• Dự kiến vào cuối tháng 3, Pháp sẽ đốn hạ 1.000 cây sồi để xây dựng lại phần chóp và mái vòm của nhà thờ Đức Bà Paris sau hỏa hoạn kinh hoàng hồi tháng 4/2019.

    skynews notre dame fire spire 5297990

    Nhà thờ Đức Bà Paris đã bị nhấn chìm trong biển lửa vào tháng 4/2019, khiến người dân Pháp và trên thế giới xót xa khi tòa nhà mang tính biểu tượng của nước Pháp bị hư hại nặng.

    Ngọn tháp bằng gỗ của Nhà thờ Đức Bà đang được xây dựng lại bằng cách sử dụng những cây sồi hàng trăm năm tuổi, được chặt hạ từ một khu rừng hoàng gia trước đây sau gần hai năm tháp này bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn trên.

    Ngọn tháp phủ chì, trong hơn 150 năm là giới hạn xác định đường chân trời ở trung tâm thành phố Paris, đã bị thiêu rụi bởi ngọn lửa và sụp đổ trước sự chứng kiến đầy kinh hoàng của người dân Paris và những người theo dõi qua màn hình khắp nơi trên thế giới.

    Ảnh chụp từ trên không cho thấy thiệt hại do hỏa hoạn đối với Nhà thờ Đức Bà. (Ảnh: AP)

    Vào mùa hè năm 2020, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo, ngọn tháp cao 96 m này sẽ được xây dựng lại như thiết kế ban đầu của khiến trúc sư Eugene Viollet-le-Duc vào thế kỷ 19. Và việc xây dựng lại này cần tới 1.000 cây sồi để công tác thi công công trình ngọn tháp và khung của nhà thờ được triển khai.

    Vào đầu năm 2021, những cây sồi thích hợp ở rừng Domaine de Berce, gần Le Mans đã được lựa chọn. Tất cả những cây sồi đạt tiêu chuẩn này phải được chặt trước cuối tháng 3 trước khi cây tiết ra lượng nhựa nhiều, khiến gỗ sồi bị quá ẩm.

    Theo ông Aymeric Albert, Giám đốc Thương mại của Ủy ban Lâm nghiệp Pháp, việc xẻ những cây sồi 200 tuổi này là rất "đặc biệt". Thân cây đủ lớn để tạo ra một dầm dài 18 m, giúp nâng đỡ trọng lượng của ngọn tháp. Ông Albert cho biết thêm: "Các thân sồi này hoàn toàn thẳng và không có bất kỳ khiếm khuyết nào".

    Các thân sồi, mỗi thân có trị giá khoảng 15.000 Euro, sẽ được phơi khô từ 12 đến 18 tháng trước khi được cưa xẻ để sử dụng.

    Sau khi đốn xong số gỗ cần thiết, nhân viên kiểm lâm sẽ tiếp tục ươm mầm để trồng cây sồi mới tại khu rừng nói trên.

    Theo Kênh 14

  • Các tỷ phú từng hứa hẹn quyên góp hàng trăm triệu USD cho công tác tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris đến nay vẫn "im hơi lặng tiếng".

    Tỷ phú người Pháp tuyên bố quyên góp hàng trăm triệu USD để tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris đến nay vẫn chưa chi một xu nào cho công tác trùng tu di tích nước Pháp. Thay vào đó, chủ yếu là các cá nhân người Mỹ và người Pháp trả các khoản hóa đơn và tiền lương cho 150 công nhân tu sửa nhà thờ từ vụ hỏa hoạn cách đây đúng 2 tháng.

    Vụ hỏa hoạn ngày 15/4 đã thiêu rụi phần mái vòm của nhà thờ. Trong tháng này, các "mạnh thường quân" sẽ bàn giao khoản thanh toán đầu tiên trị giá 3,6 triệu euro để xây dựng lại nhà thờ.

    "Các nhà tài trợ lớn không trả tiền dù chỉ một xu", đại diện thông tấn của Nhà thờ Đức Bà, ông Andre Finot cho biết. "Họ muốn biết chính xác tiền của họ được sử dụng vào việc gì và nếu họ đồng ý với bản kế hoạch, họ sẽ giao nó".

    Quá trình tu sửa Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn đang diễn ra dựa vào tiền của các nhà tài trợ nhỏ và các quỹ từ thiện. Ảnh: AP.

