• Ông David Dao lần đầu kể về khoảng thời gian tồi tệ sau khi bị đuổi khỏi chuyến bay của United Airlines một cách thô bạo năm 2017.

    Trong cuộc phỏng vấn hôm 9/4 trên chương trình Good Morning America, bác sĩ Mỹ gốc Việt David Dao cho hay dù sự việc xảy ra tròn 2 năm trước khiến mình và gia đình rất hoảng loạn, ông không hối tiếc vì đã giữ vững quan điểm và khiến hãng United Airlines phải xem xét lại các chính sách.

    Hình ảnh ông David Đào bị lôi xềnh xệc trên máy bay, mồm đầy máu được lan truyền trên mạng và gây bức xúc lớn trong dư luận. (Ảnh cắt từ clip)

    Ngày 9/4/2017, ông Dao vừa lên chuyến bay 3411 từ Chicago đi Louisville, bang Kentucky không lâu thì bất ngờ được thông báo rằng mình phải rời đi để nhường ghế cho các nhân viên của United Airlines, do chuyến bay bị đặt vé quá chỗ. 

    Theo video do các hành khách khác quay lại, ông Dao bị các nhân viên an ninh dùng vũ lực lôi khỏi ghế ngồi dù đã thắt dây an toàn và bị kéo lê trên mặt đất giữa những tiếng la hét hoảng hốt. Một nhân chứng kể trong lúc bị lôi đi, mặt ông Dao va vào tay vịn ghế máy bay, khiến miệng ông chảy máu.

    Bác sĩ Mỹ gốc Việt David Dao trong cuộc phỏng vấn hôm 9/4 trên chương trình Good Morning America của kênh ABC News. Ảnh: ABC News

    10 phút sau đó, ông chạy ngược lại với gương mặt vẫn chảy máu, quần áo xộc xệch, mắt kính suýt rơi ra. Ông luôn miệng nói: "Họ sẽ giết tôi, tôi muốn về nhà". Các nhân viên an ninh tiếp tục xuất hiện và đưa ông ra khỏi máy bay lần thứ hai, nhưng lần này là trên một chiếc cáng. Những đoạn video ghi lại toàn bộ sự việc đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới.

    Ông Dao hoảng sợ sau khi bị kéo lê trên máy bay..

    Ông Dao cho hay nhiều tháng sau, ông vẫn không dám xem lại cảnh tượng hôm đó. "Tôi chỉ khóc", ông nói.

    Dao kể rằng ông đã kiên quyết không rời khỏi máy bay vì cảm thấy đang bị phân biệt đối xử và ông cần phải quay về Kentucky để dự lễ khánh thành một phòng khám mà ông thành lập cho các cựu binh Mỹ. Sau khi bị lôi khỏi ghế, ông cho hay mình không nhớ được gì vì đầu bị va vào trần cabin. Ông chỉ nghe "một tiếng động lớn" rồi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong bệnh viện với một nhóm bác sĩ xung quanh và không biết câu chuyện đang gây xôn xao trên mạng. Ông bị giới truyền thông săn đón đến mức có lúc phải trốn trong nhà.

    Những tháng đầu sau sự việc trôi qua "rất tồi tệ", ông nói. Dao bị chấn động, rách miệng và mũi, gãy 2 chiếc răng. Ông thậm chí bị các y tá giám sát để tránh trường hợp tự tử và mất nhiều tháng để tập đi lại.

    Trong suốt thời gian nằm viện, ông Dao đã tự động viên mình và hứa với Chúa rằng sẽ đóng góp cho hoạt động thiện nguyện một khi khỏe lại. Sau khi ra viện, ông đã giúp đỡ những người dân ở Texas bị mất nhà cửa do cơn bão Harvey, đến Việt Nam và Campuchia hỗ trợ lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời ở những ngôi làng không có điện.

    Thậm chí ở vùng Đông Á, mọi người cũng biết tới câu chuyện của ông. Một người đàn ông lớn tuổi đã tiếp cận ông Dao và hỏi "Có phải ông là người trên máy bay không?".

    "Điều đó khiến tôi xúc động", bác sĩ kể, cố nén nước mắt.

    Sau cú sốc, ông Dao gặp vấn đề về ngủ, tập trung và cân bằng. Trước sự cố, ông từng tham gia hơn 20 cuộc marathon nhưng bây giờ, ông chỉ có thể chạy bộ chưa đến 5 km, trong đó ít nhất một km là đi bộ.

    United Airlines ban đầu cáo buộc ông Dao "hung hăng" nhưng sau đó đã xin lỗi và cam kết tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về sự việc. Oscar Munoz, CEO của hãng, cho biết ông "rất xấu hổ" khi xem video về ông Dao và khẳng định "việc này sẽ không bao giờ tái diễn".

    Khi được hỏi về cách hành xử của hãng hàng không Mỹ, ông Dao cho rằng các nhân viên lẽ ra có thể giải thích lý do buộc ông rời khỏi chuyến bay một cách thân thiện và thích hợp hơn.

    Bác sĩ đã nghỉ hưu nói rằng sự cố xảy ra với ông vẫn có mặt tích cực vì đã buộc United Airlines phải nghiêm túc cân nhắc lại và điều chỉnh các chính sách của họ. "Mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó", ông nói.

    Sự việc khép lại vài tuần sau đó, khi United Airlines đạt thỏa thuận bồi thường với ông Dao, dù số tiền cụ thể không được công bố. Ông quyết định lên tiếng lần đầu tiên sau 2 năm vì muốn cảm ơn những người ủng hộ mình trên toàn thế giới.

    Dao nói ông đã tha thứ cho hãng hàng không cũng như các nhân viên an ninh kéo lê mình. "Tôi không giận họ. Đó là việc họ phải làm. Nếu họ không làm như thế, họ sẽ mất việc", ông nói.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Một tai nạn xe hơi thảm khốc xảy ra với một gia đình gốc Việt vào sáng sớm Thứ Bảy, 6 Tháng Tư, tại thành phố La Grange, thuộc Fayette County, tiểu bang Texas (Mỹ), khiến 4 người chết tại chỗ, và 2 người bị thương nặng. Tai nạn xảy ra khi gia đình này từ Seattle sang Texas đi chơi nhân dịp Spring Break.

    Bốn người thiệt mạng gồm: ông Bình Nguyễn, 52 tuổi, sĩ quan Hải Quân Mỹ, cư dân Everett ở tiểu bang Washington; bé Elizabeth “Lizzie” Nguyễn, 11 tuổi (con gái ông Bình); bà Diane E. Gryseels, 74 tuổi ở Temple, Texas (mẹ nuôi của ông Bình); và bà Evelyn M. Gryseels Wimberley, 65 tuổi, em gái của bà Diane.

