• Mới có 5 tuổi nhưng cô bé đã phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc 2 người bà và cho cả bản thân mình.

    Trong cuộc sống không thiếu những câu chuyện về những đứa trẻ dù còn nhỏ nhưng đã sớm phải gánh vác những trọng trách vượt quá khả năng của mình. Do hoàn cảnh gia đình mà những đứa trẻ này phải trưởng thành sớm, phải chăm sóc và phụng dưỡng ông bà, công việc đáng lẽ ra phải do người lớn chịu trách nhiệm.

    be 5 tuoi cham soc ong ba 1

    Câu chuyện về cuộc đời của cô bé Anna Wang (5 tuổi) sống ở vùng núi xa xôi của thành phố Tuân Nghĩa, Tây Nam Trung Quốc cùng với bà ngoại ốm yếu và bà cố 92 tuổi khiến ai cũng phải xót xa.

    Không giống như những đứa trẻ cùng tuổi khác thường đi học hoặc vui chơi, Anna có trách nhiệm chăm sóc 2 người bà lớn tuổi của mình. Cô bé là người chăm sóc chính cho bà mình, đó là một vai trò mà cô bé phải đảm nhận do hoàn cảnh gia đình.

    be 5 tuoi cham soc ong ba 1

    be 5 tuoi cham soc ong ba 1
    Dù còn nhỏ tuổi nhưng cô bé phải chăm sóc cho cả 2 người bà.

    Khi Anna được 3 tháng tuổi, cha cô bé đi tù, người mẹ sau đó cũng tái hôn. Cô bé không thể theo mẹ nên được giao cho bà ngoại và bà cố chăm sóc. Dù chỉ mới 5 tuổi nhưng cô bé sớm phải làm công việc nhà và chăm sóc cho 2 người bà của mình.

    Cô bé là người đi kiếm thức ăn, nấu nướng, dọn dẹp, hỗ trợ bà mình trong sinh hoạt hằng ngày, bao gồm cả việc giúp họ đi vệ sinh.

    May mắn thay, một người hàng xóm tốt bụng cho phép cô bé hái rau từ ruộng nhà mình. Cứ như vậy 3 bà cháu sống cưu mang nhau qua ngày.

    be 5 tuoi cham soc ong ba 1
    Cô bé xem hình cha mình.

    Cả 2 người bà đều đã lớn tuổi, khả năng di chuyển hạn chế, phần lớn phải nằm liệt giường. Bà ngoại của cô bé phải vật lộn với căn bệnh viêm khớp mãn tính, chỉ cần cử động một chút đã cảm thấy đau đớn vô cùng.

    Không còn cách nào khác, cô bé phải sớm học những kỹ năng cần thiết để làm việc nhà. Hằng ngày, cô bé đều tự tay thái và luộc rau, sau đó giúp bà mình ăn.

    Ngoài ra, cô bé còn quét nhà, đỡ bà đi dạo ngoài trời. Điều đáng chú ý là khi làm những việc này, cô bé không hề phàn nàn, luôn mỉm cười, chỉ mong sao bà của mình được khỏe mạnh.

    be 5 tuoi cham soc ong ba 1
    3 bà cháu sống trong một căn nhà đơn sơ, ở vùng núi hẻo lánh phía tây nam Trung Quốc.

    Mặc dù cô bé có vóc dáng nhỏ bé nhưng có thể nấu ăn cho cả nhà bằng cách đứng trên ghế. Đó không phải là điều dễ dàng đối với một cô bé chỉ mới 5 tuổi. Ở độ tuổi này, trong khi bạn bè còn vui đùa hồn nhiên, cô bé đã sớm quen với việc lo cơm nước cho cả nhà.

    Dù cô bé đang giúp đỡ bà mình nhưng điều đó cũng có nghĩa cô bé bỏ lỡ niềm vui mà hầu hết trẻ em ở độ tuổi ấy đáng được hưởng.

    be 5 tuoi cham soc ong ba 1
    Cô bé buồn tủi khi nghĩ tới cha mẹ mình.

    Thông qua những bức ảnh về cuộc sống thường ngày của 3 bà cháu, có thể thấy rằng thực tế quá khó khăn đối với cô bé 5 tuổi này. Cô bé phải chăm sóc 2 người bà và không thể đến trường.

    Vì sớm trưởng thành nên cô bé biết hoàn cảnh của bản thân không giống như những đứa trẻ khác. Đối diện với thực tế như vậy buộc cô bé phải lớn nhanh, không được vô tư hồn nhiên như bao đứa trẻ. Cô bé cũng đã bỏ lỡ hết những trải nghiệm thời thơ ấu của mình.

    Câu chuyện về cô bé Anna khiến người ta quá xót xa thay số phận của một đứa trẻ 5 tuổi. Vì lầm lỡ của cha mẹ, vì hoàn cảnh nghèo khổ của gia đình... đã khiến cho một cô bé 5 tuổi sớm phải vất vả như vậy.

    Nhiều cư dân mạng bày tỏ rằng, cuộc sống khổ sở của 3 bà cháu sẽ tiếp tục kéo dài cho tới bao giờ, liệu cô bé ấy có được đi học hay không, tương lai sẽ như thế nào... Đó vẫn là một dấu chấm hỏi mà mọi người vẫn mong có được câu trả lời sớm nhất.

    Theo Phunuso

  • “Người thợ sửa ống nước tử tế nhất nước Anh” cùng nhóm của mình đã giúp hơn 52.000 gia đình, tương đương khoảng 2 triệu người trên khắp đất nước.

    Ông James Anderson, 54 tuổi, thợ sửa ống nước ở Anh, đang được ca ngợi như một người hùng thời hiện đại sau khi ông thành lập một doanh nghiệp xã hội và giúp đỡ hơn 2 triệu người nghèo ở Vương quốc Anh bằng những công việc nhỏ nhặt hằng ngày.

    Ông James điều hành DEPHER, một công ty vì lợi ích cộng đồng, chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ những người đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao đến 54% kể từ đầu tháng Tư năm nay. Công ty DEPHER chuyên sửa chữa khẩn cấp hệ thống ống nước và hệ thống sưởi cho người tàn tật và người cao tuổi đồng thời cung cấp dịch vụ về ống nước và sưởi ấm khẩn cấp, giao bưu kiện thực phẩm và chi trả cho tang lễ… Tất cả đều miễn phí.

    sua ong nuoc
    Ông Anderson đã giúp hơn 2 triệu người trên khắp nước Anh - Ảnh: GNN

    Ông Anderson có sáu người con và một cháu nội. Ông được gọi là “người thợ sửa ống nước tử tế nhất nước Anh” vì trong sáu năm qua, ông cùng nhóm của mình đã giúp hơn 52.000 gia đình, tương đương khoảng 2 triệu người trên khắp đất nước.

    “Chúng tôi cố gắng giúp mọi người nhận ra trên đời này vẫn có ai đó sẵn sàng giúp họ” - ông Anderson nói.

    Anderson nảy ý tưởng thành lập doanh nghiệp xã hội khi đang làm việc ở Burnley, Lancashire. Lúc đó, một người đàn ông lớn tuổi đã nhờ James sửa giúp chiếc nồi hơi của ông ấy sau khi nhận được báo giá 5.500 bảng Anh từ một công ty khác.

    “Công ty nọ đã cố gắng lừa đảo ông ấy dù ông ấy đã già và chỉ còn có thể nằm trên giường. Tôi đã can thiệp và tặng cho ông ấy một chiếc nồi mới chỉ với giá 1.000 bảng” - ông Anderson kể.

    Từ đó, ông thành lập DEPHER. Kinh phí hoạt động của công ty dựa vào một quỹ trên GoFundMe với nguồn đóng góp từ nhiều người trên thế giới.

    Theo phunuonline

  • Bác sĩ người Anh đo nồng độ oxy trong máu của hành khách bằng ứng dụng trên đồng hồ thông minh của tiếp viên hàng không.

    BBC đưa tin bác sĩ Rashid Riaz, 43 tuổi, làm việc tại Bệnh viện hạt Hereford ở Anh, đã cứu sống một hành khách bị bệnh trên máy bay. Vị bác sĩ đã sử dụng chiếc Apple Watch của một tiếp viên hàng không trong quá trình cấp cứu.

    Trên chuyến bay của Ryanair từ Birmingham (Anh) đến Verona (Italy) ngày 9/1, một phụ nữ khoảng 70 tuổi cảm thấy khó thở. Bác sĩ Riaz đã đi tới để giúp đỡ nữ hành khách sau khi thành viên phi hành đoàn hỏi liệu có bác sĩ trên máy bay hay không.

    bac si anh cuu nguoi
    Bác sĩ Rashid Riaz đã cứu sống một người phụ nữ với sự trợ giúp của Apple Watch. Ảnh: New York Post

    Người phụ nữ, chưa được công khai danh tính, có tiền sử bệnh tim. Bởi vậy, bác sĩ đã yêu cầu tiếp viên đưa chiếc Apple Watch để đo nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân. Bác sĩ Riaz kể: “Chiếc đồng hồ của Apple đã giúp tôi phát hiện bệnh nhân có độ bão hòa oxy trong máu thấp”. Anh đã sử dụng ứng dụng Blood Oxygen dành cho “mục đích tập thể dục và sức khỏe nói chung”.

    Theo thông tin từ trang web của Apple, ứng dụng này "không dành cho mục đích sử dụng y tế" nhưng đã rất hữu ích trong trường hợp khẩn cấp như trên.

    Bác sĩ Riaz yêu cầu phi hành đoàn cung cấp một bình oxy để ổn định độ bão hòa oxy trong máu của người phụ nữ cho đến khi họ hạ cánh xuống Italy. Sau khi máy bay tiếp đất, người phụ nữ được chăm sóc y tế và hồi phục nhanh chóng.

    “Tôi đã vận dụng kiến thức của mình để sử dụng thiết bị này trong chuyến bay. Đây là bài học về cách chúng ta có thể xử lý trường hợp khẩn cấp thông qua một thiết bị sẵn có”, bác sĩ Riaz chia sẻ.

    Vị bác sĩ hoan nghênh hãng hàng không về cách ứng phó nhanh chóng với tình huống bất thường. Tuy nhiên, anh khuyến nghị trên máy bay nên có các dụng cụ y tế cần thiết như máy đo độ bão hòa oxy, huyết áp… Bác sĩ Riaz nói thêm: “Những món đồ đó có thể cứu sống bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp”.

    Theo Vietnamnet

  • Eric Zhu, học sinh lớp 11 tại bang Indiana đồng thời là giám đốc điều hành công ty đầu tư mạo hiểm về lập trình.

    Chàng trai 16 tuổi người Mỹ gốc Hoa có mẹ là bác sĩ, bố là nhà khoa học. Từ nhỏ Zhu bị bố mẹ hạn chế sử dụng máy tính, mạng xã hội, kỳ vọng con trai trở thành bác sĩ hoặc luật sư tuy nhiên cậu chỉ quan tâm đến lập trình và chủ động học qua Internet.

    Năm 12 tuổi, Zhu lập công ty về công nghệ giáo dục, chuyên cung cấp các tài liệu, công cụ giáo dục cho học sinh trong thời gian ở nhà vì Covid-19. Nhờ phối hợp với trường học, công ty của cậu tiếp cận được lượng lớn học sinh.

    "Chúng tôi tập trung tạo ra nền tảng hỗ trợ việc học tập cho người dùng. Thời điểm đó có hơn 49.000 học sinh Mỹ trong danh sách chờ dùng thử", Zhu nói.

    Sau hai năm thử thách trong lĩnh vực kinh doanh, nam sinh quyết định bán công ty dù đang thu lợi.

    Eric Zhu 1
    Eric Zhu, 16 tuổi, đang là học sinh trung học và quản lý công ty riêng. Ảnh: Eric Zhu

    Năm 14 tuổi, Zhu tiếp tục trở thành nhà đầu tư quỹ mạo hiểm - người chuyên cung cấp vốn cho các dự án rủi ro cao. Nam sinh cùng hai nhà đầu tư khác là Tom Preston-Werner, người sáng lập GitHub và chủ sở hữu đội bóng rổ chuyên nghiệp Sacramento Kings của Mỹ, xây dựng Aviato - một công ty chuyên đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phát minh công nghệ và công nghệ bền vững.

    Ban đầu Aviato nhận được một triệu USD từ hai nhà tài trợ. Sau hai năm hoạt động, công ty được định giá hơn 20 triệu USD.

    Zhu tiết lộ bản thân không mất nhiều thời gian cho việc học bởi có phương pháp tiếp cận riêng. Cậu thường tranh thủ thời gian rảnh để làm việc.

    "Tôi không có thời gian giải trí hay tham gia các hoạt động xã hội như bạn bè, nhưng cơ hội và kinh nghiệm bản thân tích lũy khi đi làm sớm là xứng đáng", Zhu nói.

    Tuy nhiên vừa học vừa làm mang đến một số bất tiện. Không ít lần thời gian họp trên Zoom với khách hàng trùng với lịch học, khiến Zhu phải trốn vào nhà vệ sinh để giải quyết công việc.

    "Sau khi kết thúc buổi họp, một số khách hàng nói đã nhìn thấy tôi ngồi trong nhà vệ sinh và liên tục nghe thấy tiếng xả nước. Họ nghĩ tôi gặp các vấn đề về sức khỏe và đã viết thư hỏi thăm", chàng trai 16 tuổi kể.

    Eric Zhu 1
    Eric Zhu, 16 tuổi, thường xuyên trốn vào nhà vệ sinh trong trường học để làm việc. Ảnh: Eric Zhu

    Thời gian gần đây, bố mẹ Zhu rất tức giận khi nhận thông báo từ giáo viên phát hiện con trai thường trốn vào nhà vệ sinh để làm việc riêng. Điều này khiến nam sinh phải viết cam kết với bố mẹ không xin ra ngoài trong giờ học, nếu không muốn bị tịch thu toàn bộ máy tính, điện thoại.

    Hiện, giám đốc 16 tuổi đang tập trung vào việc học như theo mong đợi của phụ huynh. Nhưng anh dự định khi thi đỗ đại học sẽ thuyết phục bố mẹ để chuyên tâm theo đuổi công việc kinh doanh.

    Là giám đốc điều hành công ty trị giá 20 triệu USD ở tuổi 16, Zhu khuyên người trẻ đừng ngại khám phá để tìm ra niềm đam mê và sở thích của bản thân.

    "Thay vì sợ rủi ro mà hãy coi mỗi lần thất bại là cơ hội để học tập. Tuổi tác không phải là rào cản để theo đuổi ước mơ. Hãy cứ cống hiến, kiên trì và sẵn sàng học hỏi, bạn sẽ đạt được thành công trong cuộc sống", Zhu nói.

    VnExpress (Theo cnbctv18, asianfounders, ABJ)

  • Một cặp vợ chồng ở West Sussex, Anh sau khi có cùng nhau 5 người con ruột đã nhận nỗ lực nuôi dạy thêm tới 615 đứa con nuôi suốt 56 năm qua.

