• Chí Tú bất ngờ khi đi ngược đường, các cửa hàng không mở buổi tối và người Anh không lạnh lùng như lời đồn.

    Đỗ Chí Tú, sinh năm 1999, đang sống và học tập tại Anh, gặp nhiều bất ngờ sau khi ghé thăm 5 thành phố tại đất nước này gồm Bournemouth, Portsmouth, London, Southampton và Norwich.

    Hiện tại, chàng trai trẻ thường xuyên đăng video lên kênh TikTok cá nhân có 47.300 người theo dõi, ghi lại những cảm nhận bất ngờ khi khám phá nước Anh. Các video thu hút nhiều người xem như: Ở Anh buổi tối trời vẫn sáng, uống nước trực tiếp từ vòi, không có vòi xịt trong phòng vệ sinh... Chí Tú chia sẻ, càng khám phá nước Anh, anh càng thấy bất ngờ trước nhiều điều thú vị tại đây. Các video của Tú cũng khiến mọi người bất ngờ và muốn sang Anh du lịch.

    du hoc sinh viet o anh 1
    Tú check-in tại bảo tàng Sherlock Holmes tại London. Anh bất ngờ khi đây là một địa điểm có thật khi trước giờ nghĩ chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết. Ảnh: Chí Tú

    Làn đường ngược

    Tại Anh, vô lăng ôtô nằm ở bên phải, ngược với Việt Nam và nhiều nước khác. Chính vì vậy, làn đường tại xứ sở sương mù cũng ngược so với Việt Nam, khiến Tú phải mất thời gian để định hình và làm quen với việc di chuyển tại đây. "Trong một lần đặt taxi với bạn, mình đã mở nhầm cửa xe phía tài xế và khiến anh ta giật mình. Anh tài xế liền cười phá lên và bảo rằng nhiều du khách cũng bị nhầm giống mình nên không sao đâu", Tú kể lại.

    Đã du lịch tới nhiều thành phố, Tú vẫn chưa sửa được thói quen khi đi bộ phải đi sang làn bên trái. Đặc biệt, khi qua đường, anh luôn quen nhìn hướng xe theo thói quen ở Việt Nam. "Thói quen này tại Anh theo mình rất nguy hiểm do xe cộ ở đây luôn đi với tốc độ cao. Mình đã mấy lần 'thót tim' do không quen nhìn đường khi di chuyển tại đây", Tú cho biết.

    Các cửa hàng nghỉ sớm

    Là một người thích mua sắm, Tú rất bất ngờ khi ngoài thủ đô London, các cửa hàng tại những thành phố khác thường đóng cửa rất sớm và nghỉ chủ nhật. Trái với Việt Nam khi các cửa hàng thường đóng cửa lúc 22h, tại Anh, các cửa hàng đóng cửa khoảng 18-19h.

    "Tại Việt Nam, mỗi khi du lịch mình thường có thói quen đi chơi trong ngày trước và dành buổi tối để đi mua sắm. Tuy nhiên, nước Anh đã khiến mình bất ngờ về điều này và phải chia cả thời gian trong ngày để đi mua sắm thay vì chỉ đi tham quan", Tú nói. Ngoài ra, anh cũng cho biết điều này khiến các thành phố vào buổi tối khá buồn, khác hẳn so với không khí vui nhộn trên đường phố Việt Nam.

    du hoc sinh viet o anh 1
    Tú chia sẻ, mặc dù nước Anh là xứ sở sương mù nhưng anh thấy may mắn vì lần nào đi du lịch trời cũng nắng đẹp. Ảnh: Chí Tú

    Người Anh thân thiện, mê tiệc tùng

    Trước khi sang Anh, Tú được nhiều người "cảnh báo" rằng người Anh rất lạnh lùng và có phần cộc cằn. Khi du lịch tới các thành phố ở Anh, mọi lời đồn bay biến khi Tú được tiếp xúc với những người mà anh cho biết là "đáng yêu, luôn niềm nở, kiên nhẫn tới cùng với một du khách 'lơ ngơ' như anh".

    Người Anh rất lịch thiệp, luôn chào và hỏi thăm, kể cả với người lạ. Họ nói cảm ơn và xin lỗi mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, Tú cho biết chính vì điều này mà người Anh tránh nói thẳng, thường nói vòng vo trước khi vào vấn đề chính. "Sau khi đến các thành phố ở Anh và tiếp xúc với nhiều người bản địa, mình học được cách nói cảm ơn, xin lỗi nhiều hơn. Ví dụ, khi xe bus dừng lại, bạn có thể thấy bất kỳ ai xuống xe đều nói cảm ơn với tài xế. Nếu không may chắn đường mình, họ lập tức nói xin lỗi...", Tú chia sẻ.

    Ngoài ra, Tú cho biết người Anh rất thích tiệc tùng và hội hè. Họ thích đến nhà nhau để cùng say xỉn hoặc đi đến các quán bar, câu lạc bộ, vũ trường. Tú đặt ra giả thuyết, có lẽ người Anh dành hết thời gian buổi tối để nghỉ ngơi và có những hoạt động như vậy nên đó là lý do các cửa hàng đóng cửa sớm.

    Ẩm thực châu Á được bán trong những bát lớn

    Đi ăn nhiều nhà hàng châu Á và nhà hàng bán đồ Việt tại Anh, Tú bất ngờ khi các suất ăn được bán trong những bát lớn. Những tô phở Việt tại Anh thường được bán trong bát to gấp đôi ở Việt Nam. Trong những lần thưởng thức phở tại Anh, Tú bất ngờ nhất khi ăn một bát phở khổng lồ tại thành phố cảng Portsmouth, được phục vụ cùng một cái thìa to bằng muỗng múc canh.

    Dựa trên góc nhìn cá nhân, Tú cho biết mỗi thành phố tại Anh đều có điểm đặc biệt, khiến chúng trở nên độc đáo và gây thương nhớ mỗi khi rời đi. Ví dụ, Southampton và Portsmouth thơ mộng với cảng biển, Norwich cổ kính với nhiều nhà thờ, London lại là một thành phố rất hiện đại nhưng bảo tồn được những nét đẹp cổ kính. Trong tương lai, Tú sẽ tiếp tục khám phá thêm nhiều thành phố hơn nữa để tiếp tục khám phá những bất ngờ tại xứ sở sương mù.

    Theo VnExpress

  • Việc trung tâm tiếp nhận hồ sơ thị thực Anh đóng cửa kéo dài khiến một số du học sinh Việt lo âu. Nếu không hoàn thành thủ tục sớm, họ không thể đến xứ sở sương mù kịp năm học mới.

    visa sinh vien anh quoc 2

    Khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt, anh Lê Trung, du học sinh bậc thạc sĩ tại Anh, chỉ nhận được thông tin rằng trung tâm tiếp nhận hồ sơ thị thực VFS Global - một đối tác của Cục Quản lý Thị thực và Xuất nhập cảnh Anh - tại thành phố cũng đóng cửa.

    Sau đó, anh không nhận được thông tin nào mới từ trung tâm cũng như Đại sứ quán Anh tại Việt Nam. "Tôi rất bị động trong việc sắp xếp kế hoạch sắp tới", Lê Trung nói với Zing.

    Một số du học sinh khác nói họ cảm thấy hoang mang và lo lắng. “Hai tuần nay tôi mất ngủ. Tôi đã chuẩn bị tinh thần văn phòng VFS không hoạt động bình thường trở lại như trước đây. Tôi đang trao đổi với trường để giải quyết vấn đề của mình”, chị Janie Dương, du học sinh hệ thạc sĩ tại Anh, nói.

    Hôm 26/8, trung tâm VFS Global thông báo chính thức mở cửa trở lại từ 30/8. Theo đó, đơn vị tại Hà Nội sẽ mở cửa 3 ngày trong tuần với thời lượng ngắn nhằm đảm bảo yêu cầu giãn cách. Hôm 27/8, cơ quan tại thành phố Hồ Chí Minh thông báo sẽ mở duy nhất một ngày trong tuần.

    Tuy nhiên, số lượng hồ sơ mới được tiếp nhận không thể đáp ứng đủ nhu cầu của số người có nhu cầu đến Anh, bao gồm các du học sinh.

    visa sinh vien anh quoc 2
    Thông báo chính thức về việc nộp hồ sơ thị thực đi Anh tại văn phòng VFS. Ảnh: UK in Vietnam

    Bất ngờ mở đăng ký vào đêm muộn

    Việc đơn vị tiếp nhận hồ sơ mở trang đăng ký cho người có nhu cầu xin visa vào thời điểm đêm muộn khiến nhiều người bức xúc.

    “Văn phòng VFS chỉ thông báo sẽ mở website để người có nhu cầu đến Anh hẹn lịch. Tuy nhiên, họ không thông báo giờ nào sẽ mở. Tôi nghĩ họ sẽ mở vào giờ hành chính. Nhưng 23h hôm 26/8, website chính thức được mở ra", Hà Phương, một du học sinh khác cho hay.

    Hà Phương nhấn mạnh chính sách mập mờ này gây bất lợi rất nhiều, "vì không phải ai cũng thức đến nửa đêm hoặc ngồi canh máy tính suốt. Tôi vào trễ 30 phút và không kịp đăng ký”.

    Việc mở trang đăng ký mà không báo trước, kèm theo số lượng suất đăng ký ít khiến nhiều du học sinh không kịp đặt lịch hẹn làm thủ tục thị thực. Một số sinh viên hy vọng VFS sẽ mở thêm thời gian để các bạn có thể đặt lịch hẹn.

