Những thiệt hại khổng lồ sau vụ cháy Nhà thờ Đức bà Paris, không còn cây đủ lớn để phục dựng

Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá để trở thành một trong những biểu tượng của nước Pháp và châu Âu.

Ngọn lửa cơ bản được khống chế từ khoảng 2 giờ sáng theo giờ Pháp, tức 7 giờ sáng 16/4 theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng cứu hỏa vẫn phải tiếp tục chiến đấu với những đám cháy nhỏ bên trong nhà thờ, đặc biệt là phải bơm nước để làm nguội hiện trường trước nguy cơ một số vị trí có thể sụp đổ do nhiệt độ cao, đồng thời ngăn ngừa ngọn lửa bùng phát trở lại.

Lực lượng cứu hỏa cũng được triển khai đến mọi vị trí trong nhà thờ để đánh giá cơ bản những thiệt hại đã xảy ra. Theo một nguồn tin từ lực lượng cứu hộ, 2/3 diện tích Nhà thờ Đức Bà Paris đã bị lửa tàn phá. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra, các nỗ lực dập lửa suốt đêm đã giúp giữ được cấu trúc chính và mặt tiền của nhà thờ, giúp cho khả năng khôi phục trong thời gian tới thuận lợi hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp người dân hay khách du lịch nào bị thương trong vụ cháy, tuy nhiên 1 lính cứu hỏa đã bị thương nặng trong quá trình làm nhiệm vụ.

(Đồ họa: VnExpress)

Những sản vật vô giá

Phát ngôn viên của nhà thờ Andre Finot nói với các phóng viên rằng gần như mọi thứ bên trong đã bị thiêu rụi và sẽ chẳng còn gì ngoài những khung hình trơ trọi. Ông Finot cho biết một số cấu trúc bằng gỗ từ thời trung cổ, điều kỳ diệu truyền cảm hứng cho hàng trăm triệu người tới thăm trong nhiều thế kỷ qua đã bị phá hủy, nhưng rất may các di vật tôn giáo linh thiêng nhất đã được bảo quản an toàn.

Theo tờ Figaro, 16 bức tượng trang trí trên mái của nhà thờ Đức Bà đã được dỡ xuống vào tuần trước theo một dự án trùng tu.

Cụ thể, 12 bức tượng của các tông đồ và 4 bức tượng của các nhà truyền giáo vốn nằm trên mái nhà thờ trong hơn 150 năm đã được dỡ xuống vào tuần trước và gửi đi phục hồi. Theo dự án, các bức tượng sẽ được trả lại vào vị trí cũ trên nóc nhà thờ vào năm 2022.

Trần nhà thờ chứa hàng nghìn dầm gỗ sồi, một số trong đó có niên đại từ thế kỷ thứ 12. (Ảnh: CNN)
Theo ước tính, 13.000 cây sồi 300-400 tuổi đã bị đốn hạ để làm khung xà cho nhà thờ vào thời điểm nó được xây dựng. (Ảnh: Itscarmen)
Điểm nổi bật nhất bên trong nhà thờ chính là 3 bộ ô kính hình hoa hồng có niên đại từ thế kỷ 13.
Khu vực bên dưới nhà thờ là một hầm mộ cách mặt đất khoảng 79m, được phát hiện trong cuộc khai quật năm 1965 và mở cửa cho du khách tham quan từ năm 1980. Đây là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá từ thời La Mã. (Ảnh: Wikimedia)

Biểu tượng của kiến trúc, tôn giáo, văn hóa

Trước khi bị hỏa hoạn thiêu rụi, nhà thờ Đức Bà là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất nước Pháp và được xem là trái tim của thủ đô Paris.

Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) không chỉ là biểu tượng của thủ đô Paris mà còn là một trong các biểu tượng của văn minh Thiên chúa giáo phương Tây.

