• Chỉ vì một giọt nước rơi xuống làm nhòe mực in trên hộ chiếu, hai du khách tốn kém thêm hàng ngàn bảng.

    Một sự cố ngoài ý muốn nhưng đã hủy hoại cả kỳ nghỉ trong mơ, đồng thời khiến cặp đôi du khách người Anh tốn kém thêm một mớ tiền.

    Mới đây, ông bà Richard và Ann Lane đến từ Lincolnshire, Anh, đã kể lại câu chuyện của mình như một lời chia sẻ, nhắc nhở để những người khác rút kinh nghiệm.

    Cặp đôi người Anh “khốn khổ” vì sự cố hộ chiếu.

    Sau khi về hưu, ông bà Richard lên kế hoạch du lịch khắp châu Á và Australia đồng thời kết hợp thăm con cháu.

    Bắt đầu kỳ nghỉ từ tháng 12/2018, hai du khách Anh đã tới thăm Dubai (Ấn Độ), Malaysia và Australia mà không gặp phải trở ngại nào.

    Vào tháng 1/2019, họ đi từ sân bay Brisbane, Australia để bay tới Bali, Indonesia. Tuy nhiên, tại đây ông Richard bị giữ lại vì giấy tờ có vấn đề. Ở góc phải trên cuốn hộ chiếu của ông bị một giọt nước rơi xuống làm nhòe mực in. Do vậy, hãng bay đã giữ ông lại, chỉ một mình bà Ann được xuất cảnh.

    Hộ chiếu của ông Richard bị nhòe nước nên không được xuất cảnh

    “Khi tới sân bay Brisbane, hộ chiếu của tôi không quét được nên bị giữ lại, còn vợ tôi thì không sao”, ông Richard cho biết.

    Cũng theo du khách 76 tuổi này, nhân viên hãng bay giải thích, nếu để ông tới Bali với giấy tờ không hợp lệ, họ sẽ bị phạt nặng.

    Sau đó, cặp đôi đành hủy chuyến đi tới Bali, mà đặt chuyến mới tới Singapore rồi dự kiến đến Malaysia để thăm con gái. Nhưng tại Singapore, cuốn hộ chiếu của ông Richard tiếp tục không được chấp nhận.

    “Họ nói hộ chiếu của tôi không hợp lệ, không thể đi bất cứ đâu. Tôi tức giận và tuyệt vọng. Kỳ nghỉ trong mơ bị phá hủy trong tích tắc”, ông Richard giãi bày.

    Cuối cùng, vị khách 76 tuổi này nhận được giấy thông hành đặc biệt để tới Đại sứ quán Anh ở Singapore làm lại hộ chiếu. Vì trục trặc này, hai vợ chồng ông tiếp tục hủy chuyến đi tới Malaysia, buộc ở lại Singapore để làm lại giấy tờ.

    Do thời gian lưu trú ở lại đúng dịp năm mới nên mọi chi phí tại “quốc đảo sư tử” đều rất đắt đỏ. Nhiều khách sạn kín phòng nên họ buộc phải thuê một khách sạn sang để ở lại, đợi ngày có hộ chiếu mới. Tổng tiền cho những khoản thuê khách sạn và đi lại lên tới 7500 bảng Anh.

    Tệ hơn nữa, công ty bảo hiểm du lịch từ chối chi trả những phí phát sinh ngoài. Họ cho biết chỉ đền bù trong trường hợp hộ chiếu của khách bị mất hoặc bị đánh cắp.

    Sau đó, hãng ngỏ ý đền bù 50 bảng Anh như một “cử chỉ thiện chí”, nhưng ông Richard đã từ chối thẳng thừng vì cho rằng “lời đề nghị như một sự xúc phạm”.

    Qua câu chuyện của mình, ông Richard hi vọng sẽ là bài học để những du khách khác nên thận trọng và kiểm tra kỹ hộ chiếu trước khi đi nước ngoài. Được biết, đây không phải là vị khách đầu tiên bị từ chối tới Bali vì hộ chiếu gặp trục trặc.

    Theo Dân Trí

  • Thứ hạng năm nay của hộ chiếu Việt Nam bị tụt 15 bậc, tiến gần hơn về nhóm 10 quốc gia bị xếp vào loại “hộ chiếu yếu nhất”.

    Chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley Passport Index quý 4/2019 vừa được Hãng tư vấn đầu tư và định cư Henley & Partners có trụ sở tại London công bố.

    Bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu của Henley & Partners dựa trên cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), với tiêu chuẩn về số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ mà công dân mỗi nước có thể dùng hộ chiếu đi vào mà không cần xin visa trước.

    Theo đó, hộ chiếu của Việt Nam đứng hàng thứ 90 trong số 107 cuốn hộ chiếu được xếp hạng vì chỉ được tự do đi đến 51 quốc gia. Tính trong khu vực, quyền lực hộ chiếu Việt Nam xếp sau cả Campuchia (hạng 88, được miễn thị thực tới 53 nước) và hơn Lào (hạng 92, 49 nước). So với năm ngoái, thứ hạng năm nay của hộ chiếu Việt Nam bị tụt 15 bậc, tiến gần hơn về nhóm 10 quốc gia bị xếp vào loại “hộ chiếu yếu nhất”, bao gồm Triều Tiên, Somalia, Syria, Iraq, Afghanistan…

    Nhật và Singapore là hai quốc gia giữ vị trí đầu bảng về mức độ quyền lực của hộ chiếu khi công dân của hai nước này có thể tự do đi đến 190 quốc gia mà không cần xin thị thực.

    Với 188 nước miễn thị thực, hộ chiếu của công dân Hàn Quốc "mạnh" thứ 2 trên thế giới, ngang với với Đức, Phần Lan và mạnh hơn cả Đan Mạch, Ý, Luxembourg (hạng 3); Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển (hạng 4); Úc, Hà Lan, Bồ Đào Nha (hạng 5) hay Canada, Bỉ, Anh, Mỹ... (hạng 6).

