• Cảnh sát Nhật bắt 4 người Việt Nam bị cáo buộc tiến hành hàng loạt vụ trộm tại các cơ sở Uniqlo, ước tính thiệt hại 135.000 USD.

    Bốn công dân Việt Nam, gồm hai nam và hai nữ, bị cáo buộc thực hiện 67 vụ trộm tại hàng loạt cơ sở Uniqlo và các cửa hàng quần áo khác tại Tokyo và 7 tỉnh, trong đó có Osaka và Fukuoka, cảnh sát tỉnh Fukuoka thông báo ngày 6/2. Ước tính thiệt hại khoảng 20 triệu yen (135.000 USD).

    Trong số 4 người có Nguyen Hoang Anh, 38 tuổi. Nhóm được cho là trộm 5.237 mặt hàng gồm áo dài tay, áo khoác, trong nhiều lần nhập cảnh Nhật Bản từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2023. Các tang vật thu giữ cho thấy ngoài quần áo có có nhiều mặt hàng mỹ phẩm.

    nguoi viet trom quan ao
    Một số mặt hàng do 4 nghi phạm Việt trộm được bày tại cuộc họp báo của cảnh sát Fukuoka ngày 6/2. Ảnh: Mainichi

    Theo cảnh sát Nhật, 4 người Việt thừa nhận cáo buộc, khai đang gặp khó khăn tài chính. Theo điều tra, các nghi phạm nhắm vào Uniqlo bởi hãng này có nhiều cửa hàng tự thanh toán ở Nhật Bản. Các mặt hàng bị trộm được bán tại chợ trực tuyến ở Việt Nam.

    Cảnh sát Fukuoka cũng phát lệnh bắt một phụ nữ 40 tuổi sống tại Việt Nam, cáo buộc người này ra chỉ thị cho 4 nghi phạm trên thực hiện loạt trộm.

    VnExpress (Theo Kyodo)

  • Là một thương hiệu bán lẻ lâu năm tại Việt Nam nhưng bất ngờ logo của Co.op Mart đã xuất hiện tại thị trường Úc dù chưa từng nhượng quyền hay đầu tư ra nước ngoài.

    thuong hieu coop mart bi danh cap 1
    Logo Co.opmart bất ngờ xuất hiện giữa khu chợ người Việt tại thành phố Melbourne (Úc)

    Sáng 5.10, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO công ty chuyên về sản xuất cà phê nông sản Meet More trong lúc đang khảo sát thị trường bán lẻ tại Úc đã phát hiện một siêu thị bách hóa tổng hợp mang logo của Co.opmart - thương hiệu bán lẻ quen thuộc tại Việt Nam. 

    Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Luận thắc mắc: "Mấy hôm trước tôi nghe nói về siêu thị Co.opmart có mặt tại Úc rồi. Hôm nay, trong lúc khảo sát thị trường tại thành phố Melbourne, bang Victoria (Úc) thì bất ngờ nhìn thấy cửa hàng mang thương hiệu, logo của Co.opmart. Hàng hóa tại đây đa phần cũng là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam như mì gói, phở ăn liền, cà phê, thực phẩm khô... Tuy nhiên, tôi quan sát thấy cách bài trí không ngăn nắp như phong cách của hệ thống Co.opmart trong nước". 

    thuong hieu coop mart bi danh cap 1
    Cửa hàng mang thương hiệu Co.opmart tại Úc hoàn toàn không đươc chủ sở hữu tại Việt Nam nhượng quyền hay đầu tư

    Từ thông tin của ông Nguyễn Ngọc Luận cung cấp, chúng tôi đã truy cập vào địa chỉ website của cửa hàng này tại Úc, địa chỉ tại 182b đường Duke, Braybrook 3019, bang Victoria. Thông tin trên website bằng tiếng Anh không đề cập đến hệ thống Co.opmart tại Việt Nam và không thể hiện có sự liên quan gì. 

    Để xác minh, chúng tôi đã gửi thông tin hình ảnh và các chi tiết nói trên cho đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM. Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart, tỏ ra bất ngờ và khẳng định: Thương hiệu Co.opmart là siêu thị thuần Việt ra đời từ năm 1996, được vận hành bởi Saigon Co.op, mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã khá đặc biệt hiếm hoi thành công hơn 3 thập kỷ tại Việt Nam. Thương hiệu Co.opmart mới đây còn được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận "Thương hiệu siêu thị thuần Việt lâu đời nhất Việt Nam". Đến thời điểm hiện tại, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) chưa đầu tư xây dựng siêu thị và chưa nhượng quyền thương hiệu siêu thị Co.opmart cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào vì muốn gìn giữ và phát triển thương hiệu siêu thị thuần Việt Co.opmart có từ lâu đời, đã trở nên thân quen với người Việt Nam. Đối với việc thương hiệu Co.opmart bị "nhái" ở nước ngoài, Saigon Co.op sẽ tiếp tục theo dõi và liên hệ với các tổ chức liên quan để có bước xứ lý tiếp theo. 

    thuong hieu coop mart bi danh cap 1
    Thương hiệu Co.opmart đã được xác nhận kỷ lục là hệ thống siêu thị thuần Việt lâu đời nhất Việt Nam. Ảnh: SGC

    Nhiều năm nay, câu chuyện thương hiệu Việt bị "nhái", đăng ký sở hữu tại nước ngoài đã nhiều lần xảy ra và gây bức xúc cho cả chủ sở hữu trong nước lẫn người tiêu dùng ở nước ngoài. Đơn cử như thương hiệu cà phê Trung Nguyên đã từng bị tranh chấp tại Mỹ, nước mắm Phú Quốc bị đăng ký tại Thái Lan, Trung Quốc hay nhiều mặt hàng khác cũng bị "phỗng tay trên". 

    Đối với trường hợp của thương hiệu Co.opmart, ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết thêm: "Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ sau khi tôi chia sẻ thông tin, nhiều tổ chức như Ủy ban người Việt tại nước ngoài, một số thương vụ cũng đã liên hệ để nắm tình hình để có hướng bảo vệ thương hiệu của Việt Nam. 

    Theo Thanh Niên

  • hoa cuc dem tra costco horz

    Dường như không một hệ thống cửa tiệm nào trên thế giới có quy định trả đồ (return policies) dễ dàng, phóng khoáng như Costco. Nghĩa là, về căn bản, khách hàng có thể trả lại bất kỳ món hàng nào đã mua, bất kể mua từ đời nào, và được thối lại đầy đủ số tiền đã bỏ ra, ngoại trừ hàng điện tử thì có 90 ngày được hoàn trả cùng với hóa đơn mua hàng.

    Với chính sách “hào phóng” này, về lý thuyết, bạn có thể mang trả lại một nải chuối chỉ vì nó chín sớm quá, hoặc bạn có thể trả lại một hộp đủ các loại hạt nếu bạn không thích vị của nó. Trên qui mô lớn hơn, bạn có thể trả lại tấm nệm đã mua không giới hạn thời gian, hoặc một cái vali hiệu Kirkland sau khi sử dụng đã đời!

    Tuy nhiên, một số ít khách hàng đã lạm dụng chính sách hoàn trả của công ty một cách thái quá. Mới đây, trên group Vietnamese Costco Fans - Product Reviews- Đánh Giá và Chia sẻ, một bạn giấu tên đã chia sẻ hình ảnh một người châu Á đem chậu hoa cúc đi trả ở Costco. 

    328992689 3143887985831916 3317332923459665961 n

    Chủ nhân tấm ảnh cho rằng hành động này làm xấu mặt người châu Á: "Bông mình mua mình chưng hết Tết rồi thì thôi mình bỏ đi. Đừng làm xấu mặt người Á Đông mình như vậy, nó kì lắm".

    Thậm chí người nhân viên đã nói: "Do you know we that we would dispose those plants because we cannot resell them?" (Bạn có biết chúng tôi phải vứt những cây này vì chúng tôi không thể bán lại cho người khác?".

    Nhưng vị khách hàng kia vẫn tỉnh bơ: "Yeah, the plant is not good you deninitely should depose it. That's why I return it!". (Đúng, cái cây này héo rồi cô nên vứt nó đi. Vì thế tôi mới đem trả).

    Vậy là nhân viên Costco đành phải ngao ngán lắc đầu mà trả lại tiền cho vị khách hàng "dày mặt". Chủ nhân tấm ảnh hy vọng Costco sẽ có biện pháp ngăn chặn những trường hợp lạm dụng chính sách đổi trả hàng của họ. Nếu không một ngày nào đó siêu thị sẽ chẳng thèm nhập hoa Tết về bán nữa. 

    329391191 579662657043709 3253619498021889983 n
    Đồ trang trí, hoa cúc với những chiếc lá héo rũ bị đem trả lại.

    Một khách hàng khác là chị Nga Ca chia sẻ cận cảnh hình ảnh những bông hoa này. Chị nói: "Đây nè bà con, hôm đó tui chứng kiến hết chụp hình lại nhưng không muốn đăng chỉ để xem chơi thôi. Đây chính xác không phải người việt mà là người Hoa. Hai vợ chồng còn rất trẻ, cả 2 vợ chồng cùng nhau đẩy xe hoa héo này vào Costco để trả lại. Anh chị em đừng nghĩ là người Việt nha. Này đổi trả lại không biết bao nhiêu tiền mà làm vậy tui thấy hết hồn. Cạn lời cho vợ chồng này còn trẻ mà hành động như này bủn xỉn hết sức".

    Đồng tình, chị Diana Thanh-Hue Nguyen cũng ngán ngẩm bình luận: "Năm trước cũng có nghe nói là mua hoa Lan về chơi cho tàn hết hoa, xong lại xách cái bình ra trả lại. Thật là không tin được con người bần tiện, năm nay lại đến bông cúc lên sàn. Năm tới không biết đến hoa gì đây, nếu năm tới Costco bán hoa mai và đào thì chắc sau Tết còn cái que nó cũng đem trả quá. Thật là tức mà, cầu cho Costco có biện pháp tốt để bảo vệ những người bỏ công sức chăm sóc trồng trọt cả năm mới được một mùa mà còn bị chơi thế này nữa. Thật là đau lòng và xấu hổ".

    NHỮNG MÓN HÀNG KINH DỊ NÀO TỪNG ĐƯỢC MANG TRẢ LẠI COSTCO?

    Trong một đề tài của Reddit dành riêng cho nhân viên Costco, có chủ đề “Món hàng ‘kinh dị’ nào đã được mang trả lại Costco?”, nhiều người đã và đang là nhân viên của Costco (chỉ dùng nickname) đã kể lại những thứ “kinh dị” mà họ nhìn thấy khách hàng mang trả lại sau khi mua. Khách hàng ở đây đủ mọi màu da sắc tộc, chứ không chỉ riêng người châu Á. 

    Một hộp quần lót đã được mở ra

    “Nếu còn nguyên gói bao bì, nó có thể được trả lại cho nhà cung cấp sản phẩm. Nếu nó đã được sử dụng, cũng có người chịu mua nếu cửa hàng bán với giá rẻ. Đôi khi, những hộp đồ lót đã bị mở ra như thế sẽ bị vứt luôn, bởi vì nhà cung cấp không muốn nhận lại hoặc các đại lý cũng chẳng có hứng thú quan tâm vì bất cứ lý do nào.” Đó là điều mà Hobovalentine từng chứng kiến.

    Một chai rượu không

    Người có nickname jb2255 kể, “Một người phụ nữ đã mang trả lại một chai rượu chả còn giọt nào với lý do nó làm cô ta bị nhức đầu khi uống!”

    Một cái chuồng gà đã xài

    Syst3m1c, người có 8 tháng làm việc ở Costco cho biết, “Điều tệ hại nhất mà tôi từng thấy là người ta mang trả lại một cái chuồng gà đã xài rồi và bắt đầu bị mục. Cái chuồng vẫn còn dính đầy phân gà. Mọi người đều nhìn chằm chằm vào gia đình mang cái chuồng gà đi trả. Anh chàng kia đã mua cái chuồng trên website trực tuyến từ năm ngoái. Dĩ nhiên, theo qui định, người quản lý vẫn đồng ý trả lại tiền đầy đủ cho gia đình anh chàng kia.”

    Một cái máy tính xách tay cũ nhưng không phải là cái từng mua

    “Vài tháng trước, có một ông mang đến trả lại một cái máy tính xách tay mà ông ta nói mới mua ‘trên mạng’ được hai tuần. Không sao cả, ông ta có thể trả lại trong vòng 90 ngày nếu như ông ta không thích cái laptop đó,” nhân viên có nickname Bloodsponge nhớ lại.

    Bloodsponge kể tiếp, “Tuy nhiên, cái mà ông đó mang trả không phải là cái laptop mới ‘order’ từ Costco. Ông ta trả lại một cái laptop đã hư, đã cũ, đã mua từ 8 năm trước. Mà nó cũng không cùng nhãn hiệu nữa chứ. Ông ta ‘chơi trò’ gỡ cái nhãn mã hàng trên laptop mới mua, rồi đem dán nó vào cái cũ rít để mang trả.”

    Các món hàng bán theo mùa

    Nhân viên có tên “ManicHispanic85” chia sẻ, “Thường vài tháng sau khi quầy bán cây kiểng đóng thì nhiều người mang trả lại những cây cối họ làm chết vì không biết chăm sóc. Rồi vào mỗi Tháng Giêng, người ta lại mang đi trả lại những vật trang trí mùa Giáng Sinh. Tương tự như thế, Tháng Chín thì bà con lại vác đi trả những vật dụng đã mua sử dụng trong Mùa Hè như lò BBQs, quần áo tắm, phao bơi, đồ che mái patio…”

    “Nói thiệt là tôi muốn sống cuộc sống như thế, sống mà không cảm thấy xấu hổ khi thực hành tiết kiệm tiền bằng cách giống như những người đó,” ManicHispanic85 nói một cách ngao ngán. Costco là nơi khách hàng có thể trả lại bất kỳ món hàng nào đã mua, bất kể mua từ đời nào, và được thối lại đầy đủ số tiền đã bỏ ra. 

    “Cá già”

    “Một con cá 13 tuổi! Người phụ nữ để quên con cá trong tủ trữ đông và quên béng nó đi. Giờ bà ta mang đến cửa hàng, đòi trả nó lấy lại tiền. Khi chúng tôi nói ‘không được’ thì bà ta la toáng lên, làm ầm ĩ náo loạn hết. Nếu tôi nhớ không lầm thì cuối cùng người quản lý đã để cho bà ta trả lại con ‘cá già’ và hoàn tiền đủ cho bả,” người có nickname Xianricca nhớ lại điều “hãi hùng” mà mình từng chứng kiến.

    Gói thịt bò “ribeye steak” giá $200

    “Có người đã mua gói thịt bò loại ‘ribeye bone’ được đóng trong bao bì với giá khoảng $200 trong mùa lễ hội, rồi sau đó mang một cái thùng đựng xương và mỡ đã nấu chín đến trả! Vậy mà họ cũng vẫn được hoàn tiền lại đầy đủ nha. Thiệt là trợn trắng mắt luôn,” người lấy nickname “inglorious” nhớ lại.

