Toàn cảnh khủng hoảng di cư trên toàn thế giới trong năm 2021

Kéo dài suốt nhiều năm, cuộc khủng hoảng di cư năm nay vẫn chưa có hồi kết. Những số liệu biết nói tiếp tục phủ bóng đen lên bức tranh di cư 2021.

Cuộc khủng hoảng di cư 2021 qua những con số

Năm 2021 là một năm đầy bi kịch đối với những người di cư cố gắng đến châu Âu qua Đại Tây Dương hoặc Địa Trung Hải bằng đường biển. Trong năm 2021, chỉ riêng tại Địa Trung Hải, 1.600 người di cư đã thiệt mạng hoặc mất tích. Số liệu thống kê công bố ngày 22/12 tại Anh cho thấy trong năm 2021, số lượng người di cư vượt Eo biển Manche từ Pháp sang Anh đã tăng gấp ba lần, lên hơn 27.000 người, mức cao nhất từ trước đến nay.

toan canh khung hoang di cu 2021 1
Eo biển Manche là tuyến đường chứng kiến những hành trình vượt biên đầy nguy hiểm của người di cư. (Ảnh: Reuters)

Năm nay cũng ghi nhận làn sóng người di cư chưa từng có tập trung tại biên giới Belarus - Ba Lan, đe dọa an ninh của cả Liên minh châu Âu (EU). Họ chủ yếu là người di cư từ Trung Đông hay châu Phi đến Belarus để sau đó tìm cách vào châu Âu trái phép qua Ba Lan hoặc Litva. Tính đến tháng 11, giới chức EU đã bắt giữ hơn 184.000 người di cư tìm cách vượt biên trái phép vào khối này, cao nhất trong nhiều năm.

Trong khi đó, hệ thống tạm trú của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ năm nay đã tiếp nhận 122.000 trẻ em nhập cư mà không có cha mẹ đi cùng. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, phá vỡ và bỏ xa các kỷ lục trước đó. Theo dữ liệu do Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ cung cấp, 2021 là năm có số lượng người di cư bị bắt giữ tại biên giới Mỹ-Mexico cao nhất trong hơn 20 năm qua, với hơn 1,7 triệu người di cư bị bắt giữ, cao hơn con số kỷ lục trước đó là 1,6 triệu người trong năm 2000. Số lượng người di cư đã giảm mạnh vào tháng 4/2020 do sự bùng phát mạnh của đại dịch COVID-19, nhưng sau đó tăng đều đặn trở lại.

toan canh khung hoang di cu 2021 1
2021 là năm có số lượng người di cư bị bắt giữ tại biên giới Mỹ-Mexico cao nhất trong hơn 20 năm qua. (Ảnh: Reuters)

Những số liệu này quả thực đã phủ bóng đen u ám lên bức tranh cuộc khủng hoảng di cư năm nay. Với hy vọng tìm đến miền đất hứa, những người di cư đã mạo hiểm mọi cung đường từ đường biển cho đến đường núi hay chỉ đơn giản là chạy qua biên giới sang nước láng giềng. Thế nhưng kết cục không phải lúc nào cũng như họ mong muốn.

Lênh đênh trên biển

Kể từ khi eo biển Manche trở thành một tuyến đường của người di cư tìm cách từ Pháp vào Anh, tuyến đường này đã ghi nhận thảm kịch tồi tệ tồi tệ nhất, xảy ra vào tháng 11 năm nay, khiến 27 người thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Trong số nạn nhân có một người Việt. Eo biển Manche là tuyến đường chứng kiến những hành trình vượt biên đầy nguy hiểm của những người di cư muốn chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ở quê nhà với hy vọng đến được Anh. Các băng nhóm buôn người đã sử dụng Bỉ, Hà Lan và Đức làm địa bàn để tổ chức đưa người di cư đến các khu vực miền Bắc nước Pháp, từ đó vượt biển sang Anh.

toan canh khung hoang di cu 2021 1
Eo biển Manche ghi nhận thảm kịch di cư tồi tệ tồi tệ nhất vào tháng 11 năm nay, khiến 27 người thiệt mạng. (Ảnh: Reuters)

Khi bị kiểm soát chặt chẽ hơn, những kẻ buôn người lại tìm ra những mánh lới muôn hình vạn trạng để đưa người trái phép vào châu Âu. Một trong những cách thức mới gần đây là sử dụng thuyền hạng sang trên những tuyến đường ít bị chú ý, như từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Calabria, Italy. Để có mặt trên du thuyền này, mỗi người di cư phải trả trung bình 8.500 euro (khoảng 220 triệu đồng). Trẻ em thì giá rẻ hơn khoảng một nửa. Giá cao, nhưng chỗ của họ là bên dưới boong tàu trong cảnh bị nhồi nhét để trốn tránh các cuộc tuần tra trên không hoặc ở bờ biển.

toan canh khung hoang di cu 2021 1
Tội phạm buôn người dùng thuyền hạng sang để đưa người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Calabria, Italy. (Ảnh: AP)

Anh Hamid, một người di cư Afghanistan, nói về trải nghiệm của mình: "4,5 ngày đầu chúng tôi có nước uống, ít thôi, nhưng 2 ngày cuối chúng tôi chỉ có cách lấy nước biển, cho ít đường vào để khử bớt mặn rồi uống. Đó là cách duy nhất để chúng tôi có thể sống sót".

Ông Vittorio Zito, Thị trưởng thị trấn Roccella Jonica, Italy cho biết: "Những kẻ buôn người không có lương tâm. Chúng nhồi nhét người di cư để có thể vận chuyển nhiều người nhất có thể. Tuyến đường chúng sử dụng lại khó bị phát hiện, nên rất khó để lực lượng chức năng xử lý".

