• Sinh ra và lớn lên ở khu ổ chuột nhưng anh Ngụy Minh đã phấn đấu trở thành một quý tộc trẻ tuổi tài đức trong lịch sử nước Anh. Có thể nói, cuộc đời anh đã sang trang kể từ khi nhận được món quà đặc biệt của bố.

    Ngụy Minh, sinh ngày 19/1/1977 tại Watford, Hertfordshire, Anh. Gia đình anh là người dân tộc Khách Gia, có gốc ở thành phố Chu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc và di cư sang Anh năm 1970.

    Những người nhập cư Anh thời điểm đó đều có hoàn cảnh sống rất khó khăn, nghèo khổ. Gia đình anh Ngụy Minh khi đó cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên bằng sự thông minh, hiếu học, anh đã có sự vươn lên ngoạn mục, đặt chân vào tầng lớp quý tộc ở Anh. Câu chuyện cuộc đời anh chính là minh chứng rõ nhất cho việc: Thông qua tri thức, con người có thể chinh phục được mọi mục tiêu!

    Cậu bé sinh ra ở khu ổ chuột, từng bị chủ đánh nhừ tử vì ngủ gật

    Thuở nhỏ, Ngụy Minh sống ở một khu ổ chuột, tập hợp những người nghèo, có thu nhập thấp ở Anh. Để phụ giúp bố mẹ, anh phải làm công việc rửa bát thuê ở một nhà hàng. Công việc vất vả nhưng lương lại chẳng bõ bèn.

    Một ngày nọ, cậu bé được bố tặng cho 2 quyển sách dạy tiếng Pháp và tiếng Đức. Từ đó mỗi khi rảnh rỗi, Nguỵ Minh đều ngồi mày mò học tập, nghiên cứu 2 ngôn ngữ này. Trong tư tưởng của Ngụy Minh khi đó cũng dần hình thành suy nghĩ phấn đấu, định hướng rõ bản thân chỉ có thể thoát nghèo thông qua con đường học tập. Mỗi tối, cậu bé đều tranh thủ học tập dù cả ngày đã phải lao động tay chân rất mệt.

    chang trai rua bat thue 1
    Một bức ảnh hiếm hoi gia đình chụp Ngụy Minh.

    Một lần, vì vừa mệt vừa đau bụng nên Ngụy Minh đã ngủ quên trong lúc rửa bát. Chủ nhà hàng sau đó phát hiện điều này, tưởng anh lười biếng không chịu làm việc nên đã nổi giận và đánh cho một trận đòn nhừ tử. Dù đau đớn nhưng anh vẫn cố nhịn và tiếp tục rửa bát cho xong. Tuy nhiên 20 phút sau, anh ngất xỉu và được mọi người vội đưa vào viện. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Ngụy Minh bị viêm dạ dày cấp tính.

    Từ giây phút này, cái nhìn của chủ nhà hàng dành cho chàng trai trẻ hoàn toàn thay đổi. Cảm động trước sự chăm chỉ, kiên trì của Ngụy Minh, ông chủ nhà hàng đã mang quà đến thăm và động viên. Cả hai dần thân thiết và hiểu rõ nhau hơn. Khi biết được niềm đam mê học tập của anh, ông chủ nhà hàng tỏ ra rất bất ngờ. Sau đó ông đưa ra đề nghị muốn Ngụy Minh dạy gia sư cho 2 con gái của mình với mức lương gấp 3 lần công việc rửa bát. Cô Cynthia, một trong 2 người con gái của ông chủ nhà hàng cũng chính là vợ của Ngụy Minh sau này.

    chang trai rua bat thue 1
    Ngụy Minh hiện tại.

    Con đường thành công của Ngụy Minh

    Sau khi chuyển đổi công việc, Ngụy Minh có nhiều thời gian hơn cho việc học tập. Năm 1995, anh tốt nghiệp trung học và được nhận vào Đại học Oxford chuyên ngành Ngôn ngữ hiện đại và tiếng Đức với mức học bổng toàn phần.

    Năm 1999, Ngụy Minh tốt nghiệp đại học và gia nhập công ty tư vấn quản lý McKinsey. Đây là một công ty tư vấn quản lý hàng đầu thế giới, chuyên về tiếp thị, sáp nhập và niêm yết cho các công ty siêu quy mô toàn cầu, với gần 100 chi nhánh tại 52 quốc gia và hơn 9.000 nhân viên hàng đầu thế giới.

    Tại McKindsey, Ngụy Minh phụ trách công việc tư vấn, chịu trách nhiệm đầu tư mạo hiểm tại châu Á, Mỹ, châu Phi và một số địa điểm khác. Nhờ năng lực làm việc xuất sắc, anh được công ty khoản đãi mức lương gần 1 triệu USD/năm, bao gồm cả lương tháng và tiền thưởng thêm.

    Tuy nhiên đến năm 2002, Ngụy Minh kiên quyết bỏ việc. Thay vào đó, anh muốn tập trung vào sự nghiệp cống hiến cho xã hội. Ngụy Minh đã cùng một người bạn thành lập tổ chức phi lợi nhuận với mục đích đào tạo sinh viên tốt nghiệp có thành tích học tập xuất sắc và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động xã hội ở vùng sâu vùng xa. Quá trình này có sự giúp đỡ rất nhiều từ các giáo viên ở Anh.

    chang trai rua bat thue 1

    Tháng 12/2005, Ngụy Minh tham gia chương trình "Hoàn trả tuyệt đối cho trẻ em" - chương trình từ thiện được hỗ trợ bởi các quỹ phòng hộ nhằm mục đích cung cấp sức khỏe, giáo dục và phúc lợi. Lấy kinh nghiệm từ chính cuộc đời mình, Ngụy Minh đã giúp đỡ cho hàng triệu trẻ em có cuộc sống tốt hơn, được ăn học đầy đủ.

    Tháng 3/2006, anh tiếp tục thành lập một tổ chức giáo dục từ thiện để tìm kiếm các giáo viên và những nhà lãnh đạo tiềm năng ở trường trung học nơi mình từng sinh sống. Sau đó, Ngụy Minh tập trung bồi dưỡng họ thành nhân tài để góp phần phát triển địa phương. Ngoài ra, anh còn thành lập thêm một số hiệp hội khác, đều chung mục đích từ thiện và giúp đỡ các nhóm đối tượng trong cộng đồng.

    Nhận được vinh dự không ai sánh bằng

    Những đóng góp miệt mài cho xã hội của Ngụy Minh đã thu hút sự chú ý của một nhân vật danh tiếng - lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh David Cameron (Thủ tướng Anh sau này). David Cameron sau đó đã mời Ngụy Minh hợp tác trong nhiều dự án cộng đồng và duy trì mối quan hệ mật thiết.

    Năm 2010, Cameron được bổ nhiệm làm thủ tướng và phê duyệt các dự án cộng đồng của Ngụy Minh. Anh được bổ nhiệm làm Cố vấn chính phủ, chịu trách nhiệm thúc đẩy các dự án và có văn phòng trụ sở trong Văn phòng nội các - nơi anh làm việc 1 ngày/tuần.

    chang trai rua bat thue 1

    chang trai rua bat thue 1
    Ngụy Minh trong trang phục Nam Tước.

    Tháng 6/2010, Ngụy Minh được Thủ tướng Cameron giới thiệu cho Nữ hoàng Anh và được giới thiệu vào Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Sau đó anh được ban danh hiệu Nam Tước - một tước hiệu dành cho giới quý tộc ở Anh. Ở tuổi 33, Ngụy Minh là người gốc Trung Quốc thứ 3 có vinh dự trở thành thành viên của Thượng Nghị viện và quý tộc trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Anh.