    Các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á có hộ chiếu quyền lực tiếp theo là Malaysia (hạng 12, đi được 177 nước), Hồng Kông (hạng 18, 168 quốc gia), Brunei (hạng 21, 165 quốc gia), Đài Loan (hạng 31, 145 quốc gia) và Macao (hạng 33, 141 nước).

    Cùng với Việt Nam, các quốc gia châu Á khác có hộ chiếu bị xếp trong phần nửa sau của bảng danh sách, bao gồm Trung Quốc (hạng 72, 71 nước), Indonesia (hạng 73, 70 nước), Ấn Độ (hạng 82, 59 nước)...

    Afghanistan một lần nữa đứng cuối danh sách này. Công dân Afghanistan chỉ được miễn visa tới 25 nước trên toàn thế giới.

    Theo Thanh Niên

  • Một phụ nữ Canada phải mua vé mới và cấp tốc làm lại hộ chiếu cho chuyến du lịch Paris.

    Katya Feder và con gái Sarah đã chuẩn bị hàng tháng trời cho kỳ nghỉ trong mơ tới Paris vào tháng 5, nhân dịp cô bé tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, 2 tiếng trước giờ khởi hành ngày 8/5, bà Katya bị từ chối lên máy bay của hãng Air Canada tại thủ đô Ottawa, Canada.

    Nhân viên sân bay nói do ảnh hộ chiếu của Katya có một vết mờ khó giải thích. Điều này khiến bà bức xúc: "Tôi đã đi khắp thế giới và có 4 loại giấy tờ tùy thân. Đó là một vết mờ nhỏ, và tôi không hiểu sao chuyện này có thể xảy ra", hành khách 60 tuổi nói.

    Hộ chiếu của Katya có thời hạn 10 năm kể từ 2014, với hai lần xuất ngoại vào năm 2019, trong đó có một chuyến đi California (Mỹ) vài ngày trước sự cố trên. 

    Katya cho rằng vết mờ trên ảnh hộ chiếu chỉ như bị một giọt nước ngấm vào và không ảnh hưởng tới nhận dạng khuôn mặt. Ảnh: Ottawa Citizen.

    Bà Katya sau đó phải nhờ một công ty lữ hành đặt vé đi Paris ngày 9/5, và tới văn phòng quản lý xuất nhập cảnh xin cấp hộ chiếu mới khẩn cấp. Đêm đó bà mất ngủ vì lo lắng.

    May mắn, Katya nhận hộ chiếu mới vào trưa 9/5 với giá 250 CAD (hơn 4,3 triệu đồng), rồi tức tốc cùng con ra sân bay cho kịp giờ. Họ lỡ một tour tham quan và một đêm khách sạn Paris vì đã chi tiền trước đó.

    Mới đây, phát ngôn viên của Air Canada cho rằng nhân viên hãng đã xử lý đúng khi không để hành khách lên máy bay nếu giấy tờ chưa hợp lệ. Người này khẳng định trong trường hợp này, khách hàng đặt chuyến bay mới không phải trả thêm tiền. Song bà Katya cho biết chưa nhận được lời xin lỗi hay khoản bồi thường nào từ hãng.

    Viethome (Theo VnExpress)

  • Theo chia sẻ của chị Eva Vu trên nhóm Tôi và Sứ quán, chị vừa mới nhận được hộ chiếu gia hạn cho 2 cậu con trai tại Lãnh sự quán New York chỉ sau 3 tuần nộp đơn, mất phí chỉ $70/cuốn. Chưa kịp mừng rỡ thì chị bỗng hởi ôi khi mở hộ chiếu ra kiểm tra, hình của 2 nhóc nhà chị trong hộ chiếu bị tô đen 1 con mắt, ảnh còn bị cắt lẹm mất phần đầu. 

    Chị thắc mắc liệu đây có phải là tội hủy hoại tài sản hay không (bởi vì theo định nghĩa: Hộ chiếu là tài sản của Nhà nước CHXHCNVN và được sử dụng thay thế giấy CMND) và điều quan trọng hơn nữa, với hình ảnh như vậy thì hộ chiếu có sử dụng được hay không?

    Ảnh trong hộ chiếu có một mắt đã bị tô đen bằng bút bi trước khi scan.

    Nguyên văn bài đăng của chị Eva Vu:

    Chào các anh chị, em mới nhận được hộ chiếu gia hạn cho 2 đứa con trai tại Lãnh sự quán New York sau 3 tuần 2 ngày, đúng phí 70$/1 cuốn và đầy đủ giấy tờ, nói chung là em không khó khăn gì khi gia hạn hộ chiếu.

    Thật mừng khi nhận 2 cuốn hộ chiếu, mở ra thì ôi mẹ ơi, mọi người ơi, có phải không gửi thêm phí gì thì bị các bác ấy phá hoại tài sản cá nhân không cả nhà. Các bác ấy một mặt cấp hộ chiếu, một mặt các bác lấy viết mực tô đậm 2 con mắt của 2 người con em như trong hình, kiểu là viết bi vẽ lên con mắt và rồi cho vào scan tờ đầu tiên của hộ chiếu.

    Hình gốc em gửi đi đẹp đẽ vậy mà các bác ấy nỡ nào vẽ bậy lên hình con em. Phải chi do mực máy scan mà dính thì mình không nói, đằng này là cố tình vẽ ngay con mắt. Các bác ấy không ăn uống được gì nên các bác ấy làm trò mèo đây. Chiêu trò mới của nhân viên LSQ VN tại Niu_Óoc đó.

    Em là em dị ứng với cái bác giọng nữ nói tiếng Bắc ở LSQ NY lắm, chán nghe tiếng bác này lắm rùi. Thật không biết người nông dân sống sao đây??? Lần trước thì hoạnh họe đòi thêm tiền vì em ghi check cá nhân, đòi em 170$ thì không phải làm lại giấy tờ. Em kêu gửi về e làm lại, thà tốn tiền bưu điện chứ nhất quyết không cho 1 đồng.

