• Bài viết của bạn Linh Nguyen trên nhóm UEVF FORUM, mời bạn đọc cùng tham khảo:

    Sau nhiều năm ở Pháp, mình thấy có 1 vài kinh nhiệm muốn chia sẻ với mọi người, tất nhiên là không áp dụng với tất cả nhưng hy vọng sẽ hữu ích với những người cần. Nếu bạn mới sang Pháp, và quyết định muốn ở lại hoặc là muốn định cư vài năm đi làm sau lại về VN, thì có mấy thứ cần để ý:

    cuoc song o phap

    - Nên xin số thuế riêng của bạn, dù bạn có là sinh viên, không có thu nhập thì cũng nên có số thuế và khai thuế hàng năm (kể cả là thu nhập = 0). Điều này sẽ cho thấy sự nghiêm túc của bạn với chính phủ Pháp. Chính phủ Pháp không đòi đâu, nhưng thật ra là biết hết đấy, nếu bạn chấp hành đúng ngay từ đầu, về sau các bước gì bạn làm cũng dễ hơn rất nhiều. Đặc biệt sau khi đi làm, bạn muốn mua nhà trả góp, nhà Bank sẽ đòi từ 2 đến 3 năm cuối nộp thuế của bạn.

    - Khi còn là sinh viên thì nên học lái xe ô tô từ VN, vì sau đó trong năm đầu tiên bạn đổi titre (giấy phép cư trú) từ sinh viên sang đi làm, hay sinh viên sang titre gia đình hay từ titre đi làm sang titre gia đình,... thì bạn có quyền xin prefecture (sở giao thông) đổi bằng lái VN sang bằng lái Pháp, rất có lợi đúng không.

    Hồi mình mình học lái xe cách đây 10 năm ở VN hết 10 triệu, €800 vé máy bay, về thăm gia đình, trong khi thi bằng lái bên này ít nhất tốn €2000 mà chưa chắc được ngay lần đầu. Nếu sau khi đổi bằng, bạn không tự tin thì có thể tìm thầy giáo trên mạng, giá €20-27/h thay vì auto ecole €52/h.

    Cá nhân mình thấy nên học thêm 10 giờ ở Pháp cho quen môi trường đối với người mới lái, mới có bằng. Theo lý thuyết nếu bạn mới sang Pháp với bằng lái và titre sinh viên, bạn có quyền xin đổi titre năm đầu tiên, nhưng mình chưa quen ai làm vậy nên không khẳng định. 

    - Khi bạn là sinh viên, nếu có điều kiện, bạn nên xin visa đi du lịch Anh, Mỹ, vì thực sự xin visa bên này dễ kinh khủng. Bạn có tiền trong Bank, có trường bảo đảm về học tiếp lấy bằng, bạn sẽ xin được visa. Phí visa Mỹ tẹt ga hết €200, bạn không cần đặt vé, visa 1 năm. Với nước Mỹ, bạn có visa 1 lần đồng nghĩa với việc sau đó 99% bạn xin lại là được ngay, đồng thời có visa Mỹ, bạn được miễn phí visa Hàn Quốc và 1 số nước khác.

    Nếu bạn muốn về VN thì càng nên xin, vì bạn nên biết tỉ lệ đỗ visa Mỹ tại VN ko phải quá lớn (tất nhiên mình không nói những bạn có điều kiện bê tông, xin visa ở đâu cũng dễ). Visa Anh còn dễ hơn visa Mỹ, cũng rẻ hơn, tầm €120 nếu mình nhớ ko nhầm.

    - Về vấn đề giấy tờ bên này, sau nhiều năm kinh nhiệm xương máu, mình đã hiểu ra muốn được việc của mình thì phải mặt dày mày dạn, luôn luôn gọi điện thúc giục giấy tờ từ trường học tới cơ quan nhà nước, nhà bank.... Càng làm phiền chúng nó, chúng nó càng làm nhanh, tất nhiên là phải xin xỏ nhỏ nhẹ, nói liên tục, chứ đùng chửi nhau nhé. Lần nào mình cũng svp, C’est très urgent,...vậy là xong hết, sau đó thì merci, merci bcp , vous êtes très gentil/gentille. Phải như vậy lần sau mình cần, các bạn sẽ lại thật tốt với mình.

    - Khi sang Pháp, có 1 vài giấy tờ bạn luôn phải có bản gốc, giấy tốt nghiệp trung học, (đại học), giấy khai sinh. Dù bạn đã làm dịch công chứng từ VN, nhưng bản gốc rất quan trọng, nhiều lúc bên này nó đòi giấy dịch ra trong khoảng 3 tháng đổi lại. Nếu người nhà bạn tại VN nhanh nhẹn thì không sao, nếu có việc bận thì đúng là bạn sẽ stress.

    Đấy là 1 vài điều mình thấy nếu biết trước thì sẽ tiết kiệm được thật nhiều thời gian vô ích, còn nếu bạn không có làm thì cũng không sao, vì đâu sẽ có đó.

    Nguồn: Linh Nguyen / nhóm UEVF FORUM

  • Vào ngày 21/1 tại Pháp, hàng nghìn người đã đổ xuống đường biểu tình ở khu vực tháp Eiffel để phản đối luật nhập cư vừa được thông qua, theo đó cắt giảm các phúc lợi của người lao động nước ngoài, cũng như trì hoãn nhiều khoản phúc lợi như trợ cấp nhà ở.

    Dự luật nhập cư do Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin đệ trình đã được cả hai viện của Quốc hội thông qua hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó bao gồm việc áp đặt hạn ngạch nhập cư, khiến con cái của người lao động nhập cư khó nhập quốc tịch Pháp.

    bieu tinh phan doi luat nhap cu 333
    Hàng nghìn người biểu tình phản đối luật nhập cư tại Pháp

    Người Pháp từ lâu đã tự hào vì có một trong những hệ thống phúc lợi hào phóng nhất thế giới, thậm chí trợ cấp cả cho cư dân nước ngoài, giúp họ trả tiền thuê nhà hoặc chăm sóc con cái. Phe cực hữu và một số người theo chủ nghĩa bảo thủ cho rằng những phúc lợi này chỉ nên dành riêng cho người Pháp.

    Theo AP, ngày 21-1, hàng chục nghìn người đã xuống đường tuần hành tại nhiều thành phố trên khắp nước Pháp, kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron không ký ban hành Luật Nhập cư mới.

    Theo Bộ Nội vụ Pháp, 75.000 người đã tham gia tuần hành trên khắp đất nước, trong đó có 16.000 người biểu tình ở thủ đô Paris. Cuộc biểu tình diễn ra 4 ngày trước khi Hội đồng Hiến pháp ra quyết định về các điều khoản trong Luật Nhập cư mới-được Quốc hội thông qua vào tháng 12-2023-có phù hợp với Hiến pháp hay không.

    Nếu được ký ban hành, luật nhập cư mới sẽ tác động trực tiếp đến những người lao động nước ngoài tại Pháp. Theo tờ Le Monde (Pháp), dự thảo luật tạo ra sự phân biệt rõ ràng giữa người nước ngoài có việc làm và người không có việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến những lợi ích xã hội mà họ được nhận. Cụ thể, đối với các khoản trợ cấp gia đình, người nhập cư không đi làm sẽ phải chờ 5 năm mới đủ điều kiện được nhận trợ cấp, trong khi người có việc làm chỉ phải chờ 30 tháng. Đối với trợ cấp nhà ở của chính phủ, được gọi là APL, những người nước ngoài thất nghiệp sống tại Pháp phải đợi 5 năm. Đối với những người có việc làm, thời hạn này rút xuống còn 3 tháng.

    Dự luật mới cũng tạo điều kiện xin thẻ cư trú cho những người nhập cư không có giấy tờ song đủ điều kiện làm việc trong các lĩnh vực mà nước Pháp thiếu lao động. Nhưng đồng thời, các quy định về đoàn tụ gia đình cũng trở nên khắt khe hơn. Để có thể đưa gia đình sang định cư ở Pháp, người nước ngoài phải cư trú tại Pháp ít nhất 24 tháng (so với 18 tháng theo quy định trước đây) và phải đáp ứng nhiều tiêu chí về thu nhập và bảo hiểm y tế. Đối với sinh viên nước ngoài, khi xin giấy phép cư trú sẽ phải trả tiền đặt cọc cho những chi phí có thể phát sinh khi sống tại Pháp.

    Về vấn đề nhập tịch, những người sinh ra ở Pháp có cha mẹ là người nước ngoài sẽ không được tự động cấp quốc tịch Pháp khi đến tuổi trưởng thành mà họ sẽ phải thực hiện quy trình xin cấp quốc tịch trong khoảng thời gian từ 16 đến 18 tuổi. Người nước ngoài sinh ra ở Pháp bị kết án phạm tội sẽ không được phép nhập quốc tịch Pháp.

    Đáng chú ý, dự luật nhập cư mới của Pháp cũng đã đưa ra nhiều sửa đổi lớn gây tranh cãi như thiết lập hạn ngạch nhập cư, khôi phục trừng phạt “tội cư trú bất hợp pháp” từng bị bãi bỏ vào năm 2012 và cho phép tước quốc tịch đối với những công dân Pháp mang hai quốc tịch bị kết án vì tội nghiêm trọng.

    Tổng thống Emmanuel Macron thừa nhận dự luật nhập cư mới mang tính cứng rắn hơn và nhiều điều khoản có thể sẽ bị bác bỏ hoặc sửa đổi khi được trình lên cấp cao nhất là Hội đồng Hiến pháp để xem xét trước khi được chính ông ký ban hành. Tổng thống Pháp nhấn mạnh đất nước hình lục lăng đang gặp vấn đề với người nhập cư và dự luật mới là công cụ mà quốc gia này đang thiếu.

    Người Pháp từ lâu đã tự hào vì có một trong những hệ thống phúc lợi hào phóng nhất thế giới, thậm chí cấp các khoản hỗ trợ cho người nước ngoài tại Pháp, giúp họ trả tiền thuê nhà hoặc chăm sóc con cái với khoản đóng góp hằng tháng lên tới vài trăm euro. Phe cực hữu và những người bảo thủ đã lập luận rằng, những điều này chỉ nên dành riêng cho người Pháp. Do vậy, dự luật mới đã thắt chặt khả năng tiếp cận phúc lợi xã hội, thiết lập hạn ngạch di cư, giới hạn các điều kiện đoàn tụ gia đình với người nhập cư hợp pháp…

    Song, đối với những người phản đối, họ cho rằng luật nhập cư mới đã được điều chỉnh theo ý kiến của “những người mang tư tưởng hận thù cá nhân”, mang đậm màu sắc tư tưởng phe cực hữu. Họ lo ngại luật mới sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử với người nước ngoài đang sinh sống ở Pháp. Hơn 160 cuộc tuần hành trên khắp nước Pháp đã diễn ra ngày 21-1, đặc biệt là ở thủ đô Paris. Một số nhà lãnh đạo cánh tả như Manon Aubry (thuộc Đảng LFI), Marine Tondelier (Đảng EELV), Olivier Faure (Đảng PS) và Fabien Roussel (Đảng PCF) cũng tham gia biểu tình.

    Cuộc tuần hành diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu đang siết chặt chính sách nhập cư. Không chỉ Pháp mà Anh và Đức cũng có động thái thắt chặt chính sách nhập cư hoặc ban hành các quy định hạn chế mới đối với người xin tị nạn. Theo dự báo của các chuyên gia, số lượng người di cư đến Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay được dự báo sẽ tăng vượt mức kỷ lục thiết lập năm 2016.

    Theo qdnd

  • Chiếc nhẫn kim cương trị giá hơn 800.000 USD biến mất sau khi nữ du khách để lại trong phòng ở một khách sạn hạng sang.

    Theo tờ Le Parisien, nữ du khách giấu tên người Malaysia là một doanh nhân. Chiếc nhẫn kim cương giá trị đã biến mất, sau khi người này để lại trong phòng khách sạn Ritz Paris tại Pháp, và ra ngoài mua sắm. Người phụ nữ nghi ngờ nhân viên khách sạn đã lấy trộm nên báo cảnh sát vào ngày 8/12.

    Tuy nhiên, sau khi các nhân viên khách sạn Ritz Paris tiến hành lục soát một cách tỉ mỉ, họ đã bất ngờ tìm thấy chiếc nhẫn bị mất bên trong máy hút bụi vào sáng 10/12, tức 2 ngày sau khi nó biến mất.

    mat nhan kim cuong
    Ảnh minh họa

    Trong khi đó, chủ nhân của chiếc nhẫn đã rời Paris để bay tới London vào ngày 9/12. Do đó, cảnh sát sẽ giữ chiếc nhẫn cho tới khi nữ doanh nhân người Malaysia quay trở lại.

    “Khách hàng của chúng tôi đã rất vui khi nhận được tin báo. Chúng tôi muốn cảm ơn nhân viên của Ritz Paris đã tham gia vào cuộc tìm kiếm, và những người đã làm việc hàng ngày với sự chính trực và chuyên nghiệp”, tuyên bố từ khách sạn Ritz Paris cho hay.

    Trước đó, khách sạn Ritz Paris đã đề nghị tặng 3 đêm nghỉ miễn phí cho nữ du khách.

    Trong quá khứ, Ritz Paris từng phải chứng kiến 2 vụ trộm có giá trị lớn. Vào năm 2018, những tên cướp có vũ trang đã xông vào một cửa hàng bán trang sức trong khách sạn, và lấy đi số đồ trị giá hàng triệu USD. Vào cuối năm đó, một công chúa Ảrập Xêút cho biết số trang sức trị giá khoảng 900.000 USD đã bị mất, khi cô để trong phòng ở khách sạn Ritz Paris.

    Theo Vietnamnet

  • Là một trong những món ăn nổi tiếng của giới nhà giàu ở Pháp, món chim họa mi nướng khiến nhiều người phải rùng mình với quá trình chế biến gây ám ảnh.

    Món ăn gây tranh cãi trong nền ẩm thực Pháp

    mon chim hoa mi 1
    Thực khách khi thưởng thức món ăn này đều phải che mặt bằng khăn ăn trước khi ăn thịt chim (Ảnh: Daily Express)

    Ortolan hay còn gọi là chim họa mi có kích thước nhỏ, bằng với ngón tay cái của người lớn, nặng khoảng 30gr. Chúng sinh sống nhiều ở những vùng ấm áp của châu Âu như Italy, miền nam nước Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp.

