Nhiều người xin tị nạn đang bị Bộ Nội vụ tạm giữ trái luật

Tòa án kết luận trong những năm gần đây, hàng ngàn người có thể đang bị tạm giữ trái phép trong các trung tâm chờ trục xuất nhập cư.

Trong một phiên xét xử với nguyên đơn là 5 người xin tị nạn kháng nghị về một số điều trong quy định Dublin III, các quan tòa đã kết luận người xin tị nạn không thể bị tạm giữ trong khoảng thời gian không xác định.

Theo luật Dublin III, người xin tị nạn phải yêu cầu quyền tị nạn ở đất nước an toàn đầu tiên họ đến được. Nếu họ đến nước Anh xin tị nạn và Bộ Nội vụ phát hiện ra họ từng đi qua một quốc gia an toàn khác, Bộ Nội vụ có quyền gửi trả họ về đất nước đó.

detention

Ở Anh, không có giới hạn cho thời gian bị tạm giữ ở trung tâm nhập cư. Tuy nhiên, các quan tòa cấp cao chỉ ra rằng Bộ Nội vụ đã giam giữ một cách trái phép rất nhiều người xin tị nạn từng đi qua một quốc gia an toàn khác trước khi đến Anh.

Trong khi các cuộc thảo luận giữa Bộ Nội vụ và các quốc gia châu Âu diễn ra, người xin tị nạn có thể bị giam giữ không thời hạn. Đây chính là quy trình vi phạm pháp luật.

Giờ đây, những người bị ảnh hưởng có thể đề nghị Bộ Nộ vụ bồi thường tổn thương vì bị giam giữ trái phép.

Luật sư Krisha Prathepan đến từ hãng luật Ducan Lewis, đại diện cho 5 người xin tị nạn, hoan nghênh phán quyết của toà án. “Đây là một phán quyết mang tính lịch sử và có ý nghĩa lớn với những người đang bị giam giữ theo luật Dublin III.

“Chúng tôi thực sự lo ngại rằng hành động trái phép của Bộ Nội vụ có thể khiến nhiều người bị tạm giữ mà không dựa trên một cơ sở pháp lý nào. Thực tế, Bộ Nội vụ đã và đang tạm giữ trái phép hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn cá nhân đang cố gắng tìm kiếm sự bảo trợ của quốc tế.”

Phán quyết này của tòa án có liên quan đến ý nghĩa và hiệu lực của một số điều khoản riêng lẻ trong luật Dublin III – đó là điều khoản liên quan đến việc tạm giữ với mục đích chờ chuyển giao sang một nước thành viên EU khác. Kháng nghị từ phía những người xin tị nạn là việc tạm giữ chỉ có cơ sở pháp lý dựa theo điều 28 (2), trong đó quy định việc tạm giữ chỉ được phép tiến hành khi đối tượng lộ rõ động thái muốn trốn tránh pháp luật.

Tòa án phán quyết rằng Bộ Nội vụ không thể tạm giữ người nhập cư vô thời hạn với mục đích chờ chuyển giao sang một nước khác tại thời điểm khi “động thái rõ ràng muốn trốn tránh pháp luật” chưa được định nghĩa cụ thể trong luật pháp Anh.

Các quan tòa chỉ rõ theo điều 28 của luật Dublin, công dân không thể bị tạm giữ trong khi quy trình chuyển giao họ từ một nước sang một nước khác đang được thực hiện.

Phán quyết cũng khẳng định việc tạm giữ chỉ có thể kéo dài trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

Bộ Nội vụ cho biết: “Chúng tôi rất thất vọng với phán quyết của tòa án và đang cẩn thận cân nhắc các bước đi tiếp theo.”

VietHome (Theo Guardian)