    Máy rửa nhà

    Nhân viên lấy tên “hobovalentine” lại có “kỷ niệm” với một người mang đến trả lại chiếc máy rửa nhà mua đã… 15 năm.

    “Món hàng cũ nhất mà tôi từng thấy người ta mang đến trả để đòi tiền lại là một cái máy rửa nhà. Họ trả với lý do là nó không hoạt động nữa. Nhưng có phải là quá ‘lố bịch’ không khi mà cái máy đã được mua lâu đến chừng ấy thời gian. Xin lỗi chịu hỏng nổi!” Hobovalentine kêu trời.

    Hình rửa

    “Thứ tệ nhất là tôi thấy người ta mang đi trả là những tấm hình mà họ mang tới rửa. Họ cứ rửa hết đống hình họ chụp, xong rồi trả lại cả trăm tấm, mà họ không thích, tấm thì tối quá, tấm thì ‘out of focus’, tấm thì bị đỏ mắt, và yêu cầu trả lại tiền. Có người còn ‘ngon lành’ hơn nữa khi họ mang hình đến trả với lý do cái khung hình ở nhà họ là 5×7, mà họ lại đi rửa 4X6,” nickname Gundamk nói về điều mình chứng kiến.

    Cái bàn ping pong mua đã 10 năm

    “Một khách hàng muốn trả lại cái bàn chơi ping-pong ngoài trời mua từ 10 năm trước. Họ nói nó được xếp vào loại bàn chơi ngoài trời, nghĩa là nó được đặt ngoài trời, đúng không? Tuy nhiên, các yếu tố thời tiết ở Florida, nơi mà gần nửa thời gian là mùa mưa bão, đã không thích hợp với nó. Khung kim loại bên ngoài bị rỉ sét, một vài tấm chắn bắt đầu bong tróc. Và giờ, sau 10 năm mua về, họ muốn trả để lấy lại tiền,” nhân viên Alan tường thuật.

    Bản thân tôi từng chứng kiến một người đàn ông chở tới Costco Fountain Valley một cái hộp cũ kỹ trong có cánh cửa lớn. Nhân viên quầy trả đồ đứng kiểm tra trên máy tính một hồi lâu, rồi nghe họ nói chuyện với nhau, mới biết ra là cánh cửa đó mua từ năm 1996. Nhưng quan trọng hơn là sau khi coi tới coi lui, họ trả lời với người đàn ông rằng món hàng đó chưa từng được bán ở Costco!

    Còn bạn, bạn đã từng chứng kiến người ta lạm dụng chuyện trả đồ ở siêu thị Costco như thế nào?

    Viethome tổng hợp

  • Hai ngày qua, trên mạng xã hội Facebook nhiều tài khoản chia sẻ lại bài đăng ngày 2.1 của một tài khoản có tên Kugan Pillai, đến từ Singapore.

    san bay noi bai xin tien tip 1
    Bài đăng trên trang Facebook của Kugan Pillai đang được chia sẻ "chóng mặt". Ảnh: FACEBOOK NV

    Theo bài đăng trên trang Facebook cá nhân, anh Kugan Pillai vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội về Singapore ngày 2.1. Khi qua khu vực cửa khẩu sân bay Nội Bài để làm thủ tục xuất cảnh, một nhân viên an ninh đã để lại lời nhắn trên vé máy bay của anh bằng chữ viết tay có nội dung: "tip" (tiền boa, tiền cho thêm - PV). Khi đó, nhân viên xuất cảnh đang giữ hộ chiếu của Kugan Pillai.

    Vị khách này đã hỏi nhân viên an ninh cửa khẩu rằng "để làm gì?" nhưng "anh ấy cứ chỉ vào những gì anh ấy viết".

    "Tôi không biết phải làm gì hoặc nhờ ai giúp đỡ và tôi cũng đang gấp rút chuẩn bị cho chuyến bay của mình. Cuối cùng, tôi đã nhượng bộ anh ta bằng cách đưa 500.000 đồng. Tôi biết điều này có thể là bình thường ở các quốc gia bên kia nhưng tôi cảm thấy rằng mình có thể đã bị bắt lại, như kiểu nếu không đưa tiền, hộ chiếu của tôi sẽ không được công nhận" - Kugan Pillai chia sẻ trên bài đăng.

    san bay noi bai xin tien tip 1
    Hình ảnh do anh Kugan Pillai chụp tại sân bay Nội Bài. Ảnh: FACEBOOK NV

    Đáng chú ý, Kugan Pillai cho biết anh đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Singapore về sự việc. Chưa đầy 1 ngày sau khi đăng tải, bài viết đã nhận về gần 6.000 lượt chia sẻ, hơn 10.000 lượt like kèm theo hàng trăm bình luận chia sẻ trải nghiệm tương tự ở 1 số sân bay khác tại Việt Nam.

    Liên hệ với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, đại diện đơn vị này cho biết đã nắm sự việc. Tuy nhiên, mọi quy trình thuộc khâu kiểm tra an ninh khu vực xuất nhập cảnh do lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh (thuộc Bộ Công an) chịu trách nhiệm, Cảng không có quyền can thiệp nên hiện Cảng Nội Bài đã chuyển thông tin cho cơ quan trực tiếp quản lý tiếp nhận và xử lý.

    Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết mới tiếp nhận và đang cho kiểm tra, xác thực thông tin.

    Theo Thanh Niên

  • “Em làm bên Finance.” “Chị sẵn sàng settle down rồi.” “Cái đó rất là fix.” “Cậu ấy rất passive.” “Cái background của em ấy là gì?” “Chị ấy hơi hơi pessimistic.” “Tao có advice cho mày”, “Như thế là không turn around được.” “Phải có skill, chứ!” “Có lẽ em sẽ làm freelance.” “Lương của em sẽ performance based.” “Cho nhận passport chưa?” “Như vậy scale sẽ rất cao.” “Lớp em đang học boring lắm!” “Trường này rất nổi tiếng về teaching method.” “Em chưa give up.” …..

    Người Việt đã nhập rất nhanh từ tiếng Anh trong một thời gian rất ngắn, nếu có cách đo rất có thể sẽ được công nhận là kỷ lục Guiness. Từ đó chúng tôi có thể hiểu rất nhiều về văn hóa Việt Nam.

    Cũng có vài nước ở Châu Á như Singapore, Hồng Kông, Philippines, người dân nói tiếng Anh song song với tiếng mẹ đẻ. Cho dù có sự pha lẫn nhưng đó chủ yếu là hai ngôn ngữ riêng biệt với nhau. Ở Việt Nam đang có nguy cơ trở thành 2 trong 1, “tiếng Vietnamese”, không hẳn Tây cũng không hẳn Ta.

    Nhưng quay trở lại với câu hỏi trên. Nếu không phải để làm rõ nghĩa thì vì sao người Việt đang thay từ tiếng Việt bằng từ tiếng Anh một cách nhiệt tình thế? Tôi có 4 cách lý giải.

    nguoi viet khong noi tieng viet

    1.Sính ngoại: Cho nó oai. Cho nó oách. Chứng tỏ rằng mình là người hiểu biết về thế giới. Tuy nhiên nhìn sâu vào là sẽ chúng tôi sẽ thấy cái nhìn “toàn cầu” đó có chất rất “địa phương”.

    Người Việt Nam sính ngoại thật. Đó là sự thật nhạy cảm, nhưng vẫn là sự thật nên tôi không ngại nói. Tôi từng viết về lợi ích mà điều đó mang lại cho người da trắng; bài đó tôi phân tích từ góc độ ngoại, còn bài này tôi muốn phân tích từ góc độ nội. Sự thật là nhiều người Việt Nam chọn “đồ Tây” để có được sự ngưỡng mộ của ta. Đến với Tây để khoe với Ta.

    Người Tây có câu “Chính trị nào cũng là địa phương” (All politics is local), có nghĩa là đối tượng của hoạt động chính trị “xa nhà” thường là những người “trong nhà”. Mở các chiến tranh ở xa để làm hài lòng các công ty ở gần.

    Nếu đo “nhu cầu được ngưỡng mộ” của một xã hội bằng “mức độ sính ngoại” của xã hội đó thì có lẽ Việt Nam là xã hội mà người ta có nhu cầu được ngưỡng mộ nhất thế giới. Khỏi phải nói, đó là sự ngưỡng mộ của nhau.

    Khi nói “ngưỡng mộ”, ý tôi là người Việt nói chung rất cần tình cảm từ phía xã hội Việt Nam. Họ rất cần được mọi người quan tâm. Làm người tốt bụng hay thành đạt là chưa đủ. Họ cần được mọi người xung quanh công nhận là người tốt, nhất trí là người thành đạt. Đương nhiên có trường hợp ngoại lệ, nhưng tôi thấy đa số người Việt rất cần được khen, dù học sinh trẻ hay giám đốc già. “Văn hóa bằng cấp” không thể tự nhiên mà xuất hiện đâu.

    Nhu cầu đó hay được thể hiện bằng cách…thể hiện.

    2.Trốn áp lực văn hóa. Ví dụ từ “love”. Mặc dù “I love you” và “Em yêu anh” giống nhau về mặt ý nghĩa nhưng với nhiều người trẻ, bán cho người ta một câu “anh yêu em” sẽ bị tính theo “đô-la văn hóa Việt” (với những áp lực đi kèm) còn bán câu “I love you” sẽ được tính theo đô-la văn hóa Tây. “I love you” có nghĩa là “Em yêu anh”, nhưng khi bán câu “I love you” sẽ không bị tính tiền thuế là các cảm giác gượng gạo, quá sến, và củ chuối ấy.

    Ví dụ khác, theo văn hóa Việt Nam hiện tại, từ “tài chính” hay mang tính chất “ẩn số vàng”; chất bí mật, chất phức tạp. Về chuyện “$” thì văn hóa phương Tây được coi là minh bạch hơn. Vậy khi nói “em làm ở bên finance” có khi cái tôi tiềm thức của người ta đang muốn trốn chất bí ẩn và đến gần hơn với chất minh bạch đó.

    Tôi chưa chắc nhưng tôi đoán rằng với nhiều người phụ nữ Việt Nam “ổn định” mặc dù đồng nghĩa với “settle down” nhưng lại khó nói hơn. Ổn định bị tính tiền thuế là mẹ chồng.

    Văn hóa Việt tạo một áp lực khá lớn đối với người Việt. Số lượng người trẻ muốn giảm bớt áp lực đó hiện rất nhiều – có lẽ ghép từ tiếng Anh vào ngôn ngữ sử dụng hàng ngày là một phương pháp nhẹ nhàng dùng để đạt được mục đích đó.

    3. Ham hiểu biết: Đây là nguyên nhân dễ hiểu nhất. Thích học và áp dụng kiến thức mới. Không phải vì ai. Vì bản thân.

    4. Nghe hay: “Tôi chẳng sính ngoại, chẳng ham học, cũng chẳng muốn trốn triếc gì hết. Tôi chỉ dùng các từ tiếng Anh ấy vì…nghe hay.” Chắc khái niệm đó cũng phổ biến. Một sở thích, thế thôi, phân tích sâu làm chi. Nếu tôi hỏi tiếp “vì sao nghe hay”, thì các bạn giữ khái niệm ấy sẽ trả lời “vì nghe hay mà”, rồi tôi chỉ biết cười mỉm và chuyển sang chủ đề khác là phim Cánh Đồng Bất Tận và body đẹp của các diễn viên nữ.

    Nếu thực sự nhìn vào cái “hay” ấy các bạn ấy sẽ phát hiện nhiều yếu tố như tôi nói trên. Nhưng chưa phát hiện đồng nghĩa với chưa có.

    Hết phần nguyên nhân là đến với câu hỏi sau cùng. Đã nói người Việt rất mê sử dụng từ tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày. Đã nói nguyên nhân có thể là tính sính ngoại, là áp lực văn hóa, là khả năng học hỏi, là sở thích “just for fun”. Đã nói những điều đó nhưng tôi chưa trả lời câu hỏi làm nền cho vấn đề được nêu ra – Đó là việc tốt hay xấu?

    Có lẽ tôi không nên trả lời. Tôi có cái nhìn phiến diện. Tôi thấy rất vui khi các trẻ em Nhật chào tôi bằng “Konichiwa” và thấy rất ức chế khi các trẻ em Việt Nam chào tôi bằng “Hello”. Tôi càng ức chế hơn khi thấy phụ huynh dạy con mình chào người Tây bằng “Hello”. Tôi chưa nhìn sâu vào cảm giác ức chế đó. Tôi sợ sẽ thấy một sự phân biệt, dù ngây thơ hoặc thân thiện nhưng vẫn là sự phân biệt không hay. “Với người da trắng như ông kia thì con nói hello, còn với người da vàng như bố thì con phải nói chào bác, con hiểu chưa?”

    Vì sao phải dạy con làm thế? Ý các cháu sẽ hiểu là người Tây ở Việt Nam không cần hòa nhập – người Việt Nam ở Việt Nam sẵn sàng hòa nhập với văn hóa Tây. Quý khách hay tự ti?

    Tôi biết nhiều người nước ngoài giữ quan điểm là người Việt sử dụng tiếng Anh trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày nhanh và nhiều như bây giờ là điều tốt, giúp cho Việt Nam hòa nhập với thế giới, chứng tỏ rằng người Việt nhanh nhẹn và cởi mở. Có lẽ họ nói đúng và tôi chỉ là một ông già bị kẹt trong cơ thể người trẻ.

    Theo Dear.vn

  • Balenciaga là thương hiệu thời trang cao cấp không còn quá xa lạ với nhiều người. Mới đây, hãng lại một lần nữa gây chú ý với sản phẩm túi mang tên Monday Shopper Bag nằm trong bộ sưu tập mùa xuân 2022.

    tui Balenciaga 2

    Trên thực tế, chiếc túi có giá 925 bảng này được làm từ da bê màu trắng, có sọc màu xanh lam và tên nhãn màu đỏ. Điều này khiến mọi người nhớ đến những chiếc túi nilon của siêu thị Tesco những năm 1980.

    Sau đó, siêu thị đã thay đổi thiết kế của loại túi này đồng thời khuyến khích khách hàng chọn những loại túi bền vững hơn. Hiện nay, Tesco đã bán cả túi nilon làm bằng nhựa tái chế cho khách hàng với giá 20 bảng/chiếc. Trong khi đó, để sở hữu chiếc túi "đi chợ" của Balenciaga có thiết kế tương tự, người tiêu dùng cần phải bỏ ra số tiền gấp 46 lần.

    "Có lẽ với sản phẩm này, Balenciaga muốn người tiêu dùng ngay cả khi xách đồ trong siêu thị hay đi chợ cũng phải toát lên sự sang chảnh", một cư dân mạng bình luận.