    Chim họa mi thường ăn hạt dẻ, ngũ cốc nên thịt của chúng có hương vị lạ miệng, nhiều thịt, mỡ thơm và xương nhỏ. Do vậy, đây được xem là món ăn đặc biệt chỉ dành cho giới sành ăn.

    Được biết, bên cạnh các món ăn như gan ngỗng béo có hương vị hảo hạng, họa mi nướng cũng là một trong những món khoái khẩu từng xuất hiện trên các bữa tiệc của Hoàng đế La Mã.

    Theo đó, các đầu bếp hàng đầu trên thế giới với kinh nghiệm nhiều năm đã chế biến một cách công phu nhằm giữ nguyên độ béo ngậy của món thịt và thể hiện sự đẳng cấp, tinh hoa của nền ẩm thực số một toàn cầu.

    mon chim hoa mi 1
    Loài chim này thường sinh sống ở vùng cây bụi, rừng mở, rừng thứ sinh, vườn và công viên lên đến độ cao 1800 mét so với mực nước biển (Ảnh: ABC).

    Những chú chim khi thưởng thức phải trùm kín khăn

    Vậy nhưng khi biết đến quá trình săn bắt và chế biến chúng, nhiều người vẫn không tránh khỏi cảm giác ám ảnh, rùng mình sợ hãi.

    Đầu tiên, để bắt chim, trong mùa di cư, thợ săn sẽ đặt những bẫy trên cánh đồng. Sau khi mắc bẫy, những chú chim họa mi này sẽ bị nhốt trong lồng tối từ 12 đến 28 ngày hoặc làm mù mắt để khiến chúng không thể phân biệt ngày đêm.

    Nhờ vậy, chúng sẽ ăn nhiều nho, hạt kê hơn và tăng khối lượng gấp đôi trước khi mang đi chế biến.

    Trước khi bị mang ra chế biến 2 ngày, những sinh vật này sẽ ngừng được cho ăn. Sau đó, chúng sẽ được ngâm trong các thùng rượu mạnh Armagnac, vừa để chết đuối vừa để ướp hương vị trước khi nướng, bởi nếu bóp chết da thịt và nội tạng có thể bị vỡ nát và bầm tím.

    Những chiếc lông của chúng sẽ được nhổ cẩn thận để chất béo nguyên chất không thoát ra ngoài. Cuối cùng tất cả đều được chế biến bằng cách rang khô trong nhiệt độ cao từ 5 đến 7 phút.

    Họa mi nướng sẽ mang hương vị hòa quyện của hạt dẻ, dầu ô liu và một loại rượu thượng hạng của Pháp.

    mon chim hoa mi 1
    Món chim họa mi nướng được chế biến vô cùng cầu kỳ (Ảnh: Atlas Obscura).

    Theo truyền thống, để thưởng thức món ăn một cách trọn vẹn, thực khách sẽ che mặt bằng chiếc khăn ăn trước khi ăn thịt chim. Đây là một thói quen nhằm mục đích để giữ lại toàn bộ hương thơm của món ăn, đồng thời ngụy trang cho việc bạn phải bỏ đi một lượng xương lớn.

    Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thực hiện điều này vì muốn "che giấu" sự xấu hổ khi phải đối mặt với đôi mắt xinh đẹp của Thiên Chúa khi họ đang nhai xương một sinh vật sống từng bị bắt và trải qua quá trình chế biến tàn nhẫn.

    Cách thưởng thức món ăn này cũng vô cùng khác thường, thực khách phải nhai từ từ và ăn hết chỉ trong một miếng, bao gồm cả xương và nội tạng, chỉ bỏ lại phần mỏ.

    Một số thực khách sau khi trải nghiệm món ăn này cho biết, họ cảm nhận được hương vị béo ngậy của thịt, da, gan, phổi và mùi thơm của rượu vang tan trong vòm miệng.

    "Món chim họa mi nướng này tôi cảm nhận như được bao bọc bởi chất béo có mùi vị tinh tế như hạt phỉ, tất cả hòa quyện với nhau thành một 'bữa tiệc' thịnh soạn", đầu bếp người Pháp Michel Guérard mô tả.

    Tuy nhiên, năm 2001 - 2011, số lượng chim họa mi đã giảm hơn 40%, khoảng 30.000 người tham gia săn bắt chim và tiêu thụ bất hợp pháp ở miền nam nước Pháp mỗi mùa hè đã từng phải nhận mức phạt đắt đỏ.

    Chính phủ Pháp đã phải ban hành luật cấm săn bắt, buôn bán cũng như việc giết và chế biến chim họa mi trên khắp châu Âu.

    Hiện tại, món ăn này không còn xuất hiện nhiều ở nhiều nhà hàng nhưng vẫn được nấu chín và phục vụ trong các bữa tối riêng tư, bí mật và bất hợp pháp không chỉ ở Pháp mà còn lan rộng ra thành phố New York.

    Theo Dân Trí

  • Công tố viên Pháp đã mở cuộc điều tra sau khi phát hiện phong bì thư chứa đốt ngón tay bị cắt lìa được gửi tới Điện Elysee.

    Phong bì chứa đốt ngón tay được nhân viên bộ phận thư tín của Điện Elysee, dinh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tiếp nhận trong khoảng ngày 9-10/7 và báo với cảnh sát, tạp chí Valeurs Actuelles ngày 12/7 đưa tin. Công tố viên Pháp hôm nay cho biết cuộc điều tra về phong thư đã được tiến hành.

    Đốt ngón tay bị cắt lìa được cho là của một người có vấn đề về tâm thần gửi đến văn phòng Tổng thống Pháp, theo nguồn tin giấu tên am hiểu về cuộc điều tra. Văn phòng của ông Macron từ chối yêu cầu bình luận về sự việc.

    tong thong phap
    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysse, Paris ngày 4/7. Ảnh: AFP

    Khoảng 1.000-1.500 email và thư được gửi tới Tổng thống Macron mỗi ngày và do một nhóm 70 nhân viên rà soát. Ông Macron thường xem thư để tìm hiểu về tình hình dư luận và thỉnh thoảng hồi đáp bằng thư tay.

    Năm 2021, chính quyền Tây Ban Nha cũng phát hiện phong bì chứa đạn và thư đe dọa gửi đến một số chính trị gia và quan chức. Năm 2022, cảnh sát Tây Ban Nha bắt người đàn ông 74 tuổi trong cuộc điều tra về bom thư gửi tới nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có Bộ Quốc phòng.

    Năm ngoái, Ukraine cho biết các đại sứ quán của họ ở châu Âu nhận được những kiện hàng chứa mắt động vật.

    VnExpress (theo AFP)

  • Theo số liệu chính thức của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), tiền lương tại nước này, không bao gồm tiền thưởng, đạt tốc độ tăng trưởng chung cao nhất từng được ghi nhận.

    Cụ thể, trong 3 tháng tính đến tháng 5 vừa qua, tiền lương tại Anh tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. ONS cho biết mức tăng 7,3% ở thu nhập cơ bản khớp với mức tăng trong 3 tháng tính đến tháng 4 và trong quý II/2021. Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo mức tăng 7,1%.

    Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang nới lỏng khi tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng từ 3,8% trong 3 tháng tính đến tháng 4 lên 4% và số vị trí việc làm kéo dài thời gian tuyển dụng giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2021.

    tang tien luong o anh

    Nhà kinh tế Ashley Webb của Capital Economics nhận định: “Thị trường lao động đã trở nên bớt thắt chặt hơn trong tháng 5 và có một số dấu hiệu cho thấy động lực tăng trưởng tiền lương đang chậm lại một chút”.

    Tuy nhiên, với mức tăng trưởng tiền lương vẫn cao hơn nhiều so với mức phù hợp với mục tiêu lạm phát 2%, điều này vẫn sẽ không đủ để xoa dịu nỗi lo về lạm phát của Ngân hàng trung ương Anh (BoE).

    Tăng lãi suất là giải pháp mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới thực hiện để kiềm chế tốc độ tăng của lạm phát, hiện đã lên mức kỷ lục ở nhiều nước. Hiện BoE đang theo dõi chặt chẽ tốc độ tăng lương khi cơ quan này đánh giá mức độ của sức ép lạm phát trong nền kinh tế Anh sau 13 lần tăng lãi suất liên tiếp.

    Theo TTXVN

  • Rác thải chất đống trên đường phố khi nhân viên vệ sinh ở Paris (Pháp) đình công để phản đối dự thảo luật tăng tuổi nghỉ hưu, dự kiến​ trở thành luật trong tuần này.

    Rác thải thực phẩm chất đống trước tháp Eiffel. Trên con đường nhỏ lát đá cuội, rác tràn ra cả bên ngoài thùng. Rác bao quanh bờ sông Seine.

    Hơn một tuần nay, nhân viên thu gom rác thải ở một số khu vực của Paris và các thành phố khác trên khắp nước Pháp đã đình công, nhằm phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Emmanuel Macron.

    paris ngap trong rac 1

    Rác thải chất thành đống tạo thành khung cảnh không đẹp mắt. Một số thậm chí còn chất cao hơn cả những người đi bộ đang cố tránh chúng.

    Theo New York Times, biểu tượng bốc mùi này thể hiện sự phẫn nộ của người dân đối với kế hoạch của chính phủ. Nhân viên vệ sinh cho biết đây cũng là lời nhắc nhở về sự khó khăn của những nghề không phù hợp với tuổi già.

    “Bạn có thể thấy công việc của chúng tôi trên khắp Paris”, Alain Auvinet (55 tuổi), đứng chặn tại lò đốt rác ở rìa phía tây của thành phố, nơi ông đã làm việc 35 năm, nói. “Chúng tôi đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn. Chính phủ không nghe… Đây là cách cuối cùng của chúng tôi để đẩy lùi kế hoạch”.

    paris ngap trong rac 1
    Một người phụ nữ đi bộ trên phố, nơi các thùng rác tràn ra ngoài ở Paris, Pháp vào ngày 13/3. Ảnh: Reuters.

    Kế hoạch gây tranh cãi

    Sau hai tháng tranh luận chính trị, với các cuộc biểu tình lớn ở nhiều thị trấn và thành phố trên khắp đất nước, quyết định cuối cùng về hệ thống lương hưu của Pháp có thể sẽ được đưa ra trong tuần này.

    Câu hỏi lớn là liệu Tổng thống Macron có tập hợp đủ sự ủng hộ từ bên ngoài đảng của ông để giành được phiếu bầu trong Quốc hội hay không.

    Nếu không, câu hỏi tiếp theo là liệu Thủ tướng Élisabeth Borne có sử dụng quyền lực hiến định của mình để buộc dự luật thành luật mà không cần bỏ phiếu hay không. Điều này có thể khiến chính phủ phải đối mặt với động thái bất tín nhiệm.

    Dù bằng cách nào, ít ai dự đoán chính phủ Pháp sẽ giữ nguyên tuổi nghỉ hưu 62 vào cuối tuần.

    “Tôi ủng hộ những người đình công”, Dawoud Guenfoud nói, nhìn ra đống thùng rác chất đầy vỉa hè bên ngoài cửa hàng đồ trang trí và quà tặng anh quản lý gần Place de la Madeleine. “Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc cải cách sẽ được thông qua”.

    Người Pháp được hưởng một trong những hệ thống hưu trí hào phóng nhất ở châu Âu.

    Là một phần của hệ thống bảo trợ xã hội được ca ngợi, chương trình hưu trí phức hợp mang đến điều mà nhiều người Pháp coi là giai đoạn "vàng" thứ 3 của cuộc đời, để khám phá đam mê, tận hưởng cùng cháu chắt và làm tình nguyện trong khi hưởng mức sống ngang bằng hoặc tốt hơn so với dân số nói chung.

    Như những người thu gom rác lập luận, đây cũng là thời gian để nhiều người lao động phục hồi sức khỏe sau một đời làm việc vất vả.

    paris ngap trong rac 1
    Các công đoàn của Pháp đã tăng cường hành động nhằm phản đối cải cách hưu trí của chính phủ. Ảnh: Reuters.

    Tuy nhiên, chính phủ của ông Macron cho rằng tuổi nghỉ hưu phải được đẩy lên nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho hệ thống lương hưu của Pháp trong tương lai.

    Lương hưu được chi trả dựa vào những người lao động hiện nay cùng chủ lao động. Nhưng khi dân số sống lâu hơn và số lượng người về hưu ngày càng tăng, hệ thống phải đối mặt với thâm hụt dài hạn.

    Dù vậy, ngay cả cơ quan chính thức được giao nhiệm vụ giám sát hệ thống hưu trí của Pháp cũng thừa nhận không có nguy cơ sụp đổ ngay lập tức. Trong khi đó, công đoàn cùng những người phản đối cánh tả cáo buộc ông Macron phớt lờ các cách khác để tăng nguồn quỹ, bao gồm thu thuế đối với người giàu.

    Hàng triệu người Pháp đã đổ ra đường để tham gia 7 cuộc tuần hành phản đối trên toàn quốc. Cuộc đình công của nhân viên thu gom rác có vẻ như là cuộc đình công dữ dội cuối cùng trước cuộc bỏ phiếu.

    Đường phố ngập trong rác

    “Đây không phải là những gì tôi mong đợi ở Paris”, Martina Stengina (18 tuổi), sinh viên người Đức, bước ra khỏi taxi và kéo chiếc vali màu đỏ tươi quanh đống rác ngổn ngang giữa đường ở cuối phía đông thành phố, nơi cô thuê một căn hộ.

    “Tôi chỉ hy vọng điều này không kéo lũ chuột vào chỗ của chúng tôi”, cô nói khi một người bạn chụp ảnh "selfie" trước thùng rác.

    Georgina Pillement (32 tuổi), quan sát đống rác bên ngoài tòa nhà văn phòng gần Place Vendôme trong lúc nghỉ giải lao.

    “Pháp được coi là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sinh thái”, Pillement, người làm việc tại một công ty đầu tư xanh, cho biết. “Thế vận hội Olympic chỉ còn một năm nữa. Điều này khiến tôi có chút lo lắng”.

    paris ngap trong rac 1
    Rác thải đang làm hỏng nhiều con đường đẹp nhất của thành phố gần các di tích mang tính biểu tượng, bao gồm Tháp Eiffel và Khải Hoàn Môn. Ảnh: Reuters.

