• Một người đàn ông 73 tuổi đỗ xe ở bệnh viện để thăm người ốm và thanh toán 6 bảng cho ứng dụng thu tiền tự động. Nhưng không lâu sau, ông bất ngờ nhận được phiếu phạt tới 160 bảng vì không trả tiền theo quy định.

    Ông Ronnie Hayman, 73 tuổi, đến Bệnh viện St James ở thành phố Leeds (Anh) để thăm một người thân bị ốm và được hướng dẫn trả 6 bảng Anh (khoảng 180 nghìn đồng) cho hai giờ đỗ xe thông qua trang ứng dụng Tap2Park.

    Tuy nhiên, Ronnie cho biết, sau đó vài ngày ông nhận được một vé phạt 100 bảng Anh (hơn 3 triệu đồng) vì đỗ xe tại bệnh viện St James mà chưa trả tiền.

    bi phat 100 bang

    Cho rằng phía khai thác đỗ xe và phần mềm bị trục trặc, người đàn ông có 7 người con này đã bỏ qua vé phạt đó. Thế nhưng khoảng 1 tháng sau, Ronnie tiếp tục nhận được một vé phạt khác với giá trị cao hơn là 160 bảng (hơn 5 triệu đồng) vì lỗi chậm trễ thanh toán tiền phạt.

    Lúc này, Ronnie tỏ ra nghi ngờ và phát hiện ra rằng, số tiền 6 bảng của ông đã trả trên ứng dụng Tap2Park đã bị hack về một tài khoản lừa đảo có tên là "Mr Muscle", nhưng đây không phải là lỗi của ông. Cuối cùng, khoản tiền phạt của ông đã được xóa bỏ sau khi ông chứng minh được với cơ quan chức năng về vấn đề này.

    "Tôi đã nhiều lần gửi cho họ bản sao chứng từ thanh toán của ngân hàng để chứng minh mình đã trả tiền và hoàn toàn không có lỗi gì. Thật khó chịu khi phải trải qua tất cả những căng thẳng và bực bội đó khi đó không phải lỗi của tôi", Ronnie Hayman nói.

    Vietnamnet (theo The Sun)

  • Đại học ở Anh tăng học phí, chuyên gia giáo dục nhận định mức tăng có thể khiến nợ sinh viên tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của sinh viên sau khi ra trường.

    suc khoe sinh vien
    Tăng học phí không tác động đến sinh viên ngay lập tức, nhưng có thể ảnh hưởng sau khi sinh viên tốt nghiệp. Ảnh: Pexels

    Sau nhiều tháng thảo luận về cách các trường đại học Anh bù đắp thâm hụt ngân sách, mới đây Chính phủ Anh đã xác nhận học phí sẽ tăng lên 9.535 bảng/năm (hơn 12.300 USD) kể từ năm 2025.

    Hiện tại, mức học phí tối đa mà các trường được thu là 9.250 bảng (hơn 11.900 USD). Đây là mức trần được Anh áp dụng từ năm 2017.

    Theo The Guardian, chính phủ phê duyệt việc tăng học phí để giải quyết các vấn đề tài chính ở bậc giáo dục đại học. Mức tăng này sẽ áp dụng cho tân sinh viên khóa 2025 và những sinh viên tiếp tục học năm 2, năm 3.

    Các chuyên gia dự đoán mức trần học phí tại Anh có thể lên đến 10.680 bảng (khoảng 13.800 USD) vào năm 2029. Họ tính ra mức này bằng cách sử dụng thước đo lạm phát RPIX.

    "Nếu chính phủ tiếp tục tăng học phí mỗi năm, mức trần học phí có thể đạt mức như dự báo hiện tại. Nếu có kế hoạch tiếp tục tăng mức trần học phí theo lạm phát, họ nên thông báo sớm", Viện Nghiên cứu Tài chính nhấn mạnh.

    Bàn về vấn đề tăng học phí, PGS ngành Tâm lý học lâm sàng Thomas Richardson tại Đại học Southampton (Anh) nói rằng mọi người không nên đánh giá thấp tác động của việc tăng học phí vì nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của sinh viên.

    PGS Richardson cùng đồng nghiệp thực hiện một nghiên cứu với 327 sinh viên tốt nghiệp ở Anh - những người học trước và sau khi nước này tăng học phí từ 3.500 bảng lên 9.000 bảng vào năm 2012.

    Kết quả nghiên cứu cho thấy những người phải đóng học phí cao hơn có những triệu chứng trầm cảm, lo âu và căng thẳng nghiêm trọng hơn người đóng học phí thấp. Họ cũng có nguy cơ tự tử cao hơn nhóm còn lại.

    Nhóm nghiên cứu nhận định sự khác biệt này có thể bắt nguồn từ việc sau khi ra trường, những người đóng học phí cao phải vật lộn để trả nợ sinh viên, dẫn đến khủng hoảng tài chính ở độ tuổi 30.

    Theo The Conversation, nợ sinh viên không giống như các khoản nợ khác vì gần như không thể xóa được. Nợ sinh viên cũng phải chịu lãi kép và lãi suất này đã tăng rất cao trong những năm gần đây. Dù đã được cố định ở mức 6,3% vào năm 2022, mức này vẫn khiến "quy mô" nợ của sinh viên tăng đáng kể.

    Dữ liệu được công bố đầu năm 2024 cho thấy hầu hết sinh viên tốt nghiệp - gần 1,8 triệu người - đang chịu hơn 50.000 bảng Anh tiền nợ sinh viên và một số người nợ hơn 200.000 bảng Anh.

    Trong nghiên cứu của PGS Thomas Richardson, chỉ 14% trong những người phải trả 9.000 bảng học phí trả được hết hoặc trả được một phần khoản vay, 20% chưa trả được khoản nào và những người còn lại đã trả nợ, nhưng khoản nợ lại tăng. Vì thế, ở độ tuổi 30, dù đã tốt nghiệp nhiều năm, những người này vẫn phải chịu khoản nợ như cũ hoặc tệ hơn.

    Từ nghiên cứu này, PGS nhận định đợt tăng học phí mới nhất có thể khiến mức nợ sinh viên ở Anh cao hơn, khiến hàng triệu người mắc kẹt với các khoản nợ trong tối đa 30-40 năm.

    "Đợt tăng học phí mới không ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của sinh viên ngay lập tức, nhưng khả năng ảnh hưởng sau khi tốt nghiệp trong nhiều thập kỷ tới sẽ rất cao", PGS dự đoán.

    Theo ZNews

  • Du học sinh phải chứng minh có ít nhất 1.130-1.480 bảng Anh (36-47 triệu đồng) mỗi tháng, khi xin thị thực du học Anh, tăng 10% so với hiện nay.

    Thông tin được Bộ Nội vụ Anh công bố hôm 10/9, áp dụng từ đầu năm sau. Số tiền mà du học sinh cần có trong tài khoản tương ứng với học phí và sinh hoạt phí một năm học (9 tháng), đã trừ học bổng (nếu có).

    Tùy trường và khu vực, mức này sẽ khác nhau. Chẳng hạn, nếu ở London, du học sinh phải có nhiều tiền hơn ở nơi khác. Nếu sinh viên đã đặt cọc chỗ ở trước khi xin thị thực, mức yêu cầu sẽ được giảm.

    Syed Nooh, Trưởng phòng nghiên cứu toàn cầu và phát triển thị trường tại Đại học Bắc Anglia, nhận định chính sách mới nhằm phù hợp tình hình lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng. Trong khi, nhiều chuyên gia khác lo ngại điều này có thể làm khó du học sinh từ các thị trường trọng điểm thuộc châu Á, châu Phi.

    anh tang hoc phi
    Khuôn viên Đại học Manchester, Anh. Ảnh: The University of Manchester Fanpage

    Anh là một trong những cường quốc du học với khoảng 600.000 sinh viên quốc tế, theo một số thống kê. Chi phí bậc cử nhân với du học sinh khoảng 22.000 bảng một năm. Với ngành Y, con số lên tới gần 68.000 bảng. Nguồn thu từ sinh viên quốc tế chiếm 1/5 thu nhập của nhiều đại học.

    Việc tăng yêu cầu chứng minh tài chính được chính phủ đưa ra hồi tháng 5, dù lượng đăng ký thị thực du học giảm. Trong quý I, số đơn xin thị thực là 34.000, ít hơn 27% so với cùng kỳ hai năm trước.

    Nhà chức trách cũng đề xuất hạn chế các khóa học từ xa và quản lý chặt hơn việc tuyển sinh viên quốc tế thông qua đại lý môi giới. Việc này nhằm trấn áp các đại lý lừa đảo, đảm bảo du học sinh đến Anh vì mục đích học tập, không lợi dụng con đường này để nhập cư.

    Hồi giữa năm ngoái, du học sinh bị hạn chế đưa người thân nhập cảnh, không được chuyển sang visa việc làm trước khi tốt nghiệp. Đầu năm nay, chính phủ yêu cầu họ phải kiếm được 38.700 bảng mỗi năm, thay vì 26.200 bảng như trước, nếu muốn xin visa lao động tay nghề cao (ở lại 5 năm). Trong khi đó, Đại học danh tiếng Oxford trả lương cho nghiên cứu viên sau tiến sĩ chỉ 36.000 bảng (bậc đầu tiên).

    Lợi thế của du học Anh là thời gian lấy bằng cử nhân khoảng ba năm, ít hơn một năm so với ở các quốc gia khác. Tương tự, chương trình thạc sĩ chỉ kéo dài một năm, thay vì hai năm. Nhóm ngành học được yêu thích nhất ở đây là Kinh doanh và Quản lý, thu hút hơn 1/3 tổng số sinh viên quốc tế.

    VnExpress (theo The Pie, Gov.uk)

  • Chính phủ dự kiến tăng yêu cầu chứng minh tài chính, có thể cả năng lực tiếng Anh của sinh viên quốc tế, nhằm ngăn chặn việc lợi dụng du học để nhập cư.

    Thông tin được Bộ trưởng Nội vụ và Giáo dục Anh đưa ra chiều 23/5, nhưng không nêu mức cụ thể.

    Hiện tại, số tiền mà du học sinh cần có trong tài khoản tương ứng với học phí và sinh hoạt phí một năm học (9 tháng), tùy trường và khu vực. Số này đã trừ các loại học bổng và khoản đặt cọc nộp cho trường, thường khoảng 1.300 bảng (42 triệu đồng) một tháng. Về tiếng Anh, yêu cầu là trình độ B1 trở lên trong Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu.

    Các khóa học từ xa cũng bị hạn chế, đảm bảo du học sinh chủ yếu tham gia học trực tiếp.

    Ngoài ra, nhà chức trách quản lý chặt hơn việc tuyển sinh viên quốc tế thông qua đại lý môi giới ở các trường. Tuy nhiên, việc rà soát các chương trình thị thực việc làm sau tốt nghiệp (Graduate Route) vốn được dự kiến từ cuối năm ngoái sẽ tạm hoãn.

    Theo chính phủ Anh, những chính sách này nhằm trấn áp các đại lý lừa đảo, đảm bảo du học sinh đến Anh vì mục đích học tập, không lợi dụng con đường này để nhập cư.

    "Vì thị thực du học được chuyển trực tiếp sang thị thực việc làm sau tốt nghiệp nên cần phải hành động ngay lập tức", Bộ Nội vụ cho biết.

    anh tang muc chung minh tai chinh
    Khuôn viên Đại học Glasgow, Anh. Ảnh: University of Glasgow Fanpage

    Các đề xuất mới được đưa ra giữa lúc lượng đăng ký thị thực (visa) du học Anh trong quý I là 34.000, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Số đơn của người nhà du học sinh cũng giảm, từ 23.800 xuống còn 6.700. Tuy vậy, Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly cho biết vẫn cần áp dụng quy định chặt chẽ hơn để "đảm bảo các tuyến đường nhập cư không bị lạm dụng".

    Chính phủ Anh có nhiều động thái siết visa du học sinh, từ tháng 5 năm ngoái. Sinh viên quốc tế bị hạn chế đưa người thân nhập cảnh, không được chuyển sang visa việc làm trước khi tốt nghiệp. Từ đầu năm 2024, họ phải kiếm được 38.700 bảng (hơn 49.000 USD), thay vì 26.200 bảng như trước, nếu muốn xin visa lao động tay nghề cao (được ở lại 5 năm).

    Anh được coi là một trong những cường quốc du học, thu hút khoảng 680.000 du học sinh trong năm học 2021/22. Chi phí bậc cử nhân với sinh viên quốc tế hiện khoảng 22.000 bảng (gần 27.500 USD), cao gấp đôi so với mức 9.250 bảng của sinh viên trong nước. Với ngành Y, con số lên tới gần 68.000 bảng. Một số cuộc khảo sát cho thấy nguồn thu từ sinh viên quốc tế chiếm 1/5 thu nhập của nhiều đại học.

    VnExpress (theo Gov.uk, The Guardian)

  • Nhiều người vẫn mặc định, du học Anh Quốc sẽ cực kỳ tốn kém và đắt đỏ. Thực tế như thế nào? Chi phí du học Anh Quốc từ A-Z mất khoảng bao nhiêu? Dưới đây là thông tin chi tiết, mới nhất để bạn và gia đình có dự toán phù hợp, hiện thực hóa giấc mơ du học Anh Quốc.

    Du học Anh Quốc cần bao nhiêu tiền?

    Du học Anh Quốc là mục tiêu và mơ ước của không ít học sinh, sinh viên Việt Nam. Đây là cơ hội để bạn được học tập, trau dồi kiến thức ở quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới. Đồng thời, mở ra chân trời tương lai rộng lớn, cơ hội định cư tại quốc gia đáng sống.

    Giấc mơ du học Anh Quốc không còn quá xa vời, bởi chi phí du học Anh không hề đắt đỏ như bạn tưởng. Chi phí này sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào việc bạn chọn học tập ở quốc gia nào, bậc học, ngành học, trường học nào?

    Vương quốc Anh có 4 quốc gia đơn lẻ là: Anh Quốc, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland. Mỗi quốc gia có mức chi phí du học khác nhau. Thông thường, các khóa học về khoa học, xã hội, nhân văn thường có chi phí “mềm” các ngành y dược, kinh tế, luật, hay MBA.

    Trung bình, chi phí học tập, sinh hoạt, đi lại... cho một du học sinh khi theo học tại Anh dao động trong khoảng từ 22.000 – 25.000 bảng Anh (650 – 750 triệu đồng/năm).

    chi phi du hoc Anh 2024

    Thống kê chi tiết các khoản chi phí cần chuẩn bị khi đi du học Anh Quốc

    Câu trả lời cho câu hỏi du học anh quốc cần bao nhiêu tiền?

