• Ngay khi được đưa tới bang Shan, phía bắc Myanmar, cô gái trẻ 19 tuổi lập tức nhận ra mình đã sập bẫy của những kẻ buôn người.

    Hãng tin Al Jazeera đã đăng bài viết về tình cảnh của một số phụ nữ Việt là nạn nhân của nạn buôn người:

    Vốn mong ước có được công việc mới, Diệp (tên nhân vật đã được thay đổi), cô gái Việt Nam 19 tuổi đã quyết định sang Myanmar. Nhưng điều chờ đợi Diệp là bị nhốt một mình trong căn phòng khóa kín ở bang Shan. Diệp có thể nghe thấy tiếng những người khác, nhưng không nhìn thấy họ. Bên ngoài ngôi nhà là những người đàn ông được vũ trang đang đứng canh gác.

    bi lua sang myanmar
    Một số nạn nhân đã đi bộ suốt nhiều ngày để thoát khỏi bọn buôn người. Ảnh: Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh

    Sập bẫy "công việc lương cao"

    Lớn lên trong một gia đình nghèo có 5 anh chị em, bố mẹ không có đủ tiền chi trả học phí nên Diệp phải bỏ học năm mới 14 tuổi để làm việc trong một nhà máy. Sau 3 năm, cô gái chuyển sang làm thuê tại các cửa hàng bán quần áo và nhà hàng tại TP.HCM, nhưng mức thu nhập vẫn thấp. 

    Năm 2019, một người đàn ông là bạn của một người quen với Diệp đã liên hệ với cô qua Facebook. Người này đề nghị giới thiệu việc làm cho Diệp ở Myanmar. Sau nhiều lần gặp gỡ để trao đổi, Diệp chấp nhận vị trí phục vụ bàn được trả lương cao. Cô đồng ý bay tới Myanmar cùng người đàn ông.  

    “Cơ hội này là đáng giá. Tôi sẽ có thể tiết kiệm tiền, hỗ trợ bố mẹ, và mua quần áo mới cho họ”, Diệp nói.

    Sau khi đến sân bay của Myanmar, Diệp bị chở đi khắp nơi trong 24 giờ trên nhiều chiếc ô tô khác nhau, cho đến khi họ đến bang Shan. Tới lúc bị nhốt trong phòng, Diệp mới được thông báo công việc của cô là bán dâm. Cô gái tức giận và nhất quyết từ chối. 

    Những kẻ giam giữ đã đánh đập cô rất dã man. Nhưng bất chấp sự đau đớn, cô gái vẫn tiếp tục chống cự, và khẳng định sẽ không làm gái mại dâm. Sau những trận đòn roi, một tên bảo vệ đã vào phòng và cưỡng hiếp Diệp. Hắn đe dọa, nếu không chịu bán dâm, hình phạt hàng ngày của Diệp sẽ là bị cưỡng hiếp. Đến lúc này, cô gái buộc phải nghe theo lời. 

    Tại nơi bị giam giữ, Diệp được phép tiếp xúc và nói chuyện với những phụ nữ khác. Vài người trong số này cũng là người Việt Nam. Tất cả các cô gái đều bị ép dùng ma túy đá để phục vụ công việc bán dâm.  

    Diệp muốn bỏ trốn, nhưng nhanh chóng từ bỏ ý định vì biết rằng nếu bị bắt lại, cô có thể bị giết. “Tôi không thể tin là mình bị rơi vào hoàn cảnh như thế. Ngay cả trong ác mộng, tôi cũng chưa nghĩ đời mình sẽ như vậy”, Diệp tâm sự. 

    Hành trình trở về nhà đầy nước mắt

    Theo tờ Al Jazeera, vào một ngày nọ, với sự giúp đỡ của Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation), một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Hà Nội chuyên giải cứu các nạn nhân của nạn buôn người, một người phụ nữ mà Diệp kết bạn đã trốn thoát.

    Cuối cùng, tổ chức Rồng Xanh đã lên kế hoạch giải cứu Diệp. Khi trở lại Việt Nam, Diệp đã 22 tuổi. Cô bị bắt làm nô lệ tình dục hơn 3 năm. “Khi biết được bản thân được tự do, được về nhà, có thể gặp lại cha mẹ mình, và nỗi đau đã chấm dứt… Đó thực sự là một cú sốc. Tôi không thể tin được”, Diệp nói. 

    Tổ chức Rồng Xanh cho biết, họ không thể chia sẻ chi tiết chính xác về quá trình giải cứu, do lo sợ điều này có thể gây nguy hiểm đến những nỗ lực sau này nhằm đưa phụ nữ bị buôn bán trở về Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện của Diệp không phải là duy nhất. Bởi theo báo cáo gần đây của Rồng Xanh, số lượng phụ nữ Việt Nam bị buôn bán sang Myanmar đang ngày càng tăng.

    Trên thực tế, nạn buôn bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc để ép kết hôn nhân hoặc bóc lột tình dục vẫn tiếp diễn, nhưng ở mức thấp hơn nhiều. Trong khi đó, số lượng nạn nhân bị buôn bán để bóc lột sức lao động ở Campuchia, cũng như bị đưa tới Myanmar để ép bán dâm lại gia tăng rõ rệt.

    Vào năm 2020, tổ chức Rồng Xanh đã giải cứu 274 người Việt bị bán sang Trung Quốc. Con số này vào năm 2022 là 110 người. Từ Campuchia và Myanmar, Rồng Xanh đã giải cứu lần lượt 62 và 44 người trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022. 

    Giống như Diệp, Hạnh cũng bị bán sang Myanmar, nơi cô bị ép làm gái mại dâm. Hạnh bị đối xử tàn bạo và bị ép dùng ma túy đá. Cô liên tục bị đe dọa đánh đập, và chứng kiến nhiều vụ xả súng.

    Do khó khăn tài chính trong giai đoạn dịch Covid-19 lây lan, Hạnh đã bị sập bẫy của bọn buôn người, và bị đưa sang Myanmar vào nửa cuối năm 2021. Cô được tổ chức Rồng Xanh giải cứu, và trở về Việt Nam vào tháng 9/2022. 

    Nói về một nạn nhân từng cố gắng trốn khỏi nhà thổ, Hạnh cho biết cô gái này đã bị bắt lại và bị bọn giam giữ đánh đập không thương tiếc, không cho ăn, và còn bị xích lại.  

    Theo Vietnamnet

  • Thay mặt BLL HĐH xã Thanh Trạch tại UK, Tôi xin vô cùng thương tiếc báo tin buồn:

    Anh Phan Anh Tuấn

    Sinh ngày: 19/08/1992

    Quê quán: Thanh Khê, Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình

    Đã từ trần vào tối 11/05/2023 tại Leicester, UK

    Sau khoảng 2 tuần Anh không liên lạc với bạn bè và người thân, thì bạn bè phát hiện Anh đã qua đời từ 1 bài báo của cảnh sát địa phương, họ đăng tin tìm người thân của Anh ấy. Theo nguồn tin của cảnh sát thì Anh mất sau khi được đưa lên xe cứu thương ít phút với các vết thương trên cơ thể. Nguyên nhân cụ thể vẫn đang được phía cảnh sát điều tra.

    chang trai quang binh qua doi tai anh

    Sau khi nhận được tin báo thì gia đình đã làm các thủ tục để xác nhận và cho tới nay mọi việc đã gần như hoàn thành.

    Xót thương thay cho hoàn cảnh éo le, người anh trai của Anh ấy cũng vừa mới mất cách đây hơn 1 năm tại CHLB Đức. Nỗi đau này chưa nguội lạnh thì nỗi đau khác chất chồng lên.

    Thương cho Anh 1 người hiền lành, chưa vợ con, tương lai còn dang dở 1 thì thương cho Ba Mẹ già của Anh nơi quê nhà gấp trăm ngàn lần.

    Vết thương cũ chưa lành lại nhận thêm tin dữ trong vọn vẹn hơn 1 năm trời… Tâm nguyện của gia đình Anh là đưa Anh về với quê hương đất mẹ.

    Vậy, thay mặt GĐ Anh, BLL HĐH xã Thanh Trạch tại UK xin thông báo tới mọi người và kêu gọi sự chung tay, góp sức, nghĩa tử là nghĩa tận, của ít lòng nhiều giúp đỡ cho gia đình Anh ấy để Anh ấy sớm được về với quê hương.

    Đó cũng chính là nén hương dâng lên cầu mong cho Anh được yên nghỉ nơi chín suối. Hoàn thành tâm nguyện cho Ba Mẹ anh ấy được an ủi phần nào.

    MỌI ĐÓNG GÓP XIN LIÊN HỆ:

    Sarah Henry

    Khu vực Birmingham: Anh Linh Lê, Vc Ac Thơm Lĩnh Tuan Anh Anh Tuan

    Khu vực Leicester: Bảo Khang

    Mọi đóng góp qua chuyển khoản mọi người vui lòng chuyển khoản vào tài khoản sau:

    HANH T NGUYEN

    30-90-66

    76122268

    Ref: CHARITY + Tên người gửi hoặc tên Facebook

    Thay mặt gia đình Anh Phan Anh Tuấn xin chân thành cảm ơn và chúc mọi người luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn!

    Nguồn: Sarah Henry

  • Nữ quản lý Nguyet Le tử vong sau khi bị mắc kẹt trong kho đông lạnh của nhà hàng bà làm việc tại thành phố New Iberia, bang Louisiana.

    ket trong kho dong lanh 1

    Nguyet Le, 63 tuổi, quản lý một nhà hàng của hệ thống chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh Arby's, được phát hiện tử vong trong kho đông lạnh vào ngày 11/5. Người phát hiện thi thể là Nguyen Le, con trai bà Nguyet Le.

    Không rõ Le đã ở trong kho đông lạnh bao lâu trước khi được tìm thấy. Nguyên nhân tử vong là hạ thân nhiệt. Khi được tìm thấy, bà "trong tư thế co người, tay ôm đầu, nằm úp mặt xuống sàn nhà đóng băng", theo tài liệu của tòa án.

    Bà Le làm việc tại một cửa hàng Arby's ở thành phố Houston, bang Texas, nhưng được cấp trên yêu cầu chuyển đến cửa hàng ở New Iberia hồi tháng 2. Nguyen cũng làm việc tại Arby's và chuyển đến New Iberia cùng mẹ. Bà lẽ ra ở New Iberia 4 tuần, nhưng sau đó phải làm thêm hai tuần.

    Luật sư của gia đình Le cho biết dường như không có hành vi phạm tội liên quan cái chết của bà, lưu ý nhiệt độ bên trong kho đông lạnh có thể dao động từ -20 đến 5 độ C. Cảnh sát nói rằng nhiều khả năng đó là tai nạn.

    Một cựu nhân viên Arby's nói với gia đình bà Le rằng chốt cửa kho đông lạnh đã bị hỏng nhiều tháng qua và người ta thường dùng tuốc nơ vít để mở cửa. Chi tiết này khiến gia đình bà Le tuần này đệ đơn kiện 4 thực thể gồm Arby's; Inspire Brands, công ty mẹ của Arby's; Turbo Restaurant, nhà điều hành địa điểm xảy ra tai nạn; và công ty quản lý nhượng quyền thương mại Sun Holdings, chủ sở hữu Turbo Restaurant.

    "Bà đi vào kho đông lạnh rồi cánh cửa đóng lại sau lưng, khiến bà mắc kẹt trong đó. Tay bà đẫm máu trong lúc cố gắng thoát khỏi nhà kho hoặc thu hút sự chú ý của người bên ngoài", đơn kiện của gia đình cho hay.

    Theo đơn kiện, gia đình bà Le yêu cầu được bồi thường một triệu USD.

    ket trong kho dong lanh 1
    Bà Nguyet Le và con trai Nguyen Le. Ảnh: NY Post

    Luật sư của gia đình cho biết khi cảnh sát đến hiện trường, một sĩ quan vào kho đông lạnh kiểm tra và cũng bị mắc kẹt trong đó, song được giải thoát kịp thời.

    Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ (OSHA) khuyến nghị những người vào kho đông lạnh nên mặc quần áo ấm, đi giày chống trượt và các doanh nghiệp phải đảm bảo sàn của những kho này không bị trơn trượt. Nhân viên nên kiểm tra kho đông lạnh thường xuyên để đảm bảo không ai ở bên trong và doanh nghiệp nên bố trí phương thức để mở cửa từ bên trong. Theo hướng dẫn của OSHA, nhân viên dưới 16 tuổi không được làm việc trong các kho đông lạnh này.

    VnExpress (theo CBS, NY Post, ABC)

  • Cơ quan chức năng Trung Quốc thông báo có thêm 2 nạn nhân mang giấy tờ Việt Nam tử vong trong vụ tai nạn giao thông tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

    Liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại thành phố Tịnh Tây, Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây ngày 19/5 vừa qua, theo thông tin của Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh ngày 22/5, cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông báo có thêm 2 nạn nhân mang giấy tờ Việt Nam tử vong trong vụ tai nạn, nâng tổng số nạn nhân người Việt lên 13 người, trong đó 11 người thiệt mạng và 2 người bị thương.

    Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước tiến hành xác minh nhân thân các nạn nhân, sớm thông báo gia đình nạn nhân và các địa phương liên quan để kịp thời triển khai các thủ tục cần thiết về hậu sự.

    nguoi viet lat xe trung quoc
    Hiện trường vụ tai nạn có liên quan đến người Việt Nam tại tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc hôm 19/5. Ảnh: news.china.com.

    Trước đó, ngày 21/5, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh đã thăm lãnh sự 2 công dân bị thương. Hai công dân Việt Nam hiện sức khỏe ổn định và mong muốn sớm được về nước đoàn tụ với gia đình.

    Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cục Lãnh sự và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh tiếp tục theo dõi sát vụ việc, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại và cơ quan trong nước hướng dẫn và hỗ trợ gia đình các nạn nhân sớm đưa thi/di hài các nạn nhân về nước; triển khai công tác bảo hộ công dân cần thiết để 2 công dân bị thương sớm về nước.

    Tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết chiếc xe chở 14 người, sau khi bị lật và rơi xuống vực vào hôm 19/5, đã được phát hiện tại một cái ao ở làng Siming, thuộc thành phố Tịnh Tây của Trung Quốc.

    Theo Zing

  • Khi trực thăng cảnh sát vần vũ trên đầu vây bắt nghi phạm nổ súng, đ âm d ao giết 4 người ở Nakano, anh Đăng đóng chặt cửa nhà, mất ngủ cả đêm.

    Chiều tối 25/5, Nguyễn Hải Đăng, 30 tuổi, phiên dịch viên người Việt làm việc cho một công ty ở Nakano, tỉnh Nagano, Nhật Bản, đang trên đường trở về nhà thì nhìn thấy xe cảnh sát, xe cứu thương chạy đầy đường. Điện thoại của anh cũng liên tục đổ chuông, các đồng nghiệp tới tấp gọi để hỏi han tình hình.

    Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, Đăng đọc tin tức trên điện thoại và nhận ra có một vụ đâm dao, nổ súng tại khu vực cách nhà anh chỉ khoảng 500 m. Nam nghi phạm ngoài 30 tuổi đã dùng dao sát hại một phụ nữ, sau đó dùng súng bắn chết hai cảnh sát tới hiện trường, rồi bắt con tin và cố thủ trong một ngôi nhà. Nạn nhân thứ tư tử vong đêm hôm đó.

    Cảnh sát đã triển khai lực lượng đông đảo tới hiện trường để truy bắt nghi phạm. Cư dân trong bán kính 300 mét xung quanh nơi nghi phạm cố thủ được yêu cầu sơ tán, trong khi toàn bộ người dân thành phố Nakano được khuyến cáo ở trong nhà cho đến khi an toàn. Cuộc vây ráp được tiến hành suốt cả đêm 25/5.

    "Khi định thần, tôi lập tức về nhà với vợ con, đóng chặt cửa theo khuyến cáo của giới chức. Khi đó, cả nhà nghe thấy hai phát súng lớn. Cả đêm trực thăng vần vũ trên bầu trời, không thể ngủ được", Đăng nhớ lại.

    nguoi viet o nhat ban 1
    Cảnh sát gần hiện trường vụ đâm dao, nổ súng ở thành phố Nakano, tỉnh Nagano ngày 25/5. Ảnh: Kyodo

    Nakano là nơi có đông đảo người Việt sinh sống và làm việc. Nhiều người Việt rất bất ngờ và lo lắng khi nghe tiếng còi cảnh sát inh ỏi tại vùng thôn quê vốn rất yên tĩnh.

    "Tôi và mọi người hay tin về vụ giết người khi đang làm trong xưởng. Ai cũng hoảng loạn vì sự việc như vậy chưa từng xảy ra ở vùng này", Hà My, 22 tuổi, thực tập sinh người Quảng Trị đang làm việc tại Nagano, nói. Khi tan làm, My đã không dám về nhà, do lo sợ nghi phạm có thể thoát khỏi vòng vây của cảnh sát.

    Chinh, người Việt làm việc tại xưởng đối diện, cho biết cảnh sát đã phong tỏa mọi tuyến đường xung quanh nhà. "Ở một mình nên tôi rất sợ, phải đeo tai nghe để ngủ", cô nói.

    Nguyễn Mai, 30 tuổi, nội trợ ở Nakano, cho hay hai vợ chồng đã phải liên tục cập nhật tin tức từ truyền thông cả đêm, khi chiến dịch truy lùng nghi phạm của cảnh sát diễn ra. "Đây là sự việc rất lớn, nhà lại có con nhỏ đang đi nhà trẻ, nên chúng tôi rất lo lắng", Mai cho hay.

    Đến khoảng 4h30 ngày 26/5, cảnh sát bắt được nghi phạm bên ngoài khu trang trại gần thành phố Nakano. Anh ta được xác định là Masanori Aoki, 31 tuổi, con trai người đứng đầu hội đồng thành phố. Sau khi gây án, Aoki đã cố thủ trong nhà của bố trong nhiều giờ cùng với con tin.

    nguoi viet o nhat ban 1
    Nghi phạm Masanori Aoki, 31 tuổi. Ảnh chụp màn hình NHK

    Đây là trường hợp tội phạm bạo lực hiếm hoi ở Nhật Bản, nơi tỷ lệ giết người thấp và luật súng đạn nghiêm ngặt nhất thế giới. Giám đốc Ủy ban An toàn Công cộng Quốc gia Koichi Tani cho biết nghi phạm đã được ủy ban tỉnh cấp phép sở hữu súng săn và súng hơi.

    "Tôi rất ngạc nhiên khi biết nghi phạm là con trai chủ tịch hội đồng thành phố. Tôi từng nói chuyện với anh ta hồi năm ngoái, khi đến thăm nhà ông chủ tịch. Đó là một thanh niên bình thường, chuyên tâm làm nông, gia đình cũng không có gì bất hòa", một người hàng xóm nói với truyền thông Nhật ở trung tâm sơ tán.

    Sự việc càng làm tăng nỗi bất an trong dư luận Nhật Bản, nơi được coi là một trong những quốc gia an toàn hàng đầu thế giới. Người dân nước này tháng 7 năm ngoái đã chấn động vì vụ ám sát cựu thủ tướng Shinzo Abe bằng súng tự chế. Hồi tháng trước, Thủ tướng Fumio Kishida cũng bị tấn công bằng bom ống khi vận động tranh cử ở thành phố miền tây Wakayama.

    Cảnh sát chưa xác định động cơ của nghi phạm Masanori Aoki trong vụ tấn công ngày 25/5. Nhiều người Việt tại Nakano thở phào khi biết nghi phạm đã bị bắt và cộng đồng đều được an toàn, nhưng cho hay quan điểm về một nước Nhật bình yên tuyệt đối đã bị lung lay sau sự việc.

    "Trong 8 năm sinh sống ở Nhật, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tượng như vậy. Tôi đã nghĩ rằng vùng thôn quê sẽ thanh bình hơn", anh Đăng nói.

    "Nhật có mức độ an ninh cao vì người dân luôn tuân thủ quy định. Nhưng ngược lại, khi họ bức xúc thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra", Chinh cho biết.

    Theo VnExpress

  • Mới đây, trên page của Cảnh sát Leicestershire Police đã đăng thông tin tìm kiếm thân nhân của một người đàn ông bị thương nặng. Nạn nhân tên Hiep Mjuyen (Hiep Nguyen), 31 tuổi, được phát hiện bị thương nghiêm trọng vào tối ngày thứ Năm, 11 tháng 5/2023. 

    Dịch vụ khẩn cấp đã được gọi tới hiện trường nhưng không lâu sau đó anh đã qua đời vì chấn thương. Cái chết của anh được cho là không có gì đáng ngờ. Hiện trường vụ việc xảy ra tại nhà anh trên đường Welford Road, Leicester. 

    hiep nguyen qua doi leicester

    Cảnh sát vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc. Điều tra viên David Greenhalgh cho biết: "Cả cảnh sát và điều tra viên những vụ chết bất thường (coroner) đều không tìm ra được họ hàng của ông Mjuyen. Vì vậy tôi kêu gọi bất cứ ai biết nạn nhân, hay gia đình nạn nhân, hãy báo cáo cho cảnh sát. Có thể gia đình nạn nhân vẫn chưa biết về sự ra đi của người thân. Bất cứ thông tin nào của bạn cũng có thể giúp chúng tôi". 

    Bạn có thể truy cập website www.leics.police.uk và làm theo hướng dẫn để trình báo. Hoặc gọi 101, trích dẫn vụ việc "690 of 11 May".

    Viethome (theo leics.police.uk)

    Bài liên quan: Một số cập nhật về thẻ cư trú người Việt ở Anh cần biết

    Thẻ cư trú (Residence Card) là một dạng ID mà người Việt sử dụng để chứng minh quyền được đi làm hoặc quyền được thuê nhà của mình. Thẻ này được Bộ Nội Vụ cấp cho người nhập cư từ ngày 31/7/2015, có công dụng giúp chứng minh nhân thân, tình trạng nhập cư hợp pháp và các quyền lợi khác.

    Tuy nhiên, vào năm ngoái Chính phủ đã thông qua luật mới với mục đích chuyển đổi thẻ hiện hành sang thẻ điện tử (digital). Từ ngày 6/4/2022, người nhập cư ở Anh sẽ không thể xuất trình thẻ Residence Card để chứng minh quyền đi làm hoặc quyền thuê nhà của mình nữa. 

    THE CU TRU

    Như vậy, căn cứ vào luật mới này, từ ngày 6/4/2022 trở đi, các chủ doanh nghiệp (bao gồm chủ tiệm nail, nhà hàng...) và chủ nhà phải yêu cầu nhân viên hay người thuê nhà cung cấp mã online từ website chính phủ, để chứng minh quyền đi làm hoặc quyền thuê nhà của họ. 

    Người làm thuê và người thuê nhà có thể kiểm tra quyền đi làm và quyền được thuê nhà của mình, sau đó lấy mã online chia sẻ cho chủ doanh nghiệp hay chủ nhà.

    https://www.gov.uk/prove-right-to-work (quyền đi làm)

    https://www.gov.uk/prove-right-to-rent (quyền được thuê nhà)

    Trong khi đó, chủ doanh nghiệp hoặc chủ nhà có thể kiểm tra quyền đi làm của nhân viên hoặc quyền thuê nhà của người đi thuê theo link sau:

     https://www.gov.uk/view-right-to-work (kiểm tra quyền đi làm)

     https://www.gov.uk/view-right-to-rent (kiểm tra quyền thuê nhà)

    Bộ Nội Vụ cũng đang theo lộ trình giới thiệu công nghệ mới cho thẻ di trú vào năm 2024. Đây cũng là lý do mà nhiều người nhập cư được cấp định cư vĩnh viễn hay có thời hạn di trú dài hơn năm 2024, nhưng thẻ di trú lại chỉ có thời hạn đến ngày 31/12/2024.

    Viethome (theo Gov.uk)

  • Tên cướp đã bám theo người phụ nữ suốt 24 dặm sau khi cô rút tiền tại một ngân hàng. 

    Một vụ tấn công ở Chinatown, Houston, đã được ghi lại trên CCTV. Cảnh sát cho biết vào lúc 11h30 sáng ngày 13/2/2023, một người phụ nữ đang đi vào một trung tâm thương mại ở dãy nhà số 9800, đại lộ Bellaire Boulevard, thì bất ngờ một gã đàn ông tấn công cô. 

    Gã này cố tình cướp phong bì đựng tiền trong tay cô. CCTV cho thấy người phụ nữ đánh rơi đồ đạc, bao gồm hộ chiếu, trong nỗ lực lấy lại tiền. 

    Sau đó gã đàn ông chộp được một phong bì mà hắn nghĩ là bên trong có tiền và toan bỏ đi. Nhưng sau đó hắn nhận ra mình nhầm và quay lại, ném người phụ nữ xuống đất. Hắn cướp đúng chiếc phong bì chứa tiền rồi lần này mới bỏ đi. 

    me viet don than bi cuop 3
    Người phụ nữ phải ngồi xe lăn sau vụ tấn công.

    Trước khi bị cướp, người phụ nữ đã đến Ngân hàng Bank of America ở số 9875 Blackhawk Blvd và rút một khoản tiền lớn (4,000 USD) để chuẩn bị cho chuyến đi về Việt Nam cùng gia đình. Trên tay chị là một vài quyển hộ chiếu của gia đình.

    Sau khi rút tiền, chị đã lái xe 24 dặm đến trung tâm thương mại ở Bellaire để mua vé máy bay thì vụ cướp xảy ra. Cảnh sát tin rằng tên cướp đã theo dõi từ lúc chị rút tiền trong ngân hàng và bám theo suốt chặng đường dài.