    Gần 1 tỷ USD đã được hứa hẹn bởi một số gia đình và công ty giàu có và quyền lực bậc nhất nước Pháp chỉ trong vài giờ và vài ngày sau vụ hỏa hoạn đến nay vẫn "mất dạng". 

    Theo AP, tỷ phú Francois Pinault của Artemis, công ty mẹ của Kering - sở hữu Gucci và Saint Laurent, đã hứa rút túi 100 triệu euro (112 triệu USD), trong khi Patrick Pouyanne, CEO công ty năng lượng Total của Pháp, cũng hứa hẹn một con số tương tự.

    Bernard Arnault, Giám đốc điều hành của "gã khổng lồ hàng hiệu" LVMH - công ty sở hữu Louis Vuitton và Dior, đã cam kết chi 200 triệu euro (tương đương 224 triệu USD). Quỹ Bettencourt Schueller của gia đình LedomOréal cũng hứa hẹn tương tự.

    Theo ông Finot, không có khoản tiền nào trong số này xuất hiện. Các nhà tài trợ cần theo dõi kế hoạch tái thiết tiến triển như thế nào.

    Vụ hỏa hoạn ngày 15/4 đã thiêu rụi phần mái vòm của nhà thờ. Ảnh: AP.

    Trên thực tế, hoạt động tu sửa nhà thờ đã diễn ra suốt nhiều tuần qua và nhà thờ phải nhờ vào các quỹ từ thiện để tài trợ cho giai đoạn tái thiết đầu tiên.

    Quỹ "Những người bạn của Nhà thờ Đức Bà Paris" được thành lập vào năm 2017. Chủ tịch của nó, ông Michel Picaud ước tính rằng 90% số tiền mà họ đã nhận được đến từ các nhà tài trợ Mỹ. Ông cũng vừa trở về sau chuyến đi gây quỹ ở New York.

    "Người Mỹ rất hào phóng với Nhà thờ Đức Bà và di tích này được yêu thích ở Mỹ. Sáu trong số 11 thành viên hội đồng quản trị của chúng tôi là người Mỹ", ông Picaud nói.

    Theo ông Picaud, khoản thanh toán đầu tiên cũng bao gồm tiền từ các nhà tài trợ Pháp. Chính quyền Pháp tài trợ cho hoạt động tu sửa lớn nhất.

    Viethome (theo Zing)

  • Công ty kiến trúc UMA đến từ Stockholm gây bất ngờ với đề xuất xây dựng bể bơi hình chữ thập trên nóc nhà thờ Đức Bà Paris, khi sắp có cuộc thi thiết kế phần mái mới sau vụ cháy.

    Sau khi phần mái và chóp của Nhà thờ Đức bà bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn hồi tháng 4, chính phủ Pháp đã tổ chức một cuộc thi quốc tế để tìm phương án khôi phục tòa nhà trở lại với vẻ huy hoàng như trước, theo Guardian.

    Tổng thống Pháp Emamanuel Macron cho biết ông cởi mở với một "điểm nhấn đương đại" để xây dựng lại nhà thờ "đẹp đẽ hơn trước". Trong khi đó, Thủ tướng Edouard Philippe hy vọng phần chóp mới của nhà thờ sẽ "phù hợp với các kỹ thuật và những thách thức của thời đại chúng ta".

    Các ý tưởng được đưa ra tới thời điểm này có vẻ đều không làm hài lòng những người theo chủ nghĩa truyền thống, vốn muốn khôi phục nhà thờ như cũ với nét gothic xây dựng từ thế kỷ 12 và phần chóp được xây vào thế kỷ 19 bởi kiến trúc sư Eugene Viollet-le-Duc.

    Bản vẽ đề xuất xây dựng bể bơi trên nóc Nhà thờ Đức Bà của công ty kiến trúc UMA. Ảnh: UMA.

    Một tuần sau vụ hỏa hoạn hôm 15/4, công ty kiến trúc Pháp NAB công bố bản thiết kế phần mái nhà thờ được xây dựng từ những tấm kính khổng lồ. Nhiều ý tưởng khác đề xuất việc xây dựng một công viên hoặc ban công trên mái, thậm chí là một cánh rừng nhỏ với phần chóp bằng kim loại hoặc kính màu.

    Kiến trúc sư nổi tiếng người Anh Norman Foster đề xuất xây dựng phần chóp giống như một kim tự tháp với pha lê và thép không gỉ. Một số khác cho rằng phần chóp không nên được xây dựng lại mà thay vào đó sẽ hiện lên hoàn toàn bằng ánh sáng từ các ngọn đèn chiếu.

