng tôi. Nhưng Alimamy đã phá nát mọi thứ".

    Bản thân Alimamy cũng tức giận và thất vọng. Anh nói đã trở về nhà nhưng mọi người coi anh như "kẻ vô hình". "Nơi tôi sống giống như một địa ngục vậy. Cách mọi người nhìn tôi khiến tôi không vui. Họ coi tôi như thể không phải con người."

    IOM trao cho những người di cư gốc Phi tự nguyện về nước một khoản "trợ cấp tái hòa nhập" khoảng 1.500 euro, được trích từ quỹ trị giá 349 triệu euro do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Song các khoản phụ cấp này không được trả bằng tiền mặt, bởi nếu có, hầu hết những người di cư sẽ dùng để trả nợ cho người thân. Bởi vậy, IOM trả tiền cho hàng hóa hoặc dịch vụ mà người di cư cần để kiếm sống, sau khi họ chứng minh được nhu cầu.

    Alimamy có khoản trợ cấp để có thể mua một chiếc xe máy cho thuê. Nhưng chỉ sau 4 tháng, người thuê chiếc xe của anh đã "một đi không trở lại". Còn Fatmata và Jamilatu không nhận được trợ cấp, vì có nhiều người Sierra Leone khác giả danh làm người di cư trở về từ Sahara để được nhận trợ cấp. Do vậy, tất cả những người trở về từ Mali đợt đó bị cắt khoản tiền này.

    Bây giờ, cả ba người, Alimamy, Fatmata và Jamilatu đều tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức trong Mạng lưới vận động chống di cư bất thường. Họ xuống phố, mang theo những tấm biểu ngữ và loa phóng thanh, cảnh báo những người trẻ tuổi về những nguy cơ của di cư bất hợp pháp, kêu gọi ở lại "Sierra Leone ngọt ngào". Nhưng với riêng họ, quê hương giờ đây không còn ngọt ngào nữa.

    Theo VnExpress

  • Tại Iraq, Kamal Mahmood là một bác sĩ, còn ở Hy Lạp, ông chỉ là người xin tị nạn nghèo túng, vạ vật trong các túp lều tạm bợ.

    Sau 17 tháng cố gắng bám trụ ở Hy Lạp, Kamal Mahmood, 44 tuổi, và gia đình quyết định trở về Iraq, đất nước mà họ từng trả 12.000 USD để rời đi.

    "Đừng làm mất nhé", một nhân viên di trú Liên Hợp Quốc nói khi trao cho Mahmood tập tài liệu tại sân bay Athens. "Đây là những tấm vé để trở về Iraq".

    "Đã rõ", Mahmood đáp khi cầm vé cùng một hộ chiếu tạm thời có liệt kê tên vợ và 4 người con. Trên hộ chiếu có chữ "một chiều".

    khao khat hoi huong 1
    Gia đình Kamal Mahmood đến sân bay Athens để về Iraq. Ảnh: Washington Post

    Ông và gia đình hồi hương theo chương trình được Hy Lạp và Liên minh châu Âu tài trợ. Nhờ chương trình này, khoảng 16.900 người đã thực hiện chuyến đi trở về châu Phi, châu Á hoặc Trung Đông trong ba năm qua, trong bối cảnh các quốc gia EU thắt chặt biên giới và áp đặt yêu cầu khắt khe hơn về tình trạng pháp lý với người nhập cư.

    Nhiều người di cư cảm thấy việc bỏ xứ đến châu Âu là một sai lầm, nhưng họ không có tiền để tự về nhà. Ngay cả những người di cư bị từ chối tị nạn cũng hiếm khi bị buộc trục xuất.

    Hy Lạp đang cố gắng cho họ lối thoát: hệ thống trục xuất trên cơ sở tự nguyện. Một số di dân lựa chọn về nhà vì bị từ chối tị nạn. Một số phải lén lút làm thuê với mức lương thấp. Những người khác chỉ đơn giản là chán ngấy với việc bị mắc kẹt trong các khu trại tạm bợ ở Hy Lạp, nơi các tổ chức nhân quyền chỉ trích là quá tải và thiếu vệ sinh.