    Lần này thì đầy đủ giấy tờ không hoạnh họe được gì nên làm bậy vậy nè. Có ai bị giống em không? Hộ chiếu vậy có sử dụng được không? Khi quyển hộ chiếu là tài sản cá nhân bị hủy hoại như vậy thì coi sao được. Nếu các bác có lỡ làm sai thì gọi em 1 tiếng em gửi hình mới lên chứ, sao lại vẽ bậy lên hộ chiếu mới vậy nè. Đã vậy cắt hình xấu dở tệ, mất 1 khúc đầu của con người ta, kiểu muốn cho minh phải làm lại cho bõ ghét đây.

    Cả nhà có biết em kiện lên đâu được không? Sống giữa nơi văn minh hiện đại bậc nhất thế giới mà vẫn không bỏ được thói hư tật xấu là sao. Em đã dám công khai lên đây là các bác biết em quyết tâm làm cho ra lẽ việc này là thế nào rùi heng. Các bác tính chơi trò ném đá dấu tay với em hả??? hay các bác LSQ ở NY lúc này chìm quá nên muốn nổi tiếng thì em cho nổi luôn nhé. Trẻ con nó có tội tình gì đâu mà làm vậy chi cho thất đức.

    Ảnh gốc rất rõ ràng, hợp quy chuẩn của một tấm ảnh hộ chiếu.

    Ở tận xứ Mỹ, Lãnh sự quán VN vẫn theo nếp nhà, cố tình làm khó người dân?

    Ảnh hộ chiếu là yếu tố ''sống còn'', là chi tiết quan trọng bậc nhất trong sổ hộ chiếu. Luật của tất cả các nước đều quy định rất rõ, ảnh phải chụp đầy đủ từ đỉnh đầu tới cằm, và ảnh không được có vết nhòe. Việc tự ý tẩy xóa trên hộ chiếu sẽ khiến tấm hộ chiếu đó không còn giá trị nữa. 

    Vậy liệu tấm ảnh của 2 cháu bé này có đáp ứng được yêu cầu? Nếu không đáp ứng được yêu cầu, tại sao nhân viên Lãnh sự quán VN không trả lại và yêu cầu ảnh mới. Lỗi này rõ ràng thuộc về LSQ bởi vì trong hồ sơ ban đầu, chị Eva Vu đã cung cấp hình rõ ràng, hợp quy chuẩn. LSQ thấy sai rõ rành rành mà vẫn phê duyệt cấp hộ chiếu, vậy có phải là muốn chơi khó người dân, một cách vòi tiền lộ liễu và khó chấp nhận?

    Nguyên văn bài chia sẻ của chị Eva Vu.

    Quan sát bình luận phía dưới bài post, không khó để nhận ra vô số lời phàn nàn của những người cùng cảnh ngộ. 

    Bạn Nhung Rachel Van bức xúc: "Đọc post của chị xong em phải lao ra check lại, của em thì không bị vẽ vào mặt, nhưng mà ngày hết hạn họ gõ nhầm nên họ sửa lại lem nhem không chịu được, làm ăn rõ chán. Làm kiểu như dằn mặt mình vậy đó chị''.

    Bạn Trang Ng cũng từng 'lãnh đạn' với LSQ này: ''Em đây chị ơi, gọi về nói hộ chiếu hỏng huỷ, em hỏi tại sao hỏng huỷ, vì nói đóng thêm tiền. Kêu là hết hạn gần 1 năm, lúc gửi về cho em hộ chiếu cùng giấy tờ bị cố tình đổ nước hư hết luôn. Họ cố tình làm cho thành hỏng huỷ đó''.

    Bạn Bao-Huy Nguyen cũng là một nạn nhân: “Cái cô giọng nữ nói tiếng Bắc” ấy nói chuyện thì có vẻ rất là lịch sự, nhưng hành xử thì như sau:
    Mình làm giây tờ MTT và chỉ nộp Money đúng $10, sau 2 tuần thì mình băt đầu gọi lên check status, và cô này nhất quyết ko chịu check cho mình và đưa ra rất nhiều lí do:
    - Lần đầu tiên và lần thứ 2 mình gọi lên thì nói để số điện thoại lại và bên đó sẽ liên lạc sau.
    - Lần thứ 3 gọi lên thì nói không nhận được hồ sơ có tên mình, mình quả quyết là bưu điện đã báo giao từ 2 tuần trước, lúc đó lại kêu mình gọi lại sau 5h vì đang rất bận.
    - Sau 5h chiều mình gọi lại thì nói để lại tên và ngày sinh rồi mai gọi lại.
    - Mai mình gọi lại thì ra là thứ 7 office đóng cửa (cố tình lừa mình lần 1)
    - Thứ 2 mình gọi lên buổi trưa thì vẫn nói là sau 5h gọi lại vì đang rất bận (chắc bận vẽ bậy lên hồ sơ của người khác)
    - Khoảng 5h10 chiều thứ 2 mình gọi lên thì nói là mình giữ máy để chị ấy check hồ sơ và treo máy mình đến tận 5h40 (mình biết có chờ đến 12h đêm cũng không được gì nên gác máy, vì 5h30 là office đóng cửa, cố tình lừa mình lần 2)
    Cũng may là ngay chiều thứ 2 mình nhận được giấy tờ về nên không cần gọi check nữa, nếu không thì không biết phải phí thêm bao nhiêu thời gian''.

    Chị Gold River chỉ trích: ''Những người đại diện cho một bộ phận nhân dân tiếng là có học có bằng cấp mà làm vậy khác nào đứa trẻ mẫu giáo nghịch vẽ bậy trên giấy tờ. Đường đường là một bộ phận ăn lương vì công việc mà khác nào làm việc không công, không trách nhiệm, hỏi sao không bị khinh thường''.