    Khi du học tại Anh quốc, du học sinh cần chi trả học phí cùng các khoản chi phí sau đây:

    + Học phí

    Du học Anh Quốc, sinh viên sẽ chỉ mất từ 3 - 5 năm để hoàn thành chương trình Cử nhân và khoảng 1 - 2 năm để sở hữu tấm bằng Thạc sĩ. Như vậy, bạn có thể tiết kiệm được từ 1-2 năm chi phí ăn ở, học phí... so với khi đi du học tại các quốc gia khác.

    Tùy thuộc vào từng bậc học (Anh ngữ, dự bị đại học, cử nhân chuyển tiếp, đại học, cao học...) thời gian học, học phí du học Anh Quốc dao động từ 12.500 – 49.500 bảng Anh/năm. (1 bảng Anh = 31.490 đồng).

    Mức chi phí trên đã bao gồm tiền mua sách vở, tài liệu học tập, sử dụng các phòng chức năng, hệ thống máy tính, trang thiết bị học tập hiện đại tại trường.

    + Chi phí lưu trú

    Chi phí nhà ở tại Anh Quốc sẽ có sự dao động, tùy thuộc vào việc bạn ở tại ký túc xá của trường, ở cùng người bản xứ hay thuê căn hộ riêng. Chi phí nhà ở tại Anh dao động từ 350 – 900 bảng Anh /tháng (khoảng 11 - 26 triệu đồng).

    Lưu trú tại ký túc xá, khu nhà ở nội trú của trường sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí.

    + Chi phí ăn uống

    Chi phí thực phẩm và hàng tiêu dùng cũng khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu và thói quen chi tiêu của từng cá nhân. Trung bình, mỗi du học sinh sẽ mất khoảng từ 150 - 300 bảng Anh/tháng cho chi phí ăn uống, mua sắm.

    + Chi phí di chuyển

    Nếu lựa chọn lưu trú tại ký túc xá nhà trường hay khu vực lân cận trường học, bạn sẽ tiết kiệm kha khá chi phí di chuyển.

    Với các sinh viên sống ở khu vực ngoài London, xe bus là hình thức di chuyển phổ biến nhất. Bạn sẽ mất khoảng 45 bảng Anh/tháng nếu sử dụng thẻ xe bus dành cho sinh viên.

    + Chi phí bảo hiểm

    Với các du học sinh theo học chương trình kéo dài hơn 6 tháng tại Anh Quốc, bạn cần có bảo hiểm y tế dành cho du học sinh. Chi phí bảo hiểm là khoảng 624 bảng Anh/năm.

    + Phí khám sức khỏe

    Để theo học chương trình kéo dài trên 6 tháng tại Anh Quốc, du học sinh cần có chứng nhận sức khỏe đạt yêu cầu. Chi phí cho một lần khám là 105 USD. Bạn sẽ được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong vòng 6 tháng nếu có sức khỏe đủ tiêu chuẩn.

    + Phí xin visa du học Anh Quốc

    Mức phí xin visa du học Anh Quốc đối với sinh viên Việt Nam là khoảng 500 USD. Thời gian xét duyệt visa du học Anh thông thường là 15 ngày làm việc.

    Bí quyết tiết kiệm “hầu bao” khi đi du học Anh Quốc

    Du học Anh Quốc không quá đắt đỏ, nhưng đây cũng là quốc gia có mức sống, chi phí sinh hoạt cao trên thế giới. Vậy, để tiết kiệm chi phí, giảm bớt áp lực tài chính cho bản thân và gia đình, hãy tham khảo một vài bí quyết sau.

    + Xin học bổng

    Với những sinh viên có điểm số học tập cùng chứng chỉ tiếng Anh xếp hạng cao, học phí du học Anh sẽ “mềm” hơn nếu bạn “săn” được học bổng.

    Hiện tại, các trường đại học tại Anh luôn có học bổng dành cho sinh viên quốc tế, giá trị lên đến 2.000 – 5.000 bảng Anh, chiếm đến 30% - 100% học phí.

    + Chọn trường có mức học phí phù hợp

    Anh Quốc có nhiều trường đại học, cao đẳng với nhiều chương trình học, thời gian học khác nhau. Bạn có thể khoanh vùng ngôi trường với chương trình học và mức học phí phù hợp với bản thân để theo học.

    + Tự nấu ăn tại nhà

    Thay vì đi ăn tại các nhà hàng, quán sá, bạn có thể chọn nấu ăn tại nhà để tiết kiệm chi phí. Ban đầu, du học sinh sẽ mất một khoản kha khá đầu tư cho dụng cụ bếp, mua nguyên liệu... Nhưng dù sao về lâu dài, đây vẫn là phương án tiết kiệm nhất, so với đi ăn ở ngoài hay “order” thức ăn sẵn.

    + Ở nội trú, sống cùng người bản địa

    Thay vì thuê nhà/căn hộ bên ngoài, một cách để tiết giảm chi phí khi du học Anh Quốc chính là đăng ký ở tại ký túc xá của trường hoặc sống cùng người bản địa.

    + Tận dụng tối đa trang thiết bị, tư liệu học tập tại trường

    Học phí tại các ngôi trường mà bạn theo học đã bao gồm chi phí sử dụng phòng chức năng, thư viện, tư liệu... Hãy tận dụng tối đa trang thiết bị, dụng cụ học tập tại trường để tiết kiệm chi phí. Bạn cũng có thể lên thư viện nhà trường để mượn sách, tài liệu học tập hoặc tìm đến các tiệm sách cũ.

    Theo baothanhhoa

  • Nhiều cha mẹ coi chuyện cho con du học nước ngoài là một cuộc 'đầu tư' nên nếu ra trường không kiếm được nhiều tiền sẽ bị xem là lỗ.

    Mấy ngày qua, tôi đọc được nhiều ý kiến về lợi ích của việc đi du học. Trước hết, tôi nhận thấy đa phần chúng ta đều hiểu rằng không phải cứ du học là tài giỏi, kiếm nhiều tiền, mà quan trọng hơn cả là trải nghiệm và tầm nhìn. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Cũng có một số người còn cho rằng, du học là sự đầu tư nên nếu không kiếm ra tiền thì đó là "lỗ". Theo tôi, những người này không phải là không có tầm nhìn, mà là họ đặt việc đi du học vào hệ quy chiếu khác mà thôi.

    Là một người từng đi du học, tôi xin chia sẻ trải nghiệm cá nhân mình, mong đóng góp ý kiến vào bức tranh chung. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cấp hai học trường thường, cấp ba học trường chuyên (tự ôn, tự thi), rồi vào được một Đại học có tiếng, đi làm nhà nước, lương trung bình. Sau đó, tôi lấy học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ ở nước ngoài (nhưng không giống ngành học ở Việt Nam), xin được việc làm (đúng chuyên ngành đã học) và định cư lại bằng con đường lao động (không phải theo cách kết hôn giả hay mở doanh nghiệp).

    dau tu cho giao duc

    Tôi xuất thân trong một gia đình nghèo, không ai kỳ vọng, không ai đầu tư, cũng không ai cần bằng cấp để khoe, nhưng cũng nghèo đến mức tôi phải kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nếu tôi không có học bổng, tôi cũng sẽ không đi du học, và cũng không cần cố lao động kiếm tiền để gửi về quê nhà ăn chênh lệch. Nhìn chung, tôi thuộc nhóm du học sinh "phổ biến", không có gì đặc biệt ngoài việc tôi tự kiếm được học bổng toàn phần - thứ duy nhất đem lại cho tôi mỹ danh "du học sinh".

    Hiện tại, tôi làm đúng nghề mình yêu thích. Có điều, nghề này không phát triển ở Việt Nam, nên nếu về nước, tôi sẽ lại đi làm lương ba cọc ba đồng. Còn ở đây, mức lương của tôi đủ sống, có thể mua nhà trả góp, đi du lịch đều đặn, không đến mức giàu có nhưng nói chung là đầy đủ. Tôi vốn là người không quan trọng tiền bạc, nên trước đây làm nhà nước hay bây giờ nếu về Việt Nam với mức lương trung bình, tôi cũng sẽ không phàn nàn hay than thở. Tuy nhiên, tôi đã nỗ lực để xin học bổng và hiện tại vẫn tiếp tục ở lại nước ngoài làm việc.

    Cách đây 10 năm, tôi quyết đi du học vì: Thứ nhất, tôi muốn trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn khác, thứ mà tôi sẽ không thể có nếu không đi. Thứ hai, tôi muốn học cách làm việc chuẩn quốc tế. Thứ ba, tôi muốn có tầm nhìn khác. Thời điểm đó tầm nhìn của tôi rất kém cỏi, dù học trường chuyên, đại học "xịn", làm cơ quan trung ương, nhưng kỹ năng sống của tôi rất kém, đối nhân xử thế không ổn, trong lòng bất an không rõ nguyên nhân, còn tham danh, sân si, hay so sánh, cũng có lúc đố kỵ người khác, hùa theo số đông mà không suy nghĩ, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không tính đến lâu dài, cũng có phần an phận, sợ sự khác biệt...

    Học xong, tôi xin việc làm ở lại vì: Thứ nhất, tôi sẽ không tìm được việc đúng ngành học ở Việt Nam. Thứ hai, tôi muốn tiếp tục trải nghiệm vì bắt đầu thích môi trường phương Tây. Thứ ba, gia đình không cần tôi trở về do bố mẹ có anh chị khác ở gần chăm sóc. Như vậy, lý do ở lại của tôi cũng không liên quan đến kiếm tiền hay địa vị.

    Sau tám năm làm việc, đến nay, mục tiêu "tầm nhìn" của tôi mới được hoàn thành. Nếu chỉ đi du học 1-2 năm rồi về thì chắc chắn không đủ để thay đổi tầm nhìn, ít nhất là đối với tôi. Có thể, với nhiều bạn, đi du học sớm hơn, lâu hơn, chịu khó lập các mối quan hệ, sẽ có thể tiếp thu tầm nhìn nhanh hơn tôi.

    Mười năm ở phương Tây mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích: Về tâm hồn, tôi dũng cảm hơn, không sợ sai, không sợ thất bại, không lo người khác nghĩ gì về mình, bớt so sánh, bớt sân si, chấp nhận sự khác biệt, đối xử với người hơn mình hay kém mình đều hợp lý hơn, bình an trong tâm, biết quan tâm và nhân ái hơn trước...

    Về công việc, tôi làm việc theo chuẩn quốc tế, làm ngành mình yêu thích dù ngành đó không phát triển ở Việt Nam. Tôi vẫn làm nhân viên, chưa lên chức quản lý nhưng cũng không muốn tranh đấu vì bản thân thích làm chuyên môn. Nhưng tôi cũng biết, để lên cấp quản lý, tôi phải giỏi ngoại ngữ hơn nữa và phải có mối quan hệ lớn hơn nữa, phải tự tin, phong thái thu hút... Đó là những thứ mà tôi không hề được trau dồi khi ở Việt Nam, nên 10 năm cũng là chưa đủ để lột xác.

    Hiện, tôi bằng lòng với vị trí hiện tại của mình. Lương của tôi đủ tiêu xài, cao hơn một chút so với công nhân lâu năm lành nghề. Để phát triển sự nghiệp, tôi vẫn học đều, học thêm các chứng chỉ chuyên môn. Ỏ đây, tôi không ngại học, không ngại bị người ta chê là học nhiều quá, học đến già.

    Về môi trường sống, phải nói là ở đây rất tốt, khí hậu trong lành, thực phẩm sạch, giáo dục tiên tiến, không bao giờ phải lo lắng khi gửi con đến trường; đi lại, vui chơi, rất yên tâm, an toàn. Điều này nếu ai không sống đủ lâu ở nước ngoài thì có lẽ cũng không cảm nhận được hết. Đồng nghiệp trong nước của tôi, rất nhiều người xuất thân giàu có, bản thân tài giỏi, tháo vát, họ ngày càng giàu có hơn tôi, con cái của họ học những trường quốc tế danh tiếng ở Việt Nam. Nhưng tôi biết tôi có những thứ mà dù họ có rất nhiều tiền cũng không mua được.

    Mặt trái của cuộc sống du học có lẽ chỉ là việc phải xa gia đình, và cần nhiều thời gian hơn để hiểu văn hóa mới. Đổi lại, tôi có nhiều bạn bè và đồng nghiệp quốc tế. Dù không thể khẳng định họ là người tốt nhưng ít nhất bề ngoài thì 100% họ lịch sự và sẵn sàng giúp đỡ tôi nếu có thể. Tất nhiên, trường hợp của tôi chỉ là cá nhân đơn lẻ, không đại diện cho tất cả. Nhưng tôi dám khẳng định, đi du học mở ra nhiều cơ hội hơn so với việc ở trong nước.

    Thành công hay tiền bạc, nhiều hay ít, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bao gồm kỳ vọng của mỗi người. Có những người không quan trọng tiền bạc như tôi sẽ thấy có đi du học hay không thì lương cũng chỉ ở mức trung bình, đó không phải giá trị lớn nhất mà du học mang lại. Thế nên, tôi mong các bố mẹ không nên dùng từ "đầu tư" cho con đi du học nữa, vì nó hay bị liên tưởng đến chuyện lỗ, lãi, tiền bạc. Trong khi giá trị của một người trưởng thành, được học hành giáo dục đầy đủ, không phải lúc nào cũng đo được, để tính lỗ hay lãi.

    Theo VnExpress

  • Câu chuyện con đòi cầm 10 triệu du học đang trở thành chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. Có người chê trẻ nhỏ viển vông, có người lại khuyên nên ủng hộ quyết tâm của trẻ.

    cam 10 trieu du hoc
    Học tập tại những quốc gia phát triển là ước mơ của nhiều người. Ảnh: Pexels

    “Dù đã phân tích rất nhiều, cháu vẫn khăng khăng không chịu, cứ đòi phải đi du học dù thu nhập cha mẹ chỉ 30 triệu đồng/tháng. Cháu nói sẽ kiếm học bổng 100% rồi đi làm thêm, bố mẹ chỉ cần chu cấp 10 triệu đồng/tháng là được."

    Đó là tâm sự của một người mẹ trên một diễn đàn phụ huynh, khi con chị khăng khăng đòi đi du học Mỹ dù gia đình không đủ điều kiện.

    Nhiều năm nay, được học tập tại những quốc gia phát triển vẫn là ước mơ của nhiều học sinh, sinh viên tại Việt Nam. Thế nhưng, câu chuyện tài chính vẫn là một trong những nguyên nhân cản bước của nhiều gia đình.

    Con muốn du học nhưng cha mẹ không có nhiều tiền

    Trong bài viết của mình, nữ phụ huynh nói trên chia sẻ con gái của chị đang học trường chuyên. Em này có ước mơ đi du học Mỹ, đang học SAT, lực thi khoảng 1.500 điểm, IELTS 7.5.

    Dù rất mừng vì con có ước mơ và đang cố gắng thực hiện, nữ phụ huynh vẫn rất trăn trở bởi 2 vợ chồng đều là công chức, thu nhập chỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng và nuôi 3 con.