    Kẻ cướp được mô tả là một người đàn ông da đen ngoài 20 tuổi, dáng gầy, cao khoảng 1m72 - 1m75, nặng khoảng 63kg. Cảnh sát đang treo thưởng 5,000 USD cho ai cung cấp thông tin có thể dẫn đến việc bắt tên cướp. 

    me viet don than bi cuop 3

    me viet don than bi cuop 3
    Hình ảnh vụ cướp.

    Một tháng sau khi vụ cướp xảy ra, người phụ nữ vẫn không thể đi lại. Chị 44 tuổi, là mẹ đơn thân có 3 con nhỏ và phải nuôi mẹ già. Chị là trụ cột chính trong gia đình. 3 người con của chị đều nói tiếng Anh khá tốt, các em đang trong độ tuổi 13, 15 và 20. Một người con đã lập quỹ GoFundMe để quyên tiền giúp mẹ qua cơn hiểm nghèo.

    Đã 7 năm qua chị chưa có điều kiện về VN nhưng lần này muốn về lại gặp chuyện. 7 năm trước, chồng chị qua đời vì ung thư gan. Các bác sĩ cho biết chị chỉ có 50% cơ hội hồi phục hoàn toàn và phải mất 1 năm kiên trì tập vật lý trị liệu.

    Nội dung lời tâm sự của cô con gái tên Linh như sau: "Con chào cô chú, con là Linh, mẹ con là nạn nhân mà bị cướp và hành hung khoản 1 tháng trước ở Chinatown. Mẹ con hiện đang được tập vật lý trị liệu và được điều trị tại TIRR Memorial Hermann. Con có đăng 1 đường link Youtube mà KHOU 11 News đã phỏng vấn con và gia đình về vụ việc này, mong cô chú xem và chia sẻ để giúp đỡ gia đình con, và 1 đường link của GoFundMe phía bên dưới để giúp cho mẹ sau khi xuất viện để có thêm chi phí cho việc ăn uống, tiền nhà, tiền điện, nước và viện phí.

    Vì ảnh hưởng về vụ hành hung mà mẹ con đang bị liệt chân trái và một phần nhỏ của chân phải khiến cho mẹ con không thể đi lại được để mà có thể tiếp tục đi làm, thậm chí mẹ con còn không thể cử động một nửa lưng dưới vì chấn thương này và ảnh hưởng dây thần kinh làm mẹ không thể tự đi toilet được. Nhà con có 3 chị em và chỉ có mẹ là người chăm lo cho chúng con bấy lâu này không chỉ vật chất mà còn là tinh thần, hiện tại mẹ và con đều không thể đi làm được. 2 em con còn nhỏ, không thể giúp gì ngoài việc là giúp mẹ ăn uống và xoa bóp cho mẹ để mẹ có thể mau bình phục 2 em con còn phải tiếp tục đi học. Con viết bài đăng này để xin mọi người giúp đỡ mẹ con và gia đình con và để mọi người hãy cận thận hơn khi rút tiền từ nhà bank. Con cảm ơn cô chú đã dành thời gian ra đọc bài viết này".

    Video quay vụ tấn công.

    Các nhà hảo tâm có thể đóng góp giúp đỡ gia đình bé Linh tại đây https://www.gofundme.com/f/help-my-mom-recover-from-spinal-cord-injury?member=25584817.

    Viethome (theo abc13)

  • Khi liều lĩnh chạy ra khỏi trạm kiểm soát ở Afghanistan, Lê Khả Giáp bị 5-6 lính Taliban kéo lại, tay chảy máu.

    "Những giây phút đáng sợ nhất cuộc đời", Lê Khả Giáp, 28 tuổi, người Hải Dương, nói về sự cố bị quân Taliban giữ 24 tiếng khi đang đi bộ từ thành phố miền đông Jalalabad đến thủ đô Kabul cách đó gần 140 km, hôm 8/2.

    Afghanistan là quốc gia thứ ba sau Ấn Độ, Pakistan trong hành trình đi bộ khám phá Nam và Trung Á của Giáp từ tháng 5/2022. Giáp nhập cảnh vào Afghanistan ngày 4/2 bằng đường bộ sau khi xin visa ở thủ đô Islamabad, Pakistan.

    Khi còn cách Kabul gần 60 km, anh gặp một nhóm lính Taliban và bị chặn lại. Giáp ban đầu nghĩ điều này bình thường do du khách ở Afghanistan không được đi lại tự do giữa các tỉnh và địa phận giáp ranh đều có chốt canh (check-point). Anh cho họ xem hộ chiếu, visa và video ngủ nhờ ở một địa điểm thuộc quân đội chính phủ trước đó để tạo uy tín.

    "Tôi nghĩ thế là ổn. Nhưng khi xem xong, họ ra hiệu cho tôi đi theo", Giáp kể. Họ dẫn anh vào một tòa nhà, thu hộ chiếu, điện thoại. Giáp yêu cầu lính Taliban để anh gọi cho Ali, một lính Taliban khác anh đã quen trước đó. Giáp muốn Ali nói chuyện với họ. Đề nghị bị bỏ qua. Ba tiếng sau, họ đưa Giáp đến một trụ sở khác ở ngoại ô, có tường rào bao quanh.

    nguoi viet bi taliban bat 1
    Giáp chụp ảnh cùng lính Taliban. Ali ngồi ngoài cùng bên phải.

    "Tôi bắt đầu thấy bất an. Họ nói tôi đợi thêm một tiếng nữa để chờ cấp trên. Đồ đạc của tôi bị lục tung", anh kể. Rồi ba tiếng nữa trôi qua, anh bày tỏ muốn được giải thích lý do bị giữ nhưng không có câu trả lời. "Họ chỉ nói đợi", Giáp kể.

    Một người lính đi vào và cho anh xem video ba người đang tra tấn một người bị bịt mặt. Cảnh tượng trong video được anh đánh giá "đáng sợ" và "kinh khủng". Ngồi trước mặt anh là một người cầm kim tiêm. "Tôi cũng không hiểu họ cho tôi xem video với mục đích gì. Cũng không hiểu người cầm kim tiêm trước mặt định làm gì hay họ định tiêm thuốc mê rồi làm gì tôi. Nghĩ đến đó, tôi hoảng sợ", Giáp nói.

    Anh quyết định phải rời khỏi đây. "Tôi phải đi", Giáp nói với lính Taliban. Anh cầm balo và bước nhanh xuống tầng dưới, đi ra cổng. Lúc này, chỉ có một người lính nên anh vùng thoát được.

    nguoi viet bi taliban bat 1
    Tay Giáp bị thương trong lúc giằng co và lên da non sau 7 ngày. Ảnh: Cắt từ video

    Giáp ra ngoài thấy 5 lính gác nữa. Lúc này, suy nghĩ trong đầu là "mình đã rơi vào tay các phần tử cực đoan, và có thể hôm nay sẽ chết ở đây". "Nếu các bạn đã xem các bộ phim về khủng bố, hay bắt cóc thì sẽ dễ hình dung. Cảnh trong phim thế nào, ngoài đời y vậy. Họ giữ tôi lại, còn tôi cố gắng thoát. Giằng co dữ dội đến mức tay tôi chảy máu". Nhưng lính Taliban nói chưa thể để anh đi. Một trong số đó giơ nắm đấm lên.

    Người dân vây kín. "Họ yêu cầu thả cho tôi đi và an ủi, bảo tôi bình tĩnh", Giáp nói. Lính Taliban sau đó đưa anh lên xe đến một trụ sở khác lớn hơn.

    Sau khi tới trụ sở mới, Giáp được đưa vào một căn phòng kín và lại được yêu cầu đợi. Họ cũng thu điện thoại, giấy tờ của anh nhưng cho anh ăn tối gồm sốt đậu, bánh mỳ và trà. Giáp ăn hết sau khi cả ngày chưa có gì vào bụng. Đêm anh cố gắng ngủ. 9h sáng hôm sau, Giáp được thả. "Cảm giác được thả thật sung sướng", anh nói. Sau đó, anh bắt taxi đến Kabul vì "không còn đủ mạnh mẽ để đi bộ".

    Giáp tìm khách sạn to để ở tại trung tâm thủ đô rồi gọi điện về cho bố mẹ. Anh cũng nhắn tin cho Ali, kể lại sự cố. Ali giải thích không phải lính Taliban nào cũng có quan điểm giống nhau, nên sẽ dẫn đến các hành động khác nhau. Ali mong Giáp "bỏ qua hành động của những người lính đó" và nói sẽ kể lại trải nghiệm của Giáp với cấp cao hơn, để chuyện tương tự không xảy ra.

    nguoi viet bi taliban bat 1
    Giáp chụp ảnh cùng người dân địa phương ở Afghanistan. Ảnh: NVCC

    Tháng 8/2021, Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước, tuyên bố kết thúc chiến tranh. Các sân bay, cửa khẩu đường bộ đã mở đón khách du lịch. Thủ đô Kabul và các thị trấn khác dần trở nên nhộn nhịp. Cửa hàng, nhà hàng mở cửa đón khách. Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước vẫn đưa ra cảnh báo công dân không nên đến vì mục đích du lịch vì chưa thực sự an toàn, theo CNN.

    Ali cho biết trường hợp khách du lịch gặp sự cố như Giáp không nhiều. "Nếu gặp tình huống như thế, hãy làm theo họ, đừng chống cự cũng đừng cố gắng bỏ trốn", anh nói.

    Võ Thùy Linh, 33 tuổi sống tại Hà Nội, đi Afghanistan trước Giáp 3 tháng, cho biết cô chọn đặt tour thay vì tự đi. Linh được phía công ty du lịch liên hệ trước với chính quyền, xin trước giấy phép thông hành để vào các tỉnh. "Có thể Giáp không có giấy phép nên gặp khó khăn", Linh nói.

    Kausar Hussian, điều hành tour người Afghanistan, từng dẫn đoàn cho Linh, chia sẻ với VnExpress, khách của anh chưa từng gặp sự cố như Giáp. "Có thể do Giáp đi một mình, nên họ (chính quyền Taliban) nghi ngờ", Hussian nói.

    Giáp cũng nhận thấy cách an toàn nhất để du lịch Afghanistan là theo tour, có người dẫn, di chuyển bằng ôtô. "Tôi đang xin visa để đến Uzberkistan. Khi nhận được visa, tôi sẽ đi taxi thẳng từ Kabul sang biên giới, không đi bộ nữa", Giáp nói. Du khách cũng nên lưu số điện thoại của sứ quán Việt Nam tại Pakistan (kiêm Afghanistan) để liên lạc khi cần.

    Kristijan Iličić, người Croatia từng đến Afghanistan cuối năm 2022 nhận xét trên CNN rằng bất kỳ chuyến đi nào cũng có ưu nhược điểm, "nhưng Afghanistan vẫn là nơi chỉ dành cho du khách bạo dạn nhất" do "không an toàn".

    Với Giáp, anh cho biết "sẽ không vì chuyện này mà ngừng các chuyến đi" nhưng "sẽ cẩn thận hơn và chuẩn bị hành trình kỹ càng hơn".

    nguoi viet bi taliban bat 1
    Giáp chụp ảnh cùng quân lính Taliban trên đường đến Kabul, trước khi bị giữ không lý do 24 tiếng. Ảnh: NVCC

    nguoi viet bi taliban bat 1
    Một em bé người địa phương e thẹn trước ống kính du khách. Ảnh: NVCC

    nguoi viet bi taliban bat 1
    Người dân đang nướng bánh mỳ. Ảnh: NVCC

    nguoi viet bi taliban bat 1
    Công việc thường ngày của người dân, chẻ củi để làm củi đốt, nấu ăn.

    Theo VnExpress

  • Thổ Nhĩ Kỳ, Syria xác nhận ít nhất 4.940 người tử vong sau thảm kịch động đất, 25.000 người bị thương, con số có thể tăng lên khi hoạt động tìm kiếm cứu nạn đang diễn ra. Chỉ tính riêng Thổ Nhĩ Kỳ đã có hơn 11.000 tòa nhà bị hư hại.

    nguoi viet o dong dat tho nhi ky 1
    Lực lượng cứu hộ di chuyển một thi thể được tìm thấy trong đống đổ nát ở thành phố Adana, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2. Ảnh: AFP.

    Người Việt sống tại tâm chấn trận động đất hôm 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ không khỏi bàng hoàng sau thảm họa. Họ cảm nhận được sự rung lắc khủng khiếp và chỉ có thể cầu nguyện bình an.

    Tối ngày 6/2, chị Nam Phương - cô dâu Việt sinh sống tại Diyarbakır, Thổ Nhĩ Kỳ - vẫn chưa hết hoảng sợ khi nhớ lại trận động đất vừa diễn ra ban sáng.