    "Chúng ta không bắt buộc phải xây nó lại y như cũ", ông Alexandre Chassang, kiến trúc sư đề xuất xây dựng phần chóp bằng kính, cho biết.

    Công ty thiết kế UMA có trụ sợ tại Stockholm thậm chí còn đưa ra ý tưởng xây dựng một bể bơi hình chữ thập ở toàn bộ phần mái của nhà thờ. Phần mái này vốn được "canh giữ" bởi các bức tượng của 12 tông đồ, may mắn bị tháo dời để phục vụ quá trình tu sửa nên "sống sót" qua trận hỏa hoạn.

    "Một thánh đường, theo ý kiến của chúng tôi, không phải là một hòn đảo bị cô lập trong không gian đô thị, nó thuộc về thành phố và thuộc về người dân", UMA giải thích.

    Ông Florian Renucci, thợ phục chế bậc thầy tại khu vực xây dựng dựng thử nghiệm kiến trúc thời trung cổ ở Guedelon, Burgundy, tin rằng Nhà thờ Đức bà nên - và có thể - được phục hồi như cũ.

    Thiết kế phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris với mái vòm bằng kính màu xanh của một công ty khác. Ảnh: Vincent Callebaut.

    "Việc khôi phục Nhà thờ Đức bà cần tôn trọng các kỹ thuật của thời đại mà nó được xây dựng, đặc biệt là sự hài hòa với nét kiến trúc gothic tổng thể đến từ sự kết hợp giữa tài năng của những người dựng lên nó và các vật liệu họ sử dụng bao gồm đá, gỗ, sắt và thủy tinh", ông Renucci nhận định.

    "Chúng ta phải tôn trọng tinh thần đó. Giai đoạn gothic là một điểm nhấn trong lịch sử kiến trúc, nếu chúng ta làm đúng, nó sẽ tồn tại thêm 1.000 năm nữa", chuyên gia này chia sẻ.

    Viethome (theo Zing)

  • Nạn nhân ban đầu chỉ đồng ý quan hệ với một người, nhưng sau đó bị đồng nghiệp của anh này cưỡng hiếp tập thể.

    6 lính cứu hỏa thuộc lữ đoàn "Anh hùng Nhà thờ Đức Bà" bị cáo buộc hiếp dâm tập thể một du khách ngay tại đồn cứu hỏa hôm 3/5. Nạn nhân là một nữ sinh Scandinavian, 20 tuổi, không được nêu tên vì lý do pháp lý.

    Cô này tuyên bố đã đồng ý quan hệ tình dục với một sĩ quan khi gặp anh tại một quán bar. Tuy nhiên, nạn nhân sau đó bị đồng nghiệp của anh này tấn công tại đơn vị của họ ở phía nam Paris.

    Sự việc diễn ra sau khi tất cả các thành viên của Lữ đoàn Cứu hỏa Paris được ca ngợi như "những anh hùng" đã cứu Nhà thờ Đức Bà khỏi vụ hỏa hoạn kinh hoàng hôm 15/4.

    Tổng thống Emmanuel Macron đã mời 500 người trong số họ tới Điện Elysee và thông báo sẽ trao huy chương vàng cho họ: "Đất nước và toàn thế giới đang dõi theo chúng ta và các bạn là những tấm gương".

    Nguồn tin thân cận với cuộc điều tra vụ hiếp dâm cho biết: "Người thưa kiện cho biết đã bị một trong số những người đàn ông đó tấn công vào thứ sáu tuần trướcCô đã gặp một sĩ quan trong quán bar và đồng ý quan hệ với anh ta, người này không phải nghi phạm. Anh ta đã đưa người Phụ nữ trở lại đồn cứu hỏa của mình. Đây là nơi xảy ra những vụ tấn công". 

    Vụ hiếp dâm tập thể được cho là xảy ra tại đồn cứu hỏa Plaisance, cách nhà thờ Đức Bà Paris chưa tới 3 dặm. Lính cứu hỏa Paris đều ở trong quân đội, nghĩa là họ ở trong những khu nhà kiểu doanh trại, có phòng ngủ riêng cùng với các khu vực tập thể.

