• Anh đã ghi nhận hàng nghìn vụ bài Do Thái sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas hồi tháng 10 năm ngoái khiến năm 2023 trở thành năm tồi tệ nhất liên quan tới các vụ việc chống người Do Thái ở nước này kể từ năm 1984, thời điểm tổ chức Community Security Trust (CST) bắt đầu ghi nhận các số liệu liên quan.

    CST là tổ chức được thành lập để bảo vệ người Do Thái tại Anh trước các vụ tấn công cũng như mối đe dọa liên quan.

    Theo số liệu do CST công bố ngày 15/2, số vụ bài Do Thái trên cả nước Anh trong năm ngoái lên tới 4.103 vụ, cao hơn gấp đôi so với năm 2022, trong bối cảnh các mối đe dọa, phát ngôn thù địch, bạo lực và việc các cơ sở hạ tầng cũng như tài sản của người Do Thái bị tổn hại gia tăng. CST cho biết hơn 60% số vụ việc bài Do Thái nói trên xảy ra trong hoặc sau ngày 7/10/2023, thời điểm bùng phát xung đột giữa phong trào Hamas và Israel.

    bai do thai o anh
    Những người biểu tình tuần hành phản đối sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái ở Vương quốc Anh, trong thời gian đình chiến tạm thời giữa nhóm Hồi giáo Palestine Hamas và Israel, tại London, Anh ngày 26/11/2023. (Ảnh: REUTERS)

    Giám đốc điều hành CST Mark Gardner cho rằng cộng đồng Do Thái tại Anh đang bị những kẻ có tư tưởng cực đoan quấy rối, đe dọa và tấn công. Theo CST, riêng số vụ tấn công bạo lực ghi nhận trong năm ngoái là 266 vụ, mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó một nửa xảy ra ở các khu vực có đông người Do Thái như Bắc London và Manchester ở Bắc England. CST cho biết thêm theo thống kê số vụ bài Do Thái trên các nền tảng trực tuyến trong năm ngoái chiếm 31% nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

    Năm ngoái, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cung cấp thêm 3 triệu bảng Anh (3,8 triệu USD) cho CST nhằm đảm bảo an ninh cho các tổ chức của người Do Thái. Cảnh sát London cũng cam kết hành động mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn tội phạm có tư tưởng thù hận liên quan đến cuộc xung đột Hamas-Israel và đã thực hiện hơn 400 vụ bắt giữ liên quan.

    Số vụ bài Do Thái cao kỷ lục từng ghi nhận tại Anh trước đó là vào năm 2021 do bạo lực gia tăng ở Israel và Dải Gaza.

    Theo TTXVN

  • Cảnh sát Đô thành London (Met Police) cho biết tối 29/11 (theo giờ Anh) đã bắt giữ 16 người biểu tình thuộc nhóm hoạt động môi trường Just Stop Oil ở nước này, sau khi 18 người tổ chức biểu tình trước dinh thự của Thủ tướng Anh Rishi Sunak ở khu Kensington (phía Tây London).

    bieu tinh truoc nha thu tuong anh 1
    Những người biểu tình tập trung trước dinh thự của ông Sunak ở Tây London (Ảnh: The Telegraph).

    Lực lượng Met Police cho biết những người bị bắt giữ đã được đưa về một số đồn cảnh sát ở trung tâm thủ đô London để tạm giam và điều tra. Hiện, chưa rõ ông Sunak hay gia đình của ông có ở trong dinh thự vào thời điểm những người biểu tình tập trung trước cửa hay không. Phố Downing từ chối bình luận về sự cố này.

    Trước đó một thông cáo của nhóm Just Stop Oil đã phản đối quyết định cấp hàng trăm giấy phép khai thác dầu và khí đốt ở Biển Bắc nhằm phát triển kinh tế và tăng cường an ninh năng lượng của Vương quốc Anh do Thủ tướng Sunak ban hành hồi cuối tháng 7.

    Được biết, Just Stop Oil là một trong những nhóm hoạt động môi trường khét tiếng tại Vương quốc Anh, bên cạnh hai nhóm Extinction Rebellion và Insulate Britain. Các nhóm này tạo ảnh hưởng trước truyền thông bằng cách làm tắc nghẽn các trục giao thông chính ở Anh, làm làm gián đoạn các sự kiện thể thao - văn hóa lớn được tổ chức ở nước này bao gồm giải Quần vợt Wimbledon, giải Vô địch Thế giới bộ môn Billards Snooker,…

    bieu tinh truoc nha thu tuong anh 1
    Một người biểu tình thuộc nhóm Just Stop Oil làm gián đoạn trận đấu thuộc giải Vô địch Thế giới bộ môn Billards Snooker tổ chức ở thành phố Sheffield (Anh) hồi tháng 4/2023 (Ảnh: PA Media).

