• Nước Đức đã nới lỏng luật nhập tịch, chọn cách nhập cư đàng hoàng hay trái phép, tùy bạn lựa chọn.

    Là một người đang sinh sống và làm việc tại Đức, tôi xin có đôi lời chia sẻ và cung cấp một số thông tin luật pháp có liên quan đến lao động tại nước Đức. Tôi hy vọng có thể giúp cho các bạn trẻ trong nước có cái nhìn thấu đáo và suy nghĩ cặn kẽ trước hành trình tìm kiếm hạnh phúc nơi xứ người.

    Đầu tiên, người nhập cư bất hợp pháp ở Đức sinh sống ra sao?

    Những người bất hợp pháp như vậy dân sở tại ở đây gọi là những người "không quần áo". Họ sống chui lủi, luôn sợ bị bắt vì không có giấy tờ. Người làm chủ không ai dám thuê vì sợ bị phạt rất nặng, thậm chí bị truy tố.

    Chứa chấp và sử dụng người bất hợp pháp ở Đức là trọng tội nên ai dám thuê cũng là người liều mạng và thường như vậy là họ sẽ ép giá lao động rẻ mạt nhất để giảm chi phí. Hoặc cho làm công việc nặng nhọc ở những nơi khuất tất, vắng bóng cảnh sát. Không giấy tờ, không biết tiếng nên người sống bất hợp pháp đành phải chấp nhận điều này.

    Nước Đức vào mùa đông thường rất lạnh, 3-4 tháng không có ánh mặt trời nên rất dễ bệnh. Không có bảo hiểm nên khi bị bệnh họ cũng không có khả năng đi khám mà sẽ tìm đến các hiệu thuốc để mua thuốc bổ không cần kê đơn hoặc tìm đến các cơ sở điều trị từ thiện.

    nhap cu duc bang xe thung 2
    Ảnh minh họa

    Vì cuộc sống bấp bênh như vậy nên những người lao động bất hợp pháp thường cố kiếm giấy tờ bằng con đường kết hôn giả. Họ thường làm những việc bất hợp pháp để kiếm thêm tiền cho việc kết hôn giả này hoặc để thuê luật sư.

    Việc chuyển đổi hồ sơ có lưu vết bất hợp pháp sang hồ sơ tị nạn là một việc cực kỳ khó và đòi hỏi có luật sư hỗ trợ. May mắn hơn, một phần cực kỳ nhỏ được cho phép tị nạn, học tiếng, học nghề. Còn phần lớn thì cứ sống chui lủi như vậy đến hết đời hoặc chịu hết nổi, phải ra tự thú để được trục xuất về nước.

    Đầu năm 2024, nước Đức vừa ban hành quy định nhập cư mới đã được quốc hội và tổng thống ký thông qua, có hiệu lực tháng 3 năm nay. Trong đó có hai điều cực kì đáng chú ý, một là giảm thời gian nhập tịch từ 8 năm xuống còn 5 năm, và hai là cho phép song tịch, người nhập tịch được phép giữ lại quốc tịch cũ của mình.

    Điều đó có nghĩa là, bất cứ ai sinh sống hợp pháp trên nước Đức, bất kể du học nghề, du học sinh hay lao động chất lượng cao, nếu đóng đủ 60 tháng tiền thuế bất kể ít nhiều đều được xin nhập tịch.

    Về xin thẻ cư trú vĩnh viễn (thẻ vĩnh trú), thời gian cần chỉ là 2 năm làm việc. Từng tìm hiểu quy định nhập cư của nhiều nước châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản, tôi chưa thấy quốc gia nào (hoặc tôi chưa biết) mà sau hai năm bạn có thể có được thẻ vĩnh trú, có nghĩa là bạn có thể sinh sống ở quốc gia đó vĩnh viễn vô điều kiện. Và vì ở châu Âu, với thẻ này của Đức, bạn được di chuyển tự do trong khối EU.

    Ngoài ra còn một số quy định như tăng thời gian làm thêm cho du học sinh, tăng thời gian cho phép ở lại tìm việc sau khi tốt nghiệp, cung cấp visa tìm việc (seeking job visa) lên đến một năm. Tất cả những điều này đều nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực bổ sung cho nước Đức, cả phổ thông lẫn chất lượng cao.

    Theo báo cáo của Viện Kinh tế Đức (IW), nước này đến năm 2030 sẽ thiếu hơn 5 triệu nhân lực, do tình trạng già hóa dân số cũng như nhu cầu ngày càng tăng trong các lĩnh vực kinh tế mới.

    Điều bạn cần là tiếng Đức tốt và chăm chỉ. Dân Việt Nam nói riêng và dân Á Đông nói chung thường cần cù chăm chỉ. Bạn chỉ cần cố gắng học tiếng tốt nữa thôi.

    Tương lai của các bạn, nhập tịch bằng cách chính thức hay "đi xe thùng" là do chính bạn chọn lựa.

    Duy Nguyen / Theo VnExpress

  • Ông T.M.H, 62 tuổi, Việt kiều tại Đức đã trải qua 2 năm chờ đợi trong cay đắng để được có cơ hội lái xe trở lại khi lỡ vi phạm nồng độ cồn ở Berlin.

    Trong đợt về Hà Nội ăn Tết, ông T.M.H đã chia sẻ với PV VietNamNet về hành trình 2 năm bị tước quyền cầm vô lăng, do lái xe ở Đức trong tình trạng đã sử dụng rượu bia.

    Thử thách nghiệt ngã

    Thưa ông, tại sao trở về quê hương lần này, ông không lái xe, không uống bia, rượu vui xuân như mọi người?

    Trong mắt bạn bè, người thân, tôi không phải là người nghiện đồ uống có cồn nhưng lại rất thích uống bia rượu, nhất là những lúc gặp bạn bè. Tôi sống ở Đức 30 năm rồi và rất tuân thủ luật pháp nước sở tại, đặc biệt là khi tham gia giao thông. 

    Chính quyền nước Đức ban bố một bộ quy chế rất nghiêm ngặt để cấm người dân lái xe khi đã uống rượu bia.

    Khoảng tháng 2/2022, một người bạn từ Việt Nam sang, mọi người cùng chỗ làm đã gọi tôi. Khi tôi tới, 20 người đang đợi. Gặp lại đồng hương vui quá, chúng tôi vừa uống vừa kể chuyện quê nhà trong 3 tiếng.

    Tôi nhớ đã cụng với mọi người tầm 6 cốc bia và kèm 4 đến 5 chén rượu Whisky. Tôi chưa say, vì tửu lượng bản thân rất khá.

    Nhà tôi chỉ cách chỗ uống 10 phút chạy ô tô, nên tôi không gọi người nhà tới chở về như mọi lần mà tự lái xe. Khi tôi mới đi được chừng 30m thì bị xe của lực lượng kiểm soát giao thông vượt lên chặn đầu, yêu cầu dừng xe.

    vi pham nong do con o duc 1
    Ô tô đi lại ở Đức rất quy củ

    Ông đã xử lý tình huống như thế nào?

    Thực ra tôi lái rất bình thường, không hề mất kiểm soát nhưng cảnh sát vẫn nghi ngờ, do tôi từ nhà hàng đi ra.

    Tôi mở cửa xuống xe, chấp hành theo hiệu lệnh. Một cảnh sát hỏi tôi: "Ông có uống rượu không?". Tôi thành thật nhận là có uống. Họ yêu cầu tôi để lại xe và chở tôi đến nơi kiểm tra nồng độ cồn cách đó chừng 3km.

    Tới nơi, họ yêu cầu thử máu, làm đủ các kiểu và bắt tôi phải thực hiện những động tác để xem còn tỉnh táo không. Dù tôi làm chủ được hành động, nhưng họ vẫn phát hiện nồng độ cồn khá cao trong máu của tôi.

    Họ đánh giá tôi đã uống quá nhiều. Tôi bị đưa ra tòa để xét xử, chịu mức phạt tiền rất nặng. Tôi bị cấm lái xe 2 năm. Ngoài ra tôi phải vượt qua quá trình thử thách lớn nhất của nước Đức, là tham gia khóa kiểm tra thần kinh.

    Toà nhận định tôi uống nhiều rượu như vậy mà vẫn lái xe, thì rõ ràng là thần kinh không bình thường.

    Khi bị tòa án Đức tuyên án như vậy, ông có thấy hình phạt quá nặng hay không?

    Tôi đâu phải là trường hợp ngoại lệ. Tất cả công dân Đức, kể cả quan chức đều bị xử phạt như vậy, thậm chí nặng hơn nếu vi phạm. Tôi đã nộp phạt khoảng 7.000 Euro và đăng ký xin hoặc thi lại bằng lái.

    Muốn được cấp lại bằng lái xe, tôi phải chịu sự giám sát hà khắc của chính quyền để khẳng định trên cơ thể không còn tý gì của nồng độ cồn. Họ đã xét nghiệm cả chân tóc của tôi để xem tôi đã thực sự sạch bia rượu hay chưa.

    Sau khi làm các xét nghiệm, tôi bị chuyển đến lớp kiểm tra lí thuyết thần kinh.

    Sao phải kiểm tra thần kinh khi mình đã được xác định không còn rượu trên người?

    Họ phải chắc chắn rằng tôi có đủ năng lực về thần kinh để tiếp tục lái xe được nữa hay không, từ đó có căn cứ cấp lại bằng lái. Với tôi, đây là thử thách nghiệt ngã nhất, trả giá nặng nề nhất cho hành vi đã uống rượu rồi mà vẫn lái xe.

    Ông mất bao nhiêu lâu để vượt qua thử thách này?

    Từ đó đến nay, tôi không uống một giọt rượu, bia nào. Tôi phải dành 3 tháng liên tục để tham gia học lý thuyết về thần kinh. Họ chia thành nhiều buổi, đưa tài liệu về nhà cho tôi tự đọc.

    Tôi buộc phải ghi nhớ và tự tính toán, với chiều cao, cân nặng, độ tuổi của mình thì có thể uống được bao nhiêu bia rượu là say. Và công thức của tôi là, nên dừng lại ở mức 0,3 lít bia, nếu không muốn ảnh hưởng đến hành vi và sức khoẻ.

    Ông có thấy lớp học đó là hợp lý không?

    Rất hợp lý. Sau khi học, tôi hiểu ra, Chính phủ Đức không phê phán, không nói uống bia rượu là xấu. Vì thế, Đức đâu cấm sản xuất hay mua bán, sử dụng bia rượu. Họ yêu cầu công dân tuân thủ tuyệt đối quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe. 

    vi pham nong do con o duc 1
    Ông T.M.H. đang ở Việt Nam để đón tết Nguyên đán, nhưng vẫn tuân thủ tránh xa rượu bia. Ảnh: Hiền Anh

    Kết thúc lớp học, tôi mất 3 giờ để tự ghi lại các kiến thức đã thu nhận được và nộp về cho hội đồng đánh giá.

    6 tháng đầu tiên sau khi bị xử phạt, chính quyền vẫn tìm ra chất có cồn ở trong tóc của tôi. Họ bắt tôi kiêng rượu tiếp và sau 3 tháng quay lại xét nghiệm lần nữa. Kiêng bia rượu suốt 2 năm, giờ tôi có thể tham gia tiệc tùng nhưng nếu uống thì chỉ dùng bia 0 độ, nhưng với lượng rất ít. 

