• Nhiều người tỏ ra nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện này. Dẫu vậy, những tình tiết có liên quan vẫn đủ gây ra nhiều luồng tranh cãi.

    du hoc sinh vo on 0

    Những gì liên quan đến tiền bạc luôn là chủ đề nhạy cảm gây ra tranh cãi. Đó có thể là vấn đề lương lậu khi đi làm  là chuyện vay nợ tiền của bạn bè, là câu hỏi về tình phí khi hẹn hò... Thậm chí mới đây, cư dân mạng còn xôn xao trước bài viết có liên quan đến chuyện một du học sinh "bóc phốt" chính bố mẹ vì... đòi mình gửi tiền về nhà, không sẽ bị mắng. Chưa rõ thực hư câu chuyện thế nào nhưng dân mạng đã chia làm rất nhiều luồng tranh cãi. 

    Cụ thể, nữ sinh tên P. này đã đăng đàn trong một group hỏi: "Các du học sinh ở Mỹ thường gửi tiền về cho bố mẹ mỗi năm khoảng bao nhiêu tiền?". Riêng với trường hợp của bản thân, cô gái này cho biết mình năm nay 24 tuổi, đang học sau đại học. Trung bình một năm, cô nàng gửi về cho bố mẹ gần 40 triệu nhưng vẫn bị mẹ chửi là gửi ít và "vô ơn". 

    Nữ du học sinh cũng chia sẻ thêm rằng cô sang Mỹ học bằng học bổng 100%. Trong quá trình học tập tại nước ngoài, bố mẹ cô chưa từng phải chi trả bất kì đồng nào. Còn trước đó, khi nữ sinh vẫn ở Việt Nam, bố mẹ cô cho cô tiền học thêm, nhưng là "cho vay" chứ không phải "cho không". Và tổng cộng, cô đã gửi trả nợ bố mẹ gần 80 triệu tiền học thêm trước khi sang Mỹ.

    du hoc sinh vo on 0
    Ảnh chụp màn hình được P. đính kèm bài bóc phốt (Ảnh: Facebook)

    Đính kèm bài viết là một tấm ảnh chụp màn hình cuộc hội thoại được cho là của mẹ cô gái cùng chị gái cô. Mẹ nữ sinh đã liệt kê cụ thể những gì cô từng tặng bố mẹ cho cả nhà cùng biết. Khi người chị gái khen như vậy là nhiều rồi, mẹ cô đáp lại: "Nếu không hiểu tiếng Việt thì vào mạng mà search cái từ VÔ ƠN ấy nhé".

    Khó hiểu với trường hợp phụ huynh đòi tiền con như... đòi nợ

    Sau khi được đăng tải, bài viết của nữ sinh tên P. này ngay lập tức nhận được nhiều sự chú ý. Vấn đề lớn nhất cư dân mạng chú ý đến ở đây chính là con số trong câu hỏi nữ sinh đặt ra ở đầu bài. Bên cạnh đó, ai đúng ai sai cũng được mang ra bàn luận.

    Phần đông các ý kiến nhận xét P. tự kiếm được học bổng 100%, không cần người nhà chu cấp bất kì khoản gì và còn gửi được tiền về nhà mỗi năm đã là rất giỏi. 40 triệu có thể không phải con số lớn nhưng cũng là không nhỏ với một người vẫn còn đi học, nhất là tại một đất nước đắt đỏ như Mỹ. 

    Về phần bố mẹ P, mọi người cho rằng việc đòi con gái gửi tiền về không sai nhưng đòi hỏi nhiều, thậm chí còn mắng con mình vô ơn thì là quá tính toán. Số ít gay gắt còn khuyên P. nên... cắt đứt liên lạc với gia đình nếu cô đã đủ khả năng tự lập tài chính.

    Ngoài ra thì cũng có những bình luận cho rằng chuyện bố mẹ ghi sổ nợ những khoản tiền từng cho con cái không phải hiếm, đây là một cách khiến con cái có áp lực để biết cố gắng hơn. Hơn nữa, chỉ qua lời kể của P. thì không thể xác định được bố mẹ cô đang trêu hay thực sự đòi tiền. 

    - Trường hợp này khó hiểu quá!

    - Có gửi về là may rồi. Bạn chị đứa nào một tháng mẹ cũng chuyển qua ít nhất là 1000 đô.

    - Nếu làm một cái phép tính đơn giản cũng có thể thấy là gửi được tiền về trong giai đoạn khó khăn này đã là kì tích rồi.

    - Đọc xong cảm thấy may mắn thật. Bố mẹ mình chỉ mong mình tự lo cho bản thân và đừng gọi về xin tiền nữa là mừng lắm rồi.

    du hoc sinh vo on 0
    Nhiều người cảm thấy chạnh lòng thay nữ du học sinh (Ảnh minh họa)

    - Giỏi vậy mà bố mẹ còn mong mỏi gì nữa không biết? Sao nghe mẹ bạn dùng từ cay nghiệt vậy. Mình chỉ mong được bằng 1 nửa của bạn thôi chứ bố mẹ mình chưa bao giờ yêu cầu mình phải gửi tiền về.

