• Hồng Phương cho biết chị và bạn bè vẫn chủ động mang khẩu trang, dù nhiều người tại Anh đã từ bỏ biện pháp này.

    "Hiện tại khẩu trang không còn bắt buộc, nhưng khi vào các không gian công cộng trong nhà, tất cả vẫn có biển nhắc nhở thân thiện. Hôm qua mình đi bảo tàng, nhân viên đứng nhắc theo kiểu quan tâm sức khỏe, cứ không phải buộc tuân thủ luật như trước đây", Hồng Phương, sống tại Tây London, đến Anh học tập và làm việc khi dịch Covid-19 mới bùng phát, chia sẻ với VnExpress.

    Nhận thức về sử dụng khẩu trang là một trong những thay đổi rõ nhất tại Anh trước và sau ngày 19/7, còn được gọi là "Ngày Tự do". Kể từ "Ngày Tự do", chính phủ Thủ tướng Boris Johnson đã dỡ bỏ gần như mọi biện pháp giãn cách xã hội và quy định phòng chống dịch Covid-19.

    Số ca nhiễm mới tại Anh vẫn cao với thống kê ngày 31/7 là hơn 26.000 người, nhưng vẫn duy trì xu hướng giảm và thấp hơn so với một tuần trước hơn 3.000 ca.

    "Việc số ca nhiễm và số ca nhập viện thấp hơn khá nhiều so với các dự đoán thời gian qua cũng là một bất ngờ đối với mình", Hồng Phương chia sẻ.

    nguoi viet o anh van deo khau trang 1
    Sân vận động Emirates ở phía bắc London được tận dụng làm trung tâm tiêm chủng Covid-19 vào tháng 6. Ảnh: Islington Council.

    Theo chị quan sát, các trường hợp từ bỏ khẩu trang phổ biến nhất sau mở cửa là những người tuổi đôi mươi và trẻ em. Người dân cũng có tâm lý thoải mái hơn trong duy trì giãn cách, thể hiện qua các trận bóng đá thời gian qua. Trong đợt nghỉ lễ tuần này, rất nhiều gia đình tự tin lên kế hoạch du lịch tại Scotland hoặc các nước trong danh sách cho phép đi lại của chính phủ Anh.

    Oanh Nguyễn, 28 tuổi, đang làm việc trong mảng công nghệ thông tin ở Anh, hỗ trợ tổ chức một sự kiện ngoài trời khoảng một tuần sau "Ngày tự do". Sự kiện có gần 20.000 người tham dự ở không gian thoáng nên số người chủ động mang khẩu trang phòng ngừa rất ít.

    "Vì cá nhân mình cẩn thận nên vẫn chọn mang khẩu trang cho an toàn. Đến khi nào tiêm hai mũi vaccine thì mình mới tự tin được", chị nói đã tiêm mũi thứ nhất vào tháng 6, nhưng phải chờ đến đầu tháng này để tiêm đủ liệu trình.

    Anh từ trước ngày 19/7 đã nới lỏng quy định cho người dân không cần mang khẩu trang khi tham gia hoạt động ngoài trời, sau đó dỡ bỏ toàn bộ quy định từ "Ngày tự do". Tuy nhiên, một số siêu thị tại Northampton, nơi Oanh đang sinh sống và làm việc, vẫn khuyến khích khách hàng mang khẩu trang khi đến mua sắm.

    "Với mình, mang khẩu trang đã trở thành thói quen rồi. Nhưng bạn bè mình lại khá phấn khởi khi quy định được dỡ bỏ. Đang giữa mùa hè nên quyết định mở cửa rất được hưởng ứng. Vài tháng nữa bắt đầu lạnh, mọi người sẽ không đi đâu được nữa", Oanh chia sẻ.

    Cơ sở để Anh tự tin mở cửa trở lại là tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc. Trong ngày cuối tháng 7, thêm 38.858 người tại Anh nhận mũi vaccine Covid-19 đầu tiên, nâng tổng số người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine lên 88% dân số trưởng thành. Độ bao phủ hai liều vaccine hiện chiếm hơn 72% dân số trưởng thành trên cả nước, theo Sky News.

    nguoi viet o anh van deo khau trang 1
    Một quán bar tổ chức ăn mừng "Ngày Tự do" tại Leeds, Anh vào nửa đêm 19/7. Ảnh: PA.

    Tuy nhiên, bức tranh chung sống với Covid-19 tại Anh được đánh giá vẫn phức tạp. Số ca nhiễm nCoV tại Anh tăng đột ngột ngay trước thềm mở cửa, trước khi bắt đầu xu hướng giảm. Bất chấp thành tích đáng khích lệ về độ phủ vaccine, giới chuyên gia lo ngại làn sóng Covid-19 có thể tái bùng phát nếu người dân lơ là phòng tránh trước những biến chủng nCoV mới.

    "Trong các giai đoạn trước của đại dịch, dự đoán diễn biến vẫn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hiện việc thấu hiểu những diễn biến mới đây và những điều sắp xảy đến là vô cùng khó. Một bầu không khí mơ hồ rất lớn về dịch bệnh đang phủ bóng", nhà dịch tễ học John Edmunds thuộc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, thành viên nhóm tư vấn khoa học cho chính phủ Anh (SAGE), cảnh báo trên Guardian.

    Ông cho rằng mức độ lây lan thật sự của biến chủng Delta trong cộng đồng chỉ có thể được ước tính chính xác hơn sau tháng 9 và tháng 10, khi xã hội Anh thật sự mở cửa toàn diện và châu Âu bước vào mùa đông. Đây cũng là giai đoạn học sinh đã nhập học, trời lạnh hơn và người dân ở trong nhà nhiều hơn ngoài trời.

    Hồng Phương chia sẻ chị sẽ không quá bất ngờ nếu trong thời gian tới giới chức Anh siết chặt trở lại các biện pháp hạn chế. Từ khi dịch bùng phát, chính phủ Thủ tướng Boris Johnson không ít lần thay đổi chiến lược chống dịch, từ thả lỏng chống dịch đến phong tỏa mạnh tay và gia hạn phong tỏa vào giờ chót.

    "Mình cũng mệt mỏi vì phong tỏa đã lâu, nhưng nếu các nhà khoa học và chính phủ bảo vẫn phải đóng cửa thì phải chấp nhận", Phương nói bản thân chị vẫn cẩn trọng vì chỉ mới tiêm một mũi vaccine Pfizer và đang chờ ngày hẹn tiêm còn lại.

    nguoi viet o anh van deo khau trang 1
    Hành khách xuống sân bay Heathrow, London vào ngày 2/8 vẫn mang khẩu trang dù Anh đang dần nới lỏng các quy định nhập cảnh. Ảnh: PA.

    Oanh cũng chủ động giãn cách và phòng ngừa lây nhiễm nCoV, một phần vì gia đình ở Việt Nam cũng rất lo lắng và thường xuyên nhắc nhở không được chủ quan. Dù vậy, chị rất vui khi cuộc sống tại Anh đang dần trở lại bình thường, giúp cho công việc và sinh hoạt hàng ngày thuận tiện hơn.

    Theo quan sát của Oanh, các biện pháp truy vết tiếp xúc vẫn được một số điểm cung cấp dịch vụ, quán ăn và công sở duy trì dù không bắt buộc. Khác với nhiều nước châu Âu, Anh đã đạt được độ phủ vaccine trong dân số cao nên cũng không có quy định hạn chế riêng với người chưa tiêm chủng, hay đặc cách phúc lợi cho người đã tiêm vaccine.

    Một số chuyên gia nhận định Anh đang tiến gần đến mục tiêu tỷ lệ tiêm chủng đủ để giữ xã hội an toàn trước Covid-19 so với các đợt bùng phát trước đây. Giáo sư Martin Hibberd, chuyên gia của Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, lạc quan miễn dịch cộng đồng đang là một triển vọng thực tế đối với Anh.

    Trong một khảo sát công bố ngày 21/7 bởi Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, khoảng 90% người trưởng thành nước này đã có kháng thể Covid-19, gồm cả trường hợp bình phục sau khi nhiễm nCoV lẫn do tiêm chủng. Theo giáo sư Mark Woolhouse thuộc Đại học Edinburgh, những số liệu Covid-19 được công bố vài tuần qua đang rất giống mô hình lây nhiễm trong môi trường miễn dịch cộng đồng hiệu quả.

    "Đây là tỷ lệ rất lớn và có thể đang tạo ra tác động", Woolhouse đánh giá.

    Theo VnExpress

  • Dù đã tiêm vaccine đầy đủ, LiLy Vũ vẫn tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà hai lần mỗi tuần theo khuyến nghị của giới chức với phụ nữ mang thai.

    "Tôi bắt đầu tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà từ khoảng hai tháng trước", LiLy Vũ, người Việt sống ở thành phố Leeds, hạt Yorkshire, cách thủ đô London khoảng hơn 270 km về phía bắc, chia sẻ với VnExpress.

    Do đang mang thai, cô được khuyến nghị xét nghiệm hai lần mỗi tuần dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine Moderna. "Tôi vừa tiêm xong mũi thứ hai. Mũi đầu cách đây khoảng 4 tuần. Ngoài cảm giác mỏi ở cánh tay, tôi không bị phản ứng gì sau tiêm", Lily kể.

    nguoi viet o anh tu xet nghiem covid 1
    Một kit tự xét nghiệm Covid-19 tại Anh cho kết quả âm tính. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Lily cho hay chính phủ Anh khuyến khích người dân tự xét nghiệm tại nhà và phân phát kit xét nghiệm miễn phí tại hiệu thuốc, siêu thị hoặc thông qua đặt hàng trên mạng.

    "Tôi thường đặt hàng qua mạng. Mỗi lần được đặt hàng một hộp gồm 7 bộ kit và cách nhau 24 tiếng. Thời gian giao hàng cũng chỉ 1-2 ngày. Mọi thứ rất nhanh, tiện lợi và hoàn toàn miễn phí", cô nói.

    Mỗi bộ kit xét nghiệm Covid-19 tại nhà gồm hai thành phần chính là que lấy mẫu và dụng cụ đọc kết quả. Ngoài ra, mỗi hộp kit được gửi kèm một sổ tay 20 trang hướng dẫn chi tiết về các bước xét nghiệm tại nhà.

    Lily chia sẻ so với xét nghiệm tại trung tâm, tự xét nghiệm ở nhà nhanh và tiện lợi hơn nhiều. "Xét nghiệm ở nhà mất 1-2 phút là xong. Đọc kết quả sau 30 phút. Nếu dương tính, kit sẽ hiển thị hai vạch, âm tính là một vạch. Sau đó, tôi gửi kết quả vào trang web của chính phủ và họ sẽ gửi kết quả xét nghiệm về email hoặc tin nhắn một lần nữa. Nếu đến những nơi yêu cầu xét nghiệm, như bệnh viện, bạn chỉ cần đưa kết quả đó ra", cô cho biết.

    Ngoài ra, cô cho biết các trung tâm xét nghiệm ở Anh cũng được vận hành rất bài bản. "Bạn phải đăng ký qua mạng trước rồi mới đến trung tâm để xét nghiệm, nên sẽ không xảy ra trường hợp chen lấn, chờ đợi", cô nói.

    Anh chính thức dỡ bỏ những hạn chế Covid-19 cuối cùng vào ngày 19/7 và lựa chọn sống chung với đại dịch. Số ca nhiễm mới có xu hướng tăng trong những ngày qua, với trung bình hơn 40.000 ca mỗi ngày, tăng 51% so với hai tuần trước, theo NYTimes.

    Tuy nhiên, số ca tử vong đã giảm mạnh so với các đợt dịch trước và nhiều chuyên gia cho rằng đây là nhờ hiệu quả vaccine. Trong số hơn 66 triệu người Anh, 69% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine và 55% hoàn thành chương trình tiêm chủng.

    Dù tỷ lệ tiêm chủng ở Anh tương đối cao, Oanh Nguyễn, một người Việt ở Northampton, cách London gần 100 km, vẫn lo lắng khi thấy nhiều người không còn đeo khẩu trang. Cô cho biết bản thân đã tiêm một mũi vaccine vào đầu tháng 6 và dự kiến tiêm mũi hai vào đầu tháng tới.

    "Giờ đi siêu thị, chỉ khoảng 50% khách hàng đeo khẩu trang. Điều này khiến tôi khá lo lắng", cô nói.

    nguoi viet o anh tu xet nghiem covid 1
    Một kit tự xét nghiệm Covid-19 tại Anh cho kết quả âm tính. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Oanh cho biết cô cũng xét nghiệm Covid-19 tại nhà hai lần mỗi tuần do yêu cầu công việc. "Nếu muốn đi làm, tôi phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV", cô nói.

    Theo hướng dẫn của cơ quan y tế Anh, khi một người xét nghiệm nhanh tại nhà và có kết quả dương tính, họ cần lập tức tự cách ly, sau đó đặt bộ kit xét nghiệm PCR về nhà hoặc đặt lịch hẹn tại các trung tâm xét nghiệm để xác nhận lại kết quả.

    Những người đặt bộ kit xét nghiệm PCR tại nhà sẽ nhận được que lấy mẫu và lọ đựng sinh phẩm chuyên dụng. Sau khi tự lấy mẫu dịch hầu họng theo hướng dẫn, người dân sẽ cho mẫu vào lọ, đóng kín và gửi tới phòng thí nghiệm chuyên dụng để xét nghiệm PCR.

    Nếu kết quả xét nghiệm PCR dương tính, họ sẽ tiếp tục tự cách ly 10 ngày tại nhà theo hướng dẫn và giám sát của cơ quan y tế Anh. Nếu vi phạm quy định cách ly, một người có thể bị phạt 1.000 bảng Anh (hơn 1.370 USD) cho lần đầu đầu tiên và lên tới 10.000 bảng Anh nếu tái phạm.

    Oanh thêm rằng kết quả xét nghiệm nhanh tại nhà này hiện chỉ có hiệu lực tại Anh. Nếu muốn sang nước ngoài, mọi người vẫn phải thực hiện xét nghiệm PCR và phải trả phí.

    "Tôi không thực sự tin tưởng kết quả xét nghiệm nhanh tại nhà, tuy nhiên, thường xuyên kiểm tra cũng khiến bản thân thấy yên tâm hơn", cô nói.

    Theo VnExpress

  • Mặc dù cuộc sống đã dần ổn định trở lại, sự xuất hiện của biến chủng virus corona mới khiến Anh phải trì hoãn lệnh mở cửa, làm xáo trộn nhiều kế hoạch của người Việt tại nơi này.

    “Cuộc sống ở Anh hầu như đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, chính phủ Anh vẫn chưa hoàn toàn dỡ bỏ các lệnh hạn chế", Thùy Dương (26 tuổi) hiện sinh sống tại thành phố Newcastle upon Tyne chia sẻ với Zing những ngày sau khi biến chủng Delta xuất hiện tại Anh.

    “Đối với những người làm trong ngành dịch vụ (như quán ăn, cửa hàng bán quần áo, tiệm làm đẹp), việc trì hoãn như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến công ăn việc làm và cuộc sống của họ”, Dương nói.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 14/6 đã tuyên bố lùi ngày dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19. Ông cho biết thời gian hoãn sẽ được sử dụng để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng của Anh, với 2/3 dân số dự kiến ​​tiêm đủ hai mũi vào ngày 19/7.