    Bạn Quỳnh Giôn-xơn nhận định: ''Trước đây họ thường cố tình in sai một số thông tin để mình phải xin làm lại gấp, nhưng dễ bị bắt lỗi là do họ làm sai không phải do mình điền thông tin sai nên họ khó vòi thêm tiền! Giờ chơi trò vẽ bút bi như này thì khó kiện đấy vì ai làm chứng là do họ cố tình hay do trẻ con nhà mình nghịch... Mà kể cả là em gửi ảnh bị bẩn đi chăng nữa thì nhiệm vụ của họ là duyệt hồ sơ thấy ảnh không đủ tiêu chuẩn thì phải trả lại hồ sơ hoặc yêu cầu bổ sung ảnh khác chứ sao vẫn in ra cuốn hộ chiếu như vậy! chả nhẽ bao nhiêu cán bộ ngoại giao ăn học đàng hoàng mà bị đui mắt hết hay sao mà không nhận ra lỗi cơ bản như thế được, chỉ có thể là cố tình chơi bẩn thôi!''.

    Bạn Camnhung Nguyen bình luận: "Nếu chị có điều kiện nên hỏi luật sư trường hợp này. Vẽ như vậy qua Hải Quan sẽ rất khó khăn vì thành dị tật mắt. Chị nên tiến hành sớm để làm rõ trắng đen. Cái này là vi phạm pháp luật. Trường hợp này chị không nên cho các cháu đi đâu vì sẽ bị Hải Quan làm khó vì cả 2 cháu đều bị hư 1 mắt. Họ thật không có lương tâm khi hành xử như vậy. Không ngờ ở Mỹ mà họ cũng dám lộng hành, coi luật pháp không ra gì...''

    Bạn Phong Pham phân tích: ''Một tấm bị lỗi thì có thể do vô ý, đằng này 2 tấm đều bị lỗi ở 2 vị trí khác nhau nhưng lại hữu ý lỗi ngay con mắt, rõ ràng họ cố tình làm như vậy. Thật sự không còn gì để tả''.

    Mọi người đều khuyên chị Eva Vu tập hợp bằng chứng rồi gửi khiếu nại lên LSQ yêu cầu làm lại hộ chiếu miễn phí cho con chị. Nếu không xong thì gửi khiếu nại lên hẳn Bộ ngoại giao. May mắn là chị Eva Vu cẩn thận, trước khi gửi hồ sơ đã chụp lại tất cả tài liệu hình ảnh để đối chất khi gặp sự cố. Bạn Thao Natterer cung cấp các địa chỉ email mà chị Eva Vu có thể gửi đơn khiếu nại gồm: lanhsuquan.newyork@gmail.com, banbientap@mofa.gov.vn (Bộ ngoại giao VN), cls.mfa@mofa.gov.vn (Cục lãnh sự VN).

    Nói như anh Hoàng Hùng, quản trị viên của nhóm Tôi và Sứ quán, thì: ''Không thể để tình trạng những đứa trẻ con vẽ bậy vào hộ chiếu lại được ngồi trong cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài''.

    Viethome

  • Thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng Hộ chiếu quyền lực nhất thế giới rơi vào tay ba nước châu Á.

    Singapore và Hàn Quốc đã vươn lên từ đồng vị trí thứ hai trong năm 2018, chia sẻ vị trí thứ nhất trong năm nay với Nhật Bản. Công dân của ba nước này có thể nhập cảnh không cần visa đến 189 nước trên khắp thế giới.

    Nhật Bản, Singapore, và Hàn Quốc trở thành những nước có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới.

    Đứng ở vị trí thứ hai là Hộ chiếu của Đức trong khi vương quốc Anh ở vị trí thứ 5 với quyền nhập cảnh 185 quốc gia. Hộ chiếu Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 6 với quyền nhập cảnh 184 quốc gia.

    Bảng xếp hạng này là của Henley Passport Index. Nó được đưa ra dựa trên dữ liệu từ Hiệp Hội vận tải hàng không quốc tế IATA qua viêc phân tích tổng số quốc gia mà công dân một nước có thể nhập cảnh miễn thị thực, hoặc trên cơ sở thị thực khi đến.

    Vẫn đứng vững ở vị trí thứ ba là hộ chiếu của Pháp, Đan Mạch, Phần Lan, và Thụy Điển với điểm miễn thị thực đến 187 quốc gia. Luxembourg và Tây Ban Nha nhảy từ vị trí thứ 5 trong năm ngoái lên vị trí thứ tư. Hộ chiếu của hai quốc gia này có quyền truy cập vào 186 quốc gia mà không cần thị thực.

    Chia sẻ vị trí thứ 5 với vương quốc Anh là Áo, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ. Bỉ, Canada, Hy Lạp và Ireland cùng đứng ở vị trí thứ sáu với Hoa Kì. Nhưng Henley Passport Index cảnh báo rằng hộ chiếu của vương quốc Anh rất có thể sẽ tụt hạng do sự Brexit.

    Những quốc gia còn lại trong top 10 lần lượt là Cộng Hòa Séc (vị trí thứ bảy), Malta (vị trí thứ tám), Úc, Iceland, và New Zealand (cùng vị trí thứ chín) và Hungary, Latvia, Lihuania, Slovakia, và Slovenia (cùng vị trí thứ 10).

    Báo cáo cũng chỉ ra một số quốc gia đã tăng trưởng vượt bậc trong năm 2019.

    Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất chỉ thiếu 1 điểm nữa để lọt vào top 20. Sau khi chính thức hóa một thỏa thuận miễn thị thực lẫn nhau ký kết với Nga, những người có hộ chiếu của các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất có quyền truy cập 165 quốc gia trên khắp thế giới mà không cần thị thực trước. Đây là bước nhảy vọt của các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất khi mà cách đây một thập kỷ, quốc gia này còn chia sẻ vị trí thứ 61 với Thái Lan và Zimbabwe với điểm số miễn thị thực là 52.

    Sự đi lên của Trung Quốc chậm hơn nhưng đây là sự thay đổi mà các chuyên gia cho rằng vô cùng có ý nghĩa trên quan điểm địa chính trị: đất nước này hiện đang đứng thứ 68, tăng 11 bậc so với năm 2018.

