• Để có thể kết hôn hoặc bước chân vào một mối quan hệ dân sự ở Anh, phần lớn các cá nhân phải thông báo trước ít nhất 28 ngày tại một văn phòng đăng ký kết hôn địa phương. “Thông báo” tại Văn phòng Đăng ký đồng nghĩa với việc một cặp đôi thông báo ý định kết hôn với nhau. Để làm điều này, họ phải sống ở khu vực có văn phòng đăng ký ít nhất 7 ngày trước khi đến thông báo. Bạn có thể vào đây để tìm văn phòng gần mình nhất.

    Những đối tượng bắt buộc phải thông báo bao gồm người chịu sự kiểm soát của Luật Nhập cư, ví dụ như công dân không thuộc EEA.

    Bạn cần phải mang giấy tờ gì khi đi thông báo kết hôn?

    Để có thể tuân thủ các yêu cầu của việc ‘thông báo’, cả hai người phải mang theo các giấy tờ hồ sơ chứng minh tên, tuổi, quốc tịch và nơi sinh sống tới Văn phòng Đăng ký. Ví dụ như các giấy tờ sau:

    • Hộ chiếu
    • Thẻ căn cước (nếu bạn là công dân EEA)
    • Giấy chứng nhận nhập tịch
    • Hóa đơn (thuế hội đồng, gas, điện hoặc nước)
    • Hợp đồng thuê nhà

    Chuyện gì sẽ xảy ra khi tôi tới thông báo kết hôn?

    Một khi đã mang đủ những giấy tờ cần thiết và được thông qua, thông báo của bạn sẽ được công khai ở Văn phòng Đăng ký trong 28 ngày. Thời gian chờ đợi 28 ngày này được áp dụng với bất cứ ai đang lưu trú tại Anh, bất kể quốc tịch hay tình trạng nhập cư. Và bạn không thể kết hôn chính thức trong giai đoạn 28 ngày này.

    Theo Bộ luật Nhập cư 2014, Văn phòng Đăng ký được yêu cầu thông báo với Bộ Nội vụ nếu một người trong cặp đôi không được ‘miễn trừ’ kiểm soát nhập cư. Những trường hợp được miễn trừ bao gồm công dân Anh, công dân EEA và những người có quyền lưu trú vô thời hạn ở Anh.

    Mục đích của việc thông báo này là để Bộ Nội vụ có thể kiểm tra xem việc kết hôn này là thực hay giả.

    Nếu Bộ xác định trường hợp kết hôn của bạn cần được điều tra thêm, giai đoạn thông báo sẽ được kéo dài thành 70 ngày. Và tất nhiên, bạn không được phép kết hôn trong 70 ngày này, khi mà việc kết hôn đang được điều tra.

    Có phải bất kỳ cuộc hôn nhân nào cũng bị điều tra không?

    Không. Việc điều tra được quyết định dựa trên một danh sách các yếu tố. Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, một số yếu tố khiến việc kết hôn của bạn bị điều tra bao gồm:

    • Một trong hai người là người nhập cư lưu lại quá hạn visa
    • Một trong hai người đã vào Anh bất hợp pháp
    • Một trong hai người có hành vi phạm pháp
    • Một trong hai người từng xin được lưu lại Anh bằng hồ sơ lừa đảo.

    Nếu trường hợp của bạn chứa đựng bất cứ yếu tố nào trong những yếu tố này, khả năng cao bạn sẽ được mời đến buổi phỏng vấn kết hôn.

    Nếu được mời đến buổi phỏng vấn kết hôn, tôi có thể chuẩn bị những gì?

    Tai một buổi phỏng vấn kết hôn, bạn sẽ phải trả lời nhưng câu hỏi liên quan đến mối quan hệ của bạn với vị hôn phu/hôn thê, ví dụ như các bạn gặp nhau lần đầu ở đâu và mối quan hệ đã phát triển ra sao. Bạn cũng có thể được hỏi về những hoạt động mà bạn và bạn đời tương lai thích được làm cùng nhau.

    Lưu ý rằng nếu bạn từ chối trả lời câu hỏi nào, bạn có thể bị coi là không tuân thủ quy trình điều tra.

    Bạn cũng có thể cử đại diện pháp lý của mình đến buổi phỏng vấn. Bạn cũng được phép ghi chép lại các câu hỏi và câu trả lời trong quá trình phỏng vấn.

    VietHome (Theo Immigration Barrister)

  • Ở quá hạn visa là điều cực kỳ tệ hại và bạn phải luôn luôn tránh rơi vào trường hợp này. Việc cố tình ở lại khi đã hết hạn visa là hành vi phạm pháp. Nếu bị phát hiện, bạn sẽ bị giam giữ và buộc trục xuất về nước. 

    Người ở quá hạn visa không được phép làm việc. Họ còn bị cấm tham gia rất nhiều hoạt động khác theo chính sách môi trường thiếu thân thiện của chính phủ. Chẳng hạn, họ không được quyền thuê nhà, mở tài khoản ngân hàng, lái xe hay khám bệnh. 

    Trường hợp bạn rời UK và muốn quay lại

    Nếu từng ở quá hạn visa, nhiều khả năng bạn sẽ bị cấm trở lại Anh trong vòng 12 tháng đến 10 năm tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu bạn ở quá hạn dưới 30 ngày và tình nguyện rời Anh mà không gây tốn kém chi phí của Bộ Ngoại giao thì bạn sẽ không bị cấm trở lại Anh. Lệnh cấm cũng không áp dụng nếu các thành viên trong gia đình bạn nộp đơn xin trở lại Anh.  

    Nếu đã quá hạn visa, bạn có thể nộp hồ sơ xin ở lại (Leave to Remain) không? 

    Câu trả lời là không. Bạn phải nộp hồ sơ xin ở lại trước khi visa hết hạn. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp ngoại lệ được quy định ở đoạn 39E bộ Luật Nhập cư thì bạn vẫn có thể xin Leave to Remain dù đã quá hạn visa.

