• Một tiệm nail đang đối mặt khoảng phạt £40,000 sau khi 2 người thợ ở đây bị lực lượng di trú bắt giữ.

    Tiệm F. Nails ở The Borough bị các nhân viên nhập cư tới kiểm tra vào hôm Thứ Năm, ngày 16/1/2020. Có 2 người thợ quốc tịch Việt Nam bị phát hiện ở quá hạn visa. 

    Thông báo từ Bộ Nội Vụ xác nhận một cô gái 21 tuổi và một nam thanh niên 22 tuổi đã bị tạm giam tại trung tâm giam giữ người nhập cư chờ ngày trục xuất khỏi UK.

    Trả lời tờ Herald, một nhân viên giấu tên ở tiệm nail cho biết cô gái kể trên tìm đến tiệm 10 ngày trước đó để xin việc làm. Sau đó, cô được mời quay trở lại thử việc khoảng 2-3 tuần. Lúc bị bắt giữ, cô chỉ mới thử việc được 4 ngày.

    Khi vào thử việc, cô gái đã trình một bức ảnh chụp giấy tờ cho phép làm việc của cô, nhưng sau đó nhân viên di trú phát hiện giấy tờ này là giả.

    Theo Herald, sau sự việc lần này, Bộ Nội vụ đã yêu cầu chủ tiệm phải kiểm tra thông tin visa và giấy tờ được phép lao động trước khi ký hợp đồng với người xin việc.

    Người nhân viên giấu tên này tiếp tục kể với Herald rằng chàng trai 22 tuổi đi cùng cô gái đến thử việc ở tiệm. Anh này tâm sự mình vừa mất việc. Sau đó anh được cho làm các việc vặt học nghề ở tiệm. Không ai rõ điều kiện visa của anh là như thế nào. 

    Tiệm F. Nails đang đối diện khoảng phạt 40.000 bảng.

    Bộ Nội vụ sau đó xác nhận tiệm nail này sẽ đối mặt mức phạt £20,000/mỗi thợ làm việc bất hợp pháp, trừ khi chủ tiệm giải trình được rằng họ đã kiểm tra giấy tờ đầy đủ trước khi nhận thợ.

    Nếu không, họ sẽ bị phạt tổng cộng £40,000.

    Một thông báo từ Bộ Nội vụ có đoạn: ''Cơ sở kinh doanh này đã nhận được một thông báo về khoản phạt tài chính trừ khi họ chứng minh được rằng họ đã kiểm tra giấy tờ đáp ứng điều kiện làm việc của người lao động trước khi nhận việc, chẳng hạn đã kiểm tra hộ chiếu và giấy cho phép làm việc do Bộ Nội vụ cấp''.

    Viethome (theo Farnham Herald)

  • Liệu những người Việt Nam trẻ tuổi có đang bị đưa lậu vào Anh để làm việc tại các tiệm nail giá rẻ? Nhà báo Amelia Gentlement vừa có cơ hội tham gia cuộc đột kích của cảnh sát vào một tiệm nail bị tình nghi bóc lột lao động.

    Có nhiều quan điểm trái chiều trong các đánh giá online dành cho tiệm nail nhỏ phía nam London này. “Tiệm nail tốt nhất Peckham,” một người nói. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến khác đều không tích cực đến vậy.

    “Tiền nào của nấy,” một khách hàng khác kết luận (khách hàng đến đây không phải trả nhiều tiền, chỉ 10 bảng cho full manicure). Hầu hết các bình luận đều có nội dung nhận xét ​​về nhân viên. “Nam nữ thợ trẻ ở đây dường như vẫn còn đang học nghề;” “Gần như không thể chuyện trò vì họ không nói được tiếng Anh.”

    Chính việc nhân viên không biết tiếng Anh là một trong những dấu hiệu cảnh báo đưa cửa hàng vào danh sách các tiệm nail cần điều tra vì tình nghi bóc lột nhân viên.

