Ryanair đe dọa khởi kiện chính phủ vì hành động giải cứu Flybe

Ông chủ của Ryanair, Michael O'Leary, đã đe dọa sẽ có hành động pháp lý chống lại chính phủ vì vụ giải cứu hãng hàng không quốc nội Flybe.

Trong một lá thư gửi Bộ trưởng Tài chính Sajid Javid, ông O'Leary yêu cầu rằng khoản trợ giá thuế hành khách dành cho hãng Flybe nên được mở rộng áp dụng cho cả các hãng khác.

Nếu không, ông nói rằng thỏa thuận sẽ vi phạm các quy tắc cạnh tranh và viện trợ nhà nước.

Ông cho rằng thật "vô lý" khi bộ trưởng kinh doanh Andrea Leadsom tuyên bố rằng Flybe có một mô hình kinh doanh khả thi, đồng thời ông dự đoán rằng hãng này sẽ thất bại một lần nữa.

Trong bức thư gửi ông Javid, giám đốc điều hành Ryanair cũng kêu gọi chính phủ đưa ra chi tiết đầy đủ về việc tạm miễn thuế hành khách (APD) mà chính phủ áp dụng cho Flybe.

Ông nói rằng chính phủ phải làm điều này, đồng thời mở rộng "tạm miễn thuế'' cho các hãng hàng không đối thủ khác ở Anh - bao gồm Ryanair, easyJet và British Airways – nếu không, trong vòng bảy ngày, Ryanair "dự định tiến hành tố tụng chống lại chính phủ".

Ông O'Leary nói: "Hành động giải cứu Flybe của chính phủ vi phạm cả luật cạnh tranh và luật viện trợ nhà nước.

"Mô hình Flybe không khả thi, đó là lý do tại sao các ông chủ tỷ phú của nó đang tìm kiếm một khoản trợ cấp nhà nước cho khoản đầu tư thất bại của họ."

Trong năm ngoái, Flybe đã được tiếp quản bởi một tập đoàn do Virgin Atlantic của Sir Richard Branson đứng đầu - được sở hữu 49% bởi hãng hàng không Delta của Mỹ - cùng với tập đoàn cơ sở hạ tầng Stobart và quỹ phòng hộ Cyrus Capital.

Đầu tuần này, nó đã được giải cứu khỏi bờ vực sụp đổ khiến hơn 2.000 nhân viên có nguy cơ mất việc, sau khi tập đoàn đồng ý bơm hàng chục triệu bảng vốn mới trong khi chính phủ đồng ý tạm hoãn hơn 100 triệu bảng thanh toán APD.

International Airlines Group, chủ sở hữu của British Airways, đã gửi khiếu nại với Liên minh châu Âu về thỏa thuận này, trong đó giám đốc điều hành của IAG Willie Walsh mô tả đây là "sự lạm dụng công quỹ trắng trợn".

Phố Downing đã nhấn mạnh rằng chính phủ hoàn toàn tuân thủ các quy tắc viện trợ nhà nước và rằng không hề có viện trợ nhà nước dành cho Flybe.

Nhưng ông O'Leary đã thách thức ông Javid công bố thêm thông tin chi tiết và cho rằng thỏa thuận này là một "trò che đậy khó chịu".

Trong lá thư của mình, ông thậm chí còn kêu gọi chính phủ chấm dứt ngay "khoản trợ cấp chính phủ sai lầm và không cần thiết này cho các tỷ phú, Richard Branson, Delta Airlines và Cyrus Capital".

Ông đã dè bỉu những tuyên bố về Flybe, nói rằng hãng này đã "loanh quanh từ tái thiết sang tái thiết" trong suốt 20 năm qua.

"Tuyên bố của bộ trưởng Andrea Leadsom cho rằng mô hình kinh doanh Flybe là 'khả thi' là vô căn cứ."

Ông O'Leary cũng cho rằng Flybe chẳng hề cung cấp cái gì gọi là "kết nối độc nhất", bởi nếu không có Flybe, thì các đối thủ của hãng này vẫn thừa sức cung cấp các dịch vụ rẻ hơn và thường xuyên hơn.

Ông cũng nhấn mạnh một khi Flybe thất bại, một số tuyến bay của nó sẽ ngay lập tức được tiếp quản bởi Ryanair, easyJet và BA.

"Có một số tuyến nội địa sẽ không được tiếp quản, bởi vì những tuyến này đã được phục vụ tốt bởi các giải pháp thay thế như xe lửa, xe buýt và đường cao tốc, đó là lý do tại sao mô hình Flybe không thể kiếm được lợi nhuận."

Sự can thiệp của ông O'Leary được thực hiện chỉ vài giờ sau khi cổ đông của Flybe, Stobart, tiết lộ rằng họ đã đóng góp 9 triệu bảng để giải cứu Flybe, và cùng với các thành viên khác trong tập đoàn Connect sở hữu hãng hàng không, họ đã tung ra 110 triệu bảng kể từ năm ngoái.

Nhưng Stobart cho biết những rắc rối tài chính của Flybe bị ảnh hưởng một phần Ủy ban châu Âu chậm phê duyệt cho Connect tiếp quản Flybe.

Bài liên quan: Chính phủ Anh giải cứu hãng hàng không khu vực lớn nhất châu Âu

VietHome (Theo Sky News)