Vương Quốc Anh và Việt Nam có tuyến bay mới, chuyên vận chuyển hàng hóa

tuyen bay van chuyen hang hoa Turkmenistan Airlines 1

Ngày 18/05/2023, Turkmenistan Airlines đã thực hiện chuyến bay hàng hóa chính thức đầu tiên giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.

Theo lịch bay được công bố, chiều từ Anh về Việt Nam sẽ có tổng thời gian bay khoảng 16 tiếng – khởi hành 17:40 ngày thứ Tư giờ UK và hạ cánh 15:55 ngày thứ Năm giờ VN (tức 09:55 giờ UK).

Cụ thể, thời gian khởi hành từ sân bay London Stansted, Anh Quốc, là 17:40 giờ địa phương ngày thứ Tư, hạ cánh tại sân bay Ashgabat, Turkmenistan vào 04:00 sáng giờ địa phương ngày thứ Năm.

Sau thời gian transit khoảng 4 tiếng, máy bay khởi hành bay về Việt Nam và hạ cánh sân bay Nội Bài vào 15:55 chiều thứ Năm.

Ở chiều từ Việt Nam sang Anh Quốc, máy bay khởi hành từ sân bay Nội Bài vào tối thứ Năm, transit ở Turkmenistan trong khoảng 5 ngày và hạ cánh sân bay London Stansted vào sáng thứ Tư của tuần tiếp theo.

Máy bay được sử dụng là Airbus A330 có công suất chở hàng lên đến 30 tấn, gấp 3-5 lần so với công suất chở hàng của máy bay chở khách kết hợp chở hàng.

Tuyến bay chuyên về hàng hóa duy nhất giữa Anh Quốc và Việt Nam hiện nay

Đây là tuyến bay chuyên về hàng hóa duy nhất giữa Anh Quốc và Việt Nam tại thời điểm hiện nay. Có rất nhiều hãng hàng không đang có tuyến bay giữa hai nước và tất cả đều là các chuyến bay chở khách và kết hợp chở hàng.

Vietnam Airlines và Bamboo Airways đang khai thác đường bay thẳng giữa Việt Nam và Anh Quốc. Các hãng bay quá cảnh có thể kể đến Qatar Airways, Etihad Airways, Emirates, Turkish Airlines, Singapore Airlines, Thai Airways…

Các chuyến bay chở khách (passenger flight) có nhược điểm là hàng hóa không được ưu tiên, chỉ được xếp lên máy bay sau khi hành lý của khách đã lên đủ. Nếu lượng hành lý nhiều hoặc tăng đột biến ngoài dự kiến, không gian cho hàng hóa (cargo capacity) sẽ bị giảm xuống dẫn đến việc nhiều lô hàng có thể không được bay (offloaded), phải ở lại nhà ga hàng hóa đợi chuyến bay tiếp theo.

Các lô hàng lớn, khoảng 10+ tấn, có thể sẽ cần 2-3 chuyến bay chở khách kết hợp chở hàng mới có thể vận chuyển được toàn bộ hàng đến điểm đến.

Tuyến bay chuyên về hàng hóa mới này của Turkmenistan Airlines có thể đáp ứng việc vận chuyển một lượng hàng hóa lớn trong cùng một chuyến bay, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến thất lạc hàng hóa, sai sót trong bốc xếp, quá tải ở sân bay transit…

tuyen bay van chuyen hang hoa Turkmenistan Airlines 1
Máy bay Turkmenistan Airlines tại sân bay London Stansted

Thời gian nối tuyến và cước bay

Thời gian bay từ Anh Quốc về Việt Nam chỉ khoảng 16 tiếng, chỉ chậm hơn bay thẳng khoảng 3-4 tiếng. Đây có thể là một lợi thế rất lớn cho các lô hàng cần nhanh chóng chuyển về Việt Nam do người gửi hàng có thể tiết kiệm được chi phí vì cước bay transit thường thấp hơn cước bay thẳng.

Nếu bay thẳng qua Vietnam Airlines hoặc Bamboo Airways, cước bay thông thường sẽ cao hơn do đây là dịch vụ bay thẳng. Khi bay transit, cước bay có thể thấp hơn.

Cước bay thấp và thời gian bay gần như tương đương có thể sẽ là lợi thế cạnh tranh đáng kể của tuyến bay này.

Thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Anh Quốc thời kỳ hậu Brexit

Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Anh Quốc. Tuyến bay 100% hàng hóa (không chở khách) mới được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian sắp tới.

Bất chấp đại dịch Covid và suy thoái toàn cầu, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Anh vẫn tăng trưởng cao trong thời gian vừa qua.

Theo số liệu từ Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh (UK Department for Business and Trade) công bố ngày 18/05/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang Anh trong năm 2022 đạt 5.9 tỷ bảng Anh, tăng 30.3% so với năm 2021.

Xuất khẩu của Anh về Việt Nam trong năm 2022 đạt 1 tỷ bảng Anh, tăng 22.3% so với năm 2021.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 40 của Vương Quốc Anh tính trên toàn thế giới, chiếm tỷ trọng 0.4% tổng kim ngạch. Tính ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Anh.

Tuy nhiên, thứ bậc này hoàn toàn có triển vọng được cải thiện trong những năm sắp tới sau khi Vương quốc Anh chính thức rời khỏi thị trường chung châu Âu (the EU single market) năm 2021.

Các doanh nghiệp Anh Quốc hiện đang tích cực hướng đến các thị trường toàn cầu có tốc độ phát triển nhanh như Việt Nam để bù đắp sụt giảm trong giao thương với Liên minh Châu Âu do các rào cản thương mại và phi thuế quan, một hệ quả của Brexit.

Minh chứng điển hình nhất chính là việc nước này đã tích cực đàm phán và chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào cuối tháng 3/2023.

CPTPP là một khu vực tự do thương mại gồm 11 nước là Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore và Việt Nam, với cam kết giảm thuế và các hàng rào phi thuế quan để thúc đẩy thương mại giữa các nước. Sau khi Anh gia nhập CPTPP, tổng dân số của khối sẽ đạt hơn 500 triệu người và quy mô chiếm 15% GDP toàn cầu.

Vương quốc Anh là quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia khối thương mại CPTPP và cũng là thành viên mới đầu tiên kể từ khi CPTPP được thành lập từ năm 2018.

Theo thông cáo báo chí của Chính phủ Anh ngày 31/03/2023, các nhóm hàng dự kiến sẽ được hưởng lợi từ giảm thuế bao gồm các sản phẩm từ sữa, ô tô, chocolate, máy móc thiết bị, gin và whisky.

Bộ trưởng Thương mại và Kinh doanh Vương quốc Anh, bà Kemi Badenoch cho biết: “Việc Anh gia nhập CPTPP cho thấy một tín hiệu mạnh mẽ rằng chúng tôi đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và sử dụng các quyền tự do thờ kỳ hậu Brexit của mình để phát triển kinh tế thông qua việc tiếp cận các thị trường mới, bao gồm khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.”

Trước đó, Anh và Việt Nam cũng đã ký hiệp định tự do thương mại (UKVFTA) vào cuối năm 2020 và hiệp định chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2021. UKVFTA trên thực tế đã tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng thương mại ấn tượng được đề cập đến. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Anh đang được hưởng các ưu đãi thuế đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh khác. Tương tự, hàng hóa từ Anh xuất khẩu về Việt Nam cũng nhận được mức giảm thuế rất lớn từ chính phủ Việt Nam.

Phát biểu tại Gala Dinner chào Xuân Quý Mão 2023 của Hội Doanh Nghiệp & Doanh Nhân Việt Nam tại Anh, đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh về điều ông gọi là “dư địa” trong hợp tác và trao đổi thương mại giữa hai nước: “Hai năm trước Anh đã ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Việt Nam và dự kiến trong năm nay sẽ ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Do đó dư địa và tăng trưởng trao đổi thương mại sẽ rất lớn và là cơ hội rất lớn.”

“Nhiệm vụ của thương vụ cũng như VBUK là để đứng vững và phát triển tại thị trường Anh thì các doanh nghiệp của chúng ta tại đây phải tăng cường kết nối hơn nữa với trong nước, làm cầu nối với trong nước. Nếu chúng ta đưa được hàng trong nước sang đây thì chúng ta sẽ lớn mạnh vì dư địa rất lớn,” ông Long khẳng định.

Theo Hội Doanh nhân & Doanh nghiệp Việt Nam tại Vương quốc Anh (https://vn.vbuk.org.uk/)