• Nồi chiên không dầu ngày càng được sử dụng phổ biến vì tính tiện dụng, giảm được dầu mỡ nhưng không ít người có ý định ''tống khứ'' sản phẩm này khi nghe thông tin chất acrylamide sinh ra từ nồi chiên ở nhiệt độ cao có thể gây ung thư. Thực hư việc này thế nào?

    Thời gian gần đây, nhiều tài khoản mạng xã hội đồng loạt chia sẻ một bài viết với nội dung cảnh báo: Nồi chiên không dầu gây ung thư vì ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra lượng lớn acrylamide. Thông tin này khiến không ít người hoang mang bởi hiện nay nồi chiên không dầu là vật dụng nhà bếp hầu như gia đình nào cũng có và sử dụng thường xuyên.

    Liệu thực phẩm được nấu bằng nồi chiên không dầu có thể gây ung thư cho người ăn và dùng thiết bị này như thế nào để hạn chế được các nguy cơ (nếu có)? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Trương Hoàng Hưng, chuyên gia Nhi khoa tại bang Texas, Mỹ, sẽ cho bạn câu trả lời xác đáng:

    noi chien khong dau gay ung thu
    Nồi chiên không dầu được nhiều gia đình sử dụng (Ảnh minh họa)

    Acrylamide là gì?

    Acrylamide là một hóa chất được dùng nhiều trong công nghiệp dưới dạng polyacrylamide and acrylamide copolymers.

    Trong thức ăn, acrylamide được tạo ra từ phản ứng của amino acid asparagine và đường ở nhiệt độ cao. Asparagine có trong các loại thức ăn có nguồn gốc thực vật, đặc biệt là khoai tây và các loại ngũ cốc.

    Các loại thực phẩm có thể chứa acrylamide là: khoai tây chiên, bánh mì, bánh làm từ bột ngũ cốc, ngũ cốc, cà phê.

    Ngoài ra, acrylamide còn được tìm thấy trong khói thuốc lá.

    Chúng ta tiếp xúc với acrylamide chủ yếu từ thức ăn và khói thuốc lá, mà khói thuốc lá chứa nhiều acrylamide hơn thức ăn. Lượng acrylamide trong máu người hút thuốc cao hơn 3-5 lần so với người không hút thuốc.

    Lượng acrylamide trong thức ăn phụ thuộc chủ yếu vào thời gian nấu và nhiệt độ, nhiệt độ càng cao và nấu càng lâu thì càng nhiều acrylamide được tạo ra.

    Giữa 3 phương pháp nấu ăn thì nồi chiên không dầu có nhiệt độ 120-180 độ C, nướng có thể tới 320 độ C, dầu chiên có thể lên tới 300 độ C. Như vậy nồi chiên không dầu tạo ra acrylamide ít hơn so với chiên dầu và nướng.

    Các thức ăn từ sữa, thịt, cá không tạo ra acrylamide khi được nấu ở nhiệt độ cao.

    Acrylamide có độc hại không?

    Theo nghiên cứu trên động vật, khi cho acrylamide vào nước uống ở liều cao thì làm tăng nguy cơ ung thư trên một số cơ quan của con vật.

    Ở đây, chúng ta cần chú ý 2 vấn đề: Liều cao và tăng nguy cơ, có nghĩa là tiếp xúc phải đủ nhiều và đủ lâu, tăng nguy cơ không có nghĩa là tiếp xúc với acrylamide là sẽ bị ung thư mà tỷ lệ ung thư sẽ cao hơn mà thôi.

    Các nghiên cứu trên người vẫn chưa thấy mối liên hệ rõ ràng là acrylamide sẽ làm tăng nguy cơ ung thư trên người, một khó khăn là rất khó để định lượng được lượng acrylamide từ thức ăn một người tiêu thụ. Hơn nữa độ hấp thu và chuyển hóa acrylamide trên cơ thể người cũng khác trên cơ thể động vật.

    Tuy nhiên vì acrylamide có thể làm tổn thương cấu trúc DNA trên động vật nghiên cứu nên Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã xếp acrylamide vào loại hóa chất có hại cho sức khỏe và đưa ra các biện pháp nhằm giảm acrylamide trong thức ăn chứ không cấm.

    Vậy thực sự dùng nồi chiên không dầu có gây ung thư?

    Sau khi đọc tới đây, chắc bạn đã hiểu là nồi chiên không dầu không phải là tội phạm gây ung thư. "Thủ phạm" chính là chúng ta. Khi quyết định ăn món khoai tây chiên đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận ăn thêm một chút acrylamide trong khi thưởng thức món này, dù là chiên dầu hay không dầu hoặc nướng.

    So ra dùng nồi chiên không dầu còn tốt hơn chiên dầu hay nướng nhiều vì tạo ít acrylamide hơn và ít dầu mỡ hơn, như vậy, rõ ràng nó có công hơn là có tội.

    Bản thân tôi có 3 nồi chiên không dầu: Một chiếc ở nhà, một chiếc ở chỗ làm, và mới mua một cái cho con gái sử dụng trong ký túc xá.

    Tôi có tiếp tục ăn khoai tây chiên không? Tôi vẫn sẽ ăn khi thèm khoai tây chiên, chỉ là không ăn thường xuyên. Tôi sẽ chiên nhanh hơn ở nhiệt độ thấp hơn (160-180 độ C), và tránh để khoai tây lâu trong tủ lạnh, ngâm trong dung dịch chứa giấm ăn pha loãng trước khi chiên, sấy khô nhanh bằng lò nướng với khí nóng sau khi chiên dầu cũng giúp giảm acrylamide tới 70-80% trong một nghiên cứu.

    Việc tránh acrylamide hoàn toàn là một chuyện bất khả thi. Trong một khảo sát trên hàng ngàn người ở Mỹ, 99,9% mẫu máu có dấu vết của acrylamide, quan trọng là liều lượng. Thuốc và độc chất chỉ khác nhau ở liều lượng mà thôi, không tin bạn thử uống 10 lít nước mỗi ngày trong một tuần thử xem sao, bạn sẽ nhập viện vì co giật.

    Theo Kênh 14

  • Một nhà kinh tế học người Brazil đã tự chôn cất 3 người con liên tiếp qua đời vì căn bệnh ung thư trong vòng chưa đầy 5 năm. Có lẽ, đây là điều bất hạnh hiếm có ai phải trải qua.

    Theo đó, năm 2009, nhà kinh tế học Régis Feitosa là người đầu tiên trong gia đình được chuẩn đoán mắc ung thư máu. Khi đó, ông lo ngại các căn bệnh ung thư có liên quan với nhau và quyết định làm xét nghiệm di truyền. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy Régis mắc hội chứng Li-Fraumeni ( LFS) - rối loạn di truyền hiếm gặp làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

    "Kết quả cho thấy có một sự thay đổi trong gen của tôi và không may nó cũng đã di truyền sang các con tôi. Điều đó tăng khả năng xuất hiện ung thư", Régis (53 tuổi) nói.

    Đến năm 2016, cả 3 người con của Régis được xác định có chung gen đột biến hiếm gặp di truyền từ cha dẫn đến hội chứng Li-Fraumeni. Hội chứng ung thư di truyền lần đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 bởi tiến sĩ Frederick Li và Joseph Fraumeni từ Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ. Những thành viên trong gia đình mắc hội chứng này thường có nguy cơ mắc ung thư di truyền cao ở nhiều thế hệ và độ tuổi phát hiện ung thư khá sớm (thường trước 30 tuổi). Đáng nói, hội chứng LFS chỉ ảnh hưởng đến 5 trong số 20.000 gia đình trên toàn cầu.

    Regis Feitosa 1Régis Feitosa bên hai con lớn Anna Carolina (giữa) và Pedro. Ảnh: Instagram

    Dù biết trước nguy cơ, nhà kinh tế học người Brazill không thể làm gì để ngăn chặn căn bệnh ung thư sẽ cướp đi tính mạng của các con mình.

    Con gái út của Régis là Beatriz được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính (một loại ung thư máu) vào năm 2017 khi mới 9 tuổi. Cô bé sau đó được ghép tủy nhưng ung thư tái phát khiến cô qua đời chỉ một năm sau đó vào ngày 24/6/2018 khi mới 10 tuổi.

    Régis tiếp tục mất con trai Pedro vào ngày 30/11/2020. Pedro phát hiện bị ung thư xương năm 17 tuổi và được chữa khỏi sau nhiều lần điều trị cũng như tái phát bệnh. Tuy nhiên sau đó, Pedro được chuẩn đoán mắc ung thư não vào năm 2019 và qua đời ở tuổi 22.

    Regis Feitosa 1Régis Feitosa và con gái út Beatriz. Ảnh: Instagram

    Bi kịch chưa dừng lại khi Feitosa tiếp tục chứng kiến con gái cả Anna Carolina qua đời bởi căn bệnh ung thư quái ác. Carolina cũng được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính khi mới 12 tuổi vào năm 2009. Cô chữa khỏi ung thư sau một đợt điều trị kéo dài ba năm bao gồm xạ trị và hóa trị. Khi trưởng thành, Carolina trở thành bác sĩ nhưng sau đó được chẩn đoán mắc u não vào năm 2021 và qua đời ngày 19/11/2022 ở tuổi 25.

    "Trong 4 năm rưỡi, tôi mất tất cả các con", nhà kinh tế học Regis Feitosa - người đang chiến đấu với căn bệnh ung thư máu và hạch - nói.

    Régischo biết cha mẹ ông không mắc chứng rối loạn di truyền. Theo bệnh viện Cleveland, bất kỳ người nào mắc hội chứng Li-Fraumeni đều có 90% khả năng được chẩn đoán mắc một hoặc nhiều loại ung thư tại bất kỳ thời điểm nào trong đời và 50% khả năng mắc bệnh trước 30 tuổi.

    Phụ nữ khi sinh ra mắc hội chứng Li-Fraumeni có gần 100% khả năng được chẩn đoán mắc ung thư vú.

    "Hội chứng Li-Fraumeni xảy ra khi có thứ gì đó thay đổi trong gen TP53, gen chứa hướng dẫn tạo ra một loại protein có tên là protein khối u 53 hoặc P53.

    Protein P53 đóng vai trò kiểm soát khối u và có thể giữ cho các tế bào không bị phân tách và phát triển quá nhanh hoặc theo kiểu không thể kiểm soát trước khi hình thành khối u.

    Regis Feitosa 1Nhà kinh tế học người Brazil, người mắc bệnh bạch cầu mãn tính và ung thư hạch không Hodgkin được lấy máu khi đi khám bác sĩ - Ảnh: Instagram

    Khi gen TP53 của bạn thay đổi, protein P53 cũng thay đổi theo, làm mất phần tạo ra P53. Nếu không có protein P53 hoạt động bình thường, các tế bào có thể phân chia không kiểm soát và trở thành ung thư", theo trang web của bệnh viện.

    Hiện Régis vẫn đang được điều trị bệnh ung thư máu và ung thư hạch không Hodgkin. Ông cho biết, bản thân chưa bao giờ cảm thấy tội lỗi vì đã di truyền hội chứng Li-Fraumeni cho ba con.

