Hàng trăm nạn nhân buôn người bị nhốt trong các trại tạm giữ nhập cư

Số liệu chính thức vừa được tiết lộ vào năm ngoái, cho thấy hơn 500 người có khả năng là nạn nhân buôn người và nô lệ hiện đại đã bị nhốt tại các trung tâm giam giữ nhập cư của Anh.

Các nạn nhân tiềm năng đã bị giam giữ theo quy định nhập cư nhưng họ vẫn có quyền được hỗ trợ về mặt pháp lý, bao gồm tư vấn và phân chỗ ở, theo tổ chức After Exploitation.

Dự án lập bản đồ dữ liệu đã tiến hành thu thập số liệu từ Bộ Nội vụ thông qua các yêu cầu Tự do Thông tin. Số liệu có được cho thấy 507 người bị giam giữ tại các trung tâm di trú trong năm 2018 có khả năng từng là nạn nhân buôn người.

Chế độ nô lệ hiện đại xuất hiện dưới nhiều hình thức, có thể bao gồm bóc lột, lao động cưỡng bức, nô lệ trong nước và buôn bán người.

Ông Pierre Makhlouf, trợ lý giám đốc của tổ chức từ thiện Bail for Immigration Detainees, cho biết các số liệu là bằng chứng khẳng định chính phủ "cố tình giam giữ nạn nhân của chế độ nô lệ trên diện rộng".

Ông Makhlouf mô tả các số liệu của Bộ Nội vụ là "đáng kinh ngạc" và nói: "Nạn nhân của nạn buôn người thường bị coi là người phạm tội nhập cư hơn là nạn nhân.

"Chừng nào cơ quan chịu trách nhiệm về người nhập cư còn quản lý luôn các chương trình liên quan đến nô lệ hiện đại, thì chính phủ sẽ không thể thực hiện đúng nghĩa vụ bảo vệ nạn nhân buôn người."

Những người từng làm việc với các nạn nhân đã trình bày với các nghị sĩ vào tuần trước rằng cách tiếp cận của chính phủ là bắt giữ chỉ vì cách đó mang lại sự "thuận tiện hành chính".

Thông tin này được công bố sau một báo cáo riêng của tổ chức Women for Refugee Women, trong đó chỉ trích Bộ Nội vụ đối xử tồi tệ với nạn nhân của nạn nô lệ hiện đại và buôn bán tình dục.

Báo cáo đã kêu gọi chính phủ cung cấp cho các nạn nhân hỗ trợ kéo dài một năm – thay vì 45 ngày như hiện nay - và bảo vệ họ khỏi bị trục xuất hoặc giam giữ trong thời gian đó.

Tổ chức cũng kêu gọi bất cứ ai được đánh giá là nạn nhân của nạn buôn người cần phải được tự động thả ra khỏi các trung tâm tạm giữ.

Bộ Nội vụ cho biết họ đã thực hiện "nhiều cải tiến đáng kể" trong cách đối phó với nạn nhân trong những năm gần đây và cho biết 479 trong số 507 người nêu trên đã được đánh giá trong thời gian tạm giữ.

Trong số đó, 328 đã được thả trong vòng hai ngày sau khi được đánh giá và tổng cộng là 422 người được trả tự do trong vòng một tuần.

Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: "Bất kỳ ai tuyên bố họ là nạn nhân của nạn buôn người, nếu đồng ý, sẽ được một chuyên gia đánh giá và sẽ không phải rời khỏi đất nước trong khi chờ xử lý hồ sơ.

"Khi được đánh giá đúng là nạn nhân, họ sẽ được hỗ trợ và hướng dẫn và được xem xét khi quyết định trường hợp nhập cư của họ."

Tranh cãi nổ ra khi chính phủ cam kết chi 10 triệu bảng để xây dựng một cơ sở nghiên cứu mới nhằm giải quyết chế độ nô lệ hiện đại và buôn người.

Trung tâm chính sách nô lệ hiện đại, được tài trợ bởi Quỹ ưu tiên chiến lược nghiên cứu và đổi mới (UKRI) của Vương quốc Anh, sẽ tập hợp các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và nạn nhân.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm ngoái bởi Walk Free Foundation cho thấy có thể có đến 136.000 nạn nhân nô lệ trên khắp đất nước.

VietHome (Theo Sky News)