    Động thái này xuất phát từ sự gia tăng các ca mắc liên quan đến biến chủng Delta, với khả năng lây lan nhanh hơn và gây ra nhiều trường hợp nhập viện hơn ở những người chưa tiêm vaccine.

    Sự xuất hiện các biến chủng mới giờ đây cũng đặt ra những “phép thử" cho kế hoạch sống chung với dịch của người Việt ở xứ sở sương mù.

    Cuộc sống đã trở lại 70-80%

    Cuộc sống tại quốc gia châu Âu từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 đang dần phục hồi.

    Tôn Thất Huy (25 tuổi) kể lại anh đã gặp rất nhiều khó khăn khi Anh đóng cửa bởi không thể ra ngoài đường, gặp bạn bè và giao tiếp với người xung quanh. Thậm chí, anh chỉ có thể đi ra ngoài thể dục 30 phút mỗi ngày và luôn có xe cảnh sát đi tuần tra bên ngoài nhắc nhở người dân. Giờ thì mọi thứ rất khác.

    “Cuộc sống bên này phải bình thường lại được 70-80% rồi”, Huy nói.

    Từ ngày 17/5, chính phủ Anh bắt đầu dỡ bỏ dần các lệnh hạn chế xã hội. Huy cho biết hiện các nhà hàng trong nhà đã được phép đón 6 khách một lúc, trong khi ngoài trời người dân được tụ tập nhưng không quá 30 người.

    “Thứ bảy, chủ nhật tôi có cơ hội lên các thành phố và thấy người dân ra ngoài đường khá nhiều. Nhiều nơi đông vui nhộn nhịp vì đa số lệnh hạn chế đã được gỡ bỏ. Mọi người có thể gặp nhau bên ngoài, rủ nhau đi ăn đi uống bình thường”, anh chia sẻ.

    Huy cũng cho biết nơi anh đang làm dược sĩ thực tập - bệnh viện Đại học Norfolk và Norwich - hiện chỉ ghi nhận số ca hàng ngày đếm trên đầu ngón tay.

    “Con số đã ít hơn rất nhiều so với tầm tháng 1-2. Mới đầu năm thôi chúng tôi vẫn còn tiếp nhận khoảng 200-300 ca mỗi ngày”, anh cho hay.

    Tương tự, Thùy Dương cũng nhận định cuộc sống tại Anh hầu như đã trở lại bình thường. Nhiều người đã có thể tự tin đi lại, ôm nhau hay uống bia nơi công cộng, ăn tối trong nhà hàng.

    “Mặc dù vậy, các trung tâm thể dục và các cơ sở làm đẹp vẫn có các biện pháp giãn cách. Người ta hạn chế số người đến phòng tập gym bằng cách yêu cầu người tập phải đặt giờ cụ thể trước khi đến”, Dương nói.

    Vaccine là một trong những vũ khí hàng đầu giúp nước Anh dần nới lỏng các lệnh hạn chế và đạt được những thành công như vậy.

    Tháng 12/2020, Anh là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn. Theo số liệu từ chính phủ Anh, hơn 78,5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 được triển khai ở nước này, trong đó có 33,4 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine.

    Thùy Dương đã được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer. Chị nhận định chính phủ Anh đang triển khai rất tốt trong việc tiêm vaccine.

    “Tới thời điểm hiện tại thì người dân trong mọi nhóm tuổi đều có thể tiêm vaccine rồi. Người Việt ở Anh được đối xử công bằng như những nhóm cộng đồng khác. Ai muốn đi tiêm vaccine thì chỉ cần đăng ký lịch tiêm rồi đi thôi”, Dương chia sẻ.

    Chị cho biết sắp tới Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) sẽ triển khai các trạm tiêm vaccine lưu động để đẩy nhanh tới mốc cả nước được tiêm vaccine.

    Trần Phương Thảo, (24 tuổi) đang sinh sống ở thành phố Manchester, chia sẻ chị vừa tiêm mũi vaccine Pfizer thứ 2 vào ngày 30/6.

    “Chính phủ Anh đã triển khai tiêm AstraZeneca cho người trên 40 tuổi và Pfizer cho người 18-40 tuổi cùng phụ nữ có thai”, Thảo cho biết.

    nguoi viet o anh bien chung delta
    Chị Phương Thảo (24 tuổi) đang sống ở Manchester, Anh đã tiêm mũi 2 vaccine Pfizer. Ảnh: NVCC.

    “Phòng thí nghiệm" chống biến chủng Delta

    Tuy nhiên, biến chủng Delta lây lan nhanh chóng tại Anh đang đe dọa đến hy vọng khôi phục lại cuộc sống như trước đại dịch của người dân xứ sở sương mù.

    Chỉ trong ngày 4/7, Anh đã ghi nhận thêm 20.000 ca mắc mới. Anh Huy chia sẻ chiến lược tiêm chủng ở Anh đã giúp giảm bớt ca phải nhập viện cũng như tử vong do Covid-19 mặc dù số trường hợp mắc không ngừng gia tăng gần đây.

    “Tuy nhiên, người tiêm vaccine vẫn có thể mắc Covid-19 và chính phủ Anh vẫn rất thận trọng trong làn sóng dịch mới”, Huy nói.

    Đồng quan điểm, Thảo cho hay trước tình trạng gia tăng các ca mắc mới, chính phủ Anh vẫn giữ một số lệnh hạn chế như đeo khẩu trang trong không gian kín ở các ga tàu điện, cửa hàng, nhà hàng (trừ lúc ăn uống). Ở nhiều nơi, các khẩu hiệu cảnh báo người dân về mối nguy của virus vẫn được dán ở khắp nơi.

    Chính phủ đang xem xét tỷ lệ tử vong trước khi mở cửa hoàn toàn đất nước. Nếu tỷ lệ tử vong rất thấp có nghĩa là vaccine có tác dụng, và trong tương lai, có thể nó chỉ là 1 bệnh cúm thông thường thôi. Tuy nhiên, đến hiện tại tất cả vẫn cần thời gian để theo dõi.

    Hiện Anh, nơi có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới, là một trong những quốc gia được quan tâm hàng đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, theo Guardian.

    Được ví như “phòng thí nghiệm" chống biến chủng Delta của thế giới, tình hình ở Anh trong vài tháng tới đây có thể là bài học quý giá cho các quốc gia để trả lời câu hỏi liệu vaccine có thể phá vỡ mối liên kết giữa việc nhiễm biến chủng Delta với nguy cơ nhập viện cũng như với nguy cơ tử vong hay không.

    Những kế hoạch không thành

    Trước sự xuất hiện của biến chủng mới, chính sách mở cửa trở lại ở Anh có thể sẽ phải chờ đến ngày 19/7 sau khi bị trì hoãn hơn một tháng. Đây không phải điều nhiều người hy vọng.

    Mặc dù nhiều nơi đã phục vụ ngoài trời, theo BBC, 60% khách sạn, nhà hàng không có không gian bên ngoài và đến nay chưa thể hoạt động hoàn toàn bình thường trở lại.

    Nhiều doanh nghiệp không thể vận hành đúng công suất của họ như trước đại dịch.

    Họ đối mặt với viễn cảnh thanh toán tiền nhà xưởng, các khoản vay do Covid-19 và tình trạng thiếu nhân viên trầm trọng, những người mất việc vì đại dịch trước đó.

    Người Việt Nam đang sinh sống tại Anh cũng rơi vào thế “bị động" khi kế hoạch mở cửa quốc gia bị trì hoãn.

    Thùy Dương cho hay vì chị làm việc tại nhà, biến chủng Delta xuất hiện tại Anh không mấy ảnh hưởng đến cuộc sống của chị. Tuy nhiên, đối với những người đang làm trong ngành dịch vụ thì tương lai không chắc chắn của việc mở cửa có thể ảnh hưởng rất lớn đến công việc làm ăn của họ.

    “Một minh chứng rõ ràng là khi đi trên đường phố London, tôi nhìn thấy rất nhiều cửa hàng bị phá sản và buộc phải đóng cửa do không thể cầm cự được trước ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài”, Dương cho biết.

    Kế hoạch cá nhân của nhiều người cũng bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của biến chủng Delta tại Anh.

    Huy kể lại một người bạn của mình đã phải sắp xếp lại lịch cưới sau khi Anh hoãn nới lỏng các hạn chế thêm 4 tuần.

    “Bạn tôi đã lên kế hoạch tổ chức đám cưới và mời khá nhiều người sau khi có thông tin mở cửa hôm 21/6. Thành ra khi kế hoạch mở cửa bị trì hoãn, họ phải dời lại lịch đám cưới vì quy định về phòng chống dịch không cho phép tụ tập quá 30 người", Huy cho biết.

    Bên cạnh đó, anh chia sẻ chỗ làm của mình thỉnh thoảng tổ chức các sự kiện cho nhân viên (khoảng 30-40 người), tuy nhiên, vì lệnh lùi ngày mà họ phải hoãn lịch tới tháng 7.

    “Cũng không chắc là tới 19/7 này, kế hoạch mở cửa có diễn ra theo đúng lịch trình để tổ chức được hay không. Nó còn phụ thuộc vào đánh giá của chính phủ trước các biến chủng mới như Delta nữa”, Huy cho hay.

    Theo Zing

  • Cha mẹ của bé Hayden Nguyen, qua đời vào năm 2016, đang yêu cầu xem xét lại nguyên nhân khiến con mình tử vong vì cho rằng cuộc điều tra trước đó tước đi công lý của họ.

    Bé Hayden Nguyen tử vong tại Bệnh viện Chelsea & Westminster ở phía Tây London, Anh, vào tháng 8/2016, sau khi các bác sĩ gặp vấn đề trong việc điều trị chứng nhiễm trùng của bé, theo BBC.

    Dù nhân viên Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã thừa nhận sai lầm, điều tra viên Shirley Radcliffe bé Hayden Nguyen, khi đó mới 6 ngày tuổi, tử vong vì nguyên nhân tự nhiên.

    Bà Radcliffe sau đó từ chối bình luận về quyết định của mình.

    "Hành động của điều tra viên tương tự với việc giết Hayden một lần nữa vậy", ông Tum Nguyen, cha của bé Hayden, nói với BBC. "Đó là một quyết định tàn nhẫn và đã được tính toán trước".

    be goc viet o anh
    Bé Hayden Nguyen, tử vong tại Bệnh viện Chelsea & Westminster, London, Anh vào tháng 8/2016. Ảnh: Gia đình cung cấp

    Ban đầu, Hayden bị sốt và tình trạng của bé nhanh chóng chuyển biến theo hướng tiêu cực. Khoảng 12 giờ sau khi được chuyển đến Bệnh viện Chelsea & Westminster, bé Hayden tử vong vì tim ngừng đập.

    Một cuộc điều tra nội bộ của NHS chỉ ra rằng đội ngũ y tế tại Bệnh viện Chelsea & Westminster đã mắc 8 lỗi trong quá trình chữa trị cho Hayden. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé xuất phát từ việc các bác sĩ không xác định được những dấu hiệu sốc phản vệ và không thực hiện quy trình kiểm tra bất thường.

    Tuy nhiên, kết luận sau đó của điều tra viên Radcliffe rằng bé Hayden tử vong vì nguyên nhân tự nhiên khiến gia đình nạn nhân cảm thấy công lý của họ bị tước đoạt.

    Vợ chồng Tum và Alex Nguyen đã kháng cáo lên tổng chưởng lý sở tại để xin sự chấp thuận gửi yêu cầu điều tra lại vụ việc lên Tòa án Tối cao Anh. Theo BBC, yêu cầu này hiện đã được chấp thuận.

    Zing (theo BBC)

  • chau ngoai 1

    “Chúng nó nuôi con kiểu gì ấy!”

    Bà Vân, hiện đang sống cùng vợ chồng con gái ở thành phố La Rochelle, Pháp, đã phát biểu như vậy. Bà kể, khi cháu Sâu 3 tuổi của bà kêu mệt, chỉ ăn lưng bát cơm đã xin nghỉ, ba mẹ bé đồng ý luôn.

    Trong khi bà tỏ ý muốn đút cho bé ăn thêm, ba mẹ bé nhất định không đồng ý, bảo rằng nếu bé mệt không muốn ăn thì không cần ép, lúc nào bé muốn ăn sẽ tự xúc ăn. Đã thế, trong bữa ăn không có chuyện dành phần ngon nhất cho các con, mà cả nhà ăn uống bình thường như nhau, không ai phải nhường nhịn ai cả.

    Mẹ chị Lan ở Luân-Đôn, vương quốc Anh, cũng không khỏi sốc khi chứng kiến cảnh chị cho con gái tập ăn dặm. Chị cho con ăn thô ngay từ 6 tháng, con ăn được từng nào là tuỳ ở con, thức ăn chủ yếu vẫn là sữa, chứ không ăn cháo như bà vẫn thường làm.

    Bà lo sợ rằng ăn thô sớm như thế sẽ khiến cháu bị đau dạ dày hoặc nôn trớ. Thế nhưng đến 13 tháng, cháu đã có thể ăn cơm và tự tập xúc như người lớn, trong khi ở Việt Nam, các cháu khác của bà đã hơn 4 tuổi rồi mà ăn cơm vẫn cần người đút cho. Bà bảo, giờ bà mới tin là chị Lan đã làm đúng.

    Các bà ngoại cũng không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh bố mẹ ở Tây mặc kệ con khóc không thèm dỗ dành. Mỗi khi con vấp ngã và khóc, bố mẹ Tây không vội vã chạy lại đỡ con ngay, hoặc họ chỉ ôm con dỗ dành nhẹ nhàng chứ không có chuyện “đánh chừa” cái đất, cái bàn hay cái ghế như các ông bà ngoại ở Việt Nam vẫn làm.

    Còn khi con khóc hư ư? Bố mẹ giải thích mà không nghe thì kệ nhé, xin mời con tiếp tục khóc nhé, bố mẹ đợi bao giờ con khóc xong thì mình đi tiếp. Bà Ngọc, ở Munich, Đức, kể rằng trong một lần đi chơi trong rừng với vợ chồng con gái, bà thấy một cậu bé ngồi khóc giãy giụa giữa đường, bố mẹ cháu bảo nếu không đứng dậy đi tiếp, bố mẹ sẽ đi luôn.

    Và họ đi thật, cậu bé vừa khóc vừa chạy theo, vừa chạy vừa ngã lên ngã xuống, mặt mũi loem nhoem nước mắt nước mũi. Bà Ngọc xót lắm, nhưng bố mẹ cậu bé cứ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Bà bảo, ở Việt Nam, bà chưa bao giờ chứng kiến cảnh này, sau này trông con cho con gái, bà không biết mình có làm được như thế hay không.

    Chị Hiên, hiện đang sống ở thành phố Nancy, Pháp, nói rằng, đôi khi trong mắt người lớn ở Việt Nam, mình giống như những ông bố bà mẹ “máu lạnh”, vì có thể để mặc cho con khóc lóc. Một người mẹ của bạn chị đến thăm gia đình chị đúng vào khoảng thời gian chị đang luyện ngủ cho con, lúc này cháu được vài tháng tuổi, đồng nghĩa với việc, đêm nào đến giờ ngủ cháu cũng khóc.

    Bà cụ hết đứng lại ngồi, trong lòng bứt rứt không yên, thắc mắc tại sạo chị Hiên không bế con, dỗ con, ở nhà bà, bà chưa bao giờ để cho đứa cháu nào phải khóc hết. Mặc dù chị giải thích cho bà rằng cháu chỉ khóc vài ngày thôi, rồi đâu lại vào đấy, nhưng bà vẫn không thể yên lòng.

