BBC phát phóng sự điều tra việc "nhận bố cho con" của người Việt ở Anh

nhan bo cho con 1

Một cuộc điều tra của BBC phát hiện, nam giới quốc tịch Anh đang được trả hàng ngàn bảng để đóng giả làm bố cho con cái của những phụ nữ nhập cư.

Họ sẽ được trả lên tới £10,000 để điền tên vào giấy khai sinh của đứa trẻ. Điều này giúp đứa trẻ có được quốc tịch Anh và giúp người mẹ có thể làm giấy tờ ăn theo con.

Trên FB thường xuất hiện những người chào hàng dịch vụ "nhận bố cho con", khoe khoang rằng họ đã giúp hàng ngàn phụ nữ định cư theo cách này. FB cho biết họ cấm những nội dung lừa đảo này.

Cuộc điều tra do chương trình BBC Newsnight tiến hành, đã phát hiện ra rằng hành vi gian dối này xuất hiện trong nhiều cộng đồng khác nhau ở UK. Các môi giới hoạt động khắp Anh quốc, tìm kiếm những người đàn ông quốc tịch Anh để nhận làm "bố giả".

Một phóng viên của BBC Newsnight đã đóng giả là một phụ nữ mang thai nhập cư vào UK bất hợp pháp. Cô đã hẹn gặp những môi giới cung cấp dịch vụ này.

Một môi giới, lấy tên là Thai, nói rằng anh ta quen biết rất nhiều nam giới Anh sẵn sàng đóng làm "bố giả". Giá trọn gói cho dịch vụ này là £11,000. Thai mô tả quy trình rất đơn giản, anh ta có thể làm mọi thứ để giúp đứa trẻ có hộ chiếu UK.

Thai không quảng cáo trên FB. Anh ta nói rằng mình có thể bịa ra một câu chuyện thuyết phục để qua mặt chính quyền. Anh giới thiệu phóng viên chìm của BBC Newsnight với một người đàn ông quốc tịch Anh tên gọi Andrew, người này sẽ đóng làm bố giả của đứa trẻ. Andrew sẽ được trả £8,000 trong tổng số £11,000 này.

Trong cuộc gặp, Andrew cho phóng viên xem hộ chiếu để chứng minh mình có quốc tịch Anh. Andrew thậm chí còn chụp ảnh selfie với cô phóng viên chìm.

nhan bo cho con 1
Phóng viên Newsnight (trái) chụp ảnh với Andrew.

BBC chưa trả tiền cho bất cứ môi giới nào cung cấp dịch vụ bố giả. Sau đó, khi Thai bị chất vấn về vai trò của mình trong vụ làm giả này, anh ta phủ nhận mọi hành vi sai trái và nói "không biết gì về việc này". Còn Andrew vẫn chưa trả lời những chất vấn của BBC.

Một môi giới khác, tự gọi mình là Thi Kim, cho biết cô đã giúp hàng ngàn phụ nữ nhập cư. Thi Kim nói mình có thể giới thiệu một người đàn ông quốc tịch Anh với chi phí chỉ £10,000. Tiền hoa hồng môi giới của cô là £300.

"Tất cả những người đàn ông mà chị giới thiệu đều sinh ra ở UK và chưa từng đăng ký khai sinh cho bất kì đứa trẻ nào. Chị biết cách dàn xếp mọi thứ. Em không phải lo lắng chuyện không làm được hộ chiếu. Chắc chắn sẽ có quốc tịch", Thi Kim nói với phóng viên chìm.

Thi Kim cũng chưa phản hồi những chất vấn của BBC.

nhan bo cho con 1
Thi Kim đóng vai trò môi giới giữa phụ nữ nhập cư và đàn ông Anh.

Hoạt động nhận bố giả được đánh giá là "vô cùng công phu", theo luật sư chuyên về nhập cư, bà Ana González. "Nó rất phức tạp, cảnh sát không nhận diện ra được. Nó là bằng chứng cho thấy những phụ nữ này vô cùng tuyệt vọng, tiếp theo đó sẽ là chặng đường dài mà họ phải đi qua để có được tấm visa ở lại UK", bà nói.

Nếu một phụ nữ nhập cư sống tại UK bất hợp pháp và sinh con với một người đàn ông quốc tịch Anh, hoặc người đàn ông có visa vĩnh viễn, thì đứa trẻ sẽ tự động có quốc tịch Anh ngay khi chào đời.

Sau đó người mẹ có thể nộp đơn xin visa theo con (family visa), cho phép cô quyền ở lại UK, rồi nộp đơn xin quốc tịch. "Luật này được sinh ra là để bảo vệ trẻ em, chứ không phải để cấp visa cho những phụ nữ không có giấy tờ. Đây không phải là một kẻ hở trong luật và không nên bị lợi dụng", bà Ana González nói.