    Ở cuối bảng xếp hạng là Afghanistan. Công dân nước này chỉ có quyền truy cập đến 30 quốc gia. Syria và Somali cũng không khá hơn là mấy với điểm số thị thực là 32 quốc gia, còn Pakistan là 33 quốc gia.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Một số hộ chiếu cấp cho công dân Anh từ ngày 30/3 không còn dòng chữ "Liên minh châu Âu" dù Anh chưa rời khỏi khối này. 

    Bộ Nội vụ Anh xác nhận một số hộ chiếu cấp từ ngày 30/3 không còn dòng chữ "Liên minh châu Âu" (EU) theo một quyết định được ban hành từ năm 2017. Tuy nhiên, cơ quan này cho hay một số giấy tờ thông hành cấp mới sẽ vẫn có tên của EU để tiết kiệm ngân sách.

    Hộ chiếu Anh cũ (phải) và hộ chiếu mới cấp sau ngày 30/3, thời điểm dự kiến ban đầu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Ảnh: Twitter.

    Ngày 29/3 ban đầu được ấn định là thời điểm Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. Tuy nhiên, tiến trình này đang bị trì hoãn sau khi quốc hội Anh liên tục bác bỏ thỏa thuận Brexit do Thủ tướng Theresa May đưa ra. EU đã gia hạn cho Anh phải phê chuẩn thỏa thuận trước ngày 12/4.

    "Chúng tôi tiếp tục cấp hộ chiếu với dòng chữ 'Liên minh châu Âu' trong một thời gian ngắn sau thời điểm trên. Công dân sẽ không thể chọn giữa loại hộ chiếu có chữ 'Liên minh châu Âu' và hộ chiếu không có dòng chữ đó", Bộ Nội vụ viết trong một thông báo và nhấn mạnh không có sự khác biệt giữa hai hộ chiếu này. 

    Trong khi đó, một số công dân Anh bị sốc khi nhận tấm hộ chiếu mới vì trên thực tế Anh chưa rời khỏi EU. "Tôi cho rằng mình vẫn sẽ được cấp hộ chiếu cũ. Chuyện không có gì nghiêm trọng nhưng đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chúng ta đang rời khỏi EU", bà Susan Hindle Barone viết trên Twitter sau khi nhận hộ chiếu mới không có dòng chữ Liên minh châu Âu.

    Anh tổ chức trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016 với kết quả 52% cử tri ủng hộ rời khỏi EU. Liên minh châu Âu hồi tháng 11/2018 chấp nhận Thỏa thuận Rút lui và Tuyên bố Chính trị về quan hệ EU - Anh trong tương lai của London. Mâu thuẫn giữa Thủ tướng May và quốc hội Anh đang làm gia tăng khả năng Anh rời EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào được thông qua.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Nếu có từ 2 triệu USD trở lên, bạn có thể mua những cuốn hộ chiếu được nhiều người mơ ước.

    Sẽ phải mất rất nhiều quyết tâm và can đảm để từ bỏ công việc ổn định và đi du lịch khắp thế giới. Sẽ còn can đảm hơn nếu bạn không giàu có và hộ chiếu mà bạn đang sở hữu là Iran.

    10 năm trước, đó chính xác là những điều mà Mehdi Parsa trải qua. Anh từ bỏ công việc giáo viên vật lý ở Tehran và dành toàn bộ thời gian để đi du lịch, theo Pressfrom. Kể từ khi nghỉ việc, cuộc sống của Parsa là làm bạn với những con chó giống husky ở Siberia, chơi xylophone (mộc cầm) ở Zimbabwe, hát một vài bài truyền thống bằng tiếng Swahili trên đỉnh Kilimanjaro, Tanzania. Hiện tại, anh kiếm sống bằng cách tổ chức tour kiêm hướng dẫn viên du lịch.

    Khi chọn điểm đến để dẫn khách đi du lịch, câu đầu tiên trong đầu anh luôn là: xin visa tới đó có dễ không? "Thật không may, hộ chiếu của tôi là một rào cản lớn. Nó như một ngọn núi khổng lồ. Không phải tất cả hộ chiếu đều được tạo ra có chức năng giống nhau. Nó là cánh cửa mở ra trên khắp thế giới với một số người, và một số khác thì không", anh cho biết.

    Để hiểu rõ cảm giác của Parsa hơn, Atossa Araxia Abrahamian, biên tập viên cao cấp của Nation, làm một thử nghiệm. Anh kiểm tra thứ hạng của Iran trên bản đồ Những cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, được công bố bởi Henley and Partners (công ty tư vấn về đầu tư để có quyền công dân và cư trú uy tín trên thế giới). "Tôi cuộn xuống, cuộn mãi. Tôi kéo con chuột máy tính qua cả những cái tên như Venezuela, St. Vincent, Togo, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Mali, Liberia... và Iran nằm dưới tất cả", Abrahamian nói.

    "Bạn không thể chọn cha mẹ, không thể chọn nơi mình sinh ra và cũng không thể tùy ý chọn nơi mình muốn sống. Điều này thật độc đoán". Abrahamian cho biết, đó cũng là lý do trong những năm qua, có một ngành công nghiệp mới đang mọc lên và kiếm được nhiều tiền. Đó là việc kinh doanh hộ chiếu quyền lực nhất thế giới.

    Nghĩa là mọi người có thể bỏ tiền để mua cho mình cuốn hộ chiếu thứ hai đến từ các nước phát triển, và quyền lực. Điều này không phải là sự kinh doanh bất hợp pháp vì nhiều quốc gia chấp nhận việc này. Mỗi năm, Henley and Partners lại được nhận một danh sách dài những vị khách muốn mua quyền công dân và sở hữu hợp pháp một hộ chiếu thứ hai. Để có được điều này, bạn chỉ cần bỏ tiền đầu tư vào các quốc gia mong muốn. Lúc này, bạn sẽ được nhập tịch dưới dạng "công dân đầu tư".