    Vào một buổi chiều thứ năm buồn tẻ, cơ sở tồi tàn này bị 20 cảnh sát đột kích; ba người sau đó bị bắt vì tội buôn người và bốn nhân viên trẻ được đưa đến một trung tâm tiếp nhận do hội đồng điều hành, nơi họ được tư vấn và điều trị y tế.

    Các tiệm nail giá rẻ ngày càng trở nên phổ biến trên phố lớn và phát triển mạnh mẽ khi nhiều cửa hàng lâu năm và có nền tảng bị đóng cửa. Trong 20 năm qua, từ một dịch vụ xa xỉ chủ yếu dành cho tầng lớp có tiền, làm móng đã trở thành một món ăn bình dân giá cả phải chăng, dễ dàng tiếp cận với mọi người. Nhưng ảnh hưởng của chi phí thấp này lên những nhân công làm việc ở đây vẫn còn khá mơ hồ đối với phần lớn khách hàng.

    Người ta có thể dễ dàng liên tưởng các trang trại cần sa và nhà thổ với tình trạng bóc lột nô lệ. Tuy nhiên, vì hoạt động công khai, các tiệm nail gần như không bị nghi ngờ là nơi tồn tại chế độ nô lệ hiện đại; thật khó để liên kết một dịch vụ bình thường như vậy với những tội ác nghiêm trọng.

    Kevin Hyland, ủy viên chống nạn nô lệ đầu tiên của Vương quốc Anh, người đã từ chức năm 2018, nói rằng người dân vẫn mơ hồ về sự hiện diện của tình trạng bóc lột trên phố lớn vì họ cho rằng việc buôn lậu là hành vi thường bị che giấu. Người dân nhìn thấy các cửa hàng, chúng đã ở đó nhiều năm, xe cảnh sát vẫn thường chạy qua, chính quyền địa phương thu gom rác từ cửa hàng, vì vậy họ cho rằng đây không thể là một trong những nơi diễn ra chế độ nô lệ hiện đại - một hành vi phạm tội có hình phạt tối đa là chung thân. Cảm giác quen thuộc cũng có thể khiến người dân mất cảnh giác. “Cửa hàng tồn tại càng lâu, nó càng dễ dàng được chấp nhận,” ông nói.

    Tuy nhiên, nỗi lo về số phận mà những người trẻ Việt trong ngành làm móng ở Anh đang phải đối mặt dần tăng lên trong thập kỷ qua. Rồi vào tháng 10 năm ngoái, 39 người Việt Nam đã được tìm thấy tử vong trong một chiếc xe tải đông lạnh ở Essex. Mười trong số đó ở độ tuổi thanh thiếu niên. Các chuyên gia chống buôn người tin rằng các nạn nhân được đưa vào Anh để làm việc trong các tiệm nail, nhà hàng và trang trại cần sa. Hội đồng Southwark đã kết hợp với cảnh sát Metropolitan kiểm tra các tiệm nail từ mùa hè năm ngoái, và các hoạt động này càng được đẩy mạnh sau thảm kịch Essex. Tuy nhiên, ngay cả tin tức về những cái chết thương tâm này vẫn không làm giảm bớt sự nhiệt tình của khách hàng đối với những gói làm móng £10.

    Cơ sở ở Peckham là một trong năm tiệm nail ở Southwark bị cảnh sát đột kích. Tấm màn che phủ những bí mật đen tối bên trong cửa tiệm nhanh chóng bị vén mở. Tám trong số 20 sĩ quan phải chen chúc trong không gian hẹp giữa một hàng ghế xập xệ, một bức tường được xếp kín những lọ sơn móng bảy sắc cầu vồng, và trong đó đang có hai khách hàng sơn móng tay.