    "Các con tôi nói tôi cũng là nạn nhân giống như chúng. Hiện quan điểm của tôi là phải sống mãnh liệt với niềm vui tột độ. Con trai tôi từng nói một câu rằng: Không ai đo được nỗi đau của người khác và chúng ta phải sống cuộc đời của mình", Régis nói.

    Các loại ung thư phổ biến nhất được tìm thấy trong các gia đình mắc hội chứng Li-Fraumeni (LFS) bao gồm ung thư sarcoma xương, ung thư sarcoma mô mềm, bệnh bạch cầu cấp, ung thư vú, ung thư não và u tuyến thượng thận. Báo cáo cũng cho thấy LFS gây tăng nguy cơ mắc ung thư hắc tố da, khối u Wilms (một loại ung thư thận) và ung thư dạ dày, đại tràng, tuyến tụy, thực quản, phổi và tế bào mầm tuyến sinh dục (cơ quan sinh dục).

    Theo Thể thao & Văn hóa

  • Một thử nghiệm thuốc điều trị ung thư trên quy mô nhỏ mới đây đã cho thấy kết quả tích cực, tất cả 12 bệnh nhân ung thư trực tràng đã được chữa khỏi hoàn toàn.

    Theo đài RT (Nga), sau khi được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch thử nghiệm, các bệnh nhân ung thư trực tràng đã nhận thấy tình trạng bệnh của họ thuyên giảm. Kết quả trên được đưa ra sau thử nghiệm thuốc lâm sàng nhỏ do Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York thực hiện. Kết quả của nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England vào ngày 5-6.

    Một trong những người tham gia thử nghiệm - bà Sascha Roth nói với New York Times rằng, bà đang chuẩn bị đến Manhattan trong nhiều tuần để xạ trị, thì kết quả từ Memorial Sloan Kettering thông báo rằng bà đã khỏi bệnh ung thư. “Tôi đã nói với gia đình mình, nhưng họ không tin tôi”, bà Roth cho biết.

    thuoc tri ung thu

    Kết quả tương tự cũng đến với những bệnh nhân khác tham gia thử nghiệm. Theo đó, tế bào ung thư dường như đã biến mất trong cơ thể họ và không thể phát hiện ra bằng cách khám sức khỏe, nội soi, chụp PET hoặc MRI.

    Một trong những tác giả của nghiên cứu mô tả chi tiết về cuộc thử nghiệm - Tiến sĩ Louis A. Diaz Jr. tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering - nói với tờ New York Times rằng, ông chưa từng thấy nghiên cứu nào khác về phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh ung thư ở mọi bệnh nhân. Ông nói: “Tôi tin rằng đây là lần đầu tiên điều này xảy ra trong lịch sử điều trị bệnh ung thư”.

    Tất cả bệnh nhân tham gia thử nghiệm đều bị ung thư trực tràng tiến triển cục bộ - có nghĩa là các khối u đã di căn trong trực tràng và đôi khi đến các hạch bạch huyết nhưng không đến các cơ quan khác - cũng như khối u có đột biến gen hiếm gặp được gọi là thiếu hụt sửa chữa không phù hợp (MMRd).

    Họ đã được điều trị trong 6 tháng bằng một loại thuốc trị liệu miễn dịch có tên là Dostarlimab của GlaxoSmithKline - công ty dược phẩm tài trợ cho nghiên cứu. Thuốc Dostarlimab có giá khoảng 11.000 USD/liều và được dùng cho bệnh nhân 3 tuần/lần trong suốt 6 tháng.

    Tiến sĩ David Agus, cộng tác viên y tế của CBS News, giải thích rằng, loại thuốc này hoạt động bằng cách làm lộ rõ các tế bào ung thư để hệ thống miễn dịch có thể xác định và tiêu diệt chúng. Ông nói: “Phương pháp điều trị mới này là một loại liệu pháp miễn dịch - phương pháp điều trị chặn tín hiệu trên các tế bào ung thư, cho phép hệ miễn dịch loại bỏ chúng".

    Các bệnh nhân tham gia thử nghiệm cũng không phát hiện dấu hiệu ung thư ngay cả sau 6 tháng theo dõi trở lên. Điều này giúp họ không còn cần đến các phương pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Theo báo cáo, bệnh ung thư đã không tái phát ở bất kỳ bệnh nhân nào, những người hiện đã không còn ung thư trong vòng từ 6 đến 25 tháng sau khi thử nghiệm kết thúc.

    Một điều đáng chú ý là không có bệnh nhân nào tham gia thử nghiệm phải chịu bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào do thuốc, không giống như những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị, những tác dụng vĩnh viễn đối với khả năng sinh sản, sức khỏe tình dục cũng như chức năng ruột và bàng quang.

    Sau thành công đáng khích lệ của thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đồng ý rằng, thử nghiệm này phải được nhân rộng trong một nghiên cứu lớn hơn nhiều. Các nhà nghiên cứu cho biết, nghiên cứu nhỏ vừa qua chỉ tập trung vào những bệnh nhân có dấu hiệu di truyền hiếm gặp trong khối u. Tuy nhiên, tỷ lệ thuyên giảm 100% ở các bệnh nhân là một dấu hiệu đầy hứa hẹn.

    Thử nghiệm tiếp theo dự kiến sẽ được thực hiện trên khoảng 30 bệnh nhân, điều này sẽ cung cấp một bức tranh rõ hơn về mức độ an toàn và hiệu quả của loại thuốc mới.

    Theo Hanoimoi

  • Điều quan trọng nhất là mọi người phải tìm hiểu thêm về căn bệnh này, chấm dứt văn hóa im lặng xung quanh căn bệnh ung thư chết chóc nhất ở Anh”.

    Mới đây, Tổ chức từ thiện Ung thư Tuyến tụy Vương quốc Anh đã cảnh báo về căn bệnh ung thư chết chóc nhất nước Anh. Theo đó, bệnh ung thư tuyến tụy có tỷ lệ sống sót thấp nhất trong số các bệnh ung thư phổ biến ở Anh.

    Tổ chức Ung thư Tuyến tụy Vương quốc Anh cho biết hơn một nửa số người mắc bệnh ung thư tuyến tụy chết trong vòng ba tháng sau khi được chẩn đoán.

    Ung thư tuyến tụy là 1 trong 11 loại ung thư phổ biến nhất ở Anh và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư cao thứ sáu.

    Căn bệnh này ảnh hưởng đến tuyến tụy – một phần của hệ tiêu hóa. Tuyến tụy là một tuyến dài nằm phía sau dạ dày và nằm dưới gan. Nó có hai chức năng chính: tiết enzym tiêu hóa vào ruột để giúp phân hủy thức ăn, giải phóng các hormone insulin và glucagon để điều chỉnh lượng đường trong máu.

    Ung thư tuyến tụy xảy ra khi các tế bào ác tính - ung thư - hình thành trong các mô của tuyến tụy. Tuyến tụy là một tuyến dài nằm phía sau dạ dày và nằm dưới gan. 

    ung thu tuyen tuy

    Mặc dù đây là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 11 ở Anh, nhưng nhiều người vẫn đến viện khi quá muộn. Một cuộc khảo sát "đáng lo ngại" cho thấy gần 1/3 số người tham gia khảo sát đã bỏ qua các triệu chứng của ung thư tuyến tụy.

    Cuộc khảo sát này được tổ chức bởi công ty nghiên cứu thị trường Savanta ComRes, thay mặt cho Ung thư Tuyến tụy Vương quốc Anh, với hơn 2.000 người trưởng thành tham gia.

    Khảo sát cho thấy 28% người tham gia chỉ đến bệnh viện 3 tháng sau khi xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, 31% trì hoãn việc gặp bác sĩ lâu hơn bình thường do đại dịch COVID-19.

    Theo Tổ chức Ung thư Tuyến tụy Vương quốc Anh, có bốn triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tụy mà mọi người không nên bỏ qua. Nếu bạn bị đau lưng, khó tiêu, đau bụng và sụt cân trong hơn bốn tuần, bạn cần đến gặp bác sĩ, tổ chức này khuyến cáo.

    Và tổ chức này nói rằng bất cứ ai bị chứng vàng da, tức là làn da và tròng trắng của mắt có màu vàng, nên đến phòng cấp cứu ngay lập tức.

    Diana Jupp, Giám đốc điều hành của Tổ chức Ung thư Tuyến tụy Vương quốc Anh, cho biết: "Thật đáng lo ngại khi biết rằng có rất nhiều người đã không đến gặp bác sĩ trong một thời gian dài. Ung thư tuyến tụy đã không biến mất vì COVID-19 và tôi khuyến cáo bất kỳ ai có các triệu chứng dai dẳng, không rõ nguyên nhân nên đến bệnh viện.

    "Không có thời gian để chờ đợi với bệnh ung thư tuyến tụy. Hàng nghìn người mỗi năm… đã đến viện khi quá muộn và không thể làm gì được. Điều này phải được cải thiện.

    "Chúng tôi không muốn mọi người hoảng sợ nếu họ có một số hoặc tất cả các triệu chứng này, bởi vì hầu hết những người có những triệu chứng này đều không bị ung thư tuyến tụy.

    "Nhưng điều quan trọng nhất là mọi người phải tìm hiểu thêm về căn bệnh này, nói chuyện với những người thân yêu của họ, và giúp chúng tôi chấm dứt văn hóa im lặng xung quanh căn bệnh ung thư chết chóc nhất ở Anh".

    Theo The Sun

  • Theo các nghị sĩ Anh, hiện có tới 100.000 người khác có thể lỡ cơ hội điều trị ung thư do ảnh hưởng của đại dịch. Trong đó, có nhiều cái chết có thể ngăn chặn được.

    tham khoa ung thu

    Trước tình trạng này, các nghị sĩ đã viết thư cho Thủ tướng Anh Boris Johnson, nhằm kiến nghị chính phủ giải quyết thảm họa ung thư này tương tự như nỗ lực thực hiện tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

    "Chính phủ đã làm mọi cách để cứu mạng sống của người dân trong dịch COVID-19. Đã tới lúc cần làm tương tự với bệnh nhân ung thư" - nhóm các nghị sỹ Anh cho biết.

    Kể từ khi nhiều vùng tại Anh bị phong tỏa hồi tháng 3/2020, hàng triệu người đã bị gián đoạn trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư. Một số người cho rằng bệnh nhân ung thư là những người chịu "vạ lây" khi ngành y tế tập trung vào COVID-19.

    Ước tính, có thể có tới 50.000 người mắc ung thư mà chưa được chẩn đoán do đại dịch COVID-19 cản trở. Con số này có thể tăng lên tới 100.000 người vào thời điểm Anh thoát khỏi đại dịch.

    Chẩn đoán sớm và điều trị ngay là điều quan trọng, quyết định cơ hội sống của bệnh nhân. Cứ trì hoãn 4 tuần điều trị thì nguy cơ tử vong tăng thêm 10%. Năm 2020 là năm mà số người bắt đầu điều trị ung thư thấp nhất ở Anh trong 10 năm qua.