    Dominic Volek, đối tác của Henley and Partners, giải thích về việc nhiều người muốn có quốc tịch thứ hai: "Họ chỉ muốn thuận lợi hơn khi di chuyển thôi. Người dân tại các quốc gia vùng Caribbean, Moldova được thoải mái nhập cảnh tại Schengen, Singapore... Điều này giúp việc làm ăn, du lịch của họ thoải mái hơn".

    Phần lớn khách hàng đều là các doanh nhân giàu có. Số tiền họ bỏ ra cũng phụ thuộc vào quốc gia mà họ muốn nhập tịch. Nếu muốn trở thành công dân của Dominica, bạn sẽ mất khoảng 100.000 USD. Nếu bạn muốn thành công dân ở đảo Síp, số tiền đó là 2 triệu USD và 24 triệu USD nếu muốn là người Áo.

    Theo Volek, có khoảng 80 chương trình như vậy, nhưng chỉ khoảng 30 trong số đó giúp người muốn nhập tịch thành công. Việc mua bán hộ chiếu cũng nhận những quan điểm trái chiều từ chính công dân của các quốc gia bán. Nhiều người cho rằng, các nước đó đã hưởng lợi ít nhiều nhờ chương trình này. Nó giúp "tiền chảy về chỗ trũng", hoặc giúp các đảo như Saint Kitts và Nevis tại Caribbean vực dậy nền kinh tế. Một số quốc gia khác, sau khi gặp thiên tai đã hạ giá các cuốn hộ chiếu để tăng ngân sách dự phòng khẩn cấp.

    Abrahamian, một trong những người thuộc phe phản đối, cho biết chương trình này khiến các cuốn hộ chiếu đang bị giảm đi giá trị thực sự. "Nếu chỉ cần bỏ tiền ra để có hộ chiếu thì còn ý nghĩa gì nữa. Liệu nó còn là thứ đi kèm với quyền lợi, trách nhiệm nữa không".

    Dù vậy, Volek dự đoán đây vẫn là ngành công nghiệp phát triển mạnh trong tương lai. Trong năm 2018, chi nhánh của ông nhận được nhiều đơn đăng ký với mong muốn được sở hữu cuốn hộ chiếu thứ hai, thứ ba từ những công dân Mỹ. Một khách hàng người Mỹ của Volek cho biết muốn có cuốn hộ chiếu thứ hai từ Singapore.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Hộ chiếu xanh lá cây của Việt Nam đã thêm úa vàng sau khi xếp dưới cả Lào trong bảng xếp hạng mới nhất về giá trị quốc tịch của hãng tư vấn toàn cầu về quốc tịch và nơi cư trú Henley & Partners.

    Hộ chiếu xanh nước biển của Lào cho phép công dân của họ đi lại tự do tới 52 nước so với 51 nước mà công dân Việt Nam có thể tới thăm giữa lúc một số nước tư bản đang tỏ ra xét nét hơn với công dân của đất nước hình chữ S.

    Đây là thứ hạng hộ chiếu các nước ở Đông Nam Á trong bảng xếp hạng toàn cầu mang tên Henley mới được công bố trong tháng 10:

    - Singapore thứ hạng toàn cầu là 2, số điểm đến miễn visa là 189 quốc gia và vùng lãnh thổ.

    - Malaysia thứ hạng toàn cầu 10, số điểm đến miễn visa 180

    - Brunei thứ hạng toàn cầu 20, số điểm đến miễn visa 165

    - Đông Timor thứ hạng toàn cầu 54, số điểm đến miễn visa 98

    - Thái Lan thứ hạng toàn cầu 68, số điểm đến miễn visa 77

    - Indonesia thứ hạng toàn cầu 72, số điểm đến miễn visa 73

    - Philippines thứ hạng toàn cầu 75, số điểm đến miễn visa 66

    - Cambodia thứ hạng toàn cầu 87, số điểm đến miễn visa 54

    - Lào thứ hạng toàn cầu 89, số điểm đến miễn visa 52

    - Việt Nam thứ hạng toàn cầu 90, số điểm đến miễn visa 51

    - Myanmar thứ hạng toàn cầu 93, số điểm đến miễn visa 48

    Việt Nam có thứ hạng 90 trên toàn cầu nhưng lại xếp sau tới 166 quốc gia khác do có nhiều nước đồng hạng vì có cùng số điểm đến được miễn thị thực.

    Chẳng hạn có tới bảy nước xếp hạng năm do công dân của họ cùng được đi tới 186 điểm đến mà không cần visa. Đó là các nước Anh, Áo, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Hoa Kỳ, Luxembourg và Na Uy.

    Hộ chiếu Nhật Bản được cho là có giá trị nhất với 190 điểm đến miễn visa, thứ hai là Singapore với 189 và đồng hạng ba với 188 địa điểm miễn thị thực là Đức, Hàn Quốc và Pháp.

    Đồng hạng tư là năm nước châu Âu: Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển và Ý.

    Trong bảng xếp hạng lần trước của Henley, Việt Nam đứng thứ 88, trên cả Lào và Cam Pu Chia.

    Tuy nhiên hơn sáu triệu dân Lào và khoảng 16 triệu dân Cam Pu Chia giờ đều có thể đến nhiều nước trên thế giới mà không cần visa so với 93 triệu người Việt Nam.

    Trung Quốc đã tiến lên 14 bậc so với bảng xếp hạng của hơn nửa năm trước khi đứng thứ 71 với quyền đi lại tự do tới 74 nước cho công dân của họ.

    Một cổ hai tròng

    Thứ hạng thấp và thụt lùi của Việt Nam giải thích tại sao tin này chưa và sẽ khó được báo chí Việt Nam quan tâm.

    Trong khi đó kênh Channel NewsAsia có trụ sở Singapore đưa tin đảo quốc này đã bị một đảo quốc khác, Nhật Bản, chiếm mất vị trí đầu bảng về giá trị của hộ chiếu.

    Bài báo đã được chia sẻ hơn 5.000 lượt chỉ riêng từ trang Channel NewsAsia nói Nhật Bản lấy được vị trí thứ nhất từ tay Singapore vì họ vừa có thêm được điểm đến miễn thị thực mới – Myanmar.