    “Việc bạn đặt được lịch hẹn lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào may mắn", Lê Trung nói.

    visa sinh vien anh quoc 2
    Phạm Hà Phương sẽ nhập học tại Đại học Durham, Anh. Tuy nhiên, Phương vẫn chưa nộp được hồ sơ xin thị thực để nhập cảnh. Ảnh: NVCC

    "Tôi học được bài học từ các bạn ở Hà Nội rằng phải liên tục kiểm tra cổng đăng ký. Khi có thông báo trung tâm ở TP.HCM mở lại, tôi và bạn bè thấp thỏm. Những bạn không đặt được thì phải chờ cả đêm để xem trung tâm có mở thêm suất đăng ký nào nữa không”, Trung cho biết thêm.

    Việc hoàn thiện hồ sơ thị thực gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của một số sinh viên, bởi việc không kịp đến Anh sẽ gây ra rào cản cho quá trình học tập.

    “Trường tôi hỗ trợ cho sinh viên học online. Tôi phải đến trường trước tháng 4. Nếu học online, tôi sẽ phải học lệch múi giờ. Tôi mới vào năm nhất nên không quen bạn bè và thầy cô. Nhưng tôi thấy mình còn may mắn vì có thể học online. Nhiều trường bây giờ không cho học online nữa bởi điều đó giảm hiệu quả học tập”, Hà Phương nói.

    Đầu năm 2020, đại dịch bùng lên mạnh mẽ tại nước Anh. Nhiều du học sinh phải trở về Việt Nam. Từ thời điểm đó, nhiều bạn đã xin tạm ngừng việc học một năm với mong muốn được quay trở lại trường năm 2021. Tuy nhiên, nếu năm nay không được cấp visa kịp thời để đi học lại, điều đó đồng nghĩa một số du học sinh phải nghỉ học 2 năm liền.

    Nhiều chi phí phát sinh khi tình hình dịch căng thẳng

    Theo trang web của Chính phủ Anh, khi nộp hồ sơ thị thực, mỗi người cần phải nộp 470 bảng Anh là phí bảo hiểm cho một năm ở Anh và 348 bảng Anh là phí làm visa cho sinh viên (một bảng Anh khoảng 31.800 đồng). Khoản phí này được nộp cho Cục Quản lý Thị thực và Xuất Nhập cảnh Anh.

    Người muốn xin thị thực có thể thanh toán online hoặc nộp trực tiếp khi đến văn phòng VFS. Nếu họ bỏ ngang quy trình để ở nhà học online, điều đó đồng nghĩa hồ sơ xin thị thực chưa hoàn thiện. Lúc này, họ phải chờ đến 6 tuần để được nhận lại số tiền đã nộp.

    Một số du học sinh chần chừ việc đăng ký nộp hồ sơ cho VFS lúc này. Họ không chắc chắn việc có thể qua Anh đúng thời gian nhập học. Sau khi đăng ký làm visa, nếu hủy, họ mất thời gian chờ đợi để nhận lại gần 850 bảng Anh.

    Anh chia ra 3 nhóm vùng nhằm kiểm soát người nước ngoài: vùng xanh (các quốc gia có tỷ lệ nhiễm Covid-19 thấp), vùng vàng (các quốc gia có tỷ lệ nhiễm Covid-19 trung bình), và vùng đỏ (các quốc gia có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao).

    Hiện tại, từ Việt Nam đến Anh, một người được yêu cầu cách ly 10 ngày tại nhà. Theo trang chính thức của chính phủ Anh, người đến từ vùng đỏ sẽ buộc phải cách ly tại khách sạn 10 ngày với chi phí hơn 2.000 bảng Anh.

    “Trong thời gian tới, nếu diễn biến dịch bệnh trở nên phức tạp hơn, Việt Nam có thể rơi vào vùng đỏ đối với Anh. Chi phí lại đội lên cao hơn vì phải trả thêm một khoản phí cách ly 10 ngày tại khách sạn”, Lê Trung lo lắng.

    visa sinh vien anh quoc 2
    Lê Trung hy vọng có thể kịp nhập học tại Đại học Glasgow, Anh vào mùa thu năm nay. Ảnh: University of Glasgow

    Mong mỏi cải thiện quy trình cấp thị thực

    Anh Lê Trung hy vọng các bên liên quan có thể tìm ra giải pháp mới để giải quyết lượng hồ sơ lớn của du học sinh.

    “Đại dịch đã thúc đẩy quá trình đổi mới của nhiều ngành. Nếu cứ tiếp tục chờ đợi đại dịch kết thúc, tương lai của các du học sinh sẽ không biết đi về đâu. Vậy nên tôi cho rằng quy trình đối với các cơ quan tiếp nhận thị thực cũng cần đổi mới để thích nghi với bối cảnh đại dịch”, Trung nói.

    Hôm 27/8, thông báo chính thức của văn phòng VFS tại Việt Nam cho biết Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Anh tại TP.HCM sẵn sàng hỗ trợ du học sinh bằng việc cung cấp thư giải thích lý do nhập học muộn.

    Trả lời Zing, đại diện Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho biết các bên liên quan đang nỗ lực để trợ giúp các bạn du học sinh Việt Nam.

    “Giáo dục là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, và chúng tôi mong muốn tiếp tục chào đón và hỗ trợ các sinh viên Việt Nam đến Vương quốc Anh trong năm nay", đại diện Đại sứ quán Anh trả lời email của Zing.

    Nhiều du học sinh khẩn thiết kêu gọi Đại sứ quán Anh và các bên liên quan nhanh chóng tìm ra giải pháp hỗ trợ sinh viên quay trở lại xứ sở sương mù học tập.

    “Tôi hiểu dịch bệnh khó khăn. Nhưng tôi cho rằng việc đi học cũng là điều thiết yếu”, Hoàng Uyên, du học sinh hệ thạc sĩ tại Anh, nói.

    Theo Zing

  • Bảo hiểm sức khỏe cho sinh viên quốc tế tại Vương quốc Anh là một quan tâm thiết yếu nếu bạn muốn sống ở Vương quốc Anh mà không phải lo lắng về chi phí y tế. Số lượng sinh viên quốc tế tại Vương quốc Anh đã tăng khá nhanh qua các năm và sự tăng trưởng đang tiếp tục từng ngày. Đất nước này là một trong những điểm đến học tập phổ biến nhất của các sinh viên quốc tế và ngoài việc có một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới, nơi đây còn có hệ thống y tế quốc gia nổi tiếng còn được gọi là Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS).

    Bạn có cần Bảo hiểm Y tế để học ở Anh không?

    Tính đến tháng 9 năm 2019, đã có tổng cộng 276.889 visa du học Anh Tier 4 được cấp, mức cao nhất từng có kể từ năm 2011. Vương quốc Anh có số lượng lớn trường đại học tốt nhất trên thế giới, chất lượng giáo dục ở Anh được thế giới công nhận. Ngoài ra, sinh viên quốc tế tại Vương quốc Anh được tận hưởng một môi trường đa dạng và sự chào đón nồng hậu, nơi họ cảm thấy thoải mái để giao tiếp, học tập và chỉ đơn giản là tận hưởng trải nghiệm của Vương quốc Anh. Để thực sự tận hưởng trải nghiệm học tập ở Vương quốc Anh, hãy tìm hiểu thêm về Bảo hiểm sức khỏe cho sinh viên quốc tế tại Vương quốc Anh qua bài viết này nhé.

    Nếu bạn là một sinh viên quốc tế muốn du học tại Vương quốc Anh, thì , bạn cần bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, bảo hiểm sức khỏe bạn có thể có được phụ thuộc vào thời lượng chương trình học của bạn. Cụ thể hơn, bạn có thể truy cập Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) với tư cách là một sinh viên quốc tế tại Vương quốc Anh, khi chương trình học của bạn là 6 tháng hoặc lâu hơn. Nếu không, bạn nên lựa chọn một công ty bảo hiểm tư nhân.

    health insurance in uk

    Tại sao Bảo hiểm Y tế lại quan trọng đối với sinh viên quốc tế ở Anh?

    Thứ nhất, có bảo hiểm y tế có nghĩa là bạn có thể có quyền truy cập vào dịch vụ chất lượng cao trong bệnh viện, văn phòng tư nhân, phòng cấp cứu, v.v. Bạn sẽ không phải lo lắng về các hóa đơn y tế trong trường hợp có bất cứ điều gì xảy ra, do đó bạn sẽ tận hưởng một kỳ nghỉ thoải mái hơn khi ở Vương quốc Anh.

    Thứ hai, bảo hiểm y tế là một trong những yêu cầu chính khi xin visa, không chỉ ở Anh, mà ở bất cứ đâu. Do đó, điều cần thiết là có được bảo hiểm y tế, từ NHS hoặc bất kỳ nhà cung cấp tư nhân nào khác.

    Sinh viên quốc tế không phải là những người duy nhất cần bảo hiểm y tế, dịch vụ này cũng có sẵn cho cư dân. Tuy nhiên, một trong những lý do bảo hiểm y tế đặc biệt quan trọng đối với sinh viên quốc tế là vì nó đảm bảo sinh viên sẽ không phải lo lắng về chi phí y tế trong khi họ ở xa quê nhà và gia đình.

    Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) chi trả gì cho sinh viên quốc tế ở Anh?

