• Nhiều nhà đất liền kề nhau mà hai bên tranh chấp được mua của nhiều người. Tất cả chủ nhà, đất cũ đều cho rằng họ bán cho bà Liêng, còn ông Danh chỉ đứng tên giùm.


    Các căn nhà, đất ở đường Chu Mạnh Trinh, TP Vũng Tàu mà hai bên tranh chấp suốt 12 năm qua - Ảnh: ĐÔNG HÀ

    ''Suốt 12 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện, tôi đã khóc cạn nước mắt, có những lúc tưởng chừng hết hi vọng. Tôi chỉ mong giữ lại được mảnh đất để an hưởng tuổi già, nhưng hành trình đi tìm công lý quả là quá gian nan'', bà TRẦN THỊ LIÊNG.

    Ngược lại, ông Danh cho rằng mảnh đất trên do ông mua, ông chỉ cho bà Liêng ở nhờ.

    Không ai chịu ai, hai bên kéo nhau ra tòa. Mới đây, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Liêng (70 tuổi, Việt kiều Mỹ, Pháp) và bị đơn là vợ chồng ông Phan Danh - bà Nguyễn Thị Du (cùng ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

    12 năm kiện đòi nhà

    Theo đơn khởi kiện, bà Liêng là Việt kiều Pháp, Mỹ. Năm 1998, bà có ý định đưa gia đình hồi hương. Trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến 2001, bà Liêng cùng người thân trong gia đình về VN nhiều lần, mỗi lần về mỗi người đều mang 5.000 - 6.000 USD để mua nhà. 

    Thời điểm này pháp luật VN không cho phép người có quốc tịch nước ngoài đứng tên quyền sở hữu nhà, đất. Do quen biết với vợ chồng ông Danh nên bà Liêng nhờ đứng tên giùm một số nhà, đất và giấy tờ nhà, đất do bà Liêng giữ. 

    Tuy nhiên, đến tháng 5-2007, bà phát hiện toàn bộ giấy tờ nhà, đất đã "không cánh mà bay". Sau đó, bà Liêng được biết các giấy tờ nhà, đất này đã được vợ chồng ông Danh thế chấp ngân hàng để vay 2,5 tỉ đồng, song do không trả nợ lãi và gốc nên đến nay số tiền nợ này đã lên tới 9,4 tỉ đồng.

    Không còn nhà để về, tháng 8-2007 bà Liêng đâm đơn kiện vợ chồng ông Danh đòi nhà. Vụ án đã kéo dài 12 năm, trải qua ba lần xét xử sơ thẩm, hai lần phúc thẩm và hai lần giám đốc thẩm nhưng vẫn chưa ngã ngũ...

    Chủ đất, nhân chứng "chống" bị đơn

    Tại nhiều phiên tòa, ông Danh cho rằng các nhà, đất đang tranh chấp là do vợ chồng ông mua trực tiếp từ chủ đất và giao tiền ở phòng công chứng. Vợ chồng ông cho bà Liêng ở nhờ vì bà Liêng hứa sẽ bảo lãnh con ông đi du học. Từ đó, ông yêu cầu tòa bác đơn của bà Liêng và bồi thường thiệt hại tiền cho thuê nhà 3,6 tỉ đồng.

    Suốt quá trình xét xử, từ phiên tòa đầu tiên vào năm 2008 đến nay, những chủ đất cũ đều khẳng định chỉ bán đất cho bà Liêng. 

    Cụ thể, đối với căn nhà số 16 Chu Mạnh Trinh, P.8, TP Vũng Tàu thì vợ chồng ông Nguyễn Phan Giang xác nhận vào năm 2001 bà Liêng mua của vợ chồng ông Hải và nhờ vợ chồng ông đứng tên giùm. Sau đó, bà Liêng yêu cầu vợ chồng ông sang tên cho vợ chồng ông Danh.

    Căn nhà liền kề số 18 Chu Mạnh Trinh trước đây của vợ chồng ông Trần Văn Hường và bà Trần Thị Hạnh bán cho bà Liêng với giá 32.000 USD. Sau đó, bà Liêng yêu cầu ông bà sang tên cho vợ chồng ông Danh.

    Đối với khu đất khoảng 30m2 của bà Phan Thị Quan, năm 2003 bà bán cho bà Liêng với giá 50 triệu đồng. Sau đó, bà Liêng dẫn ông Danh đến xem thì ông Danh trả giá 45 triệu đồng, bà Quan đồng ý bán. Bà Liêng đưa tiền cho ông Danh để trả cho bà 45 triệu đồng.

    Còn đối với 2 căn nhà giáp ranh số 14/1 và 14/3 Chu Mạnh Trinh, bà Nguyễn Thị Phượng, ông Bùi Văn Ca và bà Nguyễn Thị Bắc cho rằng trước đây bà Liêng nhiều lần hỏi mua nhưng họ chưa có nhu cầu bán.  