    Căn phòng xảy ra vụ tấn công hiện được xem là hiện trường vụ án và đang được các nhân viên pháp y kiểm tra. 6 nghi phạm, chưa được nêu tên, ở độ tuổi từ 25-35, phải đối mặt với một loạt cáo buộc hãm hiếp khác nhau. "Họ được cho là đã uống khá nhiều rượu ở thời điểm tấn công, rạng sáng thứ bảy. Những du khách nữ khác cũng có mặt ở trong đồn. Nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng bị sốc và đã báo cáo sự việc lên các công tố viên", nguồn tin nói thêm.

    Tất cả những người đàn ông đã bị bắt vào cuối tuần và ra hầu tòa ở Paris vào sáng 6/5. Tuy nhiên, tất cả bị cáo đều bác bỏ các cáo buộc.

    Tại Pháp, hiếp dâm bị phạt tù tới 15 năm và có thể lên đến 20 năm nếu như có tình tiết tăng nặng, chẳng hạn như tấn công tập thể.

    Gabriel Plus, phát ngôn viên của Lữ đoàn Cứu hỏa cho biết tất cả các nghi phạm đã bị đình chỉ công tác. Ông cho biết những cáo buộc này "chống lại các giá trị mà lính cứu hỏa Paris duy trì, họ phải là những người gương mẫu”.

    Vào tháng 1, hai cảnh sát Paris đã bị bỏ tù 7 năm vì cưỡng hiếp một du khách đến từ Canada trong căn phòng ở trụ sở làm việc, cạnh Nhà thờ Đức Bà.

    Viethome (theo tinnhanhonline)

  • 3 gia tộc giàu có nhất nước Pháp đã ra tay cứu công trình biểu tượng của đất nước, khi góp số tiền lên tới 565 triệu USD.

    Theo CNN, các tỷ phú đứng sau tập đoàn LVMH Group, Kering và L'Oreal góp tổng cộng số tiền lên tới 565 triệu USD.

    Bernard Arnault sở hữu tập đoàn LVMH.

    Bernard Arnault, người sở hữu tập đoàn LVMH thông báo góp 226 triệu USD. Gia tộc Bettencourt Meyers điều hành thương hiệu mỹ phẩm L'Oreal, cũng góp số tiền 226 triệu USD. Gia tộc Pinault sở hữu tập đoàn Kering ủng hộ 113 triệu USD.

    Cả 3 gia tộc đều viện dẫn lòng yêu nước và bản sắc văn hóa chung là lý do khiến họ sẵn sàng quyên góp để tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris.

    LVMH là tập đoàn sở hữu các thương hiệu Louis Vuitton, Christian Dior và Givenchy. Tập đoàn này mô tả Nhà thờ Đức Bà Paris là “biểu tượng của di sản và sự thống nhất của Pháp”.

    Bernard Arnault hiện là người giàu thứ ba trên thế giới, với khối tài sản lên tới 90 tỷ USD, theo Bloomberg, hơn cả Warren Buffett hay Mark Zuckerberg.

    Ngoài các thương hiệu thời trang nổi tiếng, LVMH còn sở hữu thương hiệu đồ uống có cồn như Dom Pérignon, Hennessy và Veuve Clicquot

    Trong khi đó, gia tộc Kering sở hữu các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Yves Saint Laurent, Alexander McQueen và Balenciaga.

    “Thảm kịch này khiến mọi người dân Pháp đau đớn. Đối mặt với thảm kịch, mọi người đều ao ước khôi phục báu vật của Paris càng sớm càng tốt”, François-Henri Pinault, tổng giám đốc điều hành tập đoàn Kering, phát biểu. Ông là con trai của tỉ phú Francois Pinault, người sáng lập Kering.

    Gia tộc Pinault hiện sở hữu khối tài sản khoảng 37,3 tỷ USD, theo Bloomberg.

    Francois-Henri Pinault, CEO của Kering.

    Gia tộc Bettencourt Meyers, điều hành thương hiệu mỹ phẩm L'Oreal, cũng sở hữu các thương hiệu khác như Maybelline, Lancome, Garnier và Kiehl's. Francoise Bettencourt Meyers hiện là người phụ nữ giàu nhất thế giới với khối tài sản 53,5 tỷ USD, theo Bloomberg.

    Bà thừa kế tài sản từ người mẹ Liliane Bettencourt – người qua đời năm 2017. Bettencourt Meyers là cháu của người sáng lập công ty, Eugene Schueller.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ khôi phục Nhà thờ Đức Bà nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình này có thể sẽ mất tới vài thập kỷ.

    Viethome (theo Dân Việt)

  • Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá để trở thành một trong những biểu tượng của nước Pháp và châu Âu.

