Vì sao người Trung Quốc ở đâu cũng mạnh hơn người Việt?

Bài chia sẻ của bạn Dang Hong Son đăng trên nhóm Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan vào năm 2017. Hai năm trôi qua thấy tình hình cũng không sáng sủa hơn là mấy mà còn có phần tối màu, nên Viethome xin chia sẻ cùng bạn đọc để chúng ta có thể thay đổi tốt hơn:

''Làm một vòng Châu Âu, thấy người Trung Quốc ở nước nào cũng rất mạnh, cũng có kinh tế và đường lối rất tốt, rất lâu dài ...

Khoảng 10 năm trước tới Paris lần đầu, ra quận 13 hồi đó còn gọi là ra quận người Việt, quán ăn, rồi kiốt của người Việt cũng tương đối, ra chợ gặp người miền Nam rất nhiều khi đó còn có tý kỳ thị không thích Bắc Kỳ, quán ăn của người Việt lúc đó khá nhiều và phát triển... Bây giờ thì chỉ còn 1 vài quán lớn, quán Phở nổi tiếng là còn giữ được, còn những quán khác, địa điểm đẹp vào hết tay người Tàu...

Về kinh tế, buôn bán hay kinh doanh phải nhìn nhận người Tàu có truyền thống từ lâu đời. Nhớ hồi nhỏ xem phim Tàu thấy tửu điếm, khách sạn, tiêu cục ... cứ nghĩ là phim thôi, bây giờ nhìn nhận mới thấy dân Tàu buôn bán trọng chữ Tín và xây dựng từ gốc...

Vào một công ty hay cửa hàng của người Trung Quốc, cái nhìn nhận đầu tiên là phong thủy và sự trau chuốt, nhà ở có thể luộm thuộm (có nhà thấy có cả gián... ) nhưng cửa hàng thì hầu hết là long lanh. Cách đây mấy năm, quán ăn Xinh Long trong Wolka lúc mới mở ra địa điểm không tốt khách vắng, chủ quán rất Ok nhưng cả nửa năm đầu khách vắng ... Bây giờ khách đông không xuể ...

Người Việt mình ở nước ngoài cũng cần cù, chăm ch , thức khuya dậy sớm không kém người Tàu vậy tại sao chúng ta không phát triển bằng họ? 

Năm 2008 trở về trước, khi mà EU chưa thông thương, các chợ ở Ba Lan người Việt là chủ chốt, khi đó dịch vụ giấy tờ thôi người Tàu cũng nhờ người Việt. Chúng ta cứ kêu kinh doanh ngày càng kém sao người Tàu ngày càng đổ về Ba Lan nhiều vậy?

Có 3 yếu tố phải nhìn nhận là mình kém họ rất nhiều: truyền thống kinh doanh của người Tàu có cả ngàn năm (mình thì hầu hết là thả cày, thả cuốc là sang đi buôn...), họ có sự hỗ trợ của chính phủ, của người đi trước kéo người đi sau, điểm quan trọng là có sự đầu tư lâu dài, có sự giúp đỡ và cạnh tranh lành mạnh để cùng nhau phát triển ...

Người Việt ra nước ngoài (châu Âu thôi, các châu khác chưa tới) tâm lý chung là không xác định lâu dài, đất lành chim đậu mà chỉ nghĩ mảnh đất mình đến là tạm bợ, kiếm được tiền là đóng gạch ... Có khi nào bạn yêu một người, bạn không xác định lâu dài, liệu người đó có hết lòng yêu bạn không? Kinh doanh đơn giản cũng như tình yêu vậy, không yêu nghề sao nghề yêu mình được ...

Chúng ta thua về tầm nhìn xa... Người Tàu chủ và tớ phân biệt rõ ràng, có những người làm công của họ mình nhìn thấy làm việc cả chục năm nay. Người mình được một thời gian là làm công cũng muốn được như chủ, nhìn sự việc đơn giản nhưng không thấy khó khăn của người đi trước. Người Việt mình lúc khó khăn tinh thần chia sẻ, lá lành đùm lá rách rất tốt, nhưng lúc phát triển được một tý không dìm nhau thì cũng cạnh tranh không lành mạnh, số người vượt khỏi tầm cộng đồng liệu được bao nhiêu?

Cũng có những điểm tốt nhất định (không nhiều thời gian nêu ra ở đây) nhưng ý thức hệ và tầm nhìn xa đấy là điều cần sửa đổi và học hỏi để cộng đồng người Việt tại châu Âu duy trì được bản sắc và phát triển không thua kém những cộng đồng khác về kinh doanh nói riêng và cuộc sống nói chung.

5, 7 năm nay mình cắt tóc gần như duy nhất một nơi, hôm rồi đi với bạn vào tiệm của người TQ mới mở chừng 1 năm, phải nhìn nhận là họ chịu khó đầu tư thợ và dịch vụ chăm sóc tốt hơn người mình... Tại sao tiệm làm đẹp của người Việt cho chị em là có sửa sang , đổi mới ... mà tiệm cắt tóc nam 10 năm vẫn vậy. Đàn ông ở Trung tâm Wolka thiệt thòi quá... Tất nhiên, mình là người Việt , kém 1 tý cũng ủng hộ người Việt... cái mấu chốt muốn tỏ ở đây là: doanh nghiệp có mặt mạnh của doanh nghiệp, dịch vụ có mặt mạnh của dịch vụ, giải trí có mặt của giải trí ... chúng ta có chịu yêu, đầu tư và phát triển công việc và thế mạnh của chính mình không mà thôi ...

P/s : Cảm ơn những người bạn Việt, bạn Tàu luôn nồng nhiệt những nơi mình đến. Gạt bỏ những khúc mắc chính trị thì mình thấy người dân nước nào cũng như nha, mến khách và yêu sự bình an...''

Tác giả: Dang Hong Son

Viethome (sưu tầm)