    Những người quyết định hồi hương "cảm thấy họ đã chịu đựng quá đủ rồi", Gianluca Rocco, lãnh đạo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ở Hy Lạp, bên điều hành chương trình, cho biết.

    IOM cung cấp cho di dân muốn hồi hương giấy tờ đi lại, vé máy bay và vài trăm EUR tiền mặt. Một số người có thể được cho 1.500 EUR để tìm việc hay khởi nghiệp ở quê.

    khao khat hoi huong 1
    Trại cho người xin tị nạn ở phía bắc Athens. Ảnh: Washington Post.

    Nhưng việc di dân quyết định hồi hương cũng cho thấy châu Âu đã thất bại trong việc giúp đỡ những người muốn tị nạn hay tìm kiếm cơ hội cuộc sống mới. Nhà Mahmood đã lựa chọn quay trở lại khu tự trị người Kurd của Iraq trước cả khi chính quyền Hy Lạp ra kết luận về đơn xin tị nạn của họ.

    Đêm cuối cùng ở châu Âu, Kamal Mahmood chỉ ngủ hai tiếng, miên man nghĩ về lý do cả gia đình dắt díu nhau đến Hy Lạp. Con trai cả của họ qua đời vì bệnh máu trắng và Mahmood đổ lỗi cho hệ thống y tế của Iraq. Vợ Mahmood đau khổ vì mất con nên hiếm khi rời khỏi nhà. Cùng thời gian đó, Mahmood bị giáng chức tại bệnh viện do có mối quan hệ căng thẳng với đảng người Kurd quản lý khu tự trị.

    Gia đình cho rằng châu Âu sẽ là một khởi đầu mới. "Đó là cách để quên đi nỗi đau", Mahmood nói.

    Họ không lường được rằng "nhà mới" ở Hy Lạp sẽ là một khu trại ở nơi xa xôi hẻo lánh, nơi những cuộc gây gổ, đụng độ giữa các nhóm đôi khi nổ ra vào ban đêm. Gia đình có lúc phải dời lều ra ngoài cổng để đảm bảo an toàn. Những đứa trẻ được đến trường nhưng chỉ vào buổi chiều, sau khi học sinh bản địa rời đi. Những lớp học này cũng không thể đảm bảo chất lượng vì trộn lẫn trẻ ở nhiều lứa tuổi và từ nhiều nước.

    Nhiều di dân đã quyết định hồi hương, trong đó có Sheharyar Sultan, 24 tuổi, một dược sĩ ở Pakistan đang phải làm nghề hái cam tại Hy Lạp với giá 20 EUR mỗi ngày. Mamdouh Awad, 24 tuổi, người Morocco, dành phần lớn thời gian ở Hy Lạp tại một trại di cư trên đảo Lesbos, nơi mọi người uống rượu trong những đêm đông chỉ để giữ ấm.

    Gia đình Mahour từ Iran hai lần cố gắng di chuyển xa hơn về phía bắc châu Âu bằng hộ chiếu giả. Cả hai lần họ bị chặn và sau đó bị từ chối tị nạn ở Hy Lạp. Con gái 17 tuổi của họ, người đã trở thành một nghệ sĩ sân khấu ở Athens, có hình xăm và đeo khuyên. Con trai một tuổi được sinh ra ở Hy Lạp có cái tên rất Tây là Nelson. Giờ đây họ quyết định trở về Iran.

    "Khi về Iran, không biết tôi sẽ bị sa thải hay bỏ tù", Habib Mahour, công nhân xây dựng 42 tuổi, nói. Nhưng tôi biết rằng tôi không thể xin được giấy tờ ở đây. Tôi chấp nhận đối mặt với bất cứ điều gì ở phía trước. Chúng tôi đã quá mệt mỏi ở Hy Lạp rồi".

    khao khat hoi huong 1
    Muhammad Zubair, 28 tuổi, đến sân bay Athens để chuẩn bị hồi hương. Ảnh: Washington Post.