    Ngọn lửa cơ bản được khống chế từ khoảng 2 giờ sáng theo giờ Pháp, tức 7 giờ sáng 16/4 theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng cứu hỏa vẫn phải tiếp tục chiến đấu với những đám cháy nhỏ bên trong nhà thờ, đặc biệt là phải bơm nước để làm nguội hiện trường trước nguy cơ một số vị trí có thể sụp đổ do nhiệt độ cao, đồng thời ngăn ngừa ngọn lửa bùng phát trở lại.

    Lực lượng cứu hỏa cũng được triển khai đến mọi vị trí trong nhà thờ để đánh giá cơ bản những thiệt hại đã xảy ra. Theo một nguồn tin từ lực lượng cứu hộ, 2/3 diện tích Nhà thờ Đức Bà Paris đã bị lửa tàn phá. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra, các nỗ lực dập lửa suốt đêm đã giúp giữ được cấu trúc chính và mặt tiền của nhà thờ, giúp cho khả năng khôi phục trong thời gian tới thuận lợi hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp người dân hay khách du lịch nào bị thương trong vụ cháy, tuy nhiên 1 lính cứu hỏa đã bị thương nặng trong quá trình làm nhiệm vụ.

    (Đồ họa: VnExpress)

    Những sản vật vô giá

    Phát ngôn viên của nhà thờ Andre Finot nói với các phóng viên rằng gần như mọi thứ bên trong đã bị thiêu rụi và sẽ chẳng còn gì ngoài những khung hình trơ trọi. Ông Finot cho biết một số cấu trúc bằng gỗ từ thời trung cổ, điều kỳ diệu truyền cảm hứng cho hàng trăm triệu người tới thăm trong nhiều thế kỷ qua đã bị phá hủy, nhưng rất may các di vật tôn giáo linh thiêng nhất đã được bảo quản an toàn.

    Theo tờ Figaro, 16 bức tượng trang trí trên mái của nhà thờ Đức Bà đã được dỡ xuống vào tuần trước theo một dự án trùng tu.

    Cụ thể, 12 bức tượng của các tông đồ và 4 bức tượng của các nhà truyền giáo vốn nằm trên mái nhà thờ trong hơn 150 năm đã được dỡ xuống vào tuần trước và gửi đi phục hồi. Theo dự án, các bức tượng sẽ được trả lại vào vị trí cũ trên nóc nhà thờ vào năm 2022.

    Trần nhà thờ chứa hàng nghìn dầm gỗ sồi, một số trong đó có niên đại từ thế kỷ thứ 12. (Ảnh: CNN)
    Theo ước tính, 13.000 cây sồi 300-400 tuổi đã bị đốn hạ để làm khung xà cho nhà thờ vào thời điểm nó được xây dựng. (Ảnh: Itscarmen)
    Điểm nổi bật nhất bên trong nhà thờ chính là 3 bộ ô kính hình hoa hồng có niên đại từ thế kỷ 13.
    Khu vực bên dưới nhà thờ là một hầm mộ cách mặt đất khoảng 79m, được phát hiện trong cuộc khai quật năm 1965 và mở cửa cho du khách tham quan từ năm 1980. Đây là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá từ thời La Mã. (Ảnh: Wikimedia)

    Biểu tượng của kiến trúc, tôn giáo, văn hóa

    Trước khi bị hỏa hoạn thiêu rụi, nhà thờ Đức Bà là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất nước Pháp và được xem là trái tim của thủ đô Paris.

    Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) không chỉ là biểu tượng của thủ đô Paris mà còn là một trong các biểu tượng của văn minh Thiên chúa giáo phương Tây.

    Nhà thờ Đức Bà Paris, với các mái vòm cong hình xương cá đối xứng hai bên, là công trình tôn giáo nổi tiếng nhất của phong cách kiến trúc gothic. Nhìn từ phía ngoài, nhà thờ Đức Bà Paris nổi bật trên nền trời Paris, đặc biệt với những ai đi du thuyền trên sông Seine và chiêm ngưỡng mặt bên của nhà thờ với các tháp nhọn (flèche), các mái vòm xương cá (combles) và các ống máng nước (gargouille) mặt quỷ nổi tiếng. Bên trong nhà thờ là mái trần cao vút với các tấm kính (vitraux) và ô cửa sổ vạn hoa (rosaces) đầy màu sắc.