    Trước vụ việc nói trên, hồi tháng 8 năm nay một nhóm biểu tình của nhóm Greenpeace cũng đã trèo lên mái một dinh thự khác của ông Sunak ở khu vực bầu cử Richmond (Bắc Yorkshire, Anh). Cảnh sát khu vực này đã bắt giữ bốn người biểu tình với cáo buộc gây thiệt hại hình sự và gây phiền toái cho cộng đồng dân cư sau khi sử dụng thang và dây thừng để trèo lên mái dinh thự được xếp loại II. Một người khác cũng bị bắt vì tình nghi gây rối trật tự công cộng.

    Cuộc biểu tình trên diễn ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 28 của Liên Hợp Quốc (COP28) đang được tổ chức tại thành phố Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ ngày hôm nay (30/11) đến hết ngày 12/12. Đại diện của Anh tham dự hội nghị lần này ngoài Thủ tướng Anh Rishi Sunak còn có nhà vua Charles III.

    Tienphong (theo BBC)

  • Ngày 15/12, NHS khẳng định chính phủ không có biện pháp khả thi nào để đáp ứng yêu cầu tăng lương của các y tá.

    y ta dinh cong tang luong
    Nhân viên y tế tham gia đình công bên ngoài bệnh viện St Mary ở London ngày 15/12/2022. 

    Ngày 15/12, NHS khẳng định chính phủ không có biện pháp khả thi nào để đáp ứng yêu cầu tăng lương của các y tá trong bối cảnh y tá trên khắp England, xứ Wales và Bắc Ireland bước vào ngày đình công đầu tiên.

    Nếu đồng ý tăng lương 19% theo yêu cầu của Công đoàn ngành y tá (RCN), chính phủ sẽ phải tìm nguồn tiền chi trả bằng cách tăng vay mượn và tăng thuế hoặc phải cắt giảm các dịch vụ. Chính phủ Anh không thể bỏ qua khuyến nghị của các cơ quan xét duyệt lương và sẽ xem xét tăng lương ở mức thấp hơn so với yêu cầu của RCN.

    Tuy nhiên, Tổng thư ký kiêm Giám đốc điều hành RCN, bà Pat Cullen lập luận rằng các y tá đang yêu cầu tăng lương để bù đắp lại khoản “20% đã bị xói mòn” trong thập kỷ qua. Đồng thời, bà Cullen cho rằng “không có gì là độc lập” trong quá trình xem xét lương khi các cơ quan đánh giá lương độc lập “do chính phủ thành lập, do chính phủ trả lương, do chính phủ bổ nhiệm và các thông số đánh giá do chính phủ đặt ra”.

    Tổng thư ký RCN cho biết các y tá đã sắp xếp với các nhà lãnh đạo NHS để đảm bảo rằng các dịch vụ chăm sóc đặc biệt, chẳng hạn như điều trị ung thư khẩn cấp, vẫn sẽ được thực hiện trong thời gian diễn ra đình công. Mặc dù vậy, bà cũng cho rằng sẽ không thể tránh khỏi việc gián đoạn một số hoạt động y tế.

    Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt phí lạm phát tăng cao đang gây áp lực ngày càng lớn lên Chính phủ Anh khi công đoàn nhiều ngành đưa ra yêu cầu tăng lương. Không chỉ RCN mà hơn 40.000 thành viên Liên đoàn công nhân đường sắt, hàng hải và vận tải quốc gia (RMT) Anh cũng đang thực hiện đình công khi các yêu cầu tăng lương không được đáp ứng và cuộc đình công này có nguy cơ gây rối loạn nghiêm trọng tới việc đi lại khi người dân Anh chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới 2023.

    Viethome (theo Metro)

  • Những người biểu tình thuộc nhóm hoạt động Animal Rebellion cho biết đã bị các nhân viên đuổi ra khỏi nhà hàng của Salt Bae bằng "vũ lực mạnh hơn cảnh sát thường sử dụng".

    Các nhà hoạt động thuộc Animal Rebellion hôm 3/12 đã chọn biểu tình ở nhà hàng của thánh rắc muối Nusret Gökçe tại London, Anh. Họ đã bị nhân viên đuổi khỏi nhà hàng sau đó.

    nguoi bieu tinh nha hang salt bae
    Một người phụ nữ bị khiêng ra khỏi nhà hàng.

    Theo Telegraph, các nhà hoạt động của tổ chức Animal Rebellion vào hôm 3/12 đã nhắm đến nhà hàng của thánh rắc muối Nusret Gökçe (Salt Bae) tại khu vực Knightsbridge ở thủ đô London của Anh.

    Animal Rebellion, một nhánh của tổ chức Extinction Rebellion, cho biết 8 nhà hoạt động của tổ chức này đã tới nhà hàng Nusr-Et ở trung tâm thủ đô London vào lúc 18h và ngồi tại một bàn đã được người khác đặt trước.

