• Ngày 12/6, Chính phủ Anh cho biết nước này đã chính thức thông báo với Liên minh châu Âu (EU) rằng sẽ không tìm cách gia hạn giai đoạn chuyển tiếp thời kỳ hậu Brexit sau ngày 31/12/2020.

    Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter sau cuộc họp với lãnh đạo EU, Chánh Văn phòng Nội các Anh Michael Gove nêu rõ: "Tôi đã chính thức xác nhận rằng nước Anh sẽ không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp và thời điểm cho sự gia hạn hiện đã qua. Vào ngày 1/1/2021, chúng tôi sẽ tiếp quản quyền kiểm soát và giành lại độc lập về chính trị và kinh tế." 

    michael gove thong bao
    Ông Michael Gove

    Anh rời khỏi các tổ chức chính trị của EU vào ngày 31/1/2020 nhưng vẫn ở trong khu vực kinh tế miễn thuế của EU cho đến cuối năm nay, khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc.

    Thời gian chuyển tiếp có thể được kéo dài thêm 2 năm nhưng yêu cầu gia hạn phải được đưa ra trước ngày 1/7. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhiều lần khẳng định sẽ không yêu cầu gia hạn.

    Trong khi đó, trong các cuộc đàm phán hậu Brexit kết thúc vào cuối tuần trước, hai bên vẫn bất đồng trên một số vấn đề sau 4 vòng đàm phán, nhất là các quy định cho doanh nghiệp.

    Bên cạnh đó, quan điểm về đánh bắt cá cũng vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt, khi Vương quốc Anh kiên quyết phản đối các yêu cầu của EU về việc tiếp cận lâu dài với vùng biển của Anh.

    Hôm 11/6, hai bên đã nhất trí tăng cường đàm phán trong tháng 7, kết hợp giữa các vòng đàm phán chính thức và các cuộc họp nhóm nhỏ hơn, đều tổ chức tại London và Brussels, nếu các điều kiện về y tế công cộng cho phép. Mỗi tuần sẽ có một cuộc đàm phán, trong vòng 5 tuần từ ngày 29/6 - 27/7.

    Dự kiến, các quan chức hàng đầu EU và Thủ tướng Johnson sẽ tổ chức hội đàm trực tuyến vào ngày 15/6 tới nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại song phương đã bế tắc suốt gần 6 tháng qua.

    Theo TTXVN

  • Mâu thuẫn cũ chưa qua, mâu thuẫn mới đã tới. Anh và Liên minh châu Âu tiếp tục bất đồng liên quan đến vị thế của phái bộ ngoại giao thời hậu Brexit.

    Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tròn 4  năm ngày diễn ra cuộc trưng cầu ý dân lịch sử tại Anh quyết định việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu, song mối quan hệ tương lai giữa hai bên vẫn chưa thể ngã ngũ.

    anh cach xa eu
    Anh và Liên minh châu Âu tiếp tục bất đồng liên quan đến vị thế của phái bộ ngoại giao thời hậu Brexit. (Ảnh minh họa: KT)

    Thời báo Tài chính Anh số ra ngày 24/5 cho biết, mâu thuẫn mới nảy sinh trong tiến trình Anh và Liên minh châu Âu đàm phán về mối quan hệ thương mại hậu Brexit. Hai bên không thể tìm được tiếng nói chung liên quan tới vấn đề Chính phủ Anh trì hoãn trao qui chế ngoại giao đầy đủ cho cơ quan đại diện ngoại giao của Liên minh châu Âu tại London.

    Trong khi Liên minh châu Âu yêu cầu qui chế này nên được trao một cách tự động, thì Anh cho rằng “giờ đây nước này đã rời khỏi Liên minh châu Âu, vì thế vấn đề cần phải đàm phán thêm để có những dàn xếp thích hợp. Đây cũng là lập trường mà nước Anh nhiều lần nhấn mạnh tới không chỉ trong vấn đề liên quan đến vị thế của các phái bộ ngoại giao, mà cả trong các vấn đề khác như nghề cá.

    Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove tuyên bố: “Vẫn còn một số lĩnh vực mà chúng tôi có sự khác biệt đáng kể, trong đó có nghề cá. Liên minh châu Âu về cơ bản muốn Anh tuân thủ những quy tắc nội khối của họ, dù chúng tôi không còn là thành viên nữa. Họ muốn có quyền tiếp cận với ngư trường của chúng tôi như trước đây trong khi lại hạn chế quyền tiếp cận của chúng tôi vào thị trường của họ.”

    Anh và Liên minh châu Âu ban đầu dự kiến hoàn thành các cuộc đàm phán về quy chế của phái bộ Liên minh châu Âu tại Anh vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không thành công do không nhận được sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội Anh và sự bùng phát của dịch Covid-19 hồi tháng 2 vừa qua khiến tình hình càng bế tắc hơn. Theo Thời báo Tài chính Anh, thời hạn chót cho các cuộc đàm phán về vấn đề này là trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit vào ngày 31/12 tới.

    Cho đến nay, Anh và Liên minh châu Âu đã tiến hành 3 vòng đàm phán thương mại sau khi Anh rời mái nhà chung Liên minh châu Âu, trong bối cảnh hai bên đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến với cuộc khủng hoảng Covid-19.

    Cú sốc mới đây nhất trong quan hệ hai bên có lẽ là việc Anh yêu cầu từ ngày 8/6 tới, tất cả những người nhập cảnh vào nước này bằng mọi phương tiện tầu hỏa, phà hoặc máy bay đều phải cách ly 14 ngày để hạn chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2.

    Quyết định đã khiến nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu bất bình, đặc biệt là Pháp. Bộ Nội Vụ Pháp đã nhanh chóng cho biết “lấy làm tiếc” và tuyên bố “sẵn sàng áp dụng biện pháp tương tự” đối với mọi hành khách đến từ Anh. Theo phía Pháp, bước đi của Anh không chỉ mang ý nghĩa chống dịch, mà còn thể hiện quyết tâm của Anh sớm giành lại quyền kiểm soát biên giới trong bối cảnh đàm phán hậu Brexit. Những bất đồng này có nguy cơ làm xấu đi mối quan hệ vốn đã nhiều sóng gió giữa hai bên.

    Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu Michel Barnier đã cảnh báo: “Vòng đàm phán mới nhất giữa Anh và Liên minh châu Âu là rất đáng thất vọng. Tôi hi vọng vòng tiếp theo vào tháng 6 tới và sau đó là tháng 7 sẽ diễn ra tích cực và có thể tạo ra một quỹ đạo rõ ràng hơn. Mọi bước đi chệch hướng đều có thể dẫn đến thất bại và nguy cơ không thỏa thuận.”

    Cả hai vòng đàm phán trước diễn ra vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua đều không đạt được tiến triển. Phía Liên minh châu Âu cho rằng Anh chỉ tập trung vào các vấn đề mà họ quan tâm và bỏ qua những nội dung thiết yếu đối với các thành viên Liên minh châu Âu, như đánh bắt cá hay các tiêu chuẩn tối thiểu về y tế và môi trường./.

    VOV Paris

  • Cả Anh và EU đều tuyên bố thất vọng vì những bế tắc trong vòng đàm phán thứ 3 về một thỏa thuận hậu Brexit, vừa kết thúc trong ngày 15/5.

