• Gần 90,000 sinh viên đã cùng ký vào một đơn kiện đòi lại một phần học phí do bị gián đoạn việc học trong dịch bệnh Covid-19.

    Đây được xem là đơn kiện tập thể lớn nhất từ trước đến nay ở UK, chủ yếu là sinh viên bắt đầu nhập học trong giai đoạn dịch bệnh từ năm 2020 - 2022, cùng với những sinh viên bị ảnh hưởng việc học do các hoạt động đình công từ năm 2018 đến nay.

    Sinh viên ở UK phải trả £9,250/năm đối với bậc học cử nhân và đóng nhiều hơn đối với bậc thạc sĩ. Trong khi đó, sinh viên quốc tế phải trả tới £40,000/năm.

    sinh vien kien tung
    Grace Fletcher đã ký vào đơn kiện, cô muốn đòi lại một phần học phí đã trả suốt thời gian dịch bệnh. Ảnh: ITV News

    Những người lãnh đạo hoạt động kiện tụng này cho biết, họ cũng giống như mọi người tiêu dùng khác, xứng đáng được bồi thường nếu chỉ nhận được dịch vụ kém chất lượng so với số tiền họ bỏ ra.

    Nhiều sinh viên tham gia đơn kiện này, đặc biệt là những sinh viên tham gia các khóa học thực hành cần đi thực tế, cho biết họ cảm thấy chất lượng giáo dục đã bị ảnh hưởng nghiêm trong khi phải chuyển qua học online cả học kỳ.

    Ryan Dunleavy, cộng sự tại Công ty luật Harcus Parker, một trong những công ty đại diện cho các sinh viên, cho biết: "Sinh viên chọn trường đại học dựa trên cơ sở vật chất và mức học phí. Nếu họ biết mình phải học online, thì có thể họ sẽ không chọn những khóa học đắt đỏ vì có rất nhiều lựa chọn học từ xa".

    "Họ không trả tiền cho việc học online. Chúng tôi đã nhận được phản hồi từ rất nhiều sinh viên tốt nghiệp, nói rằng cơ hội nghề nghiệp của họ bị thu hẹp nghiêm trọng vì các nhà tuyển dụng biết là họ đã học online qua Zoom và YouTube. Nhưng các trường đại học ở UK lại cho rằng mình được miễn trừ trách nhiệm khỏi hợp đồng và luật bảo vệ người tiêu dùng".

    Grace Fletcher là sinh viên Đại học Northumbria University, đã nhập học vào năm 2020. Năm đầu tiên cô mắc kẹt trong nhà và học online trên laptop. Cô đã không được tiếp cận các tiện ích cơ sở vật chất mà nhà trường hứa hẹn, cô cũng không được tương tác với những người khác. Tương tác giữa các bạn sinh viên và nhà trường là trải nghiệm quan trọng mà giáo dục đại học mang lại.

    Cô nói: "Mỗi tuần chúng tôi chỉ học 6 tiếng online, chẳng giống một khóa học full time gì cả. Học như thế này chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi phải trả £9,000/năm chỉ để học online 6 tiếng/tuần. Tôi chẳng biết ai cả, chúng tôi cũng không được gặp giảng viên. Việc học tập đã bị công nghệ can thiệp quá nhiều".

    Một vụ kiện khác liên quan đến hơn 1,000 sinh viên của Đại học University College London sẽ ra tòa trong những tuần tới. Vụ kiện này có thể trở thành tiền lệ cho những vụ kiện tập thể liên quan đến nhiều học viện trên khắp đất nước.

    Tính đến nay, các trường đại học dưới dây đang trở thành đối tượng bị kiện, bao gồm:

    1. University of Birmingham
    2. University of Bristol
    3. Cardiff University
    4. City, University of London
    5. Coventry University
    6. Imperial College London
    7. King’s College London
    8. University of Leeds
    9. University of Liverpool
    10. London School of Economics and Political Science
    11. University of Manchester
    12. Newcastle University
    13. University of Nottingham
    14. Queen Mary University of London
    15. University of Sheffield
    16. University College London
    17. University of the Arts London
    18. University of Warwick

    Hiệp hội Đại học UK - Universities UK là cơ quan đại diện cho hàng trăm trường cao học trên khắp đất nước. Chủ tịch hiệp hội, Giáo sư Steven West, cho biết: "Trường học cung cấp việc giảng dạy và sự hỗ trợ dưới nhiều hình thức khác nhau. Do đó dù là online hay offline, chúng tôi vẫn phải trả chi phí. Chúng tôi vẫn phải trả tiền cho nhân viên. Chúng tôi vẫn sáng tạo ra các bài giảng. Cần nhớ rằng, trong suốt đại dịch, các sinh viên vẫn được tạo điều kiện học tập và thi cử, tốt nghiệp đúng thời gian và không phải học lại, không phải chờ đợi. Nếu chúng tôi đóng cửa trường học, ngừng hết công tác giảng dạy kể cả online, thì những gì sinh viên phải chịu còn tệ hại hơn nữa. Các sinh viên sẽ phải chờ đợi 1 hoặc vài năm, gây ra nhiều hậu quả phức tạp cho cả quốc gia".

    Viethome (theo ITV)

  • Tỷ lệ mắc COVID-19 trên toàn thế giới một lần nữa đang gia tăng sau khi giảm trong 7 tuần. Tổng cộng, từ ngày 7 đến ngày 13/5, thế giới đã ghi nhận khoảng 3,4 triệu ca lây nhiễm, nhiều hơn khoảng 0,2 triệu so với tuần trước đó, theo tính toán của TASS.

    covid lay lan tro lai
    Tỷ lệ lan truyền COVID-19 trên toàn thế giới tăng trở lại nhưng tỷ lệ tử vong do virus corona vẫn tiếp tục giảm. Ảnh: CBC

    Ở châu Âu, tỷ lệ ca nhiễm gia tăng nghiêm trọng ghi nhận ở Tây Ban Nha khi số ca nhiễm trong tuần này tương đương tỷ lệ các ca mắc COVID-19 vào giữa tháng 3; còn ở Pháp, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm xuống 1/3; ở Ý, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm một phần tư và ở Đức, tỷ lệ mắc COVID-19 trong tuần chỉ còn bằng một nửa so với thời điểm giữa tháng 3.

    Tỷ lệ lây lan của bệnh đã giảm hầu như ở khắp mọi nơi ở châu Âu nhưng lại đang tăng lên ở châu Á và châu Mỹ. Trong tuần này, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm hàng ngày trong khi Malaysia, nơi tỷ lệ mắc bệnh đã giảm từ đầu tháng Ba, lại đang ghi nhận sự gia tăng trở lại. Tại Thái Lan, mức giảm ca bệnh mới cũng đã chậm lại khi cả tuần nhưng vẫn ghi nhận khoảng 7.000-8.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày trong tuần qua.

    Trong tuần, các ca nhiễm đầu tiên đã được ghi nhận ở Triều Tiên. Hôm 15/5, Triều Tiên thông báo 21 trường hợp tử vong mới của những người bị nghi nhiễm virus corona. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, hơn 174.440 người đã bị sốt vào 13/5. KCNA nhấn mạnh rằng virus đã lây lan mạnh kể từ khi nước này tổ chức các sự kiện toàn quốc nhân các ngày kỷ niệm vào tháng 4, bao gồm cả một cuộc diễu hành quân sự rộng lớn.

    Tính đến hiện tại chỉ có hai quốc gia không có trường hợp nhiễm virus corona nào được ghi nhận chính thức, đó là Turkmenistan với dân số khoảng 6 triệu người và đảo quốc Tuvalu ở Thái Bình Dương (khoảng 12.000 cư dân).

    Ở Bắc Mỹ, tình hình đã trở nên trầm trọng hơn ở Mỹ, nơi có hơn 80.000 trường hợp COVID-19 mới hàng ngày được ghi nhận, điều này đã không xảy ra ở nước này kể từ giữa tháng Hai. Đây là chỉ số ca nhiễm cao nhất trên toàn thế giới trong tuần này. Ở Mỹ Latinh, các đợt bùng phát mới đang được ghi nhận ở Colombia và Brazil.

    Một đợt lây nhiễm mới được ghi nhận ở Australia, nơi có hơn 50.000 ca nhiễm hàng ngày được ghi nhận trong tuần.

    Từ ngày 7 đến ngày 13/5, khoảng 10.600 ca tử vong đã được ghi nhận trên toàn thế giới, ít hơn 2.800 ca so với cùng kỳ trước đó. Hơn 1.500 người đã chết ở Mỹ do COVID-19 trong tuần. Đức đứng thứ hai với khoảng 1.000 người thiệt mạng vì virus corona.

    Tỷ lệ tử vong tăng mạnh được ghi nhận ở Canada với hơn 500 trường hợp trong bảy ngày qua. Số người chết vì COVID-19 đã giảm xuống mức tương đương tỷ lệ tử vong trong tháng 2 ở Anh và Hàn Quốc, những nước từng dẫn đầu về số ca tử vong do virus corona gây ra.

    Kết hợp tiêm và xịt vaccine để tăng hiệu quả phòng chống COVID-19

    Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Gamaleya về Dịch tễ học và Vi sinh vật Nga Alexander Gintsburg (ảnh) cảnh báo, việc giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do virus corona "không nên trở thành lý do để từ chối việc tiêm chủng hoặc tiêm chủng nhắc lại".

    Theo ông Alexander Gintsburg, để được bảo vệ tốt hơn, có thể sử dụng kết hợp tiêm và xịt nhắc lại vaccine COVID-19 qua đường mũi.

    Vào ngày 1/4, Bộ Y tế Nga đã chứng nhận vaccine qua đường mũi đầu tiên chống lại virus corona trên toàn thế giới. Theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, nó có thể được đưa vào các khuyến nghị cập nhật về việc thu hồi người dân. (TASS)

    Theo baophapluat

     

  • Các nhà khoa học tại Zoe Covid nhận định số ca nhiễm nCoV tại Anh trong năm nay có thể đã chạm đỉnh và bắt đầu chu kỳ suy giảm.

    Theo các nhà khoa học của Zoe Covid, chương trình theo dõi lây nhiễm nCoV tại Anh được Đại học King's College London hỗ trợ phân tích, số ca Covid-19 ở những người dưới 18 tuổi bắt đầu giảm rõ rệt từ giữa tháng 10, cho thấy đây có thể là thời điểm Anh chạm đỉnh dịch năm nay.

    "Người trẻ là nguyên nhân gây tăng số ca cao nhất và theo số liệu của chúng tôi, xu hướng ca nhiễm tăng cao đã kết thúc", giáo sư Tim Spector, nhà nghiên cứu dẫn đầu chương trình Zoe Covid, ngày 4/11 cho biết. Mức độ giảm được ghi nhận ở hầu hết mọi nhóm tuổi, nhưng ca nhiễm vẫn tăng ở nhóm 55-75 tuổi.

    Nhận định Anh đã chạm đỉnh dịch được Zoe Covid đưa ra 4 tháng sau khi nước này mở cửa, tuyên bố "Ngày tự do" từ 0h ngày 19/7. Anh dỡ bỏ gần như toàn bộ biện pháp hạn chế phòng dịch, kể cả đeo khẩu trang và duy trì giãn cách.

    Anh hôm qua báo cáo thêm 37.269 ca Covid-19, giảm nhẹ so với 41.299 được công bố một ngày trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong vẫn gây lo ngại.