    - Nhà mình bố mẹ cũng ghi lại tất tần tật các khoản gửi mình mỗi tháng, bảo cho mình nợ, bao giờ lấy chồng thì trả. Nhưng mình biết bố mẹ thống kê để đó thôi, chứ thương con còn không hết, sau này lấy chồng có khi còn cho nhiều hơn.

    "Bóc phốt" chính gia đình lên MXH có nên hay không?

    Từ bài đăng của nữ du học sinh, cư dân mạng còn nổ ra cuộc tranh cãi về chuyện liệu có nên lôi hết chuyện riêng tư gia đình lên mạng cho mọi người bàn tán, phán xử như P hay không. Trong một gia đình, sẽ có những lúc mâu thuẫn xuất hiện, tuy nhiên cách giải quyết đúng đắn nhất là tất cả thành viên cùng ngồi lại để nói chuyện chứ không phải "bô bô" lên cho thiên hạ cùng biết. Rất nhiều người tỏ ra không đồng tình với cách P. nói xấu bố mẹ trên Facebook dẫu có thể việc bố mẹ P. làm là không đúng.

    Mọi người khuyên nữ du học sinh nên dành thời gian phân tích cho bố mẹ hiểu cuộc sống của mình bên nước ngoài có những khó khăn gì, vì sao cô không thể gửi nhiều tiền hơn. Một cách giải quyết khác chính là thử không liên lạc với bố mẹ 1 tháng, sau đó lập bảng chi tiêu cụ thể của mình và gửi cho bố mẹ cùng xem. 

    - Mình bằng tuổi bạn, nhà không phải có điều kiện. Hiện tại mình cũng không có để gửi cho bố mẹ gì nhiều, bố mẹ mình thì nói cũng không cần. Nhưng quan điểm của mình thế này, dù sao đây là người trong gia đình mình, là bố mẹ mình mà, những việc như thế này bạn có thể tâm sự với anh chị em trong nhà hoặc gọi điện tâm sự với mẹ xem sao, có khi mẹ chỉ nói vui vậy thôi. Nói chung không nên đưa lên group chung như này, quá gay gắt rồi!

    - Em nghĩ chị nên nói chuyện với bố mẹ một lần, mặc kệ bố mẹ mắng hay nói gì cứ nói 1 lần hết ra rồi cúp máy. Còn không thì chị cứ nhắn tin rồi gửi bố mẹ đọc. 

    - Giờ cái gì cũng lôi tuốt tuồn tuột lên MXH như thế này à? Những gì có thể giải quyết ngoài đời được thì đem hết lên mạng cho người ngoài soi làm gì vậy? Đó là gia đình của bạn mà.

    - Đành rằng bố mẹ bạn nói bạn vô ơn là hơi quá đáng nhưng mình nói thật, một năm gửi 40 triệu là quá ít. Bạn nói bố mẹ bạn tính toán nhưng thực ra bạn cũng tính toán kém gì đâu.

    - Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, mình không dám nhận xét gì, chỉ là như cá nhân mình thấy việc trả ơn bố mẹ là điều nên làm. Mình luôn cố gắng báo đáp bố mẹ nhiều nhất có thể, dù mình biết nếu bảo để trả thì cả đời này mình cũng không thể trả hết được. Công sinh dưỡng nó nặng lắm bạn, nên mình bạn có thể xem lại là bố mẹ bạn trêu hay là nói thật.

    Ngoài những ý kiến kể trên, một số người cũng nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện này. Mọi người cho rằng đây có thể chỉ là chiêu trò bịa chuyện, tạo fake news để câu like đến từ vị trí của chủ post. Còn thực hư thế nào có lẽ vẫn cần theo dõi thêm để biết rõ ràng.

    Nguồn: Trí Thức Trẻ

  • Một hành khách đi tàu, từng trả 6.000 bảng/năm cho một chiếc vé mùa, đã bị phạt vì đứng bằng một chân ở khoang hạng nhất.

    Vị khách hiện không rõ danh tính này bị người soát vé chặn lại trên chuyến tàu của Greater Anglia đi từ Liverpool tới Clacton-on-Sea, hạt Essex, Anh tối 13/11.

    Theo Daily Mail, chuyến tàu chật cứng người đã khiến nữ khách trên không còn lựa chọn nào khác mà phải đứng gần cửa với một chân đặt trong khoang hạng nhất.

    Cô này bị người soát vé chặn lại trước sự ngạc nhiên của các hành khách khác khi đoàn tàu dừng ở Shenfield, ngoại ô của Brentwood, Essex. 

    Theo dõi vụ việc trên, nhiều hành khách khác tỏ ra bất bình với cách đối xử mà nữ khách trên nhận được sau khi cô đã bỏ hàng nghìn bảng mỗi năm để đi lại giữa Stratford và Colchester và hiếm khi có một chỗ để ngồi.