    Vì đảm nhiệm vai trò Cố vấn chính phủ nên Ngụy Minh không được tham gia trực tiếp vào các tổ chức xã hội trước đó mà anh thành lập. Tháng 5/2011, Ngụy Minh chính thức từ chức cố vấn để tập trung phát triển các dự án cộng đồng. Cựu Thủ tướng Anh David Cameron sau đó đã tuyên dương những đóng góp của anh trong suốt nhiệm kỳ.

    Theo PNVN

  • Bác sĩ Zhang Hong dùng miệng hút 800 ml nước tiểu cho một bệnh nhân cao tuổi trên chuyến bay từ New York về Quảng Châu hôm 19/11.

    Nam hành khách ngoài 70 tuổi bị bí tiểu và rơi vào tình trạng nguy kịch trên chuyến bay số hiệu CZ399 của hãng hàng không Trung Quốc China Southern Airlines. Máy bay lúc đó đang thực hiện hành trình hơn 15 giờ từ New York, Mỹ tới Quảng Châu, Trung Quốc.

    Ngay sau khi nhận được thông báo từ phi hành đoàn về một bệnh nhân cần trợ giúp y tế, hai hành khách là bác sĩ Xiao Zhanxiang từ bệnh viện ở Hải Nam và bác sĩ Zhang Hong từ bệnh viện ở tỉnh Quảng Đông đã tới để giúp đỡ người này.

    Bác sĩ Xiao chế tạo một thiết bị bằng ống thông tiểu, kim tiêm, ống hút và băng keo để giúp người đàn ông đi tiểu nhưng không thành công. Bác sĩ Zhang quyết định sử dụng ống thông để hút nước tiểu của bệnh nhân bằng miệng. Ông đã hút ra 800 ml nước tiểu trong 37 phút.

    Bác sĩ Zhang hút nước tiểu cho bệnh nhân trên chuyến bay của China Southern Airlines hôm 19/11. Video: Global Times

    "Tôi không có dụng cụ y tế chuyên dụng vào thời điểm đó, chỉ có thể dùng miệng và tôi không có thời gian để do dự", bác sĩ Zhang nói với Guangzhou Daily, thêm rằng ông và bác sĩ Xiao vừa từ New York trở về sau khi tham dự hội nghị chuyên đề về các vấn đề mạch và nội mạch.

    Đoạn video ghi lại cảnh cứu người của hai bác sĩ được đăng trên mạng xã hội Trung Quốc và được chia sẻ rất nhiều. Khi được người dùng mạng ca ngợi là người có trái tim nhân hậu, là kho báu của đất nước và niềm tự hào của quê nhà, Zhang nói rằng cứu người là bản năng của bác sĩ.

    Theo VnExpress

  • Cù Phương Linh, Kiều Trang, Nguyễn Huỳnh Diệu Linh, Nguyễn Thu Trang là những cô nàng du học sinh Anh sở hữu thành tích học tập ấn tượng, có nhan sắc không kém hot girl đình đám.

    Cù Phương Linh tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính trường Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Tháng 10/2018, cô sang Anh để học tiếp bậc Thạc sĩ tại trường Đại học Westminster.

    Với nhan sắc xinh đẹp, thân hình thon gọn cùng nụ cười rạng rỡ, Phương Linh được nhiều người gọi là “hot girl du học”. Cô sở hữu 1 kênh vlog để chia sẻ về cuộc sống học tập và làm việc tại Anh.

    Cô gái Hà Nội đã có người yêu, "nửa kia" của cô cũng đang du học tại Anh. Đôi trẻ đã có 3 năm hẹn hò và thường đăng tải những khoảnh khắc hạnh phúc kèm lời có cánh về nhau trên trang cá nhân.

    Cù Phương Linh chia sẻ cuộc sống là du học sinh tại Anh Cù Phương Linh được nhiều người khen là xinh đẹp và có nụ cười rạng rỡ. Cô có một kênh vlog để chia sẻ về cuộc sống khi học tập và làm việc tại Anh.

    Kiều Trang từng gây chú ý trong cộng đồng du học sinh Việt Nam với nhan sắc xinh đẹp và thành tích học tập ấn tượng. Sau khi tốt nghiệp bằng Cử nhân ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cô sang Anh du học ngành Quản trị khách sạn tại trường Đại học Birmingham bậc thạc sĩ.

    Nhan sắc của hot girl du học Anh được nhiều người nhận xét là không thua kém các idol Hàn Quốc. Ngoài sở hữu chuỗi homestay có tiếng tại Hà Nội, cô còn làm việc cho một công ty truyền thông.

    Sở hữu đủ combo “xinh đẹp, học giỏi, tài năng”, hot girl Hà thành được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ. Kiều Trang thích đi du lịch và cũng có niềm đam mê với nghệ thuật.

    Nguyễn Huỳnh Diệu Linh nổi tiếng trên mạng nhờ nhan sắc xinh đẹp, ngoại hình sáng và chiều cao nổi bật 1,70 m. Hiện nữ sinh 10X đang theo học chuyên ngành về Tài chính và Kinh doanh tại trường Mander Portman Woodward.

    Xuất thân từ chuyên ngành tiếng Pháp nhưng lại chọn sang Anh du học, Diệu Linh cũng gặp phải những bỡ ngỡ ban đầu như nhiều du học sinh khác. Sau thời gian du học ở Anh, 10X thấy mình trưởng thành và biết tự lập hơn. "Điều thay đổi lớn nhất trong con người mình là suy nghĩ và hành động. Mình chín chắn, trưởng thành hơn. Đặc biệt là thương bố mẹ nhiều hơn", cô chia sẻ.

    Ước mơ của hot girl Hải Phòng là trở thành BTV Thời sự của Đài truyền hình Việt Nam. Bên cạnh thời gian học trên trường, Diệu Linh còn học thêm nhiếp ảnh để thỏa mãn đam mê. 10X cũng yêu thích thời trang và thường chọn trang phục khoe khéo lợi thế về ngoại hình như đôi chân dài, vòng eo thon và vóc dáng gợi cảm.

    Trước khi sang Anh học, Nguyễn Thu Trang (sinh năm 2000) là học sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội). Hiện 10X là sinh viên năm nhất tại trường Coventry.

    Bên cạnh công việc học tập, Thu Trang còn có niềm đam mê với trang điểm và làm đẹp. Nữ sinh bắt đầu làm vlog từ năm 2017, hiện cô là beauty blogger được nhiều bạn trẻ quan tâm, theo dõi.

    Những video của cô thu hút nhờ cách trang điểm đẹp mắt và những mẹo hay về làm đẹp. Nữ sinh du học Anh theo đuổi phong cách cá tính, gợi cảm và sở hữu nhan sắc không kém hot girl.

    Theo Zing

  • Đó là câu chuyện về Dashrath Manjhi - một người đàn ông Ấn Độ đã phá núi làm đường sau khi vợ ông qua đời vì đường xa cách trở, không đến bác sĩ kịp thời.

    Gia đình Manjhi sống ở khu làng Gehlour xa xôi thuộc Gaya, Bihar, miền Bắc Ấn Độ. Họ sống trong điều kiện không có điện, nước sạch, không có trường học hay bệnh viện.

    Ngọn núi cao 100 mét nằm sát cạnh ngôi làng Gehlour là thứ cản trở họ có được những nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.

    Mọi dịch vụ và nhu yếu phẩm cần thiết đều ở phía bên kia ngọn núi.