    Đến năm 2006, vợ chồng ông Danh và người giúp việc cho bà Liêng hỏi mua thì họ đồng ý bán với giá 700 triệu đồng. Sau khi mua, bà Liêng sửa chữa nhà và khuôn viên. Ngoài ra, năm 2004, mẹ bà Liêng mất tại một trong những căn nhà, đất đã mua này.

    Bên cạnh đó, ông Trần Bá Thu - nguyên cảnh sát khu vực, bà Nguyễn Thị Quanh là người giúp việc cho bà Liêng, bà Bùi Thị Cúc - tổ trưởng tổ dân phố và một số người là thợ xây từng được bà Liêng thuê xây, sửa chữa nhà cũng xác nhận bà Liêng là người mua nhà, ông Danh chỉ đứng tên giùm cho bà Liêng.


    Bà Trần Thị Liêng kiện đòi nhà, đất vì cho rằng mình nhờ ông Danh đứng tên giùm, nhưng ông Danh thì nói nhà, đất của ông mua, chỉ cho bà Liêng ở nhờ - Ảnh: T.M.

    Xử rồi hủy, hủy rồi lại xử...

    Năm 2008 xử sơ thẩm, TAND TP Vũng Tàu bác yêu cầu khởi kiện của bà Liêng, công nhận các nhà, đất trên thuộc quyền sở hữu, sử dụng của vợ chồng ông Danh. Bà Liêng kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên y án sơ thẩm. 

    Bà Liêng tiếp tục khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. Năm 2010, TAND tối cao hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm trên, đề nghị làm rõ số tiền bà Liêng thanh toán cho các căn nhà bao nhiêu, của vợ chồng ông Danh bao nhiêu và giải quyết số tiền bà Liêng đã bỏ ra mua nhà theo quy định.

    Xét xử sơ thẩm lần 2, TAND TP Vũng Tàu vẫn giữ nguyên quyết định như bản án sơ thẩm lần 1, bác yêu cầu khởi kiện của bà Liêng, công nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất trên cho vợ chồng ông Danh. Bà Liêng kháng cáo. 

    Sau đó, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên y án sơ thẩm. Bà Liêng đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Sau đó, năm 2014, TAND tối cao hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

    Năm 2016, xét thấy do vụ án có tính chất phức tạp nên TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lấy vụ án lên giải quyết sơ thẩm. Xét xử sơ thẩm lần 3, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Liêng, bà Liêng được quyền sở hữu, sử dụng các nhà, đất trên, hủy hợp đồng thế chấp tài sản giữa ngân hàng và vợ chồng ông Danh, buộc ngân hàng giao lại giấy tờ nhà, đất cho bà Liêng để bà chỉnh lý, sang tên theo quy định. 

    Bà Liêng có nghĩa vụ thanh toán cho vợ chồng ông Danh 1,4 tỉ đồng công sức của vợ chồng ông trong việc giao dịch, mua bán, sang nhượng giùm bà Liêng.

    Không đồng ý, bà Liêng, ông Danh và ngân hàng cùng kháng cáo. Xử phúc thẩm lần 3, TAND cấp cao tại TP.HCM cho rằng theo hồ sơ vụ án và lời khai tại tòa, có đủ căn cứ xác định nhà, đất trên do bà Liêng mua, nhờ vợ chồng ông Danh đứng tên. 

    Vợ chồng ông Danh có công trong việc giúp bà Liêng mua các căn nhà này, do đó bà Liêng cần phải trả cho vợ chồng ông 1,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, về hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và ông Danh thì từ khi thụ lý đến nay các bên chưa đối chiếu công nợ, chưa xác định rõ lãi trong hạn và quá hạn mà tòa sơ thẩm chưa làm rõ nên tuyên hủy một phần bản án.

    Vận dụng pháp luật để bảo vệ "tình ngay"

    Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM), pháp luật dân sự hình thành chủ yếu dựa trên những quy tắc xử sự chung trong xã hội, nói rõ hơn là hình thành từ cuộc sống. Xử sự trong cuộc sống thì bên cạnh cái lý cần phải có cái tình.

    Lý có gian (nhờ đứng tên giùm) thì phải xem xét tình có ngay không. Khi có đủ cơ sở để xác định "tình ngay", tức sự thật của vụ án, thì phải vận dụng pháp luật để bảo vệ cái tình đó.

    Vụ án này là một ví dụ, hoàn toàn đã đủ cơ sở chứng minh bà Liêng nhờ người khác đứng tên giùm nhà, đất nhưng tòa án vẫn tuyên bà thua kiện là thiếu khách quan. Điều đó làm mất thời gian, công sức và đánh mất lòng tin vào công lý của người dân.