    Hãng Greater Anglia, thường bị chỉ trích vì các chuyến tàu chật ních và hay muộn giờ, vẫn không thay đổi quyết định. Phát ngôn viên của hãng này nói: “Toa hạng nhất, gồm cả hành lang và lối đi, đều chỉ dành cho khách đi vé hạng nhất”.

    Theo Vietnamnet

  • Các tài xế ở Anh có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 5.000 bảng nếu họ bị bắt gặp lái xe băng qua vũng nước khiến nước văng vào người đi bộ.

    Một số người có thể coi việc người qua đường phải hứng nước bẩn khi họ lái xe qua là chuyện nhỏ nhặt vô hại và thậm chí là buồn cười, nhưng việc này có thể đẩy người tài xế vào rắc rối.

    Lái xe theo kiểu vô ý như vậy có thể khiến tài xế lãnh án phạt tới mức độ năm, tương đương 5.000 bảng Anh, và lỗi này được định nghĩa là người lái xe "có hành động thiếu kỹ năng, thể hiện tính ích kỷ, thiếu kiên nhẫn hoặc hung hăng".

    Theo mục ba của Đạo luật Giao thông đường bộ 1988, việc lái xe "không có sự cân nhắc hợp lý cho người khác" là một hành vi phạm tội, và theo Dịch vụ Công tố Hoàng gia, luật này bao gồm các trường hợp "lái xe qua vũng nước khiến văng nước lên người đi bộ".

    Mặc dù rất khó có khả năng người phạm lỗi này bị phạt quá nặng, nhưng hình phạt khắc nghiệt như vậy vẫn có thể được áp dụng trong những trường hợp nghiêm trọng.

    Hình phạt phổ biến hơn đối với hành vi văng nước vào người đi bộ có thể chỉ là Thông báo phạt cố định (Fixed Penalty Notice) 100 bảng, nhưng khoản phạt có thể được tăng lên đến hàng ngàn nếu vụ việc bị đưa ra tòa.

    Phát ngôn viên của cơ quan an toàn đường bộ RAC, Pete Williams, cho biết: “Bất cứ ai không may bị ướt sũng do sự vô ý của tài xế có thể sẽ hoan nghênh hình phạt thích đáng dành cho họ.

    "Kể từ năm 2013, lái xe bất cẩn có thể bị xử lý bằng Thông báo phạt cố định với mức phạt 100 bảng và ba điểm phạt. Đây là hình phạt hợp lý cho người lái xe nếu họ nhận tội.

    "Tuy nhiên, nếu chối tội, họ sẽ phải đối mặt với quan tòa và khoản phạt có thể lên tới 5.000 bảng, mặc dù mức tối đa hiếm khi được áp dụng. Trong trường hợp như vậy, mức phạt sẽ được cân nhắc cho phù hợp với mức độ khó chịu và bất tiện mà hành vi phạm tội gây ra.

    “Tài xế có nhiệm vụ thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến những người đi đường khác và người đi bộ.”

    Mục ba của Đạo luật giao thông đường bộ cũng quy định người lái xe có thể bị phạt khi có hành vi nháy đèn để buộc các tài xế phía trước nhường đường, lái xe chậm hoặc phanh gấp mà không có lý do chính đáng, bật đèn pha mạnh khiến người lái xe ngược chiều, người đi xe đạp hoặc người đi bộ bị lóa mắt.

    VietHome (Theo The Sun)

  • Chi phí du học Anh có đắt đỏ như đồn thổi? Để giúp bạn có được cái nhìn thực tế về tổng kinh phí du học Anh, chúng tôi sẽ giúp bạn liệt kê các khoản phí mà sinh viên quốc tế cần chuẩn bị trong bài viết dưới đây.

    Học phí: từ 11.000 đến 55.000 bảng Anh/năm

    Đây là khoản phí lớn nhất mà bạn phải đối diện khi du học Anh và nó có thể tốn đến ½ ngân sách du học. Mức học phí cho sinh viên quốc tế tại Anh có sự dao động rất lớn về trường học và đôi khi còn có sự chênh lệch giữa các ngành trong cùng một cơ sở đào tạo. Trung bình, mức học phí này sẽ là 11.000 bảng Anh/năm. Khi sử dụng cụm từ “trung bình”, có nghĩa là mức này có thể sẽ nhiều hơn, hoặc ít hơn, tùy vào mức phí quy định của khóa học mà bạn lựa chọn. Chẳng hạn một khóa học MBA có thể lên đến £55,000 (nguồn: Reddin Survey of University Tuition Fees). Nhìn chung, dù là hệ cao học hay cử nhân, các khóa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có xu hướng ít tốn kém hơn các chương trình thực nghiệm và lâm sàng như Y, Dược.