    Vì vậy, chị đã phân tích cho con gái lớn hiểu rằng điều kiện kinh tế gia đình không thể chu cấp nếu con đi du học, con có thể học đại học top đầu trong nước, sau đó du học bậc thạc sĩ.

    Tuy nhiên, nữ sinh vẫn khăng khăng không chịu, đòi phải đi du học. Mỗi tháng bố mẹ chỉ cần chu cấp cho em 10 triệu đồng, còn lại, em sẽ kiếm học bổng 100% và đi làm thêm.

    Tâm sự với Znews, H.M. (27 tuổi, sống ở Hà Nội) cho biết cô cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Gần 4 năm nay, do gia đình gặp biến cố, M. một mình nuôi em (sinh năm 2007). Từ đầu năm lớp 10, em trai của M. cũng ấp ủ dự định du học Mỹ hoặc Canada.

    H.M. cho biết em trai của cô học khá tốt, giỏi tiếng Anh nên cũng đặt mục tiêu đến Mỹ theo đuổi ngành Quản trị kinh doanh. Giống như vị phụ huynh trong câu chuyện trên, M. cũng đau đầu vì sợ rằng thu nhập hiện tại của bản thân chưa đủ để chu cấp cho em du học.

    Nhiều lần, M. và em trai căng thẳng vì vấn đề này. Cô cũng phân tích cho em hiểu rằng thu nhập của cô không quá cao (chỉ dao động trong khoảng 25-35 triệu đồng/tháng, tùy mức thưởng doanh số hàng tháng).

    Bốn năm một mình nuôi em cũng khiến khoản tiền tiết kiệm của M. hao hụt đi nhiều. Cô sợ đến sang năm, nếu em trai thực sự trúng tuyển đại học Mỹ, cô sẽ không kịp xoay xở để lo cho em đi học.

    “Em mình quyết tâm du học mình cũng mừng lắm chứ vì ít ra em có mục tiêu, định hướng cụ thể. Nhưng vì thế mà mình cũng lo, vì chi phí du học Mỹ, Canada cao quá. Giả sử, em có được học bổng 100%, mình vẫn phải kham thêm rất nhiều chi phí khác như visa, tiền sinh hoạt, tiền mua tài liệu học tập…”, H.M. bày tỏ sự lo lắng.

    Tối thiểu phải có 50.000-80.000 USD/năm

    Trao đổi với Znews, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Lê Đình Hiếu tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), chuyên gia cao cấp từ Tổ chức Giáo dục MAX Education, cho biết câu chuyện một bạn trẻ khao khát đi du học là rất phổ biến ở Việt Nam.

    Với kinh nghiệm gần 10 năm sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc tại Mỹ, anh Hiếu nhận định đây là đất nước có chi phí cực kỳ đắt đỏ.

    Về học phí, với hệ thống hơn 4.000 cơ sở giáo dục sau trung học (2.500-2.700 cơ sở giáo dục đại học), mức chênh lệch học phí giữa các trường cũng rất lớn. Trung bình mỗi năm, du học sinh sẽ phải chi 10.000-70.000 USD cho học phí.

    Về sinh hoạt phí, anh Hiếu cho biết con số sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố vùng miền, dao động khoảng 8.000-20.000 USD/năm.

    “Như vậy, mỗi năm, tính riêng học phí và sinh hoạt phí, các em cần có 15.000-90.000 USD. Trong trường hợp có học bổng 100% học phí, các em vẫn phải chuẩn bị phí sinh hoạt và các chi phí phát sinh", anh Hiếu nói.

    Vị chuyên gia không phủ nhận vẫn có trường hợp sinh viên nhận học bổng toàn phần (bao gồm học phí, sinh hoạt phí…) từ các trường đại học Mỹ.

    Tuy nhiên, con số này là rất ít và mức độ cạnh tranh cho những suất học bổng này cũng rất lớn. Đa số, các trường đại học đều cấp học bổng theo phần trăm.

    Ngoài học phí và sinh hoạt phí, du học sinh và gia đình cũng cần lường trước các chi phí phát sinh như chi phí liên quan đến y tế (5.000-15.000 USD/năm), chi phí học tập (1.000-1.400 USD/năm), chi phí đi lại (1.000-1.500 USD/năm)...

    Bên cạnh đó, du học sinh Mỹ cũng bị hạn chế làm thêm. Nếu có, các em chỉ được phép làm không quá 20 giờ/tuần và chỉ được làm các công việc trong trường đại học.

    Cộng dồn các chi phí trên, phụ huynh và học sinh sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về chi phí du học Mỹ.

    Trong câu chuyện của nữ phụ huynh nói trên, anh Hiếu cho rằng nếu gia đình chu cấp 10 triệu đồng/tháng (tương đương hơn 400 USD) và nữ sinh này đi làm thêm công việc có mức lương tạm ổn (khoảng 5.000 USD/năm), con số này cũng chỉ vừa đủ cho chi phí sinh hoạt. Đó là trong trường hợp em được cấp học bổng 100% học phí.

    “Về cơ bản, gia đình nên chuẩn bị tối thiểu 50.000-80.000 USD/năm để việc du học của con không bị gián đoạn. Việc chuẩn bị tài chính này cần được chuẩn bị từ sớm, ít nhất một năm trước khi con đi du học", anh Hiếu nói và nhận định nếu thu nhập gia đình thuần 30 triệu đồng/tháng, không có tiền để dành và các tài sản khác, sẽ là khó khăn nếu du học Mỹ.

    Ủng hộ con nhưng cũng cần minh bạch

    Bàn về trường hợp con khăng khăng đòi du học dù cha mẹ không đủ điều kiện, bà Phạm Chi, chuyên viên hướng nghiệp, thạc sĩ Tâm lý học đường, nói rằng cha mẹ có thể khuyến khích con theo đuổi ước mơ, nhưng cũng cần minh bạch với con một số vấn đề.

    Theo bà, khi con được quyền tự ra quyết định cho việc học tập của bản thân, các em sẽ cân nhắc kỹ hơn, quyết tâm học tập hơn. Chưa kể, việc để trẻ tự quyết định cũng là cách để các em học kỹ năng tự ra quyết định và chịu trách nhiệm với chính mình.

    Nếu trẻ vẫn quyết tâm đi du học với 10 triệu đồng/tháng, bà Chi đề xuất điều thứ nhất, cha mẹ xác định rõ tinh thần với con là nếu con muốn, cha mẹ sẽ cho đi và cha mẹ chỉ chu cấp đúng số tiền đó, còn lại con sẽ tự lo, không được đòi hỏi thêm.

    Nếu con quyết tâm xin học bổng 100%, trong thời gian ở Việt Nam, cha mẹ sẽ giúp con về mặt tài chính trong điều kiện có thể.

    Điều thứ 2, cha mẹ hãy cùng con bàn phương án dự phòng, “nếu không đi Mỹ được thì sao, phương án tiếp theo của con là gì?”.

    Khi trò chuyện cùng con, cha mẹ cần thẳng thắn đặt ra những câu hỏi. Bà Chi tin rằng khi cùng con bàn phương án dự phòng, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm hơn và cũng cảm thấy bản thân được gia đình tôn trọng.

    “Cha mẹ cứ minh bạch chuyện tài chính với con và xác định rõ tinh thần nếu con trượt du học Mỹ thì phải tìm phương án thay thế ngay. Tôi tin với những bạn quyết tâm du học, các bạn sẽ còn có nhiều cơ hội khác vì hồ sơ cá nhân, hồ sơ năng lực của các bạn rất đẹp”, bà Chi nhấn mạnh.

    Có nhiều phương án để du học

    Chung quan điểm, chuyên gia Lê Đình Hiếu cũng khuyên gia đình có thể tìm đến những phương án khác. Thứ nhất, nữ sinh có thể chấp nhận học đại học hàng đầu ở Việt Nam, sau đó du học thạc sĩ như lời phụ huynh khuyên.

    “Thông thường, học bổng chính phủ dành cho bậc thạc sĩ nhiều hơn so với bậc cử nhân. Nếu các em tốt nghiệp trường top ở Việt Nam, cơ hội có học bổng cũng cao hơn", vị chuyên gia khuyên.

    Thứ 2, các em có thể lựa chọn học 2 năm đầu tại các trường cao đẳng cộng đồng ở Mỹ với chi phí thấp, chỉ bằng một nửa so với đại học. Sau 2 năm, các em có thể làm hồ sơ chuyển tiếp lên đại học và lấy bằng cử nhân của đại học đó. Tại Mỹ, đây là chuyện rất bình thường. Thậm chí, nhiều đại học Mỹ dành ra lượng lớn cơ hội cho sinh viên học chuyển tiếp.

    Thứ 3, học sinh có thể đăng ký các chương trình liên kết tại các trường đại học ở Việt Nam. Hiện có rất nhiều đại học liên kết với các trường nước ngoài, không riêng gì Mỹ, phổ biến là chương trình 3+1, 2+2. Nghĩa là các em học những năm đầu ở Việt Nam, các năm sau học tại các trường liên kết.

    Thứ 4, anh Hiếu thông tin nhiều trường đại học Mỹ có các cơ sở đặt tại nước ngoài. Các em có thể lựa chọn học tại các cơ sở này với chi phí rẻ hơn rất nhiều.

    Theo ZNews

  • Bên cạnh những thị trường truyền thống, du học sinh Việt đang chuyển hướng quan tâm đến một số quốc gia ít nổi tiếng khác nhờ mức học phí chỉ từ vài chục triệu đồng mỗi năm cùng nhiều học bổng giá trị.

    du hoc mien phi 1
    Sự kiện quy tụ hơn 50 cơ sở giáo dục ĐH từ hơn 15 quốc gia. Ảnh: NGỌC LONG

    Tổ chức xếp hạng ĐH thế giới Times Higher Education cùng Trung tâm Tư vấn giáo dục quốc tế (Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT) chiều 25.10 tổ chức triển lãm du học thu hút hàng trăm người tham dự. Tại đây, các cơ sở giáo dục ĐH ở những thị trường du học "hiếm" người Việt như Phần Lan, Bỉ, Ireland, Lithuania... đã chia sẻ thêm về cơ hội học tập với mức chi phí thấp, thậm chí là miễn phí.

    Nhiều học bổng giá trị

    Điểm hấp dẫn của giáo dục Phần Lan, theo anh Lý Trần Minh Nghĩa, đại diện Tổ chức giáo dục Finest Future, là du học sinh Việt sẽ được miễn học phí từ bậc phổ thông đến giáo dục ĐH nếu chọn học bằng tiếng Phần Lan. Cụ thể, ứng viên không buộc phải có điểm học bạ cao mà chỉ cần đạt trình độ tiếng Phần Lan ở mức B1.1 và vượt qua vòng phỏng vấn với trường là có thể nhập học.

    Bà Jayanthi Thevarajah, Trưởng bộ phận Phát triển giáo dục khu vực Đông Nam Á tại Enterprise Ireland (Cơ quan xúc tiến thương mại của chính phủ Ireland), cho biết Ireland hiện là quốc gia nói tiếng Anh duy nhất trong Liên minh châu Âu. Nước này có mức học phí cạnh tranh, vào khoảng 9.850-25.500 euro/năm (255-661 triệu đồng) tùy nhóm ngành, trừ khoa học y và chăm sóc sức khỏe.

    du hoc mien phi 1
    Ireland là quốc gia có nhiều loại học bổng chính phủ cho sinh viên quốc tế, theo bà Jayanthi Thevarajah. Ảnh: NGỌC LONG

    "Chúng tôi cũng có đa dạng học bổng, từ cấp chính phủ đến cấp trường. Riêng ở quy mô chính phủ, chúng tôi có 3 loại học bổng toàn phần nổi bật là học bổng giáo dục quốc tế của chính phủ Ireland, học bổng thạc sĩ do Bộ Ngoại giao Ireland quản lý và học bổng sau ĐH do Hội đồng Nghiên cứu Ireland quản lý", bà Thevarajah chia sẻ.

    Tại Lithuania, bà Ilona Kazlauskaitė, Trưởng phòng hợp tác quốc tế ĐH Vytautas Magnus, cho biết trường có nhiều loại học bổng, giá trị từ 25%, 50%, 75% và thậm chí là 100% học phí. Riêng học bổng 100%, ứng viên phải cực kỳ giỏi và tài năng, có nhiều thành tích học thuật cũng như tham gia hoạt động thiện nguyện. "Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong diện ưu tiên", bà Kazlauskaitė nhận định.

    Trong khi đó, ở Romania, đại diện Trường ĐH Tây Timișoara cho biết có 15 suất học bổng mỗi năm, trong đó cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ mỗi bậc đều có 5 suất. Học bổng gồm miễn học phí, miễn phí chỗ ở trong khuôn viên trường và cấp thêm sinh hoạt phí hằng tháng. "Để ứng tuyển, bạn cần có thành tích học thuật xuất sắc, thư động lực thuyết phục và thư giới thiệu tốt từ giáo viên hoặc giảng viên", người này cho hay.

    du hoc mien phi 1
    Đại diện một trường ĐH tư vấn cho học sinh về ngành nghề. Ảnh: NGỌC LONG

    Học phí thấp, cạnh tranh

    Một trong những ưu thế khác của Romania là các trường đều có mức học phí thấp, chỉ khoảng 2.000-3.000 USD/năm (49-73 triệu đồng), theo tiến sĩ Teodor Turcanu, đại diện Trường ĐH Bách khoa Bucharest. Ngoài ra, ứng viên cũng có thể nộp đơn xin học bổng toàn phần theo diện hiệp định giữa chính phủ Romania và Việt Nam, dành cho các bậc học từ cử nhân đến tiến sĩ.

    Tại Bỉ, ông Niels Matheve, Cố vấn chính sách tiếp cận quốc tế ĐH nghiên cứu KU Leuven, cho hay trường nỗ lực trao "học bổng" cho tất cả sinh viên bằng cách giữ học phí ở mức thấp, dao động từ 1.000-8.000 euro/năm (25-207 triệu đồng). Chưa kể, nếu sinh viên đạt điểm cực kỳ cao với thứ hạng ở top đầu, một số chương trình còn giảm học phí cho riêng sinh viên đó.

    "Hiện có hơn 100 du học sinh Việt trong tổng số 15.000 sinh viên quốc tế đang theo học tại trường. Ngoài chi phí thấp, chúng tôi cũng có nhiều loại học bổng khác nhau. Tuy nhiên, học bổng có số lượng khá ít trong khi trường giữ thứ hạng top 1 ở Bỉ nên mức cạnh tranh cực kỳ gay gắt", ông Matheve chia sẻ thêm.

    du hoc mien phi 1
    Chỉ từ 25 triệu đồng, du học sinh Việt đã có cơ hội tiếp cận nền giáo dục tại Bỉ, ông Niels Matheve nhận định. Ảnh: NGỌC LONG

    Bà Jana Hanskens, cán bộ tuyển sinh quốc tế ĐH khoa học ứng dụng Artevelde, thông tin thêm rằng chính phủ Bỉ cũng tài trợ cho giáo dục nên mức học phí được giữ ở mức hợp lý, như tại trường là 7.265 euro/năm (188 triệu đồng) với mọi ngành. Song, chi phí thấp hơn so với những thị trường du học phổ biến cũng là lý do trường không cấp thêm học bổng cho sinh viên.