    Viethome (theo Tuổi trẻ)

  • Do vụ kiện có nhiều tình tiết cũng như vấn đề chuyên môn cần nghiên cứu kỹ, đại diện VKS đã đề nghị toà tạm dừng phiên xử sơ thẩm lần 2.

    Ngày 16-7, TAND TP.HCM đã mở phiên xử sơ thẩm lần 2 vụ ông Huỳnh Hữu Thông (tên gọi khác là Huynh Tom Vu, quốc tịch Hoa Kỳ) kiện Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam (trụ sở quận 1) đòi bồi thường thiệt hại.

    Qua Mỹ điều trị quay về đòi bồi thường

    Năm 2009, do mắt bị mờ ông Thông đến Bệnh viện tư nhân Mắt Sài Gòn II -Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam (gọi tắt Bệnh viện mắt Thái Thành Nam) khám. Bác sĩ xác đinh ông bị đục thuỷ tinh thể.

    Ngày 5-6-2009, ông nhập viện và được hai bác sĩ Thái Thành Nam và Trần Phạm Duy trực tiếp phẫu thuật theo phương pháp Phaco +IOL. Chi phí phẫu thuật hết 7,9 triệu đồng. Ông xuất viện trong ngày, được hẹn một tuần sau tái khám.

    Sau đó ông Thông nhận thấy có biểu hiện thất thường tại mắt phải nên đến Bệnh viện mắt TP.HCM (quận 3) khám. Tại đây, bệnh viện kết luận mắt phải bị loạn dưỡng giác mạc, loét giác mạc và nếu không điều trị kịp thời sẽ bị mù vĩnh viễn.

    Lo sợ cho sức khoẻ, ông Thông vội vã quay về Mỹ điều trị mắt với số tiền 46.700 USD. Sau đó, ông trở lại Việt Nam yêu cầu bệnh viện bồi thường 85.000 USD (bao gồm chi phí khác). Trong quá trình giải quyết, ông Thông xác định lại chỉ yêu cầu bồi thường hơn 46.700 USD. 

    Bệnh viện Mắt Thái Thành Nam không đồng ý vì sau khi phẫu thuật, ông Thông quay lại khám thị lực ông là 3 m đếm được ngón tay. Bác sĩ có cho thuốc về điều trị hẹn tái khám theo dõi theo chỉ định nhưng ông không làm theo.

    10 tháng sau, ông lại làm đơn yêu cầu bệnh viện bồi thường. Trước đây trong quá trình hoà giải, bệnh viện có đồng ý hỗ trợ 8.500 USD nhưng ông Thông không đồng ý và khiếu nại khắp nơi làm giảm uy tín bệnh viện. Bệnh viên xác định tuân thủ đúng các quy định khám và điều trị không sai sót trong quá trình phẫu thuật nên không đồng ý bồi thường.

    Ông Thông tại phiên xử sơ thẩm lần đầu, sau nhiều năm nay ông có đại diện tham gia phiên toà.

    Gần 10 năm cho một vụ kiện

    Xử sơ thẩm năm 2014, TAND TP.HCM đã bác yêu cầu đòi bồi thường của ông Thông vì cho rằng không có căn cứ nói bác sĩ có lỗi do nhiều lý do khác nhau. Ông Thông tự ý đi điều trị ở bệnh viện khác đồng thời có nhiều nguyên nhân y khoa khác dẫn đến mắt ông bị tổn thương…

    Một năm sau phúc thẩm, Giám định viên thuộc viện Pháp y Quốc gia phân viện TP.HCM cho rằng bị đơn có lỗi tạo nên sự cố này. Từ đó, cấp phúc thẩm sửa án buộc bệnh viện mắt Thái Thành Nam bồi thường chi phí sau mổ cho nguyên đơn là gần 1 tỉ đồng.

    Tuy nhiên sau năm năm vụ kiện này vẫn chưa thể khép lại khi tháng 3-2016, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã tuyên huỷ cả hai bản án trên. Theo đó, quyết định giám đốc thẩm giao toàn bộ hồ sơ vụ án để TAND TP.HCM xử lại từ đầu.

    Theo hội đồng thẩm phán, ông Thông xuất trình các tài liệu khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa San Francisco General với tổng chi phí hơn 46.700 USD. Tuy nhiên đây không phải là các hoá đơn viện phí do bệnh viện cấp sau mỗi lần khám chữa mà do ông Thông xin cấp. Hơn nữa, một số tài liệu thể hiện việc khám, điều trị nhưng không rõ có liên quan đến việc điều trị mắt phải của ông Thông không... Tài liệu chứng cứ chưa đủ để xác định số tiền 46.700 là chi phí khám chữa mắt hay bệnh khác của ông. 

