Cuộc gọi cuối cùng của nạn nhân vụ 27 người chìm xuồng

Một người di cư sợ xuồng chìm đã gọi điện nói với bạn: ''Không được, động cơ rất yếu... Tôi không biết có đến được đó không''.

Mohammad Aziz, 31 tuổi, vẫn còn mất tích sau khi hoảng loạn gọi điện cho người bạn của mình, Peshraw Aziz. Khoảng 1 tiếng sau đó thì xuồng chìm. Peshraw Aziz đã kể với Daily Mail từ trại di cư ở Calais: ''Anh ấy sợ xuồng sẽ chìm. Anh ấy hối hận vì đã lên xuồng để thử vậy may về một cuộc sống mới. Anh ấy nói rằng không ổn, động cơ xuồng rất yếu. Anh ấy không tin mình có thể đến nơi an toàn''.

Trong khi đó, những người di cư ở trại Calais cũng đang lo lắng cho tính mạng của 4 thanh thiếu niên người Afghanistan đã mất tích từ sau thảm họa hôm 24/11. Riaz Mohammed 12 tuổi, người anh họ Share Mohammed 17 tuổi cùng 2 thanh niên Palowan 16 tuổi và Shinai 15 tuổi, nằm trong số những người cố gắng vượt biển hôm thứ Tư. Vẫn chưa có ai liên lạc được với 4 thanh thiếu niên này. 

cuoc goi cuoi cung cua 27 nan nhan chim xuong
Riaz Mohammed, 12 tuổi, và người anh họ Share Mohammed, 17 tuổi, mặc áo phao trước khi leo lên chiếc xuồng chết chóc. 

Người đàn ông mất vợ trên chiếc xuồng định mệnh

Một người nhập cư Kurdish đã rất háo hức chờ đợi vợ mình đến Anh. Thế nhưng giờ anh đang lo sợ vợ là một trong số 27 nạn nhân của vụ chìm xuồng.

Người đàn ông cho biết anh đã theo dõi hành trình của vợ mình bằng ứng dụng định vị GPS. Tuy nhiên tín hiệu đột ngột biến mất. Người đàn ông giấu tên nói với Daily Telegraph: ''Tôi liên tục liên lạc với vợ và theo dõi hành trình của cô ấy qua GPS. Khoảng 4 giờ 18 phút sau khi cô ấy lên xuồng, tôi nghĩ họ đang ở giữa biển khơi, thì tôi đột ngột mất liên lạc với cô ấy''.

Anh đã liên tục nói chuyện với vợ qua điện thoại. Vợ anh bảo có khoảng 30 người chen chúc trên xuồng, trong đó có 1 bé gái 9 tuổi. Chủ yếu là người Afghan và một số phụ nữ Kurd. 

Khi nghe tin về vụ lật xuồng, anh đã gọi điện cho bọn buôn người. Tuy nhiên, bọn họ chỉ trả lời rằng không thể liên lạc với bất cứ ai từng lên xuồng. 

Biển chưa bao giờ yên bình

Hôm qua, một người cứu hộ tình nguyện tên Charles Devos đã hỗ trợ vớt 6 thi thể lên bờ. Anh miêu tả hiện trường như một bộ phim thảm họa: ''Giống như phim Titanic vậy. Họ bị sóng quăng quật trên biển rồi chìm xuống nước, không có gì bám víu hay chống đỡ được. Thật tiếc là chúng tôi chỉ vớt được xác chứ không cứu được người sống''.

Anh nói thêm: ''Tôi nhìn thấy chiếc xuồng đã hoàn toàn xì hơi, một chút hơi còn sót lại giúp nó nổi trên mặt nước. Có phải do nắp van khí bị lỏng hay nó đã va phải một vật thể nào? Tôi nghĩ nguyên nhân thuyền lật là do quá tải.''

''Đừng quên rằng, bạn nhìn mặt biển và thấy nó thật yên bình. Nhưng biển không bao giờ yên bình, nó luôn luôn nhấp nhô. Tôi không biết có trẻ em hay không, nhưng chúng tôi vớt được xác một phụ nữ mang thai và một nam thanh niên khoảng 18-20 tuổi''. 

2 người duy nhất sống sót trong thảm kịch (1 người Iraq và 1 Somali) nói với cảnh sát Pháp rằng chiếc xuồng đã đụng phải một tàu chở hàng container, khiến cho lớp thân bằng vỏ cao su bị thủng và làm xuồng chìm. 

Đội cứu hộ bờ biển Pháp đã thực hiện cuộc gọi khẩn cấp sau khi phát hiện một chiếc xuồng trôi nổi cách bờ biển Calais khoảng 7 dặm (11km). Một tấm ảnh chụp được cho thấy chiếc xuồng bé tẹo yếu ớt chẳng khác gì bể bơi phao ở nhà. 

Cảnh sát Pháp chưa công bố danh tính những nạn nhân tử vong. Hôm qua họ cho biết trên xuồng có những người Kurd từ miền mắc Iraq và người Afghanistan, Iran. Tất cả đã từng tá túc ở trại Calais, ngủ ở ga tàu trước cái đêm lên xuồng. Họ đã trốn gần một kênh đào. 

Một người nhập cư ở trại, anh Hassan 30 tuổi đến từ Kabul, từng bị từ chối tị nạn ở Anh vào tháng 7/2012 nhưng giờ lại muốn thử lần nữa. Anh nói: ''Hai người bạn của tôi là Palowan và Shinai đã lên chiếc xuồng đó. Ngày hôm trước, họ gửi cho tôi 2 tin nhắn vào buổi sáng và buổi tối, bảo tôi đi với họ. Người Afghan chúng tôi gọi chuyện vượt biển là The Game, họ giục tôi Come on The Game nhưng tôi chưa đi. Giờ tôi vẫn chưa nhận được tin tức gì của họ. Tôi nghĩ họ chết cả rồi. Nhưng tôi vẫn sẽ thử (vượt biên). Họ đã thử vượt biển rất nhiều lần. England quá gần chúng tôi không thể bỏ lở''.

Một nữ bác sĩ đã bật khóc khi tiếp nhận những cái xác tại kho hàng Quai Paul ở Calais. Không nạn nhân nào mang hộ chiếu hay bất kì giấy tờ tùy thân nào. Đây là thủ thuật mà người di cư dùng để tránh bị trục xuất về quê hương. Cũng vì thế mà sẽ mất rất lâu mới xác định được danh tính 27 nạn nhân này. 

Viethome (theo DailyMail)