    Giống như tất cả những người đàn ông trong làng, Manjhi làm việc ở phía bên kia ngọn núi. Vào buổi trưa, vợ ông - bà Phaguni sẽ mang cơm đến cho chồng. Vì không có đường, họ phải đi vòng qua ngọn núi và chuyến đi lúc nào cũng mất khoảng vài tiếng.

    Một buổi trưa, bà Phaguni bị vấp phải tảng đá và bị thương. Bình nước rơi xuống đất vỡ tan. Bà đến muộn với đôi chân khập khiễng. Ông giận bà vì đến muộn, nhưng khi nhìn thấy những giọt nước mắt của vợ, ông đã quyết định sẽ tự giải quyết vấn đề của mình.

    Ông Manjhi mua một chiếc búa, một cái đục và một chiếc xà beng. Ông đã phải bán vài con dê để sắm những món dụng cụ đó.

    Ông Manjhi phá ngọn núi cao 100 mét bằng một chiếc búa, một cái đục và chiếc xà beng.

    Thế rồi, ông bắt đầu leo lên đỉnh và phá núi. Nhiều năm sau, ông kể lại: ‘Ngọn núi ấy đã cướp đi rất nhiều sinh mạng. Tôi không thể chịu được việc nó làm vợ tôi bị thương. Nếu tôi dùng cả cuộc đời mình để làm việc đó, sẽ có một con đường xuyên qua núi cho cả làng’.

    Câu chuyện phá núi của ông Majihi bắt đầu được lan truyền. Ông bắt đầu công việc vào lúc sáng sớm, sau đó ông lại quay về làm việc trên cánh đồng cho ông chủ. Đến tối, ông lại tiếp tục công việc phá núi. Majihi hầu như không ngủ.

    Chứng kiến quyết tâm của Majihi, dân làng dần nể phục và tôn trọng ông. Họ bắt đầu quyên góp đồ ăn cho gia đình ông. Cuối cùng, ông bỏ công việc kiếm cơm của mình để dành toàn bộ thời gian cho việc phá núi.

    Con đường đi vòng qua ngọn núi mất tới vài giờ.

    Một lần, bà Phaguni bị ốm. Bác sĩ thì ở bên kia ngọn núi, nhưng con đường từ nhà ông đến chỗ bác sĩ dài tới 75km. Không kịp đưa vợ tới bệnh viện, ông chấp nhận nhìn bà qua đời. Cái chết của người vợ khiến Majihi càng quyết tâm tiếp tục công việc của mình. 

    Nhiệm vụ này không hề dễ dàng. Ông thường xuyên bị thương do đá rơi xuống. Những lúc đó, ông sẽ nghỉ ngơi vài ngày rồi lại trở lại với công việc. Trong khi làm công việc này, ông nhận mang đồ cho mọi người từ bên này núi sang bên kia núi với một khoản tiền công nho nhỏ để nuôi con.

    Sau 10 năm, một khe hở hẹp bắt đầu chia tách ngọn núi. Nhìn thấy công việc có kết quả, dân làng bắt đầu chung tay giúp Majihi.

    Sau 10 năm, một khe núi hẹp đã bắt đầu chia tách ngọn núi thành hai.

    22 năm sau, một con đường dài 120 mét, rộng 10 mét đã hiện ra. Từ đó, con đường đưa người dân tới bên kia ngọn núi rút ngắn chỉ còn 5km. Không những thế, người dân ở 60 ngôi làng khác thuộc Atri cũng sử dụng con đường này. Trẻ em chỉ phải đi bộ 3km để tới trường. Mọi người bắt đầu gọi ông là ‘Baba’ – có nghĩa là người đàn ông đáng kính.

    Thành tựu không tưởng của ông Manjhi sau 22 năm.
    Một con đường rộng 10 mét, dài 120 mét đã xuất hiện sau 22 năm kiên trì của người đàn ông Ấn Độ.

    Nhưng chưa dừng ở đó, Majihi bắt đầu gõ cửa các cơ quan công quyền để yêu cầu rải nhựa con đường và kết nối con đường này với con đường lớn.

    Ông đã làm một việc không tưởng khác để thu hút sự chú ý của chính phủ Ấn Độ. Ông đi bộ suốt từ ngôi làng của mình tới thủ đô New Delhi. Ông nộp đơn thỉnh cầu để ngôi làng của ông có đường, bệnh viện, trường học và nước sạch.

    Chính phủ trao tặng một mảnh đất cho Majihi vì những nỗ lực của ông, nhưng ông ngay lập tức hiến lại đất cho một bệnh viện.

    ‘Tôi không quan tâm tới những giải thưởng này, danh tiếng hay tiền bạc. Tất cả những gì tôi muốn là một con đường, một ngôi trường và một bệnh viện cho dân làng chúng tôi. Họ đã quá vất vả. Những thứ đó sẽ giúp ích cho những người phụ nữ và trẻ con trong làng’.

    Tháng 8/2007, ông Manjhi phải chiến đấu với căn bệnh ung thư.

    ‘Tôi bắt đầu công việc này vì tình yêu dành cho vợ, nhưng tôi tiếp tục nó vì người dân. Nếu tôi không làm thì chẳng ai làm cả’ - ông chia sẻ.

    Dashrath Manjhi - người đàn ông nổi tiếng ở Ấn Độ đã dành 22 năm để phá núi làm đường.

    Viethome (theo Helino)

  • Năm 3 tuổi, Liz Murray đã nhận ra bố mẹ mình nghiện ma tuý.

    Cứ mỗi ngày vài lần, họ biến mất sau một cánh cửa, bày dụng cụ lên bàn và tiêm thuốc.

    Cuộc sống của Liz và chị gái bị bao vây bởi môi trường nghiện ngập, sống trong bẩn thỉu và gần như lúc nào cũng đói ăn.

    Khi còn học mẫu giáo, thời điểm nhận phúc lợi xã hội hàng tháng là lúc mà cô bé cảm thấy sung sướng nhất. Cô sẽ cùng với gia đình mình háo hức chờ người đưa thư tới.

    ‘Chúng tôi sẽ cùng nhau thanh toán hóa đơn’ - cô nhớ lại. Sau đó, bố mẹ cô biến mất. Họ đi mua thuốc rồi quay về nhà.

    Sau khi mua thuốc xong, họ mới mua đến những thứ thiết yếu khác. Thường thì chỉ có 30 đô la dành cho việc mua thức ăn trong cả tháng.

    ‘Chúng tôi thường ăn đá viên, gặm đũa, chia nhau chút kem đánh răng cuối cùng. Rồi chúng tôi gõ cửa nhà hàng xóm’.

    ‘Nhưng tất cả mọi người trong khu này đều sống nhờ trợ cấp của chính phủ’.

    Mặc dù phải trải qua những ngày tháng tồi tệ do bố mẹ nghiện ma tuý, Liz vẫn luôn biết ơn cuộc sống gia đình.

    ‘Tôi nhớ về một nơi bình yên nhất định khi tất cả chúng tôi đã lên giường trong cùng một mái nhà. Mẹ tôi thường ngồi ở chân giường tôi và kể cho tôi nghe những giấc mơ của bà’.

    Khi cơn nghiện khiến mẹ cô trở nên nhẫn tâm hơn, mối liên hệ giữa cô và mẹ trở nên rạn nứt. Vào dịp sinh nhật, bà cô gửi một tấm thiệp kèm theo 5 đô la, nhưng số tiền nhỏ nhoi bị mẹ cô đánh cắp để đi mua ma tuý.

    Sau khi cô đối chất với mẹ, bà đã ném thuốc vào bồn cầu và cầu xin cô tha thứ. Liz nói, bà đã rất tuyệt vọng. ‘Bà nhìn vào tôi và nói ‘Lizzy, mẹ không phải là một con quái vật. Mẹ chỉ không thể dừng lại được. Con yêu, hãy tha thứ cho mẹ’.