    Dịch vụ y tế quốc gia, như đã đề cập trước đây, là một trong những dịch vụ bảo hiểm y tế phổ biến nhất trên thế giới. Sinh viên quốc tế cũng có quyền truy cập vào NHS, khi chương trình học của họ là 6 tháng hoặc lâu hơn. Nếu không, họ sẽ phải kiểm tra các dịch vụ bảo hiểm tư nhân khác. Dịch vụ y tế quốc gia bao gồm một số lượng lớn các lợi ích, cụ thể hơn, bạn sẽ nhận được các dịch vụ giống như cư dân Vương quốc Anh.

    NHS cung cấp các chuyến thăm GP (Bác sĩ đa khoa) miễn phí, thăm khám tại văn phòng, điều trị khẩn cấp, điều trị tâm thần và hơn thế nữa. Xem thêm bên dưới:

    Dịch vụ miễn phí, nếu bạn đủ điều kiện cho NHS:

    • Tư vấn từ bác sĩ gia đình của bạn
    • Điều trị tại bệnh viện trong các dịch vụ tai nạn hoặc cấp cứu
    • Điều trị tại bệnh viện do bác sĩ đa khoa khuyên dùng
    • Dịch vụ thai sản
    • Dịch vụ tránh thai

    Tuy nhiên, bạn sẽ được yêu cầu thanh toán cho thuốc theo quy định và các dịch vụ GP khác như tiêm phòng du lịch, nha khoa và điều trị quang học.

    Làm cách nào bạn có thể truy cập Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS)?

    Sinh viên quốc tế, những người sẽ ở Anh trong hơn 6 tháng, có thể truy cập Dịch vụ Y tế Quốc gia trong khi theo đuổi bằng cấp của họ ở Vương quốc Anh. Tuy nhiên, làm thế nào họ có quyền truy cập vào NHS tùy thuộc vào quốc gia cư trú của họ:

    • Sinh viên từ EU nên có Thẻ bảo hiểm y tế châu Âu (viết tắt: EHIC) mang lại cho họ quyền hưởng lợi từ việc điều trị NHS miễn phí.
    • Sinh viên quốc tế không thuộc EEA được yêu cầu phải trả phụ phí hàng năm trong suốt thời gian thị thực được cấp. Số tiền hàng năm đầy đủ trong hơn 6 tháng là £ 300. Người phụ thuộc cũng sẽ được yêu cầu trả phụ phí. Phụ phí này có thể được thanh toán như một phần của đơn xin thị thực, và trong trường hợp đơn xin thị thực không thành công, bạn sẽ được hoàn lại tiền (không phải phí nộp đơn).

    Làm thế nào để đăng ký với một bác sĩ đa khoa (General practice) ?

    Một trong những điều đầu tiên bạn nên làm khi đến Vương quốc Anh là tìm bác sĩ và đăng ký. Hãy chắc chắn rằng bạn so sánh kỹ các bác sĩ đa khoa (GP) theo vị trí, cơ sở, dịch vụ và hiệu suất trước khi bạn đưa ra quyết định. Bác sĩ đa khoa phải chấp nhận bạn trừ khi không có khả năng nhận bệnh nhân mới hoặc các lý do khác như:

    • Họ có thể không chấp nhận bệnh nhân bên ngoài khu vực hoạt động của họ.
    • Trong hoàn cảnh của bạn, tốt hơn là bạn đăng ký gần với nơi bạn sống.

    Bác sĩ gia đình không được từ chối bạn vì lý do liên quan đến chủng tộc, giới tính, tuổi tác, tầng lớp xã hội, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, khuyết tật hay tình trạng y tế.

    Khi bạn đăng ký với một GP, hãy chắc chắn rằng bạn ghi nhớ những điều này:

    • Đối với bất kỳ mối quan tâm sức khỏe nào, hãy đảm bảo đến gặp bác sĩ của bạn trước để họ có thể giới thiệu bạn đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu cần thiết.
    • Nếu bạn có bất kỳ trường hợp khẩn cấp y tế nào, hãy gọi 999 cho xe cứu thương hoặc nếu bạn không cần xe cứu thương, hãy đến khoa cấp cứu tại bệnh viện (mở cửa 24 giờ một ngày).
    • Tất cả các GP cung cấp các dịch vụ trực tuyến để đặt hoặc hủy các cuộc hẹn, đặt đơn thuốc lặp lại và xem các thông tin của hồ sơ y tế của bạn.

    Bạn sẽ bị tính phí cho thuốc theo toa?

    Mặc dù Scotland, Wales và Bắc Ireland không tính phí kê đơn; ở Anh họ có thể yêu cầu bạn trả tiền. Tuy nhiên, bạn được quyền kê đơn miễn phí nếu:

    • Bạn dưới 16 tuổi.
    • Bạn 16-18 tuổi và học toàn thời gian (full time)
    • Bạn đang mang thai, đã có con trong 12 tháng trước và có giấy chứng nhận miễn trừ thai sản hợp lệ, MatEx.
    • Bạn có một khả năng thể chất liên tục ngăn chặn chuyển động không được công nhận và có giấy chứng nhận miễn trừ y tế, MedEx.
    • Bạn có một tình trạng y tế cụ thể và MedEx.

    Bạn sẽ được tính phí chăm sóc răng miệng?

    Chăm sóc nha khoa thường không được bao gồm trong Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, nếu các tiêu chí dưới đây áp dụng cho bạn, thì bạn sẽ có quyền được dịch vụ chăm sóc nha khoa NHS miễn phí:

    • Bạn dưới 18, hoặc dưới 19 tuổi và học toàn thời gian.
    • Bạn đang mang thai hoặc đã có con trong 12 tháng trước.
    • Bạn đang ở trong một bệnh viện NHS và nha sĩ trong bệnh viện tiến hành điều trị.

    Nguồn: Công ty tư vấn du học HISA

  • Từng nhặt ve chai, rửa bát thuê nuôi ba người lớn bệnh tật, 18 tuổi Oanh được học bổng toàn phần từ ngôi trường Anh quốc.

    Miền Bắc đang trong những ngày của đợt rét đậm, trong căn phòng nhỏ được người quen cho mượn ở Văn Giang, Hưng Yên, Nguyễn Thị Oanh vẫn đang miệt mà đọc sách dù đồng hồ điểm 2h sáng. Ngày đi học tiếng Anh, chiều tối đi làm thêm ở một quán ăn khiến thời gian học của cô gái 18 tuổi chỉ gói gọn vào ban đêm.

    "Em cũng đã quen với việc thức khuya kể từ ngày mẹ nằm viện hơn một năm trước", Oanh nói.

    rua bat du hoc 1
    Nguyễn Thị Oanh là sinh viên duy nhất đạt học bổng trị giá 1 tỷ đồng của Đại học Anh quốc BUV cho 3 năm học chính thức và 1 năm học tiếng Anh. Ảnh: Hải Hiền.

    Mẹ Oanh – bà Nguyễn Thị Vinh từng phải nằm viện ba tháng điều trị đau xương, không đi lại được. Gia đình thuộc hộ nghèo, lại có thêm bà ngoại 96 tuổi nằm liệt giường và một ông trẻ bị mù không thể tự chăm sóc bản thân. Oanh khi đó đang học lớp 12 phải xin rửa bát thuê, nhặt ve chai kiếm tiền đóng viện phí và mua thức ăn cho cả nhà.

    Sáng đi học, trưa về nấu nướng, tắm rửa cho ông bà khuyết tật, chiều tối đi làm rồi vào viện chăm mẹ. Nhiều hôm về tới nhà khi trời tối muộn, cô bé chỉ ăn vội bát cơm nguội rồi học tới 2-3h sáng. Có những đêm, nghe tiếng rên rỉ của bà ngoại bởi cơn đau hành hạ, Oanh buông bút, trang vở cứ thế nhòe đi. "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất bạn có thể dùng để thay đổi thế giới", nhìn khẩu hiệu dán ở góc sáng nhất bàn học tập, cô bé lau nước mắt, tiếp tục cầm bút.

    Thi tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi, Oanh biết tới học bổng của Đại học Anh quốc BUV, cô viết bài luận gửi trường. "Tôi tin rằng cuộc sống dù khó khăn thế nào, chỉ cần biết tin tưởng, nỗ lực thì chẳng có gì là không thể. Giá trị của mỗi con người là do chính chúng ta tự tạo nên", một phần bài luận viết.

    Tháng 7/2020, Oanh là sinh viên duy nhất đạt được học bổng có tên "Trái tim sư tử" với giá trị một tỷ đồng cho 3 năm học chính và một năm học tiếng Anh tại trường.

    "Sư tử luôn tự tin làm chủ vương quốc của mình trong oai phong, dũng mãnh và hạnh phúc tự thân. Oanh xứng đáng nhận được hạnh phúc đó", cô Vũ Thị Dung, người sáng lập quỹ Khát Vọng đồng thời là người giới thiệu học bổng nhận xét về cô gái này.

    Mười tám năm trước, Oanh chào đời tại một vùng quê nghèo, xóm Phú Thành, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Khi đó, cô bé chỉ nặng 900 g, bác sĩ nói khó nuôi được, gia đình nên "chuẩn bị hậu sự".

    Với hai sào ruộng và mảnh vườn nhỏ trồng rau, bà Vinh một mình xoay sở để lo cho 4 miệng ăn. Con gái bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm gia đình thuộc hộ đặc biệt khó khăn. Ngoài ba chiếc giường long chân, trong nhà chẳng còn gì đáng giá. Mỗi khi nghe thấy tiếng sấm báo hiệu mưa, Oanh và mẹ lại chạy đi gom hết xô chậu lên nhà, đặt dưới những chỗ thủng trên mái. Mùa bão, mọi cửa nả đều thít chặt bằng dây thừng tránh gió chọc thẳng vào nhà gây tốc ngói.