    Mỗi lần đi chơi, chị Hiên còn thường cho phép con chạy nhảy thoải mái, con trai chị vấp ngã thường xuyên khiến chân tay xước xát nhưng chị vẫn không ngăn con. Bà ngoại xót cháu nhưng đành “bó tay” vì thấy cu cậu vui vẻ, chẳng kêu ca gì mấy.

    Đôi chân trầy xước của con trai chị Hiên do chạy nhảy vui chơi

    Những ông con rể đảm đang!

    Sau một đợt sang thăm con ở nước ngoài, hầu hết bà mẹ nào cũng rất hài lòng vì con gái mình đã trở nên tháo vát hơn rất nhiều lần. Con gái đảm đang đã đành, không ngờ các ông con rể cũng rất chăm chỉ, biết chiều vợ và chăm con.

    Chị Nhung, con gái bà Ngọc, vừa mới sinh con; chị lại sinh mổ nên việc đi lại, sinh hoạt rất khó khăn trong tháng đầu sau sinh. Con rể của bà, một anh chàng người Đức, đã xin nghỉ việc đúng 1 tháng để ở nhà chăm vợ.

    Suốt thời gian này, bà Ngọc chỉ phụ trách việc nấu nướng phục vụ cả nhà và làm ít việc nhà lặt vặt, còn việc chăm vợ, chăm con từ thay bỉm đến tắm rửa hay thức đêm bế con đều do một tay con rể bà làm hết.

    Chị Hiên (Pháp), chị Hạnh (Ý) cũng lấy chồng người bản địa và định cư ngay tại quê hương chồng. Các bà ngoại tâm sự rằng khi quyết định gả con cho người nước ngoài cũng lo lắng vì lo các con vất vả ở xứ người. Nhưng sau khi sang thăm, chứng kiến các ông con rể chịu khó giúp vợ làm việc nhà, thích chơi với con, lại còn biết chăm em bé rất khéo nên các bà vô cùng yên tâm.

    Rể Tây là vậy, còn rể Ta thì sao?

    Bà Vân chia sẻ, có lần bà có việc cùng con gái lên Paris trong một tuần lễ, con rể bà phải ở nhà cùng hai cô con gái nhỏ, một đứa 3 tuổi và một đứa 8 tuổi nhưng anh vẫn vui vẻ tiễn hai mẹ con bà đi, bảo rằng ở nhà mọi việc con lo được hết.

    Lúc trở về, bà thấy nhà cửa sạch sẽ tinh tươm, hai cháu bà không phải ăn ngoài bữa nào, thậm chí trên bếp còn một nồi phở thơm phức đợi hai mẹ con bà về nữa. Bà bảo ngạc nhiên hết sức, vì hồi còn ở Việt Nam, bà chưa bao giờ thấy con rể vào bếp, việc nhà cũng hiếm khi thấy động tay vào.

    Lúc cháu ngoại bà Vân được 1.5 tuổi, cả nhà cháu đi du lịch nước ngoài. Cháu đã biết tự ăn uống, bố mẹ không phải mang theo đồ ăn cho trẻ con nữa.

    Các anh con rể Việt Nam khi qua nước ngoài sống và làm việc đều không còn tính gia trưởng hay lười làm việc nhà nữa, bởi ít nhất, ở Việt Nam, mỗi gia đình thường có ông bà nội ngoại ở cùng hoặc có người giúp việc, còn ở Tây không giúp vợ thì chẳng có ai giúp cả.

    Thế nên anh nào cũng xắn tay vào làm việc nhà, vào bếp, chăm con thậm chí cả việc sửa chữa lắp ráp đồ đạc, làm vườn trồng rau trong nhà các anh cũng đảm đương được hết. Bà Nga, mẹ chị Lan ở Luân Đôn, đã rất ngạc nhiên khi cả nhà chuyển về nhà mới, tất cả mọi việc sửa chữa trong nhà từ sơn lại hay dán lại tường, lát sân, lắp tủ bếp đều do một tay con rể bà, một giảng viên đại học, chứ không hề phải thuê đến thợ.

    Chuyện trà chiều, bánh gato và con dao trong bếp

    Bất lợi lớn nhất của các bà ngoại khi đi Tây là bất đồng về ngôn ngữ, nhất là đối với các bà có rể Tây thường gặp khó khăn mỗi khi muốn giao tiếp với con rể hoặc thông gia mà không có con gái làm phiên dịch.

    Bố mẹ chồng chị Hoài ở Đức thường có thói quen uống trà chiều vào lúc 15g. Một hôm, trong lúc chị vẫn đang nằm viện chờ đẻ, nhận được điện thoại từ bố mẹ đẻ hỏi rằng ông bà nội sang cho một cái bánh ga-tô to lắm mà ăn mãi không hết, giờ phải làm sao. Chị gọi điện về hỏi bố mẹ chồng mới vỡ lẽ rằng bố chồng chị mang bánh sang mời ông bà ngoại 15g sang nhà ông bà nội (ở bên cạnh) để ăn bánh uống cà phê.

    Bà ngoại chỉ nhận được thông điệp là ăn bánh nhưng không để ý hình vẽ đồng hồ, liền nhận bánh, nói “thank you” và đi thẳng lên tầng. Cuối cùng nhà nội vừa mất bánh vừa không được uống cà phê cùng nhà ngoại, còn nhà ngoại ăn mãi vẫn không hết bánh mà không biết làm thế nào.

    Bà Ngọc mỗi lần nhớ lại hôm con gái bà đi đẻ đều không khỏi bật cười. Chị Nhung, con gái bà, đã quá ngày sinh mà vẫn chưa thấy con đòi ra, từ bệnh viện nhắn tin về cho bà bảo rằng nếu hôm nay vẫn không đẻ được thì sẽ mổ. Từ lúc nhận được tin nhắn ấy bà nhấp nhổm không yên, lại không gọi điện được cho con gái nữa, càng không thể liên lạc được cho con rể vì bà không nói được tiếng Anh hay tiếng Đức.

    Mãi đến 4g sáng mới nghe thấy tiếng con rể lạch cạch mở cửa, bà liền vội vàng cầm dao chạy ra dứ dứ cái dao hỏi đúng không. Anh con rể giật mình lùi lại một cái, một lúc sau mới cười cười gật gật, bà cũng cười cười gật gật vậy là hiểu con gái bà đã phải mổ rồi.

    Tuy rằng cuộc sống ở Tây có nhiều khác biệt về văn hoá, về lối sống nhưng hầu như bà ngoại nào đi Tây về thăm con gái cũng rất an lòng, vì đã tận mắt thấy được cuộc sống yên bình của con ở xứ người.

    Các bà cũng công nhận, nếu không cứng rắn trong việc nuôi dạy con cái tự lập ngay từ nhỏ, hay không được chồng giúp đỡ, sẻ chia việc nhà, hẳn các cô con gái đã vất vả hơn rất nhiều khi không có mẹ ở bên giúp đỡ những lúc ốm đau hay bận rộn.

    Gả con xa, các bà chẳng những không “mất con” mà còn có thêm rể quý, cháu ngoan, lại còn có những trải nghiệm mới đầy thú vị!

    Theo Thanh Niên

  • Dịch Covid-19 khiến những ngày sát Tết của chị Liên ở đất Anh không quá bận rộn như mọi khi, nhưng là dịp để cả nhà đoàn tụ và cùng nhau chuẩn bị cho một cái Tết ấm cúng trên đất Anh.

    mam co nguoi viet 1
    Một góc ấm cúng tràn ngập hương vị Tết Việt trong ngôi nhà của chị Liên. (Ảnh: Minh Trí)

    Đã 2 năm rồi chị Liên không về Việt Nam thăm gia đình và đã nhiều năm chị không được đón giao thừa cùng bố mẹ. Chị Liên sang Anh sinh sống và làm việc đã 7 năm tại một tiệm nail ở một thị trấn nhỏ thuộc xứ Wales, vương quốc Anh.

    Chị sống cùng gia đình của cô chú vốn ở Wales được 17 năm. Bố mẹ chị dự định cuối năm ngoái sang thăm hai vợ chồng chị Liên và cháu bé mới sinh được vài tháng nhưng vì dịch Covid-19 nên đành hoãn lại. Gia đình và họ hàng của chị Liên hiện sinh sống ở Hưng Yên. Khi nghe tin dịch bệnh bùng phát trở lại ở Việt Nam và đã có ca nhiễm tại Hưng Yên, chị Liên vô cùng lo lắng, ngày nào cũng gọi điện về hỏi thăm. Nỗi nhớ gia đình của chị càng da diết mỗi khi nghe những bài ca ngày Tết quê hương.

    Chị Liên cho biết, mọi năm ngày 30 Tết, gia đình chị vẫn tất bật ở tiệm nail từ sáng tới chiều nên mâm cỗ giao thừa thường khá đơn sơ và đều đặt mua online các món ăn làm sẵn. Năm nay, do dịch bệnh, tất cả các tiệm nail ở Anh đều phải đóng cửa từ nhiều tháng qua, thành ra ngày Tết, cả nhà lại có thời gian quây quần và tự tay nấu ăn, chuẩn bị các món ăn truyền thống của quê hương.

    mam co nguoi viet 1
    Chị Liên rửa lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng. (Ảnh: Minh Trí)

    mam co nguoi viet 1
    Gói bánh chưng ngày 29 Tết. (Ảnh: Minh Trí)

     Người Việt ở gần khu vực nhà chị Liên cũng không có nhiều và đa phần đều làm ở các tiệm nail. Khi dịch bệnh xảy ra, cuộc sống của những người Việt nơi đây đều rơi vào khó khăn. Lần đầu tiên có lệnh phong tỏa ở Wales, tiệm nail của chị được chính phủ trợ cấp 10.000 Bảng Anh, lần thứ 2 và lần thứ 3 mỗi lần là 3.000 Bảng. Mỗi người lao động đi làm tại Wales có khai báo thuế cũng được trợ cấp 80% lương trong thời gian dịch bệnh. Ở Wales, từ thời điểm phong tỏa, một số chị em ở Wales cũng tranh thủ ở nhà nấu đồ Việt và bán online để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

    Mặc dù có trợ cấp của chính phủ nhưng mọi người đều không được dư giả. Chị Liên chia sẻ, người Việt ở Anh cũng có nhiều hoàn cảnh đáng thương. Một số người không có giấy tờ, phải sống và làm việc rất khó khăn, nên đến Tết cũng không mong đợi gì một đêm giao thừa đông đủ và ấm cúng. Cô đơn, vất vả và nỗi nhớ quê hương lại khiến họ càng chạnh lòng hơn nữa.

    Tuy nhiên, không vì dịch bệnh mà mâm cỗ giao thừa ở xứ Wales lại không được tươm tất. Ngược lại, vì có thời gian chuẩn bị và cả nỗi niềm, tình cảm mà không khí ngày Tết ở nơi xa xôi này, dịp cúng tất niên, Giao thừa lại trở nên đầm ấm hơn mọi năm. Chị Liên cũng nhờ người ở Việt Nam gửi sang cả máy làm giò để tự tay làm những cây giò mang đậm hương vị quê hương.

    mam co nguoi viet 1
    Mâm cỗ giao thừa của người Việt tại Wales. (Ảnh: Quốc Dũng)

    mam co nguoi viet 1
    Mâm cỗ giao thừa của người Việt tại Wales. (Ảnh: Quốc Dũng)

    Một phần không thể thiếu trong ngày Tết đó là hoa mai, hoa đào. Bao nhiêu nỗi nhớ nhung cùng với niềm vui hân hoan ngày Tết được gửi cả vào những cành đào, cành mai bằng giấy. Các bà mẹ ở Wales chỉ nhau cách làm hoa đào, hoa mai bằng những cành cây khô và những mảnh giấy màu vàng, đỏ.

    mam co nguoi viet 1
    Chị Vy, một người bạn của chị Liên ở Đức cũng tranh thủ làm cành mai và chuẩn bị mâm cúng giao thừa ngày 30. Những cành đào cành mai có sự góp công của bé Sophia, con gái chị Vy. (Ảnh: Vy Do)

    mam co nguoi viet 1
    Một cành mai làm bằng giấy. (Ảnh: Quốc Dũng)

    mam co nguoi viet 1
    Các bạn nhỏ cũng được mặc áo dài ngày Tết. (Ảnh: Quốc Dũng)

    Một năm mới nữa lại đến, chúc cho những người con Việt Nam nơi đất khách quê người luôn rắn rỏi, mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn và một ngày không xa sẽ được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

    Theo Dân Trí

  • Lệnh phong tỏa toàn quốc ở Anh từ ngày 4/1 khiến một số người Việt ở London càng cảm thấy bất trắc, khó lên kế hoạch tương lai, giữa lúc biến chủng mới làm số ca nhiễm tăng mạnh.

    Lệnh phong tỏa toàn quốc ở Anh tối 4/1 làm cho Nguyễn Hải An, 28 tuổi, sống ở London, cảm thấy “ngạc nhiên”. Cô nhận tin ngay trước khi đi ngủ, vào buổi tối ngày làm việc đầu tiên của năm mới.

    Trong ngày 4/1, trước phong tỏa, trường trung học nơi Hải An làm việc vẫn tổ chức tập huấn cho các nhân viên, chuẩn bị cho kế hoạch xét nghiệm đại trà toàn bộ học sinh, nhân viên của trường. Đây là điều kiện để các trường mở cửa lại trong tháng này.

    “Mình cứ đinh ninh tuần này sẽ đi làm, hỗ trợ việc xét nghiệm đại trà. Nhưng đến đêm lại có email nói dừng hết mọi hoạt động cho tới khi có thông báo”, Hải An nói với Zing vào sáng hôm sau 5/1, khi đang trên xe buýt tới trường. Cô tới trường lấy đồ đạc, sách vở, tài liệu để về làm ở nhà.

    nguoi viet o anh lo lang 1
    "Số ca Covid-19 rất cao ở London. Hãy cẩn trọng" - thông điệp cảnh báo về Covid-19 bên đường ở London ngày 4/1. Ảnh: Reuters

    Phải thay đổi các kế hoạch

    Cô cho biết đường có vẻ vắng hơn, còn xe buýt thì “vắng hơn mọi ngày rất nhiều”. Nhiều vùng ở Anh, bao gồm London, đã hạn chế nghiêm ngặt từ trước Giáng sinh do được nâng lên thành vùng dịch cấp độ 4. Nhưng “cấp độ 4 thì nhân viên thiết yếu vẫn làm việc, nhân viên vẫn tới trường để làm, còn bây giờ ở trường cũng hạn chế người đến”, Hải An nói thêm.

    Công việc của Hải An ở trường, là dạy kèm học sinh môn toán, sẽ bị ảnh hưởng. Các buổi dạy kèm của cô chưa phải tổ chức trực tuyến trong suốt năm 2020, nên đây sẽ là lần đầu tiên cô phải tự tìm hiểu cách quản lý lớp online.

    “Mình cảm thấy không mấy tự tin, tự dưng bị đẩy vào tình huống khá lạ”, Hải An nói. “Mình không thích dạy online chút nào vì khó quản lý lớp”.

    Nguyễn Ngọc Hoàng Sơn, 25 tuổi, du học sinh ngành thiết kế game ở London, cho biết không bị thêm ảnh hưởng trực tiếp từ lệnh phong tỏa ngày 4/1, vì London vốn đã là vùng dịch cấp độ 4 từ trước Giáng sinh.