    Gia đình ông Bình Nguyễn, một sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ, thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi ở Texas. (Hình: Xuan-Binh Nguyen cung cấp)

    Hai người bị thương nặng là bà Phúc-An Nguyễn, 46 tuổi, vợ ông Bình, và bé Bethany Nguyễn, 14 tuổi, con gái ông Bình. Cả hai vẫn đang nằm ở hai bệnh viện khác nhau ở Austin, Texas.

    Tờ báo địa phương “tdtnews.com” dẫn báo cáo của Fayette County cho biết gia đình 6 người này đi trên một chiếc xe van Dodge đã đâm vào phía sau của chiếc xe tải 18 bánh chở ống sắt khi chiếc xe tải này đang giảm tốc độ để rẽ phải.

    Nói chuyện với phóng viên Người Việt qua điện thoại hôm Thứ Tư, 10 Tháng Tư, cô Xuân-Bình Nguyễn, em gái của bà Phúc-An, cho biết: “Sáng sớm hôm nay, chị Phúc-An đã được đưa ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt ICU. Chị bị gãy 6 xương sườn, vỡ ruột, thương tích trầm trọng vùng bụng, nhưng bác sĩ nói đã qua thời kỳ nguy hiểm, chờ hồi phục. Còn bé Bethany bị thương nặng hơn, rách gan, lủng ruột, chấn thương thận… Ngày mai này bé sẽ tiếp tục được mổ chỉnh các xương cột sống trở lại cho nguyên vẹn. Bác sĩ nói sẽ bắt vít và bù lon vào xương cột sống của bé ở giữa lưng. Đây là một cuộc giải phẫu hết sức nguy hiểm.”

    Cô Xuân-Bình, cư dân Everett, Washington, hiện bay sang Austin, Texas, để lo cho gia đình chị gái của cô về tất cả các vấn đề liên quan đến vụ tai nạn này.

    Theo lời của cô Xuân-Bình, thì ông Bình Nguyễn, anh rể cô, là một sĩ quan Hải Quân Mỹ đã nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục làm việc trong Navy ở vùng Seattle.

    “Anh Bình có cha tham gia trong chiến tranh Việt Nam. Anh có một người chị gái đang ở Mỹ. Hai chị em sống trong cô nhi viện ở Cam Ranh từ nhỏ và được đưa sang Mỹ năm 75. Cả hai chị em có người mẹ nuôi là bà Diane hiện ở Temple, Texas. Anh Bình vào Hải Quân từ năm 22 tuổi. Kỳ nghỉ này, gia đình anh Bình từ Seattle bay sang Texas để cùng mẹ nuôi đi chơi bằng du thuyền, nhưng không ngờ tai nạn khủng khiếp xảy ra. Được biết người lái xe khi đó là dì Evelyn,” cô nói.

    Cô tiếp tục câu chuyện trong tiếng nấc nghẹn, “Mới tối Thứ Sáu, chị Phúc-An còn nhắn tin, nói chuyện với tôi về chuyến đi nghỉ mát rất là vui vẻ, không ngờ sáng Thứ Bảy thì tôi nhận được tin báo kinh khủng này. Không thể nào ngờ được hết.”

    Ông Bình Nguyễn, 52 tuổi, và bé Elizabeth “Lizzie” Nguyễn, 11 tuổi (hàng trước) qua đời trong tai nạn xe hơi hôm 6 Tháng Tư. Bà Phúc-An Nguyễn, 46 tuổi, và bé Bethany Nguyễn, 14 tuổi đang nằm trong bệnh viện với các vết thương trầm trọng. (Hình: Xuan-Binh Nguyen cung cấp)

    Cô Xuân-Bình cho biết đến giờ vẫn chưa có báo cáo của cảnh sát, nên thật sự tai nạn xảy ra như thế nào cô vẫn chưa biết rõ.

    Tuy nhiên, cô kể trong tiếng khóc không thể kìm nén, “Theo lời chị Phúc-An kể lại thì em gái mẹ nuôi lái xe, mẹ nuôi ngồi phía trước, anh Bình và bé Elizabeth ngồi hàng ghế giữa, chị Phúc-An và bé lớn ngồi ghế cuối. Sau khi đụng xe, chị Phúc-An và bé Bethany bò ra khỏi xe. Khi đó chỉ có thấy anh Bình vẫn còn ngồi trong xe nên chị có nói ‘Sao không bò ra mà còn ngồi đó?’, rồi thì chỉ ngất xỉu, không biết gì nữa hết. Khi tỉnh lại thì đã thấy trong bệnh viện.”

    “Tôi không thể hiểu sức mạnh nào đã giúp hai mẹ con chị Phúc-An trở nên bình tĩnh một cách phi thường đến như vậy. Cả hai đều đã biết chồng, con, ba, em của mình qua đời, nhưng cả hai đã không còn nước mắt để khóc. Chị Phúc-An nói chỉ phải cố gắng khỏe lại để lo cho bé Bethany, vì bé nằm ở bệnh viện khác, và lo chuyện hậu sự cho chồng và đứa con gái nhỏ. Bé Bethany cũng đang bình tĩnh để chờ cuộc phẫu thuật lớn ngày mai. Chúng tôi hy vọng mọi người cùng cầu nguyện cho cháu tôi,” cô Xuân-Bình, một cô giáo dạy lái xe, nói tiếp trong sự xúc động tột cùng.

    Cô cho biết, Thứ Bảy này, 13 Tháng Tư, tang lễ dành cho người mẹ nuôi và hai cha con ông Bình sẽ được tổ chức tại nhà thờ Memorial Baptist Church ở Temple. Bà Diane sẽ được hỏa táng vào trưa Chủ Nhật. Riêng thi hài ông Bình và bé Elizabeth sẽ được sắp xếp đưa về Everett, Washington vào tuần tới và tổ chức đám tang ở đó theo nghi thức hải quân dành cho ông Bình.

    Riêng đám tang bà Evelyn M. Gryseels Wimberley thì được tổ chức vào ngày Thứ Sáu, 12 Tháng Tư.

    Theo chị gái của ông Bình viết trên Facebook, thì bà Diane từng là thiện nguyện viên đến Việt Nam thời chiến tranh. Bà không lập gia đình, chỉ dấn thân vào con đường phụng sự xã hội, qua việc nhận những đứa trẻ mồ côi làm coi nuôi và chăm sóc họ, trong đó có chị em của ông Bình.

    Bà Phúc-An hiện nằm ở bệnh viện Dell Seton Hospital ở Austin, trong khi bé Bethany được điều trị ở bệnh viện Dell Children’s Medical Center of Central Texas.

    “Hai mẹ con nằm ở hai bệnh viện khác nhau, nên tôi phải chạy qua chạy lại. Nhưng qua chuyện này, tôi mới cảm nhận được tình người nơi đây. Không chỉ là gia đình mẹ nuôi người Mỹ của anh rể tôi, mà cộng đồng người Việt tại Austin đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày qua. Tôi không quen biết ai hết, đây là lần đầu tiên tôi đến đây, nhưng qua tin tức trên Facebook, mọi người chuyền nhau và liên lạc với tôi để giúp đỡ tôi như những người thân thuộc từ bao giờ,” cô Xuân-Bình cho biết.