    Balenciaga là thương hiệu thời trang được nhiều người nổi tiếng yêu thích, bao gồm nữ ca sĩ tỷ phú Rihanna và "siêu vòng 3" Kim Kardashian. Hãng mô tả chiếc túi như một "cách giải thích hiện đại về chiếc túi nguyên mẫu" trên trang web của mình.

    Ngoài phiên bản màu trắng – xanh, túi Monday Shopper Bag còn có phiên bản màu vàng trang trí sọc đỏ. Túi có khóa cứng màu bạc, bên trong là một túi zip và ngăn đựng đồ.

    Đây không phải lần đầu tiên Balenciaga mô phỏng hình dáng và màu sắc của các thương hiệu khác. Năm 2017, hãng từng cho ra mắt chiếc túi tote màu xanh lam giống mẫu túi đựng đồ của IKEA.

    Trong khi túi của Balenciaga được bán với giá £1,365, chiếc túi của IKEA chỉ có giá chưa tới £0.40. Chính vì thế, thiết kế của nhà mốt cao cấp này đã nhận về không ít lời chế giễu vì vừa đắt vừa trông như bản sao của túi IKEA.

    Để đáp lại hành vi bắt chước của Balenciaga, IKEA đã đăng tải một quảng cáo với nội dung hướng dẫn khách hàng phân biệt túi IKEA thật và "fake". Bí kíp mà hãng nội thất Thụy Điển đưa ra là lắc nhẹ chiếc túi, nếu kêu sột soạt thì đó là hàng thật. Ngoài ra, người mua có thể kiểm tra mác giá vì túi thật chỉ có giá chưa đến £0.40.

    tui Balenciaga 2
    Túi của Balenciaga (trái) và túi của IKEA (Ảnh: Internet).

    Đầu tháng này, Balenciaga cũng gây chú ý khi gửi thư mời tham dự buổi trình diễn BST Thu – Đông 2022 theo cách khá độc đáo. Cụ thể, thư mời không phải bằng chất liệu giấy thông thường mà là một chiếc iPhone 6s đã nứt màn hình nằm trong một chiếc hộp đơn giản in chữ "Balenciaga". Mặt lưng của chiếc điện thoại có khắc tên bộ sự tập, thời gian diễn ra chương trình và tên khách mời. Được biết, ý tưởng này do giám đốc sáng tạo của hãng nghĩ ra.

    Trong thư mời bằng giấy kèm theo, Balenciaga khẳng định những chiếc iPhone đã được sản xuất từ nhiều năm trước và đã bị vứt bỏ. Hãng cho biết chúng không hoạt động và chỉ được sử dụng cho mục đích trưng bày.

    Hình ảnh thư mời đặc biệt này đã trở nên viral trên các mạng xã hội sau khi được blogger thời trang người Philippines - Bryan Boy chia sẻ. Nhiều người cho rằng đây là một trong số nhiều "chiêu trò" phá cách mà nhà mốt này thực hiện để thu hút sự chú ý của công chúng.

    Cafebiz (Nguồn: Independent)

  • khon loi kieu viet nam

    Nhiều người Việt Nam và Trung Quốc có cùng một suy nghĩ giống nhau, đó là mới đầu khi ra nước ngoài, họ thường cảm thấy người nước ngoài, nhất là người Tây phương đầu óc đơn giản, không hiểu chuyện đời, và đôi khi họ lấy làm tự mãn, tự cho mình là thông minh. Vậy rốt cuộc thông minh theo kiểu người Việt Nam và Trung Quốc là như thế nào?

    Còn nhớ vài năm trước, một kênh truyền thông New Zealand đã đăng một bài viết nói về vấn đề “thông minh kiểu Trung Quốc” và nhận được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng Trung Quốc. Tác giả bài viết là một người Hoa, và đã kể lại nhiều trải nghiệm cá nhân và câu chuyện nghe được khi ở nước ngoài.

    Một người Hoa đưa đứa con nhỏ mới 3 tuổi đến Hoa Kỳ du lịch và ở tại nhà người thân. Người nhà đã đưa cho người Hoa này một chiếc ghế ngồi ô tô dành cho trẻ nhỏ và nói: “Ở đây quy định trẻ nhỏ khi đi xe nhất định phải dùng loại ghế này, tôi đưa cho anh dùng, nhưng vì là ghế đi mượn, nên anh phải giữ gìn cẩn thận, vì chúng ta sẽ phải trả lại cho người ta.” Hai tuần sau khi không dùng xe ô tô nữa, chiếc ghế này đã được đem đến trả lại cửa hàng. Người bán hàng không hỏi lý do tại sao, chỉ đơn giản là đưa đủ số tiền cho người trả hàng. Người nhà liền tự hào nói: “Các cửa hàng ở Mỹ đều như vậy, nếu mua hàng trong vòng 2 tuần thì đều có thể mang hóa đơn đến và trả lại, do đó chúng tôi thường đến đây ‘mượn’ một số đồ đạc. Nhiều người Đại lục thậm chí còn mượn cả TV. Anh nói xem, người Mỹ có ngốc hay không chứ? Trả lại hàng vô điều kiện đúng là sơ hở quá lớn, vậy mà họ còn chẳng biết điều đó!”

    Một năm sau, người Hoa này đến Nhật Bản, một số bạn bè đồng hương ở Nhật đã tiếp đón và dùng ô tô để đi lại. Người Hoa này hỏi: “Tokyo đất chật người đông, có phải là rất khó đỗ xe không?” Đồng hương trả lời: “Không nghiêm trọng đến như vậy đâu, chính phủ quy định cần có chỗ để xe trước rồi sau đó mới được phép mua xe, vì vậy mà không có nhiều xe như anh nghĩ đâu.”

    “Ồ, vậy tức là anh có một bãi đỗ xe riêng sao? Chắc là phải đắt đỏ đến mức cắt cổ có đúng không?” “Anh nghĩ là ai cũng ngốc giống người Nhật Bản sao! Muốn mua xe thì trước tiên đi thuê một chỗ ở bãi đỗ xe, sau khi mua xe xong thì trả lại chỗ đó, vậy chẳng phải là vấn đề được giải quyết hay sao?”

    Hai ngày sau, một số bạn bè người Nhật đến đưa người Hoa này đi chơi, họ đi bộ hoặc là đi bằng tàu điện ngầm. Những người bạn Nhật phân trần rằng: “Tokyo mua xe thì dễ, nhưng tìm chỗ đỗ xe thì không dễ dàng gì. Do đó, anh chịu khó đi tàu điện ngầm vậy nhé.”

    Người Hoa này lập tức truyền cho anh ấy cách để giải quyết vấn đề. Không ngờ rằng anh ấy đã không hiểu ra mà còn dửng dưng nói: “Nếu muốn lợi dụng sơ hở, thì có nhiều cách lắm. Ví dụ như mẹ tôi sống ở quê, nếu muốn thì có thể dùng hộ khẩu cũ là mua được xe. Nhưng thực tế thì tôi định cư ở Tokyo, không có chỗ đỗ xe mà lại mua xe, vậy thì những người hàng xóm sẽ nhìn tôi như thế nào? Lái xe đi làm, tôi phải đối diện với đồng nghiệp ra sao? Cấp trên và những người đàng hoàng sẽ không làm như vậy.”

    Có thể một số người Việt có người thân là Việt Kiều ở Hoa Kỳ cũng đã nghe câu chuyện về việc hàng hóa sau khi mua ở đây có thể được trả và lấy lại tiền mà không cần phải giải thích lý do. Vì vậy, nhiều người khi chuẩn bị tham dự một sự kiện nào đó, liền đến “mua” một bộ quần áo, sau khi tham dự sự kiện xong rồi, lập tức mang trả lại quần áo để lấy tiền về.

    Hệ thống bán hàng ở Hoa Kỳ còn có một chính sách đáng chú ý, gọi là Price Match. Với chính sách này, nếu bạn mua một sản phẩm sau đó chứng minh được sản phẩm này bán giá rẻ hơn giá tại cửa hàng nào khác, thì có thể được mua sản phẩm với mức giá tương đương mức giá mà bạn tìm thấy. Do vậy, có một số người “thông minh”, khi đi mua hàng với giá đắt hơn những nơi khác, họ không hề mặc cả, mà lại chọn những màu sắc hay kích cỡ (mà ở các cửa hàng khác không có), sau đó khi tìm được cửa hàng nào có mức giá rẻ hơn thì sẽ mang hóa đơn quay lại nơi mua hàng để được giảm giá.

    Những người Trung Quốc hay Việt Nam tự cho là “thông minh” như vậy thường rất tự đắc, khi trò chuyện trong cộng đồng của mình thì thường đặt câu hỏi sao những người nước ngoài quá “ngu ngốc”, không biết lợi dụng “kẽ hở” này. Coi việc chiếm tiện nghi của người ta là “thông minh”, là có “năng lực”…

    Sau một thời gian chứng kiến và suy nghĩ về tâm lý người Trung Quốc khi ra nước ngoài, vị tác giả người Hoa trong bài viết trên kênh truyền thông New Zealand đã chỉ ra rằng “thông minh kiểu Trung Quốc” chính là không màng trắng đen hay thị phi, không cần biết thật giả hay đúng sai, có sơ hở liền lách vào, có tiện nghi liền chiếm lấy; “Thông minh kiểu Trung Quốc” chính là không màng chính nghĩa hay tà ác, bất cứ lúc nào cũng có thể vì bảo hộ bản thân mình mà làm trái lương tâm; “Thông minh kiểu Trung Quốc” chính là để cho người khác phải phó xuất và gặp nguy hiểm, còn bản thân mình những gì mười phần có lợi sẽ giành lấy hết; Kỳ thực, “thông minh kiểu Trung Quốc” chính là không nói đến thành tín, ức hiếp người thiện lương, chính là các giá trị đều đã đảo lộn, không xét đến quy tắc…

    Trong một xã hội chính thường, không bị ảnh hưởng bởi triết học đấu tranh và hệ tư tưởng tẩy não, điều người dân bình thường quan tâm lớn nhất chính là sự thành tín. Về cơ bản con người đều coi trọng chữ tín bởi vì họ hiểu được rằng giữ chữ tín là nền tảng để một xã hội sống an bình, để người thủ tín có chỗ đứng trong xã hội. Cơ chế trả lại hàng vô điều kiện ở Mỹ và những quy định đầy lỗ hổng ở Nhật, đều được xây dựng trên cơ sở “tín nhiệm”. Nếu sự “tín nhiệm” sụp đổ, thì xã hội cũng sẽ có thể sụp đổ. Do đó, ở xã hội Tây phương, người ta có thể tha thứ cho các chính trị gia làm sai, nhưng không thể tha thứ cho những chính trị gia nói dối.

    Nhưng ở Trung Quốc thì sao? Sau mỗi cuộc vận động, con người lại học được cách bớt “tín nhiệm”, biết nói dối và tăng cường tranh đấu mạnh hơn. Muốn tồn tại thì người ta phải học cách vứt bỏ nhân tính, gia cường “Đảng tính”. Khi nhìn nhận người khác thì phải ép bản thân nhìn nhận đó là “đồng chí” hay là “kẻ địch”, đơn giản là hết thảy quan hệ xã hội phân thành quan hệ nhị nguyên đối lập, vượt trên cả quan hệ thân nhân hoặc trên cả quan hệ bằng hữu. Trong khi đấu tranh giai cấp nếu cần thì cha con không nhìn nhau, vợ chồng xem nhau như thù địch, kiểm điểm, phê bình đấu tố, đánh tàn nhẫn người thân yêu của mình được coi là biểu thị tính giai cấp mạnh hơn cả nhân tính, hướng về Đảng biểu thị sự trung thành phụng hiến. Về cơ bản, những ai càng bất cận nhân tình thì sẽ càng leo cao trong hệ thống xã hội.

    Cũng bởi vì xã hội Trung Quốc vận hành như vậy, nên “giả đổi thành thật, thật cũng giả”, mỗi người đều hư hư thực thực, toàn xã hội vận hành trên cơ sở “hoài nghi”. Tư duy ảnh hưởng đến hành vi, mà hành vi của mỗi cá nhân sẽ ảnh hưởng rộng ra đến dịch vụ kinh doanh và vận hành xã hội. Do đó Trung Quốc tràn ngập hàng giả, nổi tiếng với hàng nhái, trên thị trường quốc tế cũng tạo thành tiếng xấu “Made in China”.

    Một người Hoa suy ngẫm về cái sự “thông minh” của người Trung Quốc thế này:

    “Khi đi tàu điện ngầm tại Rome, bạn sẽ phát hiện rằng có máy bán vé nhưng không có soát vé. Chắc hẳn bạn sẽ thấy lạ lắm phải không? Làm thế này làm sao kiểm soát được xem hành khách lên tàu có mua vé hay không? Vận hành tàu điện ngầm thế này chẳng phải sớm muộn gì cũng bị lỗ hay sao? Đây chính là cách nghĩ quen thuộc của chúng ta, luôn liên tưởng mọi chuyện theo kiểu khôn vặt hoặc vì tham lợi nhỏ cho bản thân mình. Đối với người Ý mà nói, nếu chúng ta hỏi câu hỏi này thì thật kỳ lạ. Đi xe có thể không mua vé chăng? Đi xe làm sao có thể không mua vé cho được? Cách nghĩ, cách tư duy của hai bên quả có sự khác biệt lớn.”

    Kỳ thực xã hội Việt Nam hay Trung Hoa trong quá khứ đều đã từng xuất hiện cảnh “trăm họ an cư lạc nghiệp, đồ vật đánh rơi trên đường không ai nhặt lấy, đêm ngủ không cần phải khóa cửa”. Thậm chí nếu hỏi các cụ già lớn tuổi ở thành phố hiện nay, thì chuyện không cài then cửa đã từng là chuyện bình thường của 80-90 năm về trước. Điều gì đã làm xã hội chúng ta thay đổi đến mức như vậy?

    Xây dựng sự thành tín trong xã hội ngày nay là không dễ, nhưng điều này lại thực sự quan trọng. Mức độ tín nhiệm lẫn nhau càng cao thì quản lý sẽ càng nới lỏng hơn. Nếu như đi đúng đường, thì sẽ không sợ phải đi xa vậy.

    Theo Trithucvn

  • Nhiều ý cho rằng thói hoang phí, sĩ diện không chỉ xuất hiện ở giới trẻ mà còn có ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nhà báo Trương Anh Ngọc - người từng có nhiều thời gian sống và làm việc ở nước ngoài đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này. 

    nguoi viet si dien
    Nhà báo Trương Anh Ngọc

    Theo nhà báo Trương Anh Ngọc, một số người Việt có tư tưởng nhìn bề ngoài để cư xử.

    Họ thấy người có vẻ ngoài sang trọng, đi xe đẹp, ăn mặc sành điệu thì có thái độ niềm nở, tôn trọng. Nhân viên bán hàng săn đón nhiệt tình. Ngược lại, người có bề ngoài không bóng bẩy, không ăn mặc lịch sự thường bị đánh giá là thấp kém. Khi ra ngoài, họ hay bị phân biệt đối xử.

