Bà bảo mẫu già nhận trông thuê bé gái 5 tháng tuổi, nuôi 18 năm mẹ bé vẫn chưa quay lại

Năm Thương chuẩn bị vào lớp 1, bà Bình đã từ bỏ ý định tìm lại mẹ ruột cho đứa cháu mà bà hết lòng chăm bẵm bấy lâu.

Bảo mẫu nhận trông thuê theo tháng, ai ngờ kéo dài 18 năm

Bà Đặng Thị Bình (sinh năm 1955, hiện đang sống ở Hưng Yên) không bao giờ quên được ngày 22/2/2005 (tính theo âm lịch). 18 năm qua, bà khắc sâu ngày này vào tim, không chỉ vì đó là ngày ăn hỏi của con gái, mà còn là ngày cô bé Hoàng Huyền Thương (sinh năm 2003) chính thức trở thành cháu của bà.

Bà Bình làm nghề trông trẻ thuê hồi năm 2002, ở trọ tại Long Biên. Bà mát tay, trông nhiều em bé, khéo cho ăn, chăm bẵm cẩn thận nên cũng gọi là có chút tiếng thơm ở khu vực đó. Tới đầu năm 2004, khi bé Thương được 5 tháng tuổi, mẹ em đến tìm bà Bình thuê bà trông.

Bình thường, bà chỉ nhận trông bán trú, lấy công 300.000 đồng/tháng. Với bé Thương, mẹ em gửi bà 1 triệu đồng để trông cả ngày lẫn đêm. Lý do đưa ra là mẹ em đang phải chữa bệnh, không thể đón về chăm.

bao mau nuoi chau 1
Đứa trẻ bị bỏ lại đã trở thành "báu vật" của người bảo mẫu

Hồi đó mẹ con bé ở trọ khu khác chứ không phải khu của tôi, cũng trong quận Long Biên. Cô ấy cứ tha thiết nhờ, tâm sự hoàn cảnh, mà hồi ấy tôi cũng không có tiền, thấy trả công cao nên nhận. Thời gian đầu, khoảng 2 - 3 ngày mẹ đến thăm con một lần, tôi cũng thấy yên tâm. Sau vãn dần, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là bận rộn quá, hoặc cần điều trị bệnh dài ngày nên ít qua lại”, bà Bình nhớ lại.

Theo lời bà, từ trong Tết âm lịch 2005, mẹ của Thương đã không về thăm con. Cho đến ngày 22/2/2005 âm lịch, vì cần về quê dài ngày, muốn xác nhận xem mẹ có đón được Thương không, hay bà sẽ mang bé về quê, bà Bình gọi điện thì đã không còn liên lạc được nữa.

Bà đành cắp con bé hơn 1 tuổi về quê, vừa lo đám hỏi cho con gái, vừa trông nom cháu. Sau đó nhiều ngày, bà liên tục tìm cách liên lạc, dò hỏi thông tin tìm lại mẹ cho Thương, nhưng vô vọng.

Có người hiếm muộn muốn xin Thương về nuôi, bà không chịu. Người xung quanh bảo gửi cháu vào trại trẻ mồ côi, bà cũng không đành lòng.

Tôi chỉ sợ mẹ con bé một ngày nào đó về đòi lại con, tôi mang con bé đi đâu khác thì lúc đấy lấy đâu ra cháu mà trả. Người ta thuê mình trông chứ có bảo là cho con cho mình đâu mà mình có quyền định đoạt.

Có những người thương muốn nhận đỡ đầu, tháng cho vài trăm, tôi cũng không dám cầm, vì sợ tranh chấp. Ai thương hai bà cháu, cho quà thì tôi nhận, tiền thì tôi chối. Tôi đi nhặt rác, ve chai, lau nhà thuê, trông trẻ thêm, đến khi cho con bé vào mẫu giáo thì cũng đỡ hơn một tí.

