Sinh viên Anh chỉ còn lại 50p/tuần sau khi trả tiền thuê nhà

Những khoản vay sinh hoạt gần như hết sạch sau khi trả tiền thuê nhà. 

nha o sinh vien dat do 1
Natalia Gromek, sinh viên Đại học Bristol, cho biết những sinh viên xuất thân từ tầng lớp lao động như cô đang bị khánh kiệt khi theo đuổi việc học ở các thành phố lớn. Ảnh: Handout

Sinh viên đại học tại England chỉ còn lại 50p để sống mỗi tuần sau khi dùng khoản vay sinh viên để trả tiền thuê phòng. Giá thuê nhà đã tăng gần 15% trong 2 năm qua. 

Bên cạnh khoản vay đóng học phí thì sinh viên còn được vay tiền để sinh hoạt phí. Nhưng khoản vay này chỉ vừa đủ để trả tiền thuê mà không dư ra đồng nào. Đây là kết quả khảo sát của Quỹ từ thiện nhà ở sinh viên Unipol và Viện chính sách Giáo dục cao học (Hepi).

Giá thuê nhà ở sinh viên trung bình hàng năm ở England là khoảng £7,566, trong khi khoản vay sinh hoạt phí năm nay là £7,590. Như vậy sinh viên chỉ còn lại £24/năm để trang trải chi phí sống, tương đương 50p/tuần.

Chỉ những học sinh nghèo nhất mới đủ điều kiện được cấp khoản vay maximum, nhưng lúc đó chi phí thuê nhà cũng lên tới 76% khoản vay. Trong khi theo nguyên tắc thì tiền thuê chỉ nên chiếm không quá 30% thu nhập. Trong nhiều trường hợp, bố mẹ cũng không có tiền hỗ trợ con cái.

Báo cáo vừa được công bố vào hôm nay, 26/10/2023, khảo sát thị trường cho thuê nhà ở sinh viên tại 10 thành phố đại học lớn bên ngoài London và Edinburgh. Báo cáo nhận thấy sinh viên ở Bristol phải trả tiền thuê nhà cao nhất, lên tới £9,200/năm. 

Exeter xếp thứ 2 với £8,559. Glasgow chứng kiến giá thuê nhà tăng mạnh nhất lên tới 20% trong 2 năm qua, hiện sinh viên phải trả tiền thuê tới £7,548/năm. Giá thuê cao nhất ở những thành phố thiếu nguồn cung nhà ở sinh viên. 

Nottingham cũng chứng kiến giá thuê nhà tăng 15% lên £8,427, Leeds tăng gần 15% lên £7,627, Bournemouth tăng 11% lên £7,396. Liverpool, Cardiff và Sheffield là những thành phố có mức giá thuê dễ thở nhất. 

Những sinh viên gặp khó khăn tài chính buộc phải lựa chọn những con đường kiếm tiền rủi ro, thậm chí là bất hợp pháp. Chẳng hạn lén cho thêm người đến ở trong căn nhà thuê của mình, làm thêm giờ, thậm chí bỏ luôn đại học. 

Bên cạnh những sinh viên xuất thân nghèo khó, ngay cả sinh viên có gia cảnh trung lưu cũng phải đi vay nợ nần, khiến trải nghiêm học tập của các em thành bi kịch. 

Natalia Gromek, 22 tuổi, theo học môn tâm lý tại Đại học Bristol, và vừa hoàn thành tấm bằng cao học. Cô cho biết: "Dù được cấp khoản vay tối đa, nhưng tôi không có bố mẹ giúp đỡ về mặt tài chính, tôi cảm thấy cuộc sống quá đắt đỏ".

Cô phải làm thêm để kiếm tiền, và phải làm cả ngày. Điều này ảnh hưởng tới khả năng học tập của cô và Natalie luôn rơi vào tình trạng căng thẳng. 

Nick Hillman, giám đốc Hepi, cho biết: “Chúng ta phải tăng khoản vay sinh viên ít nhất bằng với lạm phát. Về dài hạn, chúng ta cần tăng nguồn cung nhà ở sinh viên, bằng cách giảm lãi suất cho vay đối với các dự án nhà ở sinh viên". Chính phủ từng tăng 2.8% khoản vay sinh viên nhưng như vậy là chưa đủ.

Viethome (theo Guardian)