    Còn các kết luận của cơ quan chuyên môn về xác định bệnh viện mắt Thái Thành Nam có sai sót hay không trong trường hợp ông Thông là chưa thống nhất... Cấp sơ thẩm nói bệnh viện không có lỗi, phúc thẩm thì nói có lỗi hoàn toàn đều chưa có căn cứ vững chắc. Do đó phải huỷ án để xét xử lại.

    Tại phiên xử hôm nay, 16-7, phía nguyên đơn giữ yêu cầu đòi bồi thường hơn 53.000 USD (tương ứng hơn 1,25 tỉ đồng) dựa trên 24 chứng từ được hợp thức hoá gửi từ Mỹ về.

    Đại diện bệnh viện vẫn cho rằng mình đã làm đúng, không đồng ý bồi thường cho ông Thông. Vì ông Thông đơn phương ra khỏi nơi điều trị không có sự đồng ý của bác sĩ. Phía bệnh viện cũng bác việc ông Thông nói bác sĩ có hứa hẹn ông về Mỹ điều trị sẽ lo chi phí...

    Do vụ kiện có nhiều tình tiết cũng như vấn đề chuyên môn cần nghiên cứu kỹ, đại diện VKS đã đề nghị toà tạm dừng phiên xử. HĐXX đồng ý và ấn định sẽ mở lại phiên xử vào tuần sau để ra phán quyết...

    Viethome sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến vụ kiện này đến bạn đọc.

    Viethome (theo Plo)

  • Một nữ sinh bị một tách trà Starbucks làm bỏng đã được bồi thường hơn 75,000 bảng.

    Demi Mooney mới 12 tuổi khi vụ việc xảy ra ở cửa hàng Starbucks trên phố Henry, Dublin. Lúc đó là ngay trước lễ Giáng sinh năm 2014. Cô bé đã mua một ly cà phê Frappuccino, một ly trà, một chiếc bánh quy lớn và đang kẹp ly trà giữa khuỷu tay và xương sườn thì ly trà đổ lên người cô.

    Sau khi Demi bị bỏng, cô được một bác sĩ và một y tá tình cờ có mặt trong cửa hàng đưa ngay đến bệnh viện nhi đồng phố Temple. Ở đây cô trải qua nhiều cuộc phẫu thuật thẩm mỹ và điều trị các vết sẹo bỏng trên cả cánh tay.

    Trong vụ kiện do mẹ cô đệ trình, người mẹ cho rằng lẽ ra cô nên được cung cấp một khay mang đồ uống nóng, đặc biệt khi cô còn là một đứa trẻ.

    coc tra sua
    Mẹ của cô bé, chị Siobhan Mooney tiến hành vụ kiện thay mặt con gái. Ảnh: CollinsPhotoAgency

    Theo Dublin Live, Demi được chuỗi cửa hàng cà phê đề nghị bồi thường 75,000 bảng Anh (tương đương 85,000 euro). Họ nói thêm: “Căn cứ nguyên nhân một phần là do sự vô ý của chúng tôi, chiếm khoảng 20 đến 25% phần trách nhiệm, và tiên lượng rằng vết sẹo ở cánh tay của cô bé là vĩnh viễn, chúng tôi cảm thấy đây là một đề nghị hợp lý và công bằng.”

    Lời đề nghị đã được ông quan tòa Simons chấp thuận, và tuyên bố khoản tiền này bằng với những gì một quan tòa có thể phán quyết nếu vụ kiện thành công. Luật sư của Demi cho biết cô gái phải mặc áo sơ mi dài tay và ở độ tuổi mà ngoại hình rất quan trọng đối với cô. 

    Bài liên quan: Cặp vợ chồng thắng kiện 2 căn nhà của hàng xóm

    Trước khi qua đời, Barbara Murphy hứa tặng vợ chồng Moore hai ngôi nhà nếu chăm sóc bà. Nhưng bà lão đã thất hứa.

    Bà Murphy sống tại căn nhà số 68, đường Louisa, Birchgrove, bang New South Wales (Úc). Bà cũng là chủ căn nhà số 66 cho thuê. Cả hai tài sản đều có tầm nhìn ra cảng Sydney, các hòn đảo và trị giá khoảng 12 triệu đôla vào năm 2015.

    Bà Murphy chơi thân với vợ chồng người hàng xóm tên David Moore và Dee Andreasen, ở số nhà 70. Căn nhà của họ được mua từ năm 1999 và được mô tả là "ngôi nhà xấu nhất trong con phố đẹp nhất". Vì thế họ định cải tạo và mở rộng để bán kiếm lời.