Nhà thờ Đức Bà Paris, với các mái vòm cong hình xương cá đối xứng hai bên, là công trình tôn giáo nổi tiếng nhất của phong cách kiến trúc gothic. Nhìn từ phía ngoài, nhà thờ Đức Bà Paris nổi bật trên nền trời Paris, đặc biệt với những ai đi du thuyền trên sông Seine và chiêm ngưỡng mặt bên của nhà thờ với các tháp nhọn (flèche), các mái vòm xương cá (combles) và các ống máng nước (gargouille) mặt quỷ nổi tiếng. Bên trong nhà thờ là mái trần cao vút với các tấm kính (vitraux) và ô cửa sổ vạn hoa (rosaces) đầy màu sắc.

Theo ước tính, Nhà thờ Đức Bà đón khoảng 35.000 lượt khách mỗi ngày, gần gấp đôi tháp Eiffel. Con số ấn tượng này biến nơi đây trở thành công trình lịch sử đón nhiều khách du lịch nhất tại châu Âu. (Ảnh: Pixabay.com)

Tất cả vẻ đẹp của nhà thờ Đức Bà Paris được nhân lên trong văn học, với tiểu thuyết kinh điển “Nhà thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo, văn hào lỗi lạc của nước Pháp. Tác phẩm của Victor Hugo đã mang “nàng Esmeralda” hay “thằng gù Quasimodo” đi khắp thế giới, biến Nhà thờ Đức Bà Paris thành địa danh trong mơ của nhiều thế hệ độc giả toàn cầu.

Sau hơn 8 thế kỷ tồn tại, Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá… để trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của nền văn minh thiên chúa giáo phương Tây. Với nước Pháp, Nhà thờ Đức Bà Paris là bản sắc dân tộc sâu đậm nhất của quốc gia này.

Không chỉ là tòa lâu đài tráng lệ với những tòa tháp và tháp nhọn, những trụ đá và kính màu thu hút những người yêu nghệ thuật và kiến trúc từ khắp nơi trên thế giới, đối với các thế hệ người Công giáo, đây cũng là nơi hành hương và cầu nguyện. Nhà thờ là nơi tập hợp các thánh tích bao gồm một mảnh Gỗ Thánh Giá - được nhiều người tin là một phần của "thánh giá thực sự" mà Chúa Giêsu bị đóng đinh - và phần được cho là một trong những chiếc đinh Người La Mã dùng để đóng đinh ông.

Nhà thờ Đức Bà không chỉ là một kho lưu trữ lịch sử và tôn giáo, nó còn có vị trí không nhỏ trong trái tim của nhiều người.

Dù hiện tại các thiệt hại chưa được tính toán cụ thể nhưng với quy mô nghiêm trọng của vụ cháy, giới chuyên gia bảo tồn Pháp cho rằng việc phục hồi hoàn toàn Nhà thờ Paris như trước khi vụ cháy xảy ra sẽ phải mất hàng chục năm trời, thậm chí nhiều hơn. Số tiền bỏ ra chắc chắn cũng sẽ là con số khổng lồ.

Pháp không còn cây đủ lớn để phục dựng Nhà thờ Đức Bà

Giới chức Pháp thừa nhận khó khăn trong việc tìm cây gỗ đủ lớn để xây dựng lại phần mái vòm và tháp nhọn của nhà thờ.

Khung cảnh bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris sau khi vụ cháy được dập tắt. Ảnh: AFP

"Giờ đây cả nước Pháp không còn cây gỗ nào có kích thước tương đương để thay thế những dầm gỗ đã bị thiêu rụi trong đám cháy ở nhà thờ Đức Bà", Bertrand de Feydeau, phó chủ tịch Quỹ Di sản Pháp, hôm nay thừa nhận. "Phần mái vòm được làm từ những dầm gỗ hơn 800 năm. Những cây gỗ lớn như vậy giờ đã biến mất ở Pháp.

Mái vòm và tháp nhọn của nhà thờ Đức Bà được làm từ những thân gỗ lớn bọc chì để tránh tác động của yếu tố môi trường và thời gian. Theo ước tính, 13.000 cây gỗ đã được dùng để làm dầm cho công trình, đủ bao phủ 21 hecta đất.

Khi được hỏi liệu trên lãnh thổ châu Âu có còn cây gỗ nào đủ lớn để làm dầm cho nhà thờ và có thể nhập được vào Pháp hay không, ông Feydeau trả lời: "Tôi không biết".

Viethome (theo Trí Thức Trẻ/VnExpress)