    Pauline, 81 tuổi và Roger Fitter, 86 tuổi kết hôn năm 1965. Họ nhanh chóng có con trai đầu lòng. Tuy nhiên là một y tá luôn muốn giúp đỡ trẻ em, Pauline đã đề nghị với chồng được làm công việc nuôi dưỡng những đứa trẻ ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên…cùng với việc nuôi dạy 5 đứa trẻ của riêng họ trong một ngôi nhà bốn phòng ngủ.

    cap vo chong nuoi tre 1

    Pauline nói với Mirror rằng bà nhớ tên, lưu giữ các bức ảnh và hồ sơ sinh nhật của tất cả những người con nuôi của họ.

    Pauline nói: “Mỗi đứa trẻ đều để lại dấu ấn riêng của chúng. Chúng đã sống như một phần của gia đình. Nếu chúng ta hoàn thành tốt công việc của mình thì chúng sẽ đủ tự tin bước vào một cuộc sống mới độc lập. Khá nhiều người gửi thiệp Giáng sinh cho chúng tôi. Chúng tôi thích và yêu tất cả các con của mình nhưng bạn biết đấy, chúng tôi phải để chúng đi. “

    Họ sẽ không bao giờ quên niềm vui của mình khi lũ trẻ đòi một nụ hôn chúc ngủ ngon hay âm thanh hạnh phúc của chúng khi hát và cười đùa.

    Nhưng như mọi bậc cha mẹ đều biết, việc chăm sóc con cái không phải lúc nào cũng dễ dàng và nỗ lực 56 năm qua giúp họ biết những cách xử lý trơn tru trong những tình huống khó khăn nhất của việc nuôi dạy con cái.

    Pauline không thể nào quên những khoảnh khắc dựng tóc gáy bao gồm lần một cô bé chỉ mới 7 tuổi khiến một chiếc giỏ đựng giấy vụn bắt lửa, một cậu bé cầm kéo định cắt dây điện, những vụ đánh lộn, trèo cây, mái nhà…

    cap vo chong nuoi tre 1

    Mỗi đứa trẻ được phát quần áo và giường mới để giúp chúng cảm thấy được chào đón. Pauline không bao giờ khâu thẻ tên vào quần áo để đảm bảo chúng không cảm thấy bị thể chế hóa. Thay vào đó, họ nhớ lại ai là người sở hữu từng món quần áo. Trong khi các món ăn giống nhau được phục vụ cho tất cả mọi người vào giờ ăn.

    Pauline nói: “Đôi khi có một đứa trẻ ghen tị với con ruột của chúng tôi. Nếu một món đồ chơi bị lấy đi, chúng tôi sẽ giải thích cho con cái của chúng tôi tại sao các bạn làm điều đó và giải thích cho đứa con nuôi rằng chúng không cần phải làm điều đó. Các con của chúng tôi đã rất hiểu chuyện và phối hợp.”

    Những đứa trẻ cặp đôi từng chăm sóc hiện sống tại Anh cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, nhưng liên lạc giữa họ và những người con luôn được thông suốt.

    Pauline nói: “Tôi luôn gửi cho chúng những tấm bưu thiếp để chúng biết rằng chúng không bị lãng quên.”

    “Một cậu bé rời ngôi nhà của chúng tôi khi mới 13 tuổi bằng cách nào đó đã nhớ hai năm sau đó là ngày kỷ niệm đám cưới bạc của chúng tôi và cậu ấy đã trở về với một món quà đầy xúc động.”

    “Một cậu bé khác trong quân đội đến gặp chúng tôi vào mỗi cuối tuần trước khi tiếp tục chiến đấu ở Falklands. Cậu ấy đã viết những tấm bưu thiếp cực kỳ chi tiết về những gì mình đã thấy.”

    Mặc dù đã tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của rất nhiều trẻ em, Pauline và Roger, những người vẫn làm việc với tư cách là nhà tư vấn lâm nghiệp tư nhân, khẳng định họ không làm gì đặc biệt.

    Ngôi nhà của Fitters giờ đây lần đầu tiên yên tĩnh trong nhiều thập kỷ sau khi họ quyết định đã đến lúc kết thúc sứ mệnh và dành chút thời gian cho bản thân. Một bể bơi nằm ở cuối khu vườn thay chỗ cho tấm bạt lò xo, xích đu và cầu trượt. Họ đang tận hưởng những giây phút thanh nhàn và dõi theo những người con trên khắp mọi miền.

    Theo Trithucvn

  • Tỷ phú dùng hết tài sản để làm từ thiện, đặc biệt quỹ của ông từng góp cho Việt Nam một khoản tiền để cải thiện y tế. Vị tỷ phú đáng kính này còn là tấm gương để Bill Gates nể phục.

    Chuck Feeney 1

    Tiền nhiều để làm gì? Có một dạo nhiều người trăn trở trước câu hỏi này. Nếu nhìn vào trường hợp của tỷ phú Chuck Feeney hẳn sẽ rõ: tiền nhiều để từ thiện giúp đời. Tỷ phú Chuck Feeney từ thiện hết tài sản. Cả đời, ông chỉ trăn trở một điều, làm sao để trao hết tài sản kếch xù đang có để giúp đỡ mọi người trên thế giới. Ước tính ông đã quyên góp gần 8 tỷ USD để từ thiện và đáng quý chính là lối sống đặc biệt đến mức bị nhiều người gọi đùa “keo kiệt” của ông. 

    Chuck Feeney chỉ mong muốn có thể “trao hết đi khi đang còn sống” vì ông tâm niệm bản thân đến với cuộc đời lúc tay trắng thì khi ra đi cũng nên trắng tay, tiền của nên để lại giúp ích cho đời. "Bạn luôn cảm thấy lo lắng vì sở hữu quá nhiều tiền, còn chúng tôi thì biết cách làm sao để đồng tiền ấy trở nên có ý nghĩa", vị tỷ phú này từng chia sẻ trên báo như thế. 

    Đâu phải ai ở đời cũng suy nghĩ và hành xử được như ông. Chúng ta thường tham đắm vật chất, chứ mấy ai đủ tỉnh táo để trao đi hết tiền của để ngày ra đi được thanh thản. Chúng ta thường suy tính làm sao để càng nhiều tiền càng tốt rồi sử dụng chúng để phục vụ các nhu cầu bản thân, chứ mấy ai nghĩ cách kiếm nhiều tiền rồi giúp đời. Nói thế để thấy tư tưởng của Chuck Feeney mới vĩ đại và đáng kính nể làm sao. 

    Khoảng 8 tỷ USD (khoảng 200 nghìn tỷ đồng) của Chuck Feeney đã được trao đi để phát triển giáo dục, y tế công, nhân quyền hay nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới. Đặc biệt, quỹ Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương) của ông đã từng giúp đỡ cải thiện hệ thống y tế công tại Việt Nam. 

    Trăn trở trao hết tiền của cho người đời là vậy, nhưng tỷ phú Chuck Feeney lại sống rất tằn tiện và không chi xài hoang phí. Có ai nghĩ, ông thường di chuyển bằng xe buýt, mang theo mấy cuốn sách trong chiếc túi nhỏ thay vì xe hơi đời mới bóng lộn đắt tiền. Hay như việc ông ít khi ăn ở nhà hàng sang trọng tại New York (Mỹ), thay vào đó thường ăn tại một quán nhỏ bình dân. Quần áo hàng hiệu cũng là điều không bao giờ thấy ở tỷ phú Chuck Feeney vì ông chỉ ưa diện kính mắt cũ, đồng hồ đeo tay có giá chưa tới 15 USD (tầm 350 nghìn đồng). 

    Vậy đó, ông hào phóng với người đời, chi 8 tỷ USD để cho hết mà lại “keo kiệt” với bản thân. Nhưng hành xử này của ông lại càng khiến nhiều người ngả mũ bái phục, trong đó có tỷ phú Bill Gates. Cũng làm từ thiện rất hào phóng nhưng bill Gates phải gọi Chuck Feeney là “sư phụ”. 

    Chuck Feeney 1
    Tỷ phú Chuck Feeney và vợ. (Ảnh: NetWorthBuzz)

    Không chỉ trao hết tài sản cho người nghèo khó và sống rất giản dị, chi xài chừng mực, tỷ phú Chuck Feeney còn khiến người khác bái phục khi biết ông luôn từ chối việc công khai danh tính khi từ thiện. Không có chiếc cúp hay bằng khen nào dành cho ông dù ngần ấy số tiền chi ra để hỗ trợ mọi người vì ông từ chối hết. 

    Ông không cần đánh bóng tên tuổi hay được nhiều người ca tụng như vĩ nhân khi làm từ thiện. Nhưng chính sự khiêm nhường, đức độ ấy càng khiến ông như “vĩ nhân”, để lại cho đời một trái tim quá bao la và nhân từ cùng lối sống rất đặc biệt mà không phải ai cũng có được. 

    Nhìn chuyện đời của một tỷ phú cho hết tài sản để giúp người vô cùng đáng kính khiến chúng ta nhận ra rằng, niềm vui từ việc trao đi hóa ra rất trong lành, nhẹ nhàng và rất đáng để mọi người chung tay thực hiện. Hãy giúp người khó bằng cả tấm lòng chân thành, trong khả năng cho phép của bạn. Không cần đợi đến khi giàu có như tỷ phú bởi điều quan trọng là giàu từ tấm lòng nhân ái chứ không phải giàu ở túi tiền đang có.

    Theo Webtretho

  • Một triệu phú người Canada đã xây dựng 99 căn nhà nhỏ ngay tại thị trấn của mình để góp phần giải quyết vấn đề vô gia cư ở địa phương. 

    99 ngoi nha 1

    Sau khi bán công ty của mình và nhận được 8 con số, Marcel LeBrun trở thành triệu phú và quyết định dùng tiền của mình để giải quyết một vấn đề nan giải. 

    Tại thị trấn Fredericton (New Brunswick, Canada), có ít nhất 1,800 người bị vô gia cư ít nhất 1 ngày trong năm ngoái. Nhằm giải quyết một phần vấn đề này, LeBrun đã bỏ ra 4 triệu bảng để xây dựng dự án cộng đồng "12 Neighbours". Dự án này bao gồm 99 căn nhà nhỏ cho người gia cư sinh sống. 

    99 ngoi nha 1
    Mỗi căn nhà được thiết kế trong xưởng trước khi mang đến lắp ráp trên nền móng. Ảnh: CBC

    Dù căn nhà khá nhỏ, nhưng bên trong có 1 góc bếp, 1 phòng tắm, giường ngủ, bàn ghế. Bên ngoài có mái hiên và tấm pin năng lượng mặt trời. 

    Hiện LeBrun đã hoàn thiện 1/3 dự án. Anh cũng đã xin được 12 triệu đô viện trợ từ chính phủ. LeBrun cho biết anh lắp ghép các chi tiết của căn nhà ở tại xưởng trước khi mang đến và dựng lên trên nền móng bê tông. 

    Anh nói: "Tôi xem mình là một thợ xây cộng đồng, chúng tôi không chỉ xây nhà mà là xây 1 cộng đồng nhỏ trong 1 thành phố lớn, để giúp thành phố tốt đẹp hơn". 

    LeBrun tin rằng việc có nhà ở sẽ giúp con người sống có trách nhiệm. Tuy nhiên một số người lại cho rằng nên để người vô gia cư hòa nhập vào cộng đồng thay vì xây cho họ một khu nhà ở riêng, với cổng rào riêng thành một cộng đồng khép kín.

    99 ngoi nha 1
    Marcel LeBrun đang trên đường hoàn thành mục tiêu 99 căn nhà. Ảnh: CBC

    Bên cạnh 99 căn nhà, LeBrun còn lên kế hoạch xây dựng một trung tâm cộng đồng do người dân tiếp quản giống như một doanh nghiệp, có cả quán cà phê, lớp dạy nấu ăn, công ty in lụa nơi mọi người có thể tham gia làm việc.

    Mục đích cuối cùng của anh là xây dựng một nơi mà người dân ở thị trấn có thể tới uống cà phê và tham gia công việc in lụa. 

    99 ngoi nha 1

    Viethome (theo ladbible)

  • Năm Thương chuẩn bị vào lớp 1, bà Bình đã từ bỏ ý định tìm lại mẹ ruột cho đứa cháu mà bà hết lòng chăm bẵm bấy lâu.

    Bảo mẫu nhận trông thuê theo tháng, ai ngờ kéo dài 18 năm

    Bà Đặng Thị Bình (sinh năm 1955, hiện đang sống ở Hưng Yên) không bao giờ quên được ngày 22/2/2005 (tính theo âm lịch). 18 năm qua, bà khắc sâu ngày này vào tim, không chỉ vì đó là ngày ăn hỏi của con gái, mà còn là ngày cô bé Hoàng Huyền Thương (sinh năm 2003) chính thức trở thành cháu của bà.

    Bà Bình làm nghề trông trẻ thuê hồi năm 2002, ở trọ tại Long Biên. Bà mát tay, trông nhiều em bé, khéo cho ăn, chăm bẵm cẩn thận nên cũng gọi là có chút tiếng thơm ở khu vực đó. Tới đầu năm 2004, khi bé Thương được 5 tháng tuổi, mẹ em đến tìm bà Bình thuê bà trông.

    Bình thường, bà chỉ nhận trông bán trú, lấy công 300.000 đồng/tháng. Với bé Thương, mẹ em gửi bà 1 triệu đồng để trông cả ngày lẫn đêm. Lý do đưa ra là mẹ em đang phải chữa bệnh, không thể đón về chăm.

    bao mau nuoi chau 1
    Đứa trẻ bị bỏ lại đã trở thành "báu vật" của người bảo mẫu

    Hồi đó mẹ con bé ở trọ khu khác chứ không phải khu của tôi, cũng trong quận Long Biên. Cô ấy cứ tha thiết nhờ, tâm sự hoàn cảnh, mà hồi ấy tôi cũng không có tiền, thấy trả công cao nên nhận. Thời gian đầu, khoảng 2 - 3 ngày mẹ đến thăm con một lần, tôi cũng thấy yên tâm. Sau vãn dần, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là bận rộn quá, hoặc cần điều trị bệnh dài ngày nên ít qua lại”, bà Bình nhớ lại.

    Theo lời bà, từ trong Tết âm lịch 2005, mẹ của Thương đã không về thăm con. Cho đến ngày 22/2/2005 âm lịch, vì cần về quê dài ngày, muốn xác nhận xem mẹ có đón được Thương không, hay bà sẽ mang bé về quê, bà Bình gọi điện thì đã không còn liên lạc được nữa.

    Bà đành cắp con bé hơn 1 tuổi về quê, vừa lo đám hỏi cho con gái, vừa trông nom cháu. Sau đó nhiều ngày, bà liên tục tìm cách liên lạc, dò hỏi thông tin tìm lại mẹ cho Thương, nhưng vô vọng.

    Có người hiếm muộn muốn xin Thương về nuôi, bà không chịu. Người xung quanh bảo gửi cháu vào trại trẻ mồ côi, bà cũng không đành lòng.

    Tôi chỉ sợ mẹ con bé một ngày nào đó về đòi lại con, tôi mang con bé đi đâu khác thì lúc đấy lấy đâu ra cháu mà trả. Người ta thuê mình trông chứ có bảo là cho con cho mình đâu mà mình có quyền định đoạt.