    Liz sau đó phát hiện ra rằng bố mẹ cô dùng chung kim tiêm với những người nghiện khác. Đến năm 1990, mẹ cô bị phát hiện dương tính với HIV.

    Mẹ ra vào bệnh viện thường xuyên, cha thì vẫn nghiện nặng và không chi trả được tiền thuê nhà, cuối cùng Liz phải ra đường sống. Cô ngủ ở ga tàu điện ngầm hoặc trên ghế đá của công viên.

    Năm 1996, ngay trước lễ Giáng sinh, mẹ cô qua đời.

    Mẹ của Liz Murray

    Cô chứng kiến bà luôn nói rằng ‘một ngày nào đó, cuộc sống sẽ tốt hơn’, nhưng bà lại chẳng làm gì để thay đổi nó. Cái chết của mẹ đã truyền động lực để Liz thay đổi cuộc đời.

    Cô quyết định đi học mặc dù vẫn đang trong tình trạng vô gia cư.

    Sau nhiều lời từ chối, cuối cùng cô được nhận vào một trường trung học ở Chelsea, Manhattan, New York, Mỹ.

    Liz bắt đầu học trung học khi các bạn cùng tuổi đều sắp tốt nghiệp. Nhưng cô đã tự hứa với mình rằng sẽ trở thành một học sinh toàn điểm A.

    ‘Trong một thế giới chỉ toàn nói ‘không’ với tôi thì những giáo viên là người nói ‘có’ với tôi’.

    Khi gần kết thúc trung học với bảng điểm toàn A, Liz có một chuyến đi tới Boston, cũng là lần đầu tiên cô bước chân ra khỏi New York.

    ‘Nơi cuối cùng mà chúng tôi tới là Harvard, đơn giản là vì chúng tôi muốn chụp một bức ảnh trước bức tượng John Harvard’.

    Cảm nhận được sự phấn khích của Liz, một giáo viên gợi ý cô nên nộp hồ sơ vào Harvard. Nhưng không có tiền, lại vô gia cư – điều mà cô vẫn giấu mọi người ở trường, Harvard dường như quá tầm với của Liz.

    ‘Tôi biết là mình sẽ cần học bổng. Cuối cùng, tôi cũng tìm được một học bổng của tờ New York Times - 12.000 USD/năm’.

    Để nộp đơn cho học bổng này, Liz phải nêu chi tiết những khó khăn mà cô đã phải đối mặt để đạt được thành tích học tập này.

    Với nhiều người bạn và giáo viên ở trường, đây là lần đầu tiên họ biết đến những biến cố trong cuộc đời cô.

    Nỗ lực thay đổi cuộc đời của Liz Murray được đền đáp xứng đáng. Hiện cô đang là diễn giả truyền cảm hứng ở Mỹ.

    Với số tiền từ học bổng, Liz bắt đầu việc học tập của mình. Trong khi theo học Harvard, cô vẫn đi diễn thuyết ở nhiều nơi, truyền cảm hứng cho nhiều người. Liz sáng lập Minifest Living, một công ty chuyên cung cấp hội thảo dành cho những người muốn thay đổi số phận.

    Cuốn tự truyện của Liz kể về cuộc đời mình – từ một người vô gia cư tới cử nhân ĐH Harvard nằm trong danh sách sách bán chạy nhất do New York Times bình chọn. 

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Đối mặt với kẻ sát nhân, Thôi Dịch Văn (sinh viên Trung Quốc) đã dũng cảm lấy cơ thể mình đỡ 8 nhát dao, cứu sống người bạn cùng lớp.

    Sự việc xảy ra vào tối 10/3 tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Điện tử Quế Lâm, Trung Quốc.

    Sau khi Dịch Văn cùng bạn học Lương Vũ Huỳnh (còn gọi là Tiểu Lương) kết thúc buổi học nhóm và cùng nhau trở về ký túc xá, khi đi ngang qua sân chơi, đột nhiên có một nam sinh ra tay đâm Tiểu Lương. Dịch Văn chạy đến can ngăn thì bị đâm 2 nhát.

    Biết mục tiêu của hung thủ là sát hại Tiểu Lương nên Dịch Văn đã kêu cô bạn chạy nhanh để thoát thân. Nhưng sau đó, cả hai đã bị hung thủ khống chế. Trong lúc nguy cấp ấy, Dịch Văn không suy nghĩ nhiều mà quyết định dùng cơ thể mình để bảo vệ bạn và bị đâm tiếp 6 nhát dao.

    Thôi Dịch Văn - nữ sinh 20 tuổi dũng cảm dùng thân thể của mình đỡ 8 nhát dao để bảo vệ mạng sống cho bạn cùng lớp. 

    Qua 2 lần ngăn cản, Dịch Văn đã bị đâm 8 nhát dao lần lượt vào ngực, gan, eo, bụng, cánh tay và túi mật, đặc biệt gan bị tổn thương khá nặng.

    Sau khi nghe kể lại câu chuyện, rất nhiều người thắc mắc, không hiểu vì sao một cô gái có thân hình khá mỏng manh với chiều cao 1,70 m, nặng 45 kg lại có thể dũng cảm đỡ dao thay bạn.

    "Em là con của một người lính. Lúc đấy, em chỉ biết rằng nếu mình không cứu bạn ấy thì bạn ấy sẽ chết", câu trả lời của nữ sinh khiến mọi người nể phục, ngưỡng mộ.

    Mặc dù sự việc đã trôi qua được hơn một tháng, cha mẹ của Dịch Văn vẫn rất đau lòng mỗi khi nhớ đến.

    Ông Thôi Hoàng Vỹ - cha của Dịch Văn - cho hay ông vẫn nhớ như in cuộc điện thoại gọi đến nhà ông lúc 22h ngày 10/3 và báo rằng: "Con gái ông bị tai nạn. Hãy đến Quế Lâm ngay đi".

    Ông Thôi đã rất hoảng sợ hỏi lại: "Con tôi có sao không?", bên kia tiếp tục trả lời: "Con bé vẫn ổn, ông đến rồi sẽ biết".

    Khi cuộc gọi kết thúc, ông Thôi không dám tin đó là sự thật, ông nghĩ mình vừa nói chuyện với một kẻ lừa bịp. Vì thế, ông vội vàng gọi điện cho con gái nhưng không ai trả lời.

    Vụ việc xảy ra tại một sân chơi của ký túc xá Đại học Khoa học Kỹ thuật Điện tử Quế Lâm.  

    Không thể ngừng lo lắng, cha của Dịch Văn đã liên lạc với bạn học cùng lớp con gái mình và biết rằng vừa có tai nạn xảy ra nhưng người bạn kia cũng không cung cấp nhiều thông tin cho ông.

    Ông Thôi nhanh chóng gọi điện cho bạn bè ở Quế Lâm để nhờ họ đến hiện trường xem tình hình của con gái. Dịch Văn vẫn còn tỉnh táo khi bạn của cha mình đến, cô gái còn kịp nói: "Cha mẹ yên tâm, con vẫn ổn", sau đó cô dần hôn mê.

    Cha mẹ Dịch Văn đã thức trắng đêm ở nhà ga trên đường đến Quế Lâm. Họ không ngừng lo lắng và cầu nguyện con gái mình sẽ được bình an.

    Nhưng khi đến bệnh viện, nhìn con gái nằm đó, cơ thể chằng chịt vết thương, mặt mày tái nhợt khiến cho cha mẹ cô gái đã không cầm được nước mắt mà bật khóc thành tiếng.