    Phát biểu trước báo giới tại Brussels chiều 15/5 sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 3 giữa EU và Anh về một thỏa thuận hậu Brexit, Trưởng đoàn đàm phán phía EU, Michel Barnier cho biết, kết quả là hết sức đáng thất vọng.

    dam phan brexit vong thu 3
    EU và Anh thất bại trong vòng đàm phán thứ 3 về thỏa thuận hậu Brexit.

    Theo ông Barnier, hai bên đã không đạt được bất cứ tiến triển nào đáng kể trong những vấn đề then chốt và với lộ trình hiện nay, EU và Anh có nguy cơ kết thúc các đàm phán trong năm nay mà không có bất cứ thỏa thuận nào.

    Nguyên nhân, theo ông Michel Barnier là do phía Anh muốn hưởng lợi từ thị trường châu Âu nhưng lại không chịu tuân thủ các quy định của khối này: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi lựa chọn. Vào lúc này, tôi không lạc quan về cuộc đàm phán này. Tôi vẫn quyết tâm nhưng không lạc quan, vì có sự hiểu lầm từ phía Anh về những điều kiện để tiếp cận thị trường châu Âu và mong muốn từ phía họ, mà tôi cho là phi thực tế, rằng có thể hưởng mọi lợi ích từ thị trường đơn nhất châu Âu cũng như Liên minh thuế quan châu Âu mà lại không muốn tuân thủ bất cứ luật lệ hay ràng buộc nào mà các nước thành viên Liên minh châu Âu đều tôn trọng”.

    Từ phía Anh, Trưởng đoàn đàm phán của Anh là David Frost cũng thừa nhận hai bên không đạt được bất cứ tiến bộ nào trong các chủ đề quan trọng như thỏa thuận nghề cá, việc Anh tuân thủ các luật lệ và tiêu chuẩn của châu Âu hay việc Anh công nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý châu Âu.

    Tuy nhiên, ông David Frost phản bác rằng, phía EU đòi hỏi Anh nhượng bộ nhưng lại không sẵn sàng nhượng bộ, đặc biệt trong vấn đề thương mại. Từ đầu các vòng đàm phán, phía Anh luôn khẳng định họ đã rời khỏi EU nên không có nghĩa vụ phải tuân theo các quy định và tiêu chuẩn của EU.

    Theo kế hoạch, hai bên sẽ còn một vòng đàm phán nữa trong đầu tháng 6, trước khi các nguyên thủ EU họp thượng đỉnh vào cuối tháng 6 để xem xét các tiến triển trong đàm phán, đồng thời Anh cũng phải ra quyết định có gia hạn thời gian quá độ Brexit theo dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2020 hay không.

    Chính phủ Anh thời gian qua luôn khẳng định sẽ không đề nghị gia hạn quá độ và nếu châu Âu yêu cầu cũng sẽ không chấp nhận.  Điều này khiến ngày càng nhiều quan chức cấp cao cũng như giới chuyên gia châu Âu nhận định, phía Anh không thực tâm đàm phán thoả thuận hậu Brexit và khả năng hai bên đạt được một thoả thuận trước cuối năm nay là rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh cả hai bên đều đang phải dồn toàn bộ sức lực đối phó đại dịch Covid-19 và cứu nền kinh tế khỏi sụp đổ./.

    Theo VOV Paris

  • Chính phủ Anh không thực tâm muốn có một thoả thuận hậu Brexit và sẽ tìm cách đổ lỗi mọi thất bại trong đàm phán cho đại dịch Covid-19.

    Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, Phil Hogan ngày 7/5 nhận định, chính phủ Anh không thực tâm muốn có một thoả thuận hậu Brexit và sẽ tìm cách đổ lỗi mọi thất bại trong đàm phán cho đại dịch Covid-19.

    do loi covid
    Ảnh: The Guardian.

    Các tuyên bố trên được ông Phil Hogan, Uỷ viên phụ trách thương mại của Uỷ ban châu Âu đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn trên đài RTE của CH Ai-len chiều ngày 7/5.

    Theo ông Phil Hogan, hiện nay không có dấu hiệu thực sự nào về việc chính phủ Anh có một kế hoạch để đàm phán thành công một thoả thuận hậu Brexit với Liên minh châu Âu.

    Ông Hogan cũng cho rằng, điều này xuất phát từ một ý định rõ ràng của chính phủ Anh: “Tôi nghĩ là các chính trị gia và chính phủ của Vương quốc Anh chắc chắn đã quyết định rằng sẽ đổ lỗi cho Covid-19 vì tất cả những đổ vỡ từ Brexit và theo nhận định của tôi thì họ không muốn kéo các đàm phán sang năm 2021 vì họ thực sự có thể đổ lỗi cho Covid-19 vì mọi thứ”.

    Nhận định của ông Phil Hogan diễn ra trong bối cảnh các nhà đàm phán EU và Anh sẽ bắt đầu bước vào vòng đàm phán thứ 3 về một thoả thuận hậu Brexit từ đầu tuần sau, ngày 11/5.

    Tuy nhiên, sau 2 vòng đàm phán đầu tiên, các bên vẫn chưa đạt được bất cứ đột phá nào trong các chủ đề quan trọng như việc EU đòi hỏi Anh tuân thủ các tiêu chuẩn về thương mại của EU hay các phân chia trong lĩnh vực nghề cá.

    Mới đây nhất, EU và Anh tiếp tục bất đồng lớn trong việc EU dự định đặt Văn phòng của khối này tại Bắc Ireland và bị Anh phản đối. Anh cũng liên tiếp từ chối khả năng xin gia hạn thời gian quá độ Brexit dự kiến kết thúc vào ngày 31/12/2020 để có thêm thời gian đàm phán.

    Trong chiều 7/5, Người phát ngôn của Thủ tướng Anh đã lên tiếng bác bỏ nhận xét của ông Phil Hogan và cho biết, nước Anh vẫn sẽ đàm phán với tinh thần xây dựng trong thời gian tới. Theo phía Anh, các bế tắc hiện nay là do EU không chấp nhận thực tế rằng Anh đã rời khối này và không có nghĩa vụ phải tuân thủ các điều kiện do EU đặt ra.

    Theo kế hoạch được hai bên thống nhất, sẽ còn 2 vòng đàm phán hậu Brexit nữa được tiến hành từ nay cho đến tháng 6/2020. Các bước đi tiếp theo sẽ được quyết định vào cuối tháng 6 tại một hội nghị cấp cao đặc biệt của EU, vào thời điểm nước Anh phải ra quyết định cuối cùng về việc có xin gia hạn thời gian quá độ Brexit hay không./.

    VOV (theo irishexaminer)

  • Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu tuần đầu tiên không có nước Anh. Tuy nhiên, trong khi phần lớn sự chú ý tập trung vào việc sự kiện này có ý nghĩa gì đối với London, mọi người dường như bỏ qua câu hỏi câu lạc bộ có trụ sở ở Brussels này sẽ tự mình thay đổi như thế nào sau Brexit.

    Khi EU bước vào những tháng then chốt trong năm 2020, có ít nhất hai cuộc thảo luận quan trọng ở trong và ngoài khối về việc tương lai của EU sẽ như thế nào.