    Dù con số học phí tại Anh có thể khiến bạn nản chí, hãy nhớ rằng hầu hết các trường đại học ở Vương quốc Anh có thời lượng khóa học ngắn hơn 1 năm so với các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc (trung bình 3 năm cho hệ cử nhân, 1 năm cho hệ thạc sĩ), vì vậy bạn có thể cắt bỏ 1 năm học phí và sinh hoạt phí từ tổng ngân sách du học nếu chọn Anh quốc thay vì các quốc gia khác.

    Một điều nữa bạn cũng nên lưu ý đó là học phí có thể sẽ đắt hơn lên từng năm (dù chỉ một vài phần trăm) nếu đó là một khóa học kéo dài hơn một năm.

    Nhà ở: trung bình 8,000 bảng Anh/năm

    Mọi người vẫn thường kháo nhau rằng phí thuê nhà ở London thường đắt nhất Vương quốc Anh - góp phần làm nên sự khác biệt đáng kể giữa mức sống ở thủ đô so với các thành phố khác. University College London (UCL) ước tính chi phí chỗ ở cho một sinh viên tại Anh là £8,073 (~US$11,400) mỗi năm học (9 tháng/ 39 tuần).

    Ở khu vực phía Đông, giá 1 phòng đơn trong căn hộ thuê chung vào khoảng £435 - £750/tháng, còn khu trung tâm phía đông, chẳng hạn Nottingham, chi phí 1 phòng đôi mỗi tháng là £340 - £450. Trong khi đó, vùng Tây Bắc Anh Quốc, cụ thể là Liverpool, giá thuê phòng đơn ở mức dễ chấp nhận hơn – vào khoảng £210 - £550.

    Còn ở khu vực trung tâm London, chi phí £500 một tháng là mức rất rẻ cho một phòng nhỏ. Con số trên được trích dẫn từ báo cáo của UCAS về giá thuê nhà dựa trên các mức phí đăng trên trên Thestudentroom,Flatmaterooms và Roomrental. Lưu ý: Giá trong báo cáo là mức phí trung bình của chi phí cao nhất và thấp nhất cho 1 phòng trong 1 căn hộ thuê chung, cách trung tâm thành phố trong vòng bán kính 5km.

    Bên cạnh địa điểm, yếu tố chất lượng nhà ở và hình thức ở trọ cũng đóng một phần lớn trong việc xác định chi phí. Hầu hết du học sinh Anh sống trong ký túc xá trường năm học đầu trước khi chuyển đến một căn hộ thuê chung với những sinh viên khác. Nhiều trường đại học cho phép sinh viên tự nấu nướng trong học xá, đồng thời có khu nhà ăn riêng, với giá thuê nhà đã bao gồm chi phí các bữa ăn.

    Ăn uống, hàng tiêu dùng: 145 đến 260 bảng Anh/tháng

    Cũng như ở nhiều quốc gia tại châu Âu, giá cả dành cho thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh tại Anh khá đắt. Khi tính toán khoản phí này, bạn cần chuẩn bị một khoảng riêng cho những vật dụng như đồ chùi rửa, vật dụng nhà bếp, xà phòng, dầu gội… Theo đó, tùy vào thói quen chi tiêu, bạn có thể tốn từ £35-£55 mỗi tháng hoặc hơn để mua đồ tạp hóa, gia dụng.

    Trung bình một bữa ăn tại nhà hàng mất khoảng £12. Nếu tự nấu ăn thì bạn sẽ phải dành nhiều chi phí cho việc mua sắm nguyên liệu ở siêu thị, nhưng dù sao đây vẫn là phương án tiết kiệm hơn so với đi ăn ở ngoài hay mua thức ăn sẵn. Nếu chọn phương án này, bạn nên hạn chế chi tiêu trong ngân sách £25 - £42/tuần.

    Tất nhiên khi đã kết bạn và quen thân với bạn chia nhà chung, bạn có thể khám phá ra nhiều cách thông minh hơn như “góp gạo thổi cơm chung” với bạn bè và mua sỉ ở các siêu thị giá rẻ để tận dụng mức giá ưu đãi.

    Chi phí đi lại, Internet, điện thoại, và các tiện ích khác: 70 - 150 bảng Anh/tháng

    Nếu bạn trọ học tại khu học xá của trường thì chi phí thuê phòng nhiều khả năng sẽ bao gồm cả gas, điện, nước và Internet. Còn nếu thuê nhà riêng, bạn sẽ phải tự trả các khoản này. Vì vậy, nhiều sinh viên chọn thuê nhà chung với bạn bè để giảm thiểu các chi phí. Khoản này có thể ở trong bất cứ mức nào, từ £10/ tuần cho toàn bộ các hóa đơn, tùy vào thời gian trong năm.

    Tiền điện thoại tốn ít nhất £15/ tháng, biết rằng chi phí cho dịch vụ di động sẽ dao động tùy vào nhà cung cấp và gói cước bạn đang sử dụng. Về dịch vụ DSL/Internet: Hầu hết các công ty tính phí cơ sở £5/tuần cho đường truyền DSL tiêu chuẩn ở Anh.