    Cô nói thêm, “Các anh chị người Việt ở đây không cho tôi mướn xe vì sợ rằng sẽ không thuận tiện cho việc tôi phải chạy tới lui qua nhiều, họ đặt sẵn Uber, sẵn sàng chở tôi đi những nơi tôi cần, lo cho tôi từ ổ bánh mì để ăn, chai nước để uống. Tôi mất đi hai người thân, nhưng tôi nhận được tình người ở đây bao la quá. Không có sự giúp đỡ đó, tôi không biết làm sao để có thể giải quyết hết mọi chuyện. Tôi không biết làm thế nào để bày tỏ hết lòng cám ơn của mình. Hy vọng có ngày tôi sẽ trở lại đây để đền đáp những ân tình này,” cô nói bằng sự cảm kích.

    Trong những ngày qua, nhiều người cũng đã đóng góp vào quỹ GoFundMe để chung tay lo hậu sự cho ông Bình và bé Elizabeth, cũng như giúp đỡ bà Phúc-An và bé Bethany trang trải cuộc sống trong thời gian tới, vì bà Phúc-An cũng là một cô giáo dạy lái xe, phải mất một thời gian nữa bà mới có thể trở lại với công việc của mình. 

    Mọi sự liên lạc giúp đỡ, quý độc giả có thể vào thẳng link GoFundMe https://www.gofundme.com/binh-nguyen-family-caring-fund

    Hoặc gửi thư về Phuc-An Nguyen, 23707 134th Ave St. Kent WA 98042

    Hoặc Paypal: vixuanbinh@yahoo.com

    Venmo:  Xuan-Nguyen-1

    Zelle, chase: smilelysun@gmail.com

    Memo: Phuc-An & Bethany Caring Fund

    Viethome (theo Người Việt)

  • Một phụ nữ gốc Việt sống ở thành phố Vancouver, thuộc bang British Columbia, Canada đã bị bắn tại một bãi đỗ xe và đang trong tình trạng nguy kịch.

    Nguyễn Mai Ngọc (Anita Nguyen), 32 tuổi, là mẹ đơn thân sống với con gái 3 tuổi tại Burnaby, một khu vực nằm về phía bắc thành phố Vancouver, thuộc tỉnh bang British Columbia. Khu vực này cũng là nơi cô bị bắn.

    Nguyễn Mai Ngọc (Anita Nguyen)

    Hung thủ đã nổ súng giữa thanh thiên bạch nhật tại một bãi đậu xe nằm ở phía sau một dãy phố thương mại, thuộc số 1100 đường Lonsdale Avenue vào khoảng 11 giờ trưa thứ Ba, ngày 2/4.

    Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát đã nhanh chóng chạy đến nơi và thấy Anita Nguyen bị trúng nhiều phát đạn. Cô được xe cứu thương chở vào bệnh viện cấp cứu và được gắn máy trợ sinh từ đó đến nay. Ngày 5/4, cảnh sát viên Frank Jang, phát ngôn viên của Đội Điều Tra Án Mạng (IHIT) của Sở Cảnh Sát Burnaby nói với báo chí rằng: “Chúng tôi được biết tình trạng của cô ấy rất nguy kịch. Với những vết thương như vậy, cô rất khó sống sót.”

    Cảnh sát cho biết họ cần sự giúp đỡ của công chúng. Họ muốn nói chuyện với những ai quen thân với Anita Nguyen, hay Nguyễn Mai Ngọc, để giúp tìm ra ai muốn sát hại người phụ nữ còn trẻ tuổi này.

    Cảnh sát viên Frank Jang nói: tất cả những gì chúng tôi biết là hung thủ nhắm bắn Anita Nguyen với mục đích giết cô ấy.

    Tuy vậy, ông Jang cho biết cảnh sát còn cần thêm nhiều thông tin để làm sáng tỏ vụ án này. Ông nói rằng cô Ngọc không có hồ sơ phạm pháp, thế nhưng “cô đã từng có vài lần va chạm với cảnh sát trong bối cảnh không tốt.” Mặc dù có một số đầu mối, cảnh sát viên Jang nói rằng nhà chức trách chưa biết rõ tại sao có người muốn giết cô Ngọc.

    “Chúng tôi muốn biết Anita đã gặp ai vào buổi sáng hôm đó,” cảnh sát viên Jang nói. “Cô có ý định gặp ai hay không? Có gặp được không? Đó là những câu hỏi quan trọng mà chúng tôi đang muốn biết.”

    Vì cuộc điều tra đang được tiếp tục, cảnh sát đã tránh cung cấp thêm chi tiết. Theo một người bạn của cô Ngọc, một trong vài lần mà cô Ngọc va chạm với cảnh sát là cô từng bị bắt năm 2016 vì tội ăn cắp một món đồ trị giá dưới 3,700 USD.

    Vào năm 2006, cô từng điền đơn khiếu nại chống lại quán rượu Au Bar tại Vancouver. Lúc đó cô đòi bồi thường vì bị một ly bia đập vào mặt.

    Viethome (theo Dân Việt)

  • Mồ côi cha mẹ, bốn anh em họ Nguyễn ở Pennsylvania (Mỹ) tưởng như rơi vào bóng đêm tuyệt vọng. Nhưng, nhờ vòng tay thương yêu của cộng đồng người Việt khắp nơi, các em đã tìm được nguồn hy vọng mới.

    Sự ra đi của cha mẹ các em đột ngột đến mức tưởng như hư cấu. Nhưng câu chuyện đau lòng lại thực sự xảy ra, biến bốn đứa bé ngây thơ hồn nhiên thành bốn trẻ mồ côi trong tích tắc.

    Sinh khí đã trở về trong căn nhà bốn trẻ mồ côi. (Hình: Đằng-Giao)

    Mất cha mẹ chỉ trong ba tháng

    Vì ông ngoại bị bệnh nặng, nên ba của Joseph Nguyễn, chàng thanh niên 22 tuổi đang là sinh viên ngành quản trị kinh doanh năm cuối tại Đại Học Temple University ở Philadelphia, là ông Nguyễn Xuân Nghị, cư dân Quakertown, Pennsylvania, đưa mẹ và ba người em của Joseph về Việt Nam thăm hồi Tháng Tám, 2018. Joseph bận việc học ở trường nên không theo về.

    Không may, ông Nghị qua đời sau khi đến Việt Nam chỉ vài giờ, vì tai biến mạch máu não, chưa kịp thăm cha vợ. Khi mất, ông chỉ 57 tuổi.