    Hàng ngày, bà Vinh dậy từ 3 giờ sáng ra đồng hái rau cho kịp phiên chợ sớm. Để nuôi con và hai người cao tuổi khuyết tật trong nhà, ngày bà chỉ dám ngủ 3-4 tiếng. Từng có thời điểm Oanh nằm viện do sốt virus, người mẹ phải cắt mái tóc dài bán lấy tiền nộp viện phí. Biết mẹ vất vả, từ nhỏ cô bé đã biết nhổ cỏ trồng rau, cấy gặt lúa. Những ngày nhà hết gạo, tối học xong, Oanh lại cùng mẹ cầm đèn pin đi bắt ếch nhái suốt đêm, kiếm dăm ba chục trong buổi chợ hôm sau.

    rua bat du hoc 1
    Nhà của Oanh ở xóm Phú Thành, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An hiện còn người mẹ và ông trẻ bị mù. 18 năm qua, gia đình này luôn thuộc hộ nghèo của xã. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Chưa đến 50 tuổi, tóc bà Vinh đã bạc trắng. Có lần, bị bạn bè miệt thị: "Nhà thì như túp lều nát, còn mẹ thì già như bà tao vậy", Oanh khóc tức tưởi suốt quãng đường đi học về. Ôm con gái vào lòng, người mẹ nghẹn ngào: "Có thể mẹ không cho con cuộc sống đầy đủ vật chất như người khác nhưng luôn cho con tình yêu đủ đầy nhất".

    Dù nhà nghèo, nhưng ba bữa cơm cho hai người già trong nhà, bà Vinh vẫn cố gắng để một bữa có thịt cá. Giờ cơm gia đình lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, tiếng nói ríu rít của cô con gái nhỏ hay những chuyện vui lượm lặt trên đường đi bán rau, làm ruộng của bà mẹ đơn thân. "Em luôn thấy mình may mắn hơn nhiều người bởi vẫn có gia đình để yêu thương", Oanh tâm sự.

    Không có tiền học thêm, cô bé này thường mượn thêm sách vở của bạn để tham khảo. Ban ngày không có điều kiện học, Oanh chuyển về đêm. Trong suốt 12 năm phổ thông, năm nào cô bé cũng đạt học sinh giỏi. Lớp 4 và lớp 8, nữ sinh này đạt giải nhì và giải ba học sinh giỏi tiếng Anh và Văn cấp huyện. Cô Phạm Quỳnh Lợi, giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của Oanh cho biết: "Ẩn sau thân hình bé nhỏ và khắc khổ, nghị lực của Oanh khiến ai cũng phải nể phục".

    Được mẹ dạy cách yêu thương, Oanh luôn chia sẻ tình cảm cho những người khó khăn gặp ngoài đường. Đó là lần mời cụ già đi bộ giữa nắng nóng lên xe đạp để chở về dù bị hàng xóm dè bỉu: "Ngã ra đấy thì làm ơn mắc oán", hay những buổi phát cháo từ thiện tại các bệnh viện. Trong buổi phỏng vấn xin học bổng, cô gái 18 tuổi cũng nói về ước mơ mở một trung tâm dưỡng lão miễn phí cho người già cô đơn: "Nhìn bà ngoại và ông trẻ được mẹ chăm sóc yêu thương, em cũng hy vọng sau này mình làm được những việc như thế".

    rua bat du hoc 1
    Oanh được cô Vũ Thị Dung - người sáng lập tổ chức Khát Vọng - giới thiệu tới học bổng của đại học BUV. Với Oanh, cô Dung là một người đặc biệt bởi đã cho cô bé tình yêu, sự quan tâm và bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: K.V.

    Giữa năm 2020 khi chuẩn bị thi tốt nghiệp, bà ngoại Oanh mất. "Đau đớn giống như một mũi dao xuyên tim vậy", cô gái nhỏ hồi tưởng bản thân thời điểm đó. Gia đình vốn khánh kiệt, nay thêm tang lễ cho bà, Oanh dự định thi hết phổ thông rồi xin làm công nhân phụ giúp mẹ. Thời điểm này nhờ sự giúp đỡ của quỹ Khát Vọng, cô bé đã biết tới học bổng "Trái tim sư tử". Ngày nhận được kết quả của con gái, bà Vinh bám chặt đôi bàn tay chai sần lên bàn thờ người mẹ vừa khuất núi: "Cháu Oanh được đi học tiếp rồi mẹ ạ". Nói rồi bà òa khóc.

    Hưng Yên những ngày đầu đông gió mùa tràn về lạnh đến buốt xương, thương mẹ không mặc đủ ấm, Oanh gọi điện hỏi thăm. "Mẹ vẫn ổn, cố học con nhé", cuối buổi nói chuyện, người mẹ dặn dò. Hôm sau, người hàng xóm gần nhà thông báo, bà Vinh vừa bị ngã nhưng vẫn chống gậy làm ruộng, hái rau và chăm người chú mù ở nhà. Nghe xong, Oanh hít một hơi thật dài, lấy mảnh giấy nhỏ hí húi viết. Trên mảnh giấy sau đó được cô dán vào góc học tập ghi dòng chữ: "Con sẽ cố học để làm chỗ dựa vững chắc cho mẹ, mẹ nhé".

    Nguồn: VnExpress

  • Chuyện một anh chàng tốt nghiệp Thạc sĩ Kế toán và Tài chính tại Anh, thông thạo 2 ngoại ngữ mà về nước vẫn thất nghiệp đã dấy lên làn sóng tranh cãi trên khắp các trang mạng xã hội ngày hôm qua. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc bài viết thể hiện quan điểm của một vị tiến sĩ sinh năm 1988, anh Ngô Văn Hoàn - người từng nhận được học bổng nghiên cứu của Hiệp hội Hoàng gia Anh - (The Royal Society) - Học bổng quốc tế Newton với công trình nghiên cứu về 1 loài vi khuẩn nguy hiểm bậc nhất thế giới mang tên Shigella.

    Anh Ngô Văn Hoàn từng học tiến sĩ ở New Zealand, làm việc tại Đại học Hoàng Gia London (Anh) và hiện đang làm việc tại Viện Vệ sinh Dịch tễ và Y học Nhiệt đới London.

    Khi đang còn là một cậu sinh viên tại Đại học Y Hà Nội, anh Hoàn đã nhận được bọc bổng thạc sĩ của ĐH Chonnam, Hàn Quốc và học bổng tiến sĩ của Đại học Otago, New Zealand. Trong quá trình học, Hoàn cũng "săn" được rất nhiều học bổng ngắn hạn để đến học hỏi tại Nhật Bản, Anh và Mỹ.

    du hoc ve that nghiep
    Ảnh minh họa

    Với kinh nghiệm 7 năm du học qua nhiều nước, tôi hoài nghi về khả năng của anh chàng với hàng loạt câu hỏi trong đầu: tấm bằng Thạc sĩ có tương xứng với khả năng của anh ta?

    Anh ta bị từ chối hết nơi này đến nơi khác là do thể hiện kém trong vòng phỏng vấn hay do anh ta đòi hỏi quá mức từ nhà tuyển dụng? Nhân tiện, tôi cũng có một số quan điểm cá nhân về những góc khuất của việc du học để mọi người thấy rằng: không phải du học sinh nào cũng giỏi, du học về nước thất nghiệp một phần do bản thân quá kém cỏi mà thôi.

    Thứ nhất, mọi người đi du học theo những con đường khác nhau, không ai giống ai. Có người nhà khó khăn nên muốn đi du học phải học giỏi, trầy trật xin học bổng để được đi. Có nhiều người sinh ra đã ngậm thìa vàng, bố mẹ có tiền mà nhà lại mỗi đứa con nên "tống cổ" nó đi nước ngoài để tiêu bớt tiền. Nhưng lại có những gia đình không mấy khá giả, nhưng cố chạy vạy lo cho con đi du học mà thực chất là đi xuất khẩu lao động với mong muốn sang đó kiếm tiền gửi về.

    Do xuất phát điểm khác nhau, nên khi sang trời Tây cách học của mỗi người cũng khác nhau. Những người đi theo diện học bổng thì cố gắng cày quốc, để tiếp tục giành học bổng để trụ lại. Những người đi du học để "tiêu tiền", trước ở nhà bị gò bó và quản lý bởi gia đình thì nay tha hồ mà "bung lụa" ở khắp các tụ điểm ăn chơi. Những người sang mục đích để kiếm tiền thì xuất hiện ở giảng đường thì ít, mà vật vờ ở các nhà hàng quán ăn thì nhiều. Do đó, đừng quá ngạc nhiên nếu một du học sinh về nước với một cái đầu rỗng và một trái tim thích đòi hỏi.

    Thứ hai, mọi người hay bị mấy cái tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ nước ngoài làm cho choáng ngợp. Tuy nhiên, không phải tấm bằng nào cũng phản ánh chân thực khả năng và công sức của mỗi người cố gắng bỏ ra để có được. Có những trường, có những tấm bằng cứ bỏ tiền ra là vào được và cứ học là sẽ có bằng.