    Số ca nhiễm tại Anh tăng mạnh hai tháng qua, sau khi chính phủ dỡ bỏ mọi biện pháp chống dịch vào ngày 19/7. Đầu mùa thu, ca nhiễm tại Anh tăng mạnh ở nhóm trẻ em trung học cơ sở.

    anh cham dinh dich
    Bệnh nhân Covid-19 Anh được chuyển lên xe cấp cứu trước bệnh viện Guy, London, tháng 12/2020. Ảnh: AFP

    Phần lớn trẻ nhiễm virus đều chưa tiêm vaccine Covid-19. Văn phòng Thống kê Quốc gia ước tính hơn 8% trẻ thuộc nhóm 7-11 tuổi trên toàn quốc nhiễm nCoV trong vòng một tuần trước ngày 22/10.

    Tỷ lệ nhiễm cao và kéo dài ở trường học đã nâng mức miễn dịch trong cộng đồng. Với chương trình tiêm chủng cho trẻ em đang được triển khai, giới khoa học kỳ vọng ca nhiễm mới bắt đầu giảm trong thời gian tới. Các nhà nghiên cứu cảnh báo xu hướng diễn ra không đồng đều giữa các địa phương. London, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có thể ghi nhận xu hướng này đầu tiên.

    Các nhà nghiên cứu tại Imperial College cũng đưa ra kết luận tương tự với số liệu thu thập vào cuối tháng 10. Trong khi đó, một số nhà khoa học cảnh báo ca nhiễm giảm chỉ mang tính tạm thời, do trẻ em nghỉ giữa học kỳ.

    Chuyên gia thống kê Kevin McConway cảnh báo diễn biến tiếp theo của dịch Covid-19 vẫn vô cùng khó đoán và đợt giảm có lẽ không kéo dài. Ông cho rằng dù Zoe Covid đã đưa ra một số nguyên nhân hợp lý cho xu hướng ca nhiễm giảm, đây nhiều khả năng vẫn chỉ là "kỳ vọng thay vì dự báo chắc chắn".

    "Chúng ta có thể hy vọng rằng đã chạm đỉnh dịch năm 2021, nhưng vẫn cần lên kế hoạch kỹ lưỡng cho trường hợp đỉnh dịch còn xa", ông nói.

    Mark Woolhouse, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Edinburgh, lo ngại hơn về tình trạng ca nhiễm tăng ở nhóm người cao tuổi và có nguy cơ cao. Nhóm này vẫn chiếm phần lớn số trường hợp nhập viện. "Tôi không muốn kết luận dịch Covid-19 tại Anh đang hạ nhiệt, trừ khi ca nhiễm giảm ở nhóm người cao tuổi và nguy cơ cao", ông nhận định.

    VnExpress (theo Guardian)

  • Phó giám đốc Y tế Anh cảnh báo thái độ xem thường Covid-19 của người dân, "nổ phát súng" với những ai lơ là phòng dịch.

    "Quá nhiều người tin rằng đại dịch này đã kết thúc. Tôi cảm thấy chúng ta sẽ phải trải qua một số tháng mùa đông khó khăn phía trước và đại dịch vẫn chưa chấm dứt", Phó giám đốc Y tế Anh Jonathan Van-Tam trả lời phỏng vấn hôm 3/11.

    Cảnh báo đầy lo ngại được quan chức y tế hàng đầu Anh đưa ra hơn 3 tháng sau khi nước này tuyên bố "Ngày Tự do", dỡ gần như mọi biện pháp hạn chế chống dịch, bao gồm cả quy định đeo khẩu trang và giãn cách, sau khi tiêm vaccine cho hơn 73% dân số, trong đó hơn 67% tiêm đủ liều. Sau ngày "sổ lồng", người dân Anh thoải mái tụ tập tại các câu lạc bộ đêm, quán ăn và sân vận động.

    Theo bình luận viên David Leonhardt và Claire Moses của NY Times, ngày càng nhiều quốc gia nhận ra chính sách ứng phó Covid-19 lý tưởng nhất là thích ứng với đại dịch, cân bằng giữa lợi ích và chi phí của các biện pháp phòng ngừa.

    Tuy nhiên, "thả cửa" hoàn toàn và xem nhẹ các biện pháp phòng dịch cũng sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng và Anh dường như đang chứng minh điều đó.

    Trong năm qua, cách ứng phó đại dịch của Anh đã đạt một số thành công. Quốc gia này đã nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân và sẵn sàng tái áp đặt các biện pháp hạn chế vào mùa đông năm ngoái, giúp giảm mạnh số ca nhiễm.

    Nhưng sau "Ngày Tự do", người Anh bỗng nhiên quay lại với cuộc sống bình thường, như thể đại dịch chưa từng diễn ra. Trường học và nơi làm việc hoạt động trở lại mà không cần đeo khẩu trang. Hàng quán mở cửa và một lần nữa, việc gọi xe taxi vào tối thứ 7 ở trung tâm London trở thành thách thức với nhiều người.

    "Có cảm giác rằng cuối cùng chúng tôi cũng được sống lại", Devi Sridhar, người đứng đầu chương trình y tế công cộng ở Đại học Edinburgh, cho biết hồi tháng 8. "Chúng tôi có thể bắt đầu cố gắng lấy lại những gì đã mất".

    nuoc anh va bai hoc covid 19
    Một khu phố mua sắm đông đúc người ở Liverpool, Anh hôm 26/10. Ảnh: Reuters.

    Vấn đề là Anh dường như đã đánh mất sự cân bằng. Số ca nhiễm đã tăng mạnh vào mùa thu, nhiều hơn phần còn lại của châu Âu, Mỹ hoặc nhiều quốc gia khác.

    Anh hôm 3/11 ghi nhận hơn 41.000 ca nhiễm và 217 ca tử vong mới do nCoV. Tỷ lệ lây nhiễm nCoV của Anh cao hơn nhiều so với hầu hết các nước cùng châu lục, trong khi số người chết hàng ngày cũng đang tăng.

    Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson phản đối đề xuất áp lại các biện pháp phòng dịch, khi cho rằng chúng không giúp làm giảm ca nhiễm.

    Ca nhiễm ở Anh bắt đầu tăng trở lại vào cuối tháng 5 và kéo dài trong hai tháng trước khi giảm trở lại. Nhưng xu hướng giảm không mạnh và kéo dài. Anh tuần qua ghi nhận trung bình gần 40.000 ca nhiễm mỗi ngày, giảm 10% so với hai tuần trước nhưng vẫn gấp 15-17 lần so với giữa tháng 5. Tỷ lệ tử vong tăng 24%.

    Các chuyên gia cho rằng có ba nguyên nhân khiến tình hình đại dịch ở Anh vẫn phức tạp và đây cũng là lời cảnh báo đối với nhiều quốc gia khác trong cuộc chiến chống Covid-19.

    Đầu tiên là vội vã bỏ tất cả biện pháp hạn chế khi tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Dù là nước đi đầu ở châu Âu về tiêm chủng cho người lớn, Anh vẫn chậm trễ phê duyệt vaccine cho trẻ em. Đến tháng 9, vài tuần sau khi học sinh trở lại trường, Anh mới cho phép tiêm chủng cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Tới nay, chỉ có 21% nhóm tuổi này đã tiêm phòng, so với 80% ở người trưởng thành.

    Giới chuyên gia cho biết tiêm chủng cho trẻ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của các em, mà còn góp phần hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi.

    Hai là khả năng miễn dịch suy yếu theo thời gian, vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Hầu hết chuyên gia y tế tin rằng vaccine vẫn mang lại hiệu quả tuyệt vời trong ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và tử vong, thậm chí vài tháng sau tiêm. Nhưng một số nghiên cứu gần đây cho thấy vaccine bị suy giảm khả năng ngăn ngừa các triệu chứng bệnh nhẹ.

    Tốc độ tiêm chủng nhanh ban đầu ở Anh đã giúp số ca nhiễm giảm mạnh trong đầu năm nay. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa Anh phải đối mặt với vấn đề suy giảm miễn dịch sớm hơn các quốc gia khác. Anh đã triển khai kế hoạch tiêm tăng cường cho người từ 50 tuổi trở lên, nhân viên y tế và người dễ bị tổn thương về mặt y tế.

    Trong vài tháng tới, khả năng miễn dịch suy yếu có thể trở thành vấn đề ngày càng được quan tâm ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, đặc biệt với nhóm dễ bị tổn thương. Mỹ, Israel và nhiều quốc gia khác đã khởi động chiến dịch tiêm tăng cường, nhằm tăng khả năng bảo vệ cho người dân trong bối cảnh đại dịch diễn tiến phức tạp.

    Các biện pháp y tế phòng dịch được thực hiện hiệu quả cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong cuộc chiến với đại dịch. Tuy nhiên, hồi giữa tháng 7, Anh đã dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế, không tiếp tục bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Háo hức khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, người Anh đã tăng các cuộc tụ tập lớn trong nhà trên khắp cả nước, góp phần làm ca nhiễm gia tăng.

    Số ca nhiễm giảm có thể là điều kiện để mọi người được sống tự do hơn, nhưng khi ca nhiễm tăng, việc phải hạn chế tự do là cần thiết. Tuy nhiên, hai biên tập viên của NY Times cho rằng người Anh dường như đã phớt lờ bài học về Covid-19 cùng những lời kêu gọi từ các chuyên gia.

    Chính sách Covid-19 gần đây của Anh đã khiến số ca tử vong tăng và bệnh viện quá tải.

    "Khi một hệ thống chăm sóc sức khỏe thất bại, ngày càng có nhiều người bị ảnh hưởng và thậm chí tử vong một cách không đáng. Điều này đang xảy ra ngay bây giờ, trên khắp nước Anh", tiến sĩ Kenneth Baillie của Đại học Edinburgh, viết trên Twitter.

    VnExpress (theo NY Times)

  • Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19/12 nâng các biện pháp hạn chế lên mức mới ở London và miền Nam nước Anh để giảm tốc độ lây lan virus.

    Ông Johnson ngày 19/12 tuyên bố thủ đô và miền Nam nước Anh, khu vực đang ở mức cao nhất của hệ thống cảnh báo 3 cấp độ, sẽ chuyển sang cảnh báo cấp 4, một mức mới, AP đưa tin.

    Theo đó, tất cả cửa hàng không thiết yếu, tiệm làm tóc và địa điểm giải trí trong nhà phải đóng cửa sau khi hết giờ làm việc ngày 19/12.

    Ông Johnson cũng thông báo kế hoạch nới lỏng các quy tắc giãn cách xã hội để tối đa 3 gia đình gặp nhau ăn mừng Giáng sinh trong khoảng thời gian 23-27/12 sẽ bị hủy bỏ với khu vực cấp độ 4. Những vùng còn lại của nước Anh cũng sẽ bị hạn chế tụ tập trong Giáng sinh.

    “Tôi rất buồn khi phải nói với các bạn rằng chúng ta không thể đón Giáng sinh như dự định”, ông Johnson phát biểu.

    giang sinh covid
    Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc họp báo công bố mức hạn chế mới ngày 19/12. Ảnh: AP

    Các gia đình trong khu vực cấp độ 4 không được tụ tập, trừ ở những nơi công cộng với điều kiện rất hạn chế. Người dân cũng không được phép ra vào khu vực này, trừ khi cần thiết.Thủ tướng Anh cũng nói ông “không thấy biện pháp thay thế nào” và mọi người phải hy sinh lễ Giáng sinh để bảo vệ mạng sống của những người thân.

    Ở những nơi khác trên nước Anh, người dân chỉ được gặp nhau một cách hạn chế để ăn mừng Giáng sinh trong một ngày, thay vì năm ngày như chính phủ dự kiến .