    Ngoài châu Âu, Thái Lan cũng là điểm đến mới được nhiều du học sinh Việt quan tâm. Tiến sĩ Chawalit Kittichaikarn, Giám đốc chương trình cử nhân quốc tế tại ĐH Kasetsart, cho biết trường có mức học phí tương đương những cơ sở tư thục tại Việt Nam, từ 2.900-3.500 USD/năm (71-86 triệu đồng) tùy ngành nghề với bậc cử nhân và thấp hơn với bậc thạc sĩ, tiến sĩ, lần lượt là 2.500 USD (61 triệu đồng) và 2.300 USD (56 triệu đồng) mỗi năm.

    "Năm nay, nhân kỷ niệm 80 năm thành lập trường, chúng tôi cũng lần đầu ra mắt chương trình học bổng trao đổi dành cho sinh viên quốc tế kéo dài trong một học kỳ. Học bổng sẽ tài trợ học phí, phí ký túc xá và cấp thêm sinh hoạt phí trọn gói ở mức 34.000 baht (23 triệu đồng) mỗi sinh viên", tiến sĩ Chawalit Kittichaikarn thông tin.

    Theo Thanh Niên

  • Những khoản vay sinh hoạt gần như hết sạch sau khi trả tiền thuê nhà. 

    nha o sinh vien dat do 1
    Natalia Gromek, sinh viên Đại học Bristol, cho biết những sinh viên xuất thân từ tầng lớp lao động như cô đang bị khánh kiệt khi theo đuổi việc học ở các thành phố lớn. Ảnh: Handout

    Sinh viên đại học tại England chỉ còn lại 50p để sống mỗi tuần sau khi dùng khoản vay sinh viên để trả tiền thuê phòng. Giá thuê nhà đã tăng gần 15% trong 2 năm qua. 

    Bên cạnh khoản vay đóng học phí thì sinh viên còn được vay tiền để sinh hoạt phí. Nhưng khoản vay này chỉ vừa đủ để trả tiền thuê mà không dư ra đồng nào. Đây là kết quả khảo sát của Quỹ từ thiện nhà ở sinh viên Unipol và Viện chính sách Giáo dục cao học (Hepi).

    Giá thuê nhà ở sinh viên trung bình hàng năm ở England là khoảng £7,566, trong khi khoản vay sinh hoạt phí năm nay là £7,590. Như vậy sinh viên chỉ còn lại £24/năm để trang trải chi phí sống, tương đương 50p/tuần.

    Chỉ những học sinh nghèo nhất mới đủ điều kiện được cấp khoản vay maximum, nhưng lúc đó chi phí thuê nhà cũng lên tới 76% khoản vay. Trong khi theo nguyên tắc thì tiền thuê chỉ nên chiếm không quá 30% thu nhập. Trong nhiều trường hợp, bố mẹ cũng không có tiền hỗ trợ con cái.

    Báo cáo vừa được công bố vào hôm nay, 26/10/2023, khảo sát thị trường cho thuê nhà ở sinh viên tại 10 thành phố đại học lớn bên ngoài London và Edinburgh. Báo cáo nhận thấy sinh viên ở Bristol phải trả tiền thuê nhà cao nhất, lên tới £9,200/năm. 

    Exeter xếp thứ 2 với £8,559. Glasgow chứng kiến giá thuê nhà tăng mạnh nhất lên tới 20% trong 2 năm qua, hiện sinh viên phải trả tiền thuê tới £7,548/năm. Giá thuê cao nhất ở những thành phố thiếu nguồn cung nhà ở sinh viên. 

    Nottingham cũng chứng kiến giá thuê nhà tăng 15% lên £8,427, Leeds tăng gần 15% lên £7,627, Bournemouth tăng 11% lên £7,396. Liverpool, Cardiff và Sheffield là những thành phố có mức giá thuê dễ thở nhất. 

    Những sinh viên gặp khó khăn tài chính buộc phải lựa chọn những con đường kiếm tiền rủi ro, thậm chí là bất hợp pháp. Chẳng hạn lén cho thêm người đến ở trong căn nhà thuê của mình, làm thêm giờ, thậm chí bỏ luôn đại học. 

    Bên cạnh những sinh viên xuất thân nghèo khó, ngay cả sinh viên có gia cảnh trung lưu cũng phải đi vay nợ nần, khiến trải nghiêm học tập của các em thành bi kịch. 

    Natalia Gromek, 22 tuổi, theo học môn tâm lý tại Đại học Bristol, và vừa hoàn thành tấm bằng cao học. Cô cho biết: "Dù được cấp khoản vay tối đa, nhưng tôi không có bố mẹ giúp đỡ về mặt tài chính, tôi cảm thấy cuộc sống quá đắt đỏ".

    Cô phải làm thêm để kiếm tiền, và phải làm cả ngày. Điều này ảnh hưởng tới khả năng học tập của cô và Natalie luôn rơi vào tình trạng căng thẳng. 

    Nick Hillman, giám đốc Hepi, cho biết: “Chúng ta phải tăng khoản vay sinh viên ít nhất bằng với lạm phát. Về dài hạn, chúng ta cần tăng nguồn cung nhà ở sinh viên, bằng cách giảm lãi suất cho vay đối với các dự án nhà ở sinh viên". Chính phủ từng tăng 2.8% khoản vay sinh viên nhưng như vậy là chưa đủ.

    Viethome (theo Guardian)

  • Do thiếu phòng trọ bên ngoài trường học, sinh viên quốc tế tại London, Anh, phải chen chúc trong những nơi ở có điều kiện tồi tàn, giá đắt đỏ.

    Khi anh Nazmush Shahadat từ Bangladesh đến London, Anh, theo học ngành Luật, anh không có nơi nào để ở. Kí túc xá đại học quá đắt trong khi các nhà trọ bên ngoài trường học đã hết sạch chỗ. Cuối cùng Nazmush phải thuê một căn hộ 2 phòng ngủ với 20 người đàn ông khác.

    Họ chen chúc nhau trên những chiếc giường tầng giữa những bộ chăn ga ẩm mốc, đầy rệp. Những buổi tối, Nazmush chỉ ngủ chập chờn vì bị đánh thức bởi tiếng ồn từ bạn cùng phòng. Trên người anh vẫn còn lưu lại những vết rệp cắn.

    Trong vài tháng đầu, Nazmush không thể gọi video về cho gia đình vì không muốn mọi người thấy cuộc sống bên này. Phải mất nhiều thời gian và công sức, Nazmush mới tìm được một phòng trọ nhỏ và chuyển ra ở riêng. Anh nhận thấy việc tìm chỗ ở có giá phải chăng tại London là vô cùng khó, nhất là với sinh viên quốc tế vì họ thiếu giấy tờ cần thiết để thuê nhà.

    du hoc sinh anh nha tro
    Sinh viên quốc tế gặp khó khăn khi tìm nhà ở Anh.

    Tương tự, chị Giulia Tortoricei, 19 tuổi, đến từ Italy, hiện đang sống cùng 2 người bạn trong một căn nhà cho thuê. Ba người đã mất cả năm ngoái để tìm được căn phòng phù hợp.

    “Giá cho thuê nhà ở London quá đắt. Năm ngoái tôi đến đây mà không có chỗ thuê, phải ở nhờ nhà của một người bạn cả tháng trời. Việc tìm nhà ở London rất căng thẳng”, chị Giulia cho hay.

    Các trường đại học ở thủ đô London đang mở rộng với tốc độ cao hơn so với khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng địa phương. Điều này dẫn đến nhiều sinh viên quốc tế không thể tìm được phòng trọ hoặc thuê phải những nơi ở kém chất lượng. Nếu có thể thuê phòng trọ, sinh viên quốc tế cũng phải trả giá cao hơn sinh viên trong nước, gây áp lực lên khả năng tài chính của nhóm này.

    Bà Nehaal Bajwa, thành viên Liên minh Sinh viên quốc gia (NUS), cho biết: Sinh viên quốc tế nhiều khả năng phải thuê nhà mà không có hợp đồng, trả trước một số tiền lớn hoặc phải chấp nhận những điều kiện không phù hợp. Nếu không chấp thuận, họ sẽ trở thành người vô gia cư.

    Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh, cho biết: “Thu hút nhân tài quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho các trường đại học và nâng cao sự phát triển trong nước. Bộ Giáo dục khuyến khích các trường đại học, nhà cung cấp chỗ ở tư nhân xem xét nhu cầu phòng ở của sinh viên quốc tế và có biện pháp hỗ trợ phù hợp”.

    Không chỉ sinh viên quốc tế, sinh viên Anh cũng gặp khó khăn khi tìm nhà tại thủ đô. Nhiều người phải thuê phòng trọ ở xa trường, nằm ở ngoại ô thành phố nên việc di chuyển đến trường xa và tốn kém.

    Trước tình hình trên, các tổ chức sinh viên Anh đã kêu gọi chính phủ nói chung và chính quyền địa phương nói riêng kiểm soát giá nhà ở cho thuê ở mức phải chăng để mọi sinh viên đều có khả năng tiếp cận dịch vụ nhà ở. Bên cạnh đó, các trường đại học cần tăng cường sắp xếp chỗ ở cho sinh viên trước khi nhập học, hỗ trợ các em qua bộ phận lưu trú của trường.

    Theo Cơ quan Thống kê Giáo dục đại học (HESA), trong năm học 2015 - 2016, hơn 113.000 du học sinh theo học tại các trường ở thủ đô. Con số này đã tăng 59% lên gần 180.000 du học sinh vào năm 2020 - 2021. London cũng là thành phố có đông sinh viên quốc tế tại Anh.

    Giaoducthoidai (theo BBC)

  • Giá thuê nhà ở Anh khoảng 15-30 triệu đồng mỗi tháng, tùy vị trí và loại phòng, du học sinh cần cân nhắc ưu - nhược cũng như đọc kỹ hợp đồng trước khi thuê.

    Nguyễn Phương Anh hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Quy hoạch và Quản trị hàng không, Đại học Nottingham, và quản trị trang Chevening Việt Nam - Học bổng chính phủ Anh của Đại sứ quán Anh, với hơn 10.000 thành viên.

    Theo Phương Anh, du học sinh có thể tìm nhà qua nhiều nguồn như website của trường, nếu ở ký túc xá; các đại lý, ký túc xá tư nhân; hội nhóm sinh viên tại nơi học hoặc người quen ở Anh.

    Tiền thuê nhà chiếm khoảng 50% chi phí sinh hoạt hàng tháng của du học sinh. Giá thuê trung bình ở London là 500-1.000 bảng (gần 15-30 triệu đồng) một phòng, phụ thuộc vào cơ sở vật chất và khu vực sống (zone). London được chia thành 9 zone, khu 1, 2 là trung tâm nên giá thuê sẽ đắt hơn. Nếu ở các thành phố khác, với khoảng 500 bảng mỗi tháng là du học sinh có thể tìm được nhà.

    Giá nhà thường tính theo tuần, nên người thuê cần nhân với 52 tuần rồi chia cho 12 tháng nếu muốn tính mỗi tháng cần trả bao nhiêu tiền.

    thue nha du hoc sinh anh 1
    Phương Anh trong chuyến đi chơi ở Peak District, Anh, hồi tháng 7. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    4 kiểu nhà cho sinh viên thuê ở Anh:

    Ký túc xá của trường: Đây là lựa chọn an toàn, thường được các du học sinh nghĩ đến đầu tiên nếu không có nhiều kinh nghiệm hay không muốn mất thời gian.

    Ưu điểm của ký túc xá là thường nằm trong khuôn viên trường, xuống tầng là thư viện, hợp đồng rõ ràng, môi trường an toàn, lành mạnh, nội thất, dịch vụ đầy đủ, có thể chọn tự nấu ăn hoặc có bữa ăn sẵn. Đây cũng là môi trường tốt để giao lưu với bạn bè quốc tế.

    Nhược điểm của ký túc xá là đắt hơn so với thuê ngoài và diện tích thường chỉ 9-12 m2 mỗi phòng đơn. Nếu muốn ở ký túc xá trường, bạn cần lưu ý hạn nộp đơn để tránh hết phòng.

    Ký túc xá tư nhân: là loại nhà trọ xây dành riêng cho sinh viên, nhưng không thuộc quản lý của trường đại học nào. Do đó, bạn cùng nhà của bạn có thể học bất cứ trường nào loanh quanh.

    Nhược điểm lớn nhất của ký túc xá tư nhân là giá cao hơn so với những loại hình khác. Bù lại, bạn có thể tìm nhà một cách nhanh chóng, an toàn. Ngoài ra, những khu vực sinh hoạt chung như nhà bếp, hành lang luôn được dọn dẹp sạch sẽ.

    Thuê nhà riêng của người dân: Chủ nhà có thể là người bản địa, người nước ngoài, thậm chí người Việt ở Anh lâu năm. Tùy theo tình trạng căn nhà, bạn có thể ở chung với chủ hoặc không.

    Trong thời gian ở London, tôi từng thuê dạng phòng kiểu này. Một lần tôi ở chung nhà với chủ, còn một lần thì không. Ở Anh, cuộc sống riêng tư được coi trọng và mọi thứ được ghi rõ ràng trong hợp đồng nên bạn không cần lo lắng nhiều.

    Ưu điểm là giá phòng thường thấp hơn so với các loại hình khác. Ngoài ra, đây là cơ hội để trải nghiệm văn hóa đáng cân nhắc.

    Thuê nhà nguyên căn và ở chung một nhóm: Đây là lựa chọn phổ biến nhất. Bạn có thể chuyển đến một phòng trong căn hộ cùng với những người khác, hoặc cùng bạn bè, người quen của mình thuê riêng một căn.

    Nếu thuê nguyên căn nhà, bạn có một đặc quyền mà ba lựa chọn trên không có là được chọn người mình muốn ở cùng và chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, bạn cũng phải tự "gánh" tiền điện, nước, Internet, tự dọn dẹp nhà cửa. Ngoài ra, nếu ở cùng một nhóm sinh viên Việt Nam, dù có nhiều cái tiện, bạn cũng bỏ lỡ cơ hội được hòa mình vào môi trường quốc tế.

    thue nha du hoc sinh anh 1
    Phòng đôi ở zone 1 của London mà Phương Anh và bạn thuê với giá hơn 38 triệu đồng, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Sáu lưu ý khi thuê nhà:

    Các chi phí trong hợp đồng

    Phần này cần xác định rõ khi thuê nhà. Nếu mọi chi phí điện nước, ga, Internet đã bao gồm, bạn chỉ cần trả tiền nhà hàng tháng đúng ngày là xong. Nếu bạn không nấu cơm nhiều thì có thể cân nhắc chi phí này.