    Chôn cất người chồng chung vai sát cánh bên mình suốt 24 năm qua chưa được ba tháng, thì vào Chủ Nhật, 4 Tháng Mười Một, bà Nguyễn Thị Thúy Vy ho ra máu và thở rất khó khăn. Joseph đưa mẹ vào nhà thương. Sáng hôm sau, bà Vy trút hơi thở cuối cùng lúc 5 giờ, cũng vì tim mạch, theo kết luận của bác sĩ.

    Mồ côi cả cha lẫn mẹ chỉ trong vòng ba tháng ngắn ngủi, Joseph sững sờ như người mất hồn. Các em Joseph là Jonathan 14 tuổi, Jessica 13 tuổi, và Jesse chỉ mới 12 tuổi.

    Sau khi nhật báo Người Việt đưa tin về hoàn cảnh thương tâm này, độc giả khắp nơi không ngần ngại gởi tiền giúp đỡ các em. Đến hôm nay, riêng số tiền của người gốc Việt cho các em đã vượt hơn $253,827.

    Thành viên mới nhất của gia đình các em. (Hình: Đằng-Giao)

    “Đó là nhờ người Việt mình thôi,” bà Châu Thanh Trúc, chủ tiệm Inter Nails & Day Spa, nơi mẹ của Joseph làm việc trong 10 năm qua, và là người hướng dẫn tinh thần các em hiện nay, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.

    “Chỉ trong vài ngày mà mấy cháu có được như vậy, trong lúc báo Mỹ đăng tin gần một tháng mà mới có $49,000,” bà nói rõ.

    “Người mình rất rộng rãi khi chia sẻ tình thương,” bà ghi nhận.

    Ông Anthony Đinh, chồng bà Trúc, nói: “Đây là một công đức lớn lao của người mình. Dù chưa đủ cho mấy đứa học tới nơi, tới chốn, nhưng cũng nói lên tình thương quá quí báu của người Việt mình. Tụi nhỏ có tương lai là nhờ tấm lòng này.”

    Giây phút kinh hoàng

    Ôn lại phút giây kinh hoàng mấy tháng trước, Joseph Huỳnh Nguyễn, nói với giọng đứt khúc vì xúc động: “Lúc đó con đang làm việc. Có điện thoại vô. Con trả lời mà không nghe ai nói gì. Một hồi nữa, con mới nghe tiếng mẹ, nhưng con không hiểu mẹ nói gì, con chỉ đoán là có chuyện không vui vì có tiếng mấy em khóc lớn. Một hồi nữa con mới hiểu mẹ nói: ‘Huỳnh ơi, ba con chết rồi.’”

    Joseph ngăn tiếng nấc rồi cố nói: “Trời ơi, tự nhiên trời tối đen và chân con yếu hẳn đi. Con muốn té nhưng chỉ mất thăng bằng thôi. Ba con mới cười với con mà. Ba hứa sẽ về làm bánh xèo con ăn mà. Sao mà chết lẹ vậy?”

    Nhìn ra thảm tuyết trắng xóa trước sân, Joseph kéo cổ áo ấm lên sát hơn rồi tiếp: “Con thương ba và con sợ cho mẹ lắm, sợ nhiều lắm. Jesse, em út con, mới có 12 tuổi thôi. Sao mà mẹ con lo được.”

    Sau khi tốn mấy chục ngàn đôla để đưa thi hài chồng qua Mỹ theo ý cha mẹ chồng, người mẹ khổ đau này phải lập tức tiếp tục làm nail để trả món nợ vừa mượn và để nuôi con.

    Joseph thở dài: “Không có lương của ba, mẹ con mệt lắm. Lúc trước, nhà con đã nghèo rồi, mà bây giờ còn nghèo hơn. Con muốn nghỉ học, đi làm kiếm tiền phụ mẹ nhưng mẹ la con.”

    “Mẹ nói, ‘Ba mẹ chỉ muốn con học giỏi để mai mốt lo cho bản thân con. Ba mẹ cực chỉ vì muốn các con sung sướng. Mẹ cấm con nghỉ học. Con chỉ còn mấy tháng là ra trường. Con nghỉ học, mẹ buồn lắm.’ Sợ mẹ buồn, con ráng tới trường nhưng cái đầu con nghĩ lung tung, không học được gì,” em dụi mắt.

    Những giây phút kinh hoàng của các em. (Hình: Anthony Đinh cung cấp)

    Có lẽ đoán được tâm trạng con mình, bà Vy gọi điện thoại cho Joseph bốn, năm lần một ngày.

    “Lúc thì hỏi con đang làm gì. Lúc thì nhắc con ráng ăn, đừng nhịn đói, coi chừng bệnh vì mẹ thấy con ốm quá,” Joseph kể. “Trong lúc mẹ xuống 20 pound.”

    Rồi ba tháng sau, một tối Thứ Bảy, đi làm về, bà Vy ho ra máu và cảm thấy khó thở. Joseph chở mẹ vô bệnh viện. Vài giờ sau, bà Vy tắt thở vì biến chứng tim. Nguyên nhân nào dẫn đến biến chứng này, bác sĩ không thể kết luận ngoài việc cho rằng bà suy nghĩ quá nhiều. Bà chưa từng bị bệnh tim.

    Ông bà nội các em từ Florida qua giúp các cháu. Nhưng ở tuổi ngoài 80, họ không giúp được gì ngoài việc cơm nước.

    “Mai mốt con sẽ giúp những người ‘tội nghiệp’”

    Ngoài kia trời trở lạnh và tuyết bắt đầu rơi trên hàng cây trụi lá. Quay về căn nhà hoang lạnh, bốn đứa bé thút thít bên nhau trong lạc lõng bơ vơ.

    Mới ngày nào, lúc thì ông Nghị đàn guitar cho bà Vy hát, lúc thì Jessica đánh dương cầm cho cha nghe lúc ông làm bếp, bây giờ chỉ còn không gian vắng lặng buồn tênh.

    Đã có lúc, bốn đứa bé côi cút tưởng tương lai chỉ là heo hút mênh mang. Nhưng vòng tay cộng đồng đã ôm chặt các em, cho các em hơi ấm tình người, cho các em niềm tin yêu cuộc sống.

    Để các em vui. Joseph mua một con chó và bốn đứa đồng ý đặt tên là Snoopy.

    Nói với phóng viên nhật báo Người Việt, Joseph tâm sự: “Hồi trước con không dám khóc. Khi buồn mà khóc thì bớt buồn. Nhưng con không được khóc vì con muốn ‘mạnh’ cho mấy em. Con là anh mà. Con biết ba mẹ muốn con ‘mạnh.’”

    Jonathan Hòa, em kế, chia sẻ: “Ba con mất, chưa hết buồn thì mẹ con mất. Lúc đó con buồn nhiều, buồn nhiều lắm. Buổi tối, lúc đi ngủ con khóc nhiều, khóc nhiều lắm. Có khi con khóc to lắm rồi con ráng khóc nhỏ nhỏ để anh và mấy em con khỏi lo cho con. Con biết ai cũng khóc trên giường như con thôi.”