    Cụ thể, nếu ở quá hạn trong vòng 14 ngày sau khi visa hết hạn và bạn cung cấp được lời giải thích hợp lý cho việc chậm trễ này, chẳng hạn bạn (hoặc người được ủy quyền) rơi vào trường hợp bất khả kháng thì hồ sơ xin gia hạn của bạn sẽ được xem xét. 

    Chẳng hạn như bạn phải điều trị, nằm viện, người thân qua đời, hoặc trường học chậm cấp giấy tờ...  Bạn nên đính kèm lời giải thích cùng bằng chứng cần thiết trong hồ sơ xin gia hạn visa. 

    Trường hợp bạn đã nộp hồ sơ trước khi visa quá hạn, nhưng hồ sơ của bạn bị sai sót, thì bạn được nộp lại hồ sơ trong vòng 14 ngày sau khi visa hết hạn.

    Trong khoảng thời gian chờ đợi được cấp visa mới, bạn vẫn thuộc diện ở quá hạn visa. Nghĩa là bạn bị cấm làm việc và phải chịu ảnh hưởng của ''môi trường thiếu thân thiện''. 

    Viethome (theo immigrationbarrister)

  • Hôm 7/3/2019, Bộ Nội vụ đã ra thông báo chi tiết về việc chấm dứt visa Tier 1 dạng Doanh nhân Entrepreneur, để thay thế bằng 2 hình thức visa mới là Tier 1 (Innovator - Cải cách) và (Start up - Khởi nghiệp). 

    Hạn chót nộp đơn xin Visa Tier 1 (Entrepreneur) 

    Nếu bạn muốn nộp đơn xin loại visa này dưới dạng lần đầu nhập cảnh, nhập cảnh lại hoặc gia hạn, thì phải nộp vào ngày hoặc trước ngày 28/3/2019. Những đơn xin này sẽ được xét duyệt theo Luật Nhập cư mới có hiệu lực từ ngày 28/3/2019.

    Hạn chót nộp đơn xin Visa Tier 1 (Graduate Entrepreneur)  

    Bạn chỉ có thể nộp đơn xin Visa Tier 1 dạng này khi có thư chứng nhận từ Viện Giáo dục Cao học (Higher Education Institutions) hoặc Phòng Thương mại Quốc tế (Department for International Trade).

    Thư này có giá trị trong 3 tháng, và phải được phát hành trước ngày hoặc trong ngày 5/4/2019. Từ đây, bạn có thể nộp đơn xin Visa Tier 1 (Graduate Entrepreneur) tới ngày 5/7/2019.

    Hạn chót đối với đơn xin gia hạn/định cư cho những người đang ở Anh theo Visa Tier 1

    Luật mới sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đối với những người đã ở Anh theo diện Tier 1 (Entrepreneur) và (Graduate Entrepreneur) 

    - Việc xin gia hạn visa Tier 1 (Entrepreneur) sẽ kéo dài tới ngày 5/4/2023, đơn xin visa định cư kéo dài tới ngày 5/4/2025. 

    - Người ở Anh theo diện Tier 1 (Graduate Entrepreneur) có thể đổi sang Start-up nếu họ chưa dùng hết 2 lần gia hạn visa Tier 1 (Graduate Entrepreneur). Khi chuyển đổi sang visa Tier 1 (Start-up), nếu doanh nghiệp/cơ quan bảo lãnh cho bạn vẫn là đơn vị cũ thì ý tưởng kinh doanh của bạn sẽ không cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn mới theo quy định của loại visa Start-up này (ở mục innovation và scalability).

    - Người ở Anh theo diện Tier 1 (Graduate Entrepreneur) và Start-up có thể tiếp tục chuyển đổi lên visa Tier 1 (Entrepreneur) trước ngày 5/7/2021. Sau đó họ có thể nộp hồ sơ xin gia hạn visa 1 (Entrepreneur) trước ngày 5/7/2025, rồi nộp hồ sơ xin định cư trước ngày 5/7/2027.

    Thời hạn gia hạn đối với các hồ sơ xin visa từ bên ngoài UK sẽ bị rút ngắn từ 3 năm 4 tháng xuống còn 2 năm 4 tháng. 

    Viethome (theo immigrationbarrister)

  • Việc có thêm cuốn hộ chiếu dự phòng sẽ giúp bạn tránh nhiều rắc rối nếu chẳng may bị thất lạc quyển chính.

    Bất cứ du khách nào giàu kinh nghiệm đi du lịch cũng đều hiểu tầm quan trọng của cuốn hộ chiếu. Để bảo đảm an toàn cho loại giấy tờ này, bạn có thể dùng song song hai cuốn hộ chiếu trong cùng một thời điểm. Dưới đây là những lợi ích từ việc này:

    Dễ dàng di chuyển

    Với những quốc gia nhạy cảm về chính trị như ở vùng Trung Đông, việc ghé thăm nơi này và được đóng dấu nhập cảnh lên hộ chiếu có thể khiến bạn gặp nhiều khó khăn khi du lịch sang các nước khác sau đó.

    Chẳng hạn, với dấu nhập cảnh vào Israel, bạn sẽ khó lòng du lịch tiếp đến các nước như Indonesia, Malaysia, Algeria hay thậm chí là cả Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Tuy nhiên, một cuốn hộ chiếu dự phòng sẽ giúp bạn vượt qua những khó khăn này.

    Tránh thời gian “chết” khi chờ xin visa

    Trước chuyến du lịch dài hơi qua nhiều nước, chuyện xin visa luôn cần được đảm bảo và nó phải khớp với thời gian lịch trình. Một số quốc gia thường yêu cầu nhiều thủ tục trước khi cấp thị thực như đòi hỏi du khách phải trình kế hoạch chi tiết, thư mời hay thậm chí là cả xác minh hành trình.