    Xét nghiệm tóc 4 lần

    Hai năm qua, không được lái xe, cuộc sống của ông có xáo trộn chứ?

    Khổ sở vô cùng. Việc không chủ động trong đi lại khiến cuộc sống, sinh hoạt gia đình, cũng như việc công ty của tôi bị ảnh hưởng rất lớn. Nghĩ đến cảnh xách túi, đồ đạc lích kích để lên phương tiện công cộng đi gặp đối tác là tôi thấy sợ.

    Nhà chức trách Đức luôn hỏi tôi mỗi khi thực hiện bài test: "Ông có phải là tài xế tốt không?". Tôi đã khoe mình là người lái xe tốt, được bạn bè phong là tay lái lụa. Nhưng họ phủ nhận và bảo rằng: "Ông không phải là một người lái xe tốt. Người lái xe tốt phải kiểm soát được mình, không bao giờ vi phạm vào các quy định của Nhà nước". Họ làm xét nghiệm tóc của tôi 4 lần, đạt 3 lần liên tục âm tính thì mới tạm ghi nhận tôi đang nỗ lực để làm một người lái xe tốt.

    Khi nào ông nhận được câu trả lời có còn cơ hội lái xe nữa hay không?

    Dù hội đồng đánh giá tốt, tôi vẫn phải trả lời buổi chất vấn khó khăn cuối cùng của một chuyên gia cấp cao, đồng thời tham gia cuộc thi trên máy, xem phản ứng có còn nhanh nhạy không. Tại buổi kiểm tra đó, tôi rất tự tin.

    Biên bản nhận xét của tổ chuyên môn được đọc công khai trước khi tôi bước vào cuộc chất vấn với một nữ chuyên gia. Bà ấy hỏi: "Nếu có lại bằng lái, ông có uống rượu bia nữa không?".

    Tôi trả lời "có chứ, tôi vẫn sẽ uống nhưng sẽ không lái xe khi đã có nồng độ cồn trong người. Tôi sợ lắm rồi và đang rất khát khao được tự lái xe đi làm".

    Bà ấy nói, "đó là câu trả lời chúng tôi mong đợi. Ông đã uống rượu bia và có sở thích cùng bạn bè tụ tập thì chẳng có lý do gì từ bỏ nó cả. Chúng tôi cũng không yêu cầu người khác bỏ uống rượu, bia. Chúng tôi chỉ yêu cầu không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nếu đã uống rượu bia. 

    Hôm nay, nếu ông nói sợ rồi, không bao giờ uống nữa thì tôi sẽ đánh trượt ông luôn. Vì đó là lời nói dối".

    Bà ấy nói tiếp, "sức khoẻ và các chỉ số y khoa trong máu của ông đã được bác sỹ đánh giá rất tốt. Về phản ứng trên bài thi ở máy tính cũng rất nhanh nhẹn, linh hoạt. Nhưng về lý do khi uống rượu bia không lái xe của ông thì chưa ổn.

    Ông phải nhận thức được việc lái xe trong tình huống đó là ảnh hưởng đến cộng đồng và gây tổn hại sức khoẻ, tính mạng người dân. Đó mới là lý do chúng tôi cấm người uống rượu bia không được lái xe. Do đó, ông cứ về nhà chờ, chúng tôi sẽ xem xét trong 3 tuần nữa để quyết định cho ông được tiếp tục lái xe hay không”.

    Qua câu chuyện của mình, tôi muốn gửi thông điệp tới mọi người dân Việt Nam rằng: Uống rượu bia là không xấu, nhưng không được lái xe khi đã uống. Đừng lý luận uống nhiều uống ít. Vì mỗi người có 1 thể trạng, một mức độ đào thải cũng như khả năng chịu đựng của hệ thần kinh khác nhau.

    Trước mắt vì bản thân, sau đó là vì cộng đồng. Đừng để những người vô tội mất đi cuộc sống bởi những người say ngồi trước vô lăng.

    Không được “nhậu tới bến” khi về nước ăn Tết, ông có thấy mất vui?

    Tết này tôi về Việt Nam, người thân, bạn bè đón tiếp và tổ chức liên hoan, tôi đều tham gia rất nhiệt tình nhưng tuyệt đối không dùng một giọt rượu, bia. Tôi cũng ngăn người quen ngồi vào ghế lái khi đã chúc rượu. 

    Bạn bè tôi đợt này bàn luận nhiều đến chính sách cấm người điều khiển phương tiện uống bia rượu. Nhiều người đã bị tạm thu bằng lái trước Tết và nộp phạt khi vi phạm. Tôi thấy như thế rất hợp lý, nhất là so với những gì tôi phải trả giá tại Đức trong suốt 2 năm qua.

    Theo Vietnamnet

  • Tôn trọng lẫn nhau không chỉ là một đức tính quan trọng mà còn là nền tảng cần thiết để xây dựng mối quan hệ bền vững. Một mối quan hệ thiếu sự tôn trọng thì sẽ không thể tồn tại được, một xã hội thiếu sự tôn trọng sẽ rất khó để phát triển lâu dài. Tôi đã sống một thời gian dài ở Đức, và sự tôn trọng lẫn nhau giữa họ vẫn luôn khiến tôi học hỏi được nhiều điều.

    Tôn trọng không nhất thiết phải nói thành lời

    Vào buổi xế chiều một ngày mùa đông, như thường lệ, tôi xếp hàng vào dòng người chờ xe buýt để trở về nhà. Có khoảng năm, sáu người cũng đang xếp hàng lặng lẽ và yên tĩnh cùng tôi. Lúc ấy, một người đàn ông dắt theo một chú chó, từ phía xa tiến đến.

    Khi họ đi đến gần, tôi nhận ra đó là một chàng trai cao lớn. Nắm chặt trong tay anh là sợi dây kết nối với chú chó chỉ đường chuyên nghiệp của Đức dành cho người mù. Tôi thoáng có chút suy nghĩ trong đầu: “Ồ, thì ra là một người mù!” Chàng trai từ từ đi về hướng trạm xe buýt, sau đó cùng xếp hàng với dòng người đang chờ đợi xe.

    hoc hoi nguoi duc 1
    (Ảnh minh họa: William Perugini, Shutterstock)

    Không có một ai bắt chuyện với chàng trai mù, còn tôi cũng đang do dự: “Không biết có nên tiến về phía trước dắt anh ta hay không?” Thế nhưng ngay lúc đó tôi nhìn thấy, một người đàn ông trung niên đứng ở hàng đầu tiên đã rất nhanh gập cuốn sách đang đọc dở trên tay. Ông ấy bước về phía sau chàng trai mù xếp hàng. Những người còn lại cũng lần lượt lặng lẽ đứng về phía sau của chàng trai.

    Đứng cạnh tôi là một cô gái có mái tóc ngắn màu đỏ liếc nhìn chú chó chỉ đường, có lẽ cô sợ mùi thuốc lá ảnh hưởng đến thị giác của nó nên vội dập tắt điếu thuốc lá vừa mới châm xong. Lại có thêm một người nữa xếp hàng đợi xe, người này cũng lẳng lặng đứng phía sau. Những người xa lạ mặc dù không nói với nhau một lời nào nhưng lại rất hiểu ý của nhau, quả thực khiến tôi kinh ngạc.

    Cứ như vậy, cho đến khi xe buýt tới. “Đợi một chút…”, tôi vừa buột miệng nói chưa hết câu thì người tài xế đã rời khỏi ghế lái chuẩn bị bước xuống để dắt chàng trai mù lên xe. Chàng trai liền lịch sự từ chối: “Cám ơn ông, không cần đâu!” Chàng trai tiếp tục theo sự dẫn đường của chú chó, tự mình bước lên xe. Đúng lúc giờ cao điểm tan sở, trên xe khách đã chật kín người.

    Ngồi sau lưng tài xế, là một cậu bé khoảng 5-6 tuổi, cạnh đó là mẹ của cậu. Bà mẹ nhanh chóng bế bổng cậu bé ra khỏi chỗ ngồi để nhường ghế cho chàng trai kia. Chú chó chỉ đường nhìn lên thấy chỗ trống liền nhanh chóng dẫn chàng trai mù ngồi vào ghế, sau đó lặng lẽ nằm bên cạnh chủ. Tất cả những sự việc diễn ra này, chàng trai mù không hề biết.

    “Xin hỏi anh muốn đến đâu?” “Tôi muốn đến đường Moore.” “Vâng, thưa bệ hạ!” Câu trả lời đầy hài hước của tài xế khiến mọi người trong xe đều bật cười vui vẻ. Cứ thế chiếc xe chở đầy sự hân hoan vui vẻ của mọi người tiếp tục tiến về phía trước.

    Trên xe, mọi người đều thầm quan sát chú chó chỉ đường. Cho dù những lúc xe phanh gấp hay cua rẽ , chú chó cũng vẫn giữ được tư thế rất tập trung và mắt hướng nhìn về phía trước. Khác hẳn với những chú chó khác, không có ai có ý định đến vuốt ve hoặc dùng điện thoại để chụp nó.

    Bên cạnh tôi là cậu bé xếp nhường vị trí cho chàng trai mù, cậu lấy tay bẻ một nửa chiếc bánh định cho chú chó ăn, thế nhưng mẹ cậu bé đã nhanh chóng ngăn lại và nói nhỏ: “Chú chó đang làm công việc của nó, đừng làm ảnh hưởng đến nó.”  Nghe thấy vậy, cậu bé rút tay lại từ bỏ ý định cho chú chó ăn.

    Thành phố không quá lớn, rất nhanh đã đến trạm cần đến, chàng trai mù chào tài xế, sau đó cùng chú chó chỉ đường xuống xe. Không khí trầm lặng bao trùm trong xe. Còn tôi lúc đó cảm nhận sâu sắc được đằng sau tất cả những hành động ấy là sự yêu thương, tôn trọng không nói lên lời.

    Từ 6 cent nhìn ra sự tôn trọng lẫn nhau

    Dresden là thủ phủ của bang Saxony, cũng là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế quan trọng của miền đông nước Đức. Cách đây không lâu, tôi đến thăm Dresden. Nơi đây đã để lại cho tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc.

    Cách khách sạn nơi tôi nghỉ không đến 1km, có một cái siêu thị tên là Plus. Tôi đã cùng đồng nghiệp đi tới đó mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt và tôi cũng tiện thể mua bao thuốc lá. Sau khi chọn được hai bao thuốc lá Davidoff, tôi đứng xếp hàng chờ tính tiền thanh toán. Nhân viên bán hàng nhanh chóng thao tác quét mã vạch, trên màn hình lập tức hiện ra số tiền thanh toán, hai bao thuốc lá tổng cộng là 6,2 Euro, chúng tôi thanh toán xong rồi ra về.

    Theo lịch trình, hai ngày tiếp theo chúng tôi sẽ đi tới tham quan trường đại học kỹ thuật Dresden. Trong lúc gấp quần áo, tôi phát hiện chiếc cà vạt của mình không biết từ lúc nào bị phai màu hỏng mất, bất đắc dĩ đành phải đi thật nhanh ra siêu thị Plus chọn một chiếc cà vạt.