Nuôi từ thuở bé mến chân mến tay, nhiều đêm hai bà cháu ôm nhau, nghĩ giận mẹ nó bao nhiêu lại thương cháu bấy nhiêu. Cũng may con bé ít ốm”, bà Bình hồi tưởng lại.

bao mau nuoi chau 1
Huyền Thương hồi nhỏ và bà Bình - người bảo mẫu đã nuôi em hơn 18 năm

Bà vẫn nghe ngóng tìm lại mẹ cho cháu gái, có khi tìm được đến nhà trọ, nhưng chưa bao giờ giáp mặt được người phụ nữ ấy. Cho đến khi có người hàng xóm sang tai rằng mẹ Thương thỉnh thoảng vẫn đến nhà trọ của bà, đến trường mẫu giáo của Thương để nhìn trộm con, biết là bà buộc tóc hai bên cho cháu rất xinh, biết là thứ bảy con được nghỉ, đi theo bà đi làm, bà Bình từ bỏ ý định tìm kiếm. “Vì tôi biết, người ta quyết bỏ con đi rồi, nên thôi, tìm làm gì nữa. Cháu là cháu mình rồi, thì tôi cứ thế nuôi theo sức của mình”.

Giấy khai sinh “trị giá” 1 tỷ đồng và gia đình mới của Thương

Xin cho Thương đi học mẫu giáo không quá khó, vì bà Bình cứ ra trường trình bày với trường, với cô, người ta thông cảm. Nhưng khi con bé học hết lớp 5 tuổi, bà ngày nào cũng khóc. Vì các bạn 5 tuổi cùng lớp được gửi hồ sơ đi học hết rồi, còn mỗi cháu bà bơ vơ, không có giấy tờ gì.

Bà ra trường tiểu học khóc, ra phường, ra quận khóc để xin giấy tờ cho Thương làm giấy khai sinh và đi học. Khóc mãi đến mức cán bộ quen mặt. Gặp ai hỏi thăm bà cũng kể cặn kẽ chuyện của Thương, và thú nhận mình chẳng có gì làm bằng chứng cho chuyện đó, chỉ có các hàng xóm lâu năm và trường mẫu giáo của con bé biết chuyện.

Có lần, bà ngồi tỉ tê với một người đàn ông, khóc mếu rằng: “Nếu bác cho tôi chọn giữa 1 tỷ bày ra trên bàn này và giấy khai sinh cho cháu, thì tôi vẫn nhất quyết chọn giấy khai sinh, để cho cháu được đi học hợp pháp”. 

Bà không ngờ, người đó là cán bộ tư pháp quận, đến để tìm hiểu hoàn cảnh hai bà cháu. Sau đó ít lâu, Thương có giấy khai sinh thật - tờ giấy khai sinh mà bà Bình đến giờ vẫn bảo, trị giá 1 tỷ đồng.

bao mau nuoi chau 1
Bà Bình hiện tại và giấy khai sinh "trị giá 1 tỷ đồng" của Huyền Thương

Có dạo, con gái bà Bình sinh liền hai cháu ngoại. Bà mang cả Thương về ở cùng nhà. Thương vô thức gọi cô bằng “mẹ”, coi hai em như là em mình. Con rể bà Bình đi làm xa, cuối tuần mới về, con bé gọi bằng “chú”. Bỗng một ngày, con rể bà về, bảo bà Bình bế cháu ngoại vào buồng để nói chuyện riêng với Thương.

Lúc đó nói thật là tôi sợ lắm, sợ bọn trẻ con ở nhà chành chọe nhau, trẻ con mất lòng người lớn, rồi con rể tôi nó xử lý con này (bé Thương - PV). Bế cháu ngoại vào mà tôi cứ đứng rình xem có gì để còn lao ra can thiệp.