    Có những người thương muốn nhận đỡ đầu, tháng cho vài trăm, tôi cũng không dám cầm, vì sợ tranh chấp. Ai thương hai bà cháu, cho quà thì tôi nhận, tiền thì tôi chối. Tôi đi nhặt rác, ve chai, lau nhà thuê, trông trẻ thêm, đến khi cho con bé vào mẫu giáo thì cũng đỡ hơn một tí.

    Nuôi từ thuở bé mến chân mến tay, nhiều đêm hai bà cháu ôm nhau, nghĩ giận mẹ nó bao nhiêu lại thương cháu bấy nhiêu. Cũng may con bé ít ốm”, bà Bình hồi tưởng lại.

    bao mau nuoi chau 1
    Huyền Thương hồi nhỏ và bà Bình - người bảo mẫu đã nuôi em hơn 18 năm

    Bà vẫn nghe ngóng tìm lại mẹ cho cháu gái, có khi tìm được đến nhà trọ, nhưng chưa bao giờ giáp mặt được người phụ nữ ấy. Cho đến khi có người hàng xóm sang tai rằng mẹ Thương thỉnh thoảng vẫn đến nhà trọ của bà, đến trường mẫu giáo của Thương để nhìn trộm con, biết là bà buộc tóc hai bên cho cháu rất xinh, biết là thứ bảy con được nghỉ, đi theo bà đi làm, bà Bình từ bỏ ý định tìm kiếm. “Vì tôi biết, người ta quyết bỏ con đi rồi, nên thôi, tìm làm gì nữa. Cháu là cháu mình rồi, thì tôi cứ thế nuôi theo sức của mình”.

    Giấy khai sinh “trị giá” 1 tỷ đồng và gia đình mới của Thương

    Xin cho Thương đi học mẫu giáo không quá khó, vì bà Bình cứ ra trường trình bày với trường, với cô, người ta thông cảm. Nhưng khi con bé học hết lớp 5 tuổi, bà ngày nào cũng khóc. Vì các bạn 5 tuổi cùng lớp được gửi hồ sơ đi học hết rồi, còn mỗi cháu bà bơ vơ, không có giấy tờ gì.

    Bà ra trường tiểu học khóc, ra phường, ra quận khóc để xin giấy tờ cho Thương làm giấy khai sinh và đi học. Khóc mãi đến mức cán bộ quen mặt. Gặp ai hỏi thăm bà cũng kể cặn kẽ chuyện của Thương, và thú nhận mình chẳng có gì làm bằng chứng cho chuyện đó, chỉ có các hàng xóm lâu năm và trường mẫu giáo của con bé biết chuyện.

    Có lần, bà ngồi tỉ tê với một người đàn ông, khóc mếu rằng: “Nếu bác cho tôi chọn giữa 1 tỷ bày ra trên bàn này và giấy khai sinh cho cháu, thì tôi vẫn nhất quyết chọn giấy khai sinh, để cho cháu được đi học hợp pháp”. 

    Bà không ngờ, người đó là cán bộ tư pháp quận, đến để tìm hiểu hoàn cảnh hai bà cháu. Sau đó ít lâu, Thương có giấy khai sinh thật - tờ giấy khai sinh mà bà Bình đến giờ vẫn bảo, trị giá 1 tỷ đồng.

    bao mau nuoi chau 1
    Bà Bình hiện tại và giấy khai sinh "trị giá 1 tỷ đồng" của Huyền Thương

    Có dạo, con gái bà Bình sinh liền hai cháu ngoại. Bà mang cả Thương về ở cùng nhà. Thương vô thức gọi cô bằng “mẹ”, coi hai em như là em mình. Con rể bà Bình đi làm xa, cuối tuần mới về, con bé gọi bằng “chú”. Bỗng một ngày, con rể bà về, bảo bà Bình bế cháu ngoại vào buồng để nói chuyện riêng với Thương.

    Lúc đó nói thật là tôi sợ lắm, sợ bọn trẻ con ở nhà chành chọe nhau, trẻ con mất lòng người lớn, rồi con rể tôi nó xử lý con này (bé Thương - PV). Bế cháu ngoại vào mà tôi cứ đứng rình xem có gì để còn lao ra can thiệp.

    Hóa ra con tôi nó phân tích với con bé chuyện xưng hô, hỏi Thương muốn gọi vợ chồng con tôi là bố mẹ hay chú dì, để cho khớp nhau. Thương nó suy nghĩ rồi bảo con sẽ gọi là bố mẹ. Bảo thế thôi chứ tiếng “bố” nó cũng mãi mới quen được, cứ rơi rụng đâu đâu (cười). Sau mấy tháng thì coi như Thương có bố mẹ mới. Giờ nó vẫn gọi thế đấy”, bà hào hứng kể.

    bao mau nuoi chau 1
    Bố mẹ nuôi bế Thương hồi còn nhỏ

    Bà cũng bảo, ước mơ của bà tuổi về già không phải là mong an nhàn, các con cho đồng quà tấm bánh, mà chỉ đau đáu nghĩ về Thương, mong cháu học xong rồi làm cô giáo, có người yêu rồi lấy chồng sinh con, thế là bà hạnh phúc lắm rồi.

    “Mẹ không đem em đi, biết đâu lại là may mắn”

    Huyền Thương giờ đã là sinh viên năm 3, đi học tại Vĩnh Phúc, cuối tuần lại về Hưng Yên thăm bà và bố mẹ. Cô bé tiết lộ, cũng có một giai đoạn, bà Bình đã tìm được bố ruột của Thương. Không phải để “đẩy” cháu đi, mà là để cho Thương biết về nguồn cội. Nhưng Thương từ chối gặp lại nhiều năm nay, vì trong lòng cô bé, chỉ có bà Bình và gia đình bà mới thực là người thân.

    Cô bé thực sự biết cặn kẽ chuyện của mình, biết bà Bình không phải bà ruột vào năm lên 9 tuổi, khi học lớp 3. Đó là lần đầu tiên câu chuyện của hai bà cháu được đăng tải trên báo.

    bao mau nuoi chau 1
    Sau 18 năm, cô bé đã trở thành sinh viên năm 3

    Lớp trưởng đọc bài báo to trước cả lớp như một tấm gương sáng cho các bạn noi theo. Tối hôm đó về nhà, Thương bỏ ăn, nằm quay mặt vào tường khóc nức nở. Những hôm sau đến lớp, cô bé khép mình, không nói chuyện với ai. Mãi về sau, từ bà Bình, bố mẹ nuôi đến cô giáo động viên, bà cũng khẳng định rằng chuyện đó không ảnh hưởng gì đến tình cảm của bà, cô bé mới đỡ dần.

    Rồi cũng năm Thương 9 tuổi, thấy xưởng gạch thuê người bốc xếp, Thương trốn bà ra đó làm thuê. Bà Bình đi tìm mãi mới thấy. Nhìn thấy tay cháu sưng rộp, rớm máu, bà giận sôi máu, nhưng hiểu nỗi lòng cháu, chỉ trách mắng rồi ôm vào lòng, cùng nhau khóc.

    bao mau nuoi chau 1
    Thương luôn khẳng định, em thấy may mắn vì có bà ở bên

    Ngày qua tháng lại, khi những khó khăn không quật ngã được hai bà cháu, giờ thì Thương đã sắp ra trường đi làm như mong ước của bà Bình. “Em thấy mình may mắn lắm, vì em được bà nuôi. Em chưa bao giờ thực sự có mẹ, không biết đến tình cảm của mẹ, nên luôn nghĩ năm ấy mẹ đã lựa chọn sáng suốt khi để em cho bà nuôi. Nếu mẹ mang em theo, chưa chắc em đã được hạnh phúc. Bà nghèo nhưng chưa bao giờ để em phải chịu đói, chịu lạnh.

    Bà em cũng có tư tưởng khá thoáng, luôn muốn những gì tốt nhất cho em, để cho em được tự do phát triển. Em định sau này khi kết hôn, em sẽ nói với gia đình chồng để đưa bà về sống cùng, để em có thể chăm sóc cho tuổi già của bà. Bà là gia đình, là người thân của em, em không muốn bị chia tách khỏi bà”, Thương quả quyết.

    bao mau nuoi chau 1
    Thương mong sau này kết hôn vẫn được đón bà về ở cùng

    CafeF (nguồn ảnh: VTC Now)

  • Tờ The Telegraph của Anh đăng bài viết cho thấy hệ thống giáo dục của Việt Nam có hiệu quả rõ rệt và điều này có thể là bài học cho các nước khác.

    tre em viet hoc gioi 1
    Báo The Telegraph đăng tải bài viết về giáo dục Việt Nam ngày 29/8/2023.

    Hàng năm vào ngày 20/11, trẻ em ở Việt Nam mua hoa và hân hoan chúc mừng thầy cô giáo trong ngày lễ tôn vinh họ trên toàn quốc giống như lễ mừng ngày của cha, mẹ ở Anh.

    Tiến sĩ Phùng Đức Tùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mê Kông tại Hà Nội cho biết: “Mọi người ở Việt Nam đều biết ngày này. “Các thầy cô coi đây là một ngày rất quan trọng nên họ rất tự hào về nghề nghiệp của mình. Xã hội cũng vậy, đó là cách chúng tôi thể hiện sự tôn trọng.”

    Ông cho biết thêm, những khoảnh khắc như thế này đã tiếp sức cho hệ thống giáo dục Việt Nam đạt hiệu quả rõ rệt. Theo Ngân hàng Thế giới, trẻ em Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn cùng lứa ở các quốc gia Đông Nam Á giàu có hơn trong các bài đánh giá về đọc và khoa học, mà còn vượt trội so với Anh, Nhật Bản và Na Uy.

    Việt Nam cũng đã đi ngược lại xu hướng tiêu chuẩn bị sụt giảm ở các nước đang phát triển. Một nghiên cứu năm 2022 về tỷ lệ biết chữ của phụ nữ do Trung tâm Phát triển Toàn cầu thực hiện cho thấy chất lượng giáo dục đã giảm ở 2/3 các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình kể từ những năm 1960, gồm Nigeria, Ấn Độ và Bangladesh. Việt Nam là một trong số ít quốc gia cải thiện được vấn đề này.

    Các chuyên gia nói rằng việc hiểu lý do tại sao đất nước này hoạt động tốt như vậy có thể giúp các chính phủ khác có nguồn lực hạn chế thúc đẩy hệ thống giáo dục của chính họ. Điều này rất quan trọng cho cả nền kinh tế và mỗi cá nhân.

    tre em viet hoc gioi 1
    Ở tuổi lên 8, trẻ em Việt Nam học ở trường nhiều hơn so với các bạn cùng lứa ở Peru, Ấn Độ và Ethiopia. (Ảnh: Tony Wood/Alamy Stock Photo)

    Bất chấp những tiến bộ vượt bậc kể từ thiên niên kỷ này, hơn 240 triệu trẻ em ở các nước đang phát triển vẫn không được đến trường, trong đó có 100 triệu trẻ em ở khu vực châu Phi cận Sahara và 85 triệu trẻ em ở Trung và Nam Á. Điều này gây ra những hậu quả to lớn cho tương lai của các em.

    Theo UNESCO, tỷ lệ nghèo đói toàn cầu sẽ giảm một nửa nếu tất cả người lớn hoàn thành giáo dục trung học. Một đứa trẻ sinh ra có mẹ học xong trung học sẽ có khả năng sống sót sau sinh nhật thứ 5 cao hơn 31%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới ước tính thu nhập sẽ tăng thêm 10% nếu một người hoàn thành thêm một năm học.

    Tuy nhiên, việc xác định chính xác bí quyết thành công của Việt Nam không hề dễ dàng.

    Tiến sĩ Abhijeet Singh, phó giáo sư tại Trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) là người có nghiên cứu tập trung vào hệ thống trường học ở các nước đang phát triển. Ông cho biết: “Thành thật mà nói, tôi không nghĩ ai đó có câu trả lời hoàn toàn cụ thể”. “Nhưng điều cực kỳ rõ ràng ở Việt Nam là với nguồn lực hạn chế, chúng ta vẫn có thể có được các kỹ năng ngôn ngữ và định lượng cần thiết ngang bằng với các nước phát triển.”

    Kỷ luật đối với giáo viên

    Tất nhiên, có nhiều cách giải thích khác nhau cho sự thành công, trong đó nổi bật nhất là chất lượng và sự cống hiến của đội ngũ giáo viên trong nước. Giáo viên không chỉ được tôn trọng, điển hình là các ngày lễ tôn vinh họ, mà họ còn là sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ tốt và được đào tạo thường xuyên, thực tế. Những yếu tố này đều góp phần mang lại hiệu quả.

    Giáo sư Paul Glewwe, giáo sư kinh tế tại Đại học Minnesota là người đã dành nhiều năm nghiên cứu giáo dục ở những nơi có thu nhập thấp. Ông cho biết ở các nước đang phát triển khác, có rất nhiều bằng chứng cho thấy cứ 5 giáo viên thì có 1 giáo viên không đến lớp vào bất kỳ ngày nào. Tuy nhiên ở Việt Nam, giáo viên phải tới lớp nếu không họ sẽ gặp rắc rối. Hệ thống giáo dục ở đây được vận hành có kỷ luật thực sự.

    Điều này một phần là do bộ máy Đảng Cộng sản rất coi trọng giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chương trình xóa mù chữ cho đại chúng ngay sau khi lên nắm quyền. Ông tin rằng “một dân tộc mù chữ là một dân tộc yếu” và cho rằng học tập là hoài bão cả đời.

    Theo truyền thông địa phương, việc coi trọng giáo dục trên vẫn tồn tại, với khoảng 18% ngân sách nhà nước chi cho giáo dục. Những giáo viên chấp nhận công việc ở nông thôn cũng được trả lương cao hơn, trong nỗ lực chống lại sự bất bình đẳng giữa thành phố và nông thôn. Không giống như các quốc gia khác có mức thu nhập tương đối, các bé gái thực sự vượt trội hơn các bé trai ở trường tiểu học và trung học.

    tre em viet hoc gioi 1
    Trẻ em Việt Nam chụp ảnh cùng giáo viên trong ngày tri ân các nhà giáo dục hàng năm của đất nước. (Ảnh: Tân Hoa Xã/Alamy Stock Photo).

    Tiến sĩ Hải-Anh H Đặng, một thành viên thỉnh giảng tại Trường Kinh tế London (Anh), cho biết, trong hệ thống trường học, phụ nữ có quyền bình đẳng như nam giới.

    Ngoài ra còn có những phần thưởng dành cho giáo viên dạy tốt, bao gồm các giải thưởng danh giá “giáo viên xuất sắc” dành cho người dạy giỏi nhất. Trong khi đó, hiệu quả công việc và sự thăng tiến của giáo viên cũng dựa trên thành tích học tập của học sinh.

    Tất cả điều này tạo ra kết quả trong lớp học. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Singh, khi 8 tuổi, trẻ em Việt Nam học ở trường nhiều hơn so với các bạn cùng lứa ở Peru, Ấn Độ và Ethiopia. Nghiên cứu này đã phân tích các bài kiểm tra giống hệt nhau được học sinh ở các nước thực hiện. Kết quả cho thấy học thêm một năm ở Việt Nam có thể giúp tăng khả năng giải một bài toán đơn giản của một đứa trẻ lên 21%, so với chỉ 6% ở Ấn Độ.