    Lòng dũng cảm, hành động chính nghĩa của Thôi Dịch Văn đã được xã hội công nhận và khen ngợi. 

    Trong bệnh viện, Thôi Dịch Văn cố gắng mạnh mẽ, không rơi một giọt nước mắt, luôn mỉm cười và an ủi người khác.

    Cho đến ngày chuẩn bị xuất viện, khi miếng gạc được gỡ bỏ, cô gái 20 tuổi này đã bật khóc và nói: "Em đã nghĩ em vẫn giống như trước đây, nhưng những vết thương này thực sự trông rất khủng khiếp".

    Trước hành động đáng khen ngợi ấy của Dịch Văn, ngày 22/4 vừa qua, Ủy ban Chính trị và Pháp lý huyện Linh Xuyên (Quảng Tây, Trung Quốc) đã trao giấy chứng nhận cho cô gái vì lòng dũng cảm và hành động chính nghĩa của mình.

    Viethome (theo VTC)

  • Sinh ra và lớn lên tại trang trại bò sữa, phải bỏ học vì có con năm 17 tuổi, Diane Hendricks vẫn nỗ lực và cố gắng để trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ.

    Diane Hendricks cùng chồng là Ken Hendricks thành lập ABC Supply vào năm 1982. Từ một công ty nhỏ, ABC Supply được vợ chồng nhà Hendricks phát triển thành nhà phân phối mái lợp lớn nhất Mỹ.

    Nữ tỷ phú Diane Hendricks sinh năm 1947 (Đinh Hợi). 

    Sau khi ông Ken Hendricks qua đời vào năm 2007, bà Diane tự mình điều hành công ty và thực hiện nhiều thương vụ mua lại quan trọng. Trong đó bao gồm việc thâu tóm L&W Supply với giá 670 triệu USD vào năm 2016. Dưới sự chèo lái của bà Diane, ABC Supply từ công ty trị giá khoảng 3 tỷ USD khi công Ken qua đời thành đế chế 9 tỷ USD vào năm 2018.

    Nữ doanh nhân sinh năm 1947 (Đinh Hợi) sử dụng tiền kiếm được cho nhiều mục đích khác nhau như hỗ trợ kinh tế cho thành phố Beloit, Wisconsin (nơi ABC Supply ra đời), sản xuất phim Hollywood và quyên góp hơn 1 triệu USD cho các hoạt động của đảng Cộng hòa. Bà cũng là cố vấn kinh tế cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.

    Theo thống kê của tạp chí Forbes, bà Diane hiện sở hữu tài sản trị giá 6,2 tỷ USD và là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ. 

    Lớn lên tại trang trại bò sữa và sinh con năm 17 tuổi

    Bà Diane Hendricks sinh ra và lớn lên tại một trang trại bò sữa ở bang Wisconsin, trong một gia đình có 9 người con gái. Trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí Forbes, bà cho biết dù có một cuộc sống tuyệt vời tại trang trại, bà vẫn “luôn mong muốn được mặc suit” (âu phục).

    Năm 17 tuổi, Diane có con và kết hôn với mối tình đầu của mình. Vì mang thai nên bà không thể tiếp tục hoàn thành chương trình trung học. Diane phải tự học ở nhà để thi lấy bằng trung học.

    “Điều đó không thể khiến tôi ngừng khao khát đạt được mơ ước của mình. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng nhờ nó tôi còn tập trung hơn vào những gì mình muốn đạt được”, nữ doanh nhân chia sẻ với Forbes. 

    Năm 2009, trả lời tờ New York Times, Diane nói rằng bà đã chuyển tới Janesville – nơi chồng làm việc và bắt đầu một công việc tại nhà máy lắp ráp Parker Pen. 3 tháng sau, Diane rời khỏi đây và tìm được công việc bán bất động sản. Một thời gian ngắn sau đó, bà bắt đầu học để lấy giấy phép hành nghề môi giới.

    “Tôi biết mình phải tìm cách tự lập. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về việc mình có thể nuôi con trai. Tôi đã nộp đơn ly hôn một tuần sau khi tròn 21 tuổi”, Diane nhớ lại.

    Cùng người chồng thứ 2 mua và cải tạo 100 căn nhà ở Beloit

    Không lâu sau khi gặp người chồng thứ 2 – Ken Hendricks – một nhà thầu mái lợp, Diane và Ken bắt đầu kinh doanh cùng nhau. Chỉ trong vòng 3 năm, cặp đôi đã mua hơn 100 căn nhà tại thành phố Beloit và tự mình sửa chữa chúng. Vài năm sau đó, hai người mở cửa hàng ABC Supply đầu tiên tại Beloit với sự hỗ trợ từ các khoản đầu tư và những công ty bất động sản và mái nhà khác của Ken.

    Chỉ trong vòng 3 năm, cặp đôi đã mua hơn 100 căn nhà tại thành phố Beloit và tự mình sửa chữa chúng.

    Tới năm 2001, vợ chồng Hendricks thành lập Hendricks Holding Company, đầu tư vào nhiều lĩnh vực bao gồm công ty công nghiệp, vận tải, bất động sản, chăm sóc sức khỏe…

    Đưa công ty lên đỉnh cao mới sau khi chồng qua đời

    Năm 2007, ông Ken Hendricks qua đời ở tuổi 66 sau khi ngã từ trên mái căn nhà ở Wisconsin của mình.

    “Tôi biết rằng việc kinh doanh vẫn phải tiếp tục, đó là công việc cả đời của chúng tôi. Tôi đã làm việc tại nhà trong suốt năm đầu tiên sau khi chồng qua đời. Các nhân viên cấp cao đến nhà tôi để thảo luận công việc”, bà Diane kể với New York Times.

    Sau khi chồng qua đời, bà Diane tiếp tục phát triển công ty lên những đỉnh cao mới. Bà chỉ đạo 2 thương vụ thâu tóm lớn nhất vào năm 2010 và 2016, đưa doanh thu tăng từ 3 tỷ USD trong năm 2007 lên mức 9 tỷ USD trong năm tài chính 2018.

    Nằm ở vùng giáp ranh của bang Wisconsin và Illinois, thành phố Beloit có dân số gần 37.000 người và bà Diane đã đầu tư hàng triệu USD để thay đổi bộ mặt nơi này. Nữ tỷ phú mua một câu lạc bộ thể thao ngoài trời, trung tâm thương mại, thư viện, các tòa nhà bỏ hoang cùng nhiều bất động sản khác, với mục tiêu hồi sinh chúng và mang làn gió kinh doanh mới cho thành phố.

    “Tôi nhìn thấy cơ hội trong các tòa nhà cũ”, bà Diane nói với New York Times vào năm 2017. 

    VietHome (Theo cafebiz)

  • Không có bàn tay, người phụ nữ Mỹ đã dùng khuỷu tay của mình lái xe và tốt đến nỗi nhiều người mời cô làm tài xế riêng.

    Janet Brown, 31 tuổi ở Bắc Carolina, Mỹ sinh ra với khuyết tật các chi. Để nuôi hai con cô đã phải sử dụng đôi tay của mình làm mọi thứ. Hằng ngày Janet lái xe vào buổi sáng, trong khi hai con trai tới trường.

    Bà mẹ đơn thân dùng đôi tay cụt ngủn của mình để điều khiển xe. Cô nói, hành khách không chú ý đến điều đó, bởi vì Janet lái xe êm ái như bao tài xế bình thường khác. "Hầu hết hành khách nói tôi là một tài xế xuất sắc và họ muốn tôi trở thành lái xe riêng cho họ", cô nói với Metro.