    “Ảnh hưởng nhất là bây giờ mình không về được Việt Nam nữa.... dự định của mình là tháng 4 về Việt Nam, nhưng bây giờ phải hoãn lại cho tới khi có thêm thông tin”, Sơn nói với Zing.

    nguoi viet o anh lo lang 1
    Vài tuần trước, Nguyễn Hải An (trái) không thể về ăn Giáng sinh ở nhà bố mẹ chồng do lệnh phong tỏa. Ảnh: NVCC

    Tối 5/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định tạm dừng tổ chức chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, trước hết là từ Anh, Nam Phi.

    “Đọc tin bây giờ, mình cảm thấy lo lắng hơn nhiều”, Sơn nói. “Biến chủng mới lây lan khá nhanh, nhìn động thái các nước đối với Anh, tức họ đều coi tình hình rất nghiêm trọng”.

    Ngày 4/1, Anh bắt đầu triển khai loại vaccine phòng Covid-19 thứ hai, của Oxford/AstraZeneca, sau vài tuần triển khai loại vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech - trở thành nước đầu tiên triển khai vaccine được thử nghiệm đầy đủ 3 giai đoạn.

    Sống ở quốc gia tiên phong về vaccine như vậy, Sơn cảm thấy lạc quan: “Đây là nước đầu tiên có vaccine (được thử nghiệm hoàn chỉnh), mình cũng nghĩ sẽ là nước sớm nhất đưa mọi thứ trở lại bình thường được”.

    Gần đây, Sơn nhận được tin nhắn của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS), đề nghị mọi người không liên hệ NHS hay bác sĩ của mình để hỏi tiêm vaccine, mà NHS sẽ thông báo khi nào tới lượt.

    Hải An chưa biết bao giờ mình sẽ được tiêm vaccine. Trường chỉ thông báo những người làm việc trong trường học như cô sẽ được ưu tiên.

    Theo lệnh phong tỏa kéo dài tới giữa tháng 2, người dân chỉ được phép rời nhà vì một số lý do hạn chế như đi làm công việc thiết yếu, mua nhu yếu phẩm, tập thể dục và đi khám. Ngoài ra, người dân còn có thể rời nhà “để thoát khỏi bạo lực gia đình” - một vấn đề nổi lên trong thời gian phong tỏa hồi đầu năm 2020.

    “Mọi thứ không chắc chắn, khó lên kế hoạch”

    Nhưng tín hiệu khả quan về vaccine đang bị phủ bóng đen bởi tình hình dịch bệnh ngày càng tệ đi, khi số ca nhiễm tăng mạnh, vượt trên 50.000 ca/ngày trong tuần qua - một phần do sự xuất hiện của biến chủng mới.

    “Mình cảm thấy lo lắng”, Hải An nói về tác động tâm lý của lệnh phong tỏa toàn quốc. “Cảm thấy tương lai khá mù mịt, không lên kế hoạch được ngày mai sẽ làm gì”.

    “Đến giờ, các hạn chế đã kéo dài gần một năm, mình cảm thấy mệt mỏi, đôi khi thấy không thực sự thoải mái làm những việc mình vẫn làm”, cô nói thêm. Kế hoạch cưới của cô năm nay, chẳng hạn chụp ảnh cưới ở London hoặc về Việt Nam tổ chức, có thể không thực hiện được.

    Ngày 4/1 mà Hải An làm việc ở trường, văn phòng của cô chỉ có vài người đến, nhưng trong đó hai người vừa mắc Covid-19 trong đợt nghỉ lễ, đã hồi phục. Sếp trực tiếp của cô cũng từng mắc Covid-19.

    “Bây giờ mọi thứ đều không chắc chắn”, Sơn nói. “Mình sẽ phải thích nghi với mọi tình huống xảy ra thôi”.

    nguoi viet o anh lo lang 1
    Nguyễn Hoàng Ngọc Sơn, 25 tuổi, có thể không thể về Việt Nam như dự kiến do tình hình dịch bệnh. Ảnh: NVCC

    Một điều làm Sơn bớt lo hơn là khi theo dõi tình hình tuyển dụng, anh thấy các công việc mình muốn xin sau tốt nghiệp “vẫn đang tuyển khá là nhiều”. “Mình nghĩ mình vẫn có cơ hội”.

    Khi được hỏi có trông chờ lệnh phong tỏa sẽ chấm dứt vào giữa tháng 2 như tuyên bố của ông Boris Johnson hay không, Sơn nhắc lại việc thủ tướng Anh từng hứa rằng Giáng sinh sẽ không bị ảnh hưởng, để rồi phải đổi ý và nâng London thành vùng dịch cấp 4.

    “Mình tin được một nửa thôi, không tin được hoàn toàn”, Sơn nói.

  • Chị Sharon Vũ tránh đi siêu thị, còn anh Trần Xuân Thái nhắc nhở con luôn đeo khẩu trang trước chủng nCoV mới đang lây lan mạnh tại London.

    Hôm 14/12, Anh công bố phát hiện chủng nCoV mới mang tên "VUI – 202012/01", có hơn 20 đột biến so với phiên bản gốc và được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 70%. Kể từ lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 9, đến tháng 11, khoảng 1/4 số ca nhiễm mới ở London là do chủng mới này và đến giữa tháng 12, con số này tăng lên gần 2/3.

    "Tôi và người thân dè chừng với chủng nCoV lần này hơn", chị Sharon Vũ, người đang sống cùng chồng và hai con ở thủ đô London, Anh, chia sẻ.

    nguoi viet o anh truoc dich benh
    Người đi bộ và xe đạp qua cầu London hôm 29/12. Ảnh: AFP.

    Chị Sharon cho hay sau một năm "sống chung" với Covid-19, mọi người đã quen với việc phòng dịch và làm việc từ xa nên phần nào không còn quá lo lắng về nCoV nữa. Thi thoảng, chị và bạn bè vẫn hẹn hò nhau tụ tập.

    "Tuy nhiên lần này, chúng tôi thực hiện rất nghiêm lệnh phong tỏa. Tôi thực sự thấy không an toàn nên tránh nơi đông người, thậm chí không đi ra ngoài đường. Chồng và con trai chạy bộ tập thể dục tôi cũng nhắc rất nhiều lần là tránh xa người đi đường, không được chạy gần họ".

    Chủng nCoV biến thể được cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải chưa từng có hiện này trong hệ thống y tế Anh, khi số bệnh nhân Covid-19 nhập viện cao kỷ lục hơn 20.000 người.

    Anh đang là vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, với 41.385 ca nhiễm mới hôm 28/12, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 2,3 triệu. Nước này cũng ghi nhận thêm 357 người tử vong, nâng tổng số người chết lên hơn 71.000.

    Từ ngày 20/12, hàng triệu người tại London và hầu khắp vùng đông nam của Anh bị đặt dưới lệnh phong tỏa khẩn cấp khi Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo dịch bệnh đang "vượt tầm kiểm soát". Người dân được yêu cầu ở nhà, mọi cuộc tụ họp với các cá nhân ngoài gia đình bị cấm. Các trung tâm thương mại, dịch vụ cá nhân và cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đều phải đóng cửa.

    Trong khi mọi người đổ xô đi mua đồ tích trữ cho thời gian ở nhà nghỉ lễ, chị Sharon không còn dám đi siêu thị vì sợ lây nhiễm.

    "Mình hạn chế đi mua sắm vì trong nhà đã đầy đủ thực phẩm, hơn nữa việc mọi người xếp hàng dài cả km ở siêu thị là nguồn lây nhiễm nCoV chính", chị nói.

    Giáng sinh vừa qua chị cũng không tổ chức tiệc và hay mời bạn bè tới chơi nhà nữa, dù đã trang hoàng nhà cửa đón lễ từ cuối tháng 11. Dù không khí ảm đạm hơn hẳn mọi năm, chị khẳng định sức khỏe của gia đình vẫn là ưu tiên trên hết.

    Anh Trần Xuân Thái, người đã sinh sống 12 năm ở London, đặc biệt cẩn trọng với sức khỏe của hai con khi biết chủng nCoV mới có thể ảnh hưởng nhiều đến trẻ em hơn so với trước đây.

    "Nhà tôi vẫn ra ngoài như bình thường nhưng đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên hơn. Trẻ con sẽ chỉ cho ra công viên chạy bộ và thể dục, không cho đến các nơi công cộng khác hay khu mua sắm", anh nói. "Dù mức độ nguy hiểm của chủng virus mới ngang ngửa chủng cũ nhưng tốt nhất là tránh được thì nên tránh".

    Chuyên buôn bán hàng hóa xuất nhập khẩu, biến thể nCoV lần này còn ảnh hưởng đến việc kinh doanh của anh Thái, khi một loạt quốc gia đóng biên với Anh để lập "hàng rào" ngăn chặn dịch. Hơn 50 quốc gia đã cấm mọi chuyến bay hoặc siết chặt kiểm soát hành khách từ Anh nhằm hạn chế sự lây lan của biến chủng này.

    Các chuyên gia chưa rõ chủng mới này đã lây lan đến mức nào nhưng các lệnh cấm đi lại có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn hơn về kinh tế và tâm lý.

    "Các chuyến hàng hóa cuối năm của tôi bị ứ đọng do Pháp đóng cửa biên giới Anh", anh Thái cho biết, nhắc đến lệnh cấm của Tổng thống Pháp Emanuel Macron hôm 20/12 khiến hàng nghìn xe tải không thể băng qua eo biển Manche để vào Anh. "Sau đó vài ngày, tài xế chở hàng của tôi đã được phép cho qua khi có kết quả xác nhận âm tính".

    Với Lê Hà, sống ở thị trấn Woking, hạt Surrey, vùng Đông Nam nước Anh, cách thủ đô London khoảng 30 phút đi tàu, cuộc sống cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì đại dịch và các quyết định thay đổi nhanh chóng của chính phủ.

    "Cứ một, hai tuần lại thay đổi, cứ đóng rồi mở liên tục, nên tôi không thể có một kế hoạch dài hạn cho cuộc sống hay công việc của mình được. Chỉ có thể chờ đợi thôi, mà tình hình thì không khả quan lắm", cô nói.

    Mức cảnh báo tại hạt Surrey đã bị nâng lên cấp 4, cấp cao nhất hiện tại, sau khi xuất hiện chủng nCoV mới. Hà cho hay hầu hết mọi người phải ở nhà, trừ những ai không thể làm việc từ xa, và chỉ được phép ra ngoài mua nhu yếu phẩm như thực phẩm và thuốc men.

    Các nhà hàng, quán cafe vẫn được mở cửa nhưng chỉ phục vụ khách mua đem về, mọi người phải đeo khẩu trang khi đi vào bất kỳ tòa nhà công cộng nào hoặc tham gia phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, mọi người phải duy trì khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc với người khác.

    Sự xuất hiện của chủng nCoV mới làm bản thân Hà cũng thấy lo lắng hơn, nhưng từ trước đến giờ cô vẫn luôn cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

    "Điều khiến tôi cảm thấy buồn là đợt bùng phát mới rơi vào kỳ nghỉ lễ cuối năm nên không thể gặp gỡ người thân và bạn bè. Nhiều lúc thấy tôi thấy vô vọng vì hiểu rằng dịch không thể hết trong vài tháng tới", Hà nói.

    Vợ chồng Lily Vũ, người gốc Việt sống ở thành phố Leeds, hạt Yorkshire, cách thủ đô London khoảng hơn 270 km về phía bắc, thậm chí đều bị nhiễm nCoV nhưng không biết có phải chủng mới hay không. Họ được thông báo dương tính trước khi London thông tin về chủng nCoV mới vài ngày, đồng thời kết quả xét nghiệm cũng không nêu rõ là chủng nào.

    Hiện cả Lily và chồng đều đã hồi phục sau thời gian cách ly và điều trị tại nhà, nhưng sẽ cần thêm vài tuần để có thể hoàn toàn khỏe mạnh như trước.

    "Sau khi mắc Covid-19, tôi cảm giác làm gì cũng nhanh mệt hơn, không còn dai sức như trước", cô nói. "Ngoài ra, cả tôi và chồng vẫn bị mất khứu giác. Bác sĩ bảo có thể mất vài tuần hoặc vài tháng mới lấy lại được".

    Thành phố Leeds nơi cô sống ghi nhận số ca nhiễm nCoV tăng mạnh trong những ngày gần đây. Lily cho biết khu vực cô ở đang ở cấp 3 trong thang 4 cấp cảnh báo về tình hình Covid-19. Vì tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường nên các cấp cảnh báo có thể thay đổi nhanh chóng.

    "Tuy nhiên, chủng nCoV mới chỉ khiến tôi và mọi người xung quanh lo lắng thêm đôi chút, bởi chúng tôi luôn áp dụng tất cả các biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị", Lily nói. "Mọi người đã làm tất cả những gì có thể, như rửa tay, đeo khẩu trang, không gặp mặt và giữ khoảng cách".

    Anh Thái có chung quan điểm với Lily rằng không cần quá lo lắng đến chủng nCoV mới, vì bản chất của virus là liên tục biến thể.

    "Lúc này, tôi quan tâm đến vaccine hơn", anh nói.

    Hôm 2/12, Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, đặt tên là "V-Day" (Ngày Vaccine), từ ngày 8/12. Các nhóm được ưu tiên tiêm vaccine gồm nhân viên chăm sóc và người già tại viện dưỡng lão, nhân viên y tế.

    Chính phủ Anh hôm 29/12 cho biết cơ quan quản lý thuốc cũng đang xem xét dữ liệu cuối cùng từ thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba của vaccine AstraZeneca/Oxford. Khả năng vaccine AstraZeneca/Oxford sẽ được "bật đèn xanh" vào ngày 31/12 và bắt đầu triển khai tiêm chủng tại Anh vào tuần đầu tháng 1/2021.

    Ông Pascal Soriot, giám đốc điều hành AstraZeneca, tin vaccine của hãng có khả năng chống lại biến chủng nCoV mới đang lây lan tại Anh, nhưng chưa chắc chắn và sẽ kiểm chứng.

    "Năm 2020 là một năm khó khăn với mọi người nói chung. Năm 2021 diễn biến theo chiều hướng thế nào là điều khó nói trước, nhưng ít nhất chúng ta cũng đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tôi nghĩ mọi người nên tranh thủ những ngày cuối năm phong toả để nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng và suy nghĩ tích cực về thời gian sắp tới", anh Thái nói.

    Theo VnExpress

  • Đang tuyệt vọng vì bạn trai cắt đứt mọi liên lạc từ lúc được báo tin "đứa con của chúng mình đang hình hài", đột nhiên Nguyễn Huyền Trân nhận được tin nhắn từ mẹ anh.

    "Tôi rất lo lắng, nhưng sẽ nói chuyện với con trai về việc này", bà Julie Hale, 59 tuổi, ở London, nhắn cho cô gái là người yêu của Thomas David Selvey - con trai út của bà. Nhưng Huyền Trân không còn tin vào bất cứ thứ gì liên quan đến Thomas.

    Đó là câu chuyện của năm 2015, khi Huyền Trân, 22 tuổi, đang làm kế toán ở TP HCM. Cô và Thomas quen nhau qua một ứng dụng hẹn hò. Ngày đầu gặp nhau cũng là ngày cuối cùng chàng trai người Anh ở lại Việt Nam sau một tháng du lịch. Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng sự hồn nhiên của cô gái bản xứ đủ khiến Thomas rung động. Vừa về nước, chàng trai đã đặt vé để một tháng sau quay lại Việt Nam.