    Trong thông cáo báo chí, Animal Rebellion khẳng định tổ chức này có mục tiêu "thúc đẩy một chế độ ăn dựa trên thực vật và giảm sự hiện diện của con người nhằm cho phép thiên nhiên có không gian để phát triển".

    "Chúng tôi chỉ ngồi đó và không làm gì cả. Trong khi các nhân viên bồi bàn tỏ ra khá lịch sự, 2 trong số những người đến ăn tỏ ra khó chịu với sự hiện diện của chúng tôi. Các khách hàng đã vỗ tay khi chúng tôi bị đuổi khỏi nhà hàng", Ben Thomas, một thành viên của nhóm biểu tình kể lại.

    "Các nhân viên tại Nusr-Et đã dùng vũ lực mạnh hơn cảnh sát thường sử dụng để đuổi chúng tôi ra khỏi nhà hàng", Orin Cooley-Greene, 21 tuổi, cho hay.

    Các nhân viên nhà hàng vẫn vô cùng lịch sự với vị khách quấy rối.

    "Chúng tôi tới nhà hàng này để làm nổi bật sự bất bình đẳng về tiêu chuẩn sống trong bối cảnh xã hội đang trải qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trong khi 2 triệu người đang phụ thuộc vào các ngân hàng lương thực tại Anh, một số cá nhân lại có tiền để ăn tại những nhà hàng sang trọng như Nusr-Et, nơi món beefsteak dát vàng có giá hơn 1.200 USD", Ben Thomas, một sinh viên 20 tuổi chia sẻ.

    "Chúng tôi là một nhóm hoạt động bằng những phương thức hòa bình nhằm thúc đẩy một chế độ ăn thực vật. Việc sử dụng beefsteak và những loại thịt đỏ khác có tác động tiêu cực tới môi trường", Thomas bổ sung

    Lực lượng cảnh sát tại thành phố London nói rằng họ đã nhận được thông tin về cuộc biểu tình tại nhà hàng Nusr-Et vào tối 3/12 nhưng không có hành động gì do những người biểu tình đã rời đi.

    nguoi bieu tinh nha hang salt bae
    Salt Bae, tên thật là Nusret Gökçe, thu hút sự chú ý của công chúng trên mạng Internet với kỹ thuật rắc muối lên đồ ăn của mình. Ảnh: Eater NY.

    "Vào lúc 18h08 ngày 3/12, 3 sĩ quan cảnh sát đã nhận được thông tin về cuộc biểu tình tại một nhà hàng ở khu vực Knightsbridge. Nhóm biểu tình sau đó đã rời khỏi nhà hàng và sự hiện diện của cảnh sát là không cần thiết", thông báo của cảnh sát xác nhận.

    Đầu bếp Salt Bae, tên thật là Nusret Gökçe, trở nên nổi tiếng trên mạng Internet với kỹ thuật rắc muối độc đáo lên các món ăn của ông.

    Trước đó, một cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại nhà hàng của đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay tại khu vực Chelsea ở thủ đô London.

    Theo Zing

  • Hai thành viên của phong trào phản đối nhiên liệu hóa thạch Just Stop Oil đã phá hoại bức tranh “Hoa hướng dương” nổi tiếng của danh họa Vincent van Gogh bằng sốt cà chua.

    Theo Sputnik News, vụ việc xảy ra ngày 14/10 tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London (Anh).

    Video ghi lại toàn cảnh vụ việc cho thấy hai thành viên của Just Stop Oil là Phoebe Plummer và Anna Holland đã hắt sốt cà chua lên bức tranh nổi tiếng “Hoa hướng dương” của danh họa Van Gogh trước ánh mắt bàng hoàng của những người xung quanh.

    "Điều gì đáng giá hơn, nghệ thuật hay cuộc sống? Nó đáng giá hơn thức ăn? Đáng giá hơn công lý? Bạn quan tâm hơn đến việc bảo vệ một bức tranh, hay bảo vệ hành tinh và con người của chúng ta?", một trong hai cô gái trẻ hô lớn.

    Plummer và Holland sau đó tự dán mình vào tường trước khi bị nhân viên an ninh bắt giữ.

    tranh van gogh 1
    Hai cô gái hắt sốt cà chua lên bức tranh...

    tranh van gogh 1
    ... rồi tự dán tay mình vào tường.

    Theo thông tin ban đầu, bức tranh “Hoa hướng dương” không bị hư hại vì nằm sau một lớp kính bảo vệ.

    Vụ việc xảy ra sau khi phong trào Just Stop Oil tổ chức một cuộc biểu tình lớn, chặn nhiều tuyến đường ở trung tâm London hồi đầu tuần này. Kết quả là nhiều người tham gia biểu tình đã bị bắt.