    Bà mẹ đơn thân này còn thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để đồng hành cùng người khuyết tật, thúc đẩy giáo dục. Cô muốn cho họ thấy dù có sự khác biệt nhưng không cần phải che giấu bản thân, mà hãy đón nhận cuộc sống mình đáng có.

    Janet nói thêm, nhiều người có thiện chí giúp đỡ cô nhưng cô khó chịu khi cảm thấy không thể tự lo cho mình. Cô thường nói với con trai mặc dù khác biệt nhưng cô có thể làm bất cứ việc gì mà các bà mẹ khác có thể làm. 

    Janet dùng đôi tay không có ngón để lái xe. Ảnh: Metro.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Câu chuyện về cậu học sinh vô gia cư Dylan Chidick đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người giữa lúc vụ gian lận tuyển sinh đại học đang gây chấn động khắp nước Mỹ.

    Mùa hè năm 2017 là thời điểm cuộc sống của Dylan Chidick trở nên khó khăn hơn bao giờ hết: Trở thành người vô gia cư, mẹ bị mất việc và hai người em sinh đôi bị bệnh tim cần được chữa trị. Thế nhưng tất cả những điều đó không thể ngăn Dylan tiếp tục cố gắng học tập ngay cả khi phải ở trong một nơi trú ẩn với điều kiện khiêm tốn.

    Dylan đã nhận được thư mời học từ 17 trường.

    Và mới đây, Dylan đã được nhận vào 17 trường đại học trong đó có Đại học Siena, Đại học Kean, Đại học Caldwell và Đại học York của bang Pennsylvania. Ngoài ra, cậu còn nhận được học bổng toàn phần của chương trình "Give Something Back". Câu chuyện đầy cảm hứng về nỗ lực của cậu học sinh hiếu học này trái ngược hoàn toàn với trường hợp của những "cậu ấm, cô chiêu" con nhà giàu được phụ huynh chạy suất vào các trường đại học danh giá tại Mỹ.

    Ngày 12/3 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc 50 người tham gia vào đường dây hối lộ trị giá nhiều triệu USD để đưa một số sinh viên có thành tích học tập không tốt vào các trường đại học danh tiếng. Đây được coi là vụ gian lận tuyển sinh đại học lớn chưa từng có tại Mỹ. Hàng chục CEO, người giàu có và người nổi tiếng đã bị cáo buộc hối lộ để con cái của họ được nhận vào những trường như Yale, Standford hay Georgetown.

    Chia sẻ về vụ bê bối tuyển sinh, Dylan cho biết: "Tôi nghĩ rằng thật không công bằng khi người ta chỉ cần bỏ tiền ra để mua chỗ trong trường đại học. Tôi biết điều này đã xảy ra trong một thời gian dài và luôn có những những có nhiều tiền bạc, mối quan hệ và đặc quyền để thực hiện hành vi gian lận dễ dàng hơn người khác. Và điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải học chăm chỉ hơn để vào được đại học".


    Dylan Chidick và mẹ của mình, bà Khadine Phillip.

     

    Trong khi con em của những gia đình giàu có gần như chẳng cần lo lắng gì về việc vào học đại học thì rất nhiều sinh viên trên khắp nước Mỹ chia sẻ rằng họ phải đối mặt với không ít trở ngại khi tìm việc làm thêm để trang trải học phí hay để giúp đỡ gia đình cũng như nỗ lực tự học để cải thiện điểm số và triển vọng trong tương lai.

    Quá trình nộp hồ sơ vào đại học của Dylan là một giai đoạn đầy thử thách với những đêm thức muộn và tâm lý hồi hộp chờ đợi. Lần đầu tiên làm bài thi SAT, cậu học sinh nghĩ rằng mình chưa tích lũy đủ kiến thức và có thể làm tốt hơn. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho lần thi thứ hai, Dylan đã dành nhiều đêm ôn luyện. Cậu mong muốn trở thành người đầu tiên trong gia đình đỗ đại học.

    Gia đình Dylan rời Trinidad để định cư tại Brooklyn từ năm cậu 7 tuổi rồi chuyển đến Jersey City khi họ cạn kiệt về tài chính. Thời gian học tại trường trung học Henry Snyder, Dylan trở thành học sinh tiêu biểu có thành tích tốt và tham gia các lớp học nâng cao.

    Mẹ của Dylan, bà Khadine Phillip làm phụ tá chăm sóc sức khỏe tại nhà còn hai người em trai 11 tuổi của cậu bị bệnh tim và cần được phẫu thuật sớm. Giữa năm 2017, bà Phillip mất việc và gia đình Dylan mất căn nhà đang ở. Họ chuyển đến một nơi trú ẩn tạm thời và ở đó trong vòng vài tháng. Sau khi rời lớp học nâng cao, Dylan đi làm thêm tại một trung tâm giải trí rồi trở về "nhà" lúc 9 giờ tối và tiếp tục học.

    Dylan và mẹ.

    May mắn thay, với sự giúp đỡ của tổ chức địa phương hỗ trợ tìm nhà ở Women Rising, Dylan và gia đình của mình đã thoát khỏi cảnh vô gia cư.

    Sau đó, Dylan bắt đầu chuẩn bị nộp hồ sơ vào đại học và gạt bỏ suy nghĩ về sự hoài nghi của người xung quanh khi cậu đạt kết quả không tốt ở lần thi SAT đầu tiên. Cậu chia sẻ: "Tôi đã học được cách kiên trì và làm việc chăm chỉ đã giúp định hình tính cách của tôi. Không thành công ở lần đầu tiên không có nghĩa là bạn sẽ lặp lại điều đó lần thứ hai. Ngay cả trước khi lâm vào cảnh vô gia cư, tôi vẫn muốn trở thành sinh viên đại học. Sau những gì đã trải qua, tôi càng quyết tâm phấn đấu để gia đình mình không bao giờ rơi vào tình cảnh đó một lần nữa".

    Hiện Dylan đang chờ thông báo trúng tuyển từ trường đại học thứ 18, lựa chọn hàng đầu của cậu – Đại học New Jersey. Dự định trong tương lai của Dylan là trở thành luật sư.

    VietHome (Theo Cafebiz)

  • Tuy chưa một lần nghĩ đến việc kết hôn nhưng Karl Lagerfeld thừa nhận rằng nếu có, thì người bạn đời của ông chắc chắn sẽ là chú mèo cưng Choupette.

    Yêu thích sự bí ẩn và cô độc

    Giám đốc sáng tạo của hãng Chanel, Karl Lagerfeld.

    Ngày 19/2, cả làng mốt đau buồn khi nghe tin Karl Lagerfeld  - Ông hoàng thời trang của hãng Chanel qua đời ở tuổi 86. Sự ra đi của ông để lại một niềm mất mát lớn với làng thời trang toàn thế giới.

    Karl Lagerfeld sinh ngày 10/9/1933 tại ngôi làng ở Đức, trong một gia đình khá giả. Cha ông - Otto Lagerfeld - kinh doanh sữa đặc còn mẹ bán nội y. Từ nhỏ ông đã thể hiện là người có gu thẩm mỹ khác biệt bởi thường xuyên cảm thấy các bạn cùng trang lứa ăn vận một cách đơn điệu, tẻ nhạt.

    Từ những năm 1970, Karl Lagerfeld đã gây tiếng vang.

    Ông đã mơ về đất nước Pháp vì cảm thấy đây là nơi phù hợp, gần gũi với những quan điểm của mình.