    “Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn sợ. Quá hoảng loạn và kinh khủng. Đa số người dân ở đây đều ở chung cư nên khi động đất mọi thứ rung lắc khủng khiếp lắm”, chị chia sẻ, nói thêm dù mua nhà ở tầng một để “có gì chạy cho nhanh”, nhưng cảm giác rung lắc mạnh vẫn khiến chị ám ảnh.

    Dù sống cách xa khu vực xảy ra động đất, chị Kiều Anh, ở thành phố Eskişehir, cũng không khỏi bàng hoàng khi nghe tin: “Tôi nghe tin về trận động đất vào buổi sáng khi đọc tin tức địa phương. Lúc đó, tôi chỉ có thể cầu nguyện cho mọi người bình an”.

    “Sáng nay (6/2), chồng tôi đang làm việc trực tuyến cùng một số bạn bè ở khu vực bị động đất. Họ đột nhiên không trả lời và mất liên lạc. Tôi chỉ mong họ sẽ ổn”, chị nói thêm.

    Bà Nguyễn Phú Tân Hương - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết Đại sứ quán ở thủ đô Ankara, cách tâm chấn khoảng 700 km. Khoảng 13h45 chiều 6/2 (theo giờ địa phương), Ankara có động đất nhẹ, nhiều người có thể cảm nhận được.

    Bà thông tin sáng 6/2, Đại sứ quán Việt Nam đã liên hệ với Phòng phụ trách người nhập cư, Cục Lãnh sự và Vụ Đông Á - Đông Nam Á phụ trách Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cảnh sát cùng chính quyền của 10 tỉnh bị ảnh hưởng động đất có người thương vong.

    “Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có người Việt nào thiệt mạng, nhưng có ảnh hưởng vật chất, như nhà cửa đổ nát”, bà nói. Bà Hương cho biết thêm có ít người Việt sinh sống tại khu vực phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

    “Đại sứ quán vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình”, bà chia sẻ. “Trong mấy ngày tới, Đại sứ quán sẽ cử cán bộ đến một số địa phương có bà con bị ảnh hưởng bởi động đất để nắm tình hình và kịp thời hỗ trợ”.

    “Bật dậy vì rung lắc dữ dội”

    Chị Nam Phương cho biết bản thân bắt đầu nhận thấy có động đất vào khoảng 4h17 sáng 6/2. Khoảng một phút sau, đang ngủ mơ màng, chị bật dậy bởi tiếng động rất lớn và mọi thứ rung lắc dữ dội.

    “Hai năm trước, tôi cũng từng trải qua một trận động đất 6,3 độ, nên chỉ cần thấy rung lắc, tôi biết ngay là động đất”, chị kể lại.

    Lúc đó, chị Phương ngay lập tức ôm con gái chạy ra ngoài cửa. Hai mẹ con mặc nguyên đồ ngủ, chỉ kịp lấy tạm áo khoác và xỏ dép chạy ngay ra ngoài. Chị cho biết nhiệt độ mấy hôm nay rất thấp, có cả tuyết rơi.

    “Ra đến cửa, tôi thấy mọi người cũng chạy tán loạn ra ngoài. Mọi người chạy nhanh lắm, tôi có con nhỏ nên chạy chậm hơn. Phụ nữ và trẻ con là hoảng sợ nhất, trẻ con khóc lớn”, chị nói.

    Chị Phương cảm nhận thời gian chị tỉnh dậy, bế con gái và chạy ra sân chỉ mất chưa tới một phút. Chị mô tả trận động đất cứ “rung lắc từng cơn, liên tục từng nhịp”. Mọi thứ kết hợp tạo thành khung cảnh đáng sợ.

    “Tôi còn nghe được cả tiếng rắc. Đèn chùm trong nhà lắc qua lắc lại. Tiếng đồ đạc rơi vỡ leng keng. Cũng may mấy tòa nhà mới xây gần đây còn chắc chắn, chứ mấy tòa nhà cũ gần như sập hết. Tường nhà tôi nứt hết cả rồi”, chị nói.

    Ngoài ra, chị Phương còn nghe thấy cả tiếng nổ như bom: “Ở bên này dùng đường ống dẫn gas, nên động đất cũng sợ nổ”.

    Do chồng đi làm xa, hàng xóm biết chị Phương chỉ có 2 mẹ con nên đã cho đi nhờ tới nhà mẹ chồng cách đó khoảng 5 km. Chị cho biết mẹ chồng chị khóc rất nhiều, “tới giờ vẫn còn khóc”.

    “Nếu nói sang đây an toàn hơn thì không đúng, vì tòa nhà mẹ chồng tôi ở còn cũ hơn”, chị nói. Khu nhà chị may mắn không có tòa nhà nào bị sập, nhưng chị Phương nghe thông tin có người nhà bên chồng bị kẹt trong đống đổ nát. Hiện chị Phương đang trú tạm tại một bể bơi công cộng ở ngoại ô thành phố Diyarbakır.

    nguoi viet o dong dat tho nhi ky 1
    Sảnh hồ bơi nơi chị Phương trú tạm sau động đất. Ảnh: NVCC.

    “Tôi chọn ở khu vực dưới mặt đất vì sẽ có thêm dư chấn nữa. Ở trên tầng cao thì sợ lắm. Người nhà bên chồng tôi vẫn ở tầng 4 với tầng 6, còn tôi và con gái ở tòa khác tại tầng một”, chị nói, cho biết thêm có nhiều người khác cũng trú tại đây cùng mình.

    Thoát nạn vì hoãn công tác

    Từ Ankara, chị Ngọc An chia sẻ mới biết tin động đất vào sáng 6/2 từ một người bạn ở Việt Nam. “Ban đầu, tôi không chú ý tới tin tức này quá nhiều bởi thực ra, động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ là chuyện khá thường xuyên”, chị giải thích.

    Bản thân chị cũng từng trải qua động đất. Chị nhớ lại trước Tết Âm lịch, khoảng 2-3h, chị đang ngủ ở căn hộ tầng 10 thì “cảm nhận rõ giường rung rất mạnh, như thể đang nằm có ai cầm giường lắc vậy”.

    “Lúc đó tôi rất sợ. Rung lắc chỉ diễn ra trong khoảng vài giây”, chị nói.

    Sau khi tin tức về hậu quả thảm khốc do trận động đất nổ ra, chị cho hay chồng mình nắm bắt thông tin qua đài báo liên tục. “Mọi người ở đó thật tội nghiệp”, chị trầm ngâm.

    Trong khi đó, anh Trịnh Nam, cũng sống tại Ankara, chia sẻ: “Lúc sáng biết tin, tôi thật sự bàng hoàng. Nhìn hình ảnh đổ nát như vậy, tôi hiểu chắc chắn số thương vong sẽ còn nhiều”.

    “Việc đầu tiên là tôi nghĩ đến những người bạn Thổ Nhĩ Kỳ quen biết và gia đình các bạn sống ở các tỉnh đó”, anh nói. “Vợ chồng tôi đã gọi điện, nhắn tin hỏi thăm, nhưng may mắn là những gia đình tôi quen đều an toàn”.

    “Kahramanmaraş, Gaziantep, Adana... là những nơi tôi từng đi qua, tưởng tượng cảnh tàn phá như thế thật đau xót. Hơn nữa, ở Thổ Nhĩ Kỳ đợt này đang bị ảnh hưởng của bão tuyết khắp nơi, nên khó khăn lại thêm chồng chất”, anh cho biết thêm.

    Trong khi đó, theo những gì chị Kiều Anh quan sát trên các trang tin địa phương, “khi người dân nghe tiếng nổ lớn, tâm trí họ trống rỗng và không kịp phản ứng, chỉ có thể chạy vội ra ngoài, một số người không kịp mặc thêm áo trong khi nhiệt độ ngoài trời rất lạnh (khoảng -2 độ C) và tuyết rơi nhiều”.

    Dù thành phố Eskişehir không nằm trong khu vực dư chấn, trận động đất ngày 6/2 vẫn khiến chị Kiều Anh nhớ lại những lần chịu ảnh hưởng vì thảm họa thiên nhiên trước đây.

    “Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra nhiều trận động đất lớn nhỏ. Tôi cũng từng cảm nhận được điều đó sau khi đến đây một năm. Thật sự rất hoảng sợ”, chị chia sẻ.

    “Những trận động đất trước chỉ là rung lắc nhưng tôi còn cảm thấy hoảng loạn. Trận động đất lần này lớn hơn và thời tiết (lạnh giá) như vậy, sau khi biết tin tôi thật sự rất buồn vì những nạn nhân không được may mắn”, chị nói.

    Sau trận động đất, chị Kiều Anh thấy cảnh báo liên tục trên truyền hình nhà nước và các kênh truyền thông xã hội: “Họ cảnh báo không được vào các tòa nhà bị hư hại. 4-5h sau động đất, rất nhiều tòa nhà đã sụp đổ”.

    Do có nhiều bạn bè sống trong khu vực bị động đất, gia đình chị Kiều Anh đã cố gắng liên lạc sau khi nghe tin về thảm họa, nhưng một số vẫn chưa thể kết nối.

    “Nhiều người bạn của vợ chồng tôi bị thương, một người còn có mẹ thiệt mạng trong vụ động đất. Theo lời kể lại, bạn bè của gia đình tôi ở đó đang gặp nguy hiểm. Chồng tôi cố liên lạc nhưng tạm thời chưa được”, chị nói.

    Chồng chị Kiều Anh cũng đang làm việc với nhiều đối tác ở khu vực phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận động đất. May mắn chuyến công tác của anh tới khu vực này đã bị hoãn lại.

    “Chồng tôi có vài chuyến công tác ở những thành phố đang xảy ra động đất. Nhưng hiện kế hoạch dừng lại vì không thể liên lạc với đối tác. Cũng may kế hoạch công tác không thực hiện sớm. Nếu không, có lẽ anh ấy hiện cũng là một trong những nạn nhân”, chị nói.

    Chị Kiều Anh cho hay hiện tất cả trường học ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đóng cửa một tuần vì chính phủ lo ngại trận động đất sẽ ảnh hưởng đến những cơ sở này. Gia đình chị Kiều Anh cũng có một bé gái đang học mẫu giáo phải nghỉ học.

    Trong khi đó, theo anh Nam, hiện tại cả đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hướng về khu vực bị thiên tai. “Ở Ankara, sau trận động đất thứ 2 lúc 13h24, một số cơ quan chính phủ đã đóng cửa cho nhân viên nghỉ. Tôi đang đi đón khách từ Istanbul xuống ở sân bay, nhưng từ đêm đến giờ rất nhiều chuyến bị hoãn, hủy”, anh nói.

    Sau thảm họa, cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng liên hệ và tìm kiếm những người bị ảnh hưởng. Chị Ngọc An nhận thấy cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ hỏi han nhau trên hội nhóm rất nhanh.

    “Mọi người gần như đăng bài ngay lập tức sau khi vụ việc xảy ra. Họ cũng nói nếu mọi người cần thì liên hệ với admin (quản trị viên) của nhóm hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ để được trợ giúp”, chị cho hay.

    Chị Kiều Anh cũng cho biết cộng đồng người Việt có “rất nhiều thành viên tốt bụng đang nỗ lực tìm kiếm những người bị ảnh hưởng để giúp đỡ”.

    Bà Nguyễn Phú Tân Hương nhấn mạnh trong trường hợp khẩn cấp, cần hỗ trợ, công dân Việt Nam có thể liên hệ với Đại sứ quán qua Facebook hoặc số điện thoại Hotline:

    - Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ: +90 545 7858548

    - Tổng đài Bảo hộ công dân: +84.981848484.

    Theo Zing

  • Paul Phong Nguyen là sinh viên tốt nghiệp Đại học California State University thuộc thành phố Fullerton, bang California, Mỹ. Gia đình Paul cho rằng anh đã bị bỏ thuốc, cướp và g.iết c.hết khi đi du lịch đến Medellin, Colombia. Hiện gia đình đang tìm cách đưa thi thể anh về Quận Cam ở Hoa Kỳ. 

    Paul Nguyen Columbia
    Nạn nhân Paul Nguyen 

    Em gái anh, cô Amy Nguyen cho biết Paul là một người anh tuyệt vời. "Tôi rất ngưỡng mộ anh ấy. Paul luôn là người đầu tiên tôi gọi điện khi gặp chuyện gì đó".

    Amy cho biết trước khi qua đời, anh trai 27 tuổi của cô đang là một nhà thầu và thích đi du lịch. "Mỗi khi trở về anh luôn mang theo quà và chia sẻ hành trình thú vị của mình. Anh rất hạnh phúc khi được đi du lịch", Amy nói.

    Cô cho biết vào tuần trước, Paul lần đầu tiên đi du lịch đến Medellin, Colombia. Trước đó Paul có làm quen với một cô gái trên Tinder. Họ đã gặp nhau vào thứ Tư ngày 4/11/2022. 