    Hy Lạp là cửa ngõ vào châu Âu của những di dân vượt biên qua Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ít người thực sự muốn ở lại Hy Lạp. Khi làn sóng di dân đến châu Âu lên đỉnh điểm năm 2015, di dân sau khi đến Hy Lạp đã nhanh chóng di chuyển về phía bắc, qua các quốc gia Balkan để tới những nước giàu có như Đức và Thụy Điển.

    Tuy nhiên, các nước láng giềng Hy Lạp sau đó thắt chặt chính sách, đóng các tuyến đường để ngăn di dân rời khỏi nước này. Hơn một triệu người di cư đã đến Hy Lạp kể từ năm 2015, trong đó có khoảng 240.000 người xin tị nạn.

    Một lựa chọn cho Hy Lạp là trả lại di dân cho Thổ Nhĩ Kỳ và họ đã hy vọng làm được điều này bằng thỏa thuận trị giá 6 tỷ EUR vào năm 2016 giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thỏa thuận không có hiệu quả. Di dân vẫn có quyền xin tị nạn ở Hy Lạp, nghĩa là họ có thể ở lại trong vài năm trong khi chờ đợi hồ sơ được xem xét. Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ và EU đạt thỏa thuận, hơn 100.000 di dân đã đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Chưa đến 2.000 người bị trả lại.

    Chính phủ Hy Lạp nói rằng họ dự định tăng áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết hầu hết người đến Hy Lạp trong thời gian gần đây đi theo diện di cư kinh tế chứ không phải tị nạn.

    Bất kể tình trạng của họ là gì, di dân cũng phải sống trong điều kiện tồi tệ. Họ ở trong các túp lều và container, xung quanh là rác và nước thải. Các nhà hoạt động nói rằng Hy Lạp có nhiều thời gian để cải thiện điều kiện của các khu trại nhưng cố tình không làm vậy, như một biện pháp để ngăn chặn di dân kéo tới nước này.

    Tuy nhiên, biện pháp ngăn cản đó không có tác dụng. Lượng di dân đến Hy Lạp đang tăng trở lại, 31.000 người di cư đang bị nhồi nhét vào các cơ sở tạm trú được thiết kế cho 6.000 người. Hồi tháng 9, tại trại Moria, một doanh trại quân đội cũ được Hy Lạp chuyển đổi thành trại tạm trú, một phụ nữ Afghanistan qua đời vì hỏa hoạn, dẫn đến bạo loạn và biểu tình. Di dân giơ bảng có dòng chữ "Moria là địa ngục".

    Tại trại này và cả những trại có điều kiện tốt hơn, IOM đang cố gắng khuyên di dân hồi hương. Theo chỉ dẫn của Liên Hợp Quốc, di dân không được trở về Syria, Palestine, Yemen hoặc các khu vực khác được coi là quá nguy hiểm, nên những người đến từ các nước này không thể tham gia chương trình. Trong khi đó, những người từ Afghanistan, Iraq và Pakistan có thể hồi hương và họ xếp hàng mỗi sáng bên ngoài trụ sở IOM ở Athens để nộp đơn.

    Trong khi chờ đợi được cấp giấy thông hành, những người không có tiền được phép nghỉ tại một nơi ở tạm ở trung tâm Athens do IOM điều hành, được tận dụng từ một tòa nhà văn phòng bỏ hoang. Mahours từ Iran ở phòng 108 còn Mahmoods từ Iraq ở phòng 106.

    "Sẽ là một ngày dài", Kamal Mahmood nói với các con vào buổi sáng cuối cùng ở châu Âu. Họ đến sân bay Athens với 4 chiếc túi du lịch, hai chiếc vali đã sờn và xe đẩy.

    Khi chờ check in, Chrakhan Mahmood, 19 tuổi, lướt Facebook, xem những bức ảnh về tình hình giao tranh tại khu vực người Kurd kiểm soát ở Syria. "Nhìn này", cô nói khi giơ bức ảnh một người thiệt mạng lên.