    Trước khi chết, bà Murphy thông báo cho vợ chồng anh Moore, rằng bà đang có ý định để lại toàn bộ tài sản cho họ, với điều kiện cặp vợ chồng không mở rộng nhà vì sẽ chắn mất tầm nhìn ra biển của bà và chăm sóc để bà không phải vào viện dưỡng lão. Bà Murphy không có con cái, chỉ còn hai anh chị sống ở vùng cực bắc của New South Wales. Bà rất sợ vào viện dưỡng lão.

    duoc boi thuong nha cua hang xom 1
    Bà Murphy ở nhà 68 đã được vợ chồng ở nhà 70 chăm sóc những năm cuối đời. Ảnh: News.

    Vợ chồng Moore đã đổi ý không sửa nhà theo ý định ban đầu. Họ cũng đã chăm sóc bà Murphy cẩn thận. Bà thường khen ngợi Moore và vợ là "đã rất tốt với mình". "Chúng tôi chắc chắn có thể tìm ra cách cải tạo mà không che tầm nhìn của bà. Nếu bà để lại mọi thứ cho chúng tôi theo ý muốn của bà, chúng tôi rất hạnh phúc với điều đó", Moore chia sẻ lại lời đã nói với bà Murphy, tại phiên tòa mới đây.

    Năm 2014, Moore đưa bà Murphy đến gặp luật sư của bà để lấy một bản di chúc mới và nhận ra người phụ nữ lớn tuổi chỉ để cho mình 25.000 đôla, chứ không phải toàn bộ gia sản như bà nói. Thay vào đó, bà để lại gần như toàn bộ tài sản cho anh chị của bà và nếu bà sống lâu hơn họ, số tiền đó sẽ được đưa đến hai bệnh viện ở Sydney. Bà Murphy mất năm 2015, lúc 83 tuổi, tại căn nhà thân yêu của bà.

    duoc boi thuong nha cua hang xom 1
    Bà Murphy sở hữu hai căn nhà 66 và 68 đường Louisa. Ảnh: News.

    Sau khi bà mất, Moore đã thuê luật sư, đưa vụ án ra tòa. Chị của bà Murphy rất ngạc nhiên khi biết được thừa kế nhiều tài sản như vậy. Bà vốn biết em gái đã nói sẽ chuyển giao hai ngôi nhà cho hàng xóm. Anh trai của bà Murphy cho biết không quan tâm đến tài sản vì không biết nó trị giá bao nhiêu. Khi Moonre đề nghị nhường quyền thừa kế lại cho mình, song anh và chị của bà Murphy đều từ chối.

    Cả hai người đều ngoài 80 và họ đã lần lượt qua đời trong quá trình tố tụng các năm qua. Người hưởng lợi, nếu không phải là người hàng xóm, sẽ là hai bệnh viện ở Sydney. Cuối cùng, trong phiên xử mới đây, tòa án đã quyết định bàn giao lại hai ngôi nhà cho vợ chồng Moore. Hai tài sản hiện có thể trị giá 40 triệu đôla.

    VietHome (Theo Huffington Post)

  • Một tỷ phú được mệnh danh là "người sáng lập" Google đã lập hẳn một trang web để nói xấu vợ của mình trong một cuộc chiến tranh giành tài sản ly hôn kéo dài suốt gần 7 năm mà chưa đi đến hồi kết. Chuyện gì đã xảy ra?

    Cuộc chia tay đầy cay đắng và mâu thuẫn, đấu tố qua lại này bắt đầu từ năm 2014, khi thiên tài công nghệ Scott Hassan - người được công nhận là đã viết nhiều mã ban đầu cho Google (hay còn được mệnh danh là "người sáng lập" thứ ba không chính thức của Google) - nhắn tin cho Allison Huynh, người vợ đầu ấp tay gối 13 năm, nói rằng ông muốn ly hôn.

    Kể từ đó đến nay, suốt 7 năm ròng rã, cặp đôi đã đã mắc vào một cuộc chiến ly hôn tồi tệ xoay quanh cách phân chia khối tài sản trị giá 1,8 tỷ USD.

    Allison Huynh ly hon chong google 1
    Cuộc ly hôn và phân chia tài sản của cặp đôi thiên tài công nghệ Scott Hassan và vợ cũ là Allison Huynh tốn nhiều giấy mực báo chí

    Những ngày gần đây, những thông tin xoay quanh cuộc ly hôn đầy tai tiếng này lại "nóng lên" trên các mặt báo khi phiên tòa xét xử dự kiến bắt đầu vào ngày 23/8 tới đây tại San Jose, California (Mỹ).