    Tức là, người ta nhìn bề ngoài để đánh giá năng lực, trình độ của một người. Đây là tư tưởng sai lầm. Thực tế, bề ngoài không bao giờ đánh giá đúng được bản chất của một con người.

    “Tôi là trường hợp điển hình, bình thường tôi ăn mặc bụi bặm, quần bò rách và để tóc dài. Nếu ai không biết, họ sẽ nghĩ: “Ôi ông này luộm thuộm thế? Chắc cũng vớ vẩn thôi”.

    Một vài lần tôi cũng nhận được thái độ “kỳ thị” vì tư tưởng nhìn bề ngoài để cư xử như vậy”, nhà báo Trương Anh Ngọc nói. Anh nêu quan điểm, trong xã hội trọng giá trị hình thức, thích giá trị ảo và trọng đồng tiền, hình dáng bên ngoài dễ tạo ra ấn tượng ban đầu.

    Theo anh, việc lấy hình thức để tạo ra giá trị bản thân không có gì là xấu. Tuy nhiên, nếu theo đuổi những giá trị đó quá mức, người ta sẽ đánh mất bản thân mình. Từ đó, cổ súy cho lối sống ảo, lối sống vật chất. Các giá trị tốt đẹp cũng dần mai một.

    Thực tế có nhiều bạn trẻ mua xe cộ, đồ công nghệ… không phải bằng tiền mồi hôi, công sức mình làm ra. Họ tìm nhiều cách để thỏa mãn nhu cầu cá nhân trong một khoảng thời gian mà không cần nghĩ đến tương lai ra sao.

    Đó là vay mượn, là sống vội, sống gấp và làm nhiều điều trái đạo đức để kiếm tiền không chính đáng. Những giá trị đó sẽ không lâu bền. Trước sau con người thực sự của họ cũng bị bóc trần.

    Sống ảo, sĩ diện không phải câu chuyện của giới trẻ mà còn là câu chuyện ở các lứa tuổi khác. Đặc biệt khi mạng xã hội phát triển như Facebook, Instagram… người ta càng thích thể hiện hình ảnh của mình qua các trang cá nhân này, biến nó thành cuộc đua, khoe khoang…

    Người ta làm tất cả để đi theo những giá trị phù phiếm và thích nhận những lời khen hơn là lắng nghe những lời phê phán, góp ý. Khi cuộc sống không như họ mong muốn, những người này thường rơi vào trạng thái tiêu cực và khó thoát ra.

    Nhà báo Anh Ngọc khẳng định, những người không quan tâm đến giá trị ảo, không bị ảnh hưởng bởi các xu hướng bên ngoài hoặc không khoe khoang, sĩ diện thường có cuộc sống thoải mái, vui vẻ hơn.

    “Thay vì khoe nhà, ô tô sang, thân hình đẹp hay thành tích… mọi người dành thời gian quan tâm đến giá trị sống, vun đắp tâm hồn như vợ chồng cùng con khám phá điều gì mới mẻ; tham gia các dự án từ thiện… Bớt sống ảo, bớt sĩ diện sẽ có hạnh phúc bền lâu”, nhà báo Trương Anh Ngọc nói thêm.

    Bên cạnh lối sống ảo, sĩ diện, nhà báo Trương Anh Ngọc nhận định, lối sống hoang phí cũng là tình trạng ăn sâu vào máu nhiều người Việt.

    Có 3 trường hợp điển hình của việc sống hoang phí ở người Việt hiện nay:

    - Lãng phí thực phẩm: Đến nhà hàng gọi đồ ăn thừa mứa, ăn không hết đổ đi. Trong khi các nước văn minh, họ chỉ gọi đủ ăn và không bao giờ để thừa. Nếu ăn không hết, họ sẵn sàng mang về nhà.

    - Mua đồ không phù hợp nhu cầu sử dụng: Mua hàng hiệu đắt tiền. Lương tháng chưa đến 10 triệu/tháng nhưng nhiều người sẵn sàng vay trả góp mua cái túi xịn. Nhiều người lại cố mua điện thoại đắt tiền, giá cả chục triệu đồng trong khi bản thân chỉ dùng chức năng nghe/gọi là chủ yếu…

    - Tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt: Bất cứ dịp nào, người Việt cũng tụ tập ăn uống: Lên lương, sinh nhật, ngày kỷ niệm… Những bữa nhậu triền miên, quanh năm kéo theo sự tốn kém, lãng phí quá mức. Nhiều người thu nhập bình thường nhưng một tháng 30 ngày lê la quán bia, tụ tập hát hò…

    “Người lớn quen sống hoang phí, con trẻ cũng dễ học theo. Nếu không thay đổi, sẽ tác động xấu đến không chỉ một mà còn nhiều thế hệ kế tiếp”, nhà báo Trương Anh Ngọc nói.

    Anh chia sẻ thêm, hiện con gái anh du học bên Anh. Gia đình anh thường dạy con, không nên so sánh mình với người khác.

    Bạn kia có Ipad, con không có cũng không sao. Con càng không được so sánh về nhà cửa, tài sản, tính cách, gia thế….

    Khi không có tư tưởng so sánh, đứa trẻ không có khái niệm phải bằng mọi giá được như bạn, không chạy đua theo lối sống ảo.

    Vợ chồng anh Trương Anh Ngọc đặc biệt chú trọng dạy con về việc chi tiêu. “Vợ chồng tôi không bao giờ chu cấp cho con quá nhiều tiền. Nếu thường xuyên cho con một khoản tiền lớn, con sẽ không đánh giá đúng được giá trị đồng tiền bố mẹ làm ra.

    Các bậc cha mẹ nên cung cấp cho con vừa đủ, không thừa và cũng không thiếu. Mỗi năm, cháu tự giành học bổng của trường để giảm bớt một phần chi phí cho bố mẹ”, anh nói.

    Nhà báo Trương Anh Ngọc kể, mỗi tháng anh chỉ gửi cho con một khoản tiền cho các việc thiết yếu. Con phải lập kế hoạch chi tiêu sao cho hợp lý. Nhu cầu thì nhiều nhưng cái gì cần mới mua.

    Anh cho biết thêm, ngay từ nhỏ, con gái anh được mẹ dạy cách định khoản chi tiêu. Với một số tiền cụ thể, phải chi làm sao để không bị thiếu mà vẫn thoải mái.

    “Đó là bài toán kinh tế vỡ lòng cho con. Tôi nghĩ gia đình nào cũng nên trang bị cho con mình, nó thực sự hữu ích. Sang năm khi con vào đại học, tôi sẽ khuyến khích con đi làm thêm”, anh nhấn mạnh.

    Theo anh, việc sinh viên đi làm thêm để lo chi tiêu cho bản thân không có gì xa lạ.

    “Ngày tôi còn ở bên Pháp, tôi gặp nhiều sinh viên Việt Nam đi chạy bàn. Công việc vất vả, lương của họ so với thu nhập người bản địa là thấp nhưng họ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, tăng khả năng giao tiếp tốt hơn.

    Sinh viên đi làm sẽ được va vấp với cuộc sống, hiểu được giá trị đồng tiền, định hướng tư duy và tính cách”, anh cho hay.

    Theo Vietnamnet

  • Mới đây, trên mạng xuất hiện đoạn clip về cuộc hội thoại của một người phụ nữ với 2 anh Tây tại quán ăn khiến dân mạng không ngừng xôn xao.

    Chẳng là, khi 2 anh này đang mua đồ ăn và đồ uống tại quán, một người phụ nữ ngồi đằng sau (có lẽ nghĩ rằng 2 anh không hiểu tiếng Việt) nên đã buông những lời lẽ không hay, nói với giọng rất to khiến những người trong quán đều có thế ngay thấy được. 

    Thế nhưng đúng là "ôi con sông quê", 2 anh Tây không những hiểu tiếng Việt mà còn nói tiếng Việt rất rõ ràng. Ngay sau đó, màn đáp trả khiến dân mạng vô cùng hả lòng.

    trai tay hieu tieng viet
    Giữa quán ăn, người phụ nữ buông lời xúc phạm 2 anh Tây nhưng không ngờ họ hiểu tiếng Việt, màn đáp trả khiến dân mạng hả lòng

    Có thể thấy, người phụ nữ lớn tiếng nói với nội dung rằng 2 anh Tây này đi lung tung như vậy, lây Covid-19 làm chết người ta thì sao. Thái độ có phần kì thị này không chỉ khiến 2 anh khó chịu mà người xem cũng vô cùng bức xúc.

    Ngay sau đó, 1 trong số 2 anh Tây quay lại hỏi chị có chuyện gì thế, đồng thời giải thích rằng 2 anh đã sống ở Việt Nam suốt 3 năm nay rồi nên đừng lo vấn đề đó. Điều đó khiến chị gái vô cùng ngạc nhiên, không ngờ màn nói chuyện xúc phạm của mình đã bị người ta hiểu hết.

    Dù khá bức xúc nhưng anh Tây cũng chỉ đáp trả bằng một câu với thái độ rất nhẹ nhàng: "Ngại chưa?" khiến dân mạng vô cùng hả hê.

    Vẫn xin nhắc lại rằng, chúng ta vẫn luôn cần có tinh thần phòng chống bệnh dịch. Thế nhưng, việc cần làm là thực hiện các quy định của nhà nước, thực hiện 5K để ngăn ngừa lây lan Covid-19, chứ tuyệt nhiên không có việc đi xúc phạm và kì thị người khác như vậy. Thế nên, trong bất kì tình huống nào, hãy hành xử văn minh, phòng dịch theo cách thật văn minh bạn nhé!

    Theo Soha

  • Số vụ bắt cóc, giam giữ người Việt ở Nhật để đòi nợ hoặc tiền chuộc từ người thân ở Việt Nam tăng nhanh trong thời kỳ Covid-19.

    Giới chức Nhật Bản cho hay nhiều thực tập sinh Việt Nam gặp khó khăn tài chính sau khi tới nước này vì Covid-19 có liên quan đến những vụ án trên. Vì mất việc, họ sa vào các hoạt động cờ bạc do người Việt tổ chức và phải vay nợ đồng hương.

    Hồi tháng 5, cảnh sát tỉnh Aichi tìm thấy 6 người đàn ông Việt Nam bị xích chân vào nhau trong một căn hộ ở Ichinomya. Họ đều khai là đang mắc nợ, một số phải gọi điện về nước nhờ người thân trả tiền thay.

    Một người đã vay 900.000 yên (7.900 USD) từ một người được cho là kẻ đứng đầu đường dây. Cảnh sát đã bắt 8 người Việt liên quan tới vụ này. Hôm 12/10, tòa án Nagoya kết luận ba bị cáo trong số đó phạm tội giam giữ người trái phép và các tội danh khác.

    nguoi viet sa bay co bac
    Cảnh sát tỉnh Saitama trò chuyện với sinh viên Việt Nam tại trường dạy nghề Urawa ở Saitama về hành vi cờ bạc trái phép ngày 25/2. Ảnh: Mainichi

    Nhiều vụ tương tự được ghi nhận khắp Nhật Bản. Từ tháng 1 tới tháng 9, ít nhất 42 người Việt Nam bị bắt vì tình nghi bắt cóc đồng hương để đòi tiền chuộc hoặc đòi nợ. Theo Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, không người Việt nào bị bắt vì những tội này trong giai đoạn 2009-2019. Hoạt động lừa đồng hương vào bẫy cờ bạc của người Việt chỉ xuất hiện từ năm 2020, khi Covid-19 bùng phát, với 10 người bị bắt.

    Một người Việt 28 tuổi sang Nhật làm thực tập sinh kỹ thuật đã mắc nợ 600.000 yên (5.200 USD) vì cờ bạc. Anh bị giam vài tiếng trong căn hộ ở tỉnh Aichi mùa hè 2020, sau khi nhóm chủ nợ cho rằng anh sẽ quỵt nợ và bỏ trốn. Thực tập sinh này sau đó được cảnh sát Nhật phát hiện và phải trở về nước.

    Hồi tháng 1, 6 người Việt bị cảnh sát tỉnh Shizuoka bắt vì cáo buộc bắt cóc một thực tập sinh người Việt và đòi 2,5 triệu yên (22.000 USD) tiền chuộc. Hồi tháng 6, nhóm 12 người Việt bị bắt ở Hiroshma với cáo buộc giam và tống tiền một người Việt 310.000 yên (2.700 USD).

    "Có nhiều trường hợp người nước ngoài sa vào cờ bạc vì cảm thấy không thể hồi hương nếu không đem về được một khoản tiền lớn, từ đó chìm vào nợ nần", theo Yoshihisa Saito, phó giáo sư Đại học Kobe, chuyên gia về luật lao động và các mối quan hệ lao động đặc biệt ở Việt Nam, nói.

    "Cần phải có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho những người Việt bị thất nghiệp hoặc mất chỗ ở tại Nhật Bản do đại dịch", Saito nói.

    Theo VnExpress

  • Vào hôm 2/10/2021, trên group WTF - Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Phần Lan, quản trị viên đã chia sẻ link vụ tờ báo Helsingin Sanomat bóc phốt startup Việt nổi tiếng Rens Original. Công ty này được cho là lợi dụng nhu cầu gia hạn visa của người Việt để chèn ép họ thực tập không lương, bắt thử việc tới 6 tháng, lương rất thấp không đủ trả tiền thuê nhà...

    Rens Original từng được Forbes vinh danh

    Năm 2020, cả cõi mạng Việt không khỏi xôn xao và ngưỡng mộ khi Jesse Khánh Trần và Sơn Chu - 2 chàng trai Việt Nam xuất hiện trong danh sách 30 Under 30 năm 2020 của Forbes châu Âu. Cả hai đều từng là du học sinh Phần Lan, cùng nhau thành lập nên Rens Original - dự án startup với những đôi giày làm từ bã cà phê và thu về nửa triệu đô la tiền đầu tư trên Kickstarter. Con số này đã giúp Rens Original trở thành hiện tượng gọi vốn cộng đồng ngành thời trang thành công nhất Bắc Âu.

    rens original 1
    Jesse Khánh Trần (trái) và Sơn Chu (phải) và đôi giày được làm từ bã cà phê.

    Từ 3 kho hàng ở Hồng Kông, Đức và Mỹ (Khi mới thành lập chỉ có 1 kho ở Hồng Kông), các sản phẩm của Rens được bán đến hơn 100 quốc gia trên thế giới. Thị trường lớn nhất là Mỹ, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Úc, Canada, Singapore…Việt Nam nằm trong top 10 thị trường bán chạy nhất. Khách hàng chủ yếu là những người trẻ, quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.