    Khác với lần trước khi tôi đến mua, lần này mỗi nhân viên bán hàng trước khi quét mã vạch hàng hóa đều cầm một tấm hình chiếu vào mặt khách hàng để đối chiếu. Tôi thầm nghĩ: “Dùng loại biện pháp này để trợ giúp cục cảnh sát tra tìm tội phạm truy nã thì cũng chỉ là việc phí công vô ích.”

    Lúc tôi mang chiếc cà vạt tới, cô nhân viên bán hàng trung niên dáng người có phần hơi mập đột nhiên thốt lên một tiếng và nói với những nhân viên khác bằng tiếng Đức: “Này, chính là anh này!” Vừa nói dứt lời, mọi người lập tức đưa ánh mắt nhìn tôi, tôi ngay lập tức cảm thấy luống cuống, xòe hai tay ra ý nói với họ rằng mình không làm việc gì trái pháp luật cả. Nửa phút sau, tôi đi đến phòng chờ.

    Nhân viên siêu thị mang cho tôi một cốc nước rồi hướng về phía tôi nói lời xin lỗi chân thành, thái độ của nhân viên đó khiến tôi càng không hiểu gì!

    Chỉ chưa đầy một phút sau, một nhân viên quản lý tới ngồi đối diện tôi mà nói: “Cách đây hai ngày, vào buổi tối, anh đã từng đến siêu thị của chúng tôi mua hai bao thuốc lá Dresden. Lúc đó nhân viên bán hàng đã thu của anh 6,2 Euro. Nhưng lúc 8 giờ tối hôm đó siêu thị chúng tôi nhận được thông báo là từ 8 giờ 15 phút trở đi, mỗi một bao thuốc nhãn hiệu Dresden được giảm giá 3 cent. Thời gian tính tiền của anh hôm đó là 8 giờ 15 phút 17 giây. Nhưng khi ấy máy tính tiền của siêu thị lại bị trục trặc mất, nên đã không thể kết nối kịp thời dữ liệu giá đã giảm. Chúng tôi thành thật xin lỗi anh, chúng tôi phải trả lại cho anh số tiền thừa là 6 cent.”

    Sau khi nghe xong, tôi thực sự thấy thật kinh ngạc. Mặc dù chỉ có 6 cent, nhưng tôi cảm thấy rõ ràng người Đức rất tôn trọng mình, cũng chính bởi 6 cent này, tôi lại càng thêm kính trọng người Đức hơn.

    Đối với người Đức, đồng tiền nên phải tiêu thì một đồng cũng không tiết kiệm. Nhưng với họ, nếu không phải tiền kiếm được từ lợi nhuận kinh doanh thì một đồng cũng không lấy, thái độ làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm. Tôi cho rằng chính điều này đã làm nổi bật tiêu chuẩn kinh doanh và thái độ xử thế của một dân tộc!

    Theo TrithucVN

  • Trên hành trình khám phá khu chợ Giáng sinh nổi tiếng châu Âu, Nam Thái - Bích Ngọc (Hà Nội) vô tình rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan tại Munich, Đức trước trận bão tuyết kỷ lục.

    bao tuyet o munich 1

    Châu Âu hứng chịu đợt bão tuyết kỷ lục khi mới bước vào tháng 12, trái ngược với thời tiết ấm áp và không có tuyết bất thường vào cùng thời điểm năm ngoái.

    Theo Washington Post, trận bão tuyết vào cuối tuần trước ở Munich - thành phố lớn thứ ba của Đức - là trận bão tuyết lớn nhất tại đây kể từ đầu tháng 3/2006. Lượng tuyết dày lên đến 1,5 m.

    Sân bay Munich lần đầu tiên đóng cửa vào ngày 2/12 vì tuyết phủ kín đường băng và máy bay. Hôm 4/12, hơn 80% trong số 771 chuyến bay bị hủy. Cùng ngày, Sở Cảnh sát thành phố Munich khuyến nghị người dân không nên sử dụng ôtô đi lại nếu không cần thiết, tờ Euronews đưa tin.

    Thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng lớn tới cư dân và cả các du khách. Cặp đôi Nam Thái - Bích Ngọc (33 tuổi) cũng đối mặt nhiều tình huống dở khóc dở cười khi lần đầu chứng kiến cảnh tượng thiên nhiên này ở Đức.

    Theo Nam Thái, ban đầu, Munich là một trong số điểm dừng chân trên hành trình kéo dài 3 tuần của cặp đôi, khám phá các khu chợ Giáng sinh nổi tiếng tại châu Âu. Tuy nhiên, bão tuyết bất ngờ ập đến, chuyến đi không suôn sẻ như mong đợi.

    Tiến thoái lưỡng nan

    Khi tuyết rơi cường độ dày đặc tại thủ phủ bang Bayern (Đức) cũng là lúc cặp đôi đang trên đường về đến khách sạn. Cảnh quan hai bên đường có phần hỗn độn. Dù từng chứng kiến một đợt bão tuyết tại Iceland, Nam Thái vẫn hơi rùng mình, thậm chí là khó chịu với cường độ gió khá mạnh, cuốn theo tuyết che lấp tầm nhìn.

    “Các phương tiện di chuyển rất khó khăn, tất cả đều đi chậm lại. Lần đầu tiên tôi thấy tuyết rơi dày, phủ trắng xóa cả một vùng như vậy”, anh Thái chia sẻ với Znews.

    Anh Thái cho biết thời điểm anh có mặt tại Munich, thời tiết dần chuyển biến xấu, mọi giao thông tê liệt, phương tiện công cộng như máy bay, tàu hỏa và xe buýt đều bị hoãn. Hàng quán cũng tạm đóng cửa.

    bao tuyet o munich 1

    bao tuyet o munich 1

    bao tuyet o munich 1

    bao tuyet o munich 1
    Tuyết dày khiến sân bay, phương tiện công cộng ngưng trệ. Ảnh: NVCC/ @MUC_Airport.

    Khó khăn chỉ mới bắt đầu.

    Chỉ sau một đêm, anh Thái ngỡ ngàng khi tuyết đã phủ kín xe, hàng loạt xe nằm “bất động”, mặt đường đóng băng, có chỗ tuyết dày gần 1 m. Giao thông gần như tê liệt toàn bộ cộng thêm cái rét của trời đông khiến hoạt động có phần “bế tắc”, lui cũng không được mà tiến cũng chẳng xong.

    “Hôm sau khi tôi tới Munich, thời tiết xuống tới -12 độ C. Dù sử dụng lốp xe ôtô mùa đông, tôi vẫn phải nhờ hai thanh niên lực lưỡng của nước bạn hỗ trợ, hì hục đẩy rồi kéo, đào bới, xe mới ra tới đường”, anh Thái bộc bạch.

    Tương tự, Trần Nhung (28 tuổi) cũng cảm thấy năm nay thời tiết ở Munich lạnh sớm hơn mọi năm.

    "Sinh sống và làm việc ở Munich gần 3 năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến tuyết rơi dày như năm nay. Mặt đường hệt như cục đá đông lạnh. Trước đây, tháng 1-2 mới là thời điểm lạnh nhất ở Đức, nhưng năm nay chưa hết năm đã âm độ. Vì sức đề kháng yếu nên tôi hạn chế ra khỏi nhà", chị Nhung tâm sự.

    Lúc tuyết còn bám trên đường, chưa có công nhân dọn, đường “rất” trơn trượt, gây khó khăn trong việc di chuyển, phanh xe gần như mất tác dụng. Anh Thái luống cuống, suýt không giữ được tay lái.

    bao tuyet o munich 1
    Khó khăn chồng chất, song cả Nam Thái và Bích Ngọc cũng không từ bỏ kế hoạch. Trong ảnh, chị Bích Ngọc check-in với lớp tuyết dày tại Munich, Đức. Ảnh: NVCC.

    Anh kể lại rằng hồi bão tuyết ở Iceland anh dùng xe ôtô hai cầu, lốp đinh, việc di chuyển có phần an toàn hơn. Ở Munich, anh đi lại bằng xe nhà, một cầu trước và chỉ là lốp mùa đông thông thường, nếu sơ suất, tai nạn có thể ập tới bất cứ lúc nào.

    Ngoài ra, lịch trình dự tính ban đầu của cặp đôi cũng bị ảnh hưởng. Do lượng tuyết rơi dày đặc bất thường, một số khu chợ Giáng sinh tại đây cũng đóng cửa. Nam Thái buộc phải thay đổi điểm dừng chân, ghé thành phố khác để tiếp tục hành trình.

    Khó khăn chồng chất, song cả Nam Thái và Bích Ngọc cũng không từ bỏ kế hoạch. Nam Thái cho biết cả hai thuộc nhóm người thích du lịch chậm, thong thả du ngoạn, sống và du lịch là một nên có khó khăn cũng chậm rãi tận hưởng.

    Bài học “xương máu”

    Đặt chân đến Munich vào trời đông giá rét, bão tuyết ập đến bất ngờ, cặp đôi chưa chuẩn bị phương án ứng phó nên tình huống “éo le” xảy đến không ít.

    “Lúc bánh xe lên được tới mặt đường, vợ chồng tôi phải ngồi phơi nắng 30 phút hơn thì tuyết mới tan. Chưa hết, khi lái xe trên cao tốc, các xe khác chạy nhanh, tuyết bắn tứ tung vào kính xe, hệt như bị ai đó tát vào mặt, dễ giật mình, nếu giữ bình tĩnh không tốt, khả năng chao đảo tay lái gây tai nạn là rất cao”, Nam Thái trải lòng.

    bao tuyet o munich 1

    bao tuyet o munich 1
    Do lượng tuyết dày, người dân đi bộ là chủ yếu. Ảnh: NVCC.

    Theo Nam Thái, một trong những kỹ năng cần thiết giúp cặp đôi vượt qua giai đoạn mắc kẹt giữa bão tuyết Munich là khống chế cảm xúc. Du khách phải thật bình tĩnh trong trường hợp lái xe trong bão.

    Đồng quan điểm, Tú Nguyễn (35 tuổi) cho biết lái xe vào thời tiết cực đoan khá nguy hiểm. Dù không trải qua trận tuyết kỷ lục ở Munich nhưng với 2 năm kinh nghiệm sống với cái lạnh ở Nga, anh Tú nhận định nếu không có việc cấp bách, du khách tốt nhất không nên lái xe, nguy cơ gặp vấn đề không may "khá cao".

    Về cơ bản, giữ vững tay lái là quan trọng, song người cầm lái cũng phải kết hợp một số kiến thức sinh tồn. Đường tuyết trơn, người điều khiển xe nên hạn chế sử dụng phanh, điều tiết tốc độ, đặc biệt phải luôn giữ ấm cơ thể và đừng quên chuẩn bị xăng nếu du khách quyết định di chuyển bằng ôtô.

    “Mỗi ngày di chuyển trên đường phố Munich tôi đều thấy vài chiếc xe chết máy trên đường, gây tắc nghẽn hàng chục km”, Nam Thái giải thích.