    Nhiều nhân viên đã đình công hơn một tuần trước tại các thành phố trên khắp cả nước, bao gồm Le Havre, Nantes, Antibes và Rennes. Tại Paris, khoảng một nửa thành phố bị ảnh hưởng, từ quận 16 sang trọng, đến trung tâm đời sống trí tuệ Latin Quarter và các khu dân cư của tầng lớp lao động ở phía đông.

    Vào hôm 13/3, khoảng 5.600 tấn rác vẫn chưa được thu gom trên đường phố, theo tòa thị chính Paris. Nhân viên tại 3 lò đốt rác của thành phố cũng đang đình công.

    Một nhà bình luận trên đài phát thanh Europe1 mô tả tình hình hiện nay giống một bữa tiệc buffet ăn thỏa thích cho 6 triệu con chuột ở Paris - gấp đôi dân số thành phố.

    Tận dụng cơ hội để chuyển hướng sự tức giận, một số bộ trưởng đã tấn công chính quyền thành phố Paris vì không thu gom rác.

    Đáp lại, Phó thị trưởng Emmanuel Grégoire nói rằng chính phủ của ông Macron phải chịu trách nhiệm.

    Ông bày tỏ sự cảm thông với nhân viên thu gom rác - những người thường có tuổi thọ thấp hơn so với các giám đốc điều hành doanh nghiệp - và nói rằng hai năm làm việc nữa “có ý nghĩa rất nhiều”.

    “Cách tốt nhất để khiến họ trở lại làm việc là rút lại dự luật cải cách hưu trí”, ông nói.

    Tuy nhiên, ít người nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra.

    Nếu dự luật trở thành luật, vẫn chưa rõ liệu các cuộc biểu tình, đình công lớn có tiếp tục diễn ra hay không và hậu quả lâu dài, nếu có, đối với ông Macron cùng chính phủ của ông là gì.

    Một số nhà phân tích chính trị dự đoán các cuộc biểu tình sẽ tan rã, nhưng sự cay đắng đó sẽ khiến cử tri trừng phạt đảng của ông Macron, trước tiên là trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào năm tới.

    “Kết quả rất có thể xảy ra là các công đoàn sẽ nói: 'Nếu luật được thông qua, sẽ có những hậu quả chính trị tại thùng phiếu'", Guy Groux, nhà xã hội học tại Science Po, cho biết.

    Tuy nhiên, những nhân viên dọn rác công cộng ở Paris hôm 14/3 đã bỏ phiếu đình công thêm một tuần nữa, bất kể kết quả cuối cùng.

    Nhiều người trong số họ, giống nhiều người trên khắp nước Pháp, coi sự thay đổi theo kế hoạch hưu trí là mối đe dọa đối với lối sống và các giá trị.

    “Pháp là một đất nước đoàn kết. Nhưng chúng tôi đang đánh mất điều đó từng chút một”, ông Auvinet, nhân viên thu gom rác, người vẫn hy vọng được nghỉ hưu sớm ở tuổi 57, cho biết. Theo kế hoạch của chính phủ, độ tuổi đó sẽ được đẩy dần lên 59.

    Đứng bên cạnh ông trước ngọn lửa bùng lên trong thùng kim loại, bên ngoài lò đốt rác không hoạt động ở Issy-les-Moulineaux, đồng nghiệp Vincent Pommier (27 tuổi), đồng tình.

    “Chúng tôi tin vào việc sống chứ không phải sống sót. Chúng tôi không phải là những con số. Chúng tôi không phải là dã thú”, anh nói.

    Theo Zing

  • Duy trì được cuộc hôn nhân hơn chục năm, người phụ nữ này ngỡ tưởng mình sẽ trở thành Đệ nhất phu nhân nước Pháp sau bao tháng ngày làm hậu phương vững chắc cho chồng nhưng ngờ đâu mọi thứ lại thay đổi đáng sợ.

    Cựu Tổng thống Nicholas Sarkoz khóa môi người vợ thứ 2 Cecilia Attias.

    Cựu Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy là vị Tổng thống hiếm hoi khi ly hôn vợ ngay thời gian đầu đương nhiệm. Ở thời điểm người vợ ngỡ rằng mình sắp được hưởng thụ thành quả sau bao ngày cùng chồng cố gắng thì người ta lại chỉ thấy vẻ ủ rũ của bà Cecilia Attias. 

    Câu nói "bởi vì anh ấy đã quên tôi rồi" khiến bao người xót xa, thương cảm cho một người vợ tần tảo vì chồng. Nhưng đằng sau cuộc hôn nhân đổ vỡ ấy là những câu chuyện làm ta phải suy ngẫm.

    Đúng người sai thời điểm và cuộc tình đầy tội lỗi

    Cecilia từng có một vài cuộc tình ồn ào trước khi chính thức bước vào cuộc hôn nhân đầu tiên với ngôi sao truyền hình Jacques Martin. Ở thời điểm ấy, Cecilia đã từng hạnh phúc mà tự hào rằng: "Tôi đang yêu người đàn ông nổi tiếng nhất nước Pháp".

    Đám cưới diễn ra ở vùng ngoại ô giàu có nhất Paris được tiến hành tại tòa thị chính bởi thị trưởng Nicolas Sarkozy. 

    Ông Sarkozy rất hâm mộ chú rể qua những vai diễn của anh ấy, nhưng đến khi nhìn sang cô dâu, ngài thị trưởng bỗng đứng hình. "Tại sao tôi lại làm chủ hôn cho cô gái này với người khác. Cô ấy phải dành cho tôi", Sarkozy tự nhủ.

    Sau đám cưới, Sarkozys kết bạn với Martins, cả hai cặp đôi trở thành bạn tốt của nhau và họ còn làm cha mẹ đỡ đầu cho con cái của nhau. Họ đi trượt tuyết, thường xuyên đi du lịch cùng nhau nhưng lại có rất nhiều tin đồn về mối quan hệ giữa ngài thị trưởng Sarkozy và cô Cecilia. 

    Người viết tiểu sử kể lại, vào một buổi chiều trong kỳ nghỉ ở căn nhà trượt tuyết, bà Sarkozy đã tìm thấy dấu chân của chồng mình trên tuyết dưới cửa sổ nhà Cecilia.

    Cuối cùng, sau 5 năm kết hôn, Cecilia đã kết thúc tình yêu với người đàn ông ngỡ trong mơ Martins để sống thật với trái tim mình. 

    Nhưng mãi cho đến năm 1996, 5 năm sau ly hôn, Cecilia mới về chung một nhà cùng Sarkozy. Để đến được với nhau, họ đã trải qua rất nhiều sóng gió, những chỉ trích từ dư luận, sự xét nét của người thân. 

    Và rồi họ vẫn kiên định với tình yêu ấy, bởi giờ đây đã có thể đường đường chính chính là vợ chồng của nhau. 

    Sự hi sinh thầm lặng và nhận về cái kết bất ngờ

    Kể từ khi trở thành vợ Sarkozy, Cecilia giúp sức rất nhiều cho sự nghiệp chính trị của chồng mình. Năm 2002 với tư cách là cố vấn cấp cao của Sarkozy tại Bộ nội vụ. 

    Vừa là trợ lý chuẩn bị tất cả các tài liệu sắp xếp cuộc họp, vừa là người vợ ân cần chu đáo chăm lo cho chồng từng bữa cơm, là lượt từng bộ quần áo. 

    Khi Sarkozy là Bộ trưởng Bộ nội vụ, ông từng chia sẻ: "Sự hiện diện của cô ấy là hết sức quan trọng với tôi. Cô ấy khiến tôi bình tĩnh, làm cho mọi công việc của tôi suôn sẻ hơn". Thậm chí, Sarkozy còn gọi đùa vợ mình là "ông chủ".

    Họ đã từng có một tình yêu đẹp.

    Năm 2004, Cecilia đã giúp lên kế hoạch cho cuộc biểu tình chính trị rộng lớn, nơi chồng bà sẽ lên lãnh đạo đảng UMP. Nhưng đến năm 2005, nhiều bất đồng quan điểm giữa vợ chồng Cecilia đã nổ ra liên tục. Có lần Sarkozy còn lấy chức danh để cho người đuổi theo vợ mình khi Cecilia bỏ đi.

    Không ngờ việc Cecilia rời đi New York chính là cơ hội để ông chồng của mình tìm niềm vui mới. Bấy giờ có nhiều tin đồn về việc Sarkozy có quan hệ tình cảm với một phóng viên. 

    Thế nhưng, đến năm 2006, sau khi Cecilia trở lại, vị Bộ trưởng rất hạnh phúc thổ lộ: "Cô ấy là một phần của tôi... Hôm nay Cecilia và tôi đã được đoàn tụ".

    Ngày Sarkozy nhậm chức, Cecilia xuất hiện cùng các con, họ như một gia đình hạnh phúc được nhiều người ngưỡng mộ. 

    Nhưng ngay sau đó, Cecilia lại không sống cùng chồng mình, bà ít xuất hiện trong các sự kiện đến mức các phóng viên gọi bà là "người phụ nữ vô hình".

    Với cương vị mới, bà Cecilia đã có công lớn trong chiến dịch chống bạo lực gia đình. Bà còn đứng ra kêu gọi, tổ chức nhiều chương trình từ thiện thiết thực với dân chúng. 

    Nhưng chính nhiệm vụ giải cứu Libya vào tháng 7 năm 2007 đã thực sự đẩy Cecilia vào bế tắc. Bà đã mắc rất nhiều việc trái với quy tắc của một Đệ nhất phu nhân có thể làm, gây ra hậu quả không nhỏ.

    Cặp đôi chính thức kết thúc cuộc hôn nhân bế tắc sau 5 tháng Sarkozy lên làm Tổng thống. Cecilia lúc ấy mới tâm sự thật lòng mình: "Tôi không thể giả vờ mãi được nữa"

    Có nghĩa, rạn nứt hôn nhân đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng Cecilia giấu kín để chồng mình ổn định trong chức vụ mới.

    Sarkozy từng gọi đùa vợ mình là "bà chủ".

    Người phụ nữ "thất bại" đau đớn đối diện sự thật: "Những gì đang xảy ra với tôi cũng xảy ra với hàng trăm triệu người trên thế giới. Đó là một ngày, bạn trở về và cảm thấy lạc lõng trong chính căn nhà của mình...". 

    Cecilia nói với người viết tiểu sử Anna Bitton rằng: "Sarkozy rất tham vọng, ông ấy không yêu ai đâu, kể cả con ông ấy".  

    Chắc hẳn, những mâu thuẫn, xung đột phải lớn thế nào thì người đàn bà bất chấp mình là kẻ thứ 3 để vươn lên chính thất ấy mới nặng lời với người đàn ông từng yêu thương như vậy.

    Ly hôn không bao lâu thì cựu Tổng thống Pháp Sarkozy cưới ca sĩ Carla Bruni xinh đẹp. Đó cũng chính là câu trả lời cho cuộc hôn nhân với Cecilia tan vỡ khó tin như vậy.

    Theo Trí Thức Trẻ/ The Guardian)

  • Văn phòng tổng thống Pháp ngày 17-12 xác nhận Tổng thống Emmanuel Macron dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

    "Tổng thống có kết quả xét nghiệm dương tính trong hôm nay 17-12", Điện Élysée cho biết trong một tuyên bố. Nhà lãnh đạo nước Pháp được lấy mẫu xét nghiệm sau khi "xuất hiện các triệu chứng" phổ biến của người mắc COVID-19.

    tong thong phap mac covid

    Theo quy định của Pháp, ông Macron sẽ tự cách ly trong ít nhất 7 ngày nhưng "sẽ tiếp tục làm việc và thực hiện các hoạt động của mình từ xa", Hãng thông tấn AFP trích thông cáo của Điện Élysée.

    Một phát ngôn viên của chính phủ Pháp xác nhận các chuyến công du đã lên lịch của ông Macron sẽ bị hủy cho tới khi có thông báo mới. Tổng thống Pháp dự kiến có chuyến thăm Lebanon vào ngày 22-12.

    Theo Chủ tịch thượng viện Pháp Gerard Larcher, thủ tướng nước này, ông Jean Castex, sẽ tự cách ly trong những ngày tới, vì đã tiếp xúc gần với ông Macron.

    Hồi tháng 10 rồi, Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân cũng được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2. Theo truyền thông Mỹ, ông Trump bị nhiễm virus sau khi tham dự một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Thủ tướng Anh Boris Johnson là một trong các nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên trên thế giới mắc COVID-19.

    Hiện Pháp vẫn duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc từ 20 giờ tối để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong khi nhà hàng, quán cà phê, nhà hát và rạp chiếu phim vẫn phải đóng cửa.

    Đến nay, Pháp ghi nhận hơn 59.300 người chết vì Covid-19 và hơn 2,4 triệu ca nhiễm, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Riêng trong ngày 16.12, Pháp ghi nhận hơn 17.000 ca nhiễm mới.

    Giống như các quốc gia của Liên minh châu Âu (EU), Pháp hy vọng sớm có thể tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19.

    Thủ tướng Pháp Jean Castex hôm 16.12 cho biết nước này dự kiến sẽ có khoảng 1,16 triệu liều vắc xin Covid-19 trong tháng 12.

  • Cựu tổng thống Jacques Chirac, người giữ chức tổng thống Pháp trong hai nhiệm kỳ từ năm 1995, vừa qua đời ở tuổi 86.

    Ông Jacques Chirac được bầu làm tổng thống Pháp vào năm 1995 và năm 2002. Ông được cho là người đưa nước Pháp vào cộng đồng sử dụng đơn vị tiền tệ euro của châu Âu.

    Một trong những cải cách chính trị lớn của ông Chirac là cắt giảm nhiệm kỳ tổng thống Pháp từ 7 năm xuống còn 5 năm, theo BBC.

    Năm 1977, ông trở thành thị trưởng đầu tiên được bầu của Paris. Trước đó, chức vụ này đều được chỉ định.

    Cựu tổng thống Pháp Chirac qua đời ở tuổi 86. Ảnh: Getty.

    Phản đối mạnh mẽ Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003

    Ông được cho là người lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất việc Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003. 

    Trong những năm cuối đời, cựu tổng thống Pháp dính nhiều bê bối tham nhũng. 

    Sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2007, sức khỏe ông Chirac ngày càng xấu đi. Ông bị đột quỵ năm 2005. Đến năm 2014, vợ ông, bà Bernadette, cho biết cựu tổng thống sẽ không phát biểu trước công chúng do gặp vấn đề về trí nhớ, theo truyền thông Pháp.

    Ông Chirac là tổng thống Pháp có thời gian đương nhiệm dài thứ hai trong thời kỳ hậu thế chiến, chỉ đứng sau người tiền nhiệm Francois Mitterrand.

    Ông Chirac sinh năm 1932, là con trai của một giám đốc ngân hàng, người sau này trở thành giám đốc điều hành của công ty máy bay Dassault.

    Trước khi trở thành tổng thống Pháp, ông Chirac từng hai lần làm thủ tướng và 18 năm làm thị trưởng Paris.

    "Chiến tranh luôn luôn là giải pháp cuối cùng. Nó luôn là bằng chứng của sự thất bại. Đây luôn là giải pháp tồi tệ nhất, bởi nó mang đến cái chết và sự khốn khổ", ông nói, đề cập đến việc Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003. Ông cảnh báo rằng bất kỳ sự chiếm đóng nào tại Iraq sẽ gây ra "một cơn ác mộng".

    Ông Jacques Chirac cùng bà Angela Merkel sau cuộc họp ở Meseberg vào tháng 2/2007. Ảnh: AFP.

    Một trong những hành động vĩ đại nhất của cựu tổng thống Chirac tại Pháp là lên tiếng thừa nhận rằng toàn bộ nước Pháp chịu trách nhiệm về việc 76.000 người Do Thái bị gửi đến các trại tập trung của Đức Quốc xã trong Thế chiến II, theo Guardian.

    Ông cho rằng hành động "điên rồ" của người Đức đã được người Pháp, nhà nước Pháp hỗ trợ. Lời xin lỗi của ông đánh dấu lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Pháp thời hậu chiến thừa nhận hoàn toàn vai trò của Pháp trong thảm kịch này.

    Chính trị gia quyến rũ nhưng cũng gây nhiều tranh cãi

    Trong suốt sự nghiệp của mình, cựu tổng thống Pháp được coi là một chính trị gia có sức quyến rũ. Trong nhiều thập kỷ, ông đã thu hút công chúng bằng những cái bắt tay vô tận và cử chỉ vỗ lưng của mình.

    Trong những chuyến thăm ở Pháp, ông bắt tay nhiều người đến nỗi phải nhúng ngón tay vào thùng đá hoặc đeo thạch cao để tránh cho bàn tay bị phồng rộp. Ông tiếp cận và gần như chạm vào mọi người, từ cái ôm đối với cử tri cho tới việc hôn tay Thủ tướng Đức Angela Merkel.

    Tuy nhiên, ông Chirac cũng nhiều lúc bị chế giễu và châm biếm. Ông từng có biệt danh là "siêu dối trá". Sau phiên tòa lịch sử năm 2011, ông trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị kết án tham nhũng với cáo buộc tham ô trong thời gian ông là thị trưởng Paris.

    Trong hơn 43 năm trên chính trường, ông Chirac được mô tả là "mối đe dọa" và "sát thủ" đối với đối thủ.

    Sinh ra trong gia đình khá giả thuộc tầng lớp tiến bộ ở Paris, ông vẫn tham gia chiến đấu ở tiền tuyến trong chiến tranh Algeria. Ông Chirac là tổng thống Pháp cuối cùng có kinh nghiệm trực tiếp về chiến trường. Điều này khiến ông thận trọng hơn đối với chiến tranh.

    Ông Jacques Chirac và bà Margaret Thatcher trong cuộc gặp ở Paris, Pháp năm 1975. Ảnh: REX/Shutterstock.

    Cựu tổng thống Chirac bị chỉ trích nhiều nhất vì đã không cải cách nước Pháp, khiến tình trạng bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến các cuộc bạo loạn năm 2005. Trong khi đó, thành tựu của ông tại Pháp bao gồm việc cải thiện an toàn giao thông đường bộ, giúp cứu sống 8.500 người trong vòng bốn năm.

    Federic Salat-Baroux, con rể của ông Chirac, cho biết tổng thống thứ 22 của nước Pháp qua đời ở tuổi 86 hôm 26/9. Trong 10 năm qua, ông phải nhập viện nhiều lần vì bị nhiễm trùng phổi, theo Independent.

    Trải qua tất cả những thăng trầm trong sự nghiệp chính trị suốt hơn 40 năm, ông Chirac vẫn là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất ở Pháp. Tuy nhiên, theo các nhà viết tiểu sử, sự nổi tiếng đó là do việc ông tự cho mình là người của công chúng, chứ không phải vì bất kỳ thành tựu cụ thể nào.

    Viethome (theo Zing)

  • 3 gia tộc giàu có nhất nước Pháp đã ra tay cứu công trình biểu tượng của đất nước, khi góp số tiền lên tới 565 triệu USD.

    Theo CNN, các tỷ phú đứng sau tập đoàn LVMH Group, Kering và L'Oreal góp tổng cộng số tiền lên tới 565 triệu USD.

    Bernard Arnault sở hữu tập đoàn LVMH.

    Bernard Arnault, người sở hữu tập đoàn LVMH thông báo góp 226 triệu USD. Gia tộc Bettencourt Meyers điều hành thương hiệu mỹ phẩm L'Oreal, cũng góp số tiền 226 triệu USD. Gia tộc Pinault sở hữu tập đoàn Kering ủng hộ 113 triệu USD.

    Cả 3 gia tộc đều viện dẫn lòng yêu nước và bản sắc văn hóa chung là lý do khiến họ sẵn sàng quyên góp để tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris.

    LVMH là tập đoàn sở hữu các thương hiệu Louis Vuitton, Christian Dior và Givenchy. Tập đoàn này mô tả Nhà thờ Đức Bà Paris là “biểu tượng của di sản và sự thống nhất của Pháp”.

    Bernard Arnault hiện là người giàu thứ ba trên thế giới, với khối tài sản lên tới 90 tỷ USD, theo Bloomberg, hơn cả Warren Buffett hay Mark Zuckerberg.

    Ngoài các thương hiệu thời trang nổi tiếng, LVMH còn sở hữu thương hiệu đồ uống có cồn như Dom Pérignon, Hennessy và Veuve Clicquot

    Trong khi đó, gia tộc Kering sở hữu các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Yves Saint Laurent, Alexander McQueen và Balenciaga.

    “Thảm kịch này khiến mọi người dân Pháp đau đớn. Đối mặt với thảm kịch, mọi người đều ao ước khôi phục báu vật của Paris càng sớm càng tốt”, François-Henri Pinault, tổng giám đốc điều hành tập đoàn Kering, phát biểu. Ông là con trai của tỉ phú Francois Pinault, người sáng lập Kering.

    Gia tộc Pinault hiện sở hữu khối tài sản khoảng 37,3 tỷ USD, theo Bloomberg.

    Francois-Henri Pinault, CEO của Kering.

    Gia tộc Bettencourt Meyers, điều hành thương hiệu mỹ phẩm L'Oreal, cũng sở hữu các thương hiệu khác như Maybelline, Lancome, Garnier và Kiehl's. Francoise Bettencourt Meyers hiện là người phụ nữ giàu nhất thế giới với khối tài sản 53,5 tỷ USD, theo Bloomberg.

    Bà thừa kế tài sản từ người mẹ Liliane Bettencourt – người qua đời năm 2017. Bettencourt Meyers là cháu của người sáng lập công ty, Eugene Schueller.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ khôi phục Nhà thờ Đức Bà nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình này có thể sẽ mất tới vài thập kỷ.

    Viethome (theo Dân Việt)

  • Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá để trở thành một trong những biểu tượng của nước Pháp và châu Âu.

    Ngọn lửa cơ bản được khống chế từ khoảng 2 giờ sáng theo giờ Pháp, tức 7 giờ sáng 16/4 theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng cứu hỏa vẫn phải tiếp tục chiến đấu với những đám cháy nhỏ bên trong nhà thờ, đặc biệt là phải bơm nước để làm nguội hiện trường trước nguy cơ một số vị trí có thể sụp đổ do nhiệt độ cao, đồng thời ngăn ngừa ngọn lửa bùng phát trở lại.

    Lực lượng cứu hỏa cũng được triển khai đến mọi vị trí trong nhà thờ để đánh giá cơ bản những thiệt hại đã xảy ra. Theo một nguồn tin từ lực lượng cứu hộ, 2/3 diện tích Nhà thờ Đức Bà Paris đã bị lửa tàn phá. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra, các nỗ lực dập lửa suốt đêm đã giúp giữ được cấu trúc chính và mặt tiền của nhà thờ, giúp cho khả năng khôi phục trong thời gian tới thuận lợi hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp người dân hay khách du lịch nào bị thương trong vụ cháy, tuy nhiên 1 lính cứu hỏa đã bị thương nặng trong quá trình làm nhiệm vụ.

    (Đồ họa: VnExpress)

    Những sản vật vô giá

    Phát ngôn viên của nhà thờ Andre Finot nói với các phóng viên rằng gần như mọi thứ bên trong đã bị thiêu rụi và sẽ chẳng còn gì ngoài những khung hình trơ trọi. Ông Finot cho biết một số cấu trúc bằng gỗ từ thời trung cổ, điều kỳ diệu truyền cảm hứng cho hàng trăm triệu người tới thăm trong nhiều thế kỷ qua đã bị phá hủy, nhưng rất may các di vật tôn giáo linh thiêng nhất đã được bảo quản an toàn.

    Theo tờ Figaro, 16 bức tượng trang trí trên mái của nhà thờ Đức Bà đã được dỡ xuống vào tuần trước theo một dự án trùng tu.

    Cụ thể, 12 bức tượng của các tông đồ và 4 bức tượng của các nhà truyền giáo vốn nằm trên mái nhà thờ trong hơn 150 năm đã được dỡ xuống vào tuần trước và gửi đi phục hồi. Theo dự án, các bức tượng sẽ được trả lại vào vị trí cũ trên nóc nhà thờ vào năm 2022.

    Trần nhà thờ chứa hàng nghìn dầm gỗ sồi, một số trong đó có niên đại từ thế kỷ thứ 12. (Ảnh: CNN)
    Theo ước tính, 13.000 cây sồi 300-400 tuổi đã bị đốn hạ để làm khung xà cho nhà thờ vào thời điểm nó được xây dựng. (Ảnh: Itscarmen)
    Điểm nổi bật nhất bên trong nhà thờ chính là 3 bộ ô kính hình hoa hồng có niên đại từ thế kỷ 13.
    Khu vực bên dưới nhà thờ là một hầm mộ cách mặt đất khoảng 79m, được phát hiện trong cuộc khai quật năm 1965 và mở cửa cho du khách tham quan từ năm 1980. Đây là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá từ thời La Mã. (Ảnh: Wikimedia)

    Biểu tượng của kiến trúc, tôn giáo, văn hóa

    Trước khi bị hỏa hoạn thiêu rụi, nhà thờ Đức Bà là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất nước Pháp và được xem là trái tim của thủ đô Paris.

    Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) không chỉ là biểu tượng của thủ đô Paris mà còn là một trong các biểu tượng của văn minh Thiên chúa giáo phương Tây.

    Nhà thờ Đức Bà Paris, với các mái vòm cong hình xương cá đối xứng hai bên, là công trình tôn giáo nổi tiếng nhất của phong cách kiến trúc gothic. Nhìn từ phía ngoài, nhà thờ Đức Bà Paris nổi bật trên nền trời Paris, đặc biệt với những ai đi du thuyền trên sông Seine và chiêm ngưỡng mặt bên của nhà thờ với các tháp nhọn (flèche), các mái vòm xương cá (combles) và các ống máng nước (gargouille) mặt quỷ nổi tiếng. Bên trong nhà thờ là mái trần cao vút với các tấm kính (vitraux) và ô cửa sổ vạn hoa (rosaces) đầy màu sắc.

    Theo ước tính, Nhà thờ Đức Bà đón khoảng 35.000 lượt khách mỗi ngày, gần gấp đôi tháp Eiffel. Con số ấn tượng này biến nơi đây trở thành công trình lịch sử đón nhiều khách du lịch nhất tại châu Âu. (Ảnh: Pixabay.com)

    Tất cả vẻ đẹp của nhà thờ Đức Bà Paris được nhân lên trong văn học, với tiểu thuyết kinh điển “Nhà thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo, văn hào lỗi lạc của nước Pháp. Tác phẩm của Victor Hugo đã mang “nàng Esmeralda” hay “thằng gù Quasimodo” đi khắp thế giới, biến Nhà thờ Đức Bà Paris thành địa danh trong mơ của nhiều thế hệ độc giả toàn cầu.

    Sau hơn 8 thế kỷ tồn tại, Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá… để trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của nền văn minh thiên chúa giáo phương Tây. Với nước Pháp, Nhà thờ Đức Bà Paris là bản sắc dân tộc sâu đậm nhất của quốc gia này.

    Không chỉ là tòa lâu đài tráng lệ với những tòa tháp và tháp nhọn, những trụ đá và kính màu thu hút những người yêu nghệ thuật và kiến trúc từ khắp nơi trên thế giới, đối với các thế hệ người Công giáo, đây cũng là nơi hành hương và cầu nguyện. Nhà thờ là nơi tập hợp các thánh tích bao gồm một mảnh Gỗ Thánh Giá - được nhiều người tin là một phần của "thánh giá thực sự" mà Chúa Giêsu bị đóng đinh - và phần được cho là một trong những chiếc đinh Người La Mã dùng để đóng đinh ông.

    Nhà thờ Đức Bà không chỉ là một kho lưu trữ lịch sử và tôn giáo, nó còn có vị trí không nhỏ trong trái tim của nhiều người.

    Dù hiện tại các thiệt hại chưa được tính toán cụ thể nhưng với quy mô nghiêm trọng của vụ cháy, giới chuyên gia bảo tồn Pháp cho rằng việc phục hồi hoàn toàn Nhà thờ Paris như trước khi vụ cháy xảy ra sẽ phải mất hàng chục năm trời, thậm chí nhiều hơn. Số tiền bỏ ra chắc chắn cũng sẽ là con số khổng lồ.

    Pháp không còn cây đủ lớn để phục dựng Nhà thờ Đức Bà

    Giới chức Pháp thừa nhận khó khăn trong việc tìm cây gỗ đủ lớn để xây dựng lại phần mái vòm và tháp nhọn của nhà thờ.