    Các nhà tuyển dụng đều là những người có kinh nghiệm, nên điều dễ hiểu là họ có con mắt biết nhìn người hơn chúng ta. Và chỉ cần qua phỏng vấn tiếp xúc là họ có thể đánh giá khá chính xác khả năng của mỗi người, chứ không cần dựa vào bằng cấp. Hơn nữa, ngoài cái tấm bằng thì còn đủ thứ mà nhà tuyển dụng muốn ở một người làm như sự tự tin, khả năng xử lý tình huống… Nếu bạn nói bạn giỏi, đi gặp 10 nhà tuyển dụng thì cả 10 đều từ chối thì họ nên xem lại họ. Còn nếu bạn đi gặp 100 nhà tuyển dụng mà cả 100 đều lắc đầu với bạn thì bạn nên xem lại mình. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, hãy tự trách bản thân mình vì đã quá yếu kém.

    Thứ ba, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Những người học trong nước rồi tìm được việc trong nước xin hãy khoan đắc ý và mỉa mai du học sinh về nước rằng: "Tao học trong nước, giờ cũng kiếm được công việc nghìn đô. Đâu cần phải đi du học như mấy đứa để rồi thất nghiệp đầy ra".

    Bạn học trong nước, rồi xin được việc trong nước là điều bình thường như cân đường hộp sữa, chả có gì để khoe. Còn nếu bạn học trong nước, rồi xin được việc ở nước ngoài thì lúc đó hãy tự đắc.

    Đối với các bạn du học sinh, cũng đừng vì nghe những lời dè bỉu hay sự đánh đồng của những kẻ ngoài kia mà buồn. Nếu bạn có khả năng thực sự, hãy về nước và chứng minh cho những người kia thấy bạn đã tiếp thu được gì ở trời Tây. Còn nếu bạn không làm được thì hãy chấp nhận một sự thật rằng: bạn đi du học với hai bàn tay trắng, sau bao năm trở về bạn gây dựng cho gia đình cả một khoản nợ khổng lồ và không gì khác.

    Tóm lại, đi du học hay học trong nước không quyết định việc bạn có thành công hay không. Bạn tốt nghiệp ra trường, dù học ở bất cứ đâu, mà không xin được việc là do bạn không có khả năng, chỉ vậy thôi. Còn với những ai ảo tưởng sức mạnh, gắn cái mác du học sinh rồi tự cho là mình giỏi và chê bai các nhà tuyển dụng không có mắt nhìn người thì hãy tự mở công ty và tự mình làm chủ, đâu ai cấm?!

  • Phạm Nhật Vượng là tỷ phú giàu nhất Việt Nam thì ai cũng biết, nhưng ít ai biết con trai của ông Phạm Nhật Hoàng cũng là một thiếu gia nổi tiếng với thú chơi siêu xe cực chất.

    pham nhat hoang 2

    Phạm Nhật Hoàng là ai?

    Phạm Nhật Hoàng sinh ngày 17/2/1987 trong một gia đình có giáo dục và nền tảng kinh tế vững chắc. Cậu lớn lên với tình yêu thương chăm sóc hết mực của bố mẹ cùng định hướng tương lai rất rõ ràng. Đáp lại niềm mong mỏi của người thân, Phạm Nhật Hoàng đã là thạc sĩ quản trị kinh doanh tại đại học Aston (Birmingham- Anh Quốc) khi mới 24 tuổi.

    Cũng giống như bố của mình, Nhật Hoàng có đời sống riêng tư khá kín kẽ, giản dị, thậm chí là một con người “ẩn dật” và gần như không bao giờ giờ xuất hiện trước công chúng hay khoe khoang bất cứ điều gì trên mạng xã hội.

    pham nhat hoang 2
    Hình ảnh hiếm hoi của Phạm Nhật Hoàng.

    Những lần hiếm hoi lộ diện trước truyền thông, Nhật Hoàng đã gây ấn tượng bởi ngoại hình thư sinh bảnh bao với gương mặt hiền lành trắng trẻo. Đến nỗi nhiều đơn vị điện ảnh còn ngỏ ý mời Hoàng tham gia vào các dự án nhưng với bản tính không thích ồn ào, anh đã từ chối tất cả để chú tâm vào việc học nhằm nối nghiệp cha.

    Nhật Hoàng có cả một bộ sưu tập xe hơi đắt tiền

    Chúng ta vẫn thường biết đến khá nhiều “cái tên vàng trong làng chơi siêu xe”, thế nhưng để tìm ra một tay chơi thực sự thì không phải là điều dễ dàng, bởi người đó phải vừa có tiền và vừa có “gu”.

    Nếu như trước đây, truyền thông vẫn nhắc tới chàng thiếu gia phố núi Cường Đôla như một “đại gia khét tiếng” trong khoản ăn chơi “vô bờ bến” với những chiếc siêu xe cực đắt tiền thì nay Phạm Nhật Hoàng chắc chắn sẽ là một đối thủ xứng tầm.

    pham nhat hoang 2
    Nhật Hoàng cũng có thú chơi siêu xe hạng sang.

    Dàn siêu xe của Phạm Nhật Hoàng – con trai cả của tỉ phú Phạm Nhật Vượng – khiến bất cứ tay chơi nào cũng phải nể phục. Rất ít xuất hiện trên truyền thông, nhưng chắc chắn dàn siêu xe của con trai tỉ phú Phạm Nhật Vượng phải khiến nhiều người “giật mình hoảng hốt” bởi tổng giá trị của nó lên đến hàng chục tỉ đồng.

    Được biết, trong bộ sưu tập của Nhật Hoàng có những sản phẩm đắt đỏ mang thương hiệu lớn như: Lamborghini Aventador LP 700-4, Ferrari F430, Audi R8 V12, Lamborghini Reventon,… và còn nhiều chiếc xế hộp hạng sang khác nữa.

    Cùng ngắm lại một vài chiếc siêu xe trong bộ sưu tập của Phạm Nhật Hoàng.

    pham nhat hoang 2
    Chiếc Lamborghini Reventon For Sale, khoảng 2 triệu USD.

    pham nhat hoang 2
    Chiếc Audi R8, khoảng 170.000 USD.

    pham nhat hoang 2
    Chiếc Audi R8 V10, khoảng 182.100 USD.

    pham nhat hoang 2
    Chiếc Ferrari F430.

    pham nhat hoang 2
    Chiếc Lamborghini Aventador LP 700-4, khoảng 441.600 USD.

    Quả thật là một chàng thiếu gia xứng tâm No.1 với ngoại hình điển trai, thông minh và khá chịu chơi. Với những kiến thức và kinh nghiệm đã được tích lũy được, hiện, Phạm Nhật Hoàng là cánh tay phải đắc lực và người sẽ nối nghiệp ông Phạm Nhật Vượng trong tương lai gần.

    Nguồn: YAN

  • Mở rộng tầm nhìn về doanh nghiệp cũng như nhận thức rõ hơn các cơ hội việc làm ở Anh và Việt Nam – đó là những thông tin bổ ích trong Ngày hội hướng nghiệp mang tên Career Orientation Day được Hội sinh viên Việt Nam tại Anh (SVUK) tổ chức vào ngày 8/6 vừa qua. Sự tham gia của đại diện công ty đến từ Anh, Việt Nam và nhiều diễn giả đến từ các cộng đồng lớn như Vietpro, SEO-V… giúp các bạn trẻ có góc nhìn tổng quan về bức tranh nghề nghiệp xã hội.

    “Du học sinh Việt Nam – Ở lại hay trở về? ”

    Đó là chủ đề xuyên suốt của Ngày hội Career Orientation Day. Chương trình diễn ra trong 1 ngày ở thủ đô Luân Đôn với sự tham dự của nhiều công ty tại Anh như SmartAy Education, Proprep, Skyineye… Các công ty tại Việt Nam cũng được kết nối trên nền tảng online như Elite Fitness, Savills Việt Nam, Dược phẩm Tâm Bình, Ngân hàng Sacombank, SCB…

    Ngoài ra, còn có sự góp mặt của nhiều diễn giả người Việt đã thành công hoặc đang trên đà phát triển sự nghiệp tại Anh, nhằm giúp các bạn sinh viên định hướng, lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở trường cũng như nhu cầu xã hội. Trong đó, phải kể đến những gương mặt đã từng làm việc tại các tập đoàn lớn như Google, PwC, KPMG… - Hội Trí thức trẻ Việt Nam tại Anh (VietPro) và mạng lưới khởi nghiệp Việt tại London (Viet Start-up London).

    Thông qua hình thức livestream, các bạn trẻ đang học tập tại Anh quốc đã được lắng nghe những chia sẻ về cách thức hoạt động của doanh nghiệp, cơ hội việc làm hấp dẫn cũng như các chính sách, chế độ đãi ngộ dành cho sinh viên sau khi về nước.

    Với nội dung thiết thực, mô hình kết nối mới, sự kiện lần này đã thu hút hàng trăm du học sinh Việt Nam tại Anh tham gia và đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Nhiều bạn trẻ đã tỏ ra hài lòng sau khi lĩnh hội thông tin hữu ích tại buổi hội thảo. Nguyễn Thu Thảo – sinh viên trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn (LSE) chia sẻ: “Bản thân em sau khi tốt nghiệp có ý định về nước nhưng lại khá mơ hồ về cơ hội việc làm ở Việt Nam: chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, mức lương v.v… Tuy nhiên sau buổi hội thảo, em đã phần nào hình dung được mình có lợi thế gì và cần bổ sung kỹ năng gì để khẳng định bản thân sau khi về nước”.

    Chương trình Career Orientation Day diễn ra thành công với sự tham dự của đại diện nhiều công ty đến từ Anh, Việt Nam và các du học sinh Việt Nam tại Anh.