    Sự lãng mạn, ga lăng của Thomas đã chinh phục hoàn toàn trái tim cô gái Việt. Suốt thời gian sang Việt Nam lần thứ hai, đôi trẻ thường xuyên quấn quýt bên nhau. Một tháng sau, cô gái lo lắng báo tin cho Thomas rằng mình đã có thai. "Anh không xác định gì cả. Anh với em ở quá xa nhau nên không thể cưới được", bạn trai nhắn với cô. Lúc đó, thu nhập của anh chỉ đủ đáp ứng cuộc sống một mình với đam mê du lịch. Thomas nói mình còn quá trẻ, chưa sẵn sàng lập gia đình và không dám nói chuyện này với bố mẹ. Huyền Trân chết lặng.

    "Em không muốn con mình có một gia đình không hoàn hảo. Nếu anh đã quyết định vậy, em sẽ bỏ đứa bé", cô gái Việt nhắn để thử lòng bạn trai. "Anh tôn trọng mọi quyết định của em", Thomas trả lời. Tuyệt vọng, cô quyết định bỏ con.

    Cái thai hơn bốn tuần tuổi, Huyền Trân một mình đến bệnh viện Từ Dũ định làm thủ thuật. Nhưng cứ đến cổng viện cô lại khóc, quay về. Sau ba lần như thế, Huyền Trân quyết định làm mẹ đơn thân. "Nỗi lo lớn nhất của tôi là làm thế nào nói sự thật với bố mẹ", cô gái Việt kể.

    Mãi đến khi cái thai bốn tháng, bố mẹ Huyền Trân mới biết. Tưởng "giông tố" sẽ ập xuống đầu, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Dứng nói với con gái: "Nó không nuôi thì bố mẹ sẽ cùng con nuôi cháu". Trút được gánh nặng nhưng đêm nào cô cũng khóc vì thương ba mẹ phải chịu điều tiếng không lành và nghĩ đến tương lai của đứa con không cha. "Đó là những ngày đen tối nhất đời tôi", Huyền Trân nhớ lại. Đã có lúc cô nghĩ đến việc lén sinh con rồi gửi nhà chùa hoặc đem cho.

    Trong lúc bế tắc, Trân tìm Facebook của anh trai Thomas kể sự tình. Tin nhắn đó được chuyển đến bà Julie Hale - mẹ của anh. Biết tin, người phụ nữ vội gặp con trai út nói chuyện.

    "Thomas nói rất lo lắng nhưng chẳng biết phải làm gì. Tôi bảo 'con sắp làm cha và phải thực hiện trách nhiệm đó nghiêm túc. Mẹ không thể sống khi biết cháu mình bị bỏ rơi'", bà Julie kể. Nghe câu nói đó, Thomas ôm chầm lấy mẹ.

    Bà Julie và con trai đều chủ động nhắn tin cho Huyền Trân. Thomas hỏi thời gian dự sinh để sắp xếp công việc bay sang, còn bà Julie xin địa chỉ nhà để gửi bỉm, sữa, đồ dùng cho đứa cháu sắp chào đời.

    ban trai hat hui 1
    Huyền Trân và bạn trai nối lại tình xưa sau nhiều tháng rạn nứt. Hiện tại, họ đã có hai con, một gái, một trai. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Ngày trở lại Việt Nam, ẵm con trên tay, Thomas thốt lên khi nhìn thấy con giống mình "như đúc" với đôi mắt màu xanh, sóng mũi cao và mái tóc vàng. Để chuộc lỗi với vợ, đêm đêm anh thức cùng Trân pha sữa, thay bỉm cho con. Chỉ một cái cựa mình của bé Freya, cũng khiến ông bố trẻ giật mình lo lắng.

    "Hóa ra anh không phải người xấu như mình vẫn nghĩ", Huyền Trân xét lại. Cô nhận ra thời gian họ bên nhau chưa nhiều, cũng không hứa hẹn điều gì. Đứa trẻ chính là mối duyên kết nối hai người ở hai đất nước xa lạ.

    15 ngày sau, vợ chồng bà Julie cũng bay tới Việt Nam thăm gia đình thông gia và cháu nội. Cái ôm ấm áp của người phụ nữ lần đầu gặp đã xóa nhòa mọi khoảng cách và lo lắng của cô gái Việt.

    Một tuần ở Việt Nam, bà Julie săn sóc, giặt giũ cho cháu nội và vun vén tình yêu cho con trai. Bà kể với Huyền Trân, Thomas đã buồn bã và lo lắng cho mẹ con cô thế nào trong những ngày xa nhau. Qua bà Julie, cô mới biết chồng đã "mít ướt" rất nhiều khi cô phải mổ cấp cứu lúc sinh con. "Hóa ra trong những ngày tôi lo lắng, hoảng sợ và cô đơn, anh cũng rất đau khổ. Cách yêu thương chân thành của anh và giờ là những lời kể của mẹ đã làm trái tim tôi ấm lại", cô tâm sự.

    ban trai hat hui 1
    Bà Julie thường sang nhà con trai và con dâu mỗi cuối tuần phụ trông cháu - điều hiếm thấy ở các quốc gia phương Tây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Rời Việt Nam khi cháu nội và Huyền Trân vẫn ở lại khiến bà Julie buồn lòng. Người mẹ quyết định tìm mọi cách giúp các con đoàn tụ. Việc đầu tiên, bà xin phép bố mẹ Huyền Trân được đón hai mẹ con cô sang Anh.

    Ông Nguyễn Văn Dứng, bố Huyền Trân, kể: "Để chúng tôi yên tâm, bà ấy chụp rất nhiều ảnh ngôi nhà, thị trấn nơi mình sống để tôi biết con gái sẽ ở đâu. Bà ấy hứa khi sang Anh, sẽ đảm bảo Trân có cuộc sống hạnh phúc nhất có thể". Thấy các con thương yêu nhau thật lòng, gia đình Thomas tử tế, chân thành, vợ chồng ông gật đầu.

    Sau một năm hoàn tất thủ tục, mẹ con Thomas đón Huyền Trân và Freya sang đoàn tụ. "Giờ con tôi đã có cha, tôi còn có người chồng yêu thương và mẹ chồng tốt bụng, trách nhiệm", cô gái Việt lúc này đã đổi tên thành Celeste Nguyen, nói.

    Khi Huyền Trân sang Anh đôi vợ chồng trẻ được dọn về nhà riêng, cách gia đình chồng 30 phút lái xe.

    Cuộc sống ở nơi xứ người không dễ bắt nhịp. Nhưng đúng như lời hứa, bà Julie luôn cố gắng để con dâu "hạnh phúc nhất có thể".

    Mọi đồ đạc trong ngôi nhà của vợ chồng Celeste đều do mẹ chồng sắm sửa. Thấy con dâu ăn mì Ý với nước mắm, lần nào đến thăm, bà cũng xách theo vài chai. "Nước mắm chất đầy nhà, đến nỗi tôi phải bảo mẹ đừng mua bà mới thôi", cô dâu Việt kể. Đến siêu thị, cứ thấy đồ ăn "made in VietNam" là bà lại "khuân" về.

    Con gái được ba tuổi, Huyền Trân gửi trẻ để đi làm từ 9h sáng đến 7h tối tất cả các ngày trong tuần. "Con bé rất chăm chỉ và ngọt ngào", bà Julie nói lý do mình yêu quý con dâu. Lo con bị bóc lột sức lao động, cứ Huyền Trân đi làm chỗ mới, bà lại đến tận nơi "phỏng vấn" kỹ lưỡng chủ của cô về thời gian, điều kiện, môi trường làm việc.

    Huyền Trân chăm dọn dẹp, vun vén tổ ấm, nhưng Thomas - lúc này đã là kỹ sư thiết kế nội thất - lại lười việc nhà. Nhiều hôm đi làm về nhìn nhà cửa bừa bộn, cô nổi cáu với chồng. Hai người lại "chiến tranh lạnh". Bà Julie biết chuyện, trong lúc con dâu đi làm, bà xin nghỉ, cùng con trai dọn dẹp nhà cửa sạch bóng. Bà dặn anh mua hoa rồi giữ cháu để vợ chồng Thomas đi ăn tối làm lành. Người mẹ luôn nhắc con "Wife happy, life happy" (Vợ hạnh phúc, cuộc sống mới hạnh phúc).

    "Nhiều khi tôi thấy mẹ chiều cô ấy quá", chồng cô nói vui.

    ban trai hat hui 1
    Bà Julie thường xuyên đưa con dâu đi chơi, đi tham quan đây đó ở Anh để cô bắt nhịp tốt với cuộc sống ở đây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Ngày Huyền Trân trở dạ sinh đứa con thứ hai, nhận điện thoại trong đêm, mẹ chồng cô mặc đồ ngủ, "đầu bù, tóc rối" lái xe đến. Nghe tin cô phải mổ cấp cứu, tính mạng nguy kịch, bà bất tỉnh vì lo lắng. Đến lúc con ra viện, cứ đi làm về, bà lại lật đật sang dọn dẹp, mang quần áo, tã lót của con dâu và cháu nội về nhà mình giặt. Bà mẹ chồng người Anh còn tìm hiểu phong tục Việt Nam để tổ chức lễ đầy tháng cho cháu nội.

    "Tôi thương con dâu vì không có người thân nào ở Anh. Lúc nào tôi cũng khuyến khích con bé kết bạn với người Việt", bà Julie nói. Bà cũng đã hoàn tất các thủ tục để đón mẹ đẻ Trân sang Anh thăm, nhưng vì Covid-19 nên chuyến thăm chưa thể thực hiện.

    Cô con dâu người Việt có chút hụt hẫng nhưng không quá buồn. Bởi từ lâu, tình yêu của mẹ chồng đã lấp đầy khoảng trống trong lòng cô.

    "Mẹ luôn nói anh Thomas thật may mắn khi cưới được tôi, nhưng tôi lại thấy mình mới là người may mắn - vì được làm con dâu của mẹ. Không có bà, tôi chẳng có được hạnh phúc trọn vẹn như bây giờ", cô vòng tay ôm hai con, cười rạng rỡ.

    Nguồn: VnExpress

  • Ngọc Thúy là phiên dịch viên chuyên nghiệp của Bộ Tư Pháp Anh. Với kinh nghiệm 3 năm làm việc trong ngành Luật pháp, Ngọc Thúy cho rằng nước Anh có nhiều chính sách nhân đạo để hỗ trợ người nhập cư và hàng nghìn người Việt Nam cũng đã được hưởng lợi từ sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ như Salvation Army, Migrant Help, Justice and Care, Helen Bamber.

    Ngoc thuy nguoi viet o anh

    Một trong những khó khăn lớn của người nhập cư đó là rào cản về ngôn ngữ, chính vì thế nên Ngọc Thúy, với tư cách là Thư ký Hội người Việt Nam tại Anh Quốc, đã kết hợp với các tổ chức phi chính phủ nói trên để tổ chức các lớp học Tiếng Anh miễn phí giúp hàng nghìn người hội nhập tốt hơn vào cuộc sống ở Anh.

    - Kể từ năm 2018, các lớp học được tổ chức tại một phòng học sang trọng ở chân cầu Tower Bridge chỉ để giúp đỡ các học viên ở London, nhưng từ năm 2019, các lớp học được chuyển sang hệ Online để có thể thu hút thêm nhiều học viên ở khắp Anh Quốc.

    - Các học viên vô cùng tâm đắc với phương pháp mới của lớp Tiếng Anh 4.0 - không thu tiền, không cần kiểm tra giấy tờ, không đến lớp và không cần bảng phấn. Nhiều học viên cảm thấy tự tin hơn hẳn sau một khóa học giao tiếp 3 tháng và có khả năng đi xin việc làm hay tự mở cửa hàng kinh doanh.

    ngoc thuy va nghi si anh quocNgọc Thúy và nghị sỹ Wayne David, chuyên các vấn đề về Việt Nam.

    - Ngọc Thuý được biết đến là một gương mặt trẻ có đóng góp nhiều cho các hoạt động cộng đồng, như dạy Tiếng Việt cho thế hệ thứ hai để duy trì văn hóa, tham gia các chiến dịch cùng Cựu Ngoại trưởng Jack Straw và Nadia Murad - người đoạt giải Nobel Hòa Bình 2018 để đòi công lý cho nạn nhân của bạo lực tình dục trong chiến tranh, và cô cũng từng vinh dự được Cảnh sát Essex vinh danh và tặng kỷ niệm chương.

    - Khi được hỏi đâu là động lực cho các đam mê công tác thiện nguyện của mình, Ngọc Thúy trả lời rằng theo diễn giả nổi tiếng thế giới Tony Robbins, con người ai cũng có 6 nhu cầu thiết yếu cần được đáp ứng mà một trong những nhu cầu đó là đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội mà không cần được báo đáp. Tư duy muốn giúp đỡ nhiều người và có tầm ảnh hưởng giúp cuộc sống của nhiều người tốt hơn mới là tư duy của người thành công. Ngọc Thúy tự nhận những việc mà cô làm chỉ đơn giản là những việc nhỏ để tri ân nước Anh và cô còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện nhiều dự án thiện nguyện kết nối Việt Nam và Anh Quốc.

    Thanh Thảo

  • Nhiều dược sĩ ở các nhà thuốc tại Anh căng thẳng vì dịch Covid-19. Các dược sĩ Việt ở Anh cũng không ngoại lệ khi đối mặt áp lực của khách hàng giữa mùa dịch cùng hàng loạt cuộc gọi, tin nhắn hỏi về bệnh tình, triệu chứng.  

    Áp lực phải đối mặt hàng trăm người mỗi ngày

    Chị H.A. (27 tuổi, là dược sĩ gốc Việt, sống tại London, nước Anh) vừa chuyển công tác đến London một thời gian thì nơi đây lại đối mặt dịch Covid-19 nên chị đã trải qua những cảm giác chưa bao giờ dám nghĩ đến.

    Thời điểm bùng phát dịch ở Anh, tại các cửa hiệu thuốc, đa phần những loại thuốc về bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh liên quan đến phổi… liên tục cháy hàng. Vì mọi người đều lo lắng bản thân sẽ dễ bị biến chứng nghiêm trọng nếu có tiểu sử mắc các bệnh này.

    Chị H.A. tâm sự: “Khi dịch tới London, công việc ở nhà thuốc mình làm tăng 3-4 lần, người đến mua thuốc vào ra không ngớt. Có hôm mình đi làm sớm nhưng đến nơi đã thấy lượng người xếp hàng trước cửa đông bất thường, nhìn cứ như rạp hát hay rạp chiếu phim vậy. Mình đã nghĩ rằng, trong tình hình này dù mình có bảo vệ mình thế nào mà cả trăm người tập trung một lúc như vậy thì cũng không còn an toàn nữa”.

    Từng có giai đoạn chị H.A. cảm giác bản thân đi làm công việc hằng ngày như... ra trận bởi 2 tuần liên tục chịu nhiều áp lực quá sức khiến chị phải bật khóc.

    Dược sĩ H.A. chia sẻ: “Mình rất lo lắng vì thường xuyên phải đối mặt với những người mà mình không biết họ có nhiễm virus hay không. Và bản thân mình cũng rất sợ mình bị nhiễm nhưng không phát hiện rồi sẽ lây sang cho người khác".