    Khung cảnh bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris sau khi vụ cháy được dập tắt. Ảnh: AFP

    "Giờ đây cả nước Pháp không còn cây gỗ nào có kích thước tương đương để thay thế những dầm gỗ đã bị thiêu rụi trong đám cháy ở nhà thờ Đức Bà", Bertrand de Feydeau, phó chủ tịch Quỹ Di sản Pháp, hôm nay thừa nhận. "Phần mái vòm được làm từ những dầm gỗ hơn 800 năm. Những cây gỗ lớn như vậy giờ đã biến mất ở Pháp.

    Mái vòm và tháp nhọn của nhà thờ Đức Bà được làm từ những thân gỗ lớn bọc chì để tránh tác động của yếu tố môi trường và thời gian. Theo ước tính, 13.000 cây gỗ đã được dùng để làm dầm cho công trình, đủ bao phủ 21 hecta đất.

    Khi được hỏi liệu trên lãnh thổ châu Âu có còn cây gỗ nào đủ lớn để làm dầm cho nhà thờ và có thể nhập được vào Pháp hay không, ông Feydeau trả lời: "Tôi không biết".

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ/VnExpress)

  • Vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng hôm 15/4 khi công trình này đang tu sửa, đe dọa phá hủy một trong những dấu ấn kiến trúc hàng đầu châu Âu.

    Nhà thờ Đức Bà Paris, biểu tượng vẻ đẹp và lịch sử của Paris, chìm trong ngọn lửa kinh hoàng đêm 15/4 khiến phần lớn phần mái của thánh đường bị phá hủy. 

    Paris chìm trong khói lửa và nước mắt, những tiếng cầu nguyện không dứt.

    Bầu trời Paris chìm trong biển khói khiến thành phố càng hoang tàn khi vẫn còn đang vật lộn với những hủy hoại của nhiều tuần biểu tình và phá hoại của các nhóm áo khoác vàng. 

    Đám cháy bùng phát vào buổi tối và nhanh chóng lan tới phần mái của tòa nhà, phá hủy các cấu trúc bằng gỗ trước khi khiến tòa tháp cao nhất đổ sập.

    Theo BBC, lính cứu hỏa đang vật lộn để cứu lấy công trình kiến trúc 850 năm tuổi, nhưng tòa tháp giữa và phần mái vòm của thánh đường đã bị phá hủy. Cửa sổ Hoa hồng phía bắc của thánh đường, một trong những điểm nhấn kiến trúc của tòa nhà, may mắn không bị ảnh hưởng trong vụ hỏa hoạn.

    Tháp cao nhất và mái vòm của nhà thờ đã bị phá hủy. Ảnh: AP.

    Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn hôm 15/4, nhưng rất có thể nó liên quan tới hoạt động trùng tu nhà thờ đang diễn ra.

    Người đứng đầu lực lượng cứu hỏa Paris, ông Jean-Claude Gallet cho biết cấu trúc chính của công trình đã được bảo toàn đã ngăn được ngọn lửa không cho lan tới tòa tháp chuông phía bắc.

    Không có người nào thiệt mạng nhưng một trong số 400 lính cứu hỏa tham gia quá trình dập lửa đã bị thương, theo AP.

    Ngọn lửa bao trùm giàn giáo xung quanh tòa tháp cao nhất của nhà thờ. Ảnh: Reuters.

    Không cầm được nước mắt

    Cảnh sát Paris đã loại bỏ nguyên nhân khủng bố hoặc cố ý gây hỏa hoạn và cho biết đang điều tra theo hướng đây là tai nạn liên quan tới dự án trùng tu nhà thờ trị giá 6,8 triệu USD đang diễn ra.

    Lính cứu hỏa đang cố gắng để ngăn ngọn lửa lan tới tòa tháp phía bắc, một trong những cấu trúc chính của nhà thờ. Ảnh: AP.

    Người ta nghe thấy những tiếng nổ lớn khi ngọn lửa bùng lên qua phần mái, phá hủy các cửa số bằng kính màu của nhà thờ - một trong những công trình kiến trúc được tham quan nhiều nhất thế giới.

    Hàng nghìn người tụ tập trên các đường phố xung quanh nhà thờ, lo lắng theo dõi vụ hỏa hoạn, một số người thậm chí đã không cầm được nước mắt và một số khác thì cùng nhau cầu nguyện. Các nhà thờ xung quanh thủ đô Paris đã rung chuông.

    Khu vực màu đỏ là phần đã bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn. Đồ họa: BBC.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macronđã tới hiện trường, nói rằng tâm trí ông ở bên "toàn bộ người Thiên Chúa giáo và toàn thể nhân dân Pháp". "Giống như tất cả đồng bào của tôi, đêm nay tôi hết sức đau buồn khi phải chứng kiến một phần này của chúng ta bị thiêu đốt".

    Vì vụ hỏa hoạn nên ông Macron đã hủy bỏ một bài diễn văn quan trọng dự kiến phát trên truyền hình.

    Người dân Paris quỳ xuống đường cầu nguyện cho công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố. Ảnh: AFP.

    Sử gia Camille Pascal chia sẻ với đài BFMTV rằng trận hỏa hoạn đang phá hủy "những di sản vô giá".

    "Trong suốt 800 năm, nhà thờ đã canh gác Paris. Các sự kiện vui buồn trong hàng thế kỷ đã được đánh dấu bằng những tiếng chuông của Nhà thờ Đức Bà. Chúng tôi thấy kinh hoàng với những gì mình đang chứng kiến", ông Pascal nói. 

    Người dân Paris sững sờ trước những gì đang diễn ra. Nhà thờ Đức Bà Paris, bên cạnh tháp Eiffel, là một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố, thu hút rất nhiều khách du lịch. Ảnh: AFP.

    Địa điểm hút khách nhất Paris

    Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May đã chia buồn với người dân Pháp và cho biết hai nước sẵn sàng giúp đỡ trong quá trình khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn.

    Vatican nói vụ cháy đã "gây sốc và đau buồn", nói thêm rằng Tòa thánh đang cầu nguyện cho lực lượng cứu hỏa Pháp.

    Dù Tháp Eiffel có vẻ nổi tiếng hơn, nhưng nếu tính trên số lượng khách du lịch đến thăm thì Nhà thờ Đức Bà mới là địa điểm hút khách nhất ở Paris, khi đón 13 triệu lượt khách mỗi năm, gần gấp đôi so với con số 7 triệu của Tháp Eiffel.

    Khoảnh khắc phần chóp cao nhất của mái vòm nhà thờ sụp đổ. Ảnh: AFP.

    Thánh đường được xây dựng từ thế kỷ 12, và đang trong quá trình phục chế quy mô lớn do phát hiện các vết nứt trên phần cấu trúc bằng đá của nhà thờ. Một số bức tượng ở phần mặt tường tòa nhà cũng đã được đem đi phục chế.

    Nhà thờ là nơi lưu giữ rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật và là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách tham quan nhất thế giới. Sự nổi tiếng này được vĩnh cửu hóa với tác phẩm kinh điển "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà" của đại văn hào Victor Hugo năm 1831.

    Ông Jean-Claude Gallet cho biết lính cứu hỏa sẽ tiếp tục phun nước để làm mát tòa nhà. Tổng thống Macron kêu gọi cả đất nước cam kết cùng nhau xây dựng lại công trình mang tính biểu tượng. Một trang web gây quỹ cũng đã đi vào hoạt động, để mọi người có thể ủng hộ kinh phí sửa chữa nhà thờ.

    Tỷ phú Pháp Francois-Henri Pinault, người có tổng tài sản trị giá 31 tỷ euro, tuyên bố sẽ đóng góp 100 triệu euro cho quá trình tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris.

    Tia lửa bắn ra từ Nhà thờ Đức Bà Paris, ngày 15/4. 
    Các nhân viên cứu hỏa cho biết họ cứu được phần vỏ cấu trúc đá khỏi sự sụp đổ. Ngọn lửa bắt đầu vào buổi tối sớm bùng phát nhanh chóng qua mái nhà thờ lớn có tuổi đời hàng thế kỷ và nhấn chìm nó. Ảnh: Reuters.
    Lính cứu hỏa đã chiến đấu để ngăn chặn một trong những tháp chuông chính bị sụp đổ. Một lính cứu hỏa đã bị thương nặng. Vài giờ sau khi đám cháy lớn bùng lên, đốt cháy hầu hết mái nhà, đe dọa các tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc hàng thế kỷ bên trong, ông Laurent Nunez, thư ký của bộ trưởng nội vụ, cho biết cả hai tòa tháp của Nhà thờ Đức Bà đều đã an toàn. Ảnh: Reuters.
    Vatican cho biết vụ hỏa hoạn tại "biểu tượng của Cơ đốc giáo ở Pháp và trên thế giới" đã gây sốc và buồn và nói rằng họ đang cầu nguyện cho những người lính cứu hỏa. Ảnh: AP.
    Nhà thờ có từ thế kỷ thứ 12 từng được mô tả trong tiểu thuyết kinh điển "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà" của Victor Hugo. Đây là một di sản thế giới của UNESCO thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Ảnh: Reuters.
    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hủy bài phát biểu quốc gia dự kiến vào tối 15/4 để đến hiện trường vụ hỏa hoạn và nói chuyện với các sĩ quan đang làm việc ở đây khi họ cố gắng ngăn chặn ngọn lửa. Ảnh: Reuters.
    Những người đi đường nhìn ngọn lửa và khói cuồn cuộn bốc lên từ mái nhà thờ. Hàng nghìn người đã xếp hàng trên những cây cầu bắc qua sông Seine và dọc theo bờ kè của nó, ngoài khu vực bị cảnh sát phong tỏa để theo dõi vụ hỏa hoạn. Ảnh: AFP/Getty.
    Khách du lịch và người Paris kinh hoàng nhìn trận hỏa hoạn từ những con đường bên dưới. Nguyên nhân chính xác của vụ cháy vẫn chưa được xác định nhưng báo chí Pháp dẫn lời đội cứu hỏa Paris nói rằng vụ hỏa hoạn có khả năng liên kết với dự án cải tạo trị giá 6 triệu euro (6,8 triệu USD) của phần mái vòm và 250 tấn chì trên đó. Ảnh: AP.
    Mọi người xem Nhà thờ Đức Bà đang cháy từ bờ sông Seine ở Paris. Khoảng 400 lính cứu hỏa chiến đấu với ngọn lửa. Thị trưởng thành phố Anne Hidalgo cho biết bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật và vật thánh trong nhà thờ đã được phục hồi. Ảnh: AP.

    Viethome (theo Zing)

  • Có thành phố hải ngoại nào sống động trong ký ức và hoài niệm của nhiều thế hệ VN bằng Paris? “Paris có gì lạ không em?” - thơ Nguyên Sa da diết đã là thành ngữ mỗi lần đến Paris, mỗi lần nhớ Paris.

    Rue de Saigon - Phố Sài Gòn yên ắng giữa Paris.

    Đâu chỉ VN thôi, trên thế giới đã có hằng hà những bài thơ, bản nhạc, tranh vẽ, ảnh chụp, tản văn, tiểu thuyết, phim truyện và kịch nói về Paris hoa lệ, về số phận những con người gặp nhau ở kinh thành Ánh sáng. Vậy đó, Paris - không chỉ nổi tiếng bởi đền đài, kiến trúc nguy nga, khung cảnh lãng mạn mà còn là nơi lan tỏa những tư tưởng khai sáng, nơi hội tụ các nền văn hóa từ Tây sang Đông.

    Với VN, Paris quen thuộc, không chỉ vì duyên nợ của lịch sử kết nối hai đất nước mà còn bằng tâm hồn đồng điệu nhiều mặt của hai dân tộc. Trong đó, với người Sài Gòn, Paris trước nhất là hình mẫu nguyên gốc của những con đường “cây dài bóng mát”, “hàng cây thắp nến lên hai hàng”, những quán cà phê hàng hiên...

    Và rồi, đến Paris, người Sài Gòn gặp lại hình ảnh nhà thờ Đức Bà trầm mặc, tòa thị chính như một lâu đài cổ tích giữa phố, gặp lại những tòa nhà kiểu dáng Gothique, Baroque, Beau Arts may mắn vẫn còn đây đó ở thành phố xa thủ đô nước Pháp vạn dặm... Không những thế, Paris còn có đông người Sài Gòn nhiều thế hệ, có nhiều dấu tích liên quan Sài Gòn đến lạ.

    Phố Sài Gòn 150 năm

    Người viết đến Paris lần đầu năm 1993, từ đấy đã ghé hơn 10 lần, chủ yếu vì công việc. Nhưng mỗi lần đến là một lần khám phá mới về nước Pháp. Lần nào cũng đều gặp lại Sài Gòn ở Paris!

    Chẳng hạn từ Khải Hoàn Môn, đi bộ dọc theo đại lộ La Grande Armée, đúng như Google Maps mách bảo, chưa đầy 5 phút là đến phố Argentine. Rẽ vào đây mươi bước thì thấy một con đường nhỏ chạy song song với đại lộ La Grande Armée - đây rồi, trên vách tòa nhà đầu đường có gắn bảng Rue de Saigon - Phố Sài Gòn!

    Nhà hàng Phở Hòa Pasteur Sài Gòn ở quận 13 - Paris (ẢNH: PHÚC TIẾN)

    Con phố hoàn toàn im ắng, không có quán xá cửa hàng, chỉ có biệt thự và cao ốc căn hộ kiểu xưa 5 - 7 tầng. Xe hơi du lịch đậu dọc con phố san sát. Cuối phố là một con phố nhỏ khác mang tên Rude. Góc giáp ranh giữa phố Rude và phố Sài Gòn dẫn ra một vườn hoa xinh xắn. Ở đây cả hai tòa nhà đầu phố đều gắn bảng Rue de Saigon.

    Hóa ra bảng tên đường Sài Gòn bao đời nay có màu sắc y chang bảng tên đường Paris: chữ trắng chạy trên nền xanh dương đậm! Trong khi đó, ở London và Hồng Kông bảng tên đường có chữ đen trên nền trắng, ở New York và Singapore - chữ trắng viết trên nền xanh lá cây.