    Tham dự Ngày hội Career Orientation Day với tư cách đơn vị khách mời, ông Hoàng Xuân Tòng – Giám đốc chi nhánh Giảng Võ, Ngân hàng Sacombank cho biết: “Tôi đánh giá rất cao sự năng động của các bạn du học sinh Việt Nam tại Anh. Chương trình tổ chức rất bài bản, độ phủ sóng rộng, việc kết nối thông tin 2 chiều giữa sinh viên với các công ty ở cả Anh và Việt Nam mang lại rất nhiều tiện lợi và hữu ích”.

    Nói về sự thành công của chương trình, Nguyễn Bảo Châu – Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Anh cho rằng: “Chương trình được tổ chức với mong muốn mang đến cho các bạn một bức tranh tổng thể về cơ hội ở Anh và Việt Nam, để các bạn có thể lựa chọn những dự định tương lai với thông tin phù hợp. Em cũng hy vọng chương trình sẽ đặt những viên gạch đầu tiên cho chuỗi sự kiện về công việc, việc làm cho các hoạt động sau này của Hội Sinh Viên Việt Nam tại Anh, siết chặt hơn nữa mối quan hệ lâu dài giữa SVUK và Vietpro, cũng như SEO-V và các công ty như Proprep, SmartAy Education".

    “Ngôi nhà chung” của Du học sinh Việt Nam tại Anh

    Không chỉ được đánh giá cao thông qua Ngày hội hướng nghiệp, Hội sinh viên Việt Nam tại Anh còn được xem là một trong những cộng đồng sinh viên tại nước ngoài có cơ chế, tổ chức hoạt động mạnh mẽ và sôi nổi nhất. Đây là “ngôi nhà chung” của hơn 12.000 du học sinh Việt ở xứ sở sương mù; trở thành cầu nối giúp các bạn trẻ gắn kết, hỗ trợ nhau trong học tập và sinh hoạt.

    Ban Chấp hành Hội luôn cố gắng tạo ra nhiều hoạt động trên mọi lĩnh vực. Ví dụ như tổ chức thường niên giải bóng đá SVUK Cup, chương trình tập huấn Leader Camp cho lãnh đạo các chi hội sinh viên Việt Nam (VietSoc) trên toàn nước Anh, nơi gặp gỡ và giao lưu với những ai mê quay phim, nhiếp ảnh mang tên SVUK Focus và SVUK In Motion, hay ủng hộ hoạt động của các VietSoc như sân chơi trí tuệ "Student Challenge 2018” tại London, ngày hội văn hóa Vietnamese Culture 2019 tại Sheffield, UK…

    Không chỉ nỗ lực cho ra đời những hoạt động vui chơi giải trí, Ban chấp hành Hội còn đề cao kĩ năng sống, tăng cường tổ chức giao lưu chia sẻ trải nghiệm thực tế mà chính những cựu sinh viên từng trải qua. Bên cạnh đó, Hội còn hướng tới một mục tiêu quan trọng khác là giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

    Ban chấp hành Hội sinh viên Việt Nam tại Anh đều là những bạn trẻ, giàu đam mê và nhiệt huyết. Giữ cương vị chủ tịch là Nguyễn Bảo Châu – cô sinh viên 21 tuổi trường đại học London. Đang theo học năm hai ngành Dược với khối lượng kiến thức lớn, cô gái nhỏ đồng thời gánh trên vai trọng trách nặng nề là người dẫn dắt hoạt động của Hội có thành viên đông đảo. Tuy nhiên, bằng sự thông minh, năng động, cách phân bổ thời gian hợp lý, Bảo Châu luôn hoàn thành tốt chương trình học cũng như tạo được dấu ấn đậm nét trong hoạt động Hội.

    BCH SVUK trong chương trình Tết Cộng Đồng (Bảo Châu đứng giữa, áo dài vàng)

    Với những nhân tố nòng cốt, nền tảng phát triển vững mạnh, Hội sinh viên Việt Nam tại Anh đã và đang khẳng định tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa trong cộng đồng sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Chi phí du học Anh có đắt đỏ như đồn thổi? Để giúp bạn có được cái nhìn thực tế về tổng kinh phí du học Anh, chúng tôi sẽ giúp bạn liệt kê các khoản phí mà sinh viên quốc tế cần chuẩn bị trong bài viết dưới đây.

    Học phí: từ 11.000 đến 55.000 bảng Anh/năm

    Đây là khoản phí lớn nhất mà bạn phải đối diện khi du học Anh và nó có thể tốn đến ½ ngân sách du học. Mức học phí cho sinh viên quốc tế tại Anh có sự dao động rất lớn về trường học và đôi khi còn có sự chênh lệch giữa các ngành trong cùng một cơ sở đào tạo. Trung bình, mức học phí này sẽ là 11.000 bảng Anh/năm. Khi sử dụng cụm từ “trung bình”, có nghĩa là mức này có thể sẽ nhiều hơn, hoặc ít hơn, tùy vào mức phí quy định của khóa học mà bạn lựa chọn. Chẳng hạn một khóa học MBA có thể lên đến £55,000 (nguồn: Reddin Survey of University Tuition Fees). Nhìn chung, dù là hệ cao học hay cử nhân, các khóa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có xu hướng ít tốn kém hơn các chương trình thực nghiệm và lâm sàng như Y, Dược.

    Dù con số học phí tại Anh có thể khiến bạn nản chí, hãy nhớ rằng hầu hết các trường đại học ở Vương quốc Anh có thời lượng khóa học ngắn hơn 1 năm so với các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc (trung bình 3 năm cho hệ cử nhân, 1 năm cho hệ thạc sĩ), vì vậy bạn có thể cắt bỏ 1 năm học phí và sinh hoạt phí từ tổng ngân sách du học nếu chọn Anh quốc thay vì các quốc gia khác.

    Một điều nữa bạn cũng nên lưu ý đó là học phí có thể sẽ đắt hơn lên từng năm (dù chỉ một vài phần trăm) nếu đó là một khóa học kéo dài hơn một năm.

    Nhà ở: trung bình 8,000 bảng Anh/năm

    Mọi người vẫn thường kháo nhau rằng phí thuê nhà ở London thường đắt nhất Vương quốc Anh - góp phần làm nên sự khác biệt đáng kể giữa mức sống ở thủ đô so với các thành phố khác. University College London (UCL) ước tính chi phí chỗ ở cho một sinh viên tại Anh là £8,073 (~US$11,400) mỗi năm học (9 tháng/ 39 tuần).

    Ở khu vực phía Đông, giá 1 phòng đơn trong căn hộ thuê chung vào khoảng £435 - £750/tháng, còn khu trung tâm phía đông, chẳng hạn Nottingham, chi phí 1 phòng đôi mỗi tháng là £340 - £450. Trong khi đó, vùng Tây Bắc Anh Quốc, cụ thể là Liverpool, giá thuê phòng đơn ở mức dễ chấp nhận hơn – vào khoảng £210 - £550.

    Còn ở khu vực trung tâm London, chi phí £500 một tháng là mức rất rẻ cho một phòng nhỏ. Con số trên được trích dẫn từ báo cáo của UCAS về giá thuê nhà dựa trên các mức phí đăng trên trên Thestudentroom,Flatmaterooms và Roomrental. Lưu ý: Giá trong báo cáo là mức phí trung bình của chi phí cao nhất và thấp nhất cho 1 phòng trong 1 căn hộ thuê chung, cách trung tâm thành phố trong vòng bán kính 5km.

    Bên cạnh địa điểm, yếu tố chất lượng nhà ở và hình thức ở trọ cũng đóng một phần lớn trong việc xác định chi phí. Hầu hết du học sinh Anh sống trong ký túc xá trường năm học đầu trước khi chuyển đến một căn hộ thuê chung với những sinh viên khác. Nhiều trường đại học cho phép sinh viên tự nấu nướng trong học xá, đồng thời có khu nhà ăn riêng, với giá thuê nhà đã bao gồm chi phí các bữa ăn.

    Ăn uống, hàng tiêu dùng: 145 đến 260 bảng Anh/tháng

    Cũng như ở nhiều quốc gia tại châu Âu, giá cả dành cho thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh tại Anh khá đắt. Khi tính toán khoản phí này, bạn cần chuẩn bị một khoảng riêng cho những vật dụng như đồ chùi rửa, vật dụng nhà bếp, xà phòng, dầu gội… Theo đó, tùy vào thói quen chi tiêu, bạn có thể tốn từ £35-£55 mỗi tháng hoặc hơn để mua đồ tạp hóa, gia dụng.

    Trung bình một bữa ăn tại nhà hàng mất khoảng £12. Nếu tự nấu ăn thì bạn sẽ phải dành nhiều chi phí cho việc mua sắm nguyên liệu ở siêu thị, nhưng dù sao đây vẫn là phương án tiết kiệm hơn so với đi ăn ở ngoài hay mua thức ăn sẵn. Nếu chọn phương án này, bạn nên hạn chế chi tiêu trong ngân sách £25 - £42/tuần.

    Tất nhiên khi đã kết bạn và quen thân với bạn chia nhà chung, bạn có thể khám phá ra nhiều cách thông minh hơn như “góp gạo thổi cơm chung” với bạn bè và mua sỉ ở các siêu thị giá rẻ để tận dụng mức giá ưu đãi.

