Người Việt... nhưng lại không thích dùng tiếng Việt

“Em làm bên Finance.” “Chị sẵn sàng settle down rồi.” “Cái đó rất là fix.” “Cậu ấy rất passive.” “Cái background của em ấy là gì?” “Chị ấy hơi hơi pessimistic.” “Tao có advice cho mày”, “Như thế là không turn around được.” “Phải có skill, chứ!” “Có lẽ em sẽ làm freelance.” “Lương của em sẽ performance based.” “Cho nhận passport chưa?” “Như vậy scale sẽ rất cao.” “Lớp em đang học boring lắm!” “Trường này rất nổi tiếng về teaching method.” “Em chưa give up.” …..

Người Việt đã nhập rất nhanh từ tiếng Anh trong một thời gian rất ngắn, nếu có cách đo rất có thể sẽ được công nhận là kỷ lục Guiness. Từ đó chúng tôi có thể hiểu rất nhiều về văn hóa Việt Nam.

Cũng có vài nước ở Châu Á như Singapore, Hồng Kông, Philippines, người dân nói tiếng Anh song song với tiếng mẹ đẻ. Cho dù có sự pha lẫn nhưng đó chủ yếu là hai ngôn ngữ riêng biệt với nhau. Ở Việt Nam đang có nguy cơ trở thành 2 trong 1, “tiếng Vietnamese”, không hẳn Tây cũng không hẳn Ta.

Nhưng quay trở lại với câu hỏi trên. Nếu không phải để làm rõ nghĩa thì vì sao người Việt đang thay từ tiếng Việt bằng từ tiếng Anh một cách nhiệt tình thế? Tôi có 4 cách lý giải.

nguoi viet khong noi tieng viet

1.Sính ngoại: Cho nó oai. Cho nó oách. Chứng tỏ rằng mình là người hiểu biết về thế giới. Tuy nhiên nhìn sâu vào là sẽ chúng tôi sẽ thấy cái nhìn “toàn cầu” đó có chất rất “địa phương”.

Người Việt Nam sính ngoại thật. Đó là sự thật nhạy cảm, nhưng vẫn là sự thật nên tôi không ngại nói. Tôi từng viết về lợi ích mà điều đó mang lại cho người da trắng; bài đó tôi phân tích từ góc độ ngoại, còn bài này tôi muốn phân tích từ góc độ nội. Sự thật là nhiều người Việt Nam chọn “đồ Tây” để có được sự ngưỡng mộ của ta. Đến với Tây để khoe với Ta.

Người Tây có câu “Chính trị nào cũng là địa phương” (All politics is local), có nghĩa là đối tượng của hoạt động chính trị “xa nhà” thường là những người “trong nhà”. Mở các chiến tranh ở xa để làm hài lòng các công ty ở gần.

Nếu đo “nhu cầu được ngưỡng mộ” của một xã hội bằng “mức độ sính ngoại” của xã hội đó thì có lẽ Việt Nam là xã hội mà người ta có nhu cầu được ngưỡng mộ nhất thế giới. Khỏi phải nói, đó là sự ngưỡng mộ của nhau.

Khi nói “ngưỡng mộ”, ý tôi là người Việt nói chung rất cần tình cảm từ phía xã hội Việt Nam. Họ rất cần được mọi người quan tâm. Làm người tốt bụng hay thành đạt là chưa đủ. Họ cần được mọi người xung quanh công nhận là người tốt, nhất trí là người thành đạt. Đương nhiên có trường hợp ngoại lệ, nhưng tôi thấy đa số người Việt rất cần được khen, dù học sinh trẻ hay giám đốc già. “Văn hóa bằng cấp” không thể tự nhiên mà xuất hiện đâu.

Nhu cầu đó hay được thể hiện bằng cách…thể hiện.

2.Trốn áp lực văn hóa. Ví dụ từ “love”. Mặc dù “I love you” và “Em yêu anh” giống nhau về mặt ý nghĩa nhưng với nhiều người trẻ, bán cho người ta một câu “anh yêu em” sẽ bị tính theo “đô-la văn hóa Việt” (với những áp lực đi kèm) còn bán câu “I love you” sẽ được tính theo đô-la văn hóa Tây. “I love you” có nghĩa là “Em yêu anh”, nhưng khi bán câu “I love you” sẽ không bị tính tiền thuế là các cảm giác gượng gạo, quá sến, và củ chuối ấy.