    Những thay đổi này ảnh hưởng đến kế hoạch Giáng sinh của hàng triệu người đang mong chờ gặp gia đình và bạn bè vào tuần tới. Họ buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch di chuyển vào phút cuối.

    Trước ngày 19/12, quan chức chính phủ Anh vẫn khẳng định họ sẽ cho phép các cuộc gặp nhỏ diễn ra.

    Khi công bố mức hạn chế mới, ông Johnson cho biết một biến thể mới của virus corona có khả năng lây truyền cao hơn 70% so với các chủng hiện có dường như đang khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở London và miền nam nước Anh.

    Mặc dù London kiểm soát dịch tương đối tốt trong suốt mùa thu, thành phố này đang có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở Anh. Các quan chức cho biết khoảng 60% ca bệnh ở London là virus corona chủng mới.

    Tuy nhiên, thủ tướng Anh cũng nhấn mạnh: “Không có bằng chứng nào cho thấy virus chủng mới có khả năng gây chết người cao hơn, bệnh nặng hơn hoặc khiến vaccine kém hiệu quả hơn”.

    Ngày 19/12, Anh ghi nhận thêm 27.052 ca nhiễm và 534 trường hợp tử vong. Anh có 67.075 người chết do Covid-19, cao thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Italy.

    Tính đến nay, Anh đã có 2.004.219 ca mắc Covid-19.

  • Xuất hiện chủng Covid-19 mới với khả năng lây nhiễm nhanh hơn tới 70%, hàng triệu người Anh có nguy cơ mất Giáng sinh. Một chủng virus mới đang gây lo ngại thực sự, và khiến Thủ tướng Boris Johnson ban hành lệnh hạn chế cấp độ 4 - tương đương mức phong tỏa.

    Những tuần qua, người dân tại Anh Quốc đã hy vọng rằng các lệnh hạn chế vì đại dịch Covid-19 sẽ phần nào được dỡ bỏ trong dịp lễ Giáng sinh sắp tới. Nhưng tiếc thay, hy vọng ấy đã bị nghiền nát vào ngày 19/12 (giờ địa phương). Nguyên do là bởi các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về một chủng virus corona mới có khả năng lây lan nhanh hơn trước rất nhiều.

    Cùng với đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ra thông báo về một chuỗi các quy định hạn chế chặt chẽ hơn - thứ vốn được cho là sẽ nới lỏng vào dịp lễ Giáng sinh sắp tới. Ở thời điểm hiện tại, Anh Quốc đang có tỉ lệ tử vong vì Covid-19 thuộc top đầu châu Âu, với hơn 67.000 người đã thiệt mạng trên tổng số 2 triệu ca nhiễm.

    mat giang sinh vi covid
    Với hàng triệu người Anh, sắp tới nhiều khả năng sẽ là một lễ Giáng sinh buồn.

    Theo thông báo của Thủ tướng Anh, London và một phần lớn các vùng phía nam và đông sẽ có mức hạn chế cấp 4 - tương đương với lệnh phong tỏa trong ngày 20/12.

    "Đợt lây lan này là do một chủng virus mới," - ông Johnson nói gấp gáp trong cuộc họp báo. "Có vẻ như nó lây lan dễ dàng hơn đến 70% so với chủng cũ."

    Giáo sư Chris Whitty - giám đốc y tế Anh trước đó cũng cảnh báo chủng virus mới của Covid-19 "có thể lây lan nhanh hơn". "Chủng mới lây lan rất nhanh. Thực sự là rất khó khăn khi phải nói rằng chúng ta không thể tiếp tục lễ Giáng sinh như dự định nữa."

    Với lệnh hạn chế cấp 4, việc tụ tập ăn uống trong các hộ gia đình vào lễ Giáng sinh tới là không thể. Ở những khu vực có mức độ cảnh báo thấp hơn, điều này chỉ được cho phép vào đúng ngày Giáng sinh mà thôi.

    Được biết, các quy định hạn chế sẽ bắt đầu áp dụng tại xứ Wales kể từ 0h sáng ngày 20/12. Tất cả mọi người phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài vì các mục đích thực sự cần thiết. Gần như toàn bộ các ngành kinh doanh buộc phải đóng cửa, ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu.

    Tại Scotland, lệnh cấm di chuyển cũng sẽ được áp dụng trong giai đoạn lễ Giáng sinh tại các vùng biên giới phía Bắc, với lời cảnh báo người dân không di chuyển đến các vùng khác của Anh Quốc và ngược lại. Trên toàn bộ lãnh thổ Scotland cũng phải áp dụng lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất, kể từ ngày 26/12.

    Ireland không có bất kỳ thay đổi nào, khi lệnh phong tỏa dự định sẽ bắt đầu vào ngày Lễ Tặng quà (Boxing Day - chỉ sau ngày Giáng sinh 1 ngày).

    Khẩn cấp xác định chủng virus mới

    Theo Giáo sư Whitty, chủng virus mới là nguyên nhân cho 60% các ca lây nhiễm tại London. Số ca nhiễm tại thủ đô Anh Quốc đã tăng gần gấp đôi chỉ trong 1 tuần vừa qua.

    Trước đó, ông cho biết các công tác "khẩn cấp" đã được thực hiện để xác định xem chủng virus mới liệu có tỉ lệ tử vong cao hơn hay không.

    "Hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy chủng virus mới cho tỉ lệ tử vong cao hơn, hoặc gây ảnh hưởng đến công dụng của vaccine và phương pháp chữa trị hiện nay. Dẫu vậy, công tác khẩn cấp đang được thực hiện để xác nhận giả thuyết này," - trích trong bài phát biểu của Whitty.

    So với các chủng Covid-19 khác, chủng mới mang một mã gene khá đặc biệt, giúp theo dõi nó dễ dàng hơn. Tuy nhiên cần làm rõ rằng điều này không đồng nghĩa với việc quá trình đột biệt khiến nó lây lan dễ hơn hoặc nguy hiểm hơn. Nhiều chuyên gia dịch tễ tin rằng đây thực chất chỉ là một chủng virus.... may mắn, xuất hiện vào đúng thời điểm có ca siêu lây nhiễm. Hoặc, nó đã tiến hóa để lây nhiễm dễ hơn mà không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.

    Dẫu vậy, đội chuyên gia tư vấn về Covid-19 cho chính phủ cũng cảnh báo rằng chủng mới đang "gây lo ngại thực sự". Jeremy Farrar - chuyên gia dịch tễ Anh chia sẻ: "Không ở đâu được phép chủ quan. Như nhiều quốc gia khác, tình hình đang rất căng thẳng."

    Theo Daniel Altmann, giáo sư miễn dịch học tại ĐH Imperial College London, việc chủng virus mới xuất hiện cho thấy sự cần thiết để tất cả mọi người được tiêm vaccine. "Vaccine tạo ra kháng thể trung hòa một số phần không đổi trong quá trình đột biến, nên nó vẫn sẽ có tác dụng."

    Nguồn: CNN

  • Ba tuần nay, anh Đinh Phúc "sống không bằng chết". Tổ ấm từng rộn tiếng cười chìm trong u uất khi chị Mai, vợ anh, đang chiến đấu với tử thần vì Covid-19.

    "Đêm nào cũng vậy, bé út thức giấc gọi 'mommy', rồi đứa lớn hơn cũng trở mình khóc đòi mẹ. Tôi đau lòng chỉ biết ôm các con mà khóc", anh Đinh Phúc, 40 tuổi, gạt nước mắt khi kể về những gì đang xảy ra với gia đình mình.

    Lấy nhau hơn chục năm, anh Phúc và vợ là chị Lương Thị Phương Mai, 38 tuổi, sinh được 3 em bé, trong đó con cả 13 tuổi, hai bé út 5 và 4 tuổi. Anh sang Mỹ sinh sống cùng gia đình đã 30 năm nay, đến năm 2010 thì đưa vợ sang cùng. Cuộc sống của họ tại thành phố Seattle, bang Washington, trôi qua êm đềm trước khi tai họa ập tới tháng trước.

    Sau một lần cả gia đình đi siêu thị về, chị Mai xuất hiện triệu chứng lạnh toát người, đau nhức xương, khó thở, vị giác rồi khứu giác dần biến mất. Mặc bao nhiêu lớp áo và đắp bao nhiêu chăn cũng không thấy ấm lên, chị gọi cho đường dây cấp cứu 911. Kiểm tra sơ bộ của các nhân viên cấp cứu cho thấy nồng độ oxy trong cơ thể chị giảm mạnh.

    Sáng hôm sau, anh Phúc đưa vợ nhập viện trong tình trạng nguy kịch và nhận tin sét đánh rằng chị Mai đã mắc Covid-19. Trong khi vợ được chuyển vào khoa điều trị tích cực (ICU), anh chở 3 con đi xét nghiệm và choáng váng khi cả gia đình đều có kết quả dương tính với nCoV.

    "Hôm đó là ngày 24/11 và đến nay đã 3 tuần trôi qua, tôi sống mà không bằng chết", anh Phúc nói. "Từ lúc dịch bệnh bùng phát, gia đình tôi luôn tuân thủ khuyến cáo đeo khẩu trang khi ra ngoài, về đến nhà là thay quần áo, khử khuẩn, rửa thực phẩm cẩn thận. Thật sự tôi không thể ngờ được có ngày chúng tôi lại nhiễm nCoV".

    vo o my nhiem covid 1
    Vợ chồng anh Phúc, chị Mai cùng 3 con. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Mỗi ngày, anh Phúc vừa thay vợ nấu nướng, tắm giặt, chăm các con học, vừa ngóng tin từ các bác sĩ và y tá. 4 cha con cũng phải tự cách ly, không ra đường. Mọi đồ ăn thức uống đều do bạn bè mua hộ để trước nhà. May mắn anh và 3 bé đều chỉ bị sốt nhẹ và hồi phục sau 1-2 ngày uống thuốc cảm, bổ sung vitamin C và xông thảo dược.

    Mọi nỗi lo lắng lúc này dồn vào chị Mai. Từ một phụ nữ khỏe mạnh, lúc nào cũng rạng rỡ, nay chị chỉ nằm bất động trên giường bệnh trong tình trạng hôn mê, với vô số dây rợ gắn trên người.

    Anh Phúc cho biết những ngày đầu nhập viện, vợ anh được bác sĩ cho dùng máy trợ thở, nhưng bệnh tình không tiến triển mà còn nặng hơn. Họ sau đó phải tiêm thuốc an thần và đặt ống nội khí quản cho chị.

    Sau khoảng một tuần, các chỉ số của chị có cải thiện. Đến 4 ngày trước, khi gọi điện vào phòng ICU, anh Phúc mừng rơi nước mắt khi thấy chị mở hé mắt, nhúc nhích tay, chân, cử động chân mày.

    "Tôi thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng vợ mình đã thoát cửa tử", anh kể.

    Tuy nhiên, niềm vui ấy chỉ kéo dài vỏn vẹn hai ngày. Từ hôm 13/12 đến nay, tình trạng của chị Mai lại trở nặng, các chỉ số xấu đi. Nồng độ oxy huyết có khi giảm còn 40%. Kết quả chụp X-quang cho thấy phổi chị trắng xóa và có một lượng dung dịch chưa xác định, buộc các bác sĩ phải dùng thuốc trợ sinh và kháng virus liều cao. Họ còn phải làm loãng máu do các loại thuốc trên có tác dụng phụ gây đông máu, làm tắc nghẽn một số mạch trên tay của chị Mai.