    Hai kiểu đại lý để thuê nhà

    Đại lý cũng là một kênh an toàn để tìm nhà. Có hai kiểu đại lý.

    Thứ nhất là chủ bất động sản, ví dụ các ký túc xá tư nhân. Họ xây với mục đích kinh doanh, có website, địa chỉ liên lạc và bộ phận marketing, quản lý riêng.

    Thứ hai, đại lý là trung gian kết nối người thuê và người cho thuê. Qua đại lý kiểu này sẽ mất thêm một khoản phí hoa hồng nhưng họ nhiều thông tin. Nếu có vấn đề gì, ví dụ chủ nhà không chịu trả tiền cọc, bạn cũng sẽ có một liên hệ để đòi.

    Thời hạn hợp đồng

    Hợp đồng thuê nhà ở Anh thường có thời gian 44 tuần hoặc 51 tuần. Thông thường, hợp đồng 51 tuần sẽ tốt hơn vì nếu bạn bắt đầu năm học từ tháng 9 mà thuê 44 tuần thì phải trả nhà tầm tháng 7. Đây là mùa thi, mùa khóa luận nên tìm nhà sẽ khá vất vả.

    Đọc kỹ hợp đồng và kiểm tra tình trạng nhà

    Trước khi thuê nhà, sinh viên phải đặt cọc khoảng 300 bảng (hơn 8,9 triệu đồng). Bạn có thể chuyển tiền từ Việt Nam qua các ngân hàng, hoặc nhờ người quen ở Anh chuyển khoản giúp.

    Đến nhận phòng, quản lý nhà sẽ đưa ra danh sách đồ đạc (tủ, bàn, ghế, chăn ga...) và đề nghị xem xét tình trạng phòng. Hãy kiểm tra kỹ đồ đạc xem có thiếu hoặc hỏng hóc hay không (tường bong tróc, nứt hay bẩn không...), rồi mới nhận nhà, tránh trường hợp bị trừ tiền đặt cọc sau này.

    Ưu điểm khi dùng chung bếp, nhà tắm

    Tùy điều kiện, nhu cầu và tính cách, bạn có thể cân nhắc thuê nhà chung bếp, nhà tắm hay riêng.

    Tôi không thích ở phòng studio (nhà bếp, nhà tắm riêng khép kín), vì phòng tầm 1.000 bảng mỗi tháng trở xuống khá nhỏ, sẽ ám mùi đồ ăn vào chỗ học và ngủ. Dùng chung bếp là lựa chọn tốt, vì nhà bếp thường rất rộng, tủ lạnh to. Hơn nữa, các bạn nước ngoài thường không nấu ăn và dùng nhiều đến bếp. Vì thế, bạn có thể mời bạn bè đến ăn uống thoải mái sau khi nói trước với bạn cùng nhà.

    Trước khi du học, tôi cũng ngại dùng chung nhà tắm, nhà vệ sinh khi ký túc xá có cả nam, nữ. Nhưng khi vào ở ký túc xá 10 người, chung hai nhà tắm, hai nhà vệ sinh, tôi thấy không vấn đề gì. Bạn đừng lo chuyện xếp hàng đi tắm mỗi ngày vì giờ tắm của các bạn nước ngoài thường là sáng sớm hoặc trưa hay tối muộn nên không trùng giờ.

    Bên cạnh đó, ở ký túc xá có người dọn dẹp không gian chung hàng tuần, thêm nước rửa bát và giấy vệ sinh thường xuyên. Đây cũng là một lợi thế cần cân nhắc, vì nhiều khi tình bạn đổ vỡ chỉ vì chuyện chia nhau cọ rửa nhà tắm.

    Thuê nhà gần trường, ga tàu

    Gần nghĩa là bạn có thể đi bộ đến trường, trong bán kính 2 km đi bộ khoảng 30 phút là ổn. Ở gần trường, bạn sẽ có những buổi sáng thanh thản, không cần phải chen qua tàu điện ngầm hay chờ xe bus. Trong khi nếu ở xa, bạn tốn thời gian và chi phí tàu xe. Khu quanh trường cũng an toàn, sạch sẽ hơn.

    Để tiết kiệm thời gian và hạn chế đi bộ một mình quá xa nếu về muộn buổi tối thì nhà thuê gần bến xe, tàu là điều cần cân nhắc.

    Nguyễn Phương Anh / VnExpress

  • Trong top 50 đại học tại Vương quốc Anh, 9 trường thu học phí khoảng 13.000 - 17.000 bảng Anh (370 - 480 triệu đồng) một năm, rẻ hơn so với mức trung bình 22.000 bảng (627 triệu đồng).

    Đây là những đại học hàng đầu Vương quốc Anh theo xếp hạng của US News. Những ngành học phí rẻ nhất tại đây là thường là Giáo dục, Truyền thông, Ngôn ngữ.

    Học phí rẻ nhất với sinh viên quốc tế là ở trường Y học Nhiệt đới Liverpool. Ngành Global Health (Sức khỏe toàn cầu) của trường này có học phí 12.900 bảng Anh (368 triệu đồng) một năm. Các ngành khác của trường như Sinh học bệnh Nhiệt đới, Bệnh nhiệt đới và Truyền nhiễm, Y tế công cộng thu học phí 23.000 bảng (khoảng 654 triệu đồng) mỗi năm.

    vnd
    Một tòa nhà trong khuôn viên Đại học Leicester, Anh. Ảnh: Univercity of Leicester

    Trường có mức học phí trung bình tốt nhất là Đại học Leicester với học phí 14.350 bảng (409 triệu đồng) cho tất cả ngành học. Tiếp đó là Đại học West Scotland, dao động 14.200 - 14.500 bảng Anh (khoảng 400 triệu đồng) một năm với ngành Giáo dục cộng đồng. Mức học phí cao nhất với sinh viên quốc tế trong số này thuộc về Đại học Loughborough với các khóa học về Khoa học máy tính, khoảng 27.250 bảng Anh (776 triệu đồng) một năm.

    Các trường còn lại thu học phí phổ biến ở mức 17.000 - 20.000 bảng Anh (480 - 570 triệu đồng) một năm. Hầu hết có chương trình học đa dạng, bao gồm cả Khoa học Xã hội, Kỹ thuật, Tài chính - Kế toán, Y sinh. Học phí nhiều trường được thông báo tăng 5% mỗi năm.

    truong dai hoc anh

    Về xếp hạng, đứng đầu là Đại học Leicester. Trường xếp thứ 24 trong top đại học tốt nhất Vương quốc Anh và thứ 217 trong bảng xếp hạng đại học toàn cầu của US News. Các trường còn lại trong top 400 - 600 thế giới. Nếu theo học các trường có thứ hạng cao hơn ở Vương quốc Anh, sinh viên quốc tế cần chi trả khoảng 30.000 - 45.000 bảng (850 triệu - 1,3 tỷ đồng) một năm.

    Ngoài học phí, du học sinh cần thêm ít nhất khoảng 1.300 bảng Anh (37 triệu đồng) cho chi phí sinh hoạt hàng tháng, mức này sẽ cao hơn nếu du học sinh theo học các trường ở thủ đô London.

    Du học đại học ở Vương quốc Anh thường đắt đỏ hơn so với các quốc gia châu Âu khác. Nhiều đại học ở Tây Ban Nha, Hà Lan, Na Uy, Phần Lan thu học phí 5.000 - 15.000 euro (125 - 370 triệu đồng) một năm với sinh viên quốc tế, nhiều nơi gần như miễn phí, tuy nhiên điểm hạn chế của các trường này là ít chương trình cử nhân học bằng tiếng Anh.

    VnExpress (theo US News)

  • Chao tiết lộ chi phí một tháng khi du học tại New York (Mỹ) là hơn 400 triệu đồng. Chi phí này bao gồm các khoản như: tiền nhà, ăn uống, tiền học phí, tiền mua sắm, tiền di chuyển…

    rich kid di du hoc 1
    Chao hiện đang du học tại Mỹ (Ảnh: NVCC).

    "Rich kid" Chao (tên thật là Nguyễn Châu Anh, sinh năm 2003) không còn là cái tên xa lạ với nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội. Chao nổi danh trên TikTok với những clip chia sẻ về cuộc sống sang chảnh khi còn ở Việt Nam. Theo đó, thời cấp 3, cô có tài xế đưa đón đi học bằng xe Porsche, mua kính cận với mức giá khoảng 30 triệu đồng, đeo túi Louis Vuitton 50 triệu đồng, nghỉ dưỡng ở khách sạn có mức giá 22 triệu đồng/đêm…

    Hiện tại, Chao đang theo học tại Đại học New York (Mỹ) với mức học phí lên đến 80.000 USD (khoảng 1,8 tỷ đồng) mỗi năm. Cô thi đỗ vào ngôi trường danh tiếng này nhờ bài luận và điểm IB (chứng chỉ Tú tài quốc tế) đạt 40/45. Mới đây, Chao tiếp tục khiến cư dân mạng choáng ngợp khi tiết lộ chi phí sinh hoạt du học Mỹ lên đến hơn 400 triệu/ tháng.

    rich kid di du hoc 1
    Dân mạng choáng ngợp trước chi phí du học mỗi tháng của Chao (Ảnh chụp màn hình).

    rich kid di du hoc 1
    Chao "khoe" cuộc sống sang chảnh bên trời Tây (Ảnh chụp màn hình).

    Cụ thể, chi phí tiền nhà một tháng là 3.400 USD (khoảng 80 triệu đồng), chưa bao gồm tiền thuế, tiền điện và nước. Được biết, căn phòng mà Chao ở nằm ngay khu tài chính Manhattan - trung tâm kinh tế và thương mại tại New York nên mức giá cho thuê cũng vô cùng đắt đỏ. Theo video Chao đăng tải, cô đang ở một căn studio đầy đủ tiện nghi với tông màu hồng nữ tính.

    Tiếp theo, học phí mỗi tháng là 8.000 USD (khoảng 190 triệu đồng); chi phí ăn uống là 2.000 USD (khoảng 50 triệu đồng); mua đồ siêu thị là 548 USD (khoảng 13 triệu đồng); chi phí mua sắm là hơn 3.200 USD (khoảng 78 triệu đồng); chi phí di chuyển bằng tàu điện ngầm là 132 USD (khoảng 3,1 triệu đồng)...

    Như vậy, tổng chi phí du học mỗi tháng tại New York của Chao là khoảng 17.500 USD (khoảng 417 triệu đồng).

    Mặc dù theo học tại ngôi trường thuộc top những ngôi trường đắt đỏ bậc nhất, nhưng với điều kiện gia đình khá giả, Chao cho hay bản thân không quá lo lắng về các khoản học phí mỗi năm.

    rich kid di du hoc 1
    Với thành tích học tập ấn tượng và khả năng độc lập tài chính, Chao chứng minh được bản lĩnh của mình (Ảnh: NVCC).

    Chia sẻ về quá trình đi du học, Chao tiết lộ: "Em bắt đầu đi du học sau khi tốt nghiệp cấp 3 tại Việt Nam. Mỗi đất nước sẽ có yêu cầu khác nhau, đối với Mỹ ngoài bảng điểm tốt thì cần thể hiện bản thân qua những hoạt động ngoài trường. Các trường đại học Mỹ sẽ quan tâm đến tính cách và tầm nhìn của học sinh. Bài luận của em chia sẻ về một sự kiện trong cuộc đời đã hình thành quan điểm về cuộc sống của em ngày hôm nay".

    Trước khi lên đường đi du học, Chao đạt IELTS 8.0 với số điểm Listening 9.0, Reading 8.5, Writing 6.5, Speaking 7.0 (Ảnh: NVCC).

    rich kid di du hoc 1
    Theo cô, để làm quen với ngoại ngữ, bạn trẻ có thể đọc tài liệu, xem phim, nghe nhạc nước ngoài… (Ảnh: NVCC).

    Cũng như nhiều cậu ấm cô chiêu khác, Chao cũng yêu thích hàng hiệu, nhưng cô gái này không lấy những món đồ xa xỉ làm mục tiêu phấn đấu hay thể hiện đẳng cấp.

    Thay vào đó, cô chỉ mua những món đồ cần thiết với số tiền tự kiếm được. Cô lý giải: "Vì có sự yêu thích thời trang nên em hay cập nhật những món đồ đang hot. Tuy vậy, sưu tầm hàng hiệu không phải ưu tiên của em, em thường thưởng cho bản thân bằng những trải nghiệm như du lịch và ăn uống hơn.

    Em muốn cuộc sống thoải mái và làm những thứ em thích nên em cũng không có quan điểm cụ thể về việc phải tiêu tiền như thế nào, miễn sao mọi thứ nằm trong khoảng hợp lý là được".

    Trước câu hỏi có bao giờ cảm thấy áp lực vì "sinh ra đã ngậm thìa vàng", Chao thành thật: "Em nghĩ ai cũng có áp lực riêng, bởi vì cuộc sống vốn dĩ không hoàn hảo. Em may mắn khi có điều kiện và có nhiều cơ hội để phát triển, em tự tạo áp lực cho bản thân để cố gắng hơn từng ngày".

    rich kid di du hoc 1
    Chao hiện là một trong những TikToker được nhiều người yêu mến. Bằng chứng là cô có hơn 1,8 triệu follow và hơn 39,1 triệu lượt yêu thích (Ảnh: NVCC).

    Mặc dù đi du học ở Mỹ nhưng Chao vẫn có nguồn thu nhập nhờ công việc kinh doanh tại Việt Nam. Cô quản lý đội ngũ nhân viên từ xa và phụ trách công việc content (nội dung), marketing (tiếp thị) cho cửa hàng.

    Ngoài ra, cô cũng làm thêm công việc sản xuất nội dung trên các nền tảng mạng xã hội và cũng trở thành đối tác quảng bá cho các nhãn hàng. Dù không tiết lộ con số cụ thể, nhưng Chao cũng khéo léo cho hay: "Em rất trân trọng vì bố mẹ có thể chu cấp cho em một cuộc sống đầy đủ, nhưng em vẫn muốn tự lập với số tiền tự mình kiếm được".

    Cô gái xinh xắn cũng dành lời khuyên cho bạn trẻ đang ấp ủ ý định đi du học: "Các bạn nên chuẩn bị từ sớm để có một hồ sơ tốt, có thể vào được những trường các bạn mong muốn. Ngoài ra thì mọi người nên nghiên cứu về các trường và các đất nước khác nhau thay vì chạy theo số đông vì em nghĩ tính cách mỗi người sẽ phù hợp với những môi trường khác nhau".