    “Đây là lệnh cho phép cảnh sát khám xét cơ sở này để tìm bằng chứng về nạn buôn bán người,” một trong những sĩ quan có mặt tuyên bố. Khách hàng vội vã rời đi, trong khi cảnh sát bắt đầu cố gắng thẩm vấn bảy nhân viên, tất cả đều là người Việt Nam.

    Làm rõ ai là nạn nhân và ai là kẻ bóc lột trong tình huống này không phải là việc dễ dàng. Và trong hoạt động lần này, việc điều tra bị gián đoạn vì cần tìm kiếm một phiên dịch viên cho đội cảnh sát 25 người, nhân viên xã hội, nhân viên nhập cư và nhân viên hội đồng, những người đang phải chen lấn bên trong cửa hàng và tập trung cả bên ngoài vỉa hè.

    Sau khi được người thông dịch thông báo phải trả lời các câu hỏi của cảnh sát, các nhân viên làm móng trông có vẻ hoảng hốt, nhưng họ không nói gì. Bên cửa sổ, một cậu bé mặc áo xám, rõ ràng là một thiếu niên, ngồi trên chiếc ghế xoay, hai tay lo kẹp chặt giữa hai chân, đôi chân còn không chạm nổi tới sàn. Khi người phiên dịch đang bận rộn với đối tượng khác, hai nhân viên xã hội cố gắng trò chuyện với cậu bé trong vô vọng.

    "Em bao nhiêu tuổi? Em bao nhiêu tuổi rồi? Em không biết mình bao nhiêu tuổi sao? Tuổi?” một người hỏi, cố gắng vận dụng kỹ thuật giao tiếp của người Anh khi cần trò chuyện với một người không nói tiếng Anh, đó là lặp lại cùng một câu hỏi, ngày càng to hơn. Cậu bé lí nhí trả lời bằng tiếng Việt, trông khá rầu rĩ. "Em bao nhiêu tuổi? Em có nói được tiếng Anh không? Tôi chả hỏi được gì từ cậu ta,” nhân viên xã hội nói, cáu kỉnh một cách vô lý.

    Một cô gái tuổi teen, giống như tất cả các nhân viên, mặc áo màu xám, nói với cảnh sát thông qua người phiên dịch rằng cô ấy 17 tuổi, nhưng cô ấy không thực sự làm việc trong cửa hàng mà chỉ ghé qua để chào hỏi một người bạn vì tiện đi ngang qua. “Cha mẹ của em có ở đây không? Cha hoặc mẹ?” Cô gái lắc đầu.

    Người đàn ông trưởng thành duy nhất trong số các nhân viên trông rất kích động và liên tục yêu cầu được phép đi vệ sinh. Cảnh sát từ chối, lo ngại rằng anh ta chạy trốn. Thay vào đó, anh ta ngồi buồn bã, cắt móng tay mình và thả những mảnh vụn xuống sàn nhà.

    Một người phụ nữ lớn tuổi nói rằng cô ấy lo lắng cho đứa con của mình ở nhà và yêu cầu được rời đi, nhưng cô ấy được thông báo rằng không ai có thể đi cho đến khi tất cả mọi người được kiểm tra tình trạng nhập cư; cô ấy sau đó bị bắt.

    Một phụ nữ trẻ nói rằng tất cả tiền kiếm được (tiệm nail chỉ nhận tiền mặt) được đặt trong ngăn kéo cho đến cuối ngày; không ai chịu đưa ra một câu trả lời rõ ràng về cách thức hoặc số tiền họ được trả.

    Số liệu được công bố vào tháng trước cho thấy nỗ lực của chính phủ trong việc trấn áp chế độ nô lệ hiện đại vẫn đang thất bại, chỉ có 42 vụ xét xử liên quan đến nạn nô lệ và buôn người vào năm 2018, giảm từ 59 vào năm 2017 và 69 vào năm 2016 - mặc dù 6.993 nạn nhân tiềm năng được xác định, tăng 36% vào năm 2017.

