Người muốn gia hạn hộ chiếu có thể phải chờ đến sang năm

Từ trước đến nay, người Anh chỉ phải chờ 10 tuần thì sẽ nhận được hộ chiếu mới, nhưng hiện nay thời gian chờ đợi có thể kéo dài tới sang năm. Sự chậm trễ này đã gây rối ren đối với những người muốn đi du lịch, họ buộc phải hủy những chuyến đi sắp tới và đành chấp nhận ngồi nhà tới sang năm. 

Những hạn chế liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đã được gỡ bỏ ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, khiến các sân bay và hãng hàng không phải xoay vần giữa nhu cầu du lịch khổng lồ. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa có cơ hội ra sân bay vì còn phải chờ gia hạn hộ chiếu. Nhiều người đã phải chờ vài tháng. 

gia han ho chieu

Một bảng tin trên chương trình The One Show của BBC đã đưa ra lời khuyên khẩn cấp với những người đã chờ hộ chiếu hơn 10 tuần. Người dẫn chương trình Nikki Fox cho biết: ''Văn phòng Hộ chiếu thông báo với chúng tôi rằng nếu hồ sơ xin gia hạn hộ chiếu của bạn vẫn chưa được xử lý sau 10 tuần, và bạn có thể chứng minh mình phải đi du lịch/công tác trong vòng 2 tuần tới, vậy bạn hãy ngay lập tức gọi đường dây nóng Passport Advice Line. Họ sẽ ưu tiên xử lý trường hợp của bạn trước mà không tính thêm phí. Nghĩa là nếu bạn đã nộp hồ sơ rồi thì không cần phải trả thêm phí dịch vụ ưu tiên''.

Bạn có thể gọi đường dây nóng Passport Advice Line theo số 0300 222 0000.

Hiện tại có tới 500,000 hồ sơ xin gia hạn hộ chiếu đang bị tồn đọng. Tom Greig, giám đốc Văn phòng Hộ chiếu (Passport Office) nói: "Chúng tôi đã làm việc hết công suất nhằm cung cấp dịch vụ tươm tất cho tất cả mọi người. Thế nhưng chúng tôi không thể đáp ứng tất cả theo đúng thời hạn mà mọi người mong muốn''.

Tuy nhiên nghị sĩ Đảng Lao Động, bà Diana Johnson nói: ''Có vẻ cách làm việc của Văn phòng Hộ chiếu chưa đủ khoa học. Hãy nhìn lại thời điểm này năm ngoái, 12 tháng đã trôi qua và những con người này vẫn chưa nhận được hộ chiếu của mình. Tại sao Văn phòng Hộ chiếu lại làm việc tắc trách thế này?''.

Hiện Văn phòng Hộ chiếu đang thuê thêm nhân viên để xử lý hộ chiếu nhanh nhất có thể, ông Greig cho biết. 

Tấm hộ chiếu nào quyền lực nhất thế giới năm 2022?

Theo một báo cáo hàng quý mới được công bố bởi công ty tư vấn Henley & Partners, 3 tấm hộ chiếu châu Á mang lại cho người sở hữu nhiều quyền tự do đi lại trên khắp thế giới hơn bất kỳ hộ chiếu nào khác.

CNN đưa tin, Nhật Bản mới đây đã vượt qua Singapore và Hàn Quốc bằng cách cung cấp dịch vụ du lịch miễn thị thực hoặc thị thực theo yêu cầu cho công dân đến 193 điểm đến trên toàn thế giới, so với 192 điểm đến hàng đầu của hai quốc gia khác.

Tuy nhiên, phản ứng thận trọng hơn của châu Á đối với Covid-19 có nghĩa là những công dân này hiện ít có khả năng được hưởng quyền tự do đi lại so với người dân ở châu Âu hoặc châu Mỹ.

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của hành khách quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa bằng 1/5 mức trước khủng hoảng.

Trong khi đó, theo báo cáo của Henley Passport Index, các thị trường ở châu Âu và Bắc Mỹ đã phục hồi trở lại khoảng 60% so với mức độ di chuyển trước đây.

Chỉ số về hộ chiếu được sắp xếp dựa trên dữ liệu độc quyền do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cung cấp kể từ năm 2006.

Dưới đây là những tấm hộ chiếu quyền lực nhất thế giới cho du khách tính đến tháng 7/2022: Nhật Bản (193 điểm đến), Singapore, Hàn Quốc (192 điểm đến), Đức, Tây Ban Nha (190 điểm đến), Phần Lan, Italy, Luxembourg (189 điểm đến), Áo, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển (188 điểm đến), Pháp, Ireland, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh (187 điểm đến), Bỉ, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ, Mỹ (186 điểm đến), Australia, Canada, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Malta (185 điểm đến), Hungary (183 điểm đến) , Lithuania, Ba Lan, Slovakia (182 điểm đến).

Ngoài ra, theo Henley & Partners, những tấm hộ chiếu nằm cuối bảng xếp hạng tính đến tháng 7/2022 bao gồm: Triều Tiên (40 điểm đến), Nepal, Palestine (38 điểm đến), Somalia (35 điểm đến), Yemen (34 điểm đến), Pakistan (32 điểm đến), Syria (30 điểm đến), Iraq ( 29 điểm đến), Afghanistan (27 điểm đến).

Trước đó, Henley & Partners chỉ ra rằng, sự xuất hiện của biến thể Omicron hồi cuối năm ngoái đã khiến cho khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và kém phát triển ngày càng tăng. Những lệnh hạn chế đi lại cứng rắn được hàng loạt các quốc gia áp dụng với các nước ở miền Nam châu Phi được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mô tả là giống như hành động “phân biệt chủng tộc”.

Nếu tạm gác vấn đề đại dịch Covid-19 sang một bên thì mức độ tự do đi lại nói chung đã được cải thiện đáng kể trong vài thập kỷ qua. Chỉ số Hộ chiếu Henley vào năm 2006 cho thấy trung bình công dân một nước chỉ có thể ghé thăm 57 quốc gia mà không cần xin thị thực trước. Nhưng ngày nay, con số đó là 107, tăng gần gấp đôi.

Tuy nhiên, những quyền tự do chủ yếu chỉ có công dân châu Âu, Bắc Mỹ và các quốc gia giàu có ở châu Á được hưởng lợi. Trong khi, những người có hộ chiếu của các quốc gia như Angola, Cameroon và Lào chỉ có thể nhập cảnh khoảng 50 điểm đến khác nhau.

Viethome (theo BirminghamMail)