Câu chuyện con đòi cầm 10 triệu du học đang trở thành chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. Có người chê trẻ nhỏ viển vông, có người lại khuyên nên ủng hộ quyết tâm của trẻ.
Học tập tại những quốc gia phát triển là ước mơ của nhiều người. Ảnh: Pexels
“Dù đã phân tích rất nhiều, cháu vẫn khăng khăng không chịu, cứ đòi phải đi du học dù thu nhập cha mẹ chỉ 30 triệu đồng/tháng. Cháu nói sẽ kiếm học bổng 100% rồi đi làm thêm, bố mẹ chỉ cần chu cấp 10 triệu đồng/tháng là được."
Đó là tâm sự của một người mẹ trên một diễn đàn phụ huynh, khi con chị khăng khăng đòi đi du học Mỹ dù gia đình không đủ điều kiện.
Nhiều năm nay, được học tập tại những quốc gia phát triển vẫn là ước mơ của nhiều học sinh, sinh viên tại Việt Nam. Thế nhưng, câu chuyện tài chính vẫn là một trong những nguyên nhân cản bước của nhiều gia đình.
Con muốn du học nhưng cha mẹ không có nhiều tiền
Trong bài viết của mình, nữ phụ huynh nói trên chia sẻ con gái của chị đang học trường chuyên. Em này có ước mơ đi du học Mỹ, đang học SAT, lực thi khoảng 1.500 điểm, IELTS 7.5.
Dù rất mừng vì con có ước mơ và đang cố gắng thực hiện, nữ phụ huynh vẫn rất trăn trở bởi 2 vợ chồng đều là công chức, thu nhập chỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng và nuôi 3 con.
Vì vậy, chị đã phân tích cho con gái lớn hiểu rằng điều kiện kinh tế gia đình không thể chu cấp nếu con đi du học, con có thể học đại học top đầu trong nước, sau đó du học bậc thạc sĩ.
Tuy nhiên, nữ sinh vẫn khăng khăng không chịu, đòi phải đi du học. Mỗi tháng bố mẹ chỉ cần chu cấp cho em 10 triệu đồng, còn lại, em sẽ kiếm học bổng 100% và đi làm thêm.
Tâm sự với Znews, H.M. (27 tuổi, sống ở Hà Nội) cho biết cô cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Gần 4 năm nay, do gia đình gặp biến cố, M. một mình nuôi em (sinh năm 2007). Từ đầu năm lớp 10, em trai của M. cũng ấp ủ dự định du học Mỹ hoặc Canada.
H.M. cho biết em trai của cô học khá tốt, giỏi tiếng Anh nên cũng đặt mục tiêu đến Mỹ theo đuổi ngành Quản trị kinh doanh. Giống như vị phụ huynh trong câu chuyện trên, M. cũng đau đầu vì sợ rằng thu nhập hiện tại của bản thân chưa đủ để chu cấp cho em du học.
Nhiều lần, M. và em trai căng thẳng vì vấn đề này. Cô cũng phân tích cho em hiểu rằng thu nhập của cô không quá cao (chỉ dao động trong khoảng 25-35 triệu đồng/tháng, tùy mức thưởng doanh số hàng tháng).
Bốn năm một mình nuôi em cũng khiến khoản tiền tiết kiệm của M. hao hụt đi nhiều. Cô sợ đến sang năm, nếu em trai thực sự trúng tuyển đại học Mỹ, cô sẽ không kịp xoay xở để lo cho em đi học.
“Em mình quyết tâm du học mình cũng mừng lắm chứ vì ít ra em có mục tiêu, định hướng cụ thể. Nhưng vì thế mà mình cũng lo, vì chi phí du học Mỹ, Canada cao quá. Giả sử, em có được học bổng 100%, mình vẫn phải kham thêm rất nhiều chi phí khác như visa, tiền sinh hoạt, tiền mua tài liệu học tập…”, H.M. bày tỏ sự lo lắng.
Tối thiểu phải có 50.000-80.000 USD/năm
Trao đổi với Znews, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Lê Đình Hiếu tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), chuyên gia cao cấp từ Tổ chức Giáo dục MAX Education, cho biết câu chuyện một bạn trẻ khao khát đi du học là rất phổ biến ở Việt Nam.
Với kinh nghiệm gần 10 năm sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc tại Mỹ, anh Hiếu nhận định đây là đất nước có chi phí cực kỳ đắt đỏ.
Về học phí, với hệ thống hơn 4.000 cơ sở giáo dục sau trung học (2.500-2.700 cơ sở giáo dục đại học), mức chênh lệch học phí giữa các trường cũng rất lớn. Trung bình mỗi năm, du học sinh sẽ phải chi 10.000-70.000 USD cho học phí.
Về sinh hoạt phí, anh Hiếu cho biết con số sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố vùng miền, dao động khoảng 8.000-20.000 USD/năm.
“Như vậy, mỗi năm, tính riêng học phí và sinh hoạt phí, các em cần có 15.000-90.000 USD. Trong trường hợp có học bổng 100% học phí, các em vẫn phải chuẩn bị phí sinh hoạt và các chi phí phát sinh", anh Hiếu nói.
Vị chuyên gia không phủ nhận vẫn có trường hợp sinh viên nhận học bổng toàn phần (bao gồm học phí, sinh hoạt phí…) từ các trường đại học Mỹ.
Tuy nhiên, con số này là rất ít và mức độ cạnh tranh cho những suất học bổng này cũng rất lớn. Đa số, các trường đại học đều cấp học bổng theo phần trăm.