    Kênh này cũng đề cập tới chuyện Đức tụt từ hạng hai xuống hạng ba và cả Anh và Hoa Kỳ đều mất vị trí thứ tư sau khi rơi một hạng.

    Trước khi biết tin hộ chiếu xanh của Việt Nam giờ đứng sau 166 hộ chiếu khác, tôi biết một nhà báo Việt Nam vừa bị Anh từ chối visa dù được xem là một trong ba nhà báo trẻ xuất sắc trên thế giới theo một cuộc thi của Thomson Foundation và đã được bên mời bảo trợ và đài thọ mọi chi phí.

    Đây không phải là lần đầu Anh từ chối visa người tài năng hay nổi tiếng từ Việt Nam.

    Điều đáng buồn là ngay cả người Việt Nam cũng không coi người Việt Nam ra gì.

    Cách đây nhiều năm tôi muốn sang Nga đã có thể xin thị thực bằng đường bưu điện qua Đại sứ quán của họ ở London và thủ tục chỉ mất có chưa tới một tuần.

    Nhưng tới giờ một số đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài vẫn bắt công dân của mình lên tận nơi để làm thủ tục giấy tờ cho dù họ có ở cách nơi có đại sứ quán tới hàng trăm cây số như trường hợp mà một bạn mới chia sẻ trên trang Tôi và Sứ quán.

    Trang này được lập ra trên Facebook để các công dân Việt có thể chia sẻ trải nghiệm của họ với các đại sứ quán hay lãnh sự quán khác nhau.

    Một người khác than phiền trên Tôi và Sứ quán rằng họ xin miễn thị thực tại lãnh sự quán ở Sydney mà đợi tới ba tuần không có hồi âm trong khi gọi điện đến tận nơi hỏi cũng không có thông tin gì.

    Người khác nữa khuyên mọi người gọi đến lãnh sự quán Việt Nam ở New Zealand nên “bấm nút số 2 chọn nói chuyện bằng tiếng Anh - vì nếu chọn phím 1 nói tiếng Việt sẽ không bao giờ có ai nhấc máy”. Họ cũng cảnh báo rằng các giấy tờ cần có để gia hạn hộ chiếu trên thực tế khác với những gì ghi trên trang mạng của lãnh sự quán và khi quy đổi lệ phí từ đô la ra tiền New Zealand, người ta thường tăng thêm vài đô la cho mỗi hồ sơ.

    Vậy ra dân Việt ta vẫn một cổ hai tròng, một cái quốc nội và một cái quốc ngoại. Thiện tai, thiện tai.

    Viethome (theo Blog VOA)

  • Một cặp vợ chồng chi hơn 7,000 USD cho kì nghỉ trăng mật mơ ước của họ ở Bali nhưng cuối cùng đã bị từ chối nhập cảnh ở biên giới.

    Daniel và Tia Farthing trải qua 16 giờ bay từ nhà của họ ở Vương quốc Anh đến Bali vào ngày 16/10/2018 và chỉ để được thông báo rằng họ không thể vào Indonesia.

    Các quan chức biên giới nói rằng hộ chiếu của anh chồng Daniel không ở trong tình trạng có thể chấp nhận được và họ được đưa tới chuyến bay tiếp theo trở lại Anh. Chia sẻ với tờ Mirror, hai vợ chồng nói rằng hộ chiếu của Daniel bị chú chó Milo – nay đã 4 tuổi - khi còn nhỏ cắn mất một góc.

    Hộ chiếu của Daniel bị mất một góc
    Hộ chiếu của Daniel bị mất một góc.

    Nhân viên thuộc Lực lượng Biên phòng Vương quốc Anh đã nói với họ rằng hộ chiếu sẽ không là vấn đề cho chuyến đi của họ tới Indonesia, khi tất cả các chi tiết cần thiết vẫn còn được cung cấp trong đó, tuy nhiên, các quan chức Indonesia không đồng ý.

    Trên chuyến bay về nhà ở Suffolk, cặp đôi này đã quá cảnh ở Singapore, nơi Daniel nói rằng anh ta bị giam giữ trong bảy giờ. Trong khi đó, Tia hoảng sợ đã cố gắng gọi điện thoại với người thân ở nhà và mất tới 390 USD cho những cuộc gọi này. Cả hành trình sóng gió này đã khiến cả hai kiệt sức và hết sạch cả tài chính.

    Mất trắng 7 nghìn USD cho kì nghỉ bất thành, chị gái của Tia đã khởi động một chiến dịch GoFundMe để giúp họ. "Toàn bộ những trải nghiệm này hoàn toàn là một chấn thương tâm lí cho cả hai người họ và họ không đáng phải chịu những điều này, dù là với ai trong hai người họ", chị gái của Tia nói.

    "Vì vậy, những gì chúng tôi muốn làm là cho Tia và Dan thấy chúng ta đều yêu thương, quan tâm họ và chúng ta muốn giúp đỡ họ bằng một số tiền".

    "Vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu trang GoFundMe để đề nghị bạn bè và gia đình của chúng tôi giúp chúng tôi quyên góp một số tiền để mang đến cho họ hy vọng rằng họ có thể sẽ nhận được tuần trăng mật mà họ đã luôn luôn mơ ước và xứng đáng!"

    Chiến dịch này đã vượt qua mục tiêu 1.356 USD trong vòng chưa đầy hai tuần và đạt tới 1.475 USD cho cặp đôi trên.

    VietHome (Theo VnExpress)

  • Dù đến từ quốc gia nào, mọi cuốn hộ chiếu đang lưu hành trên thế giới đều có cùng kiểu dáng, hình dạng và kích thước.

    Ngày nay, nếu có dịp cầm nhiều cuốn hộ chiếu trên tay, bạn sẽ nhận ra rằng, cho dù thuộc công dân của bất kỳ nước nào thì hình dáng của chúng đều giống nhau. Bên cạnh đó, số trang, kích thước, cách thiết kế, bố trí của mọi cuốn hộ chiếu cũng đều cùng một khuôn mẫu.