    Tiến sĩ Singh cho biết, một năm học ở Việt Nam rất khác biệt, dường như nó mang lại cho bạn lượng kiến thức gấp đôi so với một năm ở Ấn Độ hoặc Peru. Nếu có thể giúp trẻ em ở Ấn Độ và Peru học được nhiều kiến thức trong một năm như ở Việt Nam, bạn sẽ thu hẹp được 90% khoảng cách kiến thức xuất hiện ở độ tuổi lên 8.

    Ông nói thêm rằng mục tiêu của giáo viên cũng có ảnh hưởng. Các hệ thống như của Ấn Độ là một “chuỗi các giải đấu, với kỳ thi có điểm cao này đến kỳ thi có điểm cao khác” để xác định những học sinh giỏi nhất. Trong khi đó Việt Nam lại cung cấp “các kỹ năng cơ bản ở mức độ cao cho mọi người”.

    Theo Tiến sĩ Singh, Việt Nam nhấn mạnh rất nhiều vào mọi đứa trẻ, vào việc đặt kỳ vọng tương đối cao về học tập cho tất cả mọi người - và đó thực sự là một sự khác biệt đáng kể.

    Điều đó không có nghĩa là không có văn hóa cạnh tranh trong giáo dục. Tiến sĩ Phùng Đức Tùng cho biết trường học vẫn được coi là “cách tốt nhất để có một cuộc sống tốt đẹp hơn” và các bậc cha mẹ đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc vào việc học tập của con cái. Chẳng hạn, việc dạy kèm riêng là điều bình thường, trong khi kết quả thi được trao trực tiếp cho phụ huynh để họ có thể theo dõi sự tiến bộ của con mình.

    Ông Tùng có 2 con hiện đang học đại học, ông cho biết: “Thành tích học tập của con cái ảnh hưởng đến danh tiếng của phụ huynh và chúng tôi đều rất tự hào nếu con mình học tốt”.

    tre em viet hoc gioi 1
    Việt Nam nên truyền cảm hứng cho các quốc gia khác để cung cấp nền giáo dục chất lượng cao, bất chấp mức thu nhập quốc dân. (Ảnh: Catwalkphotos/Alamy Stock Photo).

    Vẫn còn những thách thức

    Mặc dù điều này khuyến khích học sinh học tập chăm chỉ nhưng nó cũng có những hạn chế, đó là học sinh phải chịu áp lực rất lớn về kết quả thi - đặc biệt khi số lượng tuyển vào cao đẳng và đại học vẫn còn hạn chế.

    Ngoài ra còn có những thách thức khác mà hệ thống của Việt Nam phải đối mặt. Theo Ngân hàng Thế giới, học sinh ở các thành phố vẫn có nhiều cơ hội hơn: 76% thanh thiếu niên đang theo học trung học ở khu vực nông thôn, so với 90% ở khu vực thành thị.

    Người dân tộc thiểu số cũng bị tụt lại phía sau và học sinh nghèo hơn cũng vậy. Ở tuổi 19, chỉ 1/5 số học sinh thuộc 20% nghèo nhất xã hội tiếp tục đi học, so với 80% học sinh thuộc 20% giàu nhất.

    Một số người cũng lo ngại tình trạng thiếu giáo viên đang xuất hiện khi ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp hàng đầu bị thu hút vào khu vực tư nhân hoặc các cơ hội ở nước ngoài. Làm thế nào để tăng lương và phúc lợi cho giáo viên hiện đang được chính phủ thảo luận.

    Một số người cho rằng hệ thống cần tập trung nhiều hơn vào ngôn ngữ, máy tính và các kỹ năng làm việc nhóm mà ngành công nghiệp mong muốn và việc cải cách chương trình giảng dạy đang diễn ra.

    Tuy nhiên, đối với Tiến sĩ Singh, việc Việt Nam thậm chí còn có thể thảo luận về “kỹ năng mềm và đổi mới” cho thấy hệ thống hiện tại hiệu quả như thế nào so với các quốc gia khác có GDP tương tự.

    “Những lời chỉ trích mà tôi nghe được về hệ thống của Việt Nam về cơ bản có vẻ giống nhiều hơn với những gì bạn nghe về các nước (phát triển), vốn giàu hơn khoảng 5 lần, so với những cuộc thảo luận về phần lớn Nam Á và châu Phi cận Sahara” - ông nói.

    Vậy điều quan trọng là các quốc gia khác có mức thu nhập tương tự nên nhân rộng điều gì? Các chuyên gia cho rằng rất khó xác định chính xác, đặc biệt khi phần lớn thành công của Việt Nam gắn liền với văn hóa của nước này.

    Tiến sĩ Hải-Anh H Đặng nói: “Rất khó để chuyển tải các giá trị của Việt Nam sang một quốc gia khác, điều đó là không thể”. Tuy nhiên, ông nói thêm, việc đảm bảo giáo viên được trả lương cao, được tôn trọng và tận tâm sẽ là điểm khởi đầu tốt cho các quốc gia khác.

    Tiến sĩ Phùng Đức Tùng đồng ý với quan điểm trên. Ông cho rằng điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức trong xã hội về tầm quan trọng của giáo dục. Thứ hai là phải đào tạo giáo viên và khuyến khích họ làm việc chăm chỉ. Ở Việt Nam có một hệ thống giám sát rất tốt, minh bạch để đo lường hiệu quả hoạt động của giáo viên và mọi người dựa vào đó để tăng lương hoặc thăng chức.

    Tiến sĩ Tùng cho biết thêm, các chính sách hỗ trợ cha mẹ nghèo đưa con đến trường và khuyến khích giáo viên làm việc ở vùng sâu vùng xa cũng rất quan trọng – cũng như khả năng truy cập Internet rộng rãi với chi phí phải chăng.

    Tuy nhiên nhìn chung, điều quan trọng là Việt Nam có thể chứng minh khả năng xây dựng một hệ thống giáo dục vững mạnh ngay cả với nguồn lực có hạn.

    Theo Tiến sĩ Singh, không có bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào về cách giảng dạy để đạt kết quả như Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam nên là nguồn cảm hứng để chứng minh rằng có thể đạt được một nền giáo dục chất lượng cao, dù mức thu nhập quốc dân là bao nhiêu.

    Giaoducthoidai (theo Telegraph)

  • Bố bị khuyết tật và không đủ tiền thuê người giao hàng nên nữ sinh viên 20 tuổi đã giúp ông giao tủ lạnh cho khách 6 năm qua.

    Tào Hữu Duyên, 20 tuổi, sống ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, nơi bố mẹ mở một cửa hàng nhỏ bán đồ gia dụng. Ông Tào Tường Tuấn, bố của Hữu Duyên, thời nhỏ mắc bệnh bại liệt và để lại di chứng. Ông từng gãy cả hai chân năm 14 tuổi và không được điều trị đúng cách, dẫn đến đi lại khó khăn, theo bài viết ngày 12/6 trên SCMP.

    "Nhiều khách hàng yêu cầu giao hàng, nhưng cửa hàng của bố mẹ tôi lãi rất ít. Chúng tôi không đủ khả năng thuê nhân viên giao hàng", Hữu Duyên, sinh viên Đại học Bách Khoa Hồ Bắc, nói.

    vac tu lanh giup bo 1
    Tào Hữu Duyên giúp bố chuyển tủ lạnh cho khách. Ảnh: SCMP

    Cô cho hay lần đầu tiên giúp bố giao tủ lạnh cho khách hàng là 6 năm trước, khi đang học cấp hai. "Cái tủ đó không nặng. Tôi cõng trên lưng và thấy mình vác được. Từ đó, mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại giúp bố giao hàng", Hữu Duyên cho hay.

    Tới nay, cô đã giao hơn 1.000 tủ lạnh và thiết bị gia dụng cồng kềnh khác cho khách. Mỗi lần giao hàng, bố đều đi sau đỡ hàng cho cô.

    "Cái tủ lạnh nặng nhất tôi cõng được là 70 kg, nhưng tôi chỉ vác được một tầng và không leo cao hơn được nữa", Hữu Duyên cho hay. "Làm việc này cần kỹ năng. Tôi nghĩ mình đã nắm được kỹ thuật sau vô số lần giao hàng. Bình thường, tôi đi giao một hoặc hai tủ lạnh mỗi ngày và không thấy mệt lắm".

    Video Cao Hữu Duyên cõng tủ lạnh giao tới nhà khách hàng được chia sẻ khắp mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người bày tỏ lòng thương với cô.

    "Bình luận trên mạng khiến tôi cảm động, nhưng tôi không cảm thấy tự hào về bản thân bởi tôi thấy giao hàng giúp bố mẹ là điều tự nhiên, rất bình thường", nữ sinh nói.

    "Tôi lớn lên trong môi trường này. Tôi chứng kiến cha mẹ ngày nào cũng làm việc vất vả. Đôi khi họ bận tới nỗi không có thời gian ăn cơm. Vì vậy, tôi coi việc giúp đỡ bố mẹ là bình thường".

    vac tu lanh giup bo 1
    Ông Tào Tường Tuấn và con gái Tào Hữu Duyên. Ảnh: SCMP

    Vài năm trước, ông Tào lo cho sức khỏe con gái và đã đưa Hữu Duyên đi khám. Sau khi bác sĩ xác nhận cô hoàn toàn khỏe mạnh, ông mới đồng ý cho con tiếp tục làm việc.

    "Tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm vì có con gái ngoan ngoãn, hiểu chuyện", ông nói. "Tôi cũng muốn nói với con rằng hãy giữ gìn sức khỏe, học hành chăm chỉ".

    Câu chuyện được người dùng mạng xã hội Trung Quốc đón nhận tích cực. "Cô ấy là người con tuyệt vời nhất! Thật là một người xinh đẹp và có tấm lòng đẹp", một người bình luận.

    "Cô gái, mang vác quá nặng sẽ gây đau lưng. Hãy cẩn thận nhé!", một người khác dặn dò.

    VnExpress (theo SCMP)

  • James Harrison được mệnh danh là 'người đàn ông với cánh tay vàng', bởi ông đã hiến máu 1.173 lần để cứu sống hơn 2,4 triệu trẻ em trong vòng 60 năm qua.

    Chúng ta luôn hy vong rằng thế giới thực tồn tại các siêu anh hùng từ tưởng tượng vì họ có sức mạnh để thay đổi thế giới tốt đẹp hơn mà không biết rằng chúng ta đang sống giữa các siêu anh hùng thực sự. Một trong số đó là James Harrison, ông không có các siêu năng lực như các siêu anh hùng trong thế giới tưởng tượng, thay vào đó, ông là một người đàn ông bình thường đã hiến máu 1.173 lần trong 60 năm qua. Với lượng máu này, ông đã cứu sống được 2,4 triệu người trên toàn thế giới.

    James Harrison hien mau 1
    James Harrison và cặp sinh đôi Seth và Ethan Murray tại khoa Apheresis thuộc Dịch vụ máu Chữ thập đỏ Úc. Hàng triệu trẻ sơ sinh đã được cứu sống nhờ máu của ông.

    Tại sao máu của ông lại đặc biệt như vậy?

    Bạn có thể nói rằng có rất nhiều người hiến máu ngoài kia vẫn thường xuyên hiến máu, điều này rất đúng, nhưng có một điều đặc biệt ở máu của Harrison khiến nó còn quý hơn vàng. Máu của Harrison chứa một loại kháng thể hiếm có tên là Anti-D (còn được gọi là Rho (D) immu globulin). Loại kháng thể đặc biệt này cần thiết cho những bà mẹ đang mang thai có nhóm máu âm tính đã thụ thai với người bạn đời có nhóm máu dương tính.

    Thông thường đứa con đầu lòng của các cặp đôi này thường có tỷ lệ tử vong trong bụng mẹ rất cao, nhưng nếu người mẹ quyết định mang thai đứa con thứ hai, đứa trẻ đó sẽ bị bệnh Rhesus khi được sinh ra. Căn bệnh này khiến máu của người mẹ tấn công các tế bào máu của thai nhi. Do đó, đứa trẻ có thể sinh ra với các tổn thương não hoặc thậm chí tử vong ngay khi sinh ra. Điều này chủ yếu xảy ra nếu người mẹ có nhóm máu âm sinh ra một đứa trẻ có nhóm máu dương được di truyền từ bố.

    James Harrison hien mau 1
    James Harrison trong lần hiến máu hàng tuần tại trung tâm Chữ thập đỏ Úc.

    Kháng thể Anti-D có thể chống lại căn bệnh này, và với máu của James Harrison, một loại vắc-xin mới đã được tạo ra. Nếu người mẹ tiêm phòng trước khi mang thai lần thứ hai, những đứa trẻ sẽ được sinh ra một cách khỏe mạnh và không mắc phải căn bệnh vừa đề cập ở trên.

    Bi kịch đã khiến cho máu của Harrison có "siêu năng lực"

    Harrison không được sinh ra với loại kháng thể này, nhưng ông đã thực sự phát triển nó khi 14 tuổi. Năm 1951, James Harrison phải trải qua một cuộc phẫu thuật y tế phức tạp vì một trong những lá phổi của ông đã bị xẹp và các bác sĩ phải cắt bỏ nó.

    Quá trình hồi phục sau phẫu thuật mất ba tháng và do mất máu nhiều mà ông được truyền rất nhiều máu để hồi phục.

    Máu mà ông được truyền là từ nhóm máu Rh dương tính, kết hợp với nhóm máu ban đầu của ông đã cho phép phát triển kháng thể hiếm. Harrison biết rằng mình đang sống chỉ nhờ vào những người khác đã hiến máu, vì vậy anh ấy đã quyết định hiến máu càng nhiều càng tốt sau khi phục hồi hoàn toàn. Vấn đề duy nhất là lúc đó ông mới 14 tuổi và luật pháp ở Úc quy định rằng bạn cần phải đủ 18 tuổi mới được hiến máu.

    James Harrison hien mau 1

    Vì vậy, ông đã chờ đợi và ngay khi bước sang tuổi 18. Harrison đã bắt đầu hiến máu mỗi tuần một lần. Việc hiến tặng nhiều lần hơn sẽ khiến sức khỏe của ông gặp nguy hiểm vì cơ thể sẽ mất khoảng từ 7 đến 10 ngày mới có thể tái tạo 500ml máu.

    Sau vài lần hiến máu đầu tiên, các bác sĩ đã phân tích máu của ông và đã phát hiện ra rằng máu của ông có chứa kháng thể Anti-D quý hiếm. Năm 1966, người ta hỏi ông có muốn tham gia thử nghiệm một loại vắc-xin mới có tên là Anti-D sẽ được sản xuất bằng máu của ông hay không. Ông đã vui vẻ nhận lời và đó cũng là năm vắc-xin Anti-D được tạo ra để chống lại bệnh Rhesus.

    "Tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Bởi mạng sống của tôi đã được cứu bằng cách truyền máu. Và tôi đang cố gắng làm những gì tôi có thể. Nó không tốn kém gì - một chút thời gian", trích lời của James Harrison.