    Chỉ riêng các ca phẫu thuật liên quan ung thư đã giảm 21.700 trong làn sóng COVID-19 đầu tiên. Số người gặp chuyên gia vì nghi ngờ mắc ung thư đã giảm 330.000 trong giai đoạn tháng 3 và tháng 12/2020, khi mà thông điệp ở nhà do chính phủ đưa ra đã khiến mọi người hoãn đi kiểm tra.

    Giáo sư Pat Price, bác sĩ chuyên khoa ung thư hàng đầu ở Anh, cảnh báo rằng trì hoãn sẽ khiến nhiều bệnh nhân khi đến lượt được chẩn đoán thì đã mắc ung thư ở giai đoạn sau. Ngoài ra, COVID-19 cũng khiến 4,52 triệu người phải chờ đợi để được điều trị các loại bệnh khác.

    Theo VTV

  • chien thang hiv 1
    "Bệnh nhân London" - Adam Castillejo, người thứ 2 trên thế giới chữa khỏi căn bệnh HIV

    Anh là Adam Castillejo, người không chỉ chiến thắng căn bệnh HIV mà còn cả bệnh ung thư bạch cầu nữa. Câu chuyện của người đàn ông này thực sự là một nguồn cảm hứng lớn.

    Cách đây một năm, các nhà khoa học đã công bố bệnh nhân thứ 2 trên thế giới được chữa khỏi hoàn toàn "căn bệnh thế kỷ" - HIV, người đó được biết đến với biệt danh là "bệnh nhân London". Và đến bây giờ, anh ta đã bước ra khỏi bóng tối, tự công khai danh tính của mình: Anh là Adam Castillejo.

    Với chiều cao khoảng 1m83, khỏe mạnh, mái tóc dài và đen cùng nụ cười thân thiện, anh Castillejo, 40 tuổi cho thấy bản thân đang sống khỏe mạnh và vui vẻ hơn bao giờ hết. Hành trình gần 1 thập kỷ chữa HIV của anh thực sự không hề dễ dàng, nó cực kỳ gian khổ và nhiều lúc khiến Castillejo nản lòng. Trước khi đưa ra quyết định công khai danh tính này, người đàn ông 40 tuổi đã phải suy nghĩ, dằn vặt bản thân rất nhiều nhưng cuối cùng, anh đã đưa ra quyết định vì Castillejo nhận ra rằng câu chuyện của mình truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về sự lạc quan.

    "Đây là một vị trí đặc biệt, và nó là duy nhất. Tôi muốn mình trở thành đại sứ của niềm hi vọng." – Castillejo nói.

    Tháng 3 năm ngoái, các nhà khoa học đã thông báo rằng anh Castillejo, người được biết tới là "bệnh nhân London" đã được chữa khỏi HIV sau khi người ta thực hiện ghép tủy mới để điều trị căn bệnh ung thư bạch cầu của anh. Các tủy xương được cấy đã mang theo một dị biến làm cản trở khả năng của HIV xâm nhập vào cơ thể. Có thể hiểu rằng, nó đã thay thế toàn bộ hệ thống miễn dịch của Castillejo bằng một loại kháng thể chống virus. Mặc dù thành công nhưng cách tiếp cận này chỉ hiệu quả trong trường hợp của Castillejo nên nó không được áp dụng rộng rãi vì những rủi ro đi kèm.

    Chỉ có một người duy nhất được chữa khỏi HIV là Timothy Ray Brown vào năm 2008, được biết tới với biệt danh "bệnh nhân Berlin" và thành công này cũng phải trải qua không ít nỗ lực, nếm trải nhiều lần thất bại. Thực tế, vào mùa xuân năm ngoái, bác sĩ điều trị cho anh Castillejo cũng không thể khẳng định rằng anh đã được loại bỏ hoàn toàn HIV. Vì thế họ chỉ xoay quanh từ "chữa" chứ không nói rằng đó là "sự thuyên giảm".

    Tuy vậy, tin tức này cũng đã thu hút được sự chú ý của thế giới, bao gồm cả Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Và khi phương pháp này được xác nhận là một cách có thể chữa được HIV, các nhà nghiên cứu đã vô cùng phấn khởi.

    "Đây không phải là chỉ là ngẫu nhiên mà nó là bất ngờ lớn. Phát hiện này thực sự quan trọng và là một bước tiến mới trong lĩnh vực này."- Richard Jefferys, giám đốc tại Treatment Action Group cho biết.

    Nhưng với bản thân Castillejo, những trải nghiệm của anh hoàn toàn giống như một giấc mơ. Anh đã thấy hàng triệu người trên thế giới phản ứng lại với tin anh được chữa khỏi HIV và tò mò về danh tính thật của mình. "Tôi xem TV, và cảm giác của tôi kiểu như: "Ồ, họ đang bàn tán về mình". Nó thật kỳ lạ."- anh Castillejo nói. Dẫu vậy, anh vẫn quyết định giấu kín danh tính của mình cho đến vài tuần trước.

    chien thang hiv 1
    Câu chuyện gần 10 năm chiến đấu với hai căn bệnh khó chữa nhất: ung thư bạch cầu và HIV của Castillejo thực sự truyền cảm hứng

    Được biết, anh muốn chắc chắn rằng bản thân không còn virus HIV nữa. "Chúng tôi nghĩ trường hợp này đã được chữa khỏi hoàn toàn. Bởi vì đã hơn 1 năm và chúng tôi đã làm xét nghiệm rất nhiều lần." – Bác sĩ Ravindra Gupta thuộc đại học Cambridge cho hay.

    Sau khi trao đổi quyết định của mình với bác sĩ, bạn bè và mẹ, Castillejo quyết định đây là thời điểm tốt nhất để anh kể câu chuyện của mình cho toàn thế giới. Sinh ra và lớn lên ở Caracas, Venezuela. Năm 2002, Castillejo chuyển đến Copenhagen (Đan Mạch) và London (Anh). Năm 2003, anh phát hiện mình bị nhiễm HIV.

    "Đó là một trải nghiệm tồi tệ. Ở thời điểm đó, tôi mới chỉ 23 tuổi và kết luận bị nhiễm HIV không khác nào án tử." – anh Castillejo nói rằng mình đã vô cùng sợ hãi và suy sụp lúc đó.

    chien thang hiv 1

    Với sự giúp đỡ của bạn gái, anh Castillejo đã kiên trì chống chọi. Anh tìm được công việc làm bếp phó tại một nhà hàng. Castillejo tự tạo cho mình một lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ và thường xuyên tập thể dục, cũng như đạp xe, chạy bộ, bơi lội...anh nỗ lực để cho bản thân luôn suy nghĩ đến những điều tích cực.

    Sau đó, đến năm 2011, tai họa tiếp tục ập đến với người đàn ông này. Khi Castillejo đang ở thành phố New York thăm một vài người bạn thì bỗng nhận được cuộc gọi từ một y tá nơi phòng khám mà anh thường xuyên ghé tới. Cô ấy hỏi anh đang ở đâu và yêu cầu Castillejo quay trở về London gấp để thực hiện thêm một số xét nghiệm vì nghi ngại vài điều về sức khỏe của anh.

    Và ca xét nghiệm có kết quả rằng Castillejo đang mắc bệnh ung thư bạch cầu giai đoạn 4. "Tôi không thể quên được cảm xúc lúc đó, thế giới dường như đã quay lưng lại với tôi. Lại thêm một án tử nữa." – Castillejo chia sẻ.

    chien thang hiv 1
    Tai họa liên tiếp ập tới, cũng đã có lúc Castillejo cảm thấy tuyệt vọng và tìm đến cái chết.

    Quả thực thật không dễ dàng gì để điều trị 2 căn bệnh cùng một lúc, Castillejo đã dành nhiều năm để thực hiện hóa trị cũng như nhiều liệu pháp kết hợp để chữa bệnh. Cứ mỗi lần thất bại, hi vọng của anh lại càng bị kéo xuống sâu hơn. Nhìn những bệnh nhân khác, có người đã chết và cũng có người tiến triển hơn khiến tâm trạng của anh rất lẫn lộn vì mỗi khi đến phòng khám, cơ thể của anh lại yếu dần đi.

    "Tôi đã phải đấu tranh tâm trí rất nhiều, cố nhìn về hướng tươi sáng nhưng nó cứ lịm dần đi." – Castillejo nói.

    Có lẽ bước ngoặt đến từ khoảng thời gian cuối năm 2014, khi mọi đau đớn và khổ sở về cả cảm xúc lẫn thể xác đạt đỉnh điểm, ngoài sức chịu đựng, Castillejo đã biến mất trước Giáng sinh năm đó 2 tuần. Bạn bè và người thân lúc đó đã nghĩ đến điều xấu nhất có thể xảy ra và đã báo cảnh sát rằng anh mất tích. Nhưng 4 ngày sau đó, Castillejo xuất hiện ở ngoại ô London, anh cũng không hề nhớ vì sao mình lại có mặt ở đó. Khoảng thời gian đó được Castillejo miêu tả là "nút công tắc" cho cuộc đời anh.

    Castillejo nói rằng anh đã cảm thấy tuyệt vọng, muốn buông bỏ. Anh đã tìm đến Dignitas – một công ty của Thụy Sĩ chuyên giúp những bệnh nhân lâu năm kết thúc cuộc sống của họ. "Tôi đã kiệt sức, lúc đó tôi cần phải kết thúc cuộc sống đau khổ này." Nhưng bằng cách nào đó, anh đã thay đổi suy nghĩ, quyết định sống mái một phen, dành hết phần đời còn lại của mình để chiến đấu với bệnh tật.

    Cũng trong mùa xuân năm 2015, bác sĩ nói rằng anh sẽ không thể sống được đến Giáng sinh. Phẫu thuật ghép tủy có thể khiến bệnh nhân bị yếu đi rất nhiều, đặc biệt là Castillejo còn mang trong mình "căn bệnh thế kỷ"- HIV. Các bác sĩ chữa bệnh lúc đó cho anh không có đủ chuyên môn để thực hiện điều này. Điều này giống như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào ngọn lửa quyết tâm của Castillejo vậy.

    May mắn thay, bên cạnh Castillejo còn người bạn thân – Peter, người đã sát cánh cùng anh trong cuộc chiến này. Cả hai cùng tìm kiếm giải pháp khác và họ đã phát hiện ra bác sĩ Ian Gabriel – một chuyên gia trong lĩnh vực ghép tủy, kể cả đối với những bệnh nhân mắc HIV.

    Đánh đổi hết tất cả vào lần cuối cùng này, Castillejo tìm đến bác sĩ Gabriel. Vị bác sĩ sau đó đã thử dùng chính tế bào gốc của Castillejo để tiến hành cấy ghép nhưng không hiệu quả dù đã thử nghiệm nhiều lần. Ông giải thích rằng gốc gác Latin của Castillejo là một trở ngại trong việc tìm kiếm người hiến tạng phù hợp. Nhưng không biết đây có phải là phép màu hay không khi Castillejo đã tìm thấy được một người phù hợp và ca ghép tạng sản sinh ra 1 đột biến gọi là Delta 32, nó làm cản trở sự lây lan của HIV đồng thời cũng ức chế cả tế bào ung thư trong cơ thể của Castillejo.

    chien thang hiv 1
    Bác sĩ Ian Gabriel, một chuyên gia trong lĩnh vực ghép tủy là niềm hi vọng lúc đó của Castillejo.