    "Mai nằm trong đó, đối mặt với tử thần mà tôi không thể ở bên cô ấy, chỉ có thể cập nhật tình hình từ các bác sĩ", anh Phúc nói. "Vừa lo cho vợ vừa thương các con thiếu vắng mẹ, tâm trạng tôi suốt những tuần qua nặng trĩu".

    vo o my nhiem covid 1
    Chị Mai nằm hôn mê điều trị Covid-19 trong bệnh viện. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Anh rất biết ơn các y tá khi thi thoảng lại giúp các bé chụp ảnh hoặc gọi video để được nhìn thấy mẹ dù chỉ vài phút qua màn hình điện thoại.

    "Các bác sĩ và y tá trong ICU như những thiên thần với gia đình tôi. Họ cũng phải rời xa con cái để đối mặt với nguy hiểm khi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, Có những người tự tay chăm sóc các đồng nghiệp bị nhiễm bệnh rồi tự tay cho thi thể của những người thân thiết vào các những túi nilon lạnh lẽo. Tôi biết ơn vô cùng sự chăm sóc mà họ dành cho vợ tôi", anh nói.

    Anh Phúc cũng rất biết ơn sự yêu thương và quan tâm mà mọi người dành cho gia đình mình sau khi câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều người không quen biết đã gửi quà tặng 3 con anh để động viên, thậm chí tổ chức các buổi cầu nguyện cho chị Mai vượt qua bạo bệnh.

    "Bên cạnh nhiều người tốt bụng cũng có những người ác miệng, cho rằng vợ chồng tôi giả bệnh để xin tiền quyên góp, buông những câu khiếm nhã với Mai dù cô ấy đang không biết sống chết ra sao trong bệnh viện", anh Phúc kể.

    Anh đồng tình rằng cộng đồng người Việt ở Mỹ phân cực rõ rệt trong vấn đề Covid-19. Một bộ phận những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump vẫn không tin hoặc coi thường nCoV, không đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội.

    "Hơn 300.000 người đã chết vì Covid-19 tại Mỹ và có những bang phải trữ thi thể trong các xe tải đông lạnh vì nhà xác quá tải. Tổng thống Trump đã phản ứng quá chậm và coi thường virus này", anh nói. "Hãy nhìn vợ tôi, Covid-19 là có thật, đó không phải là trò bịp bợm chính trị".

    Thi thoảng nhớ vợ, anh Phúc lại chạy xe lên bệnh viện, đứng từ dưới sân lặng lẽ nhìn lên cửa sổ phòng chị Mai đang nằm rồi quay về. Anh bảo đó là cách duy nhất để cảm thấy gần gũi với vợ hơn chút và bớt đau khổ trong lòng.

    "Mỗi ngày nằm trong ICU tiêu tốn khoảng 10.000 USD chưa kể tiền thuốc, nhưng chúng tôi không cần tiền của ai bởi việc đó đã có bảo hiểm chi trả. Chúng tôi chỉ muốn chia sẻ câu chuyện này như một lời cảnh tỉnh với những người đang khinh thường Covid-19. Hãy suy nghĩ tới lợi ích chung, tuân thủ khuyến cáo của giới chức và y bác sĩ, bởi dịch bệnh không chừa một ai".

    Với tình trạng hiện nay của chị Mai, các bác sĩ không dám khẳng định điều gì, trong khi cha con anh Phúc chỉ biết tiếp tục chờ đợi.

    "Tôi vẫn giữ niềm tin rằng một ngày vợ mình sẽ hồi phục để trở về nhà và tổ ấm 5 người lại rộn tiếng cười như trước", anh nói.

    Nguồn: Anh Ngọc (VnExpress)

  • Dale McLaughlan, 28 tuổi, bị bắt hôm 13/12 vì lái môtô nước từ Scotland băng qua biển Ailen đến Isle of Man thăm bạn gái.

    Anh đã chuẩn bị cho kế hoạch này từ hai ngày trước đó mà không hề tính đến sự nguy hiểm và thiếu kinh nghiệm của mình.

    Anh ta khởi hành vào khoảng 8 giờ sáng, dự kiến mất 40 phút để đến nơi. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, bốn giờ chiều người đàn ông mới kết thúc hành trình. Anh đến Ramsey (Isale of Man - vùng đất tự trị nằm giữa biển Ireland và là một phần của Quần đảo Anh) vào buổi chiều, nhưng phải đi thêm 25 km để đến nhà người yêu tại Douglas.

    tinh yeu mu quang

    Hôm sau, chàng trai đưa người yêu đến hai hộp đêm đông đúc. Bạn gái của McLaughlan vẫn nghĩ anh đến đảo vì công việc. Đến chủ nhật, 13/12, anh bị bắt sau khi cảnh sát kiểm tra giấy tờ tùy thân. Anh biện minh đã làm xét nghiệm Covid-19 bốn ngày trước khi đi và cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, lần xét nghiệm thứ hai chưa thực hiện.

    Theo quy định ở Isle of Man, người dân ở đây được phép rời khỏi đảo, nhưng phải cách ly đủ 14 ngày khi trở về. Người từ nơi khác đến phải hoàn thành đăng ký và được cấp giấy chứng nhận nhập cảnh.

    Đại diện tòa án thủ đô cho biết, chuyến đi của McLaughlan khiến cộng đồng gặp rủi ro. Anh bị bỏ tù bốn tuần vì vi phạm quy định của quốc đảo này.

    Theo Daily Mail/Vnexpress

  • Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra trong bối cảnh Anh, Đức, Pháp ghi nhận số ca nhiễm, tử vong cao kỷ lục và nhiều nước tiếp tục siết chặt kiểm soát dịch trong dịp lễ Giáng sinh.

    Theo Hãng tin AFP ngày 17-12, Đức ghi nhận 952 ca tử vong và gần 28.000 ca nhiễm trong trong ngày đầu tiên áp dụng chính sách phong toả. Các biện pháp bao gồm đóng cửa trường học và các cửa hàng không thiết yếu, cho thấy sự tập trung của nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào việc chống dịch COVID-19. Nước này dự kiến tiêm vắc xin COVID-19 của hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech vào ngày 27-12.

    Trong khi đó, Anh có thêm 618 ca tử vong và hơn 25.000 ca nhiễm mới trong ngày, còn Pháp ghi nhận 289 ca tử vong hơn 17.000 ca nhiễm mới trong ngày 16-12, tăng mạnh so với hơn 11.000 ca ngày trước đó.

    Tình hình dịch căng thẳng ở châu Âu trong bối cảnh người dân châu Âu chuẩn bị đón lễ Giáng sinh và năm mới.

    Tuy nhiên khuyến cáo mới đây của WHO cảnh báo "việc gia tăng tụ tập mọi người thuộc đủ nhóm tuổi, gia đình, các nhóm tôn giáo và bạn bè... mang lại nguy cơ lớn làm gia tăng lây nhiễm COVID-19 trong mùa lễ sắp tới".

    giang sinh deo khau trang

    Theo WHO, các cộng đồng trên khắp châu Âu không nên tổ chức các hoạt động tôn giáo, ăn mừng, các phiên chợ mùa lễ và hạn chế các sự kiện cộng đồng. Các sự kiện được phép tổ chức nên diễn ra ngoài trời và giới hạn số người tham gia.

    Ngoài ra, WHO nhắc nhở người dân châu Âu cẩn trọng trong các buổi họp mặt bạn bè, gia đình.

    "Có thể hơi kỳ cục khi đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi ở gần gia đình, bạn bè, nhưng việc đó góp phần lớn vào việc giúp mọi người an toàn và khỏe mạnh.

    Những người dễ bị tổn thương, người thân hoặc bạn bè lớn tuổi có thể thấy khó yêu cầu người khác giữ khoảng cách dù họ có thấy lo lắng như thế nào. Hãy cân nhắc cảm xúc của người khác và sự khó khăn của họ", WHO cho biết.

    Các nước châu Âu tiếp tục siết chặt kiểm soát dịch. Mới nhất, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngày 16-11 cho biết nước này sẽ phong tỏa hoàn toàn trong suốt dịp Giáng sinh và năm mới.

  • Bang California đã đặt thêm hàng nghìn túi đựng thi thể, khi số bệnh nhân mắc Covid-19 tăng vọt và các phòng chăm sóc đặc biệt đã hoạt động hết công suất.

    Tình hình đặc biệt trở nên nghiêm trọng ở thành phố Los Angeles, nơi có ít hơn 100 giường chăm sóc đặc biệt (ICU) cho 10 triệu dân. California từng được ca ngợi vì phản ứng kịp thời và hợp lý khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, nhưng giờ đây số người nhập viện đã tăng gấp 6 lần kể từ tháng 10, AFP đưa tin.

    Ngoài Los Angeles, các quan chức y tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở các quận quận Ventura và Riverside gần đó, nơi các đơn vị chăm sóc đặc biệt đang hoạt động với 100% công suất.

    tui dung thi the
    Các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở bang California đã hoạt động hết công suất. Ảnh: AP

    Dù việc tiêm chủng đã bắt đầu ở một số thành phố của bang California hôm 14/12, nhưng quá trình này được cho là quá muộn để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ 3 ở bang.“Chúng tôi vừa đặt thêm 5.000 túi đựng thi thể. Tôi không muốn làm mọi người sợ hãi, nhưng đây là căn bệnh chết người và chúng ta cần phải chuẩn bị. Chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát được tình hình”, Thống đốc bang California Gavin Newsom nói.

    John Murray, phát ngôn viên bệnh viện UCI Health ở quận Cam, thừa nhận số lượng bệnh nhân ở bệnh viện của ông là rất lớn, nhưng nói thêm: “Chúng tôi đang kiểm soát tình hình. Chúng tôi có khả năng chuyển đổi các phòng điều trị thông thường thành ICU khá nhanh chóng”.

    Tuy vậy, công suất các ICU trên trên toàn miền nam California giảm xuống chỉ còn 1,7%. Một số chuyên gia cảnh báo việc thiếu ICU có thể khiến tỷ lệ tử vong tăng cao.

    “Nhiều người nghĩ rằng đây không phải là vấn đề đáng lo ngại, vì các bệnh viện có thể kê thêm giường, nhưng thực tế mỗi ICU cần được nhân viên y tế có tay nghề cao vận hành. Chúng tôi không có nguồn cung vô tận về nhân viên y tế”, Barbara Ferrer, chuyên gia y tế cộng đồng ở Los Angeles nói.

    Bên cạnh đó, các quan chức cảnh báo tỷ lệ tử vong có thể gia tăng, khi mọi người tụ tập ở các bữa tiệc và nghi lễ tôn giáo nhân dịp Giáng sinh. California đã tái áp dụng biện pháp phong tỏa toàn bang để đối phó với dịch bệnh.

  • Giám đốc văn phòng an ninh Nhà Trắng Crede Bailey mất bàn chân phải và cẳng chân trong cuộc chiến chống Covid-19 sau khi mắc bệnh cách đây ba tháng.

    Ông Crede Bailey là ca bệnh nghiêm trọng nhất trong số hàng chục người lây bệnh Covid-19 được cho là liên quan tới cụm dịch ở Nhà Trắng.

    Gia đình của ông Bailey đã yêu cầu Nhà Trắng không công khai tình trạng của ông, và Tổng thống Trump chưa bao giờ công khai thừa nhận bệnh tình của giám đốc văn phòng an ninh Nhà Trắng.

    su kien sieu lay nhiem 1
    Ông Crede Bailey

    Hãng tin Bloomberg ngày 15/12 dẫn thông tin từ người bạn của ông Bailey - tên là Dawn McCrobie - cho biết giám đốc văn phòng an ninh Nhà Trắng đang bình phục nhưng bị cắt mất bàn chân phải và cẳng chân trong khi điều trị Covid-19.