    Kể từ năm 1955, ông không bỏ sót một tuần hiến máu nào khi biết về căn bệnh này và những đứa trẻ mà ông có thể cứu được. Từ năm 1955 đến năm 2018, ông đã hiến tặng 1.173 lần và trong quá trình này đã cứu được hơn 2,4 triệu trẻ em khỏi bệnh Rhesus. Một sự thật thú vị là Harrison không bao giờ nhìn vào cánh tay của mình khi hiến máu vì ông ấy sợ máu. Một đại diện của Hội Chữ Thập Đỏ ở Úc tên là Jemma Falkenmire cho biết rằng mỗi liều vắc-xin Anti-D được sản xuất tại Úc đều đến từ máu của Harrison.

    James Harrison hien mau 1

    Giữ kỷ lục thế giới về số lần hiến máu nhiều nhất

    Ở tuổi 81, khi không còn hiến máu vì sức khỏe của bản thân trở nên quá nguy hiểm, ông đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới trao tặng kỷ lục thế giới về số lần hiến máu nhiều nhất của một người. Chính xác là trong 62 năm, ông đã hiến máu và khi đến lần hiến máu cuối cùng, ông cảm thấy hơi buồn vì không thể tiếp tục hành động này nữa.

    Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã nhận được hàng chục nghìn bức thư và món quà được gửi đến như sự tri ân dành của những đứa trẻ mà ông đã cứu sống nhờ hiến máu. Mọi người thậm chí còn muốn gặp ông ấy và cảm ơn trực tiếp. Đó là trường hợp của một người mẹ nhờ Harrison mà sinh được 7 đứa con khỏe mạnh và xinh đẹp.

    Vào ngày 11/5/2018, James Harrison đã hiến máu lần thứ 1.173, đây là lần cuối cùng ông hiến máu, bởi nếu tiếp tục, điều này sẽ dẫn tới nguy cơ sức khỏe lớn ở độ tuổi của ông. Được mệnh danh là "người đàn ông có cánh tay vàng" vì sự cống hiến cả đời của mình, ở tuổi 81, ông nói rằng việc cứu mạng người hoàn toàn không tốn kém gì ngoài một chút thời gian cống hiến.

    Mặc dù thời đại của ông đã kết thúc, nhưng vẫn có những người khác trong nhiều năm đã phát triển được kháng thể Anti-D và có thể duy trì dòng máu liên tục cần thiết để sản xuất vắc-xin. Vào ngày mà bài viết này được xuất bản, James Harrison vẫn còn sống và khỏe mạnh ở tuổi 85.

    Cafef (Nguồn: Esploaioni Geografiche; Earthlymission; OggiScienza)

  • Theo cập nhật mới nhất từ Danh sách tỷ phú của Bloomberg, nữ doanh nhân Savitri Jindal trở thành nữ tỷ phú giàu nhất châu Á, làm nên truyền kỳ chưa từng có trong lịch sử Ấn Độ.

    Mới đây, Dương Huệ Nghiên, Chủ tịch tập đoàn bất động sản Country Garden (Trung Quốc), người giữ vững vị trí nữ tỷ phú giàu nhất châu Á suốt 5 năm đã bị soán ngôi.

    Tân nữ tỷ phú giàu nhất châu Á chính là Savitri Jindal, 72 tuổi, người phụ nữ Ấn Độ có 9 người con, sở hữu khối tài sản 18 tỷ USD, cùng 4 con trai điều hành tập đoàn Jindal hùng mạnh có sức ảnh hưởng đến toàn kinh tế Ấn Độ.

    Song Ấn Độ là đất nước “nam tôn nữ ti”, địa vị của nữ giới vô cùng thấp. Thế mà một người phụ nữ như Savitri Jindal lại có thể làm nên truyền kỳ?

    Savitri Jindal nu ti phu giau nhat chau a 1
    Savitri Jindal

    Lớn lên dưới định kiến xã hội, bất đắc dĩ trở thành mẹ của 9 đứa con

    Savitri Jindal sinh năm 1950, xuất thân trong gia đình đông con nghèo ở bang Assam (Ấn Độ). Ngay từ thuở thơ ấu, bà đã không được hạnh phúc.

    Savitri được cha mẹ sử dụng như một công cụ lao động từ nhỏ, từ giặt ủi nấu nướng cho đến phụ giúp gia đình làm nông.

    Sống trong hoàn cảnh như vậy, muốn đi học là chuyện khó như lên trời. Savitri chưa bao giờ bước chân vào cổng trường. Cho dù điều kiện gia đình khá giả thì một bé gái như bà cũng chưa chắc được đến lớp học chữ.

    Cha mẹ của Savitri thường nói: “Nuôi con gái làm gì, lớn rồi cũng trở thành con nhà người ta”. Nhưng năng lực học tập của Savitri vô cùng mạnh mẽ, bà đã lén học rất nhiều kiến thức trong sách vở.

    Năm 15 tuổi, chị gái Savitri đột ngột qua đời vì bệnh, cả gia đình chìm ngập trong bi thương. Song vấn đề đau đầu nhất lúc bấy giờ là chị gái ra đi để lại 6 đứa con.

    Chị mất, anh rể Om Prakash Jindal nhờ cậy bố mẹ vợ và Savitri chăm sóc con, vì ông còn bận bịu với sự nghiệp.

    Savitri Jindal nu ti phu giau nhat chau a 1
    Om Prakash Jindal

    Một ngày nọ, mẹ nói với Savitri rằng: “Thôi thì con làm vợ của anh rể để chăm sóc cháu thay chị. Nếu anh rể cưới người phụ nữ khác thì các cháu phải chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng tội nghiệp”.

    Mặc dù không đồng tình, nhưng Savitri cơ bản không có quyền được lựa chọn. Thế là bà đã bị bố mẹ ép gả cho Om Prakash Jindal khi 15 tuổi, kém chồng 20 tuổi.

    Dì trở thành mẹ là chuyện vô cùng bình thường ở đất nước Ấn Độ. Ngay cả bản thân Savitri cũng không thể tin được mình lấy chồng, đã vậy còn là chồng của chị gái ruột. Đứa cháu trai lớn nhất chỉ kém bà 2 tuổi.

    Sau kết hôn, Savitri đắm chìm vào trong ngày tháng bận rộn tối tăm mặt mày. Vừa chăm con vừa chăm chồng, bà chưa bao giờ than vãn lấy một tiếng.

    Sau đó, Savitri và Om Prakash cùng sinh 3 đứa con, cộng thêm 6 đứa con của chị gái, tạo nên một đại gia đình.

    Savitri Jindal nu ti phu giau nhat chau a 1

    Quần quật với 9 đứa con, Savitri căn bản không quan tâm đến chuyện làm ăn của chồng. Điều bà có thể cảm nhận rõ ràng nhất là cuộc sống ngày một tốt hơn, chồng cũng đưa cho bà nhiều tiền chi tiêu hơn. Cứ thế 36 năm lặng lẽ trôi qua.

    Năm 2005, Om Prakash đột ngột qua đời, phá vỡ cuộc sống bình yên của Savitri. Cuộc đời của bà bắt đầu xoay chuyển một cách khó tin, bà đã trở thành nữ tỷ phú được cả Ấn Độ và thế giới dõi theo.

    Tháo bỏ gông cùm, trở thành nữ tỷ phú giàu nhất châu Á

    Trong ấn tượng của Savitri, chồng đều bận bịu mỗi ngày, mấy ngày liền không về nhà là chuyện thường xuyên. Bà không hề hỏi về công việc của chồng vì tự hiểu bản thân chỉ cần làm tròn trách nhiệm của người phụ nữ nội trợ là được. Hơn nữa, chồng cũng không bàn bạc về công việc kinh doanh với người vợ ít học như bà.

    Sau khi chồng qua đời, Savitri mới biết ông sở hữu một công ty đa lĩnh vực. Điều này đã khiến bà cảm thấy khủng hoảng trầm trọng.

    36 năm qua, bà chỉ sống quanh quẩn trong xóm làng nhỏ bé, ngay cả giao tiếp với người lạ cũng khó khăn chứ đừng nói đến việc quản lý công ty. Song sự thật không thể thay đổi, vì là vợ hợp pháp của Om Prakash, Savitri trở thành người thừa kế duy nhất công ty.

    Savitri vô cùng hoang mang, vì cả đời bà vốn đã trật khỏi nhịp phát triển của xã hội. Đương nhiên, không một ai tin tưởng việc người phụ nữ thất học như bà có thể chấp quản công ty.

    Điều khiến Savitri không thể ngờ rằng, công ty mà chồng một tay gây dựng nên rất to lớn, thậm chí còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả Ấn Độ.

    Savitri Jindal nu ti phu giau nhat chau a 1
    Để có thể tiếp quản công ty, Savitri phải từng bước học hỏi, tìm hiểu mô hình kinh doanh và quản lý sản xuất.

    Đến khi nắm rõ việc chồng từng làm, Savitri mới nhận ra bà không hề hiểu chồng - người đam mê thiết bị cơ khí từ nhỏ.

    Vì Ấn Độ là một quốc gia lạc hậu, nhiều sản phẩm sắt thép được nhập khẩu từ các nước láng giềng. Om Prakash thường tự hỏi: " Tại sao người Ấn Độ không thể tự sản xuất các sản phẩm này?".

    Thế là Om Prakash đã quyết định khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng vào năm 1952. Thời điểm đó, ông mở một xưởng sản xuất xô chậu nhựa quy mô nhỏ. Sau khi làm ăn phát đạt, ông chuyển đổi sang vận hành nhà máy chế biến thép, cứ thế xây dựng đế chế của riêng mình.

    Om Prakash đã sử dụng nguồn lực xây dựng nhà máy ở khắp mọi nơi trong Ấn Độ và ông đã đi vào hàng ngũ của các tỷ phú trên thế giới.

    Vì những đóng góp to lớn của Om Prakash cho sự phát triển của ngành công nghiệp thép, tháng 11/2004, ông đã được Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh trao giải thưởng Thành tựu trọn đời.

    Nhưng tai nạn luôn rình rập ở khắp mọi nơi. Om Prakash, 75 tuổi, qua đời trong một tai nạn máy bay trực thăng.

    Savitri, 55 tuổi, buộc phải bước ra khỏi vòng an toàn, nói lời tạm biệt với công việc của một bà nội trợ và xuất hiện trong các nhà máy thép.

    Bỏ lời đàm tiếu ngoài tai, đứng lên chấp quản công ty

    Savitri Jindal nu ti phu giau nhat chau a 1

    Một người phụ nữ như Savitri không có hứng thú với sắt thép, thậm chí bà còn không biết điều hành công ty từ đâu. Song không cúi đầu trước khó khăn, bà quyết định đích thân đến các nhà máy để học tập, tìm hiểu quy trình sản xuất.

    Thiếu hụt trình độ văn hóa, Savitri bù đắp bằng sự chăm chỉ và tập trung. Savitri không muốn tâm huyết bao năm của chồng bị phá hủy. Bà bắt buộc phải mạnh mẽ để làm chủ mọi thứ.

    Mỗi lần xuất hiện ở nhà máy, Savitri lúc nào cũng bị chỉ trỏ, nói ra nói vào, nhưng bà không quan tâm mà chỉ cười trừ cho qua chuyện.

    Trời không phụ lòng người, không lâu sau, Savitri đã nắm được tất cả quy trình sản xuất của nhà máy sản xuất thép. Nhưng vẫn còn rất nhiều chuyện đợi bà xử lý. Vì để nhanh chóng nắm vững nghiệp vụ, Savitri quyết định dọn vào “định cư” trong nhà máy.

    Nhớ lại khoảng thời gian này, Savitri chỉ khiêm tốn nói: “Tôi chỉ muốn một lòng một dạ vận hành tốt công ty mà thôi, sản xuất ra càng nhiều sản phẩm sắt thép càng tốt”.

    Người phụ nữ bị khinh thường như Savitri thế mà đã làm nên kỳ tích, trở thành câu chuyện huyền thoại chưa từng có trong lịch sử Ấn Độ.

    Savitri từng nói: “Trước khi mất, tôi không biết chồng kinh doanh cái gì, cũng không biết ông ấy giàu đến đâu”.

    Kể từ khi tiếp quản tập đoàn Jindal, Savitri chưa từng dám lơ là, vẫn luôn nỗ lực học cách kinh doanh.

    Vẻ ngoài bình thường, ăn mặc đơn giản, Savitri sống rất khiêm tốn. Mặc dù số phận mang đến cho bà muôn vàn khó khăn, nhưng bà vẫn không lùi bước hay do dự.

    Cách hành xử và đối nhân xử thế của Savitri khiến người ta cảm thấy bà là người phụ nữ yếu đuối, nhưng thật ra tính cách của bà vô cùng quả quyết. Tư tưởng mạnh mẽ đứng lên sau bao năm nhốt mình trong căn nhà với những đứa con càng khiến bà muốn thể hiện bản lĩnh hơn.

    Làm tròn vai trò người mẹ 9 con

    Savitri Jindal nu ti phu giau nhat chau a 1

    Dưới sự dẫn dắt của Savitri, tập đoàn Jindal ngày càng phát triển. Điều khiến người khác không khỏi ngưỡng mộ là gia đình của Savitri vô cùng hòa thuận, 4 đứa con trai đều rất tôn trọng mẹ.

    Thật ra, trước lúc mất, Om Prakash đã phân chia cổ phần công ty, để 4 người con trai không độc chiếm tất cả. Om Prakash chia cổ phần công ty hành 2 nửa, bản thân nắm giữ 50%, còn lại chia đều cho 4 con trai.

    Có thể vì sự sáng suốt này của Om Prakash, mà Savitri có thể nắm quyền tuyệt đối trong gia đình.

    4 con trai tiếp quản một nghiệp vụ khác nhau. Anh cả phụ trách công ty ống nước, người thứ hai quản lý công ty thép, người thứ ba nắm công ty thép không gỉ, người nhỏ nhất làm chủ công ty điện lực.

    Sự phân chia này đã không khiến cuộc tranh giành gia sản xảy ra. Khi Om Prakash mất, Savitri đứng tên toàn bộ tài sản và cổ phần của ông.

    4 người con trai không hoàn toàn là con ruột của Savitri, nhưng đối xử bình đẳng với các con, nhờ đó họ rất nghe lời bà.

    Mặc dù trước đó, đứng ngoài lề bên cạnh đế chế kinh doanh đồ sộ của chồng nhưng Savitri như là trung tâm móc nối các thành viên trong gia đình lại với nhau.

    Savitri Jindal nu ti phu giau nhat chau a 1

    Bà chăm sóc 9 người con rất chu đáo. 4 người con trai sau khi kết hôn vẫn cùng vợ con sống trong dinh thự của gia đình Jindal. Savitri chia dinh thự thành 4 khu vực riêng biệt, được nối với nhau bằng khu bếp chung, tất cả cùng sinh sống hòa thuận trong một nhà.

    Là trụ cột chính trong nhà, cùng với tuổi tác ngày một tăng lên, Savitri dần tập trung vào gia đình nhiều hơn. Nhưng những sự kiện trọng đại của công ty đều có sự xuất hiện của bà. Các con trai đưa ra quyết định đều thông qua sự đồng ý của mẹ.

