Báo Anh nêu lý do trẻ em Việt Nam học giỏi vượt trội

Tờ The Telegraph của Anh đăng bài viết cho thấy hệ thống giáo dục của Việt Nam có hiệu quả rõ rệt và điều này có thể là bài học cho các nước khác.

tre em viet hoc gioi 1
Báo The Telegraph đăng tải bài viết về giáo dục Việt Nam ngày 29/8/2023.

Hàng năm vào ngày 20/11, trẻ em ở Việt Nam mua hoa và hân hoan chúc mừng thầy cô giáo trong ngày lễ tôn vinh họ trên toàn quốc giống như lễ mừng ngày của cha, mẹ ở Anh.

Tiến sĩ Phùng Đức Tùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mê Kông tại Hà Nội cho biết: “Mọi người ở Việt Nam đều biết ngày này. “Các thầy cô coi đây là một ngày rất quan trọng nên họ rất tự hào về nghề nghiệp của mình. Xã hội cũng vậy, đó là cách chúng tôi thể hiện sự tôn trọng.”

Ông cho biết thêm, những khoảnh khắc như thế này đã tiếp sức cho hệ thống giáo dục Việt Nam đạt hiệu quả rõ rệt. Theo Ngân hàng Thế giới, trẻ em Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn cùng lứa ở các quốc gia Đông Nam Á giàu có hơn trong các bài đánh giá về đọc và khoa học, mà còn vượt trội so với Anh, Nhật Bản và Na Uy.

Việt Nam cũng đã đi ngược lại xu hướng tiêu chuẩn bị sụt giảm ở các nước đang phát triển. Một nghiên cứu năm 2022 về tỷ lệ biết chữ của phụ nữ do Trung tâm Phát triển Toàn cầu thực hiện cho thấy chất lượng giáo dục đã giảm ở 2/3 các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình kể từ những năm 1960, gồm Nigeria, Ấn Độ và Bangladesh. Việt Nam là một trong số ít quốc gia cải thiện được vấn đề này.

Các chuyên gia nói rằng việc hiểu lý do tại sao đất nước này hoạt động tốt như vậy có thể giúp các chính phủ khác có nguồn lực hạn chế thúc đẩy hệ thống giáo dục của chính họ. Điều này rất quan trọng cho cả nền kinh tế và mỗi cá nhân.

tre em viet hoc gioi 1
Ở tuổi lên 8, trẻ em Việt Nam học ở trường nhiều hơn so với các bạn cùng lứa ở Peru, Ấn Độ và Ethiopia. (Ảnh: Tony Wood/Alamy Stock Photo)

Bất chấp những tiến bộ vượt bậc kể từ thiên niên kỷ này, hơn 240 triệu trẻ em ở các nước đang phát triển vẫn không được đến trường, trong đó có 100 triệu trẻ em ở khu vực châu Phi cận Sahara và 85 triệu trẻ em ở Trung và Nam Á. Điều này gây ra những hậu quả to lớn cho tương lai của các em.

Theo UNESCO, tỷ lệ nghèo đói toàn cầu sẽ giảm một nửa nếu tất cả người lớn hoàn thành giáo dục trung học. Một đứa trẻ sinh ra có mẹ học xong trung học sẽ có khả năng sống sót sau sinh nhật thứ 5 cao hơn 31%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới ước tính thu nhập sẽ tăng thêm 10% nếu một người hoàn thành thêm một năm học.

Tuy nhiên, việc xác định chính xác bí quyết thành công của Việt Nam không hề dễ dàng.

Tiến sĩ Abhijeet Singh, phó giáo sư tại Trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) là người có nghiên cứu tập trung vào hệ thống trường học ở các nước đang phát triển. Ông cho biết: “Thành thật mà nói, tôi không nghĩ ai đó có câu trả lời hoàn toàn cụ thể”. “Nhưng điều cực kỳ rõ ràng ở Việt Nam là với nguồn lực hạn chế, chúng ta vẫn có thể có được các kỹ năng ngôn ngữ và định lượng cần thiết ngang bằng với các nước phát triển.”

Kỷ luật đối với giáo viên

Tất nhiên, có nhiều cách giải thích khác nhau cho sự thành công, trong đó nổi bật nhất là chất lượng và sự cống hiến của đội ngũ giáo viên trong nước. Giáo viên không chỉ được tôn trọng, điển hình là các ngày lễ tôn vinh họ, mà họ còn là sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ tốt và được đào tạo thường xuyên, thực tế. Những yếu tố này đều góp phần mang lại hiệu quả.