    Chao sẽ tốt nghiệp đại học vào năm 2025. Hiện cô vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào về cuộc sống sau đại học. Song, Chao tiết lộ, bản thân sẽ trở về để phát triển sự nghiệp riêng tại Việt Nam.

    Theo Dân Trí

  • Greg Ogden không hối hận khi thực hiện các khoản vay từ thời đi học của mình. Ông chỉ không bao giờ lường trước được rằng mình sẽ phải trả nợ trong thời gian lâu như vậy.

    Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ trị liệu năm 1993, Greg Ogden, hiện 64 tuổi, cho biết ông ngay lập tức bắt đầu trả khoản nợ trị giá 17.000 USD (khoảng 398 triệu đồng) của mình.

    Grey không quá quan tâm đến số dư nợ vì ông từng trả hết khoản vay sinh viên để lấy bằng cử nhân trước đó 10 năm. Ông nghĩ "trải nghiệm" trả nợ lần thứ hai sẽ tương tự.

    64 tuoi chua tra het no
    Nhiều người Mỹ cả đời không trả hết nợ sinh viên. 

    Vài năm sau khi bắt đầu trả khoản vay để học lần thứ hai này, Ogden li dị vợ và được hoãn trả nợ một thời gian. Dù không phải trả nợ trong vài tháng, tiền lãi vẫn tăng đều. Khi đó, Ogden nhận thấy dư nợ tăng và vượt quá số tiền đã vay ban đầu. Bây giờ, tổng số nợ của Ogden là khoảng 25.000 USD (khoảng 587 triệu đồng). Ông cảm thấy tủi phận khi khoản nợ này vẫn treo lơ lửng trên đầu ở cái độ tuổi này.

    Được biết, Greg Ogden đã làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận trong suốt cuộc đời nhưng vẫn chưa được giảm nợ thông qua PSLF - chương trình dịch vụ công xóa nợ sinh viên cho những người làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận sau 10 năm đủ điều kiện. Ogden ước tính ông sẽ phải trả nợ thêm 4 năm nữa.

    "Tôi không biết khi nào mình sẽ hoàn thành", Ogden nói với Insider. Trục trặc của ông Ogden liên quan đến vấn đề thủ tục, giấy tờ. Tháng 10/2021, Bộ Giáo dục Mỹ công bố cải cách tạm thời đối với PSLF, bao gồm việc miễn trừ có thời hạn đến ngày 31/10/2022, cho phép tất cả các khoản thanh toán trước đây- bao gồm cả những khoản được coi là không đủ điều kiện, được tính vào tiến trình của PSLF.

    Ogden đã nộp hồ sơ trước hạn chót 31/10, thậm chí gọi cho công ty quản lý PSLF để được xác nhận giấy tờ đã nộp đầy đủ.

    Tuy nhiên, đến tháng 4/2023, Ogden lại được thông báo rằng đơn đăng ký xóa nợ của ông bị từ chối vì ông đã không chứng thực hợp lệ một trong những nhà quản lý dịch vụ công cộng của mình. Mặc dù văn phòng Hỗ trợ Sinh viên Liên bang gần đây đã làm cho quy trình xác nhận việc làm dễ dàng hơn bằng cách cho phép sử dụng chữ ký điện tử nhưng những cải cách đó vẫn đang được tiến hành. Ogden cho biết lựa chọn duy nhất của ông là đăng ký lại PSLF và mong điều kỳ diệu xảy ra.

    "Tôi muốn hoàn thành nghĩa vụ, nhưng tôi cũng muốn họ tôn trọng các khoản thanh toán mà tôi đã thực hiện", Ogden nói. "Đơn đăng ký của tôi bị từ chối vì tôi không có ngày chính xác trong tất cả các kỳ làm việc của mình. Tôi không thể nhớ chính xác thời gian tôi bắt đầu và kết thúc công việc 10 năm trước, vì vậy bây giờ tôi phải quay lại và tìm tất cả".

    Trên thực tế, một số người vay cho biết, họ đã thực hiện thẩm định với PSLF, nhưng do lỗi thủ tục giấy tờ và thông tin sai lệch từ công ty cho vay nên họ vẫn bị mắc kẹt trong việc trả nợ. 

    Bộ Giáo dục Mỹ đã công bố các cải cách đối với PSLF, nhưng do thiếu nguồn tài trợ tăng thêm từ quốc hội, việc thực hiện những điều chỉnh bị trì hoãn. Không ít người vay nợ thời sinh viên vẫn đang băn khoăn liệu họ có đủ điều kiện để được xóa nợ hoàn toàn hay vẫn phải tiếp tục thanh toán.

    Theo Vietnamnet

  • Là một người từng trải qua quãng thời gian đi học tại nước ngoài, câu chuyện du học của anh Hoàng Huy chắc chắn đưa tới cho độc giả những cái nhìn chân thật nhất về "giấc mơ màu hồng" ấy.

    Phần 1: Cuộc chơi hay cuộc đầu tư?

    Trước hết, xin được nói rằng bài viết này không phải là một gáo nước lạnh để dội vào ước mơ du học của các bạn trẻ; ngược lại, với tư cách một cựu du học sinh đã từng sống, học và trải nghiệm đủ lâu để thấu hiểu đến tận cùng về cuộc sống du học sinh, tôi chỉ mong muốn dùng chính những câu chuyện bé nhỏ của mình như một sự chia sẻ của một người trong cuộc để các bạn trẻ và các bậc phụ huynh hãy suy ngẫm một cách thật toàn diện và sâu sắc trước ngưỡng cửa du học, dù là bất kỳ quốc gia nào.

    ngheo co nen di du hoc Anh quoc
    Anh Hoàng Huy đạp xe trên con đường dẫn đến Cung điện Buckingham.

    Với tôi, du học không phải là một cuộc vui, phiêu lưu theo trend sang chảnh như mọi người, đặc biệt là các bạn tuổi teen trong nước hay nghĩ: một cuộc sống màu hồng tuyệt vời với những bức ảnh đẹp tuyệt vời, những toà nhà lộng lẫy, hay những quảng trường đẹp hơn tranh. Du học với tôi là một sự đầu tư chiến lược để thay đổi chính tương lai cuộc đời mình; và tôi may mắn là có một cố vấn đầu tư tuyệt vời, chính là bố mình, một du học sinh châu Âu thế hệ trước giỏi giang và dày dạn kinh nghiệm, người đã luôn vô tình truyền cảm hứng về một chuyến đi xa qua những câu chuyện không thể chân thật hơn từ những ngày còn bé xíu.

    Và đã là đầu tư thì phải có vốn, có các bài toán để tính đến chuyện có lời, và có các phương án xử lý trong mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

    Trong gia đình tôi, câu mắng nặng lời nhất không phải là chửi rủa, lăng mạ, mà là một câu nói nghe có vẻ rất bình thường ở các gia đình khác: "Con chẳng có kế hoạch gì cả. Đàn ông mà thế à?". Và để tránh phải đón nhận câu nói mà với tôi là một sự sỉ nhục ghê gớm ấy, tôi đã âm thầm chuẩn bị bài toán cho riêng mình trong suốt 2 năm liền để bảo vệ trước "Daddy Shark" chứ không thể nổi hứng lên mà đi được, kể cả bạn có dư tiền. 

    Tôi tìm hiểu các loại hình giáo dục các quốc gia không biết bao nhiêu ngàn giờ search - đọc - sàng lọc - phân tích dữ liệu; tôi mò mẫm vào không chừa một group hay diễn đàn nào của cộng đồng người Việt và du học sinh bản xứ ở những nước tôi định lựa chọn, tôi liên hệ - tìm gặp bất kỳ ai đã từng đi du học trong vòng 10 năm trở lại để xin được nghe những câu chuyện của họ để đi tìm một bức tranh thật. Không có sự lựa chọn tốt nhất, chỉ có sự lựa chọn phù hợp nhất cho mỗi người.

    Cuối cùng tôi chọn Vương Quốc Anh - một quốc gia có vẻ đắt đỏ bậc nhất, học phí không hề rẻ tại thời điểm đó vì tổng hoà các yếu tố: thời gian học ngắn nhất - chương trình học phù hợp - điều kiện an ninh/ổn định chính trị - môi trường văn hoá xã hội - khả năng tiếp cận với người thân trong các tình huống khẩn cấp (emergency case)... và quan trọng bậc nhất: điểm hoà vốn rõ ràng nhất và khả năng thu hồi vốn lớn. 

    Bạn có thể không hình dung được rằng quyết định chọn đi du học một nước nào đó còn phải phân tích bối cảnh kinh tế và phát triển của 5 năm trước và sau thời điểm bạn dự kiến tốt nghiệp. Tôi đã nhấn mạnh: "Con buộc phải đi Anh trong năm nay, vài tháng nữa có thể con sẽ mất cơ hội vì tổng đầu tư sẽ vượt khả năng chi trả dự kiến của con." 

    Quả thực tôi đã dự đoán đúng, sau khi tôi đóng đầy dủ tiền học, đồng bảng Anh vọt từ quãng 26.000 VND/GBP lên gần 35.000 VND/GBP do kinh tế Anh vào guồng hồi phục sau suy thoái. Và lúc trở về, tôi cũng bán tống bán tháo toàn bộ số bảng Anh của mình có chỉ 3 tiếng trước khi công bố kết quả Brexit năm 2016 làm cho đồng Bảng rớt giá thảm hại từ 33.000 VND xuống dưới 30.000 VND.

    Nói tóm lại, bạn có thể ghét Toán, bạn có thể dốt Toán, nhưng đứng trước những bài toán lớn của cuộc đời mình thì cố gắng; đừng có tính sai. Sai một ly trong tính toán du học, nó không đi một dặm đâu mà có khi còn chẳng thấy mặt trời luôn.

    Về phương án chi trả cho cuộc đại đầu tư lớn nhất đời mình tính đến thời điểm đó, tôi đã xây dựng tới 5 phương án tài chính, trong đó vay tiền bố được tính tới như phương án dự phòng cuối cùng. Và đến bây giờ, tôi vẫn giữ việc mình đi học thành công mà chưa bao giờ phải dùng tới Phương Án Cuối Cùng đó như một niềm tự hào nho nhỏ cho riêng mình. 

    Vì sao lại nói là "vay" tiền bố? Vì tôi thực lòng không muốn nhận từ bố quá nhiều, với tôi, học đại học trong nước đã là đủ để kiếm tiền và tự tạo dựng một cuộc sống đầy đủ, chỉ cần không lười biếng. Tôi không muốn nhận những đồng tiền từ tài sản của bố tạo dựng bằng một đời trong sạch làm việc và cống hiến, mặc dù tôi tin bố sẵn lòng cho tôi nếu tôi xin. Nhưng có vay thì chắc chắn sẽ có trả; còn cho - xin thì chưa chắc đã tạo ra lòng biết ơn.

    Kết thúc buổi bảo vệ phương án đầu tư đó, bố tôi hỏi: "Con muốn bố hỗ trợ gì con?". Tôi nói "Con chưa muốn bố trợ giúp gì lúc này, khi con cần tới, nhất định con sẽ gọi. Nhưng nếu có thể, con muốn bố tặng cho con một món quà làm kỷ niệm." Bố chở tôi đi mua, tôi chọn một đôi giày bảo hộ lao động có giá 150.000 đ, có mũi bằng sắt bên trong, nó hơi nặng nhưng rất chắc chắn, chịu được nước - chịu được cả tuyết sâu. Tôi muốn trong cuộc vạn lý trường chinh của mình sắp tới nơi xứ người, đôi giày nặng đó sẽ luôn nhắc tôi nhớ về bố, về đất nước, về những mục đích tốt đẹp rõ ràng mà mình đã vạch ra ban đầu cho chuyến đi này.

    Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng về tài chính, tôi cất sang một bên để thực sự nhúng mình trải nghiệm vào một cuộc sống tự lập đích thực ở nước ngoài; để thử xem một người tay trắng sẽ xoay sở thế nào ở một đất nước xa lạ không ai biết bạn là ai, là con bố nào mẹ nào. Đúng hơn, là tôi muốn tự mình dạy cho mình một bài học cho "sáng mắt sáng lòng" - phải có một cái gì đấy khác biệt hẳn với cái cảnh cơm ăn không phải xới, đũa không phải lau, thiếu nước có người đút cho ăn, như ở nhà. 

    Hơn nữa, cho đến năm 22 tuổi, tôi vẫn khá tự tin với khả năng xoay xở kiếm tiền của mình trong mọi hoàn cảnh; tôi muốn thử mình sẽ làm được cái trò gì ở đất nước này để vẫn học hành đàng hoàng mà vẫn sống được như thể là không có tiền để dành.

    Phần 2 của bài viết sẽ kể tiếp về chuyện đôi giày của tôi đã đi những đâu, làm những gì những năm tháng ấy, những điều mắt thấy tai nghe, những gam màu thật nhất của đời sống mưu sinh của du học sinh - những chuyện ít người kể, để mọi người có thể tự suy ngẫm về quyết định cho riêng mình.

    Phần 2: Du học London không sướng: 1 năm học ở Anh áp lực gấp 4 năm ở VN, 6 tháng còn chưa thấy Big Ben...

    Tác giả: Hoàng Huy / theo Trí Thức Trẻ

  • Là cha mẹ, ai cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Nhưng nếu không tính toán kỹ càng, có thể bạn sẽ phải hối hận vì những quyết định không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của con mà còn của cả gia đình.

    Bán nhà vì tương lai của con

    Tôi và chồng đều làm trong cơ quan nhà nước tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), công việc ổn định lại không quá nặng nhọc. Năm 2008, thấy mọi người trong đơn vị thi nhau mua nhà, vợ chồng tôi bàn nhau mua một căn nhà ở khu Phố Đông mới vì nghe nói trung tâm thành phố trong tương lai chắc chắn là khu này. Chúng tôi mua nhà với giá 1,8 triệu NDT, mức giá quá hời vì chủ muốn bán gấp do làm ăn khó khăn trong thời buổi khủng hoảng tài chính toàn cầu.

    ban nha cho con du hoc

    Sau khi ổn định nhà cửa, mọi suy nghĩ của tôi đều dồn hết vào việc học hành của con trai. Nhưng dù thuê gia sư trả giá cao, con trai tôi vẫn không đủ điểm vào những trường top 1 như Thanh Hoa hay Bắc Kinh, đành học một trường hạng 2 bình thường. Trong mắt tôi, học trường top 2 rồi ra trường đi làm chỉ là lãng phí thời gian, không mang lại tính cạnh tranh. Nghe một đồng nghiệp nói rằng nếu cho con đi du học Mỹ, sau này về Thượng Hải mức lương sẽ rất hứa hẹn.

    Tôi liền gật gù nhưng suy đi tính lại, đi du học Mỹ cần ít nhất vài triệu NDT, lương nhà nước của vợ chồng tôi chắc chắn không đủ. Muốn cho con đi phải bán căn nhà của gia đình, giá thị trường lúc đó là 6,7 triệu NDT (~22 tỷ đồng).