    Bức tranh “Hoa hướng dương” được vẽ vào năm 1887, là một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của danh họa Hà Lan. Bức tranh được định giá lên tới 85 triệu đô la.

    Theo Tiền Phong

  • Cảnh sát Anh và Pháp hôm 25/9 đã đụng độ với những người biểu tình cố gắng tiếp cận các đại sứ quán của Iran ở London và Paris.

    bieu tinh o london va paris 1
    Người biểu tình tập hợp ở trung tâm thủ đô Paris. Ảnh: AFP

    Cảnh sát Pháp đã sử dụng hơi cay và áp dụng các biện pháp chống bạo loạn để ngăn chặn hàng trăm người biểu tình ở thủ đô Paris tiếp cận đại sứ quán Iran, theo AFP.

    Tại London, cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 12 người và có 5 sĩ quan "bị thương nặng" khi ngăn chặn những người biểu tình cố gắng vượt qua hàng rào bảo vệ đại sứ quán của Iran tại Anh.

    Những người biểu tình ở Paris và London tập hợp để bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của Mahsa Amini sau khi cô bị cảnh sát đạo đức Iran bắt giữ. Các cuộc biểu tình tương tự nhằm thể hiện sự ủng hộ phụ nữ Iran cũng diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới.

    Cuộc biểu tình bắt đầu tại quảng trường Trocadero ở trung tâm Paris. Một số người biểu tình hô vang khẩu hiệu khẩu hiệu chống lại nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.

    Cảnh sát Paris, với trang phục chuyên dụng và một hàng xe tải yểm trợ, đã chặn đường của những người biểu tình khi họ tìm cách tiếp cận đại sứ quán Iran gần đó.

    bieu tinh o london va paris 1
    Người biểu tình ở Paris đụng độ với cảnh sát. Ảnh: AFP.

    Cảnh sát Paris cho biết: "Trong một số trường hợp, các nhóm biểu tình đã cố gắng phá rào chắn được dựng lên gần đại sứ quán Iran. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay để đẩy lùi họ".

    Có khoảng 4.000 người tham gia biểu tình. Cảnh sát cho biết một người biểu tình đã bị bắt giữ và một sĩ quan cảnh sát bị thương nhẹ.

    Tình hình tượng tương tự cũng diễn ra ở London, nhiều hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy những người biểu tình đang tìm cách vượt qua hàng rào an ninh của cảnh sát bên ngoài đại sứ quán Iran.

    Cảnh sát London cho biết "gạch, chai lọ và các vật dụng khác được ném ra đã khiến một số sĩ quan bị thương. Ít nhất 5 người phải nhập viện, trong đó có người bị gãy xương".

    Trước đó, cảnh sát thủ đô nước Anh cho biết một số lượng lớn người biểu tình đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán "với ý định gây mất trật tự".

    Theo Zing

  • Các hộ sinh đã tổ chức biểu tình trên khắp Anh quốc để kêu gọi Chính phủ giải quyết “khủng hoảng” trong dịch vụ chăm sóc thai sản.

    Những người tổ chức kêu gọi chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng lao động trong ngành bỏ việc. Hiện đang có một số cảnh báo rằng Anh "sẽ sớm không còn hộ sinh".

    Những người ủng hộ sự kiện March with Midwives đã được yêu cầu tập hợp tại các thị trấn và thành phố vào Chủ nhật 21/11. Một số cuộc biểu tình được tổ chức tại Quảng trường Quốc hội của London, Birmingham và Manchester.

    Đại học Nữ hộ sinh Hoàng gia cho biết nhân viên đã kiệt sức sau nhiều năm làm việc tại các bệnh viện với “quá ít nhân lực và không đủ nguồn lực”.

    Kết quả là, hơn một nửa số hộ sinh đang muốn nghỉ việc, và những người mới vào nghề trong 5 năm qua có nhiều khả năng nghỉ nhất, RCM tuyên bố.

    24midwivesMột số hình ảnh trong cuộc biểu tình ở London

    Thông cáo của các nhà tổ chức March with Midwives cho biết: “Rõ ràng là dịch vụ thai sản ở Anh đang gặp khủng hoảng. Việc sinh con ở Vương quốc Anh, một quốc gia có thu nhập cao, đang trở nên vô cùng mất an toàn. Điều này là không thể chấp nhận được''.

    ''Những người sản phụ và trẻ sơ sinh đang gặp rủi ro; gia đình, cộng đồng và quốc gia đang trở nên ốm yếu. Đây là tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, thực sự tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Anh khẩn cấp sử dụng các nguồn lực và quản lý khủng hoảng".

    "Chính phủ đã không thực hiện lời hứa và Nhóm nghị sĩ liên đảng về quyền phụ nữ phải chịu trách nhiệm cho sự im lặng của họ và kêu gọi hành động ngay lập tức”.