    Thêm nữa, nếu có ý định du lịch tại các địa điểm ở châu Âu dịp cuối năm, du khách nên xem dự báo thời tiết trước khoảng 10 ngày, tính trước kế hoạch dự phòng trong điều kiện thời tiết cực đoan. Nam Thái chia sẻ thêm một số điểm đến tại châu Âu dẫu lạnh, vẫn không lạnh bằng các khu vực gần cực Bắc, không vì vậy mà du khách ngó lơ, nhiệt độ có thể xuống bất cứ lúc nào, việc chuẩn bị quần áo ấm luôn cần thiết.

    Theo ZNews

  • Đi chợ ở Đức như thế này liệu có rẻ hơn cả Việt Nam?

    Trước và cả sau khi đến một quốc gia khác sinh sống, học tập, điều mà nhiều người quan tâm nhất chính là giá cả, sinh hoạt phí để có kế hoạch trước, tránh bị rơi vào tình cảnh cháy túi. Và nếu đến Đức, bạn có tự tin mình sẽ biết cách để chi tiêu tiết kiệm?

    Mới đây, một bà mẹ người Việt hiện đang sinh sống cùng gia đình ở Đức đã có chia sẻ thú vị về cách chi tiêu cho các bữa ăn của cô ở Đức. Bà mẹ này đã gây sốc cho nhiều người khi tự tin tuyên bố rằng mình chỉ phải bỏ ra số tiền tương đương 150.000 VNĐ cho 3 ngày ăn của 2 người (6 bữa).

    tiet kiem tien an 1

    Đây quả thực là một con số gây choáng bởi, kể cả ở Việt Nam thì số tiền này cũng chỉ đủ cho 1 gia đình ăn trong 1 ngày. Nếu bà nội trợ đảm đang, khéo léo có thể chi cho 2 ngày. Nhưng ở một đất nước có mức sống cao và mọi thứ sinh hoạt phí, giá cả lương thực, thực phẩm đắt đỏ như Đức, thì điều đó liệu có tin được không? Lý do sau cùng sẽ "thật bất ngờ!".

    Cụ thể, trên tài khoản TikTok @thuytitoduc279 với 76.000 lượt theo dõi và hơn 1,3 triệu lượt thích, bạn Thủy đã chia sẻ về một lần đi chợ "cực rẻ" của mình.

    Thủy cho biết, cô không đến tận siêu thị mà mua qua ứng dụng của Hello Fresh - một dịch vụ đi chợ hộ dành cho những người cực kỳ bận rộn mà không thể tự đi chợ ở Đức. Cô đã mua tổng cộng chỉ hết số tiền tương đương 150.000 VNĐ cho 1 lần đi chợ.

    tiet kiem tien an 2
    Thủy lựa chọn dịch vụ đi chợ hộ để tiết kiệm thời gian

    Với dịch vụ này, người ta sẽ lên món sẵn cho người mua, ai thích món gì thì sẽ đặt mua. Thủy lấy ví dụ bản thân cô đã chọn 3 món cho 4 người ăn. Nhà cô chỉ có 2 vợ chồng nên có thể chia thành 6 bữa (3 ngày).

    Khi shipper mang thùng đồ đến tận nhà, Thủy mở ra và thấy nguyên liệu vừa đủ nấu cho mỗi món ăn cô đã đặt. Kèm theo đó là 1 tờ giấy có chỉ rõ công thức nấu chi tiết. Có cả hình ảnh minh họa bắt mắt và giá trị dinh dưỡng của từng món.

    Về nguyên liệu, bà mẹ 1 con đánh giá mọi thứ đều khá tươi ngon. Điểm trừ duy nhất đối với cô là chỉ có món Tây mà không có món Á để lựa chọn.

    Sau đó, Thủy giải thích vì sao đồ ăn tốt vậy mà lại rẻ thế. Hóa ra, cô có mã giảm giá cho lần đầu dùng thử. Cô được miễn phí tiền hàng và chỉ mất 6 euro (tương đương 150.000 VNĐ) cho phí vận chuyển.

    tiet kiem tien an 2
    Nguyên liệu nấu ăn được giao đến tận nhà

    Thực tế, giá trị của đơn hàng này là 90 euro (tương đương hơn 2 triệu VNĐ) cho 2 người, 6 bữa ăn. Vậy là, bà mẹ này đã tiết kiệm được khá nhiều tiền cho những bữa ăn của gia đình, vừa đảm bảo đủ chất lại không mất công đi siêu thị hoặc ra chợ. Thủy cũng không quên nhắc nhở mọi người rằng sau khi dùng mã giảm giá xong thì nên huỷ, nếu không lần sau họ tự động gửi về nhà và trừ tiền trong tài khoản của mình.

    tiet kiem tien an 2
    Cô đã dùng mã giảm giá nên mới có giá rẻ như vậy

    Ở một đất nước khu vực châu Âu với mức sống cao và mọi thứ sinh hoạt phí, giá cả lương thực, thực phẩm đắt đỏ như Đức, nếu không tiết kiệm và biết cách chi tiêu thì sẽ thật khó để thích nghi và duy trì cuộc sống, đặc biệt là các bạn du học sinh - những người chưa có công việc ổn định, lại phải đóng học phí, thuê nhà...

    Cô cũng tiết lộ một chi tiết cực đặc biệt khi mua hàng tiêu dùng ở Đức. Cụ thể, chính Thủy đã rơi vào tình huống phải trả lại hàng và cô không khỏi ấn tượng về quyền lợi người tiêu dùng ở quốc gia này. Mua hàng cả năm rồi hỏng vẫn được hoàn lại tiền đầy đủ.

    Cô nói: "Mình có mua một chiếc máy làm mì dùng được gần năm rồi mình vô tình làm hỏng cái nắp. Mình báo cho bên hãng sản xuất với mong muốn được bảo hành thôi, nào ngờ họ xin lỗi vì chất lượng sản phẩm và trả lại tiền nguyên vẹn như hồi mình mua mới. Quá là sốc".

    Thủy cho biết, chuyện trả hàng và bảo hành hàng ở châu Âu nói chung và Đức nói riêng, đều rất dễ. Chẳng hạn, bạn mua hàng xong rồi về nhà không thích nữa thì bạn được quyền trả lại hàng miễn phí trong vòng 1-3 tháng (tùy hãng). Phí vận chuyển trả lại hàng cũng thường do bên người bán chịu.

    Theo luật của Đức, mọi tổn thất, thất lạc trong quá trình vận chuyển trả lại hàng là do bên bán chịu. Bạn chỉ cần đi gửi lại hàng, còn hàng có đến hay không, hoặc hỏng hóc như thế nào thì bạn không phải lo nữa. Nói chung, quyền lợi người tiêu dùng ở Đức và các nước châu Âu được bảo vệ cực kỳ tốt. Vậy nên, hàng hóa ở châu Âu tiêu chuẩn rất cao và các doanh nghiệp cũng làm việc cẩn thận.

    Theo Afamily

  • Từ khi rời Việt Nam đến sinh sống ở xứ người, Min rất sợ Tết. Năm nào đến giao thừa, cô cũng trốn vào một góc để khóc.

    don tet o duc 1
    Gia đình Min hiện sinh sống tại thị trấn Eppstein, trong trang trại rộng gần 9.000 m2.

    Cuối năm, khi mọi người ở Việt Nam tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, Min (tên thật Nguyễn Thị Miên, 30 tuổi), hiện sống ở thị trấn Eppstein, vùng ngoại ô của Đức, lại thấy nhớ quê hương da diết.

    Sang nước ngoài sinh sống hơn 5 năm, cô mới có một lần về Việt Nam ăn Tết. “Tôi từng hứa với mẹ ít nhất 2 năm sẽ về Việt Nam thăm gia đình và ăn Tết cùng bố mẹ một lần. Nhưng rồi dịch bệnh bùng phát, dự định của tôi chưa thể thành hiện thực”, cô dâu Việt ở Đức chia sẻ.

    Mọi năm, Min không bày vẽ gì nhiều vào các dịp lễ, Tết của Việt Nam, một phần vì bận rộn, mặt khác là cô rất sợ Tết. “Tết chỉ thật sự trọn vẹn khi được quây quần bên gia đình, người thân. Còn đối với những người con xa xứ, dịp này mang đến nỗi nhớ nhà không thể diễn tả bằng lời”.

    Dạy con biết về Tết

    Khi con trai dần khôn lớn, Min cố gắng tổ chức Tết đầy đủ để con hiểu ý nghĩa của dịp này. Tại Đức, mọi thứ chuẩn bị cho Tết không sẵn có như ở Việt Nam. Bởi vậy, người mẹ muốn cho con biết được không khí Tết cổ truyền có mai, đào, bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ,... đều phải tự làm.

    Năm ngoái, Min chỉ tốn 7 euro để mua đồ trang trí Tết. “Tôi từng xem ở đâu đó cách làm hoa đào bằng sáp nến nên học theo. Sẵn ở nhà có sáp nến cũ của mùa vọng Giáng sinh, tôi tận dụng làm luôn. Ngoài ra, tôi còn làm bao lì xì, viết câu đối đỏ, vẽ lên quả bưởi, gói bánh chưng, bánh tét và bày mâm ngũ quả”, cô kể.

    don tet o duc 1

    don tet o duc 1

    don tet o duc 1

    don tet o duc 1
    Min tổ chức Tết đầy đủ nhất có thể để con trai hiểu được ý nghĩa của dịp lễ này.

    Mọi năm, Min thường chuẩn bị đón Tết trước khoảng 2 tuần. Nhưng năm nay, Tết đến sớm khiến cô khá bất ngờ. Sau khi dọn dẹp góc nhà, Min cắt bỏ cây thông cũ, thay bằng bình hoa mận mới cắt ngoài vườn cho căn phòng thêm ấm cúng. Tiếp đó, người mẹ gói 15 cái bánh Tét để vừa ăn Tết, vừa cắt ra từng khoanh trữ tủ đông ăn dần.

    Theo lời Min, trước đây, ở Đức ít biết đến Tết Nguyên đán, việc mua sắm nguyên vật liệu khá vất vả. Vài năm trở lại đây, trước Tết 1-2 tuần, các siêu thị mở bán “tuần lễ châu Á” nên có thể mua một số đồ khô như bún, miến, phở, gạo, gia vị thông thường. Những nguyên liệu phục vụ thuần Tết như lá dong, lá chuối, đậu xanh, gạo nếp có bán ở các khu chợ châu Á khác.

    “Chồng tôi thường chở vợ con đi sắm Tết, như đi mua đồ ở siêu thị châu Á hay mua trái cây về bày mâm ngũ quả. Có những lúc, gia đình tôi phải chạy 3-4 siêu thị chỉ để mua được vài trái dừa, trái thơm hay đôi dưa hấu”, cô kể.

    Con trai Min rất thích Tết. Bé hào hứng cùng mẹ ra vườn cắt cành hoa mận, hoa mơ, treo xâu tiền tài lộc làm từ kẹo đồng tiền chocolate, vẽ bao lì xì đỏ, trang trí nhà cửa, ngâm nếp, gói bánh chưng. Min cũng mua cho con bộ áo dài mới và đọc sách về Tết cổ truyền cho con nghe.

    don tet o duc 1

    don tet o duc 1
    Con trai Min, bé Max, rất thích Tết và hào hứng giúp mẹ trang trí nhà cửa, gói bánh chưng.