    Công đoạn này và cả thời gian chờ cấp visa có thể kéo dài ít nhất 2 tuần đến một tháng. Việc có thêm cuốn hộ chiếu dự phòng sẽ giúp bạn linh động hơn với quá trình trên. Tuy nhiên, nếu không đặt những chuyến bay liên quốc gia dày đặc, bạn cũng chưa cần thiết phải có cuốn hộ chiếu thứ hai để dùng.

    Giảm rủi ro bị mất, thất lạc hộ chiếu

    Bước chân ra khỏi biên giới, cuốn hộ chiếu trở thành tài sản mà bất cứ du khách nào cũng phải giữ gìn cẩn thận. Trường hợp xảy ra mất mát, thất lạc, có thể bạn sẽ bị kẹt lại một thời gian ở nơi đất khách quê người để làm lại các thủ tục cần thiết.

    Bằng việc sở hữu thêm cuốn hộ chiếu dự phòng, nếu không may bị thất lạc giấy tờ, bạn vẫn có thể tiếp tục hành trình và chỉ cần thông báo với đại sứ quán về trường hợp này. Tuy vậy, nếu nhất định phải có cuốn hộ chiếu cũ với visa thì mới được xuất và nhập cảnh, bạn vẫn phải chờ cho đến khi lấy lại được thị thực.

    Chính sách dùng hộ chiếu dự phòng hầu hết phổ biến ở Mỹ với thời gian sử dụng 2 năm. Công dân Mỹ gốc Việt có quyền đăng ký hình thức này. Chi phí cho mỗi lần xin cấp hộ chiếu này khoảng 135 USD. Việt Nam chưa áp dụng chính sách hai hộ chiếu song song.

    Anh Quốc cho phép người dân được có 2, thậm chí 3-4 hộ chiếu (theo trang wish.co.uk). Nếu bạn có 2 quốc tịch thì bạn cũng có thể sở hữu 2 hộ chiếu. Thủ tục xin hộ chiếu thứ 2 khá đơn giản, bạn chỉ cần giải thích lý do vì sao bạn cần thêm hộ chiếu.

    Viethome (theo Travel Insurance)

  • Visa Tier 1 cho phép người nước ngoài đến Anh theo diện đầu tư một dự án mới hoặc đầu tư vào một dự án sẵn có. Đây là một lựa chọn định cư phổ biến với nhiều người, kể cả những người đã tốt nghiệp ở Anh hay các lao động có kỹ năng ở nước ngoài. 

    Quá trình đầu tư kéo dài 5 năm trước khi bạn có thể nộp đơn xin định cư vĩnh viễn, và bạn có thể đưa theo gia đình. 

    Việc nộp đơn xin Visa Tier 1 cần lưu ý những điều sau đây:

    1. Tài chính, lựa chọn 1 - £200,000

    Đây là lựa chọn phổ biến nhất. Bạn phải có ít nhất £200,000 để đầu tư vào Anh, và bạn phải chứng minh được đây là:

    - Tiền của bạn

    - Tiền của một bên thứ ba cho bạn toàn quyền xử lý (như vợ/chồng, đối tác, một nhà đầu tư khác...)

    - Số tiền thuộc về tài khoản chung của bạn và vợ/chồng hoặc đối tác, nhưng họ sẽ không nộp đơn xin Visa Tier 1.

    Số tiền này phải nằm trong tài khoản của bạn ít nhất 90 ngày. Nếu dưới 90 ngày hoặc tiền do bên thứ 3 nắm giữ, thì bên thứ 3 phải xác nhận rằng số tiền này bạn được toàn quyền sử dụng cho đến khi tiền được chuyển hẳn vào tài khoản của bạn, hoặc của dự án bạn có ý định đầu tư.

    2. Tài chính, lựa chọn 2 - £50,000

    Lựa chọn này chỉ áp dụng nếu bạn nhận được khoản tài trợ từ các doanh nghiệp sau:

    - Các quỹ đầu tư đã đăng ký với chính phủ Anh, hoạt động dưới sự kiểm soát của Financial Conduct Authority (FCA - Cơ quan Kiểm soát Tài chính).

    - Các doanh nghiệp (start-up) đang gọi vốn ở Anh và được Department for International Trade (DIT - Sở Thương mại Quốc tế) cấp phép.

    - Các cơ quan chính phủ (hoặc các đơn vị có liên quan tới chính phủ) ở Scotland, Wales và Bắc Ailen với mục đích là mở rộng một doanh nghiệp hoặc thành lập doanh nghiệp mới. 

    3. Phí sinh hoạt

    Bạn phải chứng minh mình có đủ tài chính để chu cấp cho bản thân và những người phụ thuộc. Số tiền này không liên quan tới khoản tiền đầu tư. 

    Đối với những người xin visa vào Anh, bạn phải chứng minh mình có ít nhất 3,310 bảng trong tài khoản tiết kiệm (đã được mở ít nhất 90 ngày tính đến ngày nộp đơn). Đối với những người xin visa Leave To Remain, khoản tiền này là 945 bảng.

    4. Khoản tiền đầu tư nằm ở UK hay ngoài UK

    Khoản tiền đầu tư phải được gửi vào một tổ chức tài chính hoạt động hợp pháp, chẳng hạn như ngân hàng hay hiệp hội nhà ở. Nếu tiền không gửi vào một tài khoản ở UK, thì nó phải được quy đổi ra đồng bảng Anh và không thuộc diện bị phong tỏa (được tự do sử dụng bất cứ lúc nào).

    5. Kế hoạch đầu tư

    Nếu đây là lần đầu tiên nộp đơn xin visa Tier 1 thì bạn phải trình một kế hoạch đầu tư. Bạn phải trình bày tươm tất về khoản đầu tư của mình. Cụ thể: đầu tư vào lĩnh vực gì, hoạt động như thế nào, kết quả nghiên cứu thị trường chỉ ra đối tượng khách hàng của bạn, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận... Càng chi tiết và thuyết phục càng tốt. Các số liệu của bạn không nên chung chung, doanh thu phải căn cứ vào các thông số và kế hoạch rõ ràng. Bạn phải chứng minh mình có những kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực này, cũng như tầm nhìn và tham vọng của bạn đối với khoản đầu tư.

