Từ nay người xin tị nạn sẽ phải trả lời Bộ Câu hỏi Khảo sát Thông tin Sơ bộ

Bộ Nội vụ đang bắt đầu tiến hành cung cấp “Bộ câu hỏi khảo sát thông tin sơ bộ” (Preliminary Information Questionnaire) cho một số người vừa xin tị nạn – nhưng hiện bộ câu hỏi này không phải là bắt buộc cho tất cả.

Theo thông tin chúng tôi nhận được, một số người xin tị nạn trên khắp nước Anh, bao gồm khu vực Belfast, Manchester, Sheffield, Southampton và Portsmouth đã nhận được câu hỏi.

Bộ Nội vụ gửi những bộ câu hỏi này cho các đối tượng sau khi họ nộp đơn xin tị nạn và đã trải qua vòng phỏng vấn sàng lọc nhưng trước khi họ tham dự cuộc phỏng vấn tị nạn độc lập.

Bộ Nội vụ cho biết họ áp dụng bộ câu hỏi này để có thể “cân nhắc trường hợp của bạn và đảm bảo người đưa ra quyết định cho hồ sơ của bạn được biết rõ lý do vì sao bạn xin tị nạn.”

Người chịu trách nhiệm phỏng vấn bạn trong cuộc phỏng vấn độc lập sẽ có thêm thông tin về trường hợp của bạn thông qua bộ câu hỏi này, và có thể tìm hiểu thêm về gốc gác cũng như cơ sở xin tị nạn của bạn.

Có quy định nào thay đổi không?

Trước khi bộ câu hỏi này ra đời (và kể từ khi họ dừng yêu cầu người xin tị nạn điền vào mẫu đơn Tuyên bố Minh chứng  - Statement of Evidence), Bộ Nội vụ thường chỉ dựa vào thông tin bạn cung cấp trong cuộc phỏng vấn sàng lọc để xây dựng và đưa ra câu hỏi cho cuộc phỏng vấn chính.

Một vài người chọn cách nộp một bản giải trình cho Bộ Nội vụ trước cuộc phỏng vấn tị nạn độc lập, nhưng không rõ việc làm này có ích lợi gì cho người xin tị nạn hay không. Một vài luật sư cho rằng hành động này giúp Bộ Nội vụ có cơ hội “kiểm tra” những gì bạn kê khai trong bản giải trình nếu bạn không thể nhắc đến các chi tiết đó trong cuộc phỏng vấn. Sau đó, họ có thể viện dẫn bất cứ điểm khác biệt nào để kết luận bạn không đủ điều kiện và từ chối đơn xin tị nạn của bạn.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, việc nộp trước bản giải trình sẽ có lợi ở chỗ người nộp nó sẽ không cần phải nêu rõ chi tiết về những trải nghệm đau buồn trong quá khứ – Bộ Nội vụ vẫn có thể tham khảo thông tin trong bản giải trình để đưa ra quyết định, thay vì phải đặt ra cho bạn quá nhiều câu hỏi trong buổi phỏng vấn.

Giờ đây, người xin tị nạn sẽ phải điền vào bộ câu hỏi dài 18 trang.

Mục đích của bộ câu hỏi được nêu rõ là yêu cầu bạn cung cấp thông tin về “lý do tại sao bạn cần được bảo vệ ở Anh”, nhưng trên thực tế, nó bao gồm nhiều thông tin khác nhau. Bộ Nội vụ cũng nêu rõ những thông tin này “có thể được chia sẻ với các cơ quan chính phủ khác hoặc với chính quyền địa phương” và với cả “các quốc gia khác, những nơi phải chịu trách nhiệm cân nhắc yêu cầu tị nạn của bạn.” Mẫu đơn không đề cập đến việc liệu thông tin bạn cung cấp có thể được tiết lộ cho chính quyền tại quốc gia của chính bạn hay không.

Việc điền vào bộ câu hỏi và gửi lại nó cho Bộ Nội vụ là bắt buộc – nếu không thực hiện trước hạn yêu cầu, Bộ Nội vụ sẽ coi như bạn đã rút hồ sơ xin tị nạn.

Các câu hỏi trong đơn

Ở phần đầu, bộ câu hỏi yêu cầu bạn trả lời các thông tin cơ bản như tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch và địa chỉ liên lạc.