    Một khoản chi không thể không tính đến là phương tiện công cộng, vào khoảng £540 - £600/ năm. Trong trường hợp khoảng cách từ nhà đến trường không quá xa, hãy nên tận dụng xe đạp hoặc đi bộ vào những mùa thời tiết thuận lợi. Nếu đi bằng phương tiện công cộng, mỗi tuần bạn cần chi ít nhất £10, nhiều hơn nếu bạn sống ở London. Thế nên, bạn nhớ tìm hiểu kỹ khoảng cách từ nhà đến trường khi chọn chỗ ở.

    Bảo hiểm: 150 – 3000 bảng Anh/năm

    Là sinh viên quốc tế theo học một chương trình toàn thời gian kéo dài trong vòng 6 tháng trở lên, bạn sẽ nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí ở Anh, dưới sự bảo trợ của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS). Tuy nhiên, sinh viên nộp đơn xin visa sang Anh sẽ phải đóng thêm một khoản phụ phí y tế là £150/năm (£75 nếu dưới 6 tháng trong chương trình NHS).

    Chẳng hạn nếu chương trình học của bạn kéo dài 4 năm, bạn sẽ phải trả £675 (£150 mỗi năm, cộng £75 cho thời hạn 4 tháng đến khi visa hết hạn). Ngoài ra, trong quá trình du học ở đây, bạn cũng nên mua các loại bảo hiểm khác như bảo hiểm du lịch, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm nhà ở… tùy theo nhu cầu và yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn cho bản thân và tài sản

    Sách và tài liệu học tập 600 bảng Anh/năm

    Tùy vào khóa học, bạn có thể sẽ chi ít nhất 30 bảng mỗi tháng tiền sách và các tài liệu khác. Các sách học những môn như Tài chính hay Kinh doanh thường rất đắt, có thể lên tới 40, 50 bảng Anh/quyển. Theo kinh nghiệm của các du học sinh Việt Nam tại Anh, sách các chuyên ngành khác có thể rẻ hơn, nhưng có những môn bạn sẽ phải mua đến 2,3 đầu sách một lúc nên tốt nhất là bạn nên tận dụng tối đa thư viện trường hoặc sách điện tử. Ngoài sách, bạn nên dành khoảng £7 một tuần cho các chi phí như in ấn, bút, vở viết… Công cụ quản lý tài chính sau của UCAS sẽ giúp bạn trong khoản này.

    Và cuối cùng nhưng cũng quan trọng không kém: Du lịch, giải trí, thể thao: từ 200 - 800 bảng Anh/năm

    Đi du học không chỉ là lên lớp, đi siêu thị và về nhà. Bạn còn có nhu cầu kết bạn và tham gia các hoạt động xã hội, luyện tập thể thao. Do đó, trong số các khoản phí cần chuẩn bị, bạn cũng cần trích một phần cho việc giải trí, chẳng hạn như đi xem phim (khoảng £10), tập thể hình (phí phòng tập khoảng £30/tháng) hay thử một nhà hàng mới. Tóm lại một buổi tối đi chơi (ngoài Luân Đôn) trung bình sẽ ngốn của bạn chừng £30, chưa kể ở một số dịp, có thể bạn cũng sẽ phải dành ra một khoản để mua quà cho bạn bè (ví dụ như khi được mời đến một bữa tiệc sinh nhật).

    Nhưng giải trí không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với những khoản chi “cắt cổ”! Vương quốc Anh sở hữu rất nhiều công trình lịch sử, văn hóa rất đáng để tham quan (và nhiều trong số đó là các bảo tàng, phòng tranh hoàn toàn mở cửa miễn phí!) Thế nên một khi đã sang Anh, bạn không nên chỉ thu mình lại thành phố du học mà nên tận dụng các kì nghỉ để thăm thú trong nước và cả các quốc gia lân cận. Những chuyến “tham quan thành phố ngắn ngày” (short city-trip) đến các thủ đô châu Âu là cách hay để khám phá những nền văn minh vĩ đại mà không quá tốn kém. Đặc biệt là khi du học Anh, bạn sẽ cần phải xin visa Schengen để có thể đi du lịch châu Âu nên hãy tìm hiểu về chi phí này nữa nhé!

    Tóm lại, trung bình chi phí du học Anh quốc ước tính vào khoảng £22,200 mỗi năm (cho tổng học phí và sinh hoạt phí), và nếu sinh sống học tập tại London, con số này sẽ đắt hơn đáng kể. Nhưng một lần nữa, đây cũng chỉ là con số thống kê trung bình và không có nghĩa là tất cả mọi du học sinh Anh đều chi tiêu ở mức này.