Ví dụ khác, theo văn hóa Việt Nam hiện tại, từ “tài chính” hay mang tính chất “ẩn số vàng”; chất bí mật, chất phức tạp. Về chuyện “$” thì văn hóa phương Tây được coi là minh bạch hơn. Vậy khi nói “em làm ở bên finance” có khi cái tôi tiềm thức của người ta đang muốn trốn chất bí ẩn và đến gần hơn với chất minh bạch đó.

Tôi chưa chắc nhưng tôi đoán rằng với nhiều người phụ nữ Việt Nam “ổn định” mặc dù đồng nghĩa với “settle down” nhưng lại khó nói hơn. Ổn định bị tính tiền thuế là mẹ chồng.

Văn hóa Việt tạo một áp lực khá lớn đối với người Việt. Số lượng người trẻ muốn giảm bớt áp lực đó hiện rất nhiều – có lẽ ghép từ tiếng Anh vào ngôn ngữ sử dụng hàng ngày là một phương pháp nhẹ nhàng dùng để đạt được mục đích đó.

3. Ham hiểu biết: Đây là nguyên nhân dễ hiểu nhất. Thích học và áp dụng kiến thức mới. Không phải vì ai. Vì bản thân.

4. Nghe hay: “Tôi chẳng sính ngoại, chẳng ham học, cũng chẳng muốn trốn triếc gì hết. Tôi chỉ dùng các từ tiếng Anh ấy vì…nghe hay.” Chắc khái niệm đó cũng phổ biến. Một sở thích, thế thôi, phân tích sâu làm chi. Nếu tôi hỏi tiếp “vì sao nghe hay”, thì các bạn giữ khái niệm ấy sẽ trả lời “vì nghe hay mà”, rồi tôi chỉ biết cười mỉm và chuyển sang chủ đề khác là phim Cánh Đồng Bất Tận và body đẹp của các diễn viên nữ.

Nếu thực sự nhìn vào cái “hay” ấy các bạn ấy sẽ phát hiện nhiều yếu tố như tôi nói trên. Nhưng chưa phát hiện đồng nghĩa với chưa có.

Hết phần nguyên nhân là đến với câu hỏi sau cùng. Đã nói người Việt rất mê sử dụng từ tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày. Đã nói nguyên nhân có thể là tính sính ngoại, là áp lực văn hóa, là khả năng học hỏi, là sở thích “just for fun”. Đã nói những điều đó nhưng tôi chưa trả lời câu hỏi làm nền cho vấn đề được nêu ra – Đó là việc tốt hay xấu?

Có lẽ tôi không nên trả lời. Tôi có cái nhìn phiến diện. Tôi thấy rất vui khi các trẻ em Nhật chào tôi bằng “Konichiwa” và thấy rất ức chế khi các trẻ em Việt Nam chào tôi bằng “Hello”. Tôi càng ức chế hơn khi thấy phụ huynh dạy con mình chào người Tây bằng “Hello”. Tôi chưa nhìn sâu vào cảm giác ức chế đó. Tôi sợ sẽ thấy một sự phân biệt, dù ngây thơ hoặc thân thiện nhưng vẫn là sự phân biệt không hay. “Với người da trắng như ông kia thì con nói hello, còn với người da vàng như bố thì con phải nói chào bác, con hiểu chưa?”

Vì sao phải dạy con làm thế? Ý các cháu sẽ hiểu là người Tây ở Việt Nam không cần hòa nhập – người Việt Nam ở Việt Nam sẵn sàng hòa nhập với văn hóa Tây. Quý khách hay tự ti?

Tôi biết nhiều người nước ngoài giữ quan điểm là người Việt sử dụng tiếng Anh trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày nhanh và nhiều như bây giờ là điều tốt, giúp cho Việt Nam hòa nhập với thế giới, chứng tỏ rằng người Việt nhanh nhẹn và cởi mở. Có lẽ họ nói đúng và tôi chỉ là một ông già bị kẹt trong cơ thể người trẻ.

Theo Dear.vn