    Giấc mơ đoàn viên

    Khi ở Việt Nam, Tết đối với Min chỉ là những ngày dọn dẹp bơ phờ, nấu nướng mệt mỏi. Nhưng từ khi ra nước ngoài sinh sống, cô coi đây là dịp đoàn viên mà con cái đi xa ai cũng mong về thăm bố mẹ.

    Điều khiến Min nhớ nhất là không khí mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa, mua sắm Tết, những con đường bạt ngàn hoa trước thềm năm mới, những món quà quê của các bà, các mẹ hay những buổi họp mặt gia đình.

    Min vẫn chưa quên cái Tết đầu tiên xa nhà. Khi đó, cô vừa quen ông xã. Ngày mùng 1, Min mặc áo dài sang nhà anh, đem theo con gà để nấu phở.

    Tới khi ngồi trước mâm cỗ tươm tất, Min mở nhạc Tết cho có không khí. Nhưng khi giai điệu vừa cất lên, nước mắt cô rơi lã chã vì cảm giác nhớ nhà.

    “Chồng tôi cuống quýt hỏi ‘Có chuyện gì xảy ra?’, ‘Em bị đau ở đâu? hay anh gọi xe cấp cứu’. Lúc đó, tôi vừa tức, vừa buồn cười, chỉ có thể nói với anh hôm nay là Tết - Neujahr của người Việt Nam. Anh vội gõ Google tìm hiểu. Sau đó, anh vào tủ, mặc bộ đồ hóa trang của Đức với tay và tà áo dài đến chân. Anh chạy ra khoe rằng anh cũng đang mặc áo dài đón Tết cùng tôi”, cô kể lại.

    Nhờ có gia đình nhỏ ở Đức, Min cảm thấy được an ủi rất nhiều khi không thể về Việt Nam ăn Tết.

    don tet o duc 1

    don tet o duc 1

    don tet o duc 1

    don tet o duc 1
    Sau khi có con đầu lòng, vợ chồng Min chuyển từ thành phố Frankfurt về vùng ngoại ô Đức sinh sống. Chồng Min hàng ngày lái xe 100 km đi làm, còn vợ ở nhà chăm con, làm vườn.

    Trước đây, vợ chồng Min sinh sống ở thành phố lớn. Họ bỏ phố về quê gần 3 năm nay, cải tạo nông trại cũ thành farmstay nhỏ trên mảnh đất 9.000 m2.

    Đây là nơi Min vừa có đất để trồng nông sản sạch, vừa tạo quang cảnh để cộng đồng người Việt ở Đức đến nghỉ ngơi, tham quan. Đó là điều cô cảm thấy may mắn.

    “Thời gian này, tôi tất bật cải tạo lại nhà nghỉ, vườn tược cho VietHof nên không biết chắc chắn khi nào mới có thể về đón Tết tại Việt Nam. Có thể tôi sẽ về, nhưng không phải dịp Tết”, cô chia sẻ.

    Chia sẻ về hành trình bỏ phố về quê, Min khuyên mọi người nếu chỉ vì một chút áp lực “cơm áo gạo tiền”, bị sếp la mắng vài câu,... mà muốn trốn tránh hiện tại thì không nên.

    “Đã về quê thì phải mang tâm thế của người làm chủ. Nghĩa là tự làm chủ bản thân, tự tạo công việc cho mình, cho người khác chứ không phải cứ về rồi ngồi một chỗ lướt mạng. Bất cứ điều gì trên đời này cũng không đến một cách dễ dàng. Nếu có, đó chính là tai nạn”, cô nhắn nhủ.

    Theo Zing

  • Tôi tên là Bằng, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sang Đức được hơn 2 năm theo diện lao động và làm việc cho một trường Đại học ở Đức gọi là hợp tác nghiên cứu. Tôi 29 tuổi, FA lâu năm. Sau hơn 2 năm làm việc ở đây, tôi đã có rất nhiều suy nghĩ từ tích cực đến tiêu cực, từ quyết chí đi lên đến đầu hàng số phận, từ ăn to nói lớn đến ăn tục nói phét.... Tôi không biết mọi người có như vậy không nhưng tôi thích thì tôi viết thôi.

    Tôi không biết tiếng Đức và làm việc trong môi trường dùng tiếng Anh, nhưng tiếng Anh của tôi thuộc loại kém nhất trong tất cả mọi người ở đây. Vì vậy, tôi sẽ chia sẻ những sự thật mà mọi người có thể nghe đâu đó, nhưng nếu chưa nghe thì có thể biết thêm.

    co nen toi duc
    (Ảnh minh họa)

    Giới thiệu về các nhóm đối tượng người Việt ở Đức

    Ở Đức có thể chia người Việt thành 3 thế hệ:

    + Thế hệ 1: là các bậc ông, bà, lão thành cách mạng được đưa sang đào tạo ở Cộng hoà Dân chủ Đức từ những năm 1950 tới 1975. Có thể nói nếu họ còn sống ở Đức thì chắc chắn có lẽ đã có thế hệ thứ 3 và đưa cả nhà sang đây từ rất lâu. Tôi nghĩ số lượng này không nhiều vì thời chiến tranh có lẽ họ sẽ chọn trở về Việt Nam sau khi được đào tạo vài năm dưới sự hợp tác hữu nghị của khối Cộng Sản (đứng sau là Liên Xô).

    + Thế hệ 2: là các bậc phụ huynh được đưa sang đào tạo ở Cộng hoà Dân chủ Đức sau khi Việt Nam thống nhất và trong thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, vất vả, họ được đưa sang làm công nhân cho các nhà máy, xí nghiệp. Dĩ nhiên, gia đình nào có người đi Tây thời này chắc chắn có rất nhiều thứ quà cáp mà người ở nhà lúc đó có mơ cũng không thấy. Sau khi nước Đức thống nhất, phần lớn trong số họ trở về quê hương với khoản tiền bồi thường rất có giá trị những năm đầu 90. Tuy nhiên, một phần vì lo sợ trở về với đất nước sau thời kỳ bao cấp, quá nhiều bất cập, nên đã từ chối nhận tiền và ở lại tìm công việc.

    Với thế hệ 2 này thì sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, Liên Xô sụp đổ, không còn ai ủng hộ như trước nữa, nên họ bắt buộc phải mưu sinh theo nhiều cách khác nhau. Cô chú họ của tôi hiện sống ở Berlin là một trong những người như vậy và họ kể về thời điểm đó buôn bán cái gì cũng dễ có tiền vì phần phía Đông Đức rất nghèo và thiếu thốn nên chỉ cần nhập hàng từ Tây Đức về là tranh nhau mua. Bản lĩnh hơn và giầu nhanh, chết cũng nhanh là đi buôn lậu thuốc lá. Tôi nghĩ không ít người Việt giầu có ở Đức hiện tại có thời đã tích luỹ được số vốn không nhỏ nhờ những chuyến buôn lậu liều lĩnh này.

    Đến khoảng những năm 2000 khi Liên minh Châu Âu thành lập thì cũng là lúc kinh tế bão hoà và các sản phẩm hàng hoá như quần áo không còn khan hiếm nữa. Vì vậy, lúc này thế hệ thứ 2 cũng có tuổi, không thể đứng bán hàng dưới trời lạnh buốt giá (dù trước đó họ có bán quần áo thì cũng chỉ là các rạp căng ngoài trời, không có tiền thuê cửa hàng) và chuyển sang đi làm thêm cho các quán ăn châu Á của người Việt, vì dù sao ẩm thực Việt Nam cũng khá nổi tiếng và lạ miệng với thực khách phương Tây.

    + Thế hệ 3: con cháu của thế hệ thứ 1 và 2, các sinh viên, học sinh từ những năm 2005 trở về hiện tại, sang Đức du học, lao động với niềm tin rằng có thể giống như các thế hệ trước, mau chóng giầu có, kiếm nhiều tiền, mua xe xịn, một vợ hai con 3 tầng, bốn bánh. Ngoài ra cũng phải kể đến nhiều người Việt ở Việt Nam cũng vì nghèo khổ hoặc không chịu được nghèo khổ mà tìm cách vượt biên vào Đức và trở thành người tị nạn, cố gắng bám trụ vào chính sách nhân đạo ở Đức. Thế hệ thứ 2 đã có nhiều người tiên phong để mang cả gia đình, họ hàng sang Đức, sống không giấy tờ hợp pháp để mong ngày nhận được sự ưu đãi của nước Đức để có giấy tờ.

    Điều kiện về cư trú ở Đức

    + Tất cả các thế hệ thứ 1 và thứ 2 không cần nói thì ai nếu ở lại Đức hoặc đã nhập quốc tịch (sau 8 năm đi làm, đóng thuế và trình độ tiếng Đức B1) hoặc có giấy phép cư trú vĩnh viễn (sau 5 năm đi làm, đóng thuế và trình độ tiếng Đức B1). Tuy nhiên, đó là luật hiện nay, còn từ những năm 1990 - 2000, người Việt mấy ai tiếng Đức đến trình độ B1 khi họ đi làm vất vả cả ngày trong cửa hàng, quán ăn, đâu có thời gian học tiếng, nên tôi nghĩ phần lớn họ có giấy phép cư trú cũng do chính sách ưu đãi của nước Đức với thế hệ này.

    + Như vậy, thế hệ thứ 3 chỉ có thể sống và làm việc ở Đức khi có thi đỗ một trường Đại học ở Đức, sang học tiếng nhưng thời gian rất ngắn, hoặc có được Công ty Đức bảo lãnh sang làm việc. Không phải công việc nào cũng có thể bảo lãnh, chỉ có những công việc mà người Đức không đủ để làm như bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhà khoa học, chuyên gia,... thì mới có thể sang Đức do các hợp đồng lao động như vậy. Do đó, nếu sinh viên tốt nghiệp Đại học ở Đức mà không làm việc đúng chuyên môn hoặc dưới khả năng như lao động chân tay thì cũng sẽ không được gia hạn sau thời gian tốt nghiệp để tìm việc làm.

    + Kết hôn (thật, giả) với các nam thanh, nữ tú, ông, bà, cha chú,...miễn sao họ có quốc tịch, giấy tờ, sinh con cho họ để con có quốc tịch và bố, mẹ ăn theo con để được ở lại Đức. Dĩ nhiên, phái yếu lên ngôi ở đây khi không mấy khoai lang lấy được dâu tây. Những người theo diện này thì thường họ phải trả nhiều tiền (với phụ nữ thì ít hơn nhiều) cho các đối tượng môi giới để tìm người đến nhận con trong khi mẹ thì ở trong trại tị nạn. Có vẻ hiện nay luật Đức đã siết chặt việc này khi không phải ai cũng có thể đến nhận con nuôi vì sẽ bị thanh tra, thẩm vấn về quan hệ giữa 2 người và nếu nghi ngờ sẽ từ chối chấp nhận hôn nhân và cả mẹ lẫn con có thể bị trục xuất.