BBC không thể đánh giá hết quy mô của hành vi gian dối này, vì Bộ Nội Vụ không cung cấp dữ liệu về số trường hợp họ đã điều tra. Bộ Nội Vụ cũng không công bố dữ liệu về số lượng visa đã cấp cho những bố mẹ non-UK của những đứa trẻ quốc tịch Anh.

Bộ Nội Vụ không thể xử lý hết

Năm ngoái, có 4,860 family visa đã được cấp cho "những người phụ thuộc khác" - một hạng mục dành riêng cho những người nộp đơn xin ở lại UK với tư cách là bố mẹ của trẻ em quốc tịch Anh.

Việc cố tình cung cấp thông tin giả trên giấy khai sinh là tội hình sự.

Bộ Nội Vụ cho biết họ có phương pháp để ngăn chặn và phát hiện những hành vi khai man trong giấy khai sinh. "Chỉ 1 tờ giấy khai sinh là không đủ để chứng minh quan hệ huyết thống", Bộ có thể yêu cầu thêm bằng chứng để xác minh hồ sơ.

Tuy nhiên, luật sư nhập cư Harjap Bhangal cho rằng Bộ Nội Vụ không thể xác minh hết hàng chục ngàn trường hợp. Bởi vì hành vi nhận bố giả xuất hiện ở hầu hết các cộng đồng nhập cư, từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nigeria đến Sri Lanka... Và hoạt động gian dối đã diễn ra suốt nhiều năm.

Cuộc điều tra của Newsnight phát hiện ra rằng hoạt động "nhận bố giả" diễn ra khá sôi nổi trên các hội nhóm FB của người Việt Nam.

Người tìm "bố giả" được yêu cầu inbox

BBC đã phát hiện hàng chục bài đăng "tìm bố giả" và "nhận làm bố giả" trên các hội nhóm FB của người Việt. Một tài khoản đăng: "Mình đang mang thai 4 tháng. Mình cần tìm gấp người nhận làm bố, tuổi từ 25-45".

Một người khác đăng: "Mình nhận làm bố có sổ đỏ (từ lóng trong tiếng Việt, ý nói hộ chiếu Anh). Chị em nào đang có bầu mà chưa tìm được bố thì inbox mình".

Meta, công ty sở hữu Facebook, cho biết họ không cho phép "hành vi xúi giục nhận con nuôi hay làm giả giấy khai sinh trên FB". Nền tảng này cho biết họ sẽ tiếp tục xóa bỏ các nội dung vi phạm chính sách.

"Mua một người bố quốc tịch Anh"

BBC đã nói chuyện với 1 phụ nữ nhập cư. Cô này kể rằng đã bỏ ra £9,000 cho một người đàn ông đóng giả làm bố của con mình. "Ông ta già hơn tôi 30 tuổi. Tôi nghe nói ông ta đã nhận làm bố 1 lần cho một phụ nữ khác", cô nói.

Sau khi khai báo giấy tờ, cô không liên lạc nhiều với người đàn ông. Họ chỉ gặp nhau 3 lần, bao gồm lần đi đăng kí khai sinh cho đứa trẻ.

Một phụ nữ khác cho biết cô đã trả £10,000 cho một người đàn ông, nhưng sau đó phát hiện anh ta đã nói dối về tình trạng di trú của mình. "Chỉ 1 ngày sau khi có giấy khai sinh, tôi phát hiện anh ta không có quốc tịch. Tôi phát điên, vì tôi đã khai thông tin của anh ta trên giấy khai sinh của con mình. Tôi không thể thay đổi được", người phụ nữ cho biết.

Vậy là một người lạ đã làm cha của con cô, nhưng cả hai mẹ con vẫn sẽ không có quốc tịch Anh.

Luật sư Harjap Bhangal cho rằng Bộ Nội Vụ nên điều tra các hồ sơ xin visa đáng ngờ. "Nếu một đứa trẻ quốc tịch Anh mà mẹ (hoặc bố) không có visa, vậy tốt nhất nên làm kiểm tra DNA", anh nói.

Ở UK không yêu cầu xác minh DNA khi làm giấy khai sinh hay làm hộ chiếu Anh cho đứa trẻ. Luật sư Bhangal cho rằng không có nhiều người bị truy tố vì hành vi gian dối này. "Do đó người ta không sợ. Họ vẫn làm vì họ chưa thấy hậu quả", anh nói.

Viethome (theo BBC)