    6. Kiểm tra độ thành thật của ứng viên

    Phần lớn ứng cử viên rớt ở vòng này. Nếu nộp đơn xin visa lần đầu, bạn phải vượt qua bài kiểm tra này. Nếu đã nộp đơn xin visa vài lần thì Bộ Nội vụ cũng có thể yêu cầu bạn phải làm bài test này. Bộ Nội vụ sẽ cân nhắc tất cả các yếu tố liên quan đến ứng viên. Rồi họ sẽ quyết định bạn có đáng tin không, bạn có thực sự muốn đầu tư ở Anh hay không, khoản tiền có phải thuộc quyền sử dụng của bạn hay không, bạn có ý định làm việc gì khác mà không khai báo hay không. 

    7. Phỏng vấn với Bộ Nội vụ/ Đại sứ quán

    Trong quá trình kiểm tra độ thành thật của ứng viên, bạn có thể được gọi lên phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn rất nghiêm ngặt và có thể kéo dài. Họ sẽ hỏi về hồ sơ lý lịch của bạn, chuyên môn, kế hoạch tài chính và đầu tư. Điều then chốt là bạn phải nắm rõ kế hoạch đầu tư của mình. Bộ Nội vụ có quyền đòi hỏi thêm thông tin và bạn phải cung cấp trong vòng 28 ngày kể từ ngày được yêu cầu.

    Viethome (theo Lexoo)

  • Các luật sư tư vấn nhập cư được yêu cầu phải công bố mức giá tư vấn của mình cho đến trước ngày thứ Năm, 6/12, theo quy định về minh bạch giá cả do Hiệp hội Quản lý Luật sư (SRA) ban hành.

    SRA cho biết các hãng luật phải đưa ra thông tin về việc họ thu mức phí là bao nhiêu đối với mỗi hồ sơ xin nhập cư và hồ sơ kháng nghị tại tòa, trừ trường hợp xin tị nạn. Thông tin này phải được ghi rõ trong một mục dễ thấy trên website của các công ty.

    Các công ty được yêu cầu niêm yết toàn bộ mức giá đối với việc hỗ trợ hồ sơ nhập cư, hoặc mức giá trung bình/khoảng giá nếu không có mức cố định. Họ cũng cần nêu rõ mức giá đó đã bao gồm thuế VAT hay chưa. Khách hàng cũng cần được thông báo chính xác họ sẽ được giúp đỡ những gì khi trả tiền.

    Luật Minh bạch liệt kê rõ các dịch vụ tư vấn nhập cư cần được công bố mức giá, bao gồm: chuẩn bị và nộp hồ sơ nhập cư (trừ hồ sơ xin tị nạn); tư vấn và đại diện tại các phiên tòa kháng nghị quyết định nhập cư của Bộ Nội vụ (trừ kháng nghị liên quan đến tị nạn).

    Các dịch vụ không cần niêm yết giá bao gồm: nộp hồ sơ tị nạn, nộp hồ sơ lưu vong, hồ sơ nhân quyền/ đời sống riêng tư, hồ sơ xin bảo lãnh nhập cư từ quan chức cấp cao, yêu cầu xem xét lại và thừa kế, kiểm tra phán quyết tòa án (ví dụ trường hợp bị tạm giữ trái pháp luật), dịch vụ nhập cư cho các cơ sở kinh doanh (ví dụ, nộp đơn xin chứng nhận bảo lãnh hoặc xác nhận việc nhập học).

    Trong sáng ngày 6/12, có thể thấy chưa có hãng luật nào niêm yết giá của mình lên website. Tuy nhiên, họ cũng chưa cần phải lo lắng, bỏi lẽ trong thời gian đầu, việc thi hành luật sẽ khá mềm mỏng và những công ty chưa tuân thủ sẽ chỉ bị sờ gáy từ sau kỳ nghỉ Giáng sinh.

    VietHome (Theo Free Movement)

  • Trong vài năm gần đây số lượng người Việt xin visa theo diện gia đình, "mẹ ăn theo con" tự dưng tăng đột biến, hầu như các hồ sơ này không sớm thì muộn cũng được Bộ Nội Vụ hoặc toà chấp nhận, cấp visa ở lại Anh Quốc. Trong bài viết này, VietHome xin gửi tới bạn đọc những thông tin xung quanh luật này, cùng với văn bản do chính Bộ Nội Vụ gửi tới các nhân viên xét duyệt hồ sơ để hướng dẫn họ cách từ chối hoặc chấp nhận đơn xin.

    Người Việt chúng ta có câu "Biết người biết ta, trăm trận thắng". VietHome hi vọng việc hiểu rõ luật và cách suy nghĩ của người xét duyệt hồ sơ sẽ giúp ích cho chúng ta hơn. Đặc biệt là khi đi tìm luật sư, bởi có nhiều luật sư cũng rất "gà mờ", điền sai 1 thông tin là làm ảnh hưởng tới 10 năm chờ đợi của người làm đơn. 

    Cách xin visa ở lại trước đây

    Việc xin visa "mẹ theo con" không phải là mới, nó đã diễn ra cách đây hơn 10 năm, nhưng chỉ mới vài năm trở lại đây số lượng người được chấp nhận theo diện này mới tăng đột biến. Đơn xin theo dạng này cũng được xử lý nhanh chóng. 

    Hầu hết người xin theo luật này dựa vào Điều 8 của Công Ước Châu Âu về Nhân Quyền. Luật Nhập Cư của Anh Quốc tại thời điểm đó không có luật này và cũng không có hướng dẫn chính xác cách xử lý. Chính vì thế ban đầu những hồ sơ đó sẽ bị từ chối. Chỉ khi kiện ra toà án thì luật này mới được sử dụng để xem xét và lúc đó các hồ sơ mới có cơ hội được chấp nhận. Thời gian chờ đợi việc này rất lâu và tốn chi phí cho cả 2 bên.