Ngoài học phí và sinh hoạt phí, du học sinh và gia đình cũng cần lường trước các chi phí phát sinh như chi phí liên quan đến y tế (5.000-15.000 USD/năm), chi phí học tập (1.000-1.400 USD/năm), chi phí đi lại (1.000-1.500 USD/năm)...
Bên cạnh đó, du học sinh Mỹ cũng bị hạn chế làm thêm. Nếu có, các em chỉ được phép làm không quá 20 giờ/tuần và chỉ được làm các công việc trong trường đại học.
Cộng dồn các chi phí trên, phụ huynh và học sinh sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về chi phí du học Mỹ.
Trong câu chuyện của nữ phụ huynh nói trên, anh Hiếu cho rằng nếu gia đình chu cấp 10 triệu đồng/tháng (tương đương hơn 400 USD) và nữ sinh này đi làm thêm công việc có mức lương tạm ổn (khoảng 5.000 USD/năm), con số này cũng chỉ vừa đủ cho chi phí sinh hoạt. Đó là trong trường hợp em được cấp học bổng 100% học phí.
“Về cơ bản, gia đình nên chuẩn bị tối thiểu 50.000-80.000 USD/năm để việc du học của con không bị gián đoạn. Việc chuẩn bị tài chính này cần được chuẩn bị từ sớm, ít nhất một năm trước khi con đi du học", anh Hiếu nói và nhận định nếu thu nhập gia đình thuần 30 triệu đồng/tháng, không có tiền để dành và các tài sản khác, sẽ là khó khăn nếu du học Mỹ.
Ủng hộ con nhưng cũng cần minh bạch
Bàn về trường hợp con khăng khăng đòi du học dù cha mẹ không đủ điều kiện, bà Phạm Chi, chuyên viên hướng nghiệp, thạc sĩ Tâm lý học đường, nói rằng cha mẹ có thể khuyến khích con theo đuổi ước mơ, nhưng cũng cần minh bạch với con một số vấn đề.
Theo bà, khi con được quyền tự ra quyết định cho việc học tập của bản thân, các em sẽ cân nhắc kỹ hơn, quyết tâm học tập hơn. Chưa kể, việc để trẻ tự quyết định cũng là cách để các em học kỹ năng tự ra quyết định và chịu trách nhiệm với chính mình.
Nếu trẻ vẫn quyết tâm đi du học với 10 triệu đồng/tháng, bà Chi đề xuất điều thứ nhất, cha mẹ xác định rõ tinh thần với con là nếu con muốn, cha mẹ sẽ cho đi và cha mẹ chỉ chu cấp đúng số tiền đó, còn lại con sẽ tự lo, không được đòi hỏi thêm.
Nếu con quyết tâm xin học bổng 100%, trong thời gian ở Việt Nam, cha mẹ sẽ giúp con về mặt tài chính trong điều kiện có thể.
Điều thứ 2, cha mẹ hãy cùng con bàn phương án dự phòng, “nếu không đi Mỹ được thì sao, phương án tiếp theo của con là gì?”.
Khi trò chuyện cùng con, cha mẹ cần thẳng thắn đặt ra những câu hỏi. Bà Chi tin rằng khi cùng con bàn phương án dự phòng, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm hơn và cũng cảm thấy bản thân được gia đình tôn trọng.
“Cha mẹ cứ minh bạch chuyện tài chính với con và xác định rõ tinh thần nếu con trượt du học Mỹ thì phải tìm phương án thay thế ngay. Tôi tin với những bạn quyết tâm du học, các bạn sẽ còn có nhiều cơ hội khác vì hồ sơ cá nhân, hồ sơ năng lực của các bạn rất đẹp”, bà Chi nhấn mạnh.
Có nhiều phương án để du học
Chung quan điểm, chuyên gia Lê Đình Hiếu cũng khuyên gia đình có thể tìm đến những phương án khác. Thứ nhất, nữ sinh có thể chấp nhận học đại học hàng đầu ở Việt Nam, sau đó du học thạc sĩ như lời phụ huynh khuyên.
“Thông thường, học bổng chính phủ dành cho bậc thạc sĩ nhiều hơn so với bậc cử nhân. Nếu các em tốt nghiệp trường top ở Việt Nam, cơ hội có học bổng cũng cao hơn", vị chuyên gia khuyên.
Thứ 2, các em có thể lựa chọn học 2 năm đầu tại các trường cao đẳng cộng đồng ở Mỹ với chi phí thấp, chỉ bằng một nửa so với đại học. Sau 2 năm, các em có thể làm hồ sơ chuyển tiếp lên đại học và lấy bằng cử nhân của đại học đó. Tại Mỹ, đây là chuyện rất bình thường. Thậm chí, nhiều đại học Mỹ dành ra lượng lớn cơ hội cho sinh viên học chuyển tiếp.
Thứ 3, học sinh có thể đăng ký các chương trình liên kết tại các trường đại học ở Việt Nam. Hiện có rất nhiều đại học liên kết với các trường nước ngoài, không riêng gì Mỹ, phổ biến là chương trình 3+1, 2+2. Nghĩa là các em học những năm đầu ở Việt Nam, các năm sau học tại các trường liên kết.
Thứ 4, anh Hiếu thông tin nhiều trường đại học Mỹ có các cơ sở đặt tại nước ngoài. Các em có thể lựa chọn học tại các cơ sở này với chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Theo ZNews