    Lần cuối Paul được nhìn thấy rời khỏi quán bar với cô gái này, lúc đó là 2h sáng thứ Năm. Sau đó người ta phát hiện xác của Paul bị vứt ngoài bãi rác.

    "Bọn chúng cướp hết đồ đạc của anh tôi. Tất cả các thẻ đã bị quẹt sau 4h sáng. Tôi tin rằng có nhiều kẻ tham gia gây án, cô gái kia chỉ làm nhiệm vụ dụ dỗ anh tôi", Amy nói. Chính quyền Colombia nghi ngờ Paul đã bị bỏ thuốc và bị cướp, nhưng hiện chưa có ai bị bắt. 

    "Chúng tôi không dám tin khi nhận được tin về Paul. Thật đau đớn khi biết những gì anh ấy đã trải qua và rằng anh ấy sẽ không bao giờ trở về nhà nữa. Chúng tôi đang tìm cách để đưa thi thể của anh về Mỹ". Amy Nguyen đã lập một trang GoFundMe để gây quỹ, nhằm đưa thi thể anh trai về Quận Cam an táng. 

    Colombia đứng đầu danh sách điểm đến nguy hiểm nhất đối với khách du lịch. Dù theo các chỉ số thu nhận được, Colombia không còn nguy hiểm như nhiều năm trước đó. Thậm chí vào năm 2017, thành phố Medellin còn được mệnh danh là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch của Nam Mỹ. Tuy nhiên, việc ghé thăm Colombia vẫn tiềm tàng nhiều rủi ro đối với du khách nước ngoài.

    Colombia là một quốc gia thường xuyên xảy ra các cuộc bạo loạn, đụng độ giữa các lực lượng biểu tình với cảnh sát ở thủ đô Bogota. Chính phủ nước này cũng yêu cầu người dân phải hết sức thận trọng trong sinh hoạt hằng ngày do các nguy cơ về tội phạm và khủng bố.

    Những hành vi bạo lực như giết người, tấn công, cướp có vũ trang vô cùng phổ biến, kể cả trong những khu vực trung tâm. Năm 2016, Colombia có tỷ lệ giết người là 24,4 trên 100.000 dân. Theo báo cáo năm 2018, chỉ số tội phạm của Colombia là 51,26%.

    Bên cạnh đó, quốc gia Nam Mỹ này từ lâu đã nổi tiếng với các cuộc chiến băng đảng và tỷ lệ tội phạm cao. Những băng đảng thuộc quốc gia này chịu trách nhiệm cho hầu hết các vụ bắt cóc, buôn bán ma túy cũng như các hành động khủng bố khiến cho tình trạng bất ổn kéo dài, đặc biệt không phù hợp cho các hoạt động du lịch.

    Viethome (theo abc7)

  • Ông Phong Trần, một thợ nail gốc Việt ở Toledo, Ohio (Mỹ), bị một kẻ lạ tấn công gây chấn thương sọ não vào ngày 1-9-2022. Đến nay ông vẫn trong tình trạng hôn mê và sức khỏe vẫn không có dấu hiệu khả quan hơn. Cả gia đình ông đang trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần và vật chất một cách trầm trọng, theo cô Thảo Trần, em ruột của ông, chia sẻ với nhật báo Người Việt biết hôm 4 Tháng Mười.

    tho nail goc viet bi danh khong tinh 1
    Ông Phong Trần là người coi trọng nếp sống gia đình. (Hình: Thảo Trần cung cấp)

    “Thậm chí, bác sĩ đã có lần đề nghị với chúng tôi nên ‘rút ống’,” cô Thảo, hiện sống ở Lakewood, California, nói với giọng xúc động. “Bác sĩ vẫn nghĩ anh ấy chỉ có 5% sống sót thôi.”

    Cô cho biết anh cô 43 tuổi, là thợ nail tại Toledo, và là một người vui tính, dễ mến, và rộng rãi. Cô Thảo nói: “Tất cả những người làm việc với anh ấy hoặc chỉ gặp anh ấy thôi cũng đồng ý như vậy. Ngay cả người tài xế Uber cũng thấy rằng anh ấy rất rộng rãi.”

    Theo cô Thảo, khoảng 2 giờ sáng Thứ Năm, 1 Tháng Chín, khi ông Phong đang gọi một người bạn tên Hải bên ngoài quán “Ye Olde Cock N Bull” ở Toledo để cùng đi về thì bất ngờ, một kẻ lạ (sau này cảnh sát cho biết tên Andre Pitts, 25 tuổi) xông vào đấm túi bụi vào mặt khiến ông ngã xuống đất, bị chấn thương mạnh ở não bộ.

    Một nhân viên quán “Ye Olde Cock N Bull” tên Phil, không cho biết họ, chia sẻ nhận xét với nhật báo Người Việt qua điện thoại: “Gọi đó là một trận đánh nhau thì không đúng vì chỉ có một phía tấn công thôi. Tôi không ở đó, nhưng theo lời những nhân chứng thì anh ấy bị một người đánh trong lúc anh không kịp chống đỡ gì cả.”

    “Anh Phong bị gãy bốn cái răng và bị chấn thương sọ não trầm trọng,” cô Thảo nói và cố nén xúc động. “Một trong bốn cái răng rơi vào phổi anh và hiện thời vẫn nằm trong đó.” Bác sĩ đã tiến hành mấy cuộc giải phẫu để giảm độ sưng của não bộ nhưng không có kết quả, cô cho biết thêm.

    Gia đình khốn đốn

    Cha mẹ ông Phong và cô Thảo đều ở California. “Tuy ở xa nhưng chúng tôi rất gần gũi. Bình thường, ngày nào anh ấy cũng gọi điện thoại hay nhắn tin cho chúng tôi,” cô Thảo nói. “Anh em tụi tôi thân nhau. Có gì vui là chia sẻ với nhau ngay.”

    Vậy mà hơn một tháng nay, ông Phong không thể nào liên lạc được với ai, kể cả đứa con gái duy nhất 14 tuổi ở cùng nhà với ông tại Toledo. Nhưng sự hôn mê li bì vì sưng não của ông Phong không làm gia đình ông ngừng hy vọng.

    “Bác sĩ nói rằng với vết thương trầm trọng như vậy, cho dù anh Phong có tỉnh thì cũng ‘không giống như trước được,’” cô Thảo đau buồn nói. “Nhưng gia đình tôi vẫn cứ hy vọng.”

    Cha ông Phong năm nay 70 tuổi, mẹ ông 65 tuổi. Cả hai đang sống ở California nhưng vẫn thường xuyên qua Ohio thăm ông.

    Cô Thảo kể: “Cha mẹ tôi rất yếu, yếu từ thể chất đến tinh thần từ khi biết hung tin này của anh Phong, không ai chịu ăn uống cả. Tôi cứ phải khuyên ba mẹ nên ăn uống cho khỏe mà không biết nói sao vì chính tôi cũng không thiết tha gì đến ăn uống cả.”

    Cô cảm thấy tội lỗi khi ăn trong lúc anh mình đang trong tình trạng thập tử nhất sinh, cô thổ lộ.

    “Tôi vẫn cứ ép mình phải ăn để sống mà lo cho hai đứa con còn nhỏ và lo cho ba mẹ nhưng không dễ chút nào. Tôi ăn rất ít,” cô chia sẻ.

    Cha mẹ cô ngày càng mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng thăm con trong tình trạng sức khỏe suy sụp, tinh thần suy sụp, và tài chánh cạn kiệt.

    Cô Thảo nói: “Vé máy bay không rẻ mà đi hoài rất tốn kém. Cứ hai tuần là ba mẹ tôi lại bay một lần.”

    “Qua bên đó, sáng thức dậy, hai người không đi đâu hết, chỉ vô ngồi bên giường anh Phong từ 8 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm, y tá yêu cầu phải về thì mới chịu về. Ngày hôm sau cũng vậy nữa,” cô than.

    Con gái ông Phong thì thay đổi hẳn.

    “Lúc trước nó bình thường như mọi người. Từ hôm ấy đến nay, nó ít nói hẳn. Nó giữ mọi suy nghĩ trong lòng chứ không chia sẻ với ai cả,” cô Thảo nói.

    tho nail goc viet bi danh khong tinh 1
    Nghi can Andre Pitts. (Hình: Lucas County Corrections)

    Thù ghét chủng tộc

    Gia đình cô Thảo tin chắc rằng đây là một vụ tấn công vì kỳ thị, thù ghét chủng tộc. Cô nói: “Chúng tôi không lạ gì chuyện này. Hồi tôi còn nhỏ, ba mẹ tôi có một tiệm bán hàng ở Los Angeles. Mỗi lần gặp chuyện phật ý là khách hàng buông những lời thóa mạ tục tằn, gọi chúng tôi là thứ này, thứ kia, đòi đuổi chúng tôi về nước.”

    “Bây giờ cũng không khác gì, vợ chồng tôi cứ phải bảo nhau bỏ ngoài tai những lời lẽ kỳ thị như vậy hoài,” cô chán nản kể.

    Nghi can Andre Pitts, 25 tuổi, bị tạm giam ở nhà thù Lucas County, Ohio, và bị truy tố ở cấp đại hình với tội danh là tấn công gây trọng thương. Nếu ông Phong qua đời, cáo trạng này sẽ được nâng lên thành sát nhân.

    Cô Thảo nhận xét về thái độ của nghi can Pitts: “Hai lần ra tòa, lần nào hắn cũng khinh khỉnh cười, hoàn toàn không tỏ ra hối hận gì cả.”

    Theo Người Việt

  • Hai người đàn ông đã bị kết tội giết người sau khi thi thể của nạn nhân được phát hiện bên trong thùng rác nổi trên một con đập nằm về phía đông thành phố Perth, Australia.

    Theo ABC, nạn nhân tên Dinh Lam Nguyen, 51 tuổi, bị đâm 28 lần bởi ông Todd Kiernan, 29 tuổi, người nợ ông 4.000 USD.

    Trong vụ giết người, ông Kiernan được ông Gervaise Widdowson giúp sức. Ông Widdowson đã dùng xăng phóng hỏa xe của ông Nguyen và giấu thi thể nạn nhân.

    chu no gap nan 1
    Cảnh sát kéo thùng rác chứa thi thể nạn nhân khỏi con đập. Ảnh: ABC

    Cảnh sát đã lần theo hai nghi phạm dựa trên nhãn tên Kiernan trên tấm bạt hồng bọc thi thể ông Nguyen.

    Các công tố viên nói với tòa rằng ông Kiernan không thể trả nợ cho ông Nguyen nên đã quyết định giết người để thoát nợ.

    Ông Kiernan được cho là dụ ông Nguyen đến nhà bằng cách thông báo đã có tiền trả nợ. Nhưng khi ông Nguyen vào nhà, hai nghi phạm đã đâm nạn nhân.

    Xe của nạn nhân được phát hiện bị cháy trong một bụi rậm ở Chidlow. Trong khi hai người đàn ông thừa nhận đã phóng hỏa xe của nạn nhân, họ phủ nhận cáo buộc giết người, ABC đưa tin.

    Tại phiên tòa, nghi phạm khẳng định đâm ông Nguyen để tự vệ, cho biết đối phương định dùng dao đâm mình. Ông Kiernan cho biết khi nhận ra ông Nguyen đã chết, ông không cố gắng giúp đỡ hoặc gọi cấp cứu vì "hoảng loạn".

    Luật sư của ông Widdowson khẳng định thân chủ không chịu trách nhiệm về bất kỳ vụ bạo hành nào đối với ông Nguyen. Ông Widdowson cũng khẳng định không biết gì về kế hoạch giết ông Nguyen.

    chu no gap nan 1
    Hai người đàn ông thừa nhận đã phóng hỏa đốt xe của nạn nhân nhưng phủ nhận giết người. Ảnh: ABC

    Ông Kiernan cho biết đã lột sạch quần áo của ông Nguyen trước khi trói thi thể ông bằng cây cáp. Ông Widdowson đã hỗ trợ đặt thi thể nạn nhân vào xe rác và chở đến Công viên Quốc gia John Forrest rồi sau đó thả xuống đập Glen Brook.

    Ngày 17/9, sau khoảng 3 tiếng rưỡi nghị án, bồi thẩm đoàn kết luận cả hai người đàn ông đều phạm tội. Cả hai đều phải đối mặt với án chung thân khi bị kết án vào tháng 10.

    Theo Zing

  • Một người đàn ông Việt Nam đã bị một đám đông cầm gậy đánh đến chết bên ngoài sòng bạc ở Bavet, Campuchia vào sáng 26/8, theo Khmer Times.

    Vụ việc xảy ra vào lúc 3h15 sáng ngày 26/8 trước Casino 67 ở làng Bavet Kandal, Bavet Sangkat, thành phố BavetTheo cảnh sát, người đàn ông thiệt mạng tên là Duong Minteang, 34 tuổi, làm nghề đầu bếp.

    nguoi viet casino campuchia
    Cảnh quay từ camera an ninh cho thấy vụ ẩu đả. Ảnh: Khmer Times.