    Chi phí đi lại, Internet, điện thoại, và các tiện ích khác: 70 - 150 bảng Anh/tháng

    Nếu bạn trọ học tại khu học xá của trường thì chi phí thuê phòng nhiều khả năng sẽ bao gồm cả gas, điện, nước và Internet. Còn nếu thuê nhà riêng, bạn sẽ phải tự trả các khoản này. Vì vậy, nhiều sinh viên chọn thuê nhà chung với bạn bè để giảm thiểu các chi phí. Khoản này có thể ở trong bất cứ mức nào, từ £10/ tuần cho toàn bộ các hóa đơn, tùy vào thời gian trong năm.

    Tiền điện thoại tốn ít nhất £15/ tháng, biết rằng chi phí cho dịch vụ di động sẽ dao động tùy vào nhà cung cấp và gói cước bạn đang sử dụng. Về dịch vụ DSL/Internet: Hầu hết các công ty tính phí cơ sở £5/tuần cho đường truyền DSL tiêu chuẩn ở Anh.

    Một khoản chi không thể không tính đến là phương tiện công cộng, vào khoảng £540 - £600/ năm. Trong trường hợp khoảng cách từ nhà đến trường không quá xa, hãy nên tận dụng xe đạp hoặc đi bộ vào những mùa thời tiết thuận lợi. Nếu đi bằng phương tiện công cộng, mỗi tuần bạn cần chi ít nhất £10, nhiều hơn nếu bạn sống ở London. Thế nên, bạn nhớ tìm hiểu kỹ khoảng cách từ nhà đến trường khi chọn chỗ ở.

    Bảo hiểm: 150 – 3000 bảng Anh/năm

    Là sinh viên quốc tế theo học một chương trình toàn thời gian kéo dài trong vòng 6 tháng trở lên, bạn sẽ nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí ở Anh, dưới sự bảo trợ của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS). Tuy nhiên, sinh viên nộp đơn xin visa sang Anh sẽ phải đóng thêm một khoản phụ phí y tế là £150/năm (£75 nếu dưới 6 tháng trong chương trình NHS).

    Chẳng hạn nếu chương trình học của bạn kéo dài 4 năm, bạn sẽ phải trả £675 (£150 mỗi năm, cộng £75 cho thời hạn 4 tháng đến khi visa hết hạn). Ngoài ra, trong quá trình du học ở đây, bạn cũng nên mua các loại bảo hiểm khác như bảo hiểm du lịch, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm nhà ở… tùy theo nhu cầu và yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn cho bản thân và tài sản

    Sách và tài liệu học tập 600 bảng Anh/năm

    Tùy vào khóa học, bạn có thể sẽ chi ít nhất 30 bảng mỗi tháng tiền sách và các tài liệu khác. Các sách học những môn như Tài chính hay Kinh doanh thường rất đắt, có thể lên tới 40, 50 bảng Anh/quyển. Theo kinh nghiệm của các du học sinh Việt Nam tại Anh, sách các chuyên ngành khác có thể rẻ hơn, nhưng có những môn bạn sẽ phải mua đến 2,3 đầu sách một lúc nên tốt nhất là bạn nên tận dụng tối đa thư viện trường hoặc sách điện tử. Ngoài sách, bạn nên dành khoảng £7 một tuần cho các chi phí như in ấn, bút, vở viết… Công cụ quản lý tài chính sau của UCAS sẽ giúp bạn trong khoản này.

    Và cuối cùng nhưng cũng quan trọng không kém: Du lịch, giải trí, thể thao: từ 200 - 800 bảng Anh/năm

    Đi du học không chỉ là lên lớp, đi siêu thị và về nhà. Bạn còn có nhu cầu kết bạn và tham gia các hoạt động xã hội, luyện tập thể thao. Do đó, trong số các khoản phí cần chuẩn bị, bạn cũng cần trích một phần cho việc giải trí, chẳng hạn như đi xem phim (khoảng £10), tập thể hình (phí phòng tập khoảng £30/tháng) hay thử một nhà hàng mới. Tóm lại một buổi tối đi chơi (ngoài Luân Đôn) trung bình sẽ ngốn của bạn chừng £30, chưa kể ở một số dịp, có thể bạn cũng sẽ phải dành ra một khoản để mua quà cho bạn bè (ví dụ như khi được mời đến một bữa tiệc sinh nhật).

    Nhưng giải trí không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với những khoản chi “cắt cổ”! Vương quốc Anh sở hữu rất nhiều công trình lịch sử, văn hóa rất đáng để tham quan (và nhiều trong số đó là các bảo tàng, phòng tranh hoàn toàn mở cửa miễn phí!) Thế nên một khi đã sang Anh, bạn không nên chỉ thu mình lại thành phố du học mà nên tận dụng các kì nghỉ để thăm thú trong nước và cả các quốc gia lân cận. Những chuyến “tham quan thành phố ngắn ngày” (short city-trip) đến các thủ đô châu Âu là cách hay để khám phá những nền văn minh vĩ đại mà không quá tốn kém. Đặc biệt là khi du học Anh, bạn sẽ cần phải xin visa Schengen để có thể đi du lịch châu Âu nên hãy tìm hiểu về chi phí này nữa nhé!

    Tóm lại, trung bình chi phí du học Anh quốc ước tính vào khoảng £22,200 mỗi năm (cho tổng học phí và sinh hoạt phí), và nếu sinh sống học tập tại London, con số này sẽ đắt hơn đáng kể. Nhưng một lần nữa, đây cũng chỉ là con số thống kê trung bình và không có nghĩa là tất cả mọi du học sinh Anh đều chi tiêu ở mức này.

    Đó là lí do trên trang web của các trường đại học ở Vương quốc Anh đều có thể tìm thấy thông tin về mức phí sinh hoạt trung bình của sinh viên trong trường – và con số này có sự chênh lệch rõ rệt như sau:

    • University of Liverpool - £5,500 - £7,000/ năm

    • Essex University - £5,700 - £7,500/ năm

    • University of Manchester - £8,100/ năm

    • Oxford University – £9,750/ năm

    • University of London – approximately £210/ tuần 

    Viethome (theo hotcourses)

  • Sinh viên quốc tế muốn ở lại Anh sau khi tốt nghiệp sẽ được tạo điều kiện về thời gian để thực hiện mục tiêu tìm việc của mình. 

    Một cuộc thăm dò cho thấy 3/4 dân chúng muốn nhìn thấy nhiều sinh viên quốc tế hơn nữa đến Anh. Trước đây, sinh viên ngoài EU chỉ được ở lại 4 tháng để tìm việc sau khi tốt nghiệp.

    Nhưng theo thông tư hướng dẫn "Hệ thống nhập cư cho lao động lành nghề ở Anh trong thời gian tới'' do chính phủ Anh ban hành, sinh viên đã hoàn tất bằng cử nhân và thạc sĩ có thể ở lại thêm 6 tháng. Những sinh viên tốt nghiệp bậc tiến sĩ thì sẽ được tạo điều kiện 1 năm. 

    Chính phủ sẽ cho sinh viên quốc tế thêm thời gian để tìm một công việc lành nghề full-time. Do đó sinh viên sẽ được làm những việc tạm thời, bán thời gian trong suốt 6 tháng đến 1 năm này. 

    Sinh viên sẽ phải tìm một doanh nghiệp sẵn sàng bảo lãnh cho họ chuyển từ visa Tier 4 sang visa Tier 2 với ngưỡng lương tối thiểu hiện nay là: 

    £35,500 nếu bạn nộp đơn gia hạn visa từ ngày 6/4/2018. 
    £35,800 nếu bạn nộp đơn gia hạn visa từ ngày 6/4/2019.
    £36,200 nếu bạn nộp đơn gia hạn visa từ ngày 6/4/2020.
    £36,900 nếu bạn nộp đơn gia hạn visa từ ngày 6/4/2021.
    £37,900 nếu bạn nộp đơn gia hạn visa từ ngày 6/4/2022.

    Thông tư này cũng nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ cho phép sinh viên bậc cử nhân hoặc cao học được quyền nộp đơn xin chuyển đổi lên visa Tier 2 vào 3 tháng trước khi kết thúc khóa học.

    Hoặc nếu họ phải về nước vì lý do nào đó, thì họ vẫn có thể nộp đơn xin visa Tier 2 từ bên ngoài UK sau 2 năm tốt nghiệp. 

    "Các cá nhân phải chứng minh được rằng họ là sinh viên học hành nghiêm túc, đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh và tài chính, có thông tin dữ liệu về quá trình học vấn. Chúng tôi không cho phép những người giả danh sinh viên để đến cư trú và làm việc bất hợp pháp ở Anh'', một đại diện phát ngôn cho hay.

    Bộ Nội vụ cũng đang xem xét thay đổi luật để những người xin tị nạn có thể làm việc ở Anh trong khi chờ đợi kết quả xin tị nạn.

    Viethome (theo studyinternational)

     

  • Do chi phí du học Anh thực sự đắt đỏ, tài chính là “cửa ải” khó nhằn đối với nhiều gia đình Việt Nam. Vì vậy, đi vay ngân hàng là một giải pháp mà nhiều gia đình nghĩ đến. Đây là phương án hoàn toàn phù hợp vì giáo dục là sự đầu tư xứng đáng cho tương lai. Vậy phải làm gì khi vay ngân hàng? Hãy cùng tham khảo một số gợi ý dưới đây nhé!