    Chồng tôi nhất quyết không đồng ý, nói học đại học hạng 2 cũng được, trình độ học vấn là một phương diện, quan trọng hơn chính là năng lực tương lai: “Chúng ta không có tài sản nào ngoài căn nhà, giờ bán nhà đi thì sống ở đâu? Con trai sau này không có nhà làm sao kết hôn được”.

    Tôi khi ấy phản bác chồng, cho rằng anh chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không tính dài lâu, nếu con đi du học Mỹ về mức lương sẽ đến hàng triệu NDT/năm, chắc chắn sẽ mua được căn nhà khác. Cuối cùng tôi vẫn nhất quyết bán nhà, chưa đầy 2 tháng đã có người mua. Con trai muốn tôi đi cùng vì sợ, tôi cũng lấy hết can đảm xin từ chức tại đơn vị dù lãnh đạo thuyết phục tôi hết lời.

    Sau khi hoàn thành mọi thủ tục, tôi cùng con trai sang Mỹ, chồng ở lại Thượng Hải thuê nhà để làm việc. Dù cảm thấy có lỗi với chồng nhưng nghĩ đến tương lai hứa hẹn của con trai, tôi tự tin sau này có thể mua căn biệt thự lớn hơn để gia đình đoàn tụ.

    Những ngày ở Mỹ, chồng nhiều lần gọi điện nói tôi hãy trở về để con trai tự lập nhưng tôi không nghe. Nếu tôi về nước, chỉ sợ con trai không an toàn nơi đất khách quê người. Vậy nên đến khi con tốt nghiệp, tôi mới chịu về. Gần hết tiền, không có nhà, hy vọng của tôi chỉ còn nằm ở con trai.

    “Bỏ hết trứng vào một giỏ” và cái kết

    Không lâu sau khi trở về Thượng Hải, đồng nghiệp cũ báo tin căn nhà cũ của tôi hiện có giá 16 triệu NDT vì giá nhà thành phố tăng chóng mặt. Tôi sốc không nói lên lời, còn chồng lại tiếc nuối vì nghĩ nếu chúng tôi còn nhà, giờ đã có thể về quê sống an nhàn.

    Một tháng sau, con trai báo tin đã tìm được việc ở một công ty nước ngoài, được bao ăn trưa, du lịch 2 lần/năm nhưng mức lương chỉ 8.000 NDT. Nghe đến đây, tôi trực tiếp ngồi phịch xuống sofa, trong lòng như lửa đốt. Tốn nhiều tiền đưa con đi du học, nay về lương cũng chẳng chênh người tốt nghiệp trong nước là bao, công việc ngày nào cũng phải tăng ca, đi đi về về chen chúc trong tàu điện ngầm.

    Sau đó ngày nào tôi cũng chán nản ở nhà, tự kiểm điểm bản thân có phải mình đã làm sai điều gì không. Với mức lương hiện tại của con trai tôi, chưa nói đến việc kiếm lại ngôi nhà ban đầu, ngay cả việc cưới một người vợ ở Thượng Hải trong tương lai cũng sẽ là một vấn đề. Dù vậy tôi vẫn tự an ủi rằng con sẽ thành công trong tương lai.

    Tôi nhanh chóng tìm được một công việc nhưng trong công ty ai cũng cho rằng tôi quá già. Sếp mắng rất khó nghe, lại không được lòng đồng nghiệp, tôi hối hận vì đã nghỉ làm ở đơn vị cũ. Nếu ngày trước đi làm vô cùng thoải mái, đồng nghiệp vui vẻ hòa thuận thì nay lại phải nhìn sắc mặt của người khác, mệt mỏi hơn rất nhiều.

    Niềm hy vọng duy nhất của tôi cũng ngày càng lụi tắt khi sau 3 năm về Thượng Hải, công việc của con trai tôi vẫn không khá lên, hiện tại lương chỉ có 10.000 NDT. Con trai 26 tuổi không có bạn gái, khi tôi khuyên hãy mau chóng lập gia đình sớm liền nói rằng mình trong mắt con gái chính là thanh niên “3 không”: không nhà, không xe, cũng không có tiền nên chẳng ai chú ý.

    Ngày nào tôi cũng tự giày vò mình trong suy nghĩ rằng quyết định năm đó của tôi quá sai lầm. Khi vô tình biết được giá thị trường căn nhà cũ lên đến 27 triệu NDT, tôi mất ngủ cả đêm. Lỗ 20 triệu NDT trong 7 năm, số tiền cả đời chắc con trai tôi cũng không thể làm ra với mức lương hiện giờ.

    Với những gia đình không giàu cũng không nghèo như tôi, thực sự không cần thiết phải bán nhà và cho con đi du học. Trừ khi thực lực kinh tế gia đình vượt trội, nếu không sẽ giống như bỏ hết trứng vào một giỏ, khả năng mất hết tất cả cũng chỉ như trong gang tấc mà thôi. Tốt nhất nên suy đi tính lại thật kỹ, thay vì nghe người khác khuyên nhủ phải hiểu rõ hoàn cảnh của bản thân. Phụ huynh nào cũng muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất cho con cái, nhưng hãy cố gắng trong khả năng của bản thân, thay vì cố quá sức rồi làm mù mờ đi tương lai của cả gia đình.

    Bài viết của tác giả Ngô Ngọc Mai đăng trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc).

    Theo Thể thạo & Văn hóa

  • thue nha o new york 1

    Đã từng ở KTX của trường và thấy không phù hợp, cô bạn quyết định thuê nhà để ở riêng.

    "Hello mọi người, lại là Chao đây" - Nếu là người thường xuyên lướt MXH thì có lẽ đã chẳng còn xa lạ gì với câu chào này. Chủ nhân của nó là Nguyễn Châu Anh (nickname Chao, sinh năm 2003). Cô bạn đang sở hữu 1,6 triệu người theo dõi trên nền tảng này với rất nhiều clip triệu view.

    Hiện tại, Châu Anh là du học sinh tại ĐH New York - một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Vừa học vừa kinh doanh nên khá bận rộn nhưng cô bạn vẫn thường xuyên cập nhật về cuộc sống sinh hoạt và học tập. Mới đây, Chao đã khiến dân tình phải trầm trồ khi giới thiệu căn hộ đang thuê ở Mỹ.

    thue nha o new york 1
    Châu Anh

    Thuê căn hộ hơn 81 triệu/tháng

    Được biết căn hộ mà Châu Anh thuê thuộc khu tài chính ở Manhattan - trung tâm kinh tế và thương mại của New York (Mỹ). Đây cũng là quận có mật độ dân số đông nhất thành phố nên giá nhà thuê nói riêng và BĐS nói chung khá đắt đỏ.

    Căn hộ của cô bạn là dạng studio, phòng ngủ và phòng khách không có vách ngăn, thường dành cho người ở một mình và có giá thuê là 3.400 USD/tháng (khoảng hơn 81 triệu đồng). Châu Anh cho biết mức giá này không quá đắt, thậm chí có thể nói là khá ổn so với mặt bằng chung ở New York. Đây cũng chính là lý do khiến cô bạn mất nhiều thời gian tìm kiếm.

    thue nha o new york 1
    Màu sắc chủ đạo của căn hộ là hồng và trắng

    Bên cạnh đó, cô bạn cũng gặp một số khó khăn khác: "Mình muốn trực tiếp đến xem nhà nên không thuê trước khi sang Mỹ. Ngoài ra, mình không phải công dân Mỹ nên cũng phải nhờ người bảo lãnh mới thuê được. Vì vậy, quá trình thuê nhà mất nhiều thời gian. Khi đó, mình dự kiến phải ở khách sạn trong suốt thời gian chờ xong thủ tục thuê nhà".

    Tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất khi thuê nhà của Châu Anh là vị trí. Cô bạn chọn thuê căn hộ gần trường vì lịch học có khá nhiều lớp tan muộn, muốn ở gần để thuận tiện cho việc học hành và hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có.

    Trước khi đi thuê căn hộ bên ngoài, Chao cũng ở KTX của trường nhưng cảm thấy không phù hợp. "Ở một mình nhưng mình cũng không thấy buồn chán vì ban ngày mình đi học và đi chơi, chỉ tối mới về nhà ngủ thôi. Hơn nữa mình cảm thấy ở một mình thoải mái hơn vì có thể sinh hoạt theo giờ giấc của bản thân và được tự trang trí nhà cửa theo sở thích" - cô bạn tâm sự.

    Vì Chao vẫn đang đi học và gia đình không muốn con gái phải áp lực hay đặt nặng việc kiếm tiền nên đã hỗ trợ một phần tiền thuê nhà. Phần còn lại do cô bạn tự chi trả nhờ kinh doanh và các hoạt động quảng cáo trên MXH. Ngoài ra Châu Anh cũng tiết lộ tiền học không hề nhỏ, hơn 7.000 USD/tháng (khoảng hơn 167 triệu đồng).

    thue nha o new york 1
    Góc cửa sổ nhìn ra ngoài trời cực đẹp là nơi Chao thích nhất trong căn hộ

    Tiền thuê nhà cũng là động lực để bản thân phấn đấu nhiều hơn

    Phía dưới đoạn clip giới thiệu căn hộ của Châu Anh, nhiều người đã để lại bình luận so sánh rằng tiền thuê nhà mỗi tháng của cô bạn bằng tiền lương cả năm của mình. Chia sẻ về chuyện chi một khoản không nhỏ để thuê nhà, Châu Anh cho biết: "Mình vẫn luôn cố gắng để cải thiện bản thân và có cuộc sống thoải mái nhất. Vì vậy việc thuê nhà cũng khiến mình thấy bản thân phải phấn đấu nhiều hơn".

    Về kinh nghiệm dành cho các bạn du học sinh đang có ý định thuê nhà ở Mỹ, cô bạn chia sẻ: "Mình thấy quá trình thuê nhà khá tốn thời gian, mọi người nên chuẩn bị từ sớm và nếu có thể thì hãy đến xem nhà tận mắt rồi mới thuê để tránh việc bị thất vọng khi nhận nhà. Bên cạnh đó mình nghĩ nên làm việc trực tiếp với toà nhà thì sẽ tiết kiệm chi phí hơn là qua bên thứ 3".

    Khi mới thuê, căn hộ hoàn toàn không có nội thất nên Chao đã tự lên ý tưởng, mua mới toàn bộ nội thất rồi tự lắp. Với một cô gái vẫn được gọi là tiểu thư như Chao, đây là những trải nghiệm vô cùng mới mẻ: "Mình chưa bao giờ làm những việc này. Dù hơi mất thời gian và mệt nhưng mình cũng không thấy quá khó khăn vì vốn thích học hỏi những thứ mới".

    Sẵn sàng chi tiêu để có cuộc sống thoải mái là thế nhưng Châu Anh cũng không quên tiết kiệm. Cô bạn tiết lộ mình thường hay gửi tiết kiệm để tránh bản thân tiêu nhiều tiền hơn dự kiến.

    Kể từ khi đi du học, Châu Anh vẫn đi đi về về giữa 2 nước, thường cứ 4 tháng ở Mỹ sẽ lại về Việt Nam nên cô bạn vẫn cân bằng được cuộc sống ở 2 nơi. "Với mình, đi học xa nhà giúp bản thân độc lập và trưởng thành hơn còn mỗi lần về Việt Nam là thời gian nghỉ ngơi. Thế nên mình cũng không gồng bản thân quá nhiều, phải thế này hay thế kia mà chọn cách thoải mái và tận hưởng mọi khoảnh khắc" - Chao nói.

    Theo báo cáo của StreetEasy - công ty BĐS ở Mỹ, giá thuê nhà ở New York đang ở mức cao khủng khiếp, gấp 2 - 3 lần so với trước đây. Vào tháng 6/2022, ở các khu vực sầm uất như Manhattan, giá thuê nhà trung bình là 4.100 USD/tháng (gần 98 triệu đồng), tăng 35% so với năm ngoái. Cũng theo báo cáo, con số này đã khiến nhiều người phải dành 55% thu nhập vào khoản tiền nhà.

    Theo Phụ nữ Việt Nam

  • dau xe sai quy dinh 1
    Các tài xế đang đối mặt khoản phạt lên tới 3 con số tại một bãi đậu xe ở Wales. Ảnh: Media Wales

    Nhân viên kiểm soát đỗ xe đã phạt một ông bố £100 vì đậu chiếc xe lố vạch trắng 7cm. Và ông bố tội nghiệp không phải là tài xế duy nhất mắc lỗi này.

    Nhân viên kiểm soát chỉ mất chưa tới 10 phút để viết cho ông Julian Griffiths, 59 tuổi, một tấm vé phạt tại bãi đỗ xe Parc Tawe Retail Park ở Swansea. 

    Ông Griffiths lái chiếc Renault Clio của mình đi mua đồ bảo hộ đầu gối cho con trai tại cửa hàng Sports Direct. Nhưng 2 tuần sau, ông đã rất sốc khi nhận được một vé phạt từ Công ty thực thi luật đỗ xe Eternity Fire and Security Ltd.

    Nguyên nhân vì ông đã đậu xe không thẳng thóm, chiếc xe của ông đã lố qua vạch trắng 7cm. 

    ''Ôi giời ơi, họ đùa đấy à?. Tôi chưa từng nghĩ mình phải đậu vuông góc không chệch một phân, và phải đậu bên trong vạch trắng không chệch một ly. Nếu tôi đậu lố tới nửa ô thì bị phạt còn có lý, đằng này họ phạt tôi chỉ vì đậu lệch một chút xíu. Thật điên rồ '', ông Griffiths nói với The Sun.

    ''Rõ ràng công ty đỗ xe đang lợi dụng quyền lực của họ để bắt chẹt các tài xế'', ông Griffiths đã kháng cáo khoản phạt.

    Ông không cô đơn. Bởi vì công ty này cũng đã phạt anh Craig Court £100 tại cùng bãi đỗ xe. Anh Craig đậu xe tại bãi Parc Tawe Retail Park vào ngày 6 tháng 9 để đưa bọn trẻ đi khu vui chơi Ninja Warrior Adventure Park.

    Một tuần sau, anh nhận được thư từ công ty Eternity Fire and Security Ltd, thông báo anh vi phạm quy định đỗ xe và phải thanh toán khoản phạt trong vòng 28 ngày, anh được giảm xuống còn £60 nếu thanh toán trong vòng 14 ngày.

    Theo quy tắc số 86 (contravention code 86), tài xế chỉ bị phạt nếu ''ít nhất một bánh xe lố hẳn ra ngoài vạch kẻ của ô đỗ xe''.