    "Trong tình hình bệnh dịch thế này, mình vừa phải xử lý nhiều đơn thuốc lại vừa phải đối mặt với trạng thái căng thẳng của một số khách hàng. Do đó ngoài áp lực riêng của bản thân, mình còn phải đối mặt với áp lực của những người khác nữa”, chị kể.

    Nhưng với y đức của người làm nghề, chị H.A. đã đặt quyết tâm cùng các đồng nghiệp phải làm nhiệm vụ tốt nhất có thể để cùng người dân Anh vượt qua cuộc chiến dịch Covid-19 lần này.

    Và đến thời điểm hiện tại, các dược sĩ trong tâm dịch Covid-19 đã có thể yên tâm hơn vì những chính sách bảo hộ của chính phủ nước sở tại và những biện pháp bảo vệ bản thân của chính họ.

    “Bây giờ đi làm mình sẽ giữ khoảng cách với người mua, dù phải nói chuyện để trao đổi thông tin về thuốc nhưng vẫn phải đảm bảo khoảng cách. Bên cạnh đó mình được trang bị đồ bảo hộ, khẩu trang, kính che mặt để tránh các hạt nước văng vào", chị H.A. kể.

    "Bây giờ đã thực hiện cách ly xã hội nên các cửa hàng thuốc ở Anh đa số đều chỉ cho một lượng người vào giao dịch nhất định và việc thanh toán bằng thẻ thay vì dùng tiền mặt cũng giúp đảm bảo an toàn hơn cho dược sĩ”, chị H.A. nói.

    duoc si ban thuoc

    Những cuộc gọi, tin nhắn lạ đến từ nhiều quốc gia 

    Chị N.T. (29 tuổi, người Việt định cư tại Anh) là dược sĩ công tác tại một nhà thuốc ở Anh thường xuyên được nhiều người theo dõi, nhắn tin, gọi điện đến để cập nhật tình hình sức khỏe cũng như tham khảo ý kiến của chị.

    Lý giải về nguyên nhân, chị N.T. tâm sự: “Mình có giúp đỡ một người bạn của mình về cách tự chăm sóc bản thân tại nhà khi bạn ấy nhiễm Covid-19 mức nhẹ. Sau đó bạn ấy chia sẻ điều này lên Facebook nên có rất nhiều người quan tâm. Vì biết mình ở trong ngành y nên những người này đã liên tục liên lạc với mình".

    "Các bạn nhắn tin cho mình thường hỏi họ cần chữa gì, uống thuốc gì, uống thế này đủ chưa… Một số người ở các châu lục khác lại nhắn tin cho mình mỗi ngày để cập nhật tình tình sức khỏe của họ cho mình biết", chị T. nói. 

    "Vì mình học tập và làm việc ở Anh mà mỗi quốc gia có phương pháp dùng thuốc khác nhau, mỗi người lại có sức đề kháng khác nhau và cần phác đồ điều trị khác nhau... nên mình chỉ có thể giải thích ở mức nhất định”, chị cho hay.

    Theo Thanh Niên

  • Ông Jonathan Stafford Nguyen Van-Tam MBE(sinh năm 1964, quốc tịch Anh) là một chuyên gia về bệnh cúm. Ông tham gia vào công tác chống dịch bệnh, bao gồm các khía cạnh như dịch tễ học, bệnh truyền nhiễm, vaccine, thuốc kháng virus. Ông được trao tặng Huân chương Hoàng gia MBE vào dịp năm mới 1998.

    Từ ngày 2/10/2017, ông đảm nhận vai trò Phó Giám đốc Y khoa Anh (Giáo sư Chris Whitty là Giám đốc Y khoa Anh), nhận nhiệm vụ quan trọng trong công tác chống siêu đại dịch coronavirus 2020 ở Vương quốc Anh. 

    ong van tam 1
    Ông Van-Tam hiện là Phó Giám đốc Y khoa Anh

    Tiểu sử

    Ông Jonathan Van-Tam theo học trường Boston Grammar School, nơi bố của ông là Paul Nguyen Van-Tam làm giáo viên dạy toán. Ông tốt nghiệp Y khoa ở University of Nottingham vào năm 1987. 

    Sự nghiệp

    Sau 5 năm làm công việc lâm sàng tại bệnh viện, ông theo đuổi ngành học sức khỏe cộng đồng và dịch tễ học, và thể hiện sự quan tâm nghiên cứu bệnh cúm và các bệnh lây nhiễm đường hô hấp do virus. Ông là học trò của Giáo sư Karl Nicholson trong nhiều năm.

    ong van tam 1
    Ông phát biểu bên cạnh Bộ trưởng Y tế Matt Hancock trong buổi cập nhật hằng ngày về tình hình dịch bệnh Covid-19.

    Vào năm 1997, ông trở thành Giảng viên cấp cao ở University of Nottingham (và là cố vấn dịch tễ học tại Phòng thí nghiệm Y tế Cộng đồng Public Health Laboratory Service). Sau đó ông tham gia vào ngành công nghiệp dược phẩm với vai trò là Phó Giám đốc công ty dược phẩm SmithKline Beecham vào năm 2000.

    Vào tháng 4/2001, ông rời công ty cũ để gia nhập hãng dược Roche với vai trò là Trưởng phòng Y khoa, sau đó vào tháng 2/2020, ông trở thành Giám đốc Y khoa UK của tập đoàn chuyên về vaccine Aventis Pasteur MSD.

    Ông Van-Tam quay trở lại lĩnh vực y tế cộng đồng vào năm 2004, với vai trò là Giám đốc Phòng Dịch bệnh Cúm tại trung tâm Health Protection Agency Centre. Ông giữ vị trí này tới tháng 10/2007. Sau đó ông trở lại Nottingham với chức danh Giáo sư khoa Bảo vệ Sức khỏe.

    Ông đã xuất bản hơn 100 nghiên cứu khoa học và viết sách giáo khoa. 

    Ông đảm trách Ban Chuyên gia Cố vấn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (ECDC) về nghiên cứu vaccine H5N1 ở người. 

    Xem phần phát biểu của ông từ phút 25 trở đi.

    Ông trở thành ủy viên của Ủy ban khoa học Dịch cúm Quốc gia UK (SPI), và là một thành viên của Ban Cố vấn Khoa học các vấn đề khẩn cấp UK (SAGE) trong đại dịch 2009-2010.

    Ông là đồng tác giả cuốn sách giáo khoa Nhập môn Đại dịch cúm (Introduction to Pandemic Influenza)và là Tổng biên tập tờ báo Influenza and Other Respiratory Viruses từ năm 2014-2017.

    Văn phòng của ông là một trung tâm nghiên cứu về dịch cúm do Trung tâm Phối hợp của WHO thiết kế, và đây là địa điểm đào tạo lĩnh vực nghiên cứu National Treasure của Phòng Y tế Công cộng UK. 

    Từ năm 2014, ông đã trở thành Giám đốc của Cơ quan Cố vấn chính phủ về các hiểm họa virus mới nổi New and Emerging Respiratory Virus Threats Advisory Group (NERVTAG)

    Ông Van-Tam được trao tặng Huân chương Hoàng gia MBE vào dịp năm mới 1998 nhờ những cống hiến của ông trong việc thiết kế bộ kit sơ cứu (first aid kit) đáp ứng các tiêu chuẩn đặc biệt dành cho các nhóm thanh thiếu niên trong khu huấn luyện quân sự Lincolnshire Army Cadet Force. Ông đã thực hiện nghiên cứu này từ năm 1988. Ý tưởng của ông được Bộ Quốc Phòng chấp nhận.

    Từ ngày 2/10/2017, ông đảm nhận vai trò Phó giám đốc Y khoa Anh, nhận nhiệm vụ quan trọng trong công tác chống siêu đại dịch coronavirus 2020 ở Vương quốc Anh. 

    Viethome (theo Wikipedia)

  • Cảnh sát Sheffield đang kêu gọi người dân khu vực cũng như cộng đồng Việt giúp xác minh một người đàn ông bị truy nã tên Loi Le. 

    Le, 49 tuổi, quốc tịch Việt Nam, bị truy nã vì liên quan tới vụ hiếp dâm trẻ em ở Tinsley, Sheffield vào năm 2012 hoặc 2013. 

    Nạn nhân, nay đã 15 tuổi, trình báo vụ việc vào năm 2018 và một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định kẻ tình nghi và nơi hắn cư trú.

    Dù đã điều tra rộng khắp, cảnh sát vẫn chưa tìm được tên này.

    92629989 3397710150257836 6692522691800334336 n
    Ảnh: South Yorkshire Police

    Le còn có một số tên và biệt danh khác như Tai Le hay Cho Ngay Hanh Phuc. Ngoài Sheffield, hắn cũng từng đi lại (hoặc có người quen) ở các khu vực Manchester, Birmingham và Bradford.

    Thanh tra Lee Atkins, nói: "Kể từ khi nạn nhân trình báo cảnh sát vào năm 2018, chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc điều tra phức tạp để nhận diện kẻ tình nghi.

    Chúng tôi đã kết hợp với các lực lượng ở khắp đất nước và cục tình báo quốc gia để truy tìm dấu vết Loi Le. Chúng tôi cũng làm việc với Lực lượng Biên phòng để xác định nơi hắn thường lui tới.

    Nếu bạn nhận ra người đàn ông này hay những nơi hắn từng xuất hiện, hoặc bạn đoán được hắn đang ở đâu, hãy liên hệ  Cảnh sát  Yorkshire Police ở số 101, nêu mã số vụ việc 14/29287/18.

    Hoặc bạn có thể ẩn danh liên hệ Crimestoppers ở số 0800 555 111, hoặc cung cấp thông tin online tại crimestoppers-uk.org.

    Viethome (theo South Yorkshire Police)

  • Bài viết đăng trên báo Thời Đại – cơ quan ngôn luận của Diễn đàn của Liên Hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam

    Mới đây, đại diện của Hội Người Việt Nam tại Vương Quốc Anh đã thực hiện chuyến giao hàng đầu tiên gồm 50 thùng khẩu trang và găng tay đến bộ phận tiếp nhận của NHS ở Dartford, ngoại ô London.

    vauk 1
    Ông Lê Đại Vinh, đại diện Hội Người Việt Nam tại Vương Quốc Anh,cùng số hàng ủng hộ đầu tiên của cộng đồng Việt ở Anh (Ảnh: VAUK)

    Hiện nay, trước đại dịch COVID-19, các bệnh viện ở Anh đang thiếu trầm trọng các thiết bị bảo hộ như găng tay và khẩu trang. Chính vì thế, Hội Người Việt Nam ở Anh Quốc kêu gọi lòng hảo tâm của các doanh nghiệp và cá nhân trong cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở Anh. 

    Số hàng trao tặng gồm 50 thùng găng tay và khẩu trang do cộng đồng gửi về tổng kho của Hội để từ đó Hội chuyển đến cho tổng kho của NHS. Đây là cơ quan phụ trách Dịch vụ Y tế Quốc gia của chính phủ Anh. Cơ quan này đang đảm nhận vai trò lớn trong công tác chống dịch COVID-19.

    Quy trình phối hợp giữa Hội Người Việt Nam tại Vương Quốc Anh và NHS được thống nhất giữa hai bên để đảm bảo hiệu quả, tiêt kiệm thời gian, nhân lực và chi phí nhất trong thời điểm nước Anh đang dồn toàn lực cho hệ thống y tế.

    Hội được khuyến cáo trong quá trình giao hàng vẫn đảm bảo khoảng cách 2 mét, không tiếp xúc, bắt tay, chụp hình đứng sát nhau theo nguyên tắc của giãn cách xã hội (social distancing) đang được khuyến cáo thực hiện ở Anh mà các cơ quan liên quan đến y tế cần gương mẫu đi đầu thực hiện. 

    vauk 1
    Lô hàng ủng hộ đầu tiên của cộng đồng Việt ở Anh đến tay NHS ngày 06/04 (Ảnh: VAUK)

    Trước đó, trên trang VAUK-trang mạng của Hội Người Việt Nam tại Vương Quốc Anh, Chủ tịch Hội, Vương Mạnh Hùng đã phát động phong trào kêu gọi ủng hộ vật dụng y tế hỗ trợ NHS tại Anh Quốc.

    Chủ tịch Vương Mạnh Hùng cho biết Hội mong muốn chung tay hỗ trợ các bác sỹ trong tuyến đầu chống lại dịch bệnh. Các hội viên có thể quyên góp găng tay, khẩu trang để hỗ trợ các bác sỹ trong tuyến đầu chống lại dịch bệnh gửi về tổng đài theo cú pháp: tên người quyên góp, địa chỉ, số lượng… Thông tin liên lạc của Ban thư ký Hội Người Việt Nam tại Vương Quốc Anh, số điện thoại: 07763365245.

    Báo Thời Đại/VAUK

  • Chủ nhà hàng, anh Phạm Văn Nho đã hết lòng cảm ơn người dân địa phương sau một cuối tuần bội thu đơn hàng takeaway.

    Mất ngủ vì tình hình kinh doanh quá ảm đạm do đại dịch coronavirus, anh Nho đã đăng tải một thông điệp lên một nhóm Facebook địa phương vào thứ Bảy ngày 14/3.


    Anh Phạm Văn Nho, một trong những người chủ của nhà hàng Le Tran ở Tolworth.

    Anh viết: ''Chúng tôi đang chết mòn! Không dễ để viết ra những lời này trong một nhóm cộng đồng Facebook. Nhưng giờ là lúc chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của người dân địa phương''.

    ''Chúng tôi là nhà hàng Việt Nam duy nhất trong khu vực Surbiton, và mới chỉ khai trương được vài tháng. Công việc kinh doanh khá tốt đẹp cho tới khi dịch bệnh lan rộng''.

    ''Người ta sợ đến nhà hàng, nhưng ai cũng cần thức ăn''. 

    ''Bạn có thể tìm thấy chúng tôi trên Deliveroo hoặc Uber Eats hoặc Just Eat. Không có sự hỗ trợ của các bạn, nhà hàng chúng tôi sẽ phải dẹp tiệm!''.

    Người dân khu vực Kingston đã nghe thấy tiếng kêu cứu và anh theo lời anh Nho, nhà hàng đã nhận được vô số đơn hàng takeaway vào ngày hôm sau (15/3). Nhiều đến nỗi một vài đơn hàng đã bị giao trễ, điều mà anh cảm thấy vô cùng có lỗi.

    ''Chúng tôi đã phải vật lộn suốt 2 tuần qua. Nhưng cuối tuần này thật tuyệt vời. Rất nhiều khách hàng tới. Họ gọi đồ ăn mang về'', anh kể.

    ''Hai tháng kế tiếp sẽ rất gian nan, nhưng tôi hy vọng chúng tôi có thể vượt qua được. Tôi nghĩ người dân địa phương nên giúp đỡ các doanh nghiệp trong khu vực bằng cách đặt hàng online''.

    Cùng với bạn bè, anh Nho đã điều hành nhà hàng được 4 tháng và đang học năm cuối bậc tiến sĩ. 

    ''Tôi có một doanh nghiệp nhỏ và tôi còn trẻ. Khi cần sự giúp đỡ, tôi không thể ngồi yên'', anh nói.

    Bất chấp cơn bão virus đang hoành hành chưa thấy kết thúc, anh Nho khẳng định anh sẽ không bỏ cuộc.