    Ông Dawn McCrobie là người đã tạo hồ sơ quyên tiền viện phí cho ông Bailey trên trang GoFundMe. "Crede không vui vẻ gì khi tôi mở trang quyền tiền bởi ông là một người đầy kiêu hãnh, luôn đi đầu trong việc giúp đỡ người khác nhưng sẽ không bao giờ cầu xin người khác giúp đỡ mình", ông McCrobie chia sẻ trong bài đăng ngày 13/11.

    "Gia đình ông ấy đã nhận được số hóa đơn viện phí đáng kinh ngạc sau hơn hai tháng Bailey nhập viện. Ông ấy vẫn ở trong phòng chăm sóc đặc biệt. Còn cả chặng đường dài phải đi trước khi ông ấy hồi phục và có thể về nhà. Khi về đến nhà, sẽ cần nhiều thay đổi để thích nghi với tình trạng khuyết tật mới và vĩnh viễn của ông ấy", McCrobie cho biết thêm.

    Hồi tháng 10, Bloomberg dẫn bốn nguồn thạo tin nói rằng ông Crede Bailey biểu hiện triệu chứng mắc Covid-19 nghiêm trọng từ trước sự kiện “siêu lây nhiễm” ở Vườn Hồng hôm 26/9. Ông Bailey mắc bệnh nặng và phải nhập viện.

    su kien sieu lay nhiem 1
    Sự kiện siêu lây nhiễm tại Vườn Hồng của Nhà Trắng hôm 26/9. Ảnh: Politico.

    Ông Bailey là quan chức đứng đầu văn phòng an ninh của Nhà Trắng. Đơn vị này thường phối hợp chặt chẽ với Sở Mật vụ Mỹ để bảo đảm các biện pháp an ninh, xác nhận danh tính khách đến thăm khuôn viên Nhà Trắng.

    Nhiều khách tham dự buổi lễ ở Vườn Hồng hôm 26/9 xét nghiệm dương tính với Covid-19, bao gồm vợ chồng tổng thống, cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie, cựu cố vấn Kellyanne Conway, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Keyleigh McEnany và các Thượng nghị sĩ Mike Lee và Thom Tillis.

  • Hơn 73 triệu người nhiễm và hơn 1,6 triệu người chết vì nCoV toàn cầu, WHO thông báo xuất hiện chủng mới của nCoV trên 1.000 bệnh nhân tại Anh.

    Thế giới ghi nhận 73.148.974 ca nhiễm và 1.627.068 người đã tử vong do nCoV, tăng lần lượt 556.000 và 8.849 ca trong một ngày, trong khi 51.273.943 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang nắm thông tin về một chủng nCoV mới xuất hiện trên 1.000 người tại Anh, nhưng thêm rằng chưa có bằng chứng cho thấy nó hoạt động khác với những chủng đã được ghi nhận. "Giới chức đang nghiên cứu tầm quan trọng của nó. Chúng tôi đã gặp nhiều biến chủng, loại virus này liên tục phát triển và thay đổi", giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết hôm 14/12.

    ncov chung moi
    Người dân trên đường phố thủ đô London, Anh, hôm 14/12. Ảnh: AFP.

    Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 208.595 ca nhiễm và 1.621 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 16.914.843, trong đó 307.874 người đã chết. Những ngày qua, số ca nhiễm và ca tử vong trong ngày của Mỹ liên tục cao kỷ lục.

    Moncef Slaoui, cố vấn Chiến dịch Thần tốc của Mỹ, hôm 13/12 cho biết nước này dự kiến tiêm chủng vaccine Covid-19 cho 100 triệu người vào quý đầu tiên của năm 2021.

    Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ hoãn kế hoạch cho ông và các quan chức cấp cao Nhà Trắng tiêm vaccine Covid-19 trong những ngày tới. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ sau khi phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Ullyot cho hay các quan chức hàng đầu của ba nhánh chính quyền sẽ nằm trong số những người đầu tiên nhận vaccine Covid-19.

    Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 526 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 181.945. Số người nhiễm nCoV tăng 27.419 trong 24 giờ qua, lên 6.929.409.

    Chính phủ Brazil hôm 12/12 đã công bố kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 với mục tiêu ban đầu là tiêm chủng cho 51 triệu người, khoảng 1/4 dân số, trong nửa đầu năm 2021. Bộ Y tế Brazil cho biết thêm 108 triệu liều vaccine sẽ có sẵn để tiêm chủng ưu tiên cho các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và cộng đồng bản địa.

    Chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro đã chịu áp lực từ các thống đốc bang và thị trưởng thành phố vì không chuẩn bị kịp thời cho việc tiêm chủng hàng loạt hoặc đảm bảo nguồn cung cấp đủ loại vaccine. Bolsonaro cũng nhiều lần hạ thấp đại dịch Covid-19 và tuyên bố sẽ không tiêm vaccine.

    Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 21.768 ca nhiễm và 353 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.906.484 và 143.746.

    Thủ đô New Delhi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, với nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức New Delhi đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD). Theo truyền thông Ấn Độ, Viện Huyết thanh Ấn Độ đã yêu cầu cơ quan quản lý dược phẩm cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

    Anh báo cáo thêm 20.263 ca nhiễm và 232 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.869.666 và 64.402. Anh hồi tuần trước đã trở thành quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech tại 73 bệnh viện trên cả nước.

    Anh cắt giảm thời gian tự cách ly từ 14 xuống 10 ngày đối với những người đến từ nước ngoài và những người tiếp xúc với các trường hợp dương tính với nCoV từ ngày 14/12. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tuần qua cho biết dữ liệu Covid-19 cho thấy ca nhiễm đang gia tăng với trẻ em ở độ tuổi trung học và điều này có thể ảnh hưởng đến người lớn tuổi trong những tuần tới.

    Đức ghi nhận 18.658 ca nhiễm và 481 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.357.141 và 22.887. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng nước này có thể bắt đầu tiêm chủng muộn nhất vào tháng 1/2021.

    Chính phủ Đức hôm 13/12 thông báo áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ ngày 16/12 nhằm kiềm chế sự lây lan của Covid-19 được cho đang vượt ngoài tầm kiểm soát. Lệnh phong tỏa dự kiến được áp dụng tới ngày 10/1.

    Trong bài phát biểu trước quốc hội ngày 9/12, Thủ tướng Angela Merkel yêu cầu Đức áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn khi ca tử vong trong một ngày ở mức cao kỷ lục. Bà cho rằng các chỉ dẫn đã được lãnh đạo 16 bang ở Đức đồng ý cách đây hai tuần về cho phép cửa hàng mở cửa nhưng cấm ăn uống trong nhà hàng là không đủ.

    Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 27.328 ca nhiễm nCoV và 450 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.681.256 và 47.391.

    Điện Kremlin cho biết giới chức không có kế hoạch tái áp đặt phong tỏa toàn quốc mà chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Saint Petersburg yêu cầu các quán cà phê, nhà hàng, bảo tàng, nhà hát và phòng hòa nhạc của thành phố đóng cửa trong kỳ nghỉ đón năm mới, từ 30/12 đến 10/1.

    Moskva từ đầu tháng 12 bắt đầu tiêm vaccine Sputnik V cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và giáo viên.

    Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 52.447 người chết, tăng 251, trong tổng số 1.115.770 ca nhiễm, tăng 7.501. Bộ Y tế nước này hồi đầu tháng cho biết tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, với 89/160 thành phố đã được đưa khỏi danh sách những nơi có nguy cơ cao.

    Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi cho hay mức độ tuân thủ các biện pháp phòng dịch của công chúng đã tăng lên 90%. Tuy nhiên, hầu hết văn phòng không thiết yếu của chính phủ vẫn bị đóng cửa nhằm ngăn virus lây lan. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết ông đã chỉ đạo Ngân hàng Trung ương nước này cấp ngân sách cần thiết để nhập khẩu vaccine Covid-19.

    Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 718 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 43.484, trong đó 587 trường hợp tử vong, tăng 7 ca so với một ngày trước.

    Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 13/12 cảnh báo rằng các hạn chế ngăn Covid-19 ở nước này có thể được nâng lên mức cao nhất sau khi các ca nhiễm liên tục tăng kỷ lục.

    Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 623.309 ca nhiễm, tăng 5.489, trong đó 18.956 người chết, tăng 137.

    Dữ liệu chính phủ cho thấy Indonesia đã đặt hàng được 155,5 triệu liều vaccine và đang tìm mua thêm 116 triệu liều từ Pfizer, AstraZeneca và chương trình COVAX. Nếu các thỏa thuận được thông qua, Indonesia, quốc gia 270 triệu dân, sẽ sở hữu 271,5 triệu liều vaccine, vượt mức đặt ra là 246,6 triệu.

    Philippines báo cáo 450.733 ca nhiễm và 8.757 ca tử vong, tăng lần lượt 1.339 và 24 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực. Philippines là một trong những nơi ăn mừng lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.

    VnExpress (Theo Reuters)

  • Theo một nghiên cứu hôm thứ Tư, các tỷ phú Mỹ đã chứng kiến khối tài sản của họ tăng hơn 1 nghìn tỷ USD kể từ khi đại dịch virus corona bắt đầu. Điều này càng khiến cho cuộc tranh luận về việc đánh thuế cao hơn đối với người giàu trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

    Theo Viện nghiên cứu chính sách và công bằng thuế (ATF), tài sản tổng cộng của 651 tỷ phú Mỹ đã tăng từ 2,95 nghìn tỷ USD vào ngày 18 tháng 3 lên 4,01 nghìn tỷ USD vào hôm thứ Hai tuần này.

    "Chưa bao giờ nước Mỹ chứng kiến sự tích lũy tài sản nằm trong tay một số ít người như thế", Frank Clemente, giám đốc điều hành ATF, lên tiếng, đống thời lưu ý rằng những gì mà nhóm giàu có này kiếm được còn nhiều hơn cả giá trị của gói cứu trợ đang được Quốc hội xem xét.

    "Lợi nhuận mà các tỷ phú Mỹ thu được trong thời đại dịch lớn đến mức họ có thể dư sức trả tiền cho một dự luật cứu trợ lớn của Covid mà vẫn không bị mất đi một xu nào trong khối tài sản trước đó", ông nói thêm.

    gioi sieu giau my

    Hôm thứ Ba, Nhà Trắng đã công bố một đề xuất kích thích trị giá 916 tỷ USD trong một nỗ lực cuối cùng nhằm phá vỡ tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tháng về khoản viện trợ mới cho nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bởi virus corona trước khi Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở vào tháng Giêng sắp tới.

    Đề xuất mới có giá trị lớn hơn một chút so với thỏa hiệp trị giá 908 tỷ USD được một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng công bố vào tuần trước.

    Các tác giả của cuộc nghiên cứu trên cho biết rằng số tiền gần 1 nghìn tỷ USD có được trong lần này sẽ được dùng để thanh toán cho những tấm séc kích thích trị giá 3.000 USD dành cho tất cả khoảng 300 triệu người Mỹ.

    Nghiên cứu này càng khiến cho cuộc tranh luận vốn đã "nóng" ở Mỹ về việc đánh thuế người giàu nhiều hơn để thu hẹp sự bất bình đẳng giàu nghèo đang gia tăng trở nên "nóng" hơn.

    Chẳng hạn, Alexandria Ocasio-Cortez - một ngôi sao cánh tả đang lên của Đảng Dân chủ - đang thúc đẩy việc tăng thuế ở New York, nơi mà, giống như nhiều bang khác, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng ngân sách do đại dịch gây ra.