    Tuy nhiên, so với bảng tên đường ở Sài Gòn, thiết kế bảng tên đường Paris kiểu cách hơn. Nhìn từ xa, nó có dáng của một tòa nhà cổ điển thu nhỏ. Bên dưới là hình chữ nhật, có tên phố được kẻ ở giữa, chung quanh thêm một đường viền xanh lá cây trang nhã. Bên trên hình chữ nhật ấy là một hình bán nguyệt như mái vòm cong cong. Dưới cái vòm xinh xinh, đó là chữ số -tên của quận. Nhìn bảng tên đường Rue de Saigon, ta nhận ra nó thuộc quận 16 trong số 20 quận của Paris.

    Theo trang web của Tòa thị chính Paris, Phố Sài Gòn chỉ dài khoảng 100 m, lòng đường 10 m nhưng đã có đúng 150 năm! Thuở ban đầu, phố này có tên gọi là Pelouse, xây dựng từ năm 1863, đến năm 1868 được đổi tên là Phố Sài Gòn. Năm 1868 là thời điểm 10 năm người Pháp bắt đầu xâm chiếm Việt Nam, thời điểm 3 năm chính thức thành lập Ville de Saigon, một thành phố hiện đại theo kiểu Pháp ở Đông Dương.

    Thương quá, cái Phố Sài Gòn, tuy nhỏ mà lịch sử lâu đời và có nhiều điều thú vị. Phải chăng người Pháp “nịnh đầm” Sài Gòn hay là thương nhớ cái thành phố “Hòn ngọc Viễn Đông” do họ thiết kế nên đã đặt tên và gìn giữ cái tên đó xuyên qua ba thế kỷ? Phải chi, chúng ta đáp lễ, có một con phố ở Sài Gòn - TP.HCM cũng mang tên Paris, vì xem bản đồ Sài Gòn trước 1955, đã thấy có Phố Paris nay là đường Phùng Hưng ở Q.5!

    Hiện ở TP.HCM cũng có một đoạn đường ngắn trước Bưu điện TP.HCM và nhà thờ Đức Bà (Q.1) có chữ Paris - nhưng đó là tên của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới: Công xã Paris.

    Phở Pasteur, quận 13 và dòng máu Việt

    Đến Paris ghiền đồ ăn Việt, thèm gặp người Việt thì phải đến quận 13. Ở đó, có nhiều cửa hàng VN xen kẽ với cửa hàng người Hoa, có nhiều chung cư cao tầng đông người Việt sinh sống, có thương xá Olympic một thời nhiều nhà sách Việt, kể cả cửa hàng gốc “Paris by night”.

    Hai đại lộ chính của khu này là Italie và Ivry, cùng nhiều con phố lân cận như Choisy, tràn ngập các tiệm phở và nhà hàng với nhiều bảng hiệu xuất xứ từ Sài Gòn. Đó là Phở Pasteur, Phở Hòa Pasteur, Phở 13, Phở 14, Phở 99, Phở Cây Ớt, Phở Xe lửa, Phở Nghi Xuân, Phở Mùi...

    Cho dù bảng hiệu không liên quan xuất xứ Sài Gòn, khách vào cửa hàng nhìn thấy tô phở nóng hổi kèm theo đĩa rau thơm, giá sống, tương ớt, tương đen thì biết ngay phở này nấu theo kiểu nào. Trong các nhà hàng Việt ở quận 13, dù mang tên Phở hay không ghi là Phở, dù mang tên Sài Gòn hay tên khác, vẫn có đủ loại món ăn VN. Nếu là người Sài Gòn thì sẽ thử ngay hủ tiếu, cơm tấm, bún chả giò, nem nướng, bún mắm, bún bò, bánh xèo... những món ăn khoái khẩu thành danh ở đất đô thành miền Nam từ xưa đến nay.

    ***

    Đến Paris gặp Sài Gòn, còn nhiều chuyện chưa thể kể hết trong một bài báo nhỏ. Đành hẹn lại, đành rủ bạn, nếu có đến Paris, đừng quên ngắm nét Sài Gòn!

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Những hình ảnh dưới đây có thể khiến bạn vỡ mộng về một Paris vừa lộng lẫy vừa lãng mạn, vừa nên thơ vừa cổ kính như vẫn thấy trên các bức ảnh du lịch.

    Kinh đô Ánh sáng Paris là một trong những thành phố có nhiều du khách ghé thăm và được yêu thích nhất thế giới. 

    Thủ đô hoa lệ của nước Pháp nổi tiếng với văn hóa ẩm thực và văn hóa cà phê độc đáo.

    Paris lộng lẫy và hào nhoáng, sang trọng và lãng mạn, thâm trầm và cổ kính với đủ mọi cung bậc cảm xúc khác nhau từ những công trình kiến trúc nổi tiếng đến những khu phố cổ bền bỉ qua thời gian.

    Hơn 41 triệu du khách trên thế giới đã thăm Paris năm 2017 để chiêm ngưỡng những điểm đến nổi tiếng ở đây.

    Tuy nhiên, tháp Effiel - biểu tượng của nước Pháp lúc nào cũng tấp nập du khách. Để được sử dụng một trong những thang máy đưa bạn lên đỉnh tháp, bạn có thể mất hàng giờ chờ xếp hàng hoặc đặt chỗ từ trước đó khá lâu.

    Nếu không bạn sẽ phải đi bộ 674 bậc thang để lên được tầng 2 của tháp Eiffel trong khoảng từ 30 - 45 phút.

    Và khi tới được đỉnh tháp rồi, bạn cũng không thể thảnh thơi chiêm ngưỡng Paris từ trên cao khi bị vây chặt xung quanh bởi vô số du khách khác.

    Đó là những gì sẽ xảy ra vào những ngày tháp Eiffel mở cửa bởi một số du khách kém may mắn khác thậm chí còn không thể có trải nghiệm này nếu ngọn tháp biểu tượng của nước Pháp đóng cửa vì các công nhân đình công.

    Một địa điểm nổi tiếng thế giới nữa của Paris là đại lộ Champs Élysées với những cửa hàng và những khách sạn sang trọng...

    ... cùng với Khải Hoàn Môn giàu ý nghĩa lịch sử.

    Tuy nhiên, hầu hết người dân địa phương đều tránh di chuyển ở đại lộ Champs Élysées bởi những đoàn du khách đông đúc.

    Ngay cả các quán cà phê cũng chật kín du khách.

    Louvre là bảo tàng nổi tiếng nhất Paris và là một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới.

    Bảo tàng từ thế kỷ 12 này không chỉ có lối kiến trúc độc đáo mà còn sở hữu những bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật vô giá.

    Tuy nhiên, con số hơn 8 triệu du khách ghé thăm bảo tàng Louvre năm 2017 đã phản ảnh thực tế đông đúc và những trải nghiệm không mấy vui vẻ ở đây.

    Chờ đợi là trải nghiệm quen thuộc nhất ở bảo tàng Louvre nhưng kể cả khi vào được bên trong bảo tàng rồi, bạn cũng không thể chiêm ngưỡng tác phẩm nổi tiếng nhất ở đây - nàng Mona Lisa ở khoảng cách gần như thế này.

    Thay vào đó, đây mới là thực tế bạn sẽ trải qua.

    Khu phố Montmartre nằm trên một ngọn đồi có tầm nhìn bao quát Paris là một trong những khu phố nổi tiếng nhất với du khách.

    Nhưng cũng chính điều đấy khiến bạn "vỡ mộng" nếu tìm kiếm một vẻ đẹp bình yên hay những giờ phút thảnh thơi đi dạo ở đây.

    Dù Paris không phải là một thành phố hoàn hảo nhưng thủ đô của nước Pháp vẫn là một điểm đến du lịch mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị với cảnh đẹp và văn hóa ở đây.

    Viethome (theo Khám Phá)

  • Cảnh sát Pháp đã ngay lập tức mở cuộc điều tra hình sự và bắt giữ một nghi can là phụ nữ trong vụ cháy khiến ít nhất 8 người chết, hơn 30 người khác bị thương.

    Tòa nhà bị cháy được xây dựng từ những năm 1970 - Ảnh: REUTERS

    Vụ cháy xảy ra tại một tòa nhà cao 8 tầng nằm trên đường Erlanger gần sân vận động Parc des Princes và sân quần vợt Roland Garros French Open thuộc quận 16 của thủ đô Paris (Pháp) ngày 5-2.

    Đám cháy được truyền thông địa phương mô tả là "đặc biệt dữ dội" cũng khiến ít nhất 6 lính cứu hỏa bị thương, theo hãng thông tấn AFP.

    Vụ cháy bắt đầu lúc 1h sáng 5-2 (giờ địa phương) và chỉ được khống chế hoàn toàn 5 tiếng sau đó. Hiện nguyên nhân gây hỏa hoạn vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên cảnh sát đã ngay lập tức mở một cuộc điều tra hình sự và bắt giữ một nữ nghi phạm.

    Trao đổi AFP, chỉ huy lực lượng cứu hỏa - Đại úy Clement Cognon lo ngại số người chết có thể sẽ còn tăng do lính cứu hỏa chưa thể tiếp cận được tầng 8 - tầng cháy dữ dội nhất.

    Một số người đã chọn cách thoát thân bằng cách leo sang nóc những tòa nhà bên cạnh và đợi lực lượng cứu hộ hỗ trợ. 

    "Khoảng hơn một chục người núp trên mái nhà. Tổng cộng có 50 người được sơ tán bằng nhiều cách, bao gồm cả việc sử dụng xe thang" - ông Cognon cho biết thêm.

    Hai tòa nhà liền kề tòa nhà có từ những năm 1970 đã được phong tỏa. Các quan chức địa phương đã ngay lập tức xuống hiện trường để bố trí chỗ ở cho các cư dân không thể về nhà.

    Nhiều tuyến phố dẫn đến hiện trường bị phong tỏa bởi lực lượng cứu hỏa và cảnh sát. Một phóng viên của AFP cho biết dù đứng xa nhưng vẫn nghe nồng nặc mùi khói khét lẹt.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Hơn 10.000 người đã tham gia tuần hành hòa bình tại thủ đô Paris để phản đối những cuộc biểu tình dai dẳng, gây mất ổn định cuộc sống của những người thuộc phe 'áo vàng”. 

    Theo hãng tin Quartz, ngày 27-1 tại Paris lại có thêm một cuộc biểu tình quy mô lớn, nhưng lần này không phải của những người áo vàng, mà của những người mang khăn quàng cổ màu đỏ (foulards rouges). Họ xuống đường sau khi cảm thấy quá mệt mỏi với phong trào biểu tình kéo dài của những người áo vàng (gillets jaunes).

    Những người tham gia phong trào tuần hành phản đối phe áo vàng tại Paris ngày 27-1 - Ảnh: REUTERS

    Hơn 10.000 người đã tham gia phong trào "khăn quàng màu đỏ" với thông điệp chính của cuộc tuần hành là: "Dừng lại đi, như vậy là đủ rồi" gửi tới những người "áo vàng".

    Theo tuyên bố trên trang Facebook của những người thuộc phong trào "khăn quàng màu đỏ", mục đích chính trị của họ không có gì nhiều hơn là được trở lại với cuộc sống bình thường.

    "Những người mang khăn quàng cổ màu đỏ chỉ yêu cầu một chuyện, đó là khôi phục trật tự công cộng và những quyền tự do cá nhân…. Cuộc sống phải bắt đầu lại trên đất nước chúng ta, với sự bình yên và tôn trọng", trang Facebook của phong trào này nêu rõ. 

    Những người "khăn quàng cổ màu đỏ" khẳng định họ ủng hộ nền cộng hòa. Họ lên án sự coi thường chính quyền và tình trạng bạo lực mà những người thuộc phe áo vàng đã gây ra trong suốt 11 tuần biểu tình liên tiếp vừa qua.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có rất nhiều bảo tàng khác, về các giới hạn chủ đề rất hẹp, rất đặc trưng: bảo tàng rượu vang, bảo tàng chocolate hay thậm chí bảo tàng cống thoát nước, bảo tàng lịch sử hút thuốc lá… Có tổng cộng hơn 130 bảo tàng ở Paris.  

    Thế giới bảo tàng tại Pháp

    Người Pháp thích đi xem bảo tàng. Hầu hết là như thế, nhất là dân Paris. Thích đến mức mới đầu ta nghĩ họ giả tạo, bởi ta không biết có gì hấp dẫn đến thế đằng sau những đồng xu cổ, những mảnh chai lọ chẳng còn nguyên vẹn hay một góc tường đổ mà khiến họ trầm ngâm hàng giờ, lục lọi đọc, ghi chép rồi gật gù sung sướng. Nhiều người nghiện đi xem bảo tàng, tuần nào cũng đi, đi thăm nhiều lần một cái bảo tàng cho đến khi thuộc từng ngõ ngách, am hiểu từng hiện vật mới chuyển sang bảo tàng khác (mà giá vé xem bảo tàng nói chung không hề rẻ). Sở thích ấy được truyền từ đời này sang đời khác, trẻ con vừa biết đọc biết viết đã thích đi xem bảo tàng.

    Và họ cũng sống trong một thế giới của viện bảo tàng. Ở Paris có bảo tàng Louvre, hẳn nhiều người biết. Chỉ riêng những gì có ở Louvre đã đủ để bất cứ ai phải dành nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần để xem hết, hiểu hết bởi đó là bảo tàng nghệ thuật và hiện vật cổ của nước Pháp và cả nhân loại. Louvre có hơn 35.000 hiện vật trưng bày trải khắp hơn 60.000m2 diện tích các phòng trưng bày. 

    Tôi không hiểu làm thế nào mà rất nhiều bạn bè tôi, đến Paris lần đầu tiên và đến thăm bảo tàng Louvre, chỉ sau ba tiếng đã bảo: "Xong, thế là đi hết Louvre rồi nhé, cái gì cũng xem hết cả."  Bảo tàng là một dãy các tòa nhà nối liền theo hình chữ U với nhiều tầng, các phòng ốc khá phức tạp, tôi nghĩ rằng nếu bạn đi bộ với tốc độ trung bình, chỉ đi thôi không xem gì cả, đi đủ hết các ngõ ngách của Louvre, chắc bạn cũng mất đến hai ngày. 