Hóa ra con tôi nó phân tích với con bé chuyện xưng hô, hỏi Thương muốn gọi vợ chồng con tôi là bố mẹ hay chú dì, để cho khớp nhau. Thương nó suy nghĩ rồi bảo con sẽ gọi là bố mẹ. Bảo thế thôi chứ tiếng “bố” nó cũng mãi mới quen được, cứ rơi rụng đâu đâu (cười). Sau mấy tháng thì coi như Thương có bố mẹ mới. Giờ nó vẫn gọi thế đấy”, bà hào hứng kể.

bao mau nuoi chau 1
Bố mẹ nuôi bế Thương hồi còn nhỏ

Bà cũng bảo, ước mơ của bà tuổi về già không phải là mong an nhàn, các con cho đồng quà tấm bánh, mà chỉ đau đáu nghĩ về Thương, mong cháu học xong rồi làm cô giáo, có người yêu rồi lấy chồng sinh con, thế là bà hạnh phúc lắm rồi.

“Mẹ không đem em đi, biết đâu lại là may mắn”

Huyền Thương giờ đã là sinh viên năm 3, đi học tại Vĩnh Phúc, cuối tuần lại về Hưng Yên thăm bà và bố mẹ. Cô bé tiết lộ, cũng có một giai đoạn, bà Bình đã tìm được bố ruột của Thương. Không phải để “đẩy” cháu đi, mà là để cho Thương biết về nguồn cội. Nhưng Thương từ chối gặp lại nhiều năm nay, vì trong lòng cô bé, chỉ có bà Bình và gia đình bà mới thực là người thân.

Cô bé thực sự biết cặn kẽ chuyện của mình, biết bà Bình không phải bà ruột vào năm lên 9 tuổi, khi học lớp 3. Đó là lần đầu tiên câu chuyện của hai bà cháu được đăng tải trên báo.

bao mau nuoi chau 1
Sau 18 năm, cô bé đã trở thành sinh viên năm 3

Lớp trưởng đọc bài báo to trước cả lớp như một tấm gương sáng cho các bạn noi theo. Tối hôm đó về nhà, Thương bỏ ăn, nằm quay mặt vào tường khóc nức nở. Những hôm sau đến lớp, cô bé khép mình, không nói chuyện với ai. Mãi về sau, từ bà Bình, bố mẹ nuôi đến cô giáo động viên, bà cũng khẳng định rằng chuyện đó không ảnh hưởng gì đến tình cảm của bà, cô bé mới đỡ dần.

Rồi cũng năm Thương 9 tuổi, thấy xưởng gạch thuê người bốc xếp, Thương trốn bà ra đó làm thuê. Bà Bình đi tìm mãi mới thấy. Nhìn thấy tay cháu sưng rộp, rớm máu, bà giận sôi máu, nhưng hiểu nỗi lòng cháu, chỉ trách mắng rồi ôm vào lòng, cùng nhau khóc.

bao mau nuoi chau 1
Thương luôn khẳng định, em thấy may mắn vì có bà ở bên

Ngày qua tháng lại, khi những khó khăn không quật ngã được hai bà cháu, giờ thì Thương đã sắp ra trường đi làm như mong ước của bà Bình. “Em thấy mình may mắn lắm, vì em được bà nuôi. Em chưa bao giờ thực sự có mẹ, không biết đến tình cảm của mẹ, nên luôn nghĩ năm ấy mẹ đã lựa chọn sáng suốt khi để em cho bà nuôi. Nếu mẹ mang em theo, chưa chắc em đã được hạnh phúc. Bà nghèo nhưng chưa bao giờ để em phải chịu đói, chịu lạnh.

Bà em cũng có tư tưởng khá thoáng, luôn muốn những gì tốt nhất cho em, để cho em được tự do phát triển. Em định sau này khi kết hôn, em sẽ nói với gia đình chồng để đưa bà về sống cùng, để em có thể chăm sóc cho tuổi già của bà. Bà là gia đình, là người thân của em, em không muốn bị chia tách khỏi bà”, Thương quả quyết.

bao mau nuoi chau 1
Thương mong sau này kết hôn vẫn được đón bà về ở cùng

CafeF (nguồn ảnh: VTC Now)