    Chính sách nhập cư thay đổi từ năm 2012

    Kể từ 2012, Chính Phủ đã "xốc lại" toàn bộ luật nhập cư và các loại visa, trong đó:

    • Diện ở lại theo luật 14 năm bất hợp pháp đã bị tăng lên thành 20 năm (không tính thời gian ở tù) 
    • Trẻ em dưới 18 tuổi nhưng đã ở Anh Quốc hơn 7 năm được phép xin visa ở lại
    • Nếu người xin visa trên 18, dưới 25 tuổi đã sống ở Anh Quốc hơn một nửa cuộc đời của mình thì cũng được xét duyệt. 

    Nếu như trước đây người Việt xin giấy tờ tị nạn ở lại chỉ được 2-3 năm rồi cứ phải chờ đợi không biết khi nào được vĩnh viễn, thì giờ đây Bộ Nội Vụ đã vạch ra các con đường (Route) cụ thể cùng với thời gian cho phép xin vào Vĩnh Viễn.

    Đặc biệt và quan trọng hơn là luật xin visa theo diện Cuộc Sống Riêng Tư, Gia Đình (Family Private Life Route) đã được giới thiệu vào luật nhập cư và có hướng dẫn cụ thể để nhân viên Bộ Nội Vụ biết cách xét duyệt. Trong đó có phần quan trọng và ảnh hưởng rất lớn tới hầu hết nhiều người Việt không có giấy tờ, muốn xin visa ở lại Anh Quốc: "Best Interests of a Child" - "Lợi ích của trẻ em".

    Lợi ích của trẻ em 

    Nếu để ý bạn sẽ thấy VietHome để ngoặc kép cụm từ "Mẹ ăn theo con". Lý do vì thực ra không có luật "Mẹ ăn theo con", các hồ sơ xin có con cái kèm theo thực chất ra là "yếu tố có con hỗ trợ cho quyết định xử lý đơn xin visa của bố mẹ". Chứ con cái không có xin cái gì để bố mẹ được ăn theo visa. 

    Trong luật visa Family Private Life ( Cuộc sống cá nhân, gia đình ) có nhiều thể loại khác nhau. Tuỳ thuộc vào tình trạng và điều kiện của mỗi cá nhân, họ có thể xin visa theo các loại này. Mỗi loại cũng có quy định về thời hạn được phép ở lại ( 2 năm, 5 năm hoặc 10 năm ). 

    Trong văn bản hướng dẫn các nhân viên Bộ Nội Vụ xử lý hồ sơ có liệt kê những điều kiện để xét duyệt hồ sơ xin visa. Trong đó, nếu hồ sơ không đạt đủ điều kiện thì họ sẽ phải xem xét tới lợi ích của con của những người làm đơn. (Best Interests of a Child). VietHome xin trích lại 1 phần hướng dẫn ở đây:

    "Mục này hướng dẫn cách xem xét lợi ích của trẻ em đi kèm hồ sơ xin visa. Kết hợp với các điều kiện khác trong luật The Family and Private Life Immigration Rules, người xét duyệt có thể từ chối hoặc chấp nhận cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi của đứa trẻ. 

    Những trường hợp sau sẽ được xem xét kĩ lưỡng: 

    • - Đứa trẻ dưới 18 tuổi và đang có mặt ở Anh Quốc 
    • - Đã có quốc tịch Anh hoặc đã sống ở Anh Quốc trong 7 năm liên tục. 
    • - Đứa trẻ không thể rời khởi Anh Quốc

    Người xử lý hồ sơ phải đánh giá hết hoàn cảnh và những yếu tố ảnh hưởng xung quanh cuộc sống của người xin visa ở lại. 

    Quyền lợi và sự an toàn của trẻ em sẽ là điểm chính, nhưng không phải là điểm duy nhất và quan trọng nhất khi đánh giá các hồ sơ xin visa này.

    Quyền lợi của trẻ em không phải là lý do đầu tiên khi xét duyệt mà người xử lý hồ sơ phải đánh giá tổng thể và giải thích rõ ràng trong thư quyết định khi đã có kết quả.

    Đánh giá mối quan hệ ràng buộc bố mẹ và con cái

    • Quan hệ của trẻ và người làm đơn là gì ? Con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ/chồng?
    • Người làm đơn có phải là người duy nhất chăm sóc cho trẻ? Người làm đơn có sẵn sàng chăm sóc cho trẻ sau này?
    • Đứa trẻ có sống cùng người làm đơn ? Nếu không thì bao lâu gặp nhau một lần ? Người làm đơn có đóng góp gì vào cuộc sống của đứa trẻ ? 

    Những trường hợp sau cần phải được điều tra và tìm hiểu thêm: 

    • Người làm đơn không có mối liên lạc hoặc ít liên quan tới đứa trẻ. 
    • Người làm đơn chỉ hỗ trợ về mặt tài chính 
    • Hoặc đứa trẻ hoàn tòan có thể sống tự lập . 
    • Đứa trẻ có thể rời Anh Quốc không?

    Một số trường hợp liên quan tới người làm đơn đã từng phạm tội và có thể phải về nước nếu bị từ chối đơn xin ở lại thì người xét duyệt phải đánh giá lại khả năng rời khỏi Anh Quốc của đứa trẻ. 

    Nếu quốc gia mà người làm đơn sẽ bị đuổi về nằm ngoài Châu Âu thì người xét duyệt cần xem xét lại bởi có thể đứa trẻ cũng sẽ phải đi theo. Thường thì các trường hợp này sẽ được chấp nhận ở lại ( nếu vẫn đạt được các điều kiện về mối quan hệ ở trên ) 

    Tuy nhiên, nếu đứa trẻ vẫn có thể sống với người khác thì người xét duyệt có thể từ chối đơn xin visa. 