    Mùa thu năm 2015, khi Castillejo đang ngồi trên xe bus, anh đã nhận được cuộc gọi từ bác sĩ Gabriel. Thời khắc đó giống như một tia sáng vừa hé lên nơi con đường tối tăm mà Castillejo đang đi, chỉ cách đấy vài tuần, anh còn phải nghe tin mình sắp chết nhưng giờ đây, Castillejo vừa biết rằng mình có thể được chữa cả ung thư lẫn HIV.

    "Lúc đó tôi đang cố trấn tĩnh để hiểu được điều gì đang diễn ra. Nhưng điều tôi nhớ nhất là sau cuộc gọi đó, tôi đã cười lên thật to, thật vui sướng." – Castillejo hồi tưởng. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ mới bắt đầu đối với "bệnh nhân London".

    Khi xuất hiện khả năng chữa được HIV, ngay lập tức trường hợp của Castillejo được chú ý. Bác sĩ Edwards, người đã khám bệnh cho Castillejo từ năm 2012 đã kết nối anh với bác sĩ Gupta – bạn đồng nghiệp cũ và cũng là một nhà nghiên cứu virus, đặc biệt là HIV. Bác sĩ Gupta bắt đầu theo dõi tình trạng virus HIV trong người của Castillejo. Đến cuối năm 2015, khi anh đang chuẩn bị thực hiện ghép tủy thì phát hiện số lượng virus HIV trong người "bệnh nhân London" bỗng tăng lên và kháng lại thuốc điều trị.

    chien thang hiv 1
    Bác sĩ Simon Edwards, người đã khám chữa bệnh cho Castillejo từ năm 2012.

    Điều này cung cấp một cái nhìn mới cho bác sĩ Gupta về HIV và cho phép ông nhận định rằng nó hoàn toàn có thể bị loại bỏ bởi ca ghép tạng. Và phải mất đến vài tháng điều chỉnh, ngày 13/05/2016, Castillejo chính thức được phẫu thuật.

    Nếu ai chưa từng trải qua bệnh tật chắc sẽ không hiểu được những khó khăn mà Castillejo gặp phải, anh đã dành cả năm sau đó ở trong bệnh viện để phục hồi. Ca phẫu thuật khiến anh mất gần 70 pound (khoảng 31 kg), phải phẫu thuật thêm nhiều lần nữa kèm với việc một vài căn bệnh nhiễm khuẩn gia tăng. Anh cũng đã mất đi khả năng nghe và buộc phải dùng đến máy trợ thính…nhưng "bệnh nhân London" vẫn lạc quan.

    "Một trong những bác sĩ ở đó đã đến và nói với tôi rằng "cậu là một người vô cùng đặc biệt, vì có hơn 40 y bác sĩ đang ở đây để thảo luận và chữa trị cho cậu"- Castillejo hồi tưởng lại.

    Kể cả khi đã rời bệnh viện, anh vẫn phải tập luyện hàng ngày để phục hồi khả năng đi lại. Một năm sau đó, khi mà sức khỏe đã khá hơn, Castillejo mới bắt đầu nghĩ đến chuyện ngừng uống thuốc điều trị HIV. Tháng 10/2017, anh dùng liều thuốc cuối cùng và 17 tháng sau, 03/2019, bác sĩ Gupta thông báo trường hợp khỏi bệnh của anh.

    chien thang hiv 1
    Bác sĩ Ravindra Gupta, chuyên gia nghiên cứu virus tại đại học Cambridge.

    Khi tin tức được công bố, Castillejo đã bị choáng ngợp bởi những yêu cầu về danh tính của mình và điều đó khiến anh bắt đầu nhận thức được vai trò của mình trong việc nâng cao nhận thức về căn bệnh ung thư và cả HIV.

    "Điều này có thể được xem như là ngọn hải đăng của hi vọng vậy, nó rất quan trọng đối với những người nhiễm bệnh." – ông Jefferys, giám đốc Treatment Action Group nói.

    chien thang hiv 1
    Bằng việc công khai danh tính, Castillejo muốn mình trở thành "Đại sứ của hi vọng", lan tỏa câu chuyện của anh đến với những người bệnh khác.

    Bạn bè cùng nhiều người khác trong cộng đồng người mắc HIV đã dành sự lo lắng cho cuộc sống riêng tư của Castillejo khi tự công khai chính bản thân mình nhưng anh nói mình đã sẵn sàng hơn bao giờ hết. Castillejo coi việc trở thành "bệnh nhân London" là công việc của mình và quyết tâm dồn hết tâm sức cho nó. Anh đã từng bị mất đi mái tóc dài, đen mượt, đã từng phải nằm một chỗ và cũng đã từng tìm đến cái chết nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác, cuộc sống đang dần trở lại với Castillejo. Và hơn ai hết, anh muốn làm người lan tỏa hi vọng đó đến với những người đang phải chịu căn bệnh quái ác này.

    Và anh gọi mình là "bệnh nhân London" cũng như để nói rằng mình vừa được sinh ra thêm một lần nữa dưới cái tên ấy.

    Trí Thức Trẻ (Theo New York Times)

  • Maxine Smith (31 tuổi, Anh) bàng hoàng khi nhận tin bị ung thư tử cung giai đoạn 3, dù trước đó cô nhiều lần yêu cầu bác sĩ cho làm xét nghiệm.

    Năm 2016, phát hiện tình trạng chảy máu sau quan hệ, Maxine yêu cầu được xét nghiệm phết tế bào. Tuy nhiên, bác sĩ gia đình ở Congleton, Cheshire, Anh đã không lắng nghe Maxine, cho rằng đó chỉ là ảnh hưởng của việc tránh thai, nên không cần thiết phải xét nghiệm vì đã kiểm tra định kỳ 2 năm trước.

     

    Chỉ đến khi gia đình chuyển tới Cheadle, Greater Manchester vào tháng 1/2018, cô mới được đáp ứng yêu cầu, kết quả sinh thiết sau đó cho thấy có một khối u 3 cm trên cổ tử cung.

    Ngay sau đó, cô phải cắt bỏ tử cung ở độ tuổi khá trẻ (29 tuổi) và hóa trị để loại bỏ tế bào ung thư. Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn vào tháng 11/2019, cô nhận được thông báo căn bệnh quái ác đã quay trở lại và di căn tới hạch bạch huyết và ruột.

    Maxine khẳng định: "Tôi sẽ không phải chịu đựng hóa trị mệt mỏi, đau đớn trong nhiều năm như thế này nếu được phết tế bào cổ tử cung theo yêu cầu". Do đó, theo Maxine mỗi người phụ nữ cần phải  biết lắng nghe cơ thể và không ngần ngại, kiên quyết yêu cầu bác sĩ thực hiện các kiểm tra kỹ lưỡng hơn để bảo vệ bản thân.

    Maxine Smith cùng hai con của mình, George và Mia.

    Đối với bà mẹ hai con, chết không phải điều đáng sợ mà nghiệt nhã nhất là nhìn vào hai đứa trẻ xinh đẹp của mình và nhận ra căn bệnh quái ác sẽ cướp mẹ khỏi chún. Mặc dù hai đứa trẻ đều còn rất nhỏ nhưng Maxine buộc phải giải thích với chúng về tình huống của mình.

    Cô ví căn bệnh như một bông hoa đang lớn dần trong cơ thể và phải vào bệnh viện chữa trị bằng phép thuật để không tổn thương tới hai đứa nhỏ, Maxine không muốn các con biết mẹ chúng đang mệt mỏi như thế nào.

    "Tôi biết bản thân rất yếu nhưng tôi muốn bảo vệ chúng nhiều nhất có thể", Maxine nói thêm. Dù tỷ lệ thành công không cao nhưng mỗi ngày Maxine đều đang nỗ lực tham gia điều trị bằng hóa trị để thu nhỏ khối u và các tế bào ung thư trong cơ thể mình, cô muốn có thêm thời gian dành cho hai con, George (6 tuổi) và Mia (5 tuổi). 

    Maxine phát hiện tình trạng chảy máu sau quan hệ năm 27 tuổi nhưng bị bác sĩ từ chối xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung. 

    Mỗi ngày cô đều đau khổ khi nghĩ đến thời điểm mình sẽ không được nhìn các con lớn lên nhưng cũng chính vì điều này, Maxine mạnh mẽ hơn rất nhiều. Đó là động lực để cô chiến đấu kiên cường trước số phận và tận hưởng từng giây phút bên con. 

    5 dấu hiệu phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

    Chảy máu bất thường (trong hoặc sau khi quan hệ, giữa các chu kỳ và cả sau mãn kinh): Dấu hiệu phổ biến và sớm nhất của ung thư cổ tử cung có hiện tượng chảy máu bất thường. Nó xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển trên các mô bên dưới cổ tử cung. Đó cũng là một dấu hiệu đáng báo động ở phụ nữ mãn kinh bởi căn bệnh ung thư cổ tử cung có thể xảy ra ở mọi độ tuổi.

    Dịch âm đạo bất thường: Dịch âm đạo của mỗi người đều khác nhau, vì vậy, cần theo dõi để biết tình trạng bình thường của bản thân. Nếu thấy rằng màu sắc, mùi của dịch đã thay đổi, cần phải kiểm tra ngay lập tức vì khi tế bào ung thư thiếu oxy, nó có thể gây ra hiện tượng nhiễm trùng dẫn đến dịch tiết có mùi lạ.

    Khó chịu hoặc đau khi quan hệ: Đau khi quan hệ tình dục có thể là một dấu hiệu của một số vấn đề khác nhau nhưng nó có thể là một dấu hiệu cho thấy ung thư đang lan đến các mô xung quanh.

    Đau lưng dưới: Cơn đau dai dẳng, đau nhó ở lưng dưới, xương chậu hoặc ruột thừa có thể là triệu chứng của ung thư cổ tử cung.

    Giảm cân bất thường: Mất cảm giác ngon miệng và giảm cân bất thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể không hoạt động ổn định. 

    Ngoài ra còn có các triệu chứng như: Tăng nhu cầu đi tiểu, đi tiểu ra máu, tiêu chảy, vệ sinh không kiểm soát, phù chân...

    Theo VnExpress

  • Một phụ nữ Anh tình cờ phát hiện mình bị ung thư vú khi đến bảo tàng chụp ảnh nhiệt tham quan cùng gia đình. Nhờ đó, cô đã được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

    Bal Gill, 41 tuổi, bị ung thư vú giai đoạn đầu nhưng không hề hay biết cho đến khi cô cùng gia đình đến tham quan bảo tàng máy ảnh nhiệt Camera Obscura ở Edinburgh vào tháng 5.

    Khi bước vào phòng chụp ảnh nhiệt, nơi khách tham quan có thể nhìn thấy những điểm nóng và lạnh trên cơ thể, Bal bất ngờ nhìn thấy một bên ngực của mình có màu vàng rực, khác với các thành viên khác trong gia đình.