    Savitri từng nói đùa với phóng viên rằng: “Tôi ấy hả?! Tôi cảm thấy mình quản lý các con còn giỏi hơn quản lý công ty”.

    Để xí nghiệp gia tộc không xuất hiện nội chiến, Savitri còn cố tình nói với 4 con trai: “Đến thời điểm thích hợp, mẹ sẽ xem xét việc buông bỏ mọi quyền hành trong tay”.

    Các con nghe vậy thì càng nỗ lực làm việc hơn. Đây chính là một trong những bí quyết dạy con của Savitri.

    Đấu tranh cho phụ nữ

    Savitri Jindal nu ti phu giau nhat chau a 1

    Cuối tháng 7/2022, khối tài sản dưới tay Savitri Jindal lên đến 18 tỷ USD, giúp bà trở thành nữ tỷ phú giàu nhất châu Á.

    Song Savitri không hề kiêu ngạo, vẫn cứ thế duy trì sự nghiệp từ thiện của mình. Bà từng đưa ra lời cam kết trước công chúng rằng: “Tôi sẽ tận lực giúp đỡ những người nghèo khó, xây dựng càng nhiều nhà máy để mang đến cơ hội việc làm cho mọi người”.

    Savitri không học đại học, và dường như nó đã trở thành một chấp niệm trong lòng bà. Do đó, bà đã thành lập nên trường đại học tư rất có sức ảnh hưởng ở Ấn Độ.

    Năm 2013, Savitri được chính quyền địa phương bổ nhiệm làm Bộ trưởng nội các, rất được lòng người và thường xuyên giao lưu gần gũi với người dân.

    Savitri nhận thức rõ về địa vị của phụ nữ Ấn Độ. Bà đã nhiều lần sử dụng sức ảnh hưởng của mình để nỗ lực cải thiện địa vị và quyền của phụ nữ Ấn Độ. Bà kêu gọi xã hội tôn trọng phụ nữ, nâng cao vị thế của họ trong gia đình của họ và giúp nhiều người phụ nữ được tự do.

    Savitri đã truyền lửa cho mọi người xung quanh bằng những hành động thiết thực. Trong bài phát biểu, bà từng nói ước mơ lớn nhất của mình là mang đến cho phụ nữ Ấn Độ cơ hội bình đẳng để phục vụ đất nước.

    Thành công của Savitri là một tấm gương để mọi người học hỏi. Mặc dù thành công của bà không thể tách rời nền tảng vững chắc do chồng xây dựng, nhưng lòng dũng cảm và ý chí vượt lên định kiến xã hội không phải ai cũng làm được.

    Hiện tại tuổi đã không còn trẻ, nhưng Savitri vẫn mạnh mẽ trụ vững giữa dòng đời như cây cổ thụ. Bà cùng các con đưa xí nghiệp gia tộc ngày càng thịnh vượng. Savitri Jindal không hổ danh là nữ tỷ phú giàu nhất châu Á!

    Phụ nữ Việt Nam (nguồn: 163, Sohu)

  • tu lap rap may bay 1
    Anh Aliseril (áo đỏ) bồng hai con, đứng cạnh vợ chụp hình với chiếc phi cơ tự chế tạo. Ảnh: Facebook/Ashok Aliseril Thamarakshan.

    Khi những chiếc máy bay đi thuê quá nhỏ cho gia đình 4 người, kỹ sư Aliseril nghiên cứu cách lắp ráp một phi cơ riêng để thỏa đam mê bay lượn.

    Kỹ sư cơ khí Ashok Aliseril Thamarakshan bắt đầu nghiêm túc xem xét học lái máy bay sau khi chuyển đến sống gần một sân bay ở Essex cách đây hơn một thập kỷ. Anh nhận bằng phi công lái máy bay cỡ nhỏ vào năm 2019 và bắt đầu thuê phi cơ để thực hiện các chặng bay ngắn.

    Nhưng khi anh và vợ là Abhilasha chào đón hai thiên thần nhỏ, những chiếc máy bay hai chỗ ngồi không còn đáp ứng được nhu cầu của cả gia đình.

    Từ đó, anh bắt đầu suy nghĩ về việc sở hữu một máy bay riêng và nảy ra ý tưởng chế tạo một phi cơ 4 chỗ. Anh cho rằng điều này sẽ giúp bản thân hiểu rõ hơn về chiếc máy bay và chăm sóc nó tốt hơn.

    Sau khi bay thử một chiếc Sling TSi của hãng Sling Aircraft ở Johannesburg, Nam Phi, Aliseril ấn tượng đến mức quyết định mua linh kiện về để tự nghiên cứu và lắp ráp.

    Một số đồng nghiệp có kinh nghiệm lắp ráp máy bay cũng đề nghị hỗ trợ Aliseril, song không thành vì khi bộ linh kiện đầu tiên được chuyển tới, nước Anh đã bị phong tỏa hoàn toàn do đại dịch Covid-19 bùng phát.

    Không nản lòng, anh dựng một xưởng nhỏ trong khu vườn sau nhà và lên kế hoạch cho từng giai đoạn của dự án.

    tu lap rap may bay 1
    Xưởng lắp ráp máy bay trong vườn nhà của Aliseril. Ảnh: CNN

    Quá trình này được Hiệp hội Máy bay Hạng nhẹ (LAA) giám sát, dưới sự cấp phép của Cơ quan Hàng không Dân sự Anh (CAA). Sau khi các thanh tra của LAA kiểm tra không gian xưởng tại nhà của Aliseril, anh được phép bắt tay vào lắp ráp máy bay từ tháng 4/2020.

    Chiếc máy bay Aliseril chế tạo dài gần 7,2 mét, cao 2,45 mét. Đến cuối mùa hè, anh hoàn thành phần đuôi, cánh, và bắt tay chế tạo phần thân khi bộ linh kiện tiếp theo được chuyển tới.

    Mỗi giai đoạn của dự án đều cần thanh tra LAA phê duyệt trước khi chuyển sang khâu tiếp theo. Thanh tra của hiệp hội đã 12 lần tới kiểm tra xưởng của Aliseril.

    Khi hoàn thành cơ bản chiếc máy bay, anh chuyển toàn bộ đến một kho gần Cambridge để lắp động cơ và chạy thử. Chiếc máy bay vượt qua đợt kiểm tra cuối cùng vài tháng sau đó.

    Aliseril mất 18 tháng để chế tạo một trong những chiếc phi cơ tự chế Sling TSi đầu tiên tại Anh, với tổng chi phí 180.000 bảng (203.000 USD). Khi đăng ký thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1, Aliseril đặt tên chiếc phi cơ là G-Diya, theo tên cô con gái út.

    Aliseril nhớ lại sự hồi hợp khi phi công thử nghiệm khởi động và cất cánh chiếc máy bay. "Anh ấy bay trong khoảng 20 phút. Khi máy bay quay về, tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm", anh kể.

    Anh cũng được một phi công giàu kinh nghiệm ngồi kèm trong lần đầu tiên lái chiếc máy bay tự chế. Trong khi Aliseril tỏ ra thận trọng, viên phi công bay kèm lại yêu cầu anh tăng tốc hết cỡ.

    "Tôi rất lo, tôi không muốn tạo thêm áp lực lên nó", Aliseril giải thích. "Nhưng anh ấy thực sự đẩy nó đến giới hạn. Thật tuyệt khi biết chiếc máy bay có khả năng lớn đến vậy".

    "Khi máy bay hạ cánh thành công, anh ấy vỗ tay và nói 'xin chúc mừng, bạn vừa hạ cánh chiếc máy bay do tự mình chế tạo'. Đó là một cảm giác tuyệt vời", Aliseril nhớ lại.

    Phi cơ G-Diya có tầm bay gần 1.400 km và đã trải qua hàng loạt chuyến bay thử nghiệm khác trước khi được cấp phép bay vào tháng 5.

    Sau đó, Aliseril thường xuyên đưa vợ và hai con gái đến nhiều địa điểm trên khắp nước Anh bằng máy bay vào mỗi dịp cuối tuần khi thời tiết thuận lợi. Họ chia sẻ hình ảnh về các chuyến đi trên Instagram.

    Hồi tháng 6, anh còn thực hiện chuyến đi một tuần vòng quanh Bắc Âu cùng một người bạn phi công. Họ bay tới Cộng hòa Czech, Áo và Đức. "Chiếc máy bay chỉ tốn khoảng 20 lít xăng không chì cho mỗi giờ bay, chi phí tương đương với lái xe", Aliseril tiết lộ.

    Anh lưu ý rằng mình vẫn là phi công mới, với khoảng 125 giờ bay, nhưng nhấn mạnh sự tự tin đang tăng dần qua mỗi chuyến khám phá bầu trời. Anh hiện có ý định đưa gia đình từ Anh bay tới châu Âu.

    "Đó là kế hoạch trong tương lai", anh nói. "Các con tôi rất hạnh phúc với 'sự tự do' này".

    VnExpress (theo CNN)

  • Một nhân viên giao pizza ở bang Indiana (Mỹ) được ca ngợi là anh hùng khi dũng cảm nhảy vào ngôi nhà đang cháy, cứu 5 đứa trẻ khỏi hỏa hoạn.

    Nicholas Bostic, nhân viên giao pizza 25 tuổi ở thành phố Lafayette, bị ngạt khói nghiêm trọng và rách ở cánh tay sau khi bế một đứa trẻ 6 tuổi và nhảy từ cửa sổ tầng hai căn nhà đang bốc cháy hôm 11/7. Theo thông báo từ Sở cảnh sát Lafayette (LPD), đứa trẻ "hầu như không bị thương một cách thần kỳ".

    Bostic kể với nhà chức trách rằng khoảng nửa đêm hôm đó, anh đã lao vào ngôi nhà theo lối cửa sau khi đi ngang qua và phát hiện cháy. Bostic hét lớn, khiến 4 đứa trẻ, tuổi từ một đến 18, đang ngủ ở tầng hai tỉnh giấc, trước khi giúp chúng thoát ra ngoài.

    Sau khi ra ngoài, 4 đứa trẻ báo với Bostic rằng còn một bé khác 6 tuổi dường như vẫn kẹt ở trong. Chàng trai trẻ lúc này lại vội lao vào ngôi nhà cháy "không chút do dự", chạy thẳng lên căn phòng ngủ ở tầng hai. Khi không thấy ai, Bostic tìm kiếm và chợt nghe thấy tiếng khóc phát ra từ tầng dưới.

    nhan vien cuu nguoi
    Bostic khi bế đứa bé thứ 5 ra khỏi căn nhà (trái) và khi nằm trong viện (phải). Ảnh: Sở cảnh sát Lafayette

    Bostic kể anh đã lấy áo sơ mi của mình buộc quanh mũi và miệng để băng qua "lớp khói đen" ở cầu thang, đến chỗ đứa trẻ. Do không thể nhìn thấy cửa ra vì khói dày đặc, cả hai lại chạy lên cầu thang. Bostic quyết định đấm vỡ cửa sổ rồi bế đứa trẻ nhảy xuống, đảm bảo để bé tiếp đất an toàn.

    Trong đoạn video do LPD chia sẻ, Bostic bế đứa bé từ phía bên cạnh ngôi nhà đang cháy và giao cho các nhân viên cứu hỏa trước khi được đội y tế chăm sóc ở bãi cỏ gần đó.

    "Đứa bé có ổn không? Xin hãy nói cho tôi biết rằng cháu không sao", Bostic nói. "Anh đã làm rất tốt, anh bạn", một nhân viên y tế báo cho Bostic.

    Chàng nhân viên giao pizza được đưa tới một bệnh viện ở thành phố Indianapolis, nơi anh được chăm sóc trước khi xuất viện sau hai ngày. "Và chúng tôi chuẩn bị về nhà!", Kara Lewis, bạn gái Bostic, chú thích khi đăng bức ảnh Bostic cười tươi trong bệnh viện lên Facebook.

    Hành động dũng cảm của Bostic nhận được nhiều lời ca ngợi từ cảnh sát địa phương.

    "Hành động anh hùng của Bostic đã cứu được nhiều mạng sống. Nicholas là tấm gương truyền cảm hứng và khiến nhiều người cảm phục bởi sự dũng cảm, sự kiên trì và bình tĩnh khi đối mặt hiểm nguy. Sở cảnh sát Lafayette và Thị trưởng danh dự Tony Roswarski luôn biết ơn cho sự can thiệp của Nicholas và muốn công khai ghi nhận hành động của anh", LPD chia sẻ trong một tuyên bố.

    Bostic sẽ được tuyên dương vào ngày 2/8 ở sự kiện Lafayette Aviators' National Night Out. Những người ủng hộ có thể gửi mã để quyên tiền chiến dịch GoFundMe cho Bostic, hoặc có thể đóng góp cho người đứng ra gây quỹ trên Facebook, hỗ trợ anh chi trả tiền viện phí.

    Ngôi sao (theo People)

  • Vào một buổi chiều cuối tháng 3/2019, tài xế xe tải 63 tuổi Randall McDougal (Mỹ) đang chạy trên đường cao tốc 278 thì gặp sự cố. Ông nhận thấy bộ phận phanh của xe đang bốc cháy. Mà chiếc xe tải lại đang vận chuyển nhôm nitrat, một hợp chất gây nổ mạnh. Nếu chất này tiếp xúc với lửa, nó sẽ phát nổ kinh hoàng.

    randall 1
    Tài xế 63 tuổi đã thiệt mạng trong vụ nổ (Ảnh: suddl.com)

    Để tránh gây thương vong cho người xung quanh nếu vụ nổ xảy ra, ông Randall đã đỗ xe ở một con đường vắng. Sau đó, ông gọi cho 911 nhờ ứng cứu. Thay vì chạy khỏi hiện trường, nhiều nhân chứng đã thấy ông dũng cảm giúp mọi người tránh xa khỏi vòng nguy hiểm trước khi giúp chính mình.

    Các viên chức gần đó cũng cho biết, ông Randall rất nỗ lực tự dập lửa trước khi cứu hỏa tới. Khi đơn vị cứu hỏa đầu tiên tới hiện trường, họ bắt đầu di tản các cư dân gần đó. Họ thấy ông Randall quay lại xe tải. Không may thay, khi ông đang đi về phía chiếc xe, nó đã phát nổ.

    Sức công phá của vụ nổ lớn đến nỗi các cây xung quanh đều bị đốn ngã và để lại một "hố bom" sâu 5m ngay trên đường cao tốc. Vụ nổ cũng đẩy các mảnh vụn ra xa "bằng chiều dài của một vài sân bóng", gãy vỡ cửa kính của một vài xe chữa cháy và xe buýt trường học, làm 3 lính cứu hỏa bị thương nhẹ.

    randall 1
    Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: suddl.com)

    Tại thời điểm ấy, người dân xung quanh đều cảm nhận được sự rung chuyển và nghe tiếng nổ to phát ra. Những mảnh thi thể vương vãi ở hiện trường được xác nhận là của ông Randall.