    Bị tố hủy ngang hợp đồng làm việc, bóc lột và chèn ép nhân viên Việt tại Phần Lan

    Vào tháng 5/2021, tài khoản T.N đăng tải bài viết trên LinkedIn tố một công ty hủy ngang hợp đồng làm việc, bóc lột và chèn ép nhân viên Việt tại Phần Lan. Dù không nhắc đích danh Rens Original trong bài tố của mình nhưng dư luận đã nhanh chóng lần ra công ty bị anh cho là "làm việc thiếu chuyên nghiệp, dồn người khác vào bước đường cùng".

    Tạm dịch bài đăng của T.N:

    Đã 1 tuần trôi qua kể từ thời điểm tôi nhận được thư huỷ hợp đồng làm việc với rất nhiều sự bất ngờ và thất vọng. Tôi biết rằng nếu tiếp tục im lặng thì sẽ không bảo vệ được bản thân nên đành phải lên tiếng về sự việc đáng tiếc trong công việc đầu tiên mà tôi từng mong đợi.

    Sau 3 vòng phỏng vấn, ngày 12/4, tôi đã rất vui khi nhận được lời mời làm việc ở vị trí trợ lý vận hành, công việc bắt đầu từ ngày 26/4. Tôi được yêu cầu chuyển đến Helsinki (thủ đô của Phần Lan) để làm việc tại văn phòng với tư cách nhân viên chính thức.

    Khi cân nhắc kỹ càng, tôi đã chấp nhận lời đề nghị. Thế nhưng bất chấp mọi lời hứa trước đó, sau 6 ngày chờ đợi tiếp theo, tôi nhận được thư huỷ hợp đồng làm việc từ công ty và điều này xảy ra chỉ 4 ngày trước khi công việc chính thức bắt đầu. Nó như một cú sốc vì đã tin tưởng họ và chuẩn bị hết mọi thứ để chuyển từ Tampere (nơi ở trước đó của T.N) đến Helsinki. Tôi đã hủy hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ lưu trú, rời bỏ công việc hiện tại - nguồn thu nhập chính của tôi, thu dọn đồ đạc và đặt vé đến Helsinki.

    Hiện tại tôi không còn cách nào khác, ngoài việc bám vào kế hoạch ban đầu. Tôi sẽ chuyển đến Helsinki vào ngày mai và có rất ít hy vọng tìm được việc làm mùa hè vì hầu hết các vị trí mùa hè ở Phần Lan đã được tuyển dụng trong quý đầu tiên. Quyết định của họ đã đẩy tôi vào chân tường".

    rens original 2
    Nguyên văn bài đăng của T.N ở LinkedIn

    Hàng loạt người Việt tố cáo Rens, báo chí Phần Lan vạch trần trong một báo cáo dài 9 trang

    Mới đây vào cuối tháng 9/2021, tờ báo Helsingin Sanomat có đăng báo cáo dài với tiêu đề "Thất nghiệp với vài trăm euro". Mở đầu như sau:

    Linh, người VN 26 tuổi, đã tốt nghiệp chương trình kinh doanh quốc tế tại một trường bách khoa Phần Lan vào mùa xuân năm 2019. Đó là lý do tại sao anh ấy đồng ý khi công ty khởi nghiệp ở Helsinki đề nghị cho anh ấy một công việc với mức lương hàng tháng là 500 euro. Linh làm việc toàn thời gian cho công ty Rens, nhưng để tồn tại với mức lương € 500 hàng tháng, Linh phải làm việc theo ca ở các nhà hàng vào buổi tối và cuối tuần.

    Sau một tháng, lương của Linh tăng lên 1.300 euro một tháng. Con số này cũng thấp hơn hàng trăm euro so với mức lương thấp nhất trong các thỏa thuận tập thể có tính ràng buộc chung áp dụng cho công ty. 

    Nơi làm việc là công ty khởi nghiệp Rens Original có trụ sở tại Helsinki, chuyên sản xuất giày thể thao từ nhựa tái chế và cà phê, cùng nhiều thứ khác. 

    HS Vision đã phỏng vấn Linh và 9 cựu nhân viên khác của công ty có nguồn gốc nước ngoài, những người luôn báo cáo Rens Original về việc trả lương thấp, thử việc, làm thêm giờ không công và bóc lột lao động nước ngoài dễ bị tổn thương. Các tài liệu chúng tôi thấy cũng được xác nhận bởi các câu chuyện. 

    Theo các chuyên gia về luật lao động và sức khỏe nghề nghiệp và an toàn được phỏng vấn bởi HS Vision, hành động của Rens Original làm dấy lên nghi ngờ mạnh mẽ về tội phân biệt đối xử trong việc làm hoặc thậm chí hình thức nghiêm trọng hơn của nó là phân biệt đối xử trong điều kiện làm việc bị bóc lột.

    rens origianl 2
    Một quảng cáo của Rens

    [Sinh viên Việt] đặc biệt khó xin việc nếu không có kỹ năng ngôn ngữ và không có mạng lưới quen biết. Do đó, họ sẵn sàng giành giật bất cứ thứ gì. Điều này khiến vị trí của họ dễ bị tổn thương.

    “Chúng tôi, những người Việt Nam mới tốt nghiệp không đủ dũng cảm để tự vệ. Chúng tôi luôn cúi gằm mặt và cố gắng làm ra vẻ như chúng tôi may mắn có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào khác ngoài nhà bếp. Có rất nhiều sinh viên quốc tế ở Phần Lan gặp khó khăn khi xin việc vì rào cản ngôn ngữ. Họ nhảy đến những nơi như Rens.” Linh nói.

    Rens có xu hướng yêu cầu nhân viên làm việc tháng đầu tiên mà không có thù lao. Kể từ đó, mức lương thường là 700 € cho ba tháng. Ngoài Linh, vẫn có những người khác ban đầu làm việc thậm chí còn rẻ hơn, chỉ 500 € một tháng và thậm chí trong vài tháng. Chỉ khi đó, mức lương của công ty mới có thể tăng lên 1.200-1.600 EUR mỗi tháng cho công việc toàn thời gian.

    Tại Rens Original, hầu hết nhân viên không gắn bó lâu dài. Một số đã bị chấm dứt thời gian thử việc chỉ sau 1 đến 3 tháng, và một nhân viên mới - rẻ và trẻ sẽ nhanh chóng được thuê để thay thế họ. Nhiều người nghỉ việc ngay trước khi kết thúc thời gian thử việc sáu tháng. Chi tiết này nói về một hoạt động có hệ thống, trong đó công ty thực sự được điều hành phần lớn bởi một nhóm công nhân bán thời gian chi phí thấp.

    Công ty đã yêu cầu tất cả những người được phỏng vấn tiếp tục làm thêm giờ không lương. Ngoài tuần làm việc bình thường, một số người cũng đã làm việc thường xuyên vào thứ Bảy mà không được nghỉ bù. Theo những người được phỏng vấn, họ phải có mặt mọi lúc, các tin nhắn và yêu cầu công việc thường đến ngoài giờ làm việc.

    Làm việc tại Rens cũng không thể gia hạn visa

    Sau vụ tố cáo của T.N, CEO Rens - Jesse Khánh Trần đã đăng tải video xin lỗi T.N trên tài khoản YouTube cá nhân nhưng lại đặt chế độ không công khai và tắt tính năng bình luận. Trong đó, anh này có nói rằng: "...phần lớn các vị trí thực tập cho sinh viên hoặc người mới ra trường hiện nay ở Phần Lan là thực tập không lương" và "chúng tôi quyết định tăng mức lương khởi điểm cho thực tập sinh tại Rens vượt qua mức lương được yêu cầu bởi Cục Quản lý Di trú Phần Lan. Từ đó, thực tập sinh tại Rens hoàn toàn có thể sử dụng hợp đồng thực tập để xin và gia hạn thị thực cư trú ở nước sở tại".

    rens origianl 2
    Hai CEO của Rens

    Lời giải thích từ phía Rens tiếp tục vấp phải những phản đối từ phía các du học sinh Việt tại Phần Lan. Một nữ sinh tên H.Đ làm rõ khái niệm “thực tập sinh” tại quốc gia này: “Tại Phần Lan, thực tập không lương chỉ được phép diễn ra nếu nó nằm trong study module (chương trình học) và chịu trách nhiệm quản lý của nhà trường. Nếu không, mọi hình thức thực tập không lương là bất hợp pháp.

    Bạn T.N khi nộp đơn vào Rens là nộp vị trí toàn thời gian, tuy nhiên, phía công ty Rens yêu cầu thử việc 6 tháng, tách hợp đồng thử việc 6 tháng này ra hai kỳ, với kỳ đầu với chức danh là "...Intern" và trả mức lương 700€/tháng. Dựa vào chữ "Intern" đó, phía công ty cho rằng mức lương 700€/tháng là cao bởi hầu hết các công ty khi có chương trình thực tập đều không trả lương. Điều này là sai hoàn toàn, bởi hoặc là đi thực tập không lương hẳn, chịu sự quản lý của nhà trường (nhà trường sẽ chịu trách nhiệm nếu có rủi ro và có đóng bảo hiểm cho sinh viên), hoặc thực tập có lương theo tiêu chuẩn. Mức lương 700€/tháng tại Helsinki là thấp, bởi riêng tiền nhà cũng đã rơi vào tầm đó”.

    H.Đ cho biết với mức lương tầm 700€/tháng trước thuế thì chỉ đủ làm visa "tìm kiếm công việc" (job-seeking visa), với yêu cầu từ phía Migri (Cục quản lý di trú Phần Lan) là có thu nhập tầm 560€/tháng - tương đương với visa sinh viên. Còn để làm lại visa theo diện đi làm, người lao động cần lương tối thiểu sau thuế là 1.252€/tháng.

    Về lẽ thường, nếu làm cho Rens khi sắp tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp, thì mức lương Rens đưa ra không đủ để làm lại visa đi làm. Visa job-seeking chỉ là sự tạm thời, hết thời hạn không tìm được việc sẽ về nước”, du học sinh H.Đ nhận định.

    "CEO Rens - Jesse Khánh Trần THI THOẢNG CỐ GẮNG TRUYỀN TẢI THÔNG ĐIỆP RẰNG: 'BẠN CỐ GẮNG LÀM VIỆC CHĂM CHỈ HƠN THÌ CTY SẼ HỖ TRỢ BẠN LÀM VISA LÂU DÀI HƠN NHÉ'. RÕ RÀNG ANH TA BIẾT RẤT RÕ ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐĂNG KÍ VISA ĐI LÀM CỦA MIGRI (CỤC XUẤT NHẬP CẢNH) VÀ ANH TA ĐÃ LỢI DỤNG ĐIỀU ĐÓ"

    Khi tổng lương của Linh sau đó được nâng lên 1.300 euro và lẽ ra chỉ đủ để có giấy phép lao động, Linh vẫn rất lo lắng. Trong một cuộc họp với Migri để xin giấy phép lao động, một đại diện của Migri đã nhận xét rằng mức lương thấp. Do đó, Linh đã nộp đơn xin tăng lương lên 1 600 EUR, yêu cầu giấy phép lao động.

    Ban đầu, vị CEO này bằng miệng hứa tăng lương, nhưng sau đó đã rút lại ý định. Bản thân Linh đã quyết định chấm dứt hợp đồng thử việc sau bốn tháng. Sau đó, Linh lại làm bồi bàn một thời gian. Mùa hè năm ngoái, anh trở về Việt Nam khi giấy phép cư trú hết hạn.

    Jesse Tran phủ nhận việc bất kỳ ai trong công ty bị phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch, lý lịch hoặc kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau khi bài báo về công ty này được đăng trên group WTF - Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Phần Lan, rất nhiều người từng làm việc tại Rens đã đồng tình với nội dung bài báo. 

    Đọc nguyên văn bản dịch tiếng Việt https://docs.google.com/document/d/1DWw4tePEhxJmdcqOiDxkX80-10kKRf1IrUzlZBf_pdQ/edit

    Link bài báo tiếng Phần Lan https://www.hs.fi/visio/art-2000008294555.html?fbclid=IwAR3a23XMeve3e2uFXI86uD9KPUsMkvOxXEbuVjrdFFRHCDB-wAu2LtjjrCE

    Bản dịch tiếng Anh https://docs.google.com/document/d/1sdrsnw8ehLWqoM9DjcceiB-TshqkbSjXv08VUXRxTgY/edit

    Viethome tổng hợp

  • Các đặc vụ đã bắt giữ Doan V. Nguyen, 54 tuổi, vì tội trộm bẫy cua, phá hủy bẫy cua hoặc tháo đồ đạc, và tàng trữ bất hợp pháp những thứ trộm được.

    trom bay cua

    Một cơ quan Thực thi Nghề cá và Động vật Hoang dã Louisiana đã bắt giữ một người đàn ông gốc Việt vì bị cáo buộc vi phạm việc đánh bắt cua ở Plaquemines Parish vào ngày 12 tháng Ba.

    Các đặc vụ đã bắt giữ Doan V. Nguyen, 54 tuổi, vì tội trộm bẫy cua, phá hủy bẫy cua hoặc tháo đồ đạc, và tàng trữ bất hợp pháp những thứ trộm được. Nguyen được đưa vào nhà tù Belle Chasse ở Plaquemines Parish.

    Các nhân viên của LDWF nhận được thông tin rằng Nguyen đã đánh cắp rất nhiều bẫy cua và giữ chúng tại nơi ở của anh ta ở Buras. Các đặc vụ nhận được lệnh khám xét tài sản và trong quá trình khám xét, họ đã tìm thấy rất nhiều bẫy cua thuộc về người khiếu nại ban đầu.

    Các nhân viên cũng phát hiện ra những chiếc bẫy của 18 ngư dân khác và đã giữ 60 cái bẫy từ Nguyen.

    Mỗi vụ đánh cắp bẫy cua và phá hủy bẫy cua sẽ bị phạt từ 400 đến 950 đô la và lên đến 120 ngày tù. Kẻ trộm cua cũng bị tước bằng lái một năm kể từ ngày bị kết án. Tàng trữ bất hợp pháp những thứ ăn cắp có thể bị phạt tới $ 3,000 và năm năm tù.

    Theo Baocalitoday

  • “Tôi đã sinh 2 đứa bé và đặt bọn chúng trong một thùng bìa cứng", nữ thực tập sinh Việt ở Nhật khai.

    Theo trang NHK đưa tin ngày 20/11, một nữ thực tập sinh Việt Nam ở Nhật Bản đã bị bắt vì tình nghi vứt bỏ thi thể của 2 bé sinh đôi. Cụ thể, nghi phạm là Lê Thị Thùy Linh (21 tuổi) sống tại Taura, thị trấn Ashikita, tỉnh Kumamoto.

    Cảnh sát cho biết, vào ngày 16/11, họ nhận được tin báo từ một bệnh viện ở thành phố Yashiro (thuộc tỉnh Kumamoto) nói rằng họ thấy một một nữ thực tập sinh Việt Nam sau khi sinh con ở bệnh viện đã đặt những đứa trẻ vào một thùng bìa cứng. 