    Được biết, Allison Huynh là một người Mỹ nhập cư gốc Việt. Cô từng theo học tại Stanford theo diện học bổng toàn phần. Hiện tại, cô đang là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Phòng thí nghiệm Người máy của Đại học Stanford. Huynh tuyên bố ông Hassan đang chiếm giữ số tài sản mà luật sư của cô tuyên bố rằng cô có quyền thừa hưởng hợp pháp. Luật sư của cô, Pierce O'Donnell, nói với tờ Daily Mail rằng năm 2018 trị giá khối tài sản này là 1,8 tỷ USD, bao gồm các khoản đầu tư vào các công ty công nghệ và bất động sản. Ít nhất, Huynh phải được hưởng một nửa con số đó.

    Allison Huynh ly hon chong google 1
    Hassan phủ nhận tuyên bố từ luật sư của vợ cũ rằng anh không muốn chia cho cô hoặc con cái của họ bất kỳ tài sản nào

    Vị luật sư có kinh nghiệm 50 năm trong nghề nói với tờ New York Post rằng: "Vào năm 2018, tài sản của cặp đôi này trị giá 1,8 tỷ đô la và Hassan muốn chia cho cô ấy một phần rất nhỏ. Phía luật sư của anh ta còn tuyên bố thân chủ của tôi không nhận được gì. Trong mỗi cuộc gặp gỡ để dàn xếp, anh ta đều giảm mức tiền phân chia cho vợ xuống. Tôi chưa từng thấy điều đó trong sự nghiệp kéo dài 45 năm của mình. Anh ta đang cố giở trò bẩn thỉu cuối cùng đối với vợ và 3 đứa con đang tuổi vị thành niên của mình”.

    Tuy nhiên, cũng chính Hassan tuyên bố việc ai đó nói anh ta không muốn chia cho vợ con bất kỳ đồng xu nào là "không chính xác".

    Khởi đầu lãng mạn

    Ai cũng mong muốn rằng sau khi đã hết tình cảm với bạn đời có thể chia tay trong êm đẹp, không gây tổn thương cho con cái và đặc biệt là không gây thù chuốc oán, vẫn vui vẻ làm bạn. Thế nhưng, đời chẳng giống như mơ, càng bất ngờ hơn ta nghĩ. Mới đây, tờ New York Post đã có bài viết dài kể khá chi tiết về cuộc ly hôn cam go của cặp đôi.

    Là một thiên tài về người máy, Hassan được mô tả như một Tiến sĩ công nghệ cao Dolittle, người có thể "nói chuyện" với máy tính. Mặc dù chưa bao giờ là nhân viên của Google, nhưng những đóng góp đáng chú ý ban đầu của Hassan khiến ông được biết đến với tư cách là "người sáng lập thứ ba" không chính thức của "gã khổng lồ" này.

    Allison Huynh ly hon chong google 1

    Khi cặp đôi gặp nhau vào năm 2000, Hassan đã trở thành một lập trình viên nổi tiếng vì đã giúp xây dựng hệ thống công cụ tìm kiếm mà hàng tỷ người sử dụng mỗi ngày.

    “Nếu không có Hassan, sẽ không có Google”, Adam Fisher, tác giả của cuốn “Thung lũng thiên tài”, cho biết: “Anh ấy ở Stanford và được tuyển dụng để viết mã cho những người có tư tưởng lớn. Anh ấy đã làm quen với Sergey và Larry, viết lại mã của họ và thuyết phục họ rằng đây là một sản phẩm. Họ đã bán cổ phiếu của những người sáng lập cho anh ta. Họ đã làm việc khá suôn sẻ”.

    Theo tài liệu của tòa án, nhờ việc viết mã của mình, mà Hassan đã có cơ hội mua 160.000 cổ phiếu của Google, lúc đó chưa có giá trị, với giá 800 USD.

    Hassan và Huynh, cả 2 cùng đến Stanford rồi quen biết nhau thông qua lời giới thiệu của những người bạn chung ở Thung lũng Silicon. Hassan xuất thân từ một gia đình quân nhân và lớn lên trong các căn cứ Không quân trên khắp thế giới; còn Huynh là một người gốc Việt nhập cư có thành tích cao, từng theo học tại trường đại học Stanford bằng học bổng toàn phần.

    Allison Huynh ly hon chong google 1

    “Hassan cực kỳ thông minh và rất chú ý đến tôi”, Huynh nhớ lại. "Chúng tôi chia sẻ rất nhiều sở thích và anh ấy đối xử bình đẳng với tôi". Còn Hassan thì nhớ lại câu chuyện tán tỉnh khi “đi bộ đường dài, chèo thuyền và đi xem nhạc kịch”.

    Năm 2002, khi họ đang ở tại căn nhà gỗ của bà ngoại Hassan ở Canasteo, New York, thì Hassan quyết định cầu hôn. Huynh nói: "Chúng tôi đang đi bộ đường dài và anh ấy đã cầu hôn tôi. Tôi hỏi anh ấy có chắc không. Anh ấy hỏi tại sao tôi hỏi vậy. Tôi nói tôi là một cá nhân có tư tưởng độc lập và tin tưởng vào sự bình đẳng và công bằng. Anh ấy nói đó là lý do anh ấy yêu tôi. Sau đó tôi gật đầu đồng ý lời cầu hôn".