    Đó là lí do trên trang web của các trường đại học ở Vương quốc Anh đều có thể tìm thấy thông tin về mức phí sinh hoạt trung bình của sinh viên trong trường – và con số này có sự chênh lệch rõ rệt như sau:

    • University of Liverpool - £5,500 - £7,000/ năm

    • Essex University - £5,700 - £7,500/ năm

    • University of Manchester - £8,100/ năm

    • Oxford University – £9,750/ năm

    • University of London – approximately £210/ tuần 

    Viethome (theo hotcourses)

  • Là bác sĩ tại một bệnh viện công, ông Trung (Hà Nội) không ngại đi làm thêm để tích cóp tiền cho 2 con trai học ở nước ngoài.

    Dưới đây là chia sẻ của ông Văn Trung, 62 tuổi, một bác sĩ đã về hưu ở Đống Đa, Hà Nội về quyết định cho con đi du học từ chục năm trước. Hai con trai ông đều đã về nước và hiện có cuộc sống sung túc. 

    Mấy năm gần đây, du học hình như trở thành trào lưu, khi tôi thấy hầu như các mối quan hệ xung quanh ai cũng đang tìm cách cho con ra nước ngoài. 15 năm trước, khi quyết định cho cậu con trai đầu du học, thực sự tôi cũng không nghĩ con đường này về sau lại "hot" như vậy. Hồi đó, lý do tôi định hướng cho con đi rất đơn giản: Đi một đàng, học một sàng khôn, đồng thời tránh cơn lốc các tệ nạn xã hội đang càn quét vào các thành phố lớn. 

    Tôi có hai con trai. Cả hai cháu rất hiếu động, mải chơi hơn học. Kết quả học tập ở lớp của các cháu từ cấp một tới cấp 3 không có gì nổi bật. Nhưng tôi đã luôn tin tưởng các con có tố chất trí tuệ và sẽ phát triển tốt nếu gặp môi trường thuận lợi. 

    Năm 2004, con trai lớn của tôi thi đại học và trượt với số điểm suýt soát. Bố bác sĩ, mẹ viên chức, cu cậu có vẻ tự cảm thấy xấu hổ dù gia đình không ai trách. Con ngỏ ý muốn ra nước ngoài học. Hồi đó chưa có nhiều người cho con đi du học. Vợ chồng tôi tìm hiểu rất nhiều nguồn thông tin và cũng nghiêng về hướng cho con đi, nhất là khi thấy khá nhiều con cái của bạn bè, những người xung quanh bị cuốn vào tệ nạn ma tuý. 

    Hai vợ chồng làm công chức, thu nhập không có gì ngoài lương, tài sản chỉ có một căn nhà tập thể cũ, chiếc dream lùn. Tôi tìm hiểu thông tin, lắng nghe nguyện vọng của con và quyết định cho cháu sang Nga học y. Chọn Nga là bởi không cần chứng minh tài chính, thủ tục sang đơn giản, chỉ cần hộ chiếu, bằng tốt nghiệp trung học, học bạ...

    Tiêu chí chọn trường căn cứ vào năng lực, nguyện vọng của con, chọn đất nước, nơi đến phù hợp với điều kiện kinh tế, khả năng của bố mẹ cũng được áp dụng cho cậu út 2 năm sau. Lần này, chúng tôi cho cháu sang Trung Quốc, học về kinh tế, thương mại tại Bắc Kinh. 

    Về sau, tôi càng thấy lựa chọn này của mình là sáng suốt. Cả hai con tôi đều được học ở trường tốt, có môi trường giao lưu quốc tế và bố mẹ không bị quá sức về chi phí. Nếu cho các cháu sang các nước như Anh, Australia, Canada, Mỹ... dù chúng tôi được hỗ trợ để chứng minh tài chính, thì cũng không lo nổi đường dài cho các con. Tôi được biết, tại các nước đó, chi phí cho mỗi cháu học và ăn, ở... một năm có thể lên tới nửa tỷ. Khi bố mẹ không đảm bảo được kinh tế, các con sẽ chịu sức ép rất lớn, thậm chí, tôi như nghe kể, nhiều cháu phải đi làm thêm để tự trang trải, ảnh hưởng tới học hành, thậm chí không theo đuổi được tới cùng. 

    Xác định gia đình mình phải liệu cơm gắp mắm, lúc các con lên đường, tôi chỉ nhắn nhủ con tập trung học tốt và cho chính tương lai của mình, không phải là học cho bố mẹ. Việc của bố mẹ là sống tử tế, làm việc hết mình để kiếm tiền lo cho các con. Bản thân tôi thực sự cũng không kỳ vọng rằng con ra nước ngoài rồi trở về phải thành đạt, kiếm được nhiều tiền. Tôi chỉ đơn giản muốn các cháu ngoài việc tiếp nhận kiến thức còn có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống và có nền tảng để xây dựng cuộc đời theo ý mình, có ích cho đời. Tôi cũng luôn tin tưởng các cháu, thường xuyên động viên, thổi lửa cho con những lúc chùng bước. 

    Sang bên kia, các cháu rất chịu khó học hành, chi tiêu tiết kiệm, biết quyết tâm vượt qua khi gặp khó khăn. Thời đó, trong số những cháu đi du học cùng thời với các con tôi, có tới hơn một nửa là phải bỏ dở, trở về ngang chừng. 