    "Tôi nhìn thấy mảng nhiệt bên ngực trái. Chúng tôi nghĩ rằng nó khá khác thường vì những người khác không giống như thế", cô Bal kể lại.

    Cô chụp lại bức ảnh nhiệt và khi trở về nhà, cô đã tìm hiểu về nó qua Google. Bức ảnh dẫn đến nhiều bài viết về ung thư vú và máy ảnh nhiệt. Bal phải tìm đến bác sĩ để kiểm tra.

    Bức ảnh chụp ở bảo tàng máy ảnh nhiệt cho thấy vùng bên ngực trái của Bal Gill có màu vàng rực. Ảnh: Bal Gill.

    "Tôi đã hẹn gặp bác sĩ. Hóa ra tôi bị ung thư vú, rất may là ở giai đoạn đầu. Tôi đã trải qua hai cuộc phẫu thuật và còn một cuộc nữa để ngăn khối u lan rộng", Bal Gill cho biết.

    Cô Bal được phẫu thuật cắt bỏ vú. Sau cuộc phẫu thuật còn lại vào tháng tới, cô sẽ không cần hóa trị hoặc xạ trị nữa, các bác sĩ cho biết.

    Tổng giám đốc của Camera Obscura, Andrew Johnson, cho biết bảo tàng không biết rằng triển lãm của nó đã cứu sống bệnh nhân ung thư theo cách này.

    Các bác sĩ đôi khi cũng sử dụng máy ảnh nhiệt để chụp cho bệnh nhân ung thư vú.

    Theo Zing

  • Một em bé đã được cứu sống nhờ một bài kiểm tra thị lực ở Tesco sau khi một bác sĩ nhãn khoa phát hiện ra cô bé đang có dấu hiệu của một khối u não hiếm gặp.

    Erika, hai tuổi, được biết đến với cái tên Boo, có con ngươi mắt phải bị giãn, thường xuyên nôn mửa, rất khát nước và không chịu bò nên mẹ em, cô Karen Lee-Johnston đã đưa em đến Vision Express trong một siêu thị Tesco ở Silverburn, Glasgow.

    Trong cuộc kiểm tra vào ngày 26 tháng 3, bác sĩ nhãn khoa Aaron Spears đã phát hiện ra rằng Boo đang có các triệu chứng điển hình của khối u Craniopharyngioma và em nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

    Chỉ có 30 trường hợp tương tự được tìm thấy ở Anh mỗi năm.

    Sau các xét nghiệm khẩn cấp tại Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia ở Glasgow, hình ảnh CT đã phát hiện ra tình trạng này và kết quả MRI cũng xác nhận đó là Craniopharyngioma, loại bệnh thường gặp nhất ở trẻ em.

    Mẹ của Boo, 33 tuổi, cho biết bác sĩ nói với cô rằng rất có thể con gái cô đã chết nếu họ phát hiện chậm thêm "một hoặc hai tuần nữa".

    Bà mẹ ba con, có chồng qua đời năm 2017, cho biết các bác sĩ nói với cô tỷ lệ mắc khối u này là một trên 20 triệu và mặc dù nó lành tính, nhưng nó lại nằm ở vị trí nguy hiểm.

    Boo đã mất hoàn toàn thị lực ở mắt phải và phải tiếp nhận phẫu thuật hai ngày sau lần kiểm tra mắt ban đầu để cố gắng cứu thị lực ở mắt trái.

    "Rất may, sau cuộc phẫu thuật, thị lực của con bé đã trở lại ở cả hai mắt - đó là một phép màu", người mẹ nói.

    "Mọi người không tin tôi khi tôi giải thích những gì đã xảy ra và tôi cho rằng điều đó khá phi thường, nhưng nó có thể xảy ra với bất cứ ai.

    "Tương lai của con bé sẽ không dễ dàng nhưng con vẫn còn sống và có thể nhìn - Aaron đã cứu mạng con bé."

    Boo sẽ sớm bắt đầu chu kỳ hóa trị đầu tiên để giảm thiểu kích thước khối u.

    Cô Lee-Johnston đã chia sẻ câu chuyện của Boo trong Tuần lễ Sức khỏe Mắt Quốc gia, diễn ra từ ngày 23-29 tháng 9.

    Cô kêu gọi mọi người hãy chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo và kiểm tra chúng.

    Bác sĩ nhãn khoa Spears cho biết khối u đang phát triển phía trên tuyến yên, cơ quan kiểm soát nhiều chức năng quan trọng, và đó là lý do tại sao cô bé không thể sử dụng chân thoải mái và cảm thấy khó nhìn.

    "Nhờ bài kiểm tra trước đó, cô bé đã được xét nghiệm thêm và chuyên gia tư vấn đã gọi điện lại cho tôi để nói rằng tôi đã làm được một việc tốt", ông nói.

    "Phụ huynh có bất kỳ lo ngại nào về thị lực của con cái họ nên đưa con tới kiểm tra tại bác sĩ nhãn khoa địa phương càng sớm càng tốt."

    VietHome (Theo Sky News)

     

  • Điều khiến cho bà mẹ hai con lo sợ lúc này là cô có thể bị ung thư thật bởi những ảnh hưởng không hề nhỏ sau quá trình điều trị lâu dài.

    Khoảnh khắc nhận được thông báo mắc bệnh hiểm nghèo tưởng chừng đã là điều tồi tệ nhất với con người ta rồi. Thế nhưng khi nghe câu chuyện của người phụ nữ trẻ kiên cường điều trị ung thư trong nhiều tháng thì bác sĩ bỗng thông báo “chẩn đoán nhầm” sau đây, ta mới hiểu tồi tệ thực sự là như thế nào!

    Sarah Boyle, đến từ Stoke-on-Trent, Staffordshire, Anh đã vô cùng đau khổ khi nhận được tin bị ung thư vú bộ ba âm tính (TNBC) hồi cuối năm 2016. Vượt qua nỗi đau, nỗi sợ và cả sự tuyệt vọng, cô bắt đầu quá trình điều trị đầy thử thách tại bệnh viện Đại học Royal Stoke. Bà mẹ trẻ 28 tuổi đã trải qua nhiều đợt hóa trị khủng khiếp, thậm chí cô còn phải cắt bỏ cả hai bên ngực để ngăn chặn căn bệnh quái ác.

    Sarah Boyle đã có một cuộc sống viên mãn bên chồng con trước khi bị chẩn đoán nhầm. Ảnh: SWNS
    Sarah Boyle không thể cho con thứ 2 bú. Ảnh: SWNS

    Các bác sĩ nói điều trị sẽ ảnh hưởng lớn các vấn đề về sinh sản, nhưng rất may mắn Sarah đã sinh được đứa con thứ 2 rồi. Tuy nhiên cô lại không thể nuôi con bằng sữa mẹ được vì đang chữa trị. Cô nói: “Tôi rất vui vì đã sinh được Louis và thật sự đau khổ khi không thể nuôi con bằng sữa mẹ”.

    Khi tất cả mọi thứ đã vào guồng, tâm lí đã ổn định, việc điều trị cũng không có phát sinh gì cả, bà mẹ trẻ đang ngày đêm chiến đấu dũng cảm. Bỗng một ngày cuối tháng 7/2017, phía bệnh viện phát hiện ra và thông báo về sai sót trong quá trình chẩn đoán của mình, những bác sĩ theo dõi cô sau lần sinh con thứ nhất trước đó đã chẩn đoán nhầm bệnh cho cô. Bác sĩ Narayanan đang điều trị cho Sarah đã thông báo rằng sinh thiết của cô là không chính xác, chắc chắn cô không bị ung thư vú gì cả.

    Việc điều trị đã tàn phá khủng khiếp con người cô. Điều Sarah lo sợ hiện nay là nguy cơ bị mắc ung thư “thật” vì những biến chứng sau điều trị.

    Sarah cho biết: “Vài năm qua thực sự vô cùng khó khăn với tôi và gia đình. Được thông báo bị mắc phải ung thư là điều tồi tệ, nhưng vượt qua điều trị và phẫu thuật rồi lại được nói là không cần làm nữa quả là sốc”.

    “Và nếu điều đó chưa đủ tệ thì nguy cơ thực sự bị ung thư trong một ngày không xa gây ra bởi những thứ tôi đã được cấy ghép và những hậu quả tôi phải đối mặt vì hóa trị cũng đủ khiến tôi lo lắng rồi. Trong khi chẳng điều gì có thể thay đổi được những thứ tôi đã trải qua, tôi rất cần những lời giải thích và câu trả lời về những việc họ đã làm để chắc chắn rằng không ai khác sẽ phải chịu đựng như tôi nữa”. Sarah nói.

    Bà mẹ 2 con đã gửi tất cả thông tin liên quan đến cho luật sư để điều tra. Luật sư Irwin Mitchell, đại diện cho Sarah Boyle chia sẻ: “Đây là một vụ việc chấn động, bà mẹ trẻ đã phải đối mặt với một tin buồn, trải qua giai đoạn điều trị căng thẳng để rồi được thông báo không cần điều trị nữa. Cả quá trình đã ảnh hưởng vô cùng lớn tới Sarah. Chúng tôi cũng quan tâm sâu sắc tới các báo cáo về loại túi độn trong người Sarah, với nghi ngờ về khả năng dẫn tới một dạng ung thư hiếm. Cũng dễ hiểu khi Sarah có nhiều câu hỏi cần được trả lời về vấn đề này và điều đó đã gây ra những lo lắng nhất định cho cô”.

    Viethome (theo Helino)

  • Nghiên cứu cho thấy những người thợ làm móng thường phải tiếp xúc với các hóa chất có mức độ nguy hiểm cao và được cho là có thể gây ung thư.

    Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu tại sáu tiệm nail và nhận thấy không khí ở các cửa hàng này có chứa formaldehyde và các hợp chất độc hại khác.

    Nồng độ này vượt quá ngưỡng an toàn dẫn đến nguy cơ mắc một số dạng ung thư, bao gồm ung thư biểu mô tế bào vẩy, ung thư hạch Hodgkin và bệnh bạch cầu.

    Và việc tiếp xúc với các hóa chất này trong hơn 20 năm có thể làm tăng nguy cơ ung thư lên tới 100 lần, các nhà nghiên cứu tuyên bố.

    Họ cảnh báo việc tiếp xúc kéo dài này có thể gây tổn hại cho sức khỏe của những người thợ làm đẹp cũng như những người làm việc tại nhà máy lọc dầu hoặc garage.

    Các nghiên cứu cho thấy những nhân viên này có nguy cơ tiếp xúc với amiăng (asbestos), cũng như nguy cơ mắc ung thư dạ dày, thực quản và phổi.

    Nghiên cứu về các tiệm nail được thực hiện bởi Đại học Colorado (Mỹ) và do Tiến sĩ Lupita Montoya đứng đầu.

    Tiến sĩ Montoya đã tò mò về ảnh hưởng của hóa chất trong không khí tại các tiệm làm móng kể từ khi đến một tiệm nail lần đầu cách đây một thập kỷ và bị ấn tượng bởi mùi hăng của nơi này.