    Ngoài ra, người xét duyệt cần đánh giá ảnh hưởng của việc chia ly giữa trẻ em và bố mẹ của trẻ. Người xét duyệt có thể hỏi cấp trên hoặc lấy thêm tư vấn từ Office of the Children’s Champion trước khi ra quyết định.

    Dưới đây là trình tự khi xét duyệt những hồ sơ theo diện Gia Đình, Cuộc Sống Cá Nhân (Family Life, Private Life) :

    - Xét duyệt dưới luật Nhập Cư trước ( Immigration Rules)

    - Nếu đơn bị từ chối thì phải xem xét các điều kiện ngoại lệ không nằm trong luật Immigration Rules. 

    - Nếu cả 2 trường hợp trên đều không thoả mãn thì sẽ phải chuyển hồ sơ cho European Casework để xét theo luật Châu Âu, trong đó sẽ tính đến yếu tố có kèm trẻ em như nêu trên. Sau khi European Casework xem hồ sơ xong, họ sẽ gửi kết quả cho người xử lý hồ sơ trực tiếp này để trả lời cho người làm đơn."

    Trên đây là một phần trong văn bản hướng dẫn nhân viên Bộ Nội Vụ xét duyệt hồ sơ visa theo diện Family Life, Private Life. VietHome hi vọng thông tin này sẽ có ích cho những ai đang ở trong hoàn cảnh này. Nếu bạn đọc có câu hỏi hoặc muốn tư vấn chi tiết hơn có thể vào mục Hỏi Đáp Cộng Đồng để trao đổi và giải đáp. 

    Nếu bạn đọc biết những thông tin hữu ích, xin hãy liên hệ với VietHome để chúng tôi tìm hiểu thêm và phổ biến lại cho cộng đồng. 

    VietHome 

  • Thời gian qua VietHome nhận được nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề đăng kí visa hay xin Quốc Tịch Anh cho trẻ em đẻ ra tại đây. Nếu bố mẹ của trẻ có quốc tịch Anh thì đây là câu trả lời rất dễ dàng, nhưng nếu cả 2 "sắp được" hoặc 1 trong 2 người có Visa Vĩnh Viễn thì sao?

    Dưới đây là những thông tin Viethome tìm hiểu được xin được chia sẻ cùng các bạn.

    xin quoc tich cho tre em anh quoc

    Một trẻ sinh ra tại Anh không tự động trở thành công dân Anh. Thay vào đó, nó phụ thuộc vào tình trạng của cha mẹ đứa trẻ.

    1) Nếu cha mẹ của đứa trẻ (một hoặc cả hai) là người Anh thì đứa trẻ cũng sẽ là một công dân Anh.

    2) Nếu cha mẹ của đứa trẻ (một hoặc cả hai) không phải là công dân Anh nhưng được phép định cư vĩnh viễn tại Vương quốc Anh, ví dụ Visa Vĩnh Viễn (Indefinite Leave to Remain ) hoặc Permanent Residency European theo luật chung châu Âu (EEA), thì đứa trẻ sẽ là công dân Anh (thậm chí khi cả hai cha mẹ không phải là công dân Anh).

    3) Nếu cả cha mẹ đứa trẻ không có quyền định cư Vĩnh Viễn ở Anh mà chỉ có thị thực ngắn hạn như Tier 1, Tier 2, Work Permit…thì đứa trẻ sẽ không phải là công dân Anh, mặc dù cho đứa trẻ được sinh ra tại Anh. Đứa trẻ này cũng không bắt buộc phải xin visa ngay. Bạn có thể xin visa Phụ Thuộc (Dependant) khi bố/mẹ xin gia hạn lần tiếp theo. Tuy nhiên nếu bạn có ý định cho bé du lịch ra khỏi Anh và quay lại, thì khi quay lại Anh Quốc, bé cần phải có visa.

    3.1) Nếu cha hoặc mẹ đứa trẻ có visa Vĩnh Viễn Indefinite Leave to Remain, thì đứa trẻ có thể đăng kí quốc tịch Anh, dù cho cha hoặc mẹ không đủ điều kiện để đăng kí quốc tịch Anh.

    Lấy ví dụ, mẹ và cha đứa trẻ có Tier 1 General và một thị thực phụ thuộc. Họ sinh em bé tại Anh. Vào thời điểm cha/mẹ gia hạn Tier 1, trẻ cũng sẽ có thị thực phụ thuộc Tier 1. Sau này, nếu cha/mẹ trẻ đăng kí xin Visa Vĩnh Viễn Indefinite Leave to Remain và được chấp nhận, thì trẻ có quyền xin vào công dân Anh, mặc dù cả bố mẹ vẫn chưa vào quốc tịch.

    3.2) Trẻ có cần phải xin Visa Phụ Thuộc hoặc Indefinite Leave to Remain hay không? Có tốn thêm phí lệ phí cho Bộ Nội Vụ hay không?

    Xin trả lời: Không. Nếu bạn sắp gia hạn visa của bạn, bạn có thể đợi đến lúc đó rồi làm cho bé luôn. Nhưng nếu bạn có dự đi mang bé ra khỏi Anh và quay lại trong quãng thời gian đợi đó, bạn phải xin visa vì khi quay lại Anh, hải quan sẽ cần kiểm tra thị thực visa của bé

    Với ví dụ ở trên, nếu bạn sắp xin Visa Vĩnh Viễn, bạn cũng không cần phải cho thêm bé vào hồ sơ, vì như vậy bạn phải đóng thêm lệ phí. Bạn có thể đợi sau khi bạn có Visa Vĩnh Viễn, thì đi xin vào Quốc Tịch Anh cho bé.

    4) Có gì khác nhau giữa “sẽ thành công dân Anh” và “có thể đăng kí là công dân Anh” ?

    Có 2 khái niệm mà người Việt hay nhầm lẫn. Đó là Quốc Tịch Anh và Hộ Chiếu ( Sổ Đỏ)

    Cuốn Hộ Chiếu không phải là thứ duy nhất để chứng minh bạn có quốc tịch Anh. Nó chỉ được để dùng để đi du lịch giữa các nước mà thôi.