    Trước khi bắt đầu sự nghiệp với vai trò trợ lý của Pierre Balmain vào năm 1955, Karl Lagerfeld đã thắng trong mảng thiết kế áo khoác trong một cuộc thi do hai nhà thiết kế Pháp Pierre Balmain và Hubert de Givenchy làm giám khảo.

    Sau khi kinh qua một vài nơi làm việc, ông trở thành một nhà thiết kế tự do cho nhiều tên tuổi trong làng thời trang lúc bấy giờ.

    Gia nhập Chanel năm 1983, Karl Lagerfeld ngày càng khẳng định danh hiệu "Ông hoàng thời trang" của mình. Kể từ đó đến cuối đời, ông đã lập nên kỷ lục gắn bó lâu nhất (36 năm) tại hãng này.

    Không phải tự nhiên, Karl Lagerfeld tạo được thương hiệu tên tuổi của mình như bây giờ. Khả năng sáng tạo, tư duy khác biệt cùng sự nỗ lực của ông đã "cứu sống" hãng Chanel trong lúc tuyệt vọng nhất, khiến nhiều người thực sự nể phục.

    Trong mùa thời trang đầu tiên, theo báo cáo, ông đã “làm việc 16 tiếng một ngày và rất vui thích với điều đó”.

    Ông cũng chưa bao giờ đưa ra một quan điểm thời trang nhất định để định hình cho những sản phẩm của mình. Điểm nhấn của Karl Lagerfeld chính là sự khác biệt và nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ.

    Karl Lagerfeld luôn xuất hiện với vẻ ngoài bí ẩn, riêng biệt.

    Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà cứ nhắc đến một người đàn ông thường xuyên mặc đồ tối màu có mái tóc trắng buộc đuôi ngựa, đeo một cặp kính râm là người ta biết ngay đó là Karl Lagerfeld. Từng giải thích về việc đeo kính râm khi xuất hiên ở khắp mọi nơi những năm cuối đời, Karl Lagerfeld tói rằng ông thích quan sát người khác chứ không muốn người khác quan sát, nhìn vào mắt mình để đọc vị được cảm xúc và suy nghĩ của ông.

    Nhà văn Andrew O’Hagan từng kể khi gặp Karl Lagerfeld, ông nhận ra nhà thiết kế đánh một lớp phấn nhẹ. "Ánh mắt ông sáng ngời nhưng chỉ những ai ông cho phép mới được nhìn thấy ánh mắt đó", O’Hagan viết.

    Thêm một điều nữa, dù trải qua nhiều đồn thổi về những chuyện tình yêu đồng tính, thế nhưng người ta vẫn thấy không có người bạn đời nào bên cạnh khi ông qua đời. Karl Lagerfeld cũng từng nói rằng, tình yêu ông tin tưởng nhất là tình yêu người mẹ dành cho các con mình. Có lẽ, với ông, công việc chính là người bạn đời duy nhất mà Karl Lagerfeld yêu từ khi sinh ra tới khi trở về với đất mẹ.

    Phát ngôn sốc, yêu thích mèo, đọc sách nhiều hơn bất kỳ ai 

    Tài năng được mọi người công nhận nhưng Karl Lagerfeld cũng có nhiều phát ngôn gây tranh cãi, thậm chí vấp phải nhiều chỉ trích, kiện tụng từ những lời nói của mình.

    Sự khác biệt, sáng tạo không ngừng là bí quyết thành công của Karl Lagerfeld.

    Ông từng nói Adele béo (“Cô ấy giảm 8kg thì đẹp” dù vẫn khen cô “có gương mặt đẹp và giọng hát thần thánh), điều này người ta nói sau lưng thì nhiều nhưng công khai thì ít vì chẳn chắn sẽ bị “ném đá”.

    Karl Lagerfeld cũng khẳng định người thừa cân không thể có chỗ đứng trong làng mốt. Năm 2013, ông nói: "Mọi người phải làm việc, đóng thuế để chữa bệnh cho những người béo". Một tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ thậm chí đã kiện Karl Lagerfeld vì những quan điểm này.

    Karl Lagerfeld còn thẳng thắn cho rằng, đàn ông xấu và lùn là tệ nhất: “Cuộc đời không phải là cuộc thi sắc đẹp, một vài người xấu xí nhưng vẫn vĩ đại. Tôi chỉ ghét những người xấu xí có tính cách tồi tệ. Tệ nhất là bọn đàn ông đã xấu lại còn lùn. Phụ nữ có thể lùn nhưng đàn ông thì không. Đó là một lỗi lầm không được thông cảm trong cuộc đời này, người ta rất hẹp hòi và sẽ hành hạ bạn vì điều đó”.

    Karl Lagerfeld ghét những người xấu xí vì cảm thấy họ vô cùng buồn chán.

    Karl Lagerfeld có tình yêu đặc biệt với chú mèo cưng giàu có của mình.

    Tuy chưa một lần nghĩ đến việc kết hôn nhưng nhà thiết kế nổi tiếng của Chanel thừa nhận rằng nếu có, thì người bạn đời của ông chắc chắn sẽ là chú mèo cưng Choupette.

    Ông sắm hẳn phòng ngủ riêng, đồng thời thuê 2 người giúp việc chăm sóc 24/24 giờ cho mèo cưng của mình. Ngoài ra, Karl Lagerfeld còn sắm cho Choupette một chiếc Ipad để "nàng" tiện sử dụng.

    Mèo của ông còn nổi tiếng vì kiếm được hàng triệu đô nhờ những hợp đồng quảng cáo với các nhãn hàng nổi tiếng. Choupette thậm chí có trang cá nhân hàng trăm nghìn người theo dõi.

    Dù có những khác biệt về giới tính cùng với tính cách có phần quái gở nhưng Karl Lagerfeld là người luôn sống hết mình vì nhãn hiệu thời trang Chanel. Ông cũng là gương mặt luôn được kính nể trong làng mốt thế giới. Karl Lagerfeld còn khiến nhiều người kính nể vì tủ sách của mình. Có lẽ ông là NTK đọc nhiều hơn bất kỳ ai. 

    Trong nhà ông có lẽ nhiều nhất là sách. 

    Trước sự ra đi của Karl Lagerfeld, nhiều ngôi sao thế giới đã bày tỏ sự thương tiếc trên trang cá nhân của mình.  Cựu ca sĩ kiêm nhà thiết kế thời trang Victoria Beckham dành lời tri ân sâu sắc trên Instagram: "Thật buồn khi nghe tin. Karl là một thiên tài , người luôn quá tử tế và rộng lượng với tôi cả trong cuộc sống riêng tư lẫn công việc. Hãy yên nghỉ nhé, Karl Lagerfeld".

    Karl Lagerfeld trao giải thưởng Bambi cho Victoria Beckham vào năm 2013.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Tối ngày làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng chàng trai trẻ vẫn lấy được tấm bằng Đại học Harvard danh giá.

    Shannon Satonori Lytle, sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở bang Ohio, Mỹ. Từ ngày còn học phổ thông trung học, người ta đã mặc định rằng Lytle sẽ không thể vào các trường đại học top 1 ở Mỹ, đặc biệt là Ivy League (nhóm 8 trường đại học và viện đại học có triết lý giáo dục và chất lượng đào tạo hàng đầu nước Mỹ, bao gồm Đại học Harvard).

    Lytle phải chăm sóc 3 người em, làm việc 150 giờ để mua laptop, nhà không có wifi. Vượt lên tất cả khó khăn, từ làm thêm ở tiệm thức ăn nhanh McDonald đến cọ rửa nhà vệ sinh, Lytle đã tốt nghiệp đại học Harvard danh giá.

    chang trai ngheo tot nghiep harvard 1
    Lytle là thành viên đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học, đặc biệt lại là đại học số 1 thế giới.