    Theo ước tính, Nhà thờ Đức Bà đón khoảng 35.000 lượt khách mỗi ngày, gần gấp đôi tháp Eiffel. Con số ấn tượng này biến nơi đây trở thành công trình lịch sử đón nhiều khách du lịch nhất tại châu Âu. (Ảnh: Pixabay.com)

    Tất cả vẻ đẹp của nhà thờ Đức Bà Paris được nhân lên trong văn học, với tiểu thuyết kinh điển “Nhà thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo, văn hào lỗi lạc của nước Pháp. Tác phẩm của Victor Hugo đã mang “nàng Esmeralda” hay “thằng gù Quasimodo” đi khắp thế giới, biến Nhà thờ Đức Bà Paris thành địa danh trong mơ của nhiều thế hệ độc giả toàn cầu.

    Sau hơn 8 thế kỷ tồn tại, Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá… để trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của nền văn minh thiên chúa giáo phương Tây. Với nước Pháp, Nhà thờ Đức Bà Paris là bản sắc dân tộc sâu đậm nhất của quốc gia này.

    Không chỉ là tòa lâu đài tráng lệ với những tòa tháp và tháp nhọn, những trụ đá và kính màu thu hút những người yêu nghệ thuật và kiến trúc từ khắp nơi trên thế giới, đối với các thế hệ người Công giáo, đây cũng là nơi hành hương và cầu nguyện. Nhà thờ là nơi tập hợp các thánh tích bao gồm một mảnh Gỗ Thánh Giá - được nhiều người tin là một phần của "thánh giá thực sự" mà Chúa Giêsu bị đóng đinh - và phần được cho là một trong những chiếc đinh Người La Mã dùng để đóng đinh ông.

    Nhà thờ Đức Bà không chỉ là một kho lưu trữ lịch sử và tôn giáo, nó còn có vị trí không nhỏ trong trái tim của nhiều người.

    Dù hiện tại các thiệt hại chưa được tính toán cụ thể nhưng với quy mô nghiêm trọng của vụ cháy, giới chuyên gia bảo tồn Pháp cho rằng việc phục hồi hoàn toàn Nhà thờ Paris như trước khi vụ cháy xảy ra sẽ phải mất hàng chục năm trời, thậm chí nhiều hơn. Số tiền bỏ ra chắc chắn cũng sẽ là con số khổng lồ.

    Pháp không còn cây đủ lớn để phục dựng Nhà thờ Đức Bà

    Giới chức Pháp thừa nhận khó khăn trong việc tìm cây gỗ đủ lớn để xây dựng lại phần mái vòm và tháp nhọn của nhà thờ.

    Khung cảnh bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris sau khi vụ cháy được dập tắt. Ảnh: AFP

    "Giờ đây cả nước Pháp không còn cây gỗ nào có kích thước tương đương để thay thế những dầm gỗ đã bị thiêu rụi trong đám cháy ở nhà thờ Đức Bà", Bertrand de Feydeau, phó chủ tịch Quỹ Di sản Pháp, hôm nay thừa nhận. "Phần mái vòm được làm từ những dầm gỗ hơn 800 năm. Những cây gỗ lớn như vậy giờ đã biến mất ở Pháp.

    Mái vòm và tháp nhọn của nhà thờ Đức Bà được làm từ những thân gỗ lớn bọc chì để tránh tác động của yếu tố môi trường và thời gian. Theo ước tính, 13.000 cây gỗ đã được dùng để làm dầm cho công trình, đủ bao phủ 21 hecta đất.

    Khi được hỏi liệu trên lãnh thổ châu Âu có còn cây gỗ nào đủ lớn để làm dầm cho nhà thờ và có thể nhập được vào Pháp hay không, ông Feydeau trả lời: "Tôi không biết".

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ/VnExpress)

  • Vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng hôm 15/4 khi công trình này đang tu sửa, đe dọa phá hủy một trong những dấu ấn kiến trúc hàng đầu châu Âu.

    Nhà thờ Đức Bà Paris, biểu tượng vẻ đẹp và lịch sử của Paris, chìm trong ngọn lửa kinh hoàng đêm 15/4 khiến phần lớn phần mái của thánh đường bị phá hủy. 

    Paris chìm trong khói lửa và nước mắt, những tiếng cầu nguyện không dứt.

    Bầu trời Paris chìm trong biển khói khiến thành phố càng hoang tàn khi vẫn còn đang vật lộn với những hủy hoại của nhiều tuần biểu tình và phá hoại của các nhóm áo khoác vàng. 