    Để chu cấp cho các con ăn học trong khoảng thời gian đó (con lớn tổng 10 năm, con nhỏ 8 năm), vợ chồng tôi chi hơn 5 tỷ đồng. Đây thực sự là con số quá lớn khi cộng lại và có lúc tưởng như vượt sức. Tôi thực sự đã "cày cuốc" cật lực. Ở nơi làm chính, tôi không nề hà việc gì, dù có tuổi vẫn không ngại trực, học hỏi. Tôi nhận làm thêm tại các bệnh viện tư, đi đào tạo... ngoài giờ. Tuyệt đối không nhận phong bì của bệnh nhân. Nhờ chuyên môn tốt, tôi được mời tới các ca mổ khó, có thù lao tốt và hầu như không lúc nào thiếu việc. Tôi không ngại phải rời nhà từ 5-6h sáng hay đi tỉnh xa hỗ trợ đồng nghiệp.

    Vợ tôi đảm nhận việc cân đối thu chi, lo cho chồng từng bữa ăn giấc ngủ để tôi đảm bảo sức khoẻ. Chúng tôi hầu như không mua sắm gì ngoài những thứ thiết yếu. Trong lúc đồng nghiệp sắm ôtô, đổi nhà mới, tôi vẫn chung thuỷ với căn hộ tập thể hơn 50m2 và chiếc xe đã đi được vài chục năm.

    Năm 2014, trở về nước là con trai cả lập tức đi tìm việc. Cháu nói sẽ tự lực cánh sinh. Cháu chấp nhận vào một bệnh viện công vừa học vừa làm hơn một năm để tích thêm kiến thức và thích nghi với môi trường làm việc trong nước. Sau đó, cháu được một bệnh viện tư lớn mời về làm bác sĩ phẫu thuật. 

    Cậu em khi về nước cũng đi tìm việc rồi vào làm ở vài công ty một thời gian, sau đó tự mở cửa hàng kinh doanh. Hiện cháu đang làm chủ 3 cửa hàng với hơn chục nhân viên. 

    Các con tôi giờ đều đã lập gia đình, có cuộc sống hài lòng với bản thân. Tôi không phải chu cấp cho các cháu nữa nhưng vẫn tiếp tục đi làm thêm sau khi nghỉ hưu. Tôi muốn được làm việc để đầu óc không lão hoá, thêm mối quan hệ và đóng góp cho xã hội. Hơn nữa, tôi và bà xã xác định, bản thân phải tự lo được cho tuổi già, để các con yên tâm sống đời của chúng. 

    Tới bây giờ, tôi luôn thấy quyết định cho con đi du học là đúng đắn. Cái được lớn nhất là các con đã thực sự trưởng thành, có vốn sống phong phú và khả năng thích ứng với cuộc sống, tinh thần tự lập tốt.  Tôi cũng chưa từng thấy mệt mỏi, vất vả vì những năm tháng lao động cật lực để có tiền lo cho con bên xứ người. Tôi biết ơn vì chính có động lực đó cũng góp phần giúp tôi luôn cố gắng phấn đấu trong sự nghiệp, nâng cao tay nghề, cống hiến hết mình. Ở nhà cũ, đi xe cũ thật sự cũng có cái thú riêng và tôi không cần mưu cầu gì hơn. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Báo cáo mới đây của một trang web uy tín về hỗ trợ tìm phòng trọ cho du học sinh trên khắp thế giới, đã khảo sát 120.000 sinh viên tại 125 thành phố trên toàn cầu, qua đó tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa chi phí chỗ ở tại các quốc gia khác nhau và thậm chí là sự khác biệt lớn giữa các thành phố khác nhau trong cùng khu vực.

    Theo một thống kê từ trang student.com - trang web uy tín về hỗ trợ tìm phòng trọ cho du học sinh trên khắp thế giới, Úc đứng đầu trong số các quốc gia đắt đỏ nhất, với chi phí cao hơn 19% so với chi phí trung bình dành cho chỗ ở của sinh viên toàn cầu là 214 USD một tuần. Sinh viên có thể phải trả tới 305 USD mỗi tuần ở Sydney, nơi có trường đại học lâu đời nhất ở Úc.

    Melbourne và Adelaide đứng thứ hai trong số những thành phố đắt đỏ nhất của Úc, với chi phí dành cho chỗ ở có giá 242 USD/tuần.

    Chi phí chỗ ở cao tại Úc có thể là một lời giải thích cho tình trạng nhà ở bất hợp pháp với chi phí thấp. Nhiều sinh viên cho biết họ phải chấp thuê chỗ ở không an toàn và quá đông đúc, có tới tám người ở chung trong một căn phòng với những tấm bìa để ngăn cách giữa các giường hoặc thậm chí phải ở trong các ngôi nhà bỏ hoang.