    Giấy chứng nhận vào quốc tịch Anh mới là thứ chứng minh quyền quốc tịch của 1 người. Và phải có giấy này thì bạn mới xin được Hộ Chiếu Anh.

    Chính vì vậy, 1 người không có Hộ Chiếu Anh, không có nghĩa là họ không mang quốc tịch Anh. Chỉ đơn giản họ là công dân Anh nhưng không có nhu cầu đi lại giữa các nước.

     Theo như điều 1) và 2) ở trên, trẻ “sẽ thành công dân Anh” từ lúc sinh có nghĩa là em bé đó đã là công dân Anh, mang quốc tịch Anh sau khi đẻ ra. Cha mẹ đứa trẻ có thể xin cho trẻ hộ chiếu Anh quốc luôn, cách làm cũng tương tự như với trường hợp cha mẹ là người Anh: gửi các giấy tờ đến IPS (Identity and Passport Service), trả phí và nhận hộ chiếu.

    Theo điều 3) ở trên, trẻ sinh ra không có quyền quốc tịch Anh ngay lập tức, mà phải làm đơn xin đăng kí công dân Anh. Cha mẹ trẻ cần đăng kí thông tin với UK Border Agency, việc này tương tự như quá trình xin thị thực, trả một khoản phí và đợi quyết định. Nếu được đồng ý, cha mẹ trẻ có thể xin thị hộ chiếu Anh quốc cho trẻ bằng cách gửi thông tin cho IPS, các bước tương tự như bước bên trên.

    5)  Đơn xin quốc tịch cho trẻ dưới 18 tuổi

    Bạn có thể nộp đơn online tại đây: https://visas-immigration.service.gov.uk/product/mn1

    Còn đây là form để hướng dẫn cách điền: https://www.gov.uk/government/publications/form-mn1-guidance

    Viethome (theo Gov.uk)

  • Thời gian vừa qua VietHome nhận được rất nhiều thắc mắc xoay quanh việc có nên thuê luật sư khi xin visa, xin tị nạn, kết hôn...ở Anh hay không?

    Làm thế nào để tìm được luật sư tốt và họ sẽ làm những việc gì cho bạn. Trong bài viết này, chúng tôi xin được chuyển tới các bạn một số thông tin cơ bản sau đây.

    Tôi có buộc phải thuê luật sư ở Anh không? 

    KHÔNG nhất thiết. Điều này luôn được VietHome nhắc tới trong các bài viết về luật nhập cư. Chính phủ Anh cho phép người dân tự làm hầu hết các thủ tục liên quan đến luật pháp như xin visa, xin định cư, khiếu nại lại đơn từ chối, ra toà, tự báo thuế, tự làm kế toán cho mình... Hầu hết các bài viết trên VietHome đều do chính phủ hướng dẫn và chỉ cần làm theo hướng dẫn đó là được.

    Tuy nhiên, nếu bạn không hiểu rõ về luật thì có thể thuê luật sư để họ tư vấn. Chính phủ Anh có đề án cung cấp Luật Sư Nhập Cư miễn phí (Legal Aid), bạn có thể liên hệ với các tổ chức này để được tư vấn về luật nhập cư.

    Thuê luật sư bao nhiêu tiền thì tốt?

    Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất. Vì các thủ tục ở Anh không nhất thiết phải cần luật sư nên chất lượng không phụ thuộc vào giá tiền. Luật sư miễn phí cũng rất tốt và luật sư £10,000 cũng rất tuyệt. Điều này phụ thuộc vào bản thân bạn.

    Tuy nhiên, có một tâm lý mà người Việt ở Anh không thích đó là...quá rẻ. Cái gì rẻ quá thì họ nghi ngờ về chất lượng và không tin tưởng. Nhìn vào chi phí để đánh giá chất lượng là một sai lầm nhiều người mắc phải. Bạn nên đi hỏi giá ở 10 công ty luật thì bạn sẽ không lo bị quá đắt. 

    Luật sư làm được gì cho bạn?

    Người Việt thường nói với nhau là ông/bà luật sư này làm giấy tờ hay lắm, xin visa, tị nạn được nhanh lắm. Thực tế, họ không phải là người xét hồ sơ và cũng không phải là người ra quyết định việc ở lại, hay bị trục xuất của bạn. Họ chỉ là người biết luật và tư vấn cho bạn các thủ tục cần thiết. Họ thay mặt cho bạn, để gửi và nhận hồ sơ từ Bộ Nội Vụ. Nói cho bạn biết các giấy tờ nên gửi lên, các thông tin bạn nên cung cấp.

    Hồ sơ của bạn sẽ được gửi cho Bộ Nội Vụ (Home Office) để họ xem xét và quyết định. Nếu bất kì ai khẳng định sẽ làm được 100% thành công thì bạn nên xem xét lại.

    Có rất nhiều trường hợp bị từ chối visa chỉ vì các lỗi rất sơ đẳng do luật sư gây ra. Các lỗi thường gặp như: luật sư điền nhầm tờ đơn, luật sư không kiểm tra lại tên trong hoá đơn ga điện nước do người xin gửi cho họ, luật sư làm mất giấy tờ, thư từ....nhưng phần lớn vẫn là lỗi của khách hàng, đã quá chủ quan, tin tưởng và nghĩ rằng luật sư luôn đúng, rằng luật sư sẽ kiểm tra kĩ từng chi tiết nhỏ cho họ.

    Luật sư sẽ có trách nhiệm nói cho bạn:

    • Giải thích cụ thể trường hợp của bạn, quyền lợi của bạn.
    • Giải thích những vấn đề sẽ xảy ra.
    • Ước tính chi phí để làm thủ tục.
    • Giải thích khả năng thành công và thất bại.

    Tôi có thể khiếu nại luật sư được không?