    Em hạ giọng: “Không được khóc lớn, khó thở lắm.”

    Jonathan đang học guitar bằng những cây đàn cha em để lại. “Con muốn giống như ba,” em nói.

    Nỗi ám ảnh cả đời của các em. (Hình: Anthony Đinh cung cấp)

    Ban ngày, các em nhắc nhau mà vui sống. Nhưng khi tối về… Jessica Mimi và Jesse Hiệp, hai đứa nhỏ nhất nhà, cùng ngủ trên giường ba mẹ.

    “Ban ngày con ráng chơi piano cho ba vui vì ba ưa chở con đi học đàn. Hồi đó, ba thích nghe con đàn. Bây giờ, con đàn cho ba nghe. Con tin linh hồn ba vẫn muốn nghe con đàn,” Jessica nói.

    “Con sợ ban đêm. Vì trước khi ngủ, con nhớ ba mẹ nhiều. Tội em Jesse lắm, tối nào nó cũng ôm con gấu mẹ mua cho nó hồi đó. Gấu cũ rồi mà nó ôm hoài. Nó vừa ôm, vừa hôn gấu rồi khóc một mình. Tội nó lắm. Nó nhớ mẹ lắm,” em tâm sự.

    Vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là “tài xế Uber” cho mọi người, Joseph phải can đảm và kiên nhẫn từng giờ.

    Em nói: “Ba mẹ muốn con học. Con sẽ học giỏi để mấy em bắt chước. Bây giờ, em nào cũng có giấy khen. Con mừng vì biết ba mẹ vui. Con mừng vì biết số tiền gởi về cho tụi con là để tụi con học đại học,” em khoe.

    Chớp mắt xúc động, em nghẹn ngào: “Biết mọi người thương tụi con, ba mẹ con vui lắm.”

    Hết hè năm nay, Joseph sẽ tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh. Ở tuổi 14, Jonathan dự định sẽ theo học khoa học điện toán (Computer Science). Cô gái duy nhất Jessica, 13 tuổi, sẽ trở thành bác sĩ. Mới 12, Jesse chưa biết mình thích gì. “Nhưng con sẽ học hết đại học,” em quả quyết.

    Ký ức về cha mẹ và sự đùm bọc của cộng đồng gần xa sẽ sống mãi trong lòng các em.

    Tuyết đang tan và cơn gió hú trên ngọn cây trụi lá đang nhẹ dần.

    Xa xa, ánh thái dương nhuộm ửng một góc trời. Mùa giá rét sắp qua.

    “Con cám ơn nhiều lắm những người không biết tụi con mà giúp tụi con. Xin Chúa giúp họ,” Joseph thành tâm nói. “Mai mốt con sẽ giúp những người ‘tội nghiệp.’”

    Bốn đứa trẻ côi cút ở Pennsylvania sẽ trở thành bốn tấm lòng nhân ái nhờ được nuôi dưỡng bằng tình đồng hương. Căn nhà nhỏ ở Pennsylvania không vắng lặng nữa vì đã có tiếng dương cầm của Jessica và tiếng con Snoopy mừng chủ.

    Trên bàn thờ, ông Nghị, bà Vy an tâm nhìn các con vừa tìm được nụ cười. Nếu ai muốn giúp bốn đứa trẻ mồ côi này, xin gởi ngân phiếu cho Joseph Nguyen, 1741 N. Broad St., Lansdale, PA 19446. (Đằng-Giao)

    Viethome (theo Người Việt)

  • Một gã đàn ông sống ở bang Victoria (Úc) bị cáo buộc giam giữ một người phụ nữ gốc Việt suốt bốn ngày, liên tục cưỡng hiếp và đánh đập cô. Cáo buộc cho biết gã đàn ông tên Robert Wilson đã dọa giết và đòi biến người phụ nữ gốc Việt thành “cỗ máy kiềm tiền”.

    Tài liệu từ tòa án cho biết Robert Wilson làm quen nạn nhân của mình, 39 tuổi, qua ứng dụng hẹn hò Badoo khoảng hai tháng trước, và họ đã có nhiều lần hẹn hò. Rồi Wilson đến đón người phụ nữ gốc Việt khi cô hết giờ làm ở Ivanhoe và chở cô về nhà của ông ta ở Darley, phía tây bắc TP Melbourne, thủ phủ bang Victoria đông nam Úc vào thứ Hai tuần trước.

    Nạn nhân nhập viện. Ảnh: Channel Seven

    Ngay khi cùng vô nhà, gã đàn ông 32 tuổi được mô tả là đã bắt đầu đấm vào đầu nạn nhân, đạp lên bụng và đập mạnh người cô xuống sàn. Sau đó hắn kéo nạn nhân vào phòng ngủ rồi hãm hiếp cô và liên tục đánh cô khi cô chống cự, theo bản tóm tắt điều tra của cảnh sát.

    Nạn nhân đã cầu xin gã bạn trai dừng lại vì quá đau đớn nhưng không được đáp ứng. Wilson bị cáo buộc đã bóp cổ nạn nhân, đòi lấy tiền của cô và hỏi cô “Mày có muốn chết không hả?”. Trong tình thế đó, nữ nạn nhân đã phải tuân theo yêu cầu và Wilson bị cáo buộc đã chuyển 3.000 đô la Úc từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân vào tài khoản của hắn ta.

    Robert Wilson khoe hình ảnh trên Facebook.
    Hình ảnh Robert Wilson trên Facebook.

    Bản tóm tắt điều tra cho biết Wilson đe dọa nạn nhân rằng nếu cô không nghe lời, hắn sẽ biến cô thành một cỗ máy kiếm tiền bằng việc buộc cô bán dâm cho những người đàn ông khác. Cảnh sát bang Victoria cáo buộc Wilson đã sử dụng nhiều loại vũ khí để đe dọa nạn nhân, trong đó bao gồm một cây nỏ và một khẩu súng săn cá dưới nước, trong suốt những ngày bị giam cầm.

    Vụ giam giữ và hành hạ kéo dài cho đến khi một người bạn của nạn nhân tên Thien Truong, liên lạc được với Wilson vào ngày 28-3 vừa qua trên Facebook. Anh Truong nói với 7 News rằng anh đã liên lạc với bạn mình qua Facebook nhưng chính Wilson lại là người trả lời. "Điều duy nhất tôi nghĩ lúc đó là làm cách nào để giải cứu cô ấy. Cô ấy đã khóc và nói rằng cô ấy đang ở trong một tình huống rất tồi tệ. Cô ấy đã bị đánh đấm, bị hắn ta hãm hiếp, và không có thức ăn'', anh Truong nói.