    Nhóm cho biết họ có bốn yêu cầu đối với các chính trị gia: lắng nghe người lao động, người sử dụng dịch vụ và những người ủng hộ họ; khẩn cấp tài trợ để giữ chân người lao động; tạo điều kiện cho tất cả những hộ sinh có trình độ và sẵn sàng làm việc gia nhập đội ngũ lao động, hỗ trợ sinh viên tham gia và hoàn thành khóa học đào tạo; giảm yêu cầu về nhân viên.

    Jon Skewes - Giám đốc điều hành của RCM về quan hệ đối ngoại, ủng hộ các cảnh báo, và cho biết các nhân viên đang “đạt đến ngưỡng chịu đựng tối đa”.

    24midwives1Hơn một nửa lao động trong ngành có ý định bỏ việc

    Ông Jon nói: “NHS Trusts and Boards đã dựa vào thiện chí của nhân viên và tình yêu nghề của họ, để duy trì các dịch vụ - nhưng nhân viên đang đạt đến ngưỡng chịu đựng tối đa. Tháng trước, chúng tôi đã công bố kết quả khảo sát cho thấy 57% hộ sinh đang muốn rời đi - và nhóm lớn nhất trong số đó là những người có kinh nghiệm làm việc dưới 5 năm''.

    ''Chính phủ Anh quốc phải làm nhiều hơn nữa, không chỉ để đào tạo và tuyển dụng hộ sinh mới vào NHS, mà còn giữ lại những người chúng ta có. Người lao động đang kiệt sức, nhiều người cảm thấy như họ không còn gì để cống hiến - và kết quả là các dịch vụ đang bị ảnh hưởng".

    "Chúng tôi biết ơn March with Midwives vì ​​đã nói lên công việc mà chúng tôi đã và đang làm để khiến các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách chú ý đến tình huống này".

    Viethome (Theo Metro)

  • Những người biểu tình chống biến đổi khí hậu đã chặn 2 con đường cao tốc, làm cho giao thông ách tắc trong nhiều giờ liền.

    Khoảng 30 người biểu tình đã ngồi ở nút giao thứ 3 của đường M4 gần Heathrow, và nút giao thứ nhất của đường M1 ở Brent Cross, bắc London. 

    Đây đã là lần thứ 10 các thành viên của tổ chức Insulate Britain (Cách nhiệt Britian) khiến những con đường đông đúc trở nên chết cứng trong suốt 3 tuần qua. 

    Rất khó để giải tán họ. Một số người biểu tình đã dán chặt tay xuống mặt đường, và hai người đàn ông đã dùng khóa xe đạp để khóa cổ họ lại với  nhau.  

    bieu tinh insulate britain 1
    Nút giao M4 gần Healthrow, phi trường đông đúc nhất ở Anh. Ảnh: Reuters

    bieu tinh insulate britain 1
    Cảnh sát có mặt tại hiện trường và sẽ phải lôi những người này đi. Ảnh: Reuters

    bieu tinh insulate britain 1
    Cũng như những cuộc biểu tình trước, những người này đã dùng keo dán để dán tay họ xuống đường, khiến cho việc di dời họ là vô cùng khó khăn. Ảnh: Reuters

    bieu tinh insulate britain 1
    Hai người thậm chí còn khóa cổ vào nhau. Ảnh: Reuters

    bieu tinh insulate britain 1
    Những người biểu tình cố trì níu bản thân để cản trở cảnh sát. Ảnh: Reuters

    bieu tinh insulate britain 1
    Một cha sứ cũng tham gia biểu tình. Ảnh: Reuters

    bieu tinh insulate britain 1
    Một số người từng bị bắt lại tiếp tục quay lại tham gia những cuộc biểu tình khác. Ảnh: Reuters

    bieu tinh insulate britain 1
    Một tài xế bị mắc kẹt trên đường đã bước ra khỏi xe để tranh cãi với những người biểu tình. Ảnh: Reuters

    Cảnh sát đã tiến hành hơn 300 vụ bắt giữ nhưng những người biểu tình vẫn không nản lòng, nhiều người sau khi được thả lại tiếp tục tham gia biểu tình. 

    Các tài xế tức giận bấm còi inh ỏi, nhưng những người biểu tình chỉ di chuyển cho một chiếc xe cứu thương qua. Một tài xế đã giật phăng các tấm banner của nhóm này và đem đi. Một nữ tài xế đã bước ra khỏi xe để tranh cãi với những người biểu tình.

    Trong khi đó, người đại diện phát ngôn của nhóm này nói: ''Thật khó hiểu khi chính phủ vẫn chưa có biện pháp cách nhiệt nhà ở khi mà chúng ta cần phải cắt giảm khí thải carbon, loại bỏ tình trạng thiếu nhiên liệu và giảm hóa đơn năng lượng cho những gia đình nghèo''.