    Bà Theresa May ban hành luật chống lại chế độ nô lệ hiện đại vào năm 2015, mô tả nó là “một trong những vấn đề nhân quyền nghiêm trọng nhất trong thời đại của chúng ta.” Một số người tỏ ra hoài nghi liệu mối quan tâm này về nạn buôn bán người có phải là sự lấp liếm của chính phủ đối với việc cắt giảm số lượng di cư ròng, và tạo ra một môi trường thù địch chống lại người nhập cư bất hợp pháp, nhưng hầu hết các tổ chức từ thiện đều hoan nghênh động thái ​​này.

    Tuy nhiên, kể từ đó, việc thiếu kinh phí để giải quyết tệ nạn này đã gây thất vọng lớn. Có rất ít vụ truy tố thành công nhắm tới các chủ sở hữu tiệm nail. Trong trường hợp điển hình duy nhất, hai năm trước, bốn cô gái tuổi teen được phát hiện đã bị buôn bán từ Việt Nam, bị buộc phải làm việc mà không được trả lương và ngủ trên gác xép phía trên tiệm Nail D. ở trung tâm Bath. Cảnh sát thường tuyên bố rằng các nạn nhân quá sợ hãi và không dám đưa ra bằng chứng chống lại những kẻ buôn người, nhưng từ hoạt động đột kích ở Southwark, có thể thấy rằng sự im lặng của họ đôi khi có thể chỉ đơn giản là do không có đủ thông dịch viên.

    Bên ngoài cửa hàng, nhiều cảnh sát viên đang thẩm vấn một người đàn ông Việt Nam trông có vẻ mệt mỏi. Anh ta nhìn qua phía sau tòa nhà, sau đó dõi theo diễn biến sự việc phía bên kia đường và gọi điện thoại. Cảnh sát yêu cầu anh ta bàn giao và mở khóa điện thoại.

    “Đó không phải là điện thoại của tôi,” anh ta nói với họ thông qua người thông dịch. “Một người phụ nữ nào đó đã đưa nó cho tôi.”

    “Anh làm ơn nói với anh ta rằng tôi chưa bao giờ nghe điều gì vớ vẩn như vậy,” sĩ quan cảnh sát nói, giơ điện thoại trước mặt người đàn ông để xem nó có mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt không.

    “Nói với anh ta rằng chúng tôi sẽ bắt giữ anh ta vì nghi ngờ trộm cắp điện thoại di động''. Người đàn ông mở khóa điện thoại và cảnh sát xem qua 20 cuộc gọi anh ta đã thực hiện và nhận được trong vòng 45 phút kể từ khi cuộc đột kích bắt đầu, trong đó một số các cuộc là gọi tới nhân viên bên trong cửa hàng và cảnh sát quyết định bắt giữ anh ta vì nghi ngờ có liên quan đến chế độ nô lệ hiện đại và buôn người.

    Ngay sau đó, một người đàn ông khác đến cửa tiệm, đẩy một em bé trong xe đẩy và nhìn các nhân viên bên trong qua cửa sổ. “Đây có phải là cửa hàng của anh không?” cảnh sát hỏi anh ta. Anh ta lắc đầu, nhưng khi được yêu cầu xuất trình ID, cảnh sát nhận ra anh ta chính là người được nêu tên là quản lý cửa hàng trên một thông báo dán bên trong. Một sĩ quan khác nhận lấy chiếc xe nôi, còng tay anh ta và nói: “Anh bị bắt vì tình nghi xếp đặt và tạo điều kiện cho chế độ nô lệ hiện đại. Chúng tôi sẽ chăm sóc em bé, đừng lo lắng.”

    Mẹ của em bé đã được đưa từ cửa tiệm ra một chiếc xe cảnh sát đang chờ. “Anh ấy bị bắt. Cô ấy cũng bị bắt. Chúng ta có mang em bé đến đồn cảnh sát không?”