    Allison Huynh ly hon chong google 1

    So với tất cả những thành công và sự thông minh của Hassan, Huynh nói rằng mọi thứ bắt đầu một cách khiêm tốn. Một tài liệu của tòa án cho biết họ tổ chức đám cưới tại Nhà nguyện Little White ở Vegas sau khi cô đã trả tiền cho bữa tiệc đính hôn.

    Huynh nói về việc kết hôn với một người chồng tuyệt vời mắc hội chứng ống cổ tay: “Anh ấy đã lập trình từ năm 5 tuổi và bắt đầu kiệt sức, cộng thêm gánh nặng nợ nần thời sinh viên. Tôi đã giúp anh ấy khỏe lại và hỗ trợ tài chính. Hassan nói rằng anh ấy sẽ làm việc và chu cấp cho gia đình chúng tôi. Anh ấy luôn đảm bảo với tôi rằng chúng tôi là đồng đội".

    Theo bản tóm tắt nộp cho Huynh, đến năm 2003 “cổ phiếu Google đã tăng từ 160.000 USD lên 2,56 triệu USD do một loạt đợt chia tách cổ phiếu”. Một năm sau, đợt Initial Public Offering (IPO - Lần đầu tiên phát hành ra công chúng) của Google diễn ra và cổ phiếu của Hassan bất ngờ có giá hàng trăm triệu USD.

    Allison Huynh ly hon chong google 1
    Allison Huynh, chụp ảnh tại nhà ở Palo Alto, California, cho biết Hassan đã tuyên bố chấm dứt cuộc hôn nhân của họ, qua tin nhắn

    Theo bản tóm tắt nộp cho Huynh, Hassan có kế hoạch sử dụng khoảng 50 triệu USD để tài trợ cho một doanh nghiệp tạo ra công nghệ nguồn mở. Ông đã thành lập các công ty định hướng về robot Willow Garage và Công nghệ phù hợp. Theo tài liệu của tòa án, điều này đã tạo ra tổng doanh thu 20 triệu USD trong suốt cuộc hôn nhân của họ.

    Khi đã có tiền, Hassan bắt đầu kinh doanh bất động sản. Ông nói: “Tôi đã đổi ngôi nhà của gia đình chúng tôi, từ một ngôi nhà 3 phòng ngủ ở San Francisco thành một ngôi nhà lớn hơn, mới hơn ở Palo Alto. Chúng tôi cũng có một cơ ngơi cuối tuần tuyệt vời trên sườn đồi”. Bên cạnh đó, Hassan còn mua hẳn một tòa nhà thương mại ở Menlo Park.

    Vào mùa xuân năm 2005, Hassan đã tìm kiếm lời khuyên từ một nhà quản lý tài sản. Sau cuộc họp, Hassan đã có một đề xuất đáng ngạc nhiên dành cho vợ mình. Có thông tin cho rằng, đề xuất của Hassan là nếu họ ly hôn, vợ ông sẽ nhận được ba bất động sản và 20 triệu USD cổ phiếu của Google.

    Huynh kể rằng cô đã đưa ra lựa chọn cho Hassan: “Tôi và gia đình của anh. Hoặc tiền của anh và một cuộc ly hôn”. Hassan sau đó đã chọn gia đình của mình - ông và Huynh có 3 đứa con, hiện 13 tuổi, 15 tuổi và 18 tuổi.

    Khi được hỏi về đề xuất năm ấy, Hassan nói: “Mục tiêu của tôi là làm cho cô ấy cảm thấy an toàn về tài chính. Nhưng cô ấy lại nghi ngờ nó như một gợi ý về việc muốn ly hôn. Cô ấy đã rất khó chịu”.

    Sau vụ việc đó, mọi thứ trở lại bình thường. Hassan đã thành lập một công ty, Greenheart Investments LLC, đầu tư số tiền lớn hàng trăm triệu đô la để hỗ trợ một số khoản đầu tư bất động sản và các công ty khởi nghiệp.

    Huynh nói: “Chúng tôi rất vui. Tôi là người chăm sóc chính cho 3 đứa con và anh ấy cư xử như một người đàn ông không toan tính”.

    Vào mùa thu năm 2014, gia đình thậm chí còn có một chuyến đi lãng mạn đến Fiji. Tại khu nghỉ mát, Hassan thể hiện tình yêu của mình với vợ bằng bê tông ướt. “Anh ấy đã viết vĩnh viễn, 'Scott Alli' với một trái tim lớn xung quanh trên một tấm bê tông vừa đổ để khi nó khô lại, khó có thể xóa đi", Huỳnh nhớ lại.