Sau đó bạn sẽ phải giải trình các chi tiết liên quan đến việc xin tị nạn như: quan điểm chính trị; tôn giáo; chủng tộc; quốc tịch; hoặc nhóm xã hội.

Sau đó, bạn sẽ phải giải thích lý do tại sao bạn sợ phải quay lại quê hương mình; điều gì khiến bạn quyết định rời đi; các sự kiện liên quan đến việc xin tị nạn của bạn hoặc nỗi sợ của bạn đối với một người, tổ chức hay nhóm người cụ thể nào đó;  liệu bạn có gặp phải chuyện gì trên đường đến Anh không; bạn đến Anh bằng cách nào; bất cứ chuyện gì đã xảy ra khiến bạn sợ trở về nhà; bạn tin rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn trở về; và thông tin về các thành viên gia đình của bạn đang sinh sống tại quê hương hay một quốc gia khác.

Bạn cũng được yêu cầu liệt kê tất cả những nơi từng sống trong 5 năm qua; thời gian sống tại đó; trình độ học vấn; những nơi bạn đã làm việc và chức vụ trong 5 năm qua; tình trạng nhập cư của các thành viên trong gia đình đang sống tại Anh. Sau đó bạn phải nêu rõ mã số Bảo hiểm Quốc gia của bạn và người phụ thuộc nếu bạn từng được cho phép làm việc.

Phần tiếp theo là về tình trạng sức khỏe, điều trị, chữa bệnh hoặc bất cứ hỗ trợ nào từ bác sĩ/nhân viên y tế (bao gồm cả chăm sóc sức khỏe tinh thần; và các thông tin bạn cho là có liên quan.

Sau đó là một phần câu hỏi dài về các thành viên trong gia đình.

Có một vài câu hỏi về việc bạn muốn được phỏng vấn bởi nam hay nữ trong cuộc phỏng vấn độc lập; và liệu bạn có cần đến thông dịch viên hay không. Cuối cùng, bạn có cơ hội giải thích về bất cứ minh chứng nào mà bạn muốn nộp để hỗ trợ hồ sơ của mình. Việc quan trọng là bạn cần làm việc với luật sư của mình để quyết định xem có nên nộp bất cứ minh chứng gì cho Bộ Nội vụ ở thời điểm này hay không.

Bộ câu hỏi này có vai trò gì?

Bộ câu hỏi yêu cầu bạn cung cấp những thông tin quan trọng mà Bộ Nội vụ sẽ cần đến, bên cạnh những gì bạn đã cung cấp trong cuộc phỏng vấn sàng lọc, và những điều bạn sẽ nói trong cuộc phỏng vấn độc lập, các thông tin trong bản giải trình và minh chứng bạn đã nộp, và các thông tin họ có về đất nước của bạn. Tất cả sẽ được tham khảo và xem xét để đưa ra kết luận cuối cùng.

Do đó, bạn cần phải nhờ luật sư giúp bạn hoàn thành bộ câu hỏi. Tuy nhiên, nếu bạn không có luật sư, Bộ Nội vụ vẫn muốn bạn tự mình hoàn thành và nộp lại đơn.

Bộ câu hỏi rất dài và hẳn sẽ tạo thêm áp lực cho các luật sư. Do đó, có thể có những sai sót ảnh hưởng đến trường hợp xin tị nạn của bạn. Bạn cần đảm bảo kiểm tra cẩn thận những gì đã viết trong đơn và lưu lại một bản cho mình.

Theo chúng tôi được biết, do những khó khăn trong việc đặt lịch hẹn luật sư trước thời hạn nộp lại bộ câu hỏi, một vài luật sư đã nộp đơn yêu cầu được gia hạn.

Nếu bạn không hoàn thành và nộp lại bộ câu hỏi đúng hạn, yêu cầu xin tị nạn của bạn có thể bị rút lại. Nếu chuyện này xảy ra, bạn có thể bị trục xuất khỏi Anh. Bạn không có quyền kháng nghị quyết định rút hồ sơ tị nạn, và nếu bạn muốn nộp đơn xin tị nạn khác, đây sẽ được coi là nộp thêm (cung cấp bằng chứng thêm) chứ không phải là nộp mới hoàn toàn.

VietHome (Theo Right to Remain)