    “Không nên làm thế. Chúng ta phải tìm người chăm sóc em bé.”

    Bên dưới tấm che mưa bằng nhựa của chiếc xe đẩy, em bé ló ra, vẫy tay chào trong bình yên.

    “Có ai khác có thể chăm sóc em bé không?” một nhân viên cảnh sát yêu cầu người phiên dịch hỏi người đàn ông, “Hãy hỏi anh ta: Có thành viên nào khác trong gia đình không? Khi nào thì bé cần thức ăn và đồ uống?”

    Tổng cộng, 13 người làm việc trong năm cửa hàng bị bắt vì nghi ngờ có liên quan đến nạn nô lệ hiện đại và buôn bán người, và bảy người khác bị bắt vì nghi ngờ nhập cư bất hợp pháp và sở hữu hàng buôn lậu, chủ yếu là thuốc lá.

    Năm trẻ em và chín người lớn được đánh giá là dễ bị tổn thương và được đưa đến một trung tâm tiếp nhận tạm thời. Sau đó, hội đồng nói rằng không ai được vào diện chăm sóc, bởi vì “cảnh sát không thể xác định được bất kỳ ai trong số đó là trẻ em,” mặc dù trước đó hồi đầu năm, 10 người được tìm thấy làm việc trong các tiệm nail của Southwark đã được xác nhận là trẻ em và được chỉ định người chăm sóc. Hiện chưa rõ tình hình em bé như thế nào.

    Ông Mark Rogers, thanh tra điều hành hoạt động đột kích của đơn vị tội phạm đặc biệt thuộc Sở cảnh sát Metropolitan, nói rằng ông hài lòng với mọi việc. “Buôn người, nô lệ hiện đại và bóc lột tình dục thường xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, và những kẻ thực hiện các hành vi phạm tội này thường bóc lột những người kém may mắn đã tìm đến đất nước này để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng biết rõ rằng những cá nhân này sẽ phải làm việc vất vả, nặng nhọc để nuôi sống bản thân.”

    Vậy thì, làm thế nào khách hàng có thể xác định một tiệm nail nào đó là đáng nghi? Kevin Hyland khuyên bạn nên để ý những điểm bất thường. “Giá cả đôi khi là một manh mối nhưng còn có những dấu hiệu khác nữa.” Các chỉ dẫn có được đưa ra thông qua bên thứ ba? Bạn có được yêu cầu: ''Ngồi xuống, và người đó sẽ làm móng tay cho bạn?'' Bạn phải tương tác được chút ít với nhân viên; liệu các nhân viên có liên tục giữ im lặng và không bao giờ tháo khẩu trang? Có một người đàn ông ngồi ở cửa, cư xử như người chỉ đạo?

    Tuy nhiên, cuối cùng, khách hàng không phải là người chịu trách nhiệm tìm hiểu mọi việc, ông lập luận, và các hội đồng nên hành động nhiều hơn để kiểm tra và đóng cửa các tiệm đáng ngờ. Hội đồng Southwark đã chủ động hơn hầu hết những nơi khác, nhưng họ chỉ ra rằng với việc cắt giảm 50% tài trợ của chính phủ trong thập kỷ qua, việc duy trì được hoạt động của các nhóm giám định chất lượng (trading standards) là một thách thức.

    Samantha Sweet, người điều hành Creative Nail Design, cho biết không thể biết tiệm nail giá rẻ nào đang tồn tại tình trạng bóc lột. “Nếu chúng ta biết nhiều hơn về những cơ sở giá rẻ này, tôi nghĩ chúng ta sẽ chọn những nơi khác. Một vài trong số họ hoàn toàn ổn và thuê nhân viên một cách hợp pháp. Nhưng tôi không nghĩ rằng người dân thực sự bận tâm tới chuyện đó; họ chỉ nghĩ rằng - vâng, nơi đó rất rẻ và phục vụ rất nhanh.” Cô cũng cho rằng giá làm gel polish ít nhất cũng phải 25 bảng. Tuy nhiên, cô nói “một phần của vấn đề là ở các tiệm giá rẻ, mọi người không nói chuyện với nhau – họ chỉ chìa một tay ra còn tay kia cầm điện thoại di động, và sau đó họ đổi tay.”