    + Vẫn có rất nhiều người Việt sống chui lủi ở Đức theo diện sang du lịch và trốn ở lại. Họ không có giấy tờ, không bảo hiểm, không thể sống như người bình thường và tôi nghĩ rất khó để họ có thể đạt được mong muốn của họ về một tương lai giầu có như các thế hệ trước. Nhất là đã có hơn 1 triệu người tị nạn vào Đức hơn một năm trước và như vậy thì dẫn đến những người như họ không có một chút quyền lợi gì để trông cậy nếu ốm đau hoặc bị cảnh sát kiểm tra. Đã không còn những ưu đãi như trước nữa và nước Đức đã không còn là thiên đường cho những người Việt cần lao hoặc cần tiền.

    Vì sao nên tới Đức?

    Nước Đức vẫn là thiên đường với thế hệ thứ 3 (thế hệ thứ 2 nếu vẫn có cửa hàng thì vẫn coi là ông, bà chủ kiếm được tiền, còn lại thì ăn xã hội - không đủ sức khoẻ hoặc cố tình không đủ sức khoẻ để xin trợ cấp từ chính sách của Đức), theo tôi thì:

    + Mức lương cao (nếu bạn giỏi tiếng Đức và giỏi chuyên môn), tốt nghiệp Đại học ở Đức hoặc Đại học Việt Nam nhưng có khả năng làm việc trong các ngành, nghề thiếu lao động trình độ cao ở Đức. Lương cao là trên 3000 Euro/tháng với người Việt. Tuy nhiên, sau khi trừ các khoản thuế thì bạn sẽ nhận lại 60%.

    + Bảo hiểm tốt (vì bạn đóng tiền bảo hiểm nhiều), đi khám bác sĩ không tốn tiền, mua thuốc có bảo hiểm thì chỉ phải trả 5 - 10 Euro thay vì giá thật sự. Nếu ốm đau có đi bệnh viện thì cũng vậy, không như ở Việt Nam đâu đó có nhiều điều không hay.

    + Giáo dục tốt (con cái không những không mất tiền đi học mà hàng tháng có tiền để trợ cấp đi học). Vì bạn đóng thuế cao và xã hội cần người giỏi nên đầu tư vào giáo dục qua chính sách trợ cấp, điều Việt Nam rất hạn chế do... (e hèm, thiên tai, ví dụ như vậy).

    + Thất nghiệp tốt (đúng vậy, nếu có không đủ khả năng làm việc thật sự và ăn xã hội) thì vẫn yên tâm có nhà ở, ăn uống, bảo hiểm, có tiền tiêu hàng tháng không phải nhờ cậy con cháu. Tuy nhiên, chỉ dành cho các đối tượng có cư trú dài hạn, quốc tịch Đức. Và thực tế là có rất nhiều người vẫn có khả năng lao động nhưng lại ỷ lại vào xã hội, đủ mọi quốc tịch.

    + Sự nghiệp phát triển: vì nước Đức có nền kinh tế, khoa học hàng đầu trên thế giới, vì vậy nếu có cơ hội làm việc trong các công ty, tập đoàn ở Đức thì chắc chắn khả năng sẽ được nâng cao và được cọ xát trong môi trường khắc nghiệt và chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có cơ hội này và có thể bám trụ được.

    + Khoai tây, mắt xanh, mỏ đỏ,...bạn nào thích vì những thứ trên thì cũng là một động lực tốt để cố gắng. Dĩ nhiên khoai lang thì thật sự khó, tôi kém sẵn ở Việt Nam nên ở Đức vẫn FA không có gì lạ.

    Vì sao không nên tới Đức?

    + Không giỏi tiếng Đức, thật sự không biết tiếng Đức và sống trên nước Đức này giống như con dê đi vào bầy sói (dĩ nhiên cừu đội lốt sói thì nhiều hơn). Vì người Đức nhìn bề ngoài không thân thiện, cục súc, tuy nhiên nếu quen được họ thì họ cởi mở hơn nhiều, nhưng làm sao quen nếu không có thể trò chuyện. Ngoài ra, không biết tiếng như tôi thì làm gì cũng khó, đến gặp bác sĩ dù bảo hiểm trả 100% tôi vẫn không tự tin khi bác sĩ cũng bập bẹ tiếng Anh, tôi thấy đang làm phiền họ. Đi mua các mặt hàng rất cơ bản cũng không biết gọi là gì, chỉ biết nhìn hình đoán nghĩa và trả tiền rồi cám ơn và tạm biệt.

    + Không có khả năng làm việc, các công việc chân tay đã quá thừa lao động từ các nước Đông Âu hoặc người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 có giấy tờ hợp lệ. Nếu thấy ở Việt Nam còn khó tìm việc thì đến nước Đức là điều quá huyễn hoặc, xa vời.

    + Nghe theo dụ dỗ (lương trăm triệu), kết hôn giả, mẹ đơn thân,...Điều đó có thể đúng với số ít những người may mắn gặp được người môi giới tử tế, người hôn phu (giả cầy cũng được) tử tế, sau đó có giấy tờ thì đi làm vất vả, chịu khó chưa biết tương lai sẽ thế nào khi nếu không có trình độ thì tiền lương chỉ đủ ăn, ở.

    + Đi du học cho oai (nếu biết ngoại ngữ và có khả năng học được thì không nói làm gì) nhưng theo tôi thì học ở Đại học ở Đức không hề dễ dàng, không kiểu chạy chọt thầy, cô được vì vậy có lẽ một phần các bạn sinh viên Việt Nam đành từ bỏ giấc mơ và đi làm việc chui lủi kiếm tiền.

    - Kết luận

    + Tôi thấy nước Đức hay bất kỳ nước nào cũng đều mong muốn có được người giỏi và có khả năng phát triển. Thực tế, nếu người Việt giỏi di cư đi hết thì Việt Nam khó có thể tiếp tục phát triển. Vì vậy, khi mới tới Đức, tôi nghĩ tôi sẽ ở lại vì tôi thấy thích cuộc sống ở đây. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, tôi cảm thấy chán sự cô quạnh vì tôi không có quen người nào từ tây đến ta ở đây (tôi không ở Berlin hay các vùng nhiều người Việt). Gia đình tôi vẫn ở Hà Nội và lúc nào mẹ tôi cũng kêu về lấy vợ rồi ở nhà hẳn.

    +Tôi không biết tiếng Đức, hợp đồng lao động cũng có thời hạn nhất định và cũng rất khó khăn để có thể tiếp tục công việc khi từ đầu bị chê thiếu trình độ, kỹ năng,...May là tôi vẫn trụ lại được và tôi có nghĩ nếu trụ lại được một năm, hai năm thì 5 năm có lẽ cũng được. Nhưng rồi sẽ ra sao (?) nếu tôi không học tiếng tử tế thì dù có bạn nào người Việt chịu theo có kết hôn, sinh con thì tôi cũng không biết làm giấy tờ kiểu gì. Ba mươi tuổi thì tự lập được thân (tam thập nhi lập) nhưng so với các bạn ở Việt Nam thì tôi thấy họ giỏi hơn tôi nhiều khi vẫn lập gia đình và công việc đã ổn định. Tôi nghĩ rằng sống ở Đức như tôi thì chịu nhiều thiệt thòi nhưng bù lại công việc có thu nhập tốt hơn hẳn so với công việc ở Việt Nam. Nhưng bố mẹ cũng đã cao tuổi và người Việt đâu có tự lập được tốt như người Đức.

    Suy nghĩ của các bạn thì thế nào?

    Nguồn: tintucvietduc

  • Nhiều người Việt ở Đức buộc phải tìm cách tính toán lại hoặc thay đổi phương thức chi tiêu trong bối cảnh lạm phát ở nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục trong 70 năm.

    “Giá cả rất cao, mọi thứ rất đắt đỏ”. “Lạm phát ảnh hưởng đến từng sản phẩm tôi dùng”.“Tôi nghèo vì giá cả leo thang”. "Tăng, tăng và tăng" là câu trả lời mà nhiều người Việt ở Đức trả lời khi được hỏi về giá các mặt hàng tiêu dùng.

    Hôm 11/11, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết tỷ lệ lạm phát hàng năm của Đức đã tăng từ 10% trong tháng 9 lên 10,4% vào tháng 10. Destatis cho biết tỷ lệ này đạt mức cao nhất trong 70 năm qua, theo Reuters.

    Theo ông Georg Thiel, người đứng đầu Destatis, giá năng lượng tiếp tục là nguyên nhân chính khiến giá cả các mặt hàng tăng.

    “Ai cũng khó khăn hết, giá cả tăng cao, nhất là tiền điện và gas nhưng biết làm sao, phải tiếp tục thôi. May sao đến giờ, nhà hàng của tôi vẫn hoạt động”, chị Thùy Vân, chủ nhà hàng Vân tại Munchen (Đức) chia sẻ.

    gia ca tang o duc 1
    Tỷ lệ lạm phát ở Đức đang ở mức cao nhất trong 70 năm qua. Ảnh: Reuters.

    Không chỉ vậy, theo anh Thành Luân, sinh viên ngành điều dưỡng tại Đại học Rostock, bang Mecklenburg-Vorpommern, lạm phát ở Đức đôi khi có thể cảm nhận theo tuần.

    “Có hôm tôi đi đá bóng về, có mấy đồng xu lẻ định vào mua bánh mì như thường lệ thì nhận ra rằng từng đó tiền là không đủ cho một chiếc bánh nữa”.

    Tăng giá không trừ mặt hàng nào

    Sống và làm việc ở Đức hơn 10 năm, chị Vân cho biết lần đầu thấy cảnh tượng người dân đổ xô đi tích trữ củi cho mùa đông do lo ngại giá gas tăng và nguồn cung bị thu hẹp. Dù vậy, chị cho biết nhà hàng vẫn phải gắng gượng dùng gas dù giá tăng cao.

    “Nấu ăn phải dùng gas mới ngon được. Nấu bằng bếp củi thì chất lượng không bằng, hơn nữa phải xây lò”, chị Vân cho hay.

    Đối với anh Thành Luân, tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát và giá năng lượng tăng đột biến.

    “Tôi cũng rất bất ngờ, nhưng tôi nghĩ khó khăn hơn nữa là đối với những người già có đồng lương hưu ít ỏi. Nhiều siêu thị và cửa hàng cũng có biện pháp tránh gây hoang mang về giá cả bằng cách giữ nguyên giá bán, nhưng giảm khối lượng sản phẩm”, anh Luân cho biết.

    gia ca tang o duc 1
    Anh Thành Luân cho biết nhiều mặt hàng ở Đức tăng đúng thêm 10% trong bối cảnh lạm phát. Ảnh: NVCC.

    Ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu lúc này, lạm phát không còn là con số trên các báo cáo, người tiêu dùng hoàn toàn có thể cảm nhận được sự tăng nhanh của giá các mặt hàng ngay trong mỗi lần đi chợ.

    “Những sản phẩm có thể nhìn rõ nhất là ngũ cốc, sữa, bánh mì. Loại sữa tôi hay uống lúc trước có giá là 1 euro, giờ tăng thành 1,1 euro. Ngũ cốc cũng từ 1,99 euro/túi thành 2,2 euro/1 túi”, anh Luân chia sẻ và nói thêm rằng hầu như các sản phẩm thiết yếu tăng đúng với mức lạm phát 10%.