    Theo 7 News đưa tin, Wilson đã quay một video để cố gắng thuyết phục bạn bè của nạn nhân rằng cô ấy ổn và cô ấy đã không bị giam giữ. Tuy nhiên, bạn bè của nạn nhân đã không tin video này và đã thuyết phục Wilson thả cô ra. Thông tin cho rằng Wilson đã để cho nữ nạn nhân gốc Việt rời đi vào ngày 29-3.

    Theo báo The Age, nữ nạn nhân, sống ở Úc đã ba năm, ngay sau được thả đã tìm đến trình báo cảnh sát sự việc trong tình trạng thương tích đầy mình, hai mắt hầu như không thể nhìn thấy gì rõ ràng. Báo The Age cho biết trong suốt bốn ngày giam giữ nạn nhân, theo hàng xóm ở cùng con đường Grey Street, Wilson vẫn hành xử rất bình thường, tiếp tục điều hành công việc, thân thiện với hàng xóm, và thậm chí, có bạn đến nhà chơi.

    Các nhà điều tra của đội Chống Tội phạm Tình dục đã bắt giữ Wilson tại nhà riêng của hắn ta ở Darley hôm 2-4. Wilson đã bị cáo buộc ba tội hiếp dâm, tội cố ý cầm tù, cố ý gây thương tích, liều lĩnh gây thương tích và trộm cắp. Hắn ta sẽ phải ra tòa vào ngày mai, 5-4.

    Viethome (theo alouc)

  • Văn Phòng Biện Lý Los Angeles County hôm Thứ Hai, 25 Tháng Ba, vừa truy tố năm thành viên băng đảng, gồm ba trai và hai gái, đâm và cướp xe của một cô giáo gốc Việt, đang có bầu, dạy tại trường Beverly Hills Catholic ở khu vực Sunland, Los Angeles (Mỹ), hôm Thứ Tư, 20 Tháng Ba.

    Theo đài truyền hình Fox 11, năm nghi can, Christian Reyes, 20 tuổi, Andrew Bran, 19 tuổi, Jesus Morales, 18 tuổi, Christina Luna, 24 tuổi, và Monica Gomez, 25 tuổi, bị truy tố tội dự định hạ sát cô Tanya Nguyễn, và vừa bị đưa ra Tòa Thượng Thẩm California ở Los Angeles County hôm Thứ Hai.

    Cô Tanya đang được điều trị trong bệnh viện.

    Tất cả năm cá nhân nêu trên bị truy tố một tội dự định giết người một cách dã man, cố tình, và có chủ tâm, cướp xe, ăn cướp cấp độ hai, và lái xe làm hư tài sản rồi bỏ chạy, theo thông báo của văn phòng biện lý.

    Trong băng video để trong xe hơi vừa được tung ra, người ta có thể nghe thấy cô giáo Tanya Nguyễn tìm cách sống sót trong lúc la lớn “Tôi đang có bầu!” đối với những kẻ tấn công, đang đâm cô hơn 10 nhát, bao gồm nhát đâm vào mặt cô.

    Cô Tanya bị gãy mất răng cửa và bị đâm thủng phổi. Băng video an ninh ở khu vực cho thấy các nghi can lái chiếc Kia của cô Tanya Nguyễn đâm vào một chiếc xe đang đậu trên đường.

    Nghi can Reyes còn bị truy tố thêm một tội, cố ý làm cho nạn nhân bị thương nặng hơn, và bị truy tố thêm tội sử dụng vũ khí gây chết người – đó là một con dao, các giới chức nói. Tiền thế chân cho nghi can Reyes được ấn định $1.9 triệu, và tiền thế chân cho bốn nghi can còn lại mỗi người $1.4 triệu. Nếu bị kết tội, theo văn phòng biện lý, tất cả năm nghi can này có thể bị án tù cao nhất trong nhà tù tiểu bang.

    Cô Tanya gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người.

    Theo cảnh sát, khoảng 6 giờ chiều Thứ Tư, 20 Tháng Ba, cô Tanya Nguyễn đậu xe bên ngoài nhà mình. Đúng lúc đó, ba nghi can Reyes, Bran, và Morales ập đến và cướp xe của cô. Nghi can Reyes bị tố cáo đâm nạn nhân nhiều nhát trước khi tất cả lái chiếc xe cướp của nạn nhân đi mất, rồi đụng vào các chiếc xe đang đậu. Trong khi đó, hai nghi can nữ, Luna và Gomez, đậu xe gần đó, chở tất cả đi trốn, các công tố viên nói.

    Một tài khoản vừa được mở trên GoFundMe để có tiền giúp cô Tanya Nguyễn trả chi phí bệnh viện và hồi phục sức khỏe. Một đoạn YouTube do một người tên Cheryl Lee Scott đăng lên hôm Chủ Nhật, 24 Tháng Ba, cho thấy cô giáo gốc Việt nằm trên giường bệnh, lên tiếng cảm ơn tất cả mọi người giúp cô trong những ngày qua. “Tôi xin cảm ơn tất cả mọi người hỏi thăm và giúp đỡ. Tôi không thể ngờ có nhiều bạn bè quan tâm đến tôi. Tôi sẽ vượt qua được tất cả,” cô Tanya Nguyễn nói.

    Sự việc đang được Sở Cảnh Sát Los Angeles điều tra thêm. Bạn có thể quyên góp cho cô Tanya thông qua link này https://www.gofundme.com/tanya-n. Hiện quỹ đã gây được $57,000 trong mục tiêu $100,000 để giúp cô Tanya và em bé. 

    Viethome (theo Người Việt)

  • Cảnh sát thành phố Los Angeles (bang California, Mỹ) cho biết một phụ nữ gốc Việt tên Tanya Nguyen (33 tuổi) đã bị đâm trọng thương bên ngoài nhà riêng.

    Theo kênh KTLA ngày 23.3, nạn nhân - là cô giáo dạy lớp 1 - đang đậu xe trước nhà thì bị 3 thanh niên đến xin chiếc điện thoại di động của cô. Bị Nguyen từ chối, một thanh niên trong nhóm đã dùng dao đâm liên tiếp vào vùng ngực của cô.

    Các nghi phạm sau đó cướp xe của Nguyen song tự đâm vào các xe khác ở khu dân cư gần đó nên đã vứt xe để bỏ chạy.

    Theo chồng của Nguyen, cô đang mang thai con đầu lòng được 12 tuần tuổi và cô đã bị 10 vết đâm trong vụ tấn công, trong đó có một vết đâm xuyên phổi. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của Nguyen dần ổn định.

    Các kiểm tra sơ bộ cho thấy tim thai nhi vẫn còn đập song các bác sĩ sẽ sớm siêu âm để xác định thêm tình trạng thai nhi.

    Cảnh sát đã bắt được 2 nghi phạm và đang mở rộng điều tra thêm nhằm vào nhóm thanh niên này.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Những chỉ dấu đang ngày càng khép lại quanh nghi can sát hại nữ sinh viên gốc Việt tên Sophie Lê Tân, đến học đại học tại TP Strasbourg, Pháp. Cô gái 20 tuổi đã mất tích cách đây 6 tháng.