    Được. Có nhiều người bị từ chối visa vì các lỗi sơ đẳng do luật sư gây ra. Nếu lỗi là do luật sư thì họ sẽ phải bồi thường cho bạn. Nếu bạn cảm thấy người luật sư đó không làm hết khả năng, bạn có thể khiếu nại và đòi lại tiền mà bạn đã chi trả. Tuy nhiên, bạn cần có bằng chứng lúc trả tiền. (Hầu hết người Việt ít để ý đến vấn đề này và không lấy hoá đơn khi làm hồ sơ).

    Bạn nên khiếu nại trực tiếp với họ, nếu không được thì gửi bằng chứng đến cơ quan thanh tra độc lập tại địa chỉ http://www.legalombudsman.org.uk/ . Họ sẽ điều tra và liên lạc thay cho bạn.

    Hầu hết các công ty luật mà người Việt thuê đều do tổ chức SRA cấp phép, bạn có thể khiếu nại trực tiếp với họ để họ điều tra và có thể tước giấy phép hoạt động của các luật sư đó.

    Thông tin bạn có thể xem tại: http://www.sra.org.uk/consumers/problems/report-solicitor.page

    5 câu hỏi bạn nên hỏi luật sư

    Chi phí:  Buổi gặp đầu tiên có mất tiền không? Lệ phí hàng giờ là bao nhiêu? Tổng số tiền phải chi trả khoảng bao nhiêu? Có thêm phụ phí nào nữa không?

    Thời gian: Bao lâu sẽ biết kết quả? Khả năng bị trì hoản như thế nào?

    Khả năng thành công: Nếu là kiện tụng, khả năng thắng là bao nhiêu?

    Luật sư có thấu hiểu hồ sơ của bạn: Hãy hỏi lại luật sư thật kĩ các vấn đề xoay quanh bản thân bạn, hỏi họ tóm lược lại những điều bạn giải thích. Điều này sẽ cho thấy liệu luật sư có để tâm, có thực sự hiểu rõ trường hợp của bạn hay không. Nếu bạn cảm thấy hoài nghi, hãy đi tìm người khác.

    Bạn cần phải làm gì? Sau khi hẹn gặp luật sư, họ sẽ gửi thư cho bạn và giải thích 1 số vấn đề sau:

    • Xác nhận là họ đồng ý thay mặt bản để gửi đơn xin lên Bộ Nội Vụ hoặc toà án.
    • Người chịu trách nhiệm tư vấn cho bạn (luật sư, trợ lý, thực tập sinh..)
    • Bao lâu họ sẽ cập nhật tin tức cho bạn và bằng cách nào (điện thoại, email, thư )
    • Những vấn đề chính trong đơn của bạn, các lựa chọn, giải pháp.
    • Bao lâu sẽ có quyết định
    • Ước lượng tổng chi phí.
    • Thông tin để cho bạn khiếu nại nếu bạn không hài lòng về dịch vụ của họ.

    Lời khuyên từ VietHome

    Chúng tôi biết có rất nhiều người Việt ở Anh gặp hoàn cảnh éo le. Họ đặt hết niềm tin vào luật sư nhưng không may gặp phải những người vô trách nhiệm, làm cho giấy tờ của người Việt gặp nhiều khó khăn. Nhiều người tiền mất, tật mang.

    Chỉ có một cách duy nhất để chúng ta tránh gặp phải những sự việc đáng tiếc, tránh bị lừa đảo đó là tự trang bị kiến thức cho mình. Trước khi các bạn chuẩn bị làm 1 việc gì, hãy tìm hiểu thông tin và suy tính cho kĩ.

    Thông tin luôn được chính phủ Anh phổ biến rộng rãi, nhất là thông qua các trang web của chính phủ. VietHome sẽ cố gắng truyền tải lại những thông tin này nhiều hơn và tích cực hơn nữa trong thời gian tới.

    Viethome

  • 5 NAM MIEN THI THUC 1 800x445

    Chia sẻ kinh nghiệm làm Miễn thị thực Visa 5 năm tại VN với giá 10 đô, từ bạn Hoa Ban Mai trên group Tôi và Sứ quán:

    Sắp tới VN sẽ mở cửa cho khách du lịch về VN (đối với những nước đã được miễn) với hình thức miễn thị thực Visa 15 ngày. Khi đó Bạn có thể về VN mà không cần phải xin Visa, vì là Visa ngắn ngày nên việc đầu tiên là bạn phải lên sở xuất nhập cảnh để đăng ký làm giấy Miễn Thị thực trước để còn kịp làm hồ sơ.

    Chuẩn bị:

    1.Đơn xin cấp giấy Miễn Thị thực (tải tại đây)

    2. Giấy khai sinh

    3. 2 ảnh 4x 6

    4. Hộ chiếu phô tô

    5. Hộ chiếu gốc

    Tất cả hồ sơ đã chuẩn bị xong bạn lên số 44 Trần phú HN ( Ngoài bắc) và nộp tại đó. Sau 1 tuần sẽ có kết quả.

    Bước quan trọng: Khi xin Giấy Miễn Thị thực tại VN. Nếu bạn đi bằng Visa này để nhập cảnh vào VN thì bạn sẽ được gia hạn hoặc sẽ được ở trọn gói trong vòng 6 tháng, nhưng nếu bạn nhập cảnh vào VN bằng Visa du lịch thì bạn sẽ không được chuyển đổi sang visa Miễn Thị thực bắt buộc phải xuất cảnh ra nước ngoài và quay trở lại.

    Lúc đó bạn có thể xuất cảnh sang các nước lân cận như Lào, Campuchia, TQ, nhưng hiện nay các cửa khẩu vẫn chưa mở cửa cho người nước ngoài nhập cảnh vào nên việc chạy sang đó và quay lại đành phải chờ cơ hội, hoặc có thể bạn sẽ quay lại nước sở tại và sau này có dịp lại về VN chơi tiếp.

    Chúc các bạn thành công.

    Theo Hoa Ban Mai / group Tôi và Sứ quán