    Bà lo rằng không gian chật hẹp và thông gió kém sẽ khiến những người thợ phải tiếp xúc với hóa chất lưu thông trong tiệm. Do đó, bà đã cố gắng điều tra các hậu quả lâu dài về sức khỏe mà thợ làm móng có thể phải đối mặt.

    Tuy nhiên, bà sớm nhận ra hơn 90% tiệm nail là các doanh nghiệp nhỏ. Do đó, họ hiếm khi có đủ nguồn lực để áp dụng các biện pháp an toàn sức khỏe cho nhân viên và thường từ chối tham gia thử nghiệm.

    Cho đến năm 2017, bà Montoya và nhóm của mình mới thuyết phục được sáu tiệm ở Colorado tham gia với điều kiện họ được giấu tên.

    Các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ của các hóa chất formaldehyde, benzen, toluene, ethylbenzene và xylene trong các tiệm này trong hơn 18 tháng.

    Rủi ro ung thư đối với thợ làm móng sau đó được xác định theo tiêu chuẩn do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ban hành.

    Kết quả - được công bố trên tạp chí Ô Nhiễm Môi trường (Environmental Pollution) - cho thấy nồng độ formaldehyde ở các tiệm dao động trong khoảng từ 5,32 đến 20,6microgram mỗi mét khối ở sáu tiệm. Một microgam tương đương với 0,001mg.

    Phơi nhiễm formaldehyde này vượt quá mức rủi ro tối thiểu của EPA đối với ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư vòm họng, ung thư hạch Hodgkin và bệnh bạch cầu.

    EPA ước tính nếu một cá nhân liên tục hít không khí có chứa formaldehyde ở mức trung bình 8 microgram mỗi mét khối, họ sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn một phần mười nghìn.

    Và một thẩm mỹ viện cũng vượt quá giới hạn phơi nhiễm do Viện Sức khỏe và An toàn Lao động Quốc gia quy định.

    Mức độ tiếp xúc với benzen dao động từ 3,13 đến 51,8 microgram mỗi mét khối, cũng vượt quá nguy cơ mắc bệnh bạch cầu tối thiểu của EPA.

    Nồng độ Toluene, ethylbenzene và xylene cũng cao nhưng không đáng lo ngại bằng.

    Các nhà nghiên cứu khẳng định nồng độ hóa chất mà thợ làm móng tiếp xúc là tương đương với các công nhân ở nhà máy lọc dầu hoặc garage ô tô.

    Các thợ làm móng cũng được hỏi về các triệu chứng nào họ gặp phải, và 70% phàn nàn về chứng đau đầu, tổn thương da hoặc kích ứng mắt.

    Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh khách hàng không có gì phải lo lắng.

    "Nó thực sự phụ thuộc vào lượng thời gian bạn có mặt tại chỗ và xung quanh môi trường đó", tiến sĩ Montoya nói. 'Khách hàng chỉ dành một phần nhỏ thời gian trong tiệm.

    “Trừ khi họ bị dị ứng hoặc hen suyễn khá nghiêm trọng, không có nhiều yếu tố khiến khách hàng phải lo ngại.'

    Các nhà nghiên cứu tin rằng việc đặt gỗ hoặc than được xử lý đặc biệt trong các tiệm làm móng có thể giúp 'hấp thụ' các hóa chất trong không khí này thông qua 'khuếch tán thụ động'.

    Sẽ mất nhiều thời gian để có hiệu quả, tuy nhiên, quạt máy công suất cao có thể hướng không khí bị ô nhiễm về phía vật liệu hấp thụ.

    "Chúng tôi đã thấy tỷ lệ loại bỏ [các loại hóa chất] cao với phương pháp này trong các phòng thí nghiệm được kiểm soát – ở tỷ lệ gần 100%", tiến sĩ Montoya nói. "Chúng tôi vẫn đang tối ưu hóa phương pháp này cho ngành nail, nơi điều kiện môi trường khó dự đoán hơn".

    Các nhà nghiên cứu thậm chí hy vọng có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật có chứa các vật liệu hấp thụ này và chúng có thể được treo trong các tiệm làm móng.

    "Những vật liệu này có thể đẹp, giá cả phải chăng và hiệu quả", tiến sĩ Montoya nói.

    VietHome (Theo Daily Mail)

  • Theo phát ngôn của cơ quan Y tế Cuba, nước này đã phát hiện ra loại vắc xin đầu tiên có thể ngăn chặn các tế bào ung thư ở phổi. Đây là bước đột phá của nền Y học toàn cầu với kỳ vọng sẽ chữa lành nhiều bệnh nhân.

    Theo kết quả do các nhà nghiên cứu khoa học công bố, tính khả quan trong việc điều trị ung thư phổi của loại vắc xin này rất cao, nó có tác dụng tiêu diệt các tế bào bị bệnh, ngăn chặn sự lây lan của chúng mà không tác động đến việc sinh hoạt của người bệnh.

    Ngay sau khi thông tin này được công bố rộng rãi, một viện nghiên cứu Hoa Kỳ đã ký kết hợp đồng với Cuba nhằm trao đổi các thông tin quan trọng về loại vắc xin này. Tuy nhiên, hiện tại chưa thỏa thuận được bởi do bị cấm vận về kinh tế, chưa được thương mại hóa.

    Vắc xin chống ung thư phổi lần đầu tiên trên thế giới được phát hiện bởi Cuba.

    Ung thư phổi cần được kiểm soát khi nào?

    Các chuyên gia Y tế cảnh báo rằng nếu bị tức ngực kèm theo ho dai dẳng không khỏi thì cần nghĩ ngay đến ung thư. Mặc dù ho là một trong những biểu hiện thường gặp trong cuộc sống của mỗi người, có thể do thời tiết hoặc cảm cúm,...Tuy nhiên khi sử dụng thuốc kháng sinh chống ho không khỏi cần cẩn thận vì đó có thể là triệu chứng của bệnh ung thư phổi. Thực tế có đến 80% bệnh nhân ung thư phổi mắc chứng ho khan kéo dài kèm theo đờm nhiều và có màu trắng và không rõ nguyên nhân, thậm chí xuất hiện bội nhiễm.

    Đặc biệt, khi ho ra máu, quá nhiều đờm, khó thở thì bệnh thường ở giai đoạn tiến triển. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể thấy khó thở khi làm việc nặng, đau ngực. Nhiều người bị ung thư phổi xuất hiện dấu hiệu đau đầu do các tế bào ung thư đã di căn sang xương sống, não, sườn. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây mệt mỏi, giảm cân nhanh,...Khi mắc các bệnh trên cần đi khám để sàng lọc ung thư ngay khi có thể.

    Trên fanpage của bác sĩ, nhà khoa học Cuba Fernando ravsberg cho biết “Vaccine chống ung thư phổi là vaccine mới và duy nhất trên thế giới, các phân tử tác động lên sự biểu hiện quá mức trong các khối u, gây ra sự phát triển tế bào bất thường, khiến khối u phát triển”. Ông còn giải thích thêm rằng “Đây là một loại vaccine trị liệu với kết quả rất tốt trong giai đoạn ung thư phổi tiến triển”.

    Kết quả kiểm nghiệm cũng chứng minh khi sử dụng loại vắc xin này, đôi khi khối u có thể không bị loại bỏ hoàn toàn nhưng tốc độ phát triển sẽ giảm mạnh rồi dừng hẳn, giúp tăng tuổi thọ cho người bệnh cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ. Đây là tính ưu việt mà các phương pháp điều trị thông thường như xạ trị, hóa trị không có được vì độc tính của những phương pháp này rất cao khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị giảm. Điều đáng mừng, người dân có quyền dùng vắc xin miễn phí thông qua bệnh viện.

    Được biết, từ năm 1994 (năm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước Cuba)Trung tâm Miễn dịch học Phân tử Cuba tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu, chế tạo ra các loại vắc xin  tạo ra và sản xuất các loại thuốc điều trị ung thư, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước này.

    Hiện nay, họ đã xuất khẩu CIM ra toàn cầu, có mặt tại hơn 30 quốc gia với trị giá 80 triệu đô la Mỹ mỗi năm, không tính trong nước. Vaccine đã được đăng ký tại Cuba, Peru và Paraguay còn đang thử nghiệm ở các nước châu Âu nhưng thời gian mất 3 - 4 năm và tốn kém kinh phí. Đó cũng là trở ngại khi Cuba có nhiều nhà khoa học giỏi nhưng nguồn tài chính chưa đủ để đưa vào nhiều thị trường. Lúc này, sự hợp tác đầu tư từ nước ngoài là điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

    Ngoài ra, để đưa được vắc xin này đến Mỹ cũng cần rất nhiều thời gian. Arlhee Díaz xác định rằng “Cho đến nay, điều duy nhất chúng tôi đã làm là ký một thỏa thuận bảo mật với một trung tâm nghiên cứu ở quốc gia đó để bắt đầu trao đổi thông tin”. Từ thời điểm này trong tương lai chúng tôi có thể bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1, hiệu quả, nhưng đây mới chỉ là nghiên cứu lâm sàng chứ chưa đạt đến giai đoạn thương mại, một lỗi mà nhiều nhà báo đã mắc phải khi viết báo công bố “. Tổng giám đốc của công ty tiếp thị của CIM, Einar Blanco, đảm bảo rằng luật mới về đầu tư nước ngoài, vừa được chính phủ Cuba phê duyệt, ủy quyền cho Trung tâm Miễn dịch học Phân tử ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài để nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa nó. Họ thậm chí có khả năng sử dụng vùng Mariel miễn phí, nơi lợi ích cho nhà đầu tư lớn hơn nhiều.

    Viethome (theo Tạp chí Sức khỏe)

  • Sáng 1/5, sau hơn một năm chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi, nghệ sĩ Lê Bình đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện 175 (TP.HCM).

    Nghệ sĩ Lê Bình qua đời vào 7h19 phút sáng ngày 1/5. Con gái nghệ sĩ Lê Bình cho biết bệnh tình của ông trở nặng rất nhanh chỉ trong vòng vài ngày sau khi ông được đưa vào điều trị tại phòng hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện 175 (TP.HCM).

    Nghệ sĩ Lê Bình vừa qua đời sáng nay.

    Vào ngày qua, sức khỏe của nghệ sĩ Lê Bình yếu dần đi. Ông bị xuất huyết dạ dày do nhiều ngày không ăn uống, phải truyền dịch để duy trì dinh dưỡng. Do đó, ông được bác sĩ chỉ định tạm ngưng hóa trị, chuyển sang điều trị hồi sức tích cực.

    Nghệ sĩ Lê Bình những ngày cuối đời.

    Nghệ sĩ Lê Bình là diễn viên gạo cội, từng tham gia nhiều vai diễn trong các bộ phim nổi tiếng nhưng đến tuổi già, chỉ sống cùng một người con út. Tháng 8/2018, ông phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi và điều trị thầm lặng ở bệnh viện 175. Thời điểm đó, lý do diễn viên Lê Bình giấu bệnh là vì lo sợ sẽ bị đoàn phim cắt ngang hợp đồng đóng phim, đồng thời nghĩ mình và gia đình vẫn còn tự lo được.