    Ra tòa ngày 28-3, Jean-Marc Reiser, nghi can chính trong vụ mất tích đầy bí ẩn của nữ sinh viên Sophie Le Tan, đã đối mặt với một chứng cứ mới mà người ta tin rằng sẽ vạch mặt được hắn: dấu vết ADN của Sophie được tìm thấy trên tay cầm của chiếc cưa trong kho nhà gã đàn ông 58 tuổi này.

    Ông Tri Lê Tân, cha của Sophie, đem theo hình con đòi công lý trong một lần tập hợp trước tòa án ở TP Strasbourg - Ảnh: AFP

    Nghi can có quá khứ kinh hoàng

    Trong cuộc thẩm vấn kéo dài đến 8 giờ đồng hồ, thẩm phán Eliette Roux đã trưng ra những chứng cứ mạnh mẽ của bên pháp y: từ những vết máu tìm thấy trước đó trên chiếc cưa, các chuyên gia đã xác định được vết ADN của Sophie.

    Một nguồn tin thông thạo về cuộc thẩm vấn này kể với Hãng tin AFP rằng Jean-Marc Reiser đã tỏ ra bối rối. Thế nhưng một trong các luật sư của Reiser là Pierre Giuriato cho biết không thể xác nhận hay bình luận về thông tin trên liên quan thân chủ của mình. Tuy nhiên, vị luật sư này có thừa nhận thân chủ mình đã bị truy hỏi về chiếc cưa trong nhà kho.

    Nhưng luật sư cũng khẳng định vết máu hay vết ADN trên cưa không có nghĩa thân chủ của mình là hung thủ, cũng như chuyện không có gì chắc chắn thân chủ mình liên quan đến sự mất tích bí ẩn của Sophie Lê Tân vào tháng 9-2018 khi cô nói với gia đình là đi xem một căn hộ cho thuê ở Schitigheim, ngoại ô TP Strasbourg, miền đông bắc của nước Pháp.

    Schitigheim là nơi nghi can Reiser cư ngụ và đăng báo cho thuê nhà trên mạng. Cảnh sát đã tìm thấy một cái rìu đẫm máu trong kho chứa đồ nhà Reiser nhưng gã vẫn chối.

    Reiser có nhiều tiền án và đã ăn cơm tù 15 năm sau phiên tòa năm 2001 về những vụ hiếp dâm y đã thực hiện trong những năm 1995-1996. Trong năm 2001, Reiser được tuyên vô tội trong một phiên tòa xử hắn liên quan vụ mất tích vào năm 1987 của một cô gái 23 tuổi mà thi thể không được tìm thấy.

    Những người dân Pháp ở ngoại ô TP Strasbourg đến nay vẫn dành thời gian đi tìm kiếm vết tích của Sophie Lê Tân - Ảnh: RTL

    "Điều tra nhân dân"

    Sophie Lê Tân đi xem căn hộ để thuê vào sáng 7-9-2018. Nữ sinh gốc Việt dự tính quay về nhà vào buổi trưa để cùng gia đình làm tiệc sinh nhật thứ 20 cho cô. Nhưng cô gái đã không quay về được như dự tính.

    Nhiều chứng cứ hướng đến khả năng Reiser là hung thủ như các vết máu có dấu hiệu bị lau chùi. Reiser đã bị tạm giam vài ngày sau khi có thông tin Sophie bị mất tích nhờ các cuộc điện thoại nặc danh gọi đến chính quyền.

    Reiser bị các cáo buộc bắt cóc, giam cầm và giết người. Tuy nhiên luật sư vẫn biện hộ bằng câu chuyện như sau: Sophie đúng là có lên xem căn hộ của Reiser nhưng khi đó cô gái bị chảy máu ở bàn tay và đã được Reiser săn sóc giúp. Vì thế mới có vết máu của cô gái ở căn hộ của hắn ta.

    Vấn đề là thi thể của Sophie hiện đang ở đâu? Cho đến hôm nay, nhiều người dân địa phương vẫn không ngừng tham gia những cuộc tìm kiếm, bên cạnh cuộc điều tra của cảnh sát.

    Một trang Facebook được thành lập kêu gọi tham gia và hàng trăm người đã tự nguyện tham dự các cuộc tìm kiếm trong các khu vực quanh nơi cô gái được nhìn thấy lần cuối. Họ đã chia nhau lục lọi từng mét đất trên diện tích 112km2trong khu rừng, nơi Reiser và Sophie đã đi qua, theo dấu vết trong iPhone. Họ đã tìm thấy một mảnh vải, một sợi dây giày, một sợi tóc.

    Hình ảnh nữ sinh trẻ tuổi mất tích khi đi tìm nhà trọ.

    Câu chuyện tình nguyện của họ đã trở thành đề tài của truyền thông địa phương. Họ tổ chức bán bánh ngọt, lấy tiền mua dụng cụ hỗ trợ tìm kiếm, kể cả thiết bị bay không người lái, hay thuê thợ lặn tìm dấu tích Sophie dưới các ao hồ. Họ đi từng nhà trong khu vực, điều tra, tìm kiếm nhân chứng.

    Những người tham dự cuộc "điều tra nhân dân" khẳng định sẽ tiếp tục cho tới khi tìm được Sophie. Một người đàn ông trả lời truyền thông: "Tôi không quen biết cô gái ấy, nhưng Sophie cũng như con gái tôi, không thể không làm điều gì đó".

    Ông Tri Lê Tân, cha của Sophie, nói rằng ông rất cảm động trước tinh thần hỗ tương của người dân địa phương.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Báo chí Nhật Bản đưa tin, người đàn ông Việt Nam đang làm thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản bị tâm tử vong tại thành phố Asahikawa chiều 27/2.

    Theo Japan Today, nạn nhân là Than Van Nghia (35 tuổi), đang làm thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản. Anh bị  đâm tử vong tại ga JR Asahikawa ở Asahikawa, tỉnh Hokkaido. Cảnh sát cho biết một nghi phạm đã bị bắt khoảng 3 giờ sau đó.

    Một người qua đường đã gọi điện báo cảnh sát sau khi chứng kiến vụ việc vào khoảng 16 giờ 40 bên ngoài nhà vệ sinh gần cửa soát vé. Nạn nhân bị đâm nhiều nhát vào cổ và những vị trí khác. Anh Nghia được đưa đến bệnh viện, nhưng đã tử vong khoảng một giờ sau đó.

    nguoi viet bi tai ga tau
    Một góc nhà ga JR Asahikawa ở Asahikawa. Ảnh: Wikipedia

    Theo cảnh sát, nghi phạm là Nguyen Ngoc Tung (24 tuổi), quốc tịch Việt Nam. Tung cũng là thực tập sinh kỹ thuật. Nghi phạm đã chạy khỏi nhà ga trên một chiếc taxi. Tuy nhiên, từ camera an ninh ở nhà ga, cảnh sát đã bắt giữ Tung trong một tòa nhà gần đó.