    Cuộc thảo luận thứ nhất liên quan đến việc tái cân bằng nội bộ và cải cách của liên minh. Brussels sẽ bắt đầu “hội nghị” kéo dài 2 năm để thảo luận về tương lai của châu Âu. Khoảnh khắc then chốt trong tiến trình này sẽ diễn ra ở Dubrovnik (Croatia), nước hiện nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của khối, vào ngày 9/5 tới - ngày châu Âu.

    Các lĩnh vực cần tập trung tại “hội nghị” mới này bao gồm việc làm thế nào để hiện thực hóa tốt nhất những tham vọng chính sách hàng đầu của EU như sự bình đẳng, biến đổi số và tăng cường các nền tảng dân chủ của EU.

    Ngoài việc thảo luận về những vấn đề lớn này còn có cải cách thủ tục quan trọng. Với việc một trong những nước thành viên lớn rút khỏi Liên minh, tiến trình thay đổi là hết sức cần thiết, trong đó có việc tái cơ cấu ngân sách của EU.

    Trung tâm quyền lực của Liên minh có thể thay đổi một cách đáng kể, với những kết quả chưa rõ ràng đối với đường hướng chính sách. Đã có một số người bày tỏ lo ngại sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 rằng các nước thành viên lớn hơn có thể đạt được một thỏa thuận với Anh, báo hiệu sự thay đổi tiềm tàng khỏi các thể chế siêu quốc gia của EU tiến tới một Liên minh được điều hành bởi các thể chế liên chính phủ.

    Mặc dù những lo ngại đó đã không trở thành sự thật, nhưng một loạt chính sách của EU có thể sẽ thay đổi đáng kể trong những năm tới, làm thay đổi nền kinh tế chính trị của liên minh này.

    Ngoài những vấn đề nội bộ quan trọng còn có cuộc tranh luận then chốt về chính sách đối ngoại, về vai trò của câu lạc bộ có trụ sở ở Brussels này trong một châu Âu phức tạp, đa cực hơn và thế giới.

    Brexit đã tạo ra một cường quốc mới không thuộc EU ở Tây Âu và sự phát triển này đã làm thay đổi mối quan hệ của EU với các nước châu Âu khác không thuộc EU, như Na Uy, Thụy Sĩ, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Lichtenstein và các nước không thuộc EU ở Balkans.

    Mỗi nước đã phát triển quan hệ với EU, mà rõ ràng nhất là trong trường hợp Na Uy và Thụy Sĩ, ở mức độ ít hơn là Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, với mục đích cuối cùng là có được tư cách thành viên EU hay ít nhất có quan hệ chặt chẽ hơn với EU. Các nhà hoạch định chính sách ở các nước này đã sử dụng cuộc bỏ phiếu Brexit như một cơ hội để đưa ra vấn đề về tương lai các mối quan hệ của họ với EU.

    Đã có sự thảo luận có giới hạn về việc liệu Brexit có thể mở ra cơ hội cho một cuộc cải cách triệt để cơ cấu thể chế của châu Âu hay không, với đề xuất kêu gọi thiết lập “quan hệ đối tác lục địa” mới. Tuy nhiên, những kế hoạch tham vọng này đã phai nhạt, một phần do sự phức tạp của các cuộc đàm phán về Điều khoản 50. Tuy nhiên, các kế hoạch này cũng cho thấy những cơ hội cho sự thay đổi trong tương lai.

    Sự cải cách như vậy có thể là cần thiết, không những chỉ để đối phó với những thay đổi mà sự ra đi của nước Anh mang lại cho hoạt động địa chính trị của châu Âu, mà còn để đối phó với những xu hướng toàn cầu rộng rãi hơn, Brexit chỉ là một trong những xu hướng đó.

    Châu Âu cũng cảm nhận được sự thúc ép của các cường quốc khác nhau trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, và khu vực này cũng đang phải vật lộn với những sự gián đoạn về địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Sự đa cực mới này đã đem lại sự không chắc chắn lớn hơn cho châu Âu, và với Brexit làm cho nước Anh trở thành một cực khác, lĩnh vực địa chính trị trở nên phức tạp hơn nhiều.

    Theo haiquanonline

  • Ngay sau khi Anh rời EU (Brexit), quốc gia này đối mặt với khả năng Scotland đòi độc lập, ly khai khỏi vương quốc Tây Âu này.

    Brexit của Anh và vấn đề độc lập của Scotland

    Câu chuyện về việc Scotland đòi độc lập khỏi Vương quốc Anh lại trở nên nóng hơn trong những ngày qua bên cạnh các diễn biến Brexit là vì nhiều lí do. Đầu tiên, đó là việc Brexit trước hết không phải là ý nguyện của đa số người dân Scotland. Trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 6/2016 thì có đến 62% cử tri Scotland phản đối Brexit. Đây là tỷ lệ phản đối cao nhất trong toàn bộ các vùng lãnh thổ của Vương quốc Anh.

    Cờ Anh (trái) và cờ Scotland. Ảnh: Theelectionnetwork.

    Vì thế, đối với Scotland thì việc không thể đảo ngược được Brexit là một thực tế rất khó chấp nhận. Hầu hết người dân Scotland đều cảm thấy rằng lợi ích và tiếng nói của mình đã bị phớt lờ và rằng chính phủ Anh của Thủ tướng Boris Johnson đã hoàn toàn không để tâm gì đến nguyện vọng của Scotland.

    Bằng chứng là trong tất cả các cuộc bầu cử tại Scotland từ sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit 2016 thì đảng Dân tộc Scotland (SNP), đảng theo đường lối ly khai ở Scotland, đều giành được trên 70% phiếu bầu của các cử tri muốn ngăn chặn Brexit hay muốn tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 để tách khỏi Vương quốc Anh.

    Cuộc thăm dò dư luận do hãng YouGov thực hiện tuần trước, ngay trước thời điểm Brexit có hiệu lực, cho thấy là khoảng 21% số người từng bỏ phiếu chống lại việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 giờ đây đã đổi ý và các mô hình thăm dò dư luận dự đoán là nếu một cuộc trưng cầu khác được tổ chức trong thời gian tới thì sẽ có khoảng 51% cử tri Scotland lựa chọn độc lập khỏi Vương quốc Anh.

    Vì thế, một mặt việc Brexit diễn ra khiến cho lợi ích của Scotland bị tổn hại và mặt khác, làm gia tăng tâm lý ly khai. Và tất cả những điều này đang được đảng Dân tộc Scotland (SNP), khai thác một cách hiệu quả.

    Thủ lĩnh đảng SNP là bà Nicola Sturgeon nhiều lần tuyên bố là chỉ có trở thành một quốc gia độc lập thì Scotland mới có thể trở lại làm thành viên đầy đủ của EU và bảo vệ được các lợi ích của mình.

    Cho đến thời điểm này, khi mà sức nóng của Brexit vẫn đang rất lớn thì các lý lẽ của đảng SNP vẫn thu hút được cử tri Scotland. Nhưng vấn đề là phải duy trì được động lực đó trong lâu dài, đồng thời có các chiến lược chính trị cụ thể để hiện thực hoá được yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về độc lập cho Scotland.

