• Hai cửa hàng bán cá Tooting đã giải quyết được tranh chấp khi một tiệm đóng cửa và hoạt động trở lại nhưng chuyển qua bán hành lý và phụ kiện.

    Fish World và Fish Universe khá nổi tiếng ở Tooting vì vẻ ngoài gần như giống hệt nhau. Hai cửa hàng thuộc sở hữu của hai người khác nhau, và sự trùng hợp đã dẫn đến cuộc chiến giành khách hàng gay gắt.

    Ông Khan - 63 tuổi, quản lý của Albarakah Good, trước đây là Fish World, nói: "Chúng tôi đã ngồi lại với tư cách là hai cửa hàng kinh doanh và bây giờ chúng tôi giống như một gia đình. Tôi từng kinh doanh một cửa hàng ở Stretham trước đó. Ngay khi tôi đến đây, tôi biết sự đối đầu không thể tiếp diễn. Chúng tôi quyết định đổi sang bất cứ thứ gì khác ngoài cá và chọn hành lý. Công việc kinh doanh diễn ra tốt đẹp và chúng tôi có quan hệ tốt hơn nhiều với Fish Universe. Chúng tôi đã ký hợp đồng thuê cửa hàng và vì vậy sẽ kinh doanh ở đây trong một thời gian dài. Chúng tôi không thể chấp nhận tình trạng gây chiến với những người hàng xóm như ban đầu".

    17fish1Hai cửa hàng từng là đối thủ cạnh tranh

    Diễn biến mới nhất trong mối thù khốc liệt giữa hai cửa hàng là Fish Universe - cửa hàng có mặt tiền màu xanh và trắng, chiến thắng khi vẫn giữ được ngành nghề kinh doanh.

    Fish Universe - đã hoạt động ở Tooting được hai thập kỷ, không mấy vui vẻ khi cửa hàng thịt và cá lân cận đổi tên thành Fish World vào tháng 10 năm ngoái.

    Sau một thời gian dài cáo buộc Fish World sao chép cách kinh doanh và đồng phục của mình, khiến mặt tiền hai cửa hàng gần như không thể phân biệt được, Fish Universe đã giữ được thương hiệu trong khi đối thủ chuyển sang bán hành lý.

    Các chủ sở hữu của Fish Universe thậm chí đã gửi lời chúc tốt đẹp đến những người từng là đối thủ không đội trời chung khi cửa hàng túi xách đi vào hoạt động.

    Rafa Kashefi - 34 tuổi, quản lý của Fish Universe, nói: "Họ nhận ra không thể tiếp tục việc bán cá nên đã đổi ngành nghề kinh doanh. Việc bán cá của họ không thành công. Đây không phải là vấn đề cá nhân, nhưng chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để xây dựng thương hiệu, vì vậy chúng tôi hơi khó chịu khi có một cửa hàng cá khác bên cạnh. Tôi biết ơn họ vì đã thay đổi ngành nghề và hy vọng công việc kinh doanh mới của họ sẽ thành công tốt đẹp”.

    Một cư dân Tooting, 24 tuổi, sống không xa hai cửa hàng cá, nói: "Hai cửa hàng trông giống nhau đến mức tôi nghĩ chúng từ cùng một doanh nghiệp”.

    Một cư dân khác chia sẻ: "Chỉ cần đi ngang qua, bạn có thể thấy Fish Universe đã thu hút thêm rất nhiều khách hàng".

    17fish1Hiện một cơ sở đã chuyển sang bán túi sách

    Khi Fish World khai trương vào tháng 10 năm ngoái, đồng phục của hai cửa hàng thậm chí còn rất giống nhau, khiến Fish Universe không còn lựa chọn nào khác ngoài đổi trang phục sang màu đỏ, thay vì màu xanh ban đầu.

    Ông Kashefi chia sẻ về cuộc chiến thương hiệu: “Chúng tôi có khoảng 60 cuộc gọi từ khách hàng hỏi chuyện gì đang xảy ra. Mỗi ngày, khách hàng đều hỏi câu tương tự. Cạnh đó từng là một cửa hàng bán thịt cho đến khi họ quyết định muốn bán cá. Đây là công việc kinh doanh gia đình. Anh họ tôi mở cửa hàng đầu tiên cách đây 20 năm ở Walthamstow - chi nhánh tiếp theo ở Fulham và sau đó là Toothing. Hiện chúng tôi có các chi nhánh khác ở Sutton, Camden, Croydon, Penge và Hounslow''.

    ''Chúng tôi phải thay đổi tất cả đồng phục của nhân viên sang màu đỏ. Chúng tôi có các chi nhánh khác trên khắp London - trước đó họ vẫn sử dụng đồng phục màu xanh lam. Khách hàng hỏi liệu cửa hàng kế bên có phải là thành viên của chúng tôi không vì họ mặc đồng phục cũ của chúng tôi và mọi thứ đều quá giống nhau. Chúng tôi bán hàng rẻ hơn họ, 10 con cá vược với giá 10 bảng nhưng họ chỉ bán 7 con cá với giá tương đương. Chúng tôi yêu công việc kinh doanh và có những khách hàng tuyệt vời. Khi mới kinh doanh, xung quanh không có nhiều cửa hàng cá".

    17fish1Bên trong Fish Universe

    "Năm 2015, chúng tôi cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ một doanh nghiệp nhưng họ đóng cửa sáu tháng sau đó. Cửa hàng của họ không nằm cạnh chúng tôi. Có người phàn nàn với hội đồng vì chỗ đó thật hôi thối. Nhưng lần này khác. Thông báo bên ngoài giúp chúng tôi. Rất nhiều người đã đọc và đăng nó lên mạng xã hội”.

    Fish Universe sử dụng một tuyên bố từ chối trách nhiệm bên ngoài cửa hàng, với nội dung: "Fish Universe không liên kết với Fish World và không quảng bá, xác nhận hay hỗ trợ cửa hàng này. Trong mọi trường hợp, chúng tôi không chịu trách nhiệm đối với thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp, do hậu quả hoặc ngẫu nhiên hoặc sự cố phát sinh từ việc sử dụng dịch vụ hoặc sản phẩm của Fish World".

    "Chúng tôi là cửa hàng bán cá có trình độ cao, và rất đam mê về cá và môi trường. Fish Universe khai trương vào tháng 12 năm 2014 với tham vọng mang đến những con cá tươi ngon và chất lượng nhất cho khách hàng. Chúng tôi luôn trung thực với các giá trị cốt lõi, cung cấp từng sản phẩm với chất lượng tốt nhất, tươi nhất. Fish Universe không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất phát sinh từ việc sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của Fish World. Chúng tôi cũng không chịu trách nhiệm về tính chính xác của bất kỳ thông tin hay lời khuyên được cung cấp bởi Fish World”.

    17fish1Bên trong cửa hàng mới của Fish World 

    Fish World gây tranh cãi khi cương quyết cho rằng họ không làm gì sai. Một nhân viên tại cửa hàng nói: "Chúng tôi là một doanh nghiệp khác với một chủ nhà khác. Chúng tôi có các nhà cung cấp khác nhau và rất nhiều cá của chúng tôi là cá Jamaica và châu Phi vì khách hàng thích loại cá đó. Cách bố trí của chúng tôi khác nhau và chúng tôi đang cố gắng làm điều gì đó mới và khác biệt. Họ nghĩ chúng tôi đang sao chép nhưng sự thật không phải vậy Chúng tôi không làm điều gì bất hợp pháp”.

    Nhân viên cho biết màu xanh lam của cửa hàng là đặc trưng của hầu hết các cửa hàng cá - thường là màu xanh lam hoặc màu vàng - vì chúng phù hợp với nước biển. Họ cũng chỉ ra những điểm khác biệt giữa các cửa hàng, bao gồm cách bài trí và nhà cung cấp.

    Viethome (Theo My London)

  • Cô con gái “tàn nhẫn và ham vật chất” thao túng cha mình để giành khối tài sản trị giá 100 triệu bảng đã bị xử thua tại tòa.

    Louise Reeves, 35 tuổi, tranh chấp cùng anh trai Bill Reeves tại tòa án khi người cha giàu có của họ là ông Kevin qua đời vào năm 2019, để lại cho con gái phần lớn tài sản.

    Ông Kevin đã có ý định để lại cho Bill - 47 tuổi, khoảng 27 triệu bảng. Tuy nhiên, di chúc cuối cùng của ông Kevien vào năm 2014 chỉ để lại cho con trai một bộ sưu tập tài sản trị giá khoảng 200,000 bảng.

    Vào tháng trước, thẩm phán Tòa án Tối cao Michael Green đã phán quyết bản di chúc không hợp lệ, vì Louise không thể chứng minh Kevin “biết và chấp thuận” bản di chúc. Thẩm phán nhận thấy Louise “rất ham vật chất” có lẽ đã “làm giả” di chúc.

    Hai anh em mỗi người được trao 27 triệu bảng, phần còn lại thuộc về em gái cùng cha khác mẹ Lisa Murray và các thành viên khác trong gia đình.

    14louiseLouise Reeves và anh trai Kevin

    Tuần này, thẩm phán đã ra lệnh cho Louise chi trả hầu hết các hóa đơn trong cuộc chiến pháp lý gay gắt, khi mỗi bên buộc tội những người còn lại nói dối trước tòa.

    Ngoài án phí 1 triệu bảng của chính mình, Louise cũng phải trả 70% chi phí pháp lý của Bill - số tiền này cũng có khả năng lên đến hơn 1 triệu bảng.

    Mặc dù Bill không cáo buộc hành vi gian lận, nhưng phán quyết chống lại Louise cho thấy cô này đã “làm ra một vụ lừa đảo với cha mình bằng cách bắt ông thực hiện di chúc năm 2014 mà không biết các điều khoản”, luật sư của Bill, Constance McDonnell cho biết.

    Ông Kevin Reeves đã gây dựng được khối tài sản lớn bất chấp khởi đầu khiêm tốn. Lúc nhỏ, ông bị bỏ lại tại một tu viện và bỏ học khi mới 12 tuổi.

    Ông có bốn người con, nhưng di chúc cuối cùng lại để lại 80% gia sản cho con gái Louise. Phần còn lại là của Lisa. Cái chết của ông làm dấy lên “mối thù cay đắng” khi con trai thứ hai là Bill tuyên bố Louise đã thao túng cha của họ để thay đổi di chúc và gần như loại mình ra khỏi di chúc.

    Bill tuyên bố rằng Louise “thích tiền”, ham vật chất và đã dàn dựng bảng di chúc “khó hiểu” của cha họ. Bill nói với tòa án mình và người cha quá cố có một mối quan hệ tuyệt vời, thậm chí anh còn đề nghị hiến tặng một lá phổi khi ông bị ốm.

    Thẩm phán Michael Green bác bỏ cáo buộc Louise đã bắt nạt cha mình, nhưng nói rằng cô đã “che mắt” ông Kevin khi không để ông biết nội dung di chúc:  "Tôi tin rằng cô ấy chấp nhận rủi ro bị cha phát hiện, bởi vì số tiền quá lớn, và cô ấy sẽ phải chịu trách nhiệm”.

    Bài liên quan: Anh em kéo nhau ra tòa vì tranh giành 100 triệu bảng tiền thừa kế

    Viethome (Theo Metro)

  • Một người đàn ông đã để ma-nơ-canh “nhìn chằm chằm” vào những người hàng xóm của mình sau khi bị cáo buộc đang xâm phạm quyền riêng tư của họ.

    6manAnh Simon đã đặt hình nộm cạnh cửa chớp khi bị phàn nàn

    Simon Cook đã nộp đơn xin phép quy hoạch xây dựng phần mở rộng mái nhà với cửa sổ mái và cửa sổ Velux ở cả hai bên vào năm 2019.

    Quận Wandsworth ở London đã phê duyệt đơn vào tháng 2 năm 2020. Tuy nhiên, hội đồng cho biết một trong những cửa sổ của phòng ngủ nên có kính che khuất - để bảo vệ sự riêng tư của hàng xóm.

    Các quan chức quy hoạch của hội đồng không coi đây là yêu cầu cần thiết đối với cửa sổ Velux vì nó “hướng lên bầu trời”. Tuy nhiên, những người hàng xóm của Simon, Rosie và Christopher Taylor-Davies, khẳng định cửa sổ “nhìn thẳng ra giường của họ”.

    Họ cho biết họ phải “sống trong bóng tối” với màn đóng kín cửa để tránh bị “dòm ngó”. Cặp vợ chồng đã sống ở Richmond Park trong 27 năm. Họ cho biết cửa sổ của Simon thậm chí có thể nhìn vào phòng tắm.

    Hai vợ chồng tin rằng cửa sổ có góc nhìn xâm phạm phòng ngủ của họ. Lý do anh chị Davies đưa ra là ngôi nhà trị giá 1.5 triệu bảng của Simon nằm trên một con dốc, khiến nó cao hơn so với ngôi nhà của hai người.

    Simon sau đó đã “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách đặt một hình nộm tóc vàng vào cửa sổ để khiến cặp đôi cảm thấy luôn bị nhòm ngó. Hai vợ chồng đã yêu cầu tòa án ra lệnh cho Simon đóng cửa sổ mới.

    6manHình ảnh do anh chị Davies cung cấp

    Luật sư của họ nói: "Việc nhà riêng bị nhìn vào và quyền riêng tư bị xâm phạm do đặc điểm cửa sổ Velux khiến họ rất đau khổ. Không có lý do chính đáng để cửa sổ Velux có kính trong suốt hoặc có thể mở được vì có một cửa sổ khác rất gần ở bức tường đối diện. Thứ duy nhất mà cửa sổ Velux nhìn ra là tầng trên cùng của ngôi nhà của bên nguyên”.