    Tính toán kỹ chi phí du học Anh của bạn

    Bạn sẽ không thể tính toán kỹ chi phí du học Anh nếu không có những thông tin cụ thể về nơi mình định đến. Bạn cần thu thập các thông tin cơ bản sau:

    - Những khoản thanh toán một lần như tiền vé máy bay, bảo hiểm, khoản đặt cọc, phí visa du học Anh…

    - Các khoản thường xuyên chi trả trong một hay vài năm như: Tiền học, tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, tiền đi lại, sách vở…

    - Xác định 3 yếu tố quan trọng nhất của kế hoạch học tập ảnh hướng đến tài chính của bạn: Học trong bao nhiêu năm? Học ở vùng nào? Mức học phí bao nhiêu? Sau đó, hãy tính chi phí du học Anh cho từng năm học và cả kế hoạch du học Anh.

    Với bảng tính toán này, bạn có thể dựa trên những thông tin đã tìm hiểu để tạm tính mức chi phí cần trả hằng năm và cho cả kế hoạch học tập của mình.

    viethome vay tien du hoc Anh 1Vay ngân hàng là một phương án hiệu quả giúp bạn chứng minh tài chính dễ dàng hơn với Đại sứ quán Anh.

    Điều này cũng giúp bạn sớm thuyết phục được ngân hàng “giải ngân nguồn vốn” cho kế hoạch tương lai của bạn. Qua đó, bạn có thể dễ dàng vượt qua vòng chứng minh tài chính với Đại sứ quán Anh để được cấp visa du học.

    Tìm hiểu về các chương trình hỗ trợ tài chính của ngân hàng

    Hầu như các ngân hàng đều có chương trình cho vay chi phí du học và thường được chia ra thành 2 mảng dịch vụ hỗ trợ tài chính là: 

    - Cho vay chứng minh tài chính 

    - Cho vay để thanh toán học phí, sinh hoạt phí trong quá trình du học.

    Cần lưu ý là trước khi vay du học từ ngân hàng, bạn nên tìm hiểu kỹ số tiền cần chứng minh để không xảy ra những rắc rối hoặc rủi ro đáng tiếc. Sau khi gia đình/cá nhân bạn hoàn tất các thủ tục giấy tờ chứng minh năng lực tài chính hoặc thủ tục vay, ngân hàng sẽ bán ngoại tệ để chuyển tiền thanh toán chi phí du học, sinh hoạt phí (giá bán ngoại tệ là giá niêm yết tại thời điểm chuyển thanh toán).

    viethome vay tien du hoc Anh 2Chọn ngân hàng có hạn mức cho vay, lãi suất phù hợp là điều quan trọng bạn cần cân nhắc.

    Uy tín và hạn mức là những tiêu chí ưu tiên hàng đầu để lựa chọn ngân hàng cho vay du học. Tuy nhiên, hạn mức và lãi suất có thể thay đổi, tốt nhất, bạn nên chủ động liên hệ trực tiếp ngân hàng để cập nhật những thông tin mới nhất. Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể hỗ trợ bạn với các nghiệp vụ tài chính như:

    - Lập hợp đồng tín dụng hạn mức, mở sổ tiết kiệm hoặc tài khoản và thực hiện xác nhận số dư.

    - Phát hành giấy chứng nhận định giá bất động sản.

    - Cho vay tiền mặt thanh toán chi phí du học.

    - Thực hiện chuyển tiền thanh toán chi phí du học.

    - Phát hành thẻ tín dụng, thẻ thanh toán…

    Lập kế hoạch tài chính hợp lý

    Một trong những điều bạn cần lưu ý khi vay ngân hàng để du học Anh là khả năng tài chính và khả năng trả nợ của bạn. Sau khi tìm hiểu kỹ các thông tin về chương trình vay du học, bạn và gia đình cần có cho mình một kế hoạch chi tiết để trả nợ dần qua các năm. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay du học của các ngân hàng thường là lãi suất thả nổi. Vì vậy, bạn phải có phương án dự phòng hợp lý để đảm bảo chương trình học cũng như hạn chế đến tối đa áp lực phải trả nợ.

    Bạn cũng nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các trung tâm tư vấn du học Anh uy tín với nhiều năm kinh nghiệm để có được cái nhìn tổng quát hơn về vấn đề này cũng như tìm thấy sự lựa chọn sáng suốt cho con đường du học của mình.

    Viethome (theo duhoctoancau)

  • Đối với các du học sinh tại Anh, từ thiện, tình nguyện là những trải nghiệm mà bạn không nên bỏ lỡ.

    Các hoạt động tình nguyện không còn quá xa lạ với học sinh, sinh viên hiện nay. Tại Việt Nam, rất nhiều các tổ chức tình nguyện cùng các hoạt động với những mục tiêu tích cực đã được xây dựng nhằm mang đến cho giới trẻ không gian để vui chơi, sinh hoạt. Cũng như vậy, tại Vương quốc Anh, việc tham gia tình nguyện luôn được đánh giá cao bởi tính nhân văn và hướng đến cộng đồng. Dưới đây sẽ là những lý do tại sao bạn nên tham gia các chương trình tình nguyện tại Anh.

    Sự đa dạng

    Với mục đích đóng góp cho cộng đồng, các tổ chức tình nguyện tại Anh rất phong phú về lĩnh vực và kết hợp nhiều hoạt động khác nhau. Điều này giúp các bạn dễ dàng tìm kiếm những công việc phù hợp với sở thích và khả năng của mình. Nếu bạn là người thích hoạt động cùng trẻ em, việc hướng dẫn các em nhỏ tham gia các hoạt động ngoài trời, hướng đạo sinh chắc chắn sẽ thu hút bạn. Bạn yêu động vật? Hãy tìm đến những trung tâm thú nuôi, nơi các chú chó, mèo không nơi nương tựa được chăm sóc, hoặc sở thú ở gần nơi bạn sinh sống.

    Nếu bạn yêu thích những sự kiện, hãy đăng ký trở thành tình nguyện viên của nhiều sự kiện hoặc lễ hội sắp diễn ra. Ngoài ra, các hoạt động tình nguyện thường cho phép bạn chọn giờ làm nên sẽ đảm bảo thời gian học tập và sinh hoạt của bạn.

    89e01273-ba86-4ebb-8ac1-bb64f0cbe536

    Tại các cửa hàng từ thiện, tình nguyện viên sẽ tham gia vào hoạt động kinh doanh nhằm gây quỹ cho những tổ chức từ thiện.

    Những trải nghiệm

    Có một điều chắc chắn sau mỗi lần tham gia tình nguyện các bạn sẽ có được những trải nghiệm quý giá sau những công sức và thời gian mình bỏ ra. Các hoạt động tình nguyện giúp thúc đẩy các bạn trong việc giao tiếp và làm quen với các thành viên khác. Điều này mang lại sự tự tin rất lớn, đặc biệt là với những du học sinh xa nhà và không có người thân bên cạnh.

    Không dừng lại ở đó, việc tình nguyện sẽ mang đến cho bạn nhiều niềm vui đặc biệt bạn thấy mình sống có ích hơn và góp phần mang lại nụ cười cho mọi người. Đặc biệt, với những trải nghiệm mà bạn có được trong những buổi tình nguyện, biết đâu bạn lại tìm thấy cho mình những sở thích và đam mê mới ngoài những gì sẵn có?

    Tăng cơ hội việc làm

    Qua các hoạt động tình nguyện, bạn không chỉ mang đến cho bản thân đời sống xã hội phong phú hơn, mà còn tăng cơ hội việc làm. Theo một cuộc điều tra, trong số 200 công ty hàng đầu tại Anh, 74% nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên những người đã từng tham gia tình nguyện. Ngoài ra, những kinh nghiệm và kiến thức từ các chương trình này sẽ giúp ích rất nhiều với những công việc trong tương lai.

    Làm thế nào để tham gia?

    Có rất nhiều tổ chức tình nguyện hoạt động trên khắp Vương quốc Anh và một số sẽ liên tục tuyển tình nguyện viên. Các tổ chức có uy tín bao gồm Oxfam, Shelter, RSPCA... Các bạn có thể tìm hiểu thông tin qua trang web của họ hoặc tìm đến địa chỉ gần nhất. Các trường Đại học thường có văn phòng tư vấn việc làm và tình nguyện. Hãy đến đó để có thêm sự trợ giúp.

    Các bạn có thể tham gia các hoạt động tình nguyện tại nước khác. Tuy nhiên, hãy chú ý về yêu cầu Visa và xuất nhập cảnh trước khi đăng kí.

    Một số địa chỉ, website của các tổ chức tuyển tình nguyện viên:

    - www.oxfam.org.uk - Oxfam UK – Tổ chức với mục tiêu xoá nghèo và hiện đã được mở rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam

    - www.shelter.org.uk - Shelter – Góp phần xây dựng nhà ở cho những người vô gia cư.

    - www.bhf.org.uk – British Heart Foundation – Một trong những tổ chức từ thiện lớn tại Anh. Số tiền từ các hoạt động gây quỹ sẽ được đưa vào việc nghiên cứu về các bệnh tim mạch.

    - www.macmillan.org.uk – Macmillan Cancer Support‎ - Tổ chức hỗ trợ về chữa trị và động viên các bệnh nhân ung thư.

    - http://www.rspca.org.uk – RSPCA – Tổ chức chăm sóc và tìm chủ cho các thú nuôi bị ngược đãi hoặc bỏ rơi.

    - Các trang web tổng hợp về hoạt động tình nguyện: http://www.volunteering.org.uk, Doit.life.

    - Ngoài ra các bạn có thể tìm đến các cửa hàng từ thiện trong khu vực mình sinh sống. 

    Theo Tiin