    Vậy nhưng rất nhiều người đến Louvre, cố chen cho bằng được đến trước bức tranh nàng Mona Lisa chỉ để selfie (tự chụp ảnh) một cái. Thế là đã đủ để tuyên bố rằng "Đã vào Louvre, xem hết rồi." Ấy là nếu như biết được mấy chữ Mona Lisa cũng đã là tốt, chứ trong đám người chen lấn cố chụp cho được bức ảnh của nàng, tôi dám chắc rất nhiều người không biết tranh này ai vẽ và vẽ ai, chỉ thấy đông người chụp và nghe nói tranh nổi tiếng, thì chụp, thế thôi.

    Musée d'Orsay

    Chuyện học sử của người Việt Nam

    Tôi không có ý chê nhiều người Việt mình ít am tường về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử nhân loại. Nếu chúng ta thiếu hụt trong lĩnh vực ấy thì chúng ta thừa nhận, thế thôi. Nếu không ai nhận, tôi sẽ nhận. Tôi mù tịt những kiến thức ấy. 

    Có thể không phải lỗi do chúng ta mà do chúng ta không có điều kiện hay thói quen thăm quan học hỏi, do nét văn hóa của chúng ta đề cao chủ nghĩa gia đình, ít đề cao việc giao tiếp xã hội, khi gặp gỡ nhau ít nói chuyện lịch sử, xã hội, địa lý… Hoặc lý do gì đó tôi không biết, nhưng quả thật khi ra nước ngoài, nói chuyện với người nước ngoài tôi mới thấy cái hạn hẹp đến xấu hổ của bản thân trong những lĩnh vực ấy. Đừng nói thế giới, ngay lịch sử, địa lý Việt Nam tôi cũng mù mờ.

    Tôi từng là một học sinh xuất sắc trong các môn học thuộc lòng. Trong vòng một tiếng đồng hồ, tôi có thể học thuộc đến từng dấu chấm, dấu phẩy một chương sách. Và tôi luôn đạt điểm cao trong các môn Lịch sử, xã hội, Địa lý. Nhưng rồi quên sạch. Thử hỏi người Việt mình có tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc hay không? Tự hào lắm chứ, nhưng khi hỏi một người trưởng thành trận Bạch Đằng diễn ra năm nào, thời nhà Lý, nhà Trần tồn tại trong bao nhiêu năm, chắc không dễ đưa ra câu trả lời ngay lập tức. 

    Tôi còn nhớ khi mới đến Pháp, học lớp cao học MBA, có một sinh viên người Anh nói chuyện với tôi về nước Pháp và các thuộc địa Pháp, cậu đó hỏi tôi Pháp đến Việt Nam từ năm nào, bắt đầu đô hộ nước mình từ năm bao nhiêu đến năm bao nhiêu. Tôi bảo chỉ biết là Pháp kết thúc đô hộ Việt Nam năm 1945 và thua cuộc chiến sau đó vào năm 1954, còn bắt đầu lúc nào thì tôi không nhớ. Cậu ta tròn mắt nhìn tôi như người đến từ hành tinh khác. Rồi một cậu sinh viên người Pháp ngồi cạnh bắt đầu "giảng" cho chúng tôi nghe về những chuyện ấy, rất say sưa, rất chi tiết. Rồi cậu người Anh cũng tham gia bàn luận. 

    Cũng chính hai anh đó nói với tôi rằng tiếng Quốc Ngữ của người Việt xuất hiện là do một số nhà truyền giáo phương Tây (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp) do nhu cầu giao tiếp với người bản xứ mà tìm cách ghi lại ngôn ngữ Việt bằng các ký tự Latin, rồi sau này mới được phát triển thêm bởi người Việt mình. Có lẽ bạn biết điều đó, nhưng quả thật khi ấy tôi hoàn toàn không biết. Tôi cứ tưởng rằng tiếng Việt là do các nho sĩ, thầy đồ tạo ra. Cũng chưa bao giờ tôi đặt câu hỏi tại sao Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực sử dụng bảng chữ cái Latin như người châu Âu. 

    Khỏi cần phải kể với bạn lúc ấy bộ dạng tôi thế nào, vừa đần ngố, vừa xấu hổ, vừa khâm phục nhìn một ông bạn Anh, một ông bạn Pháp ngồi kể cho mình nghe lịch sử nước mình. Những kiến thức ấy họ biết nhờ đâu? Có lẽ không phải từ các tiết dạy lịch sử thế giới. Họ biết được chính từ các bảo tàng, các chuyến đi và sự ham hiểu biết, ham đọc của họ, đặc biệt là vì những kiến thức ấy được sử dụng trong cuộc sống đời thường của họ.

    Musée de l'Orangerie

    Bảo tàng là cái gốc của hiểu biết

    Tôi trở lại với "thế giới bảo tàng" của người Pháp. Đến Paris bạn sẽ đến thăm Louvre, bạn sẽ nghe kể hoặc đặt chân đến cung điện Versaille, vừa là cung điện cổ, vừa là bảo tàng nghệ thuật. Nhưng còn vô số, vô số những bảo tàng ở khắp nơi, về đủ các chủ đề quen thuộc: bảo tàng chiến tranh, bảo tàng khoa học và công nghiệp, bảo tàng săn bắn và tự nhiên, bảo tàng năng lượng, y học…

     Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có rất nhiều bảo tàng khác, về các giới hạn chủ đề rất hẹp, rất đặc trưng: bảo tàng rượu vang, bảo tàng chocolate hay thậm chí bảo tàng cống thoát nước, bảo tàng lịch sử hút thuốc lá… Có tổng cộng hơn 130 bảo tàng ở Paris.

    Và tất nhiên không giống như các bảo tàng ở Việt Nam thường vắng lặng, được xây dựng lên vì nhu cầu lưu giữ các hiện vật, các bảo tàng ở Paris, dù về chủ đề gì đi nữa, luôn tấp nập người, kể cả những ngày trong tuần.

    Các trường học, ở mọi cấp từ mẫu giáo đến cao học, luôn có mối quan hệ mật thiết với các viện bảo tàng, đặc biệt là các trường tiểu học, trung học. Khi vào một viện bảo tàng nghệ thuật, lịch sử ở Paris vào một ngày trong tuần, bạn sẽ rất dễ gặp một nhóm học sinh, tay sách tay bút, được hướng dẫn bởi một nhân viên và một giáo viên. Họ học ngay tiết học lịch sử, văn học, nghệ thuật của họ dưới chân, bên cạnh một bức tranh lớn, một hiện vật gắn liền với chủ đề của tiết học ấy.

     Lần đầu tiên đến cung điện Versaille vào ngày trong tuần, tôi đã bị ấn tượng khi thấy các em bé chỉ học lớp Một, lớp Hai say sưa ngắm các bức tranh tả về những cuộc chiến cổ xưa, đầy chăm chú nghiêm túc tìm hiểu các thông tin trên bức tranh, trên những lời chú thích đặt dưới chân bức tranh để có thể trả lời các câu hỏi trong bài tập của mình. 

    Chúng học hăng say như tham dự một cuộc thi, một cuộc đố vui, sôi nổi bàn luận và hét lên vui mừng khi tìm thấy một chi tiết nhỏ. Học như thế làm gì mà chẳng thích, chẳng nhớ lâu. Học để sau này lại dắt con cái, bạn bè vào bảo tàng và dạy cho họ những điều mình đã biết, tìm hiểu những cái mới mà khi trước mình đi chưa có (thứ hấp dẫn cũng nằm ở chỗ, các bảo tàng ở Pháp vẫn thường xuyên được cập nhật những hiện vật mới, những câu chuyện mới, khám phá mới khiến người đã đi rồi lâu lâu có thể quay lại mà không nhàm chán). 

    Musée Rodin

    Học để trong bất cứ cuộc chuyện trò, trong công việc nào, người ta cũng có thể sử dụng kiến thức của mình như những bằng chứng thuyết phục nhất, như những chi tiết đáng tin cậy nhất để nhiều khi có thể lý giải, có thể trả lời cho chính những câu hỏi của mình và bạn bè. Khi ta học mà biết rõ tác dụng của cái mà ta đang học, chẳng cần có cái gậy hay củ cà rốt nào ép buộc hay chèo kéo, tự ta sẽ học say sưa.

    Trước khi đến Pháp, hình ảnh "bảo tàng" trong đầu tôi là những căn phòng rộng lớn, vắng lạnh, toát ra mùi ẩm mốc vì thiếu ánh sáng tự nhiên, là "lịch sử" nằm ngủ quên trong những góc tối, là dấu vết thời gian bị hóa thạch. Khi còn nhỏ tôi rất thích đến bảo tàng, đủ loại bảo tàng khác nhau, tình cờ có, bắt buộc có, khám phá có. Tôi còn quay lại nhiều lần nữa. Nhưng càng ngày, niềm yêu thích ấy càng giảm đi, ấn tượng về nơi mà "lịch sử đang ngủ quên" ấy càng tăng lên.

    Không phải vì ở đó không có những câu chuyện cảm động và vĩ đại, không phải vì ở đó không có tình người chan chứa, không phải vì ở đó không có những kiếp người, những số phận, những thế hệ và cả lịch sử đằng sau mỗi hiện vật, mỗi bức ảnh, nhưng bởi vì ở đó tôi luôn cảm thấy sự thiếu thốn, cảm thấy những câu hỏi của mình không được giải đáp đầy đủ, những thông tin được cung cấp nửa vời, là sự thiếu đầu tư, sự miễn cưỡng của những người có trách nhiệm. 

    Đến Pháp, tôi dần cảm nhận được các bảo tàng là kho báu hiện vật, là cái gốc của hiểu biết và đương nhiên, của sự phát triển, bản thân các bảo tàng ở Paris hay ở châu Âucũng được phát triển, tự nâng cấp không ngừng. Và lạ chưa, với người châu Âu, bảo tàng còn là nơi đem lại tình yêu: yêu nghề, yêu cuộc sống, yêu nhau. Thật đấy.

    (*) Nội dung tham khảo cuốn: Tôi và Paris- Câu chuyện một dòng sông. Tác giả: Hoàng Long.

    Viethome (theo TTVN)

  • Quận 13 của những người châu Á

    Không rõ có phải vì Pháp từng là mẫu quốc của nhiều quốc gia châu Á, nên văn hóa của người Pháp gần gũi với người châu Á hơn rất nhiều nước châu Âu khác. Người châu Á nói chung và người Việt nói riêng ở Pháp, ở Paris đặc biệt đông. Trong 20 quận của Paris, người châu Á ở khắp nơi nhưng đặc biệt tập trung ở Quận 13, một trong những quận có diện tích lớn nhất và nhiều dân cư nhất Paris.

    Điều nổi bật của quận này là những khu nhà cao hàng chục tầng (điều ít gặp trong nội thành Paris vì thành phố từ rất lâu đã hạn chế xây những khu nhà cao tầng trong nội thành nhằm không phá vỡ nét kiến trúc cổ đặc trưng), là những siêu thị thực phẩm rất rộng, nơi bạn có thể mua từ cái tăm tre đến bao gạo, từ đồ vàng mã đến những loại rau quả rất đặc trưng của Việt Nam hay châu Á.

    Và thêm nữa là những dãy phố nối dài đầy ắp những nhà hàng tiệm ăn đủ loại, lớn có, nhỏ có, sang trọng có, bình dân có. Không có quán rong vỉa hè như ở Việt Nam, nhưng có rất nhiều quán cũng cho phép người ăn ngồi ngay trên vỉa hè, dĩ nhiên chỉ khác là không có rác vứt bừa bãi thôi.

    quan 13 tai paris 1
    Quận 13 ở Paris.

    Quận 13 đặc biệt gần như không có thắng cảnh gì (khác biệt với tất cả những quận khác của Paris), chỉ có người và người, nhà (hàng) và nhà (hàng). 

    Quận 13 có thời gian giống như một quận đặc biệt "loạn" của Paris với những băng đảng kiểu Mafia, những nhóm đầu gấu không sợ pháp luật, những cuộc đấu súng ban đêm (hay cả ban ngày). Đến nỗi đã có cả một bộ phim viễn tưởng khá nổi tiếng ở Pháp được làm với viễn cảnh Quận 13 trở thành một quốc gia tự trị, độc lập, một vương quốc ngoài vòng pháp luật ở giữa Paris. Tuy nhiên, sau nhiều năm với sự nỗ lực của hệ thống pháp luật và của chính phủ, Quận 13 đã dần đi vào khuôn phép và trở nên an toàn, yên bình với người dân như bất cứ quận nào khác của Paris.

    Rằng Quận 13 rất đông người Trung Quốc, và không ai biết được, thống kê được chính thức có bao nhiêu người Trung Quốc. Bởi nhiều người trong số họ không có giấy tờ, không có kê khai chính thức. Trẻ em sinh ra cũng không được thông báo, người chết đi cũng không có thông báo và nhiều khi người ta lấy giấy tờ của người chết để dùng cho một người còn sống nhưng chưa có giấy tờ. Sau cộng đồng người Hoa là đến cộng đồng người Việt, phần lớn là người miền Nam, đến Pháp theo hai làn sóng di cư lớn những năm 1954 và 1975.

    Nghề phụ bếp cơ cực của du học sinh Việt

    Một người bạn giới thiệu tôi vào làm phụ bếp cho một nhà hàng Việt.

    Ở đây, phụ bếp có nghĩa là làm tất cả. Là đến sớm đi chợ, còng lưng đẩy một xe hàng to. Là dọn dẹp lau chùi, là thái thịt rửa rau, là lau nhà cọ bếp, là quay cuồng giữa một đống bếp ga bốc lửa hừng hực, xào nấu những món đơn giản, trong khi mắt còn trông chừng nước sôi, chảo nem quá lửa và nhất là rửa bát, chao ôi là rửa bát.

    Không phải vì tôi là gã công tử chưa biết mùi lao động hay không quen rửa bát. Tôi từng là kẻ quậy phá trong suốt một thời gian dài. Nhưng trong chính thời gian đó hay bất kỳ lúc nào khác, khi ở nhà, tôi là một "thiên thần" theo cách gọi "mỉa mai" của mấy cậu bạn tôi. Dù là con trai nhưng ở nhà tôi tự giác nấu cơm rửa bát, dọn dẹp nhà cửa không cần ai thúc giục. Bởi từ bé mẹ tôi đã bảo "con trai con gái đều phải ăn thì đều phải làm như nhau, công việc chia đều, cái gì cũng phải biết". 