    Một hoặc hai tháng sau, cả thế giới của cô tan rã.

    Cuộc chiến ly hôn "trường kỳ" đầy thù hận

    Luật sư O'Donnell cho biết: “Hassan đã gửi một tin nhắn cho Huynh rằng 'Tôi sẽ đi và cuộc hôn nhân kết thúc'. Anh ta tuyên bố đã để lại những lời giải thích phù hợp với lứa tuổi cho những đứa con của họ".

    Huynh nói rằng cô "không có chút nghi ngờ nào về điều này sắp xảy ra". Nhưng Hassan nói rằng anh có lý do của mình: “Chất xúc tác cho sự chia tay của chúng tôi là một cuộc tranh cãi trong đó Huynh buộc tội tôi không chung thủy trước mặt các con của chúng tôi, và còn nhiều cáo buộc khác. Điều đó đã vượt qua ranh giới đối với tôi… Rõ ràng là chúng tôi cần phải chia tay vĩnh viễn và tôi đã thông báo điều đó với cô ấy”.

    Allison Huynh ly hon chong google 1

    Luật sư của Huynh phản đối điều này: “Không đúng. Hassan đột ngột rời bỏ gia đình mà không có sự báo trước".

    Không giống như các cặp vợ chồng khác, cặp đôi sở hữu khối tài sản khổng lồ cùng 3 đứa con chung, cuộc chiến pháp lý tranh giành tài sản đã diễn ra không hề suôn sẻ, nó diễn ra suốt gần 7 năm qua với những đấu tố qua lại mà vẫn chưa đi đến hồi kết.

    Cặp đôi thậm chí không thể thống nhất ngày chia tay. Theo một tài liệu tòa án do luật sư của Hassan đệ trình, anh ta khẳng định rằng họ đã chia tay vào ngày 4 tháng 11 năm 2015. Huynh tuyên bố rằng đó là 2 tháng sau đó. Cuộc hôn nhân chấm dứt vào ngày 18 tháng 5 năm 2020.

    Mặc dù Huynh thừa nhận cô không có yêu cầu gì về cổ phiếu của Google, nhưng cô tin rằng mình được hưởng phần tiền của mình trong cuộc hôn nhân.

    Mới đây, sau khi bị vợ tố cáo, Hassan thừa nhận đã tạo trang web AllisonHuynh.com vào đầu năm 2021. Trang này cung cấp các liên kết đến những bài báo tích cực viết về Huynh nhưng cũng liên kết đến các tài liệu tòa án từ 3 vụ kiện liên quan đến cô.

    "Scott đã cố gắng bắt nạt tôi để tôi phải từ bỏ cuộc chiến giành tài sản", Huynh nói.

    Khi được hỏi liệu có đưa trang web lên không, Hassan thừa nhận: “Tôi đã làm, nhưng tôi đã gỡ nó xuống. Quyết định ấy đến trong một khoảnh khắc thất vọng, khi tôi cảm thấy Huynh và luật sư của cô ấy đang kể những câu chuyện phiến diện với báo chí. Tôi nghĩ việc đưa thông tin công khai mà không cần bình luận hay biên tập chẳng giúp ích gì… Nó chỉ khiến tranh chấp của chúng tôi trở nên ầm ĩ và căng thẳng hơn, điều mà tôi chưa bao giờ mong muốn”.

    Allison Huynh ly hon chong google 1
    Hassan thừa nhận đã tạo AllisonHuynh.com - một trang web chứa thông tin không mấy tốt đẹp về vợ cũ

    Trong các tài liệu được đăng tải lên trang web là các cáo buộc tình dục liên quan đến vụ kiện của Huynh chống lại ông chủ cũ của cô là Samuel Ockman và Penguin Computing vào năm 2000. Tài liệu đưa thông tin cho rằng "Huynh đe dọa giết Ockman rồi tự sát nếu ông ta rời bỏ cô" và "theo dõi Ockman đi chơi với bạn gái mới".

    Được biết, vụ việc này đã được giải quyết theo hướng có lợi cho Huynh. Hiện tại Ockman từ chối bình luận.

    Huynh đã phát hiện ra sự tồn tại của trang web Allisonhuynh.com vào ngày 5 tháng 8. “Về cơ bản, mục đích là để làm tôi xấu hổ và sợ hãi bằng cách mạo danh tôi và cố gắng xoay chuyển thế giới chống lại tôi”, cô nói. Sau phát hiện này, cô ngay lập tức nghi ngờ chồng cũ là người đứng sau. Luật sư O'Donnell đã thuê các chuyên gia để tìm ra điều đó.

    Kênh 14 (Nguồn: New York Post)