    Sau khi nhận được tin báo, cảnh sát ngay lập tức tìm đến nhà của Linh để điều tra. Họ tìm thấy hai bé sinh đôi được quấn bằng vải, đặt trong thùng bìa cứng trong phòng Linh. Tuy nhiên, hai đứa trẻ đều đã chết.

    Theo thông tin từ cảnh sát, hai đứa trẻ đã được cắt dây rốn, không có chấn thương nào trên cơ thể. Linh bị cảnh sát áp giải về đồn để tiến hành điều tra vụ việc. 

    Tại đây, Linh thú nhận: “Tôi đã sinh 2 đứa bé và đặt bọn chúng trong một thùng bìa cứng". 

    Được biết, Linh đang làm thực tập sinh tại một công ty nông nghiệp từ tháng 9/2018. Hiện chưa rõ nguyên nhân cái chết của cặp song sinh, cảnh sát sẽ tiếp tục điều tra vụ việc. 

    Thực tập sinh Việt Nam ở Nhật bị bắt vì sinh con xong rồi chôn sống trong vườn

    "Tôi đã sinh con vào ngày 11/11 ngay tại nhà. Tôi không biết phải làm gì nên đã chôn đứa trẻ đi”, thực tập sinh nói.

    Mặc dù đã trải qua 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau nhưng một số người vẫn nhẫn tâm vứt bỏ đứa con mình dứt ruột đẻ ra không thương tiếc. 

    Mới đây, truyền thông Nhật Bản đưa tin về vụ bỏ rơi trẻ sơ sinh thành phố Higashi Hiroshima và nghi phạm là một nữ thực tập sinh người Việt Nam tên là Sương Thị Bột (26 tuổi). 

    sinh con roi bo con 1
    Hiện trường tìm thấy thi thể đứa trẻ sơ sinh bị nữ thực tập sinh người Việt chôn sống. 

    Theo đó, vào chiều 12/11, cơ quan chức năng nhận được thông tin một người phụ nữ đã chôn sống đứa con mà cô ta sinh ra ở Shiwa Nishi, thị trấn Shiwa ngay trong vườn nhà. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã cử người tới hiện trường điều tra và làm rõ vụ việc.

    Kết quả, vào khoảng 14h30 chiều cùng ngày, cảnh sát tìm thấy thi thể một bé gái sơ sinh được được chôn cất trong vườn. Cơ quan chức năng cho biết, thi thể đứa trẻ được đặt trong bìa cứng và túi ni lông trước khi chôn cất trong vườn nhà. Trên thi thể không có vết thương nào, vẫn còn dây rốn và nhau thai.

    Cảnh sát sau đó nhanh chóng bắt giữ đối tượng Sương Thị Bột để điều tra vụ việc. Tại đồn cảnh sát, Bột khai nhận: “Tôi đã sinh con vào ngày 11/11 ngay tại nhà. Tôi không biết phải làm gì nên đã chôn đứa trẻ đi”.

    Vào ngày 13/11, cảnh sát đã giải phẫu thi thể cháu bé để điều tra nguyên nhân cái chết và thời điểm tử vong. Kết quả cho thấy đứa trẻ tử vong sau vài giờ được sinh ra do bị hạ thân nhiệt. 

    Được biết, Bột thuê nhà riêng và sống cùng một người phụ nữ khác và người này không hề hay biết chuyện cô mang thai. Những người làm việc cùng Bột cũng không biết chuyện cô mang thai.

    Một nhân viên cho biết: “Mọi người đều cảm thấy gần đây Bột béo lên nhưng không ai nghĩ rằng cô ấy đang mang thai. Tại sao cô ấy không nói chuyện này với chúng tôi chứ?”.

    Bạn cùng phòng của Bột cho biết: “Thấy Bột nhợt nhạt, xanh xao, cô đã hỏi xem cô ta có sao không nhưng Bột nói rằng cô không sao, chỉ cảm thấy đói. Cảm thấy điều gì đó không ổn nên tôi đã gặng hỏi và sau đấy Bột thú nhận rằng cô đã sinh con và chôn đứa trẻ trong vườn”. Khi nghe thấy tin này, bạn cùng phòng của Bột ngay lập tức gọi báo cảnh sát.

    Hiện Bột đã bị bắt giữ về tội vứt và tiêu hủy thi thể. Được biết, Bột bắt đầu qua Nhật Bản học và làm việc từ tháng Giêng năm nay. Cô được giao nhiệm vụ thu hoạch rau tại một trang trải của công ty, đi làm 5 ngày/tuần. 

    Nguồn: Saostar

  • Ba cựu thực tập sinh người Việt bị bắt giữ với cáo buộc ăn trộm hàng trăm quả lê do tuyệt vọng vì không còn tiền về nước.

    Ba cựu thực tập sinh người Việt đã bị bắt giữ tại Nhật hôm 2-12 liên quan tới vụ đánh cắp hàng trăm quả lê trị giá khoảng 273.000 yen, tương đương 2.600 USD. Danh tính những người bị bắt giữ không được công bố.

    Báo Asahi Shimbun dẫn thông báo của cảnh sát tỉnh Saitama cho biết những người bị bắt giữ khai rằng họ cần tiền để trả món nợ đã vay mượn để sang Nhật và giờ đây họ tuyệt vọng khi không thể trở về nước do không còn đủ tiền.

    Tổng cộng 742 quả lê đã bị trộm vào tháng 8 và tháng 9 từ một vườn cây ăn quả ở thị trấn Kamikawa, thuộc tỉnh Saitama.

    an trom le 1
    Nhân viên công lực thu thập bằng chứng về vụ trộm lê của ba người Việt tại một căn hộ ở thành phố Isesaki, tỉnh Gunma. Ảnh: ASAHI SHIMBUN

    Cảnh sát Saitama đã lục soát một căn hộ ở thành phố Isesaki, thuộc tỉnh Gunma, vào ngày 2-12 và đã bắt giữ ba người Việt bị tình nghi ở quá hạn visa, vi phạm Luật Kiểm soát Di trú và Tị nạn Nhật Bản.

    Theo các nguồn tin, cảnh sát đã tìm kiếm mối liên hệ giữa khách đến thăm căn hộ nói trên và những cá nhân bỏ rơi xe máy gần nơi những quả lê bị trộm.

    Ngày 4 và 5-9, cảnh sát đã tìm thấy các ba lô đựng 182 quả lê cùng những túi rác mà chính quyền thành phố Isesaki yêu cầu người dân địa phương sử dụng. Chiếc xe bị bỏ rơi có biển số của thành phố Tsukuba, thuộc tỉnh Ibaraki.

    Cảnh sát đã khám xét chiếc xe để tìm bằng chứng và kiểm tra các bài đăng trên mạng xã hội để tìm manh mối. Họ xác định rằng những người thường xuyên lui tới căn hộ ou3 Isesaki đã sử dụng phương tiện này.

    Cảnh sát tỉnh Saitama đã nhận được tin báo về việc trái cây bị mất trộm từ tháng 8. Khoảng 5.500 quả lê trị giá khoảng 1,38 triệu yen đã được báo cáo bị đánh cắp từ Kamikawa và hai thành phố khác.

    Hàng ngàn quả lê và đào cũng được báo cáo là bị đánh cắp từ tỉnh Gunma và Tochigi. Nhiều gia súc, chẳng hạn như heo và gà, cũng đã bị trộm từ các trang trại ở các tỉnh đó.

    Vào tháng 11, một cựu thực tập sinh kỹ thuật 29 tuổi người Việt đã bị bắt và sau đó bị truy tố về tội giết mổ trái phép một con heo tại nhà của anh ta.

    Cảnh sát cũng đã bắt giữ khoảng một chục cựu thực tập sinh kỹ thuật người Việt Nam tại thành phố Ota, thuộc tỉnh Gunma, vì tình nghi họ ở quá hạn visa. Ngôi nhà nơi họ được tìm thấy có liên quan đến vụ trộm gia súc.

    Theo các nguồn tin điều tra, nhiều cựu thực tập sinh đã bị mắc nợ từ 1 triệu yen trở lên do phải trang trải những chi phí cần thiết để đến Nhật. Nhưng nhiều người cuối cùng đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc của họ ở Nhật vì điều kiện quá vất vả và những lý do khác.

    Nguồn: Plo

     

  • Trên kênh youtube của mình, nữ Việt Kiều này đã có nhiều phát ngôn chê bai người Việt, quan trọng hơn là chồng của cô, một người đàn ông Hàn Quốc cũng đồng tình với đều đó.

    Một nữ Việt kiều lấy chồng và sinh sống tại Hàn Quốc tên Nhung (23 tuổi, quê Tuyên Quang) đã gây tranh cãi khi có những phát ngôn được cho là coi thường chính đồng bào mình. Cụ thể, cô và chồng người Hàn Quốc lập ra một kênh youtube có tên Han TV. Trên kênh youtube này, cả hai chủ yếu chia sẻ về các phong tục tập quán của Hàn Quốc và Việt Nam.

    che nguoi viet 1

    Điều này không có gì đáng nói cho đến khi nhiều cư dân mạng phát hiện ra trong một số video được chia sẻ, cô nàng Việt kiều Hàn và chồng có những lời lẽ xem thường người Việt. Cụ thể, cô gái quê Tuyên Quang chia sẻ trong một video rằng phụ nữ Việt Nam đa phần lẳng lơ, tham tiền. Còn con trai Việt Nam thì không được thông mình như trai Hàn.

    "So với trai Việt thì trai Hàn thông minh hơn"

    che nguoi viet 2

    "Theo như mình biết chỉ số thông minh của người Hàn cao hơn người Việt, mình không có ý nói người Việt kém thông minh hay gì cả nhưng thực sự là đàn ông Hàn thông minh thật các bạn ạ. Tất nhiên có nhiều đàn ông Việt thông minh nhưng sang đến Hàn Quốc mình thấy đất nước họ văn minh hơn mình nhiều mọi người ạ", Nhung chia sẻ trong video.

    Đặc biệt hơn, khi nói về phụ nữ Việt, người chồng tên Dongwoo trực tiếp nói xấu những cô gái Việt lấy chồng Hàn trước mặt vợ và còn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía vợ mình. Dongwoo chia sẻ:"Vì họ kết hôn không có tình yêu nên dễ dàng ngoại tình. Họ thường không giao tiếp được với chồng, khoảng cách tuổi tác cũng lớn nên dễ cô đơn, muốn kết bạn với các chàng trai Việt Nam ở đây". Anh còn khẳng định phần lớn phụ nữ Việt kết hôm với người Hàn Quốc vì quốc tịch và tiền.

    che nguoi viet 1

    Một kiến nghị online kêu gọi xử lý kênh HAN TV vì xúc phạm người Việt với hơn 2000 chữ ký.

    Sau khi những thông tin này được chia sẻ trên các diễn đàn về kpop, lực lượng cư dân mạng đã kêu gọi, kéo nhau vào những video gây tranh cãi này để report. Chỉ trong một thời gian ngăn, toàn bộ những video có nội dung nói xấu phụ nữ, đàn ông Việt của kênh Han TV đã "bay màu". Không rõ là do bị report quá nhiều hay "chủ nhà" tự khóa. 

    Vào ngày 4/3, khi làn sóng tẩy chay trở nên quá mạnh mẽ, Dongwoo đã đăng tải video xin lỗi về những phát ngôn trước đó của mình và cho biết anh không cố ý tổn thương mọi người.

    che nguoi viet 1

    Theo Thế Giới Trẻ

  • “Tuần rồi, một bà đi chợ dẫn theo đứa con trai, chừng hơn 10 tuổi. Ra tới xe, thằng nhỏ tháo bao tay ra, tính nhét vô túi quần, chắc đem về nhà bỏ vô thùng rác. Bả đánh vô tay nó cái ‘chát’ rồi biểu nó bỏ xuống đường lập tức.”

    Đó là lời của ông Tony, một nhân viên thu xe đẩy cho một chợ khá lớn ở Garden Grove, kể với phóng viên nhật báo Người Việt vào sáng Thứ Bảy, 18 Tháng Tư, câu chuyện liên quan đến sự lan tràn rác rến thời COVID-19.

    Nhìn quanh, không thấy thượng cấp, ông ngồi bệt xuống thành xi măng trồng hoa rồi kể tiếp: “Tui nghe rất rõ, bả la, ‘Mày ngu thì ngu vừa vừa chớ. Rước bệnh về nhà hả.’ Má dạy con xả rác nơi công cộng, tui mới thấy lần đầu. Buồn hơn là thằng nhỏ tỏ ra biết lỗi và rất hối hận,” ông lắc đầu ngao ngán.

    “Chuyện này xảy ra hồi tuần trước. Tôi về kể cho vợ con tôi nghe mà không ai tin được. Không thể ngờ có chuyện như vậy xảy ra. Nhưng chuyện đã xảy ra và tôi là người chứng kiến,” ông nói thêm.

    Tại một khu chợ khác ở Santa Ana mà khách hàng, hầu hết là người gốc Việt, ông Nguyễn, một nhân viên thu xe đẩy, nhiều lần bị cấp trên phê bình vì không nhặt “rác COVID-19” kịp.

    Ông Nguyễn thở dài: “Tui bị la hai lần hồi tuần rồi và một lần mới bữa qua. Người nào đi chợ xong cũng lột cái rẹt ra rồi quăng đầy đường. Một mình tui làm sao mà lượm cho kịp. Phần lại bị gió thổi tung tứ phía. Cái nhẹ thì bay lung tung, cái nặng thì lủng lẳng trên cây, trên xe (xe đẩy).”

    Ông nhận xét: “Nhiều người ăn mặc lịch sự lắm mà không biết họ nghĩ sao khi làm vậy.”

    xa rac trong cho nguoi viet 1
    Người một bên và “rác COVID-19” một bên. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Ông Jose, một nhân viên gốc Hispanic thu xe đẩy cho chợ của người Việt, cũng ngao ngán lắc đầu khi nhìn những “dấu tay COVID-19” tràn ngập khắp nơi trong bãi đậu xe. “Trong năm giờ làm việc của tôi, tôi gặp hàng triệu găng tay và khẩu trang do khách hàng bỏ lại dưới mặt đường và trong xe đẩy,” ông nói.

    Dĩ nhiên không chợ nào có lượng khách đông như vậy, nhưng sau khi trừ hao sự phóng đại của ông Jose, người ta có thể thừa sức hình dung được “dấu tay COVID-19” quanh các chợ vùng này cũng giống nhau.