    Đồng tình, anh Minh Nhật, hiện sinh sống tại Mannheim, bang Baden-Württemberg, cho biết giá thực phẩm tăng rõ rệt. Là một du học sinh vừa mới sang Đức hồi tháng 9, anh cũng cảm thấy bất ngờ trước tốc độ tăng giá của các mặt hàng.

    “Giá dầu ăn hồi trước chỉ có 1 euro/lít, giờ tăng gần gấp 3 lần. Đắt mà vẫn khó tìm lắm”, anh Nhật nói. “Các siêu thị cũng hạn chế số lượng mua hàng. Mỗi khách hàng chỉ được mua 2-3 bình dầu thôi”.

    Không những vậy, giá năng lượng cũng tăng rõ rệt trong năm qua. Theo trang tin giá năng lượng Check24, hợp đồng khí đốt hàng năm cho một hộ gia đình ở Đức đã có giá cao hơn 173% so với năm trước.

    “Tiền sưởi và tiền điện tăng dẫn đến giá thuê nhà tăng. Tôi ở trong một căn hộ chung cùng 3 người nữa, giá mỗi phòng năm ngoái là 340 euro/tháng. Năm nay, giá đã lên thành 385 euro/tháng. Đây thậm chí chưa phải mức giá cuối vì còn khoản quyết toán chi phí năng lượng hàng năm”, anh Luân nói.

    gia ca tang o duc 1
    Nhiều nhà hàng ở Đức như của chị Vân phải điều chỉnh giá trong bối cảnh giá cả nguyên liệu và năng lượng tăng cao. Ảnh: Reuters.

    Với việc giá cả tăng mạnh như hiện nay, theo Hiệp hội Bán lẻ Đức (HDE), doanh số bán lẻ trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 12 được dự báo sẽ giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức sụt giảm mạnh nhất trong doanh thu Giáng sinh kể từ năm 2007, theo Reuters.

    Giải pháp không triệt để

    Mùa hè vừa qua, trong bối cảnh giá năng lượng tăng chóng mặt cùng với lạm phát, chính phủ Đức đã đưa ra một số gói hỗ trợ cho người dân, trong đó có việc giảm vé tháng các phương tiện công cộng xuống còn 9 euro.

    Cụ thể, trong vòng 90 ngày (từ tháng 6 đến hết tháng 8), hành khách đi lại trên toàn nước Đức bằng các phương tiện công cộng như xe buýt, xe điện và tàu hỏa, ngoại trừ tàu cao tốc, sẽ chỉ phải trả 9 euro/tháng. Tổng giá trị gói hỗ trợ này ước tính khoảng 2,5 tỷ euro, theo Guardian.

    Đối với những du học sinh, người Việt đang sinh sống tại Đức, gói hỗ trợ khi được đề xuất đã nhận được sự hưởng ứng tích cực.

    “Việc đi lại bằng phương tiện công cộng đối với tôi là điều tất yếu. Các phương tiện này không chỉ có giá vé hợp lý mà còn an toàn, không ùn tắc như những phương tiện cá nhân khác”, anh Trí Trung, hiện sinh sống và làm việc tại Berlin, cho hay.

    gia ca tang o duc 1
    Anh Trí Trung cho biết thường đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: NVCC.

    Đồng tình, anh Thành Luân cho biết: “Tôi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hàng ngày vì mạng lưới phương tiện giao thông công cộng ở Đức thực sự tuyệt vời, rất tiện, đi được nhiều nơi, giá thành rẻ cho sinh viên và người đi làm. Họ có thể mua vé tháng, có nhiều ưu đãi phù hợp với nhiều đối tượng”.

    Theo Reuters, từ tháng 6 đến cuối tháng 8, ngành giao thông Đức ghi nhận 50 triệu vé tháng được bán ra, trong đó mỗi tháng trung bình có 1 tỷ chuyến tàu khởi hành.

    Tuy vậy, sau một thời gian áp dụng, vé 9 euro đã phát sinh những bất cập với hầu hết người dân tại Đức, bao gồm nhiều người Việt đang sinh sống tại quốc gia này.

    “Quá kinh khủng. Lúc vé 9 euro được phát hành, mọi người đổ xô đi phương tiện công cộng nên rất đông đúc, thậm chí có vụ tai nạn tàu vì trật đường ray”, chị Mai Linh - sinh viên sống tại bang Nordrhein-Westfalen, Đức - chia sẻ.

    gia ca tang o duc 1
    Một người đi xe đạp lên tàu ở Dresden, Đức. Vé tháng 9 euro từ tháng 6 đến tháng 8 đã thúc đẩy nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: Reuters.

    Theo chị Mai Linh, giá vé 9 euro có ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm như gây chậm trễ chuyến, hủy chuyến liên tục khiến cho nhiều người gặp khó khăn vì lịch trình bị thay đổi bất chợt.

    “Tàu đông quá nên bị chậm. Vì chậm chuyến nên họ hủy luôn. Sau đó, họ đổi thành chuyến sau nhưng rồi lại tiếp tục bị chậm. Vì tàu chậm nên tôi không kịp đổi chuyến. Cứ thế đến tận 0h, tôi mới về tới nhà”, chị Mai Linh nói.

    Gặp cùng tình huống, anh Trung kể lại: “Suốt thời gian 3 tháng giá vé 9 euro được áp dụng, việc tàu bị quá tải và trễ chuyến là điều không thể tránh khỏi. Tôi thường di chuyển và đi làm hàng ngày bằng phương tiện công cộng nên khó tránh khỏi những ‘trải nghiệm’ như vậy”.

    Tuy nhiên, những chuyến tàu đông đúc như vậy sắp tới đây có thể không còn.

    Hôm 2/11, Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing cho biết nước này sẽ áp dụng vé tháng 49 euro cho các phương tiện công cộng vào tháng 1/2023. Bước đi này được cho là nhằm mục đích cắt giảm lượng khí thải CO2 và giúp người dân đối phó với lạm phát tăng cao, theo Reuters.

    Với các nhà hoạt động môi trường, việc tăng giá vé tháng lên gấp hơn 5 lần không phải là một tín hiệu tốt. Theo Hiệp hội các công ty vận tải Đức VDV, nước này đã hạn chế được khoảng 1,8 triệu tấn khí thải carbon trong ba tháng này vé tàu 9 euro được áp dụng.

    Do đó, các nhà vận động khí hậu lo ngại mức giá mới, cùng với tình trạng dịch vụ kém ở một số cơ sở vận tải địa phương, sẽ không đủ hấp dẫn để thu hút mọi người từ bỏ phương tiện cá nhân.

    Tuy nhiên, với nhiều người Việt tại Đức trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, phương tiện công cộng vẫn là một biện pháp đáng cân nhắc.

    “Tôi thấy mức giá này rất hợp lý. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 1 euro thôi nhưng vẫn có thể dùng cả tháng. Sau này nếu thẻ sinh viên của tôi không áp dụng được nữa thì cũng mua vé tháng 49 euro để đi làm”, anh Thành Luân chia sẻ.

    Theo Zing

  • hop phu huynh o tay
    Ảnh minh họa

    Thế là từ khi sang Berlin (Đức), mình đã được đi họp phụ huynh 2 lần cho con gái, một lần đầu năm lớp 7 và một lần đầu năm lớp 8. So sánh với 12 lần đi họp ở Việt Nam mình thấy... 

    Những cái khác đó là:

    1. Ở Berlin không họp phụ huynh vào cuối tuần, cuộc họp thường tổ chức vào một buổi tối trong tuần, sau 18h, thời gian họp tối đa là 90 phút. Trước khi họp 5 phút trường lớp vắng như chùa bà đanh, mình còn tưởng đến nhầm trường, nhầm lớp, nhầm giờ. Không hề thấy cờ hoa loa đài om sòm gì cả.

    2. Phụ huynh không thấy phải đóng bất cứ khoản tiền gì. Nhà trường không qui định học sinh phải mặc đồng phục.

    3. Phụ huynh đi họp đa phần là cả hai vợ chồng cùng đi. Mặt mũi ai cũng “vênh vang” không khúm núm sợ sệt, căng thẳng. Tham gia góp ý và biểu quyết rất nhanh gọn (cái gì cũng biểu quyết, thiểu số phục tùng đa số).

    4. Không thấy thầy cô giáo chủ nhiệm nhấn mạnh năm nay là “năm bản lề” nên cả phụ huynh và các con phải chú ý này nọ. Hồi trước vợ chồng mình đã từng phát sốt về cái từ “bản lề” này, năm nào cô cũng bảo “bản lề”, nghe mà run cầm cập. Trong khi cuộc họp diễn ra, các thầy cô không cố tỏ ra nghiêm trang, xa cách mà họ nhún nhường cảm kích vì là người được chọn làm thầy cô của lũ trẻ, được trả lương để "bán" kiến thức cho "khách hàng" chính là con mình.

    5. Thông báo số điện thoại, email của từng thầy cô dạy các môn học. Nếu có thầy cô giáo nào mới về lớp/ về trường thì thầy cô này phải đứng lên giới thiệu bản thân, nêu và giải thích cụ thể chương trình định dạy dỗ các con về chủ đề của môn học đó. Ví dụ lớp Cún là thầy dạy về Tôn giáo. Học kỳ I thầy định dạy về Phật giáo thì phụ huynh nhao nhao chất vấn bảo sao không dạy về Hồi giáo, đề tài đang rất nóng sốt, mấy nhà báo đã bị phán quyết ở Trung Đông, thầy phải dạy các con ngay về Hồi giáo để buổi tối lúc cả nhà ăn cơm còn tranh luận chứ.

    Cuộc họp thường diễn ra nhanh gọn với mấy phần chính như sau:

    1. Thông báo tình hình chung của lớp, sỹ số cụ thể bao nhiêu, có bạn nào mới vào, bạn nào bị đúp. Các bạn cũ có tích cực giúp đỡ bạn mới không? Bạn mới có theo được không, hay cần trợ giúp môn gì, phần nào. Ví dụ như Cún nhà mình tiếng Đức còn “ngắn lùn” thì miễn không chấm điểm môn tiếng Đức...

    2. Phổ biến tâm sinh lý cụ thể của trẻ lứa tuổi này, để phụ huynh biết mà lưu ý. Nếu có nhu cầu thì phụ huynh có thể tham gia các lớp học miễn phí để nhà trường phổ biến kĩ hơn. Ví dụ Cún từ lớp 7 chuyển lên lớp 8 là độ tuổi rất nhạy cảm với nhiều biến đổi về tâm sinh lý và thể chất. Nếu thấy con đi học về mặt mũi nhăn nhó không buồn chuyện trò thì chớ có lo quá vì "tuổi này bạn bè quan trọng hơn bố mẹ, chúng ta nên nhẫn nại chịu đựng. Phụ huynh đừng có phóng đại những rắc rối nhỏ của con, cứ yên tâm rồi mọi chuyện sẽ ổn"...