    Trong một cuộc phỏng vấn, con trai của ông Randall xúc động nói rằng: "Cha là thế giới của tôi và người hùng của tôi. Người đàn ông tôi ngưỡng mộ vô bờ bến". Nhiều người dùng mạng xã hội khi biết chuyện đã ca ngợi ông Randall là người hùng vì đã đặt người khác lên trước bản thân mình. 

    randall 1
    Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: suddl.com)

    Chợt nhớ lại ở Việt Nam, cũng có một câu chuyện đầy cảm động như thế. Cụ thể vào ngày 7/8/2014 tại Long An, một chiếc xe khách chở hơn 50 người đã gặp sự cố khi đang ôm khúc cua xuống đèo trên tỉnh lộ 723 (đoạn qua tỉnh Lâm Đồng).

    Tài xế Phạm Thành Long lúc này phát hiện xe mất thắng nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh, trấn an và kêu mọi người dồn hết về sau xe để tránh nguy hiểm nếu xe lao vào vách núi. Sau đó, tài xế Long đã gồng mình, ôm chặt tay lái để xe không lao xuống vực. 

    randall 1
    Chiếc xe lật bánh sau khi đổ đèo (Ảnh: kienthuc.net)

    Chỉ vài phút sau, chiếc xe lao vào vách núi trong tiếng kêu la thảm thiết của hành khách. Tài xế Long, phụ xe Nhật thiệt mạng tại chỗ. Nhưng rất may, những hành khách vẫn an toàn và được người dân địa phương gần đó giải cứu.

    Làm người tốt không khó nhưng vì người khác mà hy sinh thật không phải chuyện ai cũng làm được. Ông Randall hay tài xế Long, phụ xe Nhật sẽ mãi được ghi nhớ trong lòng những người đã chứng kiến thời khắc dũng cảm của họ vào ngày hôm đó.

    Theo Kênh 14

  • Không được đào tạo chính thống về y học hoặc dịch tễ học, nhưng bằng kiến thức về khoa học máy tính và toán học, Youyang Gu đưa ra những con số dự báo đều gần như chính xác so với thực tế.

    Hồi tháng Ba, tháng Tư năm ngoái, người ta đánh giá mức độ ảnh hưởng của COVID-19 chỉ dựa vào nguồn dữ liệu của Imperial College London (ICL), và Health Metrics and Evaluation (IHME) có trụ sở tại Seattle, Washington. Nhưng các mô hình thường đưa ra những dự báo không giống nhau.

    ICL cảnh báo Mỹ có thể chứng kiến ​​khoảng 2 triệu ca tử vong do COVID-19 vào mùa hè, trong khi dự báo của IHME thận trọng hơn nhiều, đưa ra con số khoảng 60.000 ca tử vong vào tháng 8. Con số thực tế: có 160.000 người chết vì COVID-19 tại Hoa Kỳ vào đầu tháng Tám.

    Sự khác biệt lớn trong các số liệu dự báo vào mùa xuân năm ngoái đã thu hút sự chú ý của nhà khoa học dữ liệu trẻ tuổi, tên là Youyang Gu.

    Hồi tháng Tư, 2020, Youyang Gu sống cùng cha mẹ ở Santa Clara, California. Khi ấy, anh dành ra một tuần lễ để tạo công cụ dự đoán tử vong COVID của riêng mình và lập một trang web để hiển thị thông tin bệnh tật. Chẳng bao lâu sau, mô hình của Gu bắt đầu có kết quả chính xác hơn cả, so với mô hình của các tổ chức được tài trợ hàng trăm triệu USD và có hàng chục năm kinh nghiệm.

    Gu, chàng trai trẻ, có bằng thạc sĩ kỹ thuật điện toán và khoa học máy tính của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và một bằng khác về toán học. Tuy không được đào tạo chính thức trong lĩnh vực liên quan đến đại dịch như y học hoặc dịch tễ học, nhưng anh cho rằng kiến thức của mình đối với các mô hình dữ liệu tỏ ra hữu ích trong thời kỳ đại dịch.

    “Mô hình của anh ấy là mô hình duy nhất có vẻ đúng đắn nhất,” Jeremy Howard, chuyên gia dữ liệu và nhà khoa học nghiên cứu nổi tiếng tại Đại học San Francisco, nhận xét rằng các mô hình khác được chứng minh là vô nghĩa, không có sự xem xét kỹ lưỡng. Và Gu là người thực sự xem xét dữ liệu và thực hiện nó một cách nghiêm chỉnh.

    thien tai toan hoc 1
    Gu, một người nhập cư Trung Quốc lớn lên ở Illinois và California, có những dự báo gần như chính xác về số ca tử vong vì COVID-19. Hình: Twitter.

    Mô hình dự báo mà Gu xây dựng hết sức đơn giản. Trước tiên, Gu xem xét việc kiểm tra mối quan hệ giữa các xét nghiệm COVID, số lần nhập viện và một vài yếu tố khác. Anh nhận thấy những dữ liệu đó được các tiểu bang và chính phủ liên bang báo cáo không nhất quán, trừ số tử vong hàng ngày là có vẻ đáng tin cậy. “Các mô hình khác sử dụng nhiều nguồn dữ liệu, nhưng tôi quyết định dựa vào số ca tử vong để dự đoán số người chết trong tương lai,” Gu nói. “Đó là cách duy nhất để loại các thông tin gây nhiễu khác.”

    Sự thay đổi mới lạ, tinh vi của mô hình của Gu đến từ việc anh sử dụng các thuật toán học để phân tích các số liệu của mình. Sau khi tốt nghiệp MIT, Gu đã dành một vài năm làm việc trong ngành tài chính để viết các thuật toán cho các hệ thống giao dịch tần số cao – công việc đòi hỏi các dự báo đưa ra phải rất chính xác. Với COVID, Gu so sánh dự đoán của mình với tổng số ca tử vong được báo cáo cuối cùng và liên tục điều chỉnh phần mềm máy tính để đưa ra những tiên lượng chính xác hơn. Mặc dù công việc đòi hỏi số giờ như một công việc toàn thời gian, Gu vẫn tự nguyện làm không lương, sống bằng tiền tiết kiệm của mình. Anh muốn dữ liệu của mình được coi là không có bất kỳ xung đột lợi ích hoặc thành kiến ​​chính trị nào.

    Mặc dù chưa hoàn hảo, nhưng ngay từ đầu, mô hình của Gu hoạt động khá tốt. Vào cuối tháng Tư, anh dự đoán Hoa Kỳ sẽ chứng kiến ​​80.000 người chết vào ngày 9 tháng Năm. Số người chết thực tế là 79.926 người. Cũng vào cuối tháng Tư, IHME dự đoán Hoa Kỳ sẽ không vượt qua 80.000 ca tử vong trong cả năm 2020. Gu dự đoán 90.000 ca tử vong vào ngày 18 tháng Năm và 100.000 ca tử vong vào ngày 27 tháng Năm, và một lần nữa, con số của Gu chính xác. Trong khi IHME dự đoán virus sẽ từ từ biến mất do biện pháp giãn cách xã hội và các chính sách khác, Gu dự đoán sẽ có một làn sóng lây nhiễm và tử vong lớn thứ hai, khi nhiều tiểu bang tái mở cửa sau khi bị đóng. Gu lại đúng!

    IHME đã phải đối mặt với một số chỉ trích vào tháng Ba và tháng Tư, khi các con số của nó không khớp với những gì xảy ra. Tuy nhiên, số liệu của trung tâm uy tín, có trụ sở tại Đại học Washington và được tài trợ hơn 500 triệu USD từ Quỹ Bill & Melinda Gates này, đã được trích dẫn gần như hàng ngày trong các cuộc họp giao ban của các thành viên trong chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

    Các quan chức IHME vẫn tích cực quảng bá cho số liệu của mình, và đưa ra “lạc quan tếu” rằng vào tháng Bảy sẽ không có ca tử vong nào nữa. Thực tế vào thời điểm ấy, mỗi ngày Mỹ vẫn mất đi từ 1.000 đến 1.500 sinh mạng. Gu nói IHME làm những điều vô ích. Nhưng Christopher Murray, giám đốc IHME vẫn cho rằng các dự báo của họ đã được cải thiện một cách triệt để.

    thien tai toan hoc 1
    Tình hình đại dịch xấu hơn so với dự báo của IHME. Trong hình minh họa,  các nhân viên y tế đang chuyển xác một bệnh nhân COVID-19. Credit: Isaac Quesada/Unsplash

    Nhưng mùa xuân năm đó, hàng tuần, nhiều người bắt đầu chú ý đến công việc của Gu hơn. Anh đã gắn cờ mô hình của mình cho các phóng viên trên Twitter và các nhà dịch tễ học qua thư điện tử, yêu cầu họ kiểm tra số liệu của mình. Vào cuối tháng Tư, nhà sinh vật học nổi tiếng của Đại học Washington, Carl Bergstrom, đã tweet về mô hình của Gu và không lâu sau đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đưa các con số của Gu lên trang web dự báo COVID của họ. Khi đại dịch bùng phát, Gu, một người nhập cư Trung Quốc lớn lên ở Illinois và California, thường xuyên tham gia các cuộc họp với CDC.

    Lưu lượng truy cập vào trang web của Gu bùng nổ với hàng triệu người ghi danh hàng ngày để được biết điều gì đang xảy ra ở tiểu bang họ đang sinh sống cũng như trên toàn quốc. Niềm tin càng được củng cố, khi những con số xuất hiện sau đó đều đúng với dự đoán của Gu.

    Với sự quan tâm sâu sắc đến những dự báo về đại dịch gây chết người này, nhiều mô hình bắt đầu xuất hiện trong suốt mùa xuân và mùa hè năm 2020. Nicholas Reich, phó giáo sư tại khoa thống kê sinh học và dịch tễ học tại Đại học Massachusetts, Amherst, đã thu thập khoảng 50 mô hình và đo lường về độ chính xác trong nhiều tháng tại Trung tâm dự báo COVID-19. Reich nói: “Mô hình của Youyang Gu luôn nằm trong danh sách dẫn đầu về độ chính xác.”

    Vào tháng 11, Gu quyết định ngừng “cuộc chơi” (dự báo số ca tử vong). Phó giáo sư Reich nhận xét đó là một thái độ khiêm tốn đáng khen ngợi. Reich nói: “Anh ấy thấy các mô hình khác đang hoạt động tốt và tự cho đã hoàn thành công việc của mình.” Một tháng trước khi dừng dự án, Gu dự đoán Hoa Kỳ sẽ ghi nhận 231.000 trường hợp tử vong vào ngày 1 tháng 11. Khi đến ngày 1 tháng 11, Hoa Kỳ báo cáo có 230.995 người chết vì COVID. Con số suýt soát chỉ 5 người!

    Sau một thời gian nghỉ ngơi, Gu, năm nay đã bước sang tuổi 27, đang sống trong một căn hộ ở New York, quyết định…trở lại cuộc chơi, với những con số liên quan đến COVID. Lần này, Gu tập trung vào số người bị nhiễm ở Hoa Kỳ, tốc độ triển khai vaccine và thời điểm mà cả nước đạt được miễn dịch cộng đồng. Dự báo Gu đưa ra, là có khoảng 61% dân số Hoa Kỳ sẽ miễn dịch cộng đồng do được chích ngừa vaccine hoặc đã bị nhiễm trùng từ trước, là vào tháng Sáu, 2021.

    Saigonnhonews (Theo Bloomberg)

  • Vanessa Rochester phải đi bộ đường dài dưới ánh trăng, chèo thuyền, leo núi và lái xe trong một giờ mới đến nơi làm việc.

    Vanessa và gia đình là những người duy nhất sống trên một hòn đảo hẻo lánh bờ biển phía tây Scotland. Họ chuyển đến đây năm 2016 và ở trong một ngôi nhà nhỏ được xây từ thế kỷ 17. Chồng cô quản lý hòn đảo cho gia đình người chủ còn cô nhận việc chăm sóc người già ở Lochaber.

    Bất kể thời tiết thế nào, Vanessa vẫn đi làm. Cô thức dậy lúc 5h45 phút sáng nếu làm ca ngày. Sau khi hôn tạm biệt chồng và con trai, Vanessa bắt đầu đi bộ quãng đường 2,4 km. Cô đi xuống con đường mòn, băng qua rừng với những cây sồi và thông Scothch để đến phía nam hòn đảo. Nữ nhân viên viện dưỡng lão kéo chiếc thuyền nhựa xuống nước, chèo ngang dòng nước chảy siết. Nếu làm ca đêm, trăng và các vì sao rọi đường cho cô.

    nguoi scotland vat va 1
    Chiếc thuyền nhỏ giúp nữ nhân viên chăm sóc người già qua sông. Ảnh: SWNS.

    Chuyến chèo thuyền chỉ mất năm phút trong ngày lặng gió nhưng dài hơn nếu chẳng may gặp bão. Sau đó, Vanessa lên một chiếc ôtô và lái đến nơi làm việc.

    Đoạn đường đi làm tồi tệ đến mức có lần cô phải quay trở lại đảo. Bà mẹ một con bỏ thuyền, leo lên vách đá, xuyên qua vũng lầy rồi bất lực gọi điện cầu cứu chồng.

    Chồng cô, Jess, 48 tuổi vội cõng con trai lên lưng, đi về phía bắc. Anh thống nhất với vợ sẽ đốt một ngọn đuốc để giúp cô xác định vị trí đang đứng. Cuối cùng, Vanessa phát hiện ra một chùm ánh sáng. "Hóa ra tôi vẫn ở trên đảo, nhưng đã lạc hướng và đi theo hướng ngược lại", cô thở phào.

    nguoi scotland vat va 1
    Vanessa phải chèo thuyền trên đường đi làm của mình.Ảnh: SWNS.

    Người vợ tìm đường đến chỗ chồng, sau đó tiếp tục hành trình đến nơi làm việc trên một chiếc thuyền bị rò rỉ "nhưng vẫn sử dụng được nếu chèo đủ nhanh". Cô tự nhận mình là người có hành trình đi làm vất vả nhất Vương quốc Anh.

    "Nhưng tôi thực sự yêu thích công việc của mình. Tôi thích làm việc với những người cao tuổi, được gặp gỡ nhiều những người khác - một công việc không dễ tìm", cô nói lý do tận tâm.

    VnExpress (Theo Mirror)

  • Một sản phụ sắp sinh ở bang New Jersey, Mỹ gặp tình huống khẩn cấp khi đang ở nhà, cô nhanh chóng gọi 911, hai sĩ quan cảnh sát địa phương đã kịp thời đến nơi và quyết định giúp sản phụ hạ sinh một bé trai ngay tại đó. Hai cảnh sát này đã được mọi người hết lời khen ngợi sau khi sự việc được chia sẻ rộng rãi.

    canh sat do de 1
    (Ảnh: Sở cảnh sát Cranford)

    Theo Epoch Times đưa tin, vào sáng ngày 20/12/2020, hai sĩ quan cảnh sát tên Thomas Bell và James Knight thuộc Sở cảnh sát Cranford nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ đường dây 911 và đã kịp thời đến nhà của cô Gina.

    Khi đến nơi, họ gặp cô Gina đang sắp sinh và anh Noberto Chaves chồng cô. Cô Gina bất ngờ bị vỡ nước ối và đã thấy đầu của em bé.