    Lý do các cuốn hộ chiếu giống nhau là Hội Liên quốc (sau này được thay thế bằng Liên Hợp Quốc), một tổ chức liên chính phủ trong Thế chiến Thứ Nhất được thành lập để duy trì hòa bình thế giới, đã họp tại Paris để bàn về một vấn đề liên quan đến hộ chiếu và thủ tục hải quan. Tại đây, họ đề xuất bộ tiêu chuẩn cho các cuốn hộ chiếu và được 42 quốc gia trong Hội Liên quốc chấp nhận. 

    ho chieu quyen luc 2022

    Theo đó, hộ chiếu phải có kích thước 15,5 cm x 10,5 cm, với 32 trang. 4 trang đầu tiên nêu chi tiết các thông tin cá nhân của người sở hữu. 28 trang còn lại dành cho dấu xuất, nhập cảnh và visa. Ngoài ra, hộ chiếu phải có bìa cứng, tên quốc gia và quốc huy được in ngay trên bìa.

    Sau gần 100 năm ra đời, đến nay cuốn hộ chiếu vẫn không thay đổi đáng kể so với bản gốc. Trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, người dân không cần phải có hộ chiếu khi du lịch khắp châu Âu. Đối với họ, việc vượt sang biên giới nước khác là một thủ tục đơn giản. Nhưng trong thời kỳ chiến tranh, mọi thứ đã thay đổi. Chính phủ châu Âu đã quan tâm đến vấn đề nhập cư và du lịch hơn trước, vì lý do an ninh.

    Sau khi chiến tranh kết thúc, việc đi lại giữa các nước được quan tâm nhiều hơn. Mọi người khi ra nước ngoài phải trình bày rất nhiều giấy tờ liên quan, và đôi khi những giấy tờ đó cũng thiếu tính chính xác. Do đó, cuộc họp tại Paris được mở ra là để giải quyết vướng mắc này.

    Anh Quốc ở đâu trong top 33 cuốn hộ chiếu quyền lực nhất 2022?

    Theo Công ty tư vấn và cư trú toàn cầu Henley & Partners có trụ sở tại London, thứ hạng top 10 cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới gần như không có sự thay đổi trong quý 1 năm 2022.

    Có một khoảng cách lớn giữa bán cầu bắc và bán cầu nam về việc tự do đi lại, báo cáo đầu tiên năm 2022 của Công ty tư vấn và cư trú toàn cầu Henley & Partners có trụ sở tại London đánh giá. 

    Danh sách xếp hạng Chỉ số Hộ chiếu Henly dựa trên dữ liệu độc quyền do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp, thường xuyên đánh giá các cuốn hộ chiếu thuận lợi nhất để đi lại trên thế giới từ năm 2006.

    Chỉ số này không tính đến các hạn chế đi lại tạm thời do đại dịch Covid-19, vì thế, bỏ qua những lệnh hạn chế hiện nay, những quốc gia sở hữu cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới là Nhật Bản và Singapore, về cơ bản, có thể đi lại tới 192 điểm đến trên thế giới mà không cần thị thực. Trong khi đó, Afghanistan đứng ở cuối danh sách khi chỉ có thể đi lại tới 26 quốc gia mà không cần xin thị thực trước.

    Thứ hạng trong top 10 gần như không có sự thay đổi trong quý 1 năm 2022. Hàn Quốc và Đức vẫn giữ vị trí thứ hai với 190 điểm đến, trong khi Phần Lan, Italy, Luxembourg và Tây Ban Nha đồng vị trí thứ ba (với số điểm đến là 189).

    Như thường lệ, các nước EU vẫn chiếm ưu thế trong danh sách này với Pháp, Hà Lan và Thụy Điển vươn lên 1 bậc để cùng với Áo và Đan Mạch giữ vị trí thứ tư với 188 điểm đến. Ireland và Bồ Đào Nha cùng giữ vị trí thứ năm với 187 điểm đến.

    Mỹ và Anh cũng tăng 1 bậc để giữ vị trí thứ 6 cùng với 4 nước khác gồm: Thụy Sĩ, Na Uy, Bỉ và New Zealand.

    Vị trí thứ 7 thuộc về Australia, Canada, Cộng hòa Séc, Hy Lạp và Malta. Các nước Đông Âu chiếm các vị trí còn lại trong top 10. Hungary và Ba Lan giữ vị trí thứ 8, Litva và Slovakia giữ vị trí thứ 9 trong khi Estonia, Latvia và Slovenia giữ vị trí thứ 10.

    Báo cáo mới đây này cũng nhận định, sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối năm ngoái đã gây ra sự chia rẽ ngày càng gia tăng về việc đi lại quốc tế giữa những nước giàu và nước nghèo khi chỉ ra rằng, các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt được áp dụng chủ yếu với các nước châu Phi.

    Nếu không tính tới yếu tố đại dịch, nhìn chung, mức độ tự do đi lại trên thế giới đã được mở rộng đáng kể trong những thập kỷ qua. Chỉ số Hộ chiếu Henley năm 2006 cho biết, trung bình một quốc gia có thể tới 57 nước mà không cần xin trước thị thực. Ngày nay, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 107.

    Dù vậy, sự tự do đi lại này chủ yếu áp dụng ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ và những nước giàu ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc.

    Christian H. Kaelin, người sáng lập bảng xếp hạng này cho rằng, việc mở ra các kênh đi lại có vai trò quan trọng với quá trình phục hồi sau đại dịch.

    Dưới đây là những hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2022:

    1. Nhật Bản, Singapore (192 điểm đến)

    2. Đức, Hàn Quốc (190)

    3. Phần Lan, Italy, Luxembourg, Tây Ban Nha (189)

    4. Áo, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển (188)

    5. Ireland, Bồ Đào Nha (187)

    6. Bỉ, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ (186)

    7. Australia, Canada, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Malta (185)

    8. Ba Lan, Hungary (183)

    9. Litva, Slovakia (182)

    10. Estonia, Latvia, Slovenia (181)./.

    VietHome