    Mahmood không cho rằng giao tranh sẽ lan đến Iraq. Nhưng những người tị nạn Syria có thể sẽ đến và đó là một trong những yếu tố có thể tạo ra sự thay đổi. Con ông sẽ thích ứng thế nào? Ông có được tiếp tục làm bác sĩ hay không?

    "Nếu tôi có thể tìm thấy thứ gì đó tốt đẹp cho các con tôi ở đây, tôi sẽ ở lại", ông nói. "Nhưng tôi không thể. Vì vậy, có lẽ quay lại là lựa chọn tốt hơn".

    Chẳng mấy chốc gia đình ông đã ra cổng lên máy bay và về đến quê nhà vào rạng sáng để bắt đầu lại cuộc sống tại khu tự trị của người Kurd ở Iraq, nơi giờ đây có vẻ đỡ tệ hơn Hy Lạp.

    Theo VnExpress

  • Thời điểm bị phát hiện, thùng container trong trạng thái bình thường, chưa bật máy đông lạnh. Những người di cư trong container đều trong tình trạng sức khỏe tốt.

    Cảnh sát Hi Lạp phát hiện hàng chục người nhập cư trong thùng xe đông lạnh - Ảnh: REUTERS

    Sự việc xảy ra ngày 4-11 trên xa lộ Egnatia nối thành phố Xanthi và Komotini. Cảnh sát đã chặn chiếc xe khả nghi trên tuyến đường gần thành phố Xanthi để kiểm tra ngẫu nhiên.

    Khi mở thùng xe, họ phát hiện những người nhập cư đang đứng lố nhố bên trong nên đã bắt giữ lái xe và đưa đối tượng này cùng với những người di cư trong container tới một đồn cảnh sát gần đó để xác minh danh tính.

    Cảnh sát Hi Lạp cho biết thời điểm bị phát hiện hệ thống làm lạnh của container vẫn chưa được bật. Tất cả đàn ông và trẻ nhỏ trong thùng xe đều khỏe mạnh nhưng một số người nói khó thở nên phải tiến hành sơ cứu.

    Theo Hãng thông tấn AFP, trong xe có tổng cộng 41 người được xác định đến từ Afghanistan. Một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ đang bị truy nã vì liên quan đến vụ việc.

    Sau thảm kịch 39 người chết trong container ở Anh ngày 23-10, chính quyền các nước châu Âu dường như đang siết chặt biên giới và tăng cường kiểm tra, ngăn chặn nạn vượt biên trái phép. 

    Ngày 2-11, các công tố viên Pháp cho biết đã phát hiện 31 người di cư Pakistan trong một xe tải tại miền Nam nước này. Trước đó, ngày 30-10, cảnh sát Bỉ phát hiện 12 người di cư trong một xe tải đông lạnh tại một bãi đậu xe ở miền Bắc nước này sau khi nhận được cuộc gọi thông báo của tài xế.

    Hôm 28-10, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel xác nhận đã triển khai thêm lực lượng biên phòng và nhân viên thực thi luật di trú tới cảng Purfleet của Anh, nơi container chứa 39 người cập cảng.

    Bà Patel cũng cho biết Bỉ đã đồng ý để Anh đưa người tới đảm bảo an ninh tại khu cảng Zeebrugge sau thảm kịch 39 người chết trong container.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Hoàng gia Anh luôn thu hút sự chú ý của cả thế giới, nhưng nếu xét về độ giàu có thì Nữ hoàng Elizabeth II không thể so sánh được với Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn.

     

    Vua Maha Vajirusongkorn (Thái Lan) là đế vương giàu nhất thế giới với khối tài sản khoảng 30-43 tỷ USD, theo ước tính của Forbes và một số tổ chức khác. Phần lớn tài sản của nhà vua được kiểm soát bởi Cơ quan Bất động sản Hoàng gia Thái Lan. Ảnh: ABC. 