Giáo sư Paul Glewwe, giáo sư kinh tế tại Đại học Minnesota là người đã dành nhiều năm nghiên cứu giáo dục ở những nơi có thu nhập thấp. Ông cho biết ở các nước đang phát triển khác, có rất nhiều bằng chứng cho thấy cứ 5 giáo viên thì có 1 giáo viên không đến lớp vào bất kỳ ngày nào. Tuy nhiên ở Việt Nam, giáo viên phải tới lớp nếu không họ sẽ gặp rắc rối. Hệ thống giáo dục ở đây được vận hành có kỷ luật thực sự.

Điều này một phần là do bộ máy Đảng Cộng sản rất coi trọng giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chương trình xóa mù chữ cho đại chúng ngay sau khi lên nắm quyền. Ông tin rằng “một dân tộc mù chữ là một dân tộc yếu” và cho rằng học tập là hoài bão cả đời.

Theo truyền thông địa phương, việc coi trọng giáo dục trên vẫn tồn tại, với khoảng 18% ngân sách nhà nước chi cho giáo dục. Những giáo viên chấp nhận công việc ở nông thôn cũng được trả lương cao hơn, trong nỗ lực chống lại sự bất bình đẳng giữa thành phố và nông thôn. Không giống như các quốc gia khác có mức thu nhập tương đối, các bé gái thực sự vượt trội hơn các bé trai ở trường tiểu học và trung học.

tre em viet hoc gioi 1
Trẻ em Việt Nam chụp ảnh cùng giáo viên trong ngày tri ân các nhà giáo dục hàng năm của đất nước. (Ảnh: Tân Hoa Xã/Alamy Stock Photo).

Tiến sĩ Hải-Anh H Đặng, một thành viên thỉnh giảng tại Trường Kinh tế London (Anh), cho biết, trong hệ thống trường học, phụ nữ có quyền bình đẳng như nam giới.

Ngoài ra còn có những phần thưởng dành cho giáo viên dạy tốt, bao gồm các giải thưởng danh giá “giáo viên xuất sắc” dành cho người dạy giỏi nhất. Trong khi đó, hiệu quả công việc và sự thăng tiến của giáo viên cũng dựa trên thành tích học tập của học sinh.

Tất cả điều này tạo ra kết quả trong lớp học. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Singh, khi 8 tuổi, trẻ em Việt Nam học ở trường nhiều hơn so với các bạn cùng lứa ở Peru, Ấn Độ và Ethiopia. Nghiên cứu này đã phân tích các bài kiểm tra giống hệt nhau được học sinh ở các nước thực hiện. Kết quả cho thấy học thêm một năm ở Việt Nam có thể giúp tăng khả năng giải một bài toán đơn giản của một đứa trẻ lên 21%, so với chỉ 6% ở Ấn Độ.

Tiến sĩ Singh cho biết, một năm học ở Việt Nam rất khác biệt, dường như nó mang lại cho bạn lượng kiến thức gấp đôi so với một năm ở Ấn Độ hoặc Peru. Nếu có thể giúp trẻ em ở Ấn Độ và Peru học được nhiều kiến thức trong một năm như ở Việt Nam, bạn sẽ thu hẹp được 90% khoảng cách kiến thức xuất hiện ở độ tuổi lên 8.

Ông nói thêm rằng mục tiêu của giáo viên cũng có ảnh hưởng. Các hệ thống như của Ấn Độ là một “chuỗi các giải đấu, với kỳ thi có điểm cao này đến kỳ thi có điểm cao khác” để xác định những học sinh giỏi nhất. Trong khi đó Việt Nam lại cung cấp “các kỹ năng cơ bản ở mức độ cao cho mọi người”.

Theo Tiến sĩ Singh, Việt Nam nhấn mạnh rất nhiều vào mọi đứa trẻ, vào việc đặt kỳ vọng tương đối cao về học tập cho tất cả mọi người - và đó thực sự là một sự khác biệt đáng kể.

Điều đó không có nghĩa là không có văn hóa cạnh tranh trong giáo dục. Tiến sĩ Phùng Đức Tùng cho biết trường học vẫn được coi là “cách tốt nhất để có một cuộc sống tốt đẹp hơn” và các bậc cha mẹ đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc vào việc học tập của con cái. Chẳng hạn, việc dạy kèm riêng là điều bình thường, trong khi kết quả thi được trao trực tiếp cho phụ huynh để họ có thể theo dõi sự tiến bộ của con mình.

