Kinh tế châu Âu ngày càng tụt lại so với Mỹ

Từ sau khủng hoảng tài chính 2008, tăng trưởng kinh tế của eurozone đã chậm hơn so với Mỹ, và càng tụt lại bởi Covid-19, xung đột Nga - Ukraine.

Hôm 31/10, cơ quan thống kê thuộc liên minh châu Âu (EU) thông báo GDP quý III của 20 nước eurozone giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý trước đó, khối này tăng 0,6%.

Số liệu này trái ngược với mức tăng 4,9% của Mỹ trong cùng kỳ. Theo đó, quý III, Mỹ tăng trưởng nhanh gấp đôi quý II.

Lạm phát của châu Âu cũng đang đi xuống, trong khi lạm phát Mỹ đi lên. Số liệu công bố hôm qua cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 2,9% so với cùng kỳ 2022. Đây là mức thấp nhất hai năm. Lạm phát lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm), giảm từ 4,5% tháng 9 về 4,2% tháng 10.

Từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, tăng trưởng kinh tế của eurozone đã tụt lại so với Mỹ. Khoảng cách này càng nới rộng khi Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020.

Chênh lệch càng thêm rõ rệt khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022, khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt, gây sức ép lên người tiêu dùng tại châu Âu. Do phải nhập khẩu phần lớn năng lượng tiêu thụ, châu Âu chịu áp lực lớn khi giá khí đốt và điện tăng vọt. Ngược lại, Mỹ - nước xuất khẩu năng lượng lớn của thế giới - lại hưởng lợi phần nào.

kinh te chau au
Người dân đi lại trên đường phố Cologne (Đức). Ảnh: Reuters

Trên toàn cầu, người tiêu dùng đang chuyển từ mua hàng hóa sang dịch vụ, trong bối cảnh ngoại thương đi xuống do căng thẳng địa chính trị. Điều này khiến các nước sản xuất và xuất khẩu lớn, như Đức, chịu tác động mạnh. Chính phủ các nước châu Âu cũng kém hào phóng hơn so với Mỹ trong chính sách hỗ trợ nhu cầu.

"Kinh tế Đức đang trì trệ. Rào cản từ lãi suất tăng, giá năng lượng cao và nhu cầu ngoại thương yếu là quá lớn", Geraldine Dany-Knedlik - đồng giám đốc phụ trách chính sách tại Viện nghiên cứu Kinh tế DIW Berlin - nhận định.

Khoảng cách về tăng trưởng và lạm phát giữa châu Âu với Mỹ cho thấy việc nâng lãi của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang có tác động lớn đến nền kinh tế vốn đã đối mặt nhiều thách thức.

"Các đợt nâng lãi trước của chúng tôi vẫn đang tác động mạnh đến tình hình tài chính. Nhu cầu đang ngày càng bị ghìm lại", Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết trong một cuộc họp báo tuần trước.

ECB đã nâng lãi suất 10 lần liên tiếp và chỉ mới dừng lại trong phiên họp tuần trước. Cơ quan này cho rằng lãi suất ở mức kỷ lục hiện tại sẽ tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế, ít nhất là trong quý I năm sau.

Nhiều người chỉ trích việc ECB muốn bắt kịp chính sách thắt chặt với Mỹ, trong khi kinh tế đối mặt các thách thức lớn hơn, đã khiến khoảng cách giữa hai bên ngày càng rộng. "Chúng ta đã tụt lại sau Mỹ 15 năm qua. Giờ đây, tôi lo rằng chúng ta có thể chứng kiến thêm chênh lệch về thu nhập bình quân, do các chính sách sai lầm", Erik F. Nielsen - cố vấn kinh tế tại UniCredit Bank (Italy) nhận xét.

Việc eurozone yếu đi cũng ghìm chân nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. Trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu của EU từ Trung Quốc giảm 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ Anh cũng giảm 13,7%. Nhập khẩu từ Mỹ gần như không đổi, do châu Âu chọn Mỹ là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên thay Nga.

Sau xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu và thực phẩm tại châu Âu tăng mạnh hơn Mỹ, khiến sức mua của các hộ gia đình giảm sút. Trên thế giới, người tiêu dùng giảm mua hàng hóa để chi cho dịch vụ sau khi đại dịch qua đi. Tuy nhiên, biến động này tại châu Âu lại quá lớn. Hồi tháng 8, doanh số bán lẻ tại eurozone giảm 7,5% so với đầu năm 2022. Trong khi đó, mức giảm ở Mỹ chỉ là 1,8%.

Tiêu dùng tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - giảm 0,5% trong quý II. Ngược lại, con số này ở Mỹ tăng 1,8%. Sang quý III, tiêu dùng tại Mỹ tiếp tục tăng tốc, còn Đức lại đi xuống.

Chi phí tăng cao của các nhà máy sử dụng nhiều nhiêu liệu cũng khiến các ngành công nghiệp tại Đức giảm sản xuất. Sản lượng công nghiệp nước này trong tháng 8 giảm 2,2% so với trước chiến sự. Trong khi đó, sản xuất tại Mỹ tăng 2,3%.

Không có nhiều tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế tại eurozone sẽ lên cao trong các tháng tới. Một khảo sát do S&P Global thực hiện tuần trước cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp khu vực này hiện giảm mạnh nhất 3 năm. Số đơn hàng mới giảm mạnh. Các bộ phận mua hàng cũng giảm nhân lực lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021. Ngược lại, số liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ tăng tốc trong tháng 10.

Lương nhân công tại eurozone cũng đang tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, các hộ gia đình vẫn cảm thấy mức tăng này không đủ bù lạm phát.

Nhiều khu vực tại châu Âu đang đối mặt với thách thức lớn hơn. Đức phải vật lộn với việc liệu có thể duy trì ngành hóa chất đủ lâu để tìm các nguồn năng lượng mới, sạch và rẻ hơn hay không. Ngành này hiện tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu.

BASF - hãng hóa chất lớn nhất châu Âu - hôm 31/10 thông báo doanh thu 9 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, họ sẽ giảm đầu tư mới.

"Tôi không ủng hộ trợ giá, nhưng ở thời điểm nào đó, tôi cho rằng chính phủ nên đưa ra mức giá điện phù hợp cho đến khi chúng tôi tìm được năng lượng thay thế. Khi đó, các ngành công nghiệp tốn nhiên liệu mới có cơ hội tồn tại", Martin Brudermüller - CEO BASF kết luận.

VnExpress (theo WSJ)