18 năm tự tiêm nọc đọc, người đàn ông biến máu mình thành thuốc giải cứu sống hàng ngàn người

Video chỉ dài chưa đến 2 phút rưỡi. Một người đàn ông gầy, tóc cắt ngắn bước vào phòng, lấy ra một con rắn mamba đen dài, loài có nọc độc có thể giết người trong vòng một giờ, từ trong thùng và để nó cắn vào tay trái mình. Ngay sau đó, anh để một con taipan đến từ Papua New Guinea cắn vào tay phải.

“Cảm ơn đã theo dõi,” anh bình thản nói với máy quay, tay trái đang chảy máu, rồi rời khỏi khung hình.

Suốt gần 18 năm, người đàn ông tên là Tim Friede, 57 tuổi, đã tự tiêm hơn 650 liều nọc độc với liều lượng được đo đạc cẩn thận và tăng dần để tạo khả năng miễn dịch với 16 loài rắn độc chết người. Anh cũng đã để rắn, chủ yếu là từng con một, nhưng đôi khi là hai con cùng lúc như trong video, cắn mình khoảng 200 lần.

Tim Friede 1

Hành động liều mạng này có thể sẽ giúp giải quyết một vấn đề y tế toàn cầu nghiêm trọng. Trên thế giới có hơn 600 loài rắn độc, mỗi năm chúng cắn khoảng 2,7 triệu người, giết chết khoảng 120.000 người và gây tàn tật cho 400.000 người khác và con số này được cho là còn thấp hơn thực tế rất nhiều.

Trong máu của Friede, các nhà khoa học đã tìm thấy những kháng thể có khả năng trung hòa nọc độc từ nhiều loài rắn khác nhau. Đây được xem là bước tiến lớn hướng tới việc tạo ra một loại thuốc kháng nọc phổ quát điều mà ngành y học đã theo đuổi suốt nhiều thập kỷ. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí khoa học danh tiếng Cell vào ngày 2/5.

Phương pháp hiện tại để sản xuất thuốc kháng nọc phần lớn vẫn dựa vào công nghệ từ cả thế kỷ trước: tiêm nọc độc vào ngựa hoặc cừu, rồi trích xuất kháng thể từ máu của chúng. Cách làm này không chỉ gây phản ứng phụ nghiêm trọng (như sốc phản vệ) vì không tương thích với người, mà còn chỉ có hiệu quả đối với một vài loài rắn trong một khu vực địa lý nhất định.

Nhưng máu của Tim Friede thì khác. Trong đó chứa các kháng thể tự nhiên, có thể vô hiệu hóa nọc độc từ 19 loài rắn cực độc thuộc hai họ rắn nguy hiểm nhất là Elapidae (rắn hổ, hổ mang, mamba...) và Viperidae (rắn lục, đuôi chuông...). Điều đáng kinh ngạc là chỉ cần kết hợp hai kháng thể từ máu của Friede cùng một loại thuốc ức chế độc thần kinh, nhóm nghiên cứu có thể cứu sống chuột bị nhiễm độc từ 13 loài rắn khác nhau và bảo vệ một phần trước những loài còn lại.

Nhà khoa học đứng đầu nghiên cứu là Jacob Glanville, Giám đốc điều hành công ty công nghệ sinh học Centivax (Mỹ). Ông từng phát triển kháng thể phổ quát chống cúm. Khi biết đến Friede, Glanville tin rằng đây có thể là người sở hữu hệ miễn dịch độc nhất vô nhị. “Nếu ai đó trên thế giới có những kháng thể thích hợp, thì đó chính là ông ấy,” ông nói.

Tim Friede 1

Quá trình của Friede bắt đầu từ năm 2000 với những liều nọc pha loãng, tăng dần đến nọc nguyên chất. Sau 4 tháng, ông có thể chịu đựng nọc nguyên chất và chỉ cần tiêm duy trì định kỳ. Đến khi dừng lại vào năm 2018, ông đã tự tiêm 654 mũi và để rắn cắn trực tiếp 202 lần. Các loài rắn bao gồm cả hổ mang, mamba, đuôi chuông, taipan, cạp nia...

Hành trình này không thiếu những lần cận kề cái chết. Một trong những trải nghiệm suýt mất mạng của Friede là khi ông để hai con hổ mang cắn liên tiếp vào năm 2001. Sau cú cắn thứ hai, ông ngã quỵ, mắt sụp xuống, không nói được, rồi rơi vào hôn mê suốt 4 ngày.

Hai nhóm nghiên cứu từng lấy máu Friede trước đó nhưng không đi đến đâu. Phải đến khi gặp Glanville và cộng sự trong đó có giáo sư miễn dịch học Peter Kwong từ Đại học Columbia, các kháng thể đặc biệt mới được phân lập thành công.

Nhóm hiện đang tiếp tục nghiên cứu để thử nghiệm lâm sàng, trước mắt là trên những chú chó bị rắn cắn tại các phòng khám thú y ở Úc, sau đó mới tới người.

“Khả năng bảo vệ phổ quát này hoàn toàn mới mẻ,” giáo sư Nicholas Casewell, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rắn cắn thuộc Trường Y học Nhiệt đới Liverpool (Anh), nhận xét. “Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy việc kết hợp tương đối ít kháng thể và/hoặc thuốc lại với nhau có thể là chiến lược điều trị khả thi trên toàn cầu.”

Riêng với Tim Friede, người đàn ông sống ở thị trấn Two Rivers, bang Wisconsin nơi rắn độc hầu như không xuất hiện, điều khiến ông tự hào không phải là những video để đời, mà là việc mình có thể góp phần bảo vệ sinh mạng của những người “cách xa nửa vòng trái đất, mà có thể tôi sẽ không bao giờ gặp mặt”.

TokyoLife (nytimes, Guardian, IFL Science)