    Cảnh sát cho biết nạn nhân và nghi phạm biết nhau và đã cãi nhau ngay trước khi xảy ra vụ việc. Một con dao, được cho là hung khí giết người, đã được tìm thấy trong một thùng rác gần nơi Tung xuống taxi, cảnh sát cho biết.

    Theo cảnh sát, Tung thừa nhận đã dùng dao đâm nạn nhân, nhưng phủ nhận việc mình có ý định giết người. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra.

    Bài liên quan: Góc khuất cuộc sống thực tập sinh Việt ở Nhật: Phá thai hay về nước?

    Khi một cô gái trẻ người Việt phát hiện mình có thai vào năm ngoái, khi đến Nhật theo dạng visa thực tập sinh, cô phải đối mặt với một lựa chọn oái oăm: "phá thai hay trở về Việt Nam?".

    Theo Hãng tin Reuters, chương trình visa thực tập sinh ở Nhật Bản sẽ có nhiều thay đổi, dẫn tới cơ hội làm việc cho lao động nhập cư bị hạn chế. Dù vậy, quyền lợi của họ được đảm bảo hơn.


    Công nhân Việt Nam tại Nhật đón tết ở Kawaguchi - Ảnh: REUTERS

    Gánh chi phí tuyển dụng đắt đỏ

    Bài viết trên Reuters ngày 19-3-2019 bắt đầu bằng một trường hợp đau xót. Khi một cô gái trẻ người Việt Nam phát hiện mình có thai vào năm ngoái, khi đến Nhật theo dạng visa thực tập sinh, cô phải đối mặt với một lựa chọn oái oăm: "Phá thai hay trở về Việt Nam?".

    Cô gái này dĩ nhiên không muốn phá thai, nhưng cũng khó quay về vì không thể trả lại khoản tiền 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng) đã vay mượn để trả cho các nhà tuyển dụng.

    Đây là trường hợp điển hình cho các lao động Việt Nam khi phải gánh chi phí tuyển dụng đắt đỏ. Và theo Reuters, những người trẻ Việt Nam - vốn thuộc nhóm lao động nước ngoài phát triển nhanh nhất tại Nhật - sẽ nằm trong số những người bị ảnh hưởng rõ rệt nhất từ chương trình mới sắp áp dụng vào tháng 4 này dành cho các công nhân.

    Futaba Ishizuka, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển kinh tế ở Nhật, nói: "Những thực tập sinh từ Trung Quốc đã giảm số lượng vì mức lương ở Trung Quốc đã gia tăng, trong khi ở Việt Nam, người trẻ thất nghiệp nhiều dù học vấn cao, nên lại có rất nhiều người trẻ muốn ra nước ngoài làm việc".

    Trước đây, chương trình thực tập được biết đến rộng rãi như cánh cửa mở ra cho công nhân tại Nhật. Nhưng kèm theo đó lại là vô vàn những báo cáo về tình trạng lạm dụng lao động bao gồm lương thấp hoặc không trả lương, làm việc ngoài giờ, bạo lực và cả lạm dụng tình dục.

    Tại Việt Nam trong khi đó cũng tồn tại tình trạng những công ty tuyển mộ vô đạo đức, lợi dụng nhu cầu công việc này để trục lợi, thu phí cao.

    Mọi thứ có thể thay đổi khi Chính phủ Nhật áp dụng các quy định mới, mặc dù các nhà hoạt động, học giả hay thực tập sinh đa phần lo ngại những thay đổi ấy sẽ… tiêu cực hơn.

    Lấy ví dụ một chi tiết nhỏ, khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói về luật mới, ông khẳng định nó "không cấu thành chính sách nhập cư". Theo phân tích của Akira Hatate, giám đốc Liên minh Tự do dân sự Nhật Bản, điều này gợi mở rằng người lao động sẽ không ở lại lâu dài mà chỉ tạm bợ thôi.

    Ông nói: "Nhu cầu của xã hội không được đáp ứng, còn nhu cầu của công nhân cũng không được đáp ứng".

    Thực tập sinh người Việt ở nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô tại Nhật Bản - Ảnh: Nikkei Asian Review

    Bỏ việc vì yêu cầu khắt khe

    Hệ thống thực tập sinh (trainees system) của Nhật bắt đầu từ năm 1993, với mục tiêu chuyển giao kỹ năng làm việc cho công nhân từ các nước đang phát triển. Nhưng các biểu hiện lạm dụng lao động dai dẳng đã sớm lộ diện.

    Năm ngoái, một cuộc tranh cãi diễn ra tại Nhật về các vấn đề lạm dụng này, giữa giai đoạn luật mới ban hành. Đáng chú ý, trong các trường hợp lạm dụng kinh điển nhất có cả việc thực tập sinh tại 4 công ty bị đưa đi làm việc khử nhiễm tại các khu vực bị bức xạ ảnh hưởng ở Fukishima sau thảm họa hạt nhân năm 2011.

    Hai trong số các công ty trên đã bị cáo buộc trả lương không phù hợp và bị cấm thu nhận thực tập sinh trong vòng 5 năm.

    Tổng quan, khảo sát của bộ lao động Nhật hồi tháng 6-2018 cho thấy hơn 70% người lao động dạng thực tập đã vi phạm luật lao động, bao gồm việc làm quá giờ và các vấn đề về an toàn. Trong khi đó, các vi phạm kiểu này ở người lao động nói chung chiếm 66%.

    Năm 2017, một tổ chức quan sát được thành lập với tên gọi Tổ chức hoạt động vì đào tạo kỹ thuật cho thực tập sinh (OTIT). Tháng 3 này, OTIT ra một biên bản nhắc nhở các công ty rằng thực tập sinh đang là những người lao động dưới sự giám sát của luật lao động Nhật Bản. OTIT đặc biệt cấm hành vi đối xử thiếu công bằng với công nhân mang thai.

    Tuy vậy, các điều kiện khắc nghiệt đã dẫn tới tình trạng hơn 7.000 công nhân thực tập sinh bỏ việc trong năm 2017. Đa phần lý do bỏ việc nằm ở chỗ họ hụt hẫng vì lời hứa hão của dân môi giới việc làm về chuyện lương bổng hoặc giấy tờ. Reuters cho biết một nửa công nhân bỏ việc là người Việt Nam.

    Khi bỏ việc, điều trái khoáy là công nhân không được chuyển công ty theo luật. Vì vậy buông công việc tại công ty này ra - trong khi không thể về nước vì còn nợ tiền - họ buộc phải làm "chui" vì visa thực tập sinh không hỗ trợ nữa.

    VietHome