    Millie Kendall, Giám đốc điều hành của British Beauty Council, cho biết hai thập kỷ trước, bà chỉ biết đến hai tiệm làm móng ở London, nhưng các sản phẩm mới, (nối móng, đắp bột, shellac) và sự phát triển của xu hướng chia sẻ những bộ móng nghệ thuật trên Instagram đã giúp ngành công nghiệp này tăng tốc nhanh chóng với nhiều cửa hàng trên hầu hết các đường phố lớn. “Ngành dịch vụ này đã thay đổi ngoài nhận thức của chúng ta. Nghệ thuật làm móng đã thay đổi cuộc chơi và biến nó thành một ngành công nghiệp sáng tạo hơn. Mặt trái là các cửa hàng hầu như không được kiểm soát và đó là một vấn đề thực sự đối với chúng ta. Các sản phẩm chất lượng kém đang được sử dụng, mọi người bị nấm, các vấn đề về da và có nạn nô lệ.” Bà hy vọng chính phủ sẽ chuyển sang áp dụng cấp phép cho ngành nghề này.

    Mark Rogers nói rằng ông hy vọng việc truyền thông đưa tin về các vụ bắt giữ sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với những tội ác gây sốc này. Nhưng ngay cả khi mọi người biết về vấn đề này, họ vẫn có xu hướng không tin rằng nó liên quan đến cửa hàng họ thường lui tới; thật khó để hiểu rằng bạn có thể ở rất gần với một nạn nhân bị buôn bán, người đang nắm tay bạn và câm lặng sơn lên móng tay bạn.

    Bất chấp các chiến dịch rầm rộ của Southwark, các đánh giá online về những tiệm nail khác trong khu vực vẫn tiếp tục cho thấy dù khó chịu với rào cản ngôn ngữ, khách hàng vẫn không quan tâm miễn là giá rẻ. Bất chấp sự tiếp xúc thân mật trong quá trình làm móng khi tay và chân của họ được người lạ rửa và chăm sóc, nhiều người dường như không tò mò chút nào về các nhân viên, và mối quan tâm đối với phúc lợi của họ dường như không đáng kể. Một khách hàng viết: “Các nhân viên thô lỗ cả khi gặp mặt trực tiếp và trên điện thoại, một số người hầu như không nói tiếng Anh, bạn có thể thấy rõ họ không muốn làm công việc đó. Tôi đã làm cả móng tay và móng chân – chất lượng khá tầm thường.”

    VietHome (Theo The Guardian)

  • Việc các tiệm nails của người Việt bị Bộ Nội Vụ hay Council tới kiểm tra đã xảy ra thường xuyên, nhưng các tiệm nails Việt bị tổ chức Trading Standard ( Tổ Chức Giám Định Chất Lượng Bảo Vệ Người Tiêu Dùng ở Anh ) tới tận nơi kiểm tra chất lượng sản phẩm thì đây là lần đầu tiên VietHome thấy xảy ra ở Anh Quốc. 

    Vụ việc vừa diễn ra ở Camberwell, London đang rấy lên lo ngại ngành nails của người Việt sẽ có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới, khi mà các sản phẩm sử dụng trong tiệm nails bị soi xét kĩ hơn. Dưới đây là thông tin chi tiết vụ việc vừa xảy ra, VietHome đang muốn liên lạc với những người chủ này để hỏi rõ ràng tình tiết hơn nhưng chưa được. 