    Tổ chức Insulate Britain là một nhóm được thành lập vào tháng 7/2021, đã tổ chức nhiều sự kiện ở England và Wales. Mục đích của họ là kêu gọi chính phủ cách nhiệt những căn nhà xã hội để giảm chi phí năng lượng cho người nghèo, qua đó giảm khí thải và bảo vệ môi trường.

    Cách nhiệt nhà nghĩa là dùng vật liệu để ngăn chặn những ngôi nhà bị lạnh vào mùa đông hay nóng vào mùa hè, nhờ đó tiết kiệm được năng lượng sưởi ấm hay làm mát.

    Nhóm này đã nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia và kiến trúc sư một số ngành công nghiệp. Nhưng tài xế thì rất bất bình khi các đường cao tốc liên tiếp bị chặn.

    Viethome (theo Metro)

  • Bạo lực đã nổ ra trên đường phố Bristol vào đêm qua.

    28bristol6

    Cảnh sát một lần nữa bị chỉ trích vì cách xử lý cuộc biểu tình

    Người tham gia đã ném chai thủy tinh, gạch và trứng về phía các sĩ quan cảnh sát. Đội cảnh sát cưỡi ngựa cũng trở thành mục tiêu của một số quả pháo hoa. Những người biểu tình đã chiếu đèn laze vào mặt của các sĩ quan và giành kéo khiên chống bạo động của họ.

    Ban đầu, khoảng 300 người đã tham gia cuộc tuần hành qua trung tâm thành phố chống Bristol nhằm phản đối Dự luật Cảnh sát, Tội phạm, Tuyên án và Tòa án mới của Chính phủ. Dự luật này sẽ cấp thêm quyền áp đặt hạn chế đối với các cuộc biểu tình.

    Phần lớn người biểu tình đêm qua đều giữ thái độ ôn hòa, nhưng bạo loạn đã bùng phát khi đám đông lên tới hơn 1,000 người. Cảnh sát đội mũ bảo hiểm và cầm khiên chống bạo động đã có mặt sau 10 giờ tối và kêu gọi đám đông giải tán.

    Cảnh sát Avon và Somerset bị cáo buộc hành động không phù hợp. Nhà báo Matthew Dresch của tờ Daily Mirror nói rằng mình đã bị cảnh sát xô đẩy dù đang tác nghiệp.

    Anh Matthew viết trên Twitter: "Tôi đã quan sát một cách tôn trọng những gì đang xảy ra và không đe dọa bất kỳ sĩ quan nào”.

    28bristol

    Nhóm biểu tình đã lên tới hơn 1,000 người

     

    28bristol1

    Bristol đã có một đêm rất hỗn loạn

    Các đoạn phim quay tại hiện trường cho thấy cảnh sát đánh người biểu tình bằng khiên và dùi cui.

    Trả lời về các cuộc đụng độ đêm qua, sỹ quan cấp cao Mark Runacres cho biết: “Đa số người biểu tình hành động một cách ôn hòa. Tuy nhiên, một phần thiểu số đã tỏ thái độ thù địch với các sĩ quan. Hành vi bạo lực của họ là không thể chấp nhận được. Cảnh sát liên tục khuyến khích người tham gia giải tán nhưng một khi bầu không khí thay đổi và mọi người trở nên bạo lực thì chúng tôi cần phải hành động."

     

    Đoạn clip quay lại cảnh người biểu tình bị đánh 

    Ba trong số những người bị bắt trước đó cũng bị tạm giam trong cuộc tuần hành đầu tiên vào Chủ nhật tuần trước. Cuộc biểu tình thứ hai diễn ra vào tối thứ Ba 23/03, khiến ​​15 người bị giữ.

    Ông Runacres nói thêm: “Tất cả sỹ quan trong vụ việc đều được đào tạo đặc biệt và có nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng. Họ đã thể hiện sự kiên nhẫn xuất sắc khi đối mặt với tình trạng rối loạn nghiêm trọng. Đôi lúc chúng tôi phải sử dụng vũ lực một cách hợp lý - đây không phải là điều cảnh sát muốn nhưng chúng tôi có nghĩa vụ thượng tôn pháp luật, phòng chống tội phạm, bảo vệ người dân và tài sản".

    Một lượng lớn cảnh sát đã túc trực trong cuộc biểu tình. Các sỹ quan cũng sử dụng ngựa và chó nghiệp vụ.

    Trước khi bị bắt, những người biểu tình đã nhảy múa theo nhạc bất chấp trời mưa lớn, phân phát hoa và hô vang các khẩu hiệu như "Các người bảo vệ ai?" và "Công lý cho Sarah" – gợi nhắc đến nạn nhân vụ giết người hồi đầu tháng này.

    28bristol2

    Một phụ nữ bị cảnh sát kéo ra khỏi đám đông

     

    28bristol4

    Đa số người biểu tình có thái độ ôn hòa

    Hàng loạt sĩ quan và xe tải đã chặn những người biểu tình tiến vào đồn cảnh sát Bridewell - nơi xảy ra bạo lực hôm Chủ nhật 19/03.