    Không thể chi trả chi phí cao ngất trong dịch vụ cho thuê nhà có đăng ký hợp pháp, nhiều sinh viên không có lựa chọn nào khác ngoài những căn phòng cho thuê giá rẻ, nơi mà quyền lợi và sự an toàn của họ luôn bị đe dọa.

    Mặc dù Úc là quốc gia đắt đỏ nhất, Mỹ cũng không thua kém khi tại hai thành phố có chi phí thuê nhà cao nhất, Boston và New York, sinh viên sẽ phải tiêu tốn tới 464 USD và 404 USD mỗi tuần.

    Học viện Công nghệ Massachusetts, ngôi trường được xếp hạng là trường đại học tốt nhất thế giới theo Bảng Xếp hạng Đại học Thế giới QS 2019 và Trường Kinh doanh Harvard ở Boston là hai địa điểm mà nếu sinh viên muốn học tại các cơ sở chính có thể phải mất nhiều tiền thuê nhà hơn dẫn đến chi phí sinh hoạt cũng cao hơn.

    Tuy nhiên, ở Mỹ, sinh viên lại có nhiều lựa chọn hơn về nơi ở có chi phí thấp, với 9 địa điểm nằm trong số 20 thành phố rẻ nhất thế giới.

    Oxford ở bang Ohio và Murfreesboro ở bang Tennessee là hai thành phố có chi phí sinh hoạt rẻ nhất dành cho sinh viên, với chi phí dành cho chỗ ở chỉ rơi vào 124 và 123 đô la Mỹ mỗi tuần.

    Mặc dù những thành phố này không nổi tiếng với các trường đại học hay học viện danh giá, nhưng đây lại là một sự thay thế an toàn cho sinh viên muốn đi du học với ngân sách hạn hẹp.

    London đứng thứ 3 trong danh sách các thành phố có chi phí thuê nhà dành cho sinh viên đắt đỏ nhất 2018.

    Nói về sự đắt đỏ, London đứng ngay dưới New York và trên Sydney, với chỗ ở có giá 339 USD mỗi tuần.

    Sinh viên quốc tế muốn theo học tại một trong bốn trường đại học London có trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS, ​​sẽ phải tiêu tốn ít nhất 326 USD so với những nơi khác ở Anh.

    Vương quốc Anh theo xu hướng tương tự như Hoa Kỳ, nơi đây có cả những thành phố có chi phí sinh hoạt rẻ nhất và đắt nhất trên thế giới. Ví dụ như Derby xếp hạng thấp thứ mười ở Anh, với giá thuê nhà mỗi tuần chỉ có 115 đô la Mỹ.

    Singapore là quốc gia rẻ thứ ba theo báo cáo. Tây Ban Nha và Đức cũng là những lựa chọn tốt cho sinh viên với ngân sách eo hẹp, vì cả hai đều có các thành phố nằm trong danh sách 20 thành phố có chi phí thuê nhà sinh viên ít tốn kém nhất và không có thành phố nào trong danh sách đắt đỏ nhất. Cả Pháp và Canada đều nằm giữa bảng xếp hạng khi không có thành phố nào đắt nhất hay ít tốn kém nhất.

    20 thành phố có chi phí thuê nhà dành cho sinh viên đắt đỏ nhất 2018

    1. Boston, Massachusetts, Mỹ
    2. New York, Mỹ
    3. London, Anh
    4. Sydney, Australia
    5. Seattle, Washington, Mỹ
    6. Providence, Rhode Island, Mỹ
      7. San Diego, California, Mỹ
      8. Oxford, Anh
      9. Dublin, Ireland
      10. Cambridge, Anh
      11. Los Angeles, California, Mỹ
      12. Reading, Anh
      13. Melbourne, Australia
      14. Chicago, Illinois, Mỹ
      15. Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ
      16. Wollongong, Australia
      17. York, Anh
      18. Toronto, Canada
      19. College Park, Maryland, Mỹ
      20. Paris, Pháp

    20 thành phố có chi phí thuê nhà dành cho sinh viên rẻ nhất 2018

    1. Albacete, Tây Ban Nha
      2. Johannesburg, Nam Phi
      3. Singapore
      4. Murcia, Tây Ban Nha
      5. Granada, Tây Ban Nha
      6. Tallahassee, Florida, Mỹ
      7. Athens, Georgia, Mỹ
      8. Columbia, Missouri, Mỹ
      9. Alcalá de Henares, Tây Ban Nha
      10. Derby, Anh
      11. Mount Pleasant, Michigan, Mỹ
      12. Gainesville, Florida, Mỹ
      13. Auburn, Alabama, Mỹ
      14. College Station, Texas, Mỹ
      15. Nuremberg, Đức
      16. East Lansing, Michigan, Mỹ
      17. Erlangen, Đức
      18. Sunderland, Anh
      19. Murfreesboro, Tennessee, Mỹ
      20. Oxford, Ohio, Mỹ

    Viethome (theo Dân Trí)