    Nghi phạm sát nhân được xác định cũng là người Việt Nam, nhưng đã bỏ trốn ngay sau khi vụ án xảy ra. Theo các nhân chứng, trước khi xảy ra vụ việc, nạn nhân đến tiệm cầm đồ để vay tiền vào đánh bạc.

    Các nguồn tin cho biết một nhóm khoảng 4-5 nghi phạm bước vào để nói chuyện với nạn nhân. Nhóm này sau đó bất ngờ tấn công nạn nhân rồi bỏ trốn.

    Sau khi sự việc xảy ra, người dân đã trình báo công an địa phương đến can thiệp. Cảnh sát đang xem xét các camera an ninh để cố gắng xác định danh tính thủ phạm.

    Gần đây, báo chí phản ánh tình trạng người Việt bị lừa đi lao động bất hợp pháp ở các casino của Campuchia với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”.

    Trước đó, hôm 18/8, 42 người Việt làm ở một casino tại tỉnh Kandal, Campuchia đã bơi qua sông để về nước vì điều kiện làm việc khắc nghiệt. 40 người qua sông thành công, một người bị nước cuốn trôi, một người bị bắt lại.

    Nhà chức trách Campuchia đã nói sẽ đẩy mạnh truy quét nạn buôn người. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng hôm 26/8 cho biết từ đầu năm tới ngày 20/8, nước này đã giải cứu khoảng 865 người nước ngoài khỏi nạn buôn bán người trong 87 vụ buôn bán.

    Theo Zing

  • tiem nail goc viet bi cuop 1
    Các hình vẽ bậy phủ kín cửa của các cửa hàng ở Little Saigon. Ảnh: ABC7news.

    Cướp có súng, phá hoại, đột nhập và hành hung… chỉ là một số khó khăn mà các chủ tiệm tại Little Saigon ở Oakland, Mỹ, phải đối mặt thường xuyên.

    Lele Quach sở hữu nhà hàng Cẩm Hương trên Đại lộ Quốc tế, ngay trung tâm Little Saigon. Vừa nói vừa rưng rưng nước mắt, cô mô tả những căng thẳng và nỗi sợ khi kinh doanh trong thời gian gần đây.

    “Cuộc sống của chúng tôi từ khi nào đã bị coi rẻ như vậy? Công việc của chúng tôi từ khi nào đã bị coi rẻ như vậy? Và cả cộng đồng này nữa? Tại sao chúng tôi bị coi rẻ tới mức bị phá phách mà không ai giúp đỡ?”, cô Quach nói, thể hiện cảm nhận chung của nhiều chủ doanh nghiệp khác tại đây.

    tiem nail goc viet bi cuop 1
    Lele Quach rưng rưng nước mắt mô tả những căng thẳng và nỗi sợ khi kinh doanh trong thời gian gần đây. Ảnh: Cắt từ video của ABC7news.

    "Tội phạm đang gia tăng theo cấp số nhân. Mỗi ngày, chúng đều tăng lên, hung hăng hơn và tàn bạo hơn", cô tiếp tục.

    Tội phạm xuất hiện ngày càng nhiều thời gian gần đây trong khu phố người Việt Little Saigon ở Oakland đang là mối quan tâm chính và là nỗi lo thường trực cho các chủ doanh nghiệp. Họ đang gặp gỡ nhau để đưa ra tiếng nói chung nhằm thúc giục thành phố chú ý hơn đến những khó khăn mà khu phố đang phải chịu đựng, theo ABC7news.

    “Sống trong sợ hãi”

    Ởmọi hướng rẽ vào khu phố với hơn 100 cửa hàng nhỏ, người ta có thể thấy ngày càng nhiều cửa hàng bị sơn bậy kín cửa và đề thời gian đóng cửa sớm hơn.

    Lynn Truong cho biết cô từng đóng cửa cửa hàng tạp hóa Sun Hop Fat của mình lúc 20h, nhưng giờ phải nghỉ bán lúc 16h, hoặc đôi khi 17h30.

    "Nhân viên của tôi không đủ thu nhập. Họ cảm thấy buồn vì làm việc ít giờ hơn, thu nhập không đủ", cô nói trong bãi đậu xe của cửa hàng, cho biết doanh nghiệp của cô đã phải chịu nhiều vụ đột nhập và trộm cướp.

    Oanh Trinh sở hữu cửa hàng thuốc lá Lucky 7 Cigarettes, từng 7 lần bị cướp. Các hình vẽ bậy bằng sơn phủ kín cửa trước, nhưng đó không phải là điều tồi tệ nhất mà cửa hàng của cô từng trải qua.

    "Một vài gã đã lái xe tải và đâm vào cửa hàng của tôi ba hoặc bốn lần, và mọi thứ đều bị hỏng", cô nói khi chỉ vào những vết lốp xe vẫn còn hiện diện trên sàn cửa hàng.

    tiem nail goc viet bi cuop 1
    Cửa hàng của Oanh Trinh sau khi bị xe tải đâm vào. Ảnh: ABC7news.

    Cửa hàng trang sức Kim Viet của anh Thinh Le đã bị đột nhập 10 lần trong vòng một năm. Anh giờ đây thậm chí phải ngủ lại trên sàn nhà trong cửa hàng mỗi ngày để tránh các vụ việc như vậy xảy ra nhiều hơn.

    “Như thể tôi đang bị nhốt trong chính căn phòng của mình. Không có sự tự do và sống trong sợ hãi”, anh nói.

    Lên tiếng

    Gần hai chục chủ sở hữu doanh nghiệp đã tập hợp hôm 13/6 để kể câu chuyện của họ và chia sẻ video giám sát về các vụ phá hoại, trộm cắp và các cuộc tấn công, với hy vọng tiếng nói chung của họ sẽ gây được sự chú ý đến chính quyền thành phố.

    Jennifer Kim Anh Tran, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam ở Oakland cho biết: “Họ đã thực sự cổ vũ và khuyến khích nhau lên tiếng. Nếu chúng tôi không kể câu chuyện của mình, sẽ không ai biết chúng tôi đang trải qua những gì”.

    Chien Nguyen, chủ cửa hàng đồ uống và thức ăn nhanh, từng chứng kiến ​​vô số vụ cướp phá. “Chúng tôi muốn những nguồn lực tương tự mà họ (khu phố Tàu) có ở đây, những thứ như camera an ninh tốt hơn, các đội tuần tra, sự hiện diện và chú ý của cảnh sát”, anh nêu mong muốn.

    Cửa hàng của anh nằm đối diện với Công viên Quảng trường Clinton, nơi anh chứng kiến các gia đình không còn muốn dành thời gian giải trí trong khu vực này vì những vụ phá hoại thường xuyên.

    "Rất nhiều trộm cắp, cướp có vũ trang. Chúng tôi chỉ muốn cộng đồng và khu phố của chúng tôi được an toàn, để chúng tôi có thể nuôi dạy con cái, và gia đình chúng tôi khi đến công viên có thể an tâm", Chien Nguyen nói.

    tiem nail goc viet bi cuop 1
    Camera an ninh ghi lại cảnh có người cố đột nhập vào cửa hàng của anh Thinh Le. Ảnh: ABC7news.

    Nhiều vụ cướp trắng trợn với súng cũng đã xảy ra trong khu vực. Đơn cử, một đoạn video từ camera an ninh hồi tháng 2 cho thấy 2 người đàn ông cầm súng và tiếp cận một cặp vợ chồng ngồi ở băng ghế ngay trước cửa hàng số 9 trên Đại lộ Quốc tế vào khoảng giữa trưa. Nạn nhân nam bị hất văng xuống đất trong khi các nghi phạm bỏ chạy.

    Chủ doanh nghiệp cho biết những cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á này đã xảy ra trong nhiều năm. Anh nhớ lại mẹ của mình đã bị tấn công từ phía sau và bị cướp khoảng 6 hoặc 7 năm trước trên đường phố.

    "Có rất nhiều công việc kinh doanh bị thua lỗ và mất thu nhập vì nỗi sợ rằng sẽ có nười tấn công mình. Thật đáng buồn khi chúng tôi phải chịu điều này", chủ cửa hàng cho biết.

    tiem nail goc viet bi cuop 1
    2 người đàn ông cầm súng tấn công cặp vợ chồng ngồi ở băng ghế ngay trước cửa hàng số 9 trên Đại lộ Quốc tế. Ảnh: Cắt từ video giám sát hiện trường.

    Trước sự chán ngán của các chủ doanh nghiệp Việt trong khu phố, Shen Thao, Chủ tịch Hội đồng Pro Tempore thuộc thành phố Oakland, kêu gọi: “Xin đừng rời đi. Tôi ở đây, lắng nghe mọi người, chứng kiến mọi việc. Tôi sẽ liên hệ với họ. Chúng ta đang cùng nhau trò chuyện về cách mà thành phố có thể đầu tư tốt hơn vào Little Saigon, cũng như cả vấn đề an toàn công cộng”.

    Cộng đồng đã bắt đầu lập một trang gây quỹ để để hỗ trợ mua camera an ninh chất lượng tốt hơn, thực hiện các dự án làm đẹp khu phố, cũng như kiềm chế bạo lực và tội phạm trong khu vực.

    Cơ sở kinh doanh của người gốc Việt ở Oakland thường tập trung dọc Đại lộ International và con phố Đông số 12. Ảnh: Google Maps.

    Theo Zing

  • Một toán cướp đã càn quét các cơ sở kinh doanh trong một trung tâm mua sắm ở khu dân cư Little Saigon, Oakland (Mỹ) vào lúc hừng đông. 

    7 chủ shop tại trung tâm thương mại International Plaza trên đường East 9th Avenue phát hiện cửa hàng của mình bị trộm lục tung vào hôm thứ Hai, ngày 1-8-2022.

    Trưởng sở Cảnh sát Oakland, ông LeRonne Armstrong cho biết các vụ đột nhập xảy ra vào khoảng 4h sáng. Một người chứng kiến cho biết cô đã báo cảnh sát vào lúc 4h30. Tuy nhiên, bộ phận điều phối ở đồn cảnh sát không nhận được thông báo cho đến tận 6h20 sáng. Khi cảnh sát đến hiện trường vào lúc 7h15 phút, bọn trộm đã chuồn êm từ lâu. 

    cuop tiem nail nguoi viet
    Hình ảnh bọn cướp trích xuất từ camera

    Bọn chúng đột nhập 1 tiệm nail, 1 shop bán quà beauty, 1 shop bán hoa, 1 nhà hàng, 1 cửa hàng bánh ngọt, 1 trạm cấp nước... Đây là thông tin do cô Jennifer Tran, tổng thư ký Hiệp hội Thương mại người Việt ở Oakland cung cấp.

    ''Thật trắng trợn, có lẽ bọn chúng đã lên kế hoạch rất kỹ và rất quyết tâm. Bởi vì không chỉ 1 cửa hàng ở mặt tiền bị trộm mà có đến 7 cửa hàng bị càn quét'', cô Jennifer Tran nói.

    Nolan Wong, chủ tiệm giặt là International Coin Laundromat, cho biết bọn cướp mặc áo hoodie và trang bị vũ khí. Chúng đột nhập vào shop của anh bằng cách khoan một lỗ trên mái nhà rồi đạp la phông xuống, không hề e ngại chuông báo động.

    ''Toàn bộ shop của tôi bị lục tung'', Wong nói với tờ San Francisco Chronicle. ''5-10 phút sau, chủ nhà hàng gần đó bắt đầu hét toáng lên. Tiệm của anh ấy cũng bị đột nhập. Tôi thấy các ổ khóa đều bị đập vỡ''.

    Chỉ trong năm nay, tiệm của Nolan đã bị đột nhập 2 lần. Hình ảnh camera cho thấy bọn cướp cố mở máy thu tiền xu (coin machine) suốt 30 phút, rồi bỏ đi sau khi lấy được $5,000.

    ''Dù chỉ mất 5 phút hay mất tới 1 tiếng, bọn chúng cũng không bận tâm. Điều đó thật đáng sợ'', Wong nói với NBC Bay Area, ''Bọn chúng tới nhiều lần để tập hợp đồng bọn, lấy vũ khí, quay trở lại để phá máy chứa tiền'', Wong nói.

    2 doanh nghiệp khác cũng bị đột nhập từ mái nhà, là nhà hàng món Việt V & J Fusion của anh Simon Liu. "Tất cả 7 tiệm ở đây đều bị cướp trong suốt 2 tiếng'', Liu nói với kênh KTVU, ''Bọn cướp đột nhập từ mái nhà. Hành lang trong nhà hàng của tôi có một cái lỗ lớn trên nóc. Thiệt hại lớn hơn nhiều so với số tiền mà bọn chúng lấy đi''.

    Bọn cướp cũng đập vỡ kính và phá khóa của 4 cơ sở kinh doanh khác.

