Tòa án kết luận chương trình ‘Right to Rent’ phân biệt đối xử và vi phạm nhân quyền

Chương trình Right to Rent vốn gây nhiều tranh cãi của chính phủ đã được Tòa án Tối cao kết luận là gây ra nạn phân biệt chủng tộc và vi phạm nhân quyền.

Chương trình này yêu cầu các chủ nhà phải kiểm tra tình trạng nhập cư của người muốn thuê nhà, và hành động này được xác nhận là vi phạm Công ước Châu Âu về Nhân quyền.

Quan tòa Martin Spencer nhận định chính sách này khiến các chủ nhà kỳ thị cả người da màu, người thiểu số mang quốc tịch Anh và công dân nước ngoài ở Anh.

Ông cũng cho rằng việc thực hiện chương trình này ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ai-len mà không có đánh giá kỹ càng hơn là việc làm “thiếu căn cứ” và vi phạm quyền bình đẳng.

“Các chứng cứ chứng minh rõ rằng các chủ nhà không chỉ phân biệt đối xử với người muốn thuê nhà vì quốc tịch và nguồn gốc của họ mà còn làm vậy vì chương trình này,” ông Spencer nói.

“Theo quan điểm của tôi, chương trình này của chính phủ không chỉ đơn thuần khiến các chủ nhà có cơ hội để phân biệt đối xử mà còn bắt họ phải làm vậy.”

Những thay đổi bắt đầu có hiệu lực từ năm 2016 yêu cầu các chủ nhà phải kiểm tra tình trạng nhập cư của người muốn thuê nhà, nếu không họ sẽ phải đối mặt với những khoản phạt không giới hạn hoặc thậm chí án tù nếu cho người nhập cư không có giấy tờ thuê nhà.

Ông Spencer nói bảng tự đánh giá của chính phủ đối với Right to Rent đã “không hề xem xét vấn đề phân biệt đối xử vì quốc tịch, mà chỉ đánh giá trên phương diện sắc tộc”, dù cho đó là một hệ quả hoàn toàn logic và tất yếu.

“Những phương thức tránh nạn phân biệt đối xử của chính phủ, bao gồm hướng dẫn trực tuyến, tư vấn qua điện thoại và bộ quy tắc ứng xử, đã được chứng minh là không hề có hiệu quả,” ông nhận xét.

“Chính phủ không thể giũ bỏ mọi trách nhiệm đối với nạn phân biệt đối xử đang diễn ra bằng cách biện hộ rằng hành động đó là của những người chủ nhà và đi ngược lại với mục đích của chương trình.”

Quan tòa nhận thấy Right to Rent hầu như không có hiệu quả trong việc kiểm soát vấn đề nhập cư và Bộ Nội vụ cũng không chứng minh được hiệu quả của nó.

Vụ việc được đưa ra trước pháp luật bởi Hiệp hội Chủ nhà RLA và Hội đồng Nhập cư JCWI. Họ gọi Right to Rent là hành động thể hiện rõ “chính sách môi trường thiếu thân thiện của bà Theresa May.”

Ông Chai Patel, giám đốc chính sách pháp lý của JCWI, phát biểu: “Giờ đây, khi tòa án đã xác nhận chính sách của bà May gây ra phân biệt đối xử, chính phủ phải ngay lập tức hành động để xử lý nó.

“Nhưng chúng ta đều biết rằng những hành vi phân biệt đối xử như thế này, bắt nguồn từ việc biến các cá nhân trở thành những người giám sát biên giới, ảnh hưởng tới hầu hết các mặt của cuộc sống – nó đang lan đến các ngân hàng, bệnh viện và cả trường học. Phán quyết ngày hôm nay chỉ cho thấy phần nổi của tảng băng chìm và chứng minh lý do tại sao chính sách môi trường thiếu thân thiện cần bị hủy bỏ.”

RLA cũng chỉ ra rằng hơn một nửa chủ nhà không muốn cho những người chỉ được lưu lại Anh có thời hạn thuê nhà, trong khi 20% cho biết họ không sẵn sàng cho người có quốc tịch EU hoặc EEA thuê.

Ông Jon Sparkes, giám đốc điều hành tổ chức từ thiện nhà ở Crisis, kêu gọi chính phủ hủy bỏ chương trình Right to Rent trong bối cảnh tỷ lệ người vô gia cư ngày càng tăng cao.

“Hàng ngày, các nhân viên của chúng tôi đều nghe được những nỗi khốn khó mà người vô gia cư đang phải trải qua khi cố gắng tìm một chỗ ở,” ông nói.

“Việc này càng khó hơn nếu một người phải chứng minh tình trạng nhập cư của họ, đặc biệt là khi những giấy tờ như hộ chiếu đã bị mất trong quá trình họ ngủ ngoài đường, khi họ liên tục di chuyển từ nhà trọ này qua nhà nghỉ khác, hoặc khi chạy trốn khỏi nạn bạo hành gia đình  - và việc xin cấp lại vô cùng đắt đỏ.”

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết một cuộc điều tra độc lập cho thấy “không có dấu hiệu của nạn phân biệt có hệ thống.”

“Chúng tôi rất thất vọng với phán quyết này và chúng tôi đã được cho phép kháng nghị,” phát ngôn viên nói.

VietHome (Theo Independent)