    Lytle chia sẻ về quá trình vừa học vừa làm của mình: “Hồi cấp ba, tôi làm thêm ở tiệm burger McDonald để trang trải chi phí tham dự kỳ thi SAT (một trong những kỳ thi chuẩn hoá cho việc đăng ký vào phần lớn các trường đại học ở Mỹ). Hàng ngày tôi chăm sóc, cho 3 em tôi ăn uống, đợi chúng đi ngủ tôi mới ngồi học đến 4 giờ sáng.

    Tôi đi bộ qua những khu vực nguy hiểm nhất của thành phố vì không đủ tiền để mua xe ôtô. Hàng đêm, tôi luồn laptop ra ngoài cửa sổ câu trộm wifi nhà hàng xóm để hoàn thành bài tập. Tôi bị giễu cợt bởi những lời nói kiểu: “Ở khu vực này của Ohio, chỉ những đứa trẻ con bác sĩ hay luật sư mới có thể vào trường Ivy League”.

    Khi vào đại học, tôi khủng hoảng vì máy tính bị hỏng, chiếc máy tính này tôi đã phải làm việc 150 giờ để mua nó. Tôi cọ rửa nhà vệ sinh, xếp sách lên kệ, bán quần áo, làm mọi việc để theo đuổi ước mơ và chu du thế giới.

    Trong suốt thời gian qua, tôi đã dùng mưu mẹo và cầu xin để có được tiền trợ cấp và các phiếu giảm giá. Tôi là con trai của một công nhân kho hàng và một người nhập cư, thế hệ được đi học đầu tiên của gia đình. Và hôm nay, tôi đã tốt nghiệp Harvard”.

    Hãy ngẩng cao đầu, xắn tay áo, làm việc chăm chỉ và tin tưởng rằng bất cứ ai cũng có giá trị và xứng đáng có cơ hội để trở thành người mà mình muốn”

    “Tôi từng thấy mình kém cỏi vì tình trạng kinh tế của mình. 5 năm trước tôi – một chàng trai nghèo từ Ohio đến Harvard chỉ với 120 đô la. Tôi không đủ tiền để mua sách giáo khoa môn Chính phủ và Lịch sử nên đã chọn Khoa học máy tính để thay thế. Và giờ đây tôi đã tốt nghiệp.

    Dù trở ngại là gì thì bạn cũng đừng suy nghĩ tiêu cực nếu bạn vẫn có thể cố gắng để vượt qua. Bạn hãy ngẩng cao đầu, xắn tay áo, làm việc chăm chỉ và tin tưởng rằng bất cứ ai cũng có giá trị và xứng đáng có cơ hội để trở thành người mà mình muốn”, Lytle nói thêm.

    Lytle là người đầu tiên của gia đình tốt nghiệp đại học. Câu chuyện của anh đã chứng minh rằng không có ước mơ nào là không thể đạt tới nếu bạn dám đối mặt khó khăn và kiên trì theo đuổi.

    chang trai ngheo tot nghiep harvard 1
    Chàng sinh viên chuyên ngành máy tính cũng rất đam mê nghệ thuật.

    Sau khi tốt nghiệp, Lytle bắt đầu sự nghiệp với tư cách là kỹ sư phần mềm. Anh làm việc cho một số công ty danh tiếng nhất trong ngành công nghệ và nhanh chóng khẳng định mình là một kỹ sư tài năng và sáng tạo, đồng thời được công nhận vì những đóng góp của mình trong phát triển các công nghệ và sản phẩm mới.

    Viethome (theo DKN)

  • Bà mẹ ở Ireland tiết lộ cách cô biến khoản đầu tư 10 bảng thành doanh nghiệp triệu bảng với đội ngũ 400 nhân viên.

    Sáu năm trước, Kat Spencer, (hiện 46 tuổi, thị trấn Aghalee, Bắc Ireland), là một bà mẹ đơn thân, vật lộn với cuộc sống để chu cấp cho 3 cậu con trai. Mọi thứ thay đổi khi cô ly dị và trở thành chuyên viên tư vấn cho một nhãn hàng mỹ phẩm lớn của nước Anh.

    Khi chia tay chồng, cô chỉ được chia tài sản là 10 bảng tiền mặt (khoảng 300 nghìn đồng) và sống nhờ tiền trợ cấp - mỗi tuần 50 bảng. Từ 10 bảng đó, giờ đây, mỗi năm cô thu về được một triệu bảng (khoảng 30 tỷ đồng) nhờ kinh doanh.

    Kat và chồng cũ ly dị năm 2012. Trước đó, cô chỉ dành toàn bộ thời gian để chăm sóc cho chồng con. Ảnh: The sun.

    Mãi đến năm 40 tuổi, Kat mới trở lại làm việc. Trước khi quyết định nộp đơn ứng tuyển vào một công ty mỹ phẩm, cô đã bỏ 10 bảng dư ra - tài sản duy nhất của mình - để mua một bộ sản phẩm về dùng thử. Sau đó, vượt qua nhiều ứng cử viên trẻ tuổi, nhờ kiến thức của một chuyên gia làm đẹp có từ 23 năm trước, cô được nhận vào vị trí tư vấn viên.

    Năm 17 tuổi, Kat được đào tạo thành một chuyên gia trị liệu sắc đẹp và mong muốn sẽ mở một thẩm mỹ viện. Nhưng cô phải lùi lại sự nghiệp ở tuổi đôi mươi sau khi trở thành mẹ.

    Khi đã qua tuổi tứ tuần, cô mới đi làm trở lại.

    ''Ban đầu, khi học lại cách tư vấn bán hàng, đầu óc tôi chếnh choáng và khó tiếp thu vì dù sao cũng đã có tuổi. Nhưng qua năm thứ hai, mọi thứ đã đâu vào đấy, thật tuyệt vời khi nhìn lại quãng đường mà tôi đã đi qua'', Kat hạnh phúc nói.

    Cuối cùng cô cũng có thể nuôi gia đình và làm những việc đơn giản như trang trí nhà của mình. Trước đây, nhà Kat thậm chí không có bất kỳ món đồ nội thất nào.

    Đến năm 2015, cha Kat được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ. Một tay cô chăm sóc cho cha và nuôi dạy con cái. Bên cạnh đó, cô còn đào tạo thêm 31 tân binh vào công ty chi nhánh của mình. Mặc dù bận rộn, thái độ bình tĩnh của cô dưới áp lực đã thu hút sự chú ý của người chủ công ty mẹ.

    "Họ nói với tôi rằng nếu tôi có thể xử lý tất cả những điều đó, tôi có thể xử lý bất cứ điều gì. Lúc đó, họ đang tìm kiếm ai đó để chăm sóc toàn bộ khu vực Bắc Ireland và cuối cùng họ chọn tôi", Kat tự hào.

    Đến năm 46 tuổi, Kat mới có dư dả để đi du lịch. Ảnh: The sun.

    Kể từ đó, công ty của Kat ngày càng lớn mạnh với đội ngũ gần 400 chuyên gia tư vấn. Cuộc sống của cô bây giờ quá sức rực rỡ so với những ngày đầu sau ly hôn. Gần đây, cô dành thời gian tận hưởng những kỳ nghỉ xa hoa đến những nơi như Thái Lan và Mauritius.

    "Khi bạn chỉ còn 50 bảng trong túi của mình mỗi tuần, hãy trân trọng mọi sự trợ giúp nhỏ và kiên trì, kết quả bạn nhận được sẽ thật sự phi thường", Kat Spencer nói với độc giả của The sun.

    Viethome (theo VnExpress)