    Thẩm phán Lang đã phán quyết Simon không vi phạm bất kỳ luật nào vì cửa sổ của anh đã được phê duyệt theo quyết định bản hoạch. Tuy nhiên, bà Lang nhận định việc để ma-nơ-canh chứng tỏ Simon “không coi trọng lo ngại về quyền riêng tư của hàng xóm”.

    Anh Daives nói: "Chúng tôi đã sống ở đây hơn 20 năm, nhưng có thể phải chuyển đi vì chuyện này. Chúng tôi không thể đi tắm hoặc mặc quần áo mà không bị nhìn thấy”.

    Viethome (Theo Metro)

  • kiem toan kpmg bi kien 2

    Ngày nay, chuyện các công ty kiểm toán lớn bị kiện không còn quá xa lạ. Gần đây nhất, KPMG chi nhánh Anh đối diện với vụ kiện trị giá 1,3 tỷ bảng Anh do liên quan đến vụ phá sản của tập đoàn Carillion - hãng xây dựng từng lớn thứ 2 tại Anh.

    Ngày 15/01/2018, tập đoàn Carillion, một trong những công ty xây dựng và quản lý nhà xưởng lớn nhất của Anh, tuyên bố phá sản do không có khả năng thanh toán các khoản công nợ lên tới 2 tỷ bảng Anh.

    Trước khi tuyên bố vỡ nợ, Carillion là hãng xây dựng lớn thứ 2 tại Anh, có 19.000 nhân viên tại Anh, chiếm gần 50% tổng lực lượng lao động. Anh cũng chiếm khoảng 3/4 doanh thu của công ty này. Đây cũng là một trong những nhà cung cấp cho các dịch vụ công cộng lớn thứ 2 tại Anh.

    Carillion nằm trong nhóm công ty có hợp đồng xây dựng một phần đường sắt cao tốc HS2 khi đó, đồng thời là nhà cung cấp dịch vụ bảo trì lớn thứ hai của tuyến đường sắt Network Rail.

    Công ty này cũng có hợp đồng bảo trì cho 50.000 căn nhà của Bộ Quốc phòng, quản lý gần 900 trường học, đường cao tốc và nhà tù tại Anh. Sự việc Carrilion tuyên bố phá sản khi đó đã khiến 3.000 người mất việc làm và gây ra tình trạng hỗn loạn đối với 450 dự án công. Sự sụp đổ của Carillion với khoản nợ 7 tỷ bảng Anh đã trở thành một trong những vụ bê bối kiểm toán lớn nhất trong những năm gần đây.

    kiem toan kpmg bi kien 2
    Trước khi tuyên bố phá sản vào đầu năm 2018, Carillion từng là hãng xây dựng lớn thứ hai tại Anh.

    Liên quan đến vụ bê bối này, mới đây KPMG chi nhánh Vương quốc Anh phải đối diện với vụ kiện trị giá 1,3 tỷ bảng Anh (1,55 tỷ euro) bởi các quản tài viên của Carillion, khi bị cho rằng kiểm toán viên đã bỏ sót "red flag" (dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra) rằng các tài khoản của bên thuê ngoài ở Anh đã bị khai man và tập đoàn này đã vỡ nợ hơn hai năm trước khi nó sụp đổ.

    Các quản tài viên – những người quản lí tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lí tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cáo buộc Carillion có thể đã tránh được sự suy giảm 1,1 tỷ bảng Anh tiền mặt từ tháng 12 năm 2016 đến khi sụp đổ vào tháng 1 năm 2018 nếu KPMG xác định rằng người thuê ngoài đã vỡ nợ ngay từ giai đoạn đầu.

    Các quản tài viên cáo buộc rằng KPMG đã không giữ được độc lập với ban quản lý của Carillion và một trong những kiểm toán viên của công ty đã "nhiều lần chấp nhận sự hiếu khách từ ban lãnh đạo Carillion và ban quản lý cấp cao của công ty và không tôn trọng ranh giới thích hợp của mối quan hệ kiểm toán viên-khách hàng".

    KPMG cũng giúp ban lãnh đạo đưa ra số liệu "qua mặt" ủy ban kiểm toán và đưa ra ý kiến ​​kiểm toán đối với Carillion Construction Limited cho năm 2016, theo tuyên bố. Tài sản ròng của Carillion "đã bị phóng đại hàng trăm triệu bảng Anh" và tập đoàn đã "vỡ nợ trên bảng cân đối kế toán" vào cuối năm 2016.

    Theo cáo buộc, các tài khoản đã không hạch toán đúng lợi thế thương mại hoặc doanh thu và chi phí theo hợp đồng xây dựng dài hạn.

    "Bất kỳ kiểm toán viên có năng lực hợp lý nào cũng sẽ phát hiện và báo cáo những sai sót này và những khiếm khuyết về thuyết minh liên quan," theo tuyên bố.

    KPMG cũng không phát hiện ra rằng các sai sót "dường như là kết quả của việc cố tình thao túng" các tài khoản của hai giám đốc Carillion, quản tài viên cáo buộc.

    Theo các quản tài viên, "bức tranh trình bày trong báo cáo tài chính là các công ty có lãi, với tài sản ròng đáng kể". Nhưng trên thực tế, tình hình tài chính của Carillion "không giống với kết quả đã báo cáo và báo cáo tài chính bị sai lệch nghiêm trọng".

    Trong một tuyên bố trước đó, KPMG cho rằng "chúng tôi tin rằng khiếu nại này là không có cơ sở và chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ vụ việc. Trách nhiệm cho sự thất bại của Carillion hoàn toàn thuộc về hội đồng quản trị và ban giám đốc của công ty, những người đã đặt ra chiến lược và điều hành hoạt động kinh doanh".

    Tuy nhiên, tháng Giêng vừa qua, Jon Holt, Giám đốc điều hành của KPMG chi nhánh tại Anh đã chính thức xin lỗi, thừa nhận công ty đã đánh lừa cơ quan quản lý kế toán của Vương quốc Anh trong cuộc thanh tra việc kiểm toán các tài khoản năm 2016 của Carillion. Các thành viên của nhóm kiểm toán Carillion của KPMG đã phủ nhận hành vi sai trái và đổ lỗi cho nhau trong một phiên tòa dự kiến ​​sẽ tiếp tục vào tuần tới.

    Cafebiz (Nguồn: The irish Times)

  • Vụ kiện chưa từng có tiền lệ này đã để lại bài học đắt giá cho những người làm kinh doanh.

    Năm 1976, Peter Maxwell đến công ty sản xuất của mình ở Chino, California (Mỹ) như mọi ngày.

    Ông đang hướng dẫn cho một nhân viên mới cách sử dụng máy móc. Không may thay, trước đó trong lúc sửa máy, vị phó chủ tịch của công ty đã dùng bu lông sai kích thước, khiến phần đầu nhô ra.

    Áo len của Maxwell vướng vào đầu bu lông, khiến ông bị thiết bị cuốn vào trong. Tai nạn này khiến Maxwell bị tổn thương nghiêm trọng. Ông quyết định kiện công ty ra tòa.

    Trớ trêu thay, đây cũng là công ty mà Maxwell sở hữu.

    Hành động này đã dẫn tới vụ kiện thú vị có 1-0-2 trong lịch sử, đồng thời cũng để lại bài học quý giá cho những người làm kinh doanh.

    vu kien cua peter maxwell
    Một bài báo về vụ kiện kỳ lạ của Peter Maxwell

    Giám đốc đi kiện... chính mình

    Peter Maxwell và vợ sở hữu 95% doanh nghiệp, còn một cặp đôi khác sở hữu phần còn lại. Mỗi năm, Maxwell tự trả cho chính mình một khoản lương khiêm tốn trị giá 10.000 USD.

    Thương tật khiến Maxwell không thể làm việc thường xuyên. Vì thế, vợ ông phải đứng ra gánh vác trách nhiệm thay chồng, bên cạnh công việc của chính mình. Dù vừa là giám đốc, vừa sở hữu công ty, Maxwell cũng là nhân viên tại đây. Vì thế, ông có quyền kiện giám đốc của công ty và đòi bồi thường chi phí y tế về việc mất khả năng lao động.

    Đầu tiên, Maxwell tìm đến luật sư của công ty, nêu rõ ý định kiện chính doanh nghiệp của mình. Luật sư cho biết, việc này hoàn toàn khả thi về mặt pháp lý, nhưng người này không thể tư vấn cho Maxwell vì xung đột lợi ích. Do đó, Maxwell đã thuê luật sư bên ngoài để đại diện cho mình trong cuộc chiến chống lại công ty.

    Rốt cuộc, đây đơn giản là vụ kiện giữa nhân viên Maxwell (được đại diện bởi luật sư bên ngoài) và công ty của Maxwell (được đại diện bởi luật sư của công ty).

    Thuê hai luật sư để thương lượng với bản thân

    Khi luật sư riêng của Maxwell đệ đơn kiện, luật sư của công ty đã đề nghị dàn xếp vụ này ở bên ngoài.

    Cả hai người đều nhất trí rằng công ty đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nặng nề và cần đền bù cho Maxwell. Như vậy, Maxwell sẽ phải tự đàm phán tiền bồi thường với chính mình.

    Câu chuyện này khiến nhiều người tưởng tượng đến viễn cảnh hài hước. Maxwell ngồi trong phòng, chờ luật sư hai bên đưa ra con số đền bù.

    Luật sư 1: "Anh có thể rời phòng để tôi trò chuyện riêng với thân chủ của mình không?".

    Luật sư 2 rời đi, để lại luật sư 1 và Maxwell nói chuyện với nhau.

    Vài phút sau:

    Luật sư 2: "Giờ thì anh có thể rời phòng để tôi trò chuyện riêng với thân chủ của mình không?".

    Luật sư 1 rời đi, để lại luật sư 2 và Maxwell nói chuyện với nhau.

    Cảnh này trông thì vô lý, nhưng hoàn toàn hợp pháp. Một luật sư đại diện cho Maxwell với tư cách nhân viên. Luật sư thứ hai đại diện cho công ty và có nghĩa vụ ủy thác cho công ty như một chủ thể độc lập.

    Cuối cùng, các luật sư đã đồng ý với khoản đền bù trị giá 122.500 USD bằng tiền mặt. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa dừng tại đây. Tiếp theo là đến phiên các kế toán vào cuộc.

    Một mình đại diện hai bên "chống lại" Sở Thuế vụ

    Công ty của Maxwell coi 122.500 USD như một khoản khấu trừ kinh doanh. Trong đó, Maxwell - với tư cách nhân viên - được giữ lại khoản tiền thanh toán một lần đó mà không phải kê khai trong phần thuế của mình.

    Trên cơ sở thuế, cả công ty và Maxwell đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, không may là việc này đã thu hút sự chú ý của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS).

    IRS đã tiến hành điều tra và xác định rằng khoản tiền mà Maxwell nhận được là thu nhập, bởi ông là chủ sở hữu vốn cổ phần của công ty. Vì thế, IRS yêu cầu Maxwell trả 64.185 USD thuế thu nhập cá nhân từ khoản tiền mặt bồi thường. Họ cũng không cho phép coi khoản tiền trên là khấu trừ kinh doanh và phạt công ty này 58.500 USD vì khai báo gian lận.

    Tổng số tiền phạt là 122.658 USD, trong khi số tiền bồi thường là 122.500 USD. Như vậy, thay vì hưởng lợi như ban đầu, Maxwell và công ty của mình lại phải chịu tổn thất không nhỏ.

    Lúc này, Maxwell "nhân viên" và công ty của mình lại hợp tác để phản đối IRS. Cả hai đã nộp kháng cáo đến Tòa án Thuế Hoa Kỳ.

    Năm 1990, gần 15 năm sau tai nạn trên, Tòa án Thuế Hoa Kỳ đã ra phán quyết có lợi cho Maxwell và công ty. Với tư cách nhân viên, Maxwell có quyền nhận được khoản bồi thường mà không phải trả thuế thu nhập cá nhân. Thẩm phán cũng đồng ý coi khoản tiền này là chi phí kinh doanh.

    Quyết định thuê cùng lúc hai luật sư, mỗi người lại có một nhiệm vụ ủy thác riêng, đã giúp Maxwell có lợi trong vụ kiện này. Thay vì tự đền bù cho bản thân, ông đã thuê hai luật sư đại diện cho hai bên khác nhau để cùng dàn xếp thỏa thuận.

    Tòa án Thuế xác nhận rằng Maxwell không dùng vụ kiện này để trốn thuế. Họ tin rằng số tiền hòa giải giữa hai bên là phù hợp với chi phí nằm viện của ông. Vụ kiện kỳ lạ kết thúc, trong đó Maxwell là người được hưởng lợi nhiều nhất.

    Theo Kênh 14

  • Đến nay, đây vẫn được coi là một trong những vụ kiện hấp dẫn nhất trong lịch sử các thương hiệu nước ngọt trên thế giới.

    Trên thế giới, có không ít vụ việc người tiêu dùng đâm đơn kiện nhà sản xuất đồ ăn, đồ uống đóng hộp vì phát hiện dị vật hoặc sinh vật lạ trong sản phẩm. Tuy nhiên, có lẽ nổi tiếng nhất vẫn là vụ kiện giữa Ronald Ball và Pepsi.

    Cụ thể, năm 2009, Ball đệ đơn kiện gã khổng lồ Pepsi sau khi phát hiện một con chuột chết trong chai Moutain Dew mà anh mua từ cây bán hàng tự động. Ball cho biết khi mở chai nước còn "nguyên seal", anh phát hiện một mùi hôi nồng nặc. Hóa ra bên trong là một con chuột chết. Quá bức xúc, anh quyết định kiện và đòi khoản bồi thường từ 50.000 USD đến 75.000 USD.

    kien tung pepsi 1

    Thế nhưng, Ball đã đánh giá thấp Pepsi. Họ sở hữu đội ngũ luật sư tốt nghiệp những trường đại học danh giá nhất nước Mỹ và đã đem lại chiến thắng ngoạn mục cho công ty bằng lập luận không thể xác đáng hơn.