    Một số hình ảnh của nhà hàng:

    Viethome (theo MyLondon)

  • Mới đây, clip đấu võ đỉnh cao không khác gì Ngô Kinh – Chân Tử Đan xuất hiện và nhanh chóng thu hút nhiều sự chú ý của người dùng Tiktok. Không chỉ ăn mặc na ná, 2 anh chàng trong đoạn clip còn có thân thủ phi phàm, động tác y chang các diễn viên võ thuật xứ Trung. Đó cũng chính là điều khiến ai nấy đều sửng sốt và hết lời khen ngợi.

    Clip võ thuật mãn nhãn của team Action C.

    Đoạn clip này do một tài khoản Tiktok có tên S. đăng tải và thu hút hàng triệu lượt xem, hàng nghìn bình luận xuýt xoa ngưỡng mộ. Ban đầu, nhiều người tưởng 2 diễn viên chính trong đoạn clip có mối quan hệ với chủ tài khoản Tiktok quê ở miền Tây. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu thì đoạn clip gốc do một team võ thuật có tên Action C thực hiện và đăng tải trên YouTube cách đây hơn 2 tuần.

    Theo chính chủ chia sẻ, đoạn clip "cover" theo phong cách rẻ tiền và hài hước trận solo kinh điển của Chân Tử Đan và Ngô Kinh trong bộ phim hành động nổi tiếng Sát Phá Lang (Kill Zone). 

    Trận đấu solo kinh điển của Chân Tử Đan - Ngô Kinh trong bộ phim "Sát Phá Lang (Kill Zone)" được Action C cover lại theo phong cách rẻ tiền và hài hước. (Clip: Action C)

    Dương Minh Chiến, trưởng nhóm Action C cho biết, mọi người vốn không sử dụng Tiktok và cũng không hề biết sản phẩm của nhóm đang nổi như cồn. Tận khi một người bạn vô tình lướt thấy và khoe thì anh mới hay. "Cũng khá bất ngờ vì clip của team được mọi người đón nhận. Nhưng để tôn trọng công sức của team thì mình hy vọng sau này mọi người đăng clip cũng nên ghi nguồn vào" - anh Chiến chia sẻ.

    Về đoạn clip cover cảnh đấu võ kinh điển giữa Ngô Kinh - Chân Tử Đan, anh Dương Minh Chiến cho biết: "Lên ý tưởng xong thế là gọi anh em đi quay. Ra hiện trường mọi người cùng xem clip và làm theo thôi chứ không có tập trước gì hết. Tại vì mấy cái động tác đó người không biết thì nghĩ sẽ khó, nhưng biết thì sẽ rất dễ thực hiện theo. 

    Lúc đó là khoảng 2h chiều, vì đông người qua lại nên bọn mình phải rời, quay trong 3 buổi sáng. Mỗi buổi khoảng 4h quay, tổng là 12h. Sau đó mình mất thêm khoảng 1 ngày nữa để chỉnh sửa và hoàn thiện video".

    Team Action C tham gia bộ phim Cảnh sát cơ động 2.

    Theo trưởng nhóm Action C, nhóm gồm những thành viên làm phim chuyên nghiệp đang sống và làm việc tại TP. HCM, khi rảnh rỗi thì cùng nhau làm clip ngắn với mục đích giải trí. Còn 2 nhân vật chính trong đoạn clip gây "bão mạng" là Tiến Hoàng (áo đen) và Trầm Minh Hoàng (áo trắng).

    Tiến Hoàng từng đóng phim hành động bên Hollywood.

    Tiến Hoàng là một Việt kiều sống ở bên Anh, anh từng tham gia rất nhiều dự án phim bom tấn của Hollywood với vai trò là Stuntman/Cascadeur (ở Việt Nam thường được biết đến với cái tên diễn viên hành động, diễn viên đóng thế) như: Doctor Strange (2016), Ready Player One (2018), Solo - A Star Wars Story (2018), Spiderman Far From Home (2019), 6 Underground (2019)... 

    Hiện tại, Tiến Hoàng tham gia đóng chính trong một bộ phim điện ảnh đang quay của Việt Nam.
    Tiến Hoàng đang tham gia đóng chính trong một bộ phim điện ảnh Việt Nam.

    Không hề kém cạnh, Trầm Minh Hoàng cũng là một cascadeur có tiếng với thâm niên 8 năm trong nghề. Hiện anh đang là chỉ đạo hành động của nhóm cascadeur Quốc Thịnh. Ngoài ra, anh cũng góp mặt trong không ít dự án "triệu view YouTube" như "Âm thầm bên em" của Sơn Tùng M-TP, "Sóng gió" của Jack...

    Hiện tại, trên kênh YouTube của cả nhóm cũng có hơn 65k lượt theo dõi dù không đăng tải quá nhiều clip trong suốt 8 năm thành lập. Trưởng nhóm của Action C cũng cho biết, quay clip không vì mục đích thương mại, vậy nên anh không đặt nặng chuyện lượt view. Việc nổi tiếng là hoàn toàn ngoài dự kiến, nhưng dù thế mọi thứ cũng không có gì thay đổi.

    Và những người xem vẫn đánh giá cao khả năng của cả nhóm và dành lời khen ngợi hết lời: "Góc máy đẹp, dàn cảnh võ thuật thôi rồi, cộng thêm tình huống vui vui đánh vào sự kiện nóng nữa thì nhóm sẽ rất đáng gờm đấy! Ít nhất là thu hút anh em fan phim võ thuật", "Sự thật nhiều phim hành động Việt Nam đầu tư cũng không bằng đoạn clip ngắn này!"...

    Theo Nhịp Sống Việt

  • Với tư cách là một doanh nhân, ông muốn đóng góp một phần nhỏ với cộng động và cho rằng đây cũng là trách nhiệm của kiều bào đối với Tổ quốc.

    Chiều 26/3, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh diễn ra lễ trao 1 tỷ đồng của doanh nhân Việt kiều Phạm Minh Nam ủng hộ nước nhà chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.  

    Doanh nhân Phạm Minh Nam (người thứ hai từ trái sang) trao tặng ủng hộ 1 tỷ đồng cho chiến dịch phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam -Ảnh: Vietnam+

    Ông Phạm Minh Nam, Chủ tịch tập đoàn New World Fashion Group có trụ sở tại London,  Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Anh,  cho biết đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn thế giới, Việt Nam cũng là một nước chịu ảnh hưởng. Với tư cách là một doanh nhân, ông muốn đóng góp một phần nhỏ với cộng động và cho rằng đây cũng là trách nhiệm của kiều bào đối với Tổ quốc.

    Tại buổi tiếp, Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An cám ơn tấm lòng, sự giúp đỡ chia sẻ kịp thời của doanh nhân Phạm Minh Nam đối với đất nước trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.

    Hầu hết người Việt Nam tại Luân Đôn và nhiều doanh nghiệp Anh đều biết tiếng ông Phạm Minh Nam, một doanh nhân Việt Nam làm ăn rất phát đạt tại Anh quốc và có tiếng tăm ở cả châu Âu. Ông Nam, sinh năm 1958, quê Hải Phòng, hiện là Chủ tập đoàn may mặc New World Fashion Group, có trụ sở chính tại 215 Mare Street, ở thủ đô Luân Đôn của vương quốc Anh.

    Ngoài ra ông còn giữ cương vị chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh. Ông đã tham gia nhiều chương trình đóng góp từ thiện cho các trẻ em nghèo và tàn tật ở Việt Nam, đồng thời luôn hỗ trợ và đóng góp giúp đỡ đồng bào gặp bão lụt, hạn hán. 

    Sang Anh năm 1980 khi trong tay chỉ có 10 đôla Hồng kông, nhưng nay ông Nam đã được mọi người ở đây gọi bằng biệt danh đầy cảm phục "Nam tỷ phú". Để có được biệt danh "tỷ phú", ông Nam đã phải lao động cật lực trong suốt hơn 30 năm qua.

    Ông Nam cho biết, cuộc sống của ông những ngày đầu trên đất khách quê người muôn vàn khó khăn, có lúc tưởng chừng không thể tồn tại. Ông đã phải lần mò đi làm thuê cho các chủ xưởng may người Do Thái ở Luân Đôn, với những đồng tiền công ít ỏi. Nhưng nhờ tính cần cù, chịu khó và năng động, ông đã dần dần tích lũy được tiền và kinh nghiệm học được từ những người chủ Do Thái trên đất Anh. Khi có một chút vốn nho nhỏ ban đầu, ông đã thành lập xưởng nhận gia công sản phẩm may mặc cho các hãng may người Do Thái. Đến năm 1987-1988, ông Nam đã giao hàng cho hơn 10 xưởng may gia công, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người Việt tại Luân Đôn.

    Đối với các doanh nhân mới lập nghiệp, ông Nam khuyên hãy kinh doanh bằng khả năng nhạy bén với thời cơ và thị trường cùng một chiến lược bài bản và dài hạn. Đừng mong chờ vào may mắn vì nếu may mắn thì chỉ được một vụ, một mùa, một năm chứ không thể kéo dài 10-15 năm được. Nếu tính toán không đúng, thiệt hại sẽ rất lớn, sẽ khiến khách hàng mất niềm tin. Và để lôi kéo họ lại thì rất khó.

    Trên tư cách Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Anh, ông cho rằng, để thu hút mạnh hơn nữa các doanh nghiệp Việt kiều về nước đầu tư, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách hành chánh. Và cũng cần có các chính sách ưu đãi cụ thể dành cho doanh nhân là kiều bào.

    Theo Vietnamplus

  • Mấy tuần qua cộng đồng người Việt ở Anh bắt đầu thông báo cho nhau trường hợp chủ của 1 siêu thị Việt trên phố Mare Street bị lây nhiễm virus corona. Sự việc này tạo nên nỗi lo lắng trong cộng đồng vì khả năng tiếp xúc của người chủ này với những người Việt khác là rất cao, vì họ bán hàng trực tiếp cho các khách tới đây.

    VietHome đã tìm hiểu và liên lạc với người chủ trên để kiểm tra lại thông tin bị nghi nhiễm virus này.

    Siêu thị trong lời đồn đoán của người Việt tại Anh chính là London Starnight - hay còn được biết với cái tên của 2 vợ chồng Hùng Nghĩa.

    Nói chuyện với chúng tôi qua điện thoại, cô Nghĩa cho biết chính bản thân mình cũng không biết lời đồn đại đó xuất phát từ đâu, chỉ thấy người quen nói lại là trên mạng mọi người đang bàn luận về chồng của cô bị nhiễm bệnh virus corona. Tại thời điểm đó chú Hùng không có ở đó nhưng cô Nghĩa khẳng định là 2 vợ chồng hoàn toàn khoẻ mạnh.

    Trong vài tuần trước, nhu cầu mua hàng của bà con tăng cao nên 2 vợ chồng và những người ở shop dành hết sức lực để nhập hàng, chuyển hàng cho khách. Tuy nhiên, do vài ngày không được ngủ nên chú Hùng luôn trong tình trạng mệt mỏi và thiếu ngủ. Con gái cô có nhắc nhở là để cho chú Hùng nghỉ ngơi.

    Có 1 hôm chú ấy không có ở shop, mà nằm nhà nghỉ nên có lẽ nhiều người đã đồn đoán từ tình tiết này vì họ đã quá quen với hình ảnh ngày nào chú Hùng cũng có mặt ở shop.


    Siêu thị London Starnight bày bán hầu hết các mặt hàng mà người Việt săn tìm.

    Cô Nghĩa cho biết: "Ôi giời ơi, cả nhà cô vẫn khoẻ mạnh có làm sao đâu mà đứa nào ác ý tung tin đồn như vậy. Họ còn bảo cô bị chết rồi thì có khổ không? Làm cho bạn bè, thông gia cứ gọi tới hỏi tình hình."

    Cô cho biết thêm: "Nếu mà bị bệnh, thì shop cô phải đóng cửa ngay lập tức chứ làm sao mình chủ quan mà vẫn hoạt động như vậy được. Cô đã lên mạng thông báo với mọi người là không có chuyện vợ chồng cô bị nhiễm virus và mấy hôm trước nhiều người cũng đã tới đây quay video, kiểm chứng".

    VietHome hi vọng thông tin trên sẽ giúp cộng đồng chúng ta bớt lo lắng.

    VietHome cũng ghi nhận có 1 người Việt ở vùng Lancashire bị các triệu chứng giống nhiễm virus Covid-19. Hiện chúng tôi vẫn giữ liên lạc với người này và sẽ thông tin cụ thể về trường hợp này để mọi người cùng nắm rõ hơn.

    Viethome

  • Cũng như nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ trong các ngành dịch vụ khác, những người làm nails tại Anh hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19

    Một số chủ tiệm, người tự kinh doanh và người làm thuê cho các tiệm nails tại Anh Quốc cho biết về những khó khăn, quan ngại và hy vọng của họ trong thời kỳ dịch bệnh này.

    Không có khách vì dịch bệnh

    Trước những khuyến cáo của chính phủ Anh hạn chế đi lại và giảm tiếp cận xã hội trừ trường hợp tối cần thiết, các ngành dịch vụ như nhà hàng, hiệu làm tóc và ngành nails đang rơi vào tình trạng hầu như không có khách.

    Chị Thảo, chủ một tiệm nails ở Palmer Green, mạn Bắc London, cho biết hiện vẫn cố mở cửa nhưng cửa hàng rất vắng, hầu như không có khách và đã cho hai thợ nghỉ ở nhà được một tuần rồi.

    “Số lượng khách của mình giảm rất nhiều. Chắc một vài hôm nữa xem chính phủ quyết định ra sao rồi có lẽ sang tuần mình cũng sẽ phải đóng cửa. Thợ thì cũng cho nghỉ rồi vì vắng thế này chả có đủ chi phí cho shop lấy đâu tiền trả lương. Mình mở cửa vì còn 1-2 khách quen đã lâu năm và cũng mong còn kiếm được đồng nào hay đồng đó. Cho thợ nghỉ vì một phần họ cũng sợ dịch và một phần thợ có đi làm thì cũng ngồi chơi không,” chị Thảo cho biết.

    Anh Nam, chủ tiệm nails ở gần thành phố Cambridge, cũng trong tình trạng tương tự.

    “Khách tuần trước giảm hơn 50% và bây giờ còn ít hơn nữa. Em có vài thợ nhưng mấy hôm nay cũng phải cho thợ nghỉ luân phiên rồi. Thợ họ cũng thông cảm vì phải cùng nhau cố gắng qua giai đoạn này.

    “Nhà có hai con nhỏ, hai vợ chồng cùng làm ở tiệm nên cũng lo lắm. Nếu tới đây trường học đóng cửa thì một trong hai vợ chồng sẽ phải ở nhà trông con. Bên này bọn em đâu có ông bà mà gửi con nhờ trông giúp được, mà người ta cũng khuyến cáo không gửi con cho ông bà. Nhưng thôi thế cũng được, đỡ phải trả tiền nhà trẻ, vì đằng nào cả hai đi làm cũng chẳng có khách,” anh Nam chia sẻ.

    Với những người tự kinh doanh và chỉ thuê chỗ trong một tiệm của người khác thì ngoài việc thu nhập gần như không có do không có khách, thì còn có lo lắng khác nữa.

