Thủ tướng Anh cảnh báo không đạt được thỏa thuận hậu Brexit với EU

Anh và Liên minh Châu Âu (EU) đang đàm phán về thỏa thuận thương mại hậu Brexit nhưng viễn cảnh các bên ra về tay không vào trước đêm 31/12 đang ngày càng hiện rõ.

Thủ tướng Boris Johnson hôm 10/12 tuyên bố sẽ nỗ lực nhiều hơn để đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit, nhưng đồng thời cũng chỉ thị chính phủ chuẩn bị cho việc Anh bị loại khỏi thị trường chung của EU vào cuối năm nay.

Viễn cảnh u ám trở nên rõ ràng hơn sau khi ông Johnson và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố hạn chót là ngày 13/12 để quyết định tiếp tục đàm phán hay từ bỏ, AFP cho hay.

Ông Johnson nhấn mạnh ông muốn các nhà đàm phán của Anh "tiếp tục nỗ lực, và chúng ta sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa" để đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Thủ tướng Anh cũng nói ông sẵn sàng trở lại Brussels, cũng như Paris hoặc Berlin, để thúc đẩy việc đàm phán.

thoa thuan bi gian doan
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Getty.

"Vì vậy, những gì tôi đã nói với nội các tối nay là hãy bắt tay vào chuẩn bị cho kịch bản đó", ông nói.Song, khi phát biểu sau cuộc họp nội các hiếm hoi vào buổi tối, nhà lãnh đạo cho biết các bộ trưởng của ông "rất đồng ý với tôi rằng thỏa thuận thực sự không phù hợp với Vương quốc Anh vào lúc này".

Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/1 nhưng giai đoạn chuyển tiếp đầy trắc trở. Nước này vẫn bị ràng buộc bởi các quy tắc của khối trong khi chờ đợi bất kỳ thỏa thuận mới nào.

Giai đoạn chuyển tiếp sẽ kết thúc ngày 31/12.

Nếu không có thỏa thuận hậu Brexit, thương mại giữa Anh với thị trường lớn nhất của họ trong tương lai sẽ hoạt động theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay các "điều khoản của Australia" như cách ông Johnson gọi.

"Chúng tôi không chấm dứt đàm phán, chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán, nhưng nhìn vào vị trí của chúng tôi, tôi thực sự nghĩ điều quan trọng là bây giờ mọi người đã sẵn sàng cho phương án Australia đó", thủ tướng Anh nói.

Ông cáo buộc EU thay đổi các mục tiêu trong hai tuần qua bằng cách hồi sinh những yêu cầu về "sự tương đương", nghĩa là Anh sẽ phải tuân theo các quy định do Brussels đưa ra trong tương lai để ngăn chặn một trong hai bên đạt được lợi thế cạnh tranh.

Với sự căng thẳng ở cả hai bên eo biển, bà von der Leyen phác thảo kế hoạch dự phòng để bảo vệ quyền đường bộ, đường không và đánh bắt cá được coi là phát súng cảnh báo sẽ "không có thỏa thuận".

Mặc dù cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, bà nói "không có gì đảm bảo" bất kỳ thỏa thuận nào có thể ra đời trước ngày 1/1/2021 với thời gian eo hẹp như vậy.