    Chặng đường chông gai của Scotland nếu muốn độc lập và gia nhập EU 

    Để trở thành thành viên của Liên minh châu Âu thì Scotland phải xử lý hai vấn đề. Một, là phải nhận được sự chấp thuận của EU, mà cụ thể là sự đồng thuận của tất cả các nước EU thông qua Hội đồng châu Âu, tức là không bị cản trở về mặt chính trị. Đây không phải là rào cản lớn bởi gần như chắc chắn các nước EU sẽ chấp nhận Scotland.

    Nhiều quan chức cấp cao của EU, như mới đây nhất là cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, đều tuyên bố công khai là sẵn sàng chào đón Scotland trở lại EU với tư cách một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, các rào cản kỹ thuật thì phức tạp hơn.

    Liên minh châu Âu – EU có một loạt các Hiệp ước cũng như các quy trình chặt chẽ để kiểm soát việc kết nạp thành viên. Các quốc gia ứng cử viên phải đáp ứng được rất nhiều điều kiện về nhà nước pháp quyền, về kỷ luật ngân sách, về tự do ngôn luận… mới có đủ tiêu chuẩn xin gia nhập EU. Đây chính là bài toán khó mà Scotland cần giải vì theo các số liệu hiện nay thì thâm hụt ngân sách của Scotland ở mức 7,2%, tức là cao hơn gấp đôi tiêu chuẩn 3% mà EU đề ra cho các nước thành viên.

    Vì thế, trong trường hợp Scotland độc lập và muốn gia nhập EU thì vùng đất này cần phải tiến hành tương đói nhiều cải cách về kinh tế để đáp ứng các quy định của EU. Ngoài ra còn nhiều khía cạnh khác về pháp lý và ngoại giao mà Scotland phải đáp ứng.

    Một thực tế khác cũng rất quan trọng nhưng hiện vẫn chưa được đề cập đến, đó là kể cả khi Scotland quay trở lại làm thành viên EU thì cũng không có nghĩa là Scotland được tự động hưởng các quyền lợi như trước đây khi toàn bộ Vương quốc Anh vẫn nằm trong EU. Trước đây EU đã phải đưa ra tương đối nhiều nhượng bộ cho Vương quốc Anh, như việc Anh không phải tham gia Hiệp ước Schengen về tự do di chuyển nội khối, hay việc Anh có các quy định về thuế giá trị gia tăng (VAT) linh hoạt hơn EU. Lí do là vì Vương quốc Anh là một cường quốc kinh tế-chính trị lớn và đủ sức mạnh để gây sức ép ngược lại với EU. Nhưng nếu là một quốc gia độc lập, với dân số khoảng 5,5 triệu người và GDP tầm 200 tỷ euro, thì Scotland chỉ là một nước bé trong EU và khó có thể được hưởng các đặc quyền như Vương quốc Anh trước đây. Đó là điều mà chắc chắn các lãnh đạo chính trị tại Scotland sẽ phải cân nhắc.

    Thời điểm Scotland có thể tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2

    Cũng trong cuộc thăm dò của You Gov mà tôi nhắc đến ở trên thì mặc dù 51% cử tri Scotland có thể sẽ ủng hộ ly khai khỏi Vương quốc Anh nhưng cũng có đa số không muốn sớm có một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập trong thời gian tới mà muốn đến khoảng 2 năm sau. Thực ra đây cũng chính là tính toán của đảng SNP.

    Cuối tuần trước thì bà Nicola Sturgeon cũng tuyên bố là mặc dù việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 vẫn có thể diễn ra trong năm 2020 nhưng cần phải thực tế hơn. Thực tế ở đây đó là việc trước hết Scotland cần phải nhận được sự đồng ý của chính phủ Anh và Nghị viện Westminster thì mới có thể tổ chức trưng cầu ý dân một cách hợp pháp. Nếu không thì Scotland sẽ rơi vào tình huống như vùng Catalonia ở Tây Ban Nha năm 2017. Mà hiện tại, sau khi đã thực hiện thành công lời hứa Brexit vào ngày 31/01/2020, đồng thời đang có uy tín lớn sau cuộc tổng tuyển cử ngày 12/12/2019 thì Thủ tướng Anh Boris Johnson đang ở thế thượng phong, rất khó đưa ra nhượng bộ.

    Bản thân ông Johnson từng nhiều lần tuyên bố rằng cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Scotland năm 2014 có giá trị trong một thế hệ, tức 10-20 năm, nên rất khó để chính phủ Anh bật đèn xanh cho Scotland vào thời điểm này. Theo các tính toán thì đảng SNP của bà Nicola Sturgeon sẽ đợi đến sau cuộc bầu cử tại Scotland vào năm 2021 mới gây áp lực tối đa để tổ chức trưng cầu ý dân lần 2. Một mặt, SNP cũng cần có thời gian để chuẩn bị chiến lược truyền thông chu đáo cho chủ đề độc lập và củng cố quyền lực. Mặt khác, phe ly khai ở Scotland cũng chờ đợi uy tín của chính phủ Anh sụt giảm và các khó khăn thời hậu Brexit xuất hiện sau khi kết thúc giai đoạn quá độ vào cuối năm nay. Khi đó thì các lý lẽ của SNP sẽ mang tính thuyết phục hơn./.

    Theo VOV

  • Nước Anh vừa rời Liên minh châu Âu vào thứ Sáu ngày 31 tháng 1 và để đánh dấu sự kiện đặc biệt này, Bộ Tài chính quyết định ban hành một đồng xu 50p kỷ niệm.

    Đồng xu mới, có khắc dòng chữ “Peace, prosperity and friendship with all nations” (hòa bình, thịnh vượng và hữu nghị với tất cả các quốc gia),” đã được Bộ trưởng Tài chính Sajid Javid tiết lộ.

    Đây là lần sản xuất thứ ba của đồng tiền này sau khi các phiên bản trước buộc phải bị nghiền vụn và nấu chảy khi các mốc Brexit trước đó bị bỏ lỡ và phải được thay đổi trên bản khắc.

    Kế hoạch sản xuất đồng 50p được công bố lần đầu bởi cựu bộ trưởng Philip Hammond trong phân bổ ngân sách năm 2018, nhưng sau đó đã được ông Javid, người hiện đang nắm giữ danh hiệu ‘master of royal mint’, kế thừa. Cụm từ ''master of royal mint'' có thể hiểu là chủ quản nhà máy sản xuất tiền đồng của chính phủ.

    Tiền xu chào mừng các sự kiện lịch sử thường được sản xuất bởi Royal Mint: đồng xu Brexit mới được bổ sung thêm vào một số đồng tiền khác cũng lấy cảm hứng từ EU như đồng tiền năm 1973, được tạo ra khi chúng ta gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) và khi Vương quốc Anh giữ chức chủ tịch hội đồng EU năm 1998.

    Nhưng dòng chữ khắc trên đồng xu đã gây ra một số tranh cãi, trong đó nhà văn Phillip Pullman nói rằng “những người biết chữ” không nên sử dụng đồng tiền này vì nó thiếu vắng một dấu phẩy Oxford (dấu phẩy nằm trước từ ‘and’ khi dùng liệt kê trong chính tả của người Anh).

    Trong khi đó, nhà vận động ủng hộ ở lại EU Alastair Campbell tweet: “Tôi sẽ yêu cầu các chủ cửa hàng trả lại tôi 'hai đồng 20p và một đồng 10' nếu họ đưa cho tôi một đồng xu 50p, giả vờ rằng Brexit là thể hiện 'hòa bình, thịnh vượng và hữu nghị với tất cả các quốc gia' bởi lẽ nó đẩy cả ba điều trên vào nguy hiểm.”