    Một nghiên cứu do ngân hàng UBS và công ty kế toán PwC công bố hồi tháng 10 cho thấy tài sản tổng cộng của các tỷ phú USD trên thế giới đã chạm mốc kỷ lục mới: 10,2 nghìn tỷ USD, cao hơn cả mức cao nhất trước đó là 8,9 nghìn tỷ USD được ghi nhận vào năm 2017.

    Đại dịch cũng đã gây ra một đợt sụp đổ trên thị trường chứng khoán hồi tháng 3, khiến cho một số người bị "văng" khỏi câu lạc bộ tỷ phú, trước khi một sự phục hồi mạnh mẽ ở cổ phiếu công nghệ và y tế đã làm tăng thêm tài sản của các tỷ phú trong những lĩnh vực đó.

    Tham khảo: Ibtimes.com

  • Giới chức California áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở khu vực phía nam bang trong bối cảnh bệnh viện đối mặt nguy cơ quá tải vì Covid-19.

    Lệnh phong tỏa miền nam California có hiệu lực từ 0h ngày 7/12 (15h giờ Hà Nội), trong đó phần lớn công sở phải đóng cửa và công dân ở các hộ gia đình khác nhau sẽ không được tụ tập. Quán bar và dịch vụ chăm sóc cá nhân như tiệm làm tóc phải đóng cửa, trong khi nhà hàng chỉ được bán đồ cho khách mang đi hoặc giao hàng tận nhà.

    california phong toa
    Bên ngoài một hộp đêm bị đóng cửa tại hạt Los Angeles, nam California, hôm 6/12. Ảnh: AFP.

    "Chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt trong cuộc chiến chống nCoV và phải hành động quyết liệt nhằm ngăn hệ thống bệnh viện quá tải trong những tuần tới. Biện pháp ở nhà khi số giường chăm sóc đặc biệt (ICU) còn trống giảm xuống dưới 15% sẽ giúp làm phẳng đường cong giống trước đây và hạn chế gánh nặng cho hệ thống chăm sóc y tế", Thống đốc California Gavin Newsom nói tối 6/12.

    Sở Y tế Công cộng California trước đó cho biết số giường ICU trống tại miền nam California và thung lũng San Joaquin đã giảm xuống dưới mức 15%. "Lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực trong ít nhất 3 tuần", cơ quan này ra thông cáo cho hay.

    Lệnh phong tỏa được đánh giá là nghiêm ngặt, nhưng vẫn không bằng biện pháp giãn cách xã hội hồi tháng 3 khi giới chức cấm phần lớn hoạt động ngoài trời, trong đó người dân không được ngồi ghế công cộng hay đi bộ.

    California đang trải qua đợt bùng phát dịch thứ ba với số ca nhiễm mới và tử vong mỗi ngày tăng kỷ lục. Số người chết trong hai ngày cuối tuần trước là 113, so với 14 ca/ngày hồi đầu tháng 11, trong khi số ca nhiễm mới chỉ trong ngày 5/12 là 30.075. Bang đã ghi nhận tổng cộng hơn 1,3 triệu ca nhiễm và gần 20.000 người chết.

    Hoạt động đi lại không thiết yếu bị giới hạn trên toàn bang, khách sạn không được tiếp khách du lịch. Các công sở phải đóng cửa, trừ những lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu không phù hợp với làm việc từ xa. Chỉ những trường học có giấy phép đặc biệt mới được mở cửa.

    Thống đốc Newsom cho biết sẽ có những động thái hỗ trợ tài chính và giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng nặng bởi lệnh phong tỏa.

    Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 15 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó gần 289.000 người đã chết. Vài ngày qua, số ca nhiễm và ca tử vong trong 24 giờ liên tục cao kỷ lục. Chỉ trong tháng 11, hơn 37.000 người tại Mỹ đã chết vì Covid-19.

    (Theo AFP)

  • Cuối cuộc trò chuyện từ điện thoại, anh Phúc Đinh đã không kềm được nước mắt, bật khóc nói với phóng viên, xin cộng đồng người Việt cầu nguyện cho người vợ đang trở bệnh nặng vì nhiễm virus corona có thể trở về với gia đình.

    nguoi viet nhiem covid nang 1

    “Vợ em nhiễm Covid-19 nặng nhất đã 7, 8 ngày rồi, bây giờ đang nằm trong ICU (phòng chăm sóc đặc biệt)”, anh Phúc cho phóng viên biết.

    Vợ anh, chị Lương Thị Phương Mai, 38 tuổi, đã phải nhập viện từ thứ Ba tuần trước sau khi thấy khó thở.

    Anh Phúc cho biết do ảnh hưởng của đại dịch, cả hai vợ chồng đều không thể đi làm nên chỉ quanh quẩn ở nhà và đi chợ khi cần, với khẩu trang che mặt đầy đủ, nhưng vẫn bị nhiễm virus corona.

    Gia đình anh cũng không biết nguồn lây từ đâu. "Em cũng vừa mới biết là cả nhà đã bị lây, gồm cả ba đứa con, 13, 5, và 4 tuổi. Con gái em 2-3 ngày trước bị sốt, bây giờ ổn rồi”.

    Hiện cả bốn cha con anh Phúc Đinh đề ubị cáchly tại nhà. Ngoài công việc bận rộn hàng ngày chăm sóc cho 3 đứa trẻ, người đàn ông này phải liên tục túc trực bên chiếc điện thoại để cập nhật thông tin của vợ và những hướng dẫn từ nhân viên y tế trong việc cách ly, theo dõi và chăm sóc các con.

    nguoi viet nhiem covid nang 1
    Chị Phương Mai phải nằm sấp với máy trợ thở.

    Suốt 8 ngày qua vợ nằm trong bệnh viện, anh Phúc cho biết anh chỉ ngủ tổng cộng chưa đầy 5 tiếng. Cũng may, anh có những người bạn thân.

    “Họ đi mua quá trời đồ ăn họ để trước cửa nhà”, anh Phúc cho biết thêm. Kể từ sáng 1/12, tình trạng bệnh của chị Phương Mai bắt đầu trở nặng.

    “Bác sĩ nói có 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là thở oxy”, anh Phúc nói và cho biết chị Mai hiện đã chuyển sang giai đoạn thứ hai. Lượng oxy trong phổi xuống rất thấp khiến chị liên tục bị khó thở.

    “Bây giờ lý trí của vợ em cần phải mạnh, còn không thì…Em không dám cho vợ biết mấy đứa nhỏ bị Covid-19".

    "Cả ngày hôm nay tụi em cầu nguyện. Bây giờ cô ấy đang phải đeo cái mặt nạ (thiết bị trợ thở). Cái đó là cái khủng hoảng cho gia đình".

    nguoi viet nhiem covid nang 1
    Anh Phúc và con trai kêu gọi cộng đồng cầu nguyện cho chị Lương Thị Phương Mai.

    Trên trang mạng xã hội, anh Phúc liên tục cập nhật tình hình và kêu gọi mọi người cầu nguyện, gửi những lời động viên tới cho vợ.

    Xin chào mọi người. Con tên là Đinh Phụng Hạo Nhiên, hay Phoenix. Con đã hơn 7 ngày rồi chưa được ôm mẹ, hôn mẹ, ngủ với mẹ, bị mẹ la đánh đít rồi. Phoenix nhớ mẹ nhiều lắm, tối ngủ là khóc 1- 2 lần, giật mình dậy hỏi (Ba ơi, gọi cho mẹ đi).

    Xin người lớn hãy giúp chúng con cầu nguyện cho mẹ về nhà với con và 2 chị của con nha”, anh Phúc và con trai tìm kiếm sự ủng hộ tinh thần từ mạng xã hội. “Em rất lo cho bà xã trong đó".

    Hiện tại mình không làm gì được cả ngoài việc cầu nguyện. Lòng tin, em cần lòng tin, hỗ trợ (cầu nguyện) từ cộng đồng”. “Covid-19 thực sự là con virus của thế kỷ.

    Nó có thể khiến cho con của mình không có mẹ hoặc không có cha”, anh Phúc đưa ra cảnh báo trước tình trạng nhiều người tại Mỹ, trong đó có cả người Việt, vẫn tỏ ra chủ quan trước loại virus corona mới này.

    nguoi viet nhiem covid nang 1
    Chị Lương Thị Phương Mai và ba con nhỏ.

    "Chừng nào có vaccine đã. Cái này là cái giết người. Vợ em bây giờ chỉ cầu xin ơn trên, mọi người trong cộng đồng Việt Nam xin cầu nguyện cho vợ em một câu thôi, xin cho vợ em qua khỏi bệnh này".

    Một câu thôi, một câu thôi…”, anh Phúc bật khóc và “Xin lỗi vì đã không cầm lòng nổi”…

    Cuộc trò chuyện của chúng tôi lại tiếp tục bị ngắt quãng khi anh Phúc phát hiện thân nhiệt của con gái đột ngột tăng lên, cùng lúc có điện thoại từ bác sĩ gọi đến…

    Theo VOA

  • Thủ tướng Anh Johnson cảnh báo không nên quá lạc quan về vaccine Covid-19 dù ca ngợi loại vaccine này sẽ giúp cứu tính mạng nhiều người.

    "Các nhà khoa học đã làm được", Johnson phát biểu trong cuộc họp báo ngày 2/12. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh người dân không nên quá lạc quan mà vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống Covid-19.

    lac quan ve covid
    Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại cuộc họp báo ở London, Anh ngày 22/3 về tình hình dịch bệnh Coivd-19. Ảnh: Reuters

    "Chúng ta không còn hy vọng quay trở lại tình trạng bình thường vào mùa xuân tới. Nhưng thay vào đó chúng ta chắc chắn rằng sẽ thành công và cùng nhau giành lại sự sống và mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống mà chúng ta mến yêu", Johnson nói.

    "Chúng ta đã chờ đợi và hy vọng đến một ngày khi ánh sáng của khoa học có thể rọi tới kẻ thù vô hình và cho chúng ta sức mạnh để ngăn chặn kẻ thù đó gây bệnh tật. Các nhà khoa học đã làm được và họ đã sử dụng chính virus này như một dạng kháng thể sinh học để biến chúng thành một loại vaccine", ông nói thêm.

    Thủ tướng Anh thừa nhận vẫn còn "những thách thức rất lớn về hậu cần". "Một điều không thể tránh khỏi là sẽ phải mất vài tháng trước khi những khu vực dễ bị tổn thương nhất vì Covid-19 được bảo vệ. Đó là những tháng ngày dài, lạnh lẽo. Điều quan trọng hơn là trong khi ăn mừng thành tựu khoa học này chúng ta không thể quá lạc quan hoặc tin tưởng một cách ngây thơ rằng cuộc chiến đã kết thúc".

    Phó Giám đốc Y tế Anh Jonathan Van-Tam cho biết ông rất xúc động khi theo dõi cuộc họp báo công bố việc phê duyệt vaccine Covid-19 ngày 2/12.

    "Đó quả là một hành trình dài và đầy nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Vaccine này được hai nhà khoa học từng sống ở Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện. Nó được một công ty công nghệ sinh học của Đức phát triển cùng với sự tham gia của một tập đoàn được phẩm khổng lồ của Mỹ. Sau đó Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA) của Anh đã đưa loại vaccine này về nước", Van-Tam cho biết.

    Dù vậy Van-Tam cũng thận trọng cho rằng việc triển khai tiêm vaccine có thể kéo dài vài tháng thay vì chỉ vài tuần và các biện pháp hạn chế như giãn cách xã hội vẫn phải được tuân thủ. "Nếu chúng ta thả lỏng quá sớm. Nếu chúng ta tin rằng có vaccine rồi đừng thận trọng nữa chúng ta sẽ lại tạo ra một làn sóng lây nhiễm mới".