    Có lẽ, khi đâm đơn kiện Pepsi, Ball và luật sư không hề nghĩ đến yếu tố khoa học. Trong thời gian dài, ngay cả axit nhẹ cũng có khả năng ăn mòn. Chuột không có khả năng chống axit và Mountain Dew có độ pH là 3 (có tính axit).

    Luật sư của Pepsi đã dựa vào đây để lập luận rằng không thể phát hiện ra một con chuột còn nguyên hình dạng trong chai nước. Thay vì mất công tranh luận về tiêu chuẩn an toàn sản xuất, luật sư của công ty đã có một nước đi khôn ngoan.

    Thí nghiệm chỉ ra rằng nếu một con chuột nằm trong chai Mountain Dew, chỉ cần từ 4 – 7 ngày sau, nó sẽ bị ăn mòn đến tận xương. Ngoài ra, hệ tiêu hóa và phần đầu của nó cũng sẽ bị mục ruỗng do tác động của axit nên sẽ không thể có hình dạng như khi Ball phát hiện. Trong vòng 30 ngày, toàn bộ con chuột sẽ biến thành một chất giống như thạch.

    Tiếp đến, luật sư của Pepsi đã chứng minh qua hồ sơ sản xuất rằng chai Mountain Dew mà Ball mua được đóng chai từ 15 tháng trước. Và mấu chốt là con chuột mà anh ta tìm thấy chỉ mới khoảng 4 tuần tuổi. Cuối cùng, khám nghiệm tử thi hệ hô hấp của nó cho thấy khi nằm trong chai nước, nó đã chết và từng tiếp xúc với không khí trước đó.

    Tóm lại, trừ khi có phép màu, việc con chuột có mặt trong chai Mountain Dew theo đơn kiện của Ball là hoàn toàn không thể xảy ra. Nhờ sự xuất sắc của nhóm luật sư của Pepsi, vụ kiện đã khép lại với chiến thắng dành cho họ.

    Tuy nhiên, trớ trêu thay, chính sự xuất sắc này lại làm lộ ra một lỗ hổng khủng khiếp trong sản phẩm Mountain Dew. Vụ kiện đã thu hút được rất nhiều sự chú ý không mong muốn của giới truyền thông và người tiêu dùng. Khi sự việc kết thúc, mọi người bắt đầu kháo nhau rằng Mountain Dew dù ngon miệng nhưng lại không có lợi cho sức khỏe vì có thể hòa tan cả một con chuột.

    kien tung pepsi 1
    Sau vụ kiện, không ít người đã tuyên bố tẩy chay Mountain Dew để bảo vệ răng (Ảnh: Internet).

    Để bác bỏ cáo buộc của Ball, Pepsi đưa ra bằng chứng khoa học khẳng định rằng tác dụng ăn mòn của Mountain Dew "vượt trội" so với mọi loại đồ uống khác. Điều này vô tình gợi lên lo lắng trong một bộ phận người tiêu dùng. Một chuyên gia nha khoa cho biết Mountain Dew gây hại cho răng gấp 6 lần so với các loại soda khác, chủ yếu là cho chất phụ gia và tính axit.

    Thậm chí, người ta còn nhắc đến "Mountain Dew Teeth" – hiện tượng khá phổ biến ở một số vùng nông thôn Nam Mỹ. Người dân nơi đây có hàm răng mất thẩm mỹ do chăm sóc răng miệng kém và uống nhiều Mountain Dew. Chính vì vậy, sau vụ kiện giữa Ball và Pepsi, không ít người tiêu dùng đã tuyên bố tẩy chay Mountain Dew để bảo vệ răng.

    Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định rằng tuy đem lại chiến thắng cho Pepsi trong vụ kiện nhưng lập luận của nhóm luật sư không khác gì một chiến dịch marketing thất bại. Đến nay, đây vẫn được coi là một trong những vụ kiện hấp dẫn nhất trong lịch sử các thương hiệu nước ngọt trên thế giới.

    Cafef (Nguồn: RD, MD)

  • Chị Donovan đang kiện địa điểm tổ chức đám cưới của mình - một doanh nghiệp từng đạt giải thưởng, và yêu cầu bồi thường 150,000 bảng sau khi trượt chân trên sàn nhảy công nghệ cao và gãy khuỷu tay.

    Cara Donovan - 35 tuổi, tuyên bố rằng nhân viên của Leez Priory đã không ngăn được người tham dự lễ cưới mang đồ uống lên sàn nhựa nhiều lớp có đèn LED, như nhà sản xuất khuyến cáo.

    Chị Donovan cho biết bàn được đặt cạnh sàn để khuyến khích mọi người khiêu vũ và uống rượu trong tiệc cưới của chị với anh Lee Pierson, và khi mọi người làm đổ rượu khiến bề mặt “rất trơn”, nhân viên đã không dọn dẹp.

    17donovanChị Donovan và anh Lee kết hôn hồi tháng 9 năm 2018

    Mặc dù đã trải qua ba cuộc phẫu thuật kể từ khi bị ngã vào tháng 9 năm 2018, chị Donovan vẫn bị đau vĩnh viễn và không thể quay lại với công việc là một giáo viên cho các trẻ đặc biệt.

    Chị đang kiện Country House Weddings - công ty điều hành trang viên Tudor, từng được bình chọn là địa điểm tổ chức tiệc cưới tốt nhất ở Vương quốc Anh. Sàn khiêu vũ được xây dựng trong hầm của dinh thự, giữa 40 mẫu đất công viên tại Great Leighs, gần Chelmsford, Essex.

    Ông Philip Goddard - luật sư của chị Donovoan, nói: “Vào buổi tối, khách sẽ đi trên sàn nhảy - đi lại hoặc khiêu vũ - và cầm theo những ly đồ uống và thỉnh thoảng làm đổ xuống sàn. Sàn nhảy trở nên trơn trượt vì đồ uống rơi vãi". 

    "Ánh sáng dưới sàn khiến những người trên sàn khó có thể nhìn thấy đồ uống vương vãi trên bề mặt. Đến khoảng 10h, nguyên đơn bắt đầu khiêu vũ. Cô ấy trượt chân do đồ uống đổ trên sàn, ngã và gãy xương cánh tay thuận là tay phải”.

    Luật sư cho biết chấn thương đã cản trở khả năng viết, lái xe, sử dụng bàn phím hoặc sử dụng các máy móc yêu cầu hai tay. Phần biện hộ của công ty không có trong các giấy tờ của tòa án và các tuyên bố của chị Donovan vẫn chưa được thẩm phán kiểm tra.

    Viethome (Theo Metro)

  • Điều mà một công ty khổng lồ như Red Bull trót quên là sức mạnh của khách hàng, đặc biệt là trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nơi một công ty có thể phá sản chỉ bằng cú nhấp chuột hoặc chia sẻ tin tức của các "Thượng đế".

    Red Bull là một trong những thương hiệu lớn đã sử dụng nhiều chiến dịch marketing khôn khéo để phát triển theo thời gian và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới như hiện nay.

    Trước đây, mỗi quảng cáo của hãng đều gắn liền với khẩu hiệu "Red Bull gives you wings" (Tạm dịch: Red Bull chắp cánh cho bạn) nhằm mục đích khẳng định một lần nữa hàm lượng năng lượng cao mà thức uống này mang lại.

    Tuy nhiên, năm 2013, hãng đã gặp rắc rối với câu slogan nổi tiếng của mình. Cụ thể, Benjamin Careathers, một người đàn ông Mỹ, tin rằng slogan của Red Bull là không trung thực và kiện công ty với cáo buộc quảng cáo sai sự thật.

    red bull moc canh
    "Red Bull gives you wings" từng là một slogan nổi tiếng của công ty.

    Tất nhiên trên thực tế, Benjamin không ngây thơ đến mức nghĩ rằng anh sẽ mọc thêm cánh sau khi uống Red Bull bởi đây rõ ràng chỉ là một cách ẩn dụ.

    Cáo buộc "quảng cáo sai sự thật" mà Benjamin sử dụng trong vụ kiện là nước tăng lực Red Bull không cung cấp nhiều năng lượng như quảng cáo vì một lon Red Bull 250 ml chứa ít caffeine hơn một tách cà phê. Do đó, theo cách ẩn dụ của quảng cáo, Benjamin không thể "mọc cánh" vì được cung cấp năng lượng vượt trội.

    Đơn kiện của anh ghi: "Quảng cáo và chiến dịch marketing của Red Bull có thể coi là lừa đảo vì gây hiểu lầm cho người xem". Thẩm phán của tòa án đồng ý với quan điểm của Benjamin.

    Red Bull luôn tiếp thị sản phẩm của họ như "nguồn năng lượng vượt trội", hay nói cách khác, thức uống của họ là tốt nhất và hiệu quả nhất (nhưng không nhất thiết phải có giá cả hợp lý nhất). Sự tín nhiệm là từ phía người tiêu dùng nhưng công ty cũng có trách nhiệm quản lý mức độ tin cậy của sản phẩm một cách thích hợp dựa trên mô tả hoặc quảng cáo.

    Ngay cả với những bằng chứng dưới góc độ khoa học, Red Bull vẫn không nhận sai vì họ cho rằng đây chỉ là một khách hàng không hài lòng. Tuy nhiên, đây lại là một trong những sai lầm lớn nhất mà Red Bull mắc phải khi coi nhẹ sức mạnh của người tiêu dùng!

    Điều mà một công ty khổng lồ như Red Bull trót quên là sức mạnh mà khách hàng nắm trong tay, đặc biệt là trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nơi một công ty có thể phá sản chỉ bằng một cú nhấp chuột hoặc chia sẻ tin tức của các "Thượng đế".

    Họ vẫn giữ vững quan điểm và tuyên bố rằng không có hoạt động marketing nào của mình là không trung thực. Tháng 8/2013, công ty đưa ra thông báo: "Red Bull sẽ giải quyết vụ kiện một cách hợp lý. Chúng tôi khẳng định chiến lược marketing và việc ghi nhãn luôn trung thực, chính xác. Đồng thời, công ty phủ nhận mọi cáo buộc theo đơn kiện".

    Năm 2015, vụ kiện mới kết thúc. Kết quả là Benjamin nhận 13 triệu USD tiền bồi thường. Có lẽ bài học thấm thía nhất mà không chỉ Red Bull mà nhiều thương hiệu khác rút ra qua sự việc này là số lượng khách hàng hay hành vi sai trái của công ty lớn đến mức nào không quan trọng mà hầu hết trong các vụ việc tương tự, "khách hàng là Thượng đế và họ luôn đúng".

    Điều ảnh hưởng đến kết cục cuối cùng không phải lúc nào cũng là phân định trắng đen rạch ròi mà là sự giải quyết khôn khéo và cân bằng lợi ích nhất giữa các bên của công ty. Một chuyên gia nhận định nếu xử lý mọi việc theo hướng khác, có lẽ Red Bull đã không tổn thất nhiều đến vậy.

    Red Bull vẫn tin rằng họ đang đi theo con đường phát triển như Coca-Cola. Không thể phủ nhận trong nhiều năm, họ là một trong những thương hiệu nước tăng lực hàng đầu. Mặc dù vậy, thị trường đã xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh với các sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận. Hơn nữa, "cái tôi" quá lớn có thể là con dao hai lưỡi khiến thương hiệu gặp phải rắc rối.

  • Trước khi qua đời, Barbara Murphy hứa tặng vợ chồng Moore hai ngôi nhà nếu chăm sóc bà. Nhưng bà lão đã thất hứa.

    Bà Murphy sống tại căn nhà số 68, đường Louisa, Birchgrove, bang New South Wales (Úc). Bà cũng là chủ căn nhà số 66 cho thuê. Cả hai tài sản đều có tầm nhìn ra cảng Sydney, các hòn đảo và trị giá khoảng 12 triệu đôla vào năm 2015.

    Bà Murphy chơi thân với vợ chồng người hàng xóm tên David Moore và Dee Andreasen, ở số nhà 70. Căn nhà của họ được mua từ năm 1999 và được mô tả là "ngôi nhà xấu nhất trong con phố đẹp nhất". Vì thế họ định cải tạo và mở rộng để bán kiếm lời.

    Trước khi chết, bà Murphy thông báo cho vợ chồng anh Moore, rằng bà đang có ý định để lại toàn bộ tài sản cho họ, với điều kiện cặp vợ chồng không mở rộng nhà vì sẽ chắn mất tầm nhìn ra biển của bà và chăm sóc để bà không phải vào viện dưỡng lão. Bà Murphy không có con cái, chỉ còn hai anh chị sống ở vùng cực bắc của New South Wales. Bà rất sợ vào viện dưỡng lão.

    duoc boi thuong nha cua hang xom 1
    Bà Murphy ở nhà 68 đã được vợ chồng ở nhà 70 chăm sóc những năm cuối đời. Ảnh: News.

    Vợ chồng Moore đã đổi ý không sửa nhà theo ý định ban đầu. Họ cũng đã chăm sóc bà Murphy cẩn thận. Bà thường khen ngợi Moore và vợ là "đã rất tốt với mình". "Chúng tôi chắc chắn có thể tìm ra cách cải tạo mà không che tầm nhìn của bà. Nếu bà để lại mọi thứ cho chúng tôi theo ý muốn của bà, chúng tôi rất hạnh phúc với điều đó", Moore chia sẻ lại lời đã nói với bà Murphy, tại phiên tòa mới đây.