    Một tiệm nail ở Camberwell đã bị tước giấy phép vào ngày 16/1/2020 do vi phạm quá nhiều luật xoay quanh việc thuê người bất hợp pháp và sử dụng đồ nails không bảo đảm an toàn .

    Hồi tháng 4/2019, Lực lượng Biên phòng UK đã đột kích vào tiệm A. Nails trên đường Camberwell và phát hiện 4 người quốc tịch Việt Nam làm việc ở đây, 2 trong số đó di cư vào Anh bất hợp pháp.

    Một người chưa đủ tuổi. 2 người khác không được phép làm việc theo điều kiện nộp đơn xin tị nạn của họ.

    ''Người phụ nữ đứng sau quầy tính tiền đã cố gắng chạy trốn nhưng bị bắt trên phố'', cảnh sát cho biết trong bảng báo cáo với hội đồng địa phương. 

    Vào ngày 21/11/2019, cùng với Tổ Chức Giám Định Chất Lượng Trading Standards, cảnh sát đã tiến hành một vụ đột kích khác cũng tại tiệm nail này. Chỉ 1 trong 3 người có mặt ở tiệm là có giấy phép làm việc.  

    Trading Standards cũng tịch thu một lượng lớn chai gel móng tay để đem về kiểm tra. Kết quả ban đầu cho thấy các chai gel có chứa thành phần cấm có khả năng gây ung thư.

    Trước tòa, nữ đương sự khai rằng cô đã không biết về tình trạng nhập cư của những người bị bắt hồi tháng Tư, cô tuyển dụng thông qua trung gian.

    Khi các ủy viên hội đồng cho rằng những người Việt có mặt trong tiệm đều là nhân viên của tiệm, cô này phủ nhận, nói rằng họ là bà con của một người thợ có bằng nail.

    Cô cũng khẳng định mình không biết các sản phẩm gel trong tiệm chứa thành phần nguy hiểm vì cô mua từ một nail supply  '' có danh tiếng'' ở Peckham.

    Tuy nhiên, lời khai của đương sự không đủ thuyết phục cho những lỗi này và  đã bị toà bác bỏ  , tước giấy phép mở shop. 

    (Ảnh minh họa)

    Một tiệm khác là L. Nails cùng nằm trên đường Camberwell -  bị đưa ra tòa để xử xem chủ tiệm có được phép tiếp tục mở tiệm hay không. Tuy nhiên phiên tòa bị hoãn tới ngày 12/2 khi các ủy viên hội đồng phát hiện đương sự không hiểu tiếng Anh. 

    5 người Việt Nam đã bị bắt vì tội liên quan tới nhập cư tại shop này vào tháng 7 năm ngoái.  Một vụ đột kích khác vào tháng 10 lại khiến 2 người nữa bị bắt, và ''nhiều thợ nail khác không nằm trong diện được phép làm việc''.

    Một tiệm làm đẹp khác là Sabrina Beauty Salon ở Peckham's Rye Lane cũng phải ra tòa hôm nay, nhưng phiên nghe xử đã bị hoãn. 8 người Trung Quốc ở tiệm này đã bị bắt vào tháng 10 vì các tội liên quan đến nhập cư sau khi đi lậu vào Anh. 

    Cảnh sát đã đưa ra nhiều lo ngại về tình trạng bóc lột lao động ở 3 cơ sở này. 

    Những người thợ làm manicure, pedicure và nail extension ở Southwark buộc phải có ''bằng trị liệu đặc biệt''. 

    Ngành công nghiệp làm móng đang rơi vào tầm ngắm của nhà chức trách vì đây là cục nam châm thu hút nạn buôn người. 

    Các cơ quan sức khỏe cũng lo ngại tình trạng nhiễm hóa chất độc hại ở thợ nail, đau nhức xương khớp do phải ngồi khom lưng nhiều giờ. Các cơ sở không đạt chuẩn còn là cơ sở truyền mầm bệnh. 

    Viethome (theo Southwarknews)