    Gần 1 năm điều trị bệnh ung thư, tháng 4/2019 sức khoẻ nghệ sĩ Lê Bình chuyển biến xấu phải nhập viện. Ông bị hoại tử thân dưới, nói chuyện khó khăn nhưng vẫn vô cùng lạc quan.

    Hình ảnh tiều tuỵ của ông khi mắc bệnh ung thư.

    Cuộc đời của diễn viên Lê Bình trước khi qua đời là một câu chuyện dài nhiều đắng cay. Đã ở ngưỡng U70 tưởng chừng phải đề huề con cháu, hưởng cuộc sống an nhàn, song Lê Bình lại đang ở với chỉ riêng người con út, làm việc để kiếm tiền vì không muốn phụ thuộc.

    Con lớn mất vì tai nạn, con thứ hai vào trại cai nghiện, vợ sa chân vào cờ bạc

    Không thường xuyên chia sẻ chuyện gia đình với công chúng, song những người yêu mến nghệ sĩ này đều phải xót xa khi nghe về việc Lê Bình mất đi người con trai lớn trong một vụ tai nạn. Đến người con thứ hai, chính ông cũng phải đưa con vào trại cai nghiện vì sa chân vào thứ chất trắng. Lê Bình đã vào tuổi 66, cái tuổi mà thông thường người ta nghỉ hưu và vui thú điền viên nhưng ông vẫn làm việc, lao động. Với ông không tiếp tục làm việc, ông sẽ không tồn tại. Ông còn đứa con trai út phải chăm lo và quan trọng nhất là ông còn mê nghề diễn.

    Trong một bài phỏng vấn, diễn viên Lê Bình có bày tỏ: "Hiện tôi sống cùng con trai út trong căn chung cư nhỏ ở TP HCM. Tiền hai cha con kiếm được một tháng cũng đủ trang trải cuộc sống an nhàn. Hàng ngày, tôi dậy khoảng 5-6h rồi đi uống cà phê, ăn sáng. Đến 8h, tôi chạy qua phòng tập để chạy bộ, đạp xe hoặc tập chút tạ. Trưa, tôi về nhà đọc báo, nấu cơm, ngủ trưa. Suốt buổi chiều, tôi ngồi ở nhà viết kịch bản hoặc coi thời sự hay dạy dỗ học trò về sân khấu, điện ảnh.

    Diễn viên Lê Bình có câu chuyện đời nhiều cay đắng.

    Mọi thứ tôi đều tự làm vì không muốn con cái phải vướng bận vì mình. Tôi cũng chẳng đòi hỏi nhà cao, cửa rộng hay xe hơi đưa đón. Việc ăn uống với tôi chẳng đáng bao nhiêu. Tôi cũng đi quay phim suốt nên ăn uống theo êkíp, mọi chuyện lại càng đơn giản. Tôi nghĩ mình có được ngày hôm nay một phần là nhờ tổ nghề phù hộ cũng như có được tình thương, sự giúp đỡ từ các anh em, đồng nghiệp.

    Cậu út nhà tôi năm nay 25 tuổi. Con trai tôi vừa hùn hạp cùng bạn bè để mở một công ty nhỏ liên quan đến quảng cáo. Còn con trai thứ hai của tôi giờ vẫn ở trường cai nghiện nhưng tình hình khả quan hơn trước rồi. Nó đã biết nghĩ và tự lo cho bản thân. Mỗi tháng, tôi vẫn gửi một khoản tiền nhỏ để con trang trải".

    Chuyện hôn nhân của diễn viên Lê Bình lại càng khiến ông chất chứa nhiều tâm sự. Chung sống với nhau 37 năm, nhưng cuối cùng Lê Bình vẫn phải ly hôn người đã "đầu ấp, tay gối" cùng mình vì vợ ông mê cờ bạc, để gia đình gánh một số nợ không nhỏ. Bao nhiêu tiền nam diễn viên kiếm ra đều lần lượt mất hết. Đến khi công bố chuyện ly hôn, Lê Bình đã vô cùng áy náy. Nhiều đêm ngồi một mình, ông đã rơi nước mắt khi nghĩ lại chuyện đời mình.

    Thời điểm mang bệnh nặng, nghệ sĩ Lê Bình quyết định nhắn tin cho vợ cũ đã ly hôn do cờ bạc, mong bà quay về. Lê Bình bộc bạch: "Chuyện quá khứ hãy xếp lại. Tôi không biết sống chết thế nào, nhưng con trai tôi luôn cần cha và mẹ. Giờ đây, gia đình tôi đoàn tụ. Tôi cảm thấy an tâm hơn".

    Ngoài 60 vẫn miệt mài làm việc, bệnh ung thư kiên quyết giấu vì sợ phiền

    Dù tuổi đã cao, nhưng Lê Bình vẫn không muốn phiền bất cứ ai. Ngay cả khi nhập viện điều trị ung thư, ông vẫn một mực giữ im lặng, không chia sẻ thông tin về mình để tìm kiếm sự giúp đỡ. Đôi mắt của người nghệ sĩ già vốn quen thuộc trong "Đất phương Nam" vẫn đầy rẫy niềm lạc quan. Diễn viên Lê Bình liên tục chia sẻ những phương pháp điều trị ung thư lên trang cá nhân. Khi hay tin ông bệnh, nhiều nghệ sĩ không khỏi bất ngờ.

    Chẳng ai nghĩ, đến tuổi già thay vì được hưởng cuộc sống an nhàn, Lê Bình lại tiếp tục mang trong mình căn bệnh quái ác.

    Nhìn khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt hiền từ, dáng người cao, gầy, cùng loạt vai diễn để đời trong "Đất phương Nam", "Cô gái xấu xí", ai cũng mong may mắn, sức khoẻ và hạnh phúc sẽ đến thật nhiều với Lê Bình. Tuy nhiên hoàn toàn ngược lại với những gì mọi người nghĩ, cuộc đời ông đã trải qua quá nhiều đau khổ và lận đận.

    Những ngày cuối cùng, nam nghệ sĩ chỉ có thể nằm trên giường bệnh, ông bị hoại tử thân dưới nhưng vẫn thích được con gái bóp chân cho. Nghệ sĩ Lê Bình gượng cười trong nước mắt khi được bạn bè, đồng nghiệp viếng thăm. Tang lễ của cố nghệ sĩ sẽ được cử hành tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng gần Bệnh Viện 175. Bạn bè, đồng nghiệp và cả những người yêu quý những vai diễn của nghệ sĩ Lê Bình chỉ còn được thắp nén nhang, nói lời tiễn việt trước khi ông về với đất mẹ.

    Viethome (theo Helino)

  • Những năm gần đây trên mạng xã hội rộ lên rất nhiều bài viết chia sẻ “cách chữa trị ung thư hiệu quả”, với nội dung đại loại như “tế bào ung thư có tính axit, ăn thực phẩm có tính kiềm sẽ cô lập tế bào ung thư”, và cho rằng nếu không ăn thịt cá, đường bột, tế bào ung thư sẽ tự chết mà không cần sự can thiệp của y học hiện đại.

    Những nội dung kiểu như thế này xuất hiện cả trên truyền thông chính thống và hều hết đều được trích từ một cuốn sách có tên “The pH Miracle: Balance Your Diet, Reclaim Your Health” của tác giả Robert Young. Cuốn sách này được xuất bản từ năm 2002 và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng.

    Ông Robert Young​

    Hàng chục nghìn người Việt Nam ngộ nhận đã like và chia sẻ những bài viết với nội dung như thế này mà không nghĩ tới sự xác thực trong thông tin và mức độ chính xác về mặt khoa học.

    Điều không nhiều người biết, là mới đây tòa án San Diego, California (Mỹ) đã tuyên bố tác giả cuốn sách kể trên, ông Robert Young thua kiện, phải trả 105 triệu USD cho một bệnh nhân ung thư khởi kiện ông này. Trước đó, ông Young chỉ là một tác giả sách chứ không hề có bằng cấp y khoa, từng học lớp sinh học ở đại học Utah nhưng bỏ ngang, nhưng vì một lý do gì đó vẫn có hai tấm bằng tiến sỹ từ trường American College in Birmingham và Clayton College of Natural Health. 

    Ông này mở phòng khám Valley Center và chữa trị cho những bệnh nhân ung thư dựa trên quan điểm rằng “axit là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh cho con người, và có thể chữa trị chúng bằng chế độ ăn giàu chất kiềm.”

    Năm 2015, bệnh nhân ung thư Dawn Kali đệ đơn khởi kiện Young lên tòa án tối cao San Diego, tố cáo ông này tội cẩu thả và lừa đảo bệnh nhân. Bệnh nhân 45 tuổi này cho biết ông Young đã thuyết phục bà dừng điều trị bằng hóa trị, mà thay vào đó là áp dụng cách ăn kiêng bằng những thực phẩm giàu chất kiềm. Giờ bà Kali không những không khỏi ung thư mà nó còn phát triển đến giai đoạn IV, khiến cho bà chỉ còn 3 đến 4 năm để sống.

    Theo những nhân chứng từng chữa trị ung thư tại Valley Center, ông Young thuyết phục các bệnh nhân không theo đuổi cách chữa trị theo y học, với các liệu trình hóa trị cũng như thuốc men dành riêng cho từng loại ung thư, mà thay vào đó là bán cho các bệnh nhân những túi nước muối sinh lý truyền tĩnh mạch có pha thêm muối NaHCO₃ (baking soda dùng để làm bánh) với giá 500 USD mỗi túi. Thậm chí có cả những gói điều trị trị giá 15 nghìn USD để chăm sóc các bệnh nhân ung thư.

    Đầu năm 2016, Robert Young bị điều tra về việc hành nghề mà không có bằng cấp và giấy phép y khoa, và ông này phải ngồi tù vài tháng sau khi bồi thẩm đoàn tại North County nhận định ông này có tội. Mình chưa bàn tới cách chữa trị ung thư của ông này, mà nội việc kiếm ăn trên sự tuyệt vọng của những bệnh nhân ung thư cũng đã là rất tồi tệ rồi.

    Nói về mặt khoa học, thì tư duy “chất kiềm ngăn chặn tế bào ung thư” của Robert Young có thể nói là sai lệch hoàn toàn. “Young ví von tế bào như con cá vàng bơi trong bể nước, nếu nước quá acid thì cá sẽ chết, và cần phải tăng độ kiềm của nước lên. Young cho rằng chỉ cần điều chỉnh pH của nước 1 cách đơn giản vậy, con cá sẽ sống sót.” Tuy nhiên để cân bằng pH trong cơ thể người thì không đơn giản như vậy. Tiếc một nỗi, khi có bệnh thì vái tứ phương, và con người thường có xu hướng tin vào mọi lý lẽ dù là trẻ con nhất mà những lang băm đưa ra để gạ gẫm con mồi bỏ tiền ra để họ chữa bệnh.