    ''Thị trưởng Libby Schaaf làm ơn hãy giúp đỡ khu vực này. Chuyện này xảy ra quá thường xuyên. Chúng tôi đang rất khốn khổ'', anh Jimmy Ngo, chủ một tiệm nail nói. 

    Các doanh nghiệp khác thì cho rằng cảnh sát Oakland phản ứng quá chậm. Họ mất vài tiếng mới tới hiện trường, sau đó mới thu thập bằng chứng từ camera và lấy lời khai.

    Chủ tịch Hội đồng thành phố Nikki Fortunato Bas cho biết đã chi $110,000 để tăng cường an ninh ở Little Saigon. Bà kêu gọi công chúng quyên góp cho quỹ của Hiệp hội Thương mại người Việt ở Oakland (Oakland Vietnamese Chamber of Commerce) để lắp đặt thêm camera. 

    Chưa có ai bị bắt trong vụ cướp này. Bất cứ ai có thông tin liên quan tới vụ cướp hãy liên hệ cảnh sát Oakland ở số 510-238-3951.

    Viethome (theo Yahoo)

  • Hai du khách Việt Nam - bao gồm một người mẹ và con gái - đã tử vong do đuối nước khi tắm biển tại bãi biển Naithon, huyện Thalang, tỉnh Phuket (Thái Lan) sáng 31/7.

    Khi vụ việc xảy ra, các lá cờ hiệu đã được cắm dọc bãi biển để cảnh báo du khách không tắm do gió to và sóng lớn, Bangkok Post đưa tin.

    Đại úy cảnh sát Suporn Muangkhai, nhân viên điều tra tại đồn cảnh sát địa phương, cho biết ông được các nhân viên cứu hộ thông báo về vụ việc vào khoảng 7h15. Cảnh sát cho rằng ba du khách người Việt đã tắm tại bãi biển dù có cảnh báo.

    nguoi viet gap nan o thai lan
    Hiện trường vụ việc. Ảnh: Bangkok Post.

    Hai nạn nhân thiệt mạng bị sóng lớn cuốn đi cách bờ biển khoảng 20 m. Họ được các nhân viên cứu hộ đưa lên bờ, sơ cứu, và đưa tới bệnh viện, nhưng không qua khỏi. Du khách còn lại vẫn an toàn.

    Cảnh sát Thái Lan đã gửi thi thể các nạn nhân tới bệnh viện Vachira Phuket để khám nghiệm, cũng như thông báo tới Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan về vụ việc.

    Theo TTXVN, ngay sau khi nhận được tin báo về vụ việc sáng 31/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã nhanh chóng cử cán bộ liên hệ với người thân của các nạn nhân để hỗ trợ cung cấp thông tin cần thiết về các thủ tục tại bệnh viện và chính quyền sở tại tỉnh Phuket.

    Đại sứ quán đang phối hợp với gia đình, các cơ quan chức năng sở tại để cấp các giấy tờ cần thiết, hỗ trợ gia đình làm thủ tục đưa thi hài các nạn nhân về nước trong thời gian sớm nhất, ông Lê Trung Kiên, cán bộ phụ trách bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, cho biết.

    Theo Zing

  • Việc tìm thấy thi thể - có khả năng là công dân Việt Nam - tại một xưởng ở Oldham (Anh) 10 tuần sau vụ hỏa hoạn khiến người dân địa phương bàng hoàng.

    Một cuộc tìm kiếm các thi thể tại nhà máy ở Oldham, nơi xảy ra vụ hỏa hoạn lớn vào hơn hai tháng trước, đang diễn ra, theo Manchester Evening News. “Số lượng thi thể được tìm thấy có thể thay đổi dựa trên tiến độ điều tra trong những ngày tới”, Giám đốc điều tra Lewis Hughes cho biết trong cuộc họp báo tại hiện trường.

    "Cho đến nay, chúng tôi đã tìm thấy bộ hài cốt có thể liên quan đến một người. Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với giả thuyết rằng có thể có tới 4 người liên quan”, ông nói. "Tất nhiên, có thể có nhiều hơn 4, hoặc ít hơn 4, vẫn còn quá sớm để nói chắc chắn. Điều đó sẽ được xác định trong những ngày tới”, ông cho biết thêm.

    4 nguoi viet bi chay o oldham 1
    Cảnh sát và đội cứu hỏa có mặt tại hiện trường. Ảnh: Manchester Evening News.

    Các nhà chức trách Anh hôm 25/7 cho biết họ tìm thấy một số thi thể trong đống đổ nát của nhà máy ở Manchester sau vụ hỏa hoạn cách đây hai tháng, sau khi có thông tin 4 công dân Việt Nam mất tích.

    Cảnh sát Greater Manchester thừa nhận sự việc gây sốc và đáng thất vọng này sẽ “tác động đến cộng đồng địa phương và thậm chí là cộng đồng rộng hơn khác”.

    “Tôi biết mọi người sẽ bị sốc và đau buồn trước thảm kịch tại Bismark House Mill”, Ủy viên Amanda Chadderton, lãnh đạo Hội đồng Oldham, cho biết. “Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với cảnh sát và cơ quan cứu hỏa để tìm cách xác định tình huống xung quanh vụ cháy".

    Sự cố nghiêm trọng

    Các chuyên gia pháp y, chuyên gia điều tra cùng với đội cứu hỏa, đội tìm kiếm cứu nạn đã có mặt tại hiện trường vào tối 25/7. Ban đầu, giới chức cho biết không có ai ở trong tòa nhà khi đám cháy xảy ra, nhưng vào ngày 21/7, cảnh sát nhận được thông báo rằng 4 công dân Việt Nam đã mất tích và có thể liên quan đến vụ hỏa hoạn.

    “Toàn bộ Greater Manchester sẽ rất đau buồn và sốc khi biết tin này, đặc biệt là cộng đồng ở Oldham”, Thị trưởng Manchester Andy Burnham nói. “Trên tất cả, tôi muốn bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất tới gia đình và bạn bè của những người đã khuất trong một hoàn cảnh thực sự khủng khiếp”.

    Ông Burnham cho biết "sẽ làm mọi có thể" để "truy tìm sự thật" trong quá trình điều tra về thảm kịch.

    Trước đó, hôm 23/7, một số thi thể đã được phát hiện tại Bismark House Mill bởi các công nhân phá dỡ. Sự việc này diễn ra chỉ sau 3 ngày kể từ khi cảnh sát Greater Manchester (GMP) nhận được tin báo một số công dân Việt Nam mất tích qua một bên trung gian.

    Danh tính của các thi thể được tìm thấy tại nhà máy đang được xác nhận. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết họ nghi ngờ rằng thi thể có liên quan đến 4 người Việt được báo mất tích và các sĩ quan thuộc Đội Đối phó với Sự cố lớn đang cố gắng liên lạc với gia đình của họ ở Việt Nam.

    4 nguoi viet bi chay o oldham 1
    Ông Rob Potts, trợ lý cảnh sát trưởng, tại hiện trường. Ảnh: Manchester Evening News.

    “Trong khi xác nhận danh tính của người đã khuất, chúng tôi đang liên lạc với các cơ quan đối tác để đảm bảo các thành viên gia đình ở Việt Nam được cung cấp đầy đủ thông tin và hỗ trợ”, ông Rob Potts, trợ lý cảnh sát trưởng, cho biết.

    “Sự việc đã được tuyên bố là sự cố nghiêm trọng để đảm bảo cảnh sát khu vực Greater Manchester và các cơ quan đối tác phản ứng một cách hiệu quả nhất”, ông nói thêm.

    Ông cũng cho hay các nhà điều tra đang theo dõi vụ việc để xác nhận danh tính của người chết và tìm hiểu xem có ai khác ở bên trong nhà máy lúc xảy ra vụ cháy. Cảnh sát đang kêu gọi bất cứ ai có thông tin về vụ việc nên nhanh chóng liên hệ với cảnh sát.

    "Bất cứ hành vi phạm tội hình sự nào được xác định trong quá trình điều tra sẽ được xử lý thích hợp và ngay lập tức", ông nói thêm. 

    Truy tìm sự thật

    Trước đó, một đám cháy lớn đã bùng phát tại tòa nhà trên phố Bower, trong khu vực Derker của thị trấn Oldham vào ngày 7/5, khiến lực lượng cứu hỏa mất tới 4 ngày để dập tắt.

    Nhà máy từng là nơi làm việc của nhiều công ty khác nhau, bao gồm một cửa hàng gạch và trung tâm trò chơi laser. Bên cạnh đó, có các văn phòng dịch vụ và đơn vị lưu trữ trong khuôn viên.

    Vào ngày 7/5, Cơ quan Cứu hỏa và Cứu hộ Greater Manchester (GMFRS) cho biết họ đã điều động 10 xe chữa cháy để dập tắt vụ cháy lớn tại nhà máy lúc 2h15 (theo giờ địa phương). 3 thiết bị trên không cùng các phương tiện hỗ trợ bổ sung cũng được huy động.

    “Đơn vị Phòng cháy chữa cháy North West đã nhận được gần 70,999 cuộc gọi từ người dân về một đám cháy nghiêm trọng”, quản lý khu vực Ben Levy cho biết.

    4 nguoi viet bi chay o oldham 1
    Các nhà điều tra đang làm việc để tìm hiểu về vụ cháy tại Bismark House Mill. Ảnh: GMFRS.

    GMFRS cũng tiết lộ một số chi tiết liên quan đến sự cố ban đầu. Họ nói rằng "không có dấu hiệu nào cho thấy có người ở bên trong" trong suốt 4 ngày cố gắng dập tắt vụ cháy. Vì vậy, việc tìm thấy thi thể một số nạn nhân trong vụ hỏa hoạn sau hơn 2 tháng đã khiến nhiều người bị sốc.

    Trợ lý Giám đốc Phòng cháy chữa cháy Leon Parks cũng xác nhận rằng vào thời điểm đó, lính cứu hỏa đã không vào trong tòa nhà do mức độ nghiêm trọng của đám cháy, cũng như tòa nhà bị hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn.

    “Khi lực lượng cứu hỏa đến hiện trường, họ phải đối mặt với một đám cháy rất nghiêm trọng”, ông Leon Parkes phát biểu với giới truyền thông tại hiện trường.

    “Một quyết định đã được đưa ra vào thời điểm đó là không cho phép bất kỳ lính cứu hỏa nào vào tòa nhà vì hai lý do. Thứ nhất, đám cháy rất to và đang tiếp tục lan ra. Thứ hai, chúng tôi có một số lo ngại về sự ổn định cấu trúc của tòa nhà”.

    Ông cho biết đây là "các quy trình chính xác, được tuân thủ trong các tình huống như vậy", nhưng ông khẳng định họ sẽ xem xét lại phản ứng của lực lượng cứu hỏa trong sự cố để “chắc chắn".

    Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người đã chết và các nhà điều tra đang làm việc để xác định tình huống xung quanh vụ hỏa hoạn.

    "Cho đến khi chúng tôi biết thêm, tôi không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào nhưng chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ GMP trong cuộc điều tra. Bất cứ ai liên quan đến hành vi sai trái dẫn đến sự việc kinh hoàng này cũng sẽ bị đưa ra công lý", ông Andy Burnham nói.

    Theo Zing

  • Ít nhất 3 người gốc Việt đã thiệt mạng trong vụ cháy nhà ở thành phố Hinchinbrook, phía Tây Nam Sydney, lúc 5h30 sáng Chủ nhật ngày 24/7, theo tin của Sky News Australia trích dẫn thông báo của cảnh sát New South Wales, Úc. Trong ba người bị thiệt mạng, có một bé trai 10 tuổi là Daren Lê.

    DP Chay Sydney 1Ba người bị thiệt mạng trong vụ cháy là em Daren Lê, 10 tuổi (trái), người em họ và mẹ của cô Vickie Lê (phải). (Hình: GoFundMe.com)

    Theo Sky News Australia, hai phụ nữ thiệt mạng tại hiện trường ở độ tuổi từ 40 đến 60. Cả hai vẫn chưa được cảnh sát chính thức xác định danh tính.

    Ngoài ra, ba người khác, một đàn ông và hai phụ nữ, cũng được đưa vào bệnh viện Concord. Những người ở tầng hai, trong đó có một em bé chín tháng, được lực lượng cứu hỏa cứu thoát.

    Ông Luke Unsworth, giám đốc Sở Cứu Hỏa New South Wales Wales, cho biết 60 lính cứu hỏa đã có mặt để dập tắt một “đám cháy nhà rất dữ dội.”

    “Đám cháy dữ dội đến nỗi nhân viên cứu hỏa không thể đến gần cửa trước vì sức nóng tỏa ra,” ông Unsworth nói. “Thật không may, ba người, trong đó có em bé 10 tuổi được xác nhận là đã qua đời. Đó là một kết cục bi thảm cho cả gia đình và cộng đồng địa phương.”