    3. Phổ biến các lịch làm bài kiểm tra, lịch nghỉ Thu, lịch nghỉ Noel, lịch đi dã ngoại, lịch cả lớp đi Trại Hè 1 tuần vào thời gian trước khi kết thúc năm học, tức là trong tháng 7/2015. Dự kiến chuyến đi này hết tầm 180 Euro nên hụ huynh và học sinh cần lên kế hoạch bắt đầu tiết kiệm ngay từ bây giờ. Mỗi tháng tầm 15 đồng, con phải góp 5 đồng, bố mẹ 10 đồng để cùng bỏ vào lợn đất làm quĩ cho con đi trại hè với lớp. Nhất định nên khuyến khích con phải nỗ lực tham gia tiết kiệm.

    4. Công bố cách chấm điểm các môn học. Ví dụ Cún học 14 môn, mỗi môn một thầy/ cô giáo. Tài liệu dạy học và cách thức chấm điểm môn học hoàn toàn do mỗi thầy cô tự quyết. Vì thế cùng khối, nhưng có thể môn Địa lý lớp 8C học về Châu Phi, lớp 8B học về Châu Úc, lớp 8A học về Trung Quốc. Nhưng đa phần điểm sẽ được tính dựa vào những tiêu chí như sau:

    - Phần làm bài kiểm tra một mình (thi viết).

    - Phần ý thức đóng góp tham gia phát biểu xây dựng ý kiến trong giờ học (nỗ lực).

    - Khả năng làm việc trong nhóm. Ai chỉ thích học một mình, không chịu chia sẻ ý kiến điểm sẽ bị kém. 50% học sinh được tự chọn nhóm, 50% do chỉ định. "Chúng tôi muốn luyện kĩ năng làm việc hiệu quả với cả những bạn mà mình không ưa", thầy cô giáo nói vậy.

    - Bài thuyết trình (khả năng thuyết trình về một đề tài tự chọn nào đó). Đây là lúc con được vào vai học cách làm Thầy, truyền tải dạy dỗ kiến thức cho người khác.

    5. Đưa lịch và thời gian địa điểm để phụ huynh có thể đăng ký gặp trực tiếp từng thầy cô dạy các môn (nếu phụ huynh có nhu cầu hỏi han về sức học cụ thể của con mình).

    6. Bầu phiếu kín ban phụ huynh, tối đa 2 người. Các phụ huynh khác ai cũng khích lệ mình tham gia ban phụ huynh vì mình có thể là đại diện tốt nhất cho quyền lợi của các học sinh không phải gốc Đức. Mình sợ phát khiếp vì tốc độ + số lượng thông tin quá nhanh, quá nhiều, thường mình chưa kịp hoàn hồn, chưa nghe thủng thì buổi họp đã kết thúc.

    Cuộc họp phụ huynh mình tham gia nó như thế. Vì mình “ma mới ấm ớ” nên cố hỏi han về các chương trình thi thố học sinh giỏi này nọ thì được ân cần hướng dẫn vào các trang web của trường, của quận, của bộ môn, của thành phố, của quốc gia. Hóa ra thi học sinh giỏi ở đây nhiều vô biên, tổ chức liên tục quanh năm ngày tháng cho học sinh từ lớp 1 trở lên. Các môn thi thì từ thi toán đến thi hát, gấp tranh, xếp chữ. Học sinh nào muốn tranh tài thi thố thì tự tìm thông tin mà tham gia đăng ký đi thi.

    Các cuộc thi nội bộ trong trường cũng có, thi với các trường khác trong thành phố, các cuộc thi toàn Châu Âu, toàn thế giới cũng có nhưng không hề có thầy cô, lò ôn luyện gì cả. Nếu bạn nào quan tâm mà không biết bắt đầu thế thế nào thì tìm gặp trực tiếp thầy cô, các thầy cô sẽ tư vấn hướng dẫn cách thức cẩn thận.

    Mình không thấy phụ huynh ở đây sục sôi lên vì thành tích, giải nọ, giải kia, cũng không thấy phụ huynh thầm thì rỉ tai nhau phải học thêm cái gì, học cô nào thầy nào, học ở đâu. Các phụ huynh tỏ ra rất bình thản, kể cả khi con họ vừa bị đúp tụt lại học với Cún nhà mình, mình hỏi lý do tại sao bà ấy cười chân thành bảo "tao nghĩ là con tao đợt vừa rồi nó hơi lười một chút!".

    Theo Sức khỏe & Đời sống

  • Người Việt ở Đức thường không có việc làm ổn định, sinh viên Việt tới Đức học tập với thu nhập chỉ đủ mức sống hàng tháng hoặc thậm chí không đủ đối với các bạn sinh viên.

    Ai đi xa cũng muốn về thăm gia đình, mỗi người đi xa đều muốn về xum vầy, đoàn tụ với người thân, bạn bè nhưng mỗi chuyến bay mang một sự trăn trở của người Việt ở Đức bởi chi phí cho mỗi chuyến bay không hề nhỏ nên họ đành từ bỏ, một mình đơn độc trong giá lạnh.

    Để về thăm gia đình, người Việt ở Đức cần chuẩn bị từ nhiều tháng trước, họ cần đặt vé máy bay và tìm giá rẻ nhất, rồi xin phép cơ sở làm việc để có thời gian nghỉ dài vài tuần và chuẩn bị mua sắm các loại quà cáp cho người thân, bạn bè, họ hàng,…Đối với người Việt sống ở Đức, dù không thể hiện là họ giàu có nhưng họ cố gắng thể hiện rằng họ sống ở Đức rất hạnh phúc và đầy đủ.

    Nhưng đâu có mấy người Việt ở Đức có cuộc sống như vậy khi phần lớn là lao động chân tay hoặc du học sinh, sinh viên đều có mức thu nhập chỉ vừa đủ sống hoặc còn rất thiếu thốn. Với người Việt thì mỗi dịp đi xa đều phải có quà cáp cho người ở nhà, đó là truyền thống nhưng nhiều người ở nhà lại nghĩ sống ở Đức hẳn phải giàu có, nhiều tiền của, mỗi dịp về thăm phải có nhiều loại quà đắt tiền.

    Đó không phải là sự thật về cuộc sống của người Việt ở Đức, chỉ có những người làm chủ, kinh doanh buôn bán, một phần nhỏ sinh viên Việt tốt nghiệp Đại học ở Đức có công việc làm ổn định mới có thể làm được như vậy và dù làm ăn chân chính hay không thì họ có quyền hãnh diện với gia đình ở nhà, người thân, bạn bè về sự hào phóng của họ. Còn với phần lớn người Việt muốn về thăm gia đình thì những chi phí sau đây luôn là một gánh nặng khiến họ trăn trở mỗi khi người thân hỏi cuối năm có về thăm gia đình không?

    + Chi phí vé máy bay khứ hồi từ Đức: giá 600 – 700 Euro / vé.

    + Chi phí đi lại tới sân bay Đức do phần lớn người Việt ở các vùng xa, phải đi lại tới hàng chục tiếng để đến sân bay: giá 60 – 100 Euro.

    + Tiền thuê nhà vẫn phải trả cho tháng đó dù không có ở ngày nào: 250 – 350 Euro.

    + Tiền mua các loại quà cáp, tiền biếu, cho, tặng người thân, bạn bè: 500 – 1000 Euro.

    + Tiền tiêu trong thời gian về thăm gia đình: 200 – 500 Euro, do không ở trong nhà mà còn đi thăm người thân, bạn bè, tụ tập, ăn uống,…

    Như vậy, mỗi chuyến bay là một gánh nặng đối với người Việt ở Đức, họ phải đánh đổi nhiều thứ mà họ cần thiết trong cuộc sống, tiết kiệm chi tiêu tối đa, nhịn ăn, nhịn mặc, để có thêm tiền mua quà cho người ở nhà. Đó không hẳn là trách nhiệm của họ nhưng cách suy nghĩ của người Việt vẫn còn chưa cởi mở do nhiều người không hiểu về sự khó khăn, vất vả đối với người Việt ở Đức để có tiền về thăm gia đình, người thân, bạn bè.

    Vì vậy, nhiều người Việt ở Đức không muốn trở về thăm mà họ sống đơn độc không có sự xum vầy bên gia đình, họ hàng dù đó là khao khát trong họ nhưng gánh nặng về chi phí trở về thăm nhà quá lớn khiến họ không thể đánh đổi với những chi phí cần phải trả khi sống ở Đức, họ đành thở dài khi nghĩ về những chuyến bay trở về thăm gia đình.

    Viethome (theo tintucvietduc)

  • Hãng tin Sputnik cho biết đám cháy bùng phát tại một chợ của người Việt tại Berlin, Đức vào ngày 4/7.

    Cháy chợ Đồng Xuân ở Berlin, khói đen bốc lên ngùn ngụt. Các hãng tin địa phương cho biết tin báo cháy tại chợ Đồng Xuân của người Việt tại Berlin, Đức, được ghi nhận vào lúc 12h ngày 4/7. Giao thông được hạn chế ở khu vực.

    Hình ảnh được đăng tải trên các trang mạng xã hội cho thấy cột khói đen bốc lên cao đến mức nhân chứng đứng xa nhiều km vẫn thấy được.

    Sputnik dẫn các nguồn tin từ lực lượng cứu hỏa Berlin cho biết tin báo cháy tại Chợ Đồng Xuân của người Việt được nhận vào lúc 12h00 ngày 4/7.

    Cháy lớn tại chợ của người Việt tại Berlin vào sáng 4/7. Ảnh: Twitter/ Francesco Buscemi.

    Mạng lưới giao thông Berlin BVG cho biết trên Twitter rằng hiện giao thông tại khu vực quanh đám cháy đã bị hạn chế.

    Theo trang Frankfurter Allgemeine Zeitung, hơn 60 lính cứu hỏa đã được điều động đến hiện trường vụ cháy.

    Sở cứu hỏa địa phương cho biết đám cháy bùng phát tại một kho hàng trong khu chợ của người Việt.

    Cột khói đen có thể nhìn thấy từ cách xa nhiều km. Giới chức thành phố đã yêu cầu người dân trong khu vực đóng kín cửa ra vào và cửa sổ để tránh khói độc.

    Người phát ngôn lực lượng cứu hỏa địa phương thông báo cho đến nay chưa phát hiện người bị thương trong vụ cháy.

    Theo Sputnik, trung tâm thương mại gồm 8 dãy nhà cho thuê, mỗi dãy rộng gần 200 m. "Chợ" có tổng diện tích tương đương 24 sân bóng đá, với khoảng 2.000 cửa hàng buôn bán đủ các mặt hàng, từ quần áo, thực phẩm đến đồ điện tử. Nơi đây còn có nhà hàng, tiệm làm tóc và cả văn phòng luật sư.

    Chợ Đồng Xuân từng xảy ra một vụ cháy lớn vào tháng 5/2016. Đám cháy thiêu rụi một nhà kho gần 7.000 m2, rất may mắn không có người thiệt mạng.

    Chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Berlin, nằm ở quận Lichtenberg, phía đông thủ đô nước Đức.

    Theo South China Morning Post, chợ Đồng Xuân là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp bán buôn, cửa hàng và nhà sản xuất thực phẩm. 80% người thuê là người Việt Nam. Những người khác đến từ Ấn Độ, Pakistan hoặc Trung Quốc.

    Viethome (theo Zing)