Ông Tùng có 2 con hiện đang học đại học, ông cho biết: “Thành tích học tập của con cái ảnh hưởng đến danh tiếng của phụ huynh và chúng tôi đều rất tự hào nếu con mình học tốt”.

tre em viet hoc gioi 1
Việt Nam nên truyền cảm hứng cho các quốc gia khác để cung cấp nền giáo dục chất lượng cao, bất chấp mức thu nhập quốc dân. (Ảnh: Catwalkphotos/Alamy Stock Photo).

Vẫn còn những thách thức

Mặc dù điều này khuyến khích học sinh học tập chăm chỉ nhưng nó cũng có những hạn chế, đó là học sinh phải chịu áp lực rất lớn về kết quả thi - đặc biệt khi số lượng tuyển vào cao đẳng và đại học vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra còn có những thách thức khác mà hệ thống của Việt Nam phải đối mặt. Theo Ngân hàng Thế giới, học sinh ở các thành phố vẫn có nhiều cơ hội hơn: 76% thanh thiếu niên đang theo học trung học ở khu vực nông thôn, so với 90% ở khu vực thành thị.

Người dân tộc thiểu số cũng bị tụt lại phía sau và học sinh nghèo hơn cũng vậy. Ở tuổi 19, chỉ 1/5 số học sinh thuộc 20% nghèo nhất xã hội tiếp tục đi học, so với 80% học sinh thuộc 20% giàu nhất.

Một số người cũng lo ngại tình trạng thiếu giáo viên đang xuất hiện khi ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp hàng đầu bị thu hút vào khu vực tư nhân hoặc các cơ hội ở nước ngoài. Làm thế nào để tăng lương và phúc lợi cho giáo viên hiện đang được chính phủ thảo luận.

Một số người cho rằng hệ thống cần tập trung nhiều hơn vào ngôn ngữ, máy tính và các kỹ năng làm việc nhóm mà ngành công nghiệp mong muốn và việc cải cách chương trình giảng dạy đang diễn ra.

Tuy nhiên, đối với Tiến sĩ Singh, việc Việt Nam thậm chí còn có thể thảo luận về “kỹ năng mềm và đổi mới” cho thấy hệ thống hiện tại hiệu quả như thế nào so với các quốc gia khác có GDP tương tự.

“Những lời chỉ trích mà tôi nghe được về hệ thống của Việt Nam về cơ bản có vẻ giống nhiều hơn với những gì bạn nghe về các nước (phát triển), vốn giàu hơn khoảng 5 lần, so với những cuộc thảo luận về phần lớn Nam Á và châu Phi cận Sahara” - ông nói.

Vậy điều quan trọng là các quốc gia khác có mức thu nhập tương tự nên nhân rộng điều gì? Các chuyên gia cho rằng rất khó xác định chính xác, đặc biệt khi phần lớn thành công của Việt Nam gắn liền với văn hóa của nước này.

Tiến sĩ Hải-Anh H Đặng nói: “Rất khó để chuyển tải các giá trị của Việt Nam sang một quốc gia khác, điều đó là không thể”. Tuy nhiên, ông nói thêm, việc đảm bảo giáo viên được trả lương cao, được tôn trọng và tận tâm sẽ là điểm khởi đầu tốt cho các quốc gia khác.

Tiến sĩ Phùng Đức Tùng đồng ý với quan điểm trên. Ông cho rằng điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức trong xã hội về tầm quan trọng của giáo dục. Thứ hai là phải đào tạo giáo viên và khuyến khích họ làm việc chăm chỉ. Ở Việt Nam có một hệ thống giám sát rất tốt, minh bạch để đo lường hiệu quả hoạt động của giáo viên và mọi người dựa vào đó để tăng lương hoặc thăng chức.

Tiến sĩ Tùng cho biết thêm, các chính sách hỗ trợ cha mẹ nghèo đưa con đến trường và khuyến khích giáo viên làm việc ở vùng sâu vùng xa cũng rất quan trọng – cũng như khả năng truy cập Internet rộng rãi với chi phí phải chăng.

Tuy nhiên nhìn chung, điều quan trọng là Việt Nam có thể chứng minh khả năng xây dựng một hệ thống giáo dục vững mạnh ngay cả với nguồn lực có hạn.

Theo Tiến sĩ Singh, không có bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào về cách giảng dạy để đạt kết quả như Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam nên là nguồn cảm hứng để chứng minh rằng có thể đạt được một nền giáo dục chất lượng cao, dù mức thu nhập quốc dân là bao nhiêu.

Giaoducthoidai (theo Telegraph)