Số người xin tị nạn phải chờ đợi dai dẳng ở Anh đã lên đến mức kỷ lục

Số lượng người xin được tị nạn ở Anh và phải đợi ít nhất sáu tháng để nhận được quyết định đang tăng cao kỷ lục.

Những người đã phải trốn chạy khỏi chiến tranh, nguy hiểm và mất đi mọi thứ xứng đáng được nhận những điều tốt hơn thế này. Thất bại trong việc đưa ra kết quả tị nạn đúng hạn là dấu hiệu của một hệ thống tị nạn coi thường con người và làm hại những người phụ thuộc vào nó. Hệ thống này ngăn cản những con người khốn khổ được nhanh chóng xây dựng lại cuộc sống và đóng góp sức mình cho xã hội Anh.

Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid

Hãy đặt mình vào vị trí của họ. Hãy tưởng tượng những đau khổ và căng thẳng họ đã phải trải qua khi cố gắng thoát khỏi những hoàn cảnh kinh hoàng đến không tưởng. Để rồi sau tất cả, họ lại bị một hệ thống trì trệ níu chân, nó đòi hỏi quá nhiều ở họ trong khi không thể đáp ứng những tiêu chuẩn hiệu quả và nhân đạo cơ bản nhất.

Họ không thể làm việc. Họ không thể sử dụng khả năng của mình. Số tiền 5.39 bảng nhỏ nhoi họ nhận được từ chính phủ mỗi ngày không thể đủ để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, chưa kể đến các nhu cầu đi lại, giáo dục hay mua quần áo cho bản thân và gia đình.

Họ không biết khi nào sẽ nhận được quyết định – và liệu họ có bị yêu cầu phải quay lại đất nước mà họ vừa trốn khỏi hay không.

Vào ngày đầu năm mới, tôi đã viết một lá thư ngỏ gửi đến Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid. Tôi đã kinh ngạc trước tuyên bố của ông vào dịp Giáng sinh rằng số lượng ít ỏi những người tị nạn cố gắng vượt qua eo biển Anh là “một vấn đề nghiêm trọng”.

Tôi hỏi ông ấy rằng ông ấy định làm gì để sửa chữa những sai sót trong hệ thống tị nạn hiện hành. Từ thời điểm đó, dường như ông ấy không hề có động thái sửa đổi nào.

Câu chuyện của ngày hôm nay là một lời cảnh tỉnh. Từ góc độ người với người, việc người xin tị nạn phải chờ đợi dai dẳng như vậy là không thể chịu đựng hay chấp nhận nổi. Từ góc độ của chính phủ, con số kỷ lục này nên là động lực khiến họ phải hành động.

Sau đây là vài gợi ý của tôi dành cho ngài Bộ trưởng:

Quy trình đưa ra quyết định cần được cải tổ. Đồng nghĩa với việc tốc độ cần được đẩy nhanh và quyết định đưa ra cần phải đúng đắn hơn. Tất nhiên, cần có đầu tư để đạt được điều này, nhưng bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ cần coi đó là vấn đề ưu tiên hàng đầu – nhân viên của ông ấy cần hiểu rằng ông ấy coi trọng việc tạo ra một quy trình tị nạn hiệu quả.

Hiện tại, một phần ba quyết định của Bộ Nội vụ bị người xin tị nạn kháng nghị, dẫn đến việc quyết định ban đầu của họ phải thay đổi.

Nguyên nhân một phần là bởi sự bất cập của chính hệ thống và một phần bởi người xin tị nạn không được cung cấp thông tin và tư vấn luật pháp mà họ cần để đảm bảo có thể đưa ra hồ sơ hiệu quả nhất ngay lần đầu.

Một quy trình đánh giá chất lượng cao cần được kết hợp cùng việc tư vấn pháp luật sớm hơn và tốt hơn cho những người nộp hồ sơ.

Tiếp đến, ông Javid phải ngay lập tức cho người xin tị nạn quyền được làm việc trong vòng nhiều nhất là sáu tháng kể từ khi họ nộp đơn xin tị nạn, và không bị giới hạn bởi những công việc nằm trong danh sách nghề nghiệp thiếu nhân lực (một danh sách vô cùng hạn chế, bao gồm những công việc như vũ công ba-lê cổ điển và nhân viên rác thải hạt nhân).

Ngăn cản người tị nạn làm việc trong một khoảng thời gian dài như vậy đồng nghĩa với việc gây tổn hại tới sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Nó cũng tước đi của nước Anh rất nhiều người có kỹ năng và tài hoa. Nó cũng là rào cản khiến họ không thể hòa nhập, bởi lẽ công sở chính là nơi chúng ta có thể kết bạn và tìm kiếm kết nối với cộng đồng địa phương.

Hơn 160 tổ chức, từ TUC tới CBI, Adam Smith Institute tới Crisis, cũng như nhiều nghị sĩ quốc hội đều ủng hộ lời kêu gọi của chúng tôi.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nội vụ cần nhận ra sự thực rằng chính sách người tị nạn duy nhất mà chúng ta có thể tự hào đang đứng trước nguy cơ phải dừng lại. Chương trình Tái Định cư cho người dân Syria của cựu thủ tướng David Cameron là một thành công lớn.

Tính đến thời điểm này, 14,945 người đã được cho tị nạn thông qua chương trình này. Khi nó kết thúc vào năm 2020, nó sẽ giúp 20,000 người tị nạn, nạn nhân của chiến tranh Syria, được sinh sống ở Anh.

Đây là con số khiến chúng ta có thể tự hào. Vậy nhưng, khi chúng ta đang đi vào giai đoạn cuối của chương trình này, Bộ Nội vụ vẫn không hề lên tiếng về việc liệu có chương trình nào thay thế sau đó không.

Chương trình đã bắt đầu nguội dần và nhiều hội đồng cho biết họ không thể cam kết dài lâu về việc đón nhận thêm người tị nạn. Nếu không hành động, cam kết giúp các nạn nhân được tái định cư của nước Anh sẽ quay ngược con số hơn 5,000 người được giúp đỡ mỗi năm về zero.

Rõ ràng đó sẽ là một con số kỷ lục khác mà chính phủ đang muốn tránh.

Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy tiếp tục duy trì chương trình này và mở rộng nó cho người dân từ các quốc gia khác – dựa trên nhu cầu hỗ trợ người tị nạn trong bối cảnh xung đột đang diễn ra khắp nơi trên thế giới.

Tôi hy vọng rằng bên cạnh việc hành động ngay lập tức để cải thiện hệ thống tị nạn, ông Javid sẽ lắng nghe kêu gọi của chúng tôi và đưa ra cam kết về một chương trình tái định cư khác trước khi quá muộn.

Stephen Hale OBE

CEO của Tổ chức Hành động vì Người tị nạn Refugee Action

 

VietHome (Theo Metro)