    Nhưng nếu bạn muốn sở hữu một đồng xu 50p này, bạn có thể tìm nó ở đâu và khi nào?

    Khi nào đồng xu Brexit ra mắt?

    Ông Sajid Javid đã được trao một lô tiền xu nhỏ - một trong số đó đã được ông trao cho Thủ tướng Boris Johnson - nhưng công chúng đã có quyền nhận đồng xu này từ ngày 31 tháng 1.

    Để đánh dấu ngày Anh rời khỏi EU, Royal Mint cho biết ba triệu đồng sẽ được đưa vào lưu hành từ thứ Sáu, và ước tính hơn bảy triệu đồng nữa sẽ được sản xuất vào cuối năm 2020.

    Đây không phải là lần đầu tiên Royal Mint tạo ra đồng xu Brexit: trên thực tế, đã là lần thứ ba.

    Ban đầu, họ đã lên kế hoạch sản xuất 1.000 đồng tượng trưng để được tung ra vào ngày 31 tháng 3 năm 2019, nhưng sau đó đã bị đẩy lùi về ngày ngày 31 tháng 10. Tuy nhiên, khi Anh một lần nữa thất bại trong việc ra đi, đồng tiền đã bị giữ lại.

    Khoảng một triệu đồng tiền đã phải được nấu chảy và chờ đợi cho đến khi mốc Brexit cuối cùng được xác nhận sau cuộc tổng tuyển cử.

    Làm thế nào để nhận được một đồng Brexit?

    Đối với một số người đam mê sưu tập đồng xu may mắn, Royal Mint đã mở cửa trong 24 giờ từ 00:01 đến 23:59 ngày 31 tháng 1 để cho phép mọi người nhận lấy đồng tiền của riêng họ - tuy nhiên chương trình này chỉ áp dụng cho các nhóm tham quan.

    Nhưng nếu bạn đã bỏ lỡ cơ hội này, bạn nên đăng ký trên trang web của Royal Mint, cung cấp tên và địa chỉ email của mình để được ưu tiên nhận các đồng tiền.

    Ngoài ra, bạn chỉ có thể đợi cho đến khi những đồng xu được đưa vào lưu thông một cách tự nhiên, điều này chắc cũng không tốn quá nhiều thời gian vì ba triệu đồng xu sẽ có mặt ở ngân hàng, bưu điện và cửa hàng từ thứ Sáu.

    Royal Mint cho biết đồng xu này sẽ có hai phiên bản, một phiên bản Proof vàng và bạc, cũng như một phiên bản tuyệt đẹp không được lưu hành.

    VietHome(Theo Independent)

  • Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu viết 'thư tình' bày tỏ đau buồn khi Anh quyết định rời khối, nhưng cho biết 'em luôn được chào đón nếu quay lại'.

    Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans - Ảnh: AFP

    Ngày 26-12, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans đã viết một bức thư gửi tới nước Anh mà theo báo chí phương Tây là "thư tình", trong đó bày tỏ sự buồn bã khi Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU). Vị quan chức này xưng bằng "I" và gọi nước Anh là "you" (tạm dịch: tôi và em).

    "Kể từ lúc tôi đến học tại một ngôi trường của Anh, em đã luôn là một phần trong tôi. Giờ em ra đi, điều đó khiến tim tôi tan vỡ" - ông Timmermans viết trong lá thư được đăng trên báo Guardian của Anh ngày 26-12.

    Vị quan chức EC - cơ quan cao nhất ngành hành pháp của EU - viết: "Tôi như một người yêu cũ. Tôi biết điểm mạnh và cái yếu của em. Em đã quyết định ra đi, nhưng tôi vẫn tôn trọng quyết định đó".

    Lá thư trên được đăng với tiêu đề: "Thư tình tôi gửi cho Anh: Mối quan hệ gia đình có thể không bao giờ bị cắt đứt thật sự".

    Ông Timmermans thừa nhận vẫn còn những khác biệt giữa tất cả các nước thành viên EU và mọi thứ có thể "nhanh chóng diễn biến ngoài tầm kiểm soát". Ông cho rằng nước Anh vẫn còn đang phân vân về chuyện rời EU. 

    Những lời chia sẻ trên được đưa ra giữa bối cảnh Vương quốc Anh sắp rời EU (hay được biết tới là sự kiện Brexit) vào ngày 31-1-2020. 

    Hôm 20-12, các nghị sĩ tại Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đạt được với EU. Diễn biến này diễn ra chỉ 8 ngày sau khi Đảng Bảo thủ của ông Johnson giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử sớm.

    Trong lá thư đăng ngày 26-12, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans viết rằng thật lòng, ông cảm thấy "đau buồn sâu sắc" khi Anh quyết định rời EU. Tuy nhiên, ông kết lại bức thư bằng lời nhắn: "Em sẽ luôn được chào đón nếu quay lại".

    Theo Tuổi Trẻ

  • Những người ủng hộ Brexit đã có một đêm không ngủ tại nhiều thành phố của Anh, đếm ngược tới khoảnh khắc 23h00 và bật sâm-panh, nhảy múa ăn mừng.

    Lễ hạ quốc kỳ Anh tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ tối 31/1/2020, thời điểm Anh chính thức rời Liên minh châu Âu. (Ảnh: THX/TTXVN)

    Theo tờ Daily Mail, những khoảnh khắc cuối cùng nước Anh còn thuộc về EU đã được máy chiếu phóng lên chiếc cửa đen nổi tiếng ở Phố Downing, nơi Thủ tướng Boris Johnson tổ chức một bữa tiệc mừng với cấp dưới sau khi có bài diễn văn toàn quốc được ghi âm từ trước.

    Trong bài phát biểu, Thủ tướng Anh cho rằng rời khỏi EU là "khoảnh khắc của hy vọng, một khoảnh khắc mà nhiều người đã nghĩ sẽ không bao giờ tới", khẳng định rằng Brexit sẽ "giải phóng" tiềm năng của nước Anh, nhưng cảnh báo sẽ có nhiều "cú va chạm trên đường".

    Trong khi những người ủng hộ Brexit vui mừng thì những người muốn nước Anh ở lại vẫn rất khó chịu về việc cắt đứt quan hệ với khối và cảnh báo rằng câu chuyện Brexit vẫn chưa đến hồi kết.

    Quốc kỳ Anh được dỡ khỏi bục cờ tại trụ sở Hội đồng châu Âu tại Brussels đêm 31/1. Ảnh: AP 

    Hình ảnh đồng hồ Big Ben, biểu tượng của Anh, được chiếu sáng trên bức tường tòa nhà số 10 phố Downing, London với thời khắc 23 giờ tối 31/1/2020, thời điểm Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU). (Ảnh: THX/TTXVN)

    Người dân ủng hộ Brexit tuần hành bên ngoài Quảng trường Nghị viện Anh ở London ngày 31/1/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

    Người dân ủng hộ Brexit tập trung tại Quảng trường Nghị viện Anh ở London, chào mừng thời khắc 23 giờ GMT tối 31/1/2020, thời điểm Anh chính thức rời EU. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Sáng 31/1/2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tổ chức một cuộc họp nội các đặc biệt tại thành phố Sunderland, nơi đầu tiên tuyên bố ủng hộ 'ra đi' trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Đám đông ủng hộ Brexit tập trung tại Quảng trường Quốc hội, London.

