Rwanda nằm ở đâu? Vì sao người xin tị nạn bị gửi tới đó?

Rwanda nguoi xin ti nan 3
Hầu hết mọi người đều chưa từng nghe đến cái tên Rwanda (Ảnh: Getty)

Chính phủ Anh sắp thông báo kế hoạch trị giá hàng triệu bảng nhằm đưa người xin tị nạn đến một đất nước cách Anh quốc 4,000 dặm (gần 6,500 cây số). Người xin tị nạn được hiểu là những người đi xuồng ghe băng qua eo biển Anh.

Kế hoạch này được thảo luận giữa lúc các bộ trưởng phải đối mặt với áp lực từ những người di cư tìm mọi cách đến Anh bằng hành trình nguy hiểm qua eo biển. 

Thủ tướng Boris Johnson ủng hộ kế hoạch này, cho rằng đây là chìa khóa then chốt để chống lại ''bọn buôn người hèn hạ''. Tuy nhiên kế hoạch này đang bị nhiều tổ chức từ thiện chống đối, họ cho rằng đó là quyết định ''độc ác, bẩn thỉu''.

Nhưng chính xác thì Rwanda nằm ở đâu?

Rwanda nguoi xin ti nan 3

Rwanda là một quốc gia nằm ở chính giữa châu Phi về phía Đông, nằm hoàn toàn trong đất liền, không có biển. Nó giáp biên giới với Uganda, Tanzania, Burundi và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Đây là một trong những quốc gia nhỏ nhất ở châu Phi, nhưng mật độ dân số lại xếp thứ 5 trên toàn thế giới. Dân số ở đây vào khoảng 12.6 triệu người trên tổng diện tích 10,169 dặm vuông (tương đương 6.5 triệu héc-ta). 

Thủ đô Kigali có khoảng 1 triệu dân. Tổng thống đương nhiệm là ông Paul Kagame thuộc Đảng Rwandan Patriotic Front (RPF), đã nắm quyền từ năm 2000.

Rwanda được nhắc đến nhiều vào đầu những năm 90 khi cuộc Nội chiến Rwanda bắt đầu, do mâu thuẫn leo thang giữa nhóm người Hutu (chiếm 85% dân số) và các nhóm nhỏ Tutsi (chiếm 14% dân số) đều thuộc dân tộc Banyarwanda. 

Cuộc nội chiến kéo dài gần 4 năm và dẫn đến nạn diệt chủng Rwanda, khiến hơn nửa triệu người Tutsi chết trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 7/1994. 

Nội chiến kết thúc sau đó vào tháng 7 khi Đảng RPF thống nhất lãnh thổ, đồng thời lưu đầy chính phủ lâm thời và những kẻ diệt chủng đến Cộng hòa Zaire (nay là Congo). 

Sau khi Đảng RPF giành được quyền kiểm soát đất nước, ông Paul Kagame đã trở thành người đứng đầu chính phủ. Ông làm phó tổng thống từ năm 1994 và từ năm 2000 trở thành Tổng thống.

Rwanda có an toàn không?

Rwanda nguoi xin ti nan 3
Rwanda là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới. Ảnh: Getty

Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung UK Foreign and Commonwealth Office tuyên bố: ''Rwanda nhìn chung là một quốc gia an toàn, tỉ lệ tội phạm tương đối thấp, nhưng tội phạm đường phố vẫn xảy ra. Đã có báo cáo về các vụ trộm cướp ở Kigali trong những tháng gần đây. Bạn nên thận trọng cất giữ đồ giá trị và luôn đề cao cảnh giác''.

''Tuy nhiên, tình hình an ninh ở gần biên giới với Congo và Burundi vẫn bất ổn. Đã có những cuộc tấn công vũ trang tại Rừng Nyungwe và các Công viên Núi lửa Quốc gia ở Rwanda, cũng như tại các khu dân cư dọc biên giới. Nếu bạn di chuyển gần biên giới Congo hay Burundi, bạn nên biết trước về các rủi ro cũng như hoạt động an ninh của Chính phủ Rwanda.

''Nên cập nhật tình hình hiện tại thông qua người hướng dẫn tour, báo chí địa phương và nghiên cứu các lời khuyên về du lịch''.

Vì sao nước Anh gửi người xin tị nạn đến Rwanda?

Thủ tướng Anh nói rằng quyết định này nhằm mục đích ngăn chặn người xin tị nạn thực hiện những hành trình nguy hiểm qua eo biển, khiến họ trở thành mục tiêu của bọn buôn người. 

''Tôi hiểu rằng những người này mong mỏi có một cuộc sống tốt hơn, một khởi đầu mới ở Anh. Nhưng những hy vọng, những giấc mơ của họ đã trở thành miếng mồi ngon để kẻ khác lợi dụng. 

''Những kẻ buôn người hèn hạ lợi dụng sự cùng đường của người khác và biến eo biển Anh thành một nghĩa địa trên biển. Vô số đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã chết chìm khi di chuyển bằng xuồng hơi hoặc chết ngạt trong những xe tải đông lạnh''.

Giám đốc điều hành Hội Chữ thập đỏ Anh, ông Zoe Abrams thì lại cho rằng kế hoạch đưa người đến Rwanda là không ổn. Ông nói: ''Chi phí tài chính và nhân sự sẽ rất tốt kém. Bằng chứng cho thấy việc đẩy người xin tị nạn ra đảo (hoặc ra nước ngoài) sẽ chỉ khiến họ càng thêm khốn khổ. Chúng tôi không tin kế hoạch này đủ sức ngăn cản những con người tuyệt vọng ngừng băng qua eo biển Anh''.

Enver Solomon, giám đốc điều hành Ủy ban Tị nạn Refugee Council, cũng khẩn thiết yêu cầu chính phủ ''ngay lập tức suy nghĩ lại''. Ông nói: ''Việc đẩy người xin tị nạn ra nước ngoài hoàn toàn không giải quyết được gốc rễ vấn đề tại sao họ lại cố gắng mọi cách để tìm sự an toàn ở UK''.

Chi tiết kế hoạch sẽ được Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel công bố trong những tuần tới, với chi phí ban đầu là 120 triệu bảng sẽ được trao cho Chính phủ Rwanda để thiết kế hệ thống tái định cư cho người xin tị nạn.

Viethome (theo Metro)