    Dự luật Cảnh sát, Tội phạm, Tuyên án và Tòa án được đề xuất sẽ cung cấp cho cảnh sát ở England và xứ Wales nhiều quyền lực hơn để áp kiểm soát các cuộc biểu tình bất bạo động, bao gồm những trường hợp được coi là quá ồn ào hoặc gây phiền toái. Người tham dự có thể bị phạt tiền hoặc án tù.

     

    Cảnh sát dùng dùi cui đánh người biểu tình

     

    Cuộc biểu tình đầu tiên vào Chủ nhật tuần trước đã bắt đầu một cách ôn hòa với khoảng 3,000 người tham dự. Tuy nhiên, sự kiện trở thành một cuộc bạo động khi khoảng 500 người xông vào đồn cảnh sát Bridewell. Mười hai người đã bị bắt vào ngày hôm đó khi các sĩ quan bị tấn công, xe cảnh sát bị phóng hỏa và cửa sổ của một đồn cảnh sát bị đập vỡ.

    Cảnh sát Avon và Somerset sau đó đã rút lại tuyên bố hai sĩ quan bị gãy xương và một người khác bị thủng phổi trong cuộc bạo loạn đêm Chủ nhật tuần trước. Phát ngôn viên của lực lượng này cho biết: "Chúng tôi đã hiểu sai rằng thông tin đó đã được xác minh. Chúng tôi không có ý định gây hiểu lầm và xin gửi lời xin lỗi vì việc này."

    28bristol8

    Rất đông cảnh sát đã được điều động sau 2 đêm biểu tình hỗn loạn

    Viethome (Theo Metro)

     

     

  • Cảnh sát đã thực hiện một số vụ bắt giữ và phạt tiền sau khi giải tán một cuộc biểu tình chống phong tỏa quy mô nhỏ ở trung tâm London.

    Ảnh ghi lại từ hiện trường cho thấy cảnh sát tìm cách giải tán một nhóm từ 40 đến 50 người gần cầu Westminster của thủ đô.

    Các nhân chứng cho biết những người tham gia mang theo biểu ngữ với các thông điệp bao gồm "Không đồng ý - Do not consent" và "Chúng tôi sẽ không bị lừa, bị theo dõi và bị giam lỏng - We will not be tricked, tracked and trapped".

    Những người khác đề cập đến 5G, chủ đề mà những người theo thuyết âm mưu liên hệ với coronavirus mặc dù không có bằng chứng xác đáng.

    skynews lockdown protest coronavirus 4986861Hình ảnh người biểu tình và người đi đường gần cầu Westminster. Ảnh: Anthony Joseph

    Anthony Joseph, người làm việc cho Sky Sports News, là một trong số những người chứng kiến ​​cuộc biểu tình.

    "Chúng tôi có thể nghe thấy họ hô vang điều gì đó khi chúng tôi lại gần nhưng thực sự không thể hiểu được", anh nói.

    "Có khá nhiều cảnh sát ở đó và họ chỉ nói chuyện với người biểu tình và yêu cầu họ về nhà.

    “Tôi nghe một sĩ quan nói với một người biểu tình rằng họ đã ở đó trong một giờ và cần phải rời đi.

    "Một người biểu tình đã nói điều gì đó như 'Tôi vẫn có nhân quyền'. Ngoài ra họ còn đề cập đến 5G."

    phan doi phong toa 2
    Hình ảnh người biểu tình ở London. Ảnh: Anthony Joseph

    Cảnh sát Metropolitan cho biết các sĩ quan đã có mặt sau khi nhận được thông báo về đám đông tụ tập, vi phạm các quy định về coronavirus ở Lambeth Walk, gần cầu Westminster.

    "Một số người đã bị bắt và thông báo phạt đã được ban hành," lực lượng nói.

    “Cảnh sát vẫn có mặt tại hiện trường và tiếp tục làm việc để giữ an toàn cho công chúng."

    Trong khi một số cuộc biểu tình vũ trang phản đối các hạn chế COVID-19 đã diễn ra ở Hoa Kỳ, cuộc tụ họp ngày 9/5 là hoạt động tương tự đầu tiên diễn ra ở Anh.

    phan doi phong toa 2
    Cảnh sát cố gắng giải tán đám đông trong ôn hòa. Ảnh: Anthony Joseph

    VietHome (Theo Sky News)

  • Phong trào biểu tình Áo Vàng đang gây hỗn loạn khắp nước Pháp nay tiếp tục hoành hành ở Anh với bom khói bị ném bên ngoài tòa nhà Quốc hội và một vài nơi ở trung tâm London, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.

    Biểu tình Áo Vàng ở trung tâm London.