    Cựu nghị sĩ Nigel Farage, người được mệnh danh là "Mr Brexit" vui mừng trên Quảng trường Quốc hội. Ảnh: AFP/Getty Images

    Bất kỳ cuộc tranh luận nào trong tương lai với Brussels đều khác xa với suy nghĩ của những người ăn mừng đêm qua, bao gồm cả ông Nigel Farage, người không còn là nghị sĩ sau khi trở thành một "lực lượng" gây rối trong Quốc hội châu Âu trong suốt hơn 20 năm.

    Thông điệp chia tay được máy chiếu phóng lên Vách đá Trắng Dover, điểm gần nhất giữa Anh và lục địa châu Âu. Ảnh: Sky News

    Thủ tướng Anh Boris Johnson thổi thủy tinh trước khi chủ trì cuộc họp nội các ngày 31/1 tại Trung tâm Thủy tinh Quốc gia tại trường Đại học Sunderland. Ảnh: Reuters

    Văn phòng Bộ Ngoại giao thắp sáng ánh đèn màu rực rỡ.

    Văn phòng Bộ Quốc phòng ở Whitehall được thắp sáng trong lễ ăn mừng.

    Khoảnh khắc Brexit cũng được những người ủng hộ nước Anh ở lại kỷ niệm. Họ cầu nguyện dưới ánh nến bên ngoài Quốc hội Scotland ở Edinburgh, hô vang "Chúng tôi không muốn Brexit của các người". 

    Khoảnh khắc này cũng pha chút cay đắng với các nhân viên làm việc tại Cục Rời EU (DEEU), những người đã làm việc tận tụy kể từ khi cơ quan này được cựu Thủ tướng Theresa May thành lập vào năm 2016 và nay không còn cần thiết nữa.

    Theo TTXVN

  • Hôm thứ Sáu (31/1), nước Anh trải qua thời khắc lịch sử khi chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau 47 năm thành viên.

    Mặc dù bề ngoài sự khác biệt là không rõ nét nhưng đối với luật pháp và chính trị, mọi thứ không còn giống như trước. Nếu Anh muốn quay trở lai một ngày nào đó, họ sẽ cần phải trải qua quá trình thương lượng nhiều năm, thậm chí có thể phải đồng ý sử dụng đồng tiền chung euro.

    Tuy nhiên, nhờ vào thời kỳ quá độ được quy định trong thỏa thuận rút lui đã được cả hai bên phê chuẩn trong tuần, phần lớn các hoạt động thường ngày của người dân và công ty sẽ vẫn không thay đổi, ít nhất là cho tới cuối năm 2020. Trong thời gian này, Anh sẽ vẫn tuân theo các quy định của EU cũng như các phán quyết của tòa án châu Âu và đóng góp vào ngân sách của khối. Ngoài ra, công dân Anh sẽ vẫn đi vào cổng dành cho người mang quốc tịch EU tại khu vực kiểm soát hộ chiếu khi tới các nước thuộc EU; hàng hóa và các dịch vụ sẽ vẫn được thông thương như khi Anh là một thành viên của khối.

    Chỉ tới cuối thời kỳ quá độ - có thể được gia hạn lên tới thêm 2 năm khi hầu hết người dân và doanh nghiệp đã thực sự cảm nhận được sự thay đổi. Thay đổi ở mức nào còn tùy thuộc vào việc hai bên đàm phán ra sao trong thời gia này.

    Mặc dù vậy, tại Brussels, những khác biệt lại thể hiện ngay lập tức. Anh sẽ không còn ghế tại phòng họp lớn hoặc quyền bỏ phiếu khi chính phủ các nước – giờ chỉ còn 27 thành viên – đưa ra các quyết định và thông qua các quy định. Tuy nhiên, trong thời kỳ quá độ, London vẫn có thể tìm kiếm trường hợp ngoại lệ khi thảo luận về các vấn đề có liên quan tới lợi ích của mình.

    Hôm thứ năm (30/1), Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager nói, sự ra đi của Anh sẽ để lại một khoảng trống hậu Brexit. "Một trong những thứ mà chúng tôi sẽ ghi nhớ đó là năng lượng. Chúng tôi có một trục Pháp – Đức, nhưng một phần năng lượng khiến trục đó hoạt động đến từ Anh", bà phát biểu.

    Anh cũng đã từ bỏ vị trí ủy viên Ủy ban EU, 73 nhà lập pháp Anh tại Nghị viện châu Âu sẽ trở về nước trong tuần này. Hầu hết nhân viên của Anh tại các cơ quan EU sẽ vẫn giữ nguyên công việc của mình, nhưng cơ hội được thăng chức của họ gần như là không còn. Số lượng nhân viên Anh tại Ủy ban châu Âu giảm xuống còn 700 người – ít hơn 260 người so với tháng 3/2017. Anh sẽ mất quyền đại diện trong các quyết định tại hàng chục cơ quan EU chuyên điều hành thị trường đơn nhất và hợp tác giữa các nước thành viên trong mọi lĩnh vực từ hàng không cho tới an toàn thực phẩm.

    Giới chức Anh cho hay, trong tương lai, chính phủ Anh có thể tìm kiếm tư cách tham gia lâu dài hoặc hợp tác tại một số cơ quan. Một lần nữa, Anh có thể tham gia những cuộc họp nhất định nhưng phần lớn phải phụ thuộc vào thái độ của EU.

    Hai thẩm phán người tại Anh tại tòa ánh EU phải từ chức vào ngày 31/1. Cố vấn pháp lý cấp cao của Anh tại các tòa án, Eleanor Sharpston sẽ rời đi vào cuối năm 2020 khi kết thúc nhiệm kỳ.

    Tại Brussels, các quan chức ngoại giao Anh tại EU đang chuẩn bị cho những thay đổi trong chức vụ và vai trò. Đại diện của Anh tại EU sẽ trở thành Phái đoàn Anh tại EU. Giới chức ngoại giao Anh sẽ không còn được hiện diện trong các cuộc họp của EU, các buổi dự thảo văn kiện hay các phòng đại biểu. Một phần công việc mới của phái đoàn sẽ là đàm phán các hiệp định thương mại và an ninh mới với EU. Ngoài ra, họ cũng sẽ tập trung vào việc thu thập thông tin từ các quyết định chưa được thực hiện của EU mà Anh còn có thể tiếp cận, cũng như bảo hộ các quyền lợi của nước Anh.

    Anh sẽ tiếp tục thực hiện chính sách trừng phạt của EU và có thể tham gia vào các hoạt động quân sự và dân sự tại nước ngoài cùng khối cho tới ngày 31/12.

    Quan hệ thương mại của London với các đối tác ngoài EU cũng sẽ bắt đầu thay đổi. Trong khi Anh vẫn ở lại liên minh thuế quan EU trong năm 2020, London sẽ có thể đàm phán các hiệp định thương mại với nhiều nước khác, cho dù chúng phải chờ tới khi thời kỳ quá độ kết thúc để có hiệu lực.