    Bởi chị tôi thì bận học, rồi đi dạy thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình, ba mẹ đi làm về cũng đi làm thêm, tôi bỗng dưng thành người nấu cơm rửa bát thường xuyên trong nhà. Có thời gian nhà tôi ở tầng cao không có nước, ngày nào tôi cũng gánh cả chục gánh nước cho cả nhà sinh hoạt nên tôi quen với những việc này lắm, kể cả những việc nặng nhọc. Và tôi là người có sức khỏe, chơi thể thao thường xuyên ở mức độ gần như chuyên nghiệp.

    quan 13 tai paris 1
    Quận 13 ở Paris.

    Ấy thế mà làm việc ở nhà hàng ấy chỉ một thời gian ngắn tôi đã thấy mình kiệt sức. Một ngày lao động 14 tiếng gần như không nghỉ. Thật ra trên hợp đồng thỏa thuận bằng miệng thì có hai tiếng nghỉ trưa. Nhưng không có trưa nào mà bà chủ không nghĩ ra việc cho tôi làm. Có hôm thì mang cả đống nồi ra đánh cho trắng bóng lên, có hôm thì bắc ghế lau trần nhà. Những việc ấy sau này tôi mới biết là cả chục năm rồi không có phụ bếp nào chịu làm, chỉ có tôi là bị bắt phải làm. 

    Bởi vì tôi đi làm theo kiểu làm chui, không có giấy tờ (ở Pháp, sinh viên nước ngoài được quyền đi làm, nhưng không quá 20 tiếng một tuần. Nếu muốn làm hơn thì chỉ có cách làm chui, không có hợp đồng gì cả, và nếu bị bắt thì rất phiền hà, có thể năm sau đó không được ở lại Pháp nữa) và vì tôi cần tiền quá, làm việc hết mình mà chỉ lo nhất bị chủ đuổi, nên bà bắt làm gì tôi cũng lao vào làm như thiêu thân.

    Trong cái bếp bé chừng bảy mét vuông ấy, mùa đông cũng như mùa hè, lúc nào cũng nóng đến 40 độ, vì phòng bé, trần thấp, hai bếp chính, một bếp phụ và sáu cái bếp ga thi nhau tỏa nhiệt. Có một cái cửa sổ nhưng không dám mở vì sợ khói bay sang nhà hàng xóm. Nóng đến nỗi, cứ 15 phút tôi lại phải nhúng cả nửa người vào vòi nước, thế mà 15 phút sau người đã khô cong, quần áo khô đến mức cứng lại như giấy. 

    Cả buổi tối phục vụ xào nấu, bát đĩa khách ăn cho vào các thùng nhựa lớn. Thỉnh thoảng tôi mới có thời gian rửa một thùng để lấy bát đĩa quay vòng. Cuối buổi là cả chồng thùng chất cao, rồi nồi niêu xoong chảo. Kết thúc giờ làm vào 11, 12 giờ đêm, cũng là khi sức cùng lực kiệt, giới hạn chịu đựng của con người đã ngấp nghé (hoặc có thể đã bị vượt qua từ rất lâu). Mà còn phải làm nhanh, làm sạch và không quá ồn ào vì hàng xóm sẽ kiện nếu anh gây ra tiếng ồn ban đêm. 

    Mỗi thùng bát nặng chừng 30kg nhấc lên chậu rửa, ban đầu veo một cái là lên, càng về cuối càng không nhấc nổi. Có khi tôi phải khom người xuống, nhấc thùng bát đặt lên đùi để thở, để lấy sức, rồi ép vào tủ bếp, kéo dần lên đến ngang thành chậu, rồi mới dồn sức nhấc hẳn lên mặt bồn rửa. Rất nhiều khi tôi nghĩ mình đang rửa bát bằng ý chí, còn thân xác tôi đã kiệt sức từ lâu lắm rồi. 

    Có hôm tôi đang nâng thùng bát lên thì anh đầu bếp chạy qua vứt thêm vào một cái thìa, thế mà tôi buông rơi thùng bát cái rầm. Vì lúc ấy sức đã kiệt, trong đầu chỉ chuẩn bị cho ngần ấy thôi, thêm vào một cái thìa mà tinh thần không có sự chuẩn bị thì cũng không chịu nổi.

    Có một lần sáng tôi đến sớm, trong bếp chưa có ai. Nhìn thấy một đống tấm lọc của hệ thống hút khói ngâm trong bồn rửa, tôi không hỏi han gì ai, xắn tay lên, xông vào rửa. Ban đầu cảm thấy đau nhức ở tay, tôi chỉ nghĩ là mình bị nẻ (hồi ấy mùa đông, khí hậu rất khô, một ngày ngâm nước ngâm xà phòng nhiều giờ nên tay tôi nứt nẻ ra, mà không dám dùng găng vì không quen nên làm rất chậm). 

    Mười phút sau anh đầu bếp mới đến. Anh hét lên, chạy vào giật tay tôi ra: cả hai bàn tay và cánh tay tôi đã đỏ lừ, da gần như bị lột ra. Hóa ra đêm hôm trước anh ngâm đống tấm lọc khói ấy bằng axit loại mạnh để tẩy hết dầu mỡ. May mà có cho thêm nước và sau một đêm axit đã bay đi phần nhiều, nếu không chắc lúc rút ra tay tôi chỉ còn xương. 

    quan 13 tai paris 1
    Quận 13 ở Paris.

    Thế mà hôm ấy, bà chủ chỉ bôi cho tôi chút mỡ trăn rồi lại bắt tôi đeo găng vào rửa bát tiếp như bình thường, còn quát tháo tôi rửa chậm không kịp tiến độ, rồi dọa đuổi việc, trừ lương. Cả đêm hôm ấy tôi nhức tay không ngủ được, ít ngày sau da bị bóc ra hết, da mới còn chưa kịp lên, đỏ lừ mà tôi vẫn rửa bát, đêm nào về cũng ngồi nhìn hai cánh tay sưng rộp lên, không ngủ được mà cũng không khóc được. Sau này tôi mới biết bình thường nếu xảy ra chuyện đó tôi phải được nghỉ nhiều ngày đến khi tay lành hẳn mà vẫn được hưởng lương, bà chủ còn phải bồi thường cho tôi và chịu mọi chi phí điều trị.

    Nhưng khi ấy tôi chưa biết, tôi chỉ không hiểu tại sao cũng là con người, lại cùng là người Việt xa quê mà người ta có thể đối với nhau như thế. Không chút yêu thương đã đành mà dường như còn đầy thù hận.

    Dần dần sau này, tôi mới hiểu. Tôi không viết rõ ra đây, chỉ biết rằng, trước, trong và sau cuộc "di cư", hầu hết trong số họ đã có nhiều mất mát, đau đớn, ám ảnh về cả vật chất lẫn tinh thần. Và khi con người mất đi những gì quan trọng nhất, lại mất cả niềm tin thì tình người không phải là thứ dễ dàng ban phát. Tôi nhận ra rằng so với nỗi đau mà họ mang, những gì tôi đang phải chịu đựng không có gì ghê gớm, rằng cách họ đối xử với tôi vẫn còn "tử tế". 

    Và tôi chấp nhận được hết bởi có một điều tôi khác họ: trong lòng tôi có một niềm tin, một quyết tâm mạnh hơn nhiều sức mạnh của chính tôi: tôi biết rằng một ngày những chuyện ấy sẽ kết thúc, tôi sẽ tốt nghiệp, sẽ đi làm, sẽ sống đàng hoàng như ba mẹ tôi mong ước và như tôi tự hứa với chính mình.

    * Nội dung tham khảo cuốn: Tôi và Paris- Câu chuyện một dòng sông. Tác giả: Hoàng Long.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Những cô gái người Pháp dẫu sống tới bao nhiêu tuổi họ nhất định cũng sẽ đẹp đến già

    Sinh lão bệnh tử là quy luật muôn đời mà con người trước sau gì cũng một lần nếm trải. Phụ nữ chắc chắn cũng có ngày xế bóng, nhưng có nhiều kiểu già đi khác nhau. Những cô gái người Pháp chỉ hy vọng mình có thể già đi một cách trang nhã. Vậy nên nước Pháp mới không có những cô gái ế.

    Nhưng ở nhiều nơi khác, những người phụ nữ đã qua tuổi 25 thì không nhắc tới tuổi thanh xuân, quá 35 tuổi thì không bàn tới sự trẻ trung, quá 40 tuổi thì không đàm luận về một thời dung mạo như hoa như nguyệt đã qua. Họ lại càng không nghĩ gì tới một phong thái đẹp. Họ đã quên mất rằng phụ nữ có thể vĩnh viễn theo đuổi cái đẹp.

    Những cô gái người Pháp khi 20 tuổi thì căng tràn sức sống, 30 tuổi lại ý nhị sâu xa, 40 tuổi sống rất mực trí huệ, 50 tuổi lại tự tại an nhiên, 60 tuổi sống nhẹ nhàng thảnh thơi, tới khi 70, 80 tuổi họ đã thành bảo bối vô giá.

    Những người phụ nữ cao tuổi mà vẫn xinh đẹp, đa phần đều là những người phụ nữ tới từ Pháp, ví như Audrey Hepburn. Còn ở Pháp, những người phụ nữ bình thường dẫu tuổi đã cao nhưng vẫn giữ được phong thái duyên dáng thì nơi nào cũng gặp.

    Trên những con phố ở Pháp, mọi người thường có thể bắt gặp những người phụ nữ lớn tuổi với cử chỉ trang nhã. Dáng họ vẫn rất thanh mảnh, khí chất cao sang nhã nhặn. Khi lựa chọn y phục họ không hề suy nghĩ về bất kỳ trở ngại nào liên quan tới tuổi tác, mà chỉ quan tâm xem chúng có hợp với mình hay không. Nhìn thấy họ tôi thường nghĩ, phụ nữ phải có một tâm thái như thế nào, phải có sự theo đuổi như thế nào với kiếp người?

    Là một cô gái cần nhận thức thế nào mới có thể vẫn giữ được phong thái đáng kinh ngạc này dẫu đã bước sang tuổi xế chiều?

    Ở một số quốc gia khác, rất nhiều phụ nữ đã sinh con là không còn chú ý tới vóc dáng của mình. Họ dồn tâm sức chủ yếu lên chồng mình và những đứa con thân yêu. Tự trong tâm mình họ đã cho rằng mình không còn trẻ nữa, mình đang già đi cùng năm tháng. Chúng ta có thể đọc được tuổi từ trên khuôn mặt và vóc dáng của họ. Do đó họ cũng chẳng để tâm xem người khác hỏi mình đã bao nhiêu tuổi. Đôi khi họ còn chủ động cười nhạo mình đã già rồi.

    Xinh đẹp kỳ thực là điều rất thực tế. Nó không chỉ toát ra từ dung mạo Trời ban, mà còn toát ra từ chính vẻ đẹp sâu thẳm trong tâm hồn. Đẹp chính là sau khi mệt mỏi chúng ta lập tức rửa sạch khuôn mặt, là sau khi ra khỏi nhà bếp lau sạch đôi tay bóng nhẫy dầu mỡ. Đẹp là trước khi ra khỏi cửa tô một chút son hồng thắm, là khi đi trên đường lưng thẳng, hiên ngang. Đẹp là sự tiết chế khi đối diện với đủ loại cám dỗ, là luôn mỉm cười một cách phù hợp khi ở chốn đông người. Đẹp là thần thái luôn trầm tĩnh khi đối diện với những lời khen ngợi…. 

    Phụ nữ đừng bao giờ vứt bỏ cái đẹp. Chỉ cần tự mình quan tâm tới bản thân nhiều hơn chút nữa, tự mình yêu cầu mình nhiều hơn nữa. Chỉ cần trong tâm luôn nghĩ mình xinh đẹp, duyên dáng thì dù ở độ tuổi nào cũng đều toát ra vẻ ung dung và trang nhã đó.

    “Xinh đẹp là trách nhiệm của chúng tôi, duyên dáng là tâm thái của chúng tôi”

    Sau đây là những dòng tâm sự của một cô gái người Pháp: “Xinh đẹp là trách nhiệm của chúng tôi, duyên dáng là tâm thái của chúng tôi. Dẫu cho chúng tôi đã trải qua những chuyện gì, thì chúng tôi cũng không bao giờ vứt bỏ cái đẹp. Đây là cách mà chúng tôi yêu chính bản thân mình”.

    Cho nên những cô gái, dù ở đâu, dù bao nhiêu cái xuân xanh đã qua đi, hãy để chúng ta mãi là một người phụ nữ thanh lịch, duyên dáng như những cô gái người Pháp.

    Hình ảnh duyên dáng của những cô gái Pháp

    Về cơ bản những cô gái Pháp chỉ thích trang điểm nhẹ nhàng tự nhiên. Họ không quá cầu kỳ trong việc vẽ mắt, trang điểm lông mày. Họ thích màu tóc tự nhiên (đa phần là màu nâu vàng), kiểu tóc và cách trang điểm đều khá mộc mạc. Rất ít người đi dép cao gót, hay quàng những chiếc khăn lụa hoa lệ. Đồ trang sức cũng khá đơn giản.

    Những cô gái Pháp thích những bộ trang phục tạo cảm giác thoải mái, đoan trang, nhã nhặn. Họ cũng không thích xăm trổ lên người, xăm hoa hay xăm chữ lên cánh tay.

    Sức hấp dẫn lớn nhất từ những người phụ nữ này lại đến từ nội tâm. Phong thái lạc quan, an nhiên, tự tại toát ra trên người họ, nên tuổi tác không thể ngăn cản phụ nữ Pháp luôn xinh đẹp và thanh lịch trong mắt mọi người. Sự duyên dáng, trang nhã theo kiểu Pháp không phải đến từ những ly rượu vang, những chiếc khăn lụa hoặc những đôi giày cao gót.

    Phụ nữ Pháp cũng rất giỏi hóa thân vào các vai trò khác nhau trong cuộc sống. Họ có thể đóng nhiều vai cùng một lúc. Họ vừa có thể là một người mẹ, một người vợ hiền, một nhân viên tốt, cũng có thể làm một cô tình nhân bé bỏng, nũng nịu, một người bạn sẵn lòng lắng nghe người khác trút bầu tâm sự bên chồng mình.

    Chỉ cần thay đổi tâm thái và nhận thức của chúng ta về cái đẹp và không ngừng chăm chút cho vẻ đẹp nội tâm, bạn sẽ luôn là một người phụ nữ tuyệt vời trong mắt mọi người xung quanh.

    Viethome (theo nuocphap)