    4 người bao gồm một cô bé 13 tuổi đã bị bắt sau khi đụng độ với cảnh sát gần Tòa nhà Quốc hội và phố Downing. 

    Khoảng 100 người mặc áo khoác bảo hộ màu vàng đã đổ bộ xuống Westminster để diễu hành từ Whitehall đến quảng trường Trafalgar, gây ra tắc nghẽn cục bộ. Đi tới đâu họ thả bom khói đến đó.

    Cảnh sát Scotland Yard cho biết một nữ sinh đã bị bắt vì tình nghi tấn công cảnh sát. 3 người đàn ông cũng bị bắt vì chống đối người thi hành công vụ. 

    Những người biểu tình ném bom khói.

    Phát ngôn viên Cảnh sát Thủ đô nói: "4 người đã bị bắt do tham gia biểu tình tại cầu Westminster, SW1 vào khoảng 11 giờ sáng nay ngày 5/1/2019".  

    Giao thông qua khu vực Westminster hướng về Regent Street, Piccadilly Circus bị đình trệ nghiêm trọng.

    Những clip quay tại hiện trường được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy những người biểu tình đã ngồi xuống đường gây ách tắc giao thông, trong khi một số khác ném bom khói. 

    Hình ảnh từ camera cho thấy những người biểu tình đang tập trung tại Westminster.

    Cơ quan Giao thông London TFL đã cảnh báo người dân nên hạn chế di chuyển vào khu vực.

    Một người ủng hộ Brexit, anh Steven Woolfe, trước đó đã kêu gọi những người đồng quan điểm trên khắp đất nước hãy biểu tình không bạo động để chống lại Thủ tướng May và số 10 phố Downing. Vị này cho rằng các nghị sỹ đang cố tình trì hoãn thông qua Brexit nhằm tiến hành tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần 2.

    Phong trào biểu tình khiến London rơi vào hỗn loạn.

    Viethome (theo Brexit)

  • Nhóm ăn chay biểu tình trước quầy thịt gà, kêu gọi những người đi siêu thị không ăn thịt gà vào dịp Giáng sinh.

    18 người ăn chạy xếp thành hàng trước quầy bán thịt ở một siêu thị ở Anh để phản đối giết thịt động vật. Ảnh: DxE.

    Một nhóm các nhà hoạt động vì quyền của động vật đã xếp hàng ngang trước quầy bán thịt trong một siêu thị ở Brighton, Anh, cầm trên tay những chiếc dĩa dính máu và biểu ngữ viết "Giết nhân đạo là dối trá", "Đó không phải là thức ăn mà là bạo lực" và "Thân thể đó là của con gà, không phải của chúng ta", LBC ngày 20/12 đưa tin.

    Nhóm Direct Action Everywhere này hồi tháng 11 từng biểu tình tại một nhà hàng bít-tết. Lúc đó, họ vào tận bên trong nhà hàng kêu gọi các thực khách đang ăn "từ bỏ thịt" và còn mở loa tiếng kêu của gia súc khi bị xẻ thịt. Hành động này khiến những người có mặt ở nhà hàng vô cùng bực bội và gây phẫn nộ trên mạng.


    Người biểu tình lập "bàn thờ" cho những con gà tây bị giết thịt. Ảnh: DxE.

    Trong cuộc biểu tình ở siêu thị, 18 người biểu tình hô hào những khẩu hiệu như: "Khoảng 13 triệu con gà tây bị giết thịt vào thời điểm này trong năm chỉ để phục vụ cho các người". Rồi họ cho biết thêm những con gà bị giết là từ 9 đến 21 tuần tuổi trong khi chúng có thể sống thọ đến 10 năm. "Động vật không phải là đồ vật. Sự sống không phải là hàng hóa. Đã đến lúc chấm dứt truyền thống độc ác và dã man này. Đừng để cái chết trên đĩa thức ăn của bạn dịp Giáng sinh", một người biểu tình hét lên.

    Nhân viên an ninh siêu thị cố gắng giải tán đám đông. Còn khách mua hàng tỏ ra không quan tâm vì cho rằng những người này là dạng "não cùn". Cho đến khi cảnh sát đến thì nhóm này mới chịu rời ra ngoài siêu thị và tiếp tục biểu tình.

    Cộng đồng mạng cho rằng đây là hành động thiếu suy nghĩ. "Hay lắm! Thay vì bảo vệ những con vật còn sống, họ không cho người khác mua thịt của những con vật đã chết! Người ăn chay cao quý ghê!", một người bình luận. "Não của họ bị ảnh hưởng do chỉ ăn rau củ quả", người khác giễu nhại. "Tôi là người ăn chay thuần nhưng không ủng hộ hành động kiểu này. Các bạn làm những người ăn chay khác mất mặt, đó không phải cách khiến người khác thay đổi quan điểm".

    VietHome (Theo VnExpress)