    Khi được hỏi liệu Johnson có thất bại trong việc bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương nhất nếu họ không nhận được vaccine đầu tiên, Van-Tam cho rằng vaccine là "sản phẩm phức tạp và rất khó xử lý". Ông giải thích vaccine "không phải là sữa chua có thể lấy ra khỏi tủ lạnh rồi lại để vào nhiều lần".

    Van-Tam cũng không tin rằng nhân loại "có thể diệt trừ Covid-19 vĩnh viễn" nhưng sẽ có lúc nó chỉ còn là "một dịch bệnh theo mùa" như bệnh cúm. "Tôi có tin rằng sẽ có lúc chúng ta tổ chức một bữa tiệc lớn và nói rằng dịch bệnh đã ở lại phía sau giống như kết thúc một cuộc chiến hay không? Không, tôi không tin".

    Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên cấp phép cho một loại vaccine ngừa Covid-19 và việc tiêm chủng mở rộng dự kiến tiến hành trong tuần tới. Vacinne của Pfizer/BioNTech đã được MHRA cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

    Anh đã đặt mua 40 triệu liều vaccine từ Pfizer. Số lượng này đủ cho 20 triệu người dùng. Mỗi người sẽ được tiêm 2 mũi cách nhau 21 ngày. Vaccine của Pfizer phải trữ ở nhiệt độ -70oC và chứng tỏ được hiệu quả tới 95% trong những lần thử nghiệm cuối cùng. 800.000 liều vaccine đầu tiên sẽ đến Anh trong tuần tới và số còn lại sẽ đến trong những tuần tiếp theo.

    VnExpress (Theo Guardian)

  • Eleanore Fernandez mất chức trợ lý giám đốc khi Covid-19 bùng phát hồi tháng 3, mọi thứ càng tồi tệ hơn từ đó.

    Chồng cô, một nhạc sĩ chuyên nghiệp, cũng bị thất nghiệp. Còn cô chỉ vài tuần nữa là sẽ mất trợ cấp thất nghiệp của chính phủ Mỹ, khoản tiền đã giúp gia đình cô vượt qua vài tháng khó khăn.

    "Tôi chưa bao giờ ở trong tình cảnh như thế này", Fernandez nói, lưu ý mình đang "tiêu lẹm vào tiền tiết kiệm".

    "Tôi sẽ sớm hết sạch tiền nếu tình hình cứ thế này", cô nói.

    that nghiep keo dai
    Một cửa hàng đóng cửa, treo biển cho thuê lại ở Mỹ. Ảnh: AFP

    Covid-19 đã khiến nền kinh tế Mỹ mất đi hơn 20 triệu việc làm và dù một số người đã được thuê lại, dữ liệu cho thấy những người thất nghiệp vẫn sẽ không có việc làm trong thời gian dài hơn khi dịch đang bùng phát lại khắp đất nước.

    Với khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung được quốc hội thông qua dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, các nhà kinh tế cảnh báo bộ mặt lao động Mỹ đang đối mặt với thiệt hại lâu dài trước thềm nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vào tháng 1 tới.

    "Chúng tôi rất lo ngại thiệt hại lâu dài đối với năng lực sản xuất của nền kinh tế", chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell tháng trước bày tỏ. "Người lao động không có việc làm trong thời gian dài có thể mất đi những mối quan hệ với thị trường lao động và mất kỹ năng".

    Dữ liệu của Bộ Lao động tháng 10 cho thấy gần 3,6 triệu người Mỹ đã thất nghiệp trong ít nhất 6 tháng. Con số này tương đương với khoảng một phần ba tổng số người thất nghiệp và là dấu hiệu cho thấy một tỷ lệ đáng kể những người bị mất việc làm trong những tuần đầu tiên đại dịch bùng phát vào tháng 3 và 4, đã không thể tìm được việc làm.

    Con số này cao hơn 1,2 triệu so với tháng 9, trở thành "mức tăng hàng tháng cao nhất trong lịch sử", theo nhận định của Michele Evermore, nhà phân tích chính sách cấp cao của Dự án Luật Việc làm Quốc gia.

    Fernandez đã dành nhiều tháng để nộp đơn xin việc nhưng vô ích. Cô không biết điều gì sẽ xảy ra với mình khi khoản trợ cấp thất nghiệp sẽ hết hạn vào 26/12.

    "Tôi sẽ nhận bất kỳ công việc gì như giao hàng tạp hóa hay đại loại thế", cô nói.

    Tình thế tiến thoái lưỡng nan này chính xác là những gì giám đốc ngân hàng trung ương cảnh báo, cũng như theo đánh giá của các nhà phân tích rằng thiệt hại của đại dịch sẽ kéo dài ngay cả khi Covid-19 đã được kiểm soát.

    "Khi người ta mất đi gắn kết với lực lượng lao động, đặc biệt khi họ không còn bảo hiểm thất nghiệp, họ sẽ ngừng tìm việc làm, bắt đầu tìm kiếm thứ khác, đó là chuyển sang nền kinh tế phi chính thức", Evermore nói.

    Chính phủ dự kiến công bố báo cáo việc làm tháng 11 vào 4/12 và Evermore dự đoán, với nền kinh tế còn lâu mới khôi phục hoàn toàn, hàng ngũ những người thất nghiệp dài hạn sẽ còn dài thêm.

    Trước khủng hoảng, Mỹ đã ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất lịch sử là 3,5% nhưng đa số các nhà kinh tế học tin rằng để quay trở lại mốc này, Mỹ sẽ mất nhiều năm nữa.

    Đại dịch có thể thay đổi thị trường lao động theo những cách lâu dài khác, khi ngày càng nhiều việc làm chuyển khỏi ngành dịch vụ sang công nghệ, đòi hỏi đào tạo lại tốn kém hơn và tốn thời gian hơn để chuẩn bị cho những người lao động thất nghiệp sẵn sàng cho cơ hội mới.

    Trong bối cảnh xu hướng kinh tế này, nỗi đau không giống nhau. Cộng đồng người Mỹ gốc Phi, những người có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong tất cả các nhóm chủng tộc, mắc phải cái mà Evermor gọi là "hội chứng sa thải đầu tiên và thuê mướn cuối cùng", bởi họ có triển vọng việc làm yếu nhất và có xu hướng bị sa thải trước những nhóm khác.

    Một số cộng đồng không thể hồi phục hoàn toàn sau nỗi đau kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2010, và đại dịch sẽ gây thêm nhiều thiệt hại khi lan rộng nhiều mặt của nền kinh tế hơn.

    "Không chỉ cá nhân những người thất nghiệp bị tổn thương, mà còn toàn bộ cộng đồng của họ, bởi họ không có tiền để chi tiêu ở các cửa hàng địa phương", cô nói.

    Nadra Enzi, người thất nghiệp từ tháng 4, chứng kiến điều này xảy ra tại nơi anh sống ở New Orleans, đặc biệt là với những người Mỹ gốc Phi như anh.

    "Tự tử nhiều hơn. Bạo lực gia đình nhiều hơn. Nhiều người tìm đến tư vấn sức khỏe tâm thần hơn" là cách Enzi mô tả những tháng ảm đạm vì đại dịch.

    Anh tin rằng phân biệt chủng tộc là nguyên nhân khiến mình mất đi việc làm bảo vệ, cũng như không thể tìm được việc mới.

    "Đại dịch cũng được sử dụng để phân biệt chủng tộc", Enzi nói. "Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới về quyền công dân".

    Nguồn: AFP

  • Sự ra đi đột ngột của nữ vlogger để lại không ít nuối tiếc cho người hâm mộ.

    Ngày 30/11, nhạc sĩ Mew Amazing xác nhận vlogger kiêm rapper người Đức gốc Việt Brittanya Karma (sinh năm 1991) qua đời vì Covid-19.

    “Cảm ơn Brittanya đã mang đến thế giới này thật nhiều niềm vui và tiếng cười. Anh rất đau buồn trước sự ra đi của em”, Mew Amazing viết trên trang cá nhân.

    Brittanya Karma 1
    Brittanya Karma chia sẻ hình ảnh nằm trong phòng ICU tại Đức.

    Trước đó, ngày 17/11, nữ rapper bất ngờ thông báo trên fanpage rằng cô không may nhiễm virus SARS-CoV-2 và đang được điều trị tại phòng hồi sức tích cực ICU thuộc một bệnh viện ở Đức.

    “Tôi hy vọng năm 2020 của mọi người tốt đẹp hơn của tôi. Suốt 5 ngày qua, tôi không thể ăn hay ngủ yên giấc và tôi rất đau đớn. Mọi người nên thận trọng hơn với dịch bệnh này. Xin hãy tự chăm sóc bản thân”, cô chia sẻ.

    Sự ra đi của Brittanya khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Cách đây 4 tháng, cô gái mới đính hôn với bạn trai là Manuel E. Dwayne Anderson.

    Brittanya Karma là một vlogger kiếm rapper người Đức gốc Việt. Sự hài hước cùng với giọng nói lơ lớ của cô nhanh chóng để lại ấn tượng trong lòng người xem.

    Brittanya Karma 1
    Brittanya Karma chia sẻ hình ảnh nằm trong phòng ICU tại Đức.

    Brittanya Karma (1991-2020), tên thật là Nguyễn Phương Linh, là một vlogger kiêm rapper người Đức gốc Việt. Đầu năm 2018, cô nổi lên với những video chia sẻ về cuộc sống thường nhật của mình tại Đức. Sự hài hước, biểu cảm đa dạng cùng với giọng nói lơ lớ của Brittanya khiến nhiều người yêu mến gọi cô với cái tên "Nàng béo đáng yêu".

    Dù mới xuất hiện cách đây 2 năm, cô gái trẻ nhanh chóng thu hút hơn 778.000 người theo dõi trên Facebook. Bên cạnh việc chia sẻ cuộc sống hàng ngày, Brittanya cũng thẳng thắn trao đổi về nạn body-shaming - một vấn đề mà nữ vlogger phải đối mặt từ lâu, hoặc tư vấn tình yêu, hướng dẫn trang điểm…

    Brittanya Karma 1
    Brittanya Karma chia sẻ hình ảnh nằm trong phòng ICU tại Đức.

    Tháng 9/2018, Brittanya được khán giả biết đến rộng rãi khi về Việt Nam tham gia chương trình The Bachelor. Chia sẻ về lý do quyết định tham gia show thực tế này, vlogger sinh năm 1991 cho biết: “Tất cả phụ nữ trên thế giới này đều xứng đáng được yêu thương bất kể ngoại hình cô ấy ra sao”.

    Brittanya Karma 1
    Brittanya Karma chia sẻ hình ảnh nằm trong phòng ICU tại Đức.

    Tháng 12/2018, Brittanya tung sản phẩm âm nhạc có tên Tự Tin, mở đường cho sự nghiệp trở thành rapper chuyên nghiệp. Thông qua ca khúc này, cô muốn truyền tải thông điệp tích cực về việc yêu bản thân, tự hào với những gì mình đang làm tới công chúng.