    Năm 2014, Moore đưa bà Murphy đến gặp luật sư của bà để lấy một bản di chúc mới và nhận ra người phụ nữ lớn tuổi chỉ để cho mình 25.000 đôla, chứ không phải toàn bộ gia sản như bà nói. Thay vào đó, bà để lại gần như toàn bộ tài sản cho anh chị của bà và nếu bà sống lâu hơn họ, số tiền đó sẽ được đưa đến hai bệnh viện ở Sydney. Bà Murphy mất năm 2015, lúc 83 tuổi, tại căn nhà thân yêu của bà.

    duoc boi thuong nha cua hang xom 1
    Bà Murphy sở hữu hai căn nhà 66 và 68 đường Louisa. Ảnh: News.

    Sau khi bà mất, Moore đã thuê luật sư, đưa vụ án ra tòa. Chị của bà Murphy rất ngạc nhiên khi biết được thừa kế nhiều tài sản như vậy. Bà vốn biết em gái đã nói sẽ chuyển giao hai ngôi nhà cho hàng xóm. Anh trai của bà Murphy cho biết không quan tâm đến tài sản vì không biết nó trị giá bao nhiêu. Khi Moonre đề nghị nhường quyền thừa kế lại cho mình, song anh và chị của bà Murphy đều từ chối.

    Cả hai người đều ngoài 80 và họ đã lần lượt qua đời trong quá trình tố tụng các năm qua. Người hưởng lợi, nếu không phải là người hàng xóm, sẽ là hai bệnh viện ở Sydney. Cuối cùng, trong phiên xử mới đây, tòa án đã quyết định bàn giao lại hai ngôi nhà cho vợ chồng Moore. Hai tài sản hiện có thể trị giá 40 triệu đôla.

    Nguồn: VnExpress

  • Ông chủ của Ryanair, Michael O'Leary, đã đe dọa sẽ có hành động pháp lý chống lại chính phủ vì vụ giải cứu hãng hàng không quốc nội Flybe.

    Trong một lá thư gửi Bộ trưởng Tài chính Sajid Javid, ông O'Leary yêu cầu rằng khoản trợ giá thuế hành khách dành cho hãng Flybe nên được mở rộng áp dụng cho cả các hãng khác.

    Nếu không, ông nói rằng thỏa thuận sẽ vi phạm các quy tắc cạnh tranh và viện trợ nhà nước.

    Ông cho rằng thật "vô lý" khi bộ trưởng kinh doanh Andrea Leadsom tuyên bố rằng Flybe có một mô hình kinh doanh khả thi, đồng thời ông dự đoán rằng hãng này sẽ thất bại một lần nữa.

    Trong bức thư gửi ông Javid, giám đốc điều hành Ryanair cũng kêu gọi chính phủ đưa ra chi tiết đầy đủ về việc tạm miễn thuế hành khách (APD) mà chính phủ áp dụng cho Flybe.

    Ông nói rằng chính phủ phải làm điều này, đồng thời mở rộng "tạm miễn thuế'' cho các hãng hàng không đối thủ khác ở Anh - bao gồm Ryanair, easyJet và British Airways – nếu không, trong vòng bảy ngày, Ryanair "dự định tiến hành tố tụng chống lại chính phủ".

    Ông O'Leary nói: "Hành động giải cứu Flybe của chính phủ vi phạm cả luật cạnh tranh và luật viện trợ nhà nước.

    "Mô hình Flybe không khả thi, đó là lý do tại sao các ông chủ tỷ phú của nó đang tìm kiếm một khoản trợ cấp nhà nước cho khoản đầu tư thất bại của họ."

    Trong năm ngoái, Flybe đã được tiếp quản bởi một tập đoàn do Virgin Atlantic của Sir Richard Branson đứng đầu - được sở hữu 49% bởi hãng hàng không Delta của Mỹ - cùng với tập đoàn cơ sở hạ tầng Stobart và quỹ phòng hộ Cyrus Capital.

    Đầu tuần này, nó đã được giải cứu khỏi bờ vực sụp đổ khiến hơn 2.000 nhân viên có nguy cơ mất việc, sau khi tập đoàn đồng ý bơm hàng chục triệu bảng vốn mới trong khi chính phủ đồng ý tạm hoãn hơn 100 triệu bảng thanh toán APD.

    International Airlines Group, chủ sở hữu của British Airways, đã gửi khiếu nại với Liên minh châu Âu về thỏa thuận này, trong đó giám đốc điều hành của IAG Willie Walsh mô tả đây là "sự lạm dụng công quỹ trắng trợn".

    Phố Downing đã nhấn mạnh rằng chính phủ hoàn toàn tuân thủ các quy tắc viện trợ nhà nước và rằng không hề có viện trợ nhà nước dành cho Flybe.

    Nhưng ông O'Leary đã thách thức ông Javid công bố thêm thông tin chi tiết và cho rằng thỏa thuận này là một "trò che đậy khó chịu".

    Trong lá thư của mình, ông thậm chí còn kêu gọi chính phủ chấm dứt ngay "khoản trợ cấp chính phủ sai lầm và không cần thiết này cho các tỷ phú, Richard Branson, Delta Airlines và Cyrus Capital".

    Ông đã dè bỉu những tuyên bố về Flybe, nói rằng hãng này đã "loanh quanh từ tái thiết sang tái thiết" trong suốt 20 năm qua.

    "Tuyên bố của bộ trưởng Andrea Leadsom cho rằng mô hình kinh doanh Flybe là 'khả thi' là vô căn cứ."

    Ông O'Leary cũng cho rằng Flybe chẳng hề cung cấp cái gì gọi là "kết nối độc nhất", bởi nếu không có Flybe, thì các đối thủ của hãng này vẫn thừa sức cung cấp các dịch vụ rẻ hơn và thường xuyên hơn.

    Ông cũng nhấn mạnh một khi Flybe thất bại, một số tuyến bay của nó sẽ ngay lập tức được tiếp quản bởi Ryanair, easyJet và BA.

    "Có một số tuyến nội địa sẽ không được tiếp quản, bởi vì những tuyến này đã được phục vụ tốt bởi các giải pháp thay thế như xe lửa, xe buýt và đường cao tốc, đó là lý do tại sao mô hình Flybe không thể kiếm được lợi nhuận."

    Sự can thiệp của ông O'Leary được thực hiện chỉ vài giờ sau khi cổ đông của Flybe, Stobart, tiết lộ rằng họ đã đóng góp 9 triệu bảng để giải cứu Flybe, và cùng với các thành viên khác trong tập đoàn Connect sở hữu hãng hàng không, họ đã tung ra 110 triệu bảng kể từ năm ngoái.

    Nhưng Stobart cho biết những rắc rối tài chính của Flybe bị ảnh hưởng một phần Ủy ban châu Âu chậm phê duyệt cho Connect tiếp quản Flybe.

    Bài liên quan: Chính phủ Anh giải cứu hãng hàng không khu vực lớn nhất châu Âu

    VietHome (Theo Sky News)

  • Một sinh viên đang đòi 200.000 bảng tiền bồi thường thiệt hại từ trường đại học của mình vì anh không đạt được điểm số mà mình muốn.

    Umer Riaz, 33 tuổi, đã tuyên bố sẽ đưa trận chiến của mình lên tòa án cấp cao nhất khi vụ kiện của anh bị Tòa án Hạt Cardiff từ chối do Đại học South Wales nói với quan tòa rằng sinh viên này “không có triển vọng thành công.”

    Umer, từ Islamabad, Pakistan đến Vương quốc Anh để học tập, đã nhận được điểm qua môn (pass) - tương đương với chứng chỉ loại ba.

    Anh bắt đầu học hóa học vào năm 2011 nhưng phải học lại năm đầu tiên sau khi không đạt được số tín chỉ cần thiết.

    Vào năm 2014, các môn học năm thứ hai phải được hoãn lại cho đến năm tiếp theo sau khi anh nói rằng anh bị thương sau một cú ngã.

    Kết quả là, anh không kiếm đủ tín dụng cho tấm bằng danh dự và đã chạm ngưỡng thời gian học tối đa cho khóa học của mình.

    Anh quyết định kiện ra tòa tất cả những điểm số mà mình nhận được, nhưng sau khi vụ án bị bác bỏ, anh bày tỏ: “Tôi sẽ chiến đấu ngay cả khi tôi phải đưa nó lên cấp cao hơn, ngay cả tới Liên Hợp Quốc. Tôi rất, rất quan tâm rằng mình sẽ đi xa nhất có thể.”

    Một phát ngôn viên của Đại học South Wales cho biết tất cả các quy trình đều được tuân thủ một cách công bằng và chính xác.

    Anh Rịaz nói: “Tôi học khá giỏi và đã vượt qua các khóa học tiếng Anh ở quê nhà. Tôi là con út và gia đình muốn cho tôi cơ hội học cao hơn. Bố mẹ tôi không biết chữ, họ không được đi học.

    “Điểm pass không có ý nghĩa gì với tôi. Có một chứng chỉ như vậy trong tay sẽ không giúp tôi có được bất cứ điều gì.

    “Tôi muốn học tiếp tiến sĩ ngành hóa hữu cơ. Khi học năm cuối, tôi bắt đầu xin việc ở Châu Âu, Trung Đông và nghiên cứu thêm.

    “Tôi đã nhận được một vài email từ Ý và Đức. Họ nói họ ấn tượng trước cách tiếp cận của tôi nhưng tiếc là tôi không có đủ tín chỉ.

    “Nếu tôi có bằng danh dự, tôi đã có thể làm được mọi việc. Tôi đã có thể làm việc ở những nơi đàng hoàng như các đồng nghiệp khác của tôi.”

    Hiện giờ, anh đang phải đối mặt với một hóa đơn chi phí pháp lý lớn sau khi vụ kiện thất bại.

    Anh nói: “Thật căng thẳng. Tôi đã trải qua chấn thương, tôi đã trải qua bệnh tật. Mẹ tôi khóc rất nhiều, bà khóc quá nhiều. Ở quê hương tôi, khi bạn ra tòa, cảnh sát sẽ vây quanh bạn, thế nên bà ấy lo lắng cho tôi. Tôi nói chuyện với bà ấy mỗi ngày và nói rằng tôi ổn.”

    Một phát ngôn viên của Đại học South Wales nói: “Chúng tôi nghiêm túc coi trọng mọi khiếu nại và muốn duy trì các tiêu chuẩn khắt khe của chúng tôi.

    “Tất cả các quy trình của chúng tôi đã được tuân thủ một cách công bằng và chính xác, và điều này đã được Văn phòng Điều phối viên Độc lập cho Giáo dục Đại học đảm bảo.”

    VietHome (Theo Metro)

  • Vào ngày Chủ nhật (20/10), một nhà báo kỳ cựu đã bị tuyên án tù treo sau khi bị bắt gặp đang ghi âm một phiên tòa tại tòa án tối cao bằng chiếc iPhone của mình.

    Bà Angella Johnson, 59 tuổi, đã ghi âm lại những bằng chứng và lập luận pháp lý trong vụ xét xử tại Tòa án Tối cao Southwark. Bị cáo trong buổi xét xử là Gurgana Gueorguieva, người đã bị bỏ tù 9 năm rưỡi vì tấn công nhà riêng của nhà làm phim Michael Winner.

    Bà Johnson, một cây bút của tờ Sunday, đã bị tòa án phát hiện ra việc ghi âm từ phòng nghe xử công cộng, nhưng khi bị thẩm phán hỏi đến, bà đã phủ nhận việc làm sai trái của mình.

    Bên ngoài tòa án, bà tiếp tục nói dối cảnh sát và nhân viên tòa án về những gì mình đã làm và cố gắng xóa sạch các đoạn ghi âm.

    Tại Old Bailey, nhà báo đã thừa nhận tội vi phạm quy định của của tòa án và bị kết án bảy ngày tù, được hưởng án treo trong 12 tháng tiếp theo.

    Khi yêu cầu bà trả khoản tiền phạt £500, thẩm phán Edis nói: “Việc ghi lại các thủ tục tố tụng bị cấm để bảo vệ sự toàn vẹn của các thủ tục tố tụng đó và để bảo vệ tất cả những người tham gia tố tụng.

    “Ngày nay, mọi người rất dễ dàng ghi âm bằng điện thoại di động của họ, thiết bị mà hầu hết các tòa án không thu giữ của những người vào phòng xử án.

    “Cách bảo vệ hiệu quả duy nhất cho hệ thống công lý và những người liên quan đến nó là việc thực thi quy tắc này mỗi khi có người bị phát hiện vi phạm.”

    Thẩm phán cho biết hành động của bà Johnson đã trở nên tồi tệ hơn bởi những phản ứng của bà sau đó, nói dối về việc ghi âm cũng như cố gắng xóa các tập tin ngay trước mặt cảnh sát.

    “Bị cáo là một nhà báo chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm, biết rất rõ các quy tắc, và hoàn toàn đủ thông minh để biết tại sao chúng tồn tại - điều đó làm cho hành động của bị cáo trở thành hành động có chủ ý.”

    Nhưng thẩm phán cũng nói rằng việc bà ghi âm để giúp tường trình lại vụ xét xử của tòa án thay vì trực tiếp đăng nó lên mạng là một yếu tố giảm nhẹ.

    Bà Johnson đã bị bắt quả tang trong ngày thứ hai của phiên tòa vào ngày 27 tháng 9, và bà đã thu âm lại cuộc gọi 999 của bà Winner, trong đó người góa phụ trình báo về cuộc tấn công vào nhà riêng của bà và cung cấp địa chỉ nhà chính xác cho phía tổng đài.

    Khi ban đầu bị xét hỏi bởi Thẩm phán Peter Testar, bà Johnson đã thẳng thừng chối bỏ hành vi sai trái.