Với những người di cư sử dụng dịch vụ này, họ là những người có học vấn và tài chính cao hơn những người di cư bình thường khác. Thế nhưng, họ cũng chỉ là những bánh răng nhỏ trong guồng quay của một hoạt động tội phạm lớn.

Mạo hiểm vượt núi

Khi tuyến đường di cư bất hợp pháp qua Địa Trung Hải luôn tiềm ẩn nguy cơ chết người, nơi hàng trăm người đã thiệt mạng hoặc mất tích chỉ trong năm nay, những người di cư chuyển hướng sang cung đường khác: đường núi. Giữa mùa đông trên dãy Alps, những người di cư này đang mạo hiểm tính mạng vượt qua biên giới Italy-Pháp.

toan canh khung hoang di cu 2021 1
Người di cư mạo hiểm tính mạng vượt qua biên giới Italy-Pháp bằng đường núi. (Ảnh: AP)

Anh Sayed, người di cư Afganistan, chia sẻ với phóng viên của hãng thông tấn AP, rằng sau khi vượt qua biên giới Italy-Pháp, anh sẽ vòng sang Đức, hy vọng tìm được việc làm và bắt đầu cuộc sống mới tại đó.

Miền đất hứa chưa chắc đã đặt được chân tới, nhưng tổn hại về sức khỏe là điều hoàn toàn được dự báo trước, như tình trạng hạ thân nhiệt nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Tháng 2/2019, một người di cư Togo đã tử vong vì giá lạnh trong một chuyến đi xuyên đêm qua biên giới Italy-Pháp. Anh Aymen Jarnane, 23 tuổi, người di cư Maroc cho biết: "Chúng tôi đã bị đóng băng, không cảm nhận được ngón tay, không cảm nhận được gì, trời rất lạnh, chỉ -15 độ C thôi".

Trước tình hình này, nhiều nhóm hỗ trợ đã thiết lập những khu lều trại trên tuyến đường này, cung cấp cho người di cư nhu yếu phẩm để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên không phải lúc nào sự giúp đỡ cũng có thể đến kịp thời.

Cuộc di cư của người Afghanistan

Giữa những làn sóng di cư dập dồn trên thế giới, thời gian qua nổi lên một làn sóng di cư của người dân Afghanistan. Nhiều người trong số họ chỉ mong muốn đặt chân sang nước láng giềng Iran, chứ chưa dám nghĩ đến trời Âu. Kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan hồi giữa tháng 8 năm nay, hàng trăm nghìn người Afghanistan đã vượt biên trái phép vào Iran. Và con số này vẫn chưa dừng lại, với tỷ lệ khoảng 4000 - 5000 người di cư tìm đường vào Iran mỗi ngày. Nhưng trước đó, họ phải trải qua bài huấn luyện cơ bản của những kẻ buôn người, ví dụ như, phải di chuyển trong tư thế lom khom hay bò rạp ra đất để tránh bị phát hiện. Theo hướng dẫn của một kẻ buôn người, thì "nếu thấy lực lượng tuần tra, các anh phải chia ra thành các nhóm nhỏ từ 2-3 người. Các anh phải ngồi xuống và khai với họ rằng mình không buôn lậu gì cả. Các anh chỉ băng qua biên giới để tìm việc làm mà thôi".

Theo tiết lộ của một kẻ buôn người tại thành phố Herat, Afghanistan, trước đây người này đưa khoảng 50-60 người Afghanistan vượt biên trái phép mỗi tuần vào Iran. Nhưng kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan, con số này đã tăng chóng mặt. Mỗi một người di cư phải trả cho kẻ buôn người 400 đô la Mỹ (tức hơn 9 triệu đồng) để được đưa trót lọt vào Iran, nhưng chỉ trả trước khoảng 370.000 đồng, phần còn lại sẽ trả nốt sau khi tìm được việc làm. Hệ thống trả sau này hiện khá phổ biến tại Afghanistan, một dấu hiệu cho thấy có quá nhiều người di cư, nên những kẻ buôn người chấp nhận cả rủi ro là có những người không thể trả hết.

Anh Naib, một người di cư trái phép, ngậm ngùi chia sẻ: "Từ đây tôi sẽ vượt biên vào Iran. Chúng tôi phải đi vì ở đây chẳng có việc làm. Tôi đã tìm cách vượt biên mấy lần rồi, nhưng đều bị trục xuất, giờ tôi vẫn muốn cố thêm lần nữa. Vì nhà tôi chẳng còn gì ăn".

toan canh khung hoang di cu 2021 1
v

Mỗi ngày, có không biết bao nhiêu chuyến xe buýt chạy khỏi thành phố Herat, mang theo những người di cư tới biên giới. Đến nơi, họ móc nối với những kẻ buôn người, sau đó phải cuốc bộ nhiều ngày ròng, đôi khi bị nhồi nhét trong những chiếc xe tải, hay vượt núi hiểm trở. Sau khi đặt chân đến Iran, phần lớn người di cư Afghanistan sẽ ở lại tìm việc làm. Một số ít ôm hy vọng đi xa hơn tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.

Bất chấp khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhiều người di cư vẫn tìm cách vượt biên đến "miền đất hứa". Tuy nhiên, điểm đến của họ thường lại là những khu tạm giữ, để chờ được xử lý hoặc bị yêu cầu hồi hương. Nhiều người trong số họ lại tìm cách khác vượt biên, tạo thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Theo VTV