    Găng tay đã xong nhiệm vụ cho chủ, giờ trở thành trách nhiệm của người khác. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Một nhân viên khác của một chợ tại Anaheim, cũng ngao ngán khi nói về hiện tượng này. “Bỏ trong xe thì tui còn lượm được, còn xả ra đường thì không cách nào tui lượm kịp,” ông than, “Tui vừa phải lo trong chợ, vừa lo ngoài bãi (đậu xe), không cách chi mà xuể. Quét lại, chắc gom thành ngọn núi.”

    xa rac trong cho nguoi viet 1
    “Rác COVID-19” hiên ngang, chễm chệ giữa đường đi lối lại. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    “Dấu tay COVID-19” này, nhiều nhất là găng tay cao su hay ny-lông đủ màu trắng đục, trong suốt, hồng nhạt, xanh hoặc đen và một số khẩu trang giấy. Những “dấu tay” này khi thì ngạo nghễ ngay trên xe đẩy của chợ, lúc thì khép nép quanh các lùm cây và khuất lấp trên lòng bãi đậu xe.

    Trong khu Bank of America ở góc đường Magnolia và đường Bolsa thuộc Westminster, một phụ nữ gốc Việt khoan thai đẩy xe từ chợ bước ra. Sau khi chất rau quả, thịt và đồ hộp, mì gói vào xe, bà kéo cái xe đẩy vào chỗ đậu xe bỏ trống bên cạnh, thản nhiên tuột đôi găng tay cao su màu xanh dương, vứt xuống đất rồi vào xe nổ máy vội vã đi, như để mau mau tránh xa đôi găng dơ bẩn, có thể dính vi trùng sau lưng.

    xa rac trong cho nguoi viet 1
    Màu trắng, màu xanh, màu gì cũng có. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Không lâu sau, cũng tại khu này, một ông quá tuổi trung niên, đeo kính trắng có vẻ trí thức, cũng chất thịt thà hoa quả và rau thơm vào xe, cởi găng tay, vứt xuống đường rồi tháo khẩu trang vàng nhạt, cũng vứt xuống đường rồi châm điếu thuốc lá, chống nạnh, ngấu nghiến rít.

    Vừa hút thuốc, ông vừa giơ chân đá rác rến ông vừa vứt xuống đường ra xa, dường như để không ai nhận ra là của ông. Thấy có người chứng kiến hành động này của mình, ông vứt điếu thuốc đầu lọc trắng xuống đất, di chân lên, ông chui vào xe rồi hất mặt: “Kiếm chuyện hả?” Không đợi nghe lời giải thích, ông de xe rồi lao xe đi.

    xa rac trong cho nguoi viet 1
    Mới bảo vệ chủ nhân, giờ trở thành vật vô dụng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Một nhân viên thu xe đẩy tại một khu chợ khác lắc đầu chán nản khi được hỏi về loại “rác mới” này: “Nếu mấy thứ này chỉ bán ve chai được 5 cent một pound thôi, thì trong một tuần, tôi có thể sắm chiếc Lexus mới tinh. Sao mà nhiều tới vậy. Ra tới xe, họ lạnh lùng xả rác một cách tỉnh bơ như quý tộc Ăng Lê vậy. Chán hết sức.”

    xa rac trong cho nguoi viet 1
    Vứt ngay trong xe đẩy. Một kiểu lịch sự mới? (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Trong khu thương mại có nhiều người gốc Việt làm chủ ở góc đường Brookhurst và đường McFadden thuộc thành phố Westminster, một phụ nữ trẻ, mặt khá xinh xắn vứt đôi găng tay ny-lông xuống đường trước khi mở “trunk.”

    Khi thấy phóng viên Người Việt nhìn đôi găng tay mỏng dính đang bay bay là đà dưới đất rồi nhìn cô, cô sẵng giọng: “Ai cũng làm vậy, cả thế giới cùng làm vậy. Lạ lùng gì mà dòm dữ vậy. Người đâu mà lạ kỳ.” Nói xong, cô vùng vằng chuyển thức ăn vào xe sau khi trề môi và vung ra một cái nguýt thật dài.

    Không biết thế giới có làm vậy không, chỉ thấy ''dấu tay Covid-19'' đang ngập tràn khu Little Saigon của chúng ta. (Đằng-Giao)

    Theo Người Việt

  • Từ châu Âu về nước tránh dịch COVID-19, một người phụ nữ kích động đám đông hành khách ở sân bay Nội Bài đòi được đưa cách ly sớm hoặc về nhà tự cách ly và chê bánh mì nhân viên sân bay mang tới.

    “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Đang ở chỗ nào thì yên chỗ ấy” - câu nói được dân mạng lan truyền trên Facebook như lời nhắn nhủ những ai bỏ xứ qua nước ngoài sống, làm việc nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát thì lo sợ và quay về nước.

    Thời gian qua, rất đông người Việt ở hải ngoại đã đổ xô về nước khi dịch COVID-19 hoành hành và cướp đi sinh mạng nhiều bệnh nhân. Lý do vì họ nghe được tin Việt Nam đối xử tốt, chăm sóc tận tâm với những người cách ly và chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

    Ngoài một số trường hợp khai báo gian dối ở sân bay để trốn cách ly thì có những người không biết điều, về nước tránh dịch mà cứ tưởng như đi du lịch, đòi hỏi quyền lợi đủ thứ.

    Hôm 15.3 vừa qua, đám đông người Việt từ châu Âu về tránh dịch COVID-19 đã gây ầm ĩ ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) vì chờ lâu trước khi xe đến đón đi cách ly. Thậm chí có người phụ nữ kích động mọi người đòi quyền lợi theo ý mình và chê bai bánh mì miễn phí mà nhân viên sân bay mang tới. Chị ta nói nếu tập trung đông người ở đây quá lâu thì có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và dễ chết!

    Trở về từ thủ đô Warszawa (Ba Lan), chị T.M.T cảm thông cho cán bộ làm ở sân bay Nội Bài, bức xúc với cách hành xử của người này qua status dài trên Facebook.

    Kèm theo đó là clip quay lại người phụ nữ tóc ngắn, mặc váy đen lên tiếng đòi được đưa cách ly sớm cùng con hoặc về nhà tự cách ly dù cán bộ hải quan giải thích rằng: “Xe bên Ban Chỉ huy quân sự, Bộ Tư lệnh Thủ đô đưa về nơi tập trung rồi. Hiện giờ các xe đang quay lại để đón các đoàn tiếp theo. Theo các anh thông báo thì khoảng 3 rưỡi chiều xe sẽ lên đây. Việc này mong các anh chị thông cảm vì xe đón đảm bảo yếu tố phải khử trùng trước khi lên đón các anh chị”.


    Một phụ nữ đăng status chê đồ ăn miễn phí nhân viên sân bay mang tới.

    Về chuyện trên, chị T.M.T chia sẻ: “Mình định không đăng cái này lên đâu vì toàn người từ Ba Lan về, nhưng thực sự vào đọc bình luận kiểu bố đời của các bạn mà mình đành phải lên tiếng.

    Câu chuyện chiều 15.3 khi mình hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Mình hạ cánh lúc 13 giờ và 21 giờ mới được lên xe đi cách ly. Coi như mình chờ 8 tiếng nhưng vẫn luôn vui vẻ, chấp nhận vì biết sân bay bị quá tải. Còn các anh các chị xuống trước mình, người 7 giờ sáng, người 9 giờ, người 11 giờ, chờ lên 14 giờ thì làm loạn cái sân bay, gào thét ầm ĩ, đòi được đi cách ly. Không được đi thì đòi về tự cách ly, trả hàng, trả hộ chiếu...

    Các anh các chị ạ, trong số này có bao nhiêu người về để trốn dịch, vì sợ bên châu Âu sẽ bỏ rơi mình? Các anh chị biết đất nước sẽ không bỏ rơi anh chị nên về thì phải thông cảm với cán bộ. Nói là thông cảm cho sang thôi chứ việc chờ đợi là bắt buộc chứ không phải bố đời, mẹ thiên hạ đòi phải làm nhanh cho mình.

    Một buổi sáng hàng nghìn người ùa về. Số người làm việc có hạn vì có bao nhiêu khu cách ly khác cần cán bộ y tế. Có 5 bàn lấy mẫu bệnh phẩm, hàng trăm, hàng nghìn người ùa về thì việc bị dồn ứ không tránh khỏi.

    Các bộ phận cũng làm việc theo thứ tự, kiểm tra y tế xong chuyển sang hải quan, xong mới sang khâu đi cách ly chứ có phải lấy mẫu bệnh phẩm xong là đi được luôn đâu. Đến cả nhân viên nữ mặt đất của sân bay còn phải đi kéo hành lý lên trả cho mọi người thì cũng biết là thiếu người thế nào rồi mà vẫn còn chửi, còn than cho được.

    Đói thì có đồ cho ăn, không thiếu. Nếu chưa được ăn thì mở cái mồm ra sẽ được ăn. Mọi người không phải đi resort mà cơm bưng tận mồm hay phải có bảo mẫu chăm sóc con cho các bạn. Đã liều mạng đưa con cái về tránh dịch thì ngồi trên máy bay mười mấy tiếng, xin xít nhau còn chả thấy than, về đến sân bay ngồi chưa đến 10 tiếng tha hồ đi lại còn gào lên sợ chết, sợ lây nhiễm.

    Xác định tư tưởng trước đi, khả năng 50-50 sẽ lây trên máy bay, khả năng về sẽ đi cách ly, khả năng sẽ phải chờ đợi thì hẵng về. Đưa con về thì biết đường tự mang sữa, đồ ăn cho con chứ người ta cũng chỉ là y tế với hải quan, có đồ ăn cho là may còn đòi phải ngon, phải chăm lo cho cả con các bạn thì mình cũng chịu đấy.

    Nếu bảo để mọi người ở chung với nhau là đi vào chỗ chết thì đừng đổ lỗi cho ai mà là lỗi do bạn tự đưa mình, tự đưa con mình vào thôi hiểu chưa?

    Đừng nghĩ các anh các chị gào mồm lên nên mới được đi vì không gào lên thì xe cũng đang quay lại đón. Mọi thứ phải có trình tự chứ không phải ăn vạ là được việc đâu ạ. Tôi không gào lên thì cũng chờ từng đấy thời gian thôi.

    Thế mới thấy nhiều người quá ích kỷ, chỉ nghĩ cái lợi cho bản thân mà không nghĩ xem người khác vất vả vì dân thế nào”.


    Người phụ nữ làm ầm ĩ ở sân bay Nội Bài, đòi đi cách lý sớm hoặc về nhà tự cách ly, chê bánh mì nuốt không nổi..

    Chị T.M.T cho biết đã khuyên người phụ nữ tóc ngắn thông cảm với nhân viên sân bay nhưng bị chửi bới thậm tệ. Không nói nhiều tại thời điểm đó, chị T.M.T viết những dòng này nhắn nhủ khách nữ đó nói riêng và những ai có ý định về nước tránh dịch COVID-19 cần biết kiên nhẫn chờ đợi ở sân bay trước khi xe đến đưa đi cách ly, đừng đòi hỏi quyền lợi cá nhân quá nhiều. Cụ thể như sau: “Hôm qua mình thấy chị ấy gào lên khoảng 1 tiếng, hô hào mọi người cùng đòi quyền lợi cùng chị thì mình ra quay. Mình cũng chỉ vào khuyên là: “Chị ơi, những ngày này quá tải thì thông cảm cho cán bộ. Chị có làm ầm lên cũng làm mọi thứ rối thêm”. Thế mà các anh chị ấy xúm vào chửi mình là “Con ngu”, “Mày thích chết ở đây thì bỏ mẹ nó khẩu trang ra mà chết”…

    Eo ơi, em biết thân biết phận, biết về thời điểm nhạy cảm này nên cứ im lặng mà nghe theo chỉ đạo của các cơ quan thôi, há mồm ra nói nhiều quá virus lại bay hết vào mồm ấy.

    Đã được ăn miễn phí còn đòi ăn ngon, mà nói thật nhiều người còn đang thèm cái bánh mì mà các anh chị chê không nuốt nổi kia kìa. Ngon lắm ấy, có ăn hết không mà còn chê. Bảo sao người Việt Nam vẫn có câu 'đã ăn mày còn đòi ăn xôi gấc' quả không sai.

    Tình trạng thực tế, các anh chị nào định chạy dịch thì xác định về sẽ chờ 10 tiếng đi cho thoải mái. Coi như máy bay trễ chuyến nhưng được việc đi là ổn? Còn không chờ được, tính cậu ấm tiểu thư thì khỏi về, ở bên đó tự chữa bệnh tại gia nhé!

    Cán bộ nói năng nhẹ nhàng sau 1 tiếng nghe mọi người gào hét ầm lên, cố phân tích cho mọi người hiểu, cũng mong mọi người thông cảm. Mọi người làm như thế có thấy mắc lỗi với sự cố gắng của chính quyền không?

    Lúc nào bạn cần, có tổ quốc. Toàn dân cùng nhau đồng lòng chống dịch chứ không chống đối, tự ý thức bản thân làm cái gì đó cho xã hội, ít nhất là việc chờ đợi. Chúc mọi người luôn an toàn cùng đất nước vượt qua dịch bệnh này nhé!”.

    Từ ngày 15.3, Bộ Y tế đã cách ly, xét nghiệm tất cả người về từ vùng dịch nước ngoài ở sân bay, nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp nhiễm COVID-19. Ca nhiễm COVID-19 thứ 58 vừa được phát hiện nhờ việc xét nghiệm "đón đầu" này. Bệnh nhân này là nữ du học sinh tại Pháp 26 tuổi, địa chỉ tại phố Yên Thế, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội, nhập cảnh tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài ngày 15.3.

    Do số lượng người về nước quá đông nên lực lượng chức năng đã có những lúng túng nhất định.

    Ban đầu Hà Nội và phía hàng không dự đoán sẽ có khoảng 400 người Việt Nam từ vùng dịch về nước hôm 15.3. Song, thực tế đến tối muộn 15.3 đã có tổng số trên 1.360 người Việt và người từ vùng dịch đủ điều kiện nhập cảnh đến sân bay Nội Bài, gấp đôi so với 1 ngày trước đó và gấp 3 so với dự kiến.

    Hà Nội đã chuẩn bị, sắp tới sẽ có thêm 10.000 test xét nghiệm được tài trợ, đảm bảo đủ xét nghiệm 100% người từ vùng dịch như yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

    Theo Một Thế Giới

  • Nam nhân viên thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội làm việc tại sân bay Nội Bài đã nhanh tay lấy trộm một phong bì đựng 2.000 euro của nữ hành khách đi từ Istanbul về Hà Nội.

    Nhiều vụ mất trộm tại sân bay Nội Bài đã được lực lượng an ninh phát hiện (ảnh minh họa). Ảnh M.H

    Sự việc xảy ra cuối tuần trước, hành khách K.T.H đi chuyến bay TK 0164 từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) về Hà Nội đã để quên 1 ba lô màu đen trong có quần áo và tiền euro, bên trong nhà vệ sinh nữ nhà ga hành khách T2.

    Khi đến khu vực quầy kiểm dịch y tế sân bay, hành khách K.T.H phát hiện ba lô của mình đang ở trên mặt bàn bộ phận kiểm dịch. Kiểm tra ba lô, chị H. phát hiện bị mất 1 phong bì trong có 2.000 euro.