    Tại các đại sứ quán Anh trên toàn cầu, lá cờ EU sẽ được cuốn lại trừ khi trụ sở của đại sứ quá Anh… nằm cùng tòa nhà với một quốc gia EU khác. Anh cũng không còn nhận điện tín ngoại giao từ gần 140 phái đoàn EU trên khắp thế giới.

    Trước thềm Brexit, giới chức EU cố gắng giữ một bầu không khí bình thản và kín đáo. Ngày 23/1, hai quan chức hàng đầu EU đã ký kết hiệp định Brexit trong một sự kiện diễn ra vào đêm muộn mà không có sự hiện diện của báo giới. Văn kiện sau đó được chuyển tới London để lấy chữ ký của Thủ tướng Boris Johnson trước khi quay trở lại Brussels. Điểm đến cuối cùng của nó là Florence, Italy nơi lưu trữ lịch sử của EU.

    Tuy nhiên, thông điệp có thể dễ nhận thấy từ Brussels chính là EU đã sẵn sàng để nhanh chóng tiến tới xây dựng một mối quan hệ mới thân cận với Anh, mà theo người đứng đầu đoàn đàm phán EU Michel Barnier miêu tả là "đối tác, đồng minh và người bạn của chúng tôi".

    Để hiện thực hóa điều trên, hôm thứ hai (3/2), Ủy ban Châu Âu dự kiến sẽ thông qua một đề xuất ủy nhiệm về đàm phán thương mại và an ninh với Anh trước khi các chính phủ thành viên thông qua vào cuối tháng. Quá trình đàm phán sẽ bắt đầu vào đầu tháng ba.

    Theo toquoc

  • 23 giờ (giờ GMT) ngày 31/1, nước Anh chính thức ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt 47 năm là thành viên của khối thương mại khu vực lớn nhất hành tinh này.

    23 giờ (giờ GMT) ngày 31/1 (6 giờ sáng 1/2 giờ Việt Nam), nước Anh chính thức ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt 47 năm là thành viên của khối thương mại khu vực lớn nhất hành tinh này.

    Câu chuyện Brexit bắt nguồn từ cuộc trưng cầu dân ý ở Anh giữa năm 2016, song "mầm mống" của lần chia tay định mệnh này có lẽ đã xuất hiện từ trước đó rất lâu với những tranh cãi dai dẳng giữa Anh và EU về mối quan hệ hai bên.

    Ngày 1/1/1973, Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên EU. Tuy nhiên "tuần trăng mật" của mối quan hệ Anh-EU không kéo dài.

    Ngay đầu thập niên 1980, chính phủ của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã có những tranh cãi với EU về việc đóng góp cho ngân sách của khối này.

    Đến những năm 1990, mâu thuẫn giữa Anh và EU tiếp tục nảy sinh, Anh quyết định rút khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái (ERM) của châu Âu năm 1992 và sau đó là không tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 1997.

    Mâu thuẫn giữa Anh và EU bị đẩy lên đỉnh điểm vào ngày 29/3/1996 khi Ủy ban châu Âu công bố lệnh cấm xuất khẩu toàn cầu đối với thịt bò của Anh do những lo ngại liên quan đến bệnh bò điên.

    Các chính trị gia và cả những người nông dân Anh đều cảm thấy độc lập chủ quyền quốc gia bị tổn thương nặng nề khi họ không còn được tự quyết định, mà Brussels mới có quyền cho phép Anh được bán sản phẩm của mình ở đâu trên thế giới.

    Lần đầu tiên sau hơn 20 năm gia nhập EU, các chính trị gia Anh và EU đã có những suy nghĩ nghiêm túc về tư cách thành viên của Anh trong EU.

    20 năm sau, câu hỏi về tư cách thành viên của Anh trong EU được chính thức đưa ra tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016.

    Gần 52% cử tri Anh đã lựa chọn “Ra đi” và nước Anh bước vào một giai đoạn đầy khó khăn và bất ổn.

    Các cuộc đàm phán căng thẳng giữa Anh và EU, những cuộc tranh cãi trong nội bộ nước Anh về việc ra khỏi EU như thế nào đã diễn ra triền miên trong suốt hơn 3 năm qua.

    Đại diện thường trực của Anh tại Liên minh châu Âu (EU) Sir Tim Barrow (trái) trao bản thỏa thuận Anh rời EU chờ được phê chuẩn cho Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Jeppe Tranholm-Mikkelsen tại Brussels, Bỉ ngày 29/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Hai cuộc tổng tuyển cử sớm được tổ chức tại Anh mới có thể đưa đến được việc hạ viện nước này, sau những rạn nứt và chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ, thông qua Luật Brexit nhằm cho phép nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/1.

    Nước Anh, và cả EU, đã đi một chặng đường dài chông gai để tới được "hồi kết" của câu chuyện Brexit.

    Sau ngày 31/1, nước Anh sẽ bước vào gian đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, Anh sẽ tiếp tục được hưởng các quyền lợi cũng như phải gánh những nghĩa vụ như khi là thành viên EU.

    Công dân Anh sẽ không còn là công dân EU, nhưng sẽ vẫn được tự do đi lại giữa các nước thành viên EU như trước đây.

    Anh sẽ tiếp tục phải tuân thủ các quy định và pháp luật của EU, tiếp tục đóng góp vào ngân sách của khối, nhưng nước này bị đẩy ra khỏi các thể chế chính trị của EU: các nghị sỹ Anh tại Nghị viện châu Âu phải "khăn gói" về nước, Anh không còn ghế trong các cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU cũng như không còn tiếng nói trong vô số các cơ quan kỹ thuật của khối...

    Tuy nhiên, 11 tháng chuyển tiếp này là quãng thời gian quan trọng để Anh và EU đàm phán và thông qua một thỏa thuận quy định các mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai.

    Sau gần 50 năm gắn kết và hội nhập, mối quan hệ giữa Anh và EU đã trở nên sâu rộng và vô cùng phức tạp. Do đó, thỏa thuận trên sẽ phải bao gồm rất nhiều lĩnh vực từ mua bán hàng hóa đến dịch vụ, từ quyền tự do đi lại, quyền của người lao động đến các vấn đề như bảo vệ môi trường, trợ cấp nhà nước, an ninh...

    Đây là một thỏa thuận toàn diện và đầy tham vọng, nhưng giữa Anh và EU vẫn còn tồn tại bất đồng trong nhiều lĩnh vực. EU muốn tiếp tục được đánh bắt cá trong vùng biển của Anh, nơi mà tàu thuyền của các nước EU mỗi năm khai thác khoảng 700.000 tấn hải sản.

    Anh thì yêu cầu được tiếp tục tự do tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính của EU, lĩnh vực hằng năm mang lại cho Anh gần 100 tỷ USD thặng dư.

    Không muốn Anh trở thành đối thủ kinh tế trong tương lai, EU yêu cầu Anh phải tiếp tục tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về trợ cấp nhà nước.

    Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Boris Johnson muốn nước Anh, sau khi rời EU, phải xây dựng các quy định của riêng mình, rời xa các tiêu chuẩn và quy định của EU...

    Do những bất đồng này, trong cuộc họp với Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 8/1 tại Anh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã khẳng định rằng đàm phán thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh sẽ khó khăn hơn cả quá trình đàm phán để nước Anh ra khỏi EU.