    “Mình thuê đặt một, hai ghế làm móng chân, móng tay trong tiệm, nếu không đủ tiền trả tiền thuê chỗ cho chủ tiệm (mà họ cũng là người đi thuê nhà của người khác làm cửa hàng) thì chủ tiệm sau 1-2 tháng có thể đòi lại chỗ để cho người khác thuê,” chị Hà, có chồng là người tự kinh doanh nghề nails, hiện đang thuê chỗ tại một tiệm làm tóc ở mạn Đông London cho biết.

    “Thế nên mình vừa lo không kiếm đủ ăn lại vừa lo bị mất chỗ kiếm sống mà còn lo mất tiền đầu tư vì đã mua bàn ghế, dụng cụ và thuốc làm móng v.v... để làm nghề. Bán lại đồ lúc này thì làm gì có ai mua.”

    “Mà nghề này thì khách ngồi quá gần nên cũng rất sợ, mình sợ thì khách cũng sợ chứ! Đấy, mình không đi làm hoặc tiệm không mở cửa nữa thì không có thu nhập để trả tiền thuê chỗ, thuê nhà, mà đi làm thì cũng sợ lây nhiễm, nhất là khi khách nói mới đi du lịch đâu đó về,” chị Hà nói.

    Hỗ trợ của chính phủ

    Hôm 17/3, chính phủ Anh công bố gói hỗ trợ trị giá 350 tỷ bảng Anh trong đó 20 tỷ bảng trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và 330 tỷ tiền cho vay không lãi nhằm vực nền kinh tế nước này trước tình trạng dịch bệnh.

    Đây có lẽ là một tin đáng mừng cho cộng đồng người Việt làm nails tại Anh.

    Chị Thảo là một trong số những người mong muốn được nhận khoản hỗ trợ này:

    “Mình đang tìm hiểu thủ tục để xin tiền hỗ trợ của chính phủ. Nghe đâu chính phủ nói là doanh nghiệp nhỏ thì có thể xin hỗ trợ 10 ngàn bảng Anh. Còn doanh nghiệp lớn thì có thể được vay số tiền lớn hơn và không phải trả lãi trong sáu tháng.”

    “Họ cũng nói sớm nhất là tháng Tư thì sẽ có thể được nhận tiền và mình tuy làm thủ tục nhưng cũng không biết có được không,” chị Thảo nói.

    Ngay sau khi có tuyên bố hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ, những người làm nghề nails tại Anh đã truyền nhau đường link trang mạng của chính phủ hướng dẫn việc xin tiền hỗ trợ.

    Anh Nam hy vọng nếu không xin được tiền trợ giúp trong gói 20 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ thì xin được vay không lãi từ khoản 330 tỷ để có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn này cũng là mừng rồi.

    Tuy nhiên với những người tự kinh doanh như chồng chị Hà thì việc xin trợ giúp từ gói hỗ trợ của chính phủ không phải là đơn giản, chị Hà cho biết.

    “Nhà mình là self-employed (tự kinh doanh) thì chỉ có thể xin được Universal Credit (trợ cấp tối thiểu hàng tháng cho chi phí sinh hoạt dành cho người có thu nhập thấp hoặc mất việc tại Anh) mà để làm thủ tục xin được cũng rất khó vì phải chứng minh thu nhập trước Covid và sau Covid thì mới được,” chị Hà giải thích.

    Trong thời gian tìm hiểu, làm thủ tục xin và chờ đợi được nhận hỗ trợ của chính phủ thì nhiều người đã và đang phải thương thuyết các giải pháp ‘bước đệm’ trước tình trạng dịch bệnh khiến không có khách hiện nay.

    “Vợ chồng mình đã nói chuyện với chủ tiệm về nợ tiền thuê chỗ nhưng họ chưa chịu vì họ nói còn tuỳ thuộc họ có xin được trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ từ gói hỗ trợ của chính phủ hay không,” chị Hà nói.

    Chị Thảo cũng cho biết đã bàn với chủ nhà xin trong thời gian một vài tháng tới được giảm tiền thuê nhà hoặc cho tạm ngưng trả tiền nhà rồi khi kinh doanh hoạt động trở lại sẽ trả bù nhưng hiện chủ nhà còn chưa đồng ý vì họ cũng phải đợi có xin được tạm ngưng tiền trả góp khoản tiền vay của ngân hàng mua nhà theo hứa hẹn của chính phủ hay không.

    Tăng cường chống dịch

    Khi được hỏi với đặc tính của nghề nails, làm việc phải ngồi gần khách như vậy, những người làm nails có gặp khó khăn gì đặc biệt khi làm việc hay không, thì phần lớn đều cho biết nếu vẫn còn khách tới làm vào giai đoạn này thì hầu hết đều là khách quen, hay những người không quan ngại khi thợ đeo khẩu trang, và khách đều vui vẻ rửa tay theo yêu cầu của tiệm trước khi được thợ xem móng.

    “Trước Covid thì thường khách vào là xem tay luôn cho khách nhưng nay thì khách được yêu cầu rửa tay rồi mới xem và làm cho họ.

    “Còn đeo khẩu trang khi làm móng thì nhiều tiệm trước đây đã đeo khẩu trang rồi. Giờ thì không chỉ đeo khẩu trang mà còn còn đeo găng tay nữa,” chị Hà nói.

    Có tiệm thậm chí còn có cả khẩu trang cho khách.

    “Mình còn đủ khẩu trang để dùng cho thợ và cả cho khách nếu khách muốn nhưng có khách đeo, có khách không vì tây họ chẳng coi trọng việc đeo khẩu trang đâu. Mình ra đường, đi xe buýt đi làm, mình cũng đeo khẩu trang, nhưng người ta nhìn mình như nhìn người từ hành tinh khác ý. Mình cũng kệ, ai nhìn thì nhìn,” chị Thảo vừa cười vừa kể.

    Chị Châu, một thợ làm nails tại một tiệm ở khu Wimbledon, phía Nam London, thì cho biết “cửa hàng chỉ có đủ khẩu trang cho thợ như bọn em, lấy đâu ra cho khách. Mà có khi có cho khách thì họ cũng không dùng vì họ biết khẩu trang của mình sạch hay bẩn nên bọn em không cho khách chị ạ. Nhưng bây giờ trước khi làm là yêu cầu khách rửa tay cẩn thận.”

    “Nhiều người thân tại Việt Nam đang rất lo lắng cho những người sống tại Anh như bọn em nhưng mỗi nước có cách xử lý khác nhau. Chắc chủ tiệm em sẽ đợi xem các quyết định kế tiếp của chính phủ trong thời gian tới như thế nào rồi mới quyết định có đóng cửa hay không,” chị Châu nói thêm.

    Trước tình trạng bệnh dịch diễn biến nhanh như hiện nay, không chỉ cộng đồng người Việt làm nails tại Anh Quốc có tâm trạng lo lắng, bất ổn mà có lẽ đây là tâm trạng chung của người dân không chỉ tại Anh mà tại nhiều nước châu Âu khác.

    Bài do tác giả, sống tại London, gửi cho BBC News Tiếng Việt.

  • “Đeo khẩu trang đồng nghĩa với bị bệnh, mà bị bệnh thì nên ở nhà, đừng ra ngoài đường lây lan cho người khác…”. Đó là lần đầu tiên Hoa biết đến sự kỳ thị thói quen đeo khẩu trang của mình.  

    "Ngày 8/3, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Anh thì người Anh vẫn đổ ra đường, dạo chơi, sưởi nắng, hầu hết không ai đeo khẩu trang cả. Nếu bạn làm điều ngược lại thì chắc chắn bạn sẽ gặp cái nhìn kỳ lạ từ họ" - Quỳnh Hoa Nguyễn (24 tuổi, du học sinh tại Anh) chia sẻ.

    Một năm theo học thạc sĩ tại Đại học Bournemouth (Anh), chưa bao giờ Quỳnh Hoa lại rơi vào tình trạng hoảng loạn, bất lực khi chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng liên tục, nhưng những người Hoa gặp hầu như không một ai đeo khẩu trang ra đường.

    Nhiều người châu Á chịu cái nhìn tò mò ở châu Âu. Ảnh: Reuters.

    "Chúng tôi chỉ có thể dùng khăn vải bịt mặt lại khi quá hoảng loạn…"

    Vào ngày 11/3, WHO đưa ra tuyên bố chính thức, xem dịch viêm phổi do viurs corona mới (Covid-19) là đại dịch toàn cầu, mức độ lây lan hơn 100 quốc gia trên thế giới. Vương quốc Anh đã ghi nhận 456 ca nhiễm, trong đó có 8 ca tử vong.

    Trước sự lây lan mạnh của đại dịch COVID-19, nhiều du học sinh Việt Nam tại Anh như Quỳnh Hoa không khỏi lo lắng, đặc biệt trước "cái nhìn kỳ lạ", giống như sự kỳ thị từ chiếc khẩu trang.

    Quỳnh Hoa nhớ lại, ngày đầu tháng 2, cô mắc phải một đợt cảm cúm nhẹ. Lúc bấy giờ, với suy nghĩ nhằm tránh lây lan cho lớp học, Hoa đeo chiếc khẩu trang đến trường. Thế nhưng, khi vừa bước chân lên xe buýt, cô đã nhận rất nhiều sự chú ý, tò mò từ xung quanh.

    "Đeo khẩu trang đồng nghĩa với bị bệnh, mà bị bệnh thì nên ở nhà, đừng ra ngoài đường mà lây lan cho người khác…", một bạn học chung đã thẳng thắn nói với Hoa. Đó là lần đầu tiên Hoa biết đến sự kỳ thị khi ai đó đeo khẩu trang.

    Một vài sinh viên ở châu Âu và Mỹ đeo khẩu trang đến lớp học. Ảnh: Reuters.

    Ngày 8/3, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Anh, Hoa bảo nhiều du học sinh châu Á đã rơi vào tình trạng hoảng loạn. Tất cả họ đều mong muốn được đeo khẩu trang ra ngoài đường. Thế nhưng, đổi lại, họ chịu nhiều cái nhìn dò xét từ mọi người xung quanh.

    "Họ không tới mức sẽ kỳ thị, xem xét bạn chằm chằm hay đánh đạp gì bạn, nhưng người bên này vẫn có cái tâm lý lạ lẫm với thói quen đó nên luôn nhìn bạn…" - Quỳnh Hoa chia sẻ.

    Từ đó, Hoa chấp nhận chuyện lo sợ và hạn chế không đeo khẩu trang. Cô chỉ sử dụng nó khi quá hoảng loạn vì ở giữa đám đông lớn, hoặc chen lấn mua thực phẩm ở siêu thị. Còn lại, Hoa chỉ có thể dùng một miếng khăn che lên mặt với mong muốn giữ vững tâm lý.

    Gạo, khăn giấy, nước rửa tay,... đều đã cháy hàng từ rất lâu. Ảnh: NVCC.
    Các địa điểm du lịch nổi tiếng được yêu cầu đóng cửa vì lo ngại khách mang theo virus. Ảnh: Getty.

    "Chiếc khăn không có khả năng chống lây nhiễm virus, nó chỉ khiến mình cảm thấy ít lo sợ hơn. Gần đây, vẫn có vài người châu Á liều mình đeo khẩu trang, nên mình cũng đủ can đảm để đeo ra khỏi nhà. Nhưng hôm qua, khi lên xe buýt, một người phụ nữ đã nhìn mình rất kỹ. Đến trường, mình lại phải bỏ chiếc khẩu trang ấy ra ngoài…" .

    Hằng ngày, mỗi lần đọc thông tin trên mạng xã hội, Hoa lại càng thêm hoang mang. Đặc biệt, sau khi tình cờ xem được một video người châu Á đeo khẩu trang bị hành hung tại nước ngoài, Hoa đã không khỏi đau xót. Cô đã xin nghỉ việc tại cửa hàng, mặc ông chủ cho cô đeo khẩu trang và uống trà nóng nếu như có cảm giác sợ dịch.

    "Các hoạt động tại London vẫn diễn ra bình thường. Gần đây, khi nước Anh vào mùa nắng ấm hơn, người ta còn đổ ra đường vui chơi, sưởi nắng nhiều hơn. Gần như không ai đeo khẩu trang hay có biện pháp phòng dịch nào cả nên càng làm mình thêm lo sợ…" - Quỳnh Hoa chia sẻ.

    "Trường đã có ca nhiễm, nhưng chúng tôi vẫn không được nghỉ hay tự ý bỏ về nước…"

    Trước tình hình COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, rất nhiều du học sinh Việt Nam lựa chọn phương án trở về nước. Hoa đã cố gắng liên hệ phía nhà trường, thế nhưng, lý do trở về nước vì dịch của Hoa nhanh chóng bị bác bỏ, mặc dù lúc ấy tại trường đã có sinh viên nhiễm COVID-19.

    "Trên mạng đưa rất nhiều thông tin tiêu cực, nhà trường đã khử trùng, cho sinh viên bị nhiễm cách ly tại nhà, nhưng mỗi ngày phải đến trường với tâm trạng lo sợ khiến mình buồn vô cùng. Mình chỉ mong muốn được trở về Việt Nam…".

    Rất nhiều người Việt tại nước ngoài lo ngại vì tốc độ lây lan nhanh của đại dịch COVID-19. Ảnh: Sputnik.

    Hoa đã mua thức ăn dự trữ, cùng 2 người Việt khác chọn biện pháp cách ly tại nhà. Thế nhưng, gạo, giấy vệ sinh, khẩu trang, nước rửa tay,… tại các cửa hàng, siêu thị thì đều đã hết sạch từ khi công bố dịch.

    Đầu tuần, cô đã chấp nhận bỏ một vài buổi học, song việc này không thể trì hoãn thêm được nữa. Ngày mai, Hoa vẫn phải tiếp tục đến trường trong nơm nớp lo sợ.

    Hôm qua, trong cuộc gọi về Việt Nam, cô gái trẻ đã không ngừng khóc khi nghe mẹ khuyên: "Bỏ hết mọi thứ, chỉ cần con về nước…". Nhưng Hoa không thể làm được.

    Thức ăn được dự trữ. Ảnh: NVCC.
    Hầu hết tất cả nhu yếu phẩm đều đã cháy hàng. Ảnh: NVCC.

    Hai mẹ con Hoa đã chấp nhận trường hợp xấu nhất sẽ xảy đến. Mẹ Hoa liên hệ với nhiều bác sĩ tại Việt Nam, và trong trường hợp Hoa nhiễm COVID-19, cô sẽ tự cách ly và chữa trị online thông qua hướng dẫn của họ.

    "Hôm nay khi tiễn một người chị cùng nhà trở về Việt Nam, mình vẫn còn suy nghĩ có thật sự sẽ không bao giờ hối hận vì quyết định ở lại này…" - Hoa kể.

    Hành lý đã gói sẵn sàng, nhưng Hoa không thể về Việt Nam vì lịch học. Ảnh: NVCC.

    Ngoài đường, hiện tại, mọi người đã bắt đầu biết phòng tránh, đeo khẩu trang nhiều hơn, điều đó làm Hoa thêm hy vọng. Hoa hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ mau chóng được kiểm soát. Hằng ngày, cô vẫn cập nhật tình hình dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cho tình trạng cấp thiết.

    "Mình nghĩ mỗi người nên chọn lọc thông tin để đọc, hết sức bình tĩnh và tin tưởng vào Chính Phủ. Thực sự sự hoảng loản chỉ làm mọi chuyện tệ hơn thôi…", Hoa bày tỏ.

    *Tên nhân vật thay đổi.

    Theo Trí Thức Trẻ