    Hai nhân viên cứu hỏa bị thương trong khi ứng phó, một người (nữ) bị điện giật và người thứ hai (nam) rơi từ tầng hai. Cả hai cùng bị thương ở lưng khá nặng, vẫn theo Sky News Australia.

    Cảnh sát đã xúc tiến cuộc điều tra về các tình huống dẫn đến vụ cháy và hiện trường vụ hỏa hoạn bị phong tỏa. Bất kỳ ai có thông tin đều được khuyến khích liên lạc với nhân viên qua số 1(800)-333-000.

    DP Chay Sydney 2
    Căn nhà sau vụ hỏa hoạn. (Hình: Facebook Tiffany Tranelli)

    Thông tin từ GoFundMe

    Theo thông tin từ bạn bè trên Facebook thì gia đình nạn nhân vụ cháy này là ông Minh Lê và bà Vickie Lê. Bé trai Darren Lê, 10 tuổi, bị thiệt mạng là con ông Minh và bà Vickie. Hai người nữa cùng thiệt mạng là mẹ và em họ của cô Vickie Lê.

    Cô Vickie có bé gái mới chín tháng nhưng đã an toàn. Anh Minh, một trong ba người được đưa vào bệnh viện, bị phỏng nặng và vẫn nằm trong khu săn sóc đặc biệt UCI. Hai người kia là cô Vickie và mẹ anh Minh, hiện đã xuất viện và sức khỏe ổn định.

    Cô Katie Hồ, cư dân Green Valley, New South Wales, là người khởi xướng quỹ “GoFundMe” giúp gia đình cô Vickie Lê tại địa chỉ: www.gofundme.com/f/minh-vickie-fatal-house-fire-in-hinchinbrook. Số tiền thu được tính đến 5 giờ chiều 25 Tháng Bảy, giờ California, là hơn $81,000.

    Có thể do nổ bình “gas”

    Theo tin của đài 9 News Australia, 10 xe cứu hỏa đã được huy động đến dập tắt đám cháy này. Hàng xóm phát hiện ngọn lửa bùng cháy tại ngôi nhà của một gia đình Việt Nam có sáu người.

    Ông William Esera kể: “Tôi nghe một tiếng nổ lớn, nhưng vì khu này gần ‘freeway’ nên ban đầu tôi nghĩ đó chỉ là một chiếc xe hơi. Rồi tôi thấy nhiều khói bốc lên từ phía sau và ngọn lửa bốc khá cao.”

    Giới chức xác nhận là căn nhà không có chuông báo cháy. 

    Theo Người Việt

  • Vụ nổ khí độc ở cảng Aqaba, Jordan, hôm 27/6 khiến 5 người Việt Nam thiệt mạng và 7 công dân bị thương nhẹ.

    Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Arab Saudi kiêm nhiệm Jordan, vụ nổ khí độc ở cảng Aqaba, Jordan khiến 13 người thiệt mạng, trong đó có 5 công dân Việt. Trong số 251 người bị thương có 7 công dân Việt Nam bị thương nhẹ. Họ là thuyền viên làm việc trên tàu Forest 6, số hiệu VRUK3, xuất xứ Hong Kong.

    no khi doc o jordan 1

    Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chiều 29/6 điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Kiều dân Jordan Ayman Al-Safadi, đề cập tới vụ nổ khí độc.

    Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị giới chức Jordan nhanh chóng điều tra nguyên nhân vụ nổ, hướng dẫn xử lý các thủ tục hậu sự đối với những nạn nhân tử vong, đồng thời đề nghị Jordan hỗ trợ Đại sứ quán Việt Nam trong công tác bảo hộ, giúp đỡ các công dân gặp nạn.

    Khoảnh khắc bồn chứa chlorine bị rơi và gây rò rỉ khí độc tại cảng Aqaba, Jordan, hôm 27/6. Video:Twitter/Harry_Boone.

    Giới chức Jordan trước đó cho biết sự cố tại cảng Aqaba xảy ra khi cần cẩu đang bốc xếp các bồn chứa khí độc chlorine lên tàu hàng để chuyển đến Djibouti. Một bồn chứa 25 tấn chlorine bị rơi từ cần cẩu và hư hỏng, khiến khí độc phát tán ra xung quanh. Bồn chứa bị rơi do dây thép bị đứt.

    Video được truyền hình quốc gia Jordan chia sẻ cho thấy khoảnh khắc bồn chứa rơi và đập mạnh xuống boong tàu hàng, tạo ra đám mây khí độc màu vàng bao trùm tàu hàng và cầu cảng, trong khi nhiều người tìm cách bỏ chạy.

    Chlorine là khí độc có màu vàng, thường được sử dụng để khử trùng nước. Nó có thể tạo ra acid hydrochloric trong cơ thể người hít phải, dẫn tới tình trạng bỏng rát và kích ứng màng nhầy trong phổi, khiến nạn nhân không thể thở như người đuối nước và tử vong.

    Bài liên quan: Vụ nổ hóa chất đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ

    Vụ tai nạn công nghiệp đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ xảy ra vào ngày 16/4/1947 tại bến cảng vịnh Galveston thuộc thành phố Texas. Nguyên nhân vụ nổ là do một người vứt mẩu thuốc lá đang cháy dở vào con tàu Pháp SS Grandcamp chở 2.300 tấn amoni nitrate (một loại phân bón có công thức hóa học NH4NO3). Vụ nổ trên tàu Grandcamp đã cháy lan sang các tàu khác đỗ tại cảng và các nhà máy lọc dầu gần đó. Hậu quả là ít nhất 581 người thiệt mạng cùng gần 3.500 người bị thương.

    Sức công phá từ vụ nổ còn ảnh hưởng tới hai máy bay đang hoạt động trên bầu trời Texas lúc đó. Người dân ở cách vịnh Galveston 16km cũng cảm nhận được vụ nổ.

    Vụ nổ Great Kent ở Anh năm 1916

    Ngày 2/4/1916, một vụ nổ nghiêm trọng đã xảy ra tại nhà máy gần thị trấn Faversham (Vương quốc Anh) chứa 25 tấn thuốc nổ TNT và 700 tấn amoni nitrate.

    Thảm họa đã khiến 115 người, bao gồm tất cả nam giới làm việc vào ngày hôm đó, thiệt mạng. Bảy thi thể không bao giờ được tìm thấy. Người dân ở Norwich, cách Faversham 244km cho biết họ cũng cảm nhận được vụ nổ này.

    Theo VnExpress

  • “Tôi mà biết con tôi bị chồng hành hạ như vậy thì tôi đã tìm cách sang Mỹ để bảo vệ nó. Tôi không biết gì cả, đến khi hay tin con qua đời,” ông Phạm Văn Thành, hiện sống ở Nha Trang, nói với nhật báo Người Việt qua Facetime hôm Thứ Bảy, 25 Tháng Sáu.

    DP Noi Long Cha Nhu Quynh 1 1068x774
    Cô Phạm Như Quỳnh, ngày rời phi trường Tân Sơn Nhất để đi Mỹ hồi năm 2017. (Hình: Phạm Văn Thành cung cấp)

    Ông Thành là cha của cô Phạm Như Quỳnh, 22 tuổi, bị chồng là Xichen Yang c.ắt cổ chết một cách d.ã man hôm 21 Tháng Sáu ở Altamonte Springs, Florida. “Từ khi tôi và mẹ cháu ly dị, tôi không biết tin gì về con gái mình. Hôm 21 Tháng Sáu, mẹ cháu cho biết, tôi rất bàng hoàng,” ông Thành nói trong nước mắt.

    “Hồi năm 2018, cháu có về chơi, tôi có gặp, nhưng kể từ đó, cháu không liên lạc với tôi nữa. Có lần cháu nhắn tin cho tôi, nói rằng con cố gắng đi học, mai mốt về nuôi bố, tôi rất tự hào. Tôi còn đăng lên Facebook khoe với mọi người'', ông Thành cho biết.

    Nhưng ông không hề biết con gái bị chồng hành hạ.“Tôi chỉ biết con gái mình bị chồng hành hạ sau khi cháu chết, qua mạng xã hội. Tôi thấy hình điện thoại của cháu bị đập bể, thấy đùi bị bầm dập, biết cháu từng bị chồng cho đi bộ về nhà,” ông Thành rầu rĩ nói. “Tôi mà biết chuyện thì thể nào cũng tìm cách qua đó bảo vệ cháu. Hoặc có thể tôi sẽ nói chuyện với chồng cháu, dù gì hai người đàn ông nói chuyện với nhau cũng dễ hơn.”

    Bài liên quan: Cô gái gốc Việt 20 tuổi bị chồng gốc Hoa s.át h.ại thương tâm

    Ông Thành cho biết cô Quỳnh sinh năm 2000, được gia đình lo cho qua Mỹ du học hồi năm 2017.“Lúc đó, tôi phải bán một miếng đất bố tôi để lại để lo cho cháu đi du học, không ngờ kết cuộc bi thảm như bây giờ. Thật là buồn. Mấy ngày nay tôi chỉ biết khóc. Tôi có một con chó, tối nào tôi cũng ôm nó mà khóc vì nhớ con gái mình,” người cha cô gái xấu số kể tiếp.

    “Có một em trai của Quỳnh, sinh năm 2002, đang học đại học, ở với tôi. Cháu nghe tin chị chết, buồn lắm, nói không biết có học tiếp nổi không'', ông Thành cũng kể.

    Ông không ngờ con gái có chồng người gốc Hoa, mặc dù có người khác thích con gái ông. “Có một cậu rất thương nó, nhưng nó lại thích anh người Hoa này. Có lần, cậu đó gọi về nói với tôi, và rất buồn. Biết sao bây giờ. Con mình nó chọn thì mình chịu thôi,” ông Thành than thở.

    Ông cho biết thêm, mấy bữa nay, ngày nào ông cũng lên chùa Mẹ Lộ Thiên cầu khẩn cho thi thể con gái sớm được đưa về Việt Nam để ông nhìn mặt lần cuối. Ông cũng đang tìm nghĩa trang để chôn cất con gái. “Cho tôi gởi lời cảm ơn tất cả cộng đồng mạng, bà con, đồng hương, chia sẻ tin tức, hỏi thăm và hỗ trợ con gái tôi thời gian qua,” ông Thành nói thêm.

    DP Noi Long Cha Nhu Quynh 2 1068x734
    Ông Phạm Văn Thành khấn vái tại chùa Mẹ Lộ Thiên, Nha Trang, mong sớm được nhìn con gái lần cuối. (Hình: Phạm Văn Thành cung cấp)

    Hôm 22 Tháng Sáu, cảnh sát thành phố Altamonte Springs cho hay nghi can Xichen Yang, cư dân nơi đây, xác nhận dùng dao cắt cổ vợ, cô Phạm Như Quỳnh, ngay tại nhà của hai người, ở khu chung cư trên đường Ballard St. gần Ronald Reagan Blvd. lúc khoảng 9 giờ sáng 21 Tháng Sáu.

    Theo bản tin của đài truyền hình địa phương WFTV Orlando cùng các cơ quan truyền thông khác, nghi can sau đó kéo nạn nhân vào bồn tắm, ngồi cạnh nắm tay, cho nghe bản nhạc nạn nhân ưa thích, trong khi nạn nhân chết dần.

    Nghi can khai với cảnh sát rằng mình có thể không làm hành động giết người ghê tởm này, nhưng nói thêm rằng mình là kiểu người “luôn làm mọi sự tới nơi tới chốn.”

    Theo hồ sơ cảnh sát, Yang cho biết lý do giết vợ vì cô đốt hộ chiếu của anh, và hành động trong cơn giận dữ. Hai vợ chồng chỉ mới cưới nhau chưa được một năm.

    Cảnh sát nói từng hai lần được gọi đến căn chung cư. Một lần là vì nghi can Yang “có hành động gây hại cho chính mình” khiến người vợ lo ngại. Lần thứ nhì là vì nghi can bị tố cáo đánh vào mặt vợ. Nghi can Yang vẫn bị giam giữ để điều tra, không được tại ngoại.

    Trong khi đó, một số người cho hay có quen biết với nạn nhân Phạm Như Quỳnh và đang tổ chức quyên góp qua trang GoFundMe để có tiền trang trải chi phí đưa thi thể cô về Việt Nam, nơi cả gia đình cô đang sinh sống, theo lời người đứng ra tổ chức là anh Ryan Trần. Một người trong số này, Trinh Nguyễn, cho biết trên trang GoFundMe rằng cô Phạm Như Quỳnh còn cha mẹ và hai người em cùng nhiều chú bác cô dì ở Việt Nam. Cho đến Thứ Bảy, 25 Tháng Sáu, số tiền thu được là gần $30,000 so với mức mong muốn là $10,000.

    Bài liên quan: Cô gái gốc Việt 20 tuổi bị chồng gốc Hoa s.át h.ại thương tâm

    Theo Người Việt