    Ngoài ra, với việc đã đại diện cho các nước thành viên đàm phán nhiều hiệp định thương mại, EU rõ ràng có kinh nghiệm trên bàn thương lượng hơn rất nhiều so với Anh, quốc gia không được phép trực tiếp đàm phán một thỏa thuận thương mại với một nước nào kể từ khi gia nhập EU.

    EU cũng ở vị thế cao hơn khi có đến 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Anh là với EU, trong khi chỉ 10% hàng xuất khẩu của EU là đến Anh.

    Chính phủ của Thủ tướng Johnson cũng không thể lấy lý do quốc hội nước này không chấp nhận để mong EU hạ bớt các yêu cầu như khi đàm phán thỏa thuận Brexit, vì đảng Bảo thủ hiện đã chiếm đa số áp đảo ở Hạ viện Anh.

    Tất cả những điều trên dẫn đến khả năng Anh sẽ chịu rất nhiều sức ép từ phía EU trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, với chính sách “Nước Anh toàn cầu” nhằm khôi phục và nâng cao vị thế của mình, trong các cuộc đàm phán, Anh khó có thể dễ dàng khuất phục trước các yêu cầu từ phía EU.

    Thời gian 11 tháng của gian đoạn chuyển tiếp để hoàn tất một thỏa thuận toàn diện như vậy cũng là một thách thức đối với cả Anh và EU. Những thỏa thuận thương mại ít tham vọng hơn với Canada, Ukraine, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, EU cũng phải mất từ 4 đến 9 năm để hoàn tất.

    Do đó, nhiều người cho rằng 11 tháng mới chỉ đủ để các cơ quan chuyên môn của EU chuẩn bị các tài liệu và dịch ra các ngôn ngữ khác nhau cho quốc hội 27 nước thành viên xem xét thông qua, chưa có thời gian để Anh và EU đàm phán thỏa thuận thương mại toàn diện và đầy tham vọng đó.

    Với những bất đồng và khó khăn trên, dù rất tự tin và luôn khẳng định rằng nước Anh sẽ hoàn tất một thỏa thuận thương mại với EU đúng thời hạn do nước này tự ấn định trong Luật Brexit là cuối tháng 12/2020, nhưng ngày 14/1, khi trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Boris Johnson cũng phải thừa nhận rằng nước Anh vẫn cần dự phòng khả năng không đạt được một thỏa thuận đúng thời hạn.

    Thủ tướng Johnson có thể xin gia hạn thời gian chuyển tiếp ra sau tháng 12/2020. Dù hiện bị cấm, nhưng với thế đa số áp đảo của đảng Bảo thủ, ông Johnson có thể yêu cầu Hạ viện Anh sửa đổi Luật Brexit.

    Tuy nhiên, nếu làm như vậy, cả đảng Bảo thủ và Thủ tướng Johnson đều mất thể diện chính trị vì đã không giữ được cam kết của mình. Nhưng nếu không đạt được một thỏa thuận đúng thời hạn, mọi giao dịch giữa Anh với EU sau tháng 12/2020 sẽ được thực hiện trên cơ sở các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - đây chính là viễn cảnh Brexit không thỏa thuận mà cả Anh và EU đều cố tránh trong suốt thời gian vừa qua.

    Điều này dẫn đến một kịch bản khác là Thủ tướng Johnson có thể lựa chọn đạt được một thỏa thuận thương mại hạn chế, chỉ bao gồm việc mua bán hàng hóa, với EU đúng thời hạn tháng 12/2020.

    Các vấn đề gai góc khác như việc đánh bắt cá trên vùng biển của Anh, dịch vụ tài chính, trợ cấp nhà nước... sẽ được để lại tiếp tục đàm phán sau tháng 12/2020.

    Như vậy, có thể nói nước Anh chưa thể hoàn thành việc rời EU vào ngày 31/1 và câu chuyện Brexit sẽ còn tiếp diễn trong cả năm 2020, thậm chí dài hơn nữa.

    Hồi kết câu chuyện Brexit, trên thực tế là đoạn đầu của một chặng đường phía trước cũng gập ghềnh không kém đối với nước Anh./.

    Theo TTXVN

  • Hộ chiếu của công dân Anh được cấp trước ngày 31/1/2019 là màu đỏ Boócđô, nhưng kể từ ngày 1/2, theo thông báo của Anh, người dân Anh khi xin cấp hộ chiếu sẽ được nhận hộ chiếu có màu xanh nước biển.

    Ngày 31/1, Vương quốc Anh sẽ chính thức rời Liên minh châu Âu (EU). Sau đó, điều gì sẽ xảy ra? Sự kiện này sẽ có những ảnh hưởng cụ thể nào đối với công dân EU và Anh?

    Thay đổi về hộ chiếu

    Hộ chiếu của công dân Anh được cấp trước ngày 31/1/2019 là màu đỏ Boócđô, nhưng kể từ ngày 1/2, theo thông báo của chính phủ Anh, người dân Anh khi xin cấp hộ chiếu sẽ được nhận hộ chiếu có màu xanh nước biển.

    Kiểm soát đường biên giới

    Tại các cửa khẩu, công dân Anh sẽ tiếp tục được xếp hàng nhập cảnh cùng với công dân các quốc gia thành viên EU cho tới muộn nhất là vào ngày 31/12.

    Và một khi giai đoạn quá độ kết thúc, họ sẽ phải xếp hàng nhập cảnh vào châu Âu tại cửa dành cho công dân các nước ngoài châu Âu và sẽ phải mất nhiều thời gian chờ đợi hơn.

    Trao đổi sinh viên

    Những người kém may mắn nhất có lẽ là các sinh viên. Sinh viên châu Âu đã đăng ký học tại đại học của Anh và ngược lại, vào tháng 9/2020, dự kiến sẽ phải trả một khoản phí "trái tuyến."

    Ngoài ra, sau năm 2021, một sinh viên châu Âu chẳng hạn có thể sẽ phải trả tới 30.000 euro để học tại Anh.
    Điều này cũng sẽ tương tự đối các sinh viên Anh, dù rằng phí đăng ký nhập học tại các trường đại học châu Âu thấp hơn gấp 2 lần so với các đại học của Anh.

    Phí chuyển vùng quốc tế của điện thoại di động

    Trong năm 2020, chuyển vùng quốc tế sẽ vẫn miễn phí, tuy nhiên kể từ ngày 1/1/2021, những người sử dụng điện thoại di động Anh có thể sẽ phải trả phí chuyển vùng quốc tế khi tới EU và ngược lại.

    Thỏa thuận thương mại

    Vương quốc Anh bắt đầu đàm phán về các thỏa thuận thương mại với EU. Giới quan sát châu Âu cho rằng tiến trình đàm phán này sẽ phải tốn nhiều thời gian và công sức của cả 2 bên. Và nước Anh thực sự không còn ảnh hưởng trong các quy định, luật lệ của EU.

    Duy trì quyền đánh bắt cá

    EU sẽ tìm cách duy trì quyền đánh bắt cá của mình tại vùng biển của Anh sau năm 2021. Vấn đề này sẽ là một điểm chính trong các cuộc đàm phán thương mại trong suốt năm 2020.

    Vương quốc Anh chính thức rời EU vào đêm ngày 31/01/2020, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải đàm phán và đưa ra quyết định trước ngày 31/12, và trong giai đoạn quá độ này, nhiều điều sẽ vẫn không thay đổi.

    Theo TTXVN