    Đến khi "lý thuyết" này bắt đầu được chia sẻ bằng những bài viết bằng tiếng Việt trên Facebook, sử dụng hình ảnh của nhiều gương mặt như triết gia George Ohsawa hoặc tiến sỹ Otto Warburg, nó khiến cả vạn người tin một cách mù quáng, lầm tưởng rằng thực dưỡng cũng như không ăn những thực phẩm "có tính axit" theo lời những kẻ chia sẻ thông tin sai lệch, tế bào ung thư sẽ tự chết.

    Một số người Việt tin vào những lý thuyết này, cũng lựa chọn chỉ ăn gạo lứt để "điều trị ung thư". Hậu quả, giống như PGS.TS. Lê Đình Roanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát hiện sớm Ung thư từng phát biểu khi được phỏng vấn: "Chế độ ăn kiêng, nhịn ăn sẽ dẫn tới tình trạng bệnh nhân chưa chết vì bệnh ung thư thì đã chết vì cơ thể suy kiệt."

    Vì thế, mọi người trước khi share lại những bài viết có liên quan tới sức khỏe, hãy bỏ chút thời gian Google tính xác thực của chúng đã. Chỉ mất 5 đến 10 phút thôi, không lâu đâu!

    Viethome (theo ARF)

  • Bức ảnh dưới đây đã chứng minh móng tay cũng có thể tiết lộ tình trạng bệnh tật, bao gồm cả bệnh ung thư.

    mong tay quap ung thu phoi 1
    Thấy móng tay có hình dáng kì lạ, người phụ nữ đi khám thì biết mình bị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.

    Jean Taylor, 53 tuổi, sống tại thành phố Manchester (Anh quốc) có móng tay quặp vào khác thường và bà cho rằng đó chỉ là đặc điểm di truyền trong gia đình, cho tới khi con gái thúc giục bà đi khám.

    Phần móng tay bà Taylor có xu hướng gập cong lại như vậy từ lâu. Do đó, bà coi việc này rất bình thường. Nhưng con gái bà, Stephanie Taylor, đã lên mạng tìm hiểu về hiện tượng móng quặp. Sau đó, cô đề nghị mẹ phải tới gặp bác sĩ để chắc chắn không có gì bất ổn cả. Bà Taylor cho biết, khi nghe yêu cầu đó của con gái, bà đã cảm thấy thật "lố bịch".

    mong tay quap ung thu phoi 1
    Phần móng tay bà Taylor có xu hướng gập cong lại như vậy từ lâu.

    "2 tuần trước, tôi đăng bức ảnh này lên tường nhà mình và hỏi xem có ai từng nhìn thấy móng tay như tôi chưa. Vài người tra mạng sau đó và họ thúc giục tôi nên đi khám bác sĩ ngay", bà Taylor viết trên Facebook.

    Tại bệnh viện, bà Taylor được chỉ định xét nghiệm máu và chụp X-quang ngực. Ngay sau đó, bà được gọi trở lại viện lập tức để thực hiện chụp CT, PET (kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh dựa trên hoạt tính sinh học của tế bào ung thư), chụp cộng hưởng từ MRI và lấy sinh thiết phổi. 2 tuần sau trả kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bà Taylor bị ung thư ở cả 2 bên phổi.

    "Bác sĩ kêu chúng tôi ngồi xuống và nói: 'Không phải tin tốt đâu. Bà đã bị ung thư phổi'. Mặc dù tôi biết đó là ung thư phổi. Nhưng việc nghe ai đó xác nhận căn bệnh này vẫn mang đến một cảm giác thật khác", bà Taylor chia sẻ trên tờ Manchester Evening News.

    Trước đây, bà Taylor luôn nghĩ móng tay quặp là đặc điểm di truyền của gia đình (mẹ bà cũng bị như vậy). Nhưng khi nhận được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, mọi thứ bỗng trở nên sáng tỏ - mẹ bà cũng đã mất nửa bên phổi vì ung thư phổi nhiều năm trước.

    Bà Taylor khẳng định không hề hay biết dấu hiệu móng tay quặp – hay còn gọi là móng tay dùi trống (nail clubbing) - có thể liên quan tới bệnh phổi và tim.

    mong tay quap ung thu phoi 1
    Hóa ra hình dáng móng tay của bà Taylor là dấu hiệu cảnh báo bà bị ung thư phổi.

    Theo Mayo Clinic, móng tay dùi trống xảy ra khi phần đầu ngón tay của một người giãn to khiến móng tay quặp vào để ôm trọn lấy đầu ngón, thường trong nhiều năm. Móng tay dùi trống đôi khi là kết quả của tình trạng máu thiếu oxy và do đó, là dấu hiệu của nhiều loại bệnh khác nhau. Móng tay dùi trống cũng liên quan tới bệnh viêm ruột, tim mạch, gan và AIDS.

    mong tay quap ung thu phoi 1
    Móng tay quặp.

    Tất nhiên, phần lớn chúng ta từng nghe nói tới các triệu chứng như ho dai dẳng hoặc nhiễm trùng ngực, ho ra máu, khó thở hay chán ăn là những đấu hiệu của ung thư phổi. Nhưng móng tay dùi trống lại không phải là một trong những triệu chứng thường được nhắc tới.

    Bà Taylor đã được chính thức chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn 1, cho biết, bà muốn chia sẻ trải nghiệm của mình với hi vọng nó giúp ai đó sớm phát hiện ra căn bệnh quái ác. 

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Cô gái trẻ nhập viện khi ung thư dạ dày đã ở giai đoạn muộn và qua đời sau 3 tuần điều trị. Sự ra đi của cô gái trẻ Đ.H.T., một hotgirl tại Lạch Tray, Hải Phòng do ung thư dạ dày khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.
    viethome hotgirl hai phong chet vi ung thu 9
     
    Cách đây hơn 2 tháng, T. vừa chia sẻ khoảnh khắc vui vẻ bên bạn bè nhân sinh nhật tuổi 26. T. trút hơi thở cuối cùng vào lúc 17h35 chiều 18/9. Gia đình đã tổ chức lễ viếng và lễ an táng cho cô tại nghĩa trang quê nhà. Khi biết tin, hàng chục ngàn người đã để lại lời chia buồn với gia đình T.

    viethome hotgirl hai phong chet vi ung thu 8

    Cô gái trẻ mới vừa mừng sinh nhật tuổi 26 vào tháng 7.

    Trực tiếp điều trị cho T., BS Nguyễn Thanh Hùng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai chia sẻ, T. phát hiện ung thư dạ dày cách đây hơn 1 năm, sau đó đã phẫu thuật cắt u tại một bệnh viện ung bướu. Tuy nhiên sau phẫu thuật, T. thuê nhà tại một chung cư cao cấp ở Hà Nội và sống một mình, không cho bố mẹ lên thăm. Bản thân cô cũng không đi khám lại định kỳ mà tự uống thuốc.

    Gần đây, bạn BS Hùng cũng là người cho T. thuê nhà thấy sức khoẻ cô ngày càng kém, da vàng nên cùng BS Hùng động viên cô vào BV Bạch Mai thăm khám.

    viethome hotgirl hai phong chet vi ung thu 2

    viethome hotgirl hai phong chet vi ung thu 6

    T. điều trị 3 tuần tại bệnh viện Bạch Mai.

    T. điều trị tại BV Bạch Mai 3 tuần “Khi vào viện, bạn ấy đã bị đau nhiều, thể trạng rất yếu, cơ thể suy kiệt, da vàng. Biết tình trạng bệnh đã rất nặng, không thể can thiệp được gì nên tôi đã yêu cầu gọi bố mẹ lên để trao đổi. Sau đó bệnh nhân được nhập viện để làm chụp chiếu, xét nghiệm”, BS Hùng thông tin. 
     
    Kết quả chụp chiếu cho thấy, khối u từ dạ dày đã di căn nhiều bộ phận, hạch toàn bộ ổ bụng chèn ép gây tắc mật. Bệnh nhân cũng bị rối loạn đông máu, thiếu máu trầm trọng.

    viethome hotgirl hai phong chet vi ung thu 3T. phải trải qua rất nhiều đau đớn.

    “Với các trường hợp tắc mật, nếu không được dẫn thông, trong thời gian rất ngắn các chất độc sẽ lên não khiến bệnh nhân hôn mê rồi tử vong”, BS Hùng nói. T. chính thức nhập viện ngày 28/8. Ngay lập tức bác sĩ chỉ định truyền máu, truyền yếu tố đông máu, dẫn lưu mật để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân, nếu chậm trễ, tắc mật sẽ gây hôn mê gan.
     
    Những ngày cuối điều trị ở BV, T. phải trải qua nhiều đau đớn BS Hùng đã trực tiếp trao đổi với bố mẹ T. rất nhiều về tình trạng của con, thông báo chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ, không can thiệp được gì nhưng T. có nguyện vọng ở lại BV điều trị với hy vọng “còn nước còn tát” nên gia đình đồng thuận.
     
    BS Hùng cho biết, do vào viện đã ở giai đoạn cuối nên T. đau nhiều, dùng các thuốc giảm đau thông thường không có tác dụng nên mỗi ngày phải tiêm 1-2 ống morphine trong suốt 7-10 ngày cuối cùng. Đến chiều 18/9, khi tình trạng T. quá nặng, gia đình mới xin cho con về. BS cũng chia sẻ rất tiếc về trường hợp bệnh nhân T., nếu được điều trị đa khoa đến nơi đến chốn ngay từ đầu thì cơ hội sống rất cao.

    viethome hotgirl hai phong chet vi ung thu 5

    Hình ảnh xinh đẹp và lạc quan của T.

    viethome hotgirl hai phong chet vi ung thu 4

    Thật đáng tiếc cho cô gái trẻ.

    Một người bạn của T cho biếtL "T. ra đi vào chiều tối ngày 18/9 và được gia đình đưa về quê ở Hải Phòng sau khoảng 3 tuần nằm viện điều trị. Suốt những ngày nằm viện dù đau đớn đến mấy nhưng T. bản lĩnh lắm, vẫn cố gắng chịu đựng chứ không than vãn chút nào. Chỉ có những ngày gần đây, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, đau đớn quá mới không chịu được nên phải tiêm thuốc giảm đau".
     
    Người bạn này cũng chia sẻ thêm trước đó khoảng 2 tháng vì muốn T. vui vẻ và có động lực hơn, chị và những người bạn của mình đã cùng nhau tổ chức sinh nhật tuổi 26 cho T.
     
    viethome hotgirl hai phong chet vi ung thu 1
    T. từng thường xuyên thức khuya, nhịn ăn và uống thuốc giảm cân. Nhiều người cho rằng điều đó đã ảnh hưởng đến dạ dày của cô. 
     
    Chia sẻ về thông tin cho rằng T. mắc ung thư dạ dày là do thói quen thức khuya và bỏ bữa sáng, chị cho biết đó chỉ là một phần chứ không phải là tất cả. "T. trước đó đúng là ăn uống và sinh hoạt có phần thất thường. Suốt 5-6 năm toàn thức khuya đến tận sáng mới ngủ, thỉnh thoảng còn nhịn ăn và uống thuốc giảm cân. Nhưng theo mình, điều ảnh hưởng lớn nhất đến sức khoẻ của T. là do bạn ấy bị stress quá".
    Viethome (theo Vietnamnet, Kênh14 )