Uống Red Bull nhưng không ‘mọc cánh’ như quảng cáo, người đàn ông kiện thắng 13 triệu USD

Điều mà một công ty khổng lồ như Red Bull trót quên là sức mạnh của khách hàng, đặc biệt là trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nơi một công ty có thể phá sản chỉ bằng cú nhấp chuột hoặc chia sẻ tin tức của các "Thượng đế".

Red Bull là một trong những thương hiệu lớn đã sử dụng nhiều chiến dịch marketing khôn khéo để phát triển theo thời gian và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới như hiện nay.

Trước đây, mỗi quảng cáo của hãng đều gắn liền với khẩu hiệu "Red Bull gives you wings" (Tạm dịch: Red Bull chắp cánh cho bạn) nhằm mục đích khẳng định một lần nữa hàm lượng năng lượng cao mà thức uống này mang lại.

Tuy nhiên, năm 2013, hãng đã gặp rắc rối với câu slogan nổi tiếng của mình. Cụ thể, Benjamin Careathers, một người đàn ông Mỹ, tin rằng slogan của Red Bull là không trung thực và kiện công ty với cáo buộc quảng cáo sai sự thật.

red bull moc canh
"Red Bull gives you wings" từng là một slogan nổi tiếng của công ty.

Tất nhiên trên thực tế, Benjamin không ngây thơ đến mức nghĩ rằng anh sẽ mọc thêm cánh sau khi uống Red Bull bởi đây rõ ràng chỉ là một cách ẩn dụ.

Cáo buộc "quảng cáo sai sự thật" mà Benjamin sử dụng trong vụ kiện là nước tăng lực Red Bull không cung cấp nhiều năng lượng như quảng cáo vì một lon Red Bull 250 ml chứa ít caffeine hơn một tách cà phê. Do đó, theo cách ẩn dụ của quảng cáo, Benjamin không thể "mọc cánh" vì được cung cấp năng lượng vượt trội.

Đơn kiện của anh ghi: "Quảng cáo và chiến dịch marketing của Red Bull có thể coi là lừa đảo vì gây hiểu lầm cho người xem". Thẩm phán của tòa án đồng ý với quan điểm của Benjamin.

Red Bull luôn tiếp thị sản phẩm của họ như "nguồn năng lượng vượt trội", hay nói cách khác, thức uống của họ là tốt nhất và hiệu quả nhất (nhưng không nhất thiết phải có giá cả hợp lý nhất). Sự tín nhiệm là từ phía người tiêu dùng nhưng công ty cũng có trách nhiệm quản lý mức độ tin cậy của sản phẩm một cách thích hợp dựa trên mô tả hoặc quảng cáo.

Ngay cả với những bằng chứng dưới góc độ khoa học, Red Bull vẫn không nhận sai vì họ cho rằng đây chỉ là một khách hàng không hài lòng. Tuy nhiên, đây lại là một trong những sai lầm lớn nhất mà Red Bull mắc phải khi coi nhẹ sức mạnh của người tiêu dùng!

Điều mà một công ty khổng lồ như Red Bull trót quên là sức mạnh mà khách hàng nắm trong tay, đặc biệt là trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nơi một công ty có thể phá sản chỉ bằng một cú nhấp chuột hoặc chia sẻ tin tức của các "Thượng đế".

Họ vẫn giữ vững quan điểm và tuyên bố rằng không có hoạt động marketing nào của mình là không trung thực. Tháng 8/2013, công ty đưa ra thông báo: "Red Bull sẽ giải quyết vụ kiện một cách hợp lý. Chúng tôi khẳng định chiến lược marketing và việc ghi nhãn luôn trung thực, chính xác. Đồng thời, công ty phủ nhận mọi cáo buộc theo đơn kiện".

Năm 2015, vụ kiện mới kết thúc. Kết quả là Benjamin nhận 13 triệu USD tiền bồi thường. Có lẽ bài học thấm thía nhất mà không chỉ Red Bull mà nhiều thương hiệu khác rút ra qua sự việc này là số lượng khách hàng hay hành vi sai trái của công ty lớn đến mức nào không quan trọng mà hầu hết trong các vụ việc tương tự, "khách hàng là Thượng đế và họ luôn đúng".

Điều ảnh hưởng đến kết cục cuối cùng không phải lúc nào cũng là phân định trắng đen rạch ròi mà là sự giải quyết khôn khéo và cân bằng lợi ích nhất giữa các bên của công ty. Một chuyên gia nhận định nếu xử lý mọi việc theo hướng khác, có lẽ Red Bull đã không tổn thất nhiều đến vậy.

Red Bull vẫn tin rằng họ đang đi theo con đường phát triển như Coca-Cola. Không thể phủ nhận trong nhiều năm, họ là một trong những thương hiệu nước tăng lực hàng đầu. Mặc dù vậy, thị trường đã xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh với các sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận. Hơn nữa, "cái tôi" quá lớn có thể là con dao hai lưỡi khiến thương hiệu gặp phải rắc rối.