    Đám cháy bùng phát vào buổi tối và nhanh chóng lan tới phần mái của tòa nhà, phá hủy các cấu trúc bằng gỗ trước khi khiến tòa tháp cao nhất đổ sập.

    Theo BBC, lính cứu hỏa đang vật lộn để cứu lấy công trình kiến trúc 850 năm tuổi, nhưng tòa tháp giữa và phần mái vòm của thánh đường đã bị phá hủy. Cửa sổ Hoa hồng phía bắc của thánh đường, một trong những điểm nhấn kiến trúc của tòa nhà, may mắn không bị ảnh hưởng trong vụ hỏa hoạn.

    Tháp cao nhất và mái vòm của nhà thờ đã bị phá hủy. Ảnh: AP.

    Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn hôm 15/4, nhưng rất có thể nó liên quan tới hoạt động trùng tu nhà thờ đang diễn ra.

    Người đứng đầu lực lượng cứu hỏa Paris, ông Jean-Claude Gallet cho biết cấu trúc chính của công trình đã được bảo toàn đã ngăn được ngọn lửa không cho lan tới tòa tháp chuông phía bắc.

    Không có người nào thiệt mạng nhưng một trong số 400 lính cứu hỏa tham gia quá trình dập lửa đã bị thương, theo AP.

    Ngọn lửa bao trùm giàn giáo xung quanh tòa tháp cao nhất của nhà thờ. Ảnh: Reuters.

    Không cầm được nước mắt

    Cảnh sát Paris đã loại bỏ nguyên nhân khủng bố hoặc cố ý gây hỏa hoạn và cho biết đang điều tra theo hướng đây là tai nạn liên quan tới dự án trùng tu nhà thờ trị giá 6,8 triệu USD đang diễn ra.

    Lính cứu hỏa đang cố gắng để ngăn ngọn lửa lan tới tòa tháp phía bắc, một trong những cấu trúc chính của nhà thờ. Ảnh: AP.

    Người ta nghe thấy những tiếng nổ lớn khi ngọn lửa bùng lên qua phần mái, phá hủy các cửa số bằng kính màu của nhà thờ - một trong những công trình kiến trúc được tham quan nhiều nhất thế giới.

    Hàng nghìn người tụ tập trên các đường phố xung quanh nhà thờ, lo lắng theo dõi vụ hỏa hoạn, một số người thậm chí đã không cầm được nước mắt và một số khác thì cùng nhau cầu nguyện. Các nhà thờ xung quanh thủ đô Paris đã rung chuông.

    Khu vực màu đỏ là phần đã bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn. Đồ họa: BBC.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macronđã tới hiện trường, nói rằng tâm trí ông ở bên "toàn bộ người Thiên Chúa giáo và toàn thể nhân dân Pháp". "Giống như tất cả đồng bào của tôi, đêm nay tôi hết sức đau buồn khi phải chứng kiến một phần này của chúng ta bị thiêu đốt".

    Vì vụ hỏa hoạn nên ông Macron đã hủy bỏ một bài diễn văn quan trọng dự kiến phát trên truyền hình.

    Người dân Paris quỳ xuống đường cầu nguyện cho công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố. Ảnh: AFP.

    Sử gia Camille Pascal chia sẻ với đài BFMTV rằng trận hỏa hoạn đang phá hủy "những di sản vô giá".

    "Trong suốt 800 năm, nhà thờ đã canh gác Paris. Các sự kiện vui buồn trong hàng thế kỷ đã được đánh dấu bằng những tiếng chuông của Nhà thờ Đức Bà. Chúng tôi thấy kinh hoàng với những gì mình đang chứng kiến", ông Pascal nói. 

    Người dân Paris sững sờ trước những gì đang diễn ra. Nhà thờ Đức Bà Paris, bên cạnh tháp Eiffel, là một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố, thu hút rất nhiều khách du lịch. Ảnh: AFP.

    Địa điểm hút khách nhất Paris

    Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May đã chia buồn với người dân Pháp và cho biết hai nước sẵn sàng giúp đỡ trong quá trình khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn.

    Vatican nói vụ cháy đã "gây sốc và đau buồn", nói thêm rằng Tòa thánh đang cầu nguyện cho lực lượng cứu hỏa Pháp.

    Dù Tháp Eiffel có vẻ nổi tiếng hơn, nhưng nếu tính trên số lượng khách du lịch đến thăm thì Nhà thờ Đức Bà mới là địa điểm hút khách nhất ở Paris, khi đón 13 triệu lượt khách mỗi năm, gần gấp đôi so với con số 7 triệu của Tháp Eiffel.