    Sau khi nữ hành khách trình báo, lực lượng an ninh tại sân bay Nội Bài đã kiểm tra hình ảnh camera và phối hợp tìm kiếm. Kết quả xác định nam nhân viên tên N.T.Đ, thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã lấy chiếc phong bì chứa số tiền 2.000 euro trong ba lô của khách.

    Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã yêu cầu an ninh hàng không lập biên bản sự việc, biên bản bàn giao người và tang vật vi phạm cho Đồn Công an Nội Bài xử lý theo quy định.

    Hôm 19.11, một nhân viên đóng gói hành lý tại sân bay Nội Bài cũng bị phát hiện trộm ví Louis Vuitton của hành khách. Trước đó, nam hành khách P.H.H trình báo bị mất chiếc túi bên trong có ví Louis Vuitton tại khu vực đóng gói hành lý nhà ga hành khách T2.

    Lực lượng an ninh hàng không sân bay Nội Bài đã phối hợp với các đơn vị liên quan trích xuất hình ảnh từ hệ thống camera, phát hiện nhân viên đóng gói hành lý T.H.P (thuộc Công ty TNHH  Thái Thịnh) đã lấy chiếc ví và cất vào tủ máy đóng gói. Nam nhân viên này sau đó khai đã lấy trộm chiếc ví trên để sử dụng. 

    Theo Thanh Niên

  • Cảnh sát tỉnh Nara (Nhật Bản) hôm 12-10 cho biết đã bắt 7 người mang quốc tịch Việt Nam vì ăn cắp mỹ phẩm và thực phẩm chức năng để bán lại tại Việt Nam, theo Japan Today.

    Một cửa hàng bán mỹ phẩm tại Nhật Bản - Ảnh: JW

    Cảnh sát Nhật Bản còn cho biết nhóm này do một người đàn ông 37 tuổi cầm đầu. Các nghi phạm đã trộm cắp tại các nhà thuốc và cửa hàng bán đồ thể thao tại ít nhất 18 quận, ước tính 247 lần, bắt đầu từ tháng 1-2015 đến tháng 2 năm nay.

    Theo cảnh sát, tổng giá trị của các sản phẩm bị đánh cắp ước tính lên đến 24,5 triệu yên (hơn 5 tỉ đồng).

    Bảy người bị bắt đến Nhật Bản theo diện trao đổi sinh viên hoặc một chương trình đào tạo cho lao động nước ngoài. 

    Cảnh sát Nhật Bản đang tiếp tục điều tra phương thức các mặt hàng bị đánh cắp và được bán lại tại Việt Nam. 

    Người cầm đầu nhóm nói với cảnh sát rằng anh ta muốn có tiền để trang trải cuộc sống.

    Những biển báo cảnh cáo người Việt ăn cắp ở Nhật cứ ngày một nhiều lên

    Cửa hàng tiện lợi 7-Eleven gần ga Chiba tỉnh Chiba một ngày tháng 6/2016. Ông chủ Toyoumi Takeda cảm thấy rất bực mình.

    Theo quy định của hãng, tất cả đồ ăn thừa trong ngày như bánh, cơm chỉ có thể cho nhân viên ăn tại quầy mà không được phép mang về. Đồ ăn còn thừa sẽ bị buộc phải đi tiêu hủy.

    Thế nhưng, những ngày gần đây, không hiểu ai đó đã lấy bánh và cơm hộp mà mỗi ngày ông Toyoumi lại thấy hao hụt đến hơn 20 hộp bánh và cơm các loại.

    Không muốn làm nhân viên của mình mất mặt, ông đã nhắc chung các nhân viên về việc không được phép lấy đồ thừa của cửa hàng. Ngay cả khi đã nhắc như vậy, đồ vẫn tiếp tục bị lấy mất, nhưng hỏi thì không ai nhận trách nhiệm.

    Cực chẳng đã, ông chủ người Nhật đành phải mở camera theo dõi thì phát hiện ra thủ phạm chính là một cô nhân viên người Việt Nam. Trước đó, cô nhân viên này đã được chiếu cố vào làm vì tiếng Nhật của cô rất kém.

    Ông chủ cuối cùng đành phải chọn cách nói chuyện riêng với cô để cảnh cáo cô không được tiếp tục ăn cắp, nếu không ông sẽ đuổi việc.

    Ngay chính trong cuộc nói chuyện này, cô cũng khiến ông cảm thấy khó chịu vì cô khăng khăng nói là cô từng làm ở nhiều cửa hàng tiện lợi khác, nhân viên vẫn được mang đồ ăn thừa về nhà. Ông chủ cảm thấy thực sự mệt mỏi và cho cô gái lựa chọn cuối cùng, đó là nếu một lần nữa cô bị bắt gặp ăn cắp đồ ăn thừa, cô sẽ bị đuổi việc.

    Tỉnh Saitama ngoại thành Tokyo là một lựa chọn tốt cho những người thu nhập thấp đang làm việc tại Tokyo, trong đó có nhiều sinh viên và người lao động Việt Nam.

    Giá thuê nhà tại Saitama chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với nội vùng Tokyo. Chính vì thế, có nhiều thời điểm trên các chuyến tàu từ Tokyo về Saitama, người ta ngỡ như mình đang sống ở Việt Nam vì xung quanh có quá nhiều người Việt.

    Nhưng đi cùng với đó là những câu chuyện đáng buồn. Cách đây khoảng 2 năm, đi khắp Saitama không bao giờ có những biển hiệu cảnh cáo hành vi ăn cắp.

    Nhưng thời gian qua đi, khi người Việt đến Saitama sống ngày một đông, thì biển hiệu cảnh báo về hành vi ăn cắp ngày một nhiều hơn.

    Ở trong nước, người tiêu dùng thích sữa bột Nhật, thích tảo Nhật, thích tỏi đen Nhật, thích đồ Uniqlo. Những kẻ ăn cắp bên này đáp ứng đúng các yêu cầu đó và cũng chính vì thế mà các biển cảnh cáo ăn cắp cũng xuất hiện ở chính những quầy chuyên bán các sản phẩm trên.

    Hành vi ăn cắp không chỉ dừng lại ở phương diện lẻ tẻ mà hình thành hẳn các băng nhóm chuyên trộm cắp, đi ăn cắp cùng đồng bọn lái ô tô để tẩu thoát cho nhanh, ăn cắp theo đơn đặt hàng.

    Bởi vậy nên trong rất nhiều vụ bắt giữ gần đây, cảnh sát Nhật tìm được những bản danh sách dài dằng dặc những món hàng được phía Việt Nam đặt hàng, những người Việt bên này nhận đơn rồi ăn cắp để gửi về Việt Nam.

    Tuy nhiên không ít người đã sống lâu năm tại Nhật hoài nghi về mối liên hệ giữa các băng nhóm ăn cắp người Việt và đằng sau đó là người Nhật cầm đầu.

    Trên thực tế, những kẻ thực sự đi ăn cắp là người nước ngoài sẽ bị xử tù rất nặng hoặc trục xuất, thì pháp luật Nhật lại không trừng phạt những người Nhật đứng sau.

    Nhiều người cho biết họ từng chứng khiến nhiều vụ việc trong đó người Nhật lái xe chở người Việt đến các siêu thị ăn cắp hàng.

    Sau đó người Việt được trả công kha khá còn người Nhật ôm hàng đi bán thanh lý. Việc đó không phải mới, thậm chí đã diễn ra suốt nhiều năm, người Nhật lái xe đưa người Việt đi ăn trộm phụ tùng ô tô, tivi, gạo.

    Sau đó người Nhật mua lại từ người Việt bằng đơn vị tính theo cân rồi mang đi tiêu thụ. Cần chú ý rằng, các hàng hóa trên không hề được người Việt tại Việt Nam ưa chuộng vì cồng kềnh, phí vận chuyển cao.

    Sẽ là hoàn toàn sai lầm nếu cho rằng người Nhật nào cũng chỉ muốn tiêu thụ hàng hóa có nguồn gốc. Bởi nếu như vậy, các hành vi ăn cắp sẽ không diễn ra trên phạm vi rộng và số lượng nhiều như chúng ta chứng kiến cho đến hiện tại.

    Hay như vụ việc 6 người Việt ăn trộm dưa ở tỉnh Chiba mới đây. Với 6 người ăn trộm 110 quả dưa hấu gần đến ngày thu hoạch, chắc chắn ai cũng hiểu họ ăn trộm không phải vì thiếu ăn mà chắc chắn sẽ có hành vi khác đằng sau số lượng dưa lấy lớn đến như vậy.

    Người Việt trong nước cũng không bao giờ tiêu thụ dưa hấu Nhật vì đường xa không bảo quản được, chi phí về đến Việt Nam quá lớn.

    Giá vận chuyển đường hàng không từ Nhật về Việt Nam hiện rơi vào khoảng 220 nghìn đồng/kg mà đa phần không nhận vận chuyển hàng tươi sống, hoa quả cũng cực kỳ hạn chế.

    Thông thường ở Nhật, nếu không phải là người Nhật sẽ không bao giờ có thể đưa hàng trực tiếp vào chợ hay các hợp tác xã để bán. Chính vì vậy, những lo ngại về khả năng người Việt bị một số người Nhật xấu xúi giục ăn cắp để họ có nông sản rẻ mang đi kinh doanh kiếm lời không phải không có cơ sở.

    Người Việt ở Nhật cần luôn nhớ một điều rằng, pháp luật Nhật chỉ bảo vệ cho người Nhật và với bất kỳ hành vi sai trái nào bị phát hiện, nó đồng nghĩa với việc tương lai của các bạn sẽ chấm dứt, thậm chí các bạn có thể bị cấm quay lại Nhật vĩnh viễn.

    Việc các bạn ăn cắp, phạm tội không chỉ ảnh hưởng đến riêng các bạn, mà còn khiến đường sang Nhật của rất nhiều người thế hệ sau trở nên hẹp hơn.

    Đại diện nhiều trường đại học có tiếng cũng như công ty tuyển dụng ở Nhật cho biết, họ đã thắt chặt chính sách hơn đối với du học sinh Việt Nam sau quá nhiều vụ việc rắc rối mà người Việt gây ra trong thời gian gần đây.

    BizFILE: Ông Đoàn Nguyên Đức/Tuổi Trẻ

  • Ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – cho biết: “Tôi rất bức xúc về hành động khách nữ lăng mạ, mạt sát nhân viên sân bay và chống đối lực lượng an ninh. Nếu cơ quan công an đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung, Cục sẽ ra quyết định cấm bay với hành khách này”. 

    Thông tin trên được Cục trưởng Cục Hàng không trao đổi với PV Dân trí tối 22/8 ngay sau khi cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính 200.000 đồng đối với bà Lê Thị H. vì hành vi gây mất trật tự công cộng tại sân bay Tân Sơn Nhất – TPHCM hôm 11/8.

    Bà Lê Thị H. (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) là cán bộ công an, hiện công tác tại Đội Cảnh sát giao thông – trật tự – phản ứng nhanh quận Đống Đa, Công an TP Hà Nội.

    Theo ông Đinh Việt Thắng, khách Lê Thị H. đã có hành vi gây mất an ninh trật tự, không tuân thủ quy định của nhà chức trách sân bay và hãng hàng không.

    Bà Lê Thị H. “mạt sát” nhân viên hàng không, chống đối lực lượng an ninh Tân Sơn Nhất.

    “Đặc biệt, bà H dùng những lời lẽ thô tục và “mạt sát” xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của nhân viên làm thủ tục bay, có hành động đánh nhân viên an ninh hàng không, chống đối người thi hành công vụ. Đó là những điều không thể chấp nhận được.” – Cục trưởng Hàng không nhấn mạnh.

    Khi bị an ninh hàng không đưa về trụ sở Cảng vụ Hàng không miền Nam để xử lý vi phạm, bà H. vẫn tiếp tục gây rối, chống đối và không hợp tác. Thậm chí, bà H. la ó ầm ĩ rằng mình bị cướp, bị nhân viên an ninh hàng hung. Vì vậy, Cảng vụ buộc phải báo Đồn công an sân bay Tân Sơn Nhất phối hợp xử lý.

    Sau khi tiếp nhận vụ việc đã xác minh nhân thân và hành vi gây mất trật tự công cộng của bà H., đương sự cũng thừa nhận hành vi vi phạm. Theo thẩm quyền xử lý, Đồn công an sân bay Tân Sơn Nhất đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng.

    “Tôi cho rằng, hành vi vi phạm của bà H có mức độ nghiêm trọng. Tất cả mọi người khi xem video đăng tải trên mạng xã hội đều bức xúc với những lời lẽ của bà H., thậm chí đến khi nhân viên sân bay khóc mà bà H. vẫn tiếp tục chửi bới với những lời lẽ không thể chấp nhận được. Vì vậy phải có áp dụng chế tài xử lý nghiêm khắc” – Cục trưởng Hàng không nêu quan điểm.

    Trên thực tế, vụ việc đã được Cảng vụ Hàng không miền Nam chuyển giao cho cơ quan công an, theo quy định chỉ 1 cơ quan có thẩm quyền được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, nếu muốn tăng nặng mức phạt tiền thì nhà chức trách hàng không cũng không thể ban hành thêm một quyết định tương tự, trừ trường hợp cơ quan công an đề nghị cơ quan quản lý hàng không áp dụng hình phạt bổ sung.

    “Nếu cơ quan công an đề nghị Cục Hàng không áp dụng hình phạt bổ sung trong vụ việc này, Cục Hàng không sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý nghiêm minh, thậm chí Cục sẽ ra quyết định cấm bay đối với hành khách H.” – Cục trưởng Đinh Việt Thắng nói.

    Như Dân trí đã đưa tin, chiều 11/8, tại sảnh A – ga đi quốc nội, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – TPHCM, bà Lê Thị H. (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) đi cùng chồng và con đến làm thủ tục chuyến bay VN248, hành trình TPHCM – Hà Nội.

    Trong quá trình làm thủ tục, bà H. đã gửi 4 kiện hành lý đủ tiêu chuẩn miễn cước, nhưng sau đó tiếp tục yêu cầu được ký gửi miễn cước thêm 1 kiện hành lý khác. Do đã quá cước nên nhân viên làm thủ tục đã không đồng ý.

    Bị từ chối miễn cước hành lý, bà H. tỏ thái độ bức xúc, to tiếng bằng những lời lẽ thô tục với nhân viên hàng không, không hợp tác giải quyết sự việc. Khi di chuyển đến khu vực an ninh soi chiếu, bà H. làm mất thẻ lên máy bay và quay lại quầy thủ tục lớn tiếng quát tháo nhân viên tại đây.

    Trước những lo ngại đến vấn đề an ninh, an toàn của chuyến bay, đại diện hãng hàng không tại sân bay đã quyết định “cắt chuyến”, từ chối vận chuyển bà H. trên chuyến bay VN248 đi Hà Nội.

    Viethome (theo Dân Trí)