    Công ty Eternity Fire and Security Ltd đã gửi cho anh Craig Court 2 tấm ảnh chụp chiếc Ford Focus của anh, và nói rằng anh đậu xe lố ngoài vạch kẻ''.

    dau xe sai quy dinh 1
    Một tài xế khác là anh Craig Court cũng bị phạt nặng. (Ảnh: Media Wales)

    dau xe sai quy dinh 1
    Anh thấy khả năng kháng cáo là không thành công. (Ảnh: Craig Court/MEDIA WALES)

    Anh nói mình không thể đậu chuẩn được vì một chiếc xe bán tải đã đậu đối diện, chiếc xe này chắn vào ô đỗ xe nên anh không thể nhích xe sát vào được.

    Craig Court đã quay trở lại bãi đỗ xe và nhìn thấy một tấm biển báo ghi ''các tài xế phải đậu xe hoàn toàn trong vạch trắng''.

    ''Tôi đã đóng phạt vì tôi nghĩ có kháng cáo cũng bằng thừa, chỉ phiền phức thêm. Trước nay tôi chưa từng bị phạt, tôi luôn đậu nghiêm chỉnh mọi lúc mọi nơi'', Court nói với tờ WalesOnline.

    Trên một nhóm MXH, một bà mẹ cũng cho biết mình đã bị phạt £60 tại Parc Tawe Retail Park vì đuôi xe lố khỏi vạch kẻ. ''Tôi là một người mẹ đơn thân, tình hình bây giờ chưa đủ khốn khổ sao, lại còn sinh ra bọn ác nhân này''.

    Tờ Metro đã liên hệ với Công ty Eternity Fire and Security Ltd nhưng chưa nhận được phản hồi.

    Viethome (theo Metro)

  • Mang tiếng đi Nhật du học nhưng đa phần các bạn trẻ Việt Nam chỉ sang với mục đích kiếm tiền. Chính vì vậy mà họ tận dụng mọi thời gian, mọi cơ hội để làm thêm gửi tiền về cho gia đình. Đã có không ít trường hợp vì làm việc quá sức mà dẫn đến đột tử. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ lại không biết được sự cực khổ của con mình mà chỉ so bì tại sao con người ta gửi về nhiều tiền thế?

    du hoc sinh dau long

    Nói về “miếng bánh vẽ” du học tự túc bạn trẻ có tài khoản facebook Thùy Dương đã có bài chia sẻ dài trong nhóm Cộng Đồng Việt Nhât. Nội dung bài chia sẻ như sau:

    “Đôi dòng về du học tự túc (Nhật Bản)

    Gọi về nhà lúc nào cũng thấy mọi người bảo ở gần nhà có con bé nhà bà này ông nọ. Đi sau mình 3 tháng mà mỗi tháng nó gửi về nhà 40-50 triệu. Lại còn mấy tháng lại thấy về nhà một lần, quà cáp họ hàng đủ cả. Tự hỏi có khi chúng nó tìm thấy mỏ vàng ở nhật mà không nói cho mình biết hay sao đó.

    Mỗi tháng 40 triệu vị chi sau nửa năm là nó gửi về 240 triệu. Trả được chi phí sang đây luôn. Trong khi mình và đa số những người xung quanh chả có cuộc sống dễ thở tí nào. Tất bật đủ bề. Tiền ăn tiền nhà tiền sinh hoạt phí, tiền sắm sửa đồ đạc, cứ đến tháng là đổ ập một đống lên đầu. Đứa nào ngu ngơ hồi đầu mới sang chẳng may bị lừa thì còn khốn khổ khốn nạn hơn nữa. Vài đứa cuộc sống thoải mái hơn tí thì gia đình phải gửi tiền sang, còn không thì ngày 12 tiếng đi làm, 4 tiếng đi học, 1-2 tiếng di chuyển ngoài đường. Về đến nhà là mặt mũi không khác gì moi dưới cống lên, đụng vào là gắt cả thảy, đứa nào con gái ko chịu được thì khóc, thì ngủ như chết để ngày hôm sau lại tiếp tục như vậy.

    Học ở tỉnh đã khó, huống hồ gì Tokyo lại là thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới. Đành là còn trẻ, chi tiêu nào biết trước sau gì đâu, quần áo nước nhà người ta đẹp, bền, phải mua chứ? Đi học đi làm với người nước ngoài, người Hàn, người Trung, người Đài Loan, đầu tóc họ gọn gàng đẹp đẽ mình cũng phải sửa cho nó hợp môi trường chứ? Thế mới có chuyện tiền lương chưa tới tay thì đã bị các khoản nợ xé sạch còn vài đồng xu lẻ. Ở nhà thì ai biết đâu, con mình đi học ở đất nước giàu, ở thành phố lớn, sang chảnh các kiểu chứ ai biết được mọi ngóc ngách nguồn cơn?

    Bánh vẽ mang tên “du học tự túc” xa nhà, xa gia đình xa bè bạn, đổi lại được gì? Được đảm bảo an ninh, cơ sở hạ tầng đẹp đẽ, tiêu tiền tệ lớn gấp đôi ở nhà, 100¥ tương đương 20k ở VN, nhưng ở nhật với 20k chỉ mua được nửa củ bắp cải, nửa thỏi socola hoặc là một cái bát nhựa trong cửa hàng đồng giá. Rồi đến ngày lễ ngày Tết gọi về nhà nước mắt rưng rưng, mệt mà muốn về cũng tốn tiền nữa chứ phải muốn về là được đâu? Khổ lắm chứ sung sướng như ai cũng nghĩ đâu ạ.

    Cho nên ai muốn du học ấy, xác định là nhà có tự lo được chi phí sang đây không? Vay mượn ngân hàng thì dẹp luôn, ở nhà cho ngoan. Chi phí sang xấp xỉ 2-3 trăm triệu, sang đây sinh hoạt hàng tháng 10-15 triệu tiền đồ ăn, tiền điện thoại, tiền nhà, tiền điện nước, tàu xe, tiền thuế má, chưa tính chuyện ốm đau hay nặng hơn là đi viện (nếu ngày nào cũng húp mỳ, và ở nhà trọ thuộc dạng xập xệ nhất) tất cả phải tự lo hết chứ chả ai cho không các bạn đâu. Cứ sống như vậy, dành dụm lấy một tháng 20-25 triệu, rồi đóng học phí trường tiếng, học xong trường tiếng đóng học phí trường cao đẳng hoặc đại học nữa nhé. Vẫn có những người cày như trâu húc mả quanh năm suốt tháng thì sống sót được nhé, kiểu đấy tôi chả thấy được mấy người, còn đâu toàn vay mượn người này người kia, lừa lọc người này người nọ, cũng chỉ vì mẹ ở nhà gọi giục ngân hàng đến ngày đóng tiền lãi. 

    Đấy…tôi chả tin được có ai bằng tiền mồ hôi công sức mà tháng gửi về nhà 30-40 triệu như người nhà tôi kể. Những người đấy, tin tôi đi, họ chả khác gì cái máy chỉ biết ăn, làm, và kiếm tiền thôi chứ chả có đầu óc đâu mà học hành với chả tích luỹ kiến thức đâu. Không tích lũy được kiến thức phải không? Học ngu quá cũng chả được ở lại nhé! Đi làm về rồi thì đi học, còn lên lớp không đầy đủ ư? Không đủ điểm chuyên cần á? Người ta đuổi về, chả có tư cách ở lại thêm đâu (thị thực cho du học sinh là 1 năm 3 tháng, hết hạn thị thực thì phải gia hạn, cục xuất nhập cảnh điều tra, nếu ko đủ điểm chuyên cần đi học, hồ sơ có vết nhơ thì còn lâu nó mới cho gia hạn) Chưa kể cái vụ vài tháng về một lần nhé. Tiền vé khứ hồi từ Nhật về VN không dưới 10 triệu đâu ạ.

    Còn đâu chuyện người Việt lừa người Việt thì không nói làm gì rồi, cứ có sơ hở là lấy của nhau ngay ạ, ko có tiền thì chả thế? Bần cùng thì chả sinh đạo tặc? Vậy nhé, nhiêu đây chỉ là phần nhỏ trong số hàng tỷ điều cần lo toan ở “chân trời màu hồng không phải VN” thôi.

    Tự túc ư? Đừng đùa tôi, ở nhà đi, còn đâu không tự túc được, nhà lo được, nuôi được hẵng đi cho biết. Còn không thì chỉ sơ sẩy một bước chân, bạn sẽ có hai lựa chọn: một là quay gót về khóc với mẹ cạnh đống giấy nợ bên cạnh, hai là chịu khó phạm pháp, chui lủi ngoài vòng pháp luật mà sống.

    Nói ra đây cho thỏa nỗi lòng và cũng để mọi người ở nhà có cái nhìn chính xác hơn, du học chỉ có màu hồng khi nhà bạn buôn vàng, còn nhà bạn buôn rau hay buôn gì khác? Đừng nghĩ sang đây sẽ đổi đời, sẽ có tương lai tươi sáng hơn. Mọi thứ bạn dùng, bạn ăn bạn uống hằng ngày đều phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt.

    Bài chia sẻ đã nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của các bạn trẻ. Với những người đã và đang đi Nhật đều thấu hiểu được cuộc sống khổ cực nơi xứ người. Đến bao giờ người ta mới chịu hiểu đúng nghĩa hai từ “du học”?

    Viethome (theo nuocnhatplus)

  • Trung Sơn tiết kiệm được gần 10 triệu đồng mỗi tháng nhờ chịu khó tự nấu ăn, mua đồ đã qua sử dụng và ở trong ký túc xá thay vì thuê nhà.

    Tháng 11/2021, Nguyễn Trung Sơn trở thành sinh viên năm nhất ngành Quản lý Kinh doanh Thể thao tại Manchester Metropolitan University, thành phố Manchester, Anh. Trước khi sang đây, nam sinh Sài Gòn đã tìm hiểu kỹ về phí sinh hoạt ở Anh. Sơn quan tâm tới vấn đề này vì dù nhận được học bổng, em vẫn phải chi trả phần lớn chi phí. Sau nửa năm ở Anh, Sơn có nhiều kinh nghiệm chi tiêu, giúp cuộc sống du học trở nên dễ dàng hơn.

    Theo Sơn, để được cấp visa du học, bạn phải trải qua thủ tục chứng minh tài chính, rằng mình có đủ 1.023 bảng (hơn 30 triệu đồng) mỗi tháng để trang trải chi phí cho những thành phố ngoài London, 1.330 bảng (gần 40 triệu đồng) mỗi tháng ở London, tổng cộng một năm 285 triệu đồng. Thực tế, Sơn có cách sắp xếp để chi phí sinh hoạt rẻ hơn mức này.

    tiet kiem chi phi du hoc 1
    Chi phí sinh hoạt được Sơn ghi chép cẩn thận từng tháng, từng mục để cân đối và điều chỉnh. Ảnh chụp màn hình

    Nam sinh chia các khoản chi tiêu thành ba loại: Chi phí cố định; chi phí ăn uống; chi phí mua sắm, di chuyển và tận hưởng. Trong những khoản này, phí cố định gồm tiền nhà, giặt đồ, điện thoại... là khó thay đổi nhất. Thay vì thuê nhà (16 -19 triệu đồng/ tháng), Sơn chọn ký túc xá của trường và chia sẻ cùng bảy bạn khác nên mỗi tháng chỉ tốn 460 bảng (13,7 triệu đồng). Cộng thêm tiền điện thoại và phí giặt đồ, em tốn khoảng 14,5 triệu đồng mỗi tháng.

    Tiền ăn uống là khoản có thể điều chỉnh. Mỗi lần ăn ngoài, Sơn tốn 7-11 bảng, tuy nhiên, chịu khó đi chợ và nấu ăn sẽ tiết kiệm hơn. "Tiền chợ hết khoảng 115 bảng một tháng và đó là mức hoàn toàn chấp nhận được. Siêu thị ở Anh có những đồ ăn rẻ hơn hoặc bằng Việt Nam như thịt, sữa, trứng, trái cây", Sơn nói.

    Theo Sơn, chi tiêu cho mua sắm, di chuyển và tận hưởng phụ thuộc nhiều vào thói quen, sở thích cũng như điều kiện tài chính từng người. Nếu mua những đồ thiết yếu, mỗi tháng em chi 20-30 bảng. Ban đầu, Sơn mất nhiều tiền để mua sắm đồ mới, sau đó, em biết cách tham khảo một số kênh để tìm đồ đã qua sử dụng nhưng chất lượng còn tốt. Nam sinh cũng gợi ý nên mua đồ trong nhóm Facebook của các du học sinh ở Anh. Tại đó, nhiều anh, chị sắp rời Anh sẽ thanh lý đồ dùng với giá rẻ.

    "Mẹo để tiết kiệm là tính kỷ luật, chỉ mua khi mình thật sự cần", Sơn chia sẻ.

    Ở Anh, Sơn chủ yếu đi bộ, xe buýt, xe điện và tàu lửa (nếu đi liên thành phố). Mỗi lần đi bus hết 1,5- 2,5 bảng, tùy chặng. Nếu phải di chuyển nhiều, nam sinh gợi ý nên mua vé ngày hoặc tháng.

    Để cân bằng giữa việc học tập, làm việc và thư giãn, hàng tháng Sơn cũng dành ra một khoản cho tận hưởng. "Đây là chi phí không bắt buộc. Có tháng em đi xem bóng đá sẽ tốn nhiều tiền hơn nhưng nếu chỉ ăn uống cùng bạn bè và đi chơi thể thao thì hết 20-30 bảng. Tổng cộng mỗi tháng em tiêu 700 bảng (khoảng 21 triệu đồng)", Sơn tính toán.

    tiet kiem chi phi du hoc 1
    Sơn đi xem bóng đá ở Manchester mới đây. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    700 bảng một tháng là mức hợp lý, biết cách chi tiêu, theo anh Đặng Hữu Phước, giám đốc một công ty tư vấn du học tại TP HCM. Anh Phước cho hay, Anh là một trong những nước có chi phí du học đắt đỏ bậc nhất thế giới.

    "Trong các khoản, tiền thuê nhà chiếm phần lớn, ví dụ ở London là 600-1.000 bảng (18-30 triệu đồng). Du học sinh tại London tự nấu ăn thường hết 300-400 bảng (9-12 triệu đồng), trong khi nơi khác từ 200 đến 300 bảng (6-9 triệu đồng)", anh Phước - cũng là cựu du học sinh ở Anh - cho biết.

    Chuyên gia có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và tư vấn du học chia sẻ, rất khó tiết kiệm các phí cố định nhưng các em có thể đi làm thêm để trang trải. Du học sinh được phép làm thêm 20 tiếng mỗi tuần trong thời gian đi học và 40 tiếng mỗi tuần vào thời gian nghỉ lễ.

    Ngoài tiền nhà, tiền học được gia đình hỗ trợ, Sơn có thể tự trang trải phí sinh hoạt nhờ đi làm thêm bán thời gian. Hiện Sơn cũng có kênh YouTube về du học, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm học tập và cuộc sống ở Anh.

    Theo VnExpress