    “Hàng triệu người trên thế giới phải chịu đựng những phán xét chỉ vì sự khác biệt của bản thân: thấp (lùn); béo (mập); gầy (ốm); xấu xí; đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển giới; những khiếm khuyết trên cơ thể... Tôi khuyên các bạn hãy biến điều đó thành sự khác biệt quyến rũ. Điều duy nhất tôi và các bạn có thể làm là đừng để họ lấy đi sự TỰ TIN. Đó chính là năng lượng tích cực của chúng ta. Không để ai nói với bạn rằng bạn sẽ không làm được vì sự khác biệt của chính mình. Tôi sẽ luôn ở bên các bạn. Tôi làm được, các bạn cũng làm được”, trích MV Tự Tin của nữ rapper sinh năm 1991.

    Brittanya Karma 1
    Brittanya Karma chia sẻ hình ảnh nằm trong phòng ICU tại Đức.

    Ngày 31/7, Brittanya vỡ òa trong hạnh phúc khi được người bạn trai lâu năm Manuel E. Dwayne Anderson cầu hôn. Được biết, hai người đã quen nhau từ lâu nhưng mới chỉ chính thức hẹn hò cách đây 2 năm.

    Ngày 17/11, nữ rapper gốc Việt bất ngờ thông báo trên fanpage rằng cô không may nhiễm virus SARS-CoV-2 và đang được điều trị tại phòng hồi sức tích cực ICU thuộc một bệnh viện ở Đức. Đến ngày 30/11, Brittanya không may qua đời vì Covid-19. Sự ra đi đột ngột của nữ vlogger để lại không ít nuối tiếc cho người hâm mộ.

    Brittanya Karma 1
    Brittanya Karma chia sẻ hình ảnh nằm trong phòng ICU tại Đức.

    “Tôi hy vọng năm 2020 của mọi người tốt đẹp hơn của tôi. Suốt 5 ngày qua, tôi không thể ăn hay ngủ yên giấc và tôi rất đau đớn. Mọi người nên thận trọng hơn với dịch bệnh này. Xin hãy tự chăm sóc bản thân”, trích những lời cuối cùng mà Brittanya đăng tải trên fanpage.

    Nguồn: Zing

  • Nam bác sĩ có hàng triệu người mến mộ bị chỉ trích "đạo đức giả" sau khi tổ chức tiệc sinh nhật không đeo khẩu trang và không giãn cách.

    Hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội tuần này cho thấy Mikhail Varshavski, hay còn gọi là bác sĩ Mike, đang dự tiệc cùng một nhóm bạn trên du thuyền ngoài khơi cảng Sunset, thành phố Miami, bang Florida để mừng sinh nhật lần thứ 31.

    Trong ảnh, Varshavski cọ xát khuỷu tay với một nhóm phụ nữ mặc bikini dù suốt nhiều tháng qua, anh kêu gọi công chúng duy trì khoảng cách xã hội giữa đại dịch Covid-19. Bác sĩ, không mặc áo, cũng đang xoa cổ cho một phụ nữ và tạo dáng chụp ảnh bên một chai rượu champagne, nhưng không đeo khẩu trang, khiến nhiều người hâm mộ nói bác sĩ "đạo đức giả".

    bac si khong deo khau trang 1
    Bác sĩ Mikhail Varshavski vui chơi cùng nhóm bạn trên du thuyền ở thành phố Miami, bang Florida hôm 12/11. Ảnh: NY Post.

    "Tôi biết đó là cuộc sống của anh và anh có thể làm những gì mình muốn, nhưng anh đã chọn trở thành người của công chúng. Vì điều đó, và vì nghề nghiệp của anh, anh được coi là tiêu chuẩn cao hơn", người theo dõi Irisheyez viết trên Reddit. "Anh được xem như là tấm gương. Tôi ngưỡng mộ và tôn trọng anh, nhưng giờ thì không còn".

    Varshavski được Tạp chí People bình chọn là "Bác sĩ đương thời quyến rũ nhất" vào năm 2015. Anh là bác sĩ chăm sóc chính ở Chatham, New Jersey và bay từ thành phố New York đến Miami để dự sinh nhật hôm 12/11. Varshavski có khoảng 6,5 triệu người đăng ký trên kênh YouTube, 3,9 triệu người theo dõi trên Instagram và 2,9 triệu trên Facebook.

    bac si khong deo khau trang 1
    Bác sĩ Mikhail Varshavski trong một bức ảnh chụp năm 2016. Ảnh: Instagram/doctor.mike

    Kể từ khi dịch bùng phát đầu năm nay, Varshavski nhiều lần kêu gọi người dân đeo khẩu trang thông qua mạng xã hội và truyền hình.

    "Làm ơn, nếu bạn đang đi ra ngoài nơi công cộng và gặp những người khác, hãy đeo khẩu trang. Không quan trọng đó là lụa, cotton hay khẩu trang y tế. Mục đích của khẩu trang là hạn chế các giọt bắn bạn thải ra môi trường qua đường hô hấp", bác sĩ nói trên Fox Business hồi tháng 7. "Bằng cách đeo khẩu trang, về cơ bản bạn đang hạn chế sự lây lan ra cộng đồng".

    Trong cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Fauci trên Youtube, Varshavski nói thêm rằng "giãn cách xã hội vô cùng quan trọng. Đó là cách chúng tôi kiểm soát sự lây lan của loại virus này".

    "Khi bạn trở thành người có ảnh hưởng lớn và ngày càng tăng về y tế, người mà rất nhiều người dựa vào để biết thông tin y tế liên quan đại dịch, thì đó không phải là hình ảnh đẹp", một người theo dõi khác bình luận.

    Đại diện của Varshavski cho biết trong một tuyên bố hôm 26/11 rằng anh chỉ tháo khẩu trang lúc bơi.

    "Bác sĩ Varshavski chỉ cởi khẩu trang khi xuống nước và sau khi lên khỏi mặt nước, tuân theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) về tránh làm ướt khẩu trang. Du thuyền cũng thuộc sở hữu tư nhân", tuyên bố nêu. "Bác sĩ Varshavski luôn và là người đề xướng việc đeo khẩu trang và an toàn giữa đại dịch. Tất cả các hướng dẫn của CDC liên bang, bang và địa phương liên quan đến việc đi lại và an toàn Covid-19 đã được tuân thủ, gồm năng suất thuyền, xét nghiệm và các quy tắc khi trở lại bang New York".

    Nguồn: New York Post

  • Cứ 17 giây lại có một người chết vì virus corona gây ra dịch Covid-19 ở khu vực châu Âu, trung bình 4.500 ca tử vong mỗi ngày ở châu lục này, ông Hans Kluge, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tại cuộc họp trực tuyến.

    "Trên lục địa Âu, cứ 17 giây lại có một người chết vì Covid-19. Mỗi lần kêu gọi thực hiện khuyến nghị ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch, chống lại thái độ phủ nhận hiện hữu dịch bệnh Covid-19, cũng có nghĩa là chúng ta góp phần ngăn chặn các ca tử vong do Covid-19",  ông nói.

    "Thời điểm hiện tại ở châu Âu trung bình mỗi ngày có 4.500 người chết vì Covid-19. Có thể tránh được khả năng áp đặt chế độ cách ly chung nếu tất cả chúng ta cùng nỗ lực", ông Kluge nhận định.

    Đồng thời, ông nói thêm rằng "việc đeo khẩu trang bảo vệ không phải là phương án vạn năng chữa bách bệnh", nhưng lại cực kỳ quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lây lan dịch bệnh và đeo khẩu trang phải được sử dụng kết hợp với những biện pháp khác.

    Mỹ: Người chết vì Covid-19 đếm không xuể, phải "nhờ" tù nhân chuyển thi thể

    Một văn phòng cảnh sát trưởng ở bang Texas, Mỹ, cho biết các cơ sở y tế trong khu vực đã quá tải và buộc phải sử dụng tới tù nhân để hỗ trợ.

    Tờ Guardian hôm 22/11 đưa tin, cảnh quay được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội cho thấy, 9 tù nhân mặc áo kẻ sọc của nhà tù hạt El Paso giúp chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 vào các nhà xác di động. 

    "Việc bắt buộc phải sử dụng tù nhân hỗ trợ cho thấy chúng tôi đang thiếu thốn nhân lực tới mức nào", Ricardo Samaniego, thẩm phán hạt El Paso, chia sẻ với truyền thông địa phương khi ông và giới chức địa phương phải chật vật đối phó với làn sóng Covid-19 gia tăng ở hạt phía tây bang Texas, giáp với Mexico. 

    Văn phòng cảnh sát trưởng hạt El Paso cho biết, việc "nhờ" các tù nhân hỗ trợ chuyển thi thể bệnh nhân tử vong vì Covid-19 bắt đầu từ ngày 9/11, trên cơ sở tự nguyện. Giới chức hạt El Paso cho biết các tù nhân đã được xét nghiệm Covid-19 và được cung cấp trang thiết bị bảo hộ cá nhân bởi văn phòng giám định y tế. Họ cũng phải chấp hành việc cách ly trong 2 tuần sau khi hoàn thành quá trình hỗ trợ. Mỗi tù nhân được trả 2 USD/giờ làm việc.  

    tu nhan van chuyen thi the
    Tù nhân Mỹ được thuê để chuyển thi thể của người tử vong vì Covid-19 tại hạt El Paso, bang Texas, Mỹ. Ảnh: Getty

    "Đây chỉ là giải pháp tình thế trong khi chúng tôi đang chờ lực lượng vệ binh quốc gia của bang Texas tới hỗ trợ", ông Samaniego nói trước sự phản đối kịch liệt trên mạng xã hội về việc sử dụng tù nhân thay vì các chuyên gia y tế có chuyên môn.  

    Một phát ngôn viên của văn phòng cảnh sát trưởng hạt El Paso chia sẻ với Guardian rằng các tù nhân sẽ không phải hỗ trợ khi lực lượng vệ binh quốc gia tới. Tuy nhiên, ông Samaniego không chắc chắn lực lượng này sẽ tới. 

    "Vẫn chưa có xác nhận từ cấp trên về việc họ có thể tiếp nhận yêu cầu mà chúng tôi đưa ra thời điểm này", thẩm phán hạt El Paso nói.

    Sở Y tế công cộng hạt El Paso xác nhận hơn 800 ca tử vong vì Covid-19 kể từ tháng 3. Hơn 400 trường hợp khác đang được xác minh. Giới chức hạt này cũng gọi thêm nhiều nhà xác di động tới trong những ngày gần đây, từ 6 chiếc lên 10. 

    Giới chức địa phương lo ngại tình trạng thảm khốc có thể tồi tệ hơn. Các cơ sở y tế đã quá tải khi có hơn 1.100 người phải nhập viện vì Covid-19

    Trong một đoạn video dài gần một tiếng được chia sẻ trên Facebook, Lawanna Rivers, một y tá đến bang Texas để hỗ trợ, đã mô tả lại tình trạng tồi tệ ở đây. 

    "Cách duy nhất để các bệnh nhân thoát khỏi khu đó là nằm trong túi đựng xác", Rivers nói và nhắc đến đơn vị tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, nơi cô làm việc. "Tôi cảm thấy không ổn về mặt cảm xúc", nữ y tá chia sẻ. 

    Tình trạng tại hạt El Paso được đánh giá tệ hơn nhiều so với Houston, Dallas, San Antonio và Austin - 4 thành phố lớn nhất ở bang Texas. Tổng cộng có 34.391 ca nhiễm Covid-19 trong tổng số 10,6 triệu dân ở 4 thành phố này. Tính đến hôm 18/11, hạt El Paso ghi nhận 34.819 ca nhiễm trong tổng số 840.000 cư dân của hạt.

    El Paso là nơi có lượng quân nhân Mỹ đáng kể. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, căn cứ quân sự Fort Bliss, có một phần thuộc hạt El Paso, không thể công bố số ca nhiễm Covid-19 vì lí do an ninh quốc gia.