    Theo bài viết được Sở cảnh sát Cranford đăng trên Facebook, cảnh sát Thomas có 21 năm kinh nghiệm trong nghề đã nhanh chóng tìm hiểu rõ tình huống và xác nhận rằng thời gian hết sức có hạn, cô Gina buộc phải sinh con tại nhà.

    Trong quá trình sinh nở, anh Thomas nhận thấy dây rốn quấn quanh cổ em bé và anh đã thành công gỡ dây rốn để đưa bé Lucas chào đời khỏe mạnh. Tất cả mọi người có mặt ở đó đều thở phào nhẹ nhõm khi em bé cất tiếng khóc đầu đời.

    canh sat do de 1
    Hai sĩ quan cảnh sát tên Thomas Bell (phải) và James Knight. (Ảnh: Sở cảnh sát Cranford)

    Sau đó, đội cấp cứu Cranford đã nhanh chóng đến hiện trường để kiểm tra tình trạng sức khỏe của cả mẹ và bé. Hai mẹ con cô Gina được đưa đến trung tâm y tế ở Livingston để theo dõi thêm.

    Hiện tượng dây rốn quấn cổ có thể xảy ra trong thai kỳ, khi chuyển dạ hoặc trong quá trình sinh nở. Theo trang Healthline, đa phần hiện tượng này không gây nguy hiểm, cứ mỗi ba thai nhi thì có một bé bị dây rốn quấn cổ nhưng không gặp bất cứ vấn đề gì.

    Tuy nhiên, nếu dây rốn không cung cấp được máu do bị nghẽn thì có khả năng sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi.

    Hai sĩ quan cảnh sát Thomas và James đã gặp lại em bé Lucas và bố mẹ của bé vào ngày 14/1/2021 vừa qua. Sở cảnh sát Cranford đã chúc mừng và kỷ niệm câu chuyện ấm lòng này kèm theo ảnh chụp của hai sĩ quan cảnh sát cùng gia đình nhỏ với lời nhắn trên Facebook rằng:

    “Ông bố bà mẹ tràn đầy niềm tự hào… Cảm ơn các sĩ quan cảnh sát và đội cấp cứu vì hành động của họ”. Hai vợ chồng anh Noberto cũng cho biết em bé Lucas rất khỏe mạnh.

    Bài viết này đã nhanh chóng nhận được sự phản hồi tích cực của cộng đồng mạng, mọi người hết lời khen ngợi các sĩ quan cảnh sát đã làm hết sức để giúp sản phụ sinh nở.

    Một cư dân mạng cho biết: “Tôi nhìn thấy tin tức này trên TV vào sáng nay, tôi cảm thấy rất tự hào về sở cảnh sát của chúng ta.”

    Một người khác thì nói rằng: “Wow! Thật tuyệt vời! Xin cảm ơn sở cảnh sát và đội cấp cứu Cranford. Bên cạnh đó cũng xin chúc mừng cô Gina và gia đình đã chào đón thành viên mới!”

    Biên dịch: Trí Thức VN

  • Với nghị lực vượt bậc, từ làm nghề nail, cô gái Việt Nguyên Nguyễn giành vé tới trường đại học rồi trở thành kế toán tại một văn phòng chính phủ tiểu bang ở Mỹ.

    Từ khi sang Mỹ, Nguyên Nguyễn đã đi khá nhiều nơi và làm khá nhiều công việc như nail, gia sư, trông trẻ, bán bảo hiểm xe, dọn văn phòng cho giáo viên, trợ lý sinh viên, hát đám cưới và hiện nay cô đang làm kế toán cho một văn phòng chính phủ của tiểu bang tại Mỹ.

    Câu chuyện và hành trình được Nguyên Nguyễn kể lại đã xuất sắc giành giải Ba - Cuộc thi Hành trình nước Mỹ trong khuôn khổ sự kiện Vòng tay nước Mỹ 8 do Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức.

    Dưới đây là hành trình đầy nghị lực qua chính lời kể của cô gái Việt:

    nguyen nguyen 1
    Nguyên Nguyễn - cô gái Việt tại  Mỹ đầy nghị lực, hoài bão.

    Mình đến Mỹ vào những tháng lạnh nhất của Pennsylvania năm 2011, một năm đáng nhớ của những cái "lần đầu tiên". Lần đầu tiên đi máy bay ra nước ngoài, lần đầu thấy mẹ mình khóc nức nở vì gia đình ra đi để lại chị gái một thân một mình ở Việt Nam, lần đầu bận 4 lớp áo vẫn thấy lạnh vì nhiệt độ xuống đến -13 độ C, lần đầu lái xe tông vào thùng thư nhà hàng xóm, lần đầu sống chung với 13 con người ta dưới một mái nhà và vô số những kỷ niệm lần đầu đáng nhớ khác nữa.

    nguyen nguyen 1

    Hành trình chuyển nơi ở liên tục

    Mình tăng nhẹ 15lbs tháng đầu tiên ở Mỹ dù không hề đụng tới "American food"; có lẽ cái lạnh khắc nghiệt của vùng Đông Bắc đã làm cho lớp mỡ dưới da mình dày lên sau một tháng làm "gấu ngủ đông". Sợ tình hình cứ kéo dài như vậy thì mình sẽ thành một cô người tuyết mũm mĩm nên gia đình ba người mình quyết định dời sang California ở ké với ông bà ngoại.

    Nhưng sau 1 tháng lê lết ngủ dưới sàn trong căn chung cư một phòng của ông bà ở San Jose, mình quyết định dời lên Sacramento để sống cùng nhiều gia đình bà con khác.

    Mình nói "nhiều gia đình" là vì tổng cộng cô, dì, dượng, chú, em họ và mình cả thảy 13 người thuê một căn nhà để sống cùng nhau; mục đích để chia sẻ chi phí vì toàn là những người mới qua Mỹ, đa số thất nghiệp, một số còn đi học, và một vài thành viên đang trong độ tuổi "bú bình".

    nguyen nguyen 1
    Nguyên Nguyễn và gia đình bà con tại Mỹ.

    Mình và nghề nails

    Ở thời điểm đó mình đã sống trên hành tinh này 21 năm nhưng chưa một lần tỉa da và sơn móng tay. Ngày đầu tiên vào trường nails, cô giáo còn phải dạy cho cách cầm kềm và chai nước sơn sao cho khỏi rớt.

    Cơ duyên đưa đẩy mình tới nghề nails là vì cặp đầu gối vừa mới qua phẫu thuật một năm trước đó. Chân mình còn yếu nên không đứng lâu, không chạy nhảy, và không bưng bê nặng được; mà nếu không kiếm ra tiền thì làm sao chi trả phí sinh hoạt và ăn uống hàng ngày. Mình tâm sự với một người bà con thì được giới thiệu vào ngành nails.

    Cầm tấm bằng Manicurist ra đời, mình nhiều lần bị đời "dập te tua" vì lúc chưa rành tiếng Anh thì bị khách chê và lúc biết chút tiếng Anh rồi thì bị chủ chửi. Đi xin việc ở 10 tiệm thì được một tiệm là chủ dễ và thương, nhưng chủ thương thì thợ đồng nghiệp ghét.

    Có hôm đi làm về mình khóc nức nở vì gặp phải khách làm khó dễ chỉ mặt mình chửi và chủ trừ tiền lương. Thăng trầm 8 năm "part time" nghề nail để kiếm tiền phụ đỡ gia đình và bản thân thì mình nghỉ không tiếp tục nữa.

    nguyen nguyen 1
    Quyết định học tiếp lên đại học đã làm thay đổi cuộc đời của Nguyên Nguyễn.

    Chặng đường học hành

    Sau khi sống ở California một năm, mình đăng kí đi học ở College (trường Cao đẳng cộng đồng). Quyết định này đã làm thay đổi cuộc đời mà đến vài năm sau này mình mới nghiệm ra được chứ vào thời điểm đó thì mình chẳng biết mình đang làm gì.

    Mùa học đầu tiên mình gặp Rich và Alice, cặp vợ chồng người Mỹ mà sau này xem mình như một thành viên trong gia đình họ. Rich là thầy dạy những lớp ESL cơ bản (English as Second Language - là chương trình giảng dạy Anh ngữ dành cho những người đến từ các quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai); lúc đó mình dở tiếng Anh nên chỉ vào được lớp ESL 40 (30 là lớp thấp nhất). Hết mùa học đầu tiên, Rich đề nghị mình làm tutor (gia sư) cho các lớp ESL mùa sau.

    Mình đắn đo mãi vì vốn tiếng Anh còn tệ, đến nỗi khi đi học phải ngồi bàn đầu và xin thu âm lại bài giảng để về nghe lại, nhưng được Rich động viên nên mình cũng nhận việc và cố gắng học thêm ngoài giờ lên lớp để nâng cao khả năng giao tiếp. Mình làm tutor trong vòng 4 năm ở college mới hoàn tất các lớp tiếng Anh và GE để chuyển cấp lên Đại học bang California.

    Mình lên đây học tầm 3 năm sau thì tốt nghiệp và được chọn làm Student Speaker (sinh viên đại diện phát biểu) ở lễ tốt nghiệp năm 2018. Cả Rich và Alice đều đến dự lễ tốt nghiệp của mình. Hai người đã khóc khi thấy mình đứng trên khán đài và phát biểu trước hàng ngàn người.

    Rich nói ông không nhìn thấy rõ mình vì ngồi khá xa, trong khi mình thì nhỏ con (1m49) nên bị bục phát biểu che mất, nhưng ông đã rất tự hào nói với những người ngồi xung quanh "she is my best student" (cô ấy là sinh viên tốt nhất của tôi) sau khi mình hát lên hai câu đầu trong bài diễn văn tốt nghiệp "O'er the land of the free. And the home of the brave".

    Alice thì tả mình như một ngôi sao nhỏ nhưng tỏa sáng nhất trong buổi lễ tốt nghiệp đêm ấy. Cả hai đã dành những lời ngọt ngào và tốt đẹp nhất cho mình, luôn ở bên cạnh và giúp đỡ mình từ tư vấn học hành, viết thư tiến cử, đến việc lắng nghe và an ủi khi mình bị căng thẳng mất ngủ và…chia tay người yêu.

    Những tháng ngày mình không sống gần cha mẹ, có thể nói Rich và Alice như người cha, người mẹ thứ hai của mình vậy. Thứ năng lượng mà mình có được để tỏa sáng trong buổi lễ tốt nghiệp năm ấy là năng lượng tích cực mà mình nhận được từ những tấm lòng nhân hậu như họ, sẵn sàng dang tay đón nhận và yêu thương một người khác màu da, ngôn ngữ và văn hóa.

    nguyen nguyen 1
    Nguyên Nguyễn cùng vợ chồng Rich và Alice trong lễ tốt nghiệp đại học của cô tại Mỹ.

    Mình nhận và cho

    Nếu mình chỉ nhận hoài nhận mãi thì mình có lẽ đã trở thành một ngôi sao chổi mập và to, lâu lâu xẹt ngang qua đời rồi tan vỡ thành những mảnh vụn nhỏ. Nhưng mình mong muốn là một ngôi sao nhỏ biết nhận lẫn cho.

    Mình đã cùng Hội sinh viên Việt Nam ở Sacramento tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ gây quỹ để làm lễ phát thưởng cho các bạn học sinh - sinh viên, giúp đỡ nạn nhân các vụ cháy rừng hay lũ lụt, và giúp đỡ đồng bào mình ở Việt Nam sau một số đợt thiên tai hoạn nạn. Ngoài ra, mình còn tham gia hát cho cả chùa và nhà thờ khi họ làm các hoạt động thiện nguyện cho cộng đồng.

    nguyen nguyen 1

    Những chiêm nghiệm cá nhân...

    Vì cuộc đời là những chuyến đi. Mình đã đi khá nhiều nơi và làm khá nhiều công việc như nails, gia sư, trông trẻ, bán bảo hiểm xe, dọn văn phòng cho giáo viên, trợ lý sinh viên, hát đám cưới, và hiện nay đang làm kế toán cho một văn phòng chính phủ của tiểu bang.

    Mình may mắn nên trên chặng đường đi dù có nhiều thử thách và vấp ngã, đã nhận được sự giúp đỡ của những người thầy, bạn bè, đồng nghiệp hay đôi khi chỉ là lời động viên của những người không quen biết.

    Có không ít lần nhận chỉ trích, chê bai và cả ganh ghét nhưng mình vẫn bình tâm tập trung vào "tấm bảng trắng" hơn là để "cái chấm đen" chi phối tinh thần và gây ảnh hưởng tiêu cực.

    Từ một con bé nhút nhát, đầy nỗi sợ, tự cô lập bản thân vì rào cản ngôn ngữ năm nào, mình giờ đây đã tự tin và can đảm hơn để làm những điều mình yêu thích và truyền năng lượng tích cực đến cho nhiều người.

    Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ chờ đợi ta phía trước nên thay vì chờ đợi mong nỗi sợ qua đi mình chọn cách đối mặt và vượt qua những nỗi sợ hãi không tên ấy cùng những người thân, người bạn đồng hành, và những người mentor đi trước.

    Chúc các bạn bình an và tỏa sáng theo cách riêng của mình.

    Nguyên Nguyễn

    Theo Hành trình nước Mỹ 8

  • Antonio Gwynn Jr, một thanh niên 18 tuổi tại New York, tình nguyện dọn dẹp đường phố sau một cuộc biểu tình đã được người cùng khu phố tặng ôtô, bảo hiểm xe và học bổng toàn phần.

    Cuộc biểu tình đêm 31/5 khiến đại lộ Bailey, tại thủ phủ Buffalo của bang New York, trở thành "bãi chiến trường" với kính vỡ và rác. Khi thấy tin báo trên đài, Antonio Gwynn Jr. đã tình nguyện đến dọn dẹp.

    Theo CNN, Gwynn bắt đầu công việc từ 2h sáng 1/6 và không nghỉ tay suốt gần 10 tiếng.

    Khi một nhóm dân địa phương đến hiện trường vào buổi sáng, họ phát hiện Gwynn đã dọn gần xong cả tuyến phố.

    nguoi nhap cu duoc tang xe
    Antonio Gwynn Jr. nhận món quà từ Matt Block là chiếc Mustang màu đỏ, phiên bản năm 2004. Ảnh: CNN.

    Tin đồn về nghĩa cử của Gwynn nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

    Matt Block, 27 tuổi, quyết định tặng lại cho cậu thanh niên chiếc Mustang màu đỏ của mình. Còn Bob Briceland, một doanh nhân địa phương, thông báo tặng Gwynn toàn bộ chi phí bảo hiểm xe trong 1 năm.

    Truyền thông địa phương cho biết kế hoạch ban đầu của Gwynn là học nghề rồi để dành tiền học đại học. Mẹ của cậu đã qua đời vào năm 2018.

    Sau khi biết được hoàn cảnh và nghĩa cử từ chàng thanh niên, Đại học Medaille tại Buffalo đã tặng cho Gwynn học bổng toàn phần. Anh sẽ nhập học chính thức vào mùa thu này, theo học ngành kinh doanh với ước mơ mở một doanh nghiệp chuyên dọn dẹp.

    Zing (tham khảo https://myfox8.com/news/a-teen-who-spent-10-hours-cleaning-up-after-a-protest-is-rewarded-with-a-car-and-a-college-scholarship/)