    Khoảnh khắc phần chóp cao nhất của mái vòm nhà thờ sụp đổ. Ảnh: AFP.

    Thánh đường được xây dựng từ thế kỷ 12, và đang trong quá trình phục chế quy mô lớn do phát hiện các vết nứt trên phần cấu trúc bằng đá của nhà thờ. Một số bức tượng ở phần mặt tường tòa nhà cũng đã được đem đi phục chế.

    Nhà thờ là nơi lưu giữ rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật và là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách tham quan nhất thế giới. Sự nổi tiếng này được vĩnh cửu hóa với tác phẩm kinh điển "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà" của đại văn hào Victor Hugo năm 1831.

    Ông Jean-Claude Gallet cho biết lính cứu hỏa sẽ tiếp tục phun nước để làm mát tòa nhà. Tổng thống Macron kêu gọi cả đất nước cam kết cùng nhau xây dựng lại công trình mang tính biểu tượng. Một trang web gây quỹ cũng đã đi vào hoạt động, để mọi người có thể ủng hộ kinh phí sửa chữa nhà thờ.

    Tỷ phú Pháp Francois-Henri Pinault, người có tổng tài sản trị giá 31 tỷ euro, tuyên bố sẽ đóng góp 100 triệu euro cho quá trình tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris.

    Tia lửa bắn ra từ Nhà thờ Đức Bà Paris, ngày 15/4. 
    Các nhân viên cứu hỏa cho biết họ cứu được phần vỏ cấu trúc đá khỏi sự sụp đổ. Ngọn lửa bắt đầu vào buổi tối sớm bùng phát nhanh chóng qua mái nhà thờ lớn có tuổi đời hàng thế kỷ và nhấn chìm nó. Ảnh: Reuters.
    Lính cứu hỏa đã chiến đấu để ngăn chặn một trong những tháp chuông chính bị sụp đổ. Một lính cứu hỏa đã bị thương nặng. Vài giờ sau khi đám cháy lớn bùng lên, đốt cháy hầu hết mái nhà, đe dọa các tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc hàng thế kỷ bên trong, ông Laurent Nunez, thư ký của bộ trưởng nội vụ, cho biết cả hai tòa tháp của Nhà thờ Đức Bà đều đã an toàn. Ảnh: Reuters.
    Vatican cho biết vụ hỏa hoạn tại "biểu tượng của Cơ đốc giáo ở Pháp và trên thế giới" đã gây sốc và buồn và nói rằng họ đang cầu nguyện cho những người lính cứu hỏa. Ảnh: AP.
    Nhà thờ có từ thế kỷ thứ 12 từng được mô tả trong tiểu thuyết kinh điển "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà" của Victor Hugo. Đây là một di sản thế giới của UNESCO thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Ảnh: Reuters.
    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hủy bài phát biểu quốc gia dự kiến vào tối 15/4 để đến hiện trường vụ hỏa hoạn và nói chuyện với các sĩ quan đang làm việc ở đây khi họ cố gắng ngăn chặn ngọn lửa. Ảnh: Reuters.
    Những người đi đường nhìn ngọn lửa và khói cuồn cuộn bốc lên từ mái nhà thờ. Hàng nghìn người đã xếp hàng trên những cây cầu bắc qua sông Seine và dọc theo bờ kè của nó, ngoài khu vực bị cảnh sát phong tỏa để theo dõi vụ hỏa hoạn. Ảnh: AFP/Getty.
    Khách du lịch và người Paris kinh hoàng nhìn trận hỏa hoạn từ những con đường bên dưới. Nguyên nhân chính xác của vụ cháy vẫn chưa được xác định nhưng báo chí Pháp dẫn lời đội cứu hỏa Paris nói rằng vụ hỏa hoạn có khả năng liên kết với dự án cải tạo trị giá 6 triệu euro (6,8 triệu USD) của phần mái vòm và 250 tấn chì trên đó. Ảnh: AP.
    Mọi người xem Nhà thờ Đức Bà đang cháy từ bờ sông Seine ở Paris. Khoảng 400 lính cứu hỏa chiến đấu với ngọn lửa. Thị trưởng thành phố Anne Hidalgo cho biết bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật và vật thánh trong nhà thờ đã được phục hồi. Ảnh: AP.

    Viethome (theo Zing)