     

    Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah đứng thứ hai trong danh sách đế vương giàu có nhất thế giới với khối tài sản 28 tỷ USD. Phần lớn tài sản của hoàng tộc Brunei đến từ ngành công nghiệp dầu khí nước này. Quốc vương Hassanal Bolkiah sống trong cung điện lớn nhất thế giới, trí giá hơn 350 triệu USD. Nhiều nguồn tin khẳng định ông sở hữu hơn 600 chiếc Rolls-Royces. Ảnh: CBS.

     

    Vua Saudi Arabia Salman bin Abdul Aziz al-Saud trị vì quốc gia Trung Đông từ tháng 1/2015, sở hữu tài sản khoảng 17 tỷ USD. Saudi Arabia là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nhờ sở hữu khối tài nguyên khổng lồ này, Hoàng tộc Saudi là hoàng tộc giàu nhất thế giới với tổng tài sản 1.400 tỷ USD. Ảnh: The Atlantic. 

     

    Tiểu vương Abu Dhabi Sheikh Khalifa bin Zayed al-Nahyan hiện giữ chức tổng thống UAE. Ông điều hành Abu Dhabi Investment Authority, quỹ quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới, đang quản lý khoảng 773 tỷ USD. Tài sản cá nhân của ông vào khoảng 15 tỷ USD. Ảnh: Pinterest.

     

    Tiểu vương Dubai Mohammed bin Rashid Al Maktoum giữ chức phó tổng thống và thủ tướng UAE. Ông sở hữu khối tài sản khoảng 4 tỷ USD. Ảnh:Construction Week Online.

     

    Đại công tước Henri của Luxembourg trị vì từ ngày 10/7/2000. Gia đình Đại công tước Luxembourg không nhận lương nhà nước, nhưng vẫn được cấp 324.815 USD mỗi năm kể từ năm 1948. Tài sản riêng của Đại công tước vào khoảng 4 tỷ USD. Ảnh: People. 

     

    Hoàng tử Hans-Adam II của Liechtenstein sở hữu khối tài sản 3,5 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Tài sản của ông bắt nguồn từ Tập đoàn LGT, một ngân hàng tư nhân phục vụ cho giới siêu giàu, Ông cũng đầu tư thông qua Quỹ Hoàng tử Liechtenstein. Ảnh: Brintannica.

     

    Quốc vương Morocco Mohammed VI sở hữu 2,1 tỷ USD. Gia đình ông sở hữu Công ty Đầu tư Quốc gia Morocco. Năm 2005, báo chí đưa tin Hoàng tộc Morocco tiêu tốn tới 144,6 triệu bảng tiền thuế của dân mỗi năm. Ảnh: Wall Street International Magazine.

     

    Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani lên nắm quyền năm 2013. Ông hiện sở hữu khối tài sản 1,2 tỷ USD. Ảnh: The Independent.

     

    Hoàng tử Albert II của Monaco sở hữu 1 tỷ USD. Ông nắm trong tay nhiều đất đai ở Pháp và Monaco. Ngoài ra, ông cũng đầu tư vào nhiều doanh nghiệp và sòng bạc. Ảnh: BBC.

     

    Hoàng gia Anh đã gây bất ngờ khi tài sản của họ thực sự rất ít so với nhiều hoàng gia khác trên thế giới. Nữ hoàng Elizabeth II- Vương quốc Anh có tài sản khoảng 520 triệu USD. Tài sản Thái tử Charles vào khoảng 400 triệu USD. Trong khi đó, tài sản hai con trai ông - hoàng tử William và hoàng tử Harry - đều có giá trị khoảng 40 triệu USD. Tài sản của nữ Công tước xứ Cambridge, Kate Middleton (vợ hoàng tử William) ước tính ở mức 10 triệu USD.

     

    Như vậy, Vua Thái Lan giàu hơn Nữ hoàng Anh khoảng 82 lần. Theo luật pháp Anh, bà không phải đóng thuế tài sản. Tuy nhiên nữ hoàng đã đóng thuế từ năm 1992. Ảnh: Newsweek. 

    Theo Zing