    Trong phiên điều trần đầu tiên hai tuần trước, nhà báo đã bác bỏ cáo buộc về việc bà đã nói dối với cảnh sát về hành vi của mình và cố gắng xóa các bản ghi âm, nhưng hôm nay bà đã thừa nhận các cáo buộc.

    Luật sư của bà, Alex Bailin QC, cho biết Johnson phải “chịu nhiều áp lực công việc và lo lắng một cách thái quá về việc có thể ghi chép nhầm những gì xảy ra trong phiên điều trần.

    “Bà ấy muốn có một bản ghi hoàn toàn chính xác về quá trình tố tụng vì bà đang viết một bài báo chi tiết về vụ án này.

    “Bà ấy lo ngại rằng nếu chỉ tốc ký hoặc ghi chú, bà ấy sẽ khó có thể theo kịp và không thể tường thuật chính xác.”

    Luật sư nói bà Johnson, người hiện đang bị tờ Sunday đình chỉ, không hề dự các phiên xét xử trong suốt 8 năm qua nhưng vẫn nhận thức được các quy tắc chống ghi âm.

    “Bà ấy cảm thấy xấu hổ và bẽ mặt trước những gì đã làm,” luật sư nói thêm, khẳng định với tòa án rằng sự nghiệp của bà hiện đang bị đe dọa.

    Phát biểu về hành động của thân chủ sau khi bị bắt, ông Bailin nói thêm: “Bà ấy đang trong cơn hoảng loạn mù quáng, bà ấy vụng về cố gắng che đậy những gì đã làm và có hành động ngu ngốc.”

    Bà Johnson, sống ở Finsbury Park, phải nộp khoản tiền phạt 500 bảng trong tháng tới.

    VietHome (Theo Evening Standard)

     

  • “Tôi cảm ơn Thượng Đế, cám ơn mọi người đã yêu thương và quý mến để đồng hành cùng tôi trong đoạn đường khó khăn, chống lại sự gian tham tiền từ thiện và lợi dụng quyền lực báo chí để bịt miệng, ức hiếp người ngay lành.”

    Bà Angie Elconin, tên Việt Nam là Phạm Thanh Nga, nói với nhật báo Người Việt về việc bà thắng kiện một người gốc Việt khác là bà Thanh Hà Bùi, còn gọi là Tana Thái Hà, số tiền $545,625.

    Vụ thắng kiện “mạ lỵ, vu khống” dựa trên phán quyết của bồi thẩm đoàn và ký xác nhận của chánh án toà Thượng Thẩm Hạt Santa Clara, tiểu bang California hôm 12 Tháng Ba, 2019.

    Bà Angie Elconin (Phạm Thanh Nga) tại văn phòng Tổ Hợp Luật Sư Brownstein Hyatt Farber Scheck, LLP ở Las Vegas, Nevada. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

    Vụ kiện ‘mạ lỵ’

    Theo hồ sơ tòa án, vụ kiện được nộp cho tòa vào Tháng Chín, 2015 và ra tòa vào ngày 7 Tháng Giêng, 2019.

    Bà Angie Elconin Phạm Thanh Nga là nguyên đơn trong vụ kiện kép vì mạ lỵ vu khống, số 2015-1-cv-285674 (Lead Case) và vụ số 16CV295150 (Consolidated case), do Chánh Án Carrie Zepeda chủ tọa.

    Đại diện bà Nga là Luật Sư Mitchell J. Langberg thuộc Tổ Hợp Luật Brownstein Hyatt Farber Scheck, LLP.

    Bị đơn Thanh Hà Bùi, tức Tana Thái Hà hay Thái Hà, có hai luật sư đại diện là Luật Sư Seth W. Wiener và Luật Sư Brian Turner thuộc Tổ Hợp Luật Brian Turner. Ngoài ra, phía bị đơn còn có Viet Tribune Media, Inc., Vy Trương hay Vivian Trươnggia (Trương Gia Vy).

    Bà Nga cho biết vụ xử kéo dài gần ba tuần. Kết quả, bồi thẩm đoàn kết luận là những lời cáo buộc với ác ý của bị đơn Tana Thái Hà với nguyên đơn Phạm Thanh Nga là không đúng sự thật, và bị đơn phải bồi thường $545,625 thiệt hại cho bà Nga (Viet Tribune và Vy Trương không phải bồi thường).

    Phán quyết của vụ kiện cho thấy bị cáo Thanh Hà Bùi phải bồi thường $545,625 cho bà Angie Elconin (Phạm Thanh Nga). (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

    Nguyên cớ gì bà Thái Hà ‘mạ lỵ’ Phạm Thanh Nga?

    Bà Nga kể: “Ngày 13 Tháng Mười Hai, 2014, tôi và Thái Hà cùng nhau làm việc trong ban tổ chức của cuộc gây quỹ từ thiện cho hai hội VIET-MUSEUM (IRCC) và VAUSA (Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt) ở Napa, California. Kết quả gây quỹ do người làm sổ sách báo cáo, sau khi trừ chi phí, là $76,000.”

    Bà Nga cho biết, ban tổ chức, trên nguyên tắc, đồng ý số tiền gây quỹ, sau khi trừ chi phí, sẽ chia đồng đều cho mỗi hội một nửa. Còn nếu lỗ, bà Nga sẽ trả cho tất cả số tiền thiếu hụt.

    Nguyên tắc chia 50/50 nhưng bà Nga thắc mắc sao hội VAUSA chỉ được chia $16,500 trong khi hội IRCC được $40,000. Cả hai cộng lại mới chỉ là $56,500. Đó là chưa kể tiền đấu giá chiếc nhẫn của Rosalina được $6,000 và hai bức tranh, nhưng số tiền sai biệt đi đâu?

    Theo lời bà Nga, “Thái Hà đã cùng với ông Vũ Văn Lộc, đại diện IRCC, đổi hai món ‘quà tặng đấu giá gây quỹ’ cho hai hội này thành ‘hàng gởi bán’ trị giá $7,500 và họ tự ý hoàn trả lại cho bạn bè $2,275 từ một số vé bán trong đêm gây quỹ mà không đợc sự đồng ý của ban tổ chức.”

    Sau đó, cũng theo lời bà Nga, “ngày 27 Tháng Mười Hai, 2014, bà đã viết thư phản đối hành động tự ý sử dụng tiền gây quỹ sai mục đích như vừa nêu trên của Thái Hà, và cũng yêu cầu IRCC để cho CPA của chính họ vào xem lại sổ sách chi thu, rồi công bố kết quả ra công chúng. Nhưng họ đã tự ý làm theo ý họ.”

    Bà Nga khẳng định: “Tôi còn nhớ vào ngày 19 Tháng Giêng, 2015, Thái Hà viết thư cảnh cáo cũng như gọi điện thoại nói tôi, khuyên tôi nên im lặng và hứa sẽ cho làm cho tôi ‘biến mất’ khỏi San Jose.”

    “Sau đó Thái Hà lên chiến dịch mạ lỵ vu khống có ác ý về cá nhân tôi trên các trang mạng xã hội. Trước và sau khi phiên tòa diễn ra, Thái Hà đã dùng chiến thuật đánh phủ đầu, tung tin ráo riết rằng tôi, Phạm Thanh Nga, đã thua kiện, gây khó khăn vì nhiều người tưởng thật, trong khi bà ấy mới thực là người phải bồi thường cho tôi!”

    Bà Nga cho biết thêm: “Đến nay, sau gần 5 năm, ông Vũ Văn Lộc và Tana Thái Hà vẫn chưa công bố sổ chi thu trong buổi gây quỹ tại Napa năm 2014, dù những nhà tài trợ và hội VAUSA đã gởi thư yêu cầu. Trong khi đó, Thái Hà từng khai nhận tại toà rằng IRCC mời Thái Hà vào ‘audit’ sổ sách.” 

    Tin nhắn của phóng viên báo Người Việt gởi qua điện thoại cho bà Thái Hà ngày 13 Tháng Chín, 2019, nhưng không được hồi đáp. (Hình: Chụp qua màn hình điện thoại)

    Luật Sư bên nguyên đơn Phạm Thanh Nga nói gì?

    Hôm 5 Tháng Tám, 2019, phóng viên nhật báo Người Việt đã gặp bà Angie Elconin (Phạm Thanh Nga) và Luật Sư Mitchell J. Langberg tại văn phòng, thuộc Tổ Hợp Luật Brownstein Hyatt Farber Scheck, LLP ở Las Vegas, Nevada.

    Luật Sư Langberg xác nhận: “Sau hơn hai tuần nghe điều trần và kiểm tra các bằng chứng, bồi thẩm đoàn xét thấy bà Tana Thái Hà (Thanh Hà Bùi) đã bị chứng minh là phỉ báng có ác ý, và cố tình gây tổn hại tinh thần cho nguyên đơn, và không trả tiền nợ cho bà Phạm Thanh Nga.”

    “Tôi đưa ra các bằng chứng và Tana Thái Hà bị chứng minh nhiều lần bà ấy nói láo về Phạm Thanh Nga và Tana Thái Hà chính là tác giả bài viết ‘Bà Mẹ Triệu Phú’ để mạ lỵ Phạm Thanh Nga,” Luật Sư Langberg khẳng định.

    Theo hồ sơ tòa (trang 45), ngày 8 Tháng Năm, 2019, bà Tana Thái Hà đưa đơn kiện mới, nhưng đã bị tòa bác bỏ (Denied). Hiện nay, luật sư đại diện cho bà Thái Hà là Luật Sư Hoyt Hart, II.

    “Tana Thái Hà vẫn phải trả tiền bồi thường và phải đóng bond gần $1,000,000 nếu muốn ngưng việc thu nợ từ Phạm Thanh Nga,” Luật Sư Mitch Langberg cho biết.

    Được hỏi về việc bà Tana Thái Hà hiện đưa đơn xin kháng án, bà ấy có được ngưng trả tiền bồi thường theo phán quyết ngày 12 Tháng Ba, 2019, của tòa hay không?

    Tin nhắn của phóng viên báo Người Việt gởi qua điện thoại cho Luật Sư Hoyt Hart ngày 13 Tháng Chín, 2019, nhưng không được hồi đáp. (Hình: Chụp qua màn hình điện thoại)

    Luật Sư Langberg giải thích: “Tana Thái Hà có thể xin kháng cáo, nhưng phải đóng số tiền gấp 1.5 lần tiền bồi thường do phán quyết đã xử Phạm Thanh Nga thắng. Có nghĩa là Tana Thái Hà phải đóng ‘bond’ khoảng $1,000,000 để ngưng trả bồi thường, với hy vọng tìm ra kẽ hở nào sai của phán quyết đang hiệu lực.”

    “Và vì còn hiệu lực 10 năm, Tana Thái Hà vẫn phải trả số tiền $545,625 cộng 10% tiền lời hàng năm cho đến hết. Hiện nay bà ấy nói không có khả năng trả vì không có nghề nghiệp ổn định cũng như không có tài sản, nhưng phía bà Phạm Thanh Nga không mất quyền thu nợ trong thời gian bà Thái Hà kháng án.”

    Theo Luật Sư Mitch Langberg, đại diện cho bà Phạm Thanh Nga, “appeal” của bà Thái Hà chỉ là thủ tục tranh luận giữa hai bên luật sư với nhau trước quan tòa (không có bồi thẩm đoàn, không có lấy lời khai). Họ chỉ xem xét các giấy tờ mà hai bên đã đưa ra trong phiên tòa vừa qua, hy vọng tìm được sai sót về kỹ thuật pháp lý, nhưng cơ hội thắng lại rất thấp, rất ít khi xảy ra!”

    Nói với báo Người Việt, bà Thanh Nga kết luận: “Tôi đã phải sống trong sợ hãi bởi những lời hăm dọa và nhục mạ trong suốt bốn năm tưởng khó có thể đi đến ngày ra tòa nhưng tôi đã cố gắng, vì không phải cho riêng tôi nhưng cho cả gia đình tôi và những nạn nhân khác. Tôi mong tệ nạn lập bè tung thư nặc danh để mạ lỵ, vu khống bịt miệng dược chấm dứt. Tiền gây quỹ cho từ thiện phải được minh bạch, không vì lợi ích cá nhân của những kẻ tham ô, tự tung tự tác. Xin đừng tạo cơ hội và điều kiện cho họ!”

    Không liên lạc được với Tana Thái Hà và Luật Sư Hoyt Hart

    Khi thực hiện bài viết này, để có thêm chi tiết về vụ “thua kiện,” phóng viên báo Người Việt đã tìm cách liên lạc để phỏng vấn bà Tana Thái Hà và luật sư đại diện hiện nay của bà là ông Hoyt Hart.

    Cụ thể, phóng viên báo Người Việt đã nhắn tin (text) và để lại lời nhắn qua điện thoại cho bà Tana Thái Hà và Luật Sư Hoyt Hart, II vào các ngày 22 Tháng Tám và 13 Tháng Chín, 2019. Tuy nhiên, tất cả những tin nhắn này đã không được bà Tana Thái Hà và Luật Sư Hoyt Hart, II, trả lời. 

    Nguyễn Việt Linh/Người Việt

  • Mới đây hàng ngàn người bực mình vì chuyện "bà cô khó tính", đã dự tính sẽ tổ chức một cuộc "biểu tình nướng thịt", trước nhà một phụ nữ ăn chay - sau vụ kiện bất thành của bà này với một ông hàng xóm gốc Việt tên Vũ Toàn - do mùi nướng cá và thịt trên lò BBQ của ông "tị nạn buồn" này tỏa hương thơm lừng sang sân nhà hàng xóm.


    (Ảnh minh họa)

    Cô Cilla Carden, cư ngụ ở vùng Girrawheen của thành phố Perth thuộc nước Úc, đã phát động một chiến dịch pháp lý, nhắm vào cái lò nướng của ông hàng xóm từ cuối năm 2018. Cô cáo giác trước tòa là bên kia "đã làm ô nhiễm không khí" sân vườn nhà cô sát bên cạnh.

    Xuất hiện trên đài truyền hình số 9, cô Cilla Carden ta thán: "Tôi ngửi thấy mùi cá rất khó chịu, khiến tôi không thể mở cửa ra vườn sau nhà mình!"

    Được biết, cô gái tóc vàng này làm nghề massage trị liệu. Cô Cilla Carden còn nói: ''Ông Việt này hút thuốc như ống khói, đã thế mấy đứa con của ông ấy còn nhồi banh, ồn ào không chịu nổi''.

    Nguyên đơn ta thán: "Tôi mất sự thoải mái, lòng bất an. Đến độ nhiều khi không ngủ được!"


    Cô Cilla Carden không còn cảm thấy thoải mái mỗi khi ra vườn.

    Đơn thưa đầu tiên của Cilla Carden gửi lên Hội đồng Thành phố vào tháng 1 năm nay đã bị bác bỏ. Không chịu thua, "bà cô" tiếp tục kiện lên Tòa Thượng Thẩm Tây Úc, nhưng cũng bị bác đơn hồi tháng 7 vừa qua.

    Sau khi Cilla Carden xuất hiện trên đài truyền hình, nhiều người cho rằng cô sống quá ích kỷ, chỉ biết cho riêng mình.

    Đối với dân Úc, nướng BBQ ngoài trời là một sinh hoạt mà đại đa số rất khoái. Và chính vì thế mà họ đã rủ nhau vào ngày 19/10 sắp tới, sẽ cùng nhau hội tụ để mở một cuộc BBQ vĩ đại trước nhà nguyên đơn.

    Dòng kêu gọi trên các mạng xã hội viết: "Đừng để Cilla Carden phá hoại truyền thống tốt đẹp của dân Úc. Xin mọi người cùng có mặt để cho Cilla hiểu được mùi thịt nướng quyến rũ và ngon lành như thế nào".


    Cô đã khiếu kiện vài lần nhưng bị bác đơn.

    Lời kêu gọi kể trên đã mau chóng thu hút sự chú ý của dư luận, với khoảng 4,500 người hứa sẽ có mặt, trong khi hơn 10 ngàn người bấm nút Like bày tỏ sự hứng thú. Nhiều người còn đòi mang các quả bóng rổ để nện trên mặt đường, cho Cilla Carden "biết thế nào là lễ độ".

    Tuy nhiên, Luật sư của Cilla Carden đã lên tiếng cảnh cáo về chuyện tổ chức biểu tình qua BBQ: "Bất cứ ai hiện diện ở sân nhà cô Cilla Carden vào thứ Bảy 19/10, hoặc bất cứ thời điểm nào khác, đều sẽ phải trả lời trước cảnh sát Tây Úc về việc xâm nhập gia cư bất hợp pháp".

    Những người ủng hộ ''biểu tình nướng thịt" vẫn nhất quyết theo đuổi kế hoạch. Họ lập luận chỉ nướng BBQ ngoài đường, hay trong sân nhà của ông Việt bị kiện, chứ đâu có bước vào miếng đất nhà của cô Cilla Carden.

    Thậm chí có người còn đề nghị mang theo những cái quạt máy khổng lồ, để quạt thốc mùi thịt nướng vào nhà "bà cô khó tính"!

    Cần nhắc lại, khi vụ kiện xảy ra, cô Cilla Carden đã cho rằng gia đình người hàng xóm "cố tình" quạt mùi thịt cá nướng cho nó bay sang nhà cô. Thì ngay sau đó, gia đình VN này đã dẹp lò nướng BBQ, đồng thời dặn đám con đừng chơi bóng rổ ngoài sân nữa.

    Thế nhưng cô Cilla Carden vẫn không hài lòng, và muốn có "kết án" từ tòa, để gia đình hàng xóm không bao giờ dám tái phạm, và "trả lại không khí an lành" cho căn nhà của cô.


    Chủ nhà người VN đã dẹp lò nướng nhưng vẫn không đủ làm cô hàng xóm hài lòng.

    Viethome (theo news.com.au/FB Nguyễn Vy Túy biên dịch)

  • Nhiều nhà đất liền kề nhau mà hai bên tranh chấp được mua của nhiều người. Tất cả chủ nhà, đất cũ đều cho rằng họ bán cho bà Liêng, còn ông Danh chỉ đứng tên giùm.


    Các căn nhà, đất ở đường Chu Mạnh Trinh, TP Vũng Tàu mà hai bên tranh chấp suốt 12 năm qua - Ảnh: ĐÔNG HÀ

    ''Suốt 12 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện, tôi đã khóc cạn nước mắt, có những lúc tưởng chừng hết hi vọng. Tôi chỉ mong giữ lại được mảnh đất để an hưởng tuổi già, nhưng hành trình đi tìm công lý quả là quá gian nan'', bà TRẦN THỊ LIÊNG.

    Ngược lại, ông Danh cho rằng mảnh đất trên do ông mua, ông chỉ cho bà Liêng ở nhờ.

    Không ai chịu ai, hai bên kéo nhau ra tòa. Mới đây, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Liêng (70 tuổi, Việt kiều Mỹ, Pháp) và bị đơn là vợ chồng ông Phan Danh - bà Nguyễn Thị Du (cùng ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

    12 năm kiện đòi nhà

    Theo đơn khởi kiện, bà Liêng là Việt kiều Pháp, Mỹ. Năm 1998, bà có ý định đưa gia đình hồi hương. Trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến 2001, bà Liêng cùng người thân trong gia đình về VN nhiều lần, mỗi lần về mỗi người đều mang 5.000 - 6.000 USD để mua nhà. 

    Thời điểm này pháp luật VN không cho phép người có quốc tịch nước ngoài đứng tên quyền sở hữu nhà, đất. Do quen biết với vợ chồng ông Danh nên bà Liêng nhờ đứng tên giùm một số nhà, đất và giấy tờ nhà, đất do bà Liêng giữ. 

    Tuy nhiên, đến tháng 5-2007, bà phát hiện toàn bộ giấy tờ nhà, đất đã "không cánh mà bay". Sau đó, bà Liêng được biết các giấy tờ nhà, đất này đã được vợ chồng ông Danh thế chấp ngân hàng để vay 2,5 tỉ đồng, song do không trả nợ lãi và gốc nên đến nay số tiền nợ này đã lên tới 9,4 tỉ đồng.

    Không còn nhà để về, tháng 8-2007 bà Liêng đâm đơn kiện vợ chồng ông Danh đòi nhà. Vụ án đã kéo dài 12 năm, trải qua ba lần xét xử sơ thẩm, hai lần phúc thẩm và hai lần giám đốc thẩm nhưng vẫn chưa ngã ngũ...

    Chủ đất, nhân chứng "chống" bị đơn

    Tại nhiều phiên tòa, ông Danh cho rằng các nhà, đất đang tranh chấp là do vợ chồng ông mua trực tiếp từ chủ đất và giao tiền ở phòng công chứng. Vợ chồng ông cho bà Liêng ở nhờ vì bà Liêng hứa sẽ bảo lãnh con ông đi du học. Từ đó, ông yêu cầu tòa bác đơn của bà Liêng và bồi thường thiệt hại tiền cho thuê nhà 3,6 tỉ đồng.

    Suốt quá trình xét xử, từ phiên tòa đầu tiên vào năm 2008 đến nay, những chủ đất cũ đều khẳng định chỉ bán đất cho bà Liêng. 

    Cụ thể, đối với căn nhà số 16 Chu Mạnh Trinh, P.8, TP Vũng Tàu thì vợ chồng ông Nguyễn Phan Giang xác nhận vào năm 2001 bà Liêng mua của vợ chồng ông Hải và nhờ vợ chồng ông đứng tên giùm. Sau đó, bà Liêng yêu cầu vợ chồng ông sang tên cho vợ chồng ông Danh.

    Căn nhà liền kề số 18 Chu Mạnh Trinh trước đây của vợ chồng ông Trần Văn Hường và bà Trần Thị Hạnh bán cho bà Liêng với giá 32.000 USD. Sau đó, bà Liêng yêu cầu ông bà sang tên cho vợ chồng ông Danh.

    Đối với khu đất khoảng 30m2 của bà Phan Thị Quan, năm 2003 bà bán cho bà Liêng với giá 50 triệu đồng. Sau đó, bà Liêng dẫn ông Danh đến xem thì ông Danh trả giá 45 triệu đồng, bà Quan đồng ý bán. Bà Liêng đưa tiền cho ông Danh để trả cho bà 45 triệu đồng.

    Còn đối với 2 căn nhà giáp ranh số 14/1 và 14/3 Chu Mạnh Trinh, bà Nguyễn Thị Phượng, ông Bùi Văn Ca và bà Nguyễn Thị Bắc cho rằng trước đây bà Liêng nhiều lần hỏi mua nhưng họ chưa có nhu cầu bán.  

    Đến năm 2006, vợ chồng ông Danh và người giúp việc cho bà Liêng hỏi mua thì họ đồng ý bán với giá 700 triệu đồng. Sau khi mua, bà Liêng sửa chữa nhà và khuôn viên. Ngoài ra, năm 2004, mẹ bà Liêng mất tại một trong những căn nhà, đất đã mua này.

    Bên cạnh đó, ông Trần Bá Thu - nguyên cảnh sát khu vực, bà Nguyễn Thị Quanh là người giúp việc cho bà Liêng, bà Bùi Thị Cúc - tổ trưởng tổ dân phố và một số người là thợ xây từng được bà Liêng thuê xây, sửa chữa nhà cũng xác nhận bà Liêng là người mua nhà, ông Danh chỉ đứng tên giùm cho bà Liêng.


    Bà Trần Thị Liêng kiện đòi nhà, đất vì cho rằng mình nhờ ông Danh đứng tên giùm, nhưng ông Danh thì nói nhà, đất của ông mua, chỉ cho bà Liêng ở nhờ - Ảnh: T.M.

    Xử rồi hủy, hủy rồi lại xử...

    Năm 2008 xử sơ thẩm, TAND TP Vũng Tàu bác yêu cầu khởi kiện của bà Liêng, công nhận các nhà, đất trên thuộc quyền sở hữu, sử dụng của vợ chồng ông Danh. Bà Liêng kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên y án sơ thẩm. 

    Bà Liêng tiếp tục khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. Năm 2010, TAND tối cao hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm trên, đề nghị làm rõ số tiền bà Liêng thanh toán cho các căn nhà bao nhiêu, của vợ chồng ông Danh bao nhiêu và giải quyết số tiền bà Liêng đã bỏ ra mua nhà theo quy định.

    Xét xử sơ thẩm lần 2, TAND TP Vũng Tàu vẫn giữ nguyên quyết định như bản án sơ thẩm lần 1, bác yêu cầu khởi kiện của bà Liêng, công nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất trên cho vợ chồng ông Danh. Bà Liêng kháng cáo. 

    Sau đó, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên y án sơ thẩm. Bà Liêng đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Sau đó, năm 2014, TAND tối cao hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

    Năm 2016, xét thấy do vụ án có tính chất phức tạp nên TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lấy vụ án lên giải quyết sơ thẩm. Xét xử sơ thẩm lần 3, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Liêng, bà Liêng được quyền sở hữu, sử dụng các nhà, đất trên, hủy hợp đồng thế chấp tài sản giữa ngân hàng và vợ chồng ông Danh, buộc ngân hàng giao lại giấy tờ nhà, đất cho bà Liêng để bà chỉnh lý, sang tên theo quy định. 

    Bà Liêng có nghĩa vụ thanh toán cho vợ chồng ông Danh 1,4 tỉ đồng công sức của vợ chồng ông trong việc giao dịch, mua bán, sang nhượng giùm bà Liêng.

    Không đồng ý, bà Liêng, ông Danh và ngân hàng cùng kháng cáo. Xử phúc thẩm lần 3, TAND cấp cao tại TP.HCM cho rằng theo hồ sơ vụ án và lời khai tại tòa, có đủ căn cứ xác định nhà, đất trên do bà Liêng mua, nhờ vợ chồng ông Danh đứng tên. 

    Vợ chồng ông Danh có công trong việc giúp bà Liêng mua các căn nhà này, do đó bà Liêng cần phải trả cho vợ chồng ông 1,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, về hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và ông Danh thì từ khi thụ lý đến nay các bên chưa đối chiếu công nợ, chưa xác định rõ lãi trong hạn và quá hạn mà tòa sơ thẩm chưa làm rõ nên tuyên hủy một phần bản án.

    Vận dụng pháp luật để bảo vệ "tình ngay"

    Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM), pháp luật dân sự hình thành chủ yếu dựa trên những quy tắc xử sự chung trong xã hội, nói rõ hơn là hình thành từ cuộc sống. Xử sự trong cuộc sống thì bên cạnh cái lý cần phải có cái tình.

    Lý có gian (nhờ đứng tên giùm) thì phải xem xét tình có ngay không. Khi có đủ cơ sở để xác định "tình ngay", tức sự thật của vụ án, thì phải vận dụng pháp luật để bảo vệ cái tình đó.

    Vụ án này là một ví dụ, hoàn toàn đã đủ cơ sở chứng minh bà Liêng nhờ người khác đứng tên giùm nhà, đất nhưng tòa án vẫn tuyên bà thua kiện là thiếu khách quan. Điều đó làm mất thời gian, công sức và đánh mất lòng tin vào công lý của người dân.

    Viethome (theo Tuổi trẻ)

  • Do vụ kiện có nhiều tình tiết cũng như vấn đề chuyên môn cần nghiên cứu kỹ, đại diện VKS đã đề nghị toà tạm dừng phiên xử sơ thẩm lần 2.

    Ngày 16-7, TAND TP.HCM đã mở phiên xử sơ thẩm lần 2 vụ ông Huỳnh Hữu Thông (tên gọi khác là Huynh Tom Vu, quốc tịch Hoa Kỳ) kiện Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam (trụ sở quận 1) đòi bồi thường thiệt hại.

    Qua Mỹ điều trị quay về đòi bồi thường

    Năm 2009, do mắt bị mờ ông Thông đến Bệnh viện tư nhân Mắt Sài Gòn II -Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam (gọi tắt Bệnh viện mắt Thái Thành Nam) khám. Bác sĩ xác đinh ông bị đục thuỷ tinh thể.

    Ngày 5-6-2009, ông nhập viện và được hai bác sĩ Thái Thành Nam và Trần Phạm Duy trực tiếp phẫu thuật theo phương pháp Phaco +IOL. Chi phí phẫu thuật hết 7,9 triệu đồng. Ông xuất viện trong ngày, được hẹn một tuần sau tái khám.

    Sau đó ông Thông nhận thấy có biểu hiện thất thường tại mắt phải nên đến Bệnh viện mắt TP.HCM (quận 3) khám. Tại đây, bệnh viện kết luận mắt phải bị loạn dưỡng giác mạc, loét giác mạc và nếu không điều trị kịp thời sẽ bị mù vĩnh viễn.

    Lo sợ cho sức khoẻ, ông Thông vội vã quay về Mỹ điều trị mắt với số tiền 46.700 USD. Sau đó, ông trở lại Việt Nam yêu cầu bệnh viện bồi thường 85.000 USD (bao gồm chi phí khác). Trong quá trình giải quyết, ông Thông xác định lại chỉ yêu cầu bồi thường hơn 46.700 USD. 

    Bệnh viện Mắt Thái Thành Nam không đồng ý vì sau khi phẫu thuật, ông Thông quay lại khám thị lực ông là 3 m đếm được ngón tay. Bác sĩ có cho thuốc về điều trị hẹn tái khám theo dõi theo chỉ định nhưng ông không làm theo.

    10 tháng sau, ông lại làm đơn yêu cầu bệnh viện bồi thường. Trước đây trong quá trình hoà giải, bệnh viện có đồng ý hỗ trợ 8.500 USD nhưng ông Thông không đồng ý và khiếu nại khắp nơi làm giảm uy tín bệnh viện. Bệnh viên xác định tuân thủ đúng các quy định khám và điều trị không sai sót trong quá trình phẫu thuật nên không đồng ý bồi thường.

    Ông Thông tại phiên xử sơ thẩm lần đầu, sau nhiều năm nay ông có đại diện tham gia phiên toà.

    Gần 10 năm cho một vụ kiện

    Xử sơ thẩm năm 2014, TAND TP.HCM đã bác yêu cầu đòi bồi thường của ông Thông vì cho rằng không có căn cứ nói bác sĩ có lỗi do nhiều lý do khác nhau. Ông Thông tự ý đi điều trị ở bệnh viện khác đồng thời có nhiều nguyên nhân y khoa khác dẫn đến mắt ông bị tổn thương…

    Một năm sau phúc thẩm, Giám định viên thuộc viện Pháp y Quốc gia phân viện TP.HCM cho rằng bị đơn có lỗi tạo nên sự cố này. Từ đó, cấp phúc thẩm sửa án buộc bệnh viện mắt Thái Thành Nam bồi thường chi phí sau mổ cho nguyên đơn là gần 1 tỉ đồng.

    Tuy nhiên sau năm năm vụ kiện này vẫn chưa thể khép lại khi tháng 3-2016, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã tuyên huỷ cả hai bản án trên. Theo đó, quyết định giám đốc thẩm giao toàn bộ hồ sơ vụ án để TAND TP.HCM xử lại từ đầu.

    Theo hội đồng thẩm phán, ông Thông xuất trình các tài liệu khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa San Francisco General với tổng chi phí hơn 46.700 USD. Tuy nhiên đây không phải là các hoá đơn viện phí do bệnh viện cấp sau mỗi lần khám chữa mà do ông Thông xin cấp. Hơn nữa, một số tài liệu thể hiện việc khám, điều trị nhưng không rõ có liên quan đến việc điều trị mắt phải của ông Thông không... Tài liệu chứng cứ chưa đủ để xác định số tiền 46.700 là chi phí khám chữa mắt hay bệnh khác của ông. 

    Còn các kết luận của cơ quan chuyên môn về xác định bệnh viện mắt Thái Thành Nam có sai sót hay không trong trường hợp ông Thông là chưa thống nhất... Cấp sơ thẩm nói bệnh viện không có lỗi, phúc thẩm thì nói có lỗi hoàn toàn đều chưa có căn cứ vững chắc. Do đó phải huỷ án để xét xử lại.

    Tại phiên xử hôm nay, 16-7, phía nguyên đơn giữ yêu cầu đòi bồi thường hơn 53.000 USD (tương ứng hơn 1,25 tỉ đồng) dựa trên 24 chứng từ được hợp thức hoá gửi từ Mỹ về.

    Đại diện bệnh viện vẫn cho rằng mình đã làm đúng, không đồng ý bồi thường cho ông Thông. Vì ông Thông đơn phương ra khỏi nơi điều trị không có sự đồng ý của bác sĩ. Phía bệnh viện cũng bác việc ông Thông nói bác sĩ có hứa hẹn ông về Mỹ điều trị sẽ lo chi phí...

    Do vụ kiện có nhiều tình tiết cũng như vấn đề chuyên môn cần nghiên cứu kỹ, đại diện VKS đã đề nghị toà tạm dừng phiên xử. HĐXX đồng ý và ấn định sẽ mở lại phiên xử vào tuần sau để ra phán quyết...

    Viethome sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến vụ kiện này đến bạn đọc.

    Viethome (theo Plo)

  • Một nữ sinh bị một tách trà Starbucks làm bỏng đã được bồi thường hơn 75,000 bảng.

    Demi Mooney mới 12 tuổi khi vụ việc xảy ra ở cửa hàng Starbucks trên phố Henry, Dublin. Lúc đó là ngay trước lễ Giáng sinh năm 2014. Cô bé đã mua một ly cà phê Frappuccino, một ly trà, một chiếc bánh quy lớn và đang kẹp ly trà giữa khuỷu tay và xương sườn thì ly trà đổ lên người cô.

    Sau khi Demi bị bỏng, cô được một bác sĩ và một y tá tình cờ có mặt trong cửa hàng đưa ngay đến bệnh viện nhi đồng phố Temple. Ở đây cô trải qua nhiều cuộc phẫu thuật thẩm mỹ và điều trị các vết sẹo bỏng trên cả cánh tay.

    Trong vụ kiện do mẹ cô đệ trình, người mẹ cho rằng lẽ ra cô nên được cung cấp một khay mang đồ uống nóng, đặc biệt khi cô còn là một đứa trẻ.

    coc tra sua
    Mẹ của cô bé, chị Siobhan Mooney tiến hành vụ kiện thay mặt con gái. Ảnh: CollinsPhotoAgency

    Theo Dublin Live, Demi được chuỗi cửa hàng cà phê đề nghị bồi thường 75,000 bảng Anh (tương đương 85,000 euro). Họ nói thêm: “Căn cứ nguyên nhân một phần là do sự vô ý của chúng tôi, chiếm khoảng 20 đến 25% phần trách nhiệm, và tiên lượng rằng vết sẹo ở cánh tay của cô bé là vĩnh viễn, chúng tôi cảm thấy đây là một đề nghị hợp lý và công bằng.”

    Lời đề nghị đã được ông quan tòa Simons chấp thuận, và tuyên bố khoản tiền này bằng với những gì một quan tòa có thể phán quyết nếu vụ kiện thành công. Luật sư của Demi cho biết cô gái phải mặc áo sơ mi dài tay và ở độ tuổi mà ngoại hình rất quan trọng đối với cô. 

    Bài liên quan: Cặp vợ chồng thắng kiện 2 căn nhà của hàng xóm

    Trước khi qua đời, Barbara Murphy hứa tặng vợ chồng Moore hai ngôi nhà nếu chăm sóc bà. Nhưng bà lão đã thất hứa.

    Bà Murphy sống tại căn nhà số 68, đường Louisa, Birchgrove, bang New South Wales (Úc). Bà cũng là chủ căn nhà số 66 cho thuê. Cả hai tài sản đều có tầm nhìn ra cảng Sydney, các hòn đảo và trị giá khoảng 12 triệu đôla vào năm 2015.

    Bà Murphy chơi thân với vợ chồng người hàng xóm tên David Moore và Dee Andreasen, ở số nhà 70. Căn nhà của họ được mua từ năm 1999 và được mô tả là "ngôi nhà xấu nhất trong con phố đẹp nhất". Vì thế họ định cải tạo và mở rộng để bán kiếm lời.

    Trước khi chết, bà Murphy thông báo cho vợ chồng anh Moore, rằng bà đang có ý định để lại toàn bộ tài sản cho họ, với điều kiện cặp vợ chồng không mở rộng nhà vì sẽ chắn mất tầm nhìn ra biển của bà và chăm sóc để bà không phải vào viện dưỡng lão. Bà Murphy không có con cái, chỉ còn hai anh chị sống ở vùng cực bắc của New South Wales. Bà rất sợ vào viện dưỡng lão.

    duoc boi thuong nha cua hang xom 1
    Bà Murphy ở nhà 68 đã được vợ chồng ở nhà 70 chăm sóc những năm cuối đời. Ảnh: News.

    Vợ chồng Moore đã đổi ý không sửa nhà theo ý định ban đầu. Họ cũng đã chăm sóc bà Murphy cẩn thận. Bà thường khen ngợi Moore và vợ là "đã rất tốt với mình". "Chúng tôi chắc chắn có thể tìm ra cách cải tạo mà không che tầm nhìn của bà. Nếu bà để lại mọi thứ cho chúng tôi theo ý muốn của bà, chúng tôi rất hạnh phúc với điều đó", Moore chia sẻ lại lời đã nói với bà Murphy, tại phiên tòa mới đây.

    Năm 2014, Moore đưa bà Murphy đến gặp luật sư của bà để lấy một bản di chúc mới và nhận ra người phụ nữ lớn tuổi chỉ để cho mình 25.000 đôla, chứ không phải toàn bộ gia sản như bà nói. Thay vào đó, bà để lại gần như toàn bộ tài sản cho anh chị của bà và nếu bà sống lâu hơn họ, số tiền đó sẽ được đưa đến hai bệnh viện ở Sydney. Bà Murphy mất năm 2015, lúc 83 tuổi, tại căn nhà thân yêu của bà.

    duoc boi thuong nha cua hang xom 1
    Bà Murphy sở hữu hai căn nhà 66 và 68 đường Louisa. Ảnh: News.

    Sau khi bà mất, Moore đã thuê luật sư, đưa vụ án ra tòa. Chị của bà Murphy rất ngạc nhiên khi biết được thừa kế nhiều tài sản như vậy. Bà vốn biết em gái đã nói sẽ chuyển giao hai ngôi nhà cho hàng xóm. Anh trai của bà Murphy cho biết không quan tâm đến tài sản vì không biết nó trị giá bao nhiêu. Khi Moonre đề nghị nhường quyền thừa kế lại cho mình, song anh và chị của bà Murphy đều từ chối.

    Cả hai người đều ngoài 80 và họ đã lần lượt qua đời trong quá trình tố tụng các năm qua. Người hưởng lợi, nếu không phải là người hàng xóm, sẽ là hai bệnh viện ở Sydney. Cuối cùng, trong phiên xử mới đây, tòa án đã quyết định bàn giao lại hai ngôi nhà cho vợ chồng Moore. Hai tài sản hiện có thể trị giá 40 triệu đôla.

    VietHome (Theo Huffington Post)

  • Một tỷ phú được mệnh danh là "người sáng lập" Google đã lập hẳn một trang web để nói xấu vợ của mình trong một cuộc chiến tranh giành tài sản ly hôn kéo dài suốt gần 7 năm mà chưa đi đến hồi kết. Chuyện gì đã xảy ra?

    Cuộc chia tay đầy cay đắng và mâu thuẫn, đấu tố qua lại này bắt đầu từ năm 2014, khi thiên tài công nghệ Scott Hassan - người được công nhận là đã viết nhiều mã ban đầu cho Google (hay còn được mệnh danh là "người sáng lập" thứ ba không chính thức của Google) - nhắn tin cho Allison Huynh, người vợ đầu ấp tay gối 13 năm, nói rằng ông muốn ly hôn.

    Kể từ đó đến nay, suốt 7 năm ròng rã, cặp đôi đã đã mắc vào một cuộc chiến ly hôn tồi tệ xoay quanh cách phân chia khối tài sản trị giá 1,8 tỷ USD.

    Allison Huynh ly hon chong google 1
    Cuộc ly hôn và phân chia tài sản của cặp đôi thiên tài công nghệ Scott Hassan và vợ cũ là Allison Huynh tốn nhiều giấy mực báo chí

    Những ngày gần đây, những thông tin xoay quanh cuộc ly hôn đầy tai tiếng này lại "nóng lên" trên các mặt báo khi phiên tòa xét xử dự kiến bắt đầu vào ngày 23/8 tới đây tại San Jose, California (Mỹ).

    Được biết, Allison Huynh là một người Mỹ nhập cư gốc Việt. Cô từng theo học tại Stanford theo diện học bổng toàn phần. Hiện tại, cô đang là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Phòng thí nghiệm Người máy của Đại học Stanford. Huynh tuyên bố ông Hassan đang chiếm giữ số tài sản mà luật sư của cô tuyên bố rằng cô có quyền thừa hưởng hợp pháp. Luật sư của cô, Pierce O'Donnell, nói với tờ Daily Mail rằng năm 2018 trị giá khối tài sản này là 1,8 tỷ USD, bao gồm các khoản đầu tư vào các công ty công nghệ và bất động sản. Ít nhất, Huynh phải được hưởng một nửa con số đó.

    Allison Huynh ly hon chong google 1
    Hassan phủ nhận tuyên bố từ luật sư của vợ cũ rằng anh không muốn chia cho cô hoặc con cái của họ bất kỳ tài sản nào

    Vị luật sư có kinh nghiệm 50 năm trong nghề nói với tờ New York Post rằng: "Vào năm 2018, tài sản của cặp đôi này trị giá 1,8 tỷ đô la và Hassan muốn chia cho cô ấy một phần rất nhỏ. Phía luật sư của anh ta còn tuyên bố thân chủ của tôi không nhận được gì. Trong mỗi cuộc gặp gỡ để dàn xếp, anh ta đều giảm mức tiền phân chia cho vợ xuống. Tôi chưa từng thấy điều đó trong sự nghiệp kéo dài 45 năm của mình. Anh ta đang cố giở trò bẩn thỉu cuối cùng đối với vợ và 3 đứa con đang tuổi vị thành niên của mình”.

    Tuy nhiên, cũng chính Hassan tuyên bố việc ai đó nói anh ta không muốn chia cho vợ con bất kỳ đồng xu nào là "không chính xác".

    Khởi đầu lãng mạn

    Ai cũng mong muốn rằng sau khi đã hết tình cảm với bạn đời có thể chia tay trong êm đẹp, không gây tổn thương cho con cái và đặc biệt là không gây thù chuốc oán, vẫn vui vẻ làm bạn. Thế nhưng, đời chẳng giống như mơ, càng bất ngờ hơn ta nghĩ. Mới đây, tờ New York Post đã có bài viết dài kể khá chi tiết về cuộc ly hôn cam go của cặp đôi.

    Là một thiên tài về người máy, Hassan được mô tả như một Tiến sĩ công nghệ cao Dolittle, người có thể "nói chuyện" với máy tính. Mặc dù chưa bao giờ là nhân viên của Google, nhưng những đóng góp đáng chú ý ban đầu của Hassan khiến ông được biết đến với tư cách là "người sáng lập thứ ba" không chính thức của "gã khổng lồ" này.

    Allison Huynh ly hon chong google 1

    Khi cặp đôi gặp nhau vào năm 2000, Hassan đã trở thành một lập trình viên nổi tiếng vì đã giúp xây dựng hệ thống công cụ tìm kiếm mà hàng tỷ người sử dụng mỗi ngày.

    “Nếu không có Hassan, sẽ không có Google”, Adam Fisher, tác giả của cuốn “Thung lũng thiên tài”, cho biết: “Anh ấy ở Stanford và được tuyển dụng để viết mã cho những người có tư tưởng lớn. Anh ấy đã làm quen với Sergey và Larry, viết lại mã của họ và thuyết phục họ rằng đây là một sản phẩm. Họ đã bán cổ phiếu của những người sáng lập cho anh ta. Họ đã làm việc khá suôn sẻ”.

    Theo tài liệu của tòa án, nhờ việc viết mã của mình, mà Hassan đã có cơ hội mua 160.000 cổ phiếu của Google, lúc đó chưa có giá trị, với giá 800 USD.

    Hassan và Huynh, cả 2 cùng đến Stanford rồi quen biết nhau thông qua lời giới thiệu của những người bạn chung ở Thung lũng Silicon. Hassan xuất thân từ một gia đình quân nhân và lớn lên trong các căn cứ Không quân trên khắp thế giới; còn Huynh là một người gốc Việt nhập cư có thành tích cao, từng theo học tại trường đại học Stanford bằng học bổng toàn phần.

    Allison Huynh ly hon chong google 1

    “Hassan cực kỳ thông minh và rất chú ý đến tôi”, Huynh nhớ lại. "Chúng tôi chia sẻ rất nhiều sở thích và anh ấy đối xử bình đẳng với tôi". Còn Hassan thì nhớ lại câu chuyện tán tỉnh khi “đi bộ đường dài, chèo thuyền và đi xem nhạc kịch”.

    Năm 2002, khi họ đang ở tại căn nhà gỗ của bà ngoại Hassan ở Canasteo, New York, thì Hassan quyết định cầu hôn. Huynh nói: "Chúng tôi đang đi bộ đường dài và anh ấy đã cầu hôn tôi. Tôi hỏi anh ấy có chắc không. Anh ấy hỏi tại sao tôi hỏi vậy. Tôi nói tôi là một cá nhân có tư tưởng độc lập và tin tưởng vào sự bình đẳng và công bằng. Anh ấy nói đó là lý do anh ấy yêu tôi. Sau đó tôi gật đầu đồng ý lời cầu hôn".

    Allison Huynh ly hon chong google 1

    So với tất cả những thành công và sự thông minh của Hassan, Huynh nói rằng mọi thứ bắt đầu một cách khiêm tốn. Một tài liệu của tòa án cho biết họ tổ chức đám cưới tại Nhà nguyện Little White ở Vegas sau khi cô đã trả tiền cho bữa tiệc đính hôn.

    Huynh nói về việc kết hôn với một người chồng tuyệt vời mắc hội chứng ống cổ tay: “Anh ấy đã lập trình từ năm 5 tuổi và bắt đầu kiệt sức, cộng thêm gánh nặng nợ nần thời sinh viên. Tôi đã giúp anh ấy khỏe lại và hỗ trợ tài chính. Hassan nói rằng anh ấy sẽ làm việc và chu cấp cho gia đình chúng tôi. Anh ấy luôn đảm bảo với tôi rằng chúng tôi là đồng đội".

    Theo bản tóm tắt nộp cho Huynh, đến năm 2003 “cổ phiếu Google đã tăng từ 160.000 USD lên 2,56 triệu USD do một loạt đợt chia tách cổ phiếu”. Một năm sau, đợt Initial Public Offering (IPO - Lần đầu tiên phát hành ra công chúng) của Google diễn ra và cổ phiếu của Hassan bất ngờ có giá hàng trăm triệu USD.

    Allison Huynh ly hon chong google 1
    Allison Huynh, chụp ảnh tại nhà ở Palo Alto, California, cho biết Hassan đã tuyên bố chấm dứt cuộc hôn nhân của họ, qua tin nhắn

    Theo bản tóm tắt nộp cho Huynh, Hassan có kế hoạch sử dụng khoảng 50 triệu USD để tài trợ cho một doanh nghiệp tạo ra công nghệ nguồn mở. Ông đã thành lập các công ty định hướng về robot Willow Garage và Công nghệ phù hợp. Theo tài liệu của tòa án, điều này đã tạo ra tổng doanh thu 20 triệu USD trong suốt cuộc hôn nhân của họ.

    Khi đã có tiền, Hassan bắt đầu kinh doanh bất động sản. Ông nói: “Tôi đã đổi ngôi nhà của gia đình chúng tôi, từ một ngôi nhà 3 phòng ngủ ở San Francisco thành một ngôi nhà lớn hơn, mới hơn ở Palo Alto. Chúng tôi cũng có một cơ ngơi cuối tuần tuyệt vời trên sườn đồi”. Bên cạnh đó, Hassan còn mua hẳn một tòa nhà thương mại ở Menlo Park.

    Vào mùa xuân năm 2005, Hassan đã tìm kiếm lời khuyên từ một nhà quản lý tài sản. Sau cuộc họp, Hassan đã có một đề xuất đáng ngạc nhiên dành cho vợ mình. Có thông tin cho rằng, đề xuất của Hassan là nếu họ ly hôn, vợ ông sẽ nhận được ba bất động sản và 20 triệu USD cổ phiếu của Google.

    Huynh kể rằng cô đã đưa ra lựa chọn cho Hassan: “Tôi và gia đình của anh. Hoặc tiền của anh và một cuộc ly hôn”. Hassan sau đó đã chọn gia đình của mình - ông và Huynh có 3 đứa con, hiện 13 tuổi, 15 tuổi và 18 tuổi.

    Khi được hỏi về đề xuất năm ấy, Hassan nói: “Mục tiêu của tôi là làm cho cô ấy cảm thấy an toàn về tài chính. Nhưng cô ấy lại nghi ngờ nó như một gợi ý về việc muốn ly hôn. Cô ấy đã rất khó chịu”.

    Sau vụ việc đó, mọi thứ trở lại bình thường. Hassan đã thành lập một công ty, Greenheart Investments LLC, đầu tư số tiền lớn hàng trăm triệu đô la để hỗ trợ một số khoản đầu tư bất động sản và các công ty khởi nghiệp.

    Huynh nói: “Chúng tôi rất vui. Tôi là người chăm sóc chính cho 3 đứa con và anh ấy cư xử như một người đàn ông không toan tính”.

    Vào mùa thu năm 2014, gia đình thậm chí còn có một chuyến đi lãng mạn đến Fiji. Tại khu nghỉ mát, Hassan thể hiện tình yêu của mình với vợ bằng bê tông ướt. “Anh ấy đã viết vĩnh viễn, 'Scott Alli' với một trái tim lớn xung quanh trên một tấm bê tông vừa đổ để khi nó khô lại, khó có thể xóa đi", Huỳnh nhớ lại.

    Một hoặc hai tháng sau, cả thế giới của cô tan rã.

    Cuộc chiến ly hôn "trường kỳ" đầy thù hận

    Luật sư O'Donnell cho biết: “Hassan đã gửi một tin nhắn cho Huynh rằng 'Tôi sẽ đi và cuộc hôn nhân kết thúc'. Anh ta tuyên bố đã để lại những lời giải thích phù hợp với lứa tuổi cho những đứa con của họ".

    Huynh nói rằng cô "không có chút nghi ngờ nào về điều này sắp xảy ra". Nhưng Hassan nói rằng anh có lý do của mình: “Chất xúc tác cho sự chia tay của chúng tôi là một cuộc tranh cãi trong đó Huynh buộc tội tôi không chung thủy trước mặt các con của chúng tôi, và còn nhiều cáo buộc khác. Điều đó đã vượt qua ranh giới đối với tôi… Rõ ràng là chúng tôi cần phải chia tay vĩnh viễn và tôi đã thông báo điều đó với cô ấy”.

    Allison Huynh ly hon chong google 1

    Luật sư của Huynh phản đối điều này: “Không đúng. Hassan đột ngột rời bỏ gia đình mà không có sự báo trước".

    Không giống như các cặp vợ chồng khác, cặp đôi sở hữu khối tài sản khổng lồ cùng 3 đứa con chung, cuộc chiến pháp lý tranh giành tài sản đã diễn ra không hề suôn sẻ, nó diễn ra suốt gần 7 năm qua với những đấu tố qua lại mà vẫn chưa đi đến hồi kết.

    Cặp đôi thậm chí không thể thống nhất ngày chia tay. Theo một tài liệu tòa án do luật sư của Hassan đệ trình, anh ta khẳng định rằng họ đã chia tay vào ngày 4 tháng 11 năm 2015. Huynh tuyên bố rằng đó là 2 tháng sau đó. Cuộc hôn nhân chấm dứt vào ngày 18 tháng 5 năm 2020.

    Mặc dù Huynh thừa nhận cô không có yêu cầu gì về cổ phiếu của Google, nhưng cô tin rằng mình được hưởng phần tiền của mình trong cuộc hôn nhân.

    Mới đây, sau khi bị vợ tố cáo, Hassan thừa nhận đã tạo trang web AllisonHuynh.com vào đầu năm 2021. Trang này cung cấp các liên kết đến những bài báo tích cực viết về Huynh nhưng cũng liên kết đến các tài liệu tòa án từ 3 vụ kiện liên quan đến cô.

    "Scott đã cố gắng bắt nạt tôi để tôi phải từ bỏ cuộc chiến giành tài sản", Huynh nói.

    Khi được hỏi liệu có đưa trang web lên không, Hassan thừa nhận: “Tôi đã làm, nhưng tôi đã gỡ nó xuống. Quyết định ấy đến trong một khoảnh khắc thất vọng, khi tôi cảm thấy Huynh và luật sư của cô ấy đang kể những câu chuyện phiến diện với báo chí. Tôi nghĩ việc đưa thông tin công khai mà không cần bình luận hay biên tập chẳng giúp ích gì… Nó chỉ khiến tranh chấp của chúng tôi trở nên ầm ĩ và căng thẳng hơn, điều mà tôi chưa bao giờ mong muốn”.

    Allison Huynh ly hon chong google 1
    Hassan thừa nhận đã tạo AllisonHuynh.com - một trang web chứa thông tin không mấy tốt đẹp về vợ cũ

    Trong các tài liệu được đăng tải lên trang web là các cáo buộc tình dục liên quan đến vụ kiện của Huynh chống lại ông chủ cũ của cô là Samuel Ockman và Penguin Computing vào năm 2000. Tài liệu đưa thông tin cho rằng "Huynh đe dọa giết Ockman rồi tự sát nếu ông ta rời bỏ cô" và "theo dõi Ockman đi chơi với bạn gái mới".

    Được biết, vụ việc này đã được giải quyết theo hướng có lợi cho Huynh. Hiện tại Ockman từ chối bình luận.

    Huynh đã phát hiện ra sự tồn tại của trang web Allisonhuynh.com vào ngày 5 tháng 8. “Về cơ bản, mục đích là để làm tôi xấu hổ và sợ hãi bằng cách mạo danh tôi và cố gắng xoay chuyển thế giới chống lại tôi”, cô nói. Sau phát hiện này, cô ngay lập tức nghi ngờ chồng cũ là người đứng sau. Luật sư O'Donnell đã thuê các